Thánh Monica

 Thánh Monica
(322?-387)

                                                                                               27 Tháng Tám

 

Hoàn cảnh cuộc đời Thánh Monica đã có thể biến ngài thành một người vợ hay mè nheo, một nàng dâu nhiều cay đắng và một người mẹ tuyệt vọng, tuy nhiên ngài đã không chịu thua bất cứ cám dỗ nào. Mặc dù ngài là một Kitô Hữu, cha mẹ ngài đã gả cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống trong cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi Châu. Patricius là người tốt nhưng ông vô cùng nóng nẩy và phóng túng. Ngoài ra Thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng. Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người. Nhưng sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của Thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo. Ông Patricius chết năm 371, sau khi rửa tội được một năm để lại người vợ goá và ba con nhỏ.

Người con cả, Augustine Hippo, nổi tiếng nhất (sau này là thánh). Vào lúc cha chết, Augustine mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage. Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng. Có những lúc Thánh Monica không cho con được ăn ngủ ở trong nhà. Và rồi một đêm kia, ngài được thị kiến và được đảm bảo là Augustine sẽ trở về với đức tin. Từ đó trở đi ngài sống gần với con hơn để ăn chay và cầu nguyện cho con. Quả vậy, ngài ở gần đến nỗi Augustine cũng phải bực mình.

Khi 29 tuổi, Augustine quyết định đi Rôma để dạy về hùng biện. Một tối kia, Augustine nói với mẹ là anh ra bến tầu để từ giã bạn bè. Nhưng, anh lại lên tầu đi Rôma. Thánh Monica thật đau lòng khi biết mình bị lừa, nhưng ngài nhất định đi theo. Vừa đến Rôma thì ngài lại biết là Augustine đã đi Milan. Mặc dù việc di chuyển khó khăn, Thánh Monica vẫn nhất định bám sát.

Ở đây, Augustine bị ảnh hưởng bởi một giám mục, Ðức Ambrôsiô, là vị linh hướng sau này của Thánh Monica. Augustine chấp nhận mọi lời khuyên của đức giám mục và tập được đức khiêm tốn đến độ ngài có thể từ bỏ được nhiều tật xấu. Thánh Monica trở thành người lãnh đạo của nhóm phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi ở Tagaste.

Ngài tiếp tục cầu nguyện cho Augustine trong những năm anh theo học với đức giám mục. Vào Phục Sinh năm 387, Ðức Ambrôsiô rửa tội cho Augustine và một vài người bạn của anh. Không lâu sau đó, cả nhóm đi Phi Châu. Lúc ấy, Thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, ngài nói với Augustine, “Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả. Mẹ không biết có gì còn phải thi hành và tại sao mẹ lại ở đây, vì mọi hy vọng của mẹ ở trần gian này đều đã được hoàn tất.” Sau đó không lâu ngài bị bệnh và chịu đau đớn trong chín ngày trước khi từ trần.

Tất cả những gì chúng ta biết về Thánh Monica là trong tác phẩm Tự Thú của Thánh Augustine.

Lời Bàn

Trong xã hội ngày nay, mọi thứ đều sẵn sàng, từ mì ăn liền, cà phê uống liền, đến việc tiêu xài liền (instant-credit) khiến chúng ta không còn kiên nhẫn. Tương tự như thế, chúng ta cũng muốn lời cầu xin của chúng ta được đáp trả ngay lập tức. Thánh Monica là gương mẫu của sự kiên nhẫn. Những năm trường cầu nguyện, cộng với đức tính kiên cường và kỷ luật, sau cùng đã đưa đến sự trở lại của người chồng nóng nẩy, người mẹ chồng ưa gắt gỏng và người con thông minh nhưng bướng bỉnh, là Augustine.

Lời Trích

Khi Thánh Monica từ Bắc Phi Châu sang Milan, ngài nghĩ ra những thói quen đạo đức mới cho ngài và cho những người thời ấy, tỉ như ăn chay ngày thứ Bảy, là điều không phổ thông ở Milan. Ngài hỏi Thánh Ambrôsiô là nên giữ những thói quen nào. Câu trả lời nổi tiếng của Thánh Ambrôsiô là: “Khi cha ở đây, cha không giữ chay ngày thứ Bảy, nhưng khi ở Rôma thì cha sẽ giữ chay; hãy làm theo những phong tục và huấn thị của Giáo Hội như đã được ban bố đặc biệt cho địa phương mà con đang sống.”

Thánh Simon PHAN ĐẮC HÒA, Y sĩ

Thánh Simon PHAN ĐẮC HÒA, Y sĩ

(1774 – 1840)

Lễ kính: ngày 12 tháng 12

                                                                                     Lm. Đào Trung Hiệu, OP

 

Gương mẫu người tân tòng

Phan Đắc Hòa sinh trong một gia đình ngoại giáo tại làng Mai Vĩnh, xã Mông thôn, tỉnh Thừa Thiên năm 1774. Thuở bé, cậu tên là Thu. Cha mất sớm, mẹ đưa chị em Hòa đến tá túc và làm công ở làng Lưỡng Kim, sau đó đến giúp một gia đình Công Giáo ở làng Nhu Lý, tỉnh Quảng Trị.

Sống với người Công Giáo, nhìn thấy những gương sáng và được nghe nói về những điều cao đẹp của đạo mới này, cậu Hòa đem lòng cảm mến và xin phép mẹ cho mình theo học lớp giáo lý và gia nhập đạo. Khi ấy cậu mới chỉ là một thiếu niên 12 tuổi, cậu đã chọn thánh Simon làm bổn mạng. Yêu mến Chúa Kitô, cậu bé không dừng ở đó, mà còn muốn theo sát, phục vụ Chúa Kitô trong đời tu trì. Cậu đã vào chủng viện một thời gian, nhưng qua các cha bề trên, Simon Hòa nhận ra ý Chúa muốn cậu sống và làm chứng tá về Ngài ngay giữa lòng đời.

Tuy không đạt được ước mơ, Simon Hòa vẫn thường xuyên liên lạc với chủng viện và các cha Bề trên. Sau khi lập gia đình và trở thành cha của 12 người con, Simon Hòa cố gắng chu toàn trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, xứng đáng là ngày gương sáng tiêu biểu cho mọi gia đình trong làng. Sống đời giáo dân, ông Hòa hành nghề y sĩ: “Lương y như từ mẫu”. Nhiều người được ông chữa lành bệnh, nên dân chúng đồn đãi với nhau đến với ông rất đông. Nhờ đó ông có nhiều cơ hội giúp đỡ người nghèo khó. Nếu dư dả chút ít, ông liền đem đóng góp vào công việc từ thiện, xây cất thánh đường.

Với đời sống đạo đức, ông lang y Hòa được đề cử làm Trùm họ. Trước mặt mọi người, ông đã thực thi chức năng một cách tốt đẹp: Ai ăn ở bất xứng, biếng trễ, ông tìm cách sửa chữa, hoặc răn đe dỗ dành, hoặc giải thích khuyên can. Ai cờ bạc rượu chè, ông nghiêm khắc sửa dạy. Thế nhưng ai cũng yêu mến chứ không oán ghét gì ông, bởi họ biết ông làm thế vì thương yêu họ và vì trách nhiệm, chứ không phải vì tư lợi. Ngoài ra, ông Simon Hòa còn sẵn sàng bênh vực, giúp đỡ người già nua tuổi tác, yếu đuối, các cô nhi quả phụ. Ông thấy thấm thía ý nghĩa của phúc thật tám mối, nhận ra hình ảnh Chúa Kitô nơi người khác, nhất là người nghèo khó. Có lần ông đích thân cúi xuống vực một người nằm kiệt sức bên đường, vác lên vai, đưa đến trạm canh, rồi cho người đem cơm nước để nuôi kẻ bất hạnh.

Dư thừa can đảm

Khi vua Minh mạng ra chiếu chỉ cấm đạo, Ông Trùm lang Hòa có dịp bày tỏ lòng can đảm của mình: ông sẵn sàng cho các linh mục ngoại quốc ẩn náu trong nhà, mặc dù biết rằng việc chứa chấp này đe dọa đến tính mạng của mình, cũng như của gia đình. Đức cha Cuénot Thể cũng trọ một thời gian tại nhà ông. Ông nhiệt thành lo liệu sắp xếp cho các linh mục có nơi trú ẩn. Nếu nhà mình không ổn, ông gởi các nhà ở nơi tương đối bình an hơn. Tối ngày 13.4.1840, khi đang trên thuyền Đức cha De la Motte Y đến làng Hòa Ninh, thuyền ông bị các quan phát hiện đuổi theo. Quân lính bắt ông và Đức cha Y đưa về huyện Dương Xuân, rồi giải về Qủang Trị giam hai tháng, và cuối cùng điệu về Huế.

Suốt thời gian bị giam, lương y Hòa không những đã giúp đỡ anh em bạn tù bằng việc bốc thuốc chữa bệnh, ông còn khuyến khích họ trung thành với Chúa đến cùng. Cũng chịu khổ hình như mọi tù nhân, có khi còn hơn nữa, nhưng ông Simon vẫn kiên vững niềm tin. Các lần đòn đánh với vô số vết thương không làm ông nản chí, trái lại, ông còn lấy làm vui thỏa vì được hiệp thông với Đức Kitô chịu đóng đinh.

Khổ hình và vinh phúc

Ông Simon Hòa bị tra khảo đến 20 lần, có lẽ vì các quan tưởng dùng bạo lực, ông sẽ phải cung khai tung tích các vị thừa sai, nhưng “dã tràng xe cát biển đông”. Họ đã không đạt được ý nguyện, lại còn phải nghe ông thuyết giảng về chân lý đạo. Thế là họ trả đũa bằng đánh đập, bằng kìm kẹp và tra tấn dã man, cho tới khi người thày thuốc từ bi gục ngã không thể gượng dậy nổi. Nhưng niềm tin của lương y sĩ Hòa không thể ngã gục. Ông can đảm chịu mọi hình khổ đớn đau. Hơn nữa, ông quyết tâm hiến dâng mạng sống mình để làm chứng về đạo, dù phải hy sinh những điều thân thương qúi báu nhất đời. Khi các con đến thăm, ông khuyên nhủ: “Cha yêu thương các con và hắng chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, thương yêu nhau, và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa muốn cha chịu khổ, cha xin vâng trọn”.

Quả thật nỗi lòng y sĩ Simon Hòa lúc đó: “Yêu kính Chúa, nặng tình nhà, Trăm cay nghìn đắng, vẫn cam một lòng”.

Năm 1840, vua Minh Mạng châu phê án xử trảm quyết, bêu đầu ba ngày. Khi điệu ông Hòa đi xử, các quan còn cố bắt ông quá khóa, dụ dỗ ông bỏ đạo, hay ít là cầm lấy ảnh quẳng đi để ông được tha, nhưng ông vẫn một lòng kiên quyết tuyên xưng niềm tin của mình.

Vị lương y làng Nhu Lý đã vượt qua thử thách cuối cùng. Ông đã toàn thắng trong niềm tín thác vào Thiên Chúa ngày 10.12.1840 tại Cổng Chém, gần chợ An Hòa.

Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã suy tôn y sĩ Simon Phan Đắc Hòa lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19.06.1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Lm. Đào Trung Hiệu, OP

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Cuộc sống kì diệu của cô gái 2 đầu…

     Cuộc sống kì diệu của cô gái 2 đầu…  

Hai con người, hai cái đầu nhưng “sử dụng” chung một cơ thể, Abigail và Brittany Hensel vẫn khỏe mạnh suốt 22 năm qua và có cuộc sống thực sự năng động.

Đây chính là trường hợp người có 2 đầu nổi tiếng nhất thế giới. Sinh ra với cùng một cơ thể nhưng họ có 2 tâm hồn khác nhau.

Abigail Loraine Hensel và Brittany Lee Hensel sinh ngày 7/3/1990

Abigail Loraine Hensel và Brittany Lee Hensel sinh ngày 7/3/1990 tại tiểu bang Minnesota (Mỹ). Đầu của Abigail nằm bên phải còn Brittany nằm ở bên trái. Hai chị em có 2 xương sống và nối với nhau ở khung chậu, họ có 2 gan, 2 trái tim, 3 quả thận, 2 dạ dày, 4 phổi, và 2 cánh tay (một cánh tay phát triển không hoàn toàn ở giữa cơ thể đã bị cắt bỏ khi họ còn nhỏ). Khi sinh ra, các bác sĩ chẩn đoán họ không thể sống nổi qua đêm nhưng hai cô gái đáng yêu này đã sống khỏe mạnh và vui tươi suốt 22 năm qua. Một chương trình truyền hình thực tế về Abigail và Brittany Hensel học tại đại học Bethel, cuộc sống và công việc hàng ngày, những chuyến du lịch châu Âu cùng bạn bè của họ, sẽ được phát sóng vào những ngày gần đây.

Tuy gần như cùng chung một cơ thể nhưng giống như nhiều cặp song sinh khác Abigail và Brittany có tính cách và sở thích rất khác nhau.

Abigail thì nóng tính, bướng bỉnh và thích nước cam cho bữa sáng, trong khi đó Brittany lại là người hay pha trò trong gia đình và chỉ dùng sữa cho bữa ăn đầu ngày. Khác nhau khá nhiều trong tính cách, nhưng Abigail và Brittany lại phối hợp khá ăn ý trong cuộc sống hằng ngày. Họ khiến mọi người kinh ngạc trong việc phối hợp hoàn hảo khi chơi piano, Abigail có nhiệm vụ điều khiển tay bên phải và Brittany chơi bằng tay trái. Hai cô gái cũng rất thích và thường xuyên chơi các môn thể thao như bowling, bóng chuyền, đi xe đạp và bơi lội.

Vào sinh nhật lần thứ 16, Abigail và Brittany đã ngoạn mục vượt qua cuộc thi lấy bằng lái xe. Abigail phụ trách chân ga, chân phanh, chân côn và cần số, còn Brittany thì lo về đèn xi nhan và đèn chiếu sáng, họ cùng nhau điều khiển vô lăng Hai cô gái đáng yêu tiết lộ: “Chúng tôi là hai người khác nhau vì vậy luôn phải thường xuyên trao đổi, bàn luận để có sự thống nhất”. Không những thế, hai cô gái này còn rất biết chăm sóc nhau khi ốm đau. Brittany rất dễ bị cảm lạnh và đã hai lần bị viêm phổi. Mỗi lần như vậy Abigail đều cùng Brittany vượt qua.

                                       Dưới đây là chùm ảnh về cuộc sống kỳ lạ của hai chị em gái này:

      Mô hình cấu tạo cơ thể của hai chị em chung đầu

Mẹ âu yếm hai con gái

   Cùng nhau nhận bằng tốt nghiệp cử nhân

Cùng nhau lái ô tô

  Và cùng đi xe máy

Cùng đi học, sải bước tự tin

   Phơi nắng, hưởng thụ cuộc sống

     Giúp tạo kiểu tóc để chuẩn bị đi chơi

(Theo NLĐ)

CẦN PHẢI KÊU VAN THIÊN CHÚA TRỢ GIÚP!

CẦN PHẢI KÊU VAN THIÊN CHÚA TRỢ GIÚP!

                                                           Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt 

 

… Tôi thay đổi. Dù muốn dù không, tôi thay đổi. Tôi thay đổi nơi hình dáng, cách cư xử và tư tưởng. Đúng thế, bởi vì cuộc sống có một điều kiện cơ bản chính xác, đó là mối quan hệ. Thật vậy, không thể nghĩ rằng tôi có thể sống mà không liên hệ với điều gì đó, với người nào đó sống chung quanh tôi. Mỗi một kiểu trao đổi nào đó ở bên ngoài, vẫn khiến tôi phải can dự bằng sự đáp trả, bằng tư tưởng và bằng thái độ tương ứng với con người của tôi. Vậy thì, nếu có thay đổi nào đó liên hệ đến tất cả mọi người thì đáng cho chúng ta phải dành thời giờ để suy tư. Nhưng có sự khác biệt: có những thay đổi đưa con người vào tình trạng khủng hoảng, chẳng hạn như: thay đổi việc làm, thay đổi xứ sở mình đang sống hoặc phải đặt lại vấn đề khi có một biến cố bất ngờ xảy ra. Tôi bị bó buộc phải cố gắng tối đa hầu có thể thích ứng với hoàn cảnh mới, cũng như tìm kiếm một quân bình mới cho chính tôi để đáp ứng với thế giới bên ngoài. Thế là tôi bị mất hướng, xem ra như thể các chắc chắn cổ xưa giờ đây trở thành suy yếu, không còn đáng tin nữa. Bị mất hướng nhưng tôi vẫn hy vọng có các điểm tựa mới hầu giúp tôi được ổn định.

Cách đây vài năm, nếu nhớ không lầm, tôi có đọc một bài báo trong đó có một câu làm tôi suy nghĩ mãi và không bao giờ quên:
– Không ai được cứu rỗi nếu không biết tha thứ!

Khi chúng ta bị rơi vào vòng vây của chính mình hay bị cuốn hút vào các biến cố, hoặc khi xảy đến cho chúng ta điều gì đó làm cho chúng ta bị bấn loạn đảo điên, thì có lẽ, bước đầu tiên chúng ta phải làm là: Tha Thứ!

Tôi muốn nói rằng: Không hẳn chúng ta đã phạm một lầm lỗi nào đó khiến chúng ta phải rơi vào tình trạng hoang mang hoảng sợ. Không phải như vậy. Tôi chỉ muốn nới rộng tư tưởng đi đến chỗ: Hãy thương xót chính chúng ta! Cứ chấp nhận coi như chúng ta bị thua và chúng ta cần trở về tìm kiếm mối quan hệ quân bình với chính mình và với thế giới chung quanh chúng ta.

Đừng từ chối xem như thể đó là những ”chuyện bên ngoài chúng ta”, nhưng phải nhận biết và tái nhận biết cái khủng hoảng khiến chúng ta bị treo lơ lửng trên hố thẳm. Nên chấp nhận là chúng ta cần được giúp đỡ. Vậy hãy xin giúp đỡ và tiếp nhận sự giúp đỡ.

Mỗi khi có một thay đổi làm lo âu bấn loạn thì việc đầu tiên phải làm là thân thưa cùng THIÊN CHÚA. Khiêm tốn nhìn nhận với chính mình rằng sức lực hạn hẹp không cho phép chúng ta có thể thoát ra khỏi những giai đoạn trầm trọng của cơn khủng hoảng. Cần phải kêu van THIÊN CHÚA trợ giúp. Ngài làm được mọi sự và luôn luôn cứu giúp mọi người, không trừ ai.

Không ai được cứu rỗi nếu không biết tha thứ!

Thật vậy! Tha Thứ là ngôn ngữ của THIÊN CHÚA, là phương tiện Ngài ban cho để nói với chúng ta và nói với người khác. Hãy tìm nương ẩn nơi niềm tin vào THIÊN CHÚA trong những lúc gặp gian nan thử thách, giống y như thể là chúng ta trở về Nhà Cha. Xin Chúa ban cho chúng ta thoáng trông thấy ánh sáng mà trước đó chúng ta không còn trông thấy nữa, mặc dầu ánh sáng luôn luôn ở đó. Ngay trong những hoàn cảnh thay đổi khốn khổ nhất, xem ra không còn có hy vọng nào nữa, vẫn có một chút ánh sáng mặt trời len lỏi vào. Chẳng hạn như một cử chỉ nhỏ nhặt, một đóa hoa, một nụ cười, một tư tưởng. Hoặc dưới bất cứ hình thức nào khác. Điều quan trọng là phải quyết định mở rộng cửa để cho ánh sáng tràn vào nhà. Nên luôn luôn ghi nhớ rằng chúng ta không hứng chịu một thay đổi nhưng là sống một thay đổi. Và phải luôn luôn tha thứ như chính THIÊN CHÚA luôn luôn tha thứ cho chúng ta.

Chứng từ của nữ tu Maria Giacomina Stuani thuộc Đan Viện Agostiniano Thánh Nữ Rita thành Cascia (Trung Ý).

… Khi đến nơi gọi là ”Đồi Sọ”, họ đóng đinh Đức Chúa GIÊSU vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Chúa GIÊSU cầu nguyện rằng: “Lạy CHA, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23,33-34) .. Được đầy ơn Thánh Thần, ông Têphanô đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang THIÊN CHÚA và thấy Đức Chúa GIÊSU bên hữu THIÊN CHÚA. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu THIÊN CHÚA”. Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông, rồi lôi ông ra ngoài thành mà ném đá. Họ ném đá ông Têphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Đức Chúa GIÊSU, xin nhận lấy hồn con”. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Nói thế rồi, ông an nghỉ (Công Vụ 7,55-60).
 
(”Dalle API alle ROSE”, Bimestrale Del Monastero Agostiniano Santa Rita Da Cascia, Gennaio-Febbraio 2012, Nr.1, trang 31-33)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt 

Nguồn : vietvatican.net

Maria Thanh Mai gởi

Hi hữu: Sống dậy nhờ nụ hôn của mẹ

Hi hữu: Sống dậy nhờ nụ hôn của mẹ

Nụ hôn tạm biệt của người mẹ đau khổ Jennifer dành cho cô con gái bị xem là đã chết đột nhiên biến thành phép màu không thể tin nổi: tim cô bé 14 tháng tuổi đã đập trở lại.
Cô bé Alice, sống tại thị trấn Gainsborough, nước Anh, được cho là không còn hy vọng gì nữa khi em bị viêm màng não cách đó 1 tháng. Căn bệnh đã khiến cho em bị suy thận và tiếp sau đó là đột quỵ. Cô bé đã rơi vào trạng thái hôn mê và phải phụ thuộc vào việc lọc máu, máy trợ thở. 

Nụ hôn người mẹ tạm biệt con đã khiến tim cô bé 14 tháng đập trở lại 

Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng những nỗ lực này là vô ích và người mẹ đau khổ Jennifer đã chấp nhận điều đó. Chị còn đồng ý hiến tạng của em để cứu giúp những em bé bất hạnh khác. Các thiết bị hỗ trợ đã được rút ra.
Phút cuối cùng dành cho cô con gái bé bỏng, người mẹ trẻ đã bế em trên tay, nghiêng người áp sát môi vào trán Alice với tất cả cảm giác đau đớn, nghẹn ngào.
Lúc này chị nhớ lại: “Tôi chỉ cố gắng để nói cho bé hiểu rằng chúng tôi đã yêu bé đến thế nào, tôi hy vọng bé có thể nghe và hiểu được. Tôi nói với bé rằng tôi đã tự hào về bé ra sao. Bé đã chiến đấu trong một thời gian dài và lúc này, bé có thể yên nghỉ”. Và sau đó, tôi nằm cạnh con gái mình.
Khi các bác sĩ đã sẵn sàng để phẫu thuật lấy tạng của em, người mẹ trẻ lại hôn con gái bé bỏng của mình và cô cảm nhận được hơi ấm từ em. Chị không tin là con mình đã chết. Và bản năng làm mẹ của chị đã không sai. Alice không chết.
Ban đầu là một cô y tá chạy tới và nói về sự việc lạ lùng nhất chưa từng xảy ra. Cô ấy báo rằng nhóm bác sĩ phẫu thuật lấy tạng em lúc này đã không còn cần đến nữa. Lát sau, một vị bác sĩ bước vào và thông báo với họ rằng: Alice đã tự thở được. Họ đã quan sát em trong phòng cách ly và nhìn thấy những nỗ lực của em.

 

Giờ đây bé đã được 3,5 tuổi, sống rất vui vẻ với gia đình 

Lúc này thì cô bé Alice đã được 3 tuổi rưỡi trông vô cùng xinh xắn với khuôn mặt búp bê, đôi mắt xanh, má hồng và nụ cười trong trẻo. Em đang có những ngày hạnh phúc bên bố mẹ và chị gái Taylor, 8 tuổi.
Mặc dù di chứng của bệnh tật đã khiến em gặp phải một số khiếm khuyết như: chân cao chân thấp, ngôn ngữ khó khăn…nhưng cô bé đang rất ngoan cường để học lại mọi thứ. Bố mẹ em cũng đã nghỉ việc để dành thời gian chăm sóc cô con gái bé nhỏ của mình.
Phương Hiền

Hãy Buông Ra

Hãy Buông Ra

  

Một đứa trẻ đang chơi cạnh một cái bình quý.

Nó thò tay vào bình và không thể rút ra được. 

Bố nó đến giúp, nhưng vô ích. 

Họ đã nghĩ đến việc phải đập cái bình đi. 

Ông bố nói, “Con trai, hãy cố nốt lần này. Thả lỏng và duỗi thẳng các ngón tay như bố đây này, rồi rút tay ra.”

Trước sự ngạc nhiên của bố, thằng bé kêu lên, “Không được bố ơi. Con không thể làm như thế được, nếu thế con sẽ làm rơi đồng xu của con mất.”

Có thể bạn sẽ cười, nhưng, hàng nghìn người trong chúng ta cũng giống cậu bé đó, cứ cố nắm giữ thứ gì đó vô nghĩa dù phải hi sinh những điều quý giá, thậm chí cả sự tự do! Vì thế, “hãy buông nó ra”, tôi thực lòng khuyên bạn điều đó.

P/s:Nhiều người trong chúng ta có khi tốn cả cuộc đời để loay hoay trong những cái không quan trọng để rồi bỏ qua những điều thực sự quan trọng. Không nói về những chuyện to tát trong cuộc đời mà ngay cả trong việc giải quyết một công việc cũng vậy.

Biết từ bỏ, biết hy sinh những điều không cần thiết, không quan trọng để tập trung thời gian và công sức vào những điều cần thiết, những điều quan trọng là một trong những bí quyết để thành công.

(tổng hợp từ nhiều nguồn)

 nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Thánh Rôsa ở Lima

Thánh Rôsa ở Lima
(1586-1617)

                                                                                          23 Tháng Tám

 

 Vị thánh đầu tiên của Tân Thế Giới này có cùng một đặc tính như tất cả các thánh khác — đó là bị đau khổ vì sự chống đối — và một đặc tính khác được khâm phục hơn là nên bắt chước — đó là sự hãm mình đền tội cách quá đáng.

Thánh nữ sinh trong một gia đình Tây Ban Nha ở Lima, Peru, vào lúc Nam Mỹ đang trong thế kỷ truyền giáo đầu tiên. Dường như ngài muốn noi gương Thánh Catarina ở Siena, bất kể những chống đối và nhạo cười của cha mẹ, bạn hữu.

Vì lòng yêu mến Thiên Chúa mà các thánh có những hành động kỳ dị đối với chúng ta, và quả thật đôi khi thiếu khôn ngoan, nhưng đó chỉ để nói lên sự tin tưởng của các ngài là bất cứ điều gì làm nguy hại đến sự tương giao với Thiên Chúa đều bị tiêu trừ. Do đó, vì sắc đẹp của ngài được nhiều người ngưỡng mộ nên Thánh Rôsa đã dùng hạt tiêu chà sát lên mặt để tạo thành các vết sưng xấu xí. Sau này, ngài còn đội một vòng bạc dầy cộm trên đầu, bên trong nhét đinh giống như mão gai.

Khi cha mẹ ngài rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh, ban ngày Thánh Rôsa phải làm việc nơi đồng áng và ban đêm phải khâu vá để giúp đỡ gia đình. Mười năm dài tranh đấu với gia đình được khởi đầu khi cha mẹ ép buộc ngài phải kết hôn. Cha mẹ ngài không cho đi tu, và vì vâng lời ngài tiếp tục đời sống cô độc và ăn chay hãm mình ngay tại nhà như một thành viên của Dòng Ba Ðaminh. Vì lòng ước ao muốn được trở nên giống như Ðức Kitô nên hầu hết khi ở nhà, ngài sống trong cô độc.

Trong những năm cuối đời, Thánh Rôsa lập một căn phòng ngay trong nhà để chăm sóc các trẻ em bụi đời, người già yếu và bệnh tật. Ðây là khởi đầu của dịch vụ xã hội ở Peru. Mặc dù có cuộc sống và sinh hoạt tách biệt, ngài cũng bị đưa ra trước Toà Thẩm Tra, nhưng các người thẩm vấn không tìm thấy lý do gì khác hơn là ngài bị ảnh hưởng bởi ơn sủng.

Ðiều chúng ta lầm tưởng rằng đó chỉ là một cuộc sống lập dị thì thực sự đã được biến đổi tự bên trong. Nếu chúng ta nhớ đến cách ăn năn đền tội bất thường của ngài thì chúng ta cũng phải nhớ một điều vĩ đại của Thánh Rôsa: tình yêu Thiên Chúa của ngài quá nồng nhiệt đến nỗi ngài sẵn sàng chịu đựng sự nhạo cười của người đời, chịu cám dỗ mãnh liệt và chịu đau bệnh lâu dài. Khi ngài từ trần năm 31 tuổi, cả thành phố đã tham dự tang lễ của ngài và các chức sắc trong xã hội đã thay phiên nhau khiêng quan tài của ngài.

Lời Bàn

Thật dễ để cho rằng sự ăn năn đền tội quá đáng của các thánh là hình thức bề ngoài của một vài nền văn hóa hay tính khí nào đó. Nhưng hình ảnh một phụ nữ đội mão gai rất có thể đã khích động lương tâm của chúng ta. Chúng ta đang vui hưởng một đời sống đầy đủ tiện nghi nhất trong lịch sử loài người. Chúng ta ăn uống thừa thãi, sử dụng biết bao đồ vật và chất chứa trong tai mắt chúng ta đủ mọi thứ âm thanh và hình ảnh. Giới thương mại vội vã chế tạo các vật dụng không cần thiết để chúng ta tiêu xài. Dường như khi chúng ta ngày càng nô lệ cho các phương tiện vật chất thì lúc ấy sự “tự do” trở nên vấn đề lớn lao. Chúng ta có sẵn sàng rèn luyện tâm linh trong một môi trường như thế hay không?

Lời Trích

“Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mắt mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục” (Mt. 18:8-9).

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU

 

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU

1. LỜI CHÚA: Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

2.CÂU CHUYỆN: CÁCH DẠY CON CỦA MỘT BÀ MẸ

Mạnh Tử thuở nhỏ nhà ở gần nghĩa địa thấy người ta đào huyệt và mang xác chết đi chôn, về nhà cậu cũng bắt chước đào huyệt, khóc lóc và an táng người chết. Bà mẹ thấy thế tự nhủ rằng: “Chổ này không phải là chổ cho con ta ở đuợc“. Rồi bà liền dọn nhà ra phố chợ. Mạnh tử thấy người ta mua bán gian xảo, ăn nói chua ngoa tục tĩu, cậu cũng học chơi trò buôn bán xảo trá lừa lọc và ăn nói lỗ mãng với mọi người .Bà mẹ thấy thế tự nhủ rằng: “Chổ này cũng không phải là chổ ở tốt cho con trai ta“. Sau đó, bà dọn nhà đến gần trường học. Mạnh Tử thấy các học trò biết lễ độ kính trên nhường dưới và chăm chỉ học tập các sách thánh hiền, cậu cũng bắt chước học đòi bút nghiên đèn sách. Thấy vậy, bà mẹ rất hài lòng và tự nhủ rằng: “Đây mới thực là chỗ ở tốt cho con trai ta“.

Một hôm Mạnh Tử đến chơi nhà hàng xóm, thấy họ làm thịt heo liền về nhà hỏi mẹ rằng: ”Mẹ ơi, nhà bên cạnh người ta giết heo làm gì vậy ?” Bà mẹ nói đùa với con: ”Họ giiết heo cho con ăn đấy !”. Nói xong, biết mình lỡ lời, bà liền suy nghĩ “Con mình còn nhỏ chưa phân biệt thật giả đúng sai. Nếu ta nói dối nó thì chẳng khác gì ta đã dạy cho con ta nói dối hay sao ?” Sau đó, bà đã ra chợ mua một cân thịt heo về nhà làm món ăn ngon cho con.

Lần khác ,Mạnh Tử  đang học ở trường bỗng trốn học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi bên khung cửi dệt vải, biết con trai trốn học, liền cầm con dao chặt đứt tấm vải đang dệt và dạy con rằng: ”Con ơi! Con đang học mà bỏ trốn đi chơi thì chẳng khác gì mẹ đang dệt tấm vải mà lại chặt đứt nó vậy !” Từ đó, Mạnh Tử quyết tâm chuyên cần học tập. Về sau ông đã trở thành một hiền nhân xuất chúng và rất nổi tiếng của nước Trung Hoa.

3.SUY NIỆM : 

Trong việc giáo dục con cái, người ta thường hay đỗ lỗi cho các bà mẹ nếu con cái bị hư hỏng như câu : ”Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà“. Tuy nhiên nếu con cái được thành đạt thì vai trò của bà mẹ cũng đựơc đặc biệt đề cao : ”Phúc đức tại mẫu“ do biết dạy dỗ con cái : “Dạy con từ thuở còn thơ“. Chính nhờ có một bà mẹ khôn ngoan, biết ứng xử nhanh nhậy và có khả năng tiêu liệu điều tốt cho con mà ngày nay chúng ta mới có được một hiền nhân rất nổi tiếng là thây Mạnh Tử. Vậy cha mẹ cần dạy con từ khi nào ? Phải dạy con những gì ? và nên dạy con bằng phương pháp nào ?

1)PHẢI DẠY CON TỪ KHI NÀO ?

Một nhà trồng tỉa muốn uốn cây cảnh mỹ thuật, cần phải uốn khi cây còn non mới đem lại kết quả tốt. Cha ông chúng ta cũng dạy các bậc làm cha mẹ : “Dạy con từ thưở còn thơ”. “Còn thơ” hay “còn nhỏ” còn được hiểu là ngay từ khi con còn trong bụng mẹ. Khoa học ngày nay cho thấy: Người mẹ cũng ảnh hưởng đến tâm tính và sức khoẻ của đứa con ngay từ lúc còn phôi thai. Việc giáo dục này được gọi là thai giáo. Trong thời gian này, các tâm tình và thái độ ứng xử của bà mẹ sẽ ghi dấu sâu đậm trên tâm tính thai nhi của mình. Tránh cho bà mẹ mang thai bị xúc động như buồn sầu bực tức, để thai nhi được phát triển khỏe mạnh cả về thể xác cũng như tâm hồn.

Tuy nhiên, thời gian thuận tiện nhất để trực tiếp giáo dục con cái là khi con bắt đầu nhận biết những lời cha mẹ dạy dỗ : “Dạy con từ thuở lên ba”. Trong giai đọan này gia đình chính là mái trường đầu tiên dạy cho đứa bé những bài học làm người, và cha mẹ chính là những “thày cô” được con tín nhiệm và vâng lời hơn cả, vì cha mẹ sống gần con, hiểu biết tính nết của con và có lòng yêu thương con hơn tất cả.

2) CHA MẸ CÔNG GIÁO CẦN DẠY CON NHỮNG GÌ?

Mục tiêu của việc giáo dục đức tin là giúp con cái thành một người trưởng thành nhân cách và thành con hiếu thảo của Cha trện Trời theo gương Chúa Giêsu là “Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha”.

a)Giáo dục nhân bản: Cha mẹ cần quan tâm giáo dục con về đức dục, trí dục, thể dục và tính dục:

-Thể dục: dạy con ăn ở vệ sinh sạch sẽ, bảo vệ sức khỏe bản thân.

-Trí dục: giúp con trau dồi học vấn và nghề nghiệp, có khả năng sống tự lập và giúp ích cho tha nhân.

-Đức dục: Lọai trừ các thói hư tật xấu và tập luyện các tính tốt. Nhất là các đức tính nền tảng như: khôn ngoan, công bình, khiêm tốn, thật thà, tiết độ và dũng cảm. Ngòai ra nam giới còn cần học Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, và nữ giới cần học về Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

-Giới tính: Ngoài ra, trong việc giáo dục nhân bản cũng phải để ý đến việc giáo dục giới tính, hướng dẫn con cái về phái tính và tính dục. Việc giáo dục này nhằm mục đích giúp con cái hiểu biết căn bản về tính dục phù hợp với lứa tuổi và tầm nhận thức, để chúng có thể sống trong sạch, trưởng thành, xứng đáng là theo thánh ý Thiên Chúa. Trong việc giáo dục này, cũng cần dạy cho con cái biết sử dụng cách đúng đắn các phương tiện truyền thông, đặc biệt phim ảnh, trò chơi game và sử dụng mạng dưới sự kiểm sóat của cha mẹ.

b) Giáo dục đức tin:

Mến Chúa yêu người: Ngoài nền giáo dục nhân bản, cha mẹ công giáo còn phải giáo dục đức tin cho con, nghĩa là ngay từ nhỏ, đã phải dạy cho con biết “mến Chúa yêu người”, biết tuân giữ những giới luật của Chúa, năng tham dự những việc đạo đức, năng lãnh nhận các bí tích… Nhờ đó, con cái sẽ trở thành những tín hữu thực sự, nghĩa là có Đức Kitô trong tâm hồn và mang Đức Kitô giới thiệu cho người chưa biết Chúa.

Đáp lại tiếng Chúa kêu gọi: Trong việc giáo dục đức tin, cũng cần để ý tới việc giúp con cái nhận ra lời mời gọi của Chúa và sẵn sàng đáp lại ơn gọi dâng mình phục vụ Chúa theo lý tưởng tu trì.

Chia sẻ sứ vụ loan Tin Mừng: Khi con cái tới tuổi học giáo lý, cha mẹ nên quan tâm tìm hiểu hệ thống các lớp giáo lý tại giáo xứ của mình. Cha mẹ nên tham gia dạy giáo lý, là cách đơn giản để nâng cao trình độ của mình và trang bị khả năng đào tạo đức tin cho con cái sau này. Hiện nay việc giảng dạy giáo lý thường được giao cho Giáo lý viên chưa lập gia đình. Thật ra, đội ngũ Giáo lý viên cần những người có bề dày kinh nghiệm sống đức tin, nên Hội Thánh rất mong các cha mẹ trẻ quảng đại tham gia vào sứ mạng này.

4)Để việc giáo dục đạt kết quả tốt

a)Đồng tâm nhất trí: Cha mẹ phải nhất trí với nhau trong đường hướng và phương thức giáo dục con cái: Tìm hiểu tính tình, năng khiếu của con cái và phải biết dùng những phương pháp thích hợp với lứa tuổi để việc giáo dục đạt hiệu quả. Ngoài ra cha mẹ cần cộng tác với thầy cô nhà trường và các Giáo lý viên nhà thờ.

b)Làm gương sáng“Cha nào con nấy, mẹ nào con nấy”, “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”; “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”; “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”; ….Thật vậy, đứa con chưa có đủ trí khôn để phân biệt điều tốt và điều xấu, nên thường bắt chước những gì đập vào mắt nó. Vì thế, gương sáng của cha mẹ là điều cần thiết trong việc giáo dục con cái. Người xưa có câu: “Lời nói hương bay, Gương bày lối kéo”.

c)Tạo bầu khí gia đình đầm ấm: Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 số 12 viết: “Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa”.

d)Tìm hiểu con cáiViệc đầu tiên cần thực hiện là cha mẹ phải tìm hiểu con cái, phải biết con cái nghĩ gì, muốn gì, nói gì và làm gì thì mới có thể hướng dẫn chúng cách hữu hiệu. Duy trì phát triển điều tốt của con cái và uốn nắn nhắc bảo chúng lọai bỏ điều xấu, Cần dạy con bằng những lời lẽ ôn tồn tế nhị và yêu thương. Tránh la mắng con bằng lời thô lỗ tục tĩu.

e)Kiên nhẫn dạy dỗ: Người xưa đã từng khuyên: “Dục tốc bất đạt”. Trẻ con thường ham chơi và mau quên. Cho nên cha mẹ phải nói nhiều lần, phải nhắc đi nhắc lại để những lời khuyên ấy thấm dần vào đầu óc chúng. Nhất là phải dùng lời Chúa mà khuyên dạy con. Đừng bao giờ thất vọng nản chí trong việc sửa dạy con.

d) Cầu nguyện cho con cái:

Trong việc giáo dục con cái, hai vợ chồng cần chạy đến với Chúa, bởi vì như Chúa dạy: “Không có Thầy, anh em không làm được gì” (Ga 15,5). Đến với Chúa để xin Người soi sáng và hướng dẫn cách dạy dỗ. Năng cầu nguyện cho con cái, đặc biệt trong những giai đoạn phát triển khó khăn cuộc đời của chúng.

Sau cùng chúng ta cần học nơi Chúa Giêsu như Người đã nói : “Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29). Người sẽ ban Thánh Thần cho ta để ta được biến đổi nên hiền lành và khiêm nhường noi gương Ngừơi. Đây là điều kiện để cha mẹ chu tòan sứ mệnh giáo dục con cái.

4. THẢO LUẬN:

 1)Hãy kể một số câu hướng đẫn cho các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái và cho biết bà mẹ thày Mạnh Tử đã áp dụng những câu nào để day dỗ con mình ?”. (Chẳng hạn: ”Yêu  cho rôi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi; Dạy con từ thuở còn thơ; Học ăn học nói học gói học mở; Tiên học lễ,hậu học văn; Gần mực thì đen gần đèn thì ság…).

 2)Trong các phương cách giáo dục con cái nói trên, bạn thấy cách nào hữu hiệu nhất giúp cha mẹ chu tòan bổn phận giáo dục đức tin cho con cái ?

5.LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giêsu. Xin giúp mỗi tín hữu chúng con ý thức và chuẩn bị cho mình có các nhân đức tự nhiên và siêu nhiên hầu chu tòan bổn phận nuôi dạy con cái cả về nhân bản và đức tin. Ước chi chúng con năng học sống Lời Chúa dưới ơn soi dẫn của Thánh Thần để được ơn biến đổi ngày càng nên hoàn thiện hơn, hầu có thể chu tòan bổn phận làm cha làm mẹ đạo đức, tích cực cộng tác với Chúa trong việc nuôi dạy con cái nên “Con rát yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha” noi gương Chúa khi xưa. Amen

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com

 nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Chống Công Giáo

Chống Công Giáo,

                                                                             Thanh Tam (08-02-2012)

Tôi là một tín hửu Công Giáo tầm thường như những tín hửu khác. Qua bao kinh nghiệm về cuộc đời của một con người trên 70 năm lăn lộn; cho đến giờ nầy, lúc viết mấy hàng chữ nầy, tôi vẫn muôn vàn yêu mến Giáo Hội của tôi. Tại sao? Thưa qua nhận xét và thấy rằng không có đạo nào có tỷ số tín hửu hành xữ sai phạm ít như trong đạo Công giáo: Với con số giáo sĩ trên dưới 50 ngàn, giáo dân chiếm 1, 2 tỷ người và cán bộ nam nữ làm việc, phụng sự xã hội thì vô số. Tôi nhớ cách nay lối 5 năm, đã đọc một tờ báo Công giáo cho hay theo thống kê của bộ Xã Hội Nam Hàn, người công giáo chiếm đa số về hoạt động từ thiện và ít phạm pháp nhất.

Những nước văn minh và tiến bộ đều ảnh hưởng sâu đậm nền triết lý Thiên Chúa Giáo. Những nước xa lìa hoặc lăm le bỏ Thiên Chúa Giáo như Nga Sô, Bắc Hàn, Trung Quốc kể cả Việt Nam … thì không bại cũng xuội; dân tình thì sống như trong địa ngục trần gian. Tại sao? Thưa vì chính quyền không có tình thương! Một chế độ thuộc quyền quỷ vương; chẳng ai thiết tha đến vận mạng chung. Sự liên hệ dựa trên tư lợi, ích kỷ và óc tư hửu.

Ông HTA viết và suy nghỉ không phải là sai: Đã là giáo sĩ thì phải thế nầy…phải thế kia…mới đúng. Nhưng đó là lý tưởng mà con người cố thực hiện. Thiên Chúa cho chúng ta bộ óc biết phân biệt tốt xấu, cái nên và không nên làm…Nhưng xem ra khó và có những thời điểm rất khó trong việc thực hiện; vì bản chất con người không chỉ quá yếu kém, dòn mõng mà còn tự do nữa; trong khi thế gian lại quá hấp dẫn. Hãy nhìn đảng Cộng Sản; mọi thành viên đều nói: Không được tham nhũng. Rốt cùng anh nào cũng xe hơi đắt giá, nhà lầu 3,4,5… tầng, bồ nhí hằng tá.

Nhìn lên Thập Giá, nếu ai có quả tim “mềm” sẽ không cầm nỗi giòng lệ. Ôi Giêsu! Người quá dịu hiền! Ngài không muốn Thiên Chúa Cha dùng đến phép công thẳng đối với tội nhân, nên Ngài đã chịu mọi cực hình để đền thay: “Xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm…”

Nói đến đây, lại nhớ lời bà xã tôi trách: Thế thì Đức Chúa Cha ác?! Tôi đã trả lời “Không”! Nếu bảo rằng Đức Chúa Cha ác “1” đối với con người, thì con người đã tỏ ra ác “1” triệu lần hơn đối với Thiên Chúa. Tôi chứng minh: Thiên Chúa cho chúng ta khuynh hướng dục tình; cốt để truyền sinh. Chúa chỉ đòi buộc xữ dụng cho mục đích chính đáng. Chúng ta đã lạm dụng; Nam nữ gần gủi với nhau thiếu chính đáng đã đành, có chữa lại giết bào thai; tức phạm tội sát nhân! Mỗi năm có hằng triệu triệu thai nhi bị giết. Tội phạm lan tràn như thế mà muốn Chúa ngồi nhìn thôi sao?!

Tôi cũng vừa đọc bài viết về tội ác của Công Gíao thời Trung Cổ như giết người phạm tội gọi là dị giáo. Tôi buồn và cũng đau nữa, nhưng rất thông cảm. Tại sao? Vì theo dị giáo là kẻ phản nghịch với Thiên Chúa (thờ ngẫu tượng). Kẻ theo Chúa, vừa có quyền vừa cực đoan thì cái gì họ cũng có thể làm. Có một điều chắc chắn là Thiên Chúa không muốn việc giết người, dù kẻ đó là ai. Tôi quyết đoán như sắt đá là vì tôi tin Thiên Chúa toàn năng; nhưng vì tình yêu mà nhiều sự việc đã không xảy ra như ý muốn của con người. Thiên Chúa vẫn chờ đợi tội nhân sám hối và những gì con cái Chúa gánh chịu sẽ không bao giờ trở nên vô ích. Cũng như cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã mang lại cái mà những anh em đang chống Công Giáo gọi là “thảm trạng, đại họa”…Không đúng chút nào! Họ đang nghỉ sai và vì đã nghỉ sai nên viết cũng sai luôn. Thế gian quả là giả trá; chẳng ai nói đúng 100%; được 50,60% là quí lắm rồi.  

Tôi thông cảm với các anh em đang viết bài chống, bươi móc đánh phá Công Giáo. Tôi biết quí vị đang hổ trợ chiến dịch bài Công Giáo bên quê nhà, đồng thời “viết” để kiếm sống. Người Công Giáo gọi việc làm của các anh là “bất lương”; nhưng biết làm sao hơn? Tôi chỉ muốn nhắc nhở các anh em đó chớ quên rằng Công Giáo từng bị bách hại qua 2000 năm rồi. Hậu quả là gì? Nhiều anh em bảo: Kẻ bỏ đạo ngày càng đông! Đúng! Nhưng kẻ gia nhập đạo bao nhiêu bạn có biết không? Ngày càng đông hơn kẻ “bỏ”.

Chứng minh: Lúc Chúa Giêsu tắt thở, chỉ có 11 người theo. Giờ đây là 1,2 tỷ.

                                                                                                Thanh Tam (08-02-2012)

LỜI NGUYỆN BAN MAI XIN BẨY ƠN CHÚA THÁNH THẦN.

LỜI NGUYỆN BAN MAI XIN BẨY ƠN CHÚA THÁNH THẦN.

 

http://translate.google.com/translate?hl=en&sl=vi&tl=en&u=http%3A%2F%2Fkeditim.net

Lời nguyện:
Cùng với Mẹ Maria, con nài xin Chúa hãy đổ đầy Thánh Thần Chúa xuống trên con để Người hướng dẫn con trong ngày hôm nay và suốt cả đời con. Xin Chúa cho con luôn được sống trong ơn Thánh Chúa, luôn bước đi trong đường tình yêu và chân lý, đường cứu rỗi và toàn thiện.

Chúa Nhật: Xin Chúa ban cho con ơn KHÔN NGOAN của Thánh Thần Chúa, để con biết tìm Chúa trước tiên, và biết nhìn mọi việc với cái nhìn đầy yêu thương Chúa.

Thứ Hai: Xin Chúa ban cho con ơn THÔNG MINH của Thánh Thần Chúa, để con cảm biết các chân lý đức tin tự đáy lòng, sống theo chân lý ấy và biết cách truyền đạt các chân lý ấy cho tha nhân.

Thứ Ba: Xin Chúa ban cho con ơn BIẾT LO LIỆU của Thánh Thần Chúa, để con biết xếp đặt ngày giờ và công việc đúng theo thánh ý và chương trình yêu thương của Chúa.

Thứ Tư: Xin Chúa ban cho con ơn SỨC MẠNH của Thánh Thần Chúa, để con đủ nhẫn nại chịu đựng những khó khăn thử thách trong cuộc sống, đủ nghị lực và can trường chu toàn những bổn phận Chúa giao phó.

Thứ Năm: Xin Chúa ban cho con ơn HIỂU BIẾT của Thánh Thần Chúa, để con biết nhìn thấy Chúa nơi mọi người, mọi vật, mọi biến cố trong cuộc đời để quy hướng tất cả về Chúa và biết thoát ly mọi sự để được tự do yêu mến Chúa.

Thứ Sáu: Xin Chúa ban cho con ơn ĐẠO ĐỨC của Thánh Thần Chúa để con luôn sống với Chúa trong tình con thảo và sống với mọi người bằng tình huynh đệ chân thành.

Thứ Bảy: Xin Chúa ban cho con ơn KÍNH SỢ Chúa của Thánh Thần Chúa, để con luôn biết sống trong sự hiện diện đầy quyền năng và tình thương của Chúa và thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Đau lưng

Đau lưng

                                                                            BS Nguyển Ý Đức

image 

 Sau Nhức đầu thì Đau lưng Lower Back Pain là nguyên nhân thứ nhì gây đau cho mọi người, đặc biệt là với người cao tuổi.. Chăm sóc đau lưng cũng là nguồn phí tổn khá cao, có lẽ chỉ sau các bệnh về tim.

Với nhiều nhà chuyên môn y tế thì Đau Lưng hầu như là một căn bệnh của đời sống gây ra do thói quen bất thường của người bệnh. Vì họ đứng, họ đi, họ nâng nhấc hoặc lôi kéo sự vật nặng không đúng cách, đưa tới nguy cơ tổn thương cho các thành phần của lưng. Khi đã bị một lần thì đau lưng cũng có nguy cơ tái phát.

Các nhà chuyên môn cũng ước lượng là 80% các trường hợp Đau Lưng có thể phòng ngừa được nếu ta để ý một chút hoặc nếu ta có vài kiến thức căn bản về cột sống.

 image

Lưng là phần dưới của thân mình gồm có 5 đốt xương sống, các gân, dây chằng, cơ bắp để giữ lưng ngay thẳng. Các đốt xương này chịu đựng sức nặng của phần trên của thân mình, cho nên chúng rất dễ tổn thương.

Từ các đốt sống này xuất phát dây thần kinh não tủy. Giữa các đốt sống là đĩa sụn liên hợp giúp cột sống cử động trơn tru.

Đau lưng thường thường gây ra do ba nguyên nhân chính:

-căng cơ bắp-dây chằng trong các hoàn cảnh như mập phì, có thai, người cao tuổi ít vận động, nâng mang vật nặng mà lại dùng sức mạnh của lưng, tư thế không ngay thẳng, nhiều xúc động mạnh…

-thoái hóa đĩa đệm.

-viêm mặt khớp xương.

 image
Ngoài ra, bị chấn thương, u bướu, viêm nhiễm cột sống, nằm ngủ trong vị thế bất thường hoặc nệm quá mềm cũng là nguy cơ gây đau lưng. Nhiều trường hợp phụ nữ với nhũ hoa quá khổ cũng gây ra đau lưng vì lưng chịu một sức nặng ngoài khả năng.

Người cao tuổi thường hay bị đau lưng vì sự thoái hóa cột sống, cơ bắp dây chằng lỏng lẻo, đốt cột sống dễ bị nghiêng vẹo, đè vào dây thần kinh não tủy, gây ra đau. Với các bác, chỉ khom khom di chuyển một chậu cây cảnh hoặc cúi xuống bế đứa cháu nội ngoại cũng dễ dàng ôm lưng nhăn nhó.

Theo các nhà chuyên môn, 80% dân chúng đều bị đau lưng một vài lần nào đó trong cuộc đời. Đau lưng là lý do hàng đầu khiến cho người dưới 45 tuổi phải nghỉ việc.

Đau lưng có thể là cấp tính hoặc kinh niên.

Cấp tính thường kéo dài khoảng 4 tuần lễ còn kinh niên thì liên tục đau, có khi cả dăm ba tháng.

Những cơn đau và cứng khớp thường xảy ra vào buổi sáng sớm và xế chiều. Ban đêm cơn đau khiến người bệnh khó ngủ.

Đau cũng thường thấy ở dưới chân khi đi lại hoặc đứng lâu.

 image


Phòng tránh

Phòng ngừa có mục đích tránh các căng dãn không cần thiết cho cơ bắp và cũng để tăng cường sức mạnh cho các bắp thịt hỗ trợ cột sống.

1- Khi mang vật nặng, không nên khom lưng xuống để nhấc vật đó lên, mà ngồi xuống, hai tay ôm cầm vật đó rồi từ từ đứng lên qua sức mạnh của đầu gối, như vậy tránh được sự tổn thương cho lưng.

2- Khi vật nặng nằm ở trên bàn, ta có thể ôm vào bụng hay quay lưng ôm đồ vật vào lưng để mang đi.

3- Đừng đi giầy gót quá cao, làm xương sống xiêu vẹo, yếu.

4-Giữ dáng điệu ngay ngắn.

5-Khi đứng, bụng thót phẳng , hướng xương chậu về phía sau sẽ giúp phần dưới của cột sống vững hơn. Nếu cần đứng lâu thì đặt một chân lên vật cao khoảng hai tấc để ngả xương chậu về phía sau.

6-Ngồi lâu đều gây nhiều khó chịu cho lưng. Vì thế lâu lâu nên đứng dậy, đi qua đi lại, thư dãn xương lưng. Tránh ngồi trên nệm ghế quá mềm.

7-Nệm xe đều gây đau lưng khi ngồi quá lâu. Nên lót lưng với một cái gối nhỏ và để tay trên vật tựa; kéo ghế gần về phía trước để đầu gối cao bằng hông.

 image

8-Nên ngủ trên nệm cứng; nằm nghiêng, đầu gối co thước thợ hoặc khi nằm ngửa thì lót gối dưới khuỷu chân. Gối cao vừa phải để đầu và mình ngang bằng;

9- Khi cần coi tivi hoặc đọc sách lâu, nên nằm để tránh căng cho xương sống.

10-Quần áo không nên quá bó sát vào người để cơ bắp, xương khớp không bị gò bó..

11-Tập thể dục với các cử động làm thư giãn khớp xương và bắp thịt, tăng cường sức mạnh cho bắp thịt, dây chằng ở lưng.

12-Buổi sáng ngủ dậy, trước khi bước ra khỏi giường nên tập các cử động vẹo người qua lại để thư giãn lưng. Lý do là sau bẩy giờ nằm ngủ, xương khớp, bắp thịt cứng lại, nếu đứng dậy ngay có thể té ngã, gây tổn thương cho lưng và các phần khác của cơ thể.

13-Không hút thuốc lá vì nicotine làm giảm máu lưu thông tới lưng khiến cơ khớp yếu.

14-Giảm cân nếu quá mập, vì mập phì làm mô mềm ở lưng căng cương. Hai phần ba người bị đau lưng kinh niên đều bị béo phì.

 image

Vài cử động để thư dãn cột sống

1-Ðứng thẳng, hai bàn chân xa ngang thân người, úp hai bàn tay lên ngang lưng. Ðầu gối ngay thẳng, ưỡn lưng về phía sau càng xa càng tốt. Giữ nguyên vị trí trong vài ba giây rồi trở lại dáng điệu bình thường. Làm cùng động tác năm lần.

2- Ðứng ngay thẳng, tựa hai tay lên phía sau của thành ghế. Ðầu gối thẳng, dơ một chân về phía sau càng cao càng tốt. Hạ chân xuống từ từ và làm cùng động tác với chân kia. Làm năm động tác liên tiếp cho mỗi chân.

3-Nằm sấp, hai chân duỗi thẳng, khuỷu tay gấp, hai bàn tay úp xuống sàn. Dùng hai tay đẩy thân mình lên càng cao càng tốt, mông và chân vẫn phẳng dưới sàn. Nhắc lại cùng động tác 10 lần.

 image

4-Nằm ngửa, đầu gối gập lại, hai bàn chân để dưới đất. Từ từ nhấc đầu và vai khỏi sàn, hướng hai bàn tay về phía đầu gối, giữ vị trí trong mười nhip đếm rồi nằm thẳng mình trở lại. Nhắc lại cùng cử đông năm lần.

5-Nằm sấp, chân tay đụng mặt bằng. Nâng cao một chân, đếm từ 1 đến 10 rồi hạ chân xuống. Nhắc lại cùng cử động với chân kia. Làm 5 lần mỗi chân.

BS Nguyển Ý Đức

Hoa Kỳ hoan nghênh Miến Điện tuyên bố bỏ kiểm duyệt báo chí

Hoa Kỳ hoan nghênh Miến Điện tuyên bố bỏ kiểm duyệt báo chí

                                                                                              nguồn:  RFI

 Các nhà báo Miến Điện phản kháng việc kiểm duyệt báo chí, tại Răngun, ngày 04/08/2012.

        Các nhà báo Miến Điện phản kháng việc kiểm duyệt báo chí, tại Răngun, ngày    04/08/2012.

REUTERS/Soe Zeya Tun

Trọng Thành

Hôm qua 20/08/2012, ngay sau khi chính quyền Miến Điện chính thức thông báo về việc chấm dứt chế độ kiểm duyệt đối với báo chí, Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố này. Đại diện nhiều tổ chức truyền thông kêu gọi Miến Điện thực thi triệt để chủ trương từ bỏ chế độ kiểm duyệt đối với truyền thông.

Nói chuyện với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland : « Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của chính quyền Miến Điện về việc các phóng viên không cần phải nộp bài viết cho cơ quan phụ trách thông tin trước khi xuất bản ». Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý rằng, trên thực tế hệ thống kiểm duyệt tại Miến Điện vẫn chưa được hủy bỏ.

Về phần mình, Tổ chức Phóng viên Không biên giới, có trụ sở tại Paris nhận định, nếu như quyết định của chính quyền Naypyidaw dẫn đến việc hủy bỏ thực sự chế độ kiểm duyệt báo chí tại nước này, thì « đây sẽ là một thay đổi mang tính lịch sử, chấm dứt nửa thế kỷ mà các phương tiện truyền thông nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền ».

Xin nhắc lại là, sau hàng thập kỷ bị kiểm soát nghiêm ngặt, nhìn chung các hoạt động báo chí tại Miến Điện bắt đầu được nới lỏng khoảng một năm trở lại đây, kể từ khi chính quyền Miến Điện bắt đầu cải cách. Báo chí về chính trị và tôn giáo, hai lĩnh vực cuối cùng vẫn nằm dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, vừa mới được cho phép xuất bản không qua kiểm duyệt vào ngày hôm qua, thứ Hai 20/8.

Trả lời AFP, một viên chức thuộc Bộ Thông tin Miến Điện cho biết, phim sẽ tiếp tục được đặt dưới sự kiểm duyệt và các phóng viên truyền hình sẽ phải « tự kiểm duyệt », thông qua việc yêu cầu cấp trên định hướng trong các tin tức được đánh giá là nhạy cảm.

Ủy ban bảo vệ các nhà báo, có trụ sở tại New York, kêu gọi Miến Điện hủy bỏ hội đồng kiểm duyệt đối với phim và xem xét lại luật pháp trong lĩnh vực này.

Ông Shawn Crispin, đại diện Đông Nam Á của Ủy ban bảo vệ các nhà báo (Bangkok), lưu ý rằng, chỉ cho đến khi nào chính quyền Miến Điện cải cách triệt để, thì các nhà báo mới không còn lo bị kiểm duyệt, và tự do thông tin mới được đảm bảo.