Mỹ cảnh báo Trung Quốc chớ khiêu khích ở Biển Đông

Mỹ cảnh báo Trung Quốc chớ khiêu khích ở Biển Đông

VOA

Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc tiếp cận tàu ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc tiếp cận tàu ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc chớ có tiến hành “thêm các hành động khiêu khích” sau khi một tòa quốc tế ra phán quyết về Biển Đông. Có nhiều dự báo tòa sẽ bác bỏ phần lớn các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hiện diễn ra gay gắt nhất giữa các nước Việt Nam, Trung Quốc và Philippines. Các bên khác cũng có tranh chấp gồm Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Colin Willett đã bày tỏ hoài nghi về lời tuyên bố của Trung Quốc rằng họ được hàng chục nước ủng hộ cho quan điểm của họ về vụ Philippines khiếu nại họ. Bà Willett cũng nói Washington sẽ giữ vững các cam kết về phòng vệ.

Bà nói Washington có “nhiều lựa chọn” để đáp trả bất cứ hành động nào của Trung Quốc trong khu vực có tầm quan trọng sống còn đến các lợi ích của Mỹ. Vào lúc dự kiến phán quyết sẽ được đưa ra trong vòng vài tuần nữa, bà Phó Trợ lý Ngoại trưởng nói Mỹ đang vận động các đồng minh và đối tác trong khu vực để đảm bảo có một mặt trận thống nhất.

Bà Willett nhắc lại quan điểm của Mỹ là phán quyết của tòa phải có tính ràng buộc pháp lý. Bà nói Washington hy vọng Trung Quốc sẽ xem phán quyết như “một cơ hội để tái khởi động những cuộc thảo luận nghiêm túc với các nước láng giềng”.

Cách thức Washington xử lý hệ quả của phán quyết được nhiều người xem là một thử thách về tính đáng tin cậy của Mỹ ở trong khu vực.

Các quan chức Mỹ cho đến nay vẫn cảnh báo Trung Quốc chớ có tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông như đã làm ở Đông Hải hồi năm 2013, cũng như chớ có tăng cường xây dựng và củng cố các đảo nhân tạo.

Về sự kiện hồi tuần trước các nước trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á thể hiện sự không thống nhất, bà cho rằng điều đó không quá quan trọng. Sau cuộc họp cấp ngoại trưởng với Trung Quốc, ASEAN đã ra một tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông rồi đột ngột rút lại. Việc này bị xem là do họ chịu áp lực từ Trung Quốc.

Một quan chức cao cấp của Mỹ nói các nước ASEAN đã “chịu một áp lực lớn” và nói rằng ở trong hậu trường Washington đang làm việc để giúp họ có quyết tâm vững chắc.

Theo Straits Times, DNA, The Wire.

Năm em gốc Việt trong 8 thủ khoa trung học Học Khu Garden Grove

Năm em gốc Việt trong 8 thủ khoa trung học Học Khu Garden Grove
Nguoi-viet.com
GARDEN GROVE, California (NV) – Học Khu Garden Grove vừa làm lễ tốt nghiệp cho học sinh tám trường trung học, với tám học sinh thủ khoa được đọc bài diễn văn ra trường trước bạn học, trong những ngày qua.

Nhân dịp này, nhật báo Người Việt xin giới thiệu chân dung tám thủ khoa này, trong đó có năm học sinh gốc Việt.


Tám thủ khoa các trường trung học trong Học Khu Garden Grove, từ trái, Lisa Bang, Kelly Trần, Amber Yardley, James Thiệu, Cindy Bích Châu Trần, Jo Ann Cho, Cindy Ngô, và Zaira Bernal. (Hình: Học Khu Garden Grove cung cấp)

Lisa Bang, Bolsa Grande High School

Sẽ theo học đại học UCLA và muốn theo đuổi một sự nghiệp có tác động tích cực đối với xã hội. Trong khi cô chưa quyết định một con đường sự nghiệp nào, cô thích y khoa, sư phạm, và ngành kỹ sư. Lisa là chủ tịch National Honor Society, phó chủ tịch California Scholarship Federation, và chủ bút cho cuốn kỷ yếu. Cô nhận được các giải thưởng như Principal Honor Roll; bằng tốt nghiệp trường Việt ngữ; AP Scholar; và nhiều giải thưởng khác. Lisa Bang hiện là cư dân Garden Grove.

Kelly Trần, Garden Grove High School

Từng đảm nhiệm một số vị trí lãnh đạo trong trường, bao gồm chủ tịch National Honor Society, Junior Classical League, và câu lạc bộ môi trường; thư ký Ambassador Club; thành viên California Scholarship Foundation và đội bơi lội trung học Garden Grove. Thành tích của cô rất nhiều, trong đó có Principal’s Honor Roll; Summa Cum Laude cho các kỳ thi tiếng Latin toàn quốc; đạt điểm tối đa kỳ thi tiếng Latin toàn quốc; giải thưởng National Honor Society Service Award và Outstanding Acchievement Award; cùng nhiều giải thưởng khác. Trong khi cô định chọn theo khoa kinh doanh kinh tế, mục tiêu của cô là theo đuổi niềm đam mê để thành công và báo hiếu cho cha mẹ. Cô hiện là cư dân Garden Grove.

Amber Yardley, Hare Continuation High School

Amber từng có tên trên bảng danh dự của hiệu trưởng trong bốn tam cá nguyệt, là sinh viên xuất sắc Tháng Mười, được chứng chỉ khen thưởng đặc biệt của Quốc Hội Mỹ, và học bổng Muzet H. Hall Foster Youth – Holy Helping Hands. Khi học trung học, cô là thủ quỹ năm đầu và phục vụ như là một nhân viên nhân viên nhà bếp.

James Thiệu, La Quinta High School

Ðược học bổng toàn phần tại đại học Stanford University và chọn ngành kỹ sư điện, James rất quan tâm trong việc giúp đỡ để thúc đẩy xã hội hướng tới một tương lai bền vững hơn bằng cách mạng cơ sở giao thông hạ tầng, đặt nền móng cho sự đổi mới kinh tế. Những thành tựu của James bao gồm: AP Scholar hạng danh dự; giải chung kết National Merit; 21 huy chương Decathlon; Lóp 10 và 11 Vocal Ensemble; giải thưởng khoa toán cao cấp. James đội trưởng của Academic Decathlon và Debate Club, cũng như thủ quỹ cho Vocal Ensemble, và là thành viên của National Honor Society, California Scholarship Federation, và đội bơi lội. James Thiệu là cư dân Westminster.

Cindy Bích Châu Trần, Los Amigos High School

Cindy được nhận vào đại học Georgetown University, Washington, DC, và sẽ học ngành khoa học chính trị. Mục đích cuối cùng của cô là tạo ra các thay đổi tích cực cho thế giới. Tại trường Los Amigos, cô là thủ quân đội bóng chuyền, chủ tịch hội National Honor Society, và là thư ký Girls’ League. Cô từng được vinh danh là Lực Sĩ Xuất Sắc Nhất Trong Tháng và đoạt danh hiệu Francisco Ayala Scholar, được học bổng GGEA, và mở một cuộc vận động trên mạng xã hội để đánh động mọi người chú ý đến cuộc khủng hoảng liên quan đến người tị nạn Syria. Cô Cindy hiện là cư dân Santa Ana.

Jo Ann Cho, Pacifica High School

Ðược nhận vào đại học UC Berkeley và sẽ học ngành khoa học dinh dưỡng, sinh lý học, và sinh vật học. Tại trường Pacifica, Jo Ann Cho là thành viên hội National Honor Society, phó chủ tịch California Scholarship Federation, và thư ký kiêm thủ quỹ của UNICEF. Cô từng được các giải thưởng AP Scholar with Distinction; A.C.E. Award về khoa học xã hội và ngôn ngữ; cùng nhiều giải thưởng khác. Mục tiêu của cô là luôn sống tích cực và đầy yêu thương. Cô hiện đang sống tại Garden Grove.

Cindy Ngô, Rancho Alamitos High School

Cô Cindy Ngô sẽ học ngành tâm sinh lý học tại đại học UCLA, và sau đó dự định vào trường y khoa, để trở thành một bác sĩ về tâm thần, chuyên trị các trường hợp tâm thần rối loạn. Tại trường Rancho Alamitos, cô tham gia nhiều hoạt động qua các vai trò thủ quỹ và chủ tịch California Scholarship Federation, thủ quỹ Student League, thành viên National Honor Society, và nhiều tổ chức khác. Cô cũng nhận được nhiều giải thưởng của các khoa toán, Anh Văn, trong trường, và từng là Cầu Thủ Quần Vợt Xuất Sắc Nhất của trường. Cô Cindy Ngô là cư dân Garden Grove.

Zaira Bernal, Santiago High School

Zaira dự trù học khoa học chính trị tại đại học UCLA, rồi vào trường luật, và muốn trở thành một luật sư về dân quyền. Cô là học sinh trong nhóm Honor Roll, Scholar of the Quarter, AP Scholar with Distinction, Frederick Douglass, và từng được các giải thưởng Susan B. Anthony Award, Laura Schwalm Scholarship, và Outstanding Senior in Choir. Tại trường Santiago, Zaira là chủ tịch Academic Decathlon, và là thành viên của nhiều tổ chức khác. Cô cũng tham gia dàn đồng ca của trường, và hiện sống tại Santa Ana. (L.N., Ð.D.)

 

Tình yêu cổ tích của cô gái cao gần 1,3m với ông chủ tiệm ôtô

Tình yêu cổ tích của cô gái cao gần 1,3m với ông chủ tiệm ôtô

Chỉ cao 1,27 m, Khánh Xuân chưa bao giờ tin mình sẽ có đôi, cho tới khi nghe người đàn ông Mỹ gọi “vợ ơi” trong lần gặp đầu ở sân bay.

Chuyện tình của cô gái tật nguyền giàu nghị lực Phạm Thị Khánh Xuân và người đàn ông Mỹ có tấm lòng nhân ái là minh chứng cho thấy sức mạnh tình yêu có thể kéo gần cả những khác biệt tưởng chừng khó vượt qua. Hiện nay, chị Xuân đang sống cùng chồng là anh Freddie Scott, sinh năm 1963, tại Missouri, Mỹ.

 CO BE
Cô gái bé nhỏ Phạm Thị Khánh Xuân chia sẻ, chị chưa bao giờ dám mơ tới cuộc sống gia đình hạnh phúc cho tới khi gặp anh xã người Mỹ. 

Bị nhiễm trùng rốn khi mới chào đời, Khánh Xuân, quê Đồng Nai, phải sử dụng nhiều thuốc, lại thiếu dinh dưỡng do nhà nghèo nên mắc bệnh còi xương. Còi cọc, khó đi lại, suốt những năm đến trường, chị hay bị bạn bè trêu chọc, thậm chí đuổi đánh. Năm chị 8 tuổi, mẹ mất, ba một mình nuôi 6 con nên nhiều khi Khánh Xuân phải đi ở nhờ nhà người quen để ba lên thành phố lo kiếm tiền.

“May mắn là ông trời còn giữ lại cho mình cái đầu có chút ý chí, lúc nào cũng nhắc bản thân phải cố gắng học tập, tự lập. Mình đã vùi đầu vào việc học, hy vọng có tấm bằng đại học để xin được công việc ổn định có thể nuôi sống bản thân”, Khánh Xuân nhớ lại.

Tốt nghiệp đại học, cô gái chỉ nặng 27 kg kiếm việc rồi chật vật mưu sinh ở Sài Gòn. “Lương thấp, ở trọ, mình thui thủi bon chen ở thành phố này hơn chục năm, ăn hôm nay lo ngày mai, tuổi thanh xuân qua hồi nào không hay. Nhìn bạn bè cùng trang lứa có chồng, con đề huề, cũng tủi thân nhưng không dám mơ mộng gì vì biết mình khác họ nhiều”, chị kể.

Cuối năm 2013, một người bạn giới thiệu cho Xuân công việc làm thêm là đăng quảng cáo cho một ông chủ người Mỹ tên Freddie, chuyên kinh doanh thảm và xe hơi cũ. Đây chính là dấu mốc cho những thay đổi trong cuộc đời chị. Thời điểm đó, ba bị tai biến nên chị nghỉ hẳn việc chính để về quê, vừa làm thêm trên mạng, vừa chăm sóc ba. Trong công việc làm thêm này, chị thường xuyên phải trao đổi với ông chủ ở Mỹ qua internet. Ban đầu, cả hai chỉ nói chuyện công việc, sau đó, anh chị hay chia sẻ về cuộc sống, gia đình.

“Lúc anh ấy ngỏ lời tỏ tình mình vô cùng bất ngờ và nghĩ ‘chắc ông này trêu hay nói đùa thôi, hoặc có ý gì không tốt’ vì từng nghe nhiều vụ lừa tình trên mạng”, chị Xuân kể.

 KHANH VAN VA CHONG
Chị Khánh Xuân và ông xã tại khu nhà mình ở Mỹ. 

Suốt thời gian sau đó, mỗi lần nói chuyện mà ông chủ đề cập tới vấn đề yêu đương là chị lại làm thinh, chỉ trả lời khi anh hỏi qua mấy việc khác. Tuy vậy, sau nhiều lần nghe anh tâm sự về công việc, quá khứ, gia đình từng tan vỡ và đứa con duy nhất mất không lâu sau khi chào đời… chị nhận ra anh là người rất tình cảm và nghiêm túc nên dần mở lòng. Hai người bắt đầu gọi điện qua mạng, anh thậm chí còn giới thiệu chị cho bạn bè, đồng nghiệp, người nhà của mình. Chị cũng thường xuyên nhận được hoa tươi, quà anh gửi tới.

Ngày đáng nhớ nhất với hai người có lẽ là hôm 11/5/2014 – khi anh bay từ Mỹ về Việt Nam gặp chị. “Vừa gặp nhau ở sân bay Tân Sơn Nhất, anh bước tới ôm choàng lấy mình và gọi to “My wife” (Vợ tôi). Mình và người nhà vô cùng bất ngờ, bởi sao anh dám công khai giữa chốn đông người như thế mà không hề mắc cỡ, nhất là với cô gái như mình. Mình chỉ biết im lặng trong vòng tay anh và chực ứa nước mắt vì hạnh phúc, xúc động”, người phụ nữ 35 tuổi chia sẻ.

Những ngày sau đó, gặp ai, anh Freddie cũng giới thiệu Khánh Xuân là vợ. Anh luôn tỏ ra tự hào, vui sướng khi đi bên chị, nói với chị rằng “Anh thật may mắn khi có em, em là người phụ nữ đẹp nhất”, xóa đi sự tự ti, mặc cảm của cô người yêu bé nhỏ như học sinh tiểu học. Một tuần sau hôm gặp nhau lần đầu, anh chị làm lễ ăn hỏi.

Thời gian sau đó cũng là một dịp thử thách hai người khi chị Xuân đau yếu phải nhập viện gấp. Cô gái Việt Nam những tưởng việc này có thể khiến người đàn ông Mỹ nản lòng, nhưng ngược lại, anh càng yêu thương, chăm sóc chị nhiều hơn. Ngày ngày, anh cõng chị từ viện về nhà trọ gần đó vì không muốn chị nằm ở nơi đông đúc, dễ bị lây bệnh khác.

Đầu năm 2015, hai người làm đám cưới  và chị Xuân theo chồng sang Mỹ. “Mọi thứ đến như mơ. Thực sự trước đó mình chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày được sống cuộc sống gia đình thế này”, chị Xuân nói.

 KHANH VAN
Chị Khánh Xuân bất ngờ và hạnh phúc khi có bầu hai bé sinh đôi. 

Hạnh phúc trọn vẹn hơn nữa khi chị biết tin mình có bầu. “Mình quá nhỏ bé. Anh xã lại lớn tuổi nên cả hai vợ chồng không mấy hy vọng vào chuyện con cái, dù đều rất yêu trẻ con và mong có tiếng cười trẻ thơ trong nhà. Lúc phát hiện có bầu, mình vui mừng phát khóc, gọi điện báo ngay cho chồng. Anh ấy đang làm việc ở xa mà phi ngay về nhà với vợ”, chị Xuân nhớ lại.

Mấy tháng đầu thai kỳ, ốm nghén cộng với chưa quen thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, sức khỏe và tinh thần của chị sa sút. Thương vợ, anh xã luôn cố gắng về thật sớm dù công việc bận rộn cỡ nào. Anh quán xuyến mọi việc trong nhà, từ quét dọn nhà cửa, nấu ăn, giặt đồ đến rửa chén bát… Chị thèm ăn gì, anh cũng cố tìm mua về cho vợ, có khi phải đi cả chục cây số mới tìm được đồ ăn Việt. “Sáng nào đi làm anh ấy cũng nhắc mình uống sữa, bổ sung vitamin, buổi tối về thì massage chân, tay, lưng cho vợ vì thương mình bị viêm khớp nên mùa lạnh tái phát rất khó chịu”, người vợ trìu mến kể.

Chị Khánh Xuân chia sẻ, càng ở bên ông xã, chị càng yêu và trân trọng anh bởi tinh thần trách nhiệm, tính siêng năng, chân thành, đặc biệt là rất tình cảm, tốt bụng ở anh.

Khi biết mang thai đôi hai bé trai, vợ chồng chị vừa mừng vừa lo. Hiện ở tuần thứ 25 của thai kỳ, chị đã nhập viện để được chăm sóc và theo dõi. “Nếu không có gì thay đổi, vợ chồng mình sẽ được gặp hai bé vào tuần thứ 34, nhờ các bác sĩ mổ đẻ. Chỉ thương hai con ở trong bụng mẹ nhỏ bé nên chắc chật chội lắm”, người mẹ chia sẻ./-

(Theo VNE)

Đường Hẹp, Xe To & Đầu Nhỏ

  Đường Hẹp, Xe To & Đầu Nhỏ

 S.T.T.D Tưởng năng Tiến –

tuongnangtien's picture

tuongnangtien

Cũng như nhiều nơi khác ở Á Châu, vào mùa này, Cambodia … thường có những trận mưa xối xả. Tuy thế, mức độ cũng như tần suất lụt lội ở Phnom Penh chắc cũng chỉ có thể xếếp vào hàng thứ ba của Đông Nam Á mà thôi.

Hạng nhất và nhì vẫn phải nhường (đứt) cho Sài Gòn hay Hà Nội. Người dân Nam Vang chưa bao giờ được hưởng cái niềm vui hồn nhiên và chan hoà (bắt cá ngay trước cửa nhà) như ở “thủ đô mến yêu của ta.”

Bù lại sự “thua kém” này, Phnom Penh – theo nhận xét của nhiều người – là nơi có đông xe Lexus nhất trên thế giới.  Và toàn là xe thứ dữ – LX, RX, NX, GX … – ngó rất bề thế – chớ không phải compact (gọn gàng) như loại LS làng nhàng đâu.

Một góc Phnom Penh. Ảnh tư liệu: Hà Trung Liêm

Ngay trung tâm thủ đô của xứ Chùa Tháp (nơi mà đường xá tương đối rộng rãi) thì hình ảnh những chiếc Lexus láng bóng – trên những con phố bầy hầy – trông chỉ hơi chương chướng thôi, chứ không gây phiền hà cho ai cả. Nhưng ở ngoại ô, vào giờ cao điểm, chỉ cần hai cái Lexus (dềnh dàng) đi trái chiều nhau cũng đủ khiến cho vô số xe tuk tuk, gắn máy, ba gác, xe đạp, và khách bộ hành bị ùn tắc phía sau.

Phần lớn giới trí thức ở Cambodia đều đã bị đập đầu, và chết thảm, trong thời gian vài năm mà Khmer Đỏ nắm quyến. Đất nước này hồi sinh chưa được bao lâu. Thời gian chưa đủ để có thể tái tạo được một tầng lớp trung lưu nền nã.

Đa số người dân vẫn sống ở thôn quê, với lợi tức trung bình không hơn 100 Mỹ Kim hàng tháng. Lớp thị dân, phấn lớn thuộc thành phấn lao động, với thu nhập tuy khá hơn chút đỉnh nhưng phải chi phí đắt đỏ hơn nhiều.

Chủ nhân của những chiếc Lexux ở Phnom Penh thường  là giới quan chức, thương gia, đại gia … – thành phần có đặc quyền về kinh tế hay chính trị, hoặc cả hai. Họ có tiền, tất nhiên, nhưng thiếu văn hóa và thiếu sự đồng cảm với những người dân cùng khổ.

Cambodia – vì thế – là xứ sở của đường hẹp, xe to, và những  chủ nhân ông có cái đầu (cùng tấm lòng) rất nhỏ. Họ nghênh ngang lái những chiếc xe sang trên những con đường nắng bụi mịt mù, hay lếnh bếnh rác rưới (giữa mưa) trong một đất nước mà nhiều đứa bé vẫn còn thiếu ăn và thất học.

Cách thể hiện đẳng cấp (bằng xe) của giới quan chức hay đại gia ở Cambodia, tuy thế, chưa gây ra điều tiếng ì sèo gì – như ở Việt Nam. Tuần qua, báo Vnexpress đi tin:

Tổng bí thư yêu cầu kiểm tra việc Phó chủ tịch Hậu Giang sử dụng xe Lexus…

Ông Trần Công Chánh – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang – cho biết đã nhận được công văn chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc kiểm tra Phó chủ tịch tỉnh Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe tư nhân gắn biển xanh.

“Ủy ban kiểm tra Trung ương đang vào làm việc. Địa phương sẽ phối hợp tốt các đoàn công tác trung ương để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng bí thư. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí”, ông Chánh nói.

Về quá trình công tác của ông Thanh hơn một năm qua tại tỉnh Hậu Giang, ông Chánh cho biết: “Chưa phát hiện anh ấy có gì xấu. Hiện nay, anh em tập thể UBND tỉnh phối hợp điều hành tốt công việc, dù tình hình chung của tỉnh còn nhiều khó khăn”.

Theo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh được cử tri bầu với số phiếu cao (75,28%), là một trong những người đứng đầu danh sách 6 đại biểu trúng cử ở địa phương.

Thời gian qua, chiếc Lexus LX570 trị giá hơn 5 tỷ đồng, đeo biển số xanh 95A-0699, chở ông Thanh chạy trên đường phố miền Tây gây nhiều chú ý do giá trị ôtô vượt tiêu chuẩn Nhà nước bố trí cho cán bộ cấp tỉnh.

Ông Trịnh Xuân Thanh (trái). Ảnh: bizlive

Ông Thanh cho biết, ôtô này do ông mượn của người bạn, biển kiểm soát 29A-79093. Một năm trước khi được phân công về Hậu Giang làm Phó chủ tịch nhiệm kỳ 2011-2016, ông đã mang từ Hà Nội vào sử dụng.

Sau đó, ông Thanh nói chủ xe là Nguyễn Đặng Toàn, em bà con bên vợ. Khi biết anh rể vào miền Tây công tác, Toàn đã cho ông Thanh mượn xe để đi lại nhằm tiết kiệm cho ngân sách của Hậu Giang trong việc mua xe công phục vụ Phó chủ tịch tỉnh. Đồng thời, chủ nhân xe Lexus LX570 cũng vào Hậu Giang làm tài xế cho ông Thanh.

Lời “giải bầy” của ông Trịnh Xuân Thanh làm cho độc giả giả của Vnexpress được một phen vui cười thoả thích:

Duc Le – Câu chuyện hài hước nhất năm. Ông Toàn em họ bên vợ cho mượn xe để ông có phương tiện đi lại, vừa tiết kiệm được ngân sách của tỉnh. Thật là vĩ đại.

HT7 – Huyền thoại một đại gia mua xe 5 tỷ chỉ để cho anh rể mượn. Vẫn chưa yên tâm, anh còn từ bỏ sự nghiệp ở Hà Nội vào miền Tây làm lái xe đưa đón người thân. Thật là một nghĩa cử cao đẹp. Khóc mất.

Minh Nguyễn Đăng – Ban đầu nói xe mượn của bạn, giờ là của em họ bên vợ. Kể ra ông Toàn này có lòng tốt vô biên. Cho mượn xe vì sợ tốn kinh phí của tỉnh phải mua xe công để cấp cho ông Thanh sử dụng. Trong khi ông Toàn ở tận ngoài bắc.

Vtuyen – Có hơn 5 tỷ mua Lexus LX570 mà đi làm tài xế, cũng hơi khó tin

muaban76000 – Mà tài xế lương có 2 3 triệu / tháng mới đau đấy chứ…đây có thể chuyện lạ nhất 2016.haha…

Riêng giới blogger thì có vẻ xét nét hơn chút xíu .

Huỳnh Ngọc Chênh:

Việc lập 7 đoàn thanh tra cao cấp mới đây của TBT cũng chỉ là một kiểu trang điểm cho nhiệm kỳ mới của TBT. Số phận của 7 đoàn này cũng sẽ như số phận của 7 đoàn thanh tra mà ông Trọng thành lập trước kia: Ông chủ (là người dân) cũng sẽ không được biết đầy tớ của mình thanh cha thanh mẹ được cái gì!  

Phạm Hùng Vỹ: Muốn thăng quan thì phải trong hệ thống, phải thuộc qui hoạch tức phải có nhiều đạn, rồi phải được ban tổ chức trung ương chấp nhận… vậy, ông tổng bí thư yêu cầu làm rõ cái gì? Khi ban tổ chức, ban kiểm tra, ban tuyên giáo đều là cánh tay mặt của ông? Thôi đừng diễn nữa ông tổng.

Bùi Thanh Hiếu:

Và trong cuộc truy kích, thanh trừng toàn diện nhằm vào Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng không dại gì mà bỏ qua bất cứ kẻ nào liên quan đến Dũng. Ngay cả những kẻ vô tội như Đỗ Bá Tỵ, Nguyễn Thiện Nhân còn bị hất đi vào những chỗ ngồi không, thì một kẻ có tội như Trinh Xuân Thanh lẽ nào Nguyễn Phú Trọng bỏ qua…

Qua những sự việc lên quan đến các cá nhân trên, cho thấy sự thù hận của Nguyễn Phú Trọng với Nguyễn Tấn Dũng cực kỳ khủng khiếp. Sự thù hận này ám ảnh Nguyễn Phú Trọng đến mức suốt cả nhiệm kỳ trước lẫn nhiệm kỳ này, Trọng chỉ nhăm nhăn thực hiện những biện pháp để triệt hạ Dũng bằng được. Đến mức khi Dũng đã thất thế về hưu, im lặng và tỏ vẻ vô hại như Dũng đi chùa, đi bộ tới nơi bầu cử…Trọng vẫn quyết không tha.

Nguyễn Hồn Việt:

Vụ cá chết, biển chết ảnh hưởng tới cuộc mưu sinh của hàng chục triệu người dân ven biển thì chẳng thấy tổng Trọng lên tiếng lấy một câu… Ấy vậy mà vụ cái xe biển xanh bé tí thì ngài lại nhanh nhảu tới mức, hôm trước báo đăng thì hôm sau:“Ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư nêu “đây là việc cần làm ngay…”

Cứ theo như lời của những bloggers thượng dẫn thì thì ông Nguyễn Phú Trọng là một người giả dối, nhỏ nhen, hay là kẻ (vụ nhỏ bỏ lớn) thiếu suy xét!

Sao mà khó dữ vậy, mấy cha?

Ông Trọng chả qua – và chả may – có cái đầu hơi nhỏ nên không thể giải quyết chuyện lớn (và nhậy cảm vì có “liên quan đến yếu tố nước ngoài”) như chuyện “mưu sinh của hàng chục triệu người dân ven biển.” Còn trong khả năng của mình, ông đã chỉ đạo phải làm ngay “vụ cái xe biển xanh bé tí” đấy thôi.

Thế mới thấy là Việt Nam cũng giống y chang như nước bạn láng giềng, cũng là một quốc gia mà đường hẹp, xe to, với những chủ nhân ông có cái đầu (cùng tấm lòng) rất nhỏ.

Thủ tướng Campuchia đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, bị công an bắt

Thủ tướng Campuchia đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, bị công an bắt

Blogger Tô Hải bình luận trên Facebook: Chỉ một chuyện này đủ thấy: Cam hơn Việt ở đây chứ ở mô nữa. Thử hỏi ở VN, có chú bộ trưởng, thứ trưởng nào (chứ chưa nói đến “đại vương” hay các “tể tướng triều đình” có anh nào dám… đi xe máy và bị phạt mà không cách chức giám đốc công an vì tội “phạm thượng” không?

____

TTT/ Soha

Đức Huy

23-6-2016

Thủ tướng Campuchia Hun Sen lái xe máy không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Khmer Times

Tờ Khmer Times hôm nay (23/6) đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bị công an bắt và phải nộp phạt vì lỗi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Cụ thể, trong chuyến thăm tuần trước tới tỉnh Koh Kong, tây nam Campuchia, ông Hun Sen đã bị cảnh sát giao thông tỉnh này bắt dừng xe và nộp phạt, vì lỗi lái xe máy không đội mũ bảo hiểm.

Biên bản xử phạt được một viên cảnh sát có tên Sun Nem ghi lại, theo đó, vào ngày 18/6, “một người lái xe máy tên Hun Sen đã phạm vào luật 6, bộ luật giao thông đường bộ Campuchia, và phải nộp phạt 15.000 riel (khoảng 80.000 VNĐ)”.

Viên cảnh sát này cũng đề nghị Thủ tướng Campuchia mang biên bản tới Phnom Penh nộp phạt.

Ông Hun Sen sau đó đã công khai xin lỗi công chúng vì lỗi này. Trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Campuchia cho biết ông chấp nhận hình phạt, đồng thời khẳng định sẽ nộp phạt cho mình cũng như ông Sen Dy, người ngồi sau và cũng là chủ của chiếc xe máy hôm đó.

Thủ tướng Campuchia nói thêm, quyền miễn tố áp dụng đối với các nhà lập pháp Campuchia cũng không thể “cứu” ông khỏi việc bị xử phạt vi phạm luật giao thông.

H1Biên bản xử phạt lỗi vi phạm giao thông của Hun Sen. Ảnh: Khmer Times

_____

TinnhanhVN

Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói gì sau khi bị phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm?

24-6-2016

Hồi tuần trước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bị cảnh sát giao thông thổi phạt vì không đội mũ bảo hiểm khi đang “vi vu” trên chiếc xe máy ở phía Tây Nam tỉnh Koh Kong. Ông Hun Sen cũng đã thừa nhận bị phạt trên trang Facebook cá nhân.

Trên tờ giấy phạt đề ngày 18/6, cảnh sát giao thông Sun Nem ở huyện Sre Ambel, tỉnh Koh Kong cho biết một người lái xe gắn máy tên Hun Sen đã bị phạt 15.00 riel (tiền Campuchia) do vi phạm Điều 6 Luật giao thông nước này.

“Xin vui lòng đến nộp phạt tại Phnom Penh” – cảnh sát giao thông nói.

Thủ tướng Hun Sen viết trên trang Facebook của mình vào chiều 22/6 rằng rằng ông chấp nhận nộp phạt và sẽ trả luôn tiền phạt thay cho chủ chiếc xe máy. Thủ tướng Hun Sen cũng công khai xin lỗi người dân vì đã phạm luật.

“Tôi đã xin lỗi công khai nhưng cảnh sát giao thông vẫn phạt vì tôi làm sai” – ông cho biết. Ông Hun Sen nói thêm rằng bất kỳ nhà lập pháp nào hay thậm chí là Thủ tướng Campuchia vẫn bị phạt như thường nếu vi phạm luật giao thông.

“Tôi đánh giá cao công an huyện Srê Ampel tỉnh Koh Kong đã không phân biệt đối xử và không sợ người quyền lực dù có là Thủ tướng” – ông Hun Sen nói.

Hôm 18/6, Thủ tướng Hun Sen đến tỉnh Koh Kong và bất ngờ hỏi thăm một bác xe ôm ven đường. Sau đó, Thủ tướng Hun Sen cùng người chạy xe ôm nói trên đã cùng cưỡi xe máy khoảng 250m mà không đội mũ bảo hiểm.

Thế Dương (theo Free Malaysia Today)

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nhận giải thưởng nhân quyền Gwangju

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nhận giải thưởng nhân quyền Gwangju

Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ
2016-06-24

 

NguyenDanQue-1000.jpgBác sĩ NGuyễn dan Quế, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam

Photo courtesy of vietnamhumanrightsdefenders.net

Giải thưởng nhân quyền Gwangju năm nay được trao cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam do hoạt động kiên trì vì nền dân chủ tại Việt Nam suốt mấy chục năm qua.

Chính quyền Hà Nội lên tiếng yêu cầu phía Hàn Quốc rút lại giải thưởng; tuy nhiên ban tổ chức giải thưởng Gwangju vào ngày 18 tháng 5 vừa qua vẫn trao giải cho bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Ông cho Gia Minh của đài Á Châu Tự Do biết:

Ngày 18 tháng 5 giải thưởng đã được trao với sự vắng mặt của tôi, nghĩa là chiếc ghế để trống. Tôi có gửi sang một video phát biểu về hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam. Tôi cũng gửi cho họ một số hình ảnh về hoạt động đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam.

Gia Minh: Nhiều người cùng chí hướng với bác sĩ rất hoan nghênh điều đó và ông thấy giải thưởng có sức mạnh động viên như thế nào đối với những người tham gia đấu tranh tại Việt Nam?

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế: Tôi thấy nó có sức động viên mạnh. Trong cuộc tranh đấu cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam, nhiều người thấy rằng hiện nay lực lượng các người trẻ rất giỏi Internet, ứng phó như một lực lượng phản ứng nhanh đang tham gia rất đông mặc dầu sự đàn áp là ghê gớm.

Tinh thần 18 tháng 5 ở Gwangju thì quí vị đã biết: một tinh thần rất bốc lửa chiến đấu và mặc dù bị chính quyền Chun Doo-hwann đàn áp rất mạnh nhưng tình thần đó đã hướng dẫn cho nước Đại Hàn đi đến thịnh vượng như ngày hôm nay. Tôi thấy tinh thần đó đang khích lệ anh em trẻ rất nhiều tại Việt Nam. Đó là một dấu ấn.

Một điều nữa là trong tất cả các giải mà tôi được trước đây, chỉ có một giải này là là tôi nhận được khi tôi ở ngoài nhà tù, còn tất cả những giải khác đều trong nhà tù. Đặc biệt nữa giải này là lần đầu tiên do các anh em hoạt động ở trong nước đề cử, mà cụ thể cụ thể là Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đề cử; còn tất cả những giải khác đều do Tây Phương đề cử.

Giải thường này có tầm vóc Á châu, tầm vóc Đông Nam Á thôi; nhưng đó là giải mà tôi yêu thích vì những đặc điểm mà tôi vừa nói.

Còn đối với phong trào thì tôi thấy nó có sức động viên mạnh mẽ ở thời điểm sôi động này.

Vai trò của giới trẻ

Gia Minh: Như bác sĩ nói hiện nay có rất nhiều bạn trẻ có tinh thần dấn thân, họ có tiếp xúc với bác sĩ và khi tiếp xúc như thế ông truyền đạt những kinh nghiệm gì cho họ?

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế: Rất nhiều anh em đến thăm tôi không phải bây giờ mà từ trước, mặc dù khi tôi ra khỏi tù tôi bị quản thúc tại gia rất mạnh mẽ.

Tôi ủng hộ tất cả các phong trào của sinh viên, của giới trẻ, của các giáo sư đại học. Nói chung giới trẻ giỏi Internet phải là động lực, lực lượng phản ứng nhanh để đưa đến một thay đổi quyết định vào một thời điểm sắp tới.
– Bác sĩ Nguyễn Đan Quế

Tổng quát tôi có thể nói đối với những anh em trẻ viết blog thì tôi khuyến cáo nên tiến đến thành lập một mạng lưới của những người viết blog. Thế rồi Hội Phụ nữ Việt Nam đến thăm tôi, dân oan… đông lắm.

Thế thì khi một hướng đi ngày càng rõ nét mà tôi nghĩ nó đang rõ nét cho đường lối mới ra đời, thì tất cả mọi người dân, tất cả giới trẻ trong đó có các xã hội dân sự, trong đó có công đoàn độc lập.

Đường lối mới đó đánh thẳng vào khả năng tham mưu của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam sẽ đưa đến thay đổi dứt khoát tại Việt Nam.

Gia Minh: Cám ơn Bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

Những bạn trẻ tôi có khuyến cáo hai điểm: điểm thứ nhất là phải bỏ hẳn tinh thần ‘trọng nam, khinh nữ’. thứ hai tôi nói với các chị em rằng phụ nữ chiếm trên 50% dân số thế giới; đương nhiên các hoạt động của họ trong xã hội, trong kinh tế, trong chính quyền, trong xã hội dân sự… thì dần dần chúng ta phải tiến đến con số tương đương chứ không thể nào như hiện tại được.

Tôi nói phải tham gia vào cuộc đấu tranh dân chủ ngay từ thời điểm bắt đầu này; ít nữa khi một chính quyền mới ra đời thì vai trò của phụ nữ sẽ rất mạnh.

Đối với các anh em tù nhân lương tâm thì từ trong tù cho đến khi ra ngoài tôi cũng khuyến cáo các anh em tù nhân phải ngồi lại với nhau, họp lại mặc dù thuộc các tổ chức khác nhau. Khi anh em ra (tù) thì phải có một hội và ngày hôm nay đã có hội đó – Hội Cựu Tù nhân Lương tâm ra đời năm 2014.

Hiện bây giờ trong tình hình rất sôi động này, các anh em sinh viên họ đang phản ứng trong các đại học, không chịu các luật lệ của chính quyền, không chịu sự đàn áp của những cán bộ giáo dục. Hiện họ tiếp xúc với tôi và yêu cầu ủng hộ việc thành lập (dù hiện nay tên chưa có) tổng hội sinh viên hay hình thức liên đoàn sinh viên tại khắp các tỉnh trên toàn quốc, thì tôi đồng ý khuyến khích thành lập. Tôi ủng hộ ý kiến đó để cho anh em làm. Nói chung các anh em trẻ muốn có một nền giáo dục nhân bản hơn, đàng hoàng hơn chứ không thể nào như thế này được nữa.

Nay có một số giáo viên, một số giáo sư đại học đang tại chức có tiếp xúc với tôi cũng không chịu chuyện đó nữa.

Tôi ủng hộ tất cả các phong trào của sinh viên, của giới trẻ, của các giáo sư đại học. Nói chung giới trẻ giỏi Internet phải là động lực, lực lượng phản ứng nhanh để đưa đến một thay đổi quyết định vào một thời điểm sắp tới.

Gia Minh: Có ý kiến nói hiện có nhiều xã hội dân sự hình thành nhưng không thống nhất, không đoàn kết được với nhau; ông là người hoạt động lâu năm và tiếp xúc nhiều thì thấy nhận định đó thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế: Vấn đề như thế này: đây là cuộc chiến đấu xuất phát do phản ứng của người dân.

Tôi  nói rõ thế này: sau năm 1975 nhân dân hai miền Nam Bắc hòa làm một hình thành một cuộc chiến đấu mới chứ không phải cuộc chiến đấu cũ quốc- cộng nữa đâu; đánh thẳng vào bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam, đánh thẳng vào khả năng tham mưu từ sức mạnh quần chúng từ dưới lên… đối với đảng cộng sản Việt Nam về đường lối, về những sai lầm kinh tế xuất phát từ chủ nghĩa Mác- Lê nin.

Đây là một cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện, cài răng lược, không còn chiến tuyến cũ nữa và bất bạo động. Thế thì một thời gian dài, rất dài mấy chục năm rất gian khổ, bị đàn áp. Nay các xã hội dân sự ra đời được rồi, cứ để ra đời đi, cùng một mục đích, cùng một mục tiêu tranh đấu cho quyền lợi tập thể của mình, rồi tình hình sẽ còn biến nữa.

Vị bác sĩ Nhật bỏ việc lương cao, đi khắp Việt Nam chữa mắt miễn phí cho người nghèo

Vị bác sĩ Nhật bỏ việc lương cao, đi khắp Việt Nam chữa mắt miễn phí cho người nghèo

“Chính bố tôi đã truyền cảm hứng để tôi sống nhiều hơn cho các mục đích thiện nguyện. Trước khi ông chết, ông bảo tôi hãy luôn sống vì mọi người…”

BAC SI CHUA BINH NGUOI NGHEO

Năm nay đã 52 tuổi, nhưng bác sỹ Hattori vẫn miệt mài cho những mục đích thiện nguyện của mình tại Việt Nam.

8h sáng một buổi sáng mùa hè nắng gắt tháng 6 tại Hà Nội, một chuyến xe hàng nhét chật những thuốc men và thiết bị y tế đậu lại trước văn phòng của một tổ chức thiện nguyện ở Hà Nội. Rồi từ đây, các thiết bị y tế và thuốc men sẽ đi cùng bác sỹ Tadashi Hattori đến nhiều miền quê rất nghèo của Việt Nam.

Hôm nay đoàn đi đến huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, một vùng quê nghèo nơi phần lớn người dân sống bằng nghề nông. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 500 USD/người/năm, chỉ bằng 1/4 so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Tại đây, có rất nhiều người dân không có điều kiện chữa mắt và phải chấp nhận bị mù lòa.

Bệnh viện Đa khoa Đông Triều hiện nay chỉ có 5 bác sỹ nhãn khoa và trang thiết bị y tế còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, vậy cũng đã là tốt hơn rất nhiều so với các vùng nông thôn khác chẳng có bác sỹ hay phòng khám nào.

Hơn 10 năm qua, bác sỹ người Nhật Tadashi Hattori đã trở thành một cái tên rất quen thuộc với bệnh nhân nơi đây bởi ông đã về khu vực này phẫu thuật mắt miễn phí nhiều lần. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, bác sỹ đã phẫu thuật cho 123 người trong huyện.

Nắng nóng hay thời tiết giá lạnh, bất kỳ biến động thiên nhiên bất thường nào cũng không thể ngăn được nỗ lực của bác sỹ Tadashi Hattori người Nhật trong việc đi lại và phẫu thuật cho các bệnh nhân có vấn đề về mắt tại Việt Nam.

BS TADASHI HATTORI

 

 

 

 

 

 

 

 

Bác sĩ Tadashi Hattori khám chỉ định trước khi phẫu thuật. (Ảnh: Internet)

Suốt mười mấy năm qua, tổng số bệnh nhân nghèo Việt Nam được ông phẫu thuật miễn phí đã lên hơn 15 nghìn. Giá trị các thiết bị y tế dùng cho phẫu thuật rất cao. Giá trị của thủy tinh thể và các vật tư trị liệu đi kèm của mỗi lần chữa bệnh cũng lên đến cả trăm triệu đồng, tất cả đều có được nhờ nguồn đóng góp thiện nguyện của người Nhật dưới sự kêu gọi của bác sỹ Tadashi Hattori và những người bạn của ông.

12 năm trước đây, bác sỹ nhãn khoa Tadashi Hattori đã từ bỏ công việc có mức lương đáng mơ ước tại Nhật để sang Việt Nam giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo.

Khi được hỏi tại sao ông lại làm như vậy, ông trả lời: “Chính bố tôi đã truyền cảm hứng để tôi sống nhiều hơn cho các mục đích thiện nguyện. Trước khi ông chết, ông bảo tôi hãy luôn sống vì mọi người.

Sau này, một người thầy đã dậy tôi rằng: “Hãy luôn đối xử với bệnh nhân như cha mẹ của mình”.”

Chính bố của bác sỹ Hattori đã chết vì sự tắc trách của bác sỹ điều trị bệnh, vì vậy ông đã quyết định học ngành y để cứu người.

Từ năm 2002, bác sỹ Hattori đã phẫu thuật miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân, đồng thời ông cũng đào tạo tay nghề cho nhiều bác sỹ khác. Bác sỹ Hattori tốt nghiệp ngành Y khoa tại đại học Kyoto, một trong 8 trường đại học uy tín nhất tại Nhật. Sau đó ông làm việc tại nhiều bệnh viện ở Nhật. Gần nhất ông công tác tại viện Hamamatsu, tỉnh Shizuoka.

Cuộc đời ông bắt đầu thay đổi khi trong một buổi hội thảo khoa học vào năm 2001, ông gặp một bác sỹ người Việt Nam. Người này đã hối thúc ông sang thăm Việt Nam. Ông kể lại: “Người bác sỹ ấy nói với tôi rằng ở Việt Nam có rất nhiều người quá nghèo nên không có tiền chữa bệnh, chính vì vậy họ phải chịu cảnh mù lòa, có khi mới chỉ ở độ tuổi trung niên.”

Sau khi nghe câu chuyện đó, ông đã về nhà suy nghĩ đến nửa năm, cuối cùng ông quyết định sang Việt Nam đi mổ mắt miễn phí. Khi trình bày ý định này với giám đốc bệnh viện, ông bị yêu cầu phải xin nghỉ việc nếu muốn sang Việt Nam dài hạn. Bác sỹ Hattori đã chấp nhận nghỉ việc để sang Việt Nam để đi theo tiếng gọi của lương tâm, đạo đức.

Chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam của ông kéo dài 1 tháng, ông ghi chép lại tất cả những gì liên quan đến thực trạng bệnh nhân mắt có hoàn cảnh quá nghèo không có tiền chữa trị tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Sau đó, ông quay lại Nhật và kêu gọi các công ty y tế tài trợ, nhưng khi mà ông không làm tại một bệnh viện nào nữa, chẳng ai tài trợ cho ông xu nào. Ông nộp đơn xin hỗ trợ lên chính phủ Nhật nhưng cũng bị từ chối, đại diện của văn phòng chính phủ cho biết họ chỉ giúp đỡ các tổ chức NGO.

Cuối cùng, ông quyết định dùng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để mua thiết bị mang sang Việt Nam mổ miễn phí. Ở Nhật, nghề bác sỹ là nghề hái ra tiền, chỉ cần chăm chỉ làm ăn dù không quá danh tiếng cũng đã đủ có cuộc sống sung túc giàu có. Tuy nhiên, vợ ông lại không có cái “may mắn” đó vì những mục tiêu thiện nguyện của chồng.

Khi ông hỏi về việc muốn dùng tiền tiết kiệm dưỡng già của hai vợ chồng để mua thiết bị phẫu thuật cho người nghèo Việt Nam, vợ ông đã tức giận đến nỗi không nói nên lời. Hai vợ chồng ông không nói chuyện với nhau 3 ngày. Cuối cùng, bà ấy đã đồng ý. Bà thậm chí còn ủng hộ ông trong những chương trình thiện nguyện ở Việt Nam sau này.

Nguồn cafebiz

BỐ DƯỢNG

BỐ DƯỢNG

From: Lien Tam Tonnu

Ông bố dượng 50 tuổi và câu chuyện thấm thía về hai chữ “người nhà”.

Sau khi bố tôi mất được ba năm, ông ấy đã đến nhà tôi
So với người cha của tôi, ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có ưu điểm gì đáng để nói đến. Nhưng mà, người mẹ ngoài 50 tuổi cần có một người bầu bạn, mà yêu cầu của người già đã ngoài 50 tuổi đối với một nửa kia rất nhiều khi chỉ cần phẩm cách tốt là được rồi.
Về mặt này ông ấy có đủ điều kiện, bởi ông là người tốt nổi tiếng gần xa, là người thật thà chất phác. Cái hôm gặp gỡ lần đầu tiên với mẹ tôi, ông rất bối rối. Bởi vì ông biết rất rõ rằng mọi phương diện của mình đều không có ưu thế: nhà thì chật hẹp, tiền lương thì ít, chẳng qua chỉ là một công nhân phổ thông nghỉ hưu, hơn nữa nhà của cậu con trai vừa mới kết hôn cũng cần đến sự giúp đỡ của ông.
Nói thật lòng, mẹ tôi cũng chỉ là vì nể mặt người mai mối nên mới quyết định đến gặp ông ấy. Và cuối cùng mẹ đã sinh ra thiện cảm đối với ông bởi tài nghệ nấu nướng của ông.
Sau khi gặp mặt, ông ấy nói: “Bà Lý này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt, không thiếu gì cả, thật tôi không có gì đáng để gửi tặng bà. Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng hãy thử quen nhau xem sao, chiều nay bà hãy ở lại nhà tôi dùng bữa cơm đạm bạc nhé!”.
Tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi không nỡ từ chối, và bà đã ở lại. Ông không để bà động đến một tay, đã làm một bát canh với bốn loại rau, đặc biệt là món bí ngô nấu thịt, mẹ tôi đã ăn ngon đến không nỡ đặt đũa xuống.
Trước khi đi, ông đã nói với mẹ tôi rằng: “Sau này nếu như muốn ăn nữa, thì hãy đến đây. Nhà tôi tuy không khá giả lắm, nhưng chiêu đãi món bí ngô thì không tốn công phí sức chút nào”.
Về sau, mẹ tôi lần lượt gặp mấy người lão niên khác nữa, nhưng mà, tuy điều kiện của mỗi người đều tốt hơn ông ấy, nhưng cuối cùng mẹ tôi vẫn chọn ông.
Lí do thật ra cũng được xem là ích kỷ, bà ấy đã phục vụ và chăm sóc ba tôi hơn nửa đời người rồi, lần này bà muốn một lần làm đối tượng được người ta chăm sóc lại.
Cứ như vậy, ông ấy và mẹ tôi đã đến với nhau…

Người ngoài hay là người nhà?
Hôm đó, ông ấy, mẹ tôi, thêm tôi nữa, còn có gia đình ba người của con trai ông cùng dùng một bữa cơm với nhau.
Tôi đặc biệt sắp xếp bữa cơm này trong một khách sạn năm sao sang trọng, trên bề mặt thì thấy là vì để bày tỏ sự coi trọng đối với ông, thật ra là muốn thông qua đó mà thể hiện đẳng cấp của mình.
Khi rời khỏi khách sạn, ông nhẹ nhàng nói với tôi: “Từ nay chúng ta đã là người nhà với nhau rồi, là hai bố con đấy! Sau này nếu con muốn mời bố ăn cơm thì chỉ việc đi đến những quán ăn bên đường là được rồi, ở đó bố sẽ ăn được thoải mái hơn, lòng không bị đau và cũng không thấy tiếc tiền”.
Chính biểu lộ tình cảm chân thành của ông đã làm tổn thương cái tâm hư vinh giả dối của tôi, khiến tôi cảm thấy đấu trí với một người thật thà, giống như một người lớn lấy kẹo để dụ dỗ một đứa con nít vậy, thật là vô sỉ chẳng còn gì để nói nữa.
Ông ấy đã chăm lo cho mẹ tôi rất tốt, bà ấy mỗi lần gặp tôi đều bảo cần phải giảm cân, đó là một giọng điệu hạnh phúc.
Ông ấy nấu ăn thật sự rất ngon. Một lần nọ, khi cùng ăn cơm với mọi người, tôi không nhịn được nói với vợ rằng: “Lần sau khi chú Đường làm cơm, em hãy ở bên cạnh mà học hỏi một chút”.Trong sắc mặt của vợ vốn không hề có phần muốn học, trái lại còn có mấy phần tức giận.
Ông vội vàng đứng ra giải vây, ông nói: “Một đời này của bố đều không làm được gì tốt cả, chỉ có chút tài nghệ làm được mấy món ăn, các con đều là những người làm chuyện đại sự, tuyệt đối đừng có học theo ta, nếu như muốn ăn, thì hãy đến đây, đến bất cứ lúc nào cũng được. Làm cơm này, sợ nhất là cơm mình làm không có người ăn”.
Hôm đó khi chúng tôi đi về, ông ấy đã gói rất nhiều đồ do chính tay ông làm bảo chúng tôi mang về, vừa cầm lấy tay tôi vừa nói: “Đừng có khen cơm của bố nấu ngon nữa, nói thật lòng, hễ có người nói đến ưu điểm này thì bố thấy ngại lắm. Một người đàn ông chỉ biết nấu ăn, còn những phương diện khác thì lại không làm được trò trống gì cả, đây đâu thể nói là ưu điểm được”.
Trên đường về nhà, tôi đã kể lại cho vợ nghe những lời này của ông. Cô ấy nói: “Người như ông ta, trời sinh là số phải phục vụ người ta, trời sinh chính là bằng lòng cúi đầu đến sát mặt đất. Mẹ chúng ta có phúc khí, già rồi còn làm một hoàng thái hậu”.
Tôi vừa lái xe, vừa dùng mắt liếc nhìn vợ, cảm nhận sự khinh thường của vợ đối với ông ấy, trong lòng lại không biện giải gì cho ông. Rốt cuộc, ông trước sau vẫn là một người ngoài mà.

Xấu hổ
Hôm tôi dọn sang nhà mới, ông ấy và mẹ tôi đã đến nung đáy nồi (một tập tục khi dọn nhà) cho chúng tôi. Ông đã làm theo tập tục nung đáy nồi một cách cẩn thận kỹ càng đâu vào đấy. Nhưng mà, đợi đến lúc ăn cơm, ông lại không xuất hiện trên ghế dành cho bề trên, tìm khắp nơi đều không thấy ông ấy, gọi điện thoại cho ông, cũng là ở trong tình trạng khóa máy.
Dường như đã tính toán kỹ thời gian, khi khách khứa đi hết cả, ông đã quay trở lại, cẩn thận dọn dẹp đống bát đĩa bừa bộn đó, đem những đồ ăn còn thừa lại đựng trong hộp cơm mà ông đã chuẩn bị sẵn, để đem về nhà ăn.
Mẹ không mong ông làm như vậy, cảm thấy tủi thân cho ông, ông nhỏ tiếng nói thầm với bà rằng: “Buổi tối anh sẽ nấu cơm mới cho em, những cái này anh sẽ tự ăn hết”.
Mẹ nói: “Làm gì mà ngày nào cũng phải ăn cơm thừa rau thừa như vậy chứ? Anh có biết rằng em thấy anh làm như vậy, trong lòng rất khó chịu hay không?”.
Ông ấy đã an ủi mẹ tôi rằng: “Em tuyệt đối đừng có thấy khó chịu, để anh nhìn thấy lãng phí như vậy, trong lòng anh mới không dễ chịu. Tiền của Thụ Tán (tên của tôi) đều rất vất vả mà đánh đổi lấy, chúng ta không giúp con nó được gì cả, vậy thì hãy gắng sức tiết kiệm thay cho nó”.
Lời của ông khiến cho mẹ tôi day dứt, sau đó bà ấy quyết định nói với tôi. Nghe thấy mẹ nói thay cho ông ấy trong điện thoại, lúc đó cảm giác trong lòng tôi rất phức tạp, đồng thời cũng vì phần phức tạp này của mình mà cảm thấy rất xấu hổ.
Dần dần, thiện cảm đối với ông ấy mỗi lúc một nhiều hơn
Có những lúc, thậm chí có phần ỷ lại, ông ấy vẫn luôn âm thầm làm rất nhiều chuyện cho chúng tôi, thay ống nước bị hư trong nhà, mỗi ngày đưa cháu đến nhà trẻ và rước cháu về nhà, khi mẹ nằm viện ông ấy đã không ngủ không nghỉ mà chăm sóc bà, mãi đến sau khi xuất viện mới nói với chúng tôi.
Chỉ là không ngờ rằng có một ngày, ông cũng ngã bệnh, hơn nữa bệnh còn nghiêm trọng đến thế. Trên đường ông ấy đưa con của tôi đến nhà trẻ đã đột nhiên ngã xuống – bệnh tai biến mạch máu não, bán thân bất toại mà nằm trên giường.
Tôi, còn có con trai của ông ấy, ban đầu đều rất tích cực đối với việc trị liệu của ông, chúng tôi mong ông mau chóng khỏe lại, vẫn có thể chịu mệt nhọc vất vả mà phục vụ cho chúng tôi giống như trước đây.
Nhưng mà, ông đã không bao giờ đứng dậy được nữa. Trước đây ông chỉ biết mỉm cười, không ngờ giờ đây đã biến thành yếu ớt như vậy, lúc nào cũng chảy nước mắt.
Mẹ chăm sóc cho ông, ông khóc; chúng tôi đẩy xe lăn dẫn ông đi chơi vùng ngoại ô, ông khóc; nhiều lần nằm viện, nhìn thấy tiền bị tiêu đi như nước, ông khóc.
Cuối cùng có một ngày, ông đã dùng con dao cạo râu ra sức cắt cổ tay của mình. Cấp cứu trong suốt 5 giờ đồng hồ, ông mới giằng co từ trong cõi chết trở về, rất mệt mỏi, cũng rất tuyệt vọng.
Điều thật sự không ngờ rằng, người đầu tiên bỏ ông ấy đi lại chính là con trai của ông.
Con trai của ông rất ít khi đến thăm ông, sau này còn không chịu ló mặt ra một lần. Mỗi lần gọi điện thoại anh ta đều nói rằng mình đã đi công tác, trở về sẽ ghé thăm ông.

Điều khiến tôi không ngờ hơn nữa, mẹ tôi vào lúc này cũng đề xuất với tôi rằng bà muốn chia tay với ông. Hai người vốn dĩ cũng chưa có đăng ký, chỉ là chuyện vỗ mạnh một cái mỗi người mỗi ngả.
Mẹ nói với tôi rằng: “Mẹ đã già rồi, không lo nổi cho ông ấy nữa. Mẹ không giúp được gì cho con cả, nhưng cũng không thể lượm một người cha tàn phế về, làm liên lụy con được”.
Đây chính là hiện thực tàn nhẫn
Tôi không muốn để mẹ tôi làm người ác, thế là tôi đành phải nhẫn tâm đóng vai kẻ ác, quyết định tự mình đến nói ra chuyện chia tay này.
Tôi nói với ông, người vốn đang nằm trong bệnh viện rằng: “Chú Đường, mẹ con bệnh rồi”.
Nước mắt của ông lại tuôn trào ra như mưa, tôi gắng sức nói ra những lời tàn nhẫn: “Chú biết đấy, mẹ con cũng đã có tuổi rồi. Những ngày này, bà ấy đối với chú như thế nào, chú cũng đã thấy rồi”.
Chú tiếp tục chảy nước mắt gật đầu. Tôi lại nói tiếp: “Chú Đường, chúng con còn phải đi làm nữa, mẹ con sức khỏe lại không được tốt. Chú xem như vậy có được không, sau khi xuất viện, chú hãy về nhà của chú, con sẽ thuê một bảo mẫu cho chú. Đương nhiên, tiền sẽ do con trả, con cũng sẽ thường xuyên đến thăm chú”.
Khi nói đến đây, chú không khóc nữa. Chú gật đầu liên hồi, nói một cách cảm kích: “Nếu được như vậy thì tốt quá, nếu được như vậy thật đúng là tốt quá. Không cần mời bảo mẫu, thật sự không cần…”.
Tôi bước ra đến khuôn viên của bệnh viện lại chảy nước mắt, không rõ đó là cảm giác nhẹ nhõm sau khi được giải thoát, hay là trong lòng có nỗi day dứt không nói thành lời.
Tôi đã mời một bảo mẫu cho ông ấy, trả trước chi phí trong một năm. Sau đó, tôi lại đến nhà ông ấy, thuê công nhân tu sửa lại nhà của ông một chút, tôi đã cố gắng làm đến trọn nhân trọn nghĩa. Không phải vì ông, chỉ vì an ủi nỗi bất an trong lòng. Cái ngày ông ấy xuất viện trở về nhà, tôi không có đi, mà là bảo tài xế trong đơn vị đến đón ông.
Sau khi tài xế trở về đã nói với tôi rằng: “Chú Đường nhờ tôi nói tiếng cảm ơn với anh, còn bảo rằng ngay cả con trai ruột của chú, cũng không làm được như vậy”.
Những lời này, đã an ủi tôi ít nhiều, khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào, nhưng loại an ủi này vốn không có duy trì được bao lâu.

Ngày xuân lạnh buốt
Ngày tết không có ông ấy ở nhà, chúng tôi thấy có chút buồn tẻ, không còn có một người bằng lòng vùi đầu vào trong nhà bếp, làm đủ các loại món ăn cho chúng tôi.
Chúng tôi ngồi ăn cơm tất niên trong khách sạn năm sao, nhưng lại không cảm nhận được cái hương vị nồng ấm của ngày tết nữa. Con trai trên đường về nhà nói: “Con muốn ăn món cá chép do ông nội làm”.
Vợ tôi nháy mắt ra hiệu cho con trai đừng có nói nữa, nhưng mà, con trai trái lại quậy càng dữ dội hơn: “Tại sao mọi người lại không để cho ông nội về nhà đón tết, mọi người thật đúng là xấu xa mà!”.
Vợ tôi tức giận giáng cho con trai một cái bạt tai thật mạnh. Nhưng cái bạt tai đó giống như là đang đánh vào mặt tôi vậy, khắp mặt sưng lên đau đớn. Một câu nói của con trai, khiến cho điều chúng tôi tự thấy an ủi đều đã sụp đổ tan tành.
Tôi từ trong kính chiếu hậu, nhìn thấy đôi mắt của mẹ cũng đang đỏ hoe. Không nghĩ cũng hiểu, đó là ngày 30 tết buồn tẻ biết mấy. Tôi thấy rất nhớ năm ngoái, cái năm mà ông ấy vẫn còn ở nhà chúng tôi, một gia đình ấm cúng hạnh phúc, luôn được xây dựng trong sự phó xuất lặng lẽ của một người.
Không biết giờ này, chú Đường đang đón tết với ai? Liệu có nhớ đến chúng tôi chăng? Liệu có vì sự vô tâm của chúng tôi mà trong lòng cảm thấy tủi thân?

Về nhà
Sau khi tiếng trống đầu xuân vang lên, tôi lái xe đi đến chỗ của chú Đường. Ông ấy bước những bước chân tập tễnh ra mở cửa cho tôi, nhìn thấy tôi, miệng đang nở nụ cười, trong mắt lại đẫm lệ.
Đi vào ngôi nhà lạnh lẽo của ông, nước mắt của tôi cũng không thể ngăn lại được nữa. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho con trai của ông ấy, sau khi mắng chửi cho anh ta một trận, bắt đầu gói sủi cảo cho ông.
Bảo mẫu đã về nhà đón tết rồi, trên đầu giường đã chuẩn bị sẵn điểm tâm đủ cho ông ấy dùng đến ngày 15, trong lòng tôi cũng thầm trách mẹ.
Những chiếc sủi cảo nóng hổi cuối cùng đã khiến trong nhà ông ấy có được một chút không khí ấm cúng của ngày tết. Chúng tôi cứ ăn một miếng sủi cảo, nước mắt của cả lại lã chã tuôn rơi.
Buổi sáng tinh mơ của ngày mùng một, tôi lảo đảo rời khỏi căn nhà của ông, tôi đã uống rượu, đậu xe ngay dưới lầu của nhà ông ấy, một mình đi trên con đường lạnh tanh, trong lòng đầy rẫy thê lương.
Điện thoại reo lên, là vợ gọi đến: “Anh ở đâu vậy hả?”.
Tôi phát hỏa lần nữa: “Tôi đang ở trong nhà của một ông lão cô độc, nghe rõ chưa hả? Chúng ta là loại người gì vậy hả? Khi ông ấy có thể đi lại được, chúng ta lợi dụng người ta; bây giờ ông không cử động được nữa, chúng ta lại gửi trả về. Lương tâm của chúng ta phải chăng đã bị chó ăn mất rồi, vậy mà còn đòi học theo người ta nói nhân nghĩa đạo đức, tôi khinh!”.
Ở trên đường cái, tôi mắng chửi bản thân mình thật tệ hại, mắng đủ rồi, mắng mệt rồi, tôi không chút do dự mà chạy trở lại, cõng ông ấy trên lưng rồi đi ra bên ngoài. Ông giãy giụa, hỏi tôi: “Con làm vậy là sao?”.
Tôi lấy giọng điệu chắc nịch mà nói với ông rằng: “Về nhà”.
Ông nội mà, chính là để chúng ta yêu thương
Ông ấy đã trở về. Người cảm thấy vui nhất là con trai tôi. Nó vừa ôm vừa hôn ông, luôn miệng đòi ăn món cá chép, đòi ăn món bánh quai chèo, muốn làm thẻ siêu nhân.
Vợ lôi tôi vào trong phòng, hỏi tôi: “Anh điên rồi sao? Ngay đến cả con trai ông ta còn không lo cho ông ta, anh dẫn ông ta về nhà làm gì vậy?”.
Tôi không còn nổi nóng nữa, ôn hòa nhã nhặn nói với cô ấy: “Con trai ông ấy làm chuyện không đúng, đó là chuyện của anh ta, không nên lấy đó làm cái cớ để chúng ta bỏ rơi ông ấy.
Anh không yêu cầu em phải xem ông ấy như bố chồng của mình, nhưng mà, nếu như em yêu anh, nếu như em biết nghĩ cho anh, thì hãy xem ông ấy như người nhà, bởi trong lòng của anh, ông ấy chính là người nhà, chính là người thân, bỏ rơi ông ấy thì rất dễ dàng, nhưng không giấu được nỗi day dứt trong tâm. Anh muốn tâm mình được thanh thản một chút, chỉ đơn giản vậy thôi”.
Cùng một lời này, khi nói với mẹ, bà nước mắt như mưa, nắm chặt lấy tay tôi nói rằng: “Con trai à, mẹ thật không ngờ con lại có tình có nghĩa như vậy”.
Tôi nói: “Mẹ, mẹ yên tâm đi. Nói hơi khó nghe một chút, cho dù sau này có một ngày, mẹ mà đi trước chú ấy, con cũng sẽ phụng dưỡng chú ấy đến cuối đời, với thu nhập của con hiện giờ, nuôi chú ấy nào là chuyện khó gì? Thêm một người thân, thì có gì không tốt chứ?”.

Một lúc sau, con trai tôi đi vào xin tôi: “Bố ơi, đừng có gửi ông nội về nữa. Sau này, con sẽ chăm sóc ông ấy. Sau này bố già rồi, con cũng chăm sóc bố mà!”.
Tôi ôm con trai vào trong lòng, trống ngực đập thình thịch, thật may là vẫn chưa quá muộn, còn may chưa để lại một ấn tượng bất hiếu trong lòng của con.
“Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!”. Tôi mở miệng nói đùa với con trai, để củng cố niềm tin vững chắc cho nó…
Đọc xong, bạn có lĩnh ngộ được đạo lý giản dị trong đó hay không?
Thật ra cha mẹ vốn đòi hỏi không nhiều, chỉ là một lời chào hỏi: “Cha, mẹ hôm nay có khỏe không?”, chỉ cần mua một ít thức ăn khuya, nấu một bữa tối đơn giản, trước khi ngủ đắp chăn cho họ, trời lạnh thêm áo ấm, đeo găng tay giúp họ, chỉ những cử chỉ rất nhỏ thôi cũng sẽ khiến họ thấy ấm áp vui vẻ rất lâu.
Có những lúc, tôi thường hay nghĩ: “Tôi mong con cái của tôi sau này sẽ đối xử với tôi thế nào đây?”. Tôi tin rằng, đời người là một vòng tuần hoàn; bây giờ bạn đối đãi với cha mẹ như thế nào, sau này con cái của bạn cũng sẽ đối xử với bạn như vậy.
Bạn thân mến, trên đời này ân tình khó trả nhất chính là ân tình của cha mẹ, mong chúng ta đều có thể lấy tâm hiếu thuận mà chăm sóc cho cha mẹ, lấy tâm cảm ân mà hiếu thuận với cha mẹ!
Sinh mệnh không đòi hỏi chúng ta phải trở thành người tốt nhất, mà chỉ đòi hỏi chúng ta cố gắng hết sức mà thôi!
Cây muôn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn tận hiếu nhưng song thân không còn nữa. Chuyện khó chờ đợi nhất trên đời này, chính là hiếu kính cha mẹ, đừng đợi đến khi mất đi rồi mới hối tiếc rằng bản thân ngày trước không biết trân quý…

Lien Tam Tonnu ( st )

“Xuân vương trên ngàn hoa,”

 Xuân vương trên ngàn hoa,”

nhắc bao sầu nhớ mơ màng
mây buông trong chiều vắng

như luyến tiếc giấc mơ đã tàn
nhớ dưới xuân năm nào

lòng say ước mơ sống trong mộng vàng.”

(Hoàng Bách – Nhớ Bạn)

(1Cor 1: 10-13)

 Trần Ngọc Mười Hai

Có lúc buồn, bọn tôi thường nhớ nhiều đến nhạc bản “Nhớ Bạn” do ca sĩ có giọng trầm buồn rất dễ thương là: Sĩ Phú. Nghe Sĩ Phú hát, bọn tôi thường mường-tượng về buổi thính-phòng nào đó, trong quá khứ. Có thể là phòng-trà “Đêm Mầu Hồng” hoặc quán “Ritz” ở Sàigòn thập-niên 1960s lúc thị thành còn sôi-động.

Giọng trầm và ấm của Sĩ Phú vẫn đưa lòng người về với nhớ nhung. Nhớ rất nhiều, là đám bầu bạn thân-thương thuở cắp sách đến trường. Nhớ, bạn cùng trang-lứa có những ngày trốn học rủ nhau đi Xinê, nghe nhạc hoặc tìm nơi chuyện trò cũng dễ thương. Nói chung, bọn tôi “Nhớ Bạn” cũng rất “khủng” tưởng chừng như sẽ không còn gặp lại nhau, bao giờ nữa.

Quả, như lời bài hát vẫn đưa bọn tôi vào chốn thân quen bàng bạc một tình-tự, như sau:

“Chiều nay niềm ái ân xưa

tìm đến bên ai

kể nỗi nhớ thương

lời thề cùng cánh hoa rơi

tàn úa bên song dưới ánh tà dương.

Xuân nay bao sầu nhớ xuân xưa,
Tiếc mối tình phai hương đan lòng hầu dứt,
muôn đường tơ vương,
sầu vương áng mây bao nhuốm màu tang.

Bóng dáng xa khuất ngàn

trùng dương nhớ nhung càng suy lòng vấn vương
cung đàn lỡ bao nhịp

luyến thương đường đời vạn nẻo
nhuốm mối đau thương
nhớ phút giây êm đềm say đắm
tiếc bao giờ mơ màng dưới trăng
xa kìa bướm ong đùa cùng với muôn hoa
lòng mơ ước thầm ai say hòa nhân duyên.”

(Hoàng Bách – bđd)

Nỗi nhớ niềm thương ở đời, là như thế. Niềm thương/nỗi nhớ đầy ân-huệ ở nhà Đạo, lại khác thế cũng rất nhiều. Khác, như vừa rồi ở trời Tây bên ấy, đã có đấng bậc nọ từng dẫn-giải tình-tự đầy tiếc nuối, như sau:

“Hôm ấy, nhân kỷ-niệm 500 năm cải-cách của giới Thệ-Phản, lm Raneiro Cantalamessa có nói rằng: lãnh-đạo Kitô-giáo phải tập-trung nhiều hơn vào niềm tin mình đang san-sẻ hơn là cãi-tranh nhau về công-thức đạo-lý/tín-điều. Linh mục này có nói:

Cùng lúc có các cuộc bàn-luận về tín-lý, ta phải có cuộc đại-kết giáp-mặt riêng tư thân-thiện và hòa-hợp tâm-can, thì tốt hơn. Bởi, có như thế ta mới lôi kéo cộng-đồng Đạo Chúa xích lại gần nhau hơn như đã xảy ra trong vài thập-niên vừa qua. Lâu nay, giữa người Công-giáo và Thệ-Phản vẫn có xung-đột dựa trên nền-tảng không hiểu rõ ràng thông-điệp của thánh Phaolô về những sự việc như thể để biện minh cho mình luôn là đúng.

 Khi xưa, thánh Phaolô tông-đồ, qua thư Rôma ở chương 3, chỉ muốn khẳng-định rằng những gì ta biện-minh/bào-chữa cho chính mình bằng niềm tin chính là biện-minh niềm tin vào Đấng Kitô. Thường thì, ta cũng không mấy đặt nặng việc mình bào chữa nhờ ân-huệ cho bằng nhờ ân-huệ do Đấng Kitô ban cho ta. 

Bằng vào việc tin-tưởng vào Đấng Ki-tô, người Công-giáo cũng như Thệ-Phản mới có thể lướt thắng khác-biệt của nhau. Nay, không còn chiến-tranh tôn-giáo giữa người Công-giáo và Thệ-Phản nữa rồi. Nên, cần nghĩ đến những việc tốt đẹp nào khác để làm hơn là cãi-vã hoặc tranh-luận với nhau nữa. (x. phần tin: Focus on beliefs, not doctrine, says papal preacher, trên The Catholic Weekly này 27/3/2016, tr. 12) 

Nếu cứ xét chuyện đạo-lý thần-học trong Giáo-triều đầy quyền-bính, hẳn là người Đạo Chúa sẽ thấy rằng: mọi sự trong Đạo không phải lúc nào cũng mang dáng-dấp mầu hồng, bao giờ hết. Đó, còn là ý-tưởng được Đức Giáo Tông nói lên vào một buổi triều-yết có giảng-giải ở Rôma, được các phóng-viên ghi lại qua tiêu-đề là Nhưng bên trong Giáo hội, con đường không đầy màu hồng với Đức Phanxicô” như sau:

Lúc Đức Bênêđictô XVI thoái vị, Giáo triều Roma, nội các của giáo hoàng với các hồng y và giám mục điều hành thể chế Giáo hội ở trong cơn khủng hoảng. Các tin đồn về nạn đấu đá và vấn đề tài chính đáng ngờ đang nhan nhản. Quản gia riêng của Đức Bênêđictô đã phản bội ngài, ông tiết lộ các tài liệu nội bộ cho truyền thông. 

Trong những ngày trước khi xảy ra mật nghị hồi tháng ba năm 2013, các hồng y, những người chịu trách nhiệm trong việc bầu giáo-hoàng ý-thức mình phải làm gì đó. Vatican cần một người đến từ bên ngoài, một người không ngại lay chuyển mọi sự và đưa nhà Giáo hội vào trật tự. Người đó, tất nhiên, là Đức Giáo hoàng Phanxicô. 

Được bầu lên như một nhà cải cách ở tuổi 76, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận ngai tòa Phêrô với ý thức rằng mình không có nhiều thời gian để tạo nên sự khác biệt. Nên ngài vận động nhanh chóng, lập các văn phòng mới để quản lý tình trạng tài chính khó kiểm soát của Vatican. Ngài giới hạn quyền lực của Giáo triều bằng cách lập nhóm chín hồng y cố vấn, họp thường xuyên để định hướng công việc. Và ngài cắt bớt vây cánh của những người đối lập muốn tìm cách phá hoại các nỗ lực của ngài. 

Là những con người của Chúa, các hồng y và giám mục đột nhiên bị tước quyền này, họ nuốt kiêu hãnh xuống và cùng chung sức làm việc với Đức Phanxicô, lãnh đạo mới của mình. Nhưng không phải ai cũng thế. Một số không đi chung đường với Đức Phanxicô, họ mở một chiến dịch xì xào với đủ kiểu đàm tiếu và ước-đoán, để làm giảm giá trị các cải cách của Đức Giáo hoàng. Những lời ám chỉ, tin đồn, và dối trá trắng trợn mà một vài cấp lãnh đạo trong Giáo hội đã tiết lộ cho truyền thông làm Vatican phải hổ thẹn.

 Một trong những người cốt cán được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào Ngân hàng Vatican, bị cáo buộc là có quan hệ đồng tính. Về sau, trong Hội đồng Gia đình, các giám mục có cảm tình với cải cách tự do trong Giáo hội bị cáo buộc là hấp tấp phát hành một báo cáo hội đồng với ngôn từ thân thiện với những người đồng tính và những người ly dị rồi tái hôn.

 Lại có lời đồn rằng phòng thư từ Vatican đã không chuyển các quyển sách mang tính bảo vệ giáo huấn của Giáo hội hiện thời cho các thành viên hội đồng. Khi các cải cách tài chính của Đức Giáo hoàng được đẩy lên cao độ, thì nhân vật cốt cán được ngài giao phó kiểm tra chuyện tiền bạc, bị đồn là tiêu xài hoang phí cho trang trí văn phòng và trang phục. Đàm tiếu đang hung hăng vượt lên, muốn diệt các đồng minh của Đức Phanxicô. 

Một hồng y người Mỹ có uy-thế ở Vatican, trở thành biểu tượng cho những người nghi ngờ cương vị lãnh đạo của Đức Giáo hoàng. Hồng y này nói là “nhiều” người bày tỏ “quan ngại” về Đức Giáo hoàng Phanxicô.

 Trong buổi phỏng vấn ngày 30 tháng mười, với tờ báo Công giáo Tây Ban Nha Vida Vueave, hồng y này nói, “có một suy nghĩ mạnh cho rằng giáo hội như con thuyền không bánh lái.” Ông nói rằng đây không phải là cảm giác của riêng ông, nhưng là của một người khác, với ý muốn làm rõ là những người chỉ trích Đức Giáo hoàng sẽ có một đồng minh mạnh ở Roma.

 Chuyện này không kéo dài lâu. Khoảng một tuần sau, ông bị đẩy khỏi vai trò lãnh đạo Tòa Thượng Thẩm, và được bổ nhiệm vào một vai trò mang tính hình thức là tuyên úy cho Hội Hiệp sĩ Malta. Trường hợp đặc biệt này cũng là trường hợp cực đoan nhất, khi một hồng y đầy uy-thế công-khai chất vấn cương vị lãnh đạo của Đức Giáo hoàng và không lâu sau bị thuyên chuyển chức vụ, nhưng không phải là duy nhất.

 Một giám mục Hoa Kỳ nói rằng Đức Phanxicô đang hạ bệ những người Công giáo bảo thủ. Một hồng y khác chất vấn không biết Đức Giáo hoàng có thực sự hiểụ được các bài diễn văn và bài giảng của ngài có tác động toàn cầu thế nào hay không. Và nhiều linh mục cũng như giáo dân, tiếp tục tỏ ra khó chịu mỗi khi Đức Phanxicô bỏ qua bài soạn sẵn, mà nói tự phát, từ trái tim và làm cho báo giới tốn nhiều giấy mực.

 Vài người ở Vatican nghĩ, cách tốt nhất để chống lại các thay đổi của Đức Giáo hoàng là làm rò rỉ thông tin và nói bóng gió cạnh-khoé để loại trừ các đồng minh của Đức Phanxicô. Những chiến thuật này thường được các chức-sắc muốn giữ ghế áp dụng, và đôi khi bất chấp tác hại của nó với công việc phúc âm hóa. Đức Phanxicô đã có một thông điệp gởi đến các giám mục này: hãy thôi đi.

 Các câu tweet của Đức Giáo hoàng về ngồi lê đôi mách cũng giống như “quả trứng Phục Sinh” với nhiều ẩn nghĩa mà tôi đã mô tả trong chương trước, và thực sự có tác động đến những người này. Chỉ có hai tweet trực tiếp nói về thói đàm tiếu, nhưng khi hiểu được những gì sau màn ảnh, chúng ta thấy đây là cú đấm mạnh hơn nhiều.

 Đức Phanxicô muốn các giám mục hãy thôi ám ảnh về quyền lực và danh tiếng của mình, và phải biết đi vào trong thế giới. Chặn đứng thói đàm tiếu là một trong các bước đầu tiên của ngài. Nhưng ngài không tweet về đàm tiếu chỉ để chấn chỉnh hàng ngũ (dù chắc chắn là chúng có tác động tốt này). Nhưng ngài muốn mỗi một tín hữu biết noi gương Chúa Giêsu hơn nữa, mà chuyện đàm tiếu lại kéo chúng ta đi ngược lại con đường này.

 Cuộc Cách mạng Phanxicô không diễn ra với những thay đổi lớn trong giáo huấn của Giáo hội, hay bán các tác phẩm nghệ thuật vô giá để lấy tiền phát cháo cho người nghèo. Nhưng cuộc Cách mạng Phanxicô sẽ đến khi các tín hữu bắt đầu sống giống Chúa Giêsu hơn, từ những giáo dân bình thường cho đến các hồng y cao cấp của Giáo triều.”

Muốn diễn-đạt tình-trạng sống Tin Mừng ở nhà Đạo, theo cách người ngoài đời vẫn làm, tưởng cũng nên quay về với truyện kể ngắn gọn nhưng bàn về “cái thâm thúy của người xưa”, từng sống đời thực-tế như sau:                                                                                                        

 “Cao nhân chân-chính, chính là có thể thắng nhưng không nhất định phải thắng, có thể đánh bại kẻ khác nhưng không nhất định phải đánh bại.

 Thế nào gọi là cao nhân? Tương truyền, Tả Tông Đường rất thích chơi cờ vây, hơn nữa còn là một cao thủ, gần như không có ai là đối thủ của ông.

 Có một lần, Tả Tông Đường cải trang trước khi xuất chinh đánh trận, trên đường bỗng nhìn thấy một ngôi nhà tranh, trên xà nhà có treo tấm biển “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ”. Tả Tông Đường thấy thế thì trong lòng không phục, liền đi vào trong để cùng chủ nhân ngôi nhà đánh ba ván cờ.

 Vị chủ nhà đánh ba ván đều thua, Tả Tông Đường cười nói: “Ông nên tháo tấm biển kia xuống đi!” Nói xong, Tả Tông Đường tràn đầy tự tin, cao hứng bừng bừng mà rời đi.

 Không lâu sau, Tả Tông Đường thắng trận trở về, lại đi ngang qua ngôi nhà ấy, thấy tấm biển “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ” vẫn chưa được gỡ xuống, Tả Tông Đường tức giận đi vào trong nhà để cùng vị chủ nhân tỷ thí ba ván cờ nữa.

 Lần này, Tả Tông Đường thua cả ba ván. Tả Tông Đường vô cùng kinh ngạc, liền hỏi vị chủ nhân tại sao lại như vậy. Vị chủ nhân đáp:

 -Lần trước, ngài tuy mặc thường phục nhưng ta đã sớm biết ngài là Tả Công, ngài mang trên mình nhiệm vụ đánh giặc, ta không thể dập tắt nhuệ khí chiến đấu của ngài. Lần này, ngài đã chiến thắng trở về, ta đương nhiên toàn lực ứng phó, việc đáng làm thì ắt phải làm, không thể nhượng bộ!

 Cao thủ chân chính trên thế gian, chính là có thể thắng nhưng không nhất định phải thắng, có thể đánh bại kẻ khác nhưng không nhất định phải đánh bại, ấy là vì có tấm lòng khiêm nhượng, thiện tâm với người.

 Cuộc sống chẳng phải là như vậy sao? Thông minh không nhất định là có trí tuệ, thế nhưng trí tuệ thì nhất định bao quát thông minh. Người thông minh tâm nặng chuyện được mất, người trí tuệ có thể dũng cảm xả bỏ. Tai thính thật sự thì có thể nghe được tiếng lòng, mắt sáng thật sự thì có thể nhìn thấu tâm linh.

 Chứng kiến, không có nghĩa là nhìn thấy.

Nhìn thấy, không có nghĩa là nhìn rõ.

Nhìn rõ, không có nghĩa là hiểu được.

Hiểu được, không có nghĩa là hiểu rõ.

Hiểu rõ, không có nghĩa là đã thông suốt.

 Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Không có văn hóa thì thật đáng sợ!”. Thế nhưng “văn hóa” ấy rốt cuộc là gì? Là bằng cấp hay kinh nghiệm? Hoặc sự từng trải? Câu trả lời: tt cả đều không phải! Ngày hôm nay, coi như chúng ta đã được thấy một lời giải thích thuyết phục, “văn hóa” ấy chính là biểu đạt bởi bốn điều sau đây:

 1.Đào sâu vào tu dưỡng nội tâm.

2.Tự giác không cần nhắc nhở.

3.Lấy ước thúc làm tiền đề cho tự do.

4.Suy nghĩ lương thiện vì người khác.  (Dịch giả: Minh Nữ)

 “Văn hóa” nhà Đạo, nay cũng thế. Cũng có khi, người nhà Đạo quyết-chí đào-sâu tu-dưỡng nội-tâm. Cũng có lúc, hơi bị “chểnh mảng” đi chệch ra ngoài mục-tiêu và mục-đích do Đạo đề ra. Thế nên, cũng phải tự-giác, lấy ước-thúc làm tiền-đề cho tự-do và suy-nghĩ lương-thiện vì người khác.

Nhà Đạo mình, nhiều lúc cũng quên đào sâu tư-tưởng và chiều-hướng được nhấn mạnh ở lời vàng thánh kinh, nên mới thế. Đào sâu tư-tưởng ở thánh kinh, ta sẽ thấy đấng thánh nhân hiền từng bảo rằng:

“Tôi khuyên tất cả anh em

hãy nhất trí với nhau

trong lời ăn tiếng nói,

và đừng để có sự chia rẽ

giữa anh em,

nhưng hãy sống hoà thuận,

một lòng một ý với nhau.”

(1Cor 1: 10-13)

Như thế có nghĩa: chuyện chia rẽ giữa anh chị em cùng thờ một Chúa, là chuyện thường ngày ở huyện từng xảy ra trước đây, ở Corintho6 và nhiều nơi khác. Xảy ra, là bởi vì người cùng một Đạo Chúa hay đạo làm người đã không còn biết sống hòa-thuận/một lòng một ý với nhau, như được khuyên.

Như thế tức là, ở mọi thời đều có những vấn-đề cần giải-quyết. Cả vấn đề sống đạo hoặc giữ gìn lời nói với nhau, trong mọi sự.

Nói như thế, tức là mọi chuyện xung khắc xảy ra trong đời người, phần lớn là do lời nói, tư-tưởng hoặc lối đối xử không nhất trí theo cùng một tinh-thần nương-tựa giùm giúp và sẻ san điều hay điều tốt với nhau, mà thôi.

Trong nhận thức rất như thế, nay mời bạn và mơi tôi, ta lại cất lên tiếng hát trích-dẫn ở trên để nhớ đời, rồi sống. Hát, là hát những lời như sau:

“Chiều nay niềm ái ân xưa tìm đến bên ai

kể nỗi nhớ thương lời thề cùng cánh hoa rơi

tàn úa bên song dưới ánh tà dương.

Xuân nay bao sầu nhớ xuân xưa,
Tiếc mối tình phai hương đan lòng hầu dứt,
muôn đường tơ vương,
sầu vương áng mây bao nhuốm màu tang.

Bóng dáng xa khuất ngàn

trùng dương nhớ nhung càng suy lòng vấn vương
cung đàn lỡ bao nhịp luyến thương đường đời vạn nẻo
nhuốm mối đau thương
nhớ phút giây êm đềm say đắm
tiếc bao giờ mơ màng dưới trăng
xa kìa bướm ong đùa cùng với muôn hoa
lòng mơ ước thầm ai say hòa nhân duyên.”

(Hoàng Bách – bđd) 

Trần Ngọc Mười Hai

Có những lúc những thời

Vẫn liên-tưởng

đến những khó khan

trong đời đi Đạo

vốn dĩ là thế.  

“Lòng ta tha-thiết đượm tình yêu,”

 “Lòng ta tha-thiết đượm tình yêu,”

Như cảnh trời xuân luyến nắng chiều.

Mắt lệ đắm trông miền cách biệt,

Phút giây chừng mỏi gót phiêu-lưu.”

(Dẫn từ thơ Thế Lữ)

 Mai Tá lược dịch.

Phiêu-lưu, mạo-hiểm mòn bước chân, là chuyện đã đành. Phiêu-bạt đây đó làm chứng cho Lời của Chúa đâu nào thấy mỏi. Phiêu-lưu lên đường rao truyền Lời Chúa là bổn-phận Chúa vẫn kêu mời, từ ngàn xưa.

Trình thuật Lời Chúa hôm nay, mở cho thấy khoảnh khắc rất quan trọng, trong cuộc đời Đức Kitô. Gần đến ngày Ngài được cất nhắc về cùng Cha, Đức Giê-su cương quyết lên đường đi Giê-ru-sa-lem. Với Tin Mừng thánh Luca, Giêrusalem là điểm tập trung toàn bộ cuộc đời của Chúa. Toàn bộ tập trung, vì đây là nơi chốn Ngài hoàn thành công trình cứu độ. Và, cũng từ Giê-ru-sa-lem, công trình của Ngài lan rộng khắp mọi nơi, trên thế giới.

Quyết lên đường, Đức Giê-su đưa ra mẫu mực thử thách đến với ta, để ta tham gia công trình hầu chấp nhận làm mọi việc được ủy thác. Điều trớ trêu, là: ngày Ngài lên đường vào làng Samaritanô, nhiều người ở đây không tiếp nhận Ngài. Và, Ngài đi Giêrusalem, là để chấm dứt tình trạng rẽ chia, đang lan tràn. Ngài quyết phá đổ mọi rào cản chia cách mọi người. Và, đem bình an và hòa hợp đến với mọi người.

Tin mừng “đi Giêrusalem”, nhắm vào trọng tâm ý nghĩa của Tiệc Thánh, thời buổi này. Tin Mừng cũng nhằm vào sự đáp trả của mỗi người trong ta, khi Chúa kêu mời cùng Ngài lên đường. Thấy Ngài lên đường, nhiều người cũng muốn đi theo như vẫn thấy dẫy đầy ngày hôm nay. Vẫn thấy, nhiều người trong cộng đoàn dân con Đức Chúa, chỉ biết đi là đi. Chứ chẳng hiểu tại sao lại “đi Giêrusalem”. Đi như thế, có ý gì? Với Chúa. Với những người đi theo Ngài.

Có 3 loại người muốn theo Ngài. Và, có lẽ một hoặc hai người trong số này, có thái độ giống như ta, hôm nay. Thành thử, hãy xét thử xem sao, thái độ của những người dự tính đi theo Chúa. Người thứ nhất tuyên bố: Thầy đi đâu, tôi cũng xin theo! Nói là nói thế, nhưng những người theo dạng này, không am-tường thực-tế Ngài phải đối đầu. Và, câu đáp trả của Đức Giêsu làm họ không mấy hứng thú. Dấn thân làm ngôn sứ, như Ngài, tức biết mình sẽ không nhà không cửa, không chốn tựa đầu, đâu nào dám theo.

Loại người thứ hai cũng muốn đi. Nhưng, vẫn nại vào lý do khiến Chúa không thể trách móc. Để rồi, cuối cùng cũng bỏ cuộc. Và, thái độ đáp trả của Chúa thoạt nghe, có vẻ nghịch lý/nghịch thường, nhưng lại là điều kiện cho những người dấn bước theo chân Đức Ngài. Theo chân Chúa, là: hãy để lại mọi sự bỏ đó mà ra đi loan báo Nước Trời, cho mọi người. Ở đây nữa, có thể: thân phụ của người thanh niên trong trình thuật, thật sự đâu đã chết. Anh chỉ muốn chờ khi báo hiếu cho cha xong xuôi, rồi mới quyết định. Và, đây là lý do chính đáng để khước từ lời Chúa mời. Và, đây cũng là trở ngại khác, khiến người quyết tâm không thấy vững chí, mà ra đi.

Trả lời cho những người như thế, Đức Kitô chỉ muốn xem con người đặt sự việc nào ưu tiên hơn cả, ở đời mình. Và, ý Ngài là: ta vẫn được mời gọi thực hiện việc dựng xây Nước Trời, ở trần gian, ngay trước mắt. Làm xong việc ấy rồi, mọi sự cũng sẽ “bất chiến, tự nhiên thành”. Bởi, Nước Trời chính là: thế giới của sự thật, của lòng xót thương, công chính. Của tự do và an bình. Của, thế giới nhất định sẽ xẩy đến với gian-trần.

Loại người thứ ba, cũng muốn theo chân Chúa, thật đấy. Nhưng, lại vẫn phải quay về từ biệt bạn bè người thân, xong cái đã. Thái độ này, có nghĩa là: người như anh, chỉ muốn có cuộc sống vui nhộn với bà con bạn bè, mà thôi. Trong khi đó, muốn trở thành đồ đệ của Chúa, buộc lònh mọi người phải có quyết tâm. Không do dự. Lời Chúa mời gọi, là: lời mời ở đây, hôm nay. Và, lời đáp trả phải là lời ứng-đáp tự do ngay ở đây, hôm nay; chứ, không là chuyện xảy đến trong tương lai. Đề cập đến chiếc cày, là Chúa ám chỉ lời tiên tri Isaya ở bài đọc 1.

Bài đọc 1, Êlisha đáp ứng lời kêu gọi làm ngôn sứ, ngõ hầu tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm mình là: tiên tri Êlya. Đệ tử Êlisha cũng muốn giã từ cha mẹ. Và, ông cũng đã về nhà, để giết bò, đốt cháy chiếc cày, rồi tay không đến với sư phụ của mình, là Êlya. Tin Mừng Chúa, được viết không phải để ta hiểu từng chữ, theo nghĩa đen. Nhưng, thánh sử muốn để người nghe có dịp suy nghĩ về những điều Chúa đề cập.

Thật ra, thì điều thánh sử muốn nói, tức: vật chất, tình cảm và tri thức đều có thể là rào cản ngăn chặn khiến ta không thể đi theo Chúa một cách vô điều kiện. Đời người hôm nay, lại có quá nhiều thứ để ta vui chơi hưởng thụ dễ biến Lời Chúa nên nhạt-nhoà, mờ dần; chẳng còn bận tâm gì chuyện tham gia, dính dự vào đời người vốn đã có quá nhiều thứ để bận tâm, lo lắng và tiếc-nuối. Nuối-tiếc nhiều, những chuyện xảy ra, trong quá khứ; vẫn cứ lo-ngại không ít, về những chuyện sắp xảy đến, trong lai thời.

Các yếu tố nêu trên, đều khiến cuộc sống càng thêm phức tạp, trục trặc. Phần đông trong chúng ta, mới chỉ sống có phân nửa cuộc đời, hoặc đang sống cuộc đời của người khác. Chứ, chưa hẳn là đã và đang thực sự sống đời mình, cho riêng mình. Và, đó cũng là điều mà thánh Phaolô nhắc nhở cộng đoàn Galát: ”Quả thế, anh chị em đã được gọi để hưởng sự tự do.” (Gl 5: 13)   

Sở dĩ thánh Phaolô phải nói lên điều đó, vì có nhiều vị ở nơi đây là người Do thái, đã trở lại. Và xem ra, nhiều người trong số đó chỉ muốn quay về với truyền thống Do thái giáo, thời xưa cũ. Trớ trêu thay, đối với mọi người, xưa cũng như nay, tất cả đều đã và đang lo sợ. Lo và sợ, vì mình đang có quá nhiều tự do.

Nhưng, tự do thực sự, không phải là thách thức quyền bính. Cũng không là, tự cho mình có quyền tha hồ vui thú, hưởng thụ; tha hồ phiền hà người khác. Tự do, cũng không là thái độ cứ ưỡn ngực tuyên bố: tôi có quyền mở to máy hát, chẳng cần biết rằng hàng xóm mình đang khổ sở vì âm thanh, tiếng nhạc.

Hoặc, cứ đua xe trên đường phố, chẳng sợ ai, chẳng san sẻ đường đi nước bước, với mọi người. Người có tự do đích thực, là người biết quan tâm đến tha nhân; biết để ý xem tha nhân có cần mình giúp đỡ gì không. Tự do, là biết rằng những người thân-cô-thế-cô, đang đau khổ. Là, biết đối xử với những người đó như người anh/người chị, cùng nhà.

Thánh Phaolô còn thêm: “Đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt; nhưng hãy lấy tình thương mà phục vụ lẫn nhau.” (Gl 5: 13) Tự do như thế, không là thái độ trốn tránh thực tại sống. Nhưng, biết giáp mặt, đối đầu với cuộc sống. Tự do thực, là dám nhận lãnh trách nhiệm chăm lo cuộc sống của chính mình.

Và, không đem khó khăn riêng tư của mình mà đổ lên đầu người khác. Không coi họ như mối oan khiên như con dê tế thần, chịu hết mọi trách nhiệm. Tự do, còn có nghĩa: không đeo bám vào các tiện nghi vật chất. Vào mọi sự ở ngoài, như: tiền tài, nhà cửa, chức vụ, cùng công danh/sự nghiệp, hệt như thế.

Kỳ lạ thay, người tự do đích thực sẽ làm được những gì mình mong muốn. Bởi, những điều họ mong và muốn, là: dựng xây thế giới tôn trọng sự thật. Thế giới biết san sẻ, chăm sóc lẫn nhau. Biết tạo cho nhau, sự an bình hiền hoà, trong nội tâm. Người có tự do, là người rất tách bạch, không lấy đi mọi thứ tốt đẹp, của người khác. Vì làm thế, không là san sẻ thị kiến chung, của mọi người. Nhưng, biết được khó khăn của người khác để giúp đỡ. Để, coi nhẹ khó khăn mình đang gặp.

 Lm Richard Leonard sj biên-soạn

  Mai Tá lược dịch.

Lời Chúa ( Chúa nhật 13 thường niên)

 Tin Mừng (Lc 9: 51-62)

Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên                  Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

 Đức Giêsu nói với một người khác:”Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa:”Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”

 Một người khác nữa lại nói:”Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

CHÚA CỨU MẸ CON TÔI KHỎI BỌN BUÔN NGƯỜI.

CHÚA CỨU MẸ CON TÔI KHỎI BỌN BUÔN NGƯỜI.

 Chị Maria Thủy – Chị Mỹ.
Phan Sinh Trần ghi

Tôi sinh ra trong một gia đình không có Đạo và rất nghèo,  sinh ra tôi được có bốn  ngày vỏn vẹn, thì Mẹ đã giao em bé cho Bà Ngoại và bỏ đi biệt tích. Bà Ngoại nấu nước cháo nuôi tôi sống và lớn lên. Tuy nhiên, hai bà cháu vật lộn với kế sinh nhai, nên tôi không được đi học, một chữ bẻ làm đôi tôi cũng không được biết, con số dê rô tôi cũng không hiểu nhận hết.Bà nói, “cho mày đi học thì sau này lấy ai nuôi bà”. Mới có bảy, tám tuổi tôi đã đi mót lúa, đi ở đợ để nuôi Bà. Lớn lên, rồi tôi cũng có được một con gái ngoại hôn.

Hai mẹ con chúng tôi qua Mỹ theo diện con lai đợt tái cứu xét, khi đi thì cháu được tám tuổi. Qua Mỹ, tôi cũng tiếp tục làm nghề dọn dẹp nhà ở tư của các chủ Việt. Ở Mỹ được mấy năm thì có người bạn cũ gọi qua hỏi thăm và mời về Việt Nam chơi, nó nói không cần tiền, cứ về đi, ở Việt Nam tao sẽ dẫn mày đi chơi, du lịch các nơi, vui lắm, nghỉ ngơi lấy lại sức sau bao năm vất vả. Tôi nghe thấy cũng bùi tai và nhận lời nó, tạm nghỉ việc đi về Việt Nam chơi một chuyến. Khi về đến nơi, một hai ngày đầu thật là vui vẻ, Bạn tôi lấy Honda đưa chúng tôi đi chơi, nó nói “mày có giấy tờ, nữ trang đưa tao giữ cho chứ ở Việt Nam cướp giựt và trộm cắp dữ lắm”, không nghi ngờ, tôi giao hết mọi thứ cho cô bạn, rồi nó nói bây giờ sẽ đi ra Rạch Giá, sau đó ra Phú Quốc chơi, nó mua vé tàu đưa hai mẹ con ra đảo, cùng đi còn có mấy người đàn ông, đàn bà bạn của nó, đến thị trấn Dương Đông, thì nó trở mặt liền, đưa chúng tôi về một xóm chung quanh có các nhà chứa với gái mãi dâm. Tôi năn nỉ nó trả lại giấy tờ thì bị la mắng:

Giấy tờ gì cái bản mặt mày, không có giấy má gì ráo, tao lấy đốt hết rồi, cái thứ tụi mày ngu ngốc, làm được cái gì chứ, bây giờ tụi mày phải ở đây chờ tao sắp xếp. Không được đi ra khỏi nhà khi tụi tao chưa cho đi. Lạng quạng bị đánh đừng nói tại sao.

Nói xong, tụi nó bỏ đi để mặc hai mẹ con bị đói trong căn phòng tồi tàn. Đói quá, tôi xin bọn nó cho phép đi rửa chén trong một nhà hàng để hai mẹ con có cái ăn, tội nghiệp con gái tôi, nó sợ hãi quá mức, lúc nào cũng mếu máo. Tôi đi làm, rửa chén mà lòng không yên, hết giờ làm là tôi ba chân bốn cẳng chạy về xem cháu có bị tụi nó bắt cóc và bán cho các ổ mãi dâm? Rất may là điều đó chưa xảy ra, có lẽ vì nó chưa tìm được khách ưng ý. Bọn chúng nói:

Tao đang tìm thằng thuyền chài để gả mày cho nó, rồi hai mẹ con sẽ có chỗ ăn ở.

Nghe chúng nói, hai mẹ con hoảng hồn, chúng tôi chỉ biết cầu Trời khấn Phật cho hai mẹ con được tai qua nạn khỏi, sực nhớ còn sợi dây chuyền nhỏ xíu dấu ở dưới cổ áo, có lẽ nhỏ quá nên tụi nó chưa thèm lấy, tôi vội lấy ra tìm cách bán đi và ngay nửa đêm hôm đó, hai mẹ con lén đi ra bến, nói dối với lái tàu là mẹ con bị móc bóp mất hết tiền bạc, giấy tờ, xin chủ tàu cứu giúp cho về đất liền, chủ tàu thương tình cho chúng tôi đi, đến Rạch Giá chúng tôi mua vé xe đò về Sài Gòn và sống lây lất ở Bến xe Miền Tây. Tôi nhờ người gởi thơ cho Bà Chủ Nhà mà tôi làm công trước đây nhờ giúp đỡ để về lại Mỹ. Tôi không dám nói thật sự thể, chỉ nói là tôi bị móc bóp và mất hết tiền bạc, giấy tờ tùy thân.

Cách xa nửa vòng trái đất, tại Houston, Texas Chị Thủy nghe chuyện và động lòng thương, chị kể:

–          Cách nay mấy năm, tôi đang làm nail cho một Bác thì được nghe bà kể lại câu chuyện có hai mẹ con ở Mỹ, về Việt Nam chơi bị móc túi, mất hết giấy tờ và cần giúp đỡ để về lại Hoa Kỳ. Bà đã chi ba ngàn đô, coi như ứng cho mượn trước số tiền, dùng để trả cho một Luật sư chuyên về di trú để nhờ giúp đỡ. Tôi muốn được đóng góp với Bác nọ để thêm phần tài chánh hòng giúp sức cho hai mẹ con chóng được về lại nhà. Nghe kể lại tình cảnh hai mẹ con rất đáng thương, tôi bức rức không yên, dù mình cũng chả dư dả gì nhưng tôi quyết phải giúp họ cho bằng được. tôi gọi phôn cho bốn Anh Chị Em còn đang ở Việt Nam để nhờ liên lạc, tìm cho ra hai mẹ con và giúp họ có nơi ăn chốn ở trong lúc chờ giấy tờ đi về Mỹ lại. Vì mình sinh hoạt trong Nhóm Thánh Linh, được biết rõ các kỳ tích từ Lòng thương xót của Chúa và ơn Mẹ Maria, nên tôi dâng hai mẹ con của chị Mỹ cho Chúa Mẹ và xin mọi người trong Nhóm cùng cầu nguyện. Chị Thủy kể tiếp:

–          Luật sư làm hơn một năm trời mà chắng tiến triển đến đâu, bà luật sư khám phá ra là Hai Mẹ con vì không rành rẽ thủ tục nên thẻ xanh đã bị hết hạn rồi, khó khăn chồng chất trong khi tiền phí tổn đã lên tăng lên nhiều. Vì thủ tục khá nhiêu khê, cần giấy cớ mất tại nơi xảy ra sự vụ, rồi phải có nơi tạm trú nhất định tại Việt Nam, sau đó làm thủ tục nhập khẩu và bắt đầu lại đơn xin xuất cảnh đi Mỹ. Tôi đi đến Luật sư Th-Th nhờ giúp đỡ, câu hỏi mà luật sư đưa ra là, tại sao họ không dám đến công an phường làm giấy cớ mất, rồi ai sẽ là người lo nhập hộ khẩu ở Việt Nam cho hai mẹ con, v. v . Vòng vo tam quốc một hồi, rồi Chị Mỹ mới xì ra sự thật là họ đã bị lừa đảo, từ Mỹ qua Việt Nam tới đảo Phú Quốc, rồi mới về lại vất vưởng ở bờ ở bụi, ăn xin, bữa đói bữa no, trong thành phố Sài Gòn.

Tại Việt Nam, Bốn Anh Chị Em của tôi ra sức giúp đỡ cho Mẹ con Chị Mỹ, Anh Ba thì lo giấy tờ dịch vụ, tôi gởi tiền dành dụm về, phí luật sư tốn thêm mấy ngàn đô nữa, chị Tư tôi thì giúp kế sinh nhai cho họ, Các Em Năm, Bẩy tìm cách cho họ nhập hộ khẩu, cả nhà ra sức cầu nguyện vì thực ra chỉ có Chúa mới có thể cứu họ trong hoàn cảnh hy hữu và thủ tục quá khó khăn này. Em Bẩy nói với hai mẹ con nên hết sức ngày đêm cầu Chúa Mẹ giúp cho dù họ chưa phải là tín hữu Công Giáo nhưng đức tin của họ sẽ được nhận lời. Chị Thủy ưu tư, nhận xét như sau:

–          Phái đoàn phỏng vấn tại Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ, có thể nào tin được vào câu chuyện của Chị Mỹ không? Cho dù có tin đi nữa, thẻ xanh hết hạn ở nước ngoài làm sao để được tái cứu xét, đặc cách? Các Bạn của tôi ở Hoa Kỳ, nghe kể lại chuyện làm đơn vốn kéo dài đã hai năm thì không còn chú ý nữa, họ cho là không biết sự thật hoàn cảnh của Chị Mỹ có đúng không? Cuối cùng thì chỉ còn có Tôi và gia đình Anh Em trong nhà, gồng mình giúp đỡ hai mẹ con của Chị Mỹ cho tới cùng. Cảm tạ Chúa, truyền thống giúp đỡ người dưng, luôn có trong gia đình tôi từ lâu, nhất là tôi lại được sinh hoạt trong Nhóm Thánh Linh, tôi được Chúa rót vào lòng mình tình yêu và lòng chạnh thương làm cho tôi không thể nào không ray rứt và mong mỏi điều tốt cho hai mẹ con suýt bị bắt cóc. Tôi được Chúa cho cảm thấy cái xốn xang, bức rứt, âu lo của cháu bé con chị Mỹ, tôi thương nó như con gái của tôi, càng thương cháu tôi càng bám víu vào lời Chúa:

“Và Ta bảo các ngươi: Hãy xin, thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho, Vì phàm ai xin thì lĩnh; ai tìm thì gặp; và ai gõ thì sẽ mở cho.”   (Lc 11,9-10 ).
>
Thời gian làm giấy tờ tiếp tục trì trệ, Chị Thủy nhân xét:

–          Lòng kiên nhẫn của mọi người có hạn, dịch vụ tái cứu xét xuất cảnh đã kéo dài hơn ba năm, tôi đã chạy đến vị Luật sư thứ ba, tên T, tôi năn nỉ vị Luật sư cùng tham gia với tôi, cho dù đã có các luật sư và nhiều người giúp khác hoàn toàn hết kiên nhẫn và bỏ cuộc. Chúa làm cho vị luật sư chạnh lòng thương giúp cho trường hợp này, dù là chi phí quá ít ỏi hầu như chả đáng là bao, nhưng ông quyết định đóng góp phần của mình vào trong công tác này.

Cám ơn Chúa! Ngài không quên yên ủi tôi, Chúa làm thay đổi các Bạn trong Nhóm Thánh Linh, có anh đến ngỏ ý sẽ cùng chia sẻ một chút xíu về tài chánh dù là ít ỏi và cầu nguyện cùng với tôi. Cả Nhóm tiếp tục xin Chúa cứu vớt cho mẹ con của Chị Mỹ, rồi Chúa làm hết phép lạ này tới phép lạ khác, khi Em Năm cãi tay đôi với công an phường một số lần và cuối cùng đã được Phường cho phép nhập hộ khẩu cho mẹ con Chị Mỹ, khi phái đoàn Mỹ chấp nhận tái cứu xét, phỏng vấn và cho phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ cho dù giấy tờ có thiếu xót như là chỉ có thế vì khai sinh mới làm lại trong dịp này, rồi không có giấy hôn thú, tiếp đến là các mâu thuẫn trong giấy cớ mất bóp, rồi lại đến sự vi phạm khác, hết hạn visa, hết hạn thẻ xanh, v.v Mỗi một chặng gian nan là một lần Chúa ra tay cứu giúp. Còn mấy ngày trước khi lên máy bay, Lãnh sự quán lại đòi giấy cớ mất bóp một lần nữa, đến nước này rồi làm sao tìm ra giấy đây? Nhưng rồi mọi sự cũng được cho qua nhờ Chúa quan phòng. Chị Mỹ kể rất tội nghiệp:

–          Tụi bất lương ở Phú Quốc tiếp tục đe dọa và nhắn tin chúng sẽ phá, sẽ gởi khiếu nại đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ nếu tôi không trả nó một số tiền, do đó gia đình Chị Thủy ở Việt Nam dấu nhẹm tin tức về ngày giờ ra đi, lên xe ra sân bay mà hai mẹ con cũng chưa được cho biết, đến phi trường họ mới cho biết sẽ lên phi cơ về Mỹ trong vòng một vài tiếng và họ mua cho hai hộp cơm ăn lót đường, chúng tôi mừng quá run tay, không xúc cơm được, mẹ con mỗi người ăn được có một muỗng thôi. Khi đã vào khu cách ly con tôi còn năn nỉ mẹ ráng nhịn đừng đi tiểu vì sợ máy bay nó đi mất, cháu quá sợ nên đã khuyên tôi như vậy. Thế là sau hơn bốn năm trường đằng đẵng mà tôi cảm thấy dài như cả mười năm, Chúa Mẹ đã cứu chúng  tôi ra khỏi vùng đất sợ hãi. Có hai lần, lúc con gái tôi quá lo lắng, thất vọng nhưng khi nó cầu nguyện với Mẹ Maria và cảm thấy như Mẹ đang gật đầu nhìn nó, thì con bé được vững lòng và còn quay ra khuyên nhủ đức tin cho tôi là mẹ của nó.

Về đến Mỹ, gia đình chị  Thủy ra phi trường đón chúng tôi về nhà chị, Chị Mỹ và Cháu gái rất tin tưởng vào Chúa sẽ thương ban cho Chị và con nhưng tháng ngày an ủi. Chị Thủy nhỏ nhẹ,

“Cháu gái con Chị Mỹ đến nay đã vào tuổi mười bốn, mười lăm. Nhìn cháu ngây thơ, trong sáng xin gia nhập thiếu nhi Thánh Thể và đeo khăn quàng màu vàng mà mừng chảy nước mắt, Chúa của tôi thật là vĩ đại. Phần thưởng lớn nhất là được nhìn ngắm Chị Mỹ và Cháu cầu nguyện trong các buổi thờ phượng và ca ngợi Chúa”

Quả ơn nghĩa Yavê không hết,

lòng xót thương của Người không cạn,

mỗi buổi sáng thì lại mới  luôn.

Lớn thay tín nghĩa của Người! (Ai ca3:22-23)

Phan Sinh Trần