Thánh Tôma More

Thánh Tôma More
    (1478-1535)

                                                                                  20 Tháng Sáu


    Thánh Tôma More sinh ở Luân Ðôn năm 1478. Sau khi thông thạo căn bản tôn giáo và kinh điển, ngài theo học luật ở Oxford. Sau đó, ngài là một luật sư và lập gia đình với bà Jane Colt có bốn người con. Ngài dành nhiều thời giờ cho việc giáo dục con cái. Chính ngài là một người trí thức và là bạn của hàng thức giả thời bấy giờ như Linacre, Fisher và Erasmus.

     Tôma More thăng tiến mau chóng trong sự nghiệp. Ngài là một luật sư nổi tiếng và được chọn vào Nghi Viện khi mới 22 tuổi. Từ đó, ngài tiếp tục thăng quan tiến chức cho đến 47 tuổi, ngài được sự chú ý của vua Henry VIII và được chọn làm Quan Chưởng Ấn kế vị Ðức Hồng Y Wolsey.

    Vào năm 1532, giữa lúc tột đỉnh danh vọng và sự nghiệp, Tôma More từ chức khi nhà vua nhất định duy trì lập trường của ông về vấn đề hôn nhân và uy quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng. Vì vua Henry VIII muốn li dị bà Catherine ở Aragon, là người không sinh được con trai để nối dõi và muốn đặt các con người vợ lẽ làm thừa kế. Tôma More không đồng ý với hành động của nhà vua, và cũng không công nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh, như nhà vua đã tự xưng nhằm mục đích tách biệt khỏi Giáo Hội Rôma và khước từ quyền bính của đức giáo hoàng.

     Tôma More bị tống giam ở Ngục Luân Ðôn. Mười lăm tháng sau, ngài được đưa ra tòa về tội phản quốc. Trước toà, ngài cho biết là không thể hành động trái với lương tâm, và cầu chúc các quan toà rằng “tất cả chúng ta sẽ gặp nhau ở đời sau trong hạnh phúc thiên đàng để được cứu chuộc đời đời.” Trên đoạn đầu đài, ngài tuyên bố với đám đông rằng ngài chết như “một tôi trung của nhà vua — nhưng trước hết là tôi trung của Thiên Chúa”. Ngài bị chém đầu ngày 6 tháng Sáu năm 1535.

     Năm 1935, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng là “Vị Tử Ðạo của Ðức Giáo Hoàng” và đặt làm quan thầy của các luật gia.

     Lời Bàn

     Là một quân sư và nhà ngoại giao hàng đầu, Tôma More không tương nhượng các quy tắc đạo lý của chính ngài để chiều theo nhà vua, vì biết rằng sự trung thành đích thực với quyền bính không có nghĩa mù quáng chấp nhận những gì người cầm quyền mong muốn. Tôma More đã can đảm trung thành với lý tưởng ấy cho đến giọt máu cuối cùng.

    Lời Trích

     “Mỗi ngày đều có các cơ hội xúc phạm đến Thiên Chúa, nên tôi phải trang bị cho mình trong cuộc chiến đấu ấy bằng việc rước Mình Thánh Chúa. Nếu tôi cần sự soi dẫn và khôn ngoan để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, tôi phải đến với Ðấng Cứu Ðộ để tìm sự khuyên bảo và sáng suốt của Người.” — Thánh Tôma More

 nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi 

Quyền Năng Chúa Cho Ta Bình An và Sự Sống Muôn Đời

Quyền Năng Chúa Cho Ta Bình An và Sự Sống Muôn Đời

                      (CN 12TN, Năm B)                               tác giả: Tuyết Mai

 Ai sống ở trên đời mà không biết tí ti gì về Thiên Chúa, thì quả thật là những người tội nghiệp nhất thế giới làm người.   Con người sống ở trên đời thiếu tình cha hoặc thiếu tình mẹ từ nhỏ cũng đã làm cho người đó trở thành bất bình thường.   Chỉ vì khi đứa trẻ lớn lên, thiếu cha hay thiếu mẹ.   Tôi thiết nghĩ đó không được gọi là một gia đình Thánh Gia gương mẫu, nhưng tôi không phủ nhận rằng dù thiếu cha hoặc thiếu mẹ, cũng có rất nhiều người con lớn lên nhờ người cha hay người mẹ đó, mà được thành công và thành nhân trên con thuyền đời.

 Sở dĩ tôi dẫn dụ như thế vì tôi đã dựa trên cuộc đời lớn lên của tôi, có những thời gian tôi sống xa Chúa.   Nhìn lại thì thấy quả cuộc đời của một con người mà thiếu vắng bóng Chúa thì thua thiệt rất là nhiều thưa anh chị em!.   Thua thiệt nhất là sự Bình An mà Chúa trao ban cho con cái nhân loại của Người rất nhưng không.   Như anh chị em hiểu đời thì cũng sẽ hiểu nếu một đứa trẻ lớn lên không có tình cha hoặc tình mẹ, thì đứa trẻ đó có cơ hội vấp ngã nhiều hơn là những đứa trẻ có đầy đủ tình yêu thương của cha lẫn mẹ.   Đó là thống kê rõ ràng nhất và cho thấy nhiều nhất là những đứa trẻ rất dễ phạm tội hoặc thường lao vào vòng lao lý, vì thiếu sự giáo dục của người cha (nhất là con trai).

 Thật khó cho tôi thay khi phải dẫn dụ làm sao để mọi người hiểu được tình yêu thương của Cha chúng ta ở trên trời, khi mà trên đời tôi thiếu thốn cả hai thứ tình cha lẫn mẹ.   Nhưng Chúa đã ban ơn và mạc khải cho tôi hiểu tỏ tường khi mà Người ban cho vợ chồng chúng tôi có được ba cháu nhỏ.   Tình thương chúng tôi đã đổ đầy tràn trên 3 cháu.   Và có thế tôi đã hiểu được rất rành rọt Tình Cha Vô Biên Người yêu thương con cái nhân loại chúng ta ra sao?.   Có phải chúng ta không ai mà không yêu thương con của chính mình từ khi chúng nằm trong dạ của người mẹ?.   Người cha thì nhận được tình yêu thiêng liêng gắn bó nào đó trong ông.   Còn người mẹ thì sự cưu mang trong dạ suốt gần 10 tháng trời.   Và tình cảm thương yêu dành cho con cái của chúng ta cũng gần nhưng không cho đến khi chúng trưởng thành.   Tình cảm ấy đậm đà và khắng khít lắm thưa có phải??.

 Sự cần thiết nhất mà chúng ta dậy cho con cái của chúng ta là phải biết Thiên Chúa và Tình Yêu Vô Biên của Người.   Ai trên trần gian này có cha hoặc có mẹ thì đã hiểu được tình yêu nhận lãnh từ các ngài ra sao, thì Thiên Chúa của chúng ta lại còn trao ban cho hết thảy chúng ta tất cả những gì Người có.   Ngoài cha mẹ trần gian của chúng ta ra thì xin chớ nên dựa dẫm vào quyền lực của bất cứ ai khác mà có ngày hệ lụy cho chính bản thân của mình và của cả gia đình của chúng ta nữa.

 Thật phải khi tôi nói ra điều ấy, vì có phải ngoài cha mẹ chúng ta ra thì ai có quyền năng và hỗ trợ cho chúng ta khỏi mọi sự dữ cho bằng chính Thiên Chúa là Cha rất nhân lành của chúng ta?.   Con người thì khi làm ơn cho ai, cũng đòi sự đáp trả, không bây giờ thì mãi sau này chúng ta vẫn phải mang cái nợ.   Không gì mạnh mẽ và cho chúng ta cái nhìn rất thực tế cho bằng trong bộ phim Bố Già.   Có phải Bố Già ấy cũng giữ đạo mạnh mẽ lắm không? Và có phải Bố Già ấy cũng gây bao nhiêu tội lỗi cho chính ông, gieo gương mù gương xấu cho gia đình, và cho xã hội?.   Ở cái thời xa xưa ấy, sao thiên hạ lại rất mê và xem ông như một Bố Già của thời đại, nổi tiếng, và đầy uy quyền, của một xã hội đen tối như thế!?.

 Một con người hạnh phúc nhất trần đời là vừa có cha mẹ trần gian, lại vừa có Cha Mẹ trên trời, luôn gìn giữ và yêu thương chúng ta.   Ai trên đời mà cho chúng ta sự tin tưởng vững mạnh cho bằng cha mẹ của chúng ta?.   Thế thì ai là người mà cha mẹ chúng ta lại hết lòng tin tưởng? Thưa đó là Thiên Chúa mà cha mẹ chúng ta cả một đời đặt niềm tin vào Đấng đó.   Một Đấng mà không bao giờ kết án hay kết tội chúng ta.   Một Đấng mà quyền năng của Người vượt xa mọi trí hiểu biết của mọi tạo vật.   Một Đấng mà có thể ban Nước Trời và hạnh phúc của Người cho chúng ta, hay Đấng ấy có thể liệng xa chúng ta vào Hỏa Ngục đời đời, nếu chúng ta khi dể và coi thường Người.  

 Vâng, thưa Đấng ấy đã chứng tỏ rất rõ cho chúng ta hiểu qua sự điều khiển (control) cho sóng gió phải yên lặng, và chúng đã phải tuân theo.   Con người của chúng ta ai cũng rất yếu đuối và sợ hãi nhất là khi thiên tai xẩy đến.   Khi con người phải đối diện với thiên tai thì chúng ta thường chạy đến và cầu khẩn ai? Chẳng lẽ chúng ta bấy giờ tìm chạy đến với những con người rất tầm thường như chúng ta vậy sao?.    Ồ bấy giờ thì những con người ấy họ cũng bỏ của mà chạy lấy mình như chúng ta vậy, thưa có phải??.   Có thể lúc bấy giờ họ mất cả lương tri mà bảo chúng ta làm những điều rất ư là vô lương tâm, để giúp họ qua cơn khủng hoảng cũng nên, vì chúng ta luôn thiếu nợ họ cơ mà, thì đây là lúc mà chúng ta phải trả nợ cho họ như sự yêu cầu hay sự ra lệnh của họ?.

 Thiên tai sợ hãi lắm thưa có phải? Nhất là động đất sẽ dẫn tiếp đến nước biển tràn vào đầy bờ và giết chết bao nhiêu con người ta như vừa rồi tại Nhật Bản.   Rồi giông bão xẩy ra trên biển như trong bài Tin Mừng của tuần này.   Rồi giông tố xẩy ra ở khắp mọi nơi, đã bốc sạch tất cả những gì trên đường đi của những con lốc xoáy vừa mẹ vừa con.   Rồi cháy rừng, bùn trôi, đất trôi, gạch trên núi trôi, băng trôi, v.v….. Quá sợ hãi thay cho con người nhỏ bé phải chịu những cảnh tang thương, chết chóc, và mất mát này!.

 Gặp nạn thiên tai, Ai chúng ta phải chạy đến mà khẩn cầu mà van xin cho chúng ta cùng gia đình được thoát nạn và được bình yên vô sự?.   Câu trả lời chỉ có Thiên Chúa rất lòng lành của chúng ta mà thôi! Vì trong khoảnh khắc ấy chỉ có Người muốn cho chúng ta còn có được sự sống hay sự chết.   Mà cũng chỉ chính Người là cho chúng ta sự Sống Muôn Đời hay cái chết muôn đời trầm luân nơi Hỏa Ngục không có ngày ra.

 Giữa hai sự chọn lựa, tôi thiết nghĩ anh chị em sẽ khôn ngoan mà chọn lựa cho cuộc đời của mình cái Sống giả tạo hay cái sống Vĩnh Cửu muôn đời trên Quê Trời.   Nói chi cho xa xôi, mà không nghĩ ngay đến hiện tại và tương lai là cuộc sống của chúng ta hạnh phúc như thế nào, khi có Chúa luôn hiện diện trong và luôn bên cạnh chúng ta.   Có hạnh phúc lắm không khi chúng ta luôn được Người quan phòng?.   Có hạnh phúc lắm không khi chúng ta để cho Người luôn ban cho chúng ta mọi điều mà mọi cái Người có thể ban cho chúng ta?.   Có hạnh phúc lắm không khi để Người che chở và phù trì để chúng ta không phải lo lắng và phiền muộn, vì Người biết điều gì chúng ta cần và phải có?.   Có khôn ngoan lắm không khi chúng ta cứ luôn muốn thấy người sang bắt quàng làm họ?.

 Lậy Thiên Chúa Người là Tình Yêu và là Quyền Năng trên chúng con! Sao chúng con có thể mù quáng mà không chọn Người trong cuộc đời của chúng con.   Người là Omega, là Hằng Hữu, và đầy quyền năng.   Xin cho chúng con sự khôn ngoan là luôn Chọn Chúa, vì Chúa mới có Sự Sống Muôn Đời.   Vì Chúa mới có Lời ban sự sống.   Vì Chúa mới ban cho chúng con Sự Bình An rất cần thiết cho cuộc đời rất bon chen và ô trọc này!.   Mọi sự mời mọc quyến rũ khác chỉ là bánh vẽ.   Mọi sự bóng bẩy của trần gian này không khác những casino đầy màng nhện được giăng đủ loại đèn của những tội lỗi do ma quỷ chúng bày ra và làm cạm bẫy để lấy mất linh hồn của chúng con.

 Xin ban cho chúng con sự khôn ngoan tối thiểu, đủ hiểu đâu là Sự Sáng, Sự Sống, và là Sự Chết.   Để quyền năng và tình yêu của Người luôn thống trị, vinh hiển, và hằng hữu muôn đời trên mọi tạo vật mà Người rất thương yêu tác tạo, nhất là giống con người mà có mang hình ảnh giống Người.   Amen.

 ** Xin bấm vào mã số dưới đây để hát theo:

     http://www.youtube.com/watch?v=oH2uKOVe7DY

     (Tôi Hớn Hở Mừng)

 Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

(06-19-12)

“TRÁI TIM MẸ SẼ THẮNG !”

“TRÁI TIM MẸ SẼ THẮNG !”

                                                       Tác giả:  Lm. Vĩnh Sang, DCCT

                                                                nguồn: conggiaovietnam.net 

 Những ngày còn bé tôi đã được nghe thông điệp này, “Trái Tim Mẹ sẽ thắng” luôn đi kèm thêm câu “nước Nga sẽ trở lại”. Với tâm hồn trẻ thơ tôi đón nhận thông điệp một cách tự nhiên không thắc mắc, những lời nguyện cầu đi vào tuổi thơ của tôi nhẹ nhàng với những buổi “đọc kinh liên gia” mỗi tối, nhất là trong tháng mười, tháng kinh Đức Mẹ. Cứ thế, hằng đêm tiếng cầu kinh của bọn trẻ chúng tôi theo sau người lớn vang lên hết từ nhà này qua nhà khác. Tôi hiểu dễ dàng về một nỗ lực cầu nguyện cho một nước Nga xa xôi nào đó “ăn năn trở lại”. Lại nữa, thỉnh thoảng Nhà Thờ phát động “bó hoa thiêng liêng”, bọn trẻ chúng tôi được dạy cầu nguyện và hãm mình hy sinh một điều gì đó để cầu nguyện cho “nước Nga trở lại”.

Lớn lên, chiến tranh lan tỏa khốc liệt trên quê hương đất nước, bạn bè tôi từng đứa rời ghế nhà trường vào binh nghiệp, ngay trong xóm ngõ cũ, những thằng bạn nghịch ngợm, ngày xưa rủ nhau kinh sách mỗi tối cũng lần lượt ra đi. Rồi có những đứa trở về, về rồi lại đi ra khỏi xóm trong chiếc quan tài sắt lạnh giá, những bà mẹ khóc rũ bên xác con, bọn tôi nhìn nhau ngao ngán, những đứa còn sống chẳng nói lên lời, chẳng còn nước mắt mà khóc nhau.

Có những hình ảnh bỗng dưng theo mình suốt đời. Sáng sớm giật mình thức dậy, tiếng trống kèn xôn xao chen tiếng khóc, từ trên ban công nhìn xuống, mặt trên của chiếc quan tài khi di chuyển cứ xô dạt theo nhịp đi của những người lính chung sự ( đơn vị phụ trách chôn cất của quân đội Cộng Hòa ) trong đoàn đưa đám tang đang rời xóm.

“Bốp ba gác” chết rồi, quan tài anh phủ màu cờ ! Rồi đến Sơn, người sĩ quan Trung Tá dù, chiếc gối đỏ đặt đầu quan tài gắn lên đó huy chương Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu. Bên cạnh chiếc bông mai vàng cũ người ta gắn thêm một chiếc bông mai nữa, Sơn vẫn nằm lặng im bên trong chiếc quan tài lạnh giá. Rồi một chiều nghĩa trang lộng gió, chiếc quan tài “Tăng thẹo” được phủ cờ, tiếng kèn tiễn biệt nghe não lòng, hai hàng lính đứng nghiêm hai bên mộ huyệt, bồng súng chào từ giã trong tiếng súng nổ khô khốc… Nhưng còn những thằng bạn đi mà chẳng bao giờ về, “Hải vua thả diều” đi biền biệt, cho đến bây giờ gia đình vẫn chưa tìm được tông tích hắn đã nằm xuống nơi nào.

Thời thế như vậy nên việc “nước Nga sẽ trở lại” thật sự rất mơ hồ nhòa nhạt trong tâm tư của tôi, cầu thì cứ cầu nhưng tôi nghĩ khó lắm, hai cực thế giới lạnh băng căng thẳng, làm sao có chuyện đổi thay ? Biến cố năm 1975 ập đến, ý tưởng “nước Nga sẽ trở lại” càng xa vời trong tâm trí, dù lời kinh vẫn còn đó, lời cầu vẫn còn đó, ý tưởng vẫn còn đó nhưng nghe sao khó khăn và diệu vợi, càng thăm thẳm hơn khi ngày ấy không ai dám nhắc công khai ý tưởng này, mong gì hiện thực ?

Giữa những nỗi buồn có phần tuyệt vọng trên giải đất hình chữ S, vào những năm đầu thập niên 90, tin tức lọt về mang theo nhưng biến động bên vùng trời Đông Âu, ngày ấy việc thông tin còn khá khó khăn nhưng lượng thông tin phổ biến ở Việt Nam cũng đủ để thắp lại niềm hy vọng xa xưa tưởng đã tắt ngúm.

Sóng biến động khởi đi từ Ba Lan với Công Đoàn Đoàn Kết, chứa đựng bên trong chính là lòng tin sắt đá của người dân Ba Lan, gương mặt của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 trở nên sáng ngời, kiên cường và mạnh mẽ, gương mặt ấy xuất hiện mang theo Tin Mừng, lòng yêu mến, lòng tin và lòng cậy trông. Gương mặt ấy xuất hiện cùng với chuỗi tràng hạt Mai Khôi không bao giờ thiếu trên tay, lời cầu xin cùng mẹ không bao giờ thiếu trong mọi lời kinh, lời phát biểu, lời bày tỏ cùng nhân loại. Nếu được ví Đức Gioan 23 như là vị ngôn sứ mà Thiên Chúa dành cho Giáo Hội để Chúa Thánh Thần thổi luồng gió mới, thì có thể nói Gioan Phaolo 2 chính là vị ngôn sứ Thiên Chúa dành cho nhân loại để Thần Khí đổi mới mặt địa cầu.

Biến cố 19.8.1991 kết thúc một giai đoạn đen tối của phần lớn nhân loại, biến cố ấy cũng chứng minh lời hứa của Đức Mẹ được hiện thực. Tôi cho rằng tất cả đã được hiện thực trước tiên là do Đức Mẹ mang đầy đủ phẩm tính của Thiên Chúa, Ngài là Đấng luôn trung tín, Ngài đã hứa thì Ngài sẽ thực hiện, Mẹ cũng thế. Chúa có cách của Chúa để thực hiện những gì đã hứa, Mẹ với những ân sủng đặc biệt Chúa ban cho, Mẹ cũng có cách của Mẹ để thực hiện những gì đã hứa. Đức Chân Phúc Gioan Phaolo 2 là con người đã biết đón nhận và mang những can thiệp của Mẹ vào nhân loại, làm cho lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện, và chính lòng tin kiên vững và lời nguyện cầu tha thiết chân thành của Hội Thánh đã làm cho những ân huệ của Mẹ “phát huy tác dụng”.

Có người đã nói với tôi rằng: “Cuộc thay đổi ở Đông Âu là nhờ vào đường lối đối thoại kiên trì của Hội Thánh” ?!? Tôi nghĩ nhận định như thế là sai, nếu hiểu đối thoại như một nỗ lực khôn ngoan của con người, thì xin lỗi, có khôn ngoan đến mấy cũng vẫn thất bại trước những kẻ lòng chai dạ đá, vô thần và bất nhân. Nhưng nhận định hoàn toàn đúng nếu hiểu đối thoại như là một cố gắng của con người trung thành với đường lối của Thiên Chúa và đặt tất cả niềm trông cậy vào Ngài.

Lịch sử nhân loại vẫn còn ở phía trước, vẫn còn nhiều cơ hôi để chứng minh từng chọn lựa và đường hướng của con người, vẫn còn nhiều cơ hội để mọi người nhận ra rằng… “Trái Tim Mẹ sẽ thắng”.

____

Ghi chú: Xin xem thêm http://vtc.vn/311-294864/quoc-te/tai-sao-lien-xo-sup-do-vao-ngay-198.htm. ( VTC News ) – Năm 1991, sự kiện Đảng Cộng Sản Liên Xô và Liên Bang Xô Viết sụp đổ đã gây chấn động toàn thế giới. Hơn 20 năm nay, các học giả trên khắp thế giới vẫn không ngừng đi tìm đáp án thỏa đáng cho câu hỏi: “Tại sao Liên Xô sụp đổ vào ngày 19.8.1991 ?”

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Lễ Trái Tim Đức Mẹ 16.6.2012 (Ephata 514)

Tác giả:  Lm. Vĩnh Sang, DCCT

Thế Ư?

     Thế Ư?

                            19 Tháng Sáu                   LẼ SỐNG

    Hakuin là một thiền sư nổi tiếng tại Nhật Bản, ông sống ẩn dật trên núi. Ngày kia, có một thiếu nữ con nhà gia giáo bỗng thấy mình có thai. Cô nàng tuyên bố với mọi người rằng chính thiền sư Hakuin là tác giả của bào thai. Vừa nghe tin này, cả dân làng, do cha mẹ của cô thiếu nữ dẫn đầu, đã giận dữ kéo đến chòi của vị thiền sư. Họ la hét, chửi rủa vị thiền sư đủ điều…

     Nhưng vốn điềm tĩnh, nhà sư chỉ biết mỉm cười thốt lên: “Thế ư?”. Ai cũng nghĩ đó là một cách chịu tội. Ai cũng nghĩ chính ông là tác giả của bào thai trong lòng người thiếu nữ. Khi đứa bé chào đời, thiền sư Hakuin lặng lẽ đến nhận nó và đưa về chiếc chòi nghèo nàn của mình. Ông bồng lấy nó, nang niu nó và chăm sóc nó như chính đứa con ruột của mình.

     Nhưng khoảng 18 năm sau, người thiếu nữ bông hối hận về hành vi của mình. Cô thú nhận rằng người cha của đứa bé chính là chàng ngư phủ trẻ trong làng.

     Nghe tin này, ai ai trong làng cũng cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ xấu và nhục mạ một con người đáng kính. Một lần nữa, dưới sự dẫn đầu của cha mẹ thiếu nữ, cả làng kéo nhau đến chòi của vị thiền sư. Mọi người sụp lạy tỏ dấu sám hối vì đã xúc phạm đến thanh danh của vị đạo sĩ thánh thiện. Giữa lúc mọi người đồng thanh tuyên bố sự vô tội và cứu gỡ danh dự cho mình, vị thiền sư chỉ mỉm cười nói: “Thế ư?”.

    Hai tiếng “Thế ư?” của thiền sư Hakuin trên đây xem chừng như cũng cùng một âm điệu với hai tiếng “Xin vâng” của Mẹ Maria.

     Thái độ điềm nhiên và chấp nhận không chỉ là kết quả của một sự rèn luyện ý chí, nhưng còn là một thể hiện của niềm tin. Thưa xin vâng trước tiên có nghĩa là tuyên xưng Tình Yêu không hề lay chuyển của Thiên Chúa. Thưa xin vâng là chấp nhận đi vào chương trình của Thiên Chúa, trong đó cho dù phải trải qua tăm tối và thử thách, con người vẫn tin ở sự thành toàn.

     Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin nơi chính bản thân: dù có yếu hèn, vấp ngã, con người vẫn luôn là đối tượng của một Tình Yêu chung thủy và là trọng tâm của một chương trình cao cả mà thiên Chúa đang thực hiện.

    Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin vào cuộc đời. Cuộc đời này, dù có đen bạc đến đâu, vẫn luôn có một ý nghĩa và tha nhân, dù có thấp hèn, xấu xa đến đâu, vẫn tiếp tục mang lấy hình ảnh cao vời của Thiên Chúa.

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

CHÂN PHÚC GIOAN PHAOLÔ II, VỊ BẢO TRỢ CÁC GIA ĐÌNH!

CHÂN PHÚC GIOAN PHAOLÔ II, VỊ BẢO TRỢ CÁC GIA ĐÌNH!

                                                         nguồn: vietvatican.net
 

Xin trích 3 chứng từ tri ân viết từ Ý gởi đến Văn Phòng Án Phong Chân Phước và Hiển Thánh cho Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

… Thư thứ nhất đề ngày thứ tư 15-2-2012.
Con là Anna Rita Meloni, mẹ của Leonardo 22 tuổi, sinh viên ngành kỹ sư. Ngày 28-12-2011 con trai con bị tai nạn lưu thông trầm trọng. Chiếc xe hư tan tành nhưng con trai con không hề hấn gì, kể cả không bị một vết trầy! Con xác tín rằng chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã can thiệp cứu sống con trai con. Thật thế. Vài ngày trước tai nạn, đã xảy ra hiện tượng sau đây. Hôm ấy con ở nhà, có cả con trai con nữa. Bỗng con nghe một tiếng động lớn. Con quay lại thì thấy bức ảnh treo trên tường bị rớt xuống. Đó là bức ảnh Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn trẻ đang giơ tay ban Phép Lành Tòa Thánh cho cả gia đình con. Con rất buồn vì thấy bức ảnh rơi nằm dưới đất, nhưng ngạc nhiên biết bao khi cầm lên thì thấy bức ảnh không hề hấn gì! Con đưa bức ảnh cho Leonardo xem và nói: ”Sẽ xảy ra điều gì đó, nhưng chúng ta sẽ được cứu sống!”
Con xin thêm một chi tiết khác. Vào buổi chiều xảy ra tai nạn, bên trong chiếc xe có cuốn sách của Antonio Socci ”Caterina”. Con bỏ sách này trong xe để đọc mỗi khi ngừng lái xe. Con liền lấy cuốn sách và vài vật dụng khác trong xe rồi đem về nhà. Mấy ngày sau, khi mở sách ra đọc thì ngạc nhiên biết bao, con thấy bên trong sách có ngăn bức ảnh Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kèm theo lời nguyện đã được Tòa Giám Quản Roma chuẩn y. Nhìn thấy bức ảnh, con càng thêm xác tín rằng, vào ngày xảy ra tai nạn, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã âu yếm bảo trợ và cứu sống Leonardo.
Con xin bày tỏ cùng Cha lòng tri ân chân thành của con, hỡi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kính yêu, về ơn lành Cha đã cầu bầu cùng Chúa cho chúng con. Xin Cha tiếp tục hiện diện với tình yêu thương trong gia đình con. Con cũng đặc biệt cầu nguyện cho tất cả các bạn trẻ luôn nhiệt thành yêu mến Cha. Con yêu mến Cha biết bao, hỡi vị Giáo Hoàng thánh thiện của chúng con.

… Thư thứ hai đề ngày thứ sáu 17-2-2012.
Con là Lara Facchini. Lần thứ nhất Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ra tay cứu giúp con diễn ra vào thời điểm ngài từ trần. Vài tháng trước đó con phải chịu một bạo hành tính dục khiến con vô cùng khiếp sợ khi phải ở nhà một mình hoặc phải đi ra ngoài một mình. Con trở thành một người luôn bám sát vào người thân trong gia đình! Các chữa trị tâm sinh lý lẫn thuốc men không đưa đến hiệu quả nào đáng kể. Chúa Nhật 3-4-2005 – hôm sau ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II từ trần – con tự cảm thấy có sức mạnh lớn lao, và con ra khỏi nhà một mình để mua vé đi từ Milano về Roma. Tại nhà ga xe lửa con gọi điện thoại cho hôn phu hỏi xem anh có thể đến với con được không. Anh hiểu ngay tức khắc là có chuyện gì đó lớn lao lắm đang xảy ra. Kể từ giây phút ấy, con nắm trở lại trong tay cuộc đời con. Con không bao giờ quên cái kinh hoàng ghê tởm con trải qua, nhưng con cất nó vào văn khố và con khởi sự cuộc sống như trước.

Lần thứ hai Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II can thiệp vào cuộc đời con xảy ra cách đây không lâu. Tháng 5 năm 2011 con mất đứa con đang ở tháng thứ hai. Đây là cuộc mang thai đầu tiên rất mong muốn và chờ đón. Đến tháng 10, người ta tặng con lời kinh Tuần Cửu Nhật đọc cùng Đức Gioan Phaolô II. Cùng với hiền phu, chúng con làm Tuần Cửu Nhật để xin Chúa cho con một món quà đẹp nhất vào dịp Lễ Giáng Sinh. Vào ngày vọng lễ Giáng Sinh, con đến nhà thương lấy kết quả cuộc phân tích trước đó. Và con ngạc nhiên biết bao khi biết mình đã mang thai với ngày chính xác là 8-12-2011!

Giờ đây bào thai đã được 12 tuần lễ và mọi sự tiến triển tốt đẹp. Hàng tháng, hiền phu con và con đều làm Tuần Cửu Nhật với Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hàng ngày, chúng con cầu nguyện cùng Đức Bà Mân Côi Pompei. Chúng con xin Đức Mẹ MARIA cho mọi sự tốt đẹp hầu con có thể ôm chặt vào vòng tay đứa con bé bỏng thân yêu của chúng con. Đã không biết bao nhiêu lần con kêu cầu cùng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và mỗi lần đều được ngài ra tay cứu giúp con. Quyền năng chuyển cầu của ngài thật lớn lao! Đối với con, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã là Vị THÁNH!

… Thư thứ ba đề ngày thứ tư 18-1-2012.
Con là Sandra Maconi 35 tuổi và có 4 đứa con. Tháng 5 năm 2011 kết quả cuộc khám nghiệm cho biết con bị ung thư vú. Con bắt đầu ngay các cuộc chữa trị bằng hóa chất. Và hôm nay, ngày 18-1-2012, các bác sĩ nơi nhà thương bách khoa Modena cho biết là con đã khỏi bệnh! Con là người luôn kính mến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và chúng con đã thành khẩn kêu cầu cùng ngài. Con tin chắc mình đã nhận được phép lạ khỏi bệnh nhờ lời chuyển cầu của Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II!

… KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA ĐỨC CHÂN PHÚC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Lạy Ba Ngôi Chí Thánh, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội Đức Chân Phúc Gioan Phaolô II và biểu dương nơi người lòng ưu ái của tình phụ tử Chúa, vinh quang thánh giá Đức KITÔ và sự huy hoàng của Thánh Thần Tình Yêu. Nhờ sự phó thác vô điều kiện của người nơi lòng thương xót vô biên của Chúa và nơi sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Mẹ MARIA, người đã cho chúng con một hình ảnh sống động của Đức GIÊSU Chăn Chiên Nhân Lành và đã chỉ cho chúng con đường nên thánh, chiều kích thanh cao của đời sống kitô thường ngày, là con đường duy nhất đạt tới niềm hiệp thông vĩnh cửu với Chúa. Nhờ lời chuyển cầu của người, xin Chúa ban cho chúng con, tùy theo thánh ý Chúa, ơn chúng con van nài, với niềm hy vọng mãnh liệt người sẽ được nâng lên hàng Các Thánh của Giáo Hội.

(”www.karol-wojtyla.org”, Ioannes Paulus P.P.II, Karol Józef Wojtyla, Beatificationis et Canonizationis Servi Dei, Totus Tuus ego sum, Maria, et omnia mea tua sunt! Testimonianze)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

TRẺ BỤI ĐỜI

 

 TRẺ BỤI ĐỜI

Chăn gió màn sương đắp tối nay,
Trăn trở tuổi thơ kiếp lưu đày,
Đêm chưa tròn giấc ngày đã đến,
Mộng mị thế nào vẫn trắng tay…
Mưa bay lất phất hạt mưa bay,
Áo em rách nát đã bao ngày,
Đói lòng theo gót em từng bước,
Lôi kéo đời em thê thảm thay…
Sáng đi móc bọc chiều đem bán,
Tối ngủ góc nhà đói miên mang,
Tiền khô cháy túi mòn đôi dép,
Phố xá người đông chẳng ngó ngàng…
Liverpool.17/6/2012.
Song Như.


 CANH LÁ TÀU BAY

 Canh bầu canh bí khác chi nhau,
 Cớ sao vẫn nhớ canh thuở nào,
 Rừng xưa mẹ nấu ăn mỗi buổi,
 Chỉ lá tàu bay con ruốc khô…

 Ngọt cả đời con từng củ chuối,

Ấm áp lòng con miếng gừng tươi,
 Xa quê mới biết tình yêu nước,
Len lỏi trong hồn từng chút thôi…

Liverpool.15/6/2012.
Song Như.

VIỄN XỨ,

Làm sao quên được đời lưu lạc
Viễn xứ, QUÊ HƯƠNG vẫn ngập lòng
 Cũng bởi tình người luôn ấm áp
NƯỚC VIỆT muôn đời của cha ông

 Nên vẫn ấp ôm hoài bão lớn
HẬN SẦU đau buốt nỗi ly hương
 Vẫn muốn trao về niềm hạnh phúc
 Đời sau, con cháu khỏi tha phương.
 Liverpool.15/6/2012.
 Song Như.

NƯỚC VIỆT ngàn năm, QUÊ HƯƠNG tôi,
Hồn thiêng vang động bốn phương trời,
 Xa Xôi …xin nhớ về quê cũ,
 Cách núi, ngăn sông chớ đổi dời.

 Gom góp tình người khắp muôn nơi,
 Trao ban ân phước đến cho đời,
 HẬN SẦU xin hãy thôi lưu luyến,
 Gieo mầm hạnh phúc, đáp ơn THIÊN

Phan thị Kim Phượng

Xin Thiên Chúa Chúc Lành Trên Tất Cả Quý Cha Linh Mục

Xin Thiên Chúa Chúc Lành Trên Tất Cả Quý Cha Linh Mục

(Nhân ngày Father’s Day)

                                                                                   tác giả: Tuyết Mai

 Thánh Lễ đêm hôm qua tại nhà thờ St. Polycarp nơi vợ chồng chúng tôi tham dự thánh lễ hằng tuần, do cha Phạm Hoàng Trung chủ tế và là thánh lễ Mở Tay của cha.   Cha thuộc Dòng Tên và công việc chính của quý cha là ra dậy học sau khi được phong chức linh mục.   Quý cha Dòng Tên sẽ thường phụ trách dậy và lo những thanh thiếu niên có vấn đề như các em homeless, trong băng đảng, nghèo, và v.v….. Tôi nghĩ công việc của quý cha Dòng Tên chắc giống như cha Don Bosco vậy!.  

 Quả là một vinh dự cho cả gia đình và cả cộng đoàn vì cha Hoàng xuất thân từ cộng đoàn St. Polycarp.   Ngài nói ngài ở cộng đoàn này từ khi ngài còn là một trong những em giúp lễ.   Nhìn thấy ngài và cả gia đình tụ họp trong thánh lễ mà tôi cũng rất cảm động theo.   Thầm cảm tạ Chúa, cảm tạ gia đình của ngài, và cả một cộng đoàn dân Chúa, đã hướng dẫn và giúp ngài đi theo ơn gọi quý trọng và thánh thiêng.   Người ta thì bảo một con sâu làm rầu nồi canh, nhưng bên cạnh đó thì ngài cố gằng trở thành là một trong những quý Linh Mục làm sáng danh Thiên Chúa.

 Tôi có thằng cháu trai năm nay cũng sắp sửa 16 tuổi, thầm nguyện cùng Thiên Chúa và Mẹ Maria, cho cháu có được ơn gọi.   Nhưng đến hôm nay thì cũng chưa thấy dấu hiệu gì là cháu muốn hay chọn con đường đi tu.   Tôi bảo ông nhà tôi nhìn thấy cha Hoàng mà tưởng tượng ra thằng con trai yêu quý của mình, chắc tôi sẽ khóc ngất và cảm tạ Hồng Ân Thiên Chúa.   Như gia đình của cha Hoàng hẳn sẽ rất hãnh diện với mọi người có mặt trong thánh lễ Mở Tay.   Cuối lễ cha Đức cũng có giới thiệu ông Cố của cha Hoàng không ai khác là nhà điêu khắc rất nổi tiếng đã cho tất cả chúng ta những bức tranh Các Thánh Tử vì Đạo được chưng tại Trung Tâm Công Giáo.  

 Quả là giòng nào thì giống nấy! Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, vì cha Hoàng cũng thi theo con đường hội họa giống ông Cố.   Hiện nay cha Hoàng cũng có bao nhiêu trăm bức tranh sẽ được triển lãm và trình diện với bà con, tức nhiên không phải ở đây.   Chỉ tiếc là chúng tôi không có được thời giờ để vào bữa tiệc mà chúc mừng cho cha và xin hình ảnh vẽ mà cha đã thực hiện.   Tôi thì quý các cha, thầy, và tất cả mọi tu sĩ nam nữ lắm lắm!.   Bởi dù tiếng Chúa Gọi ra từ dòng nào hay triều nào thì mục đích cao cả vẫn là muốn hướng dẫn cho đàn chiên trở nên tốt lành và đi theo bước chân của Chúa.   Mục đích vẫn là dâng hai tiếng Xin Vâng và Phục Vụ vì Chúa và vì anh chị em.   Mục đích luôn là Sống cho Chuá và cho anh chị em.  

 Vâng, giáo dân chúng con luôn thiếu thốn và luôn vẫn không đủ Mục Tử Tốt Lành để hướng dẫn và dìu dắt chúng con, để hướng chúng con luôn biết tìm kiếm Nước Trời và biết sống theo Thánh Ý Chúa.   Quý ngài đối với chúng con giáo dân và linh hồn chúng con thật quan trọng thay! Và chức vụ của quý ngài cũng được Chúa Đấng vô cùng quyền năng, luôn luôn củng cố quý ngài thêm Đức Tin, Lòng Sốt Mến khao khát Chúa, Lòng Nhiệt Thành, và có một trái tim thật Vĩ Đại giống trái tim Nóng Bỏng luôn Yêu Thương của Chúa.

 Nhân ngày Father’s Day, chúng con giáo dân không có gì trao tặng cho quý cha linh mục, ngoài bàn tiệc ấm cúng mà giáo dân đãi mừng quý cha, nhưng bên trong tâm hồn chúng con xin lúc chúc quý cha, luôn ao ước quý cha sống một cuộc đời thánh thiện, lành mạnh, sa chước cám dỗ, và luôn sống đẹp lòng Chúa.   Bây giờ và mãi mãi để bàn tiệc Thánh của Chúa sẽ luôn được sống mãi, luôn nuôi dưỡng thể xác và linh hồn chúng con.   Nhờ Linh Mục mà Mình Thánh Chúa sẽ luôn ở với và trong chúng con cho đến tận thế.   Thật phải không một chức vụ nào cao quý cho bằng chức vụ Mục Tử Tốt Lành của Chúa.   Amen.

 ** Xin bấm vào mã số dưới đây để hát theo:

     http://www.youtube.com/watch?v=2O9BQTtGoVg

     (Thiên Chúa Là Cha)

 Y Tá Của Chúa,

Tuyết Mai

(06-17-12)

Thánh Gioan Fisher

Thánh Gioan Fisher
    (1469-1535)

 

                                                                          17 Tháng Sáu

     Thánh Gioan Fisher thường có liên hệ với Erasmus, Thomas More và những người thuộc phong trào nhân bản thời Phục Hưng. Bởi đó, cuộc đời ngài không có nét bề ngoài như đời sống các thánh khác. Ðúng hơn, ngài là một con người học thức, thân quen với giới trí thức và chính trị thời bấy giờ.

     Gioan Fisher sinh ở Beverley, Yorkshire Anh Quốc, tốt nghiệp Ðại Học Cambridge, thụ phong linh mục năm 1491 và lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học năm 1501. Ngài có tài quản trị nên được nhà trường lần lượt giao cho các chức vụ tổng giám thị, phó chưởng ấn và chưởng ấn. Trong thời gian này, ngài là cha giải tội của mẹ vua Henry VII và đã khuyên bảo bà dùng của cải một cách bác ái, cũng như đưa môn thuyết giảng vào hai đại học lớn ở Anh. Cũng chính thời gian này, ngài làm bạn với Erasmus và Thomas More.

     Vào năm 1504, ngài được làm giám mục ở Rochester và cai quản giáo phận nghèo nàn này trong ba mươi năm; ngài đích thực là một giám mục, sống làm gương cho các linh mục và chú ý đến đời sống tâm linh của họ. Chính Ðức Giám Mục Fisher là một văn bút và vị giảng thuyết sáng giá. Các bài giảng của ngài về ăn năn sám hối được tái bản đến bảy lần trước khi ngài từ trần. Với sự tràn lan của giáo phái Luther, ngài đã tham dự vào các cuộc tranh luận. Tám cuốn sách ngài viết để chống với lạc giáo đã đem lại cho ngài địa vị hàng đầu của các thần học gia Âu Châu. Cần nhận xét ở đây là Ðức Gioan Fisher không bao giờ dùng lời lẽ hạ cấp để nhục mạ đối phương như trong các cuộc tranh luận thời bấy giờ, nhưng ngài dùng lý lẽ để khuyên bảo những người lầm đường lạc lối.

     Vào năm 1527, ngài được yêu cầu xem xét vấn đề hôn nhân của vua Anh là Henry VIII. Nhà vua muốn li dị hoàng hậu hiện thời là bà Catherine ở Aragon vì bà không sinh được con trai nối dõi. Ðức Fisher đã làm vua Henry tức giận khi tuyên bố hôn nhân cũ của nhà vua vẫn còn giá trị, và sau này Ðức Fisher còn từ chối không chấp nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh Quốc như nhà vua tự xưng.

     Trong mưu toan hãm hại Ðức Fisher, đầu tiên vua Henry buộc tội ngài là không phúc trình các “mặc khải” chống đối nhà vua của sơ Elizabeth Barton. Sau đó ngài bị triệu đến để thề chấp nhận Ðạo Luật Thừa Kế. Tất cả các quan trong triều đều tuyên thệ chấp nhận, ngoại trừ Ðức Giám Mục Fisher và Thomas More, cả hai từ chối vì Ðạo Luật này hợp pháp hóa sự li dị của Henry cũng như chấp nhận ông là thủ lãnh của Giáo Hội Anh. Cả hai người bị tống ngục Tower, khi ấy Ðức Fisher đã sáu mươi lăm tuổi và bệnh tật đang làm hao mòn sức khỏe của ngài.

     Vào năm 1535, đức giáo hoàng tấn phong Ðức Gioan Fisher làm hồng y, nhà vua lại càng thêm tức giận và đã gài bẫy để đưa Ðức Gioan ra tòa về tội phản quốc. Ngài bị kết án và bị hành quyết, thi thể ngài bị để nằm nguyên ngày trên giàn chém và đầu của ngài bị treo trên cầu Luân Ðôn. Hai tuần sau, Thomas More cũng bị xử tử.

     Ðức Gioan Fisher và Thomas More được phong thánh năm 1935.

     Lời Bàn

     Ngày nay, có nhiều vấn đề được nêu lên về việc tích cực tham gia sinh hoạt xã hội của linh mục và giáo dân. Ðức Gioan Fisher đã trung thành với ơn gọi giám mục của ngài. Ngài cương quyết duy trì giáo huấn của Giáo Hội; lý do ngài bị tử đạo là vì trung thành với Rôma. Ngài đã can dự đến các sinh hoạt văn hóa cũng như tranh chấp chính trị thời bấy giờ. Sự can dự này khiến ngài phải thắc mắc về tư cách đạo đức của người lãnh đạo quốc gia. “Giáo Hội có quyền, đúng hơn là nhiệm vụ, để đề cao sự công bằng trong lãnh vực xã hội, quốc gia và quốc tế, để lên án những bất công, khi các quyền căn bản của con người và sự cứu độ của họ đòi hỏi” (Công Bình Trong Thế Giới, Thượng Hội Ðồng Giám Mục 1971).

     Lời Trích

     Erasmus đã nói về Ðức Gioan Fisher như sau: “Ngài là con người mà thời bấy giờ không ai sánh được về sự chính trực của đời sống, về học thuật và về nét cao quý của linh hồn.” 

 

 CẢM TẠ CHÚA VÌ ĐÃ BAN CHO CHÚNG TA 1 THIÊN THẦN HỘ THỦ NƠI THẾ GIAN

NGƯỜI CHA TRẦN THẾ DUY NHẤT CỦA MỖI NGƯỜI

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Thánh Gioan Phanxicô Regis

Thánh Gioan Phanxicô Regis
    (1597-1640)

                                                                                   16 Tháng Sáu

 

    Sinh trong một gia đình giầu có ở Narbonne, Languedoc nước Pháp, ngay từ nhỏ, vì quá mến mộ các thầy giáo Dòng Tên nên Gioan Phanxicô luôn ao ước gia nhập dòng này. Và ngài đã thực hiện ý định ấy khi 18 tuổi. Trong thời gian tu tập, mặc dù học trình rất nghiêm nhặt nhưng ngài đã dành nhiều thì giờ cầu nguyện hàng đêm.

     Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Regis đi truyền giáo trong một vài thành phố ở Pháp. Ðặc biệt, ngài lưu tâm đến người nghèo và rất siêng năng thi hành mục vụ. Ngay từ sáng sớm ngài đã có mặt ở tòa giải tội sau khi cử hành Thánh Lễ; vào buổi chiều ngài đi thăm các bệnh nhân và tù nhân. Vào năm 1631, khi trận dịch hạch tấn công thành phố, ngài làm việc trong bệnh viện ở Toulouse với “những công việc tầm thường nhất ở trong bếp nhưng lúc nào cũng vui vẻ và sẵn sàng.”

     Vào thời bấy giờ, vì thiếu giám mục và các linh mục thì chểnh mảng, giáo dân không biết gì đến bí tích có trên 20 năm. Nhiều hình thức Tin Lành phát triển mau chóng trong khi hàng giáo sĩ vẫn giữ thái độ lãnh đạm trong nhiều lãnh vực. Trong ba năm trường, Cha Regis đã đi khắp địa phận, tổ chức các buổi học hỏi, xưng tội trước khi mời đức giám mục đến thăm. Ngài thành công trong việc hoán cải nhiều người và đã đưa họ trở về với đời sống đạo tốt lành.

     Về đời sống cá nhân, ngài càng khó khăn với chính mình bao nhiêu thì ngài lại nhân từ với người khác bấy nhiêu. Thức ăn của ngài thường là rau trái và bánh thô, nhiều khi vì số người đến xưng tội quá đông đến độ ngài không còn thời giờ để ăn uống. Ðể hy sinh hãm mình, mỗi đêm, ngài ngủ không quá ba giờ đồng hồ.

    Mặc dù Cha Regis ao ước đi truyền giáo cho người da đỏ Bắc Mỹ ở Gia Nã Ðại, nhưng suốt cuộc đời ngài đã tận tụy phục vụ Thiên Chúa trong những nơi hoang vu nhất ở ngay quê hương của ngài. Ở đó ngài phải chịu sự khắc nghiệt của thời tiết và nhiều thiệt thòi khác. Tuy nhiên, sự thánh thiện của ngài ngày càng gia tăng và được nhiều người biết đến.

     Trong bốn năm cuối đời, ngài rao giảng và làm việc trong các tổ chức xã hội, nhất là cho người tù, người bệnh và người nghèo. Vào mùa thu năm 1640, dù cảm thấy cái chết đã gần kề, Cha Regis vẫn cố gắng trong công tác mục vụ, nhằm đưa các linh hồn về với Chúa. Sau khi làm việc cả ngày Giáng Sinh không ngừng nghỉ, vào ngày hôm sau, sau khi lên toà giảng ngài đã ngất xỉu vì kiệt sức. Bốn ngày sau đó, trước khi thở hơi cuối cùng, ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa Giêsu, con phó linh hồn con trong tay Chúa.” Lúc ấy ngài mới 43 tuổi.

     Ngài được phong thánh năm 1737. 

 

 XIN CHO CON CÓ TRÁI TIM MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI NHƯ MẸ, 

LẠY ĐỨC NỮ ĐỒNG TRINH MARIA

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Lịch sử ngày của cha

Lịch sử ngày của cha 

 

 Ngày của cha xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1910, được khởi xướng bởi Sonora Smart tại Spokane, Washington. Ngày của cha được xem là ngày dành cho con cái bày tỏ, thể hiện sự kính trọng, yêu thương của mình đối với cha của mình.

Ý tưởng tổ chức Ngày của cha bất chợt đến với Sonora khi cô đang nghe một bài giảng về Ngày của mẹ vào năm 1909.

Sau khi mẹ cô mất, Sonora cùng với các anh chị em do một tay cha cô – ông William Jackson Smart – nuôi nấng, dạy dỗ. Sonora muốn nói với cha rằng ông quan trọng và ý nghĩa với cô biết dường nào. Cha của cô sinh vào tháng 6, vì thế cô đã chọn tổ chức ngày của cha lần đầu tiên tại Spokane, Washington vào ngày 19 tháng 6 năm 1910.

Vào năm 1972, Tổng Thống Mỹ Richard Nixon đã quyết định chọn ngày Chúa Nhật thứ 3 của tháng 6 chính thức là Quốc Lễ dành riêng cho những người cha. Như thế, Ngày của cha đã được hình thành từ ký ức và lòng biết ơn của một người con gái luôn tin rằng cha của cô và tất cả những người cha khác đều xứng đáng được tôn vinh vào một ngày thật đặc biệt.

Như thường lệ, Ngày của cha năm nay cũng sẽ được tổ chức vào ngày Chúa Nhật thứ ba của tháng 6 – tức ngày 17 tháng 06 năm 2012.

Vào ngày này, mọi người thường tự làm thiệp gửi những lời yêu thương, những lời chúc tốt đẹp nhất đến cha mình hoặc mua hoa, mua quà tặng cho cha.

PTH sưu tầm

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Đôi Mắt Người Cha

Đôi Mắt Người Cha

                                                  tác giả: Hoài Việt

 

                        Xin cho, Chúa chẳng hẹp hòi

               Gõ Ngài mở cửa, tìm soi thấy liền.

 Một người cha chỉ có một đứa con trai duy nhất sống chung với ông, hai bố con đều say mê môn túc cầu trái na (football), nên hai người rất  hợp tính tình và thương yêu nhau thật là mật thiết. Ngay từ khi ở trung học đệ nhất cấp (lớp 7 đến lớp 9), người con xin ghi danh chơi “Football” cho trường, ông bố ưng thuận liền.

 Để khích động tinh thần con mình ông luôn luôn tham dự các trận đấu, vỗ tay hoan hô cổ võ tinh thần cho đội của con ông. Tuy biết đứa con chưa từng được tham dự các trận đấu, nhưng ông không nản vẫn luôn luôn đến xem không bỏ sót một trận đấu nào của nhà trường.

 Biết con trai mình có thân hình nhỏ nhất so với đồng đội trong lớp, nên ông luôn luôn khuyến khích và cầu nguyện. Tuy nhiên để an ủi con, ông khẳng định với con là không cần thiết phải chơi môn thể thao này nếu người con không thích. Ông khuyên nhủ:

      – Nếu con muốn, hãy đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa, đối với Chúa không một điều gì không làm được. Lời khuyên của Cha giúp người con niềm tin tưởng. Nên anh rất mê say, tiếp tục ghi danh tham dự khi chuyển lên trường trung học đệ nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12) trong suốt ba niên học. Anh đã cầu nguyện và vận dụng tất cả khả năng của mình trong các buổi thực tập, hy vong sẽ được chơi khi bắt đầu lên lớp 12. Dù anh chưa bao giờ bỏ một buổi tập dợt hoặc một trận đấu nào của trường, nhưng trọn ba năm trung học anh vẫn chỉ là người ngồi dự khuyết. Thân phụ của anh tiếp tục tham dự các trận đấu cổ võ anh.

Rời ngưỡng cửa trung học, anh tiếp tục ghi danh vào đại học. Anh quyết định cố gắng theo đuổi một lần nữa môn thể thao mà anh ưa chuộng bằng cách tự do tình nguyện chơi cho nhà trường không đòi hỏi học bổng. Trong thời gian thực tập tuyển chọn, mọi người nghĩ rằng anh sẽ bị loại; nhưng khi niêm yết danh sách cuối cùng các sinh viên chính thức được chọn cho niên khóa trong đó có tên anh. Có lẽ nhờ anh đã tận tụy và nỗ lực trong mọi cuộc tập dợt, đồng thời anh cũng có một tinh thần đồng đội rất cao như khuyến khích, giúp đỡ trông nom tận tình những đồng đội bị thương vì những thoi húc quá mạnh.

 Khi nhìn thấy tên mình trong danh sách cầu thủ chính thức, anh mừng rỡ vội vàng điện thoại báo tin cho Thân Phụ biết. Ông rất vui mừng và để cùng chia sẻ nỗi vui mừng với con, ông đã nhận mua vé tất cả các trận chơi của trường.

 Trong bốn năm ở đại học, anh rất chăm chỉ không vắng mặt một buổi tập dợt nào, nhưng anh chưa bao giờ được chính thức ra sân. Đã tới hồi chấm dứt mùa giao đấu của năm học chót. Vào chiều Thứ Hai tuần chót của mùa giao đấu, anh cùng với các cầu thủ đang tập dượt chuẩn bị cho trận đấu vòng loại rất quan trọng; nghe thày gọi, anh hoảng hốt rời sân tập và vội vã chạy tới trình diện thày huấn luyện viên trưởng. Ông trao anh bức điện tín. Anh đọc điện tín rồi như chết đứng trong yên lặng. Cố nghẹn ngào nuốt buồn tủi, lập cập nói với thày: 

 – Cha con vừa qua đời sáng nay! Xin thày cho phép con vắng mặt buổi tập dượt hôm nay được không? Huấn luyện viên nhẹ nhàng đặt tay trên vai anh ôn tồn chia buồn cùng anh và nói:

 – Con hãy nghỉ trọn tuần, và cũng không cần phải tới tham dự trận đấu Thứ Bảy này.

 Anh lặng lẽ vội vàng về phòng thu xếp những gì cần thiết rồi lên đường về lo thu xếp ma chay cho người Cha. Sau khi an táng cha xong vào 10 giờ sáng Thứ Bảy, anh vội vã trở lại trường hy vọng kịp xem trận đấu khai mạc vào 5 giờ chiếu. Khi anh tới nơi thì trận đấu đã qua hiệp nhì. Trước đối thủ có hạng cao, đội của anh đã tận dụng khả năng nhưng vẫn chưa thay đổi tỷ số dầu chơi ở sân nhà. Gần hết bán hiệp nhì, đội của anh đã bị gác 10 điểm. Anh lặng lẽ lẻn vào phòng thay quần áo, đổi y phục cầu thủ, rồi anh chạy ra vỉa sân chơi phía đội nhà đang đứng, Các huấn luyện viên và các đồng đội rất sửng sốt khi nhìn thấy cầu thủ nhiệt thành tý hon đã trở lại quá sớm sau tang lễ của bố. Anh ta nói:

 – Thưa thày, đây là trận chót, xin thầy cho phép con được chơi hôm nay, con ước ao được chơi để biểu diễn khả năng của con ngày hôm nay? Ông giả vờ như không nghe anh hỏi. Ông thầm nghĩ, không thể nào để một cầu thủ kém cỏi nhất ra sân trong trận đấu vòng loại quan trọng như thế này được. Nhưng anh ta năn nỉ hoài, làm ông mủi lòng nhất là khi nghĩ đến cái đại tang bất hạnh của anh , và nhận thấy cũng không hy vọng có thể trở thắng nổi nên ông gật đầu:

 – Thôi được, ta thuận để con chơi.

 Thế là anh được phép ra sân. Chỉ trong giây lát, các cầu thủ và huấn luyện viên đứng ngoài nhìn, mọi người đều ngạc nhiên không thể tin vào con mắt của họ. Vì một cầu thủ vô danh tiểu tốt chưa từng giao đấu một trận nào trước đây, nhưng anh ta đã thi thố tài năng biểu diễn rất chính xác trong tất cả vị trí.

 Các địch thủ không làm sao chặn anh ta nổi. Ôm banh chạy, chuyền banh, chặn đường húc, bắt banh, ngăn địch thủ thật hữu hiệu và chính xác hơn cả những cầu thủ từng danh tiếng lỗi lạc của đội. Khiến đồng đội của anh phấn khởi, chơi rất hăng say. Chỉ trong mấy phút đã gỡ hòa. Rồi vào giây chót của trận đấu, đối thủ có banh, định làm kiểu bất ngờ “Hail Mary!” liệng banh thật xa để tránh bị mất banh ở sân nhà. Anh tiên đoán được và nhanh chân đuổi theo rồi nhảy lên chặn bắt được banh, chạy ngược lại như bay xuống cuối sân đặt trái banh kết thúc trận đấu với chiến thắng bằng 6 điểm. Cả đội tràn ra sân ôm anh và kiệu trên vai, hoan hô như chưa từng thấy bao giờ!

 Cuối cùng, sân không còn một người, các cầu thủ đã tắm rửa, thay quần áo và rời phòng. Riêng thày huấn luyện viên trưởng nhìn thấy cầu thủ “tý hon” khác thường kia đang ngồi yên lặng một mình trong góc tường. Ông đến và nói:

– Này con, ta không thể nào tin được. Con tuyệt diệu như vậy ! Hãy nói cho ta biết, đã có phép lạ gì trong con? Làm sao con có thể biểu diễn được những điều lỗi lạc đó như vậy hôm nay? Anh ta nhìn lên thày huấn luyện viên với hai dòng lệ tuôn trào từ khóe mắt nói:

 – Vâng, Thày biết Thân Phụ con đã ra đi vĩnh viễn!  Nhưng có điều . . . Thày chưa từng biết, Cha con . . . mù hai mắt! Anh cố nuốt nghẹn rồi mỉm miệng cười, bước theo thày huấn luyện viên và tiếp:

 – Thiên Chúa đã mở mắt Cha con, Người đã đến xem và mục kích trận đấu của con hôm nay. Đây cũng là lần đầu tiên Cha con được nhìn thấy con chơi, nên Chúa muốn con chứng tỏ cho Cha con rằng con có thể làm được những việc đó!

                   Cảm Đề

 Có người hãnh diện vì ta

Yêu thương cầu nguyện cho ta vững lòng

Cậy trông  Thiên Chúa quan phòng

Để ta luôn được sống trong an bình.

                          ***

 Mắt mù tâm sáng lại anh linh

Hiện tượng siêu nhiên vượt trí mình

CHÚA muốn ban cho đều được cả

Người cầu nhận thức tuyệt vời xinh

Cha luôn khích lệ lòng trông cậy

Con quyết vâng tuân ý tiến trình

Kết quả phô bày thành tích lập

Hồng ân nhắc mãi rực Tân Kinh.

(Mt 21:22)

   Hoài Việt

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

SỰ CHẾT CUỘC THANH TẨY MẦU NHIỆM

SỰ CHẾT CUỘC THANH TẨY MẦU  NHIỆM

 Đau khổ tự nó có một giá trị. Còn ý nghĩa thì không ai hiểu hết được, ta gọi là mầu nhiệm đau khổ.
Người kitô hữu nhìn ra sự đau khổ đời này là dịp để rèn luyện nhân đức, để lập
công đời sau. Khi kết hợp với những đau khổ của Đức Giê-su Kitô, sự đau khổ còn
có một giá trị cứu rỗi nữa.

“Tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8, 18). Sự cao cả của vinh quang Thiên Chúa dành cho ta cần phải có một sự thanh luyện, thanh tẩy trước đó để xứng đáng trước mặt Người. Thánh
Phaolô đã có kinh nghiệm sâu xa về sự thanh tẩy mà Ngài đã từng trải trước khi
là môn đệ cho Đức Kitô Phục sinh. Sự thanh tẩy của Ngài qua biến cố trên đường
Đamát làm thay đổi cuộc đời Ngài (x. Cv 9) và ảnh hưởng ghê gớm trên tòan Hội
thánh.

Thời gian cần thiết phải có cho một cuộc thanh tẩy là điều tất yếu hàm chứa một ý định cao cả của Thiên Chúa về tình thương yêu của Ngài : “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình
thương” (Tv 135). Kế họach yêu thương mầu nhiệm của Thiên Chúa như vậy khiến
người ta ngạc nhiên, đôi khi trách móc về một Thiên Chúa tàn nhẫn, độc ác nữa.
Tất cả mọi nỗi đau khổ, bệnh tật, tai họa đang xảy ra chung quanh chúng ta dưới
con mắt đức tin vẫn được hiểu là do Thiên Chúa gởi đến. Biết bao nhiêu người đã
chẳng được sống và chết cho đúng phẩm giá làm người. Biết bao nhiêu người đang
muốn chết vì tình trạng khốn quẫn của họ đến mức hết chịu nổi nhưng bị tiếng
nói ngăn cấm của Giáo hội về vấn đề sự sống thuộc quyền Thiên Chúa… Thật khó
hiểu.

 “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình. Mỗi
người hãy chiều theo sở thích của kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng”
(Rm 15, 1 – 2). Sự hiện diện của người kitô hữu trong trần thế bên cạnh sự đau
khổ, sự chết là một minh chứng về niềm tin của họ và là bài học cho dân ngọai.
Sự thanh tẩy đã được diễn ra trong cuộc đời của họ từ khi lãnh bí tích rửa tội
và nó vẫn được tái diễn trong cuộc sống này khi họ đón nhận thánh ý Thiên Chúa
qua tất cả những gì là trái ý họ. Chính niềm tin vào sự thanh luyện giúp cho họ
đứng vững và vượt qua được tất cả. Điều đó chuẩn bị để đưa họ tới cuộc thanh
tẩy lớn lao hơn trong sự chết.

Đức Giê-su đã đón đợi cuộc thanh tẩy này suốt cuộc đời, mà Ngài gọi là một “phép rửa”. “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khỏai biết bao cho đến khi việc này hòan tất!” (Lc 12, 50). Phép rửa chính là cuộc phán xét chính Người sắp phải chịu.
“Phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu”, sẽ được diễn ra ở đỉnh cao của cuộc
thương khó và hoàn tất trong cuộc Phục sinh. Cuộc thanh tẩy này không phải là
một điều gì ập đến bất ngờ nhưng được chuẩn bị chu đáo trong chương trình mầu
nhiệm của Thiên Chúa Cha. Đấng vô tội đã tự thanh tẩy mình để thánh hóa kẻ có
tội khi Ngài chấp nhận bị dìm trong đau khổ và tai họa do con người gây ra.

Sự chết nơi người kitô hữu là một hành trình đi vào ơn cứu độ với Đức Giê-su Kitô trong dáng dấp của kẻ đau khổ qua việc thử thách nơi cuộc thanh tẩy mầu nhiệm. Như vậy, sự chết ấy được khóac một lớp áo tình thương (xem “Sự chết – một ân ban”) và đóng góp rất
nhiều cho cuộc thanh tẩy của Đức Giê-su, điều mà thánh Phaolô bảo là bổ túc cho
cuộc thương khó của Chúa. Người kitô hữu cảm thấy hòan tòan tự do trong việc
đón nhận cái chết theo ý Chúa để nói lên một thực tại hữu ích mà họ sẽ được
hưởng. Qua đó họ lại được thanh tẩy kỹ càng hơn nữa cho xứng đáng với sự thánh
thiện tuyệt đối của Thiên Chúa. Thời gian thanh tẩy này lại tùy thuộc vào mỗi
cá nhân, tùy thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Điều mà không ai trong
chúng ta có quyền xác định được.

 Việc thanh tẩy trong  cái chết là một lời nhắc nhở cho ta về sự cao quí của linh hồn nên được Thiên Chúa giị cho sạch mọi thứ bụi bặm nơi thân xác tội lỗi này. Việc thanh tẩy này
cũng là một cuộc phán xét nơi chính mình như đã xảy ra cho Đức Giê-su để rồi
được vinh quang sáng láng. Do đó, chúng ta cũng khắc khỏai trước phép rửa này
như Đức Giê-su và luôn chuẩn bị sẵn sàng tư thế như người đầy tớ đợi chủ về.

Lm Pet. Bùi Trọng Khẩn  

nguồn từ Maria Thanh Mai gởi