10 thói hư tật xấu của người Việt Nam

10 thói hư tật xấu của người Việt Nam

Theo REDS VN

Dân tộc nào cũng có cái hay, cái đẹp nhưng cũng có những cái xấu, cái chưa hợp lý… Vấn đề quan trọng là biết hư thì sửa, biết xấu thì làm cho đỡ xấu và tiến tới làm cho đẹp hơn.

Người nước ngoài nhìn ta

1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.

2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.

3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).

4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.

5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê)

6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền.

7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).

8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.

9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.

10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (Cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).

Ta tự nhìn ta

1. “Giờ cao su”: Nhìn chung, ý thức giờ giấc của người Việt Nam rất kém. Nhiều bạn đi du học ở các nước phát triển lúc đầu rất hay bị bỡ ngỡ. Họ dễ bị trễ tàu, lỗi hẹn nhưng dần dần họ cũng khắc phục được. Ðến khi về nước họ lại khó chịu với “giờ cao su” của chúng ta.

2. Thiếu tự tin và óc phê phán: Ðây cũng là nhược điểm của văn hoá phương Ðông có lối sống khép kín. Nhiều bạn sinh viên năm thứ ba, thứ tư Ðại học mà vẫn ngại phát biểu ý kiến hoặc trình bày vấn đề trước đám đông vì thiếu tự tin, thiếu thói quen suy nghĩ, đi học chỉ biết “chép chính tả”. Kiểu giáo dục thụ động luôn tỉ lệ thuận với sức ì của tư duy và tỉ lệ nghịch với óc phê phán (critical thinking) của thanh niên.

3. Bệnh hình thức: Có bạn trong cơ quan hay công ty mình làm việc đang chẳng đâu vào đâu thì lại đi học master. Có bạn tốt nghiệp rồi mà chưa tìm được việc làm cũng đi học master. Tư duy nặng về “điểm chác”, bằng cấp rất phổ biến. Không xác định tư tưởng học để làm việc mà học để lấy bằng. Người Mỹ có quan điểm: to learn is to change. Còn chúng ta ra sức theo học rất nhiều lớp học nhưng rốt cuộc cách làm việc không thay đổi gì cả, điều khác là chúng ta có thêm mấy cái bằng bổ sung vào hồ sơ cá nhân.

4. Không tiết kiệm: hay tâm lí thích tiêu xài phung phí. Ðây là virus đang rất phổ biến và rất dễ lây lan trong giới trẻ. Họ quan tâm đặc biệt đến quảng cáo, thích xem các loại tem nhãn quần áo, nhận xét, đánh giá người khác qua tài sản, thấy thèm muốn, thán phục nếu ai đó có nhiều quần áo, xe, điện thoại, nhà…”xịn” hoặc tiêu xài sang hơn mình. Chúng ta đang tiêu dùng nhiều hơn chúng ta kiếm được.

5. Thiếu trách nhiệm cá nhân, thừa trách nhiệm tập thể: Nói chung trong những người bình thường, chúng ta thường hay đùn đẩy trách nhiệm, bất kỳ việc gì chuyển được sang cho người khác cũng đều thấy nhẹ cả người. Khi xảy ra sai phạm đó sẽ là lỗi chung của cả tập thể chứ không của riêng cá nhân nào. “Sẵn sàng” nhận cả “phần” không phải của mình…

6. Thể lực kém: xuất phát từ nhiều nguyên nhân như chế độ dinh dưỡng, chương trình học quá tải, học lệch, tâm lí lười vận động… Và hậu quả là khi làm việc với các đồng nghiệp nước ngoài, mặc dù rất cố gắng nhưng người Việt trẻ vẫn rất hay bị hụt hơi và cảm thấy khó có thể theo được cường độ làm việc của họ.

7. Thiếu thực tế: Ông Kim Woo Choong – Chủ tịch Công ty Deawoo viết: “tuổi trẻ không có ước mơ thì không phải là tuổi trẻ… lịch sử thuộc về những người biết ước mơ”. Nhưng đó là những ước mơ hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Chúng ta thường hay suy nghĩ viển vông, thiếu suy nghĩ thực tế và chưa có suy nghĩ học là để làm việc.

8. Tinh thần hợp tác làm việc theo team work còn hạn chế. Thế kỷ 21 là thế kỷ làm việc theo nhóm vì tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ngay cả văn học và nghệ thuật, một cá nhân cũng không thể đảm đương được. Mạnh ai nấy sống…

9. Tác phong công nghiệp: Ðây là điểm rất quan trọng, có thể bao hàm một vài điểm đã nêu trước. Một nhà xã hội học Mỹ nói về nguồn gốc của cách làm việc tiểu nông như sau: “Anh nông dân sau khi gieo lúa xong có thể nhậu lai rai, ngủ dài dài và chờ đến thời điểm nhổ cỏ, bón phân mới làm tiếp. Mà việc này có làm muộn vài ngày cũng chẳng sao, không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới. Nhưng một người công nhân đứng máy luôn luôn phải đúng giờ, có thao tác chính xác tuyệt đối và tinh thần kỷ luật cao. Một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tác hại đến cả dây chuyền.”

10. Thích đi trên lối đi có sẵn – Lối mòn, không thích tự mình mở ra một lối đi mới cho riêng mình.

S.T

Ông Trương Tấn Sang sẽ nghe về vụ hoãn tử hình Hồ Duy Hải

Ông Trương Tấn Sang sẽ nghe về vụ hoãn tử hình Hồ Duy Hải

Nguoi-viet.com

LONG AN (NV) – Đó là thông tin mới nhất liên quan đến nhân vật được hoãn thi hành án tử hình vào phút chót khi thời hạn tạm hoãn thi hành án tử hình đã cận kề.

Hồ Duy Hải người suýt bị tử hình hôm 5 tháng 12. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo báo chí Việt Nam, chủ tịch Nhà Nước Việt Nam sẽ nghe Tòa Án Tối Cao và Viện Kiểm Sát Tối Cao báo cáo về vụ án Hồ Duy Hải vào ngày 4 tháng 1.

Tuy Hội Đồng Thi Hành Án Tử Hình tỉnh Long An từng tuyên bố chỉ hoãn thi hành án tử hình Hồ Duy Hải trong một tháng để báo chí cung cấp thêm các bằng chứng, chứng minh Hồ Duy Hải vô tội song dường như việc thi hành án tử hình nhân vật này không thể thực hiện sau một tháng tạm hoãn như Hội Đồng Thi Hành Án Tử Hình tỉnh Long An mong muốn.

Tháng trước, vào trưa 4 tháng 12, phó chánh án Tòa Án tỉnh Long An, đã bút phê, đồng ý hoãn thi hành án tử hình đối với tử tội Hồ Duy Hải – người mà theo kế hoạch sẽ bị tiêm thuốc độc vào sáng sớm ngày 5 tháng 12.

Quyết định vừa kể cho thấy, do tác động của công luận, chỉ trong vòng ba ngày, hệ thống tư pháp Việt Nam bị đẩy vào thế phải xem lại hai bản án tử hình vốn là án chung thẩm.

Hai ngày trước khi phó chánh án Tòa Án tỉnh Long An kiêm Chủ tịch Hội Đồng Thi Hành Án Tử Hình của tỉnh Long An quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, hôm 2 tháng 12, Hội Đồng Giám Đốc Thẩm của Tòa Án Tối Cao Việt Nam cũng đã quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm – tuyên tử hình ông Hàn Đức Long vì “hiếp dâm trẻ em” và “giết người.”

Không riêng dân chúng, báo giới mà nhiều viên chức trong hệ thống tư pháp, hệ thống công quyền, luật sư, đại biểu Quốc Hội tin rằng tử tội Hồ Duy Hải và tử tội Hàn Đức Long vô tội.

Tử tội Hồ Duy Hải vốn là một sinh viên, bị hệ thống tư pháp Việt Nam xác định là thủ phạm vụ “giết người,” “cướp tài sản,” xảy ra tại bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An hồi năm 2008, khiến hai nữ nhân viên làm việc tại bưu điện này thiệt mạng. Cũng vì vậy, Hồ Duy Hải bị phạt tử hình.

Trong vài năm qua, nhiều luật sư và nhiều tờ báo tại Việt Nam liên tục đưa ra hàng loạt bằng chứng cho thấy tiến trình điều tra-truy tố-xét xử-phạt tử hình Hồ Duy Hải có nhiều điểm đáng ngờ (các dấu vân tay mà công an tỉnh Long An thu thập được tại hiện trường không phải là dấu vân tay của Hồ Duy Hải, kết quả giám định các mẫu máu thu được tại hiện trường cũng không xác định được là của Hồ Duy Hải. Dao, thớt mà công an bảo là hung khí Hồ Duy Hải đã sử dụng để giết hai nạn nhân đều mua ngoài chợ chứ không phải đã thu được tại hiện trường…) và đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án nhưng hệ thống tư pháp Việt Nam làm ngơ.

Đến hạ tuần tháng 11, đại diện Tòa Án tỉnh Long An đến gặp mẹ tử tội Hồ Duy Hải loan báo Hồ Duy Hải sẽ bị tiêm thuốc đốc và cho biết bà ta có thể làm đơn xin nhận xác con. Mẹ Hồ Duy Hải kêu cứu. Dấy nhiều người thuộc nhiều giới sử dụng Internet để vận động hoãn tử hình người mà họ tin là hàm oan…

Sáng 4 tháng 12, một số tờ báo loan tin Hồ Duy Hải sẽ bị tử hình vào sáng 5 tháng 12. Công chúng tỏ ra hết sức phẫn nộ. Đến trưa, phó chánh án Tòa Án tỉnh Long An bút phê, chấp nhận hoãn thi hành án tử hình để xem lại vụ án theo đề nghị của gia đình tử tội. Tuy nhiên tới chiều thì báo chí Việt Nam cho biết, việc hoãn thi hành án tử hình là theo yêu cầu của ông Trương Tấn Sang, chủ tịch Nhà Nước Việt Nam.

Hồ Duy Hải không phải là tử tội duy nhất suýt bị tước đoạt sinh mạng trong khi nhiều người tin là anh ta bị kết án oan. Ông Hàn Đức Long cũng vừa mới thoát khỏi án tử lơ lửng trên đầu.

Ông Long từng bị tuyên án tử hình hai lần và đây là lần thứ hai, Tòa Án Tối Cao Việt Nam quyết định hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm – phạt ông Hàn Đức Long tử hình vì “hiếp dâm trẻ em” và “giết người.”

Trước nay, công chúng, báo giới, nhiều luật gia, viên chức trong hệ thống tư pháp, hệ thống công quyền, đại biểu Quốc Hội cũng tin rằng ông Hàn Đức Long vô tội nhưng hệ thống tư pháp Viện Nam không tha mạng mà cũng chẳng thả ông.

Hồi năm 2005, công an Bắc Giang kêu gọi dân chúng tố giác thủ phạm đã cưỡng hiếp và giết một bé gái ở huyện Tân Uyên. Có hai phụ nữ là mẹ con, từng tranh chấp đất với ông Long, gửi đơn tố giác ông. Đây là lý do khiến công an Bắc Giang bắt ông Long.

Trong tù, ông Long nhận là thủ phạm nhưng tại tòa, ông Long kêu oan và tố giác công an đã tra tấn ông để buộc ông nhận tội. Ông Long bảo rằng, ông đành nhận tội với hy vọng có thể sống sót để kêu oan trước tòa. Cả phía công tố lẫn tòa án các cấp đều không thèm nghe ông Long kêu oan.

Thậm chí khi các luật sư đưa ra hàng loạt bằng chứng chứng minh, có nhiều chứng cứ cho thấy ông Long vô tội: Thời điểm bé gái bị cưỡng hiếp và bị giết, ông Long đang xay thóc với hàng chục người nhưng những cơ quan này không thèm xem xét.

Cả Tòa Án Bắc Giang lẫn Tòa Án Tối Cao cùng tuyên phạt tử hình ông Long. Hai bản án này bị Hội Đồng Giám Đốc Thẩm của Tòa Án Tối Cao Việt Nam hủy, yêu cầu điều tra lại. Năm 2011, dù hồ sơ vụ án vẫn còn vô số điểm đáng ngờ, cả Tòa Án Bắc Giang lẫn Tòa Án Tối Cao vẫn tuyên phạt tử hình ông Long thêm một lần nữa!

Với kiểu hoạt động và hành xử như vừa kể của hệ thống tư pháp Việt Nam, cả sinh viên Hồ Duy Hải lẫn ông Hàn Đức Long vừa thoát chết nhưng sau đó thế nào thì còn phải chờ. (G.Đ)

MẸ CHỒNG TÔI

MẸ CHỒNG TÔI

Tác giả: PHƯƠNG LAN, 2014

Trích EPHATA 635

Tôi sanh con đầu lòng được hai tháng thì chồng tôi báo tin mẹ chàng ở Việt Nam sắp qua đoàn tụ với chàng. Bình vui mừng nói: “Thật là đúng lúc, mẹ sẽ trông con cho em đi làm.”

Tôi giật mình lo sợ, biến cố này tôi chưa bao giờ nghĩ tới, mặc dù trước khi cưới, Bình có cho biết chàng đang làm thủ tục đón mẹ chàng qua. Bình và tôi lấy nhau đã bốn năm rồi, tôi chỉ biết về mẹ chồng qua những tấm hình và qua lời kể của Bình. Bà Thân, mẹ chàng là một thiếu phụ quê mùa, hiền lành, không may goá chồng từ năm chưa tới ba mươi tuổi, bà ở vậy, cực nhọc nuôi hai con ăn học nên người. Bình được đi du học bên Mỹ từ năm mười tám tuổi và ở lại luôn, sau biến cố 1975. Cô Thu, em Bình, năm nay hai mươi ba tuổi, trước đây vẫn ở với mẹ, nhưng cô mới lấy chồng là một Việt kiều, và theo chồng về Mỹ từ năm ngoái, ở khác tiểu bang với chúng tôi.

“Không thể để mẹ ở một mình.” Bình nói: “Cả đời mẹ hy sinh cho các con, khi về già ai nỡ để mẹ sống trong cô đơn. Trước đây mẹ ờ với cô Thu, anh yên tâm, nhưng Thu đi lấy chồng, bây giờ mẹ có một mình. Chúng ta sẽ đón mẹ về ở chung, em nhé ?”

Tôi chưa kịp trả lời, dường như Bình đọc được vẻ lo ngại trên nét mặt tôi, nên vội vã trấn an: “Đừng sợ, mẹ anh hiền lành, dễ tính lắm. Bà rất thương anh, tất nhiên cũng sẽ thương em, nhất là em vừa sanh cho bà đứa cháu đích tôn nối dòng.”

Tôi sanh ra và lớn lên trên nước Mỹ, nên chưa có khái niệm về những cảnh mẹ chồng, nàng dâu trong những gia đình Việt Nam cổ xưa, nghe thấy thế thì cũng xiêu lòng. Qua phút bối rối lúc đầu, tôi dễ dàng chấp nhận ngay, thầm nghĩ sẽ an tâm biết bao nếu bé Danny được bà nội trông nom trong lúc Bình và tôi phải đi làm.

Luơng kỹ sư điện toán của Bình chỉ đủ trả tiền nhà, và tiền mua trả góp hai cái xe, mọi thứ chi tiêu khác đều trông vào đồng lương của tôi, hai vợ chồng cùng chung sức gây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc. Tôi yêu Bình và chưa bao giờ làm trái ý chàng, lần này cũng vậy, thông cảm hoàn cảnh mẹ goá, con côi của Bình, tôi vui vẻ sửa soạn nhà cửa đón mẹ chồng. Chúng tôi quyết định sẽ dành cho bà căn phòng ở tầng dưới, có cửa sổ trông ra vuờn có nhiều cây to có bóng mát.

“Còn nhiều đất trống, mẹ có thể trồng rau nếu mẹ muốn.” Tôi nói với Bình: “Em mồ côi mẹ từ nhỏ nên rất thèm tình mẫu tử, mẹ anh cũng như mẹ em.” Tôi nói rất thật lòng, Bình nhìn tôi bằng cặp mắt vô cùng thương yêu: “Cám ơn em, mẹ anh chắc vui lắm có cô con dâu hiền hậu, biết điều như em.”

Nhưng thực tế không đúng như ý chúng tôi mong muốn, mẹ chồng tôi hiền lành, nhưng quen sống theo xưa, và nhất định không chịu thay đổi những thói quen cố hữu. Bất chấp phong tục của dân bản xứ, mẹ chồng tôi thản nhiên mặc quần áo ngủ nhàu nhè đi ra đường, hoặc đánh bộ áo cánh, quần đen, chân đi đôi guốc mộc, loẹt quẹt đi dạo phố trước những cái nhìn khó chịu của người địa phương. Tôi cắt nghĩa mãi, nhưng bà vẫn bướng bỉnh: “Mặc kệ tôi ! việc gì phải bắt chước Mỹ ? Tôi bận đồ tây không quen, vướng víu, khó chịu lắm.” Bà xầm mặt tỏ vẻ bất bình: “Chị không phải dạy khôn tôi, ăn bận miễn sao kín đáo là được rồi, đàn bà Mỹ để hở ngực, lòi rốn ra mới đáng nói chớ.”

Thấy không khí căng thẳng, Bình kéo vội tôi ra chỗ khác, thì thầm: “Phận làm dâu không nên bắt bẻ mẹ chồng. Mẹ đã quen ăn mặc như thế rồi, bắt bà phải thay đổi liền không được đâu. Cứ để từ từ, lâu dần rồi bà cũng sẽ nhận ra.”

Mẹ chồng tôi không nói gì nữa, nhưng từ đó bà cố tránh không đi ra ngoài một mình với tôi. Cuộc sống của vợ chồng tôi đang yên vui, bắt đầu xáo trộn. Thường ngày, ăn cơm xong, Bình vẫn phụ với tôi rửa chén. Hai vợ chồng cùng đi làm vất vả như nhau, nên công việc nhà chia đều, tôi đi chợ nấu ăn, lau chùi nhà cửa, chàng rửa chén, hút bụi, giặt quần áo… Nhưng bây giờ khác, mẹ chồng tôi tỏ ra khó chịu, khi thấy con trai phải làm những công việc mà bà cho rằng, chỉ dành cho đàn bà. Bà không nói tôi, nhưng mắng con trai: “Hồi ở với mẹ, có bao giờ anh phải làm gì động đến móng tay đâu? Bây giờ bị vợ bắt rửa bát, lau nhà, trông hèn cả người đi.”

Bình cười vui với mẹ, nhưng vẫn bênh vực tôi: “Xưa khác, ngày xưa người vợ được ở nhà, nên mới có nhiều thì giờ lo việc nội trợ. Bây giờ phụ nữ cũng phải ra ngoài xã hội bon chen với đời, vất vả ngang với chồng, về đến nhà còn chợ búa, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… Bao nhiêu là việc, một mình cô ấy làm đâu có xuể, nên công việc cần phải chia đều.”

Mẹ chồng tôi nói dỗi: “Anh lúc nào chẳng bênh vợ. Thôi, nếu anh sợ chị ấy mệt thì để tôi làm.” Và bà làm thật, vừa làm vừa dằn hắt, khua bàn, kéo ghế rầm rầm. Tôi sợ quá, vội vã nói: “Để đó con làm, mẹ đi nghỉ đi.”

Thế là tôi phải kiêm thêm nhiệm vụ mới. Thôi cũng được, tôi ráng cực nhọc thêm một chút để Bình có thì giờ nghỉ ngơi, dạo này chàng hơi bị xuống cân, có lẽ đêm không ngủ được vì con khóc. Nhưng mẹ chồng lại nghĩ khác, bà thường nhìn tôi bằng cặp mắt xoi mói, và nói bóng gió xa gần đến cái chuyện “tốt mái hại trống” con dâu bắt thằng bé phục vụ quá nhiều. Tôi vừa xấu hổ, vừa tức giận nên cấm Bình chuyện gối chăn. Mặc chàng cực lực phản đối, tôi ôm chăn gối sang phòng khác, nhất định ngủ riêng, khiến Bình phải theo năn nỉ gãy lưỡi. Mẹ chồng biết được, tha hồ lườm nguýt: “Cái thằng ngu, đội vợ lên đầu. Mẹ đẻ ra mày nói chẳng nghe, con đó mới ho lên vài tiếng thì đã sợ rúm !”

Không dám đối đáp với mẹ chồng, tôi trút tất cả sự giận dữ lên Bình, chàng cắn răng chịu đựng không dám than một tiếng. Thấy tội nghiệp, tôi thôi không cằn nhằn nữa, nhưng trong bụng ấm ức, không vui…

Ngày giỗ cha chồng tôi, cô Thu từ tiểu bang Georgia qua chơi, mẹ chồng tôi ngỏ ý muốn nhờ sư sãi tụng kinh cầu siêu cho người quá cố. Bình lái xe đưa cả nhà đi chùa, lúc về, cô Thu đòi ghé tiệm chuyên bán đồ phụ nữ để mua một đôi giầy. Cô ở chơi ba ngày rồi mới về, ngay tối hôm đó, Bình gọi tôi vào phòng rìêng, hầm hầm nói: “Em ăn ở với mẹ chồng ra sao để anh phải xấu hổ với cô Thu ?”

Tôi giật mình: “Anh nói cho rõ trắng đen ! Em đã làm điều gì không phải ?”

Không nói không rằng, Bình quăng hộp giầy xuống đất, hằn học: “Một đôi giầy đáng giá bao nhiêu mà em hà tiện không sắm cho mẹ, để mẹ phải mang đôi dép cũ ? Hôm đi chùa về, cô Thu đã phải ghé tiệm mua cho mẹ một đôi giầy mới, thay cho đôi dép nhựa rẻ tiền. Em làm anh nhục quá !”

Tôi há miệng không nói được lời nào, hai hàng nước mắt chảy dài. Mẹ chồng tôi nghe lớn tiếng nên chạy vào can, khi hiểu đầu đuôi câu chuyện, bà mỉm cười nói với Bình: “Không phải như con nghĩ đâu. Vào chùa thì phải bỏ dép, mẹ sợ người ta lấy cắp, nên đi đôi dép cũ, có mất cũng chẳng tiếc.”

Thì ra mẹ chồng tôi tưởng như hồi còn ở Việt Nam, bị mất trộm cả từng đôi dép. Hiểu ra, Bình vội vàng xin lỗi, nhưng tôi làm mặt lạnh, không thèm trả lời, Bình tự ái nên cũng không năn nỉ thêm. Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài cả mấy tuần, hình như đã có một đám mây mù che phủ hạnh phúc của hai vợ chồng.

Trước đây, sau mỗi lần cãi nhau, Bình thường làm lành bằng cách bế bổng tôi lên, ôm thật chặt, chọc cho tôi cười, và phủ kín mặt tôi bằng những cái hôn nóng bỏng. Bây giờ thì không còn nữa, trừ phòng riêng, chúng tôi đâu còn nơi chốn nào để mà riêng tư ?

Trước đây, sau bữa ăn, tôi thích được mặc quần áo ngủ mỏng manh, nằm gối đầu lên đùi chàng để xem TV. Bây giờ thì không dám, trước mặt mẹ chồng phải ngồi ngay ngắn, ăn mặc phải kín đáo, hở hang một chút bị coi là suồng sã. Muốn hôn nhau cũng phải mắt trước, mắt sau, cứ như là đi ăn trộm sợ bị bắt gặp, âu yếm công khai trước mặt mẹ chồng là vô lễ… Chao ôi là khó thở ! Còn đâu những ngày trẻ trung vui vẻ như xưa ?

Những ngày cuối tuần, hai vợ chồng thường chở nhau đi xem xinê hay đi picnic ở vùng quê, hít thở không khí trong lành, bù lại suốt tuần làm việc mệt nhọc. Bây giờ thứ bảy phải đưa mẹ đi lễ chùa, đi thăm bà con, hay đi bác sĩ, chủ nhật phải đưa bà đi chợ…

Mẹ chồng chê tôi nấu ăn nhạt nhẽo, bà muốn tự nấu lấy những món ăn khoái khẩu để tẩm bổ cho cậu con cưng. Phải công nhận mẹ chồng tôi nấu ăn rất ngon, nhưng bà hay cho cả vốc bột ngọt, và mỡ màng thì nhiều vô kể. Kết quả là chồng tôi lên cân vù vù, máu, mỡ cũng lên vù vù, bác sĩ phải lên tiếng cảnh cáo. Bình giải thích mãi bà mới chịu hiểu, từ đó bà giao công việc bếp núc lại cho tôi. Ở không mãi cũng chán, bà muốn đảm nhận việc coi cháu, bà cưng thằng cháu đích tôn như cưng trứng mỏng, tôi cũng mừng.

Danny được sáu tháng, tôi đi làm trở lại. Danny đã quen với bà nội, hai bà cháu quyến luyến nhau lắm, hai vợ chồng tôi đi làm đều yên tâm.

Danny lớn nhanh, bụ bẫm, dễ thương vô cùng, nó đã biết làm nhiều trò rất tức cười. Nhưng sao dạo này thằng bé hay thức đêm đòi bú và không chịu ngủ. Một lần chẳng hiểu đau ốm gì mà nó quấy suốt đêm, hôm sau đi làm về, thấy thằng bé mệt lả, nằm trên giuờng, tay chân lạnh ngắt. Bình và tôi hoảng hồn, vội đem con đi bệnh viện, thì ra thằng bé bị kiệt sức vì tiêu chảy đã hai ngày rồi, bệnh viện phải truyền nước biển mới cứu kịp. Hỏi ra mới biết là bà nội chiều cháu, cho nó uống nước xay trái cây của người lớn, thấy cháu tiêu chảy, bà tự chữa cho nó bằng cách ra vườn hái mấy lá ổi, nấu lên cho cho cháu uống. Cũng may đưa đi nhà thương kịp, nên chưa nguy đến tính mệnh.

Từ sự việc này, tôi cũng khám phá ra là mẹ chồng tôi cho cháu ăn bất kể giờ giấc, hễ thấy thằng bé khóc là nhét ngay chai sữa vào miệng. Ăn không ra bữa nên mỗi bữa ăn Danny bú rất ít, nhưng lại bú làm nhiều lần, nhất là ban đêm. Ngoài ra bà lại hát ru cho cháu ngủ, thằng bé chỉ ngủ khi có tiếng hát ru của bà, tôi không biết hát ru nên không tài nào dỗ nó ngủ được. Hai vợ chồng lục đục, thức suốt đêm với nó, nên cả hai đều hốc hác. Tình trạng này không thể kéo dài, chúng tôi bàn với nhau, và Bình nói với mẹ chàng, chẳng những bà không nghe, mà còn dài giọng mỉa mai: “Anh bảo tôi không biết cách nuôi trẻ con ? Thế ai đã nuôi anh nên vai nên vóc như ngày nay, để bây giờ anh văn minh, anh dạy lại mẹ ?”

Cực chẳng đã, chúng tôi mới phải đem con đi gởi nhà trẻ. Bị rứt thằng cháu cưng ra khỏi tay, mẹ chồng tôi giận dỗi, ở miết trong phòng ba, bốn ngày liền, không ra ăn cơm, làm Bình phải năn nỉ muốn gãy lưỡi.

Nhưng bà không thể dỗi mãi, rồi vì nhớ cháu nên sáng nào bà cũng ra cửa nhìn theo tôi bồng cháu ra xe với cặp mắt buồn bực và không nén được tiếng thở dài. Dần dà, bà lân la giúp tôi soạn giỏ xách đựng đồ chơi, tã lót, quần áo, đồ ăn của Danny bỏ vô giỏ. Tôi để cho bà làm những việc đó, khiến bà vui được một chốc. Bà soạn tỉ mỉ lắm, không quên món nào, hình như bà đem tất cả tình thương cho cháu dồn vào những cử chỉ săn sóc nhỏ nhoi đó.

Mấy tháng sau thì Danny đã quen ăn ngủ có giờ giấc. Càng lớn nó càng xinh đẹp, bụ bẫm nhưng mặt mày ngơ ngác trông rất tội nghiệp. Hình như nó nhớ bà, mỗi lần được mẹ đón về, nó xà ngay vào đôi tay chờ đón của bà, hai bà cháu ôm chầm lấy nhau hôn hít…

Thấm thoát Danny sắp lên hai tuổi, càng lớn nó càng dễ thương và giống bố in hệt, cháu đã biết đi và nói bi bô vài câu ngắn. Hai tuần sau sinh nhật, Danny bị ấm đầu. Dạo này nó hay bị những cơn sốt nhẹ nên chúng tôi cũng không để ý, con nít đến tuổi mọc răng hay bị sốt là chuyện thường. Nhưng lần này Danny có vẻ mệt, nên phải để cháu ở nhà cho bà nội trông. Trước khi đi làm, Bình căn dặn mẹ thật kỹ lưỡng những điều phải làm, và những lần cho cháu uống thuốc, bà gật đầu lia lịa: “Mẹ nhớ, mẹ nhớ mà.”

Lúc này mẹ chồng tôi có vẻ dễ chịu hơn, không hay can thiệp vào những chuyện riêng tư của vợ chồng của chúng tôi như trước. Sau hai năm sống trên nước Mỹ, được tiếp xúc với những bạn bè lớn tuổi đồng cảnh ngộ, từ từ bà cũng đã hiểu. Mỗi lần được trông cháu, bà sung sướng ra mặt, bao nhiêu tình thương của bà đều dồn cho cháu, bao nhiêu thì giờ của bà đều dành cho cháu. Danny mới hơi ọ ẹ một chút là bà đã chạy ngay lại, bế nó lên dỗ dành: “Bà đây, cháu đừng sợ.”

Bà kiên nhẫn đút cho nó ăn, có khi cả tiếng đồng hồ. Mấy lúc gần đây Danny biếng ăn vì nướu răng bị sưng và hay chảy máu. Kỳ này không hiểu sao Danny sốt vài ngày rồi khỏi, rồi lại sốt trở lại, nó quấy khóc cả ngày lẫn đêm. Bà nội thương cháu, nên bế cháu đi rong suốt đêm cho cháu dễ chịu, Danny lại được thiếp ngủ trên vai bà nội trong tiếng ru buồn vời vợi. Thấy con cứ sốt dai dẳng mãi không dứt, chúng tôi cũng hơi lo, cho tới một hôm Danny bỗng lên một cơn sốt cao và chảy máu mũi khá nhiều, hai vợ chồng hoảng sợ vội đem con đi bác sĩ. Sau khi lấy máu thử nghiệm, thấy số bạch cầu khá cao, bác sĩ nghi là nhiễm trùng, nên biên toa thuốc trụ sinh và thuốc sốt, dặn cho nó uống đều đặn, hai tuần sau trở lại tái khám. Ông dặn thêm: “Nếu có gì bất thường, ông bà có thể đem cháu đến bất cứ lúc nào.”

Hai ngày sau, Danny bớt nóng và không có triệu chứng gì khác lạ. Nhưng mặc dù uống thuốc rất đều, mà hai tuần sau những cơn sốt nhẹ vẫn chưa dứt hẳn. Khi tái khám, bác sĩ lại cho thử máu, lần này số bạch cầu tăng tới mức đáng ngại, bác sĩ nói: “Bệnh của cháu nghiêm trọng hơn là tôi vẫn tưởng. Bây giờ phải cho xét nghiệm để truy tầm ung thư máu.”

“Ung thư à ?” Bình nhảy nhỏm, kêu lên sợ hãi. Còn tôi thì bủn rủn, tim đập tưởng như sắp vỡ lồng ngực. Bác sĩ nhìn khuôn mặt tái xanh của cả hai vợ chồng, trấn an: “Tôi chỉ nghi ngờ vậy thôi, chưa có gì chắc chắn cả. Bây giờ tôi sẽ gởi cháu đi xét nghiệm.”

Ông biên giấy giới thiệu Danny đến bệnh viện để rút một ít bone marrow ở tủy sống đem đi thử. Ông nói với vẻ mặt áy náy: “Khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo tin ngay cho ông bà.”

Xong xuôi, chúng tôi đem cháu về, lòng hồi hộp không thể tả. Mẹ chồng tôi suốt ngày đọc kinh cầu nguyện cho cháu tai qua nạn khỏi. Năm ngày trôi qua trong yên tịnh, tôi hơi mừng với ý nghĩ “ no news is good new ”, nếu có gì bất thường thì người ta phải báo tin liền. Nhưng trưa thứ bảy, chúng tôi nhận được điện thoại từ văn phòng bác sĩ cho mời hai vợ chồng đến gấp. Ruột tôi nóng như lửa đốt, linh tính cho biết có điều gì chẳng lành. Quả vậy, khi gặp bác sĩ, chúng tôi được báo tin: “Sáng nay mới có kết quả của phòng thử nghiệm. Tôi rất buồn cho ông bà hay là cháu Danny bị ung thư máu.”

Tôi nghe như có tiếng sét nổ ngang đầu, ôm mặt gục xuống, mơ hồ có tiếng chồng tôi hỏi thật nhỏ, giọng thều thào như người sắp đứt hơi: “Bây giờ phải làm thế nào, bác sĩ ?” – “Xét nghiệm cho thấy bone marrow của cháu có vấn đề. Cách chữa trị tốt nhất là phải thay bone marrow. Chúng tôi sẽ ghi tên cháu lên danh sách những người chờ được hiến tủy. Trong khi chờ đợi, tôi sẽ giới thiệu cháu đến một bác sĩ oncologist chuyên về ung thư trẻ em để làm chemo.”

Ông còn nói nhiều nữa, nhưng tôi không muốn nghe tiếp. Trời ơi ! có thể như thế được sao ? con tôi mới được hai tuổi, bé Danny xinh đẹp, bụ bẫm thế kia mà lại mắc chứng bệnh ung thư quái ác, ông trời thật quá bất công. Tôi nhắm mắt lại, trong một lúc tôi tưởng như đây chỉ là một giấc mơ, khi tỉnh dậy tôi sẽ thở phào sung sướng. Nhưng không, khi tôi mở mắt ra, chỉ thấy bộ mặt thiểu não của chồng tôi và cái nhìn xót thương của bác sĩ…

Hôm đó là một ngày buồn nhất, tôi khóc như mưa, Bình thở dài không dứt, còn mẹ chồng tôi không nói một lời, nhưng mặt tái xám, trông bà rũ rượi như một tàu lá héo.

Những ngày sau đó thật thê thảm, ai có người thân bị ung thư mới hiểu thấu những thống khổ mà gia đình phải chịu đựng. Thật tội nghiệp cho con tôi, mặc dù được truyền một loại hoá chất nhẹ, nhưng với sức vóc của một đứa bé hai tuổi, Danny cũng vật vã, khó chịu, nó khóc ngầy ngật cả ngày lẫn đêm. Ba người thay phiên nhau chăm sóc cháu, nhưng phải công nhận mẹ chồng tôi tốn nhiều công sức nhất, kiên nhẫn nhất…

Trong hoạn nạn, mọi người xích lại gần nhau hơn, tị hiềm mẹ chồng nàng dâu không còn nữa, mọi người chỉ chung mục đích là lo cho đứa bé bệnh hoạn.

Danny bắt đầu xuống cân, trông nó xanh xao, èo uột rất tội nghiệp. Cứ đà này con tôi sẽ chết trước khi tìm được người cho tủy thích hợp với nó. Bình và tôi đều tình nguyện hiến tủy cho con, nhưng kết quả thử nghiệm đều không hợp. Chúng tôi đau đớn nhìn thằng bé mỗi ngày một yếu đi dần mòn.

Mẹ chồng tôi có vẻ suy nghĩ lung lắm, một hôm bà dụt dè đề nghị: “Hãy để mẹ hiến tủy cho cháu nhé ?” Cả Bình và tôi đều giật mình sửng sốt, thật chưa bao giờ chúng tôi tưởng đến chuyện này. Bình nhìn dáng mẹ tiều tụy, bơ phờ, lắc đầu: “Mẹ lớn tuổi quá, không đủ điều kiện hiến tủy đâu. Người hiến tủy phải ở trong khoảng từ 18 đến 60 tuổi, còn mẹ đã 63 rồi.”

“Nhưng trong giấy tờ thì mẹ mới 59.” Bà nài nỉ, “cứ để cho mẹ thử xem sao, mẹ không đành nhìn nó đi vào cõi chết.” “Nhưng hiến tủy hại sức khoẻ lắm mẹ ạ.” Bình nói, “người trẻ thì không sao, chứ người già khó lấy lại sức lắm.” – “Kệ ! mẹ già rồi, mạng sống đâu có quí bằng trẻ thơ ? Cứ để mẹ cho cháu nốt quãng thời gian còn lại của mẹ.” Bình nhìn mẹ một hồi, giọng thương cảm: “Không phải cứ hiến tuỷ là chết đâu mẹ, nhưng trông mẹ gầy ốm quá, sợ không đủ cân lượng.” – “Chuyện đó đâu có khó gì ?” Bà cố gượng cười, “mẹ ăn uống tẩm bổ là sẽ lên cân ngay.”

Được sự đồng ý của gia đình, mẹ chồng tôi sung sướng ra mặt. Tội nghiệp mẹ, để đủ điều kiện sức khoẻ hiến tủy cho cháu, bà cố gắng ăn uống thật nhiều cho đủ số cân lượng. Nhiều lúc thấy mẹ trợn trạo cố nuốt thức ăn, tôi ứa nước mắt. Hai tháng sau bà lên được bẩy pounds.

Hôm đi thử máu về, chúng tôi cũng không hy vọng gì lắm, cha mẹ ruột còn không thích hợp, huống chi bà nội ? Nhưng bất ngờ làm sao, kết quả cho thấy hoàn toàn phù hợp. Cả nhà mừng như chết đi sống lại, mừng nhất là mẹ chồng tôi, cặp mắt già long lanh những tia hy vọng. Mẹ bất kể những đau đớn mà bà sẽ phải chịu khi hiến tuỷ, bà bất chấp tuổi già sức yếu, bà chỉ nghĩ đến cháu…

Mẹ chồng tôi, một người đàn bà quê mùa chất phác, tư tưởng còn chậm tiến như người thời xưa. Mẹ rất sợ nhà thương, rất sợ dao kéo mổ xẻ, thế mà mẹ đã tình nguyện vào nhà thương, tình nguyện lên bàn mổ để hiến tuỷ cho cháu. Tiến trình hiến tuỷ chắc là đau đớn lắm, nhưng mẹ cắn răng chịu đựng, không rên la, hình như bà sợ rên la người ta sẽ từ chối không cho bà cứu cháu ( !?! ) Nhìn nét mặt tái xanh vì sợ của bà khi bước vào phòng mổ, chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Ôi tình cốt nhục thiêng liêng làm cảm động đến cả trời đất, ca thay tủy thành công mỹ mãn, Danny hồi phục nhanh như có phép lạ, mẹ chồng tôi cũng lại sức sau vài tháng tẩm bổ.

Thời gian qua nhanh như gió thoảng, mới đây mà đã bốn năm, chúng tôi có thêm một cháu gái, bé Rebecca mới được năm tháng. Mẹ chồng tôi gần bảy chục tuổi, tóc bạc gần hết, nhưng vẫn khoẻ mạnh, hồng hào. Bà sống rất thoải mái, sung sướng trong sự yêu kính của con cháu, trong một gia đình tam đại đồng đường, trên dưới thuận thảo, thương yêu nhau.

Mẹ vẫn trải tình thương cho con cháu bằng những săn sóc nho nhỏ, bằng những bữa ăn ngon lành, bằng những tiếng ru à ơi buồn vời vợi, dỗ cho cháu ngủ… Trên nước Mỹ này, có bao nhiêu bé thơ Việt Nam may mắn được dỗ giấc ngủ êm trong tiếng ru của mẹ Việt Nam ? Tiếng mẹ thấm vào hồn từ lúc còn nằm nôi, mong bé lớn lên sẽ không quên cội nguồn. Sao trước kia tôi không nhận ra như vậy nhỉ ? Xin mẹ tha lỗi cho đứa con dâu trẻ người non dạ này.

Danny đã đến tuổi đi học và đang học lớp mẫu giáo. Nhìn con sởn sơ lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác, tôi thầm cám ơn thượng đế, cám ơn khoa học, cám ơn các bác sĩ, y tá trong bệnh viện, và nhất là cám ơn mẹ chồng tôi. Mẹ ơi ! Chẳng những mẹ sanh ra chồng con, mà mẹ đã tái sinh ra cháu Danny một lần nữa, vì Danny sống được là nhờ mẹ. Suốt đời chúng con nhớ ơn mẹ…

PHƯƠNG LAN, 2014

( viết theo một chuyện thật, chỉ đổi tên nhân vật )

HẠNH PHÚC BỊ TỪ BỎ

HẠNH PHÚC BỊ TỪ BỎ

Trích EPHATA 635

9 giờ 30 tối, tôi rời khuôn viên Nhà Thờ trong khi vẫn còn đông người đang cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ. Đầu tôi nặng trĩu, tim tôi thắt lại, chân tôi bước mà không biết đi đâu nữa. Tôi đang muốn chạy trốn khỏi Nhà Thờ để khỏi nghe lời giảng của cha như đâm vào tim tôi đau xé, nhưng làm sao chạy trốn được… chính tôi ?

Tối nay, tôi nhớ mồn một những năm xa xưa ấy, những năm tôi đã nhúng tay vào tội ác mà trái tim không hề rung động, còn nếu có thì chắc chỉ thoáng qua trong một vài tích tắc mà thôi.

Ngày ấy tôi còn rất trẻ, sống bồng bột, kết hôn vội vàng và có đứa con đầu lòng rất sớm.

Chưa kịp chuẩn bị để làm mẹ, tôi thấy ngán ngẩm cảnh có con mà chỉ một mình nuôi con. Chồng tôi cùng một tuổi, cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, suốt ngày cứ đàn đúm bạn bè, nhậu nhẹt, chẳng thiết gì đến vợ con, lại còn đang ăn bám cha mẹ. Con gái tôi vừa đúng thôi nôi thì trời ơi, cả gia tài của tôi ( chỉ gồm những món nữ trang ngày cưới ) cũng theo nhau từ từ bay mất. Giận chồng không biết lo cho vợ con, tôi bồng con về nhà ngoại, kiếm việc làm để nuôi con.

Giá cứ như thế luôn thì tôi đã đỡ khổ ! Chẳng ngờ, chưa được bao lâu, anh ấy qua nhà tôi thề sống thề chết, năn nỉ cha mẹ tôi cho rước vợ con về. Nhưng rồi chứng nào tật nấy, càng ngày anh càng hư đốn. Lại một lần nữa, tôi ôm con trở về nhà cha mẹ ruột sau khi để lại lá đơn ly hôn với chồng tôi.

Một hôm đang làm việc, tôi cảm thấy chóng mặt, đi khám bệnh mới được bác sĩ cho hay là tôi đã có thai. Nghe như sét đánh ngang tai, tôi thẫn thờ như người mất hồn, không biết tính cách nào đây, nếu sinh thêm một đứa nữa thì đồng lương của tôi không sao lo nổi. Chẳng lẽ tôi lại mang thêm gánh nặng về cho cha mẹ ? Ông bà đã khổ vì tôi quá nhiều rồi. Chợt nhớ có cô bạn học đang làm nữ hộ sinh một bệnh viện phụ sản lớn, tôi đến thăm dò ý kiến. Đã quá quen với cảnh nạo hút thai hằng ngày, bạn tôi khuyên nên “điều hoà kinh nguyệt” ngay, sẽ không đau đâu, vì thai của tôi hãy còn nhỏ, còn hơn phải dây dưa với ông chồng vô trách nhiệm suốt đời.

Về nhà, tôi nằm liệt không dám cho ai biết. Nhìn con ngon giấc tôi ôm nó mà khóc. Thức trắng một đêm, sáng dậy tôi cáo bệnh nghỉ làm. Đưa con đến nhà trẻ xong, tôi đi lang thang trong công viên chỉ mong được yên tĩnh để suy nghĩ sáng suốt. Thả mình xuống chiếc ghế đá, tôi nhìn chung quanh thấy có nhiều cặp tình nhân đang tâm sự, chỉ có mình tôi là lạc loài.

Đầu óc tôi rối beng, cứ nghĩ tới cảnh phải tiếp tục sống với anh chồng mà ngao ngán. Nhưng còn những đứa con tôi… hay là tôi thử tha thứ cho anh ta lần nữa để những đứa con của mình được có bố có mẹ đầy đủ… Hết giải pháp này đến giải pháp khác, cách nào cũng không ổn, tôi lê bước chân vô hồn chẳng biết đi đâu.

Trên chiếc ghế đá nọ, đôi tình nhân vội quay mặt đi khi tôi vừa đến gần. Chuyện đó cũng là thường tình thôi, tôi bước qua họ nhưng chợt nghe bên tai có tiếng đàn ông sao quen quá. Tôi quay lại và kịp nhận ra đó chính là… chồng mình, còn cô gái nọ là người yêu cũ của anh ấy. Sững sờ và đau đớn, chân tôi như bị chôn xuống đất, toàn thân toát mồ hôi lạnh.

Không nhớ mình đứng như thế bao lâu nữa, chỉ nhớ sau đó tôi đã chạy, chạy đến lúc té quỵ xuống là hết ! Rồi phải một hồi lâu, nghe chung quanh có tiếng nhiều người lao xao, tôi lơ mơ mở mắt ra và thấy những bộ đồng phục màu trắng. Họ là những y tá, bác sĩ đang lo cấp cứu cho tôi. Thấy tôi đã tỉnh hẳn, bác sĩ cho biết là tôi bị động thai, cần phải dưỡng thì mới giữ được.

Đang cơn chán ngán và gần như bất lực trước những đòn roi tới tấp của nghịch cảnh, tôi buột miệng nói không suy nghĩ: “Xin bác sĩ lấy cái thai ra dùm tôi !” Thoáng chút ngạc nhiên, bác sĩ hỏi lại tôi một lần nữa, nhưng tôi vẫn cương quyết phá bỏ. Sau đó tôi được đưa sang phòng nghỉ, tiếp nước biển cho khoẻ để chờ sẽ hút thai vì lúc đó huyết áp của tôi đang tụt rất thấp.

Tinh thần hoảng loạn, bên cạnh chẳng có ai thân thích, tôi đành phải gọi cô bạn học nhờ trợ giúp. Cô ấy đến gởi gấm tôi cho bác sĩ và an ủi, xoa dịu tôi nhưng vẫn không làm tôi bớt sợ hãi.

Thế rồi chuyện gì đến phải đến. Trèo lên chiếc giường nạo thai, ý muốn leo xuống cứ trở đi trở lại trong tôi nhưng không còn kịp nữa, bác sĩ đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cả rồi. Ông bảo tôi hãy nhắm mắt lại, thở đều và… sẽ nhanh thôi, không đau đâu. Nhưng chiếc que nạo inox cứ xoáy vào bên trong người tôi, tôi thét lên từng cơn “Đau ! Đau quá !” Mà nào người ta có chịu buông tha, người ta mặc kệ, cứ “vừa đánh vừa xoa” cho đến lúc cả cơ thể và tâm trí tôi rã rời thì hoàn tất.

Con tôi, trời ơi còn đâu ! Người ta đã xé nát thịt da con rồi ! Mẹ là người mẹ khốn nạn nhất trần đời. Con ơi ! Con ơi !

Sau trận ấy tôi suy kiệt cả tinh thần lẫn thể chất. Mẹ tôi vẫn túc trực bên giường bệnh, trong khi bà còn phải lo cho con gái nhỏ của tôi. Con tôi ngây thơ quá, nó cứ chạy đến ôm hôn tôi mà không biết gì về nỗi mất mát vừa xảy đến. Tôi xấu hổ thấy mình không xứng đáng làm mẹ nó nữa.

Ngày qua ngày, bé con đầu lòng của tôi lớn dần lên, nó đã đi học, vết thương trong lòng tôi cũng nguôi ngoai. Tôi sống khép kín, chỉ biết lao đầu vào công việc, các bạn nữ đồng nghiệp gọi tôi là “bà cụ non”, còn nam đồng nghiệp nhiều người cũng thích làm quen với tôi nhưng chỉ vài câu xã giao là họ đã thấy chán ngắt, hoặc có người đeo đuổi dai dẳng hơn thì rồi cũng đành bỏ cuộc khi đụng phải cái “mu rùa biết đi”.

Tôi dành hết thời giờ cho con, vui mừng vì nó rất ngoan và học giỏi…

Từ ngày tôi được ơn trở lại Đạo cho đến nay, được thấm nhuần Giáo Lý của Thiên Chúa là Tình Yêu, và khi yêu là người ta yêu đến cùng, dù có phải hy sinh mạng sống cho người mình yêu. Tôi đã đi xưng tội và dành hết thời giờ rảnh rỗi giúp bất kỳ một ai khốn khổ mà tôi biết. Tôi đã từng theo nhóm Bảo Vệ Sự Sống vào tận các bệnh viện phụ sản lớn nhỏ để khuyên can các cô gái lỡ lầm khỏi sa vào cảnh nạo phá thai, góp phần vào việc giúp các em làm lại cuộc đời, nuôi con…

Thế nhưng, chưa bao giờ lương tâm tôi lại ray rứt và bị ṿ xé như tối nay. Trong Thánh Lễ, cha giảng đã nói đến thảm kịch phá thai hiện nay. Nghe những lời cảnh báo và kêu gọi hãy bảo vệ lấy Sự Sống là Quà Tặng vô giá của Thiên Chúa đã trao cho con người, tất cả trong tôi bừng tỉnh mọi ký ức tưởng đã chôn vùi sâu kín. Phải chăng tôi vẫn canh cánh bên lòng một món nợ không nguôi. Tôi nợ con tôi sự sống ư ? Hay tôi nợ Thiên Chúa một lần yêu ? Hay tôi nợ đời tôi một hạnh phúc ? Hạnh phúc Chúa ban đến đã bị tôi từ khước và gạt bỏ không thương tiếc.

“Bà… ba… bum… bum…”, tiếng bập bẹ của thằng Cu Tý làm tôi chợt tỉnh. Nó nhào tới ôm cứng lấy tôi và tì cái miệng bé xíu hôn lên khắp mặt tôi. Chao ôi ! Cháu ngoại tôi ! Cưng quá ! Căn nhà tôi lại vang tiếng cười của trẻ thơ sau bao năm vắng lặng. Mẹ nó đi làm suốt ngày gởi con cho tôi chăm sóc, ba nó lại còn ở phương xa, nhưng nó ngây thơ chẳng biết buồn. Đối với nó, tôi vừa là bố vừa là mẹ. Nó cứ bấu lấy tôi, tiếng bập bẹ đầu tiên của nó là “ba… bà” khiến tôi sướng run người.

Bây giờ hạnh phúc của tôi là nó. Tôi đau khi nó khóc và tôi khóc khi nó đau. Niềm hạnh phúc nhỏ bé lại trở về với tôi. Chắc chắn, Chúa nhân hậu từ bi và hay thương xót, Ngài không còn giận tôi nữa, Ngài đã tha thứ cho tôi từ lâu rồi. Còn con, con có tha cho mẹ không ?

Giờ con đang ở đâu ? Linh hồn con chơi vơi ở chốn nào ? Mẹ chỉ còn biết ăn năn sám hối và cầu nguyện. Nếu Chúa cho mẹ biết con đang ở đâu và bắt mẹ phải chịu những hình phạt nào để chuộc con về trong Vườn Chúa, mẹ cũng vui lòng nhận lãnh. Nhưng chính mẹ sao cứ phải chịu một hình phạt nặng nề là suốt đời cứ mang trong lòng một tội ác, một Món Nợ Tình Yêu không bao giờ trả được ?

Chắc là tôi đã khóc nên có chút nước gì đó mằn mặn ở môi. Tôi thấy Cu Tý mở to mắt nhìn tôi ngơ ngác, rồi nó mếu máo theo tôi. Ôm khuôn mặt thiên thần của nó trong đôi tay, tôi cứ tưởng tượng ra hình dáng đứa con mà tôi không bao giờ được thấy. Tôi khóc trong vui sướng.

Ôi Chúa ơi ! Tình Yêu Ngài thật lớn lao, con sẽ không bao giờ dám phí phạm nữa.

Và trong sâu thẳm, tôi được ơn Chúa cho cảm nhận được rằng con tôi nó đã tha thứ cho mẹ nó. Linh hồn nó chắc là vẫn hiện hữu thật gần gũi bên tôi dù tôi xác tín Chúa đã đón nó về Nhà Chúa ngay từ dạo ấy. Còn phần tôi, Món Nợ Tình Yêu tôi sẽ phải trang trải với cuộc đời không biết đến bao giờ mới thôi chẳng còn vấn vương ?

VTKT, Sàigòn

Tìm đâu an bình và hy vọng trong năm mới ???

Tìm đâu an bình và hy vọng trong năm mới ???

Chuacuuthe.com

VRNs (03.01.2015) – Gần cả thế kỷ nay, lễ Giáng sinh của người Ki-tô giáo đã trở thành ngày lễ quốc tế, ngày hội hoàn vũ, trở thành nét văn hóa của hầu hết mọi quốc gia và nét nhân bản của mọi xã hội, kể cả những quốc gia Hồi giáo hay cộng sản. Không ai không thấy hình ảnh lẫn âm thanh Giáng sinh đập vào mắt và lọt vào tai con người mỗi lần gần cuối năm dương lịch. Từ hình ảnh đặc trưng như hang đá Bê-lem (với cảnh Đức Giê-su sinh ra) tới hình ảnh ông già No-en cỡi xe nai phát quà, cây thông lung linh ngàn ánh sáng… Từ những bài thánh ca du dương bất hủ như Silent Night (lời Việt: Đêm Thánh Vô Cùng), Cao Cung Lên… tới những bài hát vui nhộn như Jingle Bells (Chuông Vang Vang), Drummer Boy (Chú Bé Đánh Trống) hay nhạc tình quyến rũ như Mùa Sao Sáng, Bóng Nhỏ Giáo Đường…

Nhưng có lẽ cái đánh động nhất của lễ Giáng sinh chính là những tâm tình mà nó gợi lên trong lòng nhân loại, như bình an, vui tươi, thân thiện, hòa hợp. Người ta hưu chiến, người ta làm hòa, người ta tặng quà, người ta ăn tiệc dịp Giáng Sinh. Đó là vì dù ít dù nhiều, nhân loại biết đấy là lễ kỷ niệm việc Thượng Đế trời cao xuống thế làm người để chia sẻ thân phận với con người, ban gởi bình an đến con người, gieo rắc tình thương giữa con người, kêu gào công lý cho con người và đồng thời mời gọi nhân loại cũng hãy làm cho nhau như thế. Hầu hết các xã hội văn minh dân chủ trên khắp trái đất đều đã và đang nỗ lực biến sứ điệp cao cả đó thành hiện thực bao nhiêu thế kỷ nay. Dù có định kiến thế nào đi nữa, ai ai cũng phải công nhận những quốc gia, đất nước chịu ảnh hưởng Ki-tô giáo (tại Mỹ châu, Âu châu, Úc châu) xét chung đều phát triển, đều thịnh vượng, đều nhân bản, đều tôn trọng con người.

Điều đáng buồn là tại những quốc gia đang gánh chịu chế độ Cộng sản (trong đó có Việt Nam chúng ta), đấy vẫn hoàn là những mơ ước thiết tha, những khát vọng cháy bỏng mà mỗi lần lễ Giáng sinh tới lại làm đau nhói con tim, nung đốt tâm hồn những ai còn quan tâm tới chân lý, công bình, tình thương và tự do, cho dẫu các âm thanh và hình ảnh No-en không hề thiếu ở mọi chốn phồn hoa đô hội tại những quốc gia cộng sản ấy (thậm chí đó còn là nơi mà phần lớn các sản phẩm liên quan tới Giáng sinh hiện bán khắp địa cầu được làm ra, đặc biệt Hoa lục).

Sứ điệp Giáng Sinh mời gọi loài người chia sẻ thân phận của nhau, nghĩa là xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng, không có sự chênh lệch của cải và quyền lợi quá đáng. Nhưng tại VN chúng ta, đang có tình trạng một nhúm người thống trị lâu dài cả dân tộc, tức là đảng Cộng sản độc đoán cầm quyền hơn nửa thế kỷ nay. Nhờ nắm trong tay tất cả sức mạnh, đảng quyết định mình là sở hữu chủ (dưới danh nghĩa nhà nước) của mọi tài nguyên quốc gia, nhất là đất đai, người dân chỉ còn quyền sử dụng, khiến đại đa số lâm cảnh đói nghèo (thu nhập bình quân của người VN vào hạng thấp nhất thế giới là bằng chứng). Đang có tình trạng những kẻ giữ quyền chính trị giành lấy hầu hết mọi tự do (tự do thông tin và phát biểu kiểu độc quyền, tự do lập đảng và lập hội kiểu độc quyền…) để bắt toàn dân phải làm nô lệ đủ các mặt (lập đảng chính trị: bị cấm, lập hội dân sự: bị cản, thông tin trái lề: bị dọa, làm báo độc lập: bị tù! Các bloggers “nhập kho” gần đây như Nguyễn Hữu Vinh, Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Đình Ngọc là những bằng chứng). Đang có tình trạng những kẻ sở hữu cơ ngơi hoành tráng, dinh thự xa hoa, nhà cửa ê hề (như phó thủ tướng đặc trách chống tham nhũng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng thanh tra săn lùng tham nhũng Trần Văn Truyền…) sống bên cạnh hàng triệu dân oan bị tước ruộng vườn, bị phá nhà cửa để phải kiếm sống trong lây lất và khiếu kiện trong vô vọng, thậm chí bị đốt túp lều cuối cùng như gia đình chị Nguyễn Thị Thúy ở Hải Phòng, bị xét xử cầm tù như vợ chồng chị Cấn Thị Thêu ở Dương Nội. Đang có tình trạng những cán bộ đảng viên cao cấp thu tóm mọi đặc quyền đặc lợi (qua các công ty quốc doanh, tập đoàn nhà nước, cơ quan chính phủ) khiến đa số còn lại lâm vào cảnh thiếu thốn khốn cùng.

Sứ điệp Giáng Sinh mời gọi loài người kiến tạo bình an cho nhau, nghĩa là tạo cho nhau một cuộc sống không tranh chấp, không giành giật, không khắc khoải, không hãi sợ. Nhưng tại Việt Nam, một chế độ độc tài đã và đang được thực thi, được áp đặt bằng âm mưu đoạt ghế, cướp quyền, bằng biện pháp cưỡng bức, hăm dọa, bằng chính sách gieo bất an, tạo bất hòa, bằng chủ trương dựng kẻ thù, gây chia rẽ. Đảng thống trị và nhà cầm quyền luôn nặn ra những con ngoáo ộp “thế lực thù địch” cho dân phải luôn đề phòng, cảnh giác và hãi sợ. Ngoài ra, người dân không thấy được công lý che chở, luật pháp bảo vệ. Công lý nếu có chỉ là thứ công lý tiền bạc, công lý côn đồ, nghĩa là công lý trò hề (như một minh họa mới đây trên bìa 2 cuốn sách “Bộ luật Dân sự” và “Bộ luật Hình sự” năm 2014 với “văn bản hướng dẫn thi hành”). Luật pháp nếu có chỉ là thứ luật pháp bao che quan chức chính quyền, nhân sự chế độ (tham nhũng đại bự Trần Văn Truyền chỉ bị cảnh cáo, công an giết người chỉ phải ngồi tù vài năm), là thứ luật pháp trừng trị dân đen khốc liệt (giới làm nông đòi đất đai, giới đối kháng đòi dân chủ, giới tín đồ đòi quyền hành đạo). Đủ thứ hăm dọa từ chính trị áp bức, từ quyền lực bạo hành, từ bộ máy sách nhiễu, từ kinh tế suy thoái, từ xã hội nhiễu nhương, từ môi trường ô nhiễm, từ đạo đức băng hoại, thậm chí từ ngoại thù xâm lược. Ai mà không ngán ngẩm về cái đảng thống trị bất lương và bất tài, về bộ máy cầm quyền tham nhũng và bóc lột, tàn ác và gian dối; không băn khoăn vì đồng tiền ngày càng mất giá, vì trộm cướp như rươi hoành hành, vì thức ăn nước uống nhiễm độc; không khắc khoải vì đất nước bị ngoại xâm Bắc phương ngoạm dần, vì kẻ thù truyền kiếp rình chực ngoài cửa. Người dân lo âu về hiện tại lẫn về tương lai, cho bản thân lẫn cho con cháu. Con người mỗi sáng mở mắt không biết hôm nay mình có được an toàn trong thể xác (thực phẩm phải chăng gây ung thư?), an toàn trong sinh hoạt (tai nạn giao thông phải chăng chực chờ?), an toàn trong mối tương giao xã hội (công an cảnh sát phải chăng mời vào đồn? viên chức hành chánh phải chăng giở trò sách nhiễu?)

Sứ điệp Giáng Sinh mời gọi loài người thể hiện tình yêu đối với nhau, nghĩa là thương người như thể thương thân, sống với nhau tương thân tương ái như anh em một nhà. Nhưng có dễ thực hiện điều đó chăng tại VN chúng ta, nơi hiện hoành hành một chủ nghĩa vô thần phi nhân, duy vật hưởng thụ, một chế độ cai trị mất hẳn tính người và tình người, một cơ chế xã hội ít chú trọng và đề cao các giá trị nhân bản, một nền giáo dục đầu độc trí não hơn giải phóng tâm hồn. Trước gương sống chỉ biết vinh thân phì gia của giới hành quyền đủ mọi cấp bậc, hầu như thiên hạ sống dửng dưng với thân phận của nhau, vô cảm với nỗi khổ của nhau, chủ trương triết lý “mặc kệ nó”, thậm chí bàng quan với vận mệnh của dân tộc và sự an nguy của giống nòi. Thử hỏi những cuộc xuống đường chống ngoại xâm có bao người tham dự? Thử hỏi những cuộc biểu tình đòi các nhân quyền cơ bản có mấy khi được tổ chức? Hay nếu có thì phải chăng sẽ được khuyến khích bởi các lãnh đạo chính trị và lãnh đạo tinh thần? Rất nhiều con người chỉ biết sống trong giành giật và chà đạp, trong lường gạt và dối trá, không thấy hạnh phúc đích thực của mình chính là tạo hạnh phúc cho kẻ khác, không ý thức được ích lợi cho toàn xã hội cũng là ích lợi cho mỗi cá nhân. Tiếng “xin lỗi” và “cảm ơn” ngày càng vắng bóng. Sự tự phát cứu giúp kẻ lâm nạn trên đường ngày một hiếm hoi. Lắm người nghèo về cơm áo, về văn hóa, về tình thương, nhất là về nhân phẩm đang bị bỏ lơ, quên hẳn bên lề cuộc đời.

Sứ điệp Giáng Sinh mời gọi loài người thực thi công lý cho nhau, nghĩa là trả cho ai nấy cái thuộc về họ, từ các nhân quyền đến các dân quyền. Nhưng tại VN chúng ta, công lý đang bị coi thường, lãng quên, thậm chí bị trấn áp, tiêu diệt. Chữ “công lý” không hề nằm trên giấy trong các văn bản pháp luật (duy nhất một lần trong hiến pháp), không hề nằm trên miệng nơi các thừa hành pháp luật. Người ta không xét xử nhân danh công lý mà chỉ nhân danh nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ý thức công lý cũng mai một dần nơi vô số con người. Hàng triệu thai nhi không có quyền được chào đời làm người (Việt Nam luôn chiếm hàng đầu về nạn phá thai); hàng triệu trẻ em không có được một mái ấm học đường (vì học phí quá đắt, vì cơ sở quá tệ), một nền giáo dục nhân bản (vì chủ trương nặn đúc thần dân cho đảng); hàng triệu thanh niên không được tạo khả năng và ban cơ hội để vững bước vào đời (vì giáo dục từ chương, vì bằng cấp dổm giả, vì “bằng đỏ” cũng thua “bằng vàng”); hàng triệu nông dân bị tước đoạt ruộng vườn và phương tiện sinh nhai (thu hồi kiểu cướp bóc tàn bạo, đền bù kiểu để chết dần mòn); hàng triệu công nhân bị bóc lột tiền lương, phải lao động trong những điều kiện hết sức vô nhân đạo, chịu sự kiểm soát và khống chế của những công đoàn không phải của họ, do họ và vì họ; hàng triệu tín hữu bị trấn áp niềm tin, bị tước đoạt quyền tự do hành đạo (chức sắc lẫn giáo đồ hoặc bị sách nhiễu, hoặc bị hành hung, hoặc phải ngồi tù; cơ sở tôn giáo hoặc bị phá phách hoặc bị cướp đoạt; cộng đồng Tin lành Mennonite trong những tháng gần đây là ví dụ tiêu biểu); hàng ngàn hàng vạn công dân yêu nước bị sách nhiễu cuộc sống, bị bao vây kinh tế, bị cầm tù oan ức; hàng ngàn hàng vạn tù nhân đang bị tước cả những nhân quyền tối thiểu trong những lao ngục đọa đày, thậm chí có những nạn nhân vô tội phải lãnh án oan tử hình. Bằng chứng là Hàn Đức Long (Bắc Giang), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Dương), Hồ Duy Hải (Long An).

Sứ điệp ngày Giáng sinh còn được nhân loại kéo dài tới đầu năm dương lịch, vì ngày mồng một tháng Giêng được gọi là Ngày Hòa bình Thế giới. Nhưng với những biến cố chính trị gần đây tại VN, như việc Chủ tịch chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh qua rà soát lại nhân sự thân Tàu trong đại hội đảng lần thứ 12 tới, việc thiết lập cơ quan tuyên truyền và hang ổ tình báo mang tên viện Khổng Tử, việc cả bộ trưởng công an lẫn quốc phòng quyết tâm “kiểm soát thông tin”, “ngăn chặn phát tán các tài liệu xuyên tạc trên mạng Internet nhằm đả kích, bôi nhọ lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ” trong năm tới mà thực chất là tiêu diệt tự do ngôn luận của công dân, phải chăng dân Việt sẽ có hòa bình trên quê hương, trong cuộc sống hay phải tiếp tục sống trong bất an tâm hồn và mất hy vọng?

BAN BIÊN TẬP

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 210 (01-01-2015)

“Anh nằm xuống…”

“Anh nằm xuống…”

Chuacuuthe.com

VRNs (03.01.2015) – Phan Thiết – “Em nào mà gặp Soeur này, chắc chắn sẽ xin đi tu thôi”. Người bạn cùng đi với chúng tôi thốt lên như vậy. Hẳn tôi không nghĩ như thế nhưng một ngày làm việc với nhau, người Nữ Tu này đã để lại nơi tôi nhiều cung bậc cảm xúc.

Người bạn cùng đi với chúng tôi nói tiếp: “Con đã rất quen với các cơ sở từ thiện, đến nhiều nơi, gặp nhiều người, con muốn nói đến sự quen thuộc, nhưng Soeur này để lại trong con nhiều ấn tượng mạnh mẽ, quả thật diệu kỳ”.

Đúng vậy, với các “thành tích”: nuôi các chị em mang thai ngoài ý muốn, nuôi các cháu cô nhi, quy tụ nâng đỡ người già neo đơn, kẻ nghèo khó, mỗi ngày phục vụ 300 tô cháo ở bệnh viện, chôn cất các thai nhi bị phá bỏ… là những hình thức bác ái quen thuộc. Khó khăn có, gian lao có, thách thức có, nhất là công viêc Bảo Vệ Sự Sống những năm khởi đầu khi hiếm có nơi nào làm. Nhưng những khó khăn ấy nhờ ơn Chúa, với thời gian và lòng quảng đại của nhiều người, sẽ không đến nỗi là những ngăn trở hiểm nguy cho lắm đối với chị. Trong sứ mạng của chị, chị cũng đã vượt qua.

Nhưng rồi, cách đây vài năm, qua thông tin của dân chúng, chị biết có vài ngôi mộ vùi dập thân xác những người vượt biển chết trôi dạt vào bờ. Người ta bắt đầu cần đất bờ biển để làm du lịch. Không ai là thân nhân của những người xấu số, chị đứng ra nhận rồi cải táng về nghĩa trang Giáo Xứ, ngày ngày thăm viếng, đốt một nén nhang cho ấm áp hương hồn. Tin này truyền đi trong dân chúng quanh vùng. Và thế là một ngày “duyên nợ” lại đến.

Người ta dẫn chị đến một ngọn đồi với cái tên thật thơ mộng, “Đồi hoa sim”. Hàng trăm ngôi mộ đất hoàng tàn của những người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa. Những trận đánh khốc liệt của những ngày tháng tư năm 75, cuộc tan hàng vội vã bỏ lại phía sau những anh em đồng đội đã gục ngã… Rồi thất trận ly tán bốn phương, những ngôi mộ đất rơi vào quên lãng, âm thầm lặng lẽ u buồn theo năm tháng…

Rồi lại một nghĩa trang khác của một trại lính, cũng vậy, lác đác vài chục ngôi mộ, trại lính năm xưa chỉ còn là cỏ dại, cô quạnh với những cành sim khô khốc…

Rồi lại một trại tù cải tạo, người ta phát hiện ra vài ngôi mộ năm chơ vơ giữa đồng cát. Trại tù đã giải thể, bỏ lại cánh đồng vắng những kẻ chết rũ tù chẳng biết tự bao giờ !

Chị đã bật khóc nhiều lần khi kể lại cho chúng tôi nghe. Chị dẫn chúng tôi đến từng ngôi mộ, kể lể chi tiết, rằng khi đào lên bên trong còn những gì. Thật khó, hơn 400 ngôi mộ vô danh, chị ghi lại lý lịch từng ngôi mộ, cái này xác còn cuốn trong Poncho, cái này đôi giầy còn nguyên vẹn, cái này có răng vàng, cái này còn cái đinh niken ở ống chân… May mắn có tất cả 74 ngôi mộ bên dưới còn giữ được chiếc thẻ bài của người lính.

Với các chi tiết có được, chị ghi chép cẩn thận và bày tỏ với chúng tôi nỗi trăn trở làm cách nào đây để thân nhân từng người lính này biết được nơi an nghỉ của họ, làm cách nào để những con người đã nằm xuống có ngày nhận được những nén nhang từ tay người thân của mình cắm trên phần mộ… Chị không mong ước gì hơn và hoàn toàn không có một mục đích nào khác ngoài việc quy tập anh em, cầu kinh khấn nguyện và cùng anh em ngóng đợi người thân…

Tôi đi dọc theo những hàng mộ xây dựng thẳng tắp ngay ngắn, xin lỗi chị, dưới con mắt của người biết chút ít về nghệ thuật kiến trúc, tôi thấy việc xây dựng mộ khá thô vụng xét về kiểu dáng, về chất liệu cũng như mầu sắc, nhưng tôi khâm phục chị và các cộng tác viên vô cùng. Làm sao một phụ nữ mỏng manh bình dị như thế, một Nữ Tu lẽ ra bằng lòng với câu kinh tiếng kệ trong bốn bức tường Tu Viện, chị lại xông pha sương gió làm gì, nhận lấy những gian lao khốn khó làm gì, đối đầu với bao rủi ro hiểm nguy đến từ một chế độ quá nhiều ác cảm và phân biệt đối xử làm gì, và bởi đâu chị lại kiên trì âm thầm thực hiện được một công việc quá to lớn như vậy ? Cánh đàn ông chúng tôi có thể biết làm đấy, nhưng có dám làm, có dám chịu trách nhiệm ? Người ta chỉ bằng lòng dừng lại với việc “cầu cho các linh hồn mồ côi”, thế thôi, chớ có dại làm gì ảnh hưởng đến các hoạt động mục vụ khác, thậm chí có khi người ta còn nại đến… vì lợi ích Dân Chúa ! Thật buồn…

Thấy tôi ngạc nhiên về những cành hoa tươi cắm đều trên các phần mộ, chị giải thích: “Có một vị ân nhân ở Đà Lạt, đôi ba ngày lại gởi xuống một giỏ hoa tươi, chúng con chỉ việc nhặt nhạnh rồi cắm vào các ngôi mộ, nhang thì chúng con thắp mỗi ngày”. Vùng giáp biển nên gió thổi rất mạnh, một cái giếng được đào bên rìa nghĩa trang, cứ vài ngày thì các ngôi mộ được bơm nước rửa sạch bụi bặm. Một bức tường cao được xây dựng để ngăn trâu bò len vào giẫm đạp. Lại có hai người thường xuyên ngoài nghĩa trang đến để dọn dẹp quang quẻ sạch sẽ cũng như tiếp tục chôn cất các thai nhi.

Một ngày làm việc trôi qua với nhiều cảm xúc, chúng tôi quây quần quanh nhau để lắng đọng tâm hồn cùng với lời cầu kinh cho những người đã nằm xuống, ráng chiều đã rực lên, gió hoàng hôn đã bắt đầu những cơn quần quật. Mọi người lặng thinh với không gian và với chính mình. Trên đường về không ai bảo ai, lòng như trùng xuống ngậm ngùi, chạnh nhớ một bài hát của Trịnh:

“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây,
Đã vui chơi trong cuộc đời này,
Đã bay cao trong vòm trời đầy,
Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai,
Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi !

May quá, ở nghĩa trang này, không chỉ có chim trời và hoa dại, mà vẫn luôn có đó một chị Nữ Tu ân cần tận tụy và những con người tốt bụng chăm sóc gần gũi các anh…

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

26.12.2014

Còn nghìn, vạn… vụ án oan sai?

Còn nghìn, vạn… vụ án oan sai?

Nguyễn Đình Ấm

Có thể khẳng định như vậy vì nhiều lý do.

Vừa qua, nhờ “cảm hứng” từ vụ án Nguyễn Thanh Chấn bị tòa xử tử hình oan đã vô tình được sáng tỏ nên nạn nhân, gia đình, bè bạn của Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Dương, Hồ Duy Hải ở Long An và một số nghi phạm khác mới có quyết tâm vượt qua sự khốn khó, vô vọng để phản kháng quyết liệt đòi xem xét lại sự oan khuất của mình.

Qua quan sát, điều tra, viết bài, tôi thấy trong xã hội hiện nay đang tồn tại nhiều trường hợp bị khép tội oan sai có những tình tiết giống hệt các vụ án của Nguyễn Thanh Chấn, Hồ Duy Hải… Đó là, khi ai đó bị cơ quan điều tra nhận định là thủ phạm trong vụ án mà qua điều tra, xét hỏi thông thường nghi phạm không nhận tội thì một kịch bản kiểu như thế này diễn ra: Điều tra viên (ĐTV) dùng thủ đoạn bỏ đói, thay nhau lấy cung ngày, đêm không cho ngủ, lừa, dụ, khủng bố tinh thần, đánh đập, nhục hình… đến khi nghi phạm không thể chịu nổi, buộc phải nhận tội bừa để giữ mạng sống, hy vọng khi ra tòa kêu oan. Khi nghi phạm đã phải nhận tội thì ĐTV sẽ ép, mớm nạn nhân khai, tạo các bằng chứng phù hợp với “tội”. Việc đi mua thớt và dao ở chợ về làm vật chứng trong vụ Hồ Duy Hải không phải cá biệt. Khi đưa ra xét xử các cấp tòa dù nghi phạm, luật sư kêu oan thấu trời nhưng tòa vẫn cứ dở các bản cung nghi phạm ký nhận, các vật chứng rởm, không đưa những chứng cứ trái ý muốn của họ vào tố tụng để bác bỏ mọi bào chữa nhằm vụ xử được suôn sẻ, giữ “uy tín” cho người, cơ quan pháp luật.

Vụ bỏ tù oan 5 nông dân ở thôn Mai Chung, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương năm 2005 là một ví dụ. Đầu tiên, một người chuyên ăn trộm cá ở xã bên bị ai đó đánh vỡ sọ chết cách các ao cá của 5 người kia hơn 1 km dù tại đây không chỉ năm người này có ao cá. Mặc dù có rất nhiều tình tiết ngoại phạm và hết sức vô lý nhưng năm người này vẫn phải nhận tội do ĐTV dùng nhục hình, lừa bịp, mớm cung… Nghi phạm Phan Ngọc Hải tố cáo: ĐTV tên Tuấn Anh lấy còng sắt cột tay vào ghế rồi dùng gậy gỗ vuông, dùi cui cao su vụt vào mắt cá chân, các khớp xương, dùng giày đá vào mạng sườn… Hải cắn răng kêu van nhưng càng kêu thì những trận đòn càng dữ dội hơn đến khi ngất lịm. Buổi chiều 1/5/2005 lại lấy cung Hải vẫn kêu oan, ĐTV nguyền rủa “không có tội, đánh cho có tội” cùng với những trận đòn như trước… Một giờ sáng hôm sau ĐTV dựng dậy cho Hải xem 4 bản viết và nói: “Đây, chúng nó nhận cùng đánh chết trộm hết rồi chỉ còn mày, khôn hồn thì nhận đi.”. Hải thất kinh yêu cầu đối chất với 4 người kia nhưng ĐTV không cho. Đến khi gặp nhau cả 4 người đều nói với nhau “Sao… lại khai vấy cho tôi?”. Đến 3 giờ sáng 2/5/2005 tiếp tục bị đánh, tinh thần hoảng loạn nghĩ không thể sống nếu không nhận “tội” nên Hải phải nhận bừa để còn sống khi ra tòa kêu oan… Khi đã “nhận tội” thì ĐTV nói “nếu như thế thì phải có bằng chứng gì như con dao, cái lưới chẳng hạn” và Hải phải bịa ra lưới của kẻ trộm để ở đâu, con dao chém trộm ở chỗ nào… Nhưng đến khi tìm đến các “bằng chứng” dù con dao, tấm lưới mạng nhện chăng, ở nơi không phù hợp nhưng vẫn được đưa vào hồ sơ… ĐTV còn lừa Hải bằng cách hỏi cái ao cá nằm ở vị trí như thế nào đưa giấy, bút để Hải vẽ sơ đồ. Hải không ngờ khi xử án thấy quan tòa đưa ra cái bản vẽ và coi đó cũng là một sự thừa nhận tội.

Theo tôi, hiện trạng việc điều tra, xét xử của cơ quan pháp luật lâu nay gây ra rất nhiều oan sai do:

– Công an điều tra có quyền quá lớn trong hoạt động tư pháp. Về hình thức thì trong hoạt động TP có ba ngành kiểm soát lẫn nhau: Công an điều tra, viện kiểm sát kiểm sát, tòa án xét xử nhưng thực chất khi một vụ án xảy ra công an gần như toàn quyền khởi tố, điều tra rất ít vụ án VKS tham gia cả quá trình điều tra, càng không có luật sư bảo vệ nghi can nên những ĐTV vô lương tâm tha hồ áp dụng các biện pháp thâm độc, tàn bạo để chóng “hoàn thành nhiệm vụ” nghỉ ngơi, lên chức, lên lương…

– Từ điều tra đến nhà tù đều do ngành công an đảm nhiệm khép kín nên không có cơ hội cho tù nhân kêu oan. Vụ án ở Cẩm Giàng Hải Dương nêu trên họ tố cáo nhiều lần tù nhân viết đơn kêu oan để gia đình gửi đi nhưng bị cấm đoán, ngăn chặn.

clip_image002

Bốn dân oan Cẩm Giàng (Hải Dương) đang kể mình bị điều tra viên tra tấn, nhục hình, mớm, dụ cung như thế nào.

– Cả ba cơ quan tố tụng đều do một ông đảng (địa phương, trung ương) lãnh đạo, chỉ đạo nên họ không độc lập trong công việc. Dù tình tiết vụ án như thế nào nếu “cấp trên” muốn bắt, xử đối tượng nào đó theo mức nào thì hầu hết cơ quan tố tụng không thể làm trái do cái ghế, sự nghiệp của họ là “lãnh đạo” định đoạt. Thời gian qua không ít vụ dân đồn đại nhiều người bị oan sai do phải “thế mạng” cho con, cháu “ông nọ, bà kia” có chức quyền, nhiều tiền… Đây là những trường hợp dân gian gọi là “án bỏ túi”. Đặc biêt, những vụ liên quan chính trị thì không cần pháp luật, họ bắt, bỏ tù ai đó chỉ vì nghỉ trong phòng có bao cao su cũ, thiếu thuế ít tiền, “hai xe đi hàng ba”, điều 258… mơ hồ.

– Việc kiện cáo, kêu oan của nạn nhân hầu hết không được hệ thống quyền hành đoái hoài, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng không biết hoặc làm ngơ. Trong vụ ở Cẩm Giàng nói trên, từ khi các nghi phạm bị bắt, đi tù 2005, 2007 đến khi được ra tù (chỉ bị tù ½ thời gian tòa xử) 2010, 2011 đã rất nhiều lần họ gửi đơn cho Quốc hội, Viện Kiểm sát, Toà án Nhân dân Tối cao, Chủ tịch nước (báo Cựu chiến binh Việt Nam số 867 ngày 16/6/2011 đã đăng bài “Kỳ án trộm cá và những mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án” nói lên đầy rẫy mâu thuẫn, uẩn khúc, sai phạm trong việc điều tra, xét xử vụ án này) nhưng tất cả không có một sự hồi âm nào. Đến nay các nạn nhân phải cam chịu vì họ không có tiền bạc, hơi sức để tiếp tục kiện cáo. Vụ Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải dù gia đình liên tục kêu oan với nhiều tình tiết sai trái nghiêm trọng trong quá trình tố tụng nhưng cả chục năm nay không ai thèm xem xét… Quá cùng quẫn gia đình, bạn bè những người thương cảm với Nguyễn Văn Chưởng phải dầu dãi nắng mưa ngồi ở vườn hoa Lý Thái tổ kêu cứu nhưng không những chưa được cơ quan chức năng, người có trách nhiệm lưu tâm mà còn bị xua đuổi, sách nhiễu, bắt bớ…

clip_image004

Với kinh nghiệm của mình, tôi khẳng định vụ Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng cũng như hàng nghìn, vạn… vụ khác là oan sai ở mức độ khác nhau.

N. Đ. A.

Giáo Hội tăng 15 triệu người Công giáo trong một năm

Giáo Hội tăng 15 triệu người Công giáo trong một năm

Chuacuuthe.com

VRNs (03.01.2015) – Hãng thông tấn Fides công bố thế giới có khoảng 1,23 tỉ tín hữu trên toàn thế giới vào cuối năm 2012.

Dựa trên ấn bản mới nhất ‘Church’s Book of Statistics’ (Những Thống kê của Giáo hội), khảo sát đến ngày 31/12/2012, hãng tin Fides cho biết số người Công giáo trên toàn thế giới vào năm 2012 để 1.228.621.000, tăng 15 triệu so với năm trước đó.

Sự tăng trưởng này diễn ra trên mọi lục địa.

Tuy nhiên, Fides cho biết thêm, người Công giáo chiếm khoảng 17,49% dân số thế giới vào năm 2012, giảm 0,01% vào năm 2011.

Vatican Radio cho biết thêm, Châu Mỹ và Châu Phi là hai châu lục có mức tăng trưởng lớn nhất, bên cạnh đó các lục địa ở Á, Âu, Úc cũng có sự gia tăng.

Số lượng các linh mục Công Giáo trên thế giới tăng 895 vị, đạt con số 414,313 vị. Châu Á có thêm 1364 linh mục, và châu Phi có thêm 1076 vị, trong khi châu Âu mất đi 1,375 linh mục. Trên toàn thế giới số nữ tu giảm 10,677 vị và chỉ còn 702,529 nữ tu trên thế giới.

Cũng theo thống kê, Giáo hội có khoảng 71,188 các trung tâm giáo dục mầm non, 95,246 trường tiểu học và 43,783 trường trung học trên toàn thế giới, cộng với 115,352 các trung tâm từ thiện và chăm sóc y tế.

Trung Quốc 2015: Địa ốc tuột dốc

Trung Quốc 2015: Địa ốc tuột dốc

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2014-12-31

DDKT12312014.mp3

thuong-hai-622

Các tòa nhà cao tầng tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 08 tháng 9 năm 2014 (ảnh minh họa).

AFP

Your browser does not support the audio element.

Ngày nay, thế giới đã công nhận rằng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không thể khả quan như xưa. Nhưng bên dưới tình trạng suy trầm trì trệ ấy còn có nhiều vấn đề khác nữa mà người ta cần nhìn ra. Diễn đàn Kinh tế sẽ khởi đầu cho năm 2015 qua việc phân tích những vấn đề này. Xin quý vị theo dõi phần trao đổi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Chiến dịch bài trừ buôn lậu nông sản

Vũ Hoàng: Xin kính chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau loạt tổng kết cho 2014 và dự báo cho năm mới, kỳ này xin đề nghị ông phân tích cho tình hình kinh tế Trung Quốc trong năm 2015. Theo giới quan sát quốc tế thì kinh tế Trung Quốc khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 7% cho năm 2015, nhưng ngoài ra, xứ này còn có những vấn đề gì khác nữa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, chúng ta nên đọc vài tin nhỏ mà kém vui vì chúng liên hệ đến kinh tế Việt Nam. Hôm 30, tại Việt Nam, Trung tâm Tư vấn của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa ra một báo cáo có tính khuyến nghị, rằng Việt Nam cần giới hạn dần và chấm dứt việc trao đổi qua biên giới với Trung Quốc để chỉ còn cơ chế xuất nhập khẩu thông thường mà thôi. Việc mua bán qua biên giới, hay mậu biên hoặc xuất nhập khẩu tiểu ngạch, là hiện tượng quá phổ biến, gây thất thu về thuế khóa và đào sâu tình trạng nhập siêu quá nặng của kinh tế Việt Nam với Trung Quốc. Trong năm qua, số nhập siêu này lên tới gần 30 tỷ đô la, tăng gần 22% so với năm ngoái.

Trước đó hai ngày, tờ The Wall Street Journal bên Mỹ lại có cái tin mang tính chất bổ sung. Đó là nạn nhập lậu khá phổ biến tại Trung Quốc. Nhưng chuyện ly kỳ họ nói tới không là nhập lậu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng mà là nhập gạo từ Việt Nam. Con số gây giật mình là số gạo lậu từ ta bán cho Tầu trong 11 tháng đầu năm lên ít nhất là một triệu 200 nghìn tấn, bằng một phần tư của số gạo tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Việt Nam đứng đầu trong các nước bán gạo cho Tầu và cung cấp hơn phân nửa số gạo nhập khẩu chính thức vào xứ láng giềng này. Vì giá gạo bên Tầu quá cao, lên tới khoảng 643 đô la một tấn so với giá 498 đô la của Việt Nam, nên trong luồng giao dịch gọi là mậu biên này mới có tình trạng buôn lậu.

” Diện tích canh tác của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới, bây giờ số đất hiếm hoi ấy lại thiếu nước cho canh tác, rồi còn bị ô nhiễm vì quy cách sản xuất vô trách nhiệm, nên việc nhập khẩu lương thực còn kéo dài mãi mãi.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa”

Những tin đó từ Việt Nam và bên Mỹ xác nhận điều mà Cục Hải quan Toàn quốc nhắc đền từ đầu tháng 11. Đó là thi hành quyết định của Hội nghị Ban chấp hành kỳ bốn vừa qua, Quốc vụ viện là Hội đồng Bộ trưởng của Trung Quốc phát động chiến dịch bài trừ buôn lậu nông sản và ma túy gọi là Lục Phong, làm gió xanh lục.

Vũ Hoàng: Ông nghĩ thế nào về những vấn đề rất ly kỳ này, thí dụ như Việt Nam là nước bán gạo nhiều nhất cho Trung Quốc mà lại còn bán lậu nữa?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Những tin ấy thấy hơi buồn, buồn nhất là cho người Việt trong cuộc là nông gia. Xứ này nằm dưới chế độ kiểm soát rất khắc nghiệt vậy mà vẫn để xảy ra nạn buôn lậu thì hiển nhiên là các cấp chính quyền địa phương không làm tròm nhiệm vụ, có khi còn trực tiếp nhúng tay vào nghề buôn lậu nữa. Nhân loại đã bước qua năm thứ 15 của thế kỷ 21 rồi mà hai quốc gia tự xưng xã hội chủ nghĩa lại còn hiện tượng lạc hậu đó. Việt Nam hiện dư gạo, nông dân vẫn là nạn nhân vì không hưởng kết quả lao động của mình với giá gạo quá thấp, lại còn buôn lậu qua một xứ đói ăn, khát dầu và thiếu nước mà lại có hành vi áp bức với quốc gia mình.

Chuyện ấy khiến ta nhớ đến một vấn đề khác. Tháng Tư vừa qua, hai bộ Bảo vệ Môi sinh và Tài nguyên Quốc thổ của Bắc Kinh cho biết là một phần năm diện tích đất đai bị nhiễm độc vì hóa chất từ công nghiệp khiến hàng năm họ mất 12 triệu tấn hoa màu, và 30% sản lượng gạo của họ có độ chì cao hơn mức an toàn cho sức khoẻ. Một ví dụ khác là từ nhiều năm rồi, tỉnh Hồ Nam cố khắc phục tình trạng ruộng lúa bị nhiễm chất cadmium mà không xong vì thiếu nước. Và hậu quả là gạo tại Quảng Đông bên cạnh nước ta bị nhiễm cadmium chính là gạo từ Hồ Nam.

Chúng ta biết diện tích canh tác của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới, bây giờ số đất hiếm hoi ấy lại thiếu nước cho canh tác, rồi còn bị ô nhiễm vì quy cách sản xuất vô trách nhiệm, nên việc nhập khẩu lương thực còn kéo dài mãi mãi. Mà lương thực là sản phẩm còn sinh tử hơn dầu khí nên tất nhiên họ có tư tưởng cướp đất để trồng gạo bên cạnh một quốc gia như Việt Nam mà lãnh đạo có thói quen là cái gì cũng bán, kể cả bán nước.

Đường phố Bắc Kinh, tháng Giêng năm 2014

Viễn ảnh 2015 của kinh tế TQ

Vũ Hoàng: Trở lại viễn ảnh 2015 của kinh tế Trung Quốc thì giới quan sát nhận định thế nào?

Đường phố Bắc Kinh, tháng Giêng năm 2014

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói chung, người ta cho là kinh tế Trung Quốc sẽ bị suy trầm và giảm phát, với đà tăng trưởng không thể là 7%, có khi chỉ 5% mà thôi. Tuy nhiên, từ chuyện đất đai sang nhà cửa thì tôi nghĩ là ta nên tìm hiểu về một quyết định mới của Quốc vụ viện Bắc Kinh.

Hôm 22 vừa qua, họ vừa ra một thông tư sơ khởi để sẽ bắt đầu áp dụng từ đầu Tháng Ba này. Đó là các chính quyền địa phương từ cấp quận huyện trở lên phải lập ra hệ thống kiểm kê và đăng ký mọi loại tài sản gia cư, địa ốc và quyền sử dụng đất trên toàn quốc.

Vũ Hoàng: Thưa ông, vì sao ông lại cho quyết định này là quan trọng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Việc các địa phương phải lập hệ thống kiểm tra tài sản địa ốc bằng điện tử lẫn ghi trên số sẽ mất nhiều năm mới hoàn thành nhưng trước mắt thì khiến giá nhà tại nhiều nơi sút giảm hơn nữa ngay năm nay. Điều ấy lập tức ảnh hưởng đến sản lượng kinh tế năm 2015.

Nhìn về căn bản thì quyết định này còn có ý nghĩa sâu xa hơn. Đây là trận đánh lâu dài về ngân sách giữa chính quyền trung ương và các địa phương, lồng trong chiến dịch diệt trừ tham nhũng ở cấp địa phương, và sẽ giới hạn được nạn cướp đất của dân để đầu cơ và thổi lên bong bóng.

Vũ Hoàng: Xin ông lần lượt trình bày cho thính giả của chúng ta những ý nghĩa quả thật là nghiêm trọng mà rắc rối này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết là về bối cảnh thì như diễn đàn của chúng ta đã trình bày từ mấy năm trước, chính sách quản lý đất đai và cấp phát tín dụng để kích thích kinh tế đã dẫn đến hai chuyện. Thứ nhất, các chính quyền địa phương lợi dụng quyền quản lý để ban phát lợi lộc cho tay chân khiến dân oán hận. Lý do là họ thu được 40% ngân sách chi dụng là nhờ số đất thật ra lại rất ít hỏi đó. Thứ hai, chính sách kích thích kinh tế bằng tín dụng ào ạt lại trút tiền vào các doanh nghiệp nhà nước ở trung ương và địa phương và chạy vào túi các đại gia có quan hệ với đảng viên cán bộ. Rồi tiền quá dư thừa với lãi suất rẻ mới thổi lên nạn đầu cơ địa ốc và trái bóng đầu cơ bị bể từ mấy năm nay. Hậu quả là ngoài mấy thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu, Nam Kinh, tại tất cả các thành phố khác giá nhà đều sụt và các tay đầu cơ có thể phá sản, ngân hàng mất nợ và ngành xây cất bị khủng hoảng, công nhân mất việc.

Trong bối cảnh ấy, chính quyền trung ương bèn ra chỉ thị thành lập hệ thống kiểm tra này để vừa nắm vững tình hình thật, vừa tránh nạn địa phương lạm quyền rồi báo cáo sai lên trên và từ đó có hy vọng đẩy lui nạn đầu cơ trên thị trường gia cư.

Trận đánh về ngân sách

Vũ Hoàng: Hồi nãy ông có nói đến trận đánh về ngân sách giữa trung ương với địa phương, vì sao lại có tình trạng này?

” Năm nay trung ương mới lập ra sắc thuế thổ trạch sẽ áp dụng năm tới. Loại thuế đánh trên tài sản địa ốc này nhắm vào việc giải trừ đầu cơ và đồng thời cho địa phương một nguồn thu rõ rệt hơn. Nhưng muốn vậy thì phải có hệ thống kiểm tra tài sản địa ốc.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa”

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hệ thống ngân sách của Trung Quốc được thiết lập từ 20 năm trước nay đã bị lỗi thời, khi số thu và chi của trung ương và các địa phương đã có thay đổi. Vắn tắt cho dễ nhớ thì trung ương và địa phương thu được bằng nhau, nhưng các khoản chi của địa phương lại tăng mạnh, từ phân nửa của số tổng chi mấy chục năm trước nay đã lên tới khoảng 85%. Khi ấy, họ làm sao giải quyết được nhu cầu chi dụng? Họ cướp đất và bán đất và lập ra cả ngàn công ty mệnh danh là đầu tư để đi vay tiền bừa phứa từ các ngân hàng của nhà nước tại địa phương và đang chất lên một núi nợ rất cao, bên trong có nhiều nợ xấu sẽ mất. Cho đến nay, chưa ai tính được các khoản nợ này là bao nhiêu và bao giờ thì vỡ nợ.

Vì vậy, sau nhiều năm xoay trở, năm nay trung ương mới lập ra sắc thuế thổ trạch sẽ áp dụng năm tới. Loại thuế đánh trên tài sản địa ốc này nhắm vào việc giải trừ đầu cơ và đồng thời cho địa phương một nguồn thu rõ rệt hơn. Nhưng muốn vậy thì phải có hệ thống kiểm tra tài sản địa ốc.

Vũ Hoàng: Hồi nãy, ông có nói đến việc địa phương thiếu tiền chi dụng cho ngân sách nên mới lập ra những công ty đầu tư tại địa phương để hút tiền từ các ngân hàng của nhà nước tại địa phương và chất lên một núi nợ sẽ sụp đổ. Thế Bắc Kinh giải quyết vấn đề này như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Để giải quyết chuyện này, từ ba năm truớc, lãnh đạo Bắc Kinh cho thử nghiệm trên 10 thí điểm thể thức trái phiếu địa phương, là các địa phương được vay tiền khi phát hành tờ công khố phiếu của từng địa phương để huy động tiền trong dân gian. Năm 2015 này, họ sẽ thống nhất áp dụng việc đó để các địa phương có tiền trả nợ, tránh nạn cướp đất và tạo cơ hội khác cho giới đầu tư. Nhưng muốn có một thị trường trái phiếu địa phương và đồng thời ban hành sắc thuế thổ trạch thì trước hết người ta cần có một hệ thống sổ sách phân minh và đáng tin cậy. Đấy là ý nghĩa của việc thành lập hệ thống kiểm tra tài sản gia cư địa ốc vừa mới ban hành.

Qua ngần ấy chuyện, ta thấy ra nhiều vấn đề chằng chịt và phức tạp của hệ thống công quyền thiếu dân chủ và chẳng áp dụng thế chế liên bang trên một đất nước quá rộng.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, liệu chính quyền Trung Quốc có thành công hay chăng khi một lúc phải giải quyết ít ra ba bốn vấn đề là chi thu ngân sách, tránh nạn đầu cơ và cướp đất và tránh nạn sụp đổ tài chính nếu các công ty đầu tư ở địa phương bị vỡ nợ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm nay họ mới có quyết định thành lập các cơ chế giải quyết nên phải mất nhiều năm nữa thì mới thấy kết quả. Một trong những kết quả tích cực là sau này, nông gia sẽ có đất canh tác mà khỏi bị nhà nước cướp mất và từ đó hy vọng khai thác theo lối văn minh hiện đại và lành mạnh hơn để kiếm ra nông sản cho thị trường nội địa.

Nhưng trước mắt thì những biện pháp ấy sẽ làm giá nhà suy sụp hơn nữa trong năm nay. Ngoài ra, ta không thể quên là chính sách mới sẽ xâm phạm quyền lợi của cường hào ác bá địa phương cùng các doanh gia đã mặc tình khai thác thị trường địa ốc cho lợi ích riêng dưới sự bao che của thân tộc trong đảng. Vì vậy, các thành phần này sẽ ra sức phá hoại chính sách mới. Đấy là lý do vì sao mình nên nghĩ đến chiến dịch diệt trừ tham nhũng. Mục tiêu vẫn là đánh tan các thế lực kinh tế chính trị thường cấu kết với nhau để trục lợi và còn thách đố chính quyền trung ương. Năm nay, ngoài nạn suy sụp kinh tế, chúng ta còn chứng kiến nhiều trận đánh ly kỳ ấy.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông Nghĩa trong chương trình phát thanh cho một đầu năm dương lịch sẽ hứa hẹn nhiều sóng gió.

Đức Giáo Hoàng xúc động trước cái chết thương tâm của một linh mục Mễ Tây Cơ

Đức Giáo Hoàng xúc động trước cái chết thương tâm của một linh mục Mễ Tây Cơ

Đặng Tự Do

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn sâu xa và mạnh mẽ lên án “bạo lực không thể biện minh được” của bọn mua bán ma túy tại Mễ Tây Cơ sau cái chết của cha Gregorio López Gorostieta, là vị linh mục đã bị bắt cóc chỉ vài giờ sau một bài giảng nẩy lửa của ngài chống bọn tội phạm có tổ chức tại bang Guerrero.

Cha Gregorio Lopez, 39 tuổi đã cử hành thánh lễ cuối cùng trong đời ngài là thánh lễ Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng hôm 21 tháng 12. Trong thánh lễ, ngài lên tiếng kêu gọi sự hoán cải của bọn tội phạm có tổ chức trong vùng, là những kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của 43 sinh viên trường Đại Học Sư Phạm Iguala hôm 26 tháng 9.

Sau thánh lễ, bọn mua bán ma túy trong vùng đã chặn đầu xe của ngài và kéo ngài ra khỏi xe đưa đi mất.

Trong một nỗ lực để cứu ngài, vào đêm Giáng Sinh một nhóm linh mục và tín hữu Công Giáo đã tổ chức những cuộc tuần hành tại các thành phố trong bang Guerrero. Đức Giám Mục bản quyền của giáo phận Ciudad Altamirano, nơi cha Gregorio là một giáo sư trong một chủng viện, đã đưa ra một bức thư ngỏ bày tỏ ý muốn sẵn sàng thương thuyết với bọn bắt cóc.

Ngày 26 tháng 12, người ta tìm thấy xác ngài tại thành phố Tlapehuala, bang Guerrero.

Trong điện văn được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ký thay mặt ngài gởi đến giáo phận Altamirano, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ tất cả các linh mục, các thừa sai tiếp tục sứ mạng của mình bất chấp những khó khăn, theo gương Thầy chí thánh.

Cha Gregorio Lopez là linh mục thứ tư bị giết trong vùng này trong năm 2014.

Hôm 23 tháng 12, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nhận định rằng Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất cho các linh mục. Trong 24 năm qua, tức là từ năm 1990 đến năm 2014, 47 cuộc tấn công nhắm vào hàng giáo sĩ đã diễn ra gây tử vong cho 1 Hồng Y, 34 linh mục, 1 phó tế, 3 nữ tu, 5 giáo dân và 1 nhà báo Công Giáo. Tình trạng tồi tệ nhất đã xảy ra dưới thời tổng thống Enrique Peña Nieto.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, bốn linh mục đã bị sát hại. Trong một cuộc tấn công, một giáo dân đi cùng với một linh mục đã bị giết. Vị linh mục sống sót mặc dù những kẻ tấn công đã bắn nhiều phát về phía ngài. Trước đó, ngài đã thoát nạn trong một âm mưu bắt cóc không thành. Trong 12 tháng qua, hai linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Acapulco, ở Guerrero đã bị giết. Một linh mục của giáo phận Atlacomulco, bang Mexico, cũng bị giết chết trong một vụ cướp gây ra ở nhà thờ nơi ngài thi hành mục vụ. Cha Gregorio Lopez thuộc giáo phận Altamirano là nạn nhân thứ tư.

Điều đáng kinh hoàng hơn là cho đến nay chưa một tên sát thủ nào phạm vào tội ác giết hại hàng giáo sĩ Công Giáo tại Mễ Tây Cơ bị bắt và bị pháp luật trừng trị.

HOÀ BÌNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT

HOÀ BÌNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm. Giuse Trần Đình Long

Dòng Thánh Thể

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình An dưới thế cho loài người Chúa thương”

Sau ngày 30-04-1975, khi tiếng súng ngừng hẳn, hai miền Nam Bắc thống nhất, hoà bình về trên quê hương Việt Nam, ai cũng nghĩ từ đây chiến tranh, hận thù chém giết không còn, mọi người sẽ được sống trong cảnh “thái bình thịnh trị”. Thế nhưng thực tế không phải như thế. Thời gian gần đây người dân luôn sống trong nơm nớp lo âu. Những băng đảng giang hồ thanh toán nhau bằng súng đạn giữa ban ngày trong thành phố như trong phim xã hội đen mà dân lành dễ bị “tai bay vạ gió”. Những cuộc chém giết lạnh lùng để đòi nợ, để trả thù, để dằn mặt không chút xót thương, đôi khi nạn nhân lại là những người hoàn toàn vô tội bị chết oan. Chỉ vì tranh chấp nhà cửa ruộng đất, vì ghen tuông, vì đồng tiền mà chồng đốt chết vợ, con chém chết cha, cháu đánh chết bà. Chạy xe thì lo gặp tai nạn vì bị rớt xuống những “hố tử thần”, vì những tài xế xay xỉn chạy ẩu, vì gặp đám quái xế “đi bão”. Trời mưa thì sợ chết vì rò rỉ điện, vì cây rớt, vì sụp hố. Trong nhà ngoài phố đâu đâu cũng thấy chiến tranh, hận thù, chết chóc.

Báo Pháp Luật số Chúa Nhật 05-12-2010 bắt đầu đăng loạt bài chuyên đề điểm nóng “Huyết Án Trong Sân Trường” :

  • Giữa tháng 11-2010, một nhóm học sinh lớp 10 trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (Q.3) đang trên đường đi học về thì bị một nhóm thanh niện khác chận lại, dùng lưỡi lê đâm chết tại chỗ em Đặng Hoàng Tiến (15 tuổi) ngay gần khu vực cổng trường. Hung thủ là học sinh trường Nam Sài Gòn, khai đâm chết Tiến là do xích mích chuyện tình ái.
  • Cách đây một năm, tại trường THCS Tân Bình, do tranh dành bạn gái, một học sinh lớp 8 tên Lê Công Hoàng đã đánh nhau và dùng dao thủ sẵn đâm Minh gục ngay giữa sân trường. Hoàng tiếp tục đâm trọng thương 2 học sinh khác vào can ngăn trước sự chứng kiến của hàng trăm học sinh, giáo viên, giám thị…

– Chiều 06-12, anh Nguyễn Đức Lộc (28 tuổi) cùng bạn là Châu Đoàn Vũ (26 tuổi) đi dự tiệc sinh nhật bạn ở tỉnh Bình Dương, khi chạy xe máy đến ấp Bình Đường 2, xã An Bình, huyện Dĩ An thì va chạm với nhóm “choai choai” đi đường dẫn đến đánh nhau. Hậu quả, Lộc bị chém chết tại chỗ, Vũ bị thương nặng (Báo  Thanh Niên 08-12-2010).

– Trần thị Bích Trâm (23 tuổi, Kiên Giang) bị công an huyện Nhà Bè bắt giữ để làm rõ hành vi giết người. Do mâu thuẫn gia đình, Trâm dùng dao đâm chết chồng là anh Nguyễn Thành Công (24 tuổi) tại nhà trọ xã Phước Kiểng, Huyện Nhà Bè (Báo Tuổi Trẻ 10-12-2010).

Bao lâu nay hoà bình vẫn luôn là khát vọng thâm sâu nhất của nhân loại. Ai cũng mong mỏi hoà bình, nhưng dường như con người chẳng bao giờ được sống trong an bình, lúc nào cũng lo sợ chiến tranh và bạo lực. Hegel đã phải chua xót nhận xét rằng : “Lịch sử nhân loại là một núi sọ hay một thung lũng đầy xương khô. Những thời kỳ hạnh phúc chỉ là những trang giấy trắng!” Hòa bình ơi!

Từ Việt Nam nhìn ra thế giới, ta thấy nhận xét của Hegel quả không sai. Trong thế kỷ 20, hai cuộc thế chiến đã tiêu diệt hơn 50 triệu sinh mạng. Năm 1945, trái bom nguyên tử đầu tiên thả xuống Hiroshima chỉ trong vài phút đã tàn sát hàng trăm ngàn thường dân vô tội. Sau thế chiến II, hơn 20 triệu người đã bị chết thảm khốc trong 150 cuộc chiến. Những cuộc chiến ngày càng bùng nổ với mức độ tàn phá ghê gớm và thảm khốc hơn bởi những vũ khí tinh vi hủy diệt hàng loạt do chính con người chế tạo ra để… hủy diệt con người!

Tổ chức Liên Hiệp Quốc ra đời với nỗ lực xây dựng nền hòa bình trên hành tinh này với lời cam kết: “Chúng tôi, các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc kiên quyết tránh cho các dân tộc thảm họa chiến tranh”. Thế nhưng từ đó đến nay, súng vẫn nổ, đạn vẫn rơi, và máu vẫn chảy. Thế giới đang lo sợ cuộc chiến tranh nguyên tử giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên mà hậu quả thật khôn lường. Hiểm họa chiến tranh hạt nhân luôn ám ảnh và đe dọa sự sống còn của nhân loại. Hòa Bình  ơi!

Hoà bình vẫn là mơ ước ngoài tầm tay với, vì nỗ lực của các quốc gia giải quyết những tranh chấp và xung đột bằng đối thoại và bất bạo động dường như phải lùi bước trước bạo lực và lý lẽ của kẻ mạnh. Hoà Bình ơi!

Giáo Hội Công Giáo cũng miệt mài tìm kiếm nền hòa bình đích thực cho nhân loại. Năm 1920, Đức Bênêdictô XV ban hành thông điệp “Hoà Bình của Thiên Chúa” (Pacem Dei). Từ năm 1939 đến 1957, qua các Sứ Điệp Giáng Sinh, Đức Piô XII luôn kêu mời các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới hãy kiến tạo một nền hòa bình đích thực trên hành tinh này và cùng nhau xây dựng một thế giới liên đới công bằng. Năm 1963, Đức Gioan XXIII ra thông điệp “Hoà Bình Trên Thế Giới” gởi đến tất cả những người thành tâm thiện chí trên thế giới để kêu gọi các quốc gia xây dựng một nền hoà bình chống lại chiến tranh. Năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng “Công Lý và Hòa Bình”, và từ năm 1968, lập ra ngày “Hoà Bình Thế Giới” cử hành vào ngày mồng một tháng giêng hàng năm. Đức Gioan Phaolô II đã tổ chức những buổi “cầu nguyện liên tôn” cho hòa  bình tại Assisi và đưa ra sáng kiến “Ăn Chay vì Hoà Bình”. Năm 1986, ăn chay để kêu gọi giải trừ vũ khí nguyên tử. Năm 1993 và 1994, ăn chay cho hòa bình tại Bosnia. Năm 2001, ăn chay để cầu nguyện cho hòa bình thế giới sau biến cố 11-9 tại Hoa Kỳ.

Muốn có được nền hòa bình đích thực, con người không chỉ dừng lại ở việc chấm dứt chiến tranh, giải trừ quân bị, thực thi công lý, nhưng còn phải đi xa hơn, vươn tới tận nguồn của bình an là tình yêu thương, được thể hiện qua tấm lòng biết xót thương nhau như Chúa đã dạy: “Phúc cho ai biết xót thương người thì sẽ được Chúa xót thương”.

Hai quốc gia không gây hấn nhau, không xâm phạm chủ quyền của nhau, nhưng không quan hệ với nhau, không giúp đỡ nhau thì mới dừng lại ở mức thực thi công lý. Tôi không làm thiệt hại gì ai, không lỗi đức công bằng với ai, nhưng tôi cũng chẳng quan tâm đến ai, “sống chết mặc bay” thì tôi vẫn còn phải đấm ngực vì “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và …những điều thiếu sót”!

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả mối tương quan giữa lòng thương xót và công lý như sau: “Lòng thương xót đích thực là suối nguồn sâu xa nhất làm phát sinh công lý. Nếu công lý tự nó là thích hợp cho việc phân xử giữa người với người liên quan tới sự phân phối của cải vật chất một cách công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu, bao gồm tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng thương xót, mới có thể trả con người về lại với chính mình. Lòng thương xót Kitô giáo là hiện thân hoàn toàn nhất của sự bình đẳng giữa người với người, và do đó cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của công lý vì trong lãnh vực riêng của nó, công lý cũng nhắm tới cùng một kết quả như thế. Tuy nhiên sự bình đẳng do công lý mang lại chỉ giới hạn ở lãnh vực của cải vật chất bên ngoài, còn tình yêu và lòng thương xót lại giúp con người có thể gặp gỡ nhau nơi giá trị cao cả là chính con người, với phẩm giá riêng của mỗi người“.

Trong sứ điệp “Ngày Hòa Bình Thế Giới” năm 1998, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nhắc đến mối tương quan giữa công lý và lòng xót thương : “Công lý vừa là một nhân đức luân lý vừa là một khái niệm pháp lý. Ðôi khi công lý được biểu thị như một người mắt bít kín; thật ra, nhiệm vụ riêng của nó là sáng suốt và tỉnh táo để bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, khuyến kích một sự chia sẻ đồng đều các trách nhiệm và phúc lợi. Công lý phục hồi chứ không phá hủy, đưa tới hòa giải thay vì phục thù. Xét cho kỹ, ở trong chiều sâu của nó, công lý bén rễ trong tình yêu mà lòng thương xót là một biểu hiện có ý nghĩa nhất. Vì thế, công lý tách khỏi tình khoan dung sẽ trở thành lạnh lùng và độc ác“.

Đúng như thế, khi “công lý tách khỏi lòng thương xót sẽ trở thành lạnh lùng và độc ác” và có nguy cơ châm ngòi cho những cuộc chiến. Những bữa tiệc buffet linh đình cả trăm đô, những lễ đài nguy nga hàng trăm triệu, những lễ hội, những buổi trình diễn, diễn nguyện với sân khấu lộng lẫy hoàng tráng tiêu tốn bạc tỉ, những món quà lưu niệm cho lễ hội được tính bằng vàng… Tất cả sự hoang phí đó được biện minh là để “vinh danh Chúa”, “phục vụ nhân dân”, lo cho lợi ích chung, là của ân nhân tự nguyện đóng góp, đâu có bóc lột của ai, đâu có vi phạm công lý. Trong khi đó những người dân nghèo thấp cổ bé họng chỉ được đứng vòng ngoài nhìn những lễ hội một cách thòm thèm mà xót xa cho sự tốn kém lãng phí. Những nạn nhân lũ lụt bởi “thiên tai” hay “nhân tai” đang mòn mỏi trông chờ từng gói mì, lon gạo, bịch quần áo cũ mà vẫn chưa có.

Nếu bớt đi những chi phí không cần thiết mang nặng tính khoa trương nặng hình thức trong những lễ hội đạo cũng như đời để làm công việc bác ái, để xây những trường học, bệnh viện, mái ấm cho trẻ mồ côi, người khuyết tật, già neo đơn, để làm những cây cầu cho vùng nông thôn, để giúp học bổng cho các sinh viên học sinh hiếu học. Nếu làm được như vậy thì những lễ hội mới mang được ý nghĩa đích thực, mới để lại dấu ấn cho người tham dự lẫn người không được mời tham dự! Bằng không, người tổ chức và người tham dự lễ hội đã trở thành “lạnh lùng-vô cảm” vì đã tách “công lý” khỏi “lòng thương xót”. Không đóng góp chia sẻ vật chất, thậm chí cũng không chia sẻ mất mát tinh thần, không dành ra ít phút tưởng niệm, tưởng nhớ những nạn nhân lũ lụt, mà vẫn nhởn nhơ vui chơi ăn uống ca hát nhảy múa trong những lễ hội thì “lòng xót thương” quả là món hàng quý hiếm trong thời đại này.

Tôi không đụng chạm ai, cũng đừng ai đụng đến tôi. Tôi không làm thiệt hại ai mà cũng chẳng giúp đỡ ai. Tiền của tôi muốn làm gì tôi làm. Tôi phải lo cho anh em tôi, gia đình tôi, hội đoàn tôi, nhà thờ tôi, giáo xứ tôi. Cũng đúng thôi! Thế nhưng còn đồng bào tôi, giáo hội tôi thì ai lo? Đồng bào và giáo hội đó cũng là của tôi mà? “Công lý tách khỏi lòng thương xót sẽ trở thành lạnh lùng và độc ác”! Thánh Gioan Phaolô II đã nhận định thật chính xác và chua xót.

Thượng Hội Đồng các Giám Mục về “Công Lý Trong Thế Giới Hôm Nay” đã xác quyết: “Không thể tách rời công lý và tình yêu Kitô giáo đối với tha nhân. Bởi vì tình yêu bao hàm một đòi hỏi tuyệt đối về công lý, nghĩa là việc nhìn nhận phẩm giá và những quyền lợi của tha nhân; đồng thời công lý chỉ đạt tới sự viên mãn nội tại trong tình yêu. Với xác tín rằng mỗi người đích thực là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình và anh em của Ðức Kitô, người Kitô hữu nhìn thấy trong mỗi người hình ảnh của Thiên Chúa, và yêu sách tuyệt đối về công lý cũng như về tình yêu là chính yêu sách của Thiên Chúa“.

Chính vì tin tưởng vào xác quyết đó mà có một giáo xứ ở thành phố khi mừng kỷ niệm 50 năm thành lập, cha xứ đã kêu gọi giáo dân trong xứ đóng góp để xây dựng một ngôi nhà nguyện cho anh em dân tộc ở vùng sâu vùng xa thay vì làm cuốn “kỷ yếu” hay tổ chức lễ lạc ăn uống tiệc tùng tốn kém. Chính vì “nhìn thấy trong mỗi người hình ảnh của Thiên Chúa” mà hàng ngàn người tham dự thánh lễ và giờ cầu nguyện lòng thương xót mỗi chiều đã chắt chiu hàng tuần để chuyển hàng trăm tấn gạo đến cho đồng bào lũ lụt Miền Trung, tặng quà Noel, quà Tết cho bệnh nhân trại phong, người khuyết tật, và hàng ngàn học bổng cho sinh viên học sinh nghèo hiếu học. Chính vì thấy “yêu sách tuyệt đối về công lý cũng như về tình yêu là chính yêu sách của Thiên Chúa” cho nên một vài xứ đạo đã có những phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí, mái ấm cho người già neo đơn, thăm viếng và chia sẻ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cũng như ngoài giáo xứ, nhất là nơi vùng sâu vùng xa. Ước mong những đốm lửa này được lan rộng hơn nữa

Chúa Kitô được Isaia loan báo là “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta. Một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai. Danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. Người sẻ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận…” (Is 9, 5-6).

Đức Kitô, vị thủ lãnh có đầy “dũng mãnh” và “quyền bính trên vai” nhưng không thống trị, áp bức người dân bằng quyền lực, bằng lý lẽ của kẻ mạnh. Vị thủ lãnh ấy không phải là “ông vua con một cõi” muốn gì là giáo dân phải vâng phục, phải chấp hành, bất chấp điều ấy có hợp tình hợp lý hay không. Trái lại vị thủ lãnh đó “đã chào đời để cứu ta”, đã đối xử với người dân như “người Cha muôn thuở” chứ không như vua chúa quan liêu hống hách với bề tôi. Đó là vị “thủ lãnh hoà bình” chứ không phải thủ lãnh chỉ lo củng cố địa vị ngai vàng của mình, đi gây hấn, gây ảnh hưởng, gây thù chuốc oán, gây tang thương chết chóc cho dân lành.

Vị thủ lãnh hoà bình đó “là bình an của chúng ta” và “đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét. Nhờ thập gía, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập gía, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,14-16). Chính vị thủ lãnh hoà bình đó đã giao hòa loài người với Thiên Chúa “vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1,19-20).

Bình an chỉ có được khi ta biết xót thương người vì cảm nghiệm chính ta luôn được Chúa xót thương, dù ta có tội lỗi yếu hèn thế nào đi chăng nữa. Bình an chỉ có được từ lòng xót thương. Thương người như thể thương thân. Thương xót con người trầm luân trong đau khổ mà tôi không chất thêm khổ đau cho họ nữa. Tôi tập nhường nhịn, tha thứ, không chấp nhất, không xô xát, to tiếng, chen lấn giành giật. Tâm tôi có được bình an khi không còn bị xao động bởi những ham muốn, háo danh, ganh tỵ, ghen ghét, muốn hơn người. Làm sao tôi có được bình an khi chung quanh tôi còn bao người đau khổ cùng cực? Làm sao xã hội gọi là bình an khi người ta vẫn sống dửng dưng vô cảm trước khổ đau của đồng loại, khi tiêu tốn lãng phí trong những lễ hội mà không chạnh lòng nghĩ tới đồng bào mình đang sống trong cảnh màn trời chiếu nước ? Chính lòng xót thương thúc đẩy tôi dấn thân đi chia sẻ, làm việc bác ái, vun đắp an vui, giúp con người sống hòa bình với chính mình và với tha nhân.

Muốn có hòa bình đích thực thì lời “Kinh Hoà Bình” của Thánh Phanxicô Assisi, Nhật Ký Lòng Thương Xót của thánh nữ Faustina, giáo huấn của Ðức Kitô, và đặc biệt là “Bài Giảng Trên Núi” phải trở thành kim chỉ nam, thành hiến chương cho cuộc sống của những người đi xây dựng hoà bình theo chân vị “thủ lãnh hoà bình” là Đức Kitô :

“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc cho ai khát khao nên công chính,vì họ sẽ được Thiên Chúa cho mãn nguyện.

Phúc cho ai xót thương người,vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính,vì Nước Trời là của họ” (Mt. 5,3-10).

Muốn “thiên hạ bình” thì trước tiên “thân phải tu”. Tu tập để có lòng thương xót, có từ tâm. “Tình yêu và chỉ có tình yêu, bao gồm tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng thương xót, mới có thể trả con người về lại với chính mình.”

Không có Tình Yêu và Lòng Thương Xót thì bao giờ mới có Hòa Bình ?

Tác giả: Lm. Jos Trần Đình Long sss