VN phản đối dự luật Thượng viện Canada

VN phản đối dự luật Thượng viện Canada

Dự luật S-219 lấy ngày 30/4 hàng năm là ngày kỷ niệm làn sóng người tỵ nạn từ Việt Nam sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975

Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng phản bác một dự luật vừa được Thượng viện Canada thông qua, trong đó lấy ngày 30/4 là ngày kỷ niệm người tỵ nạn cộng sản Việt Nam.

Dự luật S-219, do Thượng nghị sỹ gốc Việt Ngô Thanh Hải khởi xướng, được thông qua ngày 8/12. Tuy nhiên, nó còn phải qua Hạ viện.

Theo dự luật, ngày 30/4 hàng năm được cho là ngày kỷ niệm làn sóng người tỵ nạn từ Việt Nam sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975.

“Việt Nam phản đối việc Thượng viện Canada thông qua dự luật S-219 ngày 8/12/2014″, người phát ngôn Lê Hải Bình được truyền thông trong nước dẫn lời nói hôm 12/12.

“Dự luật S-219 bao gồm những nội dung sai trái, xuyên tạc lịch sử, khơi lại quá khứ đau buồn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam nhằm phục vụ những mục đích chính trị cá nhân”.

“Việc Thượng viện Canada thông qua dự luật S-219 đã đi ngược lại tình cảm của nhân dân Việt Nam, cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Canada cũng như quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada”.

Trước đó, hôm 9/12, báo chí Canada dẫn lời một trong các quan chức Đại sứ quán Việt Nam ở Ottawa, ông Vũ Việt Dũng, nói việc này “sẽ gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ song phương giữa Việt Nam và Canada, cũng như nỗ lực làm sâu rộng quan hệ trong cả các lĩnh vực thương mại và đầu tư”.

Ông Dũng cho hay Đại sứ Việt Nam Tô Anh Dũng đã ‘bày tỏ quan ngại’ với Ngoại trưởng Canada John Baird về dự luật này, mà Việt Nam cho rằng sẽ ‘gửi thông điệp không đúng’ tới người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng từng gửi thư cho người đồng nhiệm Canada về việc này.

‘Tự do không miễn phí’

Tự do không miễn phí và các thuyền nhân đã phải trả giá cho tự do bằng các chuyến đi nguy hiểm của mình

Thượng Nghị Sỹ Ngô Thanh Hải

Trong một thông cáo, Nghị sỹ Hải đã cho hay ông rất ‘vinh dự’ được giới thiệu dự luật này.

“Dự luật này đề cập tới Ngày Con đường tới tự do, hay còn gọi là Ngày tháng Tư đen khi hàng nghìn người Việt rời khỏi Việt Nam để tìm tự do…”, ông nói.

“Trong 39 năm qua, người Việt tại Canada đã tụ họp vào ngày 30/4 để kỷ niệm một sự khởi đầu mới và cảm ơn Canada. Năm 2015, cộng đồng người Việt sẽ kỷ niệm 40 năm ngày thuyền nhân tới định cư tại đây.”

“Tự do không miễn phí và các thuyền nhân đã phải trả giá cho tự do bằng các chuyến đi nguy hiểm của mình.”

Trong bài viết gửi BBC từ Canada hôm 11/12, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng dự luật này là “cơ hội để hòa giải”.

“Có ai có mất mát, đau thương trên chuyến “Hành trình đến Tự do” này mới cảm thông với Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải, mới thấu hiểu được vì sao một đạo luật như thế này là liều thuốc chữa lành cơn bệnh mà gần 40 năm qua hàng triệu người Việt phải mang nó trong lòng,” ông Khanh viết.

“Đưa ra trước ánh sáng và nói lên sự thật không phải là để trả thù trả oán gì ai hay để tiếp tục gieo thù hận mà để giúp chữa lành vết thương cũ, tạo cơ hội làm hòa với nhau và cuối cùng để sự thật phải được tôn trọng.

“Đó cũng là di sản yêu thương, nhân bản, tình tự dân tộc mà chúng ta để lại cho thế hệ tương lai,” luật sư Khanh nêu quan điểm.

TÔI ĐÃ ĐỨNG BÊN NGƯỠNG CỬA CỦA CÁI CHẾT

TÔI ĐÃ ĐỨNG BÊN NGƯỠNG CỬA CỦA CÁI CHẾT

Cà Cuống

Số là cách nay trên 10 năm, tôi đã đứng trên ngưỡng cửa của cái Chết.

Dr. Monsour rất có uy tín ở Houston, Texas, đã đích thân điều trị cho tôi, cuối cùng cũng phải tuyên bố bó tay (give up) trước căn bệnh viêm gan C mãn tính của tôi, ông còn lưu ý tôi là đừng mất công chạy chữa nữa, vì ông mà phải đầu hàng và cũng không còn thuốc nào trị nổi, thì không còn bác sỹ nào có thể giúp cứu mạng tôi được, dĩ nhiên tôi tin lời ông, vì tôi biết rõ khả năng và kinh nghiệm chuyên môn của ông, nhưng có lẽ vì cái máu tếu trong người tôi quá nhiều, nên tôi vẫn tủm tỉm cười.

Ông rất ngạc nhiên và hỏi tôi là không sợ chết sao mà còn cười được. Tôi bật cười thành tiếng, và trả lời ông rằng, nếu bác sỹ bảo tôi sợ mà thoát chết, thì tôi xin sợ ngay, còn nếu đàng nào cũng chết thì tại sao lại sợ.

Thực tế cho thấy là có những vua chúa giầu sang, quyền uy tột bực, với cả đàn ngự y tài giỏi, mà cũng vẫn chết, thì tôi là cái thá gì mà không chết, và khi đã biết là sớm muộn gì cũng phải chết, thì sợ cũng chết, vậy ngu gì mà sợ, cứ “enjoy to the fullest” những ngày còn lại, và “ready” để đáp chuyến tàu định mệnh đi đoàn tụ với vợ con tôi đã ra đi trước tôi.

Cũng xin nói thêm là trước khi phát giác ra bị lây nhiễm Viêm Gan C, vì vô máu quá nhiều trong một ca đại phẫu thuật trước đó khoảng mười năm, chết lên chết xuống, phải nằm bệnh viện tới cả hai tháng rưỡi.

Vào thời điểm đó y khoa chưa tiến bộ tới mức có thể “scan” để khám phá ra trong máu người hiến có virus gì hay không, nên tôi mới bị lãnh đủ.

Ông bác sĩ cũng cười theo, đồng ý với tôi, nhưng còn vớt vát rằng, đúng vậy, nhưng lần đầu tiên ông nghe một bệnh nhân chết đến nơi, mà vẫn dám lý luận ngang tàng như thế.

Ông hỏi tôi là tuy không bác sỹ nào có thể cứu mạng tôi được nữa, nhưng chính bản thân tôi có thể tự cứu mình được,  có muốn ông chỉ cho không.

Tôi đáp là tuy không sợ chết, nhưng nếu có cách gì kéo dài mạng sống để “enjoy” cuộc đời, thì dĩ nhiên là muốn chứ.

Ông tâm tình với tôi rằng, ông cũng đã chỉ cho nhiều người, nhưng chưa thấy ai có đủ ý chí mạnh mẽ và kiên nhẫn mà áp dụng được, vì nói ra thì tưởng dễ, nhưng làm được không dễ, nhưng ông cho là tôi có đủ ý chí qua sự đối đáp với ông, nên ông nghĩ là chắc tôi làm được, và nếu làm được, thì có thể sống khỏe mạnh thêm hai ba chục năm nữa, còn không thì chỉ trong thời gian ngắn, bệnh sẽ phát triển sang ung thư và hậu quả ra sao thì ai cũng biết rồi khỏi cần nói nữa.

Ông còn lưu ý tôi là nếu làm được và thấy có hiệu quả tốt thì nên phổ biến rộng rãi tới mọi người, coi như làm chuyện phúc đức vậy.

Bí quyết của ông là:

1/ Phải empty hoàn toàn cái đầu, không được để cái gì lảng vảng trong đầu. Khi có chuyện cần giải quyết, thì ngồi xuống lấy giấy bút ra mà “brainstorm”, rồi ghi ngay xuống giấy, sau đó phải “clear” liền cái “mind”, chỉ khi nào tới lúc phải giải quyết thì lấy cái “note” đó ra mà áp dụng như cái máy thôi. Nói thì tưởng là dễ, nhưng ai mà không có “bill” nọ  “bill” kia, lại còn bị những người chung quanh làm phiền tới mình, nhưng cần quyết tâm mà làm cho bằng được, vì đó là sự lựa chọn giữa lằn ranh sống và chết.

2/ Phải ráng cười thật nhiều, cười từ khi mở mắt buổi sáng tới khi lên giường ngủ buổi tối. Nếu tự mình không cười được, thì phải nghĩ cách chọc sao cho thiên hạ cười để có thể cười theo.

3/ Nếu có hoàn cảnh, có điều kiện thì nên đi du lịch thật nhiều, ngoại cảnh sẽ giúp cho hào hứng, quên đi căn bệnh chết người của mình.

Cà Cuống tui đã cân nhắc giữa tiền bạc và mạng sống, cuối cùng chọn lựa “retire” non vào tuổi 62, để có thể hoàn toàn nghỉ ngơi, và đi du lịch, đi “cruise” khắp nơi khắp chốn, đồng thời kiên trì luyện tập, vậy mà cũng phải mất trên 6 tháng mới có thể giữ cho cái đầu rỗng bông được.

Bây giờ thì không còn tham, sân, si, không còn thù hận, ghen ghét, đố kỵ ai, cho nên khi nhìn ngược vào cái đầu mình, thì chỉ còn thấy trống rỗng mà thôi.

Trong quá trình luyện tập, một hình thức như thiền vậy, đôi khi bị phân tâm, là thấy phía dưới xương sườn bên tay mặt như bị kiến cắn, hiểu ngay là “virus C” thừa cơ ra ăn lá gan, lại phải lập tức “clear” liền mọi sự cho cái đầu trống rỗng ra ngay.

Ai ghét bỏ, hay kiếm chuyện mắng chửi, cũng chỉ đáp lại bằng nụ cười tha thứ, và còn cầu xin ơn trên ban phước lành xuống cho họ nữa, không còn như hồi xưa, ăn miếng trả miếng theo kiểu “oeil pour oeil, dent pour dent” ngay.

Để có thể chọc cười mọi người, Cà Cuống tôi sưu tầm đầy một bụng tiếu lâm, để hoạt náo trên xe cho bà con vui cười trong những chặng đường dài, hầu quên đi mệt mỏi.

Và kể như đã thành công, cả hai căn bệnh chết người là viêm gan C mãn tính, gan đã bị xơ cứng tới 3/4, và tiểu đường nữa, nhưng nhờ bí quyết của ông bác sỹ tài ba chỉ dạy, mà cả hai căn bệnh hiểm nghèo đều vẫn còn “under control”.

“Empty” cái “mind” là chính yếu, còn cười và du lịch là hai cái phụ, nhằm hỗ trợ cho cái đầu mà thôi.

Kinh nghiệm bản thân là trên mười năm trước, ai biết tôi, kể cả bà vợ, cũng không tin là tôi có thể sống sót được, vì qua hai thời kỳ hóa trị (chemotherapy), mỗi kỳ sáu tháng, cộng chung là đúng một năm, tôi chỉ còn như cái xác chết biết đi.

Trước đó, tôi cân nặng 170 lbs, nhưng sau thời gian điều trị, bệnh đã không thuyên giảm, mà còn sụt xuống chỉ còn 110 lbs, không thể tự ngồi lên được, mà bà nhà tôi phải vực dậy, tóc rụng đầy gối, ăn không được, ngủ không được. Nhất là bộ mặt của tôi mới thực thảm thê, nó bị choắt lại nhăn dúm như trái ô mai khô, nhưng mầu sắc thì xám xịt lại như da người chết. Ai quen biết, và ngay cả bà nhà tôi, cũng tin chắc là tôi không thể nào qua khỏi.

Tôi rất biết ơn Dr. Monsour đã động viên tinh thần tôi, ổng nói là tin tưởng tôi có ý chí mạnh, nhất định sẽ làm được.

Và quả thiệt tôi đã làm được, trước sự ngạc nhiên của mọi người quen biết, trọng lượng đã leo dần từ 110 lên 142 lbs, ăn ngon ngủ khỏe, năm ngoái khi trở lại Sapa, vẫn còn có thể leo lên tận cổng trời với sự trợ giúp của cây gậy kỷ niệm, vật bất ly thân.

Tôi vẫn tiếp tục đi du lịch đều đều trên khắp 5 châu 4 biển. Riêng tại quê hương tôi, thì không còn xó xỉnh nào là không có dấu chân tôi, có nơi đi đi lại lại cả năm sáu lần, mà vẫn cảm thấy thích thú như thường.

Theo Dr Monsour, thì nếu áp dụng được bí quyết của ông, thì ngay cả ung thư cũng có cơ may thoát hiểm.

Tôi kể lại kinh nghiệm sống thực tế của tôi, theo lời dặn dò của ông bác sỹ tài ba và giầu tình người, để nếu ai chẳng may rơi vào hoàn cảnh như tôi, thì có thể vững niềm tin mà tự cứu lấy minh.

Đặc biệt là đừng bận tâm tới chuyện chết chóc, vì đó là quy luật tự nhiên của Trời Đất, có sinh là phải có tử, không ai có thể tránh né được, thì cứ hoan hỉ mà chấp nhận thôi. Do đó, tôi rất tin vào thuyết định mệnh, và luật Nhân Quả.

Mến chúc tất cả mọi người thật nhiều may mắn và luôn vui cười, như bản thân tôi đã từ cõi chết trở về, chỉ nhờ vào bí quyết trong đó có cười, đó cũng là lý do thúc đẩy Cà Cuống tôi khai sinh ra Câu Lạc Bộ Cười, hầu mang lại cho bà con bằng hữu những tiếng cười thật sảng khoái, cho cuộc đời lên hương, và trẻ mãi không già.

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

Thánh Gioan Baotixita, tranh của Bartolomeo Veneto thế kỷ 16
tiên tri, thuyết giảng, tử đạo

Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh.  Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó.  Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường.  Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết.  Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí.  Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi.  Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng.  Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài.  Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường.  Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài.  Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả.  Ngài tự nhận mình chỉ là một “tiếng kêu trong sa mạc.”  Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đấng Cứu Thế.  Thật là khiêm nhường tự hạ.  Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng.  Ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục.  Ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc.  Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh.  Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe dọa của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc.  Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng.  Sự khổ hạnh không chỉ lóe sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai.  Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại.  Người khổ hạnh là người đặt niềm hy vọng ở tương lai.  Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa.  Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà ngài loan báo.

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực.  Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có.  Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình.  Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối.  Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không được phép lấy chị dâu.  Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây.  Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân.  Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình.  Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật.  Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết.  Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng.  Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên ngài nói: “Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người” (Ga 1, 27).  Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu.  Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Đức Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: “Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo.  Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên.  Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng.  Ngài đã biết tự hủy mình đi để Chúa được nhận biết.  Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa.  Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến.  Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa.  Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em.  Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi.  Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi.  Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.

Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

suyniemhangngay1 & Anh chị Thụ Mai gởi

 

Thượng viện Canada thông qua dự luật công nhận 30/4 là Ngày Hành Trình Đến Tự Do

Thượng viện Canada thông qua dự luật công nhận 30/4 là Ngày Hành Trình Đến Tự Do

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-12-12

RFA

thanhtruc12122014.mp3

ngo-thanh-hai-622.jpg

Thủ tướng Canada, Stephen Harper (trái) và Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, ảnh minh họa chụp trước đây.

Photo by NTH

Hôm thứ Hai ngày 8/12 vừa qua, thượng viện Canada thông qua dự luật đề nghị công nhận ngày 30 tháng Tư hàng năm là Ngày Hành Trình Đến Tự Do. Đây là dự luật do thượng nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải đệ trình ra quốc hội.

Tưởng nhớ những người đã ra đi

Trả lời Thanh Trúc từ Ottawa, Canada, thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải trình bày chi tiết:

TNS Ngô Thanh Hải: Dự luật S-219 tôi dự định đưa ra năm rồi, tháng Mười 2013. Bởi vì năm 2015 là 40 năm thì tôi nghĩ cách mình có thể làm được là một dự luật tưởng niệm ngày 30 tháng Tư 75, nhớ lại hành trình chúng ta đi.

Trong dự luật tôi đưa ra là để tưởng nhớ làn sóng hai triệu người đã ra đi, để tưởng nhớ 250.000 người chết trên biển cả, để cám ơn Canada nhận 300.000 và để cám ơn chính phủ Canada và nhân dân Canada đã mở rộng vòng tay để đón tiếp chúng ta, cũng đồng thời để công nhận rằng Canada là quốc gia duy nhất được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng Nelson là một giải thưởng đã đóng góp rất nhiều trong vấn đề tị nạn. Đó là có 5 điều tôi cám ơn và đồng thời để nhớ những người đã ra đi.

Thanh Trúc: Thưa ngay từ đầu dự luật S-219 được ông đặt tên như thế nào cho đến khi nó được quyết định đổi lại là Ngày Con Đường Tới Tự Do?

Trong dự luật tôi đưa ra là để tưởng nhớ làn sóng hai triệu người đã ra đi, để tưởng nhớ 250.000 người chết trên biển cả, để cám ơn Canada nhận 300.000.
-TNS Ngô Thanh Hải

TNS Ngô Thanh Hải: Cộng đồng mình nghĩ ngày 30 tháng Tư là Black April Day Tháng Tư Đen, thì tôi cũng đệ trình lên là Black April Day. Nhưng mà cộng đồng người Việt mình không nghĩ là thủ tướng và chính phủ cho rằng dùng chữ “black” nó hơi nhạy cảm.

Thứ hai, khi dùng chữ Black April Day dân Canada không rõ ý nghĩa của cái đó là gì. Thành ra thủ tướng Canada đề nghị là Journey To Freedom Day nó dễ hiểu hơn, đọc tới thì dân Canada hiểu rằng đó là ngày người Việt của mình bỏ nước ra đi, Journey To Freedom Day Hành Trình Đến Tự Do thì nó đầy đủ ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên trong cái preambule lời nói đầu của tôi thì tôi để là đa số người Việt Canada đều coi ngày 30 tháng Tư năm 75 là Black April Day Ngày Tháng Tư Đen. Một số người thì cứ khăng khăng nói rằng ngày 30 tháng Tư là ngày quốc hận. Cộng đồng mình muốn dùng chữ 30 tháng Tư gì cũng được hết, khi đã được công nhân rồi mình có thể nói Ngày 30 tháng Tư Đen hoặc Ngày Quốc Hận cũng được như thường. Đó là lý do sửa đổi tên vì chử “black” rất là nhạy cảm và không rõ y nghĩ của dự luật.

000_APP2000051812935-305.jpg

Tàu hải quân HQ-504 đến cảng Vũng Tàu, miền Nam Việt Nam chở người tị nạn tại biến cố 30/4/1975

Thanh Trúc: Thưa ông, báo Canadian Press phát hành ở Ottawa khi đưa tin dự luật S-219 do ông giời thiệu và đã được thượng viện Canada thông qua, sẽ gây sóng gió cho quan hệ ngoại giao Việt Nam Canada bởi chính phủ của thủ tướng Stephen Harper đang muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam. Phía Việt Nam thì nói dự luật S-219 gởi một thông điệp không đúng đến người dân Việt Nam và đến cộng đồng quốc tế. Ông có lời bình luận nào về nhận xét này?

TNS Ngô Thanh Hải: Nếu như vậy thì Việt Nam không chịu nhìn sự thật. Nói rằng sẽ làm cản trở quan hệ giữa hai quốc gia thì đó là do chính phủ Việt Nam nêu lên mà thôi. Dự luật này không liên hệ gì đến chính phủ cộng sản Việt Nam cả. Hai triệu người bỏ nước ra đi, 250.000 người chết trên biển, 300.000 người được Canada đón nhận, đó là những thức tế không thể nào chối cãi được.

Dự luật này không nói gì đến vấn đề liên hệ ngoại giao Canada Việt Nam. Đó là một lý do mà Việt Nam nêu lên để làm áp lực với chính phủ Canada mà thôi. Cộng sản Việt Nam không công nhân sau 75 là có hơn hai triệu người Việt Nam mình đi tị nạn. Ở xứ tự do này mình không thể nào cấm cản được nhưng tôi thấy dự luật của tôi không có chú trọng đến vấn đề củ cộng sản Việt Nam mà chỉ chú trọng đến gần hai triệu người Việt Nam đã bỏ nước ra đi sau khi chiến tranh chấm dứt năm 1975.

Phản ứng của Việt Nam

Thanh Trúc: Theo chỗ ông biết thì Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Ottawa và Bộ Ngoại Giao Việt Nam thông qua Bộ Ngoại Giao Canada, đã có những phản ứng như thế nào đối với dự luật S-219 thưa ông?

TNS Ngô Thanh Hải: Tòa đại sứ Việt Nam tại Canada và chính phủ Việt Nam đã mướn một người để lobby và đánh phá cho dự luật này không được thông qua. Đó là chuyện của Tòa Đại Sứ Việt Nam và chính phủ cộng sản Việt Nam. Đối với tôi nó không có liên hệ gì cả bởi vì đó là cái dự luật chỉ đề cập đến những người tị nạn bỏ đất nước ra đi. Không bằng lòng hay không thích là chuyện của cộng sản Việt Nam chớ không phải chuyện của cộng đồng Việt Nam tại Canada hoặc trên thế giới. Phải nhìn đúng sự thật chứ đâu thể nào trốn tránh sự thật đó.

Lập luận của chính phủ Việt Nam thực ra tôi không muốn bàn đến, nói gì thì nói thực tế nó vẫn có đó và chúng ta phải công nhận thức tế đó.

Lập luận của chính phủ Việt Nam thực ra tôi không muốn bàn đến, nói gì thì nói thực tế nó vẫn có đó và chúng ta phải công nhận thức tế đó.
-TNS Ngô Thanh Hải

Thanh Trúc: Tờ Canadian Press cũng có nói rằng dự luật S-219 tuy đã được thượng viện thông qua nhưng còn phải chờ hạ viện. Cũng có ý kiến cho rằng còn lâu thì dự luật S-219 mới được mang ra thảo luận tại hạ viện. Ý của ông như thế nào?

TNS Ngô Thanh Hải: Vấn đề lâu hay chậm thì ăn thua công việc của hạ viện. Tuy nhiên tôi cũng cho biết rằng ngày hôm qua, thứ Tư ngày 11 tây tháng Mười Hai vào lúc 4 giờ 15, dự luật này đã được đệ nạp tại hạ viện do ông dân biểu Mark Atler đưa ra tại hạ viện, nó kêu là 1st reading. Còn cái 2nd reading và 3rd reading nữa rồi sau đó thì bỏ phiếu.

Sau khi mà hai viện chấp nhận thì mới có chữ ký của đại diện nữ hoàng, kêu là Royal Ascension. Có cái Royal Ascension đó rồi mình mới ra hạ viện và thượng viện.

Thanh Trúc: Ông kỳ vọng bao nhiêu chục phần trăm là S-219 này có thể ra thành luật được?

TNS Ngô Thanh Hải: Hy vọng dự luật thành công trong vòng năm tới bởi vì cái thứ nhất là tất cả những đảng phái đều phải công nhận cái thực tế và sự thật của dự luật này. Đảng Bảo Thủ cũng đã nhận thấy cái đó, đảng Tự Do cũng phải nhận thấy bởi vì đảng Tự Do cũng là một trong chính phủ thời đó đã chấp nhận người tị nạn cộng sản chúng ta. Và đảng Tân Dân Chủ cũng phải nhận cái thực tế đó.

Tôi hy vọng tất cả những đảng phái không vì áp lực của chính phủ Việt Nam mà không bỏ phiếu 100%. Nói tới chính trị là nói tới quyền lợi của từng đảng một thành ra tôi không biết nó như thế nào, tuy nhiên tôi hy vọng dự luật này sẽ ra đúng ngày 30 tháng Tư năm 2015.

Dự luật này bị cộng sản Việt Nam mướn người đánh phá thành ra cũng hơi khó khăn, mà hy vọng mình là con người làm việc ngay thẳng, hai là có sự yểm trợ của đồng bào và của cộng đồng thì tôi hy vọng dự luật được thông qua trong năm tới, kỷ niệm 40 năm chúng ta bỏ nước ra đi.

Thanh Trúc: Cảm ơn ông Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải.

Việt Nam hôm nay lên tiếng chỉ trích dự luật S-219 do thượng nghị sĩ Ngô thanh Hải bảo trợ và được thượng viện Canada thông qua.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, nói dự luật yêu cầu công nhận ngày 30 tháng Tư là ngày kỷ niệm Hành Trình Đến Tự Do mà thượng viện Canada thông qua hồi đầu tuần này là một dự luật xuyên tạc lịch sử, vì chính trị cá nhân, khơi lại quá khứ đau buồn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Vẫn theo lời ông Lê Hải Bình, việc thượng viện Canada thông qua dự luật này là đi ngược tình cảm của nhân dân Việt Nam, cộng đồng người Việt sống tại Canada cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.

VN bắt trưởng ca vụ sân bay sập điện

VN bắt trưởng ca vụ sân bay sập điện

Sự cố tại ACC Hồ Chí Minh khiến gần 100 chuyến bay bị ảnh hưởng

Người đứng đầu ca trực trong vụ sập nguồn điện ở Trung tâm Kiểm soát Đường dài Hồ Chí Minh và Tiếp cận Tân Sơn Nhất (ACC Hồ Chí Minh) vừa bị bắt sáng hôm 11/12.

Ông Lê Trí Tình bị bắt tại nhà riêng và bị khám xét nơi làm việc, báo Giao thông loan tin.

Báo Giao thông dẫn lời ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam xác nhận sự cố hôm 20/11 là do lỗi con người: “Trong thiết kế đảm bảo 99,9% nguồn điện sẽ không bao giờ bị ngắt nếu không có sự tác động của con người.”

Những thông tin giới chức công bố cho thấy đã có hàng loạt các hành động của con người trong vụ sập nguồn toàn bộ này, tuy nhiên giới chức không nói rõ đó là những hành động có chủ đích hay do trình độ kỹ thuật yếu kém.

‘Liên tiếp thao tác sai’

Chỉ ít hôm sau vụ việc, ông Đinh Việt Thắng được trang Thời báo Tài chính Việt Nam dẫn lời nói sai sót đầu tiên xảy ra do ông Lê Trí Tình “không nắm được kỹ thuật”.

Cụ thể, ông Tình đã nhấn nút cắt điện nguồn của toàn bộ hệ thống lưu điện (UPS) khi một trong ba hệ thống UPS báo lỗi, trong lúc hệ thống điện lưới trước đó đã được chủ động cắt để kiểm tra định kỳ.

Việc “không nắm được kỹ thuật” dường như hơi khó biện minh cho thao tác sai của trưởng ca Lê Trí Tình, khi mà, vẫn theo lời ông Thắng, “ngay trên máy đã dán biển chữ rất lớn và rõ ràng để cảnh báo”.

Dường như cũng lý do “không nắm được kỹ thuật” khiến cho nhóm kỹ thuật thay vì tiến hành đóng lại điện lưới ngay lập tức, lại đi sửa UPS trong suốt 14 phút sau khi hệ thống UPS sập.

Và có vẻ lại vì lý do “không nắm được kỹ thuật” cho nên trưởng ca Lê Trí Tình tiếp tục có thêm hành động, mà như mô tả của trang Thời báo Tài chính Việt Nam là “can thiệp sai vào UPS khiến UPS nhảy ngược lại và hệ thống lại tiếp tục mất điện”.

Sự cố sập nguồn xảy ra tại ACC Hồ Chí Minh trưa ngày 20/11 kéo dài hơn một tiếng rưỡi vào thời điểm đang có nhiều máy bay đang hoạt động trong vùng thuộc quyền kiểm soát, điều hành của trung tâm này.

Sự cố khiến toàn bộ các thiết bị trong hệ thống điều hành bay, kể cả radar đều ngưng hoạt động.

Được biết có tổng số 92 chuyến bay bị ảnh hưởng do sân bay Tân Sơn Nhất không thể tiếp nhận các chuyến đến, đi, hoặc bay qua vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.

Hồi đầu tháng 12, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cử cán bộ công an biệt phái sang tham gia hoạt động quản lý bay ở cương vị phó tổng giám đốc phụ trách an ninh nội chính, theo báo Người Lao động.

Trong cuộc họp hôm 3/12 về an toàn hàng không, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng được dẫn lời nói ông không loại trừ nguyên nhân phá hoại.

Cũng tại cuộc họp này, ông Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam mời Bộ Công an tham gia điều tra nguyên nhân sự cố ACC Hồ Chí Minh.

Ngoài nghi ngờ có phá hoại, ông bộ trưởng cũng không loại trừ chất lượng yếu kém của nhân viên, và đặt yêu cầu phải cho nghỉ việc những ai không đạt tiêu chuẩn công tác.

Bà Bùi Hằng ‘đả đảo’ phiên tòa bất công

Bà Bùi Hằng ‘đả đảo’ phiên tòa bất công

Bà Hằng đã từng tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc

Tòa án tỉnh Đồng Tháp vừa y án sơ thẩm đối với bà Bùi Thị Minh Hằng và hai nhà hoạt động khác, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho bà Hằng, nói với BBC.

“Tòa đã quyết định y án Bà Hằng 3 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Minh y án 2 năm rưỡi và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh y án 2 năm,” ông Miếng cho biết.

Hồi tháng Tám, cả ba người đã bị tòa sơ thẩm ở Đồng Tháp kết án tù vì tội ‘Gây rối trật tự cộng cộng’, theo Điều 245, Bộ Luật hình sự.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trong thông cáo ngày 12/12 đã gọi phiên tòa là “chiến thuật của chính phủ nhằm trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền.”

“Câu nói cuối cùng tại tòa của bà Hằng là ‘đả đảo phiên tòa bất công của chính quyền cộng sản’,” luật sư Miếng nói.

“Bà Hằng vẫn quyết tâm không nhận tội”.

Luật sư của bà Hằng cho biết ông đã hy vọng cả ba người có thể được giảm án.

“Trước khi tòa tuyên án, tôi vẫn còn tin vào hệ thống tư pháp của Việt Nam,” ông nói.

Trả lời BBC trong chiều cùng ngày, bà Đặng Thị Quỳnh Anh, con gái bà Hằng, cho biết gia đình đã bị lực lượng an ninh ngăn chặn không cho dự phiên tòa.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đâm đơn ở trong nước và các cơ quan tối cao để kêu oan cho mẹ,” bà nói.

“Sau khoảng 20 ngày nữa tôi sẽ đi thăm nuôi mẹ và sẽ tùy tình hình sức khỏe của mẹ để quyết định bước tiến tiếp theo”.

Bà Quỳnh Anh cũng cho biết sẽ tăng cường vận động tại các tổ chức quốc tế để kêu gọi trả tự do cho bà Hằng.

HRW lên tiếng

Trong những vụ án chính trị như vậy, tòa án không có một chút độc lập nào trước Đảng Cộng Sản. Tất cả những gì xảy ra đã được dàn xếp trướcÔng Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của HRW

Trong thông cáo gửi đến BBC ngày 12/12, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, đã lên án phiên tòa tại Đồng Tháp.

“Bà Bùi Thị Minh Hằng đã từ lâu là một cái gai trong mắt chính quyền Việt Nam, vì vậy Hà Nội đã sáng chế ra những cáo buộc với động cơ chính trị như “Gây rối trật tự công cộng” nhằm bịt miệng bà cùng hai blogger khác,” ông Robertson nói.

“Đây chỉ là một phần chiến thuật của chính phủ nhằm trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền, với những cáo buộc về gây rối trật tự công cộng thay vì hình sự hóa việc thực thi quyền con người”.

“Thế nhưng mục đích của chúng là hoàn toàn giống nhau – ném người dân vào ngục tù chỉ vì dám đòi hỏi sự minh bạch, một chính quyền dân chủ và tôn trọng nhân quyền”.

“Trong những vụ án chính trị như vậy, tòa án không có một chút độc lập nào trước Đảng Cộng Sản. Tất cả những gì xảy ra đã được dàn xếp trước”.

Cả ba người bị bắt vào ngày 11/2/2014, khi đang trên đường thăm gia đình vợ chồng cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

“Lúc đi cùng với mẹ tôi còn có 20 người khác … trên đường đi thì bị một lực lượng lớn công an huyện Lấp Vò chặn lại và dùng dùi cui đánh đập cả đoàn, cướp giật tài sản, máy móc rồi dẫn cả đoàn về giam tại công an huyện Lấp Vò,” anh Trần Bùi Trung, con trai bà Hằng, nói với BBC hồi tháng Hai.

Anh Trung hiện đang có mặt ở Hoa Kỳ để vận động trả tự do cho bà Hằng.

Đại sứ quán Hoa Kỳ hồi tháng Tám đã ra thông cáo kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động, sau khi tòa sơ thẩm ở Đồng Tháp tuyên án tù cả ba người.

“Việc các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng các điều luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một các ôn hoà là điều đáng báo động”, thông cáo viết.

“Việc kết án này dường như không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.”

Mặc dân khốn đốn, nhà nước vẫn vung ngoại tệ mua hàng Trung Quốc

Mặc dân khốn đốn, nhà nước vẫn vung ngoại tệ mua hàng Trung Quốc

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV)Trong 11 tháng qua, kim ngạch xuất cảng hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ khoảng 13.5 tỉ Mỹ kim nhưng Việt Nam đã phải chi khoảng 40 tỉ Mỹ kim để nhập đủ thứ từ Trung Quốc.

So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng hơn 22%. Ðáng nói là trong 11 tháng qua, Việt Nam đã chi hàng tỉ Mỹ kim để nhập cảng từ Trung Quốc những mặt hàng mà Việt Nam vốn không hề thiếu.



Một nông dân ở xã Ðạ Ròn, huyện Ðơn Dương, tỉnh Lâm Ðồng, mang cà chua ông trồng đổ ra đường vì không có người mua. Tình trạng này xảy ra nhiều nơi với đủ loại rau trái, trong khi Việt Nam chi khoảng 350 triệu Mỹ kim để nhập cảng rau trái của Trung Quốc. (Hình: Tuổi Trẻ)

Chẳng hạn Việt Nam đã chi 340 triệu Mỹ kim để nhập rau trái từ Trung Quốc, đồng thời chi thêm 400 triệu Mỹ kim để nhập cảng thủy sản từ Trung Quốc. Ðáng lưu ý là trong danh mục hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc có cả… gạo, dù Việt Nam là quốc gia xuất cảng gạo nhiều nhất thế giới. Trong 11 tháng qua, Việt Nam đã chi đến 800 triệu Mỹ kim để nhập cảng gạo của Trung Quốc.

Cần nhắc lại rằng, trong 11 tháng vừa qua, nông dân Việt Nam tiếp tục khốn khó vì không bán được nông sản. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng giá lúa thấp hơn giá thành vẫn xảy ra vào thời điểm thu hoạch, thành ra thảm trạng càng được mùa càng khánh kiệt vì tiền bán lúa không đủ bù các loại chi phí vẫn tiếp diễn. Ðể cứu nông dân, chính quyền Việt Nam vẫn phải bỏ ra hàng ngàn tỉ nhằm trợ giá.

Tương tự, nông dân trồng rau trái ở nhiều vùng cũng phá sản vì rau trái không có người mua. Nhiều nơi, rau trái đành đổ bỏ hoặc cho trâu bò ăn.

Cũng trong 11 tháng vừa qua, Việt Nam đã chi hơn 750 triệu Mỹ kim để nhập khoai mì và các sản phẩm làm từ khoai mì của Trung Quốc. Trong khi đó, phong trào “người cày bỏ ruộng” vẫn lan rộng tại miền Bắc và phía Bắc miền Trung của Việt Nam vì nông dân không thể sống được nhờ trồng trọt.

Tuy nhiên, nguyên liệu, phụ liệu do Trung Quốc sản xuất vẫn dẫn đầu trong số các mặt hàng mà Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam.

Tuy năm nay là năm mà quan hệ Việt-Trung trở thành căng thẳng chưa từng thấy kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ song kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2013.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ 2004, song trong quan hệ thương mại Việt-Trung, Việt Nam luôn lãnh phần thua thiệt. Hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu Mỹ kim hồi 2001, thành 16 tỷ Mỹ kim vào năm 2012 và nhập siêu càng ngày càng lớn.

Theo thống kê, từ 2010 đến nay, kim ngạch nhập cảng hàng hóa Trung Quốc chiếm từ 25%-28% tổng kim ngạch nhập cảng hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, 60% là hàng hóa trung gian, 20% là máy móc thiết bị và 20% còn lại là hàng tiêu dùng.

Hàng hóa trung gian của Trung Quốc mà Việt Nam nhập cảng không phải chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp của Trung Quốc đặt tại Việt Nam, mà còn là nguồn nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng giúp các doanh nghiệp của Việt Nam duy trì hoạt động.

Cũng vì vậy, các chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu Trung Quốc ngưng xuất cảng những nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu đó, hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ tê liệt. Kinh tế Việt Nam sẽ suy sụp, bởi đã bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc. Ðó cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia liên tục cảnh báo rằng, Trung Quốc có thể dùng việc cắt đứt quan hệ kinh tế-thương mại để gây áp lực chính trị với chính quyền Việt Nam.

Bên cạnh những cảnh báo về khả năng kinh tế suy sụp do lệ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu của Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế cảnh báo thêm về hiểm họa tiềm ẩn do phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc khi có quá nhiều dự án, công trình tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ Trung Quốc.

Tuy công nghệ Trung Quốc nổi tiếng vì lạc hậu, hoạt động không ổn định, tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu nên sức cạnh cạnh tranh của sản phẩm thấp, chưa kể còn gây ô nhiễm môi trường, hủy diệt môi sinh, song phần lớn dự án, công trình như nhà máy nhiệt điện, xi măng, phân bón, bauxite,… các dự án hạ tầng liên quan cảng, đường sắt trên cao,… tại Việt Nam vẫn được giao cho các nhà thầu Trung Quốc thực hiện bằng công nghệ Trung Quốc. (G.Ð)

HỒ SƠ XIN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO CHA TRƯƠNG BỬU DIỆP: KHÔNG CÓ GÌ NGĂN TRỞ

HỒ SƠ XIN PHONG CHÂN PHƯỚC CHO CHA TRƯƠNG BỬU DIỆP: KHÔNG CÓ GÌ NGĂN TRỞ

WHĐ (08.12.2014) – Hồ sơ xin phong Chân phước cho Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đã được Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ, chính thức cho xúc tiến từ năm 2011. Ngày 03-09-2013, Đức cha Stêphanô đã gửi thư cho Bộ Phong Thánh liên quan đến hồ sơ này; đến ngày 31-10-2014, Bộ Phong Thánh đã có thư trả lời chính thức và thông báo cho Đức cha Stêphanô rằng không có gì ngăn trở trong việc xúc tiến hồ sơ xin phong Chân phước cho Cha Trương Bửu Diệp.

Dưới đây là nội dung Thư của Bộ Phong Thánh bằng tiếng Latinh

và bản dịch tiếng Việt của trang web Hội đồng Giám mục.

BỘ PHONG THÁNH

Prot. Số 3134/1-13

Roma, ngày 31 tháng Mười năm 2014

Kính thưa Đức cha,

Trong thư đề ngày 3 tháng Chín năm 2013, Đức cha đã hỏi Bộ Phong Thánh này xem có điều gì ngăn trở về phía Toà Thánh hay không, đối với Hồ sơ xin phong Chân phước hay Tuyên bố là Tử đạo cho Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, linh mục giáo phận, được tường trình là đã bị giết vì sự thù ghét đức tin vào năm 1946.

Sau khi xem xét sự việc, tôi vui mừng báo lại cho Đức cha rằng về phía Toà Thánh không có gì ngăn trở việc xúc tiến Hồ sơ xin phong Chân phước hay Tuyên bố là Tử đạo cho vị Tôi tớ Chúa ấy, theo “Những quy tắc các Giám mục phải tuân theo trong việc Thẩm tra trong các vụ Phong thánh”, do cùng Bộ này ban hành ngày 7 tháng Hai năm 1983.

Kính chào Đức cha trong Chúa,

Hồng y Angelo Amato S.D.B.

Bộ trưởng

+ Marcelli Bartolucci

Tổng giám mục hiệu toà Me

Thư ký

–––––––––––––

Kính gửi

Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên

Giám mục Cần Thơ

12 Nguyễn Trãi,  Tp. Cần Thơ

Việt Nam

Tác giả: BỘ PHONG THÁNH

Người giàu ở Hà Nội tìm đường sang Mỹ

Người giàu ở Hà Nội tìm đường sang Mỹ

Nguoi-viet.com

Luke Bùi/Người Việt

HÀ NỘI (NV) Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam sắp vượt trần, phân hóa giàu-nghèo ngày càng cách biệt, đời sống xã hội có nhiều rủi ro, giới giàu có ở Hà Nội đang ráo riết tìm đường định cư ở Mỹ để bảo toàn khối tài sản.

Sự chênh lệch giàu nghèo thể hiện rõ trên đường phố Hà Nội
như trong hình một người buôn gánh bán bưng đi ngang qua
cửa hàng thời trang nổi tiếng thế giới Louis Vuitton. (Hình: Getty Images)

* Hào nhoáng và bất an

Có mặt tại Hà Nội trong những ngày này, người ta không khó để bắt gặp những chiếc xe BMW, Bentley, Roll-Royce bóng lộn, trị giá cả vài trăm ngàn đô la xuất hiện ngạo nghễ trên những con phố chật hẹp. Nhưng trong tầm mắt của du khách cũng có cả những người buôn thúng, bán bưng chật vật với chuyện kiếm được dăm ba chục ngàn đồng mỗi ngày. Quang cảnh khiến người ta nhớ đến khái niệm “phồn vinh giả tạo” mà một nhà thơ đã dùng để miêu tả thời thế.

Con đường dẫn vào khu Ciputra ở phía Tây Bắc của Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, khiến tôi có cảm giác như mình mới lạc vào một vương quốc của người giàu. Những chiếc xe hơi hạng sang như Roll Royce đậu trước mỗi nhà. Được biết mỗi khu là một tập thể nhà giàu có cùng điểm chung: cùng là “soái Nga” (từng làm ăn lớn ở Nga) hoặc dân Mộc Châu-Lạng Sơn, hoặc cùng ngành công an, thuế vụ…

An ninh của khu này được bảo đảm với những vòng bảo vệ nghiêm ngặt nên không có chuyện xe sang để ngoài đường bị bẻ kính chiếu hậu, ăn cắp vặt.

Người bạn dẫn đường là thổ địa tiết lộ, giá nhà biệt thự ở đây bét nhất từ 45 tỷ đồng, tức hơn $2 triệu/căn. Chuyện một cư dân Ciputra sở hữu cùng lúc ba, bốn căn biệt thự, chưa kể một, hai căn nhà ở phố cổ trị giá triệu Mỹ kim là việc hết sức bình thường.

Mà Hà Nội bây giờ không chỉ có mình Ciputra, người ta có thể kể thêm một loạt những The Manor, Indochina, Pacific Palace, Golden West Lake… như là minh chứng về đẳng cấp của giới thượng lưu tại thủ đô.

Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng ấy có khi là tâm thế bất an trước thời cuộc. Rất kín kẽ khi đề cập đến chuyện làm ăn, nhưng một nhà giàu mà tôi có dịp tiếp xúc bộc lộ mối quan ngại về rủi ro mà nguyên văn lời ông ta là “báo động đỏ.”

“Nói thật với chú, tôi có nhiều tiền mà chẳng biết làm gì cho hết, tiền nhà cho thuê tại các con phố trung tâm lại dùng để mua đất và tích lũy. Hai đứa con đi học ở Canada, vợ chồng tôi có đi du lịch Châu Âu mỗi năm vài ba chuyến cũng chẳng hết tiền,” vị này nói.

Tôi tin là ông ta nói thật, chứ không khoe mẽ như một số vị đại gia nửa mùa khoe khoang ảnh ăn tiệc cá anh vũ với giá 3 triệu đồng, tức $150/kg trên mạng xã hội để chứng tỏ đẳng cấp hơn người.

Vấn đề cấp bách của vị doanh nhân này cũng như nhiều đại gia kín kẽ khác tại Hà Nội là tìm hiểu cách thức chuyển tiền qua Thụy Sĩ và có thẻ xanh vào Mỹ, cũng như bảo toàn khối tài sản của họ.

Người đàn ông ở tuổi trung niên này bày tỏ rằng ông không tin vào hệ thống ngân hàng trong nước, những cuốn sổ tiết kiệm với dãy số hàng chục con số không có nguy cơ trở thành tờ giấy lộn kể cả bất động sản cũng thành bã trong tình hình này.

* Công ty môi giới định cư ăn nên làm ra

Tuy đề nghị không nêu tên thật trên mặt báo nhưng một chuyên gia báo chí làm việc tại đại sứ quán một nước phương Tây ở Hà Nội thẳng thắn cho biết, “Chưa bao giờ khoảng cách giàu nghèo tại Hà Nội trở nên rõ rệt như lúc này. Điều này dễ dàng nhận thấy qua nhà đất, ăn uống và y tế. Người giàu ở nhà to đẹp, có bảo vệ, mỗi mét vuông tính bằng ngàn Mỹ kim. Họ ăn thực phẩm sạch hoặc dùng hàng nhập cảng. Họ đi chữa bệnh ở các bệnh viện quốc tế hoặc ra nước ngoài điều trị.”

“Những người giàu nhờ có chức vụ cao trong chính quyền hoặc tham gia buôn bán chính sách thường cho cho con cái đi học ở nước ngoài chứ không làm thẻ xanh đi Mỹ vì họ phải tỏ ra trung thành với chính quyền.”

Theo chuyên gia nêu trên, những người giàu do làm ăn buôn bán tại Hà Nội có thể chia làm hai nhóm: Một tin rằng các điều kiện ở Việt Nam vẫn tốt và Đảng Cộng Sản sẽ còn tồn tại lâu dài. Nhóm còn lại thì bi quan trước thực tại nên tìm cách lo cho cả gia đình ra nước ngoài thông qua các chương trình đầu tư định cư.

Chơi golf là một trong những thú tiêu khiển mới của người giàu có ở Hà Nội. (Hình: Getty Images)

Bản thân vị chuyên gia này cũng tin rằng nhóm thứ hai mới là nhóm đa số. Bởi trong bối cảnh mỗi ngày mở báo ra đọc là thấy tin chém giết, thực phẩm bẩn, hối lộ, tham nhũng tràn lan, người ta thật khó để bình tĩnh và lạc quan về tương lai của con em mình, nhất là khi họ có điều kiện tài chính để chọn lựa cơ hội đổi đời.

Vị chuyên gia báo chí cũng cho rằng một khi không còn kỳ vọng về sự thay đổi tốt đẹp hơn tại Việt Nam, sẽ ngày càng có nhiều người muốn có cơ hội lấy thẻ xanh vào Mỹ hoặc Canada, nên những công ty môi giới định cư sẽ phát đạt.

* Mỹ là miền đất hứa

Điều này được minh chứng trong thực tế. Gần đây, các buổi hội thảo giới thiệu chương trình đầu tư định cư EB-5 lấy thẻ xanh Mỹ được tổ chức dồn dập ngay tại thủ đô Hà Nội và thường không còn một chỗ trống.

Bình quân sau mỗi buổi hội thảo, công ty định cư làm thủ tục cho hàng chục khách hàng với phí dịch vụ khoảng hơn $40,000/trường hợp.

Tuy vậy, theo một doanh nhân làm lĩnh vực môi giới định cư cho biết thách thức lớn nhất đối với công ty ông và các luật sư đối tác là chứng minh nguồn gốc tài sản của khách hàng.

Thực tế, trong số những người giàu nứt đố đổ vách tại Hà Nội hoặc được tôn vinh trong danh sách doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam hàng năm, sẽ thật khó tìm một nhân vật tay trắng làm nên hoặc làm giàu một cách minh bạch, đóng thuế đầy đủ. Những yếu tố này khiến họ không thể minh bạch nguồn gốc tài sản và nguồn tiền trong quá trình làm thủ tục đầu tư định cư.

Cái khó ló cái khôn, trước khi chính danh tham gia chương trình EB-5 để lấy thẻ xanh tại Mỹ, các đại gia Hà Nội đang được những công ty môi giới định cư mách nước cho chiêu thức đảm bảo tài sản bằng cách tham gia đầu tư sang nước ngoài, chẳng hạn Singapore, Hồng Kông…

Tại thời điểm này, thị trường môi giới định cư đang nở rộ, các công ty làm dịch vụ này phải cạnh tranh gay gắt để thu hút khách hàng. Do vậy, thị phần khách Hà Nội được xem là béo bở tuy không dễ nuốt vì vấn đề “họ giàu thì quá giàu nhưng khó có thể biết nguồn tiền họ kiếm được ở đâu ra.”

* Khi dân Hà Nội không “chịu” dân Hà Nội

Giám đốc một công ty môi giới dịch vụ định cư ở Mỹ có văn phòng tại Sài Gòn tiết lộ, khách hàng tại Hà Nội của ông thường không chịu nhân viên người Hà Nội làm tại chi nhánh ở thủ đô tư vấn với lý do, “Nhìn mặt và nghe giọng không đáng tin cậy!”

Họ đòi nhân viên từ Sài Gòn, nói giọng miền Nam gọi điện ra hoặc họ bay vào Sài Gòn tư vấn trực tiếp. Mặt khác, khi nhân viên tư vấn hỏi về nguồn tiền, câu trả lời quen thuộc của khách hàng tại Hà Nội là, “Tiền do ông bà để lại” hoặc “Hồi trước, tôi đi Nga về.”

Vẫn theo vị giám đốc này, “cách hành xử, thái độ trịch thượng của khách hàng Hà Nội cũng dễ khiến người ta liên tưởng đến tầng lớp trưởng giả Trung Quốc hiện nay.”

Những cái ‘nhất’ kinh dị của Việt Nam so với thế giới

Những cái ‘nhất’ kinh dị của Việt Nam so với thế giới

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI ( NV) – Báo Giáo Dục Việt Nam hôm 10 tháng 12 vừa có một bài viết liệt kê ra những cái “nhất” của Việt Nam so với thế giới. Song, những “thành tích kinh dị” này nghe qua sẽ không khỏi rùng mình…

Dân Việt Nam uống bia thuộc hàng nhất thế giới. (Hình: Gettty Images)

Theo báo này, “Trước tiên về bất động sản. Có thể nói giá nhà đất ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với nước chậm phát triển. Chúng tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm, cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hàng năm của người lao động.”

Còn về đường sá, Việt Nam có những đoạn đường đắt nhất hành tinh. Một km đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa giá $45 triệu, tương đương gần 100,000 lượng vàng thời điểm đó. Trong khi đó, tổng số phương tiện trên đầu người cũng cao nhất thế giới, đặc biệt là xe máy, kéo theo tai nạn giao thông lên top đầu, trung bình có 31 người chết/ngày vì tai nạn.

Để an toàn hơn, người giàu xài xe hơi phải trả giá đắt nhất thế giới, gấp hơn 2 lần so với các nước phát triển và khoảng 1.5 lần so với các nước trong khu vực.

Vẫn theo bài báo, “Việt Nam đứng top 10 không khí bẩn nhất thế giới. Về ảnh hưởng của phẩm chất không khí, Việt Nam đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng, chỉ xếp trên 9 nước khác. Về tổng thể môi trường, Việt Nam đứng vị trí 79. Yếu tố thứ ba, chất lượng nước ảnh hưởng đến sức khỏe, Việt Nam được xếp hạng 80. Lượng khói bụi và mức độ ô nhiễm tại Hà Nội gấp nhiều lần cho phép.”

Về công nghệ thông tin, có thể thấy người Việt Nam tìm chữ “3G” đứng đầu danh sách những nước tìm kiếm. Và thử với chữ “iPhone” thì Việt Nam đứng số 1.

Đặc biệt, Việt Nam đứng top đầu thế giới về vi phạm bản quyền phần mềm, với tỉ lệ vi phạm bản quyền đứng thứ 16 trong năm 2010, tổng giá trị thương mại của phần mềm bất hợp pháp ước đạt khoảng $412 triệu.

Chưa hết, Việt Nam cũng là nước đứng đầu thế giới về nạn gian lận click chuột trong quảng cáo (Click Fraud), tính theo số lượng các cú click chuột để trả tiền, chiếm tới 48.3% trong tổng lượng nhấp chuột, theo khảo sát năm 2009, bỏ xa Canada với 27.7%, Hoa Kỳ với 25.6%.

Về hàng tiêu dùng, Việt Nam là 1 trong 2 nước xuất khẩu cảng nhiều nhất thế giới, nhưng giá gạo lại rẻ nhất trong số 5 nước xuất cảng gạo nhiều nhất thế giới là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ và Pakistan.

Giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, cao gấp đôi Malaysia và gấp 1.5 lần so với Thái Lan, với giá bán lẻ trung bình là $1.4 /lít, trong khi Trung Quốc là $1.1, Ấn Độ: $0.5, các nước Âu-Mỹ từ $0.5-0.9/lít.

Giá thuốc trị bệnh tại Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới. Theo khảo sát năm 2010 của Tổ Chức Y Tế Thế Giới Với Nhóm Thuốc Thông Dụng (trong đó có kháng sinh) cho thấy, giá thuốc tại Việt Nam cao gấp từ 5 đến 40 lần so với thế giới.

Vẫn theo lời bài báo liệt kê, thì “Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới. Ước tính hơn 100 chiếc sừng tê giác vào Việt Nam mỗi năm. Giá 1kg sừng tê giác dạng bột ở Việt Nam là $60,000. Chính lợi nhuận kếch xù này khiến số lượng tê giác ở Việt Nam gần như tuyệt chủng. Sừng tê giác chưa được chứng minh có bất kỳ tác dụng chữa bệnh nào.”

Trong khi đó thì với mức tiêu thụ 2.7 tỷ lít bia trong năm 2010, khoảng 24 lít trên/đầu người/năm, bằng 1/10 so với Châu Âu, Việt Nam đã trở thành nước thứ ba có sản lượng tiêu thụ bia cao nhất Châu Á, sau Nhật và Trung Quốc. Trong đó 4 thành phố Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng năm nay dự báo tiêu thụ 300 triệu lít với tổng trị giá 7 ngàn 250 tỷ đồng.

Việt Nam cũng là nơi có giá thuốc lá rẻ nhất và là nơi có thể mua thuốc lá dễ nhất thế giới. Hiện giá bán tối thiểu đối với mỗi bao thuốc lá điếu bao cứng là 4,050 đồng và bao mềm là 3,450 đồng. Tỉ lệ nam giới hút thuốc ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới với 47.8%. Việt Nam có hơn 40,000 người tử vong mỗi năm do thuốc lá. (Tr.N)

HRW: Việt Nam hãy chấm dứt các điều luật lố bịch để bỏ tù những người phê phán chính quyền

HRW: Việt Nam hãy chấm dứt các điều luật lố bịch để bỏ tù những người phê phán chính quyền

Chuacuuthe.com

VRNs (11.12.2014) – New York, USA – Hôm nay, Tổ chức theo dõi nhân quyền [Human Rights Watch] phổ biến Thông cáo báo chí nhan đề “Việt Nam: Hãy chấm dứt sử dụng các điều luật lố bịch để bỏ tù những người phê phán chính quyền” và nhấn mạnh “Những blogger hàng đầu bị bắt và cáo buộc về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”

141210009

(New York, ngày 11 tháng Mười Hai năm 2014) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho các blogger Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ, bị bắt vì trang blog độc lập.

Nguyễn Quang Lập bị bắt ngày mồng 6 tháng Mười Hai, còn Hồng Lê Thọ bị bắt ngày 29 tháng Mười Một ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai người đều bị cáo buộc về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 của Bộ Luật hình sự. Năm 2014, chính quyền Việt Nam đã áp dụng điều 258 để kết án ít nhất là 10 người vận động nhân quyền và bắt giữ bốn blogger.

“Hiếm có một điều luật nào lại quái gở hơn quy định hình sự hóa hành vi ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước’,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Những cáo buộc đó còn phi lý hơn, khi xuất phát từ một chính quyền phi dân chủ và không tôn trọng quyền tự do cá nhân.”

Nguyễn Quang Lập (thường gọi là “Bọ Lập” trên blog Quê Choa nổi tiếng của ông), 58 tuổi, là một nhà văn, nhà báo và blogger rất nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ông phục vụ trong quân ngũ năm năm vào đầu thập niên 1980. Ông Lập bắt đầu nghề viết với tư cách một nhà văn và nhà báo tự do. Ông giữ chức phó tổng biên tập của tạp chí Cửa Việt được nhiều người biết đến từ năm 1990 đến 1992. Chỉ sau mười bảy số, Cửa Việt (bộ cũ) bị chính quyền đóng cửa vì đăng tải những nội dung ủng hộ dân chủ.

Đầu thập niên 1990, ông Lập chuyển ra Hà Nội và làm việc cho nhiều cơ quan văn học như tờ báo Văn Nghệ Trẻ và Nhà Xuất bản Kim Đồng. Ông viết một số vở kịch được công diễn nhiều lần và được đánh giá cao, như các vở Những linh hồn sống và Mùa hạ cay đắng. Các kịch bản phim Thung lũng hoang vắng và Đời cát của ông từng được giải quốc gia. Ngoài các kịch bản phim và sân khấu, ông còn là tác giả của một cuốn tiểu thuyết và nhiều tập truyện, truyện ngắn, và tản văn đã xuất bản. Năm 2001, Nguyễn Quang Lập bị một tai nạn xe máy khiến ông bị liệt một chân, một tay.

Nguyễn Quang Lập bắt đầu viết blog Quê Choa từ năm 2007. Blog của ông nhanh chóng trở thành một trong những blog thu hút được nhiều độc giả tiếng Việt nhất ở cả Việt Nam và hải ngoại. Tháng Năm năm 2013, quản lý tên miền .vn của blog Quê Choa yêu cầu ông gỡ bỏ những bài viết “nhạy cảm” và “có nội dung xấu” đăng trên blog này. Ông từ chối và blog bị dỡ khỏi máy chủ. Sau đó ông Lập chuyển blog sang dịch vụ có máy chủ đặt tại nước ngoài. Dù bị các đợt tấn công và chặn tường lửa, Quê Choa đã có hơn một trăm triệu lượt truy cập tính đến tháng Sáu năm 2014. Tháng Bảy năm 2014, tài khoản Facebook của Nguyễn Quang Lập bị báo cáo, buộc ông phải mở một tài khoản khác. Những nỗ lực buộc Nguyễn Quang Lập im tiếng chỉ làm ông thêm trực ngôn. Trong một bài đăng trên blog vào tháng Sáu, ông viết: “Bọ Lập từ trước đến nay không theo ai không chống ai, và sẽ không theo ai không chống ai, vì đó không phải việc của nhà văn. Trước sau bọ Lập xin làm một người lái đò nhỏ, chở con thuyền SỰ THẬT đến với dân, chỉ vậy thôi, không có gì khác.”

Hồng Lê Thọ (chủ blog Người Lót Gạch), 65 tuổi, là một sinh viên hoạt động trong phong trào phản chiến ở Nhật Bản những năm cuối thập kỷ 1960, đầu 1970. Sau năm 1975, được biết ông có làm việc cho Đại Sứ quán Việt Nam ở Nhật bốn năm trước khi về Việt Nam. Ông bắt đầu lập blog riêng, Người Lót Gạch, vào khoảng năm 2011. Ông chủ yếu dùng blog của mình để đăng lại các bài báo tập trung về các vấn đề chính trị, xã hội của Việt Nam. Ông Thọ được giới trí thức Việt Nam biết đến như một nhà nghiên cứu độc lập về các vấn đề liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Cả hai ông Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập đã phản đối Trung Quốc rất mạnh mẽ trong việc tranh chấp chủ quyền ở hai quần đảo này.

Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập không phải là những người duy nhất bị bắt và cáo buộc theo điều 258 trong năm nay. Trong số những nạn nhân khác của đợt đàn áp vẫn đang tiếp diễn này còn có Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm) và cộng sự của ông, Nguyễn Thị Minh Thúy, cả hai bị bắt vào tháng Năm năm 2014. Vào tháng Mười Một, Trại tạm giam B14 ở Hà Nội từ chối cấp phép cho luật sư Hà Huy Sơn gặp thân chủ Nguyễn Hữu Vinh, và luật sư Nguyễn Tiến Dũng gặp thân chủ Nguyễn Thị Minh Thúy của mình. Vào tháng Mười Hai, văn phòng Viện Kiểm sát thông báo với Hà Huy Sơn rằng hồ sơ đã được trả lại cơ quan điều tra của công an để yêu cầu điều tra bổ sung.

Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào năm 2014. Tuy nhiên, nhà nước này tiếp tục sử dụng các điều khoản mơ hồ trong bộ luật hình sự, như điều 258, để buộc những người phê phán phải im tiếng, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

“Các nỗ lực dập tắt tiếng nói của blogger chỉ khiến cho các cam kết của Việt Nam với Liên hiệp quốc khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền trở thành trò đùa,” ông Adams nói. “Hình ảnh của chính quyền Việt Nam, trong mắt cả trong và ngoài nước, khi truy tố những người không làm gì hơn là bày tỏ ý kiến của mình, thật chẳng hơn gì một kẻ chỉ chuyên bắt nạt.”