Tranh Giành Quyền Lực, Trăm Dâu Đổ Xuống Đầu Tằm

Tranh Giành Quyền Lực, Trăm Dâu Đổ Xuống Đầu Tằm

Nguoi-viet.com

Người Buôn Gió
Người Buôn Gió, tác giả các câu chuyện “Đại vệ chí dị” đang ở Đức Quốc. Ông được một thành phố nước này mời sang ở một thời gian để có chỗ yên tĩnh viết văn. Thỉnh thoảng ông vẫn viết trên trang facebook những cảm nghĩ của ông về các vấn đề thời sự tại Việt Nam. Bài dưới đây là một.

Chính trường Việt Nam ngày trở nên khốc liệt khi sát đến ngày thành lập lực lượng quân đội Việt Nam.

Sĩ quan cao cấp quân đội CSVN dự đại hội đánh dấu 70 năm thành lập tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia ở Hà Nội ngày 20/12/2014. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong vai trò quân uỷ trung ương đã có một bài phát biểu nhấn mạnh việc quân đội phải do Đảng tức cá nhân ông kiểm soát. Trong bài phát biểu của mình ông có chút chia sẻ quyền lực với vai trò chủ tịch nước của ông Trương Tấn Sang.

Cùng ngày hôm đó, ông Trương Tấn Sang phong hàm thượng tướng cho 3 trong 4 tướng chuyên trách việc vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa đem thế lực thù địch chống phá chế độ ra làm biện minh cho việc Đảng vì sao phải chỉ huy chắc được quân đội. Một cách biện minh cũ mèm hết từ năm này sang năm khác.

Hành động và phát ngôn của ông Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Nước nổi bật trong ngày 19/12/2014 đã khiến vai trò của Chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng bị lu mờ. Cảm giác như ông Dũng không được chia sẻ quyền lực điều hành quân đội.

Từ Thái Lan trở về, ngay hôm sau tức ngày 20/12/2014 ông Nguyễn Tấn Dũng chủ trì tổng kết kết quả năm 2014 của Bộ Công An. Cũng trong một chiêu bài tương tự như ông Nguyễn Phú Trọng, ông Dũng mang hình ảnh các “tổ chức chính trị đối lập trong nước” để che đậy sự kiểm soát Bộ Công An của mình.

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/212928/khong-de-hinh-thanh-to-chuc-chinh-tri-doi-lap-trong-nuoc.html

Trở lại về những cái gọi là Thế Lực Thù Địch (TLTD) và Tổ Chức Chính Trị Đối Lập (TCCTĐL) mà các lãnh đạo hàng đầu vẫn chăm chăm đối phó là những tổ chức thế nào, liệu các tổ chức này có nguy hiểm, ghê gớm đến mức độ như các vị lãnh đạo nói hay không?

Chúng ta thử nhìn xem một tổ chức được Bộ Công An phá cách đây vài năm, một tổ chức mà báo chí vẽ ra thật ghê gớm và đáng sợ. Tổ chức đó gồm những ai. Đó là Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung. Không cần phải đến tận nhà, gặp tận mặt những con người “ghê gớm tưởng như có lực lật trời, nghiêng đất”‘ này.

Chỉ cần chúng ta theo dõi họ trên Facebook hay Internet thì thấy ngay những thư sinh trói gà không chặt. Tìm mỏi mắt không thấy những “âm mưu toan tính” nào trong những dòng trạng thái hay bài viết của họ. Cùng lắm chỉ dăm ba câu bóng gió hoặc vài lời chỉ trích ngắn ngủi. Những con người ấy chúng ta có thể cảm nhận bằng mắt, bằng tai luôn để xem họ “nguy hại” thế nào cho an ninh đất nước.

Một tổ chức nữa cũng được Bộ Công An phối hợp với các bộ khác bắt gọn, đó là Hội Đồng Công Án Bia Sơn ở Phú Yên chỉ rặt mấy ông già, đang xây dựng khu sinh thái trên núi, có chút thuốc nổ để phá đá. Thứ thuốc nổ có thể thấy bất cứ nơi nào tại Việt Nam gần những mỏ đá hay những nơi cần phá đá.

Thế mà mấy ông già đó được vẽ thành một tổ chức đang xây dựng căn cứ quân sự nhằm dùng vũ lực chiếm chính quyền. Chuyện quá hoang đường nhưng báo chí Việt Nam vẫn vẽ được cho khối người tin.

Rồi một đám đủ loại người tự phát biểu tình chống Trung Quốc, ngay đến cả cái lý do cao cả là chống ngoại xâm, chỉ biểu tình chứ không phải làm gì khác. Kéo dài mãi cũng chỉ loanh quanh vài trăm người. Bị bắt bớ, đánh đập vài lần là tan cuộc.

Thử nhìn xem Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Hội Nhà Báo Độc Lập, Con Đường Việt Nam….liệu làm được cái gì để lật đổ chế độ này. Dăm ba bài viết trên mạng bị ngăn tường lửa hay ddos là liêu xiêu. Vài cái bản kiến nghị thu thập chữ ký, giơ ảnh ngồi trong nhà phản đối rồi đưa lên mạng thì bao giờ lông chân chế độ này rụng.

Đây không phải là hạ thấp các tổ chức này, nhưng phải khẳng định cách đấu tranh ôn hoà, mục tiêu cải cách, cải thiện chế độ với phương pháp hoà bình, dùng ngôn luận của họ được đăng tải trên vài trang mạng thì làm sao có thể biến thành một Thế Lực Thù Địch hay Tổ Chức Chính Trị Đối Lập để tiếm quyền thay đổi chế độ. Liệu sự tuyên truyền của những tổ chức này đến bao giờ lan toả được trong dân chúng, thúc đẩy dân chúng hành động.

Trong khi dân chúng thì đi hôi bia ở một xe tai nạn, mà chả cần ai kêu gọi. Trong khi chỉ cần một cửa hàng bán đồ ăn miễn phí ngay lập tức cuốn hút hàng nghìn bạn trẻ đạp lên nhau để chen vào bốc thức ăn, một ngôi sao ca nhạc thốt một lời có hàng nghìn chia sẻ, mấy chục nghìn người like hưởng ứng. Chưa kể một đại gia hứng lên tuyên bố miễn phí vé khu du lịch là cả chục ngàn người chen nhau tắc đường để được đến vui chơi.

Chỉ cần một cô gái cởi áo ngực đưa hình ảnh lên mạng là thu hút gấp vài trăm đến vài nghìn lần những lời kêu gọi cải cách này nọ của các tổ chức xã hội tự phát đưa ra. Chả cần đến bộ máy tuyên truyền 700 tờ báo, mấy chục ngàn tuyên truyền viên, dư luận viên, cộng tác dư luận viên, mặt trận, tổ dân phố, hội phụ nữ, cựu chiến binh…ra tay.

Nhìn thực sự thì các Tổ Chức Chính Trị Đối Lập, Thế Lực Thù Địch mà các ông lãnh đạo vẽ không ghê gớm như thế, cũng chả thù hận chồng chất nào để biến đất nước này thành đám nồi da xáo thịt. Với mục đích muốn dùng tiếng nói để cải thiện cách cư xử bất công, băng hoại đạo đức, tham nhũng, nêu cao tinh thần trách nhiệm với dân tộc và lòng yêu nước qua những biện pháp ôn hoà dùng ngôn luận. Các tổ chức mà chúng ta đang thấy không bao giờ phải gọi là Thế Lực Thù Địch, Tổ Chức Chính Trị Đối Lập về bản chất mục đích cũng như hành động lẫn thực lực của họ.

Gọi như thế là vu cáo, là xuyên tạc, là lừa bịp.

Gọi như thế là giống bọn thầy mo bịa ra ma xó, bọn thầy cúng bịa ra vong về, bọn thầy pháp bịa ra quỷ hòng để reo rắc sợ hãi, qua đó chế ngự tính phản kháng khoa học của con người. Bọn buôn thần bán thánh này tự cho mình là được trời đất ban cho quyền giúp dân đối phó với ma quỷ, rồi nhờ sự sợ hãi của nhân dân mà chúng bắt cung phụng, lễ nạp, dâng hiện vật. Chưa đủ chúng còn tạo ra những tay chân để phục vụ mưu đồ của chúng bằng thủ đoạn tuyên truyền ma quỷ, hay quy ai là ma quỷ dùng vũ lực trừng phạt.

Vấn đề là ở nước ta bọn thầy mo, thầy pháp, thầy cúng quá nhiều. Cho nên càng ngày càng phải vẽ ra thêm những ma quỷ, vong hồn. Càng ngày càng phải tạo thêm nhiều tay sai để tranh giành, đề phòng nhau. Liên miên bao nhiêu năm từ lúc sơ khai đến thời đại thông tin hiện đại hoá mà ma, quỷ vẫn hiện hình khắp nơi, lễ bái, cầu cúng làn tràn khắp nơi, quanh năm suốt tháng.

Chúng ta thử nhìn có bao nhiêu lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ này. Ai đếm nhanh tổng số các cục an ninh trong bộ Công An, các ban tuyên huấn, vụ tuyên giáo, tổng cục trong quân đội, cục, vụ, phòng, ban trong Đảng….? Hằng hà đa số công khai và cả không công khai các cơ quan, tổ chức trang bị vũ khí, thiết bị hiện đại, ngân sách và nhân lực dồi dào để làm việc đó.

Khi mà lính lác đông, vũ khí dư thừa mà không có địch, sẽ e ngại dẫn biến. Thế là vẽ ra các thế lực thù địch, biến mấy thằng thư sinh trói gà không chặt, mấy con đàn bà một nách hai ba đứa con, mấy ông già sắp chết lụ khụ thành thế lực thù địch, thành tổ chức chính trị đối lập….để vừa hợp thức hoá chuyện xây dựng lực lượng bảo vệ, vừa cho các lực lượng này có việc để làm.

Đến lúc sắp đại hội bầu bán, thanh trừng nhau thì ông nào ông nấy dùng chiêu bài TLTD cả TCCTĐL để nắm quyền điều khiển các tổ chức vũ trang, gây sức ép cho nhau. Thế mới có chuyện Cảnh sát cơ động đi bắt ngân hàng, an ninh đi bắt vũ trường, khách sạn. Bọn băng nhóm hình sự dưới mác công ty lại do an ninh kinh tế bắt chứ chẳng phải cảnh sát kinh tế hay hình sự. Đấy là thanh trừng tay chân của nhau, tiện quản lý lực lượng thì sai lực lượng đó đi.

Lúc ngang cơ tranh nhau kiểm soát đi bắt người đã đành, lúc thế yếu hơn, cũng quay ra đi bắt người để lập công. Thế là mạnh thì cũng bắt người, yếu cũng đi bắt người. Không có người bắt thì vẽ ra mà bắt.
Vì vậy mới có Thế Lực Thù Địch, Tổ Chức Chính Trị Đối Lập Chống Đối. Mới có vô số tổng cục, cục, vụ, ban, ngành…vũ trang, thiết bị.

Trăm dâu lại đổ xuống đầu tằm.

Đm nguy hiểm chống phá như thằng Người Buôn Gió cũng đéo chống nổi bao lâu nữa, không cần xử lý thì dăm ba tháng nữa cũng phải đi quyét tuyết, rửa bát dành tiền để về có chút vốn làm ăn. Lực đâu ra mà chống nổi mãi. Ai mà bỏ tiền nuôi cho nó mãi để hàng ngày căng đầu viết bài chống phá.

VN bắt thêm lãnh đạo OceanBank

VN bắt thêm lãnh đạo OceanBank

Một cựu lãnh đạo ngân hàng Đại Dương (OceanBank) bị khởi tố và bị tạm giam để điều tra về khoản cho vay 500 tỷ đồng ‘không đúng quy định’..

Truyền thông trong nước đưa tin vào ngày 22/12/2014 Viện KSND Tối cao khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo Điều 179 Bộ luật Hình sự.

Các báo trong nước mô tả điều họ gọi là “bước đầu xác định ông Hà Văn Thắm đã ký cho Cty TNHH TMDV Trung Dung vay khoảng 500 tỷ đồng không đúng quy định”.

“Còn ông Nguyễn Văn Hoàn đóng vai trò đồng phạm với ông Thắm để ra các quyết định cho Cty Trung Dung vay số tiền lớn mặc dù biết hồ sơ vay vốn không đủ điều kiện.”

Cuối tháng 10/2014, Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại dương, ông Hà Văn Thắm, bị khởi tố và bắt tạm giam cũng theo điều 179 Bộ Luật Hình sự.

Thông cáo ngày 24/10 được đăng tải trên trang web của Bộ Công an Việt Nam nói quyết định trên được đưa ra “căn cứ vào kết quả điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an và tài liệu thanh tra của Ngân hàng Nhà nước”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước đó đã có quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Thắm mặc dù khẳng định trong thông cáo cho điều họ gọi là “sự việc trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương.”

Ngày 25/10/2014 Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) ra thông cáo nói sai phạm của cá nhân ông Hà Văn Thắm là các “sai phạm của cá nhân” và không liên quan tới hoạt động minh bạch, công khai và đúng pháp luật của Ocean Group.

Ngoài chức danh Chủ tịch HĐQT OceanBank, ông Thắm còn là Chủ tịch Ocean Group; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH); Chủ doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo.

‘Đại gia’

Ông Hà Văn Thắm là một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Sau khi ông Thắm bị bắt, trên mạng internet xuất hiện một số đoạn băng ghi âm. Những người tung lên mạng đã mô tả đây là những cuộc hội thoại của ông Thắm khi ông trao đổi việc làm ăn với các “nhóm lợi ích”.

Người bị ghi âm, trong các đoạn băng, đã đề cập tới tên của một số vị lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam.

Ông Thắm được báo Người đưa tin tại Việt Nam mô tả là nằm trong “top 10 gia đình đại gia lắm tiền nhiều của nhất sàn chứng khoán Việt Nam”.

Vào tháng Chín, báo Lao Động mô tả doanh nhân Hà Văn Thắm “Không chỉ nổi tiếng với các dự án bất động sản ở vị trí đắc địa tại Hà Nội và hệ thống siêu thị OceanMart mà còn được biết đến với tham vọng phát triển chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang mang thương hiệu Việt”.

Trang Soha.vn hồi đầu tháng Mười có bài nói “Thâu tóm Kem Tràng Tiền hồi tháng 4 vừa qua với giá 500 tỷ đồng được coi là một trong các thương vụ để đời của Chủ tịch Ocean Group Hà Văn Thắm.”

Cũng trong tháng Mười, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt một dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang với tổng mức đầu tư hơn 4000 tỉ VND với sự tham gia của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương.

Ông Hà Văn Thắm sinh năm 1972 tại Bắc Giang và học đại học và cao học ở Hoa Kỳ, theo giới thiệu từ trang web của Tập đoàn Đại Dương của ông.

 

Chỉ cần thương mà hiểu

Chỉ cần thương mà hiểu

Tấm lòng vị tha của viên cảnh sát người Mỹ với 1 người phụ nữ nghèo khổ đang khiến hàng triệu người dân trên toàn thế giới vô cùng xúc động.

Image

Mới đây, một câu chuyện ấm áp tình người và đầy tính nhân văn đã được lan truyền chóng mặt trên khắp các trang báo mạng. Câu chuyện kể về nghĩa cử cao đẹp khi một viên cảnh sát ở thành phố Birmingham, bang Alabama, Mỹ đã quyết định không bắt giam một phụ nữ lớn tuổi ăn trộm trứng, mà thay vào đó anh đã mua 1 hộp trứng tặng cho bà.

Báo chí địa phương đưa tin sau khi vào siêu thị để mua đồ, bà Helen Johnson đã thiếu mất 50 xu mới đủ tiền mua 1 lố trứng, vì thế, bà nghĩ rằng nếu chỉ ăn trộm 5 quả trứng, bà đã có đồ ăn cho mấy đứa cháu đang ở nhà. Nghĩ vậy, bà Johnson bèn lấy 5 quả trứng bỏ vào túi áo khoác. Tuy nhiên, đúng lúc ra cửa, bà đã bị giữ lại.

Cảnh sát sau đó cũng đã được gọi tới để xử lý vụ việc, tuy nhiên, thay vì bỏ tù người phụ nữ đáng thương, viên cảnh sát William Stacey đã mua 1 lố trứng tặng bà. Hành động của anh khiến bà Johnson vô cùng ngạc nhiên và xúc động bởi lúc đó, bà nghĩ chắc chắn bà sẽ bị ngồi tù vì tội trộm cắp.

Chia sẻ trên đài truyền hình địa phương WIAT-TV, bà Johnson cho biết gia đình bà rất khó khăn, vì vậy, họ luôn phải kiếm ăn từng bữa. Lúc bà đặt chân vào siêu thị Dollar General, mấy đứa cháu của bà ở nhà đã phải nhịn đói suốt 2 ngày. Bởi vậy, bà đã đánh liều lấy trộm 5 quả trứng. “Tôi nghĩ nếu không kiếm được gì cho mấy đứa nhỏ ăn, chúng sẽ chết đói,” bà Johnson nói.

Sau khi được tặng trứng, bà Johnson đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động. Bà cho biết “Viên cảnh sát này đã giúp tôi nhận ra con đường chân chính, và tôi sẽ không bao giờ quên.”

Trong khi đó, anh Stacey thì cho biết khi tới hiện trường, bà Johnson đã bật khóc nức nở và cố gắng vét sạch túi để đưa toàn bộ số tiền bà ấy có cho anh. “Tôi nói với bà ấy là đừng bao giờ làm chuyện tương tự như vậy nữa. Tôi hy vọng và cầu nguyện và chắc chắn rằng bà ấy sẽ không làm việc đó lần nữa”, anh Stacey nói.

Hành động cao thượng của cảnh sát Stacy đã được 1 người tình cờ nhìn thấy và ghi lại. Sau khi được đăng tải, đoạn clip đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người dân trên toàn thế giới.

Thế nhưng, câu chuyện tốt đẹp vẫn chưa dừng lại ở đó, vào ngày thứ Tư vừa qua, cảnh sát Stacy cùng đồng nghiệp đã có mặt tại nhà bà Helen Johnson (47 tuổi) để trao tặng cho gia đình bà 2 xe tải chất đầy đồ ăn. Món quà này được trao tặng với mong muốn bà Johnson cùng con cháu có được 1 Giáng sinh ấm áp và đủ đầy.

Những giọt nước mắt không ngừng tuôn rơi, bà Johnson cho biết “Lần cuối cùng nhà tôi có nhiều thức ăn như này là khi tôi 12 tuổi, lúc ấy, tôi còn sống với bà.”

Câu chuyện sau khi được trang Dailymail chia sẻ cũng đang thu hút gần 120.000 lượt “like” cùng hàng nghìn lượt chia sẻ. Hiện, hành động cao cả của viên cảnh sát William Stacy vẫn đang được ngợi ca trên toàn thế giới.

Đêm Havana & Ngày Hà Nội

Đêm Havana & Ngày Hà Nội

RFA

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến

Có nơi nào trên trái đất này

Mật độ đắng cay như ở đây?

Chín người – mười cuộc đời rạn vỡ.

Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy…

Có nơi nào trên trái đất này

Mật độ yêu thương như ở đây?

Mỗi tấc đất có một người qùi gối

Dâng trái tim và nước mắt

Cho nỗi đau của cả loài người …

Phùng Quán

Tôi chưa bao giờ đến Hà Nội, và cũng chưa bao giờ cảm thấy có chút xíu nào hào hứng khi nghĩ đến chuyện phiêu lưu tới một nơi xa xôi, lôi thôi và tai tiếng (tùm lum) như thế. Đã thế, đường thì xa, vé tầu thì mắc, thủ tục thì lôi thôi rườm rà, và lỡ mà kẹt luôn thì… chết mẹ!

Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nghĩ và nghe sao là nói vậy. Và cứ như vậy mà nói, chắc chắn, sẽ làm mích lòng cả đống người. Tôi biết vậy nhưng không thể nào nói khác vì những điều mà tôi được nghe kể về Hà Nội (thường) không có gì là đàng hoàng hay tử tế –  đại loại như:

“Lời ăn tiếng nói lễ độ cũng khó gặp, chứ đừng nói gì đến văn vẻ… Một cô gái có thể nói oang oang giữa chợ:

– Nó rủ tao đi nhưng tao đ… đi.

– Sáng nay mẹ mày qua xin lửa bố tao, bố tao đ… cho…”

“Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá (Phạm Xuân Đài. Hà Nội trong mắt tôi. Thế Kỷ: Hoa Kỳ 1994, 32-33).

Trời đất, đó là chuyện nhỏ và chuyện cũ (rích) rồi – từ hồi thế kỷ trước lận – bới móc ra làm chi nữa, cha nội ? Thì rành rành là chuyện bây giờ, thế kỷ XXI đây nè, Hà Nội vẫn cứ y chang như hồi đó – chớ có khác (mẹ) gì đâu:

“Những đứa bé trai và gái bưng thức ăn cho khách vẫn là những đứa bé đã được mô tả trong tiểu thuyết Nam Cao hay Trương Tửu cách đây năm sáu thập niên, còm cõi, nhọc nhằn, cơ cực, chỉ biết cúi đầu vâng dạ và sống quen với lo âu, sợ hãi….”

“Những anh chị phu hồ vẫn làm việc bằng những cung cách từ nửa thế kỷ trước. Họ chuyền tay nhau mọi thứ vật liệu. Cát, đá và sạn đựng trong những cái rổ, đà gỗ vác trên vai. Một ngày dầm mưa hay đổ mồ hôi như thế của một người phu hồ trị giá một đô la và một bữa ăn trưa thanh đạm. Hơn một phần tư thế kỷ thực hiện ‘chủ nghĩa xã hội ưu việt’ trong nước, hơn một phần tư thế kỷ kêu gào tự do và nhân quyền của khối người việt lưu vong hải ngoại, chẳng có chút ánh sáng nào rọi vào những góc đời phiền muộn tối tăm này” (Bùi Bích Hà, “Nhìn lại quê hương,” Thế Kỷ 21, Sep. 2003:63-65).

Phạm Xuân Đài và Bùi Bích Hà, nói nào ngay, không phải là người Hà Nội. Họ là dân bá vơ, tha phương cầu thực, cù bơ cù bất, ở tận California hay đâu đâu đó. Cả hai chỉ tạt ngang, ghé chơi Hà Nội năm ba ngày hay vài ba tuần lễ gì thôi. Biết (khỉ mốc) gì đâu mà nói hành nói tỏi (nghe thấy ghét) dữ vậy chớ?

Nguyễn Huy Thiệp thì khác à nha. Ông ta là niềm hãnh diện của Hà Nội (nói riêng) và của cả nước Việt (nói chung). Ổng có dư thẩm quyền và thừa tư cách để nói về thủ đô “mến yêu của ta.”. Trong tác phẩm Tuổi hai mươi yêu dấu, nhà văn  đã mượn lời một nhân vật để tuyên bố như sau:

“Thời của tôi đang sống là thời chó má. Tin tôi đi, một trăm phần trăm là như thế đấy.”

Ý, trời đất, quỉ thần, thiên địa ơi! Giữa Thời đại Hồ Chí Minh (quang vinh), và trong lòng thủ đô Hà Nội – nơi mà cách đây chưa lâu người ta vẫn còn phải nhai rón rén khi ăn – mà thằng chả nói năng ồn ào, lạng quạng và bạt mạng (quá cỡ) như vậy thì kể như là… hết thuốc!

Và Hà Nội không phải là nơi duy nhất hết thuốc (chữa) như thế trên thế giới này. Tôi nghe kể là ở thủ đô của Cuba – một nước anh em xã hội chủ nghĩa – tình trạng cũng bết bát, và bệ rạc không kém:

“Ở La Havanne vài ngày dần dần bạn hiểu cái khang trang, sầm uất ở những nơi có du khách chỉ là bộ mặt bên ngoài che không nổi một xã hội lở lói, mệt mỏi… Cuba có hai thế giới, thế giới tưng bừng náo nhiệt của du khách, của những người có tiền xanh, bên cạnh thế giới mệt nhoài của dân địa phương. Sau 50 năm cách mạng, cái mơ của đa số dân Cuba là vượt biển qua Miami hay có bà con thỉnh thoảng gởi về một cái ngân phiếu” (Trần Công Sung,” Cuba Sí, Cuba No,” Thế Kỷ 21, Dec. 2003:78).

Đó cũng là cái ước mơ thê thảm, vượt quá tầm tay, của rất nhiều người dân Việt – bây giờ! Trong quá khứ, Cuba và Việt Nam cũng có rất nhiều điểm (bất hạnh) tương tự như nhau. Hai quốc gia này đều có thời gian dài là thuộc địa, và cả hai đều đã tin tưởng rằng sẽ giành lại được độc lập và tự do bằng con đường… cách mạng! Chung cuộc, cả hai đều sống dở (và chết dở) trong lòng cách mạng!

Ví von mà nói thì Havana và Hà Nội như hai cô bé lọ lem, song sinh, trong một gia đình khánh tận. Cả hai cùng có chung ước mơ là lấy được một tấm chồng đàng hoàng, lương thiện nhưng (chả may) đều phải lòng đúng đồ phải gió, và đã trao duyên lầm… tướng cướp! Và quí vị tướng cướp này đang làm cái công việc mà họ mệnh danh giữ hoà bình cho thế giới – nếu trích theo nguyên văn lời của ông Nguyễn Minh Triết, nguyên chủ tịch nước Việt Nam:

Có người ví von, Việt Nam – Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới! Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ…”

Havana, tuy thế, vẫn còn “có phước” hơn Hà Nội. Bi kịch của La Havanne chỉ xẩy ra vào lúc có mặt trời – theo lời của Trần Công Sung:

“Đêm xuống, dân Cuba quên cái cực nhọc ban ngày, đổ ra đường nhộn nhịp… Quên dollars, quên cách mạng, quên những bài diễn văn dài tám giờ, quên embargo, người ta đàn hát nhẩy múa náo nhiệt. Không phải chỉ ở những khu du khách, ngay cả ở những khu bình dân, đen tối, trong những tiệm cà phê rẻ tiền…, đâu đâu cũng có tiếng nhạc, giọng hát…”

Nói cách khác là ban đêm thì dù Việt Nam có gác hay không, Cuba vẫn nghỉ.

Cho nó khoẻ!

Vẫn theo như nhận xét của Trần Công Sung thì ở Havana “có một cái gọi là cái hồn (“âme”). Cái hồn này đang nâng đỡ cho mọi người sống qua những ngày tháng cơ cực, đắng cay của thời mạt kiếp. Tôi còn tin rằng nó cũng sẽ giúp cho dân tộc Cuba hồi sinh chóng vánh, sau khi họ chôn xong cái Chủ nghĩa Xã hội (đang muốn “chuyển qua từ trần”) ở đất nước này.

Hà Nội (dường như) không có một cái hồn như thế để chuẩn bị hồi sinh, dù CNXH cũng chỉ còn sống thoi thóp ở nơi này. Tôi chưa bao giờ nghe ai nói đến có một đêm nào đó (dù chỉ một đêm thôi) người dân Hà Nội đã đổ ra đường, đàn hát, nhẩy múa nhộn nhịp, một cách hồn nhiên và vô tư như vậy cả.

Tình trạng của Hà Nội có vẻ tuyệt vọng hơn, theo như nhận xét của nhà văn Bùi Bích Hà – qua bài báo thượng dẫn: “Người ta chỉ cần một hai thập niên để vực dậy một nền kinh tế sa sút nhưng để xây dựng lại niềm tin cho cả dân tộc, cụ thể như dân tộc tôi, nay chỉ còn cầu phép lạ gieo xuống thưở đất hoang hoá này những hạt giống mới để bắt đầu lại.”

Cách đây không lâu – trên diễn đàn talawas – khi được hỏi “phải hình dung thế nào về văn hiến Thăng Long,” giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã (rơm rớm nước mắt, tôi đoán thế) kể lại rằng: “Gần đây có một vị viện sĩ định nghĩa văn hiến là văn học để hiến dâng cho Đảng.”

Thiệt, nghe mà… hết hồn luôn! Havana là một thành phố non trẻ, mới có mặt từ đầu thế kỷ thứ XVI mà khí phách và hồn phách vẫn còn lai láng qua từng bước chân nhún nhẩy của người dân – dù nơi đây công an (chắc) không ít hơn Hà Nội. Không lẽ mảnh đất ngàn năm văn vật, lừng lẫy cỡ như Thăng Long, mới đụng chuyện với cường quyền và bạo lực (có vài chục năm) mà đã “mất hồn mất vía” và “chết tiệt” hết thế sao?

Tôi không tin như vậy đâu. Và tôi cũng không chịu như vậy nữa. Đảng CSVN quả thực đã hớp được hồn của một mớ “viện sĩ” ở Bắc Hà nhưng những chú lính gác cửa của Bắc Kinh (hay còn có tên gọi mới, dễ thương hơn, là “những kẻ canh giữ cho hoà bình thế giới”) chưa bao giờ thực sự nhìn ra được cái hồn của đất Thăng Long, chớ đừng nói chi đến chuyện họ “đụng” được tới nó.

Do tình cờ, tôi có lần (may mắn) cảm thấy được cái hồn của Hà Nội trong một căn hộ nhỏ – ở ngõ Ánh Hồng, cạnh một nhà xí công cộng, luôn luôn ngập ngụa cứt đái – của một người đàn bà tên Sợi.

Chị Sợi có một mẹt hàng ở đầu ngõ, bầy bán các thứ linh tinh: ấm nước chè, gói thuốc lào, bao thuốc lá, lọ ô mai, gói bánh bích qui. Chị không có vốn nên hàng hoá lèo tèo, thảm hại.

Chị Sợi bán hàng không đủ thunhập để nuôi mình, và nuôi người mẹ bệnh đang nằm chờ chết nên – đôi lúc – buộc phải bán cả thân. Mẹt hàng, cũng như thân xác “xuống cấp” của người đàn bà đã quá thời xuân sắc này, chỉ hấp dẫn được một loại khách hàng duy nhất: đám ăn mày.

“Trong số những người chồng hờ ấy, chị đặc biệt yêu quý một anh ăn mày trẻ, còn ít tuổi hơn chị. Anh ta đến với chị không như người đến với gái làng chơi.

Anh đã kể cho chị nghe chuyện chân anh. Còn chị kể cho anh chuyện mẹ chị. Khi bị ngã gẫy xương hông, nằm liệt, ba năm đầu cụ hát. Ba năm sau cụ chửi. Và một năm nay cụ yên lặng. Mỗi khi có khách lên gác lửng cùng chị, cụ nhắm mắt giả cách ngủ.

Anh thương chị. Chị thương anh. Chính anh đã mượn cưa, bào ở đâu về cưa, bào, đo, cắt mộng mấy tấm gỗ cốp pha, ráp thành cái áo quan cho cụ. Và cũng chính anh, dù què một chân cũng đã bắc ghế trèo lên, xây thêm hai hàng gạch quanh tường bao cho nó cao thêm, chắn bớt cái hơi nhà xí tạt vào.

Người thứ hai chị Sợi yêu quý là một phụ nữ. Một bà già. Bà cụ Mít. Đó là một bà già thấp bé, lại còng, mặt chằng chịt vết nhăn, chẳng biết bao nhiêu tuổi nữa. Chính bà Mít cũng không biết mình bao nhiêu tuổi…

Bà ở vùng Hà Nam, Phong Cốc. Anh con trai duy nhất của bà a dua với bọn xấu trong làng đi ăn trộm lợn. Án xử hai năm. Trong tù bị bọn đầu gấu đánh chết. Người con dâu bỏ đi lấy chồng, để lại cho bà hai đứa cháu gái, đứa chín tuổi, đứa bảy tuổi.

– Bây giờ một đứa lên tám, một đứa lên mười rồi cô ạ. Vài năm nữa, chúng nó lớn khôn là tôi không lo gì nữa. Tôi có chết cũng không ân hận.

Một lần bà Mít đến, nắm lấy bàn tay chị:

Em ơi. Chị nhờ em một cái này được không.

Bà ngập ngừng. Chị Sợi không hiểu chuyện gì. Nhưng rõ ràng là một việc hệ trọng, rất hệ trọng đối với bà.

– Giúp chị với em nhé. Chị tin ở em.

Thì ra bà muốn gửi chị tiền. Tiền là vàng, là cuộc sống của hai đứa cháu côi cút của bà ở quê. Chúng còn bé lắm. Chúng mồ côi, chúng mong bà. Chúng cần tiền của bà. Bà phải nuôi chúng. Chúng chưa thể tự kiếm sống được, chưa thể tự lo liệu được. Để nhiều tiền trong người, bà sợ. Suốt ngày đi bộ rạc cẳng mà đêm cứ ngủ chập chờn. Nên nghe chừng thấy nằng nặng hầu bao, bà phải mang tiền về quê.

……

Mùa rét bao giờ cũng là thời gian gay go của chị. Hàng họ ế ẩm. Khách đến nhà cũng ít. Bù lại với đám ăn mày, mùa rét là mùa cưới xin, mùa bốc mả. Trong khi hiếu, hỷ, người ta rộng rãi với ăn mày. Bà cụ Mít vẫn thỉnh thoảng tới chỗ chị để cho chị hòn xôi, miếng thịt. Bà kêu rét và gửi chị thêm một ít tiền. Chị bảo bà đã gửi bốn lần tiền rồi sao không mang về cho các cháu kẻo chúng nó mong, đã lâu rồi bà chưa về nhưng bà Mít nói:

– Tôi cố thêm ít ngày nữa. Rồi về ở với chúng nó một thời gian. Ngoài giêng tôi mới ra. Bà cháu xa nhau lâu quá rồi. Lại còn phải cố mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới mặc Tết.

Nhưng cả tháng sau bà Mít vẫn không quay lại. Chị Sợi biết rằng có chuyện chẳng lành nhưng vẫn hy vọng được thấy dáng người nhỏ còng còng của bà trong tấm ni-lông vá víu chống gậy, khoác bị bước tới. Chị chưa chờ ai đến như vậy. Lo lắng. Hy vọng. Tuyệt vọng. Chắc chắn bà Mít đã chết ở đâu rồi!

Chị Sợi kiểm lại số tiền bà Mít gửi một lần nữa. Rồi gấp những tờ giấy xi-măng, những túi ni-lông. Cho tất cả vào một cái túi xách. Bây giờ chị không chờ bà Mít nữa. Chị chờ anh què đến. Chị bảo anh:

– Bà Mít chết thật rồi. Anh phải giúp em. Ở đây trông nom, cơm nước, rửa ráy cho mẹ em vài ngày. Em phải đi đây.

– Em biết quê bà ở đâu mà tìm?

– Cứ về Hà Nam, Phong Cốc hỏi. Thế nào cũng ra. Hỏi dân. Hỏi tòa án.

Phải đem chỗ tiền này về cho hai đứa trẻ mồ côi. Phải thực hiện nguyện ước của bà cụ, kể cả việc mua hai bộ quần áo mới cho chúng nó…”

Chị Sợi, anh què – cũng như bà Mít – cho đến lúc chết vẫn chưa có đêm nào ôm đàn ngồi hát, hay đổ ra đường nhẩy nhót nhộn nhịp, như những người dân ở Havana. Ngày cũng như đêm họ sống ẩn nhẫn, thầm lặng trong những con hẻm hôi thối luôn ngập ngụa phân người giữa lòng Hà Nội.

Chính ở những nơi tăm tối này, họ đã giấu kín được nguyên vẹn cái hồn của cả một dân tộc qua từng nhịp thở và nhịp đập của tim. Và tôi cũng cảm được cái hồn lai láng (như thế) khi viết những dòng chữ này, dù nơi tôi đang sống cách xa Việt Nam hơn nửa vòng quả đất.

Sau khi đọc xong “Truyện không tên,” tôi đã viết thư cảm ơn tác giả vì đã mở cho tôi thấy cái hồn của dân tộc Việt. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn nói rằng ông không viết truyện mà chỉ kể lại chuyện đời của chị Sợi, theo như lời chính chị tâm sự – thế thôi.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A và đoàn đại biểu Diễn đàn XHDS viếng cố nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ảnh và chú thích: http://danquyenvn.blogspot.

Bùi Ngọc Tấn đã ra người thiên cổ nhưng chị Sợi, anh Què vẫn còn đang sống tại Hà Nội. Nơi đây, không phải lúc nào ra ngõ cũng gặp anh hùng hay gặp một ông (hoặc một bà) tiến sĩ. Đôi khi, chúng ta vẫn gặp được những mảnh hồn của mảnh đất này nhưng không có cơ duyên để nhận biết thôi.

Tổng thống Mỹ cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giúp Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ

Tổng thống Mỹ cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giúp Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ

Dongten.net

10603583_1589041321326421_8493729717557828970_n

Trong bài diễn văn trên truyền hình hôm qua, thứ tư ngày 17/12/2014, tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng ca ngợi và cám ơn những nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc tìm kiếm giải pháp tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba.

Ông Obama cho biết Đức Giáo hoàng đã gửi thư riêng cho hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba, qua đó hối thúc 2 nhà lãnh đạo tìm kiếm giải pháp trả tự do cho Alan Gross, một công dân Mỹ bị Cuba cầm tù.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một lời kêu gọi cá nhân đến tôi và chủ tịch Cuba Raul Castro để hối thúc chúng tôi giải quyết trường hợp của Alan,” Ông Obama cho biết.

Cuối bài diễn văn, ông Obama đã gửi lời cám ơn Đức Phanxicô vì gương sống của ngài.

“Đặc biệt, tôi muốn cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì đời sống đạo đức của ngài cho chúng ta thấy rằng chúng ta phải dấn thân cho một thế giới nên là chứ không phải đơn thuần bằng lòng với một thế giới như hiện tại.”

Trong một động thái tương tự, ông Raul Castro, chủ tịch Cuba phát biểu trên truyền hình đã ngỏ lời cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về sự kiện mang tính lịch sử khi Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ.

Chỉnh Trần, S.J.

Biên dịch

Người Thượng VN ‘ra khỏi rừng Campuchia’

Người Thượng VN ‘ra khỏi rừng Campuchia’

Người Thượng Việt Nam

Nhiều nhóm người Thượng Việt Nam bị chính quyền Campuchia từ chối cho tị nạn, theo LHQ.

Một nhóm tám người Thượng chạy trốn chính quyền Việt Nam ra khỏi nơi ẩn trú trong một rừng rậm ở Campuchia để gặp gỡ giới chức của Cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc, theo hãng tin AFP.

Hôm thứ bảy nhóm người được cho là người Jarai trốn đi từ vùng Tây Nguyên của Việt Nam đã được các viên chức tị nạn đưa ra khỏi khu rừng ở mạn Đông Bắc tỉnh Rattanakiri của Campuchia vào buổi sáng.

Còn năm người Thượng khác vẫn chưa ra khỏi rừng rậm, theo các nhà hoạt động nhân quyền, trong lúc có tin có tất cả 16 người, thay vì con số mười ba người, trong toàn nhóm tìm kiếm tị nạn trốn qua biên giới Campuchia.

Nhóm tị nạn trong đó có một phụ nữ đã phải lẩn trốn trong suốt bảy tuần ở một khu vực có nguy cơ bị tấn công bởi bệnh sốt rét, nhưng cho hay họ không dám tiếp xúc với chính quyền tỉnh Rattanakiri vì sợ bị chính quyền ‘bắt giữ và trục xuất’ ngược trở lại Việt Nam, vẫn theo hãng tin Pháp.

“Chúng tôi đã chuyên chở họ ra khỏi khu rừng”, một nhân viên của Liên hiệp quốc cho AFP hay.

Trong khi đó, có tin một nhóm năm người Thượng chạy trốn khác vẫn còn đang ẩn trốn trong rừng, theo các nhóm hoạt động nhân quyền.

 

“Họ đã đưa những người đó tới Phnom Penh, nhưng việc những người đó có được coi là tị nạn hay không sẽ do quốc gia sở tại quyết định

Người phát ngôn Bộ nội vụ Campuchia”

Các nhóm này cáo buộc chính quyền địa phương và trung ương Campuchia có những liên hệ với chính quyền Việt Nam mà theo đó đã có nhiều nhóm tị nạn khi vượt biên giới vào Campuchia bị trả lại cho Việt Nam và bị Phnom Penh từ chối quyền tị nạn.

Tuần trước, ông Khieu Sopheak, một phát ngôn nhân của Bộ Nội vụ Campuchia cáo buộc Liên hiệp quốc đã ‘vi phạm chủ quyền’ của nước này khi giải cứu và giúp đỡ những người tìm kiếm tị nạn mà không có sự đồng ý của chính quyền Campuchia.

“Họ đã đưa những người đó tới Phnom Penh, nhưng việc những người đó có được coi là tị nạn hay không sẽ do quốc gia sở tại quyết định,” quan chức này nói với truyền thông quốc tế trong một cuộc họp báo.

Còn Liên hiệp quốc nói chính quyền Campuchia đã từ chối tạo điều kiện để LHQ tiếp cận, giúp đỡ những nhóm cần cứu trợ ‘là những người thiểu số Jarai’ vốn bị ‘đau ốm, thiếu thốn lương thực, thức ăn’ và bị các căn bệnh như ‘sốt rét’ đe dọa.

‘Đàn áp người Thượng’

Nhiều tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế từng ra phúc trình cáo buộc chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp người Thượng ở Tây Nguyên, cũng như phê phán chính quyền Campuchia đã ‘không tôn trọng và vận dụng các thỏa thuận và nguyên tắc nhân đạo quốc tế’ với người tị nạn

Trong một bản phúc trình gần đây của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), có từ hàng trăm tới hàng nghìn người Thượng ở Việt Nam đã bị chính quyền Việt Nam ‘phân biệt đối xử, và bị ‘ngăn cản’ được hưởng nhiều quyền con người và quyền công dân cơ bản, trong đó có quyền về tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

LHQ

Liên hiệp quốc tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình người Thượng tị nạn chạy trốn khỏi VN.

Đã diễn ra nhiều vụ bắt giữ, bỏ tù có ‘đưa ra tòa hay không’ nhắm vào những nhóm ‘sắc tộc thiểu số’ ở Tây Nguyên với các cáo buộc “vi phạm an ninh quốc gia”, tự động “biểu tình và làm lễ” trái phép tại các địa điểm thờ tự không được pháp luật công nhận, theo các nhóm hoạt động nhân quyền.

Một số Tổ chức nhân quyền quốc tế và khu vực cũng cáo buộc chính quyền Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc ‘truy bắt’ người Thượng lẩn trốn, giải tán các buổi lễ tôn giáo và bắt ‘tín đồ bỏ đạo, cải đạo’ và bỏ tù hàng trăm người Thượng mà trong thời gian ‘bị bắt, giam giữ, truy tố, xét xử, lĩnh án, thì các quyền bị can, bị cáo và quyền với tù nhân’ của họ không được tôn trọng.

Về phần mình, Chính quyền Việt Nam luôn khẳng định không có việc đàn áp tôn giáo ở trong nước, và phản biện rằng các tổ chức nhân quyền nói trên là “thiếu thiện chí” và đưa ra các thông tin “không trung thực”, “phiến diện” về tình hình nhân quyền Việt Nam.

Việt Nam hiện đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc.

Được biết, người Thượng là danh từ chỉ các nhóm sắc tộc thiểu số mà trong đó có số đông theo các tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Tin lành, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, cao nguyên Trung phần của Việt Nam, nhiều nhóm trong đó sống ở các địa bàn tiếp giáp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

Lịch sử những ca khúc Giáng Sinh nổi tiếng thế giới

Lịch sử những ca khúc Giáng Sinh nổi tiếng thế giới

http://baomai.blogspot.com/

Chỉ còn ít ngày nữa là mùa Giáng Sinh, một trong những ngày lễ hội mang tính tôn giáo lớn nhất hành tinh sắp sửa về. Và trong chương trình âm nhạc kỳ này, chúng tôi xin được cùng quí vị một lần nữa điểm lại sự ra đời của những ca khúc Giáng Sinh bất hủ tiêu biểu.

Silent Night

http://baomai.blogspot.com/

Silent Night, đây được xem là một trong những thánh ca lâu đời nhất, do một cha xứ người Áo viết năm 1817. Xác định sự ra đời của ca khúc này là cả một sự tranh cãi kéo dài… mãi cho đến năm 1995, khi người ta tìm được bản chép tay của bài nhạc thì tác giả mới chính thức được công nhận, đó là linh mục nghèo mang tên Joseph Morh với phần soạn nhạc của một thầy giáo trường làng Franz Gruber.

http://baomai.blogspot.com/

Hơn 40 năm sau đó, 1895 ca khúc này được linh mục John Young dịch sang tiếng Anh và bài hát nhanh chóng đến với công chúng, nhất là trong kỳ Đệ Nhất Thế Chiến, quân đội của cả 2 bờ chiến tuyến Anh và Đức đều có thể hát được theo 2 ngôn ngữ riêng.

http://baomai.blogspot.com/

Người ta nói rằng, những giai điệu thiêng liêng, trong trẻo ngân vang như tiếng thở đêm đã phần nào xoa dịu nỗi đau thể xác của binh lính khi đó… Giờ đây, gần 200 năm sau, Silent Night đã được dịch ra hơn 140 thứ tiếng và bản gốc đã được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2011.

httpv://www.youtube.com/watch?v=xRQzyAPfsIg

The First Noel

http://baomai.blogspot.com/

Cùng với Silent Night, bản The First Noel cũng thường được vang lên báo hiệu mùa Giáng Sinh đã về. Các nguồn tài liệu nói về sự ra đời bài hát này rất khác nhau, có nơi nói rằng bài hát này ra đời ở Pháp bởi có chữ Noel, nhưng có tài liệu khác lại cho rằng bài hát bắt nguồn từ xứ Cornwall của nước Anh.

http://baomai.blogspot.com/

Có thể nói The First Noel là một trong những bản nhạc Giáng Sinh ra đời sớm nhất, nó xuất hiện từ thế kỷ 16, thế nhưng đến nay nó không hề bị quên lãng. Bài hát ca ngợi sự tinh túy của lễ Giáng Sinh, là hồi chuông hân hoan loan báo tin vui ngày Chúa giáng trần, ca khúc mang chất dân ca… Lúc đâu người ta cho rằng bài hát có tên The First O Well hay The First Nowell, bài hát gần đây được trình bày thành công qua tiếng hát của nhóm Celtic Woman của Ireland.

httpv://www.youtube.com/watch?v=mawwURNqPC0

O Holy night

http://baomai.blogspot.com/

Cùng với chất nhạc nhẹ nhàng, ngân vang rung lên hòa nhịp với tiếng chuông ngân đổ dồn đêm Giáng Sinh, người ta không thể không nhắc tới O Holy Night.

Ca khúc này khởi nguồn từ nước Pháp, theo lời yêu cầu của một linh mục không tên tuổi, do một thi sĩ viết và một người Do Thái phổ nhạc… lần đầu tiên ca khúc được cất lên là vào năm 1847, đây là một trong những bản thánh ca được thu âm và trình diễn nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc với hàng trăm triệu đĩa hát do nhiều tên tuổi lẫy lừng trình bày.

http://baomai.blogspot.com/

Một trong những người đã trình bày rất thành công là Celine Dion, cô đã đáp ứng được độ khó và yêu cầu khắt khe về âm nhạc, nhạc cảm để đưa O Holy Night – Đêm Thánh Vô Cùng trở thành một dấu son trong sự nghiệp biểu diễn.

httpv://www.youtube.com/watch?v=q5n6X9sUznI

Jingle Bells

http://baomai.blogspot.com/

Khác với chất nhạc thánh ca trầm buồn, nhiều bản nhạc viết về Giáng Sinh nổi tiếng khác lại mang không khí vui tươi của lễ hội lớn nhất hành tinh. Trong số những bài hát vui nhộn này, Jingle Bells – Tiếng Chuông Ngân không thể bỏ qua.

http://baomai.blogspot.com/

Jingle Bells do nhạc sĩ James Lord Pierpont sáng tác năm 1857, rất nhiều bản cover với nhiều thể loại khác nhau đã xuất hiện như jazz, rock, pop… nhưng rõ ràng giai điệu nguyên thủy vui tươi vang ngân của tiếng chuông, thúc giục người người hãy hòa mình vào thiên nhiên, trời đất đón một mùa giáng sinh an lành vẫn được yêu mến hơn cả. Trong Jingle Bells người ta thấy được trọn vẹn bức tranh của ngày lễ Giáng Sinh với ông già Noel cưỡi xe tuần lộc, màu trắng của tuyết, màu xanh của thông, màu đỏ của ông già Noel và hơn hết là tiếng chuông ngân vang đổ dồn từ những giáo đường.

httpv://www.youtube.com/watch?v=p07T4dlw2cc

Joy to the World

http://baomai.blogspot.com/

Cùng để ngợi ca Chúa hài đồng, Joy To The World – Phước Cho Nhân Loại cũng là một trong những ca khúc Giáng Sinh nổi tiếng khác mà được rất nhiều người mến mộ. Nội dung bài hát là thông điệp chuyển tải niềm vui và tinh yêu thế chỗ cho những tội lỗi và đau buồn.

http://baomai.blogspot.com/

Dựa trên ý tưởng từ Kinh Thánh, lời của ca khúc do Issac Watts viết nên và phần âm nhạc được Lowell Mason đưa vào. Người ta nói rằng bài hát lần đầu được thu âm là năm 1954 và đĩa ghi âm nổi tiếng của Joy To The World là bản hòa tấu dưới sự điều khiển của Percy Faith và đến hôm nay thì Joy To The World vẫn luôn thuộc top đứng đầu trong những bảng xếp hạng về nhạc Giáng Sinh hay nhất.

httpv://www.youtube.com/watch?v=O5hj518Iugk

Từ Anh chị Thụ Mai gởi

THẬT KỲ LẠ !

THẬT KỲ LẠ !

Bản dịch của Gs. Trần Duy Nhiên

1. Thật kỳ lạ: Tờ giấy bạc năm chục nghìn sao có vẻ rất lớn khi dâng tặng cho Nhà Thờ, mà sao lại nhỏ thế khi mình đi mua sắm ?

2. Thật kỳ lạ: Hai giờ trong Nhà Thờ sao có vẻ dài lê thê, mà sao lại ngắn đến thế khi xem một tập phim truyền hình ?

3. Thật kỳ lạ: Mình không thể tìm ra một lời để nói khi cầu nguyện, mà không biết lời đâu lại sẵn thế khi tán gẫu với bạn bè ?

4. Thật kỳ lạ: Đọc một chương Kinh Thánh sao mà quá khó khăn, mà đọc 100 trang tiểu thuyết tình cảm hay kiếm hiệp thì sao lại dễ đến thế ?

5. Thật kỳ lạ: Sao ai ai cũng muốn ngồi hàng đầu khi nghe ca nhạc, mà lại làm đủ mọi cách để ngồi hàng cuối trong Nhà Thờ ?

6. Thật kỳ lạ: Sao chúng ta cần phải biết một việc làm cho Giáo Hội 2, 3 tuần trước đó để rồi còn xếp lịch, mà lại sắp xếp ổn thoả các việc khác vào giờ phút cuối cùng ?

7. Thật kỳ lạ: Học về Chúa để chia sẻ cho anh chị em sao quá khó khăn, mà học hiểu rồi truyền miệng những chuyện tầm phào sao lại dễ dàng đến thế ?

8. Thật kỳ lạ: Sao mình có thể tin mọi thứ mà báo chí nêu ra, mà lại thắc mắc hoài nghi mãi về những lời Kinh Thánh ?

9. Thật kỳ lạ: Sao ai ai cũng muốn có một chỗ trên Thiên Đàng, mà lại không muốn tin, không muốn làm hay nói điều gì để được lên đấy ?

10. Thật kỳ lạ: Sao khi mình gửi chuyện cười bằng E-mail thì tin rằng người ta chuyển ngay, nhưng khi sắp gửi một bức thư nói về Chúa thì mình lại đắn đo suy nghĩ trước khi đem chia sẻ ?

Thật là kỳ lạ phải không nào ? Giờ đây bạn đã đọc lá thư này xong, thì bạn hãy chuyển đến cho một người bạn, một thân nhân hay một người nào đó không ưa bạn. Nếu bạn quên hoặc không muốn làm như vậy, thì chẳng những bạn mất cơ hội được Chúa chúc lành, mà bạn còn làm mất cơ hội của những người có thể đang cần đến Chúa trong đời họ.

KHUYẾT DANH,

Bản dịch của Gs. Trần Duy Nhiên

Đài truyền hình SBTN vận động phục hoạt và điều chỉnh luật HO cho các thương phế binh VNCH

Đài truyền hình SBTN vận động phục hoạt và điều chỉnh luật HO cho các thương phế binh VNCH

Chuacuuthe.com

VRNs (10.11.2014) – California, USA – Đài SBTN đã khởi xướng một chiến dịch để vận động cho việc phục hoạt và điều chỉnh lại dự luật HO cũ, nhằm giúp đỡ các sĩ quan thương phế binh VNCH và gia đình họ có thể sang định cư tại Hoa Kỳ.

Ngoài việc gây quỹ cứu trợ cho các thương phế binh VNCH tại Việt Nam hằng năm, đây là một nỗ lực mới nhất của đài SBTN trong việc cứu trợ những mảnh đời khốn khổ này cho tương lai dài hơn.

Phóng viên Ngọc Trinh của STBN cho biết: “Để bắt đầu cuộc vận động này, vào chiều thứ Hai ngày 03.11.2014, phái đoàn có đại diện của SBTN và Hội HO cứu trợ Thương Phế Binh VNCH đã có buổi gặp gỡ với bà Dân biểu liên bang Loretta Sanchez tại văn phòng của bà để trình bày về chiến dịch cũng như mong muốn sự ủng hộ của bà trong việc đề nạp dự luật phục hoạt và điều chỉnh chương trình HO lên với Quốc hội Hoa Kỳ. Tiếp theo đó vào chiều thứ Ba ngày 04.11.2014, đài truyền hình SBTN đã hân hạnh được tiếp đón Dân biểu liên bang Alan Lowenthal trong cùng mục đích vận động này.

141109005

141109006

Và vào thứ Năm ngày 06.11.2013, đại diện SBTN là nhạc sĩ Trúc Hồ và Ls Đỗ Phủ đã có một buổi gặp gỡ đặc biệt với Thượng nghị sĩ John McCain tại văn phòng của ông ở Arizona để tiếp tục cho việc vận động này. Được biết Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu chiến binh Hoa Kỳ và tù nhân trong chiến tranh Việt Nam cũng là một trong những người đã hỗ trợ rất nhiều trong việc vận động cho chương trình HO ngày xưa. Ông rất vui khi nghe các đại diện của SBTN trình bày và hứa sẽ làm hết tất cả để giúp đỡ cho chiến dịch vận động được đạt nhiều thành quả”.

141109004

Về lịch sử của việc đoàn tụ ODP và HO, bài viết đăng trên website của STBN cho biết, từ năm 1979 vì lý do nhân đạo, chính phủ Hoa Kỳ đã tiến hành Chương trình Ra đi có Trật tự (Orderly Departure Program – ODP) cho người Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn. Chương trình ODP cho phép người Việt Nam tỵ nạn nhập cảnh vào Hoa Kỳ sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.

Trong một chương trình phụ với tên gọi HO (Humanitarian Operation), chính phủ Hoa Kỳ đã bào trợ cho các cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa định cư tại Hoa Kỳ. Chương trình nhắm vào 3 đối tượng chính:

– Các cựu tù nhân bị “tập trung cải tạo” trong vòng ba năm hoặc trờ lên.

– Các cựu tù nhân bị “tập trung cải tạo” trong vòng một năm hoặc trở lên và đã từng được huấn luyện tại Hoa Kỳ hoặc thuộc địa Hoa Kỳ.

– Các cựu tù nhân bị “tập trung cải tạo” trong vòng một năm trở lên và đã từng làm việc cho các ông ty tư nhân hoặc tổ chức của Hoa Kỳ.

Năm 2008, chương trình HO coi như được kết thúc.

141109007

Phóng viên Ngọc Trinh nhấn mạnh: “Tuy nhiên, trên thực tế sau năm 1975 trong quân đội có nhiều sĩ quan Quân Lực VNCH bị thương tích nặng trong chiến tranh, vì vậy những người này đã không phải đi cải tạo hoặc cải tạo không đủ 3 năm. Cho đến nay, họ vẫn còn bị kẹt tại Việt Nam và không được bảo trợ sang Hoa Kỳ trong chương trình HO.

Đây là những thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong chiến tranh. Nhất là dưới chế độ cộng sản, họ bị phân biệt đối xử, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, con cái không được học hành, đời sống gia đình khó khăn cùng cực. Nhiều người đã sống lây lất qua ngày ở các bến xe, các khu chợ, hay các khu nghĩa trang, và làm đủ thứ ngành nghề cùng cực bằng tấm thân tàn phế của mình”.

Theo SBTN

Việt Nam thừa nhận ‘bó tay’ với việc chống mại dâm

Việt Nam thừa nhận ‘bó tay’ với việc chống mại dâm

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV)Sau 10 năm đổ nhiều công sức, tiền của để “thi hành pháp lệnh phòng, chống mại dâm”, mới đây nhà cầm quyền CSVN đã thừa nhận “vẫn chưa làm chuyển biến được tình hình.”

Báo điện tử News Zing đưa tin, tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành pháp lệnh phòng, chống mại dâm sáng 19 tháng 12, 2014 ở Hà Nội, để né tránh trách nhiệm, ông Nguyễn Trọng Ðàm, thứ trưởng Bộ Lao Ðộng đã biện minh: “Mại dâm tại Việt Nam cũng sử dụng công nghệ cao nên khó kiểm soát.”



Dù bị bắt bớ nhưng mại dâm ở Việt Nam vẫn diễn ra hàng ngày. (Hình: News Zing)

Ông Ðàm cho biết, mới đây 63 tỉnh, thành phố báo cáo hiện có gần 12,000 người bán dâm có hồ sơ quản lý (người bán dâm từng bị xử phạt, bắt giữ).

“Ðây là số người có hồ sơ quản lý của các cơ quan chức năng, còn con số thực tế về số người bán dâm có thể còn cao hơn nhiều do đây là một hoạt động khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó,” ông Ðàm nói.

Theo ông Ðàm, tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, HIV/AIDS qua đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn cao, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng gia tăng…

Ngoài ra, tệ nạn mại dâm cũng làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương.

Ðặc biệt, theo ông Ðàm, thời gian gần đây còn xuất hiện các đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới như gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng Internet, Facebook.

“Phải thừa nhận việc phòng, chống mại dâm còn nhiều bất cập, hạn chế. Thậm chí còn có biểu hiện làm ngơ của nhà cầm quyền. Nhiều địa phương, chính quyền chưa chỉ đạo quyết liệt dẫn đến tình trạng tồn tại các tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm thách thức dư luận,” ông Ðàm nhận định.

Ông Hoàng Văn Vĩnh, phó cục trưởng Cục Cảnh Sát Ðiều Tra Tội Phạm về Trật Tự Xã Hội, Bộ Công An cũng khẳng định, tình hình hoạt động mại dâm vẫn là vấn đề nhức nhối và về cơ bản vẫn chưa làm chuyển biến được tình hình.

“Từ năm 2008 đến nay, hoạt động mại dâm phát triển theo phương thức ‘gái gọi’ với việc sử dụng công nghệ cao để hoạt động liên tỉnh. Ðáng lưu ý là những tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm có sự tham gia của một số người mẫu, diễn viên, ca sĩ. Thậm chí gần đây trong Sài Gòn có cả mại dâm nam,” ông Vĩnh nói. (Tr.N)