Chad rút giấy phép và phạt dầu khí TQ

Chad rút giấy phép và phạt dầu khí TQ

Thứ ba, 12 tháng 8, 2014

Công nhân Trung Quốc và người Chad sửa một giếng dầu ở Koudalwa năm 2013

Cộng hòa Chad vừa quyết định rút giấy phép và phạt tập đoàn dầu khí CNPC của Trung Quốc 1,2 tỷ USD vì ‘vi phạm luật môi trường’.

Cả năm giấy phép khai thác cung cấp cho CNPC bị Bộ Dầu khí của Chad rút lại, theo AFP đưa tin hôm 10/8/2014.

Bộ trưởng Djerassem Le Bemadjiel cho báo chí biết hôm thứ Bảy tuần qua về quyết định của chính quyền Chad và nêu ra “sự xuống cấp của môi trường” là lý do họ không cho công ty Trung Quốc tiếp tục làm việc.

Tập đoàn dầu khí quốc gia CNPC của Trung Quốc đã bị buộc phải ngưng hoạt động ở Chad hồi tháng 5 năm nay.

Chad nêu ra các bằng chứng về “hoạt động không thể chấp nhận được” của nhà khai thác Trung Quốc và nói nhiều bãi khoan dầu “để tràn ra bên ngoài”.

CNPC từ chối trả khoản tiền phạt lên tới 1,2 tỷ đôla Mỹ (800 triệu euro).

Đáp lại, quốc gia vùng Trung Phi cho hay họ sẽ đâm đơn kiện CNPC cả ở Ndjamena và tại một toà án ở Pháp.

Chad bác bỏ chuyện dàn xếp ngoài tòa vì “các nỗ lực đàm phán thân thiện đều trở nên vô ích”, quan chức chính phủ Chad, ông Abdoulaye Sabre nói.

Tuần tới, Chad cử người sang Paris để kiện công ty Trung Quốc ra tòa án thương mại nếu phía Trung Quốc tiếp tục từ chối trả tiền phạt.

Chad là nước thuộc nhóm nghèo tại châu Phi, với số dân trên 11 triệu người và thu nhập bình quân chỉ 720 đôla một năm, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2011.

Giáp giới với Niger, Nigeria, Libya và Sudan, Chad có nguồn dầu khí, các mỏ vàng và uranium lớn nhưng bị coi là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, theo BBC Monitoring.

Hồ Chad là nguồn cung cấp nước cho hàng triệu người ở bốn nước xung quanh

CHÚA CHẠNH LÒNG THƯƠNG

CHÚA CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Is 55,1-3; Rm 8,35.37-39; Mt 14,13-21

Lm. Vinh Sơn,

Năm 1960, bà Flo Howell sinh ra một người con là John Paul. Cậu bị bại não. Bất hạnh chồng chất khi chồng bà lại đòi ly dị với bà vì không muốn nhận đứa con tật bệnh. Nhưng bà Flo vì tình thương đã quyết định giữ lại đứa con tại nhà để chăm sóc thay vì gửi cậu vào một cơ sở từ thiện như có người đề nghị.

Thế mà John Paul lại nên người thành danh trong xã hội, và đã viết cho cuộc thi “Người mẹ vĩ đại nhất nước Mỹ năm 1996” như sau: “Mẹ tôi đã hy sinh cả đời cho tôi. Bà không bao giờ rời xa tôi… giữ tôi được sạch sẽ, tắm rửa, cạo râu, mặc quần áo cho tôi… Mẹ tôi nói với tôi rằng: tôi chính là món quà Tình yêu Thiên Chúa đã ban cho bà,và đó là tất cả những gì bà muốn. Thế nhưng tôi biết, đôi khi trong phòng riêng bà đã khóc vì cô đơn, buồn bã, mệt mỏi vì gặp quá nhiều khó khăn với một đứa con bại não như tôi. Vậy mà khi bước ra khỏi phòng, bà lại mỉm cười thật tươi… Mẹ tôi quả là người mẹ tốt nhất trong các bà mẹ”.

Ban giám khảo bình chọn người mẹ vĩ đại xúc động khi đọc bức thư này, và đã nhất trí chọn bà Flo Howell là “Người mẹ vĩ đại nhất nước Mỹ năm 1996”. Người Mẹ vĩ đại vì luôn thương con mình cho mình nó tật nguyền, bị xã hội bỏ đi…

Chúa chạnh lòng thương trước sự bơ vơ của đoàn người đi bộ trong hoang địa để tìm gặp Chúa: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương” (Mt 14,14).

Xa xưa, dân theo Chúa, lắng nghe giáo huấn, như Tin Mừng của thánh Mattheu ghi nhận lại, Chúa Giêsu đã dạy họ bằng giáo huấn : Người gieo giống (x. Mt 13,1-23), lúa và cỏ lùng,  hạt cải lớn lên,  nắm bột dậy men (x. Mt 13,24-43), Kho tàng, Viên Ngọc quý, Lưới cá (x. Mt 13,44-52)… Theo cấu trúc của Tin mừng Mattheu, giáo huấn bằng dụ ngôn (chương 13), trước phép lạ bánh hóa nhiều (chương 14).

Dân Chúa hết lòng hết tâm đến nghe Lời, dù giữa cảnh đói khát…”Người chạnh lòng thương”. Theo các nhà chú giải : « chạnh lòng thương » chỉ thứ xúc động của tình yêu sâu xa, như bản năng, bắt nguồn từ trong tim hay trong “ruột gan” của một người mẹ: đó không phải chỉ là tình cảm thuần tuý, nhưng là lòng trắc ẩn có sức tác động. Trong Cựu Ước động từ “chạnh lòng thương”  chỉ tình yêu của Đức Giavê đối với dân Người, một tình yêu thuộc bản tính của Thiên Chúa… Cho nên Truyền thống đã trình bày việc Chúa hoá bánh ra nhiều như một cử điệu chỉ thoát ra từ lòng trắc ẩn của Đức Giêsu… ( theo F. Prud’homme).

Trước những người thiện tâm đến với Chúa Giêsu, Ngài luôn chạnh lòng thương… như Tin Mừng có ghi nhận lại : Chúa chạnh lòng thương giơ tay đụng và chữa lành  anh cùi  xin ngài (x. Mc 1,41) Chúa chạnh lòng thương đoàn dân bơ vơ đến nghe ngài (x. Mc 6,34). Chúa chạnh lòng thương hoàn cảnh của bà góa thành Naim mất con (Lc 7,13) và cho con bà sống lại, Chúa thổn thức lòng trước cái chết của bạn hữu Lagiaro với lời than khóc của gia đình bạn hữu (x. Ga 11,33.38) và Lagiaro được Chúa cho sống lại…. Ngài chạnh lòng thương, vì dân Chúa lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt, nên truyền xin Thiên Chúa các mục tử chăn dắt, các thợ gặt lúa gặt lúa (x. Mt 9,36).

Chúa chạnh lòng thương trước dân đói khát Ngài làm bánh hóa nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người không kể đàn bà và con trẻ là phép lạ duy nhất được cả bốn tác giả Tin Mừng cùng thuật lại (x. Mt 14,13-21; Mc 6,35-44; Lc 9,12-17; Ga 6,1-13). Riêng hai tác giả  Matthêu và Marco còn ghi nhận thêm phép lạ bánh hóa nhiều lần hai (x.Mt 15,32-38; Mc 8,1-10). Như vậy, chắn chắn sự kiện Chúa làm phép lạ cho dân chúng mang nội dung hết sức quan trọng và Giáo Hội luôn xác tín đó là hình ảnh báo trước về Thánh Thể sẽ được dâng hiến cho muôn người.

Thật thế, Tin Mừng nhấn mạnh: “Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ” (Mt 14,19) đây cũng là những động tác, cử chỉ Chúa đã làm trong bữa ăn sau hết với các môn đệ”, “Cầm lấy bánh”, “đọc lời chúc tụng” (hoặc “tạ ơn”), “bẻ ra và “trao cho” (Mt 26,26) và Ngài truyền cho các môn đệ làm việc này. Cho nên, những cử chỉ này chính là những cử chỉ của truyền thống phụng vụ về nghi lễ “Bẻ bánh” diễn ra trong các buổi họp hội của các tín hữu và luôn đi vào đời sống Giáo Hội là thánh lễ mỗi ngày: nghe Lời và cử hành Thánh Thể.

Trong Thánh lễ,  Lời Chúa  được giảng dạy và Thánh Thể nuôi dưỡng trong đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, cho nên người ta không còn ngạc nhiên về vai trò đặc biệt nổi bật mà việc hóa bánh ra nhiều thể hiện trong đời sống của Đức Giêsu cùng với Giáo Huấn của Ngài.

Người cất bước tìm Nước Thiên Chúa và nghe Lời giảng dạy, được Ngài: “chạnh lòng thương” –  chăm sóc đỡ nâng, chữa lành mọi vết thương, cho đủ thỏa tất cả. Hơn nữa Ngài trao ban Thánh Thể. Thật thế, chúng ta đến với Ngài, Tôi và bạn sẽ cảm nghiệm được tình yêu bao la của Thiên Chúa, một tình yêu khiến chúng ta luôn vững vàng bước đi, đó là tình yêu được Thiên Chúa ban phát.

Tuy nhiên, vấn đề luôn được đặt ra cho nhiều người Công Giáo là chúng ta tham dự Thánh Lễ: Nghe Lời Chúa giáo huấn và rước Thánh Thể thường xuyên mà tại sao không thấy con người mình thay đổi, không cạm thấy tình Chúa ”chạnh lòng thương”. Phần lớn chúng ta tham dự Thánh Lễ vì bị bắt buộc hay vì thói quen mà không thật sự ý thức về sự hiện diện thật của Chúa Giêsu đang dạy trong Lời Chúa, ngài chạnh lòng thương và trao ban trong Bí Tích Thánh Thể. Mỗi chúng ta như hờ hững với Lời và Thánh Thể nên Thánh Lễ và không đem lại sự thay đổi trong cuộc sống chúng ta.

Xin cho chúng con một lòng khao khát tìm đến bên Chúa, lắng nghe Lời giảng, được Ngài chạnh lòng thương và ban phát Thánh Thể hồng ân, như xưa Ngài ra tỏ tình thương qua phép lạ bánh hóa nhiều.

Và từ Lòng thương nơi Đức Giêsu, Đấng là nguồn mạch của Tình Yêu Thương. Chúng ta mở lòng lãnh nhận lòng yêu thương làm nên tính cách tình yêu nơi mỗi người chúng ta:  Con tim biết rung động và chạnh lòng thương.

Vâng,

…Xin cho con có lòng nhân

Giữa bao trắc ẩn, hiến thân cho người

Con nên tấm bánh tình trời

Trao ban lương thực, trao Lời Tình Yêu

( Trích Chạnh lòng thương, Mic. Cao Danh Viện).

Lm. Vinh Sơn, Sài gòn…

 

Đồng minh với Mỹ

Đồng minh với Mỹ

Quốc gia duy nhất có thể giúp đỡ Việt Nam trước sự đe dọa của Trung Quốc không ai khác hơn là Mỹ.

Quốc gia duy nhất có thể giúp đỡ Việt Nam trước sự đe dọa của Trung Quốc không ai khác hơn là Mỹ.

Nguyễn Hưng Quốc

11.08.2014

Các sự kiện dồn dập xảy ra giữa Việt Nam với Mỹ thời gian vừa qua, từ chuyến thăm Mỹ của Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ chính trị đến chuyến thăm Việt Nam của hai thượng nghị sĩ Mỹ, John McCain và Sheldon Whitehouse, cho thấy triển vọng nâng cấp quan hệ giữa hai nước từ hợp tác toàn diện đến đối tác chiến lược có vẻ như gần kề. Ba sự kiện chính có thể sẽ xảy ra như là hệ quả của việc nâng cấp này là: Một, hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ được ký kết sớm; hai, Việt Nam có thể sẽ được phép mua các loại vũ khí sát thương của Mỹ; và ba, quan trọng nhất, Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc giúp đỡ Việt Nam đối phó với những hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nếu tất cả các điều trên được diễn ra một cách suôn sẻ thì quả là một việc đáng mừng cho Việt Nam. Lý do đơn giản là Việt Nam không thể chống cự lại Trung Quốc một cách có hiệu quả nếu không có, một, vũ khí tối tân, và hai, sự giúp đỡ từ Mỹ.

Về vũ khí, lâu nay Việt Nam chủ yếu mua từ Nga, nhưng ở đây lại có vấn đề: Nga không phải chỉ bán vũ khí cho Việt Nam mà còn bán cho cả Trung Quốc nữa. Hậu quả là những gì Việt Nam có, Trung Quốc cũng đều có. Hơn nữa, nhờ giàu hơn, Trung Quốc có thể mua vũ khí từ Nga với số lượng lớn hơn hẳn Việt Nam. Đó là chưa kể, sau mấy chục năm tập trung vào việc phát triển kỹ thuật quân sự, vũ khí do Trung Quốc tự chế tạo cũng có trình độ kỹ thuật rất cao. Đứng về khía cạnh vũ khí, Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua từ Mỹ. Tuy nhiên, việc mua ấy sẽ không thể thành hiện thực được nếu chính phủ Mỹ vẫn bị ràng buộc bởi lệnh hạn chế bán các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam vốn kéo dài từ mấy chục năm nay.

Về đồng minh, lâu nay có vẻ như Việt Nam cố gắng ve vãn nhiều quốc gia nhưng thành thực mà nói, một, không có nước nào sẵn sàng đứng bên cạnh Việt Nam và chia lửa với Việt Nam trong trận đối đầu với Trung Quốc; và, hai, nếu muốn, họ cũng không đủ sức. Ngay trong khối ASEAN, những nước có thể đứng về phía Việt Nam cũng rất ít ỏi. Việt Nam chỉ có thể đi với những quốc gia có quyền lợi xung đột với Trung Quốc như Philippines, Malaysia và Brunei. Nhưng cả bốn nước hợp lại vẫn không phải là đối thủ với Trung Quốc. Đó là chưa kể giữa bốn nước này, mâu thuẫn về chủ quyền trên biển và đảo vẫn khá gay gắt. Ở châu Á, chỉ có hai quốc gia thực sự mạnh về cả kinh tế lẫn quân sự là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng do những ràng buộc về pháp lý, Nhật Bản không thể đưa quân sang giúp Việt Nam trong trường hợp có chiến tranh. Trong khi đó, Hàn Quốc ở cái thế cũng rất bấp bênh: Trung Quốc có thể sử dụng Bắc Hàn để ngăn chận mọi nỗ lực quân sự của Hàn Quốc trong việc chống cự lại Trung Quốc.

Bởi vậy, dù thích hay không thích, Việt Nam cũng nên thừa nhận một điều: quốc gia duy nhất có thể giúp đỡ Việt Nam trước sự đe dọa của Trung Quốc không ai khác hơn là Mỹ. Quan hệ đồng minh với Mỹ là con đường duy nhất để tự vệ của Việt Nam.

Lấn cấn duy nhất của mối quan hệ ấy là quá khứ chiến tranh giữa hai nước. Đối với chính phủ Mỹ, thật ra, đó không phải là vấn đề. Tất cả các chính khách Mỹ đều theo chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) và thực tế (realism). Câu châm ngôn cửa miệng của họ là: không có bạn vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn; chỉ có quyền lợi quốc gia là vĩnh viễn. Do đó, chính phủ Mỹ sẵn sàng bắt tay với Việt Nam, kẻ thù cũ của họ, để bảo vệ Biển Đông. Họ không bảo vệ Việt Nam. Họ chỉ bảo vệ Biển Đông. Và vì Biển Đông, họ sẵn sàng xem Việt Nam là một đồng minh chiến  lược.

Nhưng trên thế giới, quan hệ đồng minh nào cũng dựa trên hai hoặc một trong hai nền tảng: quyền lợi và sự tin cậy.

Giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay có rất nhiều điểm chung về quyền lợi: Cả hai đều cần Biển Đông. Với Việt Nam, đó là vùng biển của Việt Nam, là một trong những nguồn lợi tức lớn của Việt Nam về phương diện kinh tế đồng thời cũng là danh dự và lòng tự hào dân tộc của Việt Nam về phương diện tinh thần. Với Mỹ, đó là con đường hàng hải quan trọng vừa có ý nghĩa về kinh tế vừa có ý nghĩa về quân sự. Mỹ cần bảo vệ Biển Đông, nhưng việc bảo vệ đó trở thành khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả nếu Việt Nam chấp nhận nhượng bộ hoặc đầu hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, một thứ quan hệ dựa trên quyền lợi không thể kéo dài và cũng không đủ mạnh để lôi kéo Mỹ. Nền tảng thứ hai của quan hệ đồng minh bao giờ cũng là sự tin cậy. Sự tin cậy trong chính trị khác với sự tin cậy giữa hai cá nhân vốn chỉ dựa vào tính cách. Trong chính trị, sự tin cậy chỉ được xây dựng trên nền tảng của những bảng giá trị chung cả hai quốc gia đều chia sẻ. Không phải ngẫu nhiên mà các quan hệ đồng minh sâu sắc và bền vững chỉ có thể tìm thấy giữa các quốc gia gần gũi với nhau về văn hóa, như giữa Mỹ và Anh, Úc, Tân Tây Lan, hoặc nhạt hơn một chút, giữa Mỹ và các quốc gia khác ở Âu châu. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ lâu nay, Mỹ luôn luôn đưa vấn đề nhân quyền ra như một điều kiện. Không phải Mỹ muốn cứu một số cá nhân đang bị giam giữ trong nhà tù. Với chính phủ Mỹ, những cá nhân ấy hoàn toàn vô nghĩa. Điều quan trọng nhất là Mỹ muốn thấy ở Việt Nam những sự chia sẻ chung về các bảng giá trị văn hóa: tôn trọng quyền con người. Hơn nữa, chính phủ Mỹ cũng muốn dân chúng Mỹ nhận thấy điều đó.

Có thể nói trở ngại chính trong việc nâng cấp quan hệ đồng minh giữa Việt Nam và Mỹ không phải ở Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác mà chính là dân chúng Mỹ. Không nên quên vết thương của nhiều người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam với 58.000 người chết vẫn chưa lành hẳn. Cái gọi là hội chứng Việt Nam trong một số thành phần dân chúng Mỹ vẫn còn sâu đậm. Những người ấy không dễ dàng để mặc cho chính phủ Mỹ muốn làm gì thì làm. Họ có những yêu sách của họ. Một trong những yêu sách ấy là: Việt Nam xứng đáng để làm bạn và để được bảo vệ. Việc tôn trọng nhân quyền là một thước đo chính. Không có một chính trị gia nào ở Mỹ dám bất chấp yêu sách chính đáng ấy của dân chúng Mỹ.

Chắc chắn Việt Nam sẽ đáp ứng một số yêu sách về nhân quyền của chính phủ và dân chúng Mỹ bằng cách thả một số tù nhân chính trị hiện đang bị họ giam giữ. Tuy nhiên, vấn đề là họ có thực tâm hay không. Cho đến nay, về vấn đề này, Việt Nam vẫn chơi một trò rất lưu manh: Trước sức ép của Mỹ, họ thả một số người nhưng lại bắt một số người khác. Đó là điều họ từng làm. Tôi chỉ hy vọng, hiện nay, trước những thử thách sinh tử của đất nước, họ sẽ không chơi cái trò lưu manh vặt ấy nữa. Nếu không, cơ hội để cứu Việt Nam ra khỏi ách Bắc thuộc rất dễ biến thành mây khói.

 

ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Tác giả: JM. Lam Thy ĐVD.

Niềm tin Đức Mẹ Maria được Thiên Chúa cho hồn xác lên trời đã có ngay từ thời Giáo Hội sơ khai. Có lẽ đó cũng là lý do sau khi Đức Giê-su Phục Sinh, Kinh Thánh Tân Ước không đề cập đến việc Đức Ki-tô đi gặp Mẹ Người, vì các tín hữu thời ấy đã tin là Mẹ Maria luôn luôn kết hợp với Con Mẹ, không có một giây phút nào Mẹ-Con xa nhau, ngay cả khi Con Người tử nạn trên thập giá (Ga 19, 25-27) thì Mẹ cũng đồng hành. Vậy thì không lý gì khi Mẹ từ giã cõi trần lại không được Người Con Chí Thánh Chí Nhân rước lên trời tiếp tục đồng hành để hướng dẫn Nhiệm Thể Đức Ki-tô (Giáo Hội) còn trên hành trình dương thế. Tuy nhiên, vẫn có không ít những phe phái đối nghịch (như Thệ Phản, Ly Giáo hay các bè rối) phủ nhận vấn đề Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Họ cho rằng đã có chuyện giấu xác Đức Mẹ (kiểu như cách nghĩ của Maria Mac-đa-la khi đi thăm mộ Chúa mà không thấy xác Đức Giê-su – Ga 20, 2), rồi phao lên Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác. Loài người tự cổ chí kim chẳng có ai được như vậy, vì thân xác chỉ là “cái vỏ bằng đất làm linh hồn ra nặng” (Kn 9, 15), và “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3, 19) mà thôi.

Đáng tiếc một điều là Giáo Hội cũng chưa hoàn toàn thống nhất trong niềm tin Đức Mẹ hồn xác lên trời, vẫn còn không ít người “bán tín bán nghi”. Phải chờ đến thế kỷ XX, Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời mới được Đức Giáo hoàng Pi-ô XII long trọng công bố trong Tông hiến “Munificentissimus Deus” (ban hành vào ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 01/11/1950): “Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng là Đấng đã ban muôn vàn ơn lành đặc biệt của Ngài trên Trinh Nữ Maria, để tôn kính Con Ngài là Vua muôn đời, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, để Người Mẹ cao cả của Người được hiển vinh hơn, và để toàn thể Giáo Hội hân hoan phấn khởi; bằng quyền bính của Chúa Giê-su Ki-tô, của các thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi công bố, tuyên xưng và xác nhận như là một tín điều được Thiên Chúa mạc khải: Người Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Thiên Chúa, Đức Maria Trinh Nguyên, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế của mình, đã được mang lên hưởng vinh quang trên trời cả thân xác lẫn linh hồn”.

Sau đó là Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II, với Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium”, tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời lại được nhắc lại: “Ngày nay, trên trời Mẹ Đức Giê-su đã được vinh hiển cả hồn và xác, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh phải hoàn thành đời sau; đồng thời, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (2Pr 3,10). Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” (Hc “Lumen Gentium”, số 68). Chính những sự kiện nêu trên khiến người tín hữu phải đi tìm những lý lẽ chứng minh. Có năm chứng lý rất xác thực và đầy thuyết phục minh họa mầu nhiệm Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời:

1. Vì Đức Maria là Mẹ Đức Giê-su Thiên Chúa: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa đã được tiền định ngay từ khi Nguyên tổ phạm tội (St 3, 1-24) và sau đó Cựu Ước đã tiên báo: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” (Is 7, 14). Trải dài theo lịch sử Giáo Hội, tuy có những ngụy thuyết chống đối lại, nhưng Giáo Hội vẫn luôn xưng tụng Ân Sủng cao vời Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ chính Con Một của Người. Và năm 431, Công Đồng Chung Ê-phê-sô đã tuyên tín: “Tuyệt thông cho những ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên Chúa, và bởi thế, Đức Trinh Nữ là Mẹ của Thiên Chúa (theotokos) (vì Mẹ đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể theo xác thịt)”. (“Densiger-Schonmetzer”, số 252). Mẹ Thiên Chúa sau khi từ trần được diễm phúc cả Hồn Xác lên Trời đoàn tụ cùng Con Thiên Chúa là điều tất nhiên.

2. Vì Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh: Năm 649, Công Đồng La-tê-ra-nô đã tuyên tín: “Khốn cho những ai không theo các vị Nghị Phụ thánh đức tuyên xưng một cách chân thực và xác đáng rằng Đức Maria, trinh nguyên và vô nhiễm, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã thực sự thụ thai chính Thiên Chúa Ngôi Lời, Đấng được Thiên Chúa Ngôi Cha hạ sinh trước các kỳ thời, bởi Chúa Thánh Thần mà không cần đến hạt giống loài người, và đã sinh ra Người hoàn toàn không bị hư hại gì, tình trạng đồng trinh của Mẹ sau khi sinh con cũng không hề bị sứt mẻ”. (“Densiger-Schonmetzer”, số 503). Mầu nhiệm Đức Maria thụ thai, sinh con mà vẫn trinh nguyên, được Thiên Chúa thực hiện thông qua Thánh Thần Ngôi Ba, biểu hiện cụ thể ý nghĩa thân xác Mẹ được Thiên Chúa bảo dưỡng tối đa; thì sau khi Mẹ qua đời, đương nhiên Người phải bảo tồn nguyên vẹn thân xác Đức Mẹ rồi đưa về Trời.

3. Vì Đức Maria luôn hợp tác mật thiết với Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa: Ngay từ thế kỷ II, các Giáo Phụ đã trình bày Đức Maria như là một E-và Mới hợp tác chặt chẽ với A-đam Mới – A-đam sau cùng – là Chúa Ki-tô để chiến thắng tội lỗi và sự chết. Vì thế, cũng như Chúa Ki-tô chịu khổ hình, chịu chết vì tội lỗi nhân loại, chiến thắng sự chết và sống lại vinh hiển, thì Đức Mẹ Maria đã đồng công với Con chiến đấu cũng phải được cùng Con chiến thắng, nghĩa là Thân Xác Đồng Trinh của Đức Mẹ cũng phải được Lên Trời vinh hiển như Con Người. Thánh Kinh diễn tả rõ ràng Đức Maria hiệp thông mật thiết với Đức Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ trong nhiệm cuộc cứu chuộc (bảy sự đau đớn của Mẹ gắn liền với cuộc Thương Khó của Con). Dù xét theo nhân sinh quan hay thiên lý tính, thì việc Mẹ và Con hòa hợp sum vầy với nhau là lẽ đương nhiên, vì cả hai đã thương mến nhau tha thiết, cho nên chắc chắn Chúa Ki-tô vì lòng hiếu thảo, đã ban cho Mẹ mình được hồn xác về Trời sau khi ly trần, là điều hợp tình hợp lý.

4. Vì Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội: Trong sắc lệnh “Ineffabilis Deus” (ban hành ngày 8/12/1854), Đức Thánh Cha Pi-ô IX long trọng công bố: “Để vinh danh Ba Ngôi thánh thiện duy nhất, để tôn kính và hiển danh Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, để phấn khởi đức tin Công Giáo và phát triển Ki-tô Giáo; bằng quyền bính của Chúa Giê-su Ki-tô, của các thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi tuyên xưng, công bố và xác nhận rằng: tín lý cho rằng rất Thánh Nữ Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu thai của mình, nhờ ơn sủng cùng với đặc ân chuyên nhất của Thiên Chúa toàn năng, và dựa vào công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội, là điều được Thiên Chúa mạc khải, vì thế, tất cả mọi tín hữu đều phải mạnh mẽ và liên lỉ tin tưởng”. (“Densiger-Schonmetzer”, số 280). Trong Tông hiến “Munificentissimus Deus”, Đức Thánh Cha Pi-ô XII cũng khẳng định: “Thân xác con người bị chết và bị tan rã ra tro đất là do hậu quả tội Nguyên Tổ. Mà Đức Mẹ Maria không hề mắc tội Nguyên Tổ, cũng không hề có tội riêng. Cho nên đương nhiên và rất hợp lý là Đức Mẹ Maria được Hồn Xác Về Trời.”

5. Chung quy thì vì Đức Maria là “Đức Bà Đầy Ơn Phúc”: Các thánh tiến sĩ đã coi việc Đức Mẹ Hồn Xác về Trời như là bổ túc cho việc Đức Mẹ được Đầy Ơn Phúc khi còn tại thế. Lời thiên sứ Gap-ri-en chúc mừng Đức Mẹ còn rành rành: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28). Từ lời thiên sứ, Giáo Hội đã tìm đến danh thánh Đức Mẹ: Ngoài những ý nghĩa Maria là “Người Soi Sáng”, “Sao Biển”, “Biển Cay Đắng”; thì Maria còn có nghĩa là “Lệnh Bà” (là Đức Bà của nhân loại). Vấn đề lên trời cả hồn lẫn xác đã được Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại (tất nhiên chỉ những người công chính mới được hưởng) vào ngày cánh chung. Đức Mẹ là “Lệnh Bà của nhân loại”, được Thiên Chúa ở cùng, ở trong thân xác, vậy thì Thân Xác Mẹ được rước lên Trời hiệp cùng Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ (chỉ khác về thời gian so với các tín hữu lành thánh), là chuyện đương nhiên.

Ngoài ra, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có đề cập đến đặc sủng Hồn Xác Về Trời của Đức Maria như sau: “Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, được Thiên Chúa gìn giữ khỏi nhiễm lây mọi tỳ vết Nguyên Tội, đã được đưa lên vinh quang Thiên quốc cả hồn lẫn xác, sau khi đã hoàn tất cuộc đời dương thế, và được Thiên Chúa tôn làm Nữ Vương Vũ Trụ, và như vậy Mẹ đã hoàn toàn phù hợp với Con Mình là Chúa của các chúa, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” (Hc “Lumen Gentium”, số 59). Việc Mẹ Maria được đưa lên Trời là dự phần đặc biệt vào sự Phục sinh của Con Mẹ và hưởng trước sự phục  sinh của các tín hữu.” (Giáo Lý HTCG, số 966), “Chúng ta tin rằng Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa, E-và Mới, Mẹ của Giáo Hội, ở trên trời vẫn tiếp tục vai trò làm Mẹ đối với các Chi Thể Chúa Ki-tô” (ĐGH Phao-lô VI, CPG 15) (Giáo Lý HTCG, số 975).

Tóm lại, với con người bất toàn thì không chỉ mầu nhiệm Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, mà mầu nhiệm Đức Mẹ Trinh Nguyên, Vô Nhiễm Nguyên Tội, kể cả mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể trong cung lòng Mẹ, đều không thể xảy ra được; nhưng “đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được.” (Lc 1, 37). Vâng, “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” (Mt 19, 26). Vấn đề đặt ra là anh có tin là thật sự có một Đấng Toàn Năng Hằng Hữu đã sáng tạo vũ trụ và con người, hay không. Nếu anh tin rằng con người được Thiên Chúa dựng nên từ bụi đất, thì tất cả mọi sự Thiên Chúa ban cho con người – ở đây là Lệnh Bà Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại – đều là chuyện nhỏ, quá nhỏ đối với Người.

Chính vì thế, trong ngày đại lễ mừng kính “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”, người Ki-tô hữu đã vinh dự được Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ nhận làm bạn hữu (“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” – Ga 15, 15); vậy thì còn đợi gì mà không tuyên tín: “Lạy Chúa! Con tin.” và dâng lời khẩn nguyện: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đưa lên trời cả hồn lẫn xác Ðức Ma-ri-a là trinh nữ vô nhiễm và là thánh mẫu của Con Chúa. Xin cho chúng con hằng biết hướng lòng về phúc lộc quê trời để mai sau được cùng thánh mẫu chung hưởng vinh quang. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”). Đồng thời cất cao lời ngợi khen:

MẸ LÊN TRỜI

E-va xưa đã nghe lời rắn độc,

Khiến loài người phải mang tội tông truyền,

Thiên Chúa ban một Người Nữ vẹn tuyền,

Eva Mới sẽ đạp đầu quỷ dữ (St 3, 15).

Chính là Mẹ hạ sinh một Trưởng Tử (Rm 8, 29),

Là Con Một Thiên Chúa xuống gian trần,

Đấng Thiên Sai – Đấng Cứu Độ phàm nhân,

Khỏi tội lỗi từ muôn đời muôn thủa.

Mẹ hiệp công cùng Ngôi Hai Thiên Chúa,

Đức Giê-su – Đấng cứu chuộc loài người,

Mẹ được ân ban hồn xác lên trời,

Ôi nhiệm tích đầy linh thiêng xán lạn!

Mẹ lên trời giữa một ngày rực sáng,

Áo mặt trời chói lọi ánh quang vinh,

Và mặt trăng dưới chân Mẹ uy linh,

Muôn thần thánh đón chào nơi Thiên quốc.

Mẹ lên trời hưởng muôn vàn ơn phước,

Hào quang ân sủng toả khắp nơi nơi,

Ôi triều thiên muôn tinh tú rạng ngời,

Và muôn điệu nhạc thần tiên diệu vợi.

Mẹ ơi Mẹ, xin cứu con về với,

Chốn Thiên đường nơi Mẹ được tôn vinh,

Nơi muôn đời chan chứa ánh bình minh,

Không hoàng hôn, cũng chẳng còn đêm tối.

Mẹ ơi Mẹ, xin cứu con thoát khỏi,

Cõi u minh – nơi vực tối thảm sầu,

Cõi lầm than – nơi tội lỗi ngập đầu,

Nơi xâu xé, tranh giành và chém giết.

Mẹ ơi Mẹ! Cõi trần đầy rên siết,

Và nghiến răng, và uất nghẹn tủi hờn,

Và máu đào, và nước mắt trào tuôn,

Như hồng thuỷ muốn nhận chìm trái đất.

Ôi, lạy Mẹ ! Nơi cõi trần chất ngất…

… những tang thương – Con quỳ gối nguyện cầu:

Thế giới này xin được Mẹ cầu bầu,

Cùng Thiên Chúa ban bình an mãi mãi.

Ôi, lạy Mẹ ! Con nghe lòng tê tái,

Nước mắt trào, con khẩn thiết nài van,

Cho chúng con – đoàn con cái tân toan,

Được mau chóng sum vầy bên gối Mẹ.

JM. Lam Thy ĐVD.

Maria Mẹ đầy ơn phúc

Maria Mẹ đầy ơn phúc

Suy niệm Lễ Vọng Đức Maria Hồn Xác về Trời

(Lc 11, 27-28)

Tác giả: Lm Nguyễn Văn Độ

Kính mừng Maria đầy ơn phúc” (Lc 1, 28 ). Đó là lời đầu tiên của Sứ Thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ. Hôm nay từ miệng của một người nữ thích giả đang nghe Chúa Giêsu  giảng cũng cất cao giọng nói : “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” ( Lc 11, 27 ).

Vâng Đức Maria là đấng đầy ơn phúc, Mẹ là người diễm phúc. Bài Tin Mừng theo thánh Luca Thánh lễ vọng chiều nay được Giáo hội dùng, dìu chúng ta về với tước hiệu Đức Maria đầy ơn phúc. Người việt ta vẫn thường nói : “Phúc đức tại mẫu“, nghĩa là theo quang niêm truyền thống, con cái được thừa hưởng điều tốt lành, may mắn từ người mẹ, do cách ăn ở cư xử, sự gương mẫu, cách giáo dục của người mẹ mà ra. Người mẹ chính là thầy dạy đầu tiên của việc hình thành nhân bản nơi đứa con. Chẳng thế, George Herbert đã viết một câu rằng: “Một bà mẹ tốt thì giá trị hơn cả trăm ông thầy!

Người Do thái cũng vậy, khi Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ vì ngưỡng mộ con người cũng như cách giảng dạy của Chúa Giêsu, bà cho rằng, Thầy tài giỏi như thế này, hẳn là Mẹ Thầy phải là người có phúc lắm, nên bà đã không ngần ngại vượt qua rào cản của chính mình là phục nữ, bà đã cất tiếng nói với Đức Giêsu về Mẹ của Ngài : “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27).

“Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy” ( Lc 11, 27 )

Đức Maria là người diễm phúc, trước hết vì đã được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. “Phúc thay kẻ được Người chọn lấy và cho lại gần, nơi tiền đình của Người, nó sẽ lưu lại! ” (Ps 65,5). Câu này ám chỉ, dân có phúc là dân được Thiên Chúa trị vì, nhất là được Thiên Chúa thiết lập ngai báu vương quốc của Ngài ngay giữa họ; người có phúc là người được Thiên Chúa đến ở cùng, và dĩ nhiên chúng ta nghĩ ngay đến Đức Maria, người diễm phúc như lời Thiên Thần Grabirel chào và nói : “Thiên Chúa ở cùng bà ” (Lc 1, 28 ), lời bà Êlisabeth xác nhận cái phúc của Mẹ : “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc” (Lc 1, 42 ). Phúc của Mẹ trổi vượt trên mọi thần thánh trên trời, Mẹ có phúc vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Hồng Phúc đã chọn Mẹ, cư ngụ trong dạ Mẹ chín tháng mười ngày, đến khi chào đời, Mẹ đã ôm ấp bú mớm nâng niu… những điều đó đã làm cho vai trò làm mẹ của Đức Maria trở thành mật thiết, gắn liền với cuộc sống của Chúa Giêsu hơn ; không những thế, Chúa Giêsu  còn ở với Mẹ trong suốt nhiều năm và đã vâng phục Mẹ. Giờ đây, Mẹ thật diễm phúc và Mẹ luôn hạnh phúc, Chúa Giêsu Con Mẹ đã phủ đầy vinh quang của Ngôi Lời nhập thể trên Mẹ bên trong cũng như bên ngoài, hạnh phúc của Mẹ vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.

Phúc cho vú đã cho Thầy bú( Lc 11, 27 )

Mẹ là người trinh nữ duy nhất đã được vinh dự cưu mang và sinh hạ và dưỡng nuôi Con Một Thiên Chúa Chúa cho trần thế. Người đàn bà khi nghe Chúa Giêsu giảng đã không ngần ngại nói đến những nét đặc trưng và kín đáo của một người mẹ, những gì nơi thân xác mẹ cần cho sự sống của con. Ngoài lòng dạ của thân mẫu Thầy đã cưu mang Thầy, mà còn “vú đã cho Thầy bú mớm” ba năm. Như thế, thân xác và tâm hồn mẹ là cái nôi ru cho con lớn lên. Mẹ vừa cưu mang, vừa lo sinh, lo dưỡng.

Nếu “yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời” như kiểu nói của văn hào shakespears, thì Đức Maria là người diễm phúc, vì Mẹ được Chúa yêu thương, chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu của mình cho Thiên Chúa. Ngay trong mầu nhiệm lên Trời, Mẹ Maria đã được diễm phúc hưởng nếm ơn phục sinh “hồn xác lên trời” trước bất cứ ai, vì Mẹ chẳng vướng mắc tội truyền. Mẹ hạnh phúc tự nhiên vì cưu mang Con Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng chính Mẹ biết rõ hơn ai: Mẹ hạnh phúc siêu nhiên vì được Tình Yêu Thiên Chúa cưu mang từ thủa đời đời. Mẹ hạnh phúc là như thế đó, và trong hạnh phúc của Mẹ chúng ta tìm thấy hạnh phúc của mỗi người chúng ta.

Mẹ sẵn sàng cưu mang hạnh phúc của mỗi chúng ta

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa mà Mẹ Maria đã cưu mang và cho bú mớm là Đấng Cứu Độ thế gian, mặc lấy xác phàm nhân loại và thánh hiến với tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Trái đất là bệ dưới chân của Đấng là Hồng Phúc. Nên trong hạnh phúc của Mẹ có hạnh phúc của mỗi người chúng ta. Như Mẹ hiền, khi bồng ẵm Chúa Giêsu Con Mẹ, với vòng tay rộng mở của tình mẫu tử, Mẹ ôm cả nhân loại trong tình yêu của Người Con ấy, “vì nhân loại là chi thể của Thân mình Ngài” (Ep 5,30), và Mẹ không xấu hổ vì được gọi là Mẹ của tất cả những ai được sinh ra trong Chúa Kitô nhờ ơn cứu chuộc của Người. Mẹ được gọi là Evà mới “Mẹ của tất cả chúng sinh” (St 3,20), nhưng trong thực thế, Mẹ là Mẹ của những kẻ chết… Vì Evà cũ đã không thực hành ý định của Chúa cách trung thành, Mẹ là người đã hoàn thành mỹ mãn mầu nhiệm ấy. Cũng như Giáo hội là mẹ của tất cả những ai tái sinh trong đời sống Giáo hội. Giáo hội là mẹ của những người sống làm cho mọi người được sống (Ga 11,25; 5,25s). Khi trao ban sự sống cho trần gian dưới nhiều hình thức, Giáo hội đã trao bao sự sống cho tất cả những ai tìm thấy sự sống của mình trong Đấng Hằng Sống.

Chính vì thế, người mẹ diễm phúc của Chúa Kitô là mẹ chúng ta nhờ mầu nhiệm thân thể này, Mẹ cũng tỏ cho chúng ta biết Mẹ rất ân cần và trìu mến… Và giờ đây chúng ta  “ở trong sự che chở ” của Mẹ “Đấng Tối Cao“, chúng ta “ngụ cung cấm của Ðấng Tối Cao, và trọ dưới bóng của Ðấng Toàn năng; Tôi đã đặt Chúa luôn luôn trước mắt, vì có Người bên hữu, tôi sẽ không lay! ” (Ps 90,1; 16,8). Hơn nữa, vì Vua vinh quang đã ngự nơi Mẹ, với tình mẫu tử hải hà, Mẹ sẽ chia sẻ vinh quang ấy cho chúng ta.

Mẹ hạnh phúc, Mẹ cũng muốn con cái mình hạnh phúc, nên Mẹ dạy : “Người bảo gì các con cứ làm theo” (Ga 2, 5 ). Chúa Giêsu bảo: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” ( Lc 11, 28 ). Xin Mẹ giúp chúng con vâng nghe và giữ lời Thiên Chúa, để trở nên những người con diễm phúc của Mẹ.  Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa ở đâu?

Chúa ở đâu?

Tác giả: Joseph Viet, O.Carm

Vào một Chúa Nhật nọ, người ta thấy một người lạ mặt ngồi lại sau Thánh Lễ lâu giờ. Họ không nhớ đã gặp người này trước đây. Anh ta ngồi đó, nhìn chằm chằm vào một khung cửa kiếng màu. Một lúc sau, ông quản phụ trách việc đèn đóm cửa giả nhà thờ đến xin lỗi anh ta để đóng cửa vì đã hết giờ. Lúc rời nhà thờ, người lạ mặt hỏi:

“Chúa ở đâu?”

Ông quản bất ngờ trước câu hỏi này.

“Ý anh là sao?”

“Ý tôi là: Chúa ở đâu?” Người lạ mặt lặp lại câu hỏi.

“Chúa ở khắp mọi nơi. Cách riêng, anh đang đứng trong nhà thờ nơi có Nhà Tạm. Và chúng ta tin rằng Chúa hiện diện nơi đây.” Ông quản trả lời thế nhưng người lạ mặt không có ý hỏi về sự hiện diện của Chúa trong Nhà Tạm. Anh ta đang vật lộn với những vấn đề khác.

“Nhưng tại sao anh lại hỏi như thế?” ông quản hỏi anh.

Tên của người lạ mặt là Yumi. Sau khi xong trung học, mười lăm năm về trước, anh không đi Lễ thường xuyên nữa. Thời gian trôi qua, kiến thức đức tin của anh cũng mai một dần, không được cập nhật. Khi cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra tại New York, anh tức giận với Chúa và chấm dứt việc đến nhà thờ hòan tòan. Anh đổ lỗi cho Chúa về cái chết của em họ mình khi Tòa Tháp Đôi sập xuống. Sự tức giận của anh lớn dần lên trong lòng, không chỉ đối với Chúa mà còn đối với con người nữa.

Nghe ông quản hỏi tại sao anh lại hỏi câu hỏi ấy, anh trả lời: “Hãy nói cho tôi biết tại sao tội ác xảy ra trên thế giới này. Tại sao ngay cả những người tin vào Chúa cũng làm những sự ác với tha nhân?”

“Đúng vậy, anh bạn à. Một số tín hữu đã làm hại người khác,” ông quản đáp.

“Nhưng tại sao họ tin Chúa mà vẫn làm như thế?” Yumi tiếp tục đặt vấn đề.

Lúc ấy vợ của ông quản xuất hiện ở cửa. Bà ấy đã đứng ở ngòai nãy giờ để chờ chồng cùng về nhà. Ông quản nói với Yumi:

“Tôi xin lỗi phải đi bây giờ. Có lẽ chúng ta sẽ gặp lại và chia sẻ nhiều hơn.”

“Tôi cũng hi vọng là vậy, nhưng không sao. Chúc anh chị buổi tối tốt lành.”

“Cảm ơn anh. Chúc anh cũng thế nhé. À, đây là tờ hiệp thông trong giáo xứ. Anh có thể đem về dùng.”

“Xin cảm ơn!”

+++

Buổi tối hôm ấy, Yumi nghe thêm tin tức về chiến cuộc ở Trung Đông. Thêm nhiều người chết và bị thương. Anh lắc đầu buồn bã và tức giận, nhưng trên hết anh cảm thấy khó hiểu và bất lực. “Đủ rồi,” anh hét lên khi xem tin tức, “tại sao các người đối xử với nhau tệ hại như thế?”

Anh tắt ti-vi đi như thể không chịu nổi nữa. Lúc ấy anh chợt thấy tờ hiệp thông của giáo xứ trên bàn. Vì lý do nào đó, anh cầm lên và đọc lướt qua trang đầu tiên. Mắt anh bắt gặp một câu hỏi in đậm: “Tại sao Chúa không ở trong cơn gió bão hay trận động đất hay lửa mà lại ở trong cơn gió nhẹ hiu hiu?” Phía dưới câu hỏi là một bài đọc trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất, chương 19, kể về chuyện ngôn sứ Ê-li-a đang chạy trốn khỏi cuộc lùng giết của hòang hậu I-de-ven. Ông tìm thấy một cái hang và núp ở đó. Một thiên sứ đến bảo ông hãy ra ngòai đứng trên núi trước nhan Đức Chúa vì Người sắp đi qua đây. Ê-li-a nghe tiếng gió bão ầm ầm xẻ núi non, đập vỡ đá, rồi đến một trận động đất, rồi đến lửa, nhưng Chúa không ở trong chúng. Cuối cùng xuất hiện một làn gió nhẹ hiu hiu. Thiên Chúa hiện diện trong đó. Chi tiết này làm cho Yumi dừng lại suy nghĩ. Anh nhớ đã nghe bài đọc này nhiều lần trước đây khi anh trẻ hơn, nhưng anh chưa bao giờ để ý đến chi tiết này. Dường như anh mới khám phá ra điều gì mới lạ.

Điện thọai di động trong túi áo khóac của anh đổ chuông. Một số điện thọai lạ đang gọi anh. Nhưng anh quyết định trả lời. Giọng nói từ đầu dây bên kia có vẻ rất tức giận:

“Nghe đây, từ giờ trở đi, đừng để tao thấy mặt mày nữa, hoặc là tao sẽ đập cho một trận. Tao thề với Chúa đấy. Hiểu chưa?”

Yumi cảm thấy sốc bởi giọng nói lạ kia. Anh trả lời: “Xin lỗi, ông là ai? Tôi nghĩ ông đang nói chuyện lầm người.”

Giọng nói bên kia ngừng lại. Yumi nghe ông ta “ồ” một tiếng rồi cúp máy mà không xin lỗi gì.

Lúc này Yumi chợt hiểu bài Kinh Thánh trong tờ hiệp thông của giáo xứ anh mới đọc. Câu trả lời cho câu hỏi in chữ đậm rất đơn giản: Chúa không ở trong gió bão hay động đất hay lửa vì Người không phải là một vị Chúa bạo lực. Chúa có thể làm tất cả mọi sự vì Người là Đấng Tòan Năng, nhưng Người luôn luôn chọn con đường dịu hiền và an lành bởi vì Người là Thiên Chúa của Tình Yêu (1Gioan 4:8). Cú điện thọai từ một người lầm số có thái độ hung hãn, thậm chí còn dùng cả danh Chúa cho hành động bạo lực của mình, đã giúp Yumi hiểu rõ hơn về các hành xử bạo lực của con người. Nguồn gốc của lọai hành xử này nằm ở sự hiểu sai hiểu lầm về Thiên Chúa. Khi người ta không hiểu rõ sự thật rằng Chúa tuyệt đối chống lại bạo lực, họ sẽ không từ khước sự dữ của bạo lực. Trường hợp tồi tệ nhất là tin rằng Chúa đồng ý với bạo lực vì trong trường hợp ấy người ta sẽ dùng danh Chúa mà gây hại cho tha nhân. Điều xấu nhất là cho rằng Chúa sẽ thưởng công cho các hành động bạo lực.

Với khám phá này, Yumi bật Ti-vi lên lại để xem tin tức thế giới. Thêm một cảnh tượng các ngôi nhà đang bị cháy rụi đi do mấy kẻ cuồng tín gây ra. Những gì đang xảy ra cho thấy rõ sự thật rằng họ đã hiểu sai về Chúa.

Lúc này là 11 giờ 15 phút đêm. Điện thọai di động của anh lại đổ chuông. Một số lạ nữa! Anh lưỡng lự không muốn trả lời. Một vài phút sau, số đó lại gọi anh. Dù ái ngại nhưng anh quyết định bắt máy.

“Chào Yumi, Minsa đây. Còn thức không?”

“Còn. Số mới của cậu à? Có chuyện gì không?”

“Ừa, tớ đổi số. Tớ mới nghe biết thằng bạn Stipud dạo này rất hay uống rượu say.”

“Sao vậy?” Yumi hỏi.

“Nó nói nó muốn tự trừng phạt mình vì đã xúc phạm đến bạn gái trước mặt một đám đông.” Minsa đáp.

Yumi nhận ra ngay rằng khi người ta không thấy Chúa luôn là Đấng bất bạo lực thì họ sẽ cho phép mình trở nên bạo lực, không chỉ đối với tha nhân mà còn đối với chính bản thân họ nữa. Bất cứ một dạng bạo lực nào cũng đều trái ngược với ý của Thiên Chúa thật. Đàng sau bạo lực là Satan. Nó tìm mọi cách để xui khiến con người dính dáng đến bạo lực, từ tư tưởng cho đến hành động, từ già đến trẻ, từ khỏe đến ốm. Nó tận dụng mọi hòan cảnh để cám dỗ người ta bạo lực với chính mình và với tha nhân.

“Minsa, cậu thấy đấy, trong trường hợp này Stipud đang sống bạo lực đến hai lần, trước hết là với bạn gái và bây giờ với chính bản thân nó. Đơn giản nó chỉ cần chân thành xin lỗi làm hòa với cô ấy và tiếp tục tiến lên trong cuộc sống. Tớ sẽ gọi điện cho nó ngày mai xem có giúp gì được không. Cảm ơn cậu cho tớ biết nhé Minsa!”

“Cảm ơn Yumi!”

Ngày nay, Yumi không còn tức giận Chúa nữa. Ngược lại, anh yêu Người hơn. Thỉnh thỏang anh thầm thì: “Tội nghiệp Chúa quá đi!” Anh đã khám phá ra một phương pháp cho mình và muốn chia sẻ nó với những ai có cùng nỗi trăn trở giống anh trước đây. Phương pháp đó là: thay vì hỏi “Chúa ở đâu?” thì nên trả lời cho đúng một câu hỏi sâu xa hơn “Chúa là ai?” Yumi dán lên tường tờ hiệp thông anh nhận từ người ông quản trong nhà thờ hôm bữa, rồi vẽ một mũi tên màu xanh chỉ hướng lên phía trên. Anh làm thế là vì: Ê-li-a nhận ra Thiên Chúa thật trong sự dịu hiền của Người. Nhưng sự thể hiện tốt nhất về Thiên Chúa được thể hiện nơi Thầy Giêsu chịu đóng đinh trên cây thập giá phía trên tờ hiệp thông. Là hình ảnh trung thực nhất của Thiên Chúa, Thầy Giêsu đã chống lại cám dỗ hành xử bạo lực dưới mọi hình thức và bằng mọi giá. Ai là môn đệ Thầy thì cũng phải chống lại cám dỗ này bằng mọi giá và dưới mọi hình thức.

Joseph Viet, O.Carm.

[080A+V814]

English: http://only3minutes.wordpress.com/english/where-is-god/

Trời nào đã tạnh cơn mưa,

“Trời nào đã tạnh cơn mưa,”

“Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn.”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mt 15: 21-28

Mai Tá lược dịch

Cơn mưa cuộc đời khi xưa nay tạnh rơi. Giông tố lòng Đạo, lúc này vẫn ngổn ngang, chưa muốn tàn. Thật khó tàn, khi lòng nguời còn chứa chất nhiều tình-tiết rất Sa-tăng, như trình-thuật còn diễn-tả.

Trình thuật hôm nay diễn và tả về đời đi Đạo, là sống với thực tế cả một đời, trong đó có các sinh hoạt cả Đạo lẫn đời. Trong sinh hoạt Đạo, người tín hữu gặp đủ mọi loại người, từ thần thánh đến quỷ ma. Nơi đây, người đi Đạo vẫn cứ suy tư những chuyện trên trời lẫn trần gian, địa ngục. Ở đây, người người vẫn quan tâm đến đủ mọi thứ truyện kể. Những truyện kể như bên dưới:

Vào buổi sáng đẹp trời ngày của Chúa, nhiều người trong huyện đã thức giấc chuẩn bị để đến nơi nguyện cầu. Trước giờ lễ, người đi cầu nguyện có thói quen xì xào nhỏ to phía bàn quỳ. Họ kể cho nhau nghe những chuyện gia đình, và cuộc sống. Nói với nhau, về những chuyện có liên quan đức tin, kinh kệ, không thiếu xót.

Bất chợt, Sa-tăng xuất hiện như người thật bằng xương bằng thịt. Có người rú lên, sợ hãi; bỏ Chúa, bỏ Mẹ, chạy ra cửa tìm đường thoát thân. Chẳng mấy chốc, ngôi thánh đường trở nên êm ắng, lạnh tanh. Duy có lão bà vẫn lặng yên, bình thản ngồi nơi bàn quỳ. Chẳng bày tỏ nỗi lo lắng, xúc động. Khiến Sa-tăng tức giận, ngấc đầu ngạo mạn, hỏi:

-Này, lão bà, mụ có biết ta là ai không?

-Đương nhiên là biết.

-Thế, mụ không sợ ta sao?

-Lão muội đây chẳng bao giờ sợ quỷ ma!

-Sao mụ lại dám coi thường ta, đến như thế?

-Muội đây, 48 năm trời từng sống với người anh của ngươi, nay còn biết sợ chi ai!…

Đến hôm nay, ở nhiều nơi có văn hóa khác biệt, vẫn còn thấy tổ chức lễ hội đình đám, lớn nhỏ. Ở đó, người văn minh thời đại vẫn đưa đẩy, kéo lôi mọi người về với quyền lực của tà thần, tăm tối. Điều này dễ nhận hơn, vẫn có vào thời của Đức Chúa. Những nào: bệnh trầm trọng, thân hình quái dị, thần trí bại xuội, lại đến: dịch tễ nhiễu nhương, thiên tai hãm hại. Lại cả những trận-địa nhục-nhã thất-bại, với đấu tranh.

Cứ thế, người người quy lỗi cho đó là hình phạt từ Đức Chúa. Hoặc, do ma quỷ nhúng tay vào. Dù, không coi đó là chuyện “khó tin nhưng có thật”, tai mắt ta vẫn cứ văng vẳng đâu đó, quả quyết của người đời, thời vi tính: quỷ thần có thật.

Truyện kể hôm nay, về người nữ miền Tyrô – Siđôn là ảnh hình minh chứng niềm tin nơi con người. Người đàn bà quê mùa ấy cho rằng: ma vương vốn lộng hành, nên con gái mình mới bị dày vò, vật vã. Thật ra, con gái bà chưa hẳn đã bị quỷ ám, hành hạ. Nhưng, bà ngại con mình mắc chứng ngặt nghèo, chẳng thể chữa. Thêm vào đó, bà còn bị người đời khinh khi, coi thường; bị những ánh mắt đầy đối kháng.

Ghét ghen. Kỳ thị. Suốt đời, bà chỉ là dân ngoài Đạo, luôn sống bên lề cộng đồng cao sang, người Do Thái. Nói tóm lại, chuyện kể về bà không làm Đức Kitô yên lòng. Và, nhìn từ góc cạnh nào đó, tình trạng của bà xem ra không ổn. Nơi bà, là cả một khác biệt về sắc tộc và Đạo giáo. Bởi vậy, môn đệ trung kiên của Đức Chúa mới nghĩ: dù bà có mon men đến gần, cũng chẳng xin được điều gì lớn lao, nơi Thầy mình.

Và xem ra, Ngài biểu đồng tình với các môn đệ về chuyện này, đã làm ngơ. Nói cách khác, người nữ phụ nọ nếu không cả gan nài nỉ, có lẽ bà cũng chẳng đạt được ân huệ khó kiếm, từ người Do Thái. Đồng thời, lời ví von về người đàn bà ngoài Đạo, như lũ chó con hèn hạ, được xã hội trong Đạo mặc nhiên công nhận, vào thời ấy.

Một lần nữa, nhờ lanh trí đối đáp, tin vào sự kiên nhẫn của mình, người nữ phụ miền Tyrô – Siđôn mới làm cho sự thể trở nên khác thường. Bà thuần hóa mọi gièm pha, ghét ghen kỳ thị của người đời, vào thời ấy. Bà có lý khi biện giải rằng: dù có bị coi rẻ như lũ chó đớn hèn đi nữa, bà vẫn không là loài thú hoang, đáng bị bỏ rơi ở bên ngoài.

Trái lại, bà vẫn coi mình như loài thụ tạo thuần thục, chỉ quanh quẩn trong nhà chầu chực một ân huệ, Chúa đánh rơi. Bà biết phận, và hiểu mình hơn ai hết. Hiểu rằng: là thân phận bọt bèo, bà mới kéo được về phía của mình, sự quan tâm chú ý của Đức Chúa.

Có như thế, con bà mới được cứu chữa. Có như thế, lớp hậu duệ là chúng ta mới học thêm được bài học, là: Nước Trời luôn xuyên phá rào cản chặn ngăn ân huệ xuống ban cho chúng ta. Ơn cứu độ được ban xuống bằng những phương thức khá đặc biệt. Đặc biệt hơn, vẫn qua trung gian người ngoài Đạo.

Phúc Âm hôm nay, cho thấy sức mạnh của lời cầu, qua trung gian một người. Và người ấy, lại là người ngoài Đạo. Người nữ trong truyện đã phải trải qua giờ phút căng thẳng, của đời bà. Bà cố chịu căng thẳng, nhục nhã không phải cho mình, mà cho con gái. Niềm tin của bà, là gạch nối qua đó cuộc sống của người khác được cải thiện. Bà làm thế, còn để cho tất cả chúng ta, nữa. Là tín hữu, ta thường cho bạn bè người thân biết rõ, ta luôn quan tâm nguyện cầu, cho họ. Cứ thường tình, khi nghe chuyện, dù không cùng niềm tin ai cũng đều cảm kích.

Thành thử, khi nguyện cầu cho bất cứ ai, dù ở nhà hay tại nguyện đường, dù buổi Tiệc Thánh, hoặc gặp lúc có liên hoan, đây là giờ phút cao đẹp nhất cho tất cả. Ta học nhiều điều từ giáo xứ/cộng đoàn, cũng là nhờ vào nguyện cầu đỡ nâng như thế. Đây là giây phút quên mình đi, để chỉ nghĩ đến người khác. Cho người khác. Dù chỉ một khoảnh khắc. Dù, theo cách dị biệt.

Bởi, cầu và nguyện như thế, là tự đặt mình vào cảnh tình của người khác. Đến với người khác, bằng hiệp thông. Cầu và nguyện như thế, sẽ nhắc nhớ ta một điều: khi dự tiệc khoản đãi “cấp trên cao”, hay ở đâu đó, có thể vẫn có người nào đó quanh ta, mỏi mệt đang mong chờ nhặt nhạnh, dù chỉ là vụn bánh đánh rơi. Dù, chỉ là cơm thừa canh cặn. Với họ, đó là hạnh phúc. Thứ hạnh phúc, mà họ chưa một lần ấp ủ.

Nguyện cầu sẻ san, còn khuyên ta nên ra đi về chốn bùn đen cuộc đời, ở nơi đó, có những người đang xuống cấp, ngã ngựa. Có ra đi, ta mới có thể đỡ nâng đàn con Đức Chúa ở chốn nghèo hèn, được lên nơi đủ ăn, đủ mặc. Nơi mọi người, đáng được hưởng ơn lành hơn ai hết. Sở dĩ đã nên nghèo, vì không ai để tâm đoái hoài đến họ. Nhưng thật ra, họ đều là con cái. Là, tạo vật của Đức Chúa.

Trong tinh-thần cảm-nghiệm được những điều như thế, cũng nên ngâm lên lời thơ rằng:

“Trời nào đã tạnh còn mưa

Mà giông-tố cũ còn chưa muốn tàn,

Nhà người tôi quyết không sang

Thù người, tôi những đem nằm nghiến rằng.

Quên người – nhất quyết tôi quên,

Mà sao gặp lại còn kiên-nhân chào.”

(Nguyễn Tất Nhiên – Trúc Đào)

Tình người ở đời, xưa nay vẫn là thế. Tình người ở nhà Đạo, lúc này phải khác xưa. Khác, người, khác thời, khác cả tinh-thần mà mọi ngưòi cần đối xứ với nhau hệt như thành-viên của Nước Trời, ở đời. Vẫn cần ghi nhớ đến thiên thu.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch

Hãy cứ là tình-nhân

“Hãy cứ là tình-nhân,”

“Để tháng ngày hoa mộng.

Để hẹn hò yêu đương,

Và khắc khoải chờ nhau.”

(Tú Minh – Hãy Cứ Là Tình-Nhân)

(Mt 12: 38-42)

Trần Ngọc Mười Hai

Giả như có người thời nay nghe nhạc-bản này, lại hiểu chữ “tình-nhân” như nhân-tình, hoặc “người tình” nào đó mình từng gặp, thì còn được. Chứ đằng này, vừa mới nghe xong hai chữ “tình-nhân” lại hiểu ý của người viết như câu hát tiếp, e không ổn. Ổn sao được, khi người em của ai đó, cứ hát mãi những câu nặng chình-chịch, những bảo rằng:

“Em không thích làm vợ, không thích anh là chồng.

Chỉ muốn yêu muốn nhớ, tìm nhau ở trong mơ…”

Đừng là vợ là chồng, rồi nhìn nhau chán ngán.

Hãy cứ là tình-nhân, để tình ta mênh-mông.”

(Tú Minh – bđd)

Thật tình mà nói, nói thế là nói lên lập-trường của người nghe hoặc hát ca-từ mang dáng vẻ lơ-mơ/trữ-tình, nhưng thật ra: đâu muốn thế. Không muốn, là bởi: thế-gian này, đầy những chuyện cụp-lạc, lại bất ổn, làm sao đảm-bảo được “tình nồng đôi lứa” sẽ “cứ mãi là tình-nhân” được?

Thật tình mà nói, khi nhớ lại chuyện đời nhiều éo-le nên em mới hát thế, chứ mai kia/mốt nọ anh đây “cao bay xa chạy” rồi, làm sao chắc được rằng: em và anh vẫn trung-kiên, chung tình để chỉ là tình-nhân, thôi?

Thật tình mà nói, mỗi khi bàn chuyện đời/chuyện người, thì anh đây nhiều lúc, đã thấy khó lòng. Anh đi trước còn tránh được, chứ em đây lẽo-đẽo theo sau làm sao né?

Thật tình mà nói: ví dù anh và em có hát câu trữ-tình ấy, lại gồm tóm ý/lời cũng như sau:

“Hãy tìm em tìm em, rồi nhìn em nhìn em.

Và nắm tay nắm tay cho hồn em ngất ngây.

Chỉ cần em nhìn em, là tim em rã rời
Chỉ cần anh nắm tay, là hồn em đắm say.”

(Tú Minh – bđd)

Thật tình mà nói, bàn chuyện đời với người đi Đạo, cũng thấy nhiều người từng nói và hát lời yêu-thương da-diết quá, đến khi giáp mặt thực-tế, mới thấy cuộc đời thật không dễ. Vì thế, nên người đời nay, vẫn cứ phải tìm đến thánh-nhân/Mẹ Hiền để cầu khấn các đấng giúp mình thành “mãi mãi là tình-nhân” theo nghĩa: vẫn yêu nhau mãi, dù không thành vợ/chồng.

Thật tình mà nói: đòi hỏi như thế, khác nào trông chờ một phép lạ từ “Bà Tiên”, hệt như truyện kể ngắn gọn, ở dưới:

“Bác-sĩ nọ, bước vào phòng mạch với dáng vẻ trang-nghiêm, nhưng hy-vọng. Gia-đình bệnh-nhân chờ tin vui, cứ hồi hộp nhìn ông đợi một quyết-định quan-trọng. Ông chậm rãi nói rất khẽ cốt để mọi nguời đều nghe thấy:

-Tôi báo cho ông bà cùng quí vị đây biết, là: “phép lạ” có thể xảy ra ở đây/hôm nay, nhưng điều này có thành hiện-thực hay không, vẫn tùy thuộc một người…

-Là ai vậy, thưa Bác sĩ? Xin cho biết để chúng tôi đến đó mà tìm! Giọng người mẹ của bệnh-nhân trẻ ra như ứ-nghẹn từ trong cổ.

-Người đó là Bà Tiên, nhưng…

-Nhưng, sao Bác sĩ? Người cha tiếp tục hỏi dồn.

-Nhưng, đến giờ phút này, phép lạ vẫn hoàn-toàn tùy-thuộc vào quyết-định cuối của Bà ta.”

Kinh-nghiệm đời, nhiều chuyện cũng như thế. Người đời, xưa nay, vẫn ao ước gặp “Tiên Bà” có phép mầu thần-thông biến-hoá, ra như thế. Tiên Bà đây, sẽ biến không thành có, như câu hát ở bài “Hãy mãi là tình-nhân”. Và, Tiên Bà còn có thể biến có thành không, như truyện trên.

Muốn cho sự thể “Hãy mãi là tình-nhân” với nhau suốt đời, đã là khó. Còn khó hơn, khi mọi người trong gia-đình vẫn không chấp-nhận được cái chết dành cho người thân đang trọng bệnh. Vì thế nên, mọi người bèn chạy đến với “Tiên Bà”/“Mẹ Hiền” ở chốn miền cao tít đó, hầu khấn vái đủ mọi điều, chí ít là chuyện “mãi mãi là tình nhân” của nhau, với nhau.

Kinh-nghiệm về việc đến với Tiên Bà/Mẹ-Hiền ở trên cao, là kinh-nghiệm của nhiều người. Ở mọi thời. Từ thời rất sớm, đã thấy tâm-trạng của nhiều người chỉ muốn xin làm “tình-nhân” thôi, nhưng không được. Thế nên, các “cụ” bèn làm một chuyến đi về miền xa xôi, cõi trời Tây xứ người để nguyện-cầu/khấn-vái Đức (Tiên) Bà” thành Guađdalupê đất nước Mêhicô xa xôi/diệu vợi, quyết đạt cho được những gì mình mong muốn.

Trong số những vị lâu nay từng quyết như thế, thấy có đấng bậc nọ có nhiều thắc-mắc về trường-hợp Đức (Tiên) Bà thành Guađalupê nổi tiếng, bèn có thư hỏi đức thày John Flader ở Sydney, một câu ly-kỳ như sau:

“Thưa cha.

Con có cô bạn từ nước Mêxicô qua đây làm việc, khi biết con muốn xin “TIên Bà” hay “Đức Bà” có tên gọi sao đó, ngõ hầu người yêu của con sẽ mãi yêu con và coi con là tình-nhân thôi. Cô bèn đề-nghị con hãy thử cầu-nguyện với Đức Bà thành Guađalupê, xem sao. Cô kể cho con nghe nhiều điều về chiếc khăn có hình Đức Bà, này nữa. Nay xin hỏi: có gì đặc-biệt nơi bức ảnh hiện trên khăn ấy? Và Đức Bà thành Guađalupê có thực sự làm phép lạ như người ta đồn, không?” (Một giáo dân Sydney gửi thư nhờ “The Catholic Weekly” giải-thích).

Nhờ ai, chứ lại nhờ Đức thày John Flader giải-mã chuyện “phép lạ” do Đức Mẹ đây đó từng làm, là chuyện nhờ vả cũng rất đúng. Đúng nơi/đúng chỗ rất không sai! Và, viết thư hỏi về chuyện gì, chứ chuyện lạ nhiệm-mầu của Đức Bà nổi tiếng nước Mêhicô, thì Đức thày đây lúc nào cũng cố trả lời ngay cho kịp, kẻo trễ. Thế nên, câu trả lời của Đức thày John Flader về chuyện này, như sau:

“Nhiều hình-ảnh về Chúa Mẹ hiện ra trên khăn/vải có mặt cùng khắp trên thế-giới vẫn là phép lạ. Phép lạ đây, tách-bạch khỏi chuyện sùng-kính diễn ra ở quanh đó. Có hai ví-dụ cụ-thể nên kể ra đây, là: vụ Chiếc Khăn ghi đậm diện-mạo Chúa ở thành Turinô, nước Ý. Và, hình Đức Mẹ thành Guađalupê, nước Mêhicô cũng là sự lạ khá nổi tiếng.

Hình Đức Bà thành Guađalupê có thời-gian-tính từ hậu bán thế-kỷ thứ 16, ở Mêhicô. Người Tây Ban Nha khi đó gặp khó trong việc kêu gọi thổ-dân Aztêca trở lại Đạo, là truyền-thống tin-tưởng, hành-đạo từ nhiều năm. Niềm tin, theo truyền-thống của người sống ở đây, từng hy-sinh tánh-mạng mỗi năm cả ngàn người, để vừa lòng thần-linh của mình.

Theo truyền-thống, thì: vào ngày 9/12/1531, có dự-tòng tên là Juan Diego có thói quen đi bộ hàng giờ nơi đồi Tepeyac vùng ngoại-ô thành-phố Mexico City, chợt thấy một Tiên Bà rất đẹp lại rất trẻ, anh hiểu ngay đó là Đức Maria mà anh từng cầu khấn. Đức Mẹ, khi ấy, đã dùng ngôn-ngữ của thổ-dân, yêu cầu anh cho xây-dựng một lăng-tẩm để vinh-danh Mẹ. Juan Diego bèn đi tìm vị Giám-mục chủ-quản giáo-phận mình là Giám-mục người Tây Ban Nha có tên là Fray Juan De Zumárraga nhờ giúp-đỡ; nhưng Giám-mục này còn ngờ-vực nhiều điều, nên bảo anh hãy quay lại xin vị nữ-lưu kia một dấu-hiệu để làm bằng.

Ba ngày sau, tức vào ngày 12 tháng 12 cùng năm, trong khi Juan Diego vội chạy lên đồi cao để thăm viếng ông cậu đang hấp-hối, anh lại được Đức Mẹ hiện ra với anh, một lần nữa. Anh nói với Đức Mẹ là: anh phải chăm sóc cho ông cậu sắp về chầu Chúa, nhưng khi đó Mẹ lại an ủi anh bảo rằng cậu của anh sẽ được chữa lành và quả y như rằng: ông cậu của anh vẫn còn sống. Khi ấy, Juan Diego bèn xin Mẹ ban cho anh một dấu chỉ để về trình với Giám-mục. Và, Mẹ khuyên anh hãy chạy lên đỉnh đồi nơi anh đứng, sẽ thấy nhiều loài hoa đang nở rộ.

Anh tức tốc làm ngay việc ấy, bèn thấy sự việc xảy ra đúng như lời Mẹ khuyên, dù tháng 12 nơi này không là mùa hoa nở, chí ít là trên đồi trọc như thế, từ xưa giờ.  Anh rất đỗi ngạc nhiên khi thấy nhiều loài hoa lạ đã nở rộ vào ngày ấy. Và, anh được Mẹ giúp trang hoàng một bó hoa đẹp cắm trong ống xương rồng tươi đem về cho Đức Giám-mục mình, làm bằng.

Vừa về đến nhà vị Giám-mục địa-phận, tức thời mọi người đều thấy ảnh Mẹ hiện rõ trên ống xương rồng xanh tươi. Hình-ảnh này, nay còn đặt tại Vương-Cung Thánh-Đường Đức Bà thành Guađalupê ở Mexico City, để mọi người sùng-kính. Và, sự-việc này xảy ra với Juan Diego cách nay đến 500 năm.

Nhiều khoa-học-gia trên thế-giới đã bắt tay vào việc nghiên-cứu xem thực-chất của hình-ảnh xuất hiện trên ống xương rồng, đã khẳng-định rằng: đây không là hình vẽ vẫn thấy ngoài đời, vì không có các vết chấm phá như mọi người thường làm. Hơn nữa, chính hình-ảnh này đã tự điều-chỉnh sau lần bị chất a-mô-ni-ắc đổ lên đó, năm 1791. Và đặc biệt hơn nữa, sau vụ bom nổ dưới bàn thờ có di-ảnh Mẹ, xảy ra vào hôm 14/11/1921 mà di-ảnh không bị hư hại gì hết.

Tóm lại, có thể nói di-ảnh Đức Bà thành Guađalupê là cách sùng-kính Đức Mẹ được nhiều người biết đến. Lễ mừng tước hiệu Mẹ là Đức Bà thành Guađalupê được Giáo-hội mừng là ngày 12 tháng 12 mỗi năm. Và, thánh Juan Diego cũng được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong làm bậc hiển-thánh ngày 9/12/2002. Từ đó đến nay, tước hiệu Đức Bà thành Guađalupê trở thành Nữ Vương nước Mêhicô, Đấng Bảo-trợ Châu Mỹ và là thánh Bổn Mạng các hài-nhi chưa được sinh”. (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 20/7/2014, tr. 18)

Thật tình mà nói, khi nghe Đức thày Flader kể chuyện “lạ” do Đức Bà với đủ tước hiệu khác nhau xảy ra ở đây, thấy hệt như nghe cha/cố vẫn kể ở nhà thờ, từ nửa thế-kỷ khi trước.

Thật tình mà nói, có phán về “sự lạ” do Tiên Bà ở nơi này/chỗ khác từng làm, phải nói theo kiểu thời nay thì người người mới chịu nghe và chấp-nhận. Bằng không, cũng như người nghệ-sĩ cứ hát những câu khó tin và khó nhận, như sau:

“Em không thích làm vợ, không thích anh là chồng.

Chỉ muốn yêu muốn nhớ, tìm nhau ở trong mơ…”

Đừng là vợ là chồng, rồi nhìn nhau chán ngán.

Hãy cứ là tình-nhân, để tình ta mênh-mông.”

(Tú Minh – bđd)

Thật tình mà nói, có nói hay/nói phải rất nhiều thứ, cũng chỉ nên nói những gì cần nói và cần có nghe, thôi. Chí ít, là những chuyện lạ trên đời với người đi Đạo và giữ Đạo. Bởi, đi Đạo và giữ Đạo thời nay, đâu phải và đâu chỉ giữ lại cho mình những chuyện chẳng liên-quan gì đến mỗi mình.

Thật tình mà nói, mỗi khi đề-cập đến “chuyện lạ” hoặc sự việc nổi cộm theo trào-lưu/thị-hiếu của người đọc/người nghe, người nói vẫn thấy đó là chuyện khó làm. Khó hơn nữa, là lúc ta bàn về chuyện “lạ” của “Bà Tiên” hay Đấng Thánh hiền ở đâu đó vẫn hay làm. Cái khó đó, mới là vấn-đề.

Và vấn-đề, là: nói làm sao, bàn thế nào về sự lạ như “phép lạ”, cho phải phép. Về chuyện này, xin chạy đến bậc thày ở trời Tây, từng giảng dạy rất nhiều điều cho học trò mình, như sau:

“Về “Phép lạ”, thật ra có sự khác-biệt khá trổi-bật giữa phép lạ tự-nhiên và sự việc chữa lành, hoặc gọi là việc “trừ tà” do từ Chúa. Phép lạ tự-nhiên dành để cho đồ-đệ (hoặc Mẹ) Đức Giêsu, còn việc chữa lành hoặc “trừ tà” là cho người ngoài…

Suy-tư về các truyện kể Tin Mừng thêm nữa, ta sẽ càng thấy rõ việc ấy. Như truyện kể về đồ-đệ Chúa tranh-cãi nhau trên thuyền về cách-thức làm giảm cơn giông xảy đến trên Biển Hồ Galilê vào lúc Đức Giêsu không có mặt ở đó, các thánh tông-đồ đành chào thua, không làm được gì. Kịp khi ấy, đã thấy Đức Giêsu đến với các thánh bằng việc Ngài lướt đi trên mặt nuớc, tức thì mọi việc trở nên im-ắng, an-lành. Ở truyện khác, các môn-đệ lên thuyền đi đánh cá ở Biển Hồ Galilê, hôm ấy lại cũng không có Đức GIêsu cùng đi với các ngài, nên môn-đệ chẳng bắt được thứ gì. Tức thì, từ trên bờ Biển Hồ, Đức Giêsu lên tiếng ới gọi các thánh và thế là, các thánh bắt được nhiều cá đến độ không ghì nổi.

Theo tôi, cả hai truyện trên, đều mang tính biểu-trưng, chứng tỏ một chuyện, là: nếu không có Đức Giêsu ở cùng, Hội-thánh không làm được gì hết. Ngược lại: có Đức Giêsu đồng-hành, là có hết mọi sự. Trong con thuyền Giáo-hội, chỉ mỗi Đức Giêsu mới thật đáng kể; Ngài là Đấng có trọng-trách đích-thực. Các thánh tông-đồ, dù có là lãnh-tụ cỡ nào đi nữa, vẫn hoàn-toàn tùy-thuộc vào Đức Giêsu…

Phép lạ tự-nhiên, là các câu truyện dụ-ngôn nói về quyền-bính mang tính quyết-định. Phép lạ tự-nhiên, thật ra không nói về quyền-uy của Đức Giêsu với thiên-nhiên, nhưng là thực-quyền của các tông-đồ trong Hội-thánh. Tôi xin phép nói thêm một điều, cốt ý bảo rằng: nếu ta hiểu truyện kể ở Tin Mừng một cách từng chữ, nghĩa đen, là ta hiểu sai toàn-bộ đại-ý của truyện…

Việc Đức Giêsu chữa lành và trừ tà, là đến từ quan-điểm khác hẳn. Ngài làm thế, là nhắm vào người dưng khách lạ ở ngoài cuộc, hơn là nói về đồ-đệ hoặc người trong cuộc. Ở đây, tôi xin được phép nói thêm đôi chút về trường-hợp riêng-tư mình trải-nghiệm cốt giúp ta hiểu về sự hiện-diện của Thiên Chúa trong lịch-sử nhân loại, đó mới là điều hệ-trọng.

Trước đây, tôi đã có dịp viếng trung-tâm Lộ-Đức ở Pháp, và Fatima ở Bồ Đào Nha, tức các tụ-điểm linh-thiêng kể về việc Đức Maria đã chữa lành nhiều người. Và tôi cũng có dịp ghé thăm trung-tâm Epidaurus ở Hy Lạp, và trung-tâm Pergamum ở Thổ Nhĩ Kỳ, là hai tụ-điểm linh-thiêng của thần Asklepios ngoài Đạo Chúa, từng chữa lành cho tín-đồ của họ. Các hồ-sơ chữa-lành ở cả hai nơi này, đều được ghi vào sổ bộ theo cùng một kiểu cách giống Đạo Chúa.

Tỉ như, tại hang Lộ-Đức có treo nhiều nạng gỗ cho thấy đây là chứng-cứ thầm-lặng ghi tạc cảnh những người đui mù/què-quặt đã tới đây và đã trở về lành-lặn. Tuy là thế, tôi vẫn không thấy có ai để lại các bộ-phận như chân tay giả, để làm bằng. Như thế, ta kết-luận thế nào đây?

Kết luận rõ nét nhất, là: Niềm tin chữa lành được nhiều điều!

Điều này cũng chắc-nịch như biết bao điều ta biết được. Có một số tật-bệnh đối với một số người, trong một số hoàn-cảnh, đều được chữa lành bằng niềm tin mang tính khả-thi giống như thế, như Epidaurus với người ngoại Đạo, như hang Lộ Đức với người Công-giáo, và như Benarès với người theo Ấn-giáo, và cứ thế ta nhân rộng thêm lên… Và, như Lời Đức Giêsu từng nói đi nói lại nhiều lần, là: Niềm tin của con đã chữa lành cho con!

Có câu hỏi: có đúng là những người đến với Đức Giêsu là để được chữa lành, không?

Đúng thế! Có ai hoặc có nhiều người được như thế không? Có chứ! Thế nhưng, có nhiều điều về Đức Giêsu khiến cho dân chúng đến với Ngài để được chữa lành, lại khác hẳn trường-hợp người đến với thánh Gioan Tẩy Giả là để thanh-tẩy chứ không để chữa lành. Đó là chuyện ta cần sưu-tra cho thật kỹ.

Hãy thử lấy ví-dụ cụ-thể xem Đức Giêsu từng chữa lành cho những ai? Ngài chữa bệnh gì?

Quay lại truyện kể về những người bị bệnh phung và coi đây như để rút kinh-nghiệm học hỏi, thì: trước nhất, điều hệ-trọng ta cần để ý, là: hỏi rằng từ-vựng ngày nay nói về bệnh phung cùi lại khác hẳn ý-nghĩa của từ-vựng dùng ở Tân Ước viết bằng tiếng Hy Lạp.

Từ vựng dùng trong Tân Ước Hy Lạp, đã qui về một số bệnh ngoài da khác nhau, hầu hết có liên-quan đến bệnh về da hoặc vết sần-xùi, có vảy như: bệnh vảy nến, chàm bội-nhiễm, hoặc xùi nấm, vv. Thành thử, mỗi khi đọc Kinh thánh thấy nói đến từ-vựng “phung cùi”, ta phải hiểu từ-vựng này dẫn về một số tật bệnh tương-tự như thế chứ không là thứ bệnh mà nay ta gọi là bệnh Hansen hoặc “phong hủi”, đâu…

Việc chữa-lành người bệnh nói ở Kinh thánh, vẫn là điều cần bàn. Nhưng, vấn-đề thâm sâu trong truyện kể về việc chữa lành ở Kinh thánh, còn đi sâu hơn thế. Đó là dụ-ngôn diễn-tả xã-hội nhân-loại nói chung. Các nhà nhân-chủng-học thường cho ta biết: cơ thể con người là biểu-tượng của xã-hội. Cung-cách ta đối xử với thân xác diễn-tả sự hiểu-biết về quan-hệ khác-biệt ở xã-hội.

Ngày nay, người trưởng thành đều đã hiểu, là: việc xâm-hình trên da, nhuộm tóc đủ mầu, xuyên lỗ/mổ xẻ hoặc trang-điểm thân xác đều trở thành chuyện thách-thức về văn-hoá xuất từ nhóm người nào đó một cách triệt-để, cũng để xác-định là mình nối-kết với nhóm nào đó.

Ví dụ như hồi thập niên 50’, hễ cứ để tóc dài là có ý cho thấy mình có thái-độ chống đối thể-chế nào đó ở xã-hội hoặc đạo-giáo. Thế nên, khi xét truyện kể về việc chữa lành, ta cũng nên đề cao cảnh giác về các vấn-đề “hình-ảnh thân xác” ở xã-hội thời Đức Giêsu còn sống. Điều đó nói lên rằng: thân xác con người đã trở-thành biểu-tượng của xã-hội. Xã-hội Do thái xưa bị đe-dọa tháp-nhập vào thứ văn-hoá đế-quốc đầy quyền-lực.

Trong tình-trạng có áp-bức về chính-trị, quân-sự, văn-hoá và đạo-giáo quyết nhấn mạnh lên việc bảo-vệ ranh-giới xã-hội được biểu-tượng-hoá bằng việc bảo vệ ranh-giới của thân xác. Thế nên, vấn-đề đặt ra, là: khi Đức Giêsu chữa lành người bị phung, có phải Ngài hoạt-động chỉ với tư-cách người chữa-lành bệnh-tật hoặc phê-bình toàn-thể xã-hội, không?…

Xem thế thì, điều mà Đức Giêsu vẫn làm cho người bị bệnh phung, đích-thực là để chào-đón họ vào lại với quan-hệ xã-hội mà họ bị đẩy lùi ra bờ rià xã-hội ấy. Nếu Đức Giêsu xuất-hiện ở đây/hôm nay, tôi lại sẽ không tin rằng Ngài sẽ chữa lành căn bệnh thời-đại là AIDS; nhưng tôi vẫn tin chắc rằng Ngài sẽ chữa lành cho cơn đau ốm có cùng một tên là AIDS, rất như thế.

Còn nếu hỏi: như thế tức bảo rằng: Đức Giêsu đã chữa lành cho người phung mà thôi chứ đó không phải là phép lạ, thì câu rả lời của tôi, là: tất cả đều tùy thuộc chuyện người hỏi hiểu thế nào là “phép lạ”, mà thôi. Nếu bạn hiểu theo nghĩa Ngài sử-dụng uyền-uy siêu-nhiên để gạt qua một bên mọi diễn-tiến thông-thường của thế-giới tự-nhiên, thì câu trả lời là: Không! Đó không là phép lạ.

Chắc chắn đó không là bằng-chứng cho thấy Thiên-tính của Ngài như một số người nhiều lúc vẫn cứ quan-niệm như thế, do bởi Ngài từng dạy những người theo chân Ngài cũng làm hệt như thế. Theo tôi, Đức Giêsu không chữa lành tật/bệnh nào có sự can-thiệp từ thế-giới thể-lý, nhưng Ngài chữa lành cơn ốm đau nào đó qua sự dính-dự của thế-giới xã-hội. Ngài chữa lành bằng cách chối-bỏ việc phải tuân theo các tập-tục đối với người lâm bệnh.

Đức Giêsu chữa lành “người phung” qua việc Ngài chào mời họ vào lại với cộng-đồng nhân-loại, đó là lý-tưởng mà cộng-đồng nhân-loại gọi đó là Vương Quốc của Chúa. Ngài từ-chối không chấp-nhận rằng: tật/bệnh như là sự nhơ-nhớp về nghi-thức phải bị loại-bỏ khỏi cộng-đồng xã-hội; và từ đó, Ngài thúc-bách mọi người hoặc chấp-nhận “người phung” trở về lại với cộng-đồng, hoặc từ-chối không cho chính Ngài được như thế. Quyền-uy chữa lành là quà-tặng của Thiên-Chúa xây-dựng vĩnh-viễn trong công-trình của vũ-trụ, chứ không chỉ là sự can thiệp tạm thời trong chốc lát của Thiên-Chúa vào vũ-trụ khép kín vốn thiếu xót khả-năng vẫn làm như thế.

Tóm lại, thì: riêng tôi, tôi vẫn tin rằng phép lạ không phải là sự thay đổi về thế giới thể-lý cho bằng sự đổi-thay trong thế-giới xã-hội. Dĩ nhiên, cũng nên có một số phép lạ giúp đổi thay thế-giới thể-lý nếu ta làm được, nhưng với tôi, điều đó xem ra vẫn chỉ là niềm ao-ước làm được một số đổi-thay còn nằm trong uy-quyền của ta trong thế-giới xã-hội, mà thôi”. (x. Richard G. Wattd & John Dominic Crossan, Who is Jesus, Westminster John Knox Press 1996, tr.62-68)

Thật tình mà nói: có nói về sự lạ hay phép lạ do Đấng bậc đầy quyền phép ở đâu đó, đã làm và đã bảo, cũng chỉ là thực-hiện những điều được khuyên dạy ở Kinh Sách vẫn từng kể:

“Bấy giờ có mấy kinh sư và người Pharisêu

nói với Đức Giêsu rằng:

Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.

Người đáp:

Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ.

Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào,

ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna.

Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào,

thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.

Trong cuộc phán xét,

dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này

và sẽ kết án họ,

vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng;

mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.”

(Mt 12: 38-42)

Thật tình mà nói, khi bình-giải câu Chúa nói “mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa”, Lm Nguyễn Thế Thuấn lại đã bàn rằng:

“Dấu lạ: để chứng thực về sứ-mạng của Ngài, Chúa Yêsu nêu ra lời giảng của Ngài, kết-thúc nơi sự Sống lại của Ngài. Đây ám-chỉ rõ-rệt đến sự Sống lại. Nhưng Tin Mừng thánh Mát-thêu đoạn 16 câu 1-4 chứng ở ngay nơi công việc rao-giảng của Chúa Yêsu.” (Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR, Kinh Thánh 1976, phần Tân Ước tr. 38)

Thật tình mà thưa với người đọc và người nghe ở đây rằng: tất cả mọi điều viết và đọc ở đây, chỉ để chứng thực mỗi điều đó, tức: sứ-mạng của Chúa đặt trọng-tâm nơi Sự Sống Lại của Ngài. Nếu không có Sống lại của Ngài, mọi sự lạ và phép lạ, đều ra như không, rất hư-luống.

Trong chiều hướng rất như thế, cũng nên thông-cảm ý/lời người nghệ-sĩ trong bài “Xin cứ làm tình nhân”, qua câu hát được tóm gọn làm đoạn kết rất như sau:

“Hãy tìm em tìm em, rồi nhìn em nhìn em.

Và nắm tay nắm tay, cho hồn em ngất ngây.

Chỉ cần em nhìn em, là tim em rã rời.
Chỉ cần anh nắm tay, là hồn em đắm say.”

(Tú Minh – bđd)

Thật đúng thế. “Chỉ cần anh nắm tay, là hồn em đắm say.” Như thế mới là sự lạ, và cũng là “phép lạ” dành cho người đời, ở trong đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ mong mọi người ở đời

Hãy tìm nhau rồi nhìn nhau

mà đắm say,

yêu thương nhau suốt đời.

Thế đó mới là chuyện lạ

và là phép lạ trong đời,

với mọi người.

Tp.HCM: Bị đâm chết khi đang phát cơm từ thiện

Tp.HCM: Bị đâm chết khi đang phát cơm từ thiện

Chuacuuthe.com

VRNs (11.08.2014) – Sài Gòn – Trang Zing.vn cho biết một người đàn ông đang phát cơm từ thiện, bị một nam thanh niên dùng dao đâm hai nhát vào cổ và tử vong trên đường đi cấp cứu. Vụ việc xảy ra lúc 18:45 ngày 10.08 tại vòng xoay giữa giao lộ Lê Quang Sung – Phạm Đình Hổ, phường 2, quận 6, TP.HCM.

Theo người dân có mặt tại nơi xảy ra sự kiện thì vợ chồng một người đàn ông gần 50 tuổi đang đứng phát cơm chay miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực này. Số cơm từ thiện do một người phụ nữ khá giả bỏ tiền ra làm và nhờ người đàn ông trên phát giúp đã nhiều năm nay.

140810004

Trong lúc phát, một nam thanh niên đến xin cơm và người phát cơm xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Lúc ấy, nam thanh niên rút trong người ra một con dao Thái Lan cán màu vàng lao đến đâm người phát cơm.

Nam thanh niên đâm trúng hai nhát vào cổ người phát cơm làm gãy cả lưỡi dao. Tại hiện trường, người dân tìm được cán dao mà nam thanh niên dùng gây án.

Người dân xung quanh phát hiện vụ việc chạy đến can ngăn và đưa người phát cơm đi cấp cứu. Nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong. Hung thủ cũng bỏ trốn ngay sau đó.

Theo Zing.vn

Mỹ đi lại được mời về?

Mỹ đi lại được mời về?

Nguyễn Giang

bbcvietnamese.com

Thứ hai, 11 tháng 8, 2014

Câu chuyện về hai điểm nóng đang bùng phát dữ dội, một ở Iraq, một ở Nigeria khiến người ta lại có dịp phàn nàn về Hoa Kỳ.

Người dân Iraq vùng bị quân IS xua đuổi đang chờ cứu trợ quốc tế

Nhưng các đài báo ở Anh và cả Trung Đông và châu Phi lần này không muốn người Mỹ đi, mà lại than phiền sao họ không quay lại hoặc vào cuộc mạnh hơn để ngăn Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhóm Boko Haram.

Đài ITV ở Anh còn có vẻ trách cứ Tổng thống Barack Obama sao không ‘hung hăng hơn’ (more aggressive) mà bỏ đi nghỉ hè với gia đình sau khi tuyên bố Mỹ chỉ giúp Iraq không kích quân IS chứ nhất định không đổ bộ trở lại.

Đuổi đi rồi cố gọi về?

Trên truyền hình BBC tối hôm qua, Chủ Nhật, người ta cũng trích lời lực lượng Kurdistan yêu cầu Hoa Kỳ phải giúp bắn phá quân IS hơn nữa.

Chính quyền Mỹ còn bị phê đã không vũ trang cho lực lượng du kích peshmergas của người Kurd để họ đủ sức chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Khổ nỗi, sau cuộc chiến Iraq, chính Hoa Kỳ vì tôn trọng tính thống nhất lãnh thổ của Iraq – gồm ba phần khác nhau rõ rệt, Hồi giáo Sunni, Shia và Kurdistan – nên đã không trao vũ khí hạng nặng cho quân Kurd.

“Hoa Kỳ can thiệp quá thì đương nhiên bị chỉ trích, nhưng muốn tách ra, không dính líu nữa thì lại bị phê là thiếu trách nhiệm”

Hoa Kỳ can thiệp quá thì đương nhiên bị phê, nhưng muốn tách ra, không dính líu nữa (disengagement) thì lại bị chỉ trích là thiếu trách nhiệm.

Thực ra tôi không lạ với giọng văn phê phán Mỹ đã thành truyền thống ở những nước châu Âu như Pháp.

Nhưng có vẻ như ở cả các nước từng muốn Hoa Kỳ đi cho nhanh như Iraq nay lại có ‘trào lưu’ mong họ trở lại.

Philippines cũng từng mời Hoa Kỳ rút khỏi căn cứ ở Subic Bay hồi năm 1991, nhưng gần đây nay lại ký thỏa thuận để thủy quân lục chiến Hoa Kỳ luân chuyển qua, giúp họ luyện quân, bảo vệ biển đảo.

Việt Nam, dù còn khác biệt nhiều về quan niệm nhân quyền và thể chế chính trị, cũng muốn Hoa Kỳ trở lại và có sự hiện diện rõ rệt hơn ở Biển Đông để cân bằng lại với Trung Quốc.

Ông Obama bị phê phán đã không ra tay đánh phe IS mạnh hơn nữa

Quả thật là Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama đã và đang bị phê phán từ nội bộ nước Mỹ vì thiếu quyết đoán, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Một số cây bút như Bấm Steve Hunley cho rằng ngoại giao Mỹ đang ‘thoái lui’, thậm chí ‘gần sụp đổ’ (near collapse), hay gần đây nhất là bà Bấm Hillary Clinton lên tiếng nói ông Obama quá lưỡng lự ở Syria, gửi ra tín hiệu ‘Mỹ yếu’ cho cả thế giới.

Bà nói lời của ông Obama chỉ ‘khuyên bảo đừng làm việc dại dột’ với các nước không thể là chính sách ngoại giao có nguyên tắc cho Mỹ được.

Nhưng đó là chuyện của Hoa Kỳ.

Còn nhìn ra bên ngoài, phê phán Mỹ không đơn thuần là một phản ứng tình thế mà còn có gốc rễ trong lịch sử, khiến cách nhìn mọi hành vi tốt hay xấu của Washington cũng rất đa dạng.

Nhiều kiểu bài Mỹ

Các nước lớn như Nga và Trung Quốc nếu có bài Mỹ cũng là chuyện dễ hiểu vì tầm vóc và vị thế khiến họ là đối thủ cạnh tranh ‘tự nhiên’ của Hoa Kỳ.

Pháp thì từ thời Charles de Gaulle đã luôn phản ứng lại Mỹ vì mặc cảm tự cao văn hóa và vì mất vị thế đế quốc.

Một số giới tại Anh đến nay vẫn không ưa Hoa Kỳ vì cho rằng Anh có truyền thống sâu sắc, tinh tế hơn.

Nhưng đây là một phần chưa hết của nỗi ngậm ngùi mà Anh rơi xuống hàng đồng minh nhỏ hơn Mỹ từ Thế Chiến 2 vì mất hết các thuộc địa.

Nhưng trên bình diện rộng hơn, ý thức hệ và tư duy chính trị của một nước cũng giúp thói bài Mỹ nảy nở.

Không quân của Hải quân Mỹ đã oanh kích trở lại vùng Bắc Iraq, ngăn quân IS

Các đảng cộng sản và thiên tả thường rơi vào bệnh ‘left-wing paranoia’, một chứng hoang tưởng có màu sắc giai cấp và đổ cho giới tư bản Mỹ mọi tội lỗi trên đời này.

Họ tin rằng tư bản Mỹ – từ các tay buôn chứng khoán đến giới sản xuất vũ khí, dầu lửa – luôn có mục tiêu tối thượng là chiếm đoạt thị trường toàn cầu.

Từ đó, người ta tin vào các thuyế́t âm mưu rằng tư bản Mỹ dùng các dạng luật lệ bất chính để kiểm soát vốn liếng, tỷ giá tiền tệ, và chính quyền Hoa Kỳ ra chính sách gì thì cũng để phục vụ cho tư bản Mỹ.

Cũng vì thế, họ thường không trả lời được câu hỏi Hoa Kỳ đầu tư là để giúp một chính quyền ‘xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội’, ‘bảo vệ Hồi giáo’, hay để thúc đẩy nước này giống Mỹ hơn.

Các nước có chế độ độc đoán thiên hữu thì lại dễ dị ứng với ‘văn hóa Mỹ’ vì đầu óc dân tộc chủ nghĩa và vì lý do tôn giáo.

Đôi khi họ ngăn chặn hiện đại hóa vì coi đó là biểu hiện của thói bá quyền văn hóa (cultural hegemony) từ Mỹ.

Họ sẵn sàng nhận viện trợ từ nhưng không phải để mở rộng dân chủ, tự do theo mô hình Mỹ mà để củng cố vị trí ‘khách hàng duy nhất’ của mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Điểm chung của lãnh đạo cả phe tả và hữu ở mọi nước là đều muốn giáo dục Mỹ cho thế hệ trẻ của họ và không ai từ chối các thành quả văn minh ‘Made in USA’.

Nếu gộp cả bệnh bài Mỹ của phe tả và phe hữu lại thì ta có thể thấy hiện ra một nghịch lý: cả hai đều cần nước Mỹ nhưng chỉ cần những phần phù hợp với nhu cầu của họ.

Bài Mỹ trở thành một điểm chung cho nhiều quốc gia và thế hệ

Như thế, vấn đề không phải ở chỗ nước Mỹ hay dở ra sao mà là nhu cầu của bạn thế nào.

Người ta cũng nói về ‘khả năng’ chơi với Mỹ, hàm ý Hoa Kỳ vốn thực dụng và điều quan trọng là tầm của bạn đến đâu thì nước Mỹ chơi với bạn đến đó.

Chuyện Hoa Kỳ bỏ Nam Việt Nam vẫn đang được nhắc đến trong bối cảnh hậu Afghanistan, Iraq và bài của tác giả Bấm Nguyễn Tiến Hưng ‘Từ Watergate tới sụp đổ Sài Gòn’ vẫn thu hút nhiều bạn đọc Việt Nam trên trang nhà của chúng tôi.

Nhưng tôi chưa thấy ai đặt câu hỏi nếu vào lúc này mà không còn nước Mỹ nữa thì tình hình thế giới sẽ diễn biến ra sao?

Chiều nay, tôi nghe những tàn phai

Chiều nay, tôi nghe những tàn phai

Nguyễn Ngọc Già gửi RFA
2014-08-11

Ca sĩ Khánh Ly

Ca sĩ Khánh Ly

Files photos

Ngót ba mươi năm, sân khấu không còn đọng trong trí nhớ của tôi.

Để tìm chút thư giãn, giữa những bài viết chính trị khô không khốc, youtube trở thành người bạn, gởi lại những tiếng vọng êm đềm và bãng lãng.

Khánh Ly và kỷ niệm

Với túi tiền nho nhỏ, cứ ngỡ, lâu lâu, mình hãy tự cho phép “xài sang” một lúc nào đó, khi Khánh Ly về hát. Ít nhất đối với giọng ca một thời của “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên”. Đợi từ năm kia, tới năm ngoái và rồi năm nay…

Đành mượn lời Nhật Trường – “thôi em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé…” – mà diễn đạt tâm trạng “Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên” – như Trịnh Công Sơn thốt lên. Dù biết “Em” là cho tất cả. “Em” không phải “sở hữu” riêng ai. Nhưng “Em” nói, đến với nhau là cùng tìm về kỷ niệm.

Do đó, sự trở về của Khánh Ly như một hành khách kịp bắt chuyến tàu cuối cùng trên sân ga. Chuyến tàu, nếu không phải mua nhầm vé, chắc người soát vé ngủ gục, nên mặc hành khách lạc tuyến, khi ga đến đầu tiên – sau gần 40 năm xa xứ – không phải Sài Gòn. Cũng không phải Đà Lạt hay Huế, dù tài công tiếp tục đưa người lữ khách rong ruổi lần thứ hai.

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Sài Gòn, không còn gợi lên những “chiều nội trú bâng khuâng”. Lâu lắm rồi. “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát” đã xa vời vợi. Thay vào đó là những vỉa hè luộm thuộm với quán nhậu và tiệm cafe. Chen lẫn vài ngân hàng cùng hiệu kính và cả tiệm… rửa xe. Ừ, có cả một quán ăn kèm hát với nhau của Cẩm Vân. Con đường “duy cái mới”, bây giờ, thế đó (!).

Những góc phố ngày xưa chỉ còn lại ánh chiều tà ảm đạm, tô đậm ngón tay vàng khói thuốc, cho những ai muốn tìm về dĩ vãng.

Dường như chẳng còn gì hấp dẫn hay quyến rũ và gợi nhớ? Nhưng ngày xưa, Khánh Ly hát cho “Người Già và Em Bé”, cho cả dân “Du Mục” với “đàn bò vào thành phố réo buồn tiếng hạt chuông”, chứ đâu chỉ “chiều nay còn mưa, sao em không lại…” hay ân cần ôm lấy “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi”? Không, Khánh Ly không chỉ kiêu sa như thế. Không cần đài các như vậy. Giản dị hơn nhiều…

Sài Gòn quen lắm nhưng không còn “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi!”

Sự trở về của Khánh Ly như một hành khách kịp bắt chuyến tàu cuối cùng trên sân ga. Chuyến tàu, nếu không phải mua nhầm vé, chắc người soát vé ngủ gục, nên mặc hành khách lạc tuyến, khi ga đến đầu tiên – sau gần 40 năm xa xứ – không phải Sài Gòn. Cũng không phải Đà Lạt hay Huế, dù tài công tiếp tục đưa người lữ khách rong ruổi lần thứ hai

Người Sài Gòn, không xứng đáng, dù chỉ được phép mua vé “tàu ghế cứng toa hạng hai” để nghe, để nhìn và để ngẫm ngợi những gì Khánh Ly muốn tìm về kỷ niệm (?). Một chút gì phả ra nhạt nhòa từ ánh màu bạc bẽo! Nó hắt xuống phố Sài Gòn lấp lóa màu đen hắc ín, trong không khí nóng hực của ngày hè.

Người Sài Gòn nhớ Khánh Ly từ những gì mộc mạc mà rướm máu, hơn là những bóng bẩy và chải chuốt như người Hà Nội xem thấy. Một không gian có vẻ sang trọng nhưng khô và giả. Giả mà như…thật, từ những “bông hoa sống đời”, người ta bán ngoài chợ hay trong các shop để trang trí, làm cảnh cho ngày tết, dịp lễ mà không cần mất công nhiều lắm…

Kỷ niệm, khi gọi tên, nó nên khởi đi từ nơi người ta gắn với tột đỉnh vinh quang và cả nỗi niềm ly biệt. Cả êm mượt như nhung và sóng gió dập vùi. Nước mắt hòa trong thảng thốt trên từng bước chân tháo chạy trong rối bời. Và chia lìa những gì sâu lắng tận đáy tim, in đậm trên từng hàng rào dâm bụt loang lổ. Tan nhanh như từng hạt mưa bong bóng, hòa lẫn “muối mặn” chảy từ khóe mắt. Tất cả nối nhau chảy vô…ống cống. Từ ngày đó – 30/4/1975.

Thế là hết. Dù trẻ lắm, dù mơ hồ, những chao đảo trong tâm khảm vẫn còn nguyên với nỗi sợ hãi lớn dần theo ngày tháng của những năm xưa. Hiển hiện, không thể né tránh. Từ đó, ngụp lặn và đào bới trong… “đống bản nhạc” – như một đống rác buộc dọn dẹp. Lén lút và vụng trộm để tìm mọi cách “tẩu tán” tài sản của chính mình, dù trong mắt “người cách mạng”, chúng nó là thứ cặn bã, lai căng và… phản động! Một thời của văn hóa nghệ thuật Sài Gòn bỗng chết… ngắc!

Đấy là một trong những điều người Sài Gòn nhớ nhất, trong ngày tháng rầm rập bước chân các anh “giải phóng quân” dộng ầm ầm trên những con đường Sài Gòn thơ mộng.

Chốc chốc, gió thốc những bản nhạc bay tán loạn rồi đậu lại trên vỉa hè với vẻ u hoài và xơ xác. Nhiều người thẫn thờ “Để Gió Cuốn Đi” từng bản nhạc như mảnh giấy gói bánh mì. Văn hóa Sài Gòn tuyệt diệt. Tôi biết điều đó, khi từng trang giấy với năm dòng kẻ và những hồn thơ trong đó – được trình bày công phu và trân trọng, thẩm mỹ và đậm cá tính nhạc sĩ sáng tác – đầy dấu chân người qua kẻ lại, chấp chới như cánh bướm rách tả tơi.

Khánh Ly ra đi như hàng triệu người rời bỏ Sài Gòn và miền Nam. Người ở lại chỉ biết nhìn. Lầm lũi và co quắp trong những cơn mưa chiều nặng hạt, mơ về “Những Ngày Xưa Thân Ái” hồn nhiên. Tất cả chỉ còn lại “Như Giấc Chiêm Bao” ngọt ngào. Giấc chiêm bao của đời thực. Dường như định mệnh an bài.

Nói cho ngay, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” trở thành chân lý, khi bóng dáng khập khiễng những lời nhạc đầy ắp chất thơ, còn chỗ nào để bày biện tốt hơn trong nhà hát lớn Hà Nội đầy màu sắc lấp lánh? Với áo quần thơm tho và những bó hoa sặc sỡ. Rỗng. Sáo. Và như những hạt ngọc trai nhân tạo xứng đáng với cái giá của nó.

Thời gian quả khắc nghiệt. Như một viên đá mài, chà xát trên dây thanh đới người ca sĩ. Giọng ca Khánh Ly đục hơn và rè hẳn như dây số 1 guitar, lâu ngày bong tróc dần, sau những miệt mài nâng phím lòng, xoa dịu nỗi đau đời dân Việt “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu/Một trăm năm đô hộ giặc Tây/Hai mươi năm nội chiến từng ngày…

Nhưng kỷ niệm, cứ ngỡ, là nơi không phải chỗ mình bỏ chạy cùng với nước mắt, vào năm 1954, bé xíu. Nó phải là nơi cưu mang, bước ra khỏi “tàu há mồm” với cái thở phào năm xưa? Nó phải là nơi gắn bó, thành danh, làm nên tên tuổi và nuôi nấng giọng hát của mình chứ?

Nếu gọi tên “non nớt” khi “Mơ Về Nơi Xa Lắm”, nó có một chút gì kệch cỡm, bởi e rằng lứa tuổi “gió heo may đã về” trở nên chọc ghẹo giới trẻ mất.

Giọng hát của “Nữ Hoàng Chân Đất” bây giờ thích hợp với đôi giày cao gót – dù chông chênh nhiều.

Thời gian quả khắc nghiệt. Như một viên đá mài, chà xát trên dây thanh đới người ca sĩ. Giọng ca Khánh Ly đục hơn và rè hẳn như dây số 1 guitar, lâu ngày bong tróc dần, sau những miệt mài nâng phím lòng, xoa dịu nỗi đau đời dân Việt “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu/Một trăm năm đô hộ giặc Tây/Hai mươi năm nội chiến từng ngày…”.

Làn hơi ngày nào gây nghiện cho khán giả, giờ đã ám đầy khói. Những sợi khói bay lên từ “Tàn Tro” năm cũ. Đứt quãng và mệt nhọc. Đuối sức không chỉ từ thần thời gian cản bước mà còn thiếu hẳn sự tự nhiên trong cách ngắt câu và kiểu lấy hơi nặng nề như “người phu quét đường” thở dốc với chiếc xe kéo, cùng một chút khò khè từ buồng phổi nhiều năm không thể thiếu thuốc lá? Âu cũng là lẽ thường.

Giọng ca tái tê và rạn vỡ, bây giờ không còn. Không chỉ là rì rầm như “đại bác đêm đêm dội về thành phố” mà Khánh Ly nì non “Hát Trên Những Xác Người” thay cho những bà mẹ, những người cha hóa điên bên xác con thơ của trận Mậu Thân năm nào… Nhiều lắm…

“Tình cũ không rủ cũng tới”, bây giờ sai mất rồi. Một chút hoài niệm chen lẫn bối rối, khó diễn tả cùng tâm trạng… cụt hứng, khi chờ một kỷ niệm tìm về. Vả chăng, nếu có, người Sài Gòn cũng không thích ngắm nghía giọng ca Khánh Ly với vẻ sang trọng nhưng cứng đơ và đạo mạo, được khoác lên khá khiêng cưỡng như tại Hà Nội. Vốn dĩ người Sài Gòn cũ, dù sành điệu nhưng không sính ngoại với “đặc danh”: “diva”.

Sài Gòn và cả Việt Nam, bây giờ có thứ gì mà không cần đến tiền? Giờ, lộ thiên chơ vơ, trái tim như cục than đen xì bất động; khe khẽ đập và hổn hển thở theo… hai trăm triệu của Phó Đức Phương. “Áo Lụa Hà Đông” bị xé rách toạc trước mắt người… làm văn hóa. Văn hóa gì đây? À! Văn hóa từ “tâm hồn treo ngược ở cành cây” của Sóng Hồng đây mà!

Đó không thể gọi là “đền đài” [1], bởi nó chỉ xứng với tên gọi trang trí như những phông màn làm buổi diễn cho những thanh âm rè đục như “Nghe Những Tàn Phai” cất lên trong lòng chế độ. Sao lại chọn Khánh Ly vào lúc này – như một sự giễu cợt cuối cùng mà người cộng sản vốn thích đùa dai?

Biết đâu, chuyến trở về thứ hai, với Sài Gòn là bến đợi, chiếc áo dài vàng hoa cúc, không bị phết những nhát cọ “một màu đen đen, một màu trắng trắng, chiều hoang vắng chiếc xe tang đi thật vội vàng”! Trên chuyến xe đó, bên “quần tang áo chế”, người ca sĩ năm nào lê bước chầm chậm để hát nốt những ca từ “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu”.

Nghe những tàn phai

Khi nhắc về “đền đài âm nhạc”, dù quý phái hay bình dân; dù thính phòng hay nhạc nhẹ; dù chắt lọc ngôn từ hay bình dị câu hát, nó vẫn phải dành hết cho thân phận con người – Con Người Việt Nam hôm nay.

Đó không thể gọi là “đền đài” [1], bởi nó chỉ xứng với tên gọi trang trí như những phông màn làm buổi diễn cho những thanh âm rè đục như “Nghe Những Tàn Phai” cất lên trong lòng chế độ. Sao lại chọn Khánh Ly vào lúc này – như một sự giễu cợt cuối cùng mà người cộng sản vốn thích đùa dai?

Bất kỳ giá trị nào được làm từ dĩ vãng đều trở nên vô nghĩa, nếu người ta không biết hiện tại xuất phát từ đó đang ra sao và làm sao xoay xở nó trong tương lai – tương lai rất gần, đang đến. Một nỗi bế tắc mang bóng dáng “âm nhạc”, khi cầu viện đến cái tên “Khánh Ly”. Tựa như chiếc vợt cũ rách, cố vớt tạm lòng dân – đang rã mục. Thế thôi. Bởi dòng nhạc Trịnh Công Sơn đã là dĩ vãng, không còn được giới trẻ quan tâm nhiều lắm.

“Đồ cổ” chỉ có giá trị khi mang tính lịch sử và truyền lại tinh thần văn hóa vô giá cho con cháu đời sau. Chỉ tiếc, chính tư tưởng thực dụng đến bẽ bàng của người cộng sản gieo rắc bao năm qua, làm cho giới trẻ không khoái… “đồ cổ”!

Vả lại “môi trường văn hóa” Việt Nam ô nhiễm đến mức ngột ngạt, người ta làm sao có thể ngồi ngân nga hay ngẫm ngợi những câu hát đậm “chất thiền” và đầy tính bao dung của Trịnh Công Sơn nữa?

Người cộng sản hãy cố xoa tay và hít sâu lồng ngực với một cái thở mạnh, hắt ra cho buồng phổi thêm chút oxygen mà tiếp tục sống và hy vọng…

Dù sao, những phút cuối dọn dẹp mặt bằng sân khấu, hạ màn đang đến. Và ở đó, thấp thoáng nhiều “cặp mắt đỏ quạch” dáo dác tìm bằng được “visa EB-5” [2] cho cuộc tháo chạy an toàn, đến Mỹ. Sắp đến rồi…

Bình minh chuẩn bị ló dạng. Chắc chắn là như thế, cho người dân Việt Nam, không phải cho ai khác.

Nguyễn Ngọc Già

Ghi chú: Những chữ viết hoa, in nghiêng và trong ngoặc kép là các nhạc phẩm của các nhạc sĩ.

[1] http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/giua-bai-hoang-ngo-ve-den-dai-61469.html

[2] http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/nhieu-dai-gia-viet-quan-tam-dau-tu-dinh-cu-my-3026544.html

 

THÂN PHẬN CON NGƯỜI TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY (2)

THÂN PHẬN CON NGƯỜI TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY (2)

Đôi lời về một não trạng mới 

Thời Pháp thuộc, nhà tôi ở thuê trong xóm công chức nghèo ngõ Đức Khánh, phố Hàm Long (vì thế hai em gái tôi có tên là Khánh và Đức) và đi học không xa nhà. Tuy biết rằng không thể bị lạc, nhưng bao giờ bố tôi cũng dặn “hễ chú bị lạc, chú nhờ Police đưa về”.

Xin hỏi thực lòng với quý vị công dân Việt Nam thời nay: Có vị nào thời nay dặn con mình hễ gặp rắc rối thì nhờ Công an, Cảnh sát, Dân phòng, An ninh… giúp đỡ không?

Có một não trạng thời nay là “đừng dây vào với CHÚNG NÓ”. Không phải bỗng dưng mà người dân tự lánh xa những người “bạn dân” ấy. Vì não trạng của những người bạn dân đó có vấn đề. Họ không còn coi dân là bạn nữa rồi. Dính vào họ chỉ có thiệt.

Làm gì đến nỗi quên đội cái mũ bảo hiểm đầy tính hình thức trong một cuộc sống không có người biết tổ chức cả một hệ thống giao thông, mà Police cùng cả hệ thống áo đen, áo cỏ úa, áo vàng, và áo thường phục sẵn sàng “phẫn nộ” hộ các lực lượng chức năng, có thể đánh đến chết người vi phạm giao thông?

Những nhà lãnh đạo đất nước cần chú ý xem xét cái não trạng mới làm Police bị đẩy xa khỏi Dân: bắt đầu từ chỗ có quá nhiều quyền hành, dẫn đến việc cần có quá đông Lực lượng chức năng, đến chỗ phải để cho “chúng nó” tự kiếm sống… và cuối cùng là hình thành một não trạng thấy đâu đâu cũng đầy những kẻ đối lập, và dại gì mà phía bên kia, phía Dân, chẳng coi các anh thành “chúng nó”?

Hãy nghĩ lại đi trước khi quá muộn.

Phạm Toàn

DÂN BIỂU TÌNH VÌ CẢNH SÁT GIAO THÔNG ĐÁNH CHẾT NGƯỜI

TUYÊN QUANG (NV) Hàng chục người dân biểu tình lên án, nhưng phe cảnh sát giao thông (CSGT) huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, chối rằng không có chuyện người của họ đánh chết người dân.

Theo bản tin của tờ Sức Khỏe Cộng Ðồng dựa theo lời của ông Nguyễn Văn L. (cư dân xã Văn Phú, huyện Sơn Dương) thì nạn nhân của vụ việc là Nguyễn Văn Tuấn 39 tuổi, dân tộc thiểu số Cao Lan, chạy xe không đội “mũ bảo hiểm” sáng ngày 5 tháng 8, 2014.

clip_image001

Nạn nhân đã được đưa về và khám nghiệm tử thi tại nhà. (Hình: SKCÐ)

Khi Nguyễn Văn Tuấn chạy xe máy ở một khu vực tại thôn Khe Thuyền, xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, “một cảnh sát giao thông đã ra hiệu dừng xe để kiểm tra hành chính. Tuy nhiên, do nạn nhân cố tình bỏ chạy, vị cảnh sát đã ‘vô tình đánh dùi cui’ vào gáy nạn nhân. Nạn nhân đi được khoảng 20 mét thì ngã xe và gục xuống đường”, nguồn tin trên kể.

Nguyễn Văn Tuấn đã được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Kim Xuyên tại huyện Sơn Dương. Vì tình trạng nguy cấp, ông được chuyển đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến tỉnh nhưng “đã tử vong trên đường đi cấp cứu”.

Ðược biết, anh Tuấn ra đi để lại người vợ và 3 con nhỏ, một con mắc bệnh tim và một con mắc bệnh máu trắng. Theo tờ Sức Khỏe Cộng Ðồng, “Người dân quá bức xúc, nên dù chiều nay (5 tháng 8) trời mưa cũng vẫn đến biểu tình rất đông tại trụ sở xã Văn Phú”.

clip_image002

Người dân đang tụ họp biểu tình rất đông tại trụ sở xã Văn Phú . (Hình: SKCÐ)

Tuy có người nhìn thấy sự việc, ngày 6 tháng 8, 2014, phóng viên báo Ðất Việt nói chuyện với ông Quí – Phó đội trưởng đội CSGT, công an huyện Sơn Dương, ông này chối rằng: “Cái đấy không phải đánh, anh em đang đi làm thì nhìn thấy đối tượng không đội MBH nên dừng để kiểm tra. Nhưng đối tượng đã chạy, vừa chạy vừa ngoái lại nhìn xem có bị CSGT đuổi không. Khi tới ngã ba thì đối tượng đâm vào bảng tin rồi lại đứng dậy đi tiếp. Vị trí đối tượng bị ngã cách CSGT khoảng 100 m. Nhưng ngã xong đối tượng đứng dậy đi tiếp, một lúc sau thì bị ngã và tử vong. Ngay sau đó người dân có xúm lại và nghĩ là CSGT đánh người vì thời điểm lúc đấy trên xe có một chiếc gậy gãy”.

Ngày 25 tháng 6, 2014, Nguyễn Văn Chín, 44 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, đã chết vì bị một nhóm người mặc thường phục đánh, đồng bọn của nhóm CSGT ở quận Tân Bình, Sài Gòn. Ông Chín chạy xe máy, bị chận lại đo nồng độ cồn rồi sau đó, cự cãi và bị đánh, bị đá tới xỉu đi. Khi tỉnh lại phải bò lết, tự gọi taxi đi cấp cứu.

Cuối tháng 2 năm 2011, một trung tá công an tên Nguyễn Văn Ninh đã dùng dùi cui đánh ông Trịnh Xuân Tùng ở bến xe Giáp Bát, Hà Nội, tới gục xuống đường, vì cự cãi số tiền phạt “không đội mũ bảo hiểm”. Ông chết mấy ngày sau đó ở bệnh viện vì chấn thương cột sống ở cổ quá nặng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn ở tỉnh Tuyên Quang là nạn nhân thứ 14 chết trong tay công an CSVN từ đầu năm đến nay. Hầu hết đều chết khi bị công an bắt giam, tra tấn ép cung đến chết, rồi đổ cho người ta “tự tử,” “sốc may túy,” hay những lý do khác, dù trên thi thể các nạn nhân đầy dấu vết, thương tích của nhục hình như vỡ sọ, gãy xương sườn xuông sống, giập nội tạng. (TN)