Biểu tình phản đối công an thu áo No-Formosa

Biểu tình phản đối công an thu áo No-Formosa

2017-04-24
 

Áo thun có biểu tượng phản đối Formosa.

Áo thun có biểu tượng phản đối Formosa.

Courtesy of danlambao
 
 

Hàng ngàn người tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong đó có nhiều giáo dân Công giáo hôm 24 tháng tư biểu tình bao vây trụ sở công an huyện Quỳnh lưu.

Lý do của cuộc biểu tình là một số nhân viên an ninh và công an, vào sáng cùng ngày chận đường người dân, tịch thu áo thun có in hình đòi công ty Formosa rút khỏi Việt Nam.

Hai vị linh mục quản xứ gồm linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đại diện cho người dân nói chuyện với cơ quan công an huyện.

Vào lúc khoảng 6 giờ chiều tại cổng trụ sở công an huyện Quỳnh Lưu, linh mục Đặng Hữu Nam cho biết:

Hiện tại tôi đang ở hiện trường, cho người dân về. Chúng tôi và chính quyền cũng như công an huyện Quỳnh Lưu đồng ý nhau cách giải quyết. Những gì mà anh  em an ninh làm sai thì họ phải xin lỗi, họ phải đưa xuống giáo xứ Song Ngọc để trả đồ lại cho dân. Chúng tôi đang cho người dân ra về, và công an cũng như chính quyền huyện Quỳnh Lưu hứa trả lời chúng tôi bằng văn bản. Tôi nói với chính quyền cũng như công an trước mặt bà con giáo dân rằng nếu nhà cầm quyền giải quyết không hợp tình hợp lý, thì tôi tiếp tục tổ chức cho bà con đi biểu tình đòi quyền lợi.”

Cuộc biểu tình được cho biết kết thúc trong ôn hòa vào khoảng 6 giờ chiều, không có xô xát hay đụng chạm giữa người biểu tình và lực lượng công an.

Từ khi thảm họa môi trường Fomosa Vũng Áng do nhà máy gang thép Formosa của Đài Loan gây ra làm cá chết hàng loạt dọc theo bờ biển 4 tỉnh bắc miền trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên- Huế. Người dân bốn tỉnh và Nghệ An liên tục biểu tình đòi bồi thường và đòi Forrmosa rút khỏi Việt Nam.

Cơ quan chức năng cho rằng Nghệ An không nằm trong vùng chịu tác động bởi thảm họa môi trường Formosa; thế nhưng dân chúng lại nói họ bị ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế.

8 người đào tị Bắc Hàn bị bắt tại Trung Quốc cầu cứu Tổng thống Trump

8 người đào tị Bắc Hàn bị bắt tại Trung Quốc cầu cứu Tổng thống Trump

Theo thông báo của HRW vào giữa tháng 3 vừa qua, giới chức Trung Quốc đã bắt giữ 8 người Bắc Triều Tiên trong một cuộc kiểm tra đường bộ ngẫu nhiên ở miền đông bắc Trung Quốc.

HRW cho biết 8 người Bắc Hàn này đang đi ôtô trong thành phố Thẩm Dương thì bị cảnh sát giao thông dừng xe. Do không có giấy tờ hợp pháp nên họ bị đưa tới đồn cảnh sát địa phương.

Một mục sư Cơ đốc giáo, tên là Stephan Kim, người đang giúp đỡ những người đào thoát Bắc Triều Tiên cho biết họ đã gửi cho ông một đoạn video ngắn cầu cứu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Reuters mô tả đoạn video này quay những người Bắc Hàn đang chờ đợi trong trạng thái sợ hãi trong một chiếc xe đỗ bên ngoài một đồn cảnh sát Trung Quốc.

Một phụ nữ Bắc Triều Tiên, khuôn mặt bị che mờ vì lý do an ninh, đã nói: “Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập xin hãy cứu chúng tôi. Chúng tôi sẽ chết nếu phải trở lại Bắc Triều Tiên”.

Người phụ nữ ngồi bên cạnh nắm chặt tay cô gái nêu trên và cùng nhau cầu xin giúp đỡ.

Hiện tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đang vô cùng căng thẳng. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang gây áp lực buộc Trung Quốc kiềm chế Bình Nhưỡng mạnh hơn trong khi Bắc Hàn chưa có dấu hiệu thoái lui chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức HRW trong một tuyên bố hôm thứ Hai 24/4 cho biết: “Hiện nay, rất nhiều nhân chứng đào thoát khỏi Bắc Hàn tiết lộ rằng chính quyền ông Kim Jong Un thường xuyên bức hại những người bị bắt trở lại Bắc Triều Tiên sau khi trốn đi. Họ bị tra tấn, xâm hại tình dục, cưỡng bức lao động và những điều tồi tệ hơn nữa”.

Với đường biên giới Nam – Bắc Triều Tiên được vũ trang và canh phòng cẩn mật, lựa chọn duy nhất của hầu hết thường dân Bắc Triều Tiên muốn trốn khỏi đất nước là đi bộ lên phía Bắc và trốn qua Trung Quốc. Tuy nhiên khác với Hàn Quốc luôn mở cửa đón người tị nạn Triều Tiên, Trung Quốc thường coi những người trốn khỏi Bắc Hàn là di dân bất hợp pháp vì lý do kinh tế và cưỡng chế họ về nước.

Năm 2002: Một người đàn ông Bắc Triều Tiên cùng vợ và con gái cố trốn vào Đại Sứ quán Nhật Bản tại Thẩm Dương, Trung Quốc nhưng bị cảnh sát Trung Quốc kéo lại (Ảnh: Quora).
Năm 2002: Một người đàn ông Bắc Triều Tiên cùng vợ và con gái cố trốn vào Đại Sứ quán Nhật Bản tại Thẩm Dương, Trung Quốc nhưng bị cảnh sát Trung Quốc kéo lại (Ảnh: Quora).
Con gái đứng trong cổng của Đại Sứ quán Nhật bất lực nhìn người mẹ bi cảnh sát Trung Quốc giữ lại. Bức ảnh đã gây chấn động và dấy lên cuộc biểu tình phản đối của người Nhật
Bé gái đứng trong cổng của Đại Sứ quán Nhật bất lực nhìn người mẹ bị cảnh sát Trung Quốc kéo lại. Bức ảnh đã gây chấn động và dấy lên cuộc biểu tình phản đối của người Nhật. Chính phủ Nhật sau đó đã gây sức ép buộc Trung Quốc phải thả người. Tuy nhiên sau đó Bắc Kinh đã tăng cường an ninh trước cổng các đại sứ quán nước ngoài để đề phòng trường hợp tương tự.

Ông Robertson kêu gọi chính quyền Trung Quốc không trục xuất những người đào thoát Bắc Hàn về nước.

Liên Hiệp Quốc cũng yêu cầu Trung Quốc thực thi theo luật quốc tế không được trao trả những người đào thoát cho Bắc Hàn, nơi mà họ có thể phải đối mặt với bức hại, tra tấn, thậm chí có thể chết. Bình Nhưỡng cáo buộc những người đào tị là những tên tội phạm và lên án những cá nhân tổ chức giúp đưa họ sang Hàn Quốc là những kẻ bắt cóc.

Hàng năm, có rất nhiều người Bắc Triều Tiên cố gắng chạy trốn khỏi đất nước họ qua đường biên giới với Trung Quốc, sau đó di chuyển tới các nước Đông Nam Á. Một số quốc gia trong khu vực đã làm việc với chính quyền Seoul để gửi những người tị nạn này sang Hàn Quốc.

Khoảng 30.000 người Bắc Hàn đã tới được Hàn Quốc. Phần đông họ nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức nhân quyền, tổ chức tôn giáo hoặc các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Tân Bình

Học chữ để làm gì?

Học chữ để làm gì?

Tạp ghi Huy Phương

(Hình minh họa: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Chưa bao giờ cái học trở nên vất vả cho nhiều học sinh như ở Việt Nam ngày nay. Phải đi bộ mất cả nửa ngày đường mới đến được trường để học “cái chữ,” các học sinh ở các vùng cao nguyên của Bình Định vẫn phải đến trường.

Ai cũng mủi lòng khi trời trở lạnh, mà thấy các em đến trường mong manh trong chiếc áo mỏng, chân đất không giày dép, đầy bùn đất, đỏ ửng. Trường thì bốn bề gió lộng, không có vách che chắn. Phần ăn trưa mang theo chỉ có nắm cơm với muối.

Đến trường, học sinh phải tự đu dây kéo bè, ghe tự vượt sông đến trường và về đến nhà khi trời đã tối mịt. Trong một trường hợp “bi thảm,” 19 em học sinh trong 57 em học sinh trường Lãng Khê, Nghệ An, phần lớn là gái, chết không tìm được xác, trong buổi sáng mùa mưa năm 2007, nước sông chảy xiết, thuyền nhỏ, chở nặng chết máy, bị sóng đánh chìm.

Cha mẹ như vậy, ai không khỏi xót xa chạnh lòng vì thương con, không cho con đến trường thì ngu dốt, mà cho con đi học, mạng treo sợi tóc, khốn khổ trăm bề, trong khi việc đồng áng không ai làm phụ, cơm ngày hai bữa không đủ ăn, tiền trường không đóng đủ, không áo quần cho con trẻ, lấy gì ăn để cho các con đi học.

Kỳ Anh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thảm họa cá chết và đổ chất thải do công ty Formosa gây ra, cả nghìn học sinh tại địa phương này không đến trường trong năm học mới. Các phụ huynh cho biết nguyên do là họ không đủ tiền đóng học phí cho con. Mức học phí cho mỗi em là 1.7 triệu đồng, chính quyền cho giảm miễn 400,000 đồng, nhưng lấy đâu ra 1.3 triệu đồng để đóng cho con em, vì ngư dân không kiếm ra tiền, ngay hạt muối làm ra cũng không bán được.

Ở những nơi khác thì không thiếu những tệ nạn vô đạo đức của các giới chức trong ngành giáo dục, từ giáo viên đổi điểm lấy tính dục, hiệu trưởng khai gian, lạm thu nhiều khoản ngoài quy định của học sinh nghèo, cắt xén tiền ăn trưa của học sinh…

Trong tình trạng khó khăn của đời sống và hoàn cảnh xã hội như thế, nhiều phụ huynh học sinh nản chí, không muốn cho con đến trường để kiếm “cái chữ” như cách nói của người thiểu số vùng cao.

Vào thời buổi này, học chữ để làm gì?

Hơn 200,000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đang được Bộ Lao Động xây dựng đề án xuất khẩu lao động kiếm việc làm ở nước ngoài.

Hàng chục nghìn thanh niên cần có tiếng Triều Tiên, tiếng Nhật, tiếng Anh… để xuất ngoại kiếm việc làm, liệu có cần học tiếng Việt?

Quyền cao chức trọng trong xã hội này, chỉ cần lươn lẹo, luồn lọt, mềm lưng, phe đảng, hiến vợ, đâu cần đến kiến thức chuyên môn hay văn bằng thích hợp. Hoạn lợn như Đỗ Mười, bẻ ghi đường ray như Lê Duẫn gặp thời cũng là bậc Đế Vương, học luật trong rừng, đọc một tiếng Anh cơ bản “Made” chưa xong, cũng làm được Tể Tướng.

Thời nay có nên dạy con chữ trung tín, thật thà, để con chết đói không, hay nên dạy con mánh mung, luồn lọt!

Thời buổi sản sinh ra nhiều bí thư, chủ tịch, đại gia, thì đàn bà con gái, Trời cho có cái nọ, chẳng cần có thêm “cái chữ” làm gì!

Ở xứ “địa linh nhân kiệt” như đất Thanh Hóa, cô Trần Quỳnh Anh xuất thân chỉ là nhân viên tạp vụ (lao công tạp dịch) của liên đoàn lao động tỉnh, học vấn cỡ lớp Ba trường làng, nhờ nghệ thuật “lên giường” cũng được bí thư tỉnh ủy bổ nhiệm làm trưởng phòng nhà và bất động sản Sở Xây Dựng Thanh Hóa, một chức vụ dành cho những ứng viên có bằng đại học, tài sản không dưới triệu đô la. Nhờ thân xác Quỳnh Anh lại được ưu ái học thạc sĩ “tại chức,” được cử đi học lớp cao cấp lý luận chính trị để “làm hạt giống đỏ,” “cán bộ nguồn” và sắp sẵn vào vị trí phó rồi giám đốc Sở Xây Dựng Thanh Hóa nay mai, mà chẳng thấy đảng nói gì.

Ngay một tờ báo mang tên là Giáo Dục Việt Nam cũng công nhận: “Dù là do gì đi nữa thì phải thấy rằng, từ khi vòng 1 của các kiều nữ Việt căng tròn và đẫy đà hơn thì tên tuổi của họ cũng lên như ‘diều gặp gió.’ Một nhân vật ‘lừng danh’ của Việt Nam là Ngọc Trinh, xuất thân từ thị trấn Tiểu Cầu, tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình nghèo, học hành dở dang, nhưng nhờ cao 1m72, nhờ vòng số 1, số 3 phổng phao, eo thon, da trắng cũng trở thành “Nữ Hoàng Nội Y,” “Hoa Hậu Trang Sức,” “Người Đẹp Ăn Ảnh,” “ Siêu Mẫu Việt Nam.” Dù thiên hạ có ganh ghét gọi cô là” “chân dài não ngắn” hay “hoa hậu ao làng” gì gì đi nữa, giờ đây Ngọc Trinh cũng là chủ nhân khối tài sản hàng trăm tỷ đồng, nghĩa là có trong tay hằng triệu đô la, có đủ mọi thứ mà mỗi cô thiếu nữ Việt Nam lớn lên đều mơ ước.

Có nhan sắc như hoa hậu Lưu Thị Diễm Hương, thì dù trong thời gian ở Đại Học Hoa Sen, học hành quá tệ, bị 7 môn thi với điểm 0 và nhiều điểm 3, bị báo chí “lắm chuyện, ganh tỵ” phanh phui ra, thì cũng có sao đâu? Hoa hậu Thùy Dung chưa tốt nghiệp phổ thông, làm học bạ giả, cũng có sao đâu? Cái dốt không làm cho vòng eo con gái lớn ra, cũng không làm cho vòng ngực nhỏ lại kia mà.

Học chữ để làm gì, rốt cuộc sinh viên cũng… lên giường!

Các cụ ta ngày xưa vẫn khuyến học con cái bằng lời khuyên: “Ấu bất học, lão hà vi?” (nhỏ không học, lớn lên làm gì!). Ngày nay, dưới chế độ này, “Trí thức không bằng cục phân, chẳng bằng năm năm thẻ đảng!”

Xin các cụ đừng lo, ca dao thời đại lại có câu: “Học cho lắm tắm cũng ở truồng, học bình thường cũng cởi truồng rồi mới tắm!” Thời nay nghề ở truồng lại làm ra nhiều tiền hơn nghề mặc quần áo!

Số Báo Cuối Cùng – S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Số Báo Cuối Cùng – S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Ảnh của tuongnangtien

Tuongnangtien

RFA

 Trong một thời gian không lâu nữa, chúng tôi sẽ phổ biến rộng rãi nguyên bộ Bách Khoa trong dạng điện tử để mọi người khắp nơi có thể đọc dễ dàng.

Diễn Đàn Thế Kỷ (ngày 2 tháng 4 năm 1917)

Với thời gian, trí nhớ của tôi mỗi lúc một thêm bạc bẽo. Tháng 11 năm 1989, Bức Tường Ô Nhục Bá Linh (“Wall of Shame) sụp đổ. Qua năm sau, tạp chí Reader’s Digest (dường như là số tháng 5) có đăng một mẩu chuyện ngăn ngắn – liên quan đến biến cố này – mà tôi chỉ còn nhớ được loáng thoáng như sau:

Giữa đám đông đang hăm hở và hớn hở lũ lượt vượt rào đi từ Đông qua Tây là một ông già, dáng lầm lũi và đơn độc. Ông không dừng chân ở bất cứ quán bar nào, dù tất cả đều mở rộng cửa –  và cung cấp rượu bia miễn phí – để chào đón những kẻ vừa đặt chân đến phần đất tự do.

Và trong khi mọi người đều náo nức xếp hàng chờ được lãnh tiền (gọi là “tiền chào mừng”, khá hậu hĩnh) do chính phủ Cộng Hoà Liên Bang Đức cấp phát thì ông già lặng lẽ tìm đến thư viện để gửi trả một cuốn sách mượn từ tháng Tám năm 1961, cùng với lời trần tình: Tôi chỉ định giữ tác phẩm này vài ngày thôi nhưng không ngờ bị kẹt ở bên kia bức tường tới hai mươi tám năm trời! Để trễ hạn lâu quá, tôi rất lấy làm tiếc và xin được thứ lỗi.

Câu xin lỗi vừa ghi khiến tôi lại nhớ (và cũng chỉ nhớ mang máng thôi) đến lời than thở của học giả Nguyễn Hiến Lê, trong một tác phẩm nào đó của ông: Thưở nhiễu nhương và loạn lạc  thì ngay đến sách báo cũng phải chịu cảnh phong trần, lưu lạc!

Thời gian “lưu lạc” kéo dài gần ba mươi năm của một cuốn sách kể cũng khá dài nhưng so với số phận long đong của một tờ báo (tạp chí Bách Khoa, số cuối cùng – 426 – phát hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1975) thì xem ra vẫn còn hơi ngắn, theo như “tin mừng” vừa được nhà văn Phạm Xuân Đài (chủ bút trang Diễn Đàn Thế Kỷ) hân hoan loan báo:

“Trong công cuộc sưu tầm những tài liệu cũ của miền Nam trước 1975, lâu nay chúng tôi đã hết sức cố gắng tìm kiếm bộ tạp chí Bách Khoa, một tờ báo đã đi gần suốt chiều dài 20 năm của Việt Nam Cộng Hòa. Và xin báo tin mừng với quý độc giả và bè bạn gần xa: cách đây mới hai ngày thôi, chúng tôi đã có được số Bách Khoa cuối cùng còn thiếu, đó là số phát hành 20 tháng 4 năm 1975. Trong một thời gian không lâu nữa, chúng tôi sẽ phổ biến rộng rãi nguyên bộ Bách Khoa trong dạng điện tử để mọi người khắp nơi có thể đọc dễ dàng.

Việc số báo Bách Khoa cuối cùng đến với chúng tôi vào những ngày cuối tháng Ba năm 2017 vừa rồi đã gây cho chúng tôi một xúc động mãnh liệt, vì đó chính là một trong những hình ảnh còn sót lại một cách cụ thể của một miền Nam đang hấp hối, cách đây 42 năm.”

Bìa Giai Phẩm Bách Khoa Số Cuối Cùng. Nguồn ảnh: Diễn Đàn Thế Kỷ

Chúng ta đang sống trong một thế thẳng băng, cùng với những phương tiện giao thông và truyền thông tân kỳ chưa từng thấy trong lịch sử. Cớ sao một số báo Bách Khoa (BK) lại phải “phong trần lưu lạc” đến gần nửa thế kỷ vậy cà?

Đây không phải là một câu hỏi khó nhưng cũng không dễ trả lời ngắn gọn nên tôi xin phép được thưa thêm năm điều/ba chuyện cho nó ngọn ngành:

Từ BK số 1 đến số 425, chắc chắn, đều được gửi đi và lưu giữ trong những thư viện ở Âu Mỹ nên việc sưu tập chả khó khăn gì. Nhưng với số báo cuối cùng, 426, phát hành 10 ngày trước khi miền Nam thất thủ thì số phận của nó lại hoàn toàn khác. Toà soạn BK – vào thời điểm này – chắc chẳng có ai còn lòng dạ nào để lo lắng đến chuyện phát hành, hay gửi báo đến cho độc giả (dài hạn) qua bưu điện nữa.

Giữa lúc “xẩy đàn tan nghé” thì tai họa chả bỏ sót ai, và cũng chả chừa một thứ gì ráo trọi:

“Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn. Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế…

Đài phát thanh thành phố ra lệnh phải thu nộp tất cả các sách vở, báo chí, phim ảnh, tài liệu in ấn trước ngày 30 tháng tư được coi là đồi trụy. Nhiều người tiếc rẻ đem bán kilô. Các gói xôi bán buổi sáng, nay có tên Nguyễn Thụy Long, Nhã Ca, Thanh Tâm Tuyền. Vừa ăn, vừa đọc kể cũng vui. Nhiều chỗ mang sách vở cũ ra đốt… Đứa may trốn thoát…  Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói sôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít.  Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi. Các cháu ngoan bác Hồ.  Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng. Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở.” (Nguyễn Văn Lục, “Sách cũ Miền Nam 1954 – 1975”).

Phần thư. Nguồn ảnh: thbl6869

Trong khi đám trẻ con quàng khăn đỏ hét hò đốt sách thì qúi vị trí thức, nhân sĩ, nhà văn, nhà báo cũng cần mẫn ghi chép và hoàn thành những “công trình biên khảo” để đưa bọn cầm bút (thuộc bên bại cuộc) ra … trước toà án dư luận:

  • Nọc độc văn hóa nô dịch,Trần Trọng Đăng Đàn, gồm 2 cuốn:
    Nọc độc văn hóa thực dân mới Mỹ,  NXB TPHCM 1983
    b.  Lại bàn về nọc độc văn hóa thực dân mới Mỹ,  NXB TPHCM 1987
  • Văn hóa văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy  (2 tập) nhiều tác giả, NXB Văn Hóa 1977
  • Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa/ tư tưởng (2 tập) Nhiều tác giả, NXB Thông tin lý luận 1980
  • Tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn hóa thực dân mới,Hà Xuân Trường, NXB Sự Thật 1979
  • Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ ngụy, Lê Đình Kỵ, NXB TPHCM 1987
  • Cuộc xâm lăng văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam VN, Lữ Phương, NXB Văn Hoá 1985

Đó là một “thời nông nỗi” đã qua chăng ? Không đâu, làm gì có chuyện đó! Cuộc “Cách Mạng Văn Hoá” chưa bao giờ ngưng nghỉ cả. Chủ trương “bài trừ văn hóa nô dịch, lai căng” là chính sách triệt để, xuyên suốt và nhất quán của Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua mà.

Ngày 20 tháng 3 năm 2017 vừa qua, T.T (đương nhiệm) Nguyễn Xuân Phúc lại vừa ký Nghị Định 28/2017/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đã quyết định cấm phổ biến hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.”

Vậy bằng cách nào mà  cuốn tạp chí BK, số cuối cùng (phát hành vào ngày 20 tháng 4 năm 1975) đã không bị ném vào mồi lửa, không trở thành giấy gói xôi, không bị thu hồi, tịch thu, tiêu hủy” và vẫn có thể xuất hiện “nguyên con” trên trang web của Tạp Chí Thế Kỷ 21 vào ngày 2 tháng 4 năm 2017 vừa qua? Đây là câu hỏi mà qúi vị lãnh đạo của chính phủ hiện hành … cần “suy ngẫm” để có thể ban hành những nghị quyết, hay nghị định đỡ ngớ ngẩn (và lạc hậu) hơn chút xíu.

Cuộc Đời Là Một Chuyến Đi

“Đời tôi là một chuyến đi, đi tìm hạnh phúc vô biên”.

Có lẽ mỗi người chúng ta cũng có cảm tưởng như bài ca ở trên: cảm thấy đời mình là một chuyến đi. Đi từ ngày này sang ngày khác, đi từ khát vọng này sang khát vọng khác. Chẳng lúc nào chúng ta không ước mơ, và không điều gì làm chúng ta thỏa mãn hoàn toàn. Trong những ước muốn nhỏ to đó, chúng ta đi tìm một hạnh phúc vô biên, ban đầu chúng ta không hiểu là Thiên Chúa. Như thế dù muốn hay không, suốt đời chúng ta đi tìm Thiên Chúa. Chúng ta có thể tìm Thiên Chúa bằng nhiều cách: Có người đi tìm Thiên Chúa qua việc đọc kinh, xưng tội, rước lễ, suy gẫm và nhiều cách khác nữa, nhưng thử hỏi họ đã gặp được Thiên Chúa chưa? Không phải một vị Thiên Chúa xa lạ mơ hồ, nhưng là một Thiên Chúa thân mật sống động, một Thiên Chúa tình yêu. Thử hỏi có cách nào tốt nhất để gặp được Thiên Chúa hay không? Để giải đáp cho câu hỏi này chúng ta thử nhìn lên ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên đồi Golgotha, nơi đó ta có thể nhìn thấy nhiều hạng người đến nhìn xem Chúa, nhưng họ không gặp được Ngài.

Hạng người thứ nhất đã không gặp được Chúa là những kẻ qua đường. Phúc Âm ghi lại rằng: “Có những kẻ qua đường thấy Chúa bị đóng đinh thì cười chê và nói: ông này có tiếng hay làm phép lạ, ông bảo: hãy phá đền thờ đi, và ông sẽ xây lại trong ba ngày, sao lúc này ông không tự cứu mình đi. Nghe thế Đức Giêsu làm thinh không trả lời gì và những kẻ qua đường chỉ nhìn thấy Chúa như là một kẻ đáng khinh, họ không nhận ra Ngài là một Thiên Chúa”. Tại sao vậy? Thưa vì họ nhẫn tâm. Gặp một người đang đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần mà họ không biết xót thương lại còn nỡ lòng chế nhạo. Thái độ nhẫn tâm này cản trở họ gặp được Thiên Chúa.

Hạng người thứ hai không gặp được Chúa là những tư tế và luật sĩ. Theo Phúc Âm, thì các trưởng tế và luật sĩ đã thách thức rằng: “Nếu ông là vua Israel thì hãy xuống khỏi thập giá đi rồi chúng ta sẽ tin”. Những người này đã không gặp được Chúa vì họ có ác tâm.

Và hạng người thứ ba không gặp được Chúa là những binh lính Roma thi hành án lệnh giết Chúa. Họ nhìn thấy Chúa như một tử tội và không gặp được Ngài như một vị Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, vì họ có dã tâm. Đành rằng họ phải hành động theo lệnh của thượng cấp, nhưng họ đã đi quá giới hạn của mình. Không ai buộc họ phải khích bác Chúa, nhưng họ đã làm như thế vì mị dân và dã tâm. Thái độ này đã cản trở họ gặp Chúa.

Hạng người thứ tư đã không gặp được Chúa đó là người trộm bên tay tả Chúa Giêsu. Anh ta đã nói khích Chúa rằng: “Nếu ông là con Thiên Chúa thì hãy cứu mình đi và cứu tôi với”. Anh ta đã không gặp được Chúa vì anh ta có lòng tiểu tâm, ích kỷ.

Có một người đã gặp được Chúa, đó là anh trộm bị đóng đinh phía bên tay hữu Chúa Giêsu. Bí quyết giúp anh gặp được Chúa là chính tâm hồn biết thương người. Anh thấy bên cạnh mình có một người bị kết án oan nên lên tiếng bênh vực, cả khi đám đông gần đó hò reo lên án. Anh dám nói trong khi không một ai, dù các người thân tình nhất của Chúa cũng không dám hé môi nói nửa lời an ủi Chúa. Thấy anh có lòng thương người như vậy, Chúa Giêsu liền ban ơn và đáp lại rằng: “Hôm nay anh sẽ về Thiên đàng với Ta”. Thế là anh trộm lành đã gặp được Chúa.

Mùa chay mời gọi mọi người trở về với Thiên Chúa, trở về với chính cõi lòng thâm sâu của mình. Hãy nhìn lại thái độ sống của mình trong những tháng ngày qua, mình là ai trong bốn hạng người trên? Có thể xưa nay ta cũng đã thoải mái sống như họ? Nghĩa là nhìn thấy Chúa bên cạnh nhưng không gặp được Ngài. Mỗi khi ta đối xử tệ bạc với người khác, đó là lúc ta đối xử tệ bạc với Chúa, đó là lý do tại sao ta không gặp được Chúa.

***

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết thương người, vì đó là con đường dẫn chúng con đến gặp Chúa. Chúa đang chờ đợi chúng con đằng sau những con người đau khổ. Xin giúp chúng con yêu thương họ và gặp được Chúa nơi họ. Amen!

Ngọc Nga Sưu Tầm

Vượt biên, 87 người bị giết chết.

From facebook:   Dominic Pham‘s post.
 
 
Image may contain: one or more people and outdoor
Dominic Pham with Dominic Pham in Saigon, Republic of Vietnam.

 

Vượt biên, 87 người bị giết chết.

Vì đâu nên nỗi.

Bà Nguyễn Thị Thương, 36 tuổi, tốt nghiệp Đại Học Hoa Kỳ, tu nghiệp tại Paris, Pháp. Trước 1975 Bà là Giáo Sư Đại Học Bách Khoa Thủ Đức. Bà Thương vượt biển cùng chồng là Giáo Sư Trần Quang Huy, Phân Khoa Trưởng Văn Khoa Đại Học Sài Gòn, cùng với Mẹ ruột, cậu, 2 em trai, 2 em dâu, 4 cháu gái và một con gái nhỏ 3 tuổi. Nhưng chỉ còn Bà, con gái nhỏ của bà, một người em trai của Bà và một em gái của chồng sống sót.

Ghe mang số SS0646 IA dài 13,5 m, chở 107 người khởi hành từ Rạch Giá ngày 01/12/1979. Ra khơi được 3 ngày, thuyền chạy về hướng Thái Lan, khi đã gần tới đất liền thì gặp bọn cướp biển vào ngày 03/12/1979. Hai tàu cướp Thái Lan cặp 2 bên hông thuyền tỵ nạn, bọn cướp đã ùa sang với súng và dao. Vì ghe thuyền Việt Nam quá chật hẹp, bọn hải tặc đã lùa 27 người sang tàu của chúng cho dễ lục soát vàng bạc của cải.

80 người còn lại bị khám xét cướp hết vàng bạc, vật quý. Sau đó bọn cướp buộc giây vào ghe Việt Nam vào đuôi tàu của chúng và kéo chạy. Chúng xả hết tốc lực, chạy lượn vòng qua lại làm ghe tỵ nạn nghiêng chìm như một trò chơi. Dân tỵ nạn la khóc, lạy van cho tới khi ghe chìm hẳn. Bọn cướp biển cắt giây nối và chạy bỏ mặc 80 người vùng vẫy tuyệt vọng, trong khi 27 người tỵ nạn trên tàu của chúng vật vã khóc ngất nhìn xuống biển chứng kiến người thân đang dãy dụa chết chìm.

Bọn hải tặc chạy thẳng về đảo sào huyệt KO KRA của chúng mang theo 27 người mà chúng đã tách đem lên thuyền chúng trước đó. Nhưng gần tới đảo, chúng xô đẩy tất cả đàn ông xuống biển, buộc họ bơi vào đảo. 7 người dàn ông này đều bị chết đuối vì không đủ sức bơi hoặc không biết bơi để có thể vào đến bờ, trong số này có Giáo Sư Trần Quang Huy. Còn lại 20 người sống sót sau cùng đã bị bọn cướp đưa lên đảo và lập tức chúng lại lục soát, sờ nắn khắp thân thể để tìm kiếm vật quý con cất giấu trong người. Bà BTD (xin viết tắt, giấu tên) 26 tuổi có con 4 tuổi, bị dẫn ngay vào bụi hãm hiếp mặc dù Bà đang mệt lả không đứng dậy nổi vì đói khát, kinh hoàng.

Sau đó, trong suốt 8 ngày liền bị giam giữ trên đảo, 20 thuyền nhân còn lại này đã bị quần thảo hành hạ bởi nhiều toán cướp biển khác nhau hàng ngày đổ bộ lên đảo. Các phụ nữ, cô gái phải chạy vào rừng hoặc leo lên hốc ẩn tránh. Nhưng vẫn không thoát khỏi tay bọn dâm tặc. Một lần Bà BTD quá mệt mỏi không còn sức chạy trốn nổi, đang nằm ngất ngư và được mọi người săn sóc thì bọn hải tặc lại ùa đến, đuổi tất cả mọi người chung quanh đi chỗ khác và 4 tên Thái man rợ luân phiên hãm hiếp tàn nhẫn ngay tại chỗ, khiến bà ta bị kiệt lực nằm im lìm không nhúc nhích được nữa.

Đến ngày thứ 3 trên đảo, một tàu Thái, bên hông có ghi chữ POLICE số 513 tới đảo. Bọn cướp rút lui, chạy tàu ra xa. Chiếc tàu Cảnh Sát neo sát bờ biển, họ chỉ nhìn vô bờ nhưng không lên đảo. Những người tỵ nạn Việt Nam mừng rỡ tưởng được cứu thoát, một thanh niên tỵ nạn bơi ra mang theo một lá thư cầu cứu bằng tiếng Anh để gởi cho giới chức Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc. Nhưng chưa bơi tới nơi đã bị tàu Cảnh Sát Thái nổ súng bắn xuống biển cảnh cáo. Anh ta hoảng hốt bơi quay trở vào bờ. Sau đó mọi người lại đề cử một thiếu niên 15 tuổi liều mình bơi ra cầu cứu lần nữa. Cậu này đã được Cảnh Sát cho lên tàu, nhưng chỉ cho vài gói mì và đuổi xuống biển ngay. Cuối cùng tàu Cảnh Sát này bỏ đi. Sau này mới biết họ đã không hề báo tin vào đất liền.

Ngay sau khi tàu Cảnh Sát bỏ đi bọn hải tặc lại lên đảo và tình trạng tồi tệ tiếp tục diễn ra. Đến ngày thứ 5, một tàu Hải Quân Thái Lan đi ngang qua đảo, nhóm người tỵ nạn chạy ra sát bờ vẫy gọi, làm hiệu và lần này chiếc tàu Hải Quân đã cho người lên đảo tiếp xúc và nhận bức thư nhờ chuyển về cho Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan. Ngày thứ tám, Ông SCHWEITZER Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan ra đón họ vào đất liền.

Không lâu sau đó Bà Nguyễn Thị Thương sinh thêm đứa con gái út trong trại tỵ nạn Song Khla và Bà sống tại đó với một đứa con gái 3 tuổi và người em trai của Bà và một em gái của Ông Trần Quang Huy. Lúc bắt đầu rời Việt Nam Bà Thương đã có thai gần 9 tháng, chính nhờ vậy trong những ngày trên đảo KO KRA, Bà đã không bị hải tặc hãm hiếp.

Bà Nguyễn Thị Thương kể lại câu chuyện trên rồi khóc lặng lẽ và nói : “Chồng tôi và tôi đã đoán trước những thảm cảnh có thể xảy ra trên biển. Nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận ra đi vì chúng tôi đã nghĩ rằng, dù thế nào cũng ít tệ hại hơn là sống dưới chế độ Cộng sản. Nhưng những đau khổ tôi đang phải chịu đã vượt qua dự đoán của chúng tôi”.

st

Phần lớn hải tặc Thái xuất phát từ Phuket và phần lớn người dân Phuket theo đạo Hồi !!!

BÍ ẨN ĐỒNG TÂM…

From facebook: Trần Bang

Bác Mac Văn Trang đặt ra những câu hỏi về vụ Đồng Tâm rất hay.

BÍ ẨN ĐỒNG TÂM…

Sự kiện diễn ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (nhất là từ ngày 15 đến 22/4/2017), chắc chắn còn tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu, bình luận. Riêng tôi, theo dõi rất sát tin tức về sự kiện Đồng Tâm, nhưng đến giờ phút này vẫn chưa hiểu được nhiều điều bí ẩn.

1. Chuyện đất đai chỉ trực tiếp liên quan đến một số hộ canh tác trên cánh đồng Sênh, thế thì làm sao cả xã Đồng Tâm hơn 6000 người lại đoàn kết đến mức dám tuyên bố sẽ giữ đất đến chết?

2. Làm sao có một lực lượng lãnh đạo đoàn kết, thống nhất về chủ trương, chiến lược, chiến thuật đấu tranh nhất quán, với mục tiêu trước sau như một, nhưng sách lược đối nội, đối ngọai rất linh hoạt, khi cương, khi nhu, ứng phó với mọi tình huống một cách sáng suốt. Lúc thì cho nhà báo, luật sư vào tiếp xúc; lúc thì cấm tiệt, nội bất xuất, ngoại bất nhập; không đối thoại với cán bộ huyện, phó bí thư thành ủy về cũng không nên cơm cháo gì, chỉ chọn mỗi ông Chung. Nhưng ông Chung về UB huyện, cho 3 xe ca mời 100 người dân lên đối thoại, nhất định không lên… Tất cả những ứng phó ấy lại xảy ra lúc Cụ Kỉnh “lãnh tụ” và mấy người chủ chốt bị CA lừa bắt đi. CA rất “cao tay”, lừa bắt mấy thủ lĩnh, tưởng dân sẽ như rắn không đầu, nhưng “phong trào” không hề nao núng. Thậm chí, chị Phó bí thư Đảng ủy xã còn tuyên bố trước dân: “Bây giờ tôi là Cụ Kỉnh”! Làm sao có một bộ chỉ huy có tâm, có tầm, có bản lĩnh, không mắc vào mưu thâm, kế hiểm của đối phương, hoàn toàn không manh động…

3. Nhưng bí ẩn nhất, là làm sao người dân có thể “tay không bắt giặc”, một lúc bắt 38 cán bộ, CSCĐ nhốt vào Nhà văn hóa? Kỳ lạ? Nếu “binh vận” thì bằng cách nào mà hiệu quả vậy? Nếu dùng vũ lực thì tổ chức lực lượng “dân quân” như thế nào mà thắng nổi ngần ấy CSCĐ được trang bị đầy người, võ nghệ điêu luyện?

4. Bắt rồi cũng chết dở, làm sao canh gác, nuôi dưỡng được 38 anh chàng lực lưỡng (ngày 22/4 còn 19 người). Điều bí ẩn là các CSCĐ không bị còng chân, xích tay; họ được tự do trong nhà văn hóa, chỉ có cửa kính mong manh, rất dễ phá; họ được ra ngoài đi vệ sinh, thay quần áo… thế thì sao họ không nổi dậy, phá “nhà giam”, tự giải thoát? (Nghe nói có 3 CSCĐ tự giải thoát trong ngày 22/4 cùng với 15 người được thả về). Trong những ngày bị giam giữ, người dân đã “tuyên truyên, binh vận” thế nào để lúc ra về anh em thiện cảm với dân, có người cúi đầu vái bà con?…

5. Việc đấu tranh để ông Chung tự tay viết Bản cam kết 3 điểm đáp ứng đúng yêu cầu của dân, lại còn tự tay điểm chỉ vào, cũng là điều chưa từng có dưới chế độ này. Đọc “chuyện bên lề vụ Đồng Tâm” mới thấy đấu tranh để ông Chung chấp nhận viết Bản Cam kết đòi hỏi người dân rất khôn khéo, kiên cường, thậm chí quyết tử! Nhưng cũng khen ông Chung biết lắng nghe, thấu hiểu và can đảm…

Vẫn còn nhiều bí ẩn nữa, nhưng với 5 điều ấy, đã bái phục nhân dân Đồng Tâm lắm rồi. Cái tên Đồng Tâm, Mỹ Đức thật đẹp, xứng với người dân nơi đây, đã nêu tấm gương về đấu tranh cho quyền dân sinh, dân chủ một cách ôn hòa và đã thành công bước đầu. Với những tố chất như đã thể hiện, tôi tin nhân dân nơi đây sẽ tiếp tục đấu tranh thắng lợi, để có cuộc sống dân chủ, tiến bộ hơn nhiều làng quê khác.

23/4/2014

MVT

Gởi con ngục tù & Phố Dân Oan

Gởi con ngục tù

Bên biển vắng hôm nay

tóc trắng mẹ tung bay

lưng còng mẹ cúi xuống

mong manh tấm thân gầy

Trên đôi mi sầu đầy

nỗi buồn mẹ không khuây

nhớ con trong ngục tối

xót thân con tù đày

Nhớ mới ngày đâu đây

con thanh niên hăng say

đấu tranh cho đất nước

nay run rẩy hao gầy

Cai ngục đánh hằng ngày

chịu muôn ngàn đắng cay

vẫn không sờn chí khí

tấm lòng vẫn thẳng ngay

Uất khí mãi còn đây

sóng biển buồn theo mây

cuốn trôi ngày mộng đẹp

dẫu nhiệt huyết tràn đầy

Chắp tay mẹ kêu nài

Thượng Đế hãy lắng tai

nghe dân oan rên siết

thấu ước nguyện người ngay

Xin cho có một ngày

chim trắng đậu trên tay

thanh bình trên đất nước

lúa chín vàng rợn bay

Mẹ con được xum vầy

Tự Do về nơi đây

líu lo bài hát mới

trên môi em thơ ngây….

Trịnh Tây Ninh

—-   —– —–

Phố Dân Oan

Tôi rộn rã trở về thăm quê ngoại

mong tìm về nơi chốn cũ vườn xưa

bên hiên nhà có bụi chuối đong đưa

có ao sen thời nhỏ thơ vụng dại

 

Tôi xuống máy bay, chân vui bước chạy

miệng cười tươi, ôm chào đón người thân

bao năm rồi không gặp tưởng phân vân

nhưng nghĩa cũ, tình xưa không ngần ngại

Rồi tôi nghĩ mình sẽ vui ở lại

hưởng những ngày thân ái, cảnh yêu thương

bất ngờ thay tôi thấy ở cuối đường

nước mắt rơi, khắc hẳn điều trong mộng

 

Em bé đói, người nghèo, xóm lao động

quá khổ đau nên gian dối dẫy đầy

khắp mọi nơi tiếng hờn oán không khuây

chán chế độ, chống bất công – muốn vùng dậy

 

Gió trưa hè, lung lay hàng lau sậy

tim não nề, đi phố chẳng thấy vui

nét ưu tư, còn đâu những nụ cười

không mua sắm, phố bán toàn gian dối

 

Nóng như thiêu, dẫu mặt trời mau tối

không thấy phố phường, mà là phố Dân Oan

vắng tiếng nhạc vàng, chỉ nghe tiếng oán than

người la liệt, chờ tới phiên khiếu kiện

 

Tôi cúi mặt, bây giờ đã hiểu chuyện

những vinh hoa, phú quý chỉ giả hình

chỉ riêng dành lãnh đạo Đảng quang vinh

còn dân đen, đành cúi đầu chịu khổ

 

Nuốt ưu tư, nỗi buồn như vỡ lỡ

thương dân mình, giận giả trá bất công

Ước một ngày, mẹ già hết ngóng trông

hết phố Dân Oan, người người cùng vui sống

 

Trong thanh bình, trong tự do no ấm

nguời rất hiền, máu đỏ thấm da thơm

để tình người cao hơn cả áo cơm

Hoa Dân Chủ nở khắp nơi tươi thắm
Tôi trở về hải ngoại ngày nắng ấm

nhưng lòng buồn, nên thấy lạnh trong tim

bao năm rồi tôi đã mãi lặng im

nay chợt hiểu, dân oan cần bênh vực

 

Tôi sẽ cố gắng góp phần thiết thực

cho người dân, cho đất nước điêu tàn

từ hôm nay, tôi bắt đầu hiên ngang

sẽ lên tiếng, biết vì người hơn trước…
Nguyễn Ngọc Duy Hân

Hồi ức Tị Nạn

Hồi ức Tị Nạn

Nguyễn Ngọc Duy Hân

Tôi không có thói quen viết nhật ký. Hồi bé tôi cũng ráng bắt chước các chị trong nhà, nắn nót viết vì được tặng một cuốn sổ có chìa khóa bé xíu rất xinh, nhưng chỉ viết được vài dòng thì chán – chơi búp-bê, chạy nhảy ngoài sân với bạn vui hơn.

Lớn lên, khi buồn chuyện này người kia, tôi cũng có ý định trang trải tấm lòng trên trang giấy, nhưng vốn biếng lười rồi sợ có người đọc được nên thôi. Thế nhưng hôm nay tôi lại chạnh lòng, muốn viết một chút gì đó để hồi tưởng lại hơn 40 năm tị nạn, nhớ lại chặng đường dài mà người dân Việt đã đi qua. Nếu như tôi đã viết nhật ký, việc ghi nhớ chuyện cũ có lẽ sẽ dễ dàng hơn nhiều, vì bây giờ những kỷ niệm xưa, các suy tư đã phôi pha theo ngày tháng, tuổi tác  … Nhưng hôm nay tôi nhủ lòng sẽ cố gắng ghi lại một chút tâm tình – Tâm tình của người tị nạn, của một thuyền nhân nhỏ bé tầm thường – viết lại tâm trạng khắc khoải của người di tản buồn phải lưu vong trên xứ người. Tôi vẫn thích hát “Hãy cố quên đi mà sống…”, nhưng ngược lại có những điều tôi không cho phép mình được quên để biết mình là ai và trách nhiệm như thế nào… “Mời người lên xe, về miền quá khứ”….

Ngày… tháng…

30 tháng 4, 1975, tôi chưa tròn 15 tuổi. Những tháng trước đó gia đình tôi không được ở nhà mình tại khu nhà thờ Tây Ninh nữa, mà phải xin tạm trú với người bà con ở xa khu vực tỉnh lỵ để tránh pháo kích. Sợ lắm, nửa đêm đang ngủ ngon bỗng nghe tiếng đạn nổ thật to, thật gần. Ba má và mấy chị em chúng tôi phải chạy trốn xuống hầm tránh đạn, ngồi co ro lo lắng. Tôi hay hỏi: Hết pháo kích chưa để được lên nhà nằm ngủ, ba má biết đường nào mà trả lời! Tôi đã thấy những miểng đạn thật to bay vào sân nhà, tôi đã đi đám tang của bà bán chè trong xóm chết tại chỗ, thịt da và máu lẫn trong nồi chè lênh láng. Tôi đã nghe radio loan tin về các em học sinh bị pháo kích ở Cai Lậy, và rơi nước mắt với nhiều gia đình vì người thân đi lính đã tử trận. Ôi chiến tranh, ôi thời kỳ đau thương khốn khó.

Xưa kia em có mẹ cha

Xưa kia em có ông bà

Trong một ngày em mất cả ba….

Anh tôi hiểu tình hình thời sự, nên khuyên ba má và mấy đứa em chúng tôi bỏ Tây Ninh lên thành phố sinh sống, vì Saigon dù sao cũng có tai mắt quốc tế, ít sợ bị trả thù, bị gò bó như ở tỉnh nhỏ. Rời Tây Ninh tôi buồn lắm, xa trường mất bạn nhưng biết làm sao hơn.

Nhưng buồn hơn cả là biết được 30 tháng 4 là ngày mất nước, Việt Cộng đã tràn vào tới Saigon, trên đài phát thanh ông Dương Văn Minh đã chính thức đầu hàng. Chị tôi bảo phải lo cắt móng tay cho thật ngắn, vì Việt Cộng không thích những đứa xí xọn để móng tay dài. Má tôi có vài lượng vàng, vài cái nhẫn, bắt chúng tôi giấu kín trong người, tưởng rằng như thế là qua mắt được “họ”! Chúng tôi còn ngây thơ quá, ít kinh nghiệm với Cộng Sản quá, bằng chứng là sau đó hai ông anh của tôi đã nghe lời ra trình diện học tập cải tạo 10 ngày, để rồi đi “mút mùa” bao nhiêu năm.

Mấy tháng sau ngày 30 tháng 4, tôi được đi học lại, nhưng ngày đầu tiên là học hát nhạc đỏ, nhạc “cách mạng”, nghe giảng chính trị dài dòng vô nghĩa. Dù sao tôi cũng còn may mắn có sự bảo bọc của gia đình, không phải đi kinh tế mới, không phải đi bán vé số, lượm rác…

Ngày… tháng…

Tôi học trung học cấp Ba, tuổi học trò nên còn vô tư, còn vui với bạn bè, dù cuộc sống đã bắt đầu thay đổi. Vì lao động là vinh quang, học sinh phải làm công tác sản xuất ngoài giờ học chữ, nên chúng tôi quay quần bên nhau đan lá mây tre, tức là ngồi đan những cái rổ, cái giỏ để xuất khẩu cho nhà trường kiếm tiền. Chúng tôi thủ thỉ chuyện thơ văn, chuyện bất công đói rách đang xảy ra trên quê hương, tình bạn thật thắm thiết dù thầy cô “quốc doanh” dạy chúng tôi phải có tinh thần tập thể, cái gì cũng phải mang ơn Bác và Đảng, như ngắm trăng cũng phải cùng ngắm chung, ngồi một mình tư lự với trăng là tư duy sai lầm, là cá nhân chủ nghĩa!

Hôm nay N. đến trường nhưng không ở hết buổi học, anh tới giã biệt tôi vì phải cùng mẹ đi xa kiếm cách sinh sống. Ba của N. đã trốn vào bưng tìm cách đấu tranh giành lại chính quyền, kinh tế gia đình gặp khó khăn, công an có thể tới nhà N điều tra khó dễ. Tôi buồn lắm, một phần vì cũng có cảm tình đặc biệt với N, lũ bạn hay “cáp đôi” chúng tôi với nhau, một phần vì lo sợ cho chính gia đình tôi. Trước vận mệnh đất nước, nhiều chia ly, đau khổ sẽ diễn ra. Thầy T. đang dạy chúng tôi môn Toán cũng bị công an tới tận lớp bắt đem đi mất, nói là có tội với Cách mạng, cô T. và gia đình thầy khổ sở biết bao nhiêu. Tôi nhớ câu chuyện Bầy Phượng Vỹ Khác Thường của Nhã Ca, chúng tôi cũng đang trong tâm trạng thấp thỏm lo âu, không an tâm học hành, không biết ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra…

Ngày… tháng…

Sáng nay tôi giật mình dậy sớm vì nghe tiếng khóc nỉ non, tiếng kể lể từ nhà hàng xóm bên cạnh vọng lại. Trời ơi! bạn K. bị bắt đi nghĩa vụ quân sự mấy tháng trước đã bỏ mình nơi chiến trường Campuchea. Xót xa nào hơn khi cha mẹ tóc bạc phải khóc con đầu xanh, mà lại không được thấy xác con để nhìn mặt lần cuối hoặc chôn cất. Hèn chi người anh bà con của tôi nhất định không chịu trình diện làm lính thế thân cho Cộng Sản. Anh trốn chui trốn nhũi đói khát thật đáng thương. Anh không được đi học đi làm, cũng không thể ở nhà vì lệnh bắt trốn nghĩa vụ quân sự ai cũng biết, không ai dám chứa chấp. Chị tôi bị ép phải “phấn đấu” để có thể trở thành cảm tình viên của Đoàn Thanh niên Cộng Sản. Chị đâu có muốn thành đoàn viên. Gia đình tôi lý lịch xấu, cha làm công chức cho chế độ cũ, anh làm “Lính Ngụy”, phấn đấu 10 đời cũng không tới đâu, nhưng họ vẫn bắt chị đi họp hành ca hát, công tác liên tục. Mấy đứa cháu phải tham gia Thiếu Nhi Khăn Quàng Đỏ, bị nhồi sọ những chuyện sai lầm, sắt máu. Còn các bà mẹ, các người chị phải ra ngoài buôn thúng bán bưng, đầu tiên là bán các thứ trong nhà để sống cầm hơi, vì người đàn ông trụ cột trong gia đình đã đi tù cải tạo. Mọi người có thêm gánh nặng nhịn ăn nhịn mặc để lo thăm nuôi người nhà trong trại tù. Tôi có cùng chị dâu đi thăm anh tôi ở trại cải tạo một lần, thật là thương cho các chiến sĩ, nhân viên chế độ Cộng Hòa bị sa cơ thất thế. Đói rét đã đành, nhiều người bệnh nặng, bị biệt giam gông cùm thật khổ. Trong cuốn Hỏa Lò của Nguyễn Chí Thiện có ghi lại kinh nghiệm tù mà tôi còn nhớ. Khi bị cùm lâu ngày một chân sẽ bị teo nhỏ lại không đi vững được, nhưng người tù vẫn không dám xin cán bộ đổi cùm sang chân kia. Lý do không phải vì sợ cán bộ từ chối, nhưng chân teo nhỏ lại sẽ ít bị cái cùm siết chặt, ít đau đớn hơn. Nhiều người bị nhốt trong phòng tối mười mấy năm, mắt trở nên mù lòa thật khổ. Tôi hồi ấy cũng còn ngây thơ, nên thắc mắc cán bộ không cho tù cải tạo ăn đường là phải, vì mua đường tốn tiền, nhưng muối rất rẻ mà sao họ cũng không cho ăn để cải tạo bị phù thủng? Thì ra Cộng Sản muốn làm khổ, muốn hành hạ cho phá bệnh tật để không còn sức lực tranh đấu, chứ không phải vì thiếu muối. Thật vậy, tình thương yêu thông cảm đâu tốn xu nào để mua, mà con người vẫn dè sẻn đâu đã cho nhau hết lòng, nói chi đến Đảng Cộng Sản sắt máu.

Nhiều em bé không được tới trường, phải lang thang đầu đường xó chợ đói rách kiếm ăn. Do thiếu giáo dục các em hỗn láo ma lanh, dối gian… Nhà cầm quyền lại đánh phá “Tư sản mại bản” bằng nhiều hình thức, một trong những cách là đổi tiền hai ba lần. Tôi nhớ lần đầu mỗi gia đình chỉ được đổi 200 đồng tiền Hồ, còn lại mất hết, ba má và người thân tiếc tiền phát bệnh, có người còn tự tử. Ôi, thân phận con người thế hệ chúng tôi.

Ngày… tháng…

Đến thời gian này phong trào “Đi” được bắt đầu, vì cái cột đèn nếu có chân cũng sẽ bỏ trốn Cộng Sản để ra đi mà! Chuyện đút lót mua bãi để không bị bắt lại, chuyện bị lường gạt mất “cây” mà không đi được, chuyện vào tù vì dám bỏ trốn chế độ xảy ra thường xuyên. Rồi vượt biên lạc đường bị đói khát, bị cướp biển, bị làm mồi cho cá mập… Ai nấy căng thẳng sợ hãi. Nhưng ở lại cũng chết, ra đi dù sao cũng có chút hy vọng, nên đông đảo người dân đã liều mình vượt biên, tạo nên một sự kiện đặc biệt trong lịch sử. Hôm nay đi học tôi lại thấy vắng thêm một người bạn, công an đang hồ hởi phong tỏa căn nhà của gia đình bạn để làm cơ sở thành phố. Thầy bói có thêm cơ hội hành nghề, vì nhiều người quá lo phải tới nhờ thầy xem dùm có đi thoát không rồi mới dám liều. Anh chị Hai tôi ở Bến Tre, anh là Đại Úy phải đi học tập, chị bị công an tịch thu nhà để làm Ủy Ban Quân Quản Thành Phố, đuổi đi kinh tế mới. Đàn con phải làm rẫy khổ sở, nên chị liều mình vượt biên, rủ tôi cùng đi.

May mắn chuyến hải trình êm xuôi, chúng tôi không bị hải tặc, chỉ bị công an Việt Nam chặn lại cướp của làm tiền. Chúng tôi được đưa tới trại tị nạn tại Nam Dương, mừng quá là mừng. Đó cũng là nhờ cháu bé con anh Năm tôi lúc đó mới 3 tháng tuổi. Khi tàu Tây Đức đi ngang qua, họ không muốn rắc rối nên chỉ cho thức ăn nước uống để chúng tôi đi tiếp. May quá một người nhanh trí đã ẵm cháu tôi giơ lên cao cho người Đức thấy. Có lẽ vì thương trẻ em cùng với con thuyền bé nhỏ mong manh trên biển cả, họ bảo chúng tôi đục cho tàu ngập nước, rồi gọi về cho cấp trên nói là chúng tôi đang chết chìm nên phải cứu.

Trại tị nạn Indonesia được mệnh danh là “Ngưỡng cửa của Tự Do và Tình Người”, chúng tôi an tâm học Anh văn, chuẩn bị ngày đi Mỹ. Cơm Cao Ủy phát chúng tôi ăn còn đói, còn thiếu thốn rất nhiều các phương tiện khác, nhưng không dám đòi hỏi gì hơn. Chỉ buồn là thấy chung quanh cũng có một số ít người vì chút quyền lợi, vì thiếu suy nghĩ nên luồn cúi cảnh sát Indonesia làm hại bà con, hoặc có các chị chịu đi chơi riêng với người Indonesia, không tiếc phẩm giá. Lại có người độc thân tại chỗ, vì quá cô đơn yếu đuối cần nơi nương tựa, nên đã “ghép form” ở tạm với nhau, làm sau này gặp phải cảnh  hai vợ hai chồng, không biết chọn ai bỏ ai. Ở lại quê nhà là một dấu chấm than, nhưng ra đi được lại là một dấu chấm hỏi to tướng. Trách nhiệm rất nặng nề, mình sẽ làm được gì cho bản thân, cho gia đình, cho đất nước đây?…

Ngày… Tháng…

Thời gian ở trại Tị nạn thật dài với những vui buồn lẫn lộn. Vui vì thoát được chế độ Cộng Sản, buồn vì xa nhà, lo lắng cho tương lai trên xứ lạ quê người. Cuối cùng tôi và gia đình anh chị cũng tới được Cali đất Mỹ. Tôi vừa học vừa làm, mỗi ngày mười mấy tiếng, có bệnh cũng không dám nghỉ, ráng dành dụm gởi tiền, gởi quà về cho gia đình và bè bạn. Ngày ấy vải vóc ở Việt Nam rất quý, hơn một thước vải xoa Pháp vài đô-la là may được một cái quần đen, nếu chúng tôi nhịn xài thì có thể giúp được nhiều người. Mỗi khi thèm quá mua bánh kẹo trái cây ăn, cô cháu gọi tôi bằng dì luôn xuýt xoa “Chèn ơi! Ăn hết một cái quần xoa Pháp rồi!”

Chúng tôi bây giờ văn minh, bắt đầu sợ mập ăn kiêng, nhưng vẫn không quên những ngày đói khổ tại quê nhà. Chúng tôi hay nhắc lại kỷ niệm cũ như lúc phải nấu cháo ăn cho đỡ tốn, hoặc lúc đi lặn lội đào kinh làm công tác thủy lợi do phường khóm đề ra, không đi là cắt hộ khẩu, cắt gạo, bị kiểm điểm. Cái màn tự kiểm và bị kiểm điểm thật ghê sợ, nếu không nói dối, không khôn khéo sẽ bị tù như chơi. Tôi khi ấy cũng phải phụ giúp gia đình, sáng đi học chiều đi bán nước mía cho người bà con kiếm thêm tiền. Tôi lượm vỏ mía về cho má tôi nấu ăn thay củi, vỏ mía cháy vèo vèo nhưng chịu cực thì cơm cũng chín. Có lần lãng đãng lo ra, tôi đút cả ngón tay vào trục xay nước mía, may mà chỉ bị mất một phần nhỏ ngón tay cái, không bị cụt!

Tôi đã từng sắp hàng cả ngày để mua được vài ký bo bo, nấu lên cứng ngắc ba tôi nhai trệu trạo thật đau lòng. Tôi cũng nhớ có lần mang sổ hộ khẩu sắp hàng để mua được một chia bia, đem bán chợ đen ngay để có tiền mua đi chợ. Chị tôi đi dạy học có tiêu chuẩn mỗi tháng nửa ký thịt, nhưng chị vừa hiền lành vừa khẳng khái không tranh dành, nên chỉ đem về chừng vài trăm gram thịt mỡ bèo nhèo, lớp cán bộ đã ăn bớt, lớp các bạn đồng nghiệp chia chác hai ba đợt. Ba tôi lâu ngày không có thịt ăn, ăn vào lạ bụng tiêu chảy quá chừng. Buổi cơm gia đình tôi lúc ấy thường chỉ là rau muống luộc, đậu hũ luộc, ngày nào có khách thì mua vài cái trứng vịt, quậy thêm với bột mì để chiên cho được nhiều. Nhiều nơi hàng xóm dòm ngó nhau, nếu có thịt, có thức ăn ngon cũng phải dấu diếm, nếu không sẽ bị tố giác, làm khó dễ. Cộng Sản quá khôn ngoan ác độc với những hình thức trừng phạt, gieo vào lòng tất cả người dân một sự sợ hãi khó lòng vượt qua được. Sợ, sợ lắm, tới bây giờ tôi vẫn còn sợ….

Nhớ lúc mới được nhà thờ bảo trợ qua Mỹ, chúng tôi còn xấu hổ. Nhà thờ hôm ấy mừng lễ Phục Sinh, tức là Easter có cho trẻ em chơi trò dấu trứng. Trứng đây là kẹo chocolate gói giấy màu thật đẹp hình trái trứng, tượng trưng cho sự đổi mới sanh sôi nảy nở. Các cháu tôi ốm nhom bé choắt, lại khai rút tuổi để dễ đi học nên khôn lanh so với con nít Mỹ thật nhiều. Có bao nhiêu kẹo dấu ở đâu chúng cũng hớn hở tìm ra hết, hình như chúng “hửi” được mùi ngọt, đám con nít Mỹ ngây thơ hầu như chẳng tìm được trái trứng nào. Gia đình “Mít” thâu lượm hết, không biết chia sẻ, không biết đây chỉ là trò chơi cho vui!

Lại còn chuyện đãi các ông bà bảo trợ cũng mắc cười. Chị tôi mua tôm càng to đút lò, làm chả giò và nhiều món ngon mời bảo trợ tới nhà ăn để tỏ lòng biết ơn. Dĩ nhiên mấy dì cháu tôi đâu có tiêu chuẩn ăn tôm, nhưng may thay khách tới trò chuyện vui quá, chị tôi quên mất món tôm còn để nguyên trong lò. Khách về chúng tôi sung sướng thưởng thức, trong khi anh chị tôi tiếc hùi hụi….

Ngày… Tháng…

Vấn đề ngôn ngữ bất đồng tại xứ người cũng rắc rối. Mấy dì cháu tôi khổ sở ngày ngày tra tự điển, uốn lưỡi tập đọc tiếng Anh, ráng nói mà sao Tây Mỹ vẫn tròn xoe mắt không chịu hiểu. Bạn tôi ước gì có viên thuốc đặc biệt uống vào là tiếng Anh như gió để có thể tìm việc làm mà không cần phải học. Nói tiếng Anh chúng tôi không mỏi miệng mà mỏi tay, vì phải ra dấu diễn tả lung tung.

Hôm đó là ngày lễ, tức là longweekend không phải đi học đi làm, nhưng chúng tôi nhận điện tín báo tin buồn. Vì nhân viên bưu điện cũng nghỉ lễ, nên họ không tới nhà trao điện tín, mà đọc nội dung cho nghe qua điện thoại trước, rồi sẽ giao giấy sau. Họ đánh vần rõ ràng “Ba đã mất” nhưng khi cô cháu nhận phôn nói lại, cả nhà không ai chịu tin. Má tôi bệnh tiểu đường, rất yếu nên má mất mới hợp lý, chứ ba tôi còn khỏe lắm. Chúng tôi trách cháu nghe cò ra quạ, chữ M lại tưởng chữ B, rồi khóc mà không biết khóc ai! Hôm sau nhận điện tín mới rõ đúng là ba đã mất.

Qua được xứ Mỹ nhưng chúng tôi rất hà tiện, vì mới chân ướt chân ráo làm lương rẻ và còn đang đi học thêm. Mỗi lần chợ đại hạ giá món hàng nào, chị Hai bắt hết mấy dì cháu chúng tôi sắp hàng mua thật nhiều về để dành. Khi có dư chút đỉnh chị mua vàng lá để trong nhà ngắm nghía. Chúng tôi bàn nên gởi ngân hàng cho có tiền lời, nhưng chị bảo hồi ở Việt Nam quá khổ, cái nhẫn một chỉ cũng không có nên bây giờ chị nhất định mua ít vàng về chưng trong phòng cho bõ ghét! Ấy thế mà chị “trúng”, sau này vàng lên giá quá chừng. Chị cũng rất sáng suốt, tuy cần tiền nhưng nhất định không cho ai “share” phòng, dù lúc này việc cho mướn phòng kiếm thêm tiền đang rất phổ thông. Chị bảo cho đàn ông vào share phòng thì sẽ mất con gái, còn cho đàn bà vào ở thì sẽ mất chồng!

Các cháu tôi ít nhiều cũng biết khổ là gì vì lớn lên ở Việt Nam, biết giá trị của cuộc sống nên cố gắng học hành, sau này đều thành bác sĩ, kỹ sư thật thành công. Cô cháu Út bắt đầu quên tiếng Việt, nói tiếng Mỹ đúng giọng rất hay. Đám trẻ thật dễ hội nhập, thật là mừng và cảm ơn xứ người đã cho chúng tôi cơ hội sống tốt đẹp hơn. Nghĩ cũng lạ, nhiều nhà cha mẹ nói tiếng Anh không giỏi lắm, nhưng con cái không biết chút tiếng Việt nào. Một người quen bảo lãnh được cha mẹ sang giúp trông cháu, đứa cháu cần cái ly, nói tiếng Anh ông bà không hiểu, phải gọi điện thoại vào hãng nhờ mẹ thông dịch mới có cái ly uống sữa! Do phải làm việc nhiều, một số gia đình không có giờ dạy dỗ con cái, chúng học theo cái xấu của Tây Mỹ trở nên hư hỏng, vợ chồng bất hòa ly dị…. Được tự do no ấm, nhưng cuộc sống hải ngoại cũng không dễ vì đang có những vấn nạn khác, không có gì là toàn vẹn….

Ngày… Tháng…

Hôm nay đi chợ bất ngờ tôi gặp lại bạn cũ. Tôi không nhận ra nhưng chị gọi tôi. Chị đi với một thanh niên rất cao ráo, thì ra đây là cháu trai hồi đó sinh ra ở đảo – đứa con không mong đợi khi chị bị hải tại cưỡng hiếp trên đường vượt biên. Tôi nhớ ngày ấy chị rất buồn. Không nỡ phá thai, nhưng chị xấu hổ bó bụng lại nên sanh ra cháu èo uột đen đủi, có người bảo cháu giống … con khỉ. Tình mẹ thật nhiệm mầu, dù cháu có nhăn nhó xấu xí chăng nữa chị vẫn chăm sóc, hôn hít yêu thương. Sau khi trò chuyện, tôi biết chị sang Cali, đã lập gia đình với anh D – người cùng thời ở đảo, nhưng anh này lớp khó tính, lớp hay đem chuyện chị bị hãm hiếp ra dày vò mỗi khi nổi giận, nên chị ly dị ở một mình nuôi con. Tôi ủng hộ quyết định của chị, nếu việc bị hải tặc ngày xưa mà cứ đem ra nói đi nói lại thì chẳng khác nào làm chị bị cưỡng hiếp thêm lần nữa. Cháu trai nay sắp tốt nghiệp dược sĩ, rất ngoan và siêng năng. Tôi thật mừng cho chị. Cuộc đời có ai biết ai ngờ, nhiều người tưởng là sẽ thành công nhưng cuối cùng lại thất bại, nhiều người bị thử thách nhưng không ngờ lại có thể vượt qua mà vươn lên. “Con khỉ” ngày xưa bây giờ là một dược sĩ bảnh trai – Hạt giống đau khổ nhưng nẩy mầm trong vùng đất tốt đã trổ sinh hoa trái tươi đẹp. Thật là một phép mầu, mà nếu không ở xứ Tự Do hai ngoai thì phép mầu này khó có thể xảy ra được.

Ngày… Tháng…

Chúng tôi sống một ngày như mọi ngày, trẻ đi học, người lớn đi làm, đi chợ nấu ăn, giặt giũ, cuối tuần thì tới nhà thờ, đi chùa, dự tiệc tùng hoặc các sinh hoạt khác…. Dù bận rộn nhưng cũng vui. Khi kinh tế khó khăn, chúng tôi cũng bị thất nghiệp, phải lo lắng nhưng rồi cũng có việc khác. Một số bạn bè bắt đầu nghề làm móng tay, mở tiệm Nail khấm khá hẳn ra. Nhiều người học cao tạo được danh tiếng trong thương trường, đóng góp đáng kể cho xã hội và được vinh danh tại hải ngoại. Sinh hoạt văn nghệ, truyền hình, sách báo sáng tác cũng rất phong phú. Ngược lại cũng có người buôn lậu, trồng cần sa hoặc trộm cắp, gian lận trợ cấp welfare, medicare làm xấu hổ người Việt, nhưng cũng may số người xấu này không đông. Trên các diễn dàn, thế giới ảo email, facebook lại hay có những bài viết nặc danh chửi bới làm nản lòng mọi người, làm thối chí ai muốn đóng góp cho Tự Do Dân Chủ trên quê hương, nhưng nói chung người tốt và các sinh hoạt ý nghĩa vẫn tiếp tục được thực hiện. Thật an ủi vì đa số ai cũng sẵn lòng góp công góp của làm việc tốt, việc thiện. Truyền thống hào hùng bất khuất, lá lành đùm lá rách vẫn mãi tồn tại và được đề cao tại hải ngoại.

Riêng tại quê nhà, cuộc sống vất vả và cái nghèo luôn hiện hữu. Một số chán nản trước đời sống không lối thoát đầy tệ nạn nên đã tìm quên trong men rượu, thậm chí bài bạc làm xã hội càng thêm xuống dốc. Không có Tự do Dân chủ, sống chung quanh các giả trá dối gian, nhiều người chịu ảnh huởng trở nên xấu thật đáng tiếc. Bất công và ranh giới giàu nghèo ngày càng rõ. Chỉ có giới cán bộ tai to mặt lớn là giàu sụ, còn lại dân nghèo dân oan khắp nơi…. 42 năm thay vì phát triển và là hòn ngọc sáng chói của Viễn Đông, nước tôi trở nên lạc hậu nghèo khổ hơn bao giờ.

Dù sao, tôi cũng xin ghi lại những dòng chữ hôm nay để cảm ơn các vui buồn trong cuộc sống, cảm ơn những thử thách để có thể tôi luyện chính mình. Tôi chân thành ghi nhớ những gương lành, những vị đã kiên trì làm việc tốt cho cộng đồng, cho người khác. Tôi cũng cám ơn cuộc sống tiện nghi, những phương tiện truyền thông tân tiến giúp tin tức, kiến thức mọi người được tốt đẹp. Tạ ơn cuộc sống này dù có nhiều phức tạp âu lo….

Ngày… Tháng…

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng hưởng ứng các sinh hoạt cộng đồng, góp tiếng tranh đấu cho Nhân Quyền, cho các Dân Oan bị áp bức không thể lên tiếng tại Việt Nam. Riêng tôi rất thông cảm cho các nhóm tổ chức. Ai cũng bận rộn khiếm khuyết, thiếu thì giờ, nếu có sai sót cũng rất đáng được bổ sung, cùng góp ý xây dựng sửa đổi, không nên chửi bới mạt sát. Ngày sanh con, đem các cháu đi bác sĩ chích ngừa các loại bệnh thông thường như đậu mùa, phong đòn gánh, tôi đã ước gì có loại thuốc chích ngừa tinh thần, tức là làm sao chủng ngừa cho các con tôi tránh được bệnh ích kỷ, bệnh lười biếng vô cảm cũng như các chứng hư tật xấu để các cháu có thể xây dựng tương lai – không những cho chính mình mà còn sống vì người khác. Bây giờ tôi thấm thía chính tôi cũng cần chích ngừa và tránh những bệnh đó. Chính tôi phải làm gương để các cháu hiểu được thế nào là tình người, là trách nhiệm với tổ quốc. Ai cũng sợ bị đột quỵ, bị stroke bất ngờ nằm bán thân bất toại, nhưng cơn stroke tâm hồn có lẽ còn nguy hiểm hơn nếu không tích cực, không sẵn lòng hy sinh và đoàn kết yêu thương. Tôi cũng đã từng bị đột quỵ tâm hồn, ú ớ không nói được lời động viên, xin lỗi với người chung quanh hoặc nhát sợ không dám lên tiếng cho sự thật, mặc “cha chung không ai khóc”!

Nhìn lại cuộc sống của một người tị nạn tầm thường nhưng đầy may mắn, tôi không biết nói sao để dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, đội ơn tiền nhân và biết ơn đất nước đã cho tôi tạm dung. Được tự do, có việc làm, có rất nhiều quyền mà trong đó quyền căn bản của con người được tôn trọng, được học hỏi nhiều điều hay tại Tây Phương, được đi du lịch đó đây, con cháu có cơ hội học hành thành đạt trong xã hội mới… tôi còn mong muốn gì hơn. Thế nhưng tôi vẫn hay tự hỏi: Bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng, sau mấy mươi năm nhìn lại tôi đã làm được gì cho bản thân, gia đình và việc chung? Tôi phải làm gì để san sẻ sự may mắn của mình cho người khác, đặc biệt cho những đồng bào còn đang chịu áp bức, đau khổ ở quê nhà? Tôi đã quá nửa đời người, khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại tôi nên làm gì, nghĩ gì? Cụ Phan Bội Châu đã viết những câu thơ rất hay và làm tôi suy tư thật nhiều, sống đứng chật trời không ích lợi gì thì sống làm chi?

Vì thế tôi mạnh dạn ghi thêm vài dòng suy tư, để cùng với biết bao người tị nạn khác, gạt nước mắt ly hương mà tôn vinh và tri ân các chiến sĩ, các quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh cho chính nghĩa Tự do và bảo vệ đất nước. Tôi xin góp lời để hiệp thông và ủng hộ các nhà Dân Chủ tại quê hương – những anh hùng anh thư thời đại dám vượt qua sợ hãi tù đày, sợ gia đình bị liên lụy để mang khát vọng yêu chuộng Tự do và Nhân quyền của người dân trong nước để thế giới hiểu được. Nhất là những ngày gần đây có rất nhiều người đã dám biểu tình, tranh đấu, nói lên sự thật, công khai chống đối cái sai của chế độ. Tôi cũng nhủ lòng phải cố gắng tích cực hơn, lạc quan hơn và làm việc nhiều hơn, dù chỉ là những việc bé nhỏ nhưng với hết tấm lòng. Tôi tin nếu ai cũng ra sức đóng góp thì chắc chắn việc chung sẽ có kết quả cao.

Vâng, trên bốn mươi năm mới đó mà đã thoáng qua, biến cố 30 tháng Tư như một cơn sóng thần khủng khiếp đã quét mất nước Việt Nam Cộng Hòa, đã cuốn trôi bao sinh linh, bao đổ vỡ mà hệ lụy vẫn còn kéo dài. Mỗi khi tham dự lễ Chào Cờ với phút mặc niệm, liệu một phút ngắn ngủi ấy có đủ cho mình nhớ thương và vững lòng với trách nhiệm hay không? Câu hát hùng tráng trong bài Quốc Ca Việt Nam: “Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống”, tôi đã đồng lòng đoàn kết và đã hy sinh được bao nhiêu? Thật là tủi hổ vì câu trả lời của tôi hầu như là zero – dù tôi cũng có một chút lòng thành. Có lẽ tôi sẽ vẫn mãi hoài yếu đuối, ngại khó không làm được gì – dù tôi cũng thiết tha chờ đợi một ngày quê hương vinh sáng.

Người Do Thái sau bao năm lưu đày đã quyết tâm trở về, và họ đã làm được. Không biết tới ngày nào tôi mới có thể bắt đầu trang nhật ký mới bằng câu: Hôm nay chúng tôi vinh quang trở về xây dựng quê hương, vì gông cùm cộng sản không còn – Ngày ấy chắc tôi sẽ cảm động rơi nước mắt. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện và hi vọng. Xin chắp tay dâng một lời kinh tự đáy lòng để tình người được triển nở và đất nước, con người Việt Nam sẽ sớm bước sang chặng đường mới sáng tươi…

Nguyễn Ngọc Duy Hân

—-    ——  —– 

 Hội Nhập

Tôi vốn quê mùa bảo thủ, hội nhập chậm hơn nhiều người khác. Năm 1981 khi ở trại Tị Nạn Galang bên Nam Dương (Indonesia), các bạn nữ đã bắt đầu mặc váy đầm nhưng tôi vẫn mặc quần vì thấy ngượng nghịu nếu phải “phơi đùi”. Sau này khi sang nước thứ ba định cư tôi mới tập mặc áo đầm và thấy thoải mái phần nào với những bộ váy Âu Mỹ. 

Thức ăn cũng thế, hồi mới sang tôi không ăn được phô-mai (cheese), cũng không hảo french fries, bánh mì hamburger… nhưng bây giờ thì thích lắm. Nếu mua pizza, tôi nhất định phải order “double cheese”, sung sướng thưởng thức những sợi phô-mai dài, dẻo, béo. Khi đi ra ngoài nếu không có tiệm Việt Nam, chúng tôi hay ghé McDonald mua món “poutine”, tức là món khoai tây chiên có chan nước sốt gravy và cheese. Làm quen với cuộc sống mới luôn là việc khó khăn, cần thời gian và sự hướng dẫn.  

Thế nhưng câu chuyện 2 học sinh trung học bị ngưng không cho tuyên thệ vào quốc tịch Thụy Sĩ lại là chuyện khá đặc biệt. Các trang mạng, tin tức thế giới ngày 19 tháng 4, 2016 đã đồng loạt đăng tin và hình hai em thiếu niên tuổi 14 và 15, người tỵ nạn gốc Syria tại Therwil đã từ chối bắt tay cô giáo khi cô chúc mừng hai em được nhập tịch. Hai em trình bày lý do là theo giáo dục của gia đình, việc bắt tay người khác phái là việc đạo Hồi nghiêm cấm. Cha của các em sang Therwil, Thụy Sĩ tỵ nạn từ năm 2001. Sau 15 năm rời xứ sở mà vẫn rèn luyện con cái theo quan niệm như thế. Việc tuyên thệ chính thức công nhận hai em thành công dân Thụy Sĩ đã bị ngưng ngay lập tức. Bộ trưởng Tư Pháp Thụy Sĩ sau đó đã lên tiếng xác định với truyền thông rằng quyết định ngày hôm đó là đúng đắn và kịp thời. Việc bắt tay – dù người khác phái hay không – là hành động văn hóa lâu đời của người phương Tây, người tị nạn phải hội nhập và sẵn sàng thay đổi theo cuộc sống mới nơi quốc gia mình xin vào sinh sống.  

Gần đây tại nhiều nơi trên thế giới và ngay tại Canada, đã có những người Việt sang định cư, học hành, làm ăn thành công nhưng vẫn chưa nhìn ra nét đẹp của Tự Do Dân Chủ trên đất nước này. Họ vẫn viết sách, làm trang mạng, lập Hội để ca tụng HCM & Cộng Sản, treo cờ Đỏ, len lỏi vào Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn để tiếm danh và gây xáo trộn. Một số văn công của csVN theo nghị quyết 36 mò sang đây ca hát, tổ chức thi hoa hậu, vận dụng nhiều hình thức để tuyên truyền cho csVN và chủ trương “hòa hợp hòa giải” trong âm mưu nhuộm đỏ Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn.

Họ đã sang được xứ sở Tự Do, sinh sống hoặc thậm chí mang quốc tịch các nước này mà vẫn cố tình không nhìn nhận những giá trị của Văn minh, của Tự Do Dân Chủ, không chịu mở mắt để nhìn ra và tôn trọng sự khác biệt của nơi này với cuộc sống man rợ nơi “thiên đường” XHCN thì thật là điều khó hiểu.

Nhiều người đã đặt câu hỏi, nếu những kẻ này cho rằng chủ nghĩa Cộng Sản là hay là tốt, tại sao họ không ở Việt Nam để tha hồ ca tụng, tôn vinh “Bác & Đảng”? Họ sang đây làm gì? Bạn có từng tự hỏi như vậy hay không? Chúng ta nên hội nhập vào cuộc sống mới như thế nào để xứng dáng với sự bao dung của người dân và xã hội Tự Do đã dang tay đón nhận mình? Đây không thể được coi là hiện tượng “hòa nhập chậm”, mà là “cố tình không hòa nhập”, là sự len lỏi vào xã hội tốt đẹp này với mưu toan làm cho nó xấu đi.

Mong bạn bỏ chút thời giờ nghiệm lại con người và thái độ của mình để có sự hòa nhập và một cuộc sống tốt đẹp hơn….

Nguyễn Ngọc Duy Hân

Cuộc Đời Đau Thương của Loài Chim Yến

 

 

 

 

 

 

 

Có một lần lâu lắm rồi tôi có gặp người bạn nói ngày xưa ở VN trước năm 75 có lần ông trúng thầu để lấy tổ yến…

Sau lần đó ông giải nghệ luôn vì thấy ác độc quá…Ông nói tội lắm cô ơi…đôi khi phải vứt trứng yến hay chim non xuống biển để lấy tổ…Chim mẹ bay về quanh quẩn nơi tổ yến đã mất kêu thảm thiết lắm…Nghe ông nói mà tôi ứa nước mắt thương cho chim mẹ…

CHUYỆN CỦA CHIM YẾN

Câu chuyện ray rức lòng người.Xé gió biển, đôi cánh nhỏ dang rộng hết cỡ, lượn lên mất hút trên không trung rồi bất thần lao xuống hết tốc lực. Chẳng có gì ngăn cản nổi, Yến mẹ lao đầu vào vách đá dựng đứng. Để lại trên vách núi vệt máu tươi uất nghẹn và tiếng kêu khản đặc xé lòng của chim trống…Cảnh tượng đó lặp đi lặp lại trong những ngày vào mùa, mùa mà một loài hân hoan trên sự chết chóc đau thương của một loài khác. Mùa khai thác Tổ Yến.Yến, sống trung thành – chết thuỷ chung. Một đôi Yến khi đã sống cùng nhau là trọn đời trọn kiếp. Khi đã xây tổ ở đâu là vĩnh viễn không dời đi nữa. Tập tính đó giết hại Yến. Người vẫn thầm ngưỡng mộ và tự hỏi: Trong hàng ngàn chim Yến bay rợp biển kia mà vì sao các cặp đôi không bao giờ nhầm lẫn, không đời nào lang chạ? Hàng vạn tổ Yến ken đặc trên vách đá đó mà Yến luôn về đúng nhà của mình. Không bao giờ chiếm tổ chim khác? Rồi người lợi dụng triệt để đặc tính này để dụ Yến, nuôi Yến, lấy tổ Yến và vô tâm nhìn xác Yến…Nếu không may gặp một thợ hái tổ không chuyên hay thiếu kinh nghiệm. Không chừa lại một phần tổ, hoặc lấy đúng chiếc tổ của Yến sắp sinh. Chim mẹ trở về trong tình trạng mất tổ, không chịu nỗi đau đớn vì cơn chuyển dạ. Yến sẽ quẩn và chọn cách gieo mình vào vách núi, chính nơi đã xây mái ấm để quyên sinh.

Đa số chim Yến trống sau đó bay lượn điên cuồng, kêu gào thảm thiết rồi lao thẳng vào đúng chỗ vợ chết. Nên các vệt máu khô buồn in lại trên vách đá lạnh lẽo thường là vệt đôi bên nhau, thậm chí là chồng lên nhau. Nếu không tự tử, chim Yến trống sẽ sống cô độc suốt quảng đời còn lại.

Xưa, kẻ cùng đinh mạt vận mới phải ra nơi heo hút, leo trèo nguy hiểm tìm hái tổ Yến để mong đổi đời. Thường thì khi có chút vốn họ bỏ nghề và ăn năn sám hối. Họ không đời nào muốn con cái tiếp tục cái việc quá sức mạo hiểm, quá sức thất đức. Và đó là lý do không có “nghề lấy tổ Yến gia truyền” là vậy.

Nay, lòng tham con người vô cùng vô tận.
Tạo hoá không ban phát cho ai tất cả. Loài chim hiền hoà xinh đẹp và thuỷ chung đó lại có đôi chân cực ngắn và mềm yếu. Yến dường như không thể đậu trên mặt đất, Yến treo thân trên vách cheo leo lúc đêm về. Còn lại gần như bay suốt, liên tục từ 12-15 giờ mỗi ngày. Săn mồi và ăn trong khi đang bay, ngủ trong lúc bay, thậm chí là “làm chuyện vợ chồng” trên không luôn.

Bù lại, Mẹ Thiên Nhiên dạy Yến cách sinh tồn, mách bảo Yến sống trên cao, làm tổ nơi vách núi thẳng đứng, hẻo lánh và trơn trượt. Hòng tránh loài ăn thịt hiểm ác như rắn hay cú vọ. Có điều, ngay cả thiên nhiên cũng không biết được có loài ăn…tạp còn tàn độc hơn thú dữ. Loài có thể chinh phục bất cứ núi cao vực sâu hiểm trở nào hầu nhét cho đầy lòng tham tanh tưởi. Loài đã làm những cuộc tàn xác đẫm máu mang tên “Yến Sào”.

Yến chống chọi để tồn tại, tạo hoá không đành lòng diệt vong một biểu tượng của tình yêu, tình mẫu tử. Trong thiên nhiên hoang dã, chắc Yến là loài duy nhất được mệnh danh “rút ruột cho con” nhờ đặc tính làm tổ bằng nước dãi. Cả chim mẹ và chim cha cùng nhau xây tổ. Nước dãi kết dính cây cỏ và chính những chiếc lông rứt ra đau đớn thành chiếc tổ kỳ diệu. Con người ranh mãnh khi lấy tổ yến đã cố tình chừa một ít. Yến hồn nhiên xây lại, dãi không đủ cho mùa sinh nên thổ huyết ra xây. Tước lông đến xơ rơ đôi cánh, trơ da thịt trân mình chịu đựng cơn gió biển rít buốt đến xương tuỷ. Cho đến chết đi rồi Yến vẫn không thể hiểu được một số giống người man rợ hoan hỉ gọi đó là “Hồng Yến”…

Cuộc đời loài chim yến hiện nay thật quá thương tâm, vì lòng tham và sự tàn nhẫn của con người chưa từng giảm bớt…Hãy dừng lại việc nuôi yến, bán tổ yến cho đến tiêu thụ các sản phẩm từ chim yến.

Nhân nào quả đấy, nếu mình phá hoại nhà cửa của người ta, chia rẽ gia đình người ta, cướp đoạt cái mà chẳng phải thuộc về mình, ăn nuốt vật phẩm dựa trên máu, nước mắt và sinh mạng của chúng sanh thì tương lai gia đình mình, con cháu mình, và cá nhân mình chẳng lẽ không bị quả báo tương tự hay sao? 

Vì vậy: Trước khi làm điều gì, hãy nghĩ đến hậu quả của nó.

(S.T.)
Do Thi Thuan 

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi