VN kêu gọi Mỹ hành động hơn nữa giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông

VN kêu gọi Mỹ hành động hơn nữa giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tom Malinowski trong cuộc phỏng vấn do VOA thực hiện

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tom Malinowski trong cuộc phỏng vấn do VOA thực hiện

Trà Mi-VOA

06.06.2014

Việt Nam kêu gọi Mỹ hành động hơn nữa giúp giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa các động thái gây hấn leo thang của Trung Quốc tại khu vực.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình trong cuộc họp báo ngày 5/6 nói Việt Nam hy vọng Hoa Kỳ sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn cũng như có thêm hành động thực tế hơn nữa góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và giúp giải quyết các tranh chấp chủ quyền trong vùng theo đúng luật lệ quốc tế.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh giữ gìn hòa bình và ổn định tại khu vực là lợi ích, nhiệm vụ không chỉ của các bên có liên quan trong tranh chấp và đồng thời hoan nghênh việc Mỹ và cộng đồng quốc tế thời gian gần đây đã lên tiếng vì một Biển Đông hòa bình.

Lời kêu gọi của Việt Nam được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định sẽ thăng tiến quan hệ với Việt Nam về mọi mặt, kể cả quân sự, một khi Việt Nam cải thiện nhân quyền.

Bấm vào để nghe bài tường trình

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với VOA Việt ngữ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski nói ‘hiện giờ nhân quyền là một phần hết sức quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ’ vì Hoa Kỳ ‘quan tâm đến tương lai, sự ổn định của Việt Nam, và sự an lành cho người dân Việt Nam.’

Ông Malinowski nói:

“Vấn đề an ninh ở đây nhắc nhớ rằng Việt Nam là một nước tương đối nhỏ trước một nước láng giềng rất lớn. Việt Nam cần luật quốc tế, cần trở thành thành viên trong cộng đồng mà nền tảng dựa trên sự tôn trọng những luật lệ chung được mọi người hiểu biết và tôn trọng. Và một phần trong sự giao kèo ấy bao gồm những luật lệ bảo vệ con người. Có những luật lệ quốc tế bảo vệ các nước trước sự xâm lược, trước sự xâm phạm chủ quyền biển đảo, và cũng có những luật lệ quốc tế bảo vệ con người. Cho nên, là thành viên của cộng đồng có nghĩa là chấp nhận toàn bộ gói luật lệ chung ấy. Đó là điều Mỹ đã nêu rõ với Việt Nam rằng vì sao từng bước tiến tới việc tuân thủ luật quốc tế về nhân quyền là một lợi ích cho Việt Nam. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam chắc chắn có thể cải thiện và sẽ cải thiện, sẽ tăng cường sâu hơn nữa khi sự tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam được tăng cường.”

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh:

“Có rất nhiều lý do, đặc biệt là trong năm nay với các cuộc thương thảo về Hiệp định TPP, với chính sách tái cân bằng của Mỹ tại Châu Á, khiến vấn đề nhân quyền của Việt Nam sẽ nằm rất cao trong nghị trình làm việc của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng và kỳ vọng sẽ có tiến bộ từ Việt Nam.”

Mới đây, nhóm 7 nước công nghiệp thế giới bao gồm Mỹ vừa ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại về căng thẳng Biển Đông và kêu gọi các bên tránh hành động đơn phương đe dọa hay uy hiếp để khẳng định chủ quyền.

Phát ngôn nhân Lê Hải Bình nói Việt Nam hoan nghênh thông cáo này và kỳ vọng các nước cùng các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục lên tiếng thúc đẩy một giải pháp ôn hòa cho vấn đề Biển Đông.

Phản bác thông cáo của nhóm G7, Trung Quốc quả quyết sẽ nhất định đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào chống lại chủ quyền của Bắc Kinh.

“Có những luật lệ quốc tế bảo vệ các nước trước sự xâm lược, trước sự xâm phạm chủ quyền biển đảo, và cũng có những luật lệ quốc tế bảo vệ con người. Cho nên, là thành viên của cộng đồng có nghĩa là chấp nhận toàn bộ gói luật lệ chung ấy.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, Hồng Lỗi, nói các tranh chấp nên được giải quyết giữa các nước trực tiếp liên quan và sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài  chỉ làm phức tạp thêm tình hình. Ông Hồng kêu gọi các nước bên ngoài tôn trọng dữ kiện khách quan, tránh gây chia rẽ và khuấy động căng thẳng.

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đang leo thang, với các hình ảnh video Hà Nội đưa ra cáo giác Bắc Kinh liên tiếp tấn công tàu Việt ở Hoàng Sa, gần khu vực Bắc Kinh đặt giàn khoan quốc doanh 981.

Sau khi có thêm một tàu cá Việt bị đâm chìm hôm 5/6, đôi bên Việt-Trung một lần nữa đổ lỗi nhau gây ra sự việc và châm ngòi cho căng thẳng.

Việt Nam nói kể từ ngày 3/5 tới nay, Trung Quốc đã đâm hỏng 24 tàu chấp pháp của Việt Nam, gây thương tích cho 12 kiểm ngư viên. Đó là chưa kể số tàu cá Việt bị tàu Trung Quốc tấn công. Trong hơn một tuần kể từ ngày 26/5, Hà Nội tố cáo có hai tàu cá Việt bị húc chìm khi đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Người phát ngôn Lê Hải Bình nói Việt Nam dồn mọi nỗ lực để mở các cuộc đối thoại với Trung Quốc giải quyết căng thẳng, nhưng khi thiện chí chỉ đến từ một phía thì các nỗ lực không đi tới đâu.

Tuy nhiên, Việt Nam cho tới nay vẫn quả quyết kiên trì theo đuổi các biện pháp hòa bình.

 

Bộ Công an khởi tố báo Pháp luật & Xã hội

Bộ Công an khởi tố báo Pháp luật & Xã hội

Thứ sáu, 6 tháng 6, 2014

Ông Nguyễn Đức Kiên bị cáo buộc đã mở ra các công ty để góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu trái phép

Cơ quan điều tra vừa quyết định khởi tố vụ án ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ theo Điều 258 tại báo Pháp luật Xã hội vì bài viết nói một công ty của Bộ Công an kinh doanh “theo kiểu Bầu Kiên”.

BBC đã liên lạc với ban biên tập của báo Pháp luật Xã hội, cũng như ông Phan Hồng Sơn, giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, cơ quan chủ quản của tờ báo, nhưng họ đã từ chối trả lời.

Báo Thanh Niên sáng 6/6 cũng chạy bài với tựa “Viết về doanh nghiệp của Bộ Công an, một tờ báo bị khởi tố”, nhưng đường dẫn vào bài này sau đó đã không còn truy cập được.

‘Hoạt động kiểu Bầu Kiên’

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Bấm Thông cáo trên trang web của Bộ Công an cho biết ngày 02/6, trên Pháp luật Xã hội có đăng bài báo của tác giả Minh Thắng với tiêu đề: “Luật sư tố doanh nghiệp của Bộ Công an kinh doanh kiểu bầu Kiên”.

Bài viết, hiện đã bị gỡ khỏi trang web của báo, dẫn lời các luật sư bào chữa của ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) nói bên lề phiên tòa hôm 2/6 rằng “các công ty của chính Bộ Công an cũng không hề đăng ký kinh doanh đầu tư góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu” dù vẫn “thực hiện hành vi này lâu nay”.

“Theo điểm danh của các luật sư này, đó là Tổng công ty Viễn thông toàn cầu (GTEL), do Bộ Công an làm chủ sở hữu”, bài viết có đoạn.

“GTEL không đăng ký ngành nghề kinh doanh tài chính, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu, vậy mà ngay trên website của công ty này cũng công bố góp vốn thành lập rất nhiều công ty khác”.

“Các luật sư băn khoăn đặt câu hỏi với bằng chứng này, thì ngay cả Bộ Công an cũng có công ty hoạt động đầu tư tài chính góp vốn, mua cổ phần cổ phiếu kiểu Bầu Kiên”.

“Liệu các doanh nghiệp này có bị xem xét quy buộc là ‘kinh doanh trái phép’ … như vụ án Nguyễn Đức Kiên?”.

Thông cáo của Bộ Công an cho biết Chủ tịch Nguyễn Văn Dư của GTEL hôm 4/6 đã có công văn gửi đến cơ quan an ninh điều tra, khẳng định “nội dung bài báo là sai sự thật, xâm phạm nghiêm trọng uy tín và các lợi ích hợp pháp” của công ty và yêu cầu xem xét, xử lý.

Ngày 5/6, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sau khi “bước đầu xác minh của cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu tội phạm”, thông cáo nói thêm.

‘Không sai khi dẫn lời luật sư’

“Những gì luật sư nói tại tòa thì là quyền của luật sư, và báo chí có quyền đăng lại lời của luật sư”

Luật sư Trần Vũ Hải

Trả lời BBC ngày 6/6, Luật sư bào chữa cho blogger Trương Duy Nhất, người từng bị Bấm tuyên án tù hai năm về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ theo Điều 258, cho rằng điều quan trọng là báo Pháp Luật Xã hội cần chứng minh đã thuật lại đúng lời của luật sư.

“Theo tôi thì vấn đề là báo này có đăng đúng theo ý kiến của luật sư hay không,” ông Trần Vũ Hải nói.

“Theo tôi những gì luật sư nói tại tòa thì là quyền của luật sư, và báo chí có quyền đăng lại lời của luật sư”.

Ông Hải cũng cho rằng hành vi ‘xâm phạm lợi ích tổ chức’ không còn tồn tại theo hiến pháp mới được thông qua.

“Chúng tôi đang nghiên cứu hiến pháp năm 2013 và tôi nghĩ rằng phải xem xét rằng Điều 258 có phù hợp với hiến pháp mới hay không,” ông nói.

“Hiến pháp 2013 nói thực hành quyền con người, quyền công dân những không xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và của người khác.”

“Tức là không còn khái niệm xâm phạm lợi ích của tổ chức như trước.”

Lính ‘vừa cười vừa bắn’ ở Thiên An Môn

Lính ‘vừa cười vừa bắn’ ở Thiên An Môn

Thứ năm, 5 tháng 6, 2014

TQ đưa xe tăng và bộ đội Quân đoàn 27 vào Bắc Kinh trấn áp sinh viên

Trang CNN vừa trích đăng tài liệu họ nói là của giới quân sự Hoa Kỳ giải mật cho thấy có bộ đội Quân Giải phóng “vừa cười vừa bắn người” trong cuộc trấn áp đêm 3 rạng sáng ngày 4/6/1989 ở Bắc Kinh.

Các tài liệu do Cục Tình báo Quân sự (DIA) ghi lại cũng mô tả bức tranh về sự dũng cảm của các bác sỹ ở bệnh viện tại thủ đô Trung Quốc đã tìm mọi cách cứu người bị thương và ngăn không cho người chết bị công an đem đi thiêu nhanh chóng.

Những bác sỹ được cho là đặc biệt dũng cảm làm việc tại Bệnh viện số 4 ở Bắc Kinh đã chụp cả hình nhiều xác chết với hy vọng giúp thân nhân nhận diện.

Các xác chết này thường bị công an Trung Quốc nhanh chóng đem vào nhà thiêu.

Con số người bị bắn chết tại Bắc Kinh đêm hôm đó được ước tính ít nhất là hàng trăm còn phe đấu tranh dân chủ Trung Quốc nói là ‘hàng nghìn’.

Quân đoàn 27

Xe tăng và bộ đội thuộc Quân đoàn 27 được điều vào thủ đô Trung Quốc để trấn áp và giải tán biểu tình của sinh viên, công nhân và trí thức kéo dài nhiều tuần tại Thiên An Môn.

Các tài liệu, gồm cả những gì Hoa Kỳ giải mật nhân dịp 25 năm vụ thảm sát, nói rằng bộ đội Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã “bắn vô tội vạ” vào người dân trên đường phố, bất kể họ là sinh viên hay không.

Tại Hong Kong đã có lễ tưởng niệm 25 năm ngày thảm sát Thiên An Môn.

Những gì tình báo Hoa Kỳ ghi lại nói có “những lính Trung Quốc cười” khi nổ súng bắn người.

Vẫn trang CNN nói những gì tình báo Mỹ ghi lại có nhiều phần không chính xác vì đã thu lượm cả các tin đồn đoán trong thành phố Bắc Kinh khi đó mà sau đó hóa ra là sai như tin ‘lãnh tụ Đặng Tiểu Bình chết’.

Trên thực tế, ông Đặng chỉ qua đời vào tháng 2/1997.

Nhưng bức tranh mà các phần ghi âm của Hoa Kỳ giúp người ta dựng lại cho thấy nhiều chi tiết xảy ra sau đêm ngày 4/6 và sự hoảng sợ của ban lãnh đạo Trung Quốc.

Đó là chuyện “các lãnh đạo ở tịt trong biệt thự không ra ngoài sau nhiều ngày” vì sợ có chính biến.

Biển số xe của họ cũng được thay đổi, theo bài của phóng viên Bấm Hilary Whiteman trên trang CNN.

Ngoài ra, một chiến dịch truy bắt sinh viên ở các điểm kiểm soát quanh Bắc Kinh và cả ở sân bay quốc tế cũng được triển khai.

“Những ai trông giống sinh viên và trí thức” đều thuộc đối tượng bị xét hỏi.

Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn bất đồng về cách nhìn nhận vụ Thiên An Môn 25 năm về trước.

Hôm 5/6/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay họ đã gửi lời than phiền tới Hoa Kỳ bày tỏ sự “bất bình sâu sắc” về cách Hoa Kỳ nêu quan điểm liên quan tới vụ Thiên An Môn.

“TQ gửi lời than phiền tới Hoa Kỳ bày tỏ sự bất bình sâu sắc”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ, ông Hồng Lỗi cho hay phía Trung Quốc đã lên tiếng một cách ‘long trọng nhất’ tới chính giới Mỹ.

Nước Mỹ trước đó đã đề nghị Trung Quốc “tính đủ số người biểu tình phản đối bị giết ở Thiên An Môn”.

Tại Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 25 năm vụ Thiên An Môn, đài báo chính thức không hề nói gì về vụ này.

Các cuộc tuần hành hoặc đốt nếu tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn chỉ được tổ chức ở Hong Kong, Đài Loan và các nơi có cộng đồng người Trung Quốc ở hải ngoại.

Còn theo biên tập viên chuyên về Trung Quốc của BBC, bà Carrie Gracie trong bài viết từ Bắc Kinh thì “sự lãng quên là cách để tồn tại” với người Trung Quốc khi động đến chủ đề Thiên An Môn

Theo bà Gracie, ngày nay nhìn lại, “Thiên An Môn là một phần của chu kỳ chính trị hy vọng và sợ hãi ở Trung Quốc,”

Tuy thế, từ sau 1989, “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chú ý tìm hiểu dư luận” nhưng nếu phải làm điều tương tự một lần nữa như trấn áp ở Thiên An Môn, “có lẽ họ sẽ vẫn làm”, theo phóng viên BBC.

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, xin kính mời quý vị xem lại Bẩy Ơn Chúa Thánh Thần và những Hoa Quả Thần Khí Chúa.

Bẩy Ơn Chúa Thánh Thần:

1. Ơn Khôn Ngoan (Wisdom) – Giúp ta phân biệt điều phải, điều trái.

2. Ơn Hiểu Biết (Understanding) – Giúp ta hiểu biết sâu xa hơn những điều Chúa và Giáo Hội dậy.

3. Ơn Biết Lo Liệu (Counsel) – Giúp ta giải quyết mọi khó khăn trong đời sống, nhất là đời sống thiêng liêng.

4. Ơn Sức Mạnh (Fortitude) – Giúp ta chu toàn việc bổn phận và vượt qua mọi khó khăn.

5. Ơn Thông Minh (Knowledge) – Giúp ta nhận ra thánh ý Chúa.

6. Ơn Ðạo Ðức (Peity) – Giúp ta tin yêu Chúa và giúp đỡ anh em.

7. Ơn Kính Sợ Thiên Chúa (Fear of the Lord) – Giúp ta tôn kính sự công bằng và quyền phép Chúa và sợ làm phiền lòng Ngài.

 

Mười hai Hoa Quả Chúa Thánh Thần:

1. Bác Ái (Charity): Giúp ta làm mọi việc vì mến Chúa.

2. Vui Vẻ (Joy): Giúp ta nhận biết lòng nhân từ của Chúa.

3. Bình An (Peace): Kết quả của niềm vui, làm cho ta được thư thái.

4. Kiên Nhẫn (Patience): Giúp ta chịu đựng những nghịch cảnh ở đời và những đau khổ do sự chết gây nên.

5. Nhân Từ (Benignity): Thôi thúc ta làm sự lành cho mọi người.

6. Hòa Nhã (Goodness) : Phát sinh do lòng nhân từ trong lời nói và trong việc làm.

7. Nhẫn Nại (Longanimity): Làm ta kiên nhẫn chịu đựng lâu dài dù không có những khích lệ bên ngoài.

8. Hiền Lành (Mild): Kìm hãm nóng giận.

9. Trung Tín (Faith): Giúp ta trung thành, thẳng thắn trong những giao tế với mọi người.

10. Nhã Nhặn Khiêm Tốn (Modesty): Làm phát sinh điều độ, chừng mực trong hành động bền ngoài.

11. Tiết Ðộ (Continence): Chế ngự những dục vọng.

12. Trong Sạch (Chastity): Giúp canh phòng ngũ quan để chúng không trở nên dịp tội cho ta; giúp ta coi thân xác mình và thân xác người khác như đền thờ Chúa Thánh Thần.

KittyThiênKim & Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Gặp gỡ với ĐTC: Ơn Đạo Đức

Gặp gỡ với ĐTC: Ơn Đạo Đức

Chuacuuthe.com


VRNs (05.06.2014) – Sài Gòn – Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hôm qua (04.06), ngài tiếp tục bài giáo về bảy ơn ban của Chúa Thánh Thần. Tuần trước vì vừa kết thúc chuyến hành hương Đất Thánh nên ĐTC ôn lại chuyến đi của Ngài đến Đất Thánh. Tuần này ngài trở lại bài giáo lý về ơn Đạo Đức trong bảy ơn ban của Chúa Thánh Thần.

Dưới đây là bài giáo lý đầy đủ của ĐTC

1

Anh Chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn dừng lại ở ơn Đạo Đức là một trong bảy ơn ban của Chúa Thánh Thần mà thường bị hiểu sai và bị xem một cách hời hợt; thay vì nó đụng chạm đến tâm hồn và cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.

Là điều cần thiết để làm rõ hơn về ý nghĩa của Ơn ban này, nó không phải là việc có chút lòng lòng từ bi đối với một ai đó, có lòng trắc ẩn với người hàng xóm chẳng hạn, nhưng nó cho thấy chúng ta thuộc về Thiên Chúa và sự gắn kết sâu thẳm của chúng ta với Ngài, một sự gắn kết mang lại ý nghĩa cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta và giữ chúng ta trong sự kiên định, trong sự hiệp thông với Ngài, cũng như trong những lúc khó khăn nhất.

1. Sự gắn kết này với Chúa không phải là một nhiệm vụ hay một sự áp đặt. Nó là một sự gắn kết đến từ bên trong. Đó là một mối liên hệ sống động trong tâm hồn: đó là tình bạn với Thiên Chúa, ban cho chúng ta Chúa Giêsu; một tình bạn mà thay đổi cuộc sống của chúng ta và đổ đầy nơi chúng ta sự nhiệt tình và niềm vui. Vì vậy, ơn Đạo Đức gợi lên trong chúng ta, trước hết, lòng biết ơn và ca khen. Thực ra động lực và ý nghĩa đích thực nhất của hành vi chúng ta là thờ phượng Thiên Chúa. Khi Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, Ngài sưởi ấm tâm hồn chúng ta và đưa dẫn chúng ta gần hơn đến việc cầu nguyện và ca tụng Chúa một cách rất tự nhiên. Do vậy Ơn Đạo đức đồng nghĩa với tinh thần tôn giáo đích thực, là lòng con thảo đặt hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa, là khả năng để cầu nguyện với Ngài bằng tình yêu và sự đơn sơ mà chỉ có nơi những ai khiêm tốn trong lòng.

2. Ơn Đạo Đức làm cho chúng ta phát triển trong mối liên hệ và hiệp thông với Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta sống như con thảo của Ngài, đồng thời nó giúp chúng ta trao ban tình yêu cho tha nhân và nhận ra họ là anh chị em với mình. Chúng ta được thúc đẩy bởi lòng đạo đức – không phải là chủ thuyết duy đạo đức – trong việc cư xử với những người xung quanh và những ai chúng ta gặp mỗi ngày. Tại sao tôi nói là lòng đạo đức chứ không phải chủ thuyết duy đạo đức?

Bởi vì một số người nghĩ rằng để có sự đạo đức là nhắm mắt lại, nghiền ngẫm và làm cho khuôn mặt mình trở nên siêu thoát như một vị thánh. Trong một tác phẩm nào đó mô tả đạo đức như thể là nhắm mắt lại, đầu lắc lư như lên đồng. Đó không phải là ơn Đạo Đức của Chúa Thánh Thần. Ơn Đạo Đức có nghĩa là có khả năng vui với những người vui, khóc với người khóc, để giúp đỡ những người cần trợ giúp. Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa ơn đạo đức và sự hiền lành. Ơn Đạo Đức mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta làm cho chúng ta trở nên nhu mì, điềm tĩnh, kiên nhẫn, bình an trong Thiên Chúa, và phục vụ người khác bằng sự hiền lành.

Anh chị em thân mến, trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Tông Đồ Phaolô khẳng định: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!”(Rm 8:14-15).

Chúng ta hãy cầu xin với Chúa xin Chúa Thánh Thần ban ơn Đạo Đức để chúng ta có thể khuất phục nỗi sợ hãi, sự không chắc chắn, nỗi bồn chồn, tinh thần thiếu kiên nhẫn và làm cho chúng ta diễn tả ​​niềm vui của Thiên Chúa và tình yêu của chính mình, cùng tôn thờ Chúa trong sự thật và trong việc phục vụ tha nhân, với sự hiền lành và nụ cười trên môi. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng ta ơn Đạo Đức.

Hoàng Minh

 

Mỹ-Nhật đối đầu Trung Quốc, Việt Nam kiên quyết cầu hòa

Mỹ-Nhật đối đầu Trung Quốc, Việt Nam kiên quyết cầu hòa

Việt-Long, RFA
2014-06-05

RFA

7th-fleet

Hạm đội 7 Hoa Kỳ, lực lượng trấn thủ Thái Bình Dương

Courtesy of US Navy

“Bùng nổ như tạc đạn” là nhận xét về Diễn đàn Thượng đỉnh An ninh châu Á, danh xưng vắn tắt là Đối thoại Shangri-La, nhóm họp thường niên tại Singapore năm nay.

Nhân vật đem trưng bày ngòi nổ trước diễn đàn là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, và người châm ngòi là Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel.

Thủ tướng Nhật cam kết sẽ yểm trợ tối đa cho các nước ASEAN để bảo đảm an ninh trên biển và trên không cho Đông Nam Á, bằng sự trợ giúp phát triển, xây dựng khả năng, hợp tác cung cấp kỹ thuật và khí cụ quốc phòng.

Ông kêu gọi tinh thần thượng tôn luật pháp của tất cả các chính phủ liên quan, nói rằng Nhật sẽ giữ vai trò lớn lao và năng động hơn hết từ trước tới nay, trong việc gìn giữ cho nền hoà bình châu Á và thế giới thêm vững chắc.

japan-pm

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trên diễn đàn Đối thoại Shangri-La, 30 tháng 5, 2014 – Courtesy of IISS document

Ông cho biết Nhật Bản và Hoa Kỳ sẵn sàng củng cố hợp tác an ninh quốc phòng với Australia và khối ASEAN.

Đây có vẻ như một chính sách đã được Nhật bàn thảo trước cùng với Hoa Kỳ để tung ra trong cuộc đối thoại quốc phòng Shangri-La năm nay. Lập trường này rõ ràng đã phát khởi vì hành động xâm lấn của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam. Và Thủ tướng Nhật cho thấy Nhật, Mỹ và Úc đã đồng thuận về kế hoạch liên quốc gia để đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và toàn cầu. Duy chỉ có khối ASEAN là còn ngồi yên nghe ngóng ý định của các cường quốc, chưa bao giờ quyết định được điều gì có ý nghĩa.

Sau Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã châm ngòi nổ với những lời lẽ cứng rắn khác thường, mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, hướng vào Trung Quốc.  Ông trực tiếp lên án hành động đơn phương của Trung Quốc gây bất ổn cho châu Á khi giành lấn chủ quyền trên biển Đông, gọi đó là hăm dọa, cưỡng ép, đe dọa dùng võ lực để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Bộ trưởng Chuck Hagel nhắc lại lời cam kết của Mỹ về kế hoạch tái quân bình lực lượng ở châu Á,  nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ không ngoảnh mặt đi, mà sẽ duy trì luật pháp quốc tế, cương quyết đối đầu với hành động xâm lược, giúp tăng cường khả năng quốc phòng của các đồng minh và của chính nước Mỹ. Ông khuyên Trung Quốc nên đoàn kết với quốc tế cho một nền hoà bình toàn cầu, nếu không thì sẽ gây hại cho hòa bình và ổn định cho hằng triệu người ở châu Á và hằng tỉ người trên thế giới.

chuck-hagel

Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ trên diễn đàn Dialogue Sangri-La, 31 tháng 5, 2014

Diễn tiến Đối thoại Shangri-La cho thấy rõ ràng đây là bài song ca đã được chuẩn bị, nếu không nói là bài hợp ca giữa Hoa Kỳ với Nhật và Úc, được gióng lên để cảnh cáo Trung Quốc một cách nghiêm khắc nhất, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, như Hoa Kỳ đang thi hành trong kế hoạch điều động lực lượng hải quân hướng về Đông Nam Á.

Điều đáng chú ý là Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã thông báo Mỹ sẽ tăng ngân sách hoạt động quân sự lên 35% vào năm 2016, và tăng 40% ngân sách huấn luyện, đào tạo về quân sự.

Nước Mỹ có vẻ như vừa thức tỉnh do hành động xâm lược của Trung Quốc ở biển Đông. Mới hồi tháng 2 năm nay ông Chuck Hagel nói với giọng ảm đạm rằng Hoa Kỳ sẽ không còn thống trị trên trên không gian và biển cả vì phải cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng và hoạt động quân sự. Nay đột nhiên chính sách đảo ngược hẳn lại, chẳng phải nước Mỹ giựt mình tỉnh thức vì Trung Quốc bắt đầu gióng hồi trống trận hay sao?

Tiếp sau Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Vương Quán Trung, đã phản bác mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Nhật và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Ông nói lời lẽ của Bộ trưởng Hagel là nguy hiểm ngoài sức tưởng tượng và đầy chủ nghĩa bá quyền. Nhưng có tin cho hay sau đó khi họp song phương với Mỹ về quốc phòng, tướng họ Vương đã đề nghị hai nước củng cố hợp tác quốc phòng vì quyền lợi chung ở châu Á và trên thế giới. Điều này có thể được hiểu là Bắc Kinh muốn bắt tay quân sự với Mỹ để chia chác quyền lợi trên vùng biển quanh Trung Hoa và xa hơn nữa. Nhưng Bộ trưởng Hagel vẫn giữ thái độ nghiêm khắc như trong hội nghị, không đáp ứng đề nghị, và cắt ngắn cuộc họp chỉ sau có 20 phút thảo luận.

chinese-general

Phó TTMT quân đội Trung Quốc, Trung tướng Vương Quán Trung, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2014

Công luận của người Việt thì chú ý đến lời phát biểu trước Diễn đàn Đối thoại Shangri-La của Bộ trưởng quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh. Có nhiều ý kiến chỉ trích ông Thanh vì lời phát biểu này.

Xem xét thực tế một cách khách quan, trước hết, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam nhận định sự kiện đặt giàn khoan của Trung Quốc là sự va chạm gây căng thằng trong quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với nước bạn Trung Quốc.

Những từ ngữ “va chạm” và “nước bạn” là điều gây nhiều ý kiến chỉ trích là tại sao tướng Thanh lại gọi Trung Quốc là nước bạn, và sự kiện giàn khoan chỉ là va chạm gây cẳng thẳng, trong khi Nhật và Mỹ đã tố cáo đó là hành vi xâm lược đơn phương do chủ nghĩa bành trướng mà hai cường quốc Thái Bình Dương này tỏ ý sẵn sàng giúp ngăn chặn.

Nêu vấn đề một cách hòa hoãn không phải là điều đáng phải chỉ trích quá gay gắt. Vì ngay sau đó ông Phùng Quang Thanh nhấn mạnh rằng bảo vệ chủ quyền là thiêng liêng, nhưng Việt Nam chủ trương giải quyết hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cùng với những thỏa ước của khu vực với Trung Quốc, và các thỏa thuận song phương Việt Nam – Trung Quốc. Chủ trương của Việt Nam cho đến nay vốn được quảng bá là giải quyết vấn đề bằng đường lối hoà bình, thì cách trình bày lập trường với những ngôn ngữ ngoại giao như vậy là phù hợp với chủ trương đó.

Tướng Thanh có nói Việt Nam vẫn rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo… không đâm va, không phun vòi rồng. Lời lẽ đó nghe ra có ẩn ý tố giác Trung Quốc có hành vi hiếu chiến hơn khi cho tàu quân sự đến hiện trường, và tấn công bằng vòi rồng, húc bể tàu kiểm ngư Việt Nam và húc chìm tàu đánh cá của Việt Nam. Sau đó Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để cùng Việt Nam đàm phán.

Điều này cũng nói được lập trường hoà bình và nhũn nhặn của Việt Nam trước diễn đàn quốc tế. Đóng vai người yếu thế trước công luận quốc tế cũng là điều hay. Miễn là đằng sau những lời hoà bình đó đừng quên chuẩn bị đối đầu với chiến tranh!

vietnam-defense-minister

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, tại Đối thoại Sangri-La 2014

Hiện tại, Việt Nam chưa thể nào nói đến chiến tranh, nhưng vẫn phải tìm biện pháp hoà bình để giải quyết. Vấn đề cần quan tâm là dùng biện pháp pháp lý cách nào, trong khi Việt Nam đã sẵn bị yếu thế về pháp lý trước Trung Quốc về chủ quyền của đảo Hoàng Sa và cả Trường Sa, vì công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhân vật lãnh đạo hành pháp của Việt Nam.

Đó mới là trở ngại khó vượt qua cho Việt Nam. Còn về Trung Quốc, diễn đàn này từng cảnh cáo Trung Quốc hãy coi chừng. Lịch sử thế giới xưa nay cho thấy chiến tranh đã nhiều lần xảy ra khi một quốc gia phát triển mạnh rồi bành trướng một cách nguy hiểm cho quyền lợi của các cường quốc khác.

Hoa Kỳ đột nhiên thay đổi hẳn chính sách quốc phòng. Nhật Bản đột nhiên phóng lên vũ đài quân sự quốc tế với vai trò năng động và chủ động nhất từ thời thế chiến II đến nay. Australia lên tiếng ủng hộ Nhật Bản, Ấn Độ từng ngỏ ý ủng hộ Việt Nam trong kế hoạch khai thác biển Đông, và là quốc gia hải dương hùng hậu có nhiều vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc, đang huấn luyện về tàu ngầm cho hải quân Việt Nam.

Liệu các quốc gia Thái Bình Dương ấy có muốn thực hiện bức tường chắn nam Trung Hoa bằng quân sự, và chỉ cần một lý cớ chính đáng từ một nước Đông Nam Á?

Chuyện “Cao Biền dậy non” (*) diễn ra trong thể kỷ 21 khi Bắc Kinh không tuân lời Đặng Tiểu Bình mà “thao quang dưỡng hối” cho đủ 30 năm, đã phát lộ dã tâm bành trướng quá sớm nên đương nhiên phải đụng đầu với các cường quốc Thái Bình Dương, y như lãnh tụ họ Đặng đã cảnh báo.

__________________

(*) Link để đọc chuyện “Cao Biền dậy non”:  http://maxreading.com/sach-hay/su-tich-dat-nuoc-viet/lay-bay-nhu-cao-bien-day-non-12104.html

Quyền Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Hà Nội

Quyền Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Hà Nội

June 04, 2014

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) .- Quyền Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, bà Kelly E. Magsamen tới Hà Nội, gặp thứ trưởng Quốc phòng CSVN Nguyễn Chí Vịnh trong lúc Biển Đông đang căng thẳng.

Quyền Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, bà Kelly E. Magsamen đang có mặt ở Hà Nội. (Hình: Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ)

Theo TTXVN, bà Kelly E. Magsamen đã đến thăm Bộ Quốc phòng CSVN hôm Thứ Tư 4/6/2014 được nguồn tin thuật lại lời bà là “hai bên cần tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi đoàn quân sự cấp cao, thực hiện tốt bản ghi nhớ quốc phòng song phương mà hai bên đã ký kết, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng; đẩy nhanh việc khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.”

Nhiều phần, lý do chính mà bà Magsamen đến Hà Nội, theo TTXVN cho biết, là hai bên “trao đổi một số nội dung liên quan phục vụ các chuyến thăm của các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tới Việt Nam và chuẩn bị các nội dung cho hội nghị Đối thoại chính sách quốc phòng song phương Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 9 năm 2014.”

Cấp cao hơn của bà Magsamen ở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hiển nhiên là ông bộ trưởng Chuck Hagel. Bà Kelly E. Magsamen được cử làm Quyền phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đặc trách An Ninh khu vực Á Châu – Thái Bình Dương sau khi đã nhận lãnh nhiều nhiệm vụ khác nhau tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và Bộ Ngoại Giao.

Theo tinh thần bản tin của TTXVN, rất có thể ông Bộ trưởng Hagel sẽ đến Việt Nam trước khi có cuộc “Đối thoại chính sách quốc phòng song phương Việt Nam – Hoa Kỳ” khi tình hình thời sự căng thẳng trên Biển Đông đang là nỗi quan ngại của nhiều nước, không riêng gì Việt Nam. Hoa Kỳ, qua nhiều lời phát biểu của các viên chức ngoại giao và quốc phòng, xác định có “lợi ích quốc gia” trên khu vực Biển Đông nên không muốn có bất ổn tuy không chen vào tranh chấp chủ quyền của các nước liên quan.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bên lề Diễn Dàn An ninh Khu vực Shangri-La cuối tuần qua. Tin tức nói rằng hai ông cũng đã trao đổi về các diễn biến liên quan đến sự kình chống giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến giàn khoan HD981 mà Trung quốc đem tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam dò tìm dầu khí, bất chấp phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam.

Hồi Tháng 8-2013, khi hai ông gặp nhau ở Hội Nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác, tổ chức ở Brunei. Dịp này, ông Hagel đã nhận lời đến Việt Nam vào năm tới. Nay, bà Magsamen có vẻ đến để chuẩn bị cho nghị trình thảo luận giữa hai bên.

Tại Diễn đàn Shangri-La, Bộ trưởng Hagel đã mạnh mẽ đả kích hành động của Trung quốc là khiêu khích và gây bất ổn ở khu vực trong khi ông Phùng Quang Thanh thì chỉ nhỏ nhẹ, coi chuyện kình chống trên biển giữa lực lượng Việt Nam với Trung Quốc là chuyện anh em trong nhà cãi nhau “khó tránh khỏi”.

Ông Phùng Quang Thanh còn khoe “Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp”, dù thực tế có lúc tờ báo trung ương của đảng Cộng Sản Việt Nam chửi lãnh tụ Trung Quốc là có “máu Đại Hán”.

Việt Nam từng nêu vấn đề bãi bỏ cấm vận bán võ khí mỗi khi gặp mặt các viên chức cao cấp Hoa Kỳ nhưng đều được trả lời là phải cải thiện nhân quyền. Lần gặp Bộ trưởng Hagel tới đây, Mỹ có thay đổi quyết định hay không, người ta chờ tin tức của cuộc họp. (TN)

 

Hoa Kỳ cần có vai trò tích cực hơn tại Đông Nam Á

Hoa Kỳ cần có vai trò tích cực hơn tại Đông Nam Á

Việt Hà, phóng viên RFA
2014-06-04

vietha06042014.mp3

IMG_6460-305.jpg

Các đại biểu tại Hội thảo Philippines, Việt Nam và những tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông được tổ chức tại Trung tâm Wilson ở Washington DC vào sáng ngày 3 tháng 6 năm 2014.

RFA

Một cuộc hội thảo có tên Philippines, Việt Nam và những tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông vừa được tổ chức tại Trung tâm Wilson ở Washington DC vào sáng ngày 3 tháng 6. Cuộc hội thảo có sự tham dự của những diễn giả đến từ Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc

Căng thẳng gần đây ở biển Đông giữa Trung Quốc và nước láng giềng Việt Nam xung quanh vụ giàn khoan HD 981 cho thấy sự bất đồng ngày càng lớn giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Đó là nhận định mở đầu buổi hội thảo của ông Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung Tâm Quốc tế Woodrow Wilson:

“Trong vài tuần qua chúng ta đã chứng kiến tranh chấp lâu nay đe dọa trở thành một khủng hoảng quốc tế. Những lo lắng của vụ tranh chấp, tương đương như những lo lắng về sự triển khai rầm rộ các loại tàu và sự kiên quyết trong khẳng định chủ quyền cũng tương đương như nỗi lo về một thực tế  là hai nước lớn Mỹ, Trung Quốc không thể đồng ý với nhau về những điểm bất đồng. Chúng ta thậm chí cũng chưa bắt đầu thảo luận đến việc điều hòa những bất đồng này một cách hòa bình. Hai bên cũng chưa có được thống nhất về điểm nào bao gồm một thực tế, đâu là quy định chung về dẫn chứng, và cái gì bao gồm trong một lập luận hợp lý, và vai trò của luật quốc tế ra sao….”

Theo chuyên gia Robert Daly, Hoa Kỳ liên tục đưa ra những lập luận hợp lý mang tính xây dựng nhưng đều bị khước từ trong khi Trung Quốc tin là những lập luật của họ xung quanh cái gọi là chủ quyền mang tính lịch sử không thể chối cãi đã bị lờ đi.

Trong vài tuần qua chúng ta đã chứng kiến tranh chấp lâu nay đe dọa trở thành một khủng hoảng quốc tế.
-Ông Robert Daly

Sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc hồi đầu tháng năm vừa qua, giới chức Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc đây là hành động gây hấn đơn phương từ phía Trung Quốc gây bất ổn cho khu vực. Để đáp lại những lên án từ Hoa Kỳ, tại đối thoại Shangri-la, diễn ra cuối tháng 5 đầu tháng 6 tại Singapore, bà Phó Oánh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ không nên can thiệp vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Tiến sĩ Aileen San Pablo-Baviera, thuộc trường đại học Philippines, trong bài phát biểu tại hội thảo thì cho rằng những căng thẳng gần đây tại biển Đông cho thấy rõ hơn những thách thức về an ninh trong khu vực. Bên cạnh những thách thức liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền là thách thức về sự đối đầu giữa các cường quốc, nổi bật là Mỹ và Trung QUốc. Tiến sĩ Braviera cáo buộc các hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc đã gây căng thẳng cho khu vực.

Tiến sĩ Baviera nói Trung Quốc đã gia tăng đòi hỏi chủ quyền trong khu vực đường 9 đoạn với việc sử dụng đông đảo các tàu bán quân sự, trong khi các tàu quân sự sẵn sàng đáp ứng khi cần thiết. Tiến sĩ Baviera cũng nhìn nhận Hoa Kỳ đã đưa ra lập trường rõ ràng và mạnh mẽ hơn liên quan đến những hành động gần đây của Trung Quốc và bảy tỏ quyền lợi của Mỹ ở khu vực, cũng như khẳng định cam kết hỗ trợ cho đồng minh của mình tại khu vực, mà cụ thể là Philippines, trước những thách thức từ Trung Quốc.

Trung Quốc gây bất ngờ với ASEAN

Đến từ Việt Nam, diễn giả Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao cho rằng Việt Nam và các nước ASEAN đã hoàn toàn bất ngờ trước hành động mới của Trung Quốc tại biển Đông:

“Hành động của Trung quốc làm ASEAN bất ngờ. Một mặt chúng tôi nhìn thấy hy vọng, tương lai phát triển quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng thật bất ngờ khi quan hệ giữa hai phía bị chuyển sang một hướng khác mà không một ai đoán trước…”

IMG_6473-250.jpg

Tiến sĩ Aileen San Pablo-Baviera, thuộc trường đại học Philippines (trái) và diễn giả Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao Việt Nam tại Hội thảo Philippines, Việt Nam và những tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông được tổ chức tại Trung tâm Wilson ở Washington DC vào sáng ngày 3 tháng 6 năm 2014. RFA PHOTO.

Học giả Việt Nam đưa ra những bằng chứng về cơ hội cho sự phát triển quan hệ hai phía thời gian qua. Theo ông Tuấn, với một thị trường hơn 600 triệu dân và GDP hơn 2 ngàn 300 tỷ đô la, ASEAN có thể trở thành một thị trường lớn trên thế giới và là  nền tảng cho sự phát triển quan hệ với Trung Quốc. Đó là chưa kể tiềm năng kim ngạch hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc ước tính ở mức 400 tỷ đô la có thể được đưa lên mức 1.000 tỷ đô la vào năm 2020. Mặt khác, học giả Việt Nam cũng nhìn nhận những tín hiệu tích cực từ những lãnh đạo mới của Trung Quốc thể hiện bằng các chuyến viếng thăm các nước ASEAN sau khi nhậm chức vào cuối năm 2012. Ông Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng những lời hứa về hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam, hay đường dây nóng đã trở thành vô nghĩa khi nó không thể được thực hiện như mục đích ban đầu được đặt ra.

Theo Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Trung Quốc sẽ không chỉ dừng lại ở việc đặt giàn khoan tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam mà có thể dịch chuyển tới các vùng nước đang tranh chấp với các nước láng giềng khác. Học giả Việt Nam cho rằng vấn đề tranh chấp tại khu vực quần đảo Hoàng Sa bây giờ không còn là vấn đề song phương mà là đa phương vì nó đe dọa đến an ninh chung của toàn khu vực.

Tại sao TQ hành động đơn phương?

Một mặt chúng tôi nhìn thấy hy vọng, tương lai phát triển quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng thật bất ngờ khi quan hệ giữa hai phía bị chuyển sang một hướng khác.
-Ô. Hoàng Anh Tuấn

Lý giải về những hành động gần đây của Trung Quốc tại biển Đông, đặc biệt là vụ giàn khoan HD 981, học giả Yun Sun, thuộc Trung tâm Stimson nói rằng Trung Quốc quyết định đưa ra các hành động bị các nước gọi là đơn phương và gây hấn là do Trung Quốc nhìn thấy việc kiềm chế hành động đơn phương trong quá khứ đã không cải thiện được vị thế của Trung quốc trong đòi hỏi chủ quyền của mình và với việc Trung Quốc không hành động gì chỉ khiến các nước khác trong khu vực có các hành động gia tăng chủ quyền của mình. Vì vậy đây là hành động nhằm cải thiện vị thế của Trung Quốc trong cuộc chơi và trong các đàm phán tương lai.

Ngoài ra còn có một số lý do khác được học giả Yun Sun đưa ra là chiến lược xây dựng cường quốc biển của  Trung Quốc được đưa ra từ nhiều năm trước. Trong khi việc mở rộng tầm hoạt động của hải quân Trung Quốc gặp trở ngại tại biển Hoa Đông từ phía Nhật Bản, biển Đông là một khu vực được cho là thuận lợi hơn để Trung Quốc thực hiện tham vọng này. Vấn đề tranh chấp biển đảo cũng liên quan đến vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình muốn sử dụng chính sách ngoại giao để làm cải thiện hơn nữa hình ảnh của mình khi những chính sách cải tổ kinh tế và chống tham nhũng trong nước của ông gặp những trở ngại. Lý do cuổi cùng được đưa ra lý giải cho những hành động gần đây của Trung Quốc là việc Mỹ khó có khả năng can thiệp về mặt quân sự với dẫn chứng về cuộc khủng hoảng Ukraine gần đây và nhất là vụ tranh chấp bãi Scarborough Shoal với Philippines vào năm 2012. Theo học giả Yun Sun, Trung Quốc cho rằng họ có khả năng thực hiện một khủng hoảng có thể kiểm soát được mà không phải đối đầu trực tiếp với Mỹ. Với vụ giàn khoan dầu, Trung Quốc càng có thể làm mạnh khi Việt Nam cũng không phải là đồng minh của Mỹ.

Theo học giả Yun Sun, Trung Quốc đã cân đong những mặt thiệt và hơn trong những hành động gần đây và họ cho rằng mặt lợi đã vượt hơn nhiều so với những thiệt thòi mà họ có thể gánh chịu.

Kêu gọi Mỹ tham gia tích cực hơn

Học giả Philippines và Việt nam cho rằng Mỹ cần đóng một vai trò tích cực hơn trong khu vực. Theo Tiến sĩ Braviera, ASEAN hiện vẫn còn chia rẽ về vai trò của Mỹ ở khu vực. Một số nước hoan nghênh Mỹ, một số thì lo ngại sự tham gia của Mỹ trong khu vực có thể làm tình hình thêm phức tạp.

Tiến sĩ Braviera cho rằng, Mỹ cần cho các nước ASEAN thấy vai trò tích cực của mình trên nhiều mặt bao gồm ngoại giao, kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu và quân sự, qua các diễn đàn đa phương, nhất là cần phải tỏ rõ lập trường của mình qua việc thông qua Công ước về luật biển 1982.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn đề nghị Hoa Kỳ giúp đoàn kết ASEAN hơn nữa và khuyến khích Trung Quốc tham gia đàm phán tích cực với ASEAN để giải quyết các vấn đề một cách hòa bình.

httpv://www.youtube.com/watch?v=OFGanVY_AmM

Tinh thần quốc tế cộng sản và xung đột lợi ích quốc gia

Tinh thần quốc tế cộng sản và xung đột lợi ích quốc gia

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-06-02

06022014-kinhhoa.mp3

000_Hkg9833728-600.jpg

TBT Đảng cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng (T) và ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nói chuyện với nhau trước phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 19/5/2014.

AFP photo

Một trong những ý tưởng hấp dẫn nhất của học thuyết cộng sản là tinh thần quốc tế của học thuyết này. Theo lý tưởng ấy thì các tầng lớp lao động là công nhân và nông dân khắp nơi trên thế giới đoàn kết lại chống những kẻ tư bản bóc lột, vì thế những người cộng sản từ những quốc gia khác nhau sẽ không phân biệt nhau, bỏ qua lợi ích của quốc gia nhỏ hẹp mà hướng tới một thế giới đại đồng, một quốc tế vô sản, một quốc tế cộng sản. Và dĩ nhiên các đảng cộng sản trên thế giới đều có biểu tượng chung là hình ảnh búa liềm trên nền đỏ.

Trong suốt thời gian tồn tại của phong trào cộng sản, lý tưởng quốc tế cộng sản đã được diễn dịch qua nhiều hành động khác nhau. Đầu tiên có lẽ đó là sự thành lập Đệ tam quốc tế thống lĩnh tất cả các đảng cộng sản trên thế giới. Sau đó là những cuộc chiến tranh, đối đầu, can thiệp, … nhân danh tinh thần quốc tế cộng sản như vụ can thiệp vào Hungary năm 1956, cuộc can thiệp của Quân giải phóng nhân dân Trung hoa vào Triều tiên, các cuộc phiêu lưu quân sự của Cuba ở châu Phi,…

Nhưng ngay cả trong thời kỳ thịnh vượng nhất của khối các quốc gia cộng sản, người ta cũng thấy rằng tinh thần quốc tế của những người cộng sản đôi khi không vượt qua được những ích lợi dân tộc. Một giáo viên người Việt học tập ở Ba Lan nói với chúng tôi rằng người Ba Lan vẫn bực tức về việc miền Đông của nước này bị Hồng quân Liên Xô đánh chiếm hồi năm 1939 và không hề được trả lại. Năm 1969 một cuộc xung đột ngắn nhưng cũng đẫm máu bùng nổ giữa hai nước lớn nhất khối cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc, xung đột Việt Nam Trung quốc đến ngày hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc…

Song thực nghiệm cộng sản đã thất bại, với sự kiện bức tường Berlin sụp đổ cách đây 25 năm. Cốt lõi chính trị công nông của nó thất bại, và các đảng cộng sản được cho là đã không bảo vệ được những người thợ và nông dân khi họ lên cầm quyền. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà bất đồng chính kiến nói về sự thất bại này một cách châm biếm:

“Đảng cộng sản cứ mà nhân danh cái gì đó thì cái đó chết, nhân danh công nhân là giai cấp tiền phong lãnh đạo thì bây giờ khổ nhất là công nhân. Lại nhân danh công nông, trong đó có nông dân thì nông dân bây giờ mất hết cả ruộng đất phải đi làm thuê.”

Đảng cộng sản cứ mà nhân danh cái gì đó thì cái đó chết, nhân danh công nhân là giai cấp tiền phong lãnh đạo thì bây giờ khổ nhất là công nhân.
– Tiến sĩ Hà Sĩ Phu

Một trí thức trẻ rời bỏ đảng cộng sản hồi năm 2013 cũng nói rằng ông cảm thấy những lý luận của đảng cộng sản cầm quyền là không ổn để điều hành quốc gia. Việc điều hành này bao gồm cả những chính sách đối ngoại trong thời đại mới mà Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu cho rằng không thể được thực hiện bởi hai đảng cộng sản với nhau được.

Ông Robert Kaplan viết trong quyển Biển Nam Trung hoa (Biển Đông) nồi thuốc súng của châu Á, rằng những xung đột về địa chính trị và lợi ích quốc gia vẫn đang ngự trị nền chính trị của thế giới trong thế kỷ 21 này. Ông đặc biệt phân tích cách tiếp cận của nước Trung Quốc hiện đại về vai trò đế quốc của mình. Theo ông, nước Trung Quốc được dẫn dắt bởi đảng cộng sản hình dung trật tự mới trong vùng châu Á là một nơi mà Trung Quốc là trung tâm còn xung quanh là các quốc gia lệ thuộc. Một triết lý không khác mấy với đế chế Trung Hoa ngày xưa.

Trật tự này rõ ràng không phải là trong một tinh thần quốc tế cộng sản như lý thuyết cộng sản đề cao.

Nhưng có vẻ như đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn nghĩ tới tinh thần quốc tế vô sản ấy với những khẩu hiệu như Nghĩ tới đại cục mà bỏ qua những bất đồng, khi nói về quan hệ Việt Nam Trung Quốc.

Từ khi quan hệ Trung Quốc Việt Nam được bình thường hóa sau cuộc chiến đẫm máu 1979 đến nay, quan hệ hai đảng cộng sản Việt Trung thường xuyên được ca ngợi và dường như nó chỉ đạo mọi hoạt động đối ngoại của Việt nam.

Mâu thuẫn với lợi ích quốc gia

Sự kiện giàn khoan nước sâu của Trung Quốc kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang đẩy những mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia và cái gọi là tinh thần quốc tế cộng sản lên cao nhất. Một nguồn tin được các cơ quan truyền thông lớn trích dẫn nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã bị những người đồng lý tưởng cộng sản với ông ở Bắc Kinh từ chối gặp gỡ. Đây không phải là một tuyên bố chính thức, nhưng điều chắc chắn là từ khi cuộc khủng hoảng giàn khoan bùng nổ đúng một tháng trước đây, ông Trọng giữ một sự im lặng đáng ngạc nhiên.

Trong khi đó nhiều tiếng nói cất lên yêu cầu từ bỏ những lý tưởng cộng sản và quan niệm quốc tế cộng sản ấy để tìm kiếm một sự cân bằng quyền lực mà đối chọi với Trung quốc. Tiêu biểu cho những ý kiến đó là ông Cù huy Hà Vũ. Ông phát biểu với chúng tôi từ Washington DC rằng trong tình hình hiện nay chỉ có thể liên minh quân sự với Hoa Kỳ mới đương đầu được với Trung Quốc. Ông Nguyễn Thanh Giang, một nhà địa chất lâu năm rất quan ngại về việc bảo vệ các nguồn tài nguyên cho Việt Nam trong lòng biển Đông cũng cùng quan điểm này với ông Vũ.

Nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những người chủ xướng trang Bauxite Việt Nam chống việc khai thác bauxite có liên quan đến các công ty Trung Quốc thì cho rằng ngay trong đảng cộng sản Việt Nam cũng có những người muốn thoát ra khỏi sự kiềm chế của Trung Quốc dưới lý tưởng quốc tế cộng sản

Cựu đại tá Bùi Tín của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chúng tôi thì nói rằng ông rất nghi ngại về việc đảng cầm quyền ở Việt nam vẫn đang kiên trì đường lối Mác Lê nin trong cuộc khủng hoảng giàn khoan đang diễn ra ngoài biển Đông:

Tôi hoài nghi lắm! Bởi vì cái gánh nặng về giáo điều nó nặng quá. Muốn như vậy thì anh phải bỏ cái Mác-Lê Nin đi chứ

Dĩ nhiên đường lối đối ngoại của một quốc gia sẽ bị chi phối bởi chính sách của đảng cầm quyền. Nhưng liệu xung đột lợi ích quốc gia có được giải quyết bằng tinh thần quốc tế vô sản xưa cũ đã được các nhà triết lý cộng sản nêu lên cách nay hơn 100 năm hay không? Nội dung này đã được ông Bùi Tín đề cập trong cuộc phỏng vấn dành cho chúng tôi và cũng là câu hỏi lớn mà nhiều người dân đang mong đợi câu trả lời từ đảng cầm quyền, và sẽ được minh chứng bằng những gì đang và sẽ diễn ra ngoài biển Đông.

G7 quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông

G7 quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông (RFI)

Nhóm G7 chống lại "mọi ý định đơn phương đòi hỏi chủ quyền qua đe dọa hoặc vũ lực" - REUTERS /Francois Lenoir

Nhóm G7 chống lại “mọi ý định đơn phương đòi hỏi chủ quyền qua đe dọa hoặc vũ lực” – REUTERS /Francois Lenoir

Đức Tâm

Các căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông đã thu hút sự chú ý của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển. Hôm qua, 04/06/2014, trong ngày đầu nhóm họp tại Bruxelles, lãnh đạo các thành viên G7 đã ra thông cáo về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Bản thông cáo viết : « Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những căng thẳng tại biển Hoa Đông và Biển Đông ». « Chúng tôi chống lại mọi ý định đơn phương của bất kỳ bên nào muốn khẳng định các đòi hỏi lãnh thổ hoặc biển qua việc đe dọa, cưỡng ép hoặc vũ lực ». Đồng thời, G7 kêu gọi tất cả các nước liên quan hãy tôn trọng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp.

Mặc dù bản tuyên bố của G7 không nêu tên một nước nào, nhưng rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc. Bởi vì Nhật Bản và Hoa Kỳ là thành viên của G7.

Đầu tháng Năm, tại hội nghị an ninh khu vực Châu Á – Đối thoại Shangri-la, ở Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh là các nước cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cáo buộc Trung Quốc gây mất ổn định trong khu vực.

Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông.

Còn tại Biển Đông, Trung Quốc có tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, Bắc Kinh còn có tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan về chủ quyền quần đảo Trường Sa.