Bàn Tay Phải Của Chúa Giêsu

    Bàn Tay Phải Của Chúa Giêsu

      Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa… Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành.

     Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.

     Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa như sau: “Ðây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông”.

     Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa”.

     Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy như sau: “Chính ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi”.

    Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ…

     Kinh Thánh thuật lại rằng trong cuộc hành trình tiến về đất hứa, khi đi qua giữa sa mạc, dân Israel đã bị rắn cắn. Môi sen đã sai đúc một con rắn đồng và treo lên một ngọn cây để tất cả những ai bị rắn cắn, nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành…

     Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Ngài.

    Nhìn lên thập giá của Ngài để thấy được án phạt của tội lỗi.

    Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa.

    Phải, bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.

     Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm mến được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn…

   Nhìn lên thập giá Chúa để cảm mến được ơn tha thứ của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta còn được mời để gọi tha thứ nhiều hơn. Còn tha thứ nhiều hơn, chúng ta còn dễ cảm mến được ơn tha thứ của Chúa…

 Trích Lẽ Sống           Nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Thánh Catarina ở Bôlônha

 9 Tháng Năm

  Thánh Catarina ở Bôlônha

                                                                                                 (1413 – 1463)

     Một số các thánh dòng Phanxicô có đời sống nổi nang, nhưng Thánh Catarina lại đại diện cho các thánh phục vụ Thiên Chúa trong âm thầm.

     Catarina, sinh ở Bologna, và năm mười một tuổi được chọn làm nữ tì cho cô con gái vị hầu tước ở Ferrara và nhờ đó cũng được ăn học tử tế. Khi người con gái này đi lấy chồng, cô cũng muốn Catarina đi theo hầu, nhưng Catarina đã từ giã triều đình và gia nhập dòng Ba Phanxicô khi mười bốn tuổi.

     Catarina quyết định theo đuổi một đời sống tuyệt hảo, và sự thánh thiện của ngài được mọi người khâm phục. Sau đó, cộng đoàn của ngài trở nên một phần của Dòng Thánh Clara và ngài phục vụ với công việc làm bếp và giữ cửa. Trong một thời gian ngài thường được thị kiến Ðức Kitô cũng như Satan. Một trong những thị kiến xảy ra vào dịp Giáng Sinh, ngài được thấy Ðức Trinh Nữ Maria bế Hài Nhi Giêsu. Ngài viết lại các cảm nghiệm này trong cuốn “Manifestations” (Những Sự Khải Hiện) bằng tiếng Latinh. Ngài còn sáng tác các thánh vịnh, thánh ca và có hoa tay về viết chữ đẹp và hội họa.

     Nhờ sự vận động của ngài với Ðức Giáo Hoàng Nicôla V, tu viện Dòng Thánh Clara ở Ferrara được thành lập và Sơ Catarina được chỉ định làm Bề Trên. Tiếng tăm về sự thánh thiện và đời sống khắc khổ của Cộng Ðoàn ngày càng lan rộng. Sau đó Sơ Catarina được chỉ định làm Bề Trên một tu viện mới ở Bologna.

Vào mùa Chay 1463, Sơ Catarina lâm bệnh nặng và từ trần ngày 9 tháng Ba, ngài được chôn cất mà không có quan tài. Nhưng mười tám ngày sau đó, thi thể của ngài được khai quật vì có những việc chữa lành nhờ lời cầu bầu của ngài và vì mùi thơm bốc lên từ ngôi mộ. Người ta tìm thấy thi thể của ngài không bị rữa nát và vẫn nguyên vẹn cho đến ngày nay, hiện được cất giữ ở nguyện đường tu viện Thánh Clara ở Bologna. Ngài được phong thánh năm 1712.

     Lời Bàn

     Mặc dù có cơ hội để sống một cuộc đời sung sướng trong triều đình, Thánh Catarina đã hăng hái đáp lời mời gọi của Thiên Chúa mà gia nhập đời sống tu trì. Sự thánh thiện, lòng bác ái của ngài đã thu hút nhiều người trên con đường trọn lành. Noi gương đời sống và cái chết thánh thiện của ngài, chúng ta hãy quyết tâm sống bác ái như một cùng đích của cuộc đời.

     Lời Trích

  Thánh Catarina viết về bảy vũ khí tinh thần để chống lại các cám dỗ: “Ðức Giêsu Kitô đã hy sinh tính mạng để chúng ta được sống. Do đó, bất cứ ai muốn vác thập giá của mình vì Ðức Kitô phải có những vũ khí thích hợp cho cuộc chiến đấu này, nhất là những vũ khí sau đây. Thứ nhất, sự chuyên cần; thứ hai, đừng cậy vào sức mình; thứ ba, tín thác vào Chúa; thứ bốn, hãy nhớ đến sự Thương Khó Ðức Kitô; thứ năm, hãy nhớ đến cái chết của mình; thứ sáu, hãy nhớ đến sự vinh hiển của Thiên Chúa; thứ bảy, theo các huấn thị của Kinh Thánh mà noi gương Ðức Giêsu Kitô trong thời gian ở sa mạc” (Về Bảy Vũ Khí Tâm Linh).

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Nữ Sinh Thác Loạn…

Nữ Sinh Thác Loạn…             Trích Việt Báo    Vietbao.com

 Bạn thân,

Cái thời nữ sinh e ấp bây giờ không còn bao nhiêu nữa. Chuyện đau lòng là, tình hình nữ sinh mất đạo đức ngày một tăng.

Báo Lao Động, ghi theo VnMedia, gọi đó là “Nữ sinh thường xuyên thác loạn vì lệch lạc,” trong đó ghi nhận tình hình nữ sinh quan hệ tình dục quá bừa bãi đang là tâm điểm của dư luận và gây không ít bàng hoàng với các bậc phụ huynh.

Bản tin nói, “Ngay cả trong lớp học những “trò chơi” tình cảm được các em công khai không hề ngại ngùng.”

Thê thảm tới mức, theo báo Lao Động:

“Chuyện nữ sinh mới chỉ học lớp 8, lớp 9 sinh con đã không còn là chuyện hiếm ở Việt Nam mà mấy ngày gần đây, dư luận đang rất bất bình trước việc nhiều em học sinh có thai đã gần sinh nhưng lại không hề hay biết. Có em còn tưởng mình bị đau ruột thừa như trường hợp nữ sinh T ở Nghệ An hay như việc nữ sinh V ở Đồng Tháp sinh con trong toilet của nhà trường.

Tất cả những trường hợp trên đều cho thấy, những em nữ sinh vẫn chưa hiểu biết nhiều về quan hệ tình dục mà chỉ xuất phát từ nhu cầu muốn khám phá bản thân và để chứng tỏ ta đây là người chơi ngông, không thua kém bạn bè cùng trang lứa.

Ngoài việc nữ sinh chưa hiểu hết về vấn đề tình dục nên để có thai ngoài ý muốn gây phẫn nộ trong dư luận, còn rất nhiều nữ sinh khác phải chịu cảnh mất đi sự trong trắng của người còn gái khi bạn tình phủ bỏ tránh nhiệm…

Còn đứng ở góc độ về y tế, bác sĩ Trần Danh Cường, Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết về hậu quả của việc nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Theo bác sĩ Cường, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu về tỉ lệ biến chứng sau nạo phá thai.”

Đó là chuyện sex. Còn chuyện nữ sinh đánh nhau nữa. Mà lại nữ sinh đánh nhau tập thể, ngay tại quê hương cụ Nguyễn Du.

Báo Giáo Dục VN nói ngay trên nhan đề, “Choáng với clip nữ sinh Hà Tĩnh đánh nhau tập thể” về chuyện xảy ra cuối năm 2011:

“Trong mấy ngày qua cư dân mạng lại lên cơn sốt với clip một nhóm nữ sinh khoảng 20 người đang đánh nhau tập thể.

Đoạn video trên được phát tán trên các trang mạng intenet đã thu hút hàng ngàn người xem mỗi ngày. Trong đoạn video có khoảng 20 nữ sinh mặc đồng phục và có vài nữ sinh mặc thường phục lao vào ẩu đả nhau bằng tay và chân.

Đoạn sau video còn là một cảnh hai nữ sinh một mặc đồng phục một mặc thường phục lao vào đánh tay đôi trong sự cổ vũ nhiệt tình của các nữ sinh bên ngoài. Hai nữ sinh này lao vào đánh nhau như những đô vật cấu véo, lôi tóc và đạp nhau ngay trên nền sân gạch đầy nước mưa….”

Tại sao như thế? Vì sao nữ sinh sex táo bạo như thế, vì sao bạo lực với nhau tàn khốc như thế?

Nhà thơ Nguyễn Du mà biết con cháu mình dùng bạo lực với nhau khốc liệt như thế tất sẽ than trời: Phồn hoa nhân vật loạn lai phi… (Dịch: Sau thời loạn lạc, nhân vật nơi chốn phồn hoa đã khác xưa rồi…)

Phải than là đúng vậy.

Dòng Suối Yêu Thương

Dòng Suối Yêu Thương

 (Suy niệm Tin Mừng Gioan (15, 9-17 trích đọc vào Chúa Nhật 6 phục sinh)

  Nếu có ai đó chưa biết gì về đạo thánh Chúa, yêu cầu chúng ta: “Bạn có thể giúp tôi hiểu cách vắn gọn về bản chất của đạo Thiên Chúa trong vòng năm phút được không?”

 Đề nghị nầy có thể làm cho chúng ta lúng túng. Trước một vấn đề quan trọng như thế thì dễ gì tóm gọn trong dăm ba phút? Thế nhưng lời Chúa hôm nay có thể giúp chúng ta giải quyết phần nào vấn nạn nầy.

 Có thể hiểu cách đơn giản rằng Đạo Chúa không gì khác hơn là Dòng Suối Yêu Thương với ba chiều kích:

 1. Dòng Suối Yêu Thương bắt nguồn từ Chúa Cha.

2. Dòng Suối Yêu Thương thông qua Chúa Con đến cùng chúng ta.

3. Dòng Suối Yêu Thương thông qua chúng ta đến với tha nhân.

Theo quy luật tự nhiên, các suối đầu nguồn luôn trao hết, trút hết nguồn nước của mình vào lòng các dòng sông. Suối sẵn sàng cho đi luôn mãi, không nghỉ không ngừng.

Các dòng sông, một khi đã nhận được nước từ những con suối ở thượng nguồn, cũng không ngừng cho đi, cho đi ngày đêm không ngơi nghỉ, trút hết nguồn nước của mình cho vùng hạ lưu và cho ra biển cả.

Thiên Chúa là Tình Yêu, mà đặc tính của tình yêu là thông ban, là lưu chảy như nước từ khe suối đầu nguồn trút hết vào các dòng sông rồi tuôn chảy vào đại dương.

 Dòng suối Yêu Thương bắt nguồn từ Chúa Cha

 Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn Tình Yêu. Tình yêu của Người như Suối đầu nguồn. Tình yêu ấy được thể hiện qua việc Chúa Cha yêu thương Chúa Con đến nỗi trao ban tất cả mọi sự cho Chúa Con như Lời Chúa Giê-su xác nhận: “Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy” (Gioan 5, 26).

“Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Con” (Gioan 3, 35)

Bởi vì Chúa Cha đã trao ban mọi sự cho Chúa Con nên Chúa Giê-su khẳng định: “Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy” (Gioan 17, 10)

 Dòng suối Yêu Thương thông qua Chúa Con đến cùng chúng ta.

 Chúa Giê-su chẳng những không giữ lại những gì Chúa Cha trao cho mình, mà còn đem tặng ban tất cả cho nhân loại, kể cả mạng sống của Người. Tình yêu của Chúa Giê-su lên đến cao điểm khi nâng con người phàm hèn lên hàng bạn hữu nghĩa thiết và hiến ban cả mạng sống mình cho họ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Gioan 15,13). “Yêu thương nhân loại đến cùng” (Gioan 13,1) là châm ngôn sống của Chúa Giê-su.

 Dòng Suối Yêu Thương thông qua chúng ta đến với tha nhân.

 Chúa Cha như suối đầu nguồn đã trút hết tình yêu cho Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su như dòng sông cả đón nhận tình yêu của Chúa Cha và đã trút hết tình yêu ấy cho chúng ta.

Đến lượt mình, chúng ta được kêu mời trút hết tình yêu cho tha nhân như Chúa Giê-su đã trút hết tình yêu của Người cho chúng ta.

 “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Gioan 15,12)

 Thế là dòng suối Yêu Thương xuất phát từ Thiên Chúa Cha, qua Chúa Giê-su, tuôn tràn xuống chúng ta và thông qua chúng ta để đến với mọi người khắp nơi trên thế giới. Cứ thế, dòng suối Yêu Thương lưu chảy không ngừng, không nghỉ… đem lại hạnh phúc và sự sống cho tất cả mọi người.

 Đừng cản trở dòng Suối Yêu Thương

 Thỉnh thoảng có những thân cây to lớn bên bờ ngã xuống lòng suối hoặc những ghềnh đá làm cản trở dòng chảy của con sông khiến nước không thể chảy xuôi về nuôi những cánh đồng phía dưới.

 Đừng để cho hận thù, chia rẽ, nghi kỵ… trong lòng ta trở thành những chướng ngại vật cản trở dòng chảy của tình yêu Thiên Chúa đến với anh chị em chung quanh.

 Khi không còn thương mến nhau, chúng ta tự loại mình ra khỏi gia đình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Như thế chúng ta tự làm cho mình trở thành kẻ lạc loài và cô độc.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn “ở lại trong Tình Thương” của Chúa như Chúa “hằng ở lại trong Tình Thương” của Chúa Cha (Ga 15, 9-10) bằng cách chân thành yêu mến phục vụ những anh chị em mà chúng con gặp gỡ hằng ngày.

 Linh mục Inhaxiô Trần Ngà    nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Gì cũng cười

Gì cũng cười

                                                                         Nguyễn văn Vĩnh 

 An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì; phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.

Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi.

Ví dù được y như vậy, thì ra nước An Nam ta cả dân là người hiền. Nếu thế tôi đâu dám đem lời phường chèo mà nhủ người nhếch mép bỏ tính tự nhiên mà làm bộ đứng đắn lại, nghiêm nhìn những cuộc trẻ chơi.

Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cái láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà gièm trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.

Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế…

Ừ, mà gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi, tê môi, để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng thì khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì hì, thì ai không phải phát tức.

Ta phải biết rằng, khi người ta nói với ta, là để hỏi tình ý ta thế nào. Ai nói với mình thì mình phải đáp. Tuỳ ý mình muốn tỏ tình ý cho người ta biết thì nói thực; không hiểu thì hỏi lại; mà không muốn nói tình ý cho người ta biết, thì khéo lấy lời lịch sự mà tỏ cho người ta hiểu rằng câu hỏi khi phạm đến một điều kín của mình. Hoặc là có khôn thì lựa lời mà tỏ cho người ta biết những điều mình muốn cho biết mà thôi, và khiến câu chuyện cho người ta không khỏi căn vặn được mình nữa.

Nhưng phàm người ta hỏi, mình đã lắng tai nghe, là mình nợ người ta câu đáp.

Nguyễn văn Vĩnh   trong Đông Dương Tạp Chí   

Chân Phước Crescentia Hoess

 Chân Phước Crescentia Hoess

    (1682 – 1744)

 Crescentia sinh trong một thành phố nhỏ gần Augsburg, là con gái của một người thợ dệt nghèo nàn. Khi còn nhỏ, thời giờ để chơi đùa cô đã dùng để cầu nguyện, giúp đỡ những người nghèo hơn mình, và cô hiểu biết về giáo lý nhiều đến độ được phép Rước Lễ lần đầu vào lúc bảy tuổi, sớm hơn những người cùng tuổi. Mọi người trong phố gọi cô là “thiên thần nhỏ.”

     Khi lớn lên, cô khao khát được gia nhập dòng Phanxicô. Nhưng tu viện thì nghèo và, Crescentia không có của hồi môn, nên các bề trên đã từ chối không nhận. Sau đó, trường hợp của cô được ông thị trưởng thành phố là một người Tin Lành can thiệp, vì nhà dòng có nặng ơn nghĩa với ông. Cả nhà dòng cảm thấy như bị ép buộc phải chấp nhận cô, bởi đó đời sống trong tu viện của cô thật khốn khổ. Cô bị coi là một gánh nặng và không được làm gì khác hơn là các công việc của người đầy tớ. Ngay cả tính tình vui vẻ của cô cũng bị cho là bợ đỡ hoặc đạo đức giả.

     Bốn năm sau, tình trạng của Sơ Crescentia khá hơn khi bà bề trên mới nhận ra các nhân đức của sơ. Và Sơ Crescentia được bổ nhiệm là giám đốc đệ tử. Sơ được mọi người yêu mến và quý trọng đến nỗi, sau khi mẹ bề trên từ trần, Sơ Crescentia được mọi người tín nhiệm trong chức vụ ấy.

     Dưới sự dẫn dắt của Sơ Crescentia, tình trạng kinh tế nhà dòng khấm khá hơn, và tinh thần đạo đức của Sơ Crescentia ngày càng lan rộng. Không bao lâu, Sơ Crescentia được các hoàng thân công chúa cũng như giám mục và hồng y đến xin ý kiến. Tuy nhiên, là một người con đích thực của Thánh Phanxicô, Sơ Crescentia vẫn hết mực khiêm tốn.

     Tinh thần Sơ Crescentia thì vững mạnh nhưng thể xác của ngài thường đau yếu luôn. Sơ thường xuyên bị đau đầu và đau răng. Sau đó sơ không thể đi lại được, chân tay từ từ tê liệt, co quắp lại. Mặc dù đau đớn, sơ vẫn tràn đầy bình an và niềm vui khi sơ từ trần vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1744.

  Sơ được phong chân phước năm 1900.

nguồn:  Maria Thanh Mai gởi

Chân Phước Waldo

     8 Tháng Năm

   Chân Phước Waldo

    (c. 1320)

       Waldo, còn được gọi là Vivaldo hay Ubaldo, là môn đệ của một linh mục thánh thiện, Cha Bartolo, cả hai quê quán ở miền bắc nước Ý. Khi Cha Bartolo bị bệnh cùi và phải nằm bệnh viện, Waldo đã đi theo hầu hạ ngài cho đến khi chết trong vòng 20 năm. Ðổi lại, nền tảng đạo lý của Waldo được phong phú hơn nhờ sự chỉ dẫn của vị linh mục thánh thiện.

     Sau cái chết của cha linh hướng, Waldo quyết định sống tách biệt khỏi thế gian để chỉ đối thoại với Thiên Chúa và hướng lòng đến những sự trên trời. Theo đó, ngài đi vào một khu rừng không xa nơi sinh trưởng là bao, và tìm thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu, chỉ đủ để một người quỳ ở trong đó. Và ngài đã sống cuộc đời ẩn dật trong nhiều năm, hoàn toàn cô độc.

     Người ta kể rằng, một ngày trong tháng Năm 1320, chuông nhà thờ ở ngôi làng gần đó tự nhiên vang lên từng hồi một cách lạ lùng. Khi dân làng đổ về nhà thờ để chứng kiến cảnh kỳ lạ ấy, thì một người thợ săn từ khu rừng đi ra. Ông cho biết trong khi đi săn, ông thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu và các con chó của ông vừa quấn quít chung quanh cây ấy vừa cất tiếng sủa một cách vui mừng. Khi quan sát thân cây thì ông khám phá ra vị ẩn tu đã chết trong tư thế quỳ ở chỗ lõm của cây. Ngay khi ông ngừng kể thì tiếng chuông cũng im bặt.

  Ðối với người dân trong làng, hiển nhiên vị ẩn tu ấy là một người thánh thiện. Họ vào rừng, đem thi thể Waldo về nhà thờ và chôn cất ngay dưới bàn thờ chính. Trong những năm kế đó, nhiều phép lạ đã xảy ra ở ngôi mộ của Chân Phước Waldo, và một nhà nguyện được xây cất ở nơi khu rừng ngài sinh sống để kính Ðức Maria.

nguồn từ Maria Thanh Mai gởi

Chân Phước Rose Venerini

  Chân Phước Rose Venerini

    (1656 – 1728) 

     Chân Phước Rose sinh ở Viterbo, Ý Ðại Lợi, năm 1656. Cha ngài là một bác sĩ. Sau cái chết của vị hôn phu, Rose gia nhập một tu viện nhưng chỉ được vài tháng cô đã phải về nhà để chăm sóc người mẹ goá sau khi cha cô từ trần.

     Lúc bấy giờ cô Rose vẫn sống độc thân và mỗi tối cô thường quy tụ các thiếu nữ trong phố để lần chuỗi Mai Khôi. Cô được một linh mục dòng Tên linh hướng, là người tin rằng ơn gọi của cô là trở nên một giáo chức “ở ngoài đời” hơn là một nữ tu chiêm niệm trong dòng; do đó, với sự trợ giúp của hai người khác, cô mở trường học cho các thiếu nữ ở Viterbo mà chẳng bao lâu trường ấy rất nổi tiếng và thành công.

     Cô Rose có tài ăn nói hoạt bát, có khả năng giáo dục và huấn luyện giáo chức. Cô không dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong việc phục vụ Thiên Chúa. Không bao lâu, cô được nổi tiếng và năm 1692, Ðức Hồng Y Barbarigo đã mời cô làm người cố vấn và giúp huấn luyện giáo chức cũng như mở các trường học trong địa phận. Chính ở đây cô trở nên một người bạn và là cô giáo của Lucia Filippini, là người sáng lập dòng và được phong thánh năm 1930.

     Cô Rose còn mở trường ở nhiều nơi khác, đôi khi phải đương đầu với sự chống đối có lúc quyết liệt, tỉ như họ dùng cung tên mà bắn giáo chức và đốt trường. Nhờ sự kiên nhẫn và tín thác vào Thiên Chúa nên cô đã vượt qua mọi trở ngại. Năm 1713, cô sáng lập một tổ chức ở Rôma và được chính Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XI khen ngợi.

 Người giáo chức tận tụy này từ trần ở Rôma ngày 7 tháng Năm 1728, hưởng thọ bảy mươi hai tuổi. Sự thánh thiện của ngài được xác nhận qua các phép lạ, và năm 1952 ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong chân phước. Sau cái chết của ngài, các giáo chức trong các trường của ngài quy tụ thành một tu hội. Ngày nay, các Nữ Tu Venerini có mặt ở khắp nơi trên thế giới, hoạt động trong các cộng đồng di dân người Ý.

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Biết Tha Thứ

 Biết Tha Thứ

 Lịch sử Hoa kỳ còn ghi lại một hành động tha thứ nổi bật của vị tổng thống nổi tiếng của họ, ông Abraham Lincoln. Trong thời tranh cử tổng thống, Abraham Lincoln đã bị địch thủ chính trị của mình là ông Edwin McMasters Stanton đã kích, vu oan đủ điều. Dầu vậy, Abaraham Lincoln vẫn đắc cử làm vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Ðến lúc phải chọn những người cộng tác trong chính phủ, Abaraham Lincoln bắt đầu chọn người cho những chức vị phụ thuộc trước. Và cuối cùng, đến chức vụ quan trọng cuối cùng của thời đó, chức vụ tương đương với chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng ngày nay. Mọi người mong đợi ông Abaraham Lincoln chọn kẻ có công nhất trong cuộc tranh cử, thì ông lại chọn chính kẻ đã thóa mạ mình, ông Edwin McMasters Stanton. Những cộng tác viên nhắc khéo: “Thưa Tổng thống, ngài hẳn quên ông Edwin Stanton này đã từng công kích và vu oan cho ngài trong lần bầu cử vừa qua hay sao? Ông ta sẽ phá hoại chương trình hành động của ngài. Ông có suy nghĩ kỹ chưa, thưa tổng thống?” Tổng thống Abaraham Lincoln lúc đó trả lời: “Ðúng vậy, tôi biết rất rõ ông Stanton này là ai, đã làm cho tôi những gì. Nhưng tôi đã tha thứ cho ông ta, và nhìn nhận ông ta là kẻ có tài năng hơn những người khác để giữ chức vụ này”. Và ông Stanton đã trở thành người cộng tác viên đắc lực nhất của tổng thống Abaraham Lincoln. Rủi thay, không bao lâu sau, tổng thống Abaraham Lincoln bị ám sát. Giữa những lời từ biệt trong lễ an táng, thì lời từ biệt của Stanton đáng giá hơn cả. Ông Stanton đã gọi tổng thống Abaraham Lincoln là con người cao cả nhất, con người lưu danh mãi mãi trong lịch sử vì đã tha thứ cho kẻ thù mình, và biến kẻ thù thành bạn, thành người cộng tác.

 Chắc chắn rằng, tổng thống Abaraham Lincoln không phải là người đầu tiên đã làm cử chỉ đẹp tha thứ cho kẻ vu oan mình. Chúng ta hãnh diện vì Chúa Giêsu Kitô, vị thầy và là đấng cứu rỗi chúng ta, cũng đã tha thứ cho những kẻ bách hại, đóng đinh Ngài trên thập giá. Ngài đã để lại cho chúng ta lời dạy quan trọng: Hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ bách hại anh em… Chỉ như thế, anh em mới xứng đáng làm con cái của Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời, và không ngừng thi ân cho tất cả mọi người lành cũng như kẻ dữ.

 Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con học được bài học tha thứ của Chúa. Sự tha thứ có sức mạnh giải thoát và biến cải người anh chị em. Xin giúp con nhìn thấy điều tốt nơi anh chị em và đừng để con sống nô lệ cho những tâm tình ganh tương, hận thù. Xin dạy con sống quảng đại yêu thương như Chúa đã nêu gương. Amen.

 nguồn: do Cindy Do gởi

10 ĐIỀU LÃNG PHÍ TRONG CUỘC ĐỜI

10 ĐIỀU LÃNG PHÍ TRONG CUỘC ĐỜI

 Trong hành trình tạo dựng một cuộc đời có ý nghĩa, nếu bạn lỡ coi thường một trong 10 điều thiết yếu dưới đây, coi như bạn đã tự đánh mất một phần nhựa sống của chính mình.

1. Sức khoẻ: Lúc còn trẻ, người ta thường ỷ lại vào sức sống tràn trề đang có. Họ làm việc như điên, vui chơi thâu đêm, ăn uống không điều độ… Cứ như thế, cơ thể mệt mỏi và lão hoá nhanh. Khi về già, cố níu kéo sức khoẻ thì đã muộn.

2. Thời gian: Mỗi thời khắc “vàng ngọc” qua đi là không bao giờ lấy lại được. Vậy mà không hiếm kẻ ném 8 giờ làm việc qua cửa sổ. Mỗi ngày, hãy nhìn lại xem mình đã làm được điều gì. Nếu câu trả lời là “không”, hãy xem lại quỹ thời gian của bạn nhé.

3. Tiền bạc: Nhiều người hễ có tiền là mua sắm, tiêu xài hoang phí trong phút chốc. Đến khi cần một số tiền nhỏ, họ cũng phải đi vay mượn. Những ai không biết tiết kiệm tiền bạc, sẽ không bao giờ sở hữu được một gia tài lớn.

4. Tuổi trẻ: Là quãng thời gian mà con người có nhiều sức khoẻ và trí tuệ để làm những điều lớn lao. Vậy mà có người đã quên mất điều này. “Trẻ ăn chơi, già hối hận” là lời khuyên dành cho những ai phí hoài tuổi thanh xuân cho những trò vô bổ.

5. Không đọc sách: Sách truyền bá văn minh. Không có sách, lịch sử im lặng, văn chương câm điếc, khoa học tê liệt, tư tưởng và suy xét ứ đọng. Từ sách, bạn có thể khám phá biết bao điều kỳ thú trên khắp thế giới. Thật phí nửa cuộc đời cho nhưng ai chưa bao giờ biết đọc sách là gì.

6. Cơ hội: Là điều không dễ dàng đến với chúng ta trong đời. Một cơ may có thể biến bạn thành giám đốc thành đạt hay một tỷ phú lắm tiền. Nếu thờ ơ để vận may vụt khỏi tầm tay, bạn khó có thể tiến về phía trước.

7. Nhan sắc: Là vũ khí lợi hại nhất của phụ nữ. Có nhan sắc, bạn sẽ tự tin và chiếm được nhiều ưu thế hơn so với người khác. Tuy nhiên, “tuổi thọ” của nhan sắc có hạn. Thật hoang phí khi để sắc đẹp xuống dốc. Hãy chăm sóc mình ngay từ bây giờ.

8. Sống độc thân: Nhiều người ngày nay theo trào lưu “chủ nghĩa độc thân”. Thực tế là khi sống một mình, bạn rất cô đơn và dễ cảm thấy thiếu vắng vòng tay yêu thương của chồng/vợ và con cái. Bận bịu gia đình chính là một niềm vui. Sống độc thân, bạn đã lãng phí tình cảm đẹp đẽ ấy.

9. Không đi du lịch: Một vĩ nhân đã từng nói: “Khi đi du lịch về, con người ta lớn thêm và chắc chắn một điều là trái đất phải nhỏ lại”. Vì thế, nếu cho rằng đi du lịch chỉ làm hoang phí thời gian và tiền bạc, bạn hãy nghĩ lại nhé.

10. Không học tập: Một người luôn biết trau dồi kiến thức sẽ dễ thành công hơn người chỉ biết tự mãn với những gì mình biết. Nếu không học hành, bạn đang lãng phí bộ óc.

Nguồn: MariaThanh Mai gởi

Hiểm Họa Nhiễm Độc Bởi Nước Sơn Móng Tay Chân

Hiểm Họa Nhiễm Độc Bởi Nước Sơn Móng Tay Chân

(05/06/2012)  Trích ViệtBao  vietbao.com

SAIGON (VB) — Cơ quan Kiểm soát chất độc hại (DTSC) của Mỹ vừa cảnh báo là đã tìm thấy 3 hóa chất toluene, dibutyl phthalate và formaldehyde có nguy cơ gây sẩy thai, tổn hại đến sức khỏe con người trong một số loại sản phẩm sơn móng lưu thông trên thị trường nước này, như: Sation 99 basecoat, Sation 53 red-pink nail color, Dare to Wear nail lacquer, Chelsea 650 Baby’s Breath Nail Lacquer, New York Summer Nail Colorv.v… Rất có thể các sản phẩm này đã lưu hành từ lâu ở Việt Nam, lẫn lộn với những loại sơn không nhãn hiệu, nhập lậu từ các nước Á châu và bày bán tràn lan ở các chợ.

Theo một bài điều tra của báo TN, chỉ riêng vùng Sài Gòn, rất dễ tìm thấy các loại sơn móng vô danh nói trên tại các chợ Bình Tây, An Đông, Tân Định, Thái Bình, v.v…  Tại chợ Thái Bình (quận 1), hàng trăm loại mỹ phẩm, nước hoa, dầu gội, lăn khử mùi, son môi, phấn, sơn móng tay chân… chất đống trong các khay, rổ nhựa đặt dưới đất. Nhờ giá rẻ, nhiều chủng loại, màu mè xanh đỏ bắt mắt nên được khá nhiều phụ nữ chọn mua. Các loại sơn móng này rất đa dạng, như loại hàng được người bán cho biết là đồ Trung Quốc, Hàn Quốc… đổ đống ngổn ngang, cũng bày đặt dán tem nhãn nhưng tem hết sức lem luốc, không thể đọc ra xuất xứ, thành phần hóa chất… Ngay các sạp có tủ kiếng đàng hoàng cũng bán đủ loại sơn móng, xuất xứ mơ hồ.

Nước sơn móng không nhãn hiệu đổ đống trong rổ nhựa, bày bán lẫn lộn với các thứ khẩu trang, găng tay và đồ dùng phụ nữ khác…(Photo VB)

Ngoài ra, các “tiệm” làm móng dã chiến ở các chợ và những chị thợ làm móng dạo ở các khu phố, đường hẻm… cũng sử dụng không gì khác hơn là các loại sơn móng đáng nghi ngại nói trên. Khách thì chỉ chọn màu nước sơn, không quan tâm lắm đến chất lượng hay nguy cơ độc hại từ loại sơn mình chọn. Thực tế, cả thợ lẫn khách, hầu hết đều không biết chút gì về lai lịch của các sản phẩm làm đẹp này.

Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Balê, người ta thường thấy một người hành khất với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn
thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.

Người khách quen thuộc nhất của người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không quên hỏi han và giúp đỡ người hành khất.

Ngày nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của mình như sau: “Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồng chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội
họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi”.

Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất: “Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu… Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh
giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ… Xin Chúa tha thứ cho tôi”.

Vừa nghe xong những dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ông đã nói như sau: “Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…”.

Câu chuyện tha thứ trên đây là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi nơi. Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người…

Sự hiện diện của bà Muzeyen Agca tại Roma dạo tháng 02/1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của vị Cha chung. Ngày 13/5/1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Ðức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung téo. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu
sát.

Ali Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu trên đây đã ghi đậm sự thù hận đang sôi sục trong lòng người… Nhưng thế giới không chỉ được nung náu bằng lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến và tha thứ…

Năm 1984, một biến cố khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hòa giải…

Trích Lẽ Sống
nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi