Những bàn tay đã nắm

 Những bàn tay đã nắm 

Một lần ông xã ngồi mân mê bàn tay tôi rồi hỏi: “Nói anh nghe, bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay rồi?” Một câu hỏi không hề dễ trả lời, thậm chí là không thể trả lời cho chính xác. Có những bàn tay ta nắm rồi buông, và chẳng bao giờ còn nhớ lại. Có những bàn tay, nắm rồi nhớ mãi dù năm tháng đi qua

Bàn tay tôi nắm đầu tiên là của ai, là bố hay là mẹ? Tôi chắc chắn không biết. Nhưng tôi biết đó là hai bàn tay tôi đã nắm nhiều nhất thuở ấu thơ. Những bàn tay to, thô ráp bởi cày cuốc ruộng đồng, những bàn tay như thần thánh có thể làm hết thảy mọi việc. Bàn tay bố dắt tôi chập chững bước đi. Bàn tay mẹ cầm tay tôi uốn từng nét chữ. Bất cứ khi nào tôi ngã, hay khi tôi buồn khóc, ốm đau, sẽ có bàn tay rộng lượng chìa ra cho tôi nắm vào để biết rằng mình đang được vỗ về an ủi. Sau này lớn lên, tôi lấy chồng xa, thỉnh thoảng đưa con về thăm nhà, ngủ chung với mẹ. Những đêm chờ mẹ ngủ say, tôi cầm bàn tay mẹ áp vào ngực mình. Bàn tay vẫn to, đầy những nốt chai sần và nay đã nhăn nheo gầy guộc. Và tôi khóc, cảm giác nhớ tiếc một cái gì đó.

Tôi nhớ bàn tay người con trai đầu tiên mà tôi gọi đó là mối tình đầu. Đôi bàn tay đẹp, dài với những chiếc móng được cắt gọt cẩn thận. Người ấy thường nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, dùng ngón tay mình vẽ vẽ vào lòng bàn tay tôi rồi hỏi: “Đố em biết anh vừa viết gì?”. Tôi lắc đầu. Anh cười nói anh viết rằng: “Anh muốn nắm tay em đi hết con đường đời dài rộng” .Nhưng rồi mọi lời hứa hẹn đều như gió thoảng mây bay. Bàn tay ấy đã buông lơi, thôi không còn nắm tay tôi mà tìm đến một bàn tay khác. Những lúc buồn, tôi vẫn vô thức tự vẽ vẽ lên lòng bàn tay mình. Rồi lại tự cười một mình khi nhận ra mình giống hệt một kẻ ngốc.

Ngày có người con trai cầm tay tôi nói lời cầu hôn, tôi cảm nhận rõ sự gai góc xù xì trong bàn tay ấy. Cảm giác ấy khiến tôi liên tưởng đến bàn tay mềm mại của mối tình đầu, rồi chợt thốt lên: “Sao bàn tay anh xấu thế?”. Anh nhìn tôi, bật cười giải thích, vì nó không được lớn lên trong mượt mà nhung lụa mà lớn lên bởi những gánh nặng mưu sinh, vì nó không được nâng niu mà đã bao phen trầy da chảy máu. Rồi anh nhìn vào mắt tôi, bàn tay siết chặt bàn tay: “Em cứ tin, nó không đẹp nhưng chẳng ngại khó khăn nào cả, hãy cứ vững tâm mà nắm lấy, được không?”.

Cuối cùng thì tôi đã nhận lời nắm lấy bàn tay ấy, để anh dắt lên xe hoa, để anh lồng vào ngón tay chiếc nhẫn cưới, để anh lau những giọt nước mắt ngày tôi về nhà chồng. Bàn tay ấy đã tự vào bếp nấu cho tôi bát cháo ngày tôi ốm, tự cắm hoa vào lọ những ngày kỉ niệm yêu đương. Bàn tay ấy đã dắt tôi đi qua bao nhiêu ngày tháng chông chênh đan xen những lo toan và niềm hạnh phúc. Đôi bàn tay xù xì nhưng cứng cáp và ấm áp vô ngần.

Ngày tôi đau tưởng chừng xé ruột để cho chào đời một sinh linh, đứa con gái bé bỏng của tôi sau khi được y tá tắm rửa sạch sẽ được đặt nằm cạnh mẹ. Hai bàn tay nhỏ xíu yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng chạm vào bàn tay con, hạnh phúc đến ứa nước mắt. Đó là khi tôi biết rằng mình đã thực sự trưởng thành, và tin rằng mình sẽ mạnh mẽ hơn để có thể che chở cho con, để dắt con đi suốt những tháng năm thênh thang phía trước.

Những đêm nằm bên con, cầm lấy tay con đặt nhẹ lên môi hôn, chợt nghĩ rằng có lẽ ngày xưa mẹ mình cũng nâng niu và yêu thương mình nhiều đến thế. Rồi một ngày con gái mình sẽ lớn, sẽ lại đặt bàn tay vào một bàn tay khác mà con thương yêu. Chỉ mong con gặp đúng người để tin, và bàn tay không bị buông lơi trong nỗi đớn đau thất vọng.

Ngày ông nội mất, tôi nghẹn lòng nhìn bà nội cầm tay ông kể lể về những tháng ngày xưa cũ khi ông bà còn trẻ. Hai người đã cùng nhau sống chung hơn nửa thế kỉ với bao nhiêu yêu thương, giận hờn, khổ đau, hạnh phúc. Vậy mà nay tay bà còn ấm, tay ông đã lạnh ngắt rồi. Chẳng ai cưỡng được số mệnh, chẳng ai đâu. Ai rồi cũng sẽ một ngày về nằm trong lòng đất. Có người ra đi trong ồn ào khóc lóc, có người lìa khỏi thế gian trong lạnh lẽo cô đơn. Người ra đi bởi đã trả xong nợ cõi trần. Chỉ là người ở lại sẽ mang nhiều nuối tiếc xót xa khi biết rằng bao nhiêu yêu thương lúc này cũng không thể sưởi ấm cho người được nữa.

Thỉnh thoảng tôi vẫn đưa tay mình lên trước mặt rồi tự hỏi lại câu chồng mình đã hỏi: Bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay? Nhiều, nhiều lắm. Có những cái nắm tay khiến mình nhớ mãi, có những cái nắm tay buông rồi là quên ngay. Có những cái nắm tay thật chặt, cũng có cái nắm tay buông lơi hờ hững. Chợt nhận ra một bàn tay đẹp không phải là bàn tay thon dài mềm mại với những chiếc móng được tỉa tót sơn màu. Một bàn tay đẹp là chìa ra đúng lúc mình cần, nắm tay mình qua những đoạn đường đời chông chênh sỏi đá, dẫu mệt mỏi cũng không buông, dẫu xa xôi cũng không nản.

Nếu chúng ta đang có những bàn tay để nắm, xin hãy trân trọng từng phút giây. Đừng mơ mộng những bàn tay xinh đẹp của ai kia mà buông lơi bàn tay gần gũi ấm áp ở bên mình. Nắm lấy tay nhau, cử chỉ ấy ấm áp hơn mọi lời nói yêu thương đầu môi chót lưỡi.

Bởi cuộc đời nhiều bất trắc, ai biết được khi nào ai nhắm mắt xuôi tay. Ai biết được khi nào tay mình vẫn ấm áp đây mà bàn tay ai kia đã vô chừng lạnh lẽo. Vậy nên khi sống không đem đến cho nhau sự ấm áp, thì khi lìa khỏi nhân gian có bịn rịn tiếc thương cũng còn ý nghĩa gì?

Lê Giang ( Dân Trí)

 Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Bỏ đảng vì e tội “cõng rắn”!

Bỏ đảng vì e tội “cõng rắn”!

 

Hà Sĩ Phu

Đánh giá Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam cận-hiện đại là một vấn đề bức bách nhưng đến nay vẫn còn nan giải do có nhiều mảng tối chưa được rọi sáng bằng các tài liệu gốc hoặc khả tín. Mời bạn đọc tham khảo ý kiến của học giả Hà Sĩ Phu, người nung nấu từ nhiều năm nay về vấn đề này nhằm tìm một lời đáp khả dĩ quy tụ được đại bộ phận dân tộc Việt đi nhanh tới tự do, dân chủ và dứt khoát đứng vững trên quan điểm độc lập, tự chủ để xây dựng và phát triển đất nước. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc xa gần.

Bauxite Việt Nam

Một cụ già 92 tuổi từ Hà Nội vào Đà Lạt du lịch, tìm đến thăm tôi. Ông cụ 92 tuổi này là đảng viên (có lẽ cũng từ tiền khởi nghĩa) nói đã tự ý bỏ đảng (không tuyên bố) từ lâu, từ lúc cụ giật mình nhận ra mình đang ở trong đảng của một “thần tượng” cứu nước mà vô tình hóa ra… “cõng rắn cắn gà nhà”, hoặc ít ra cũng là “rước rắn vào nhà”, thì không có lí do gì một người Việt Nam yêu nước biết trọng danh dự lại còn ở trong đảng của ông ấy nữa! (Chứng tỏ từ lâu đã có những đảng viên nhận thức được như vậy).

Lời tâm sự mộc mạc của cụ tuy không phải điều phát hiện gì mới mẻ, vì nhiều người đã biết, nhưng gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Tôi thường được nghe một số đảng viên bỏ đảng vì thấy đảng bây giờ thoái hóa, không còn trung thành với Hồ Chí Minh, chứ bỏ đảng vì nghi ngờ tác dụng cứu nước của chính ngọn cờ Hồ Chí Minh thì quả thực còn hiếm.

Nghĩ kĩ mà xem, người đảng viên già này có lý. Trước hết phải hệ thống lại quá trình cố thủ của cộng sản Việt Nam trước cơn bão táp sụp đổ của cộng sản toàn thế giới và làn sóng dân chủ hóa đất nước.

– Đầu tiên, thấy Mác-Lê đã bị thế giới bóc trần tính ảo tưởng, phi lí, phi dân chủ và phản tiến hóa, “đảng ta” giảm nhẹ dần Mác-Lê để rút về với “Bác Hồ”. Nhân vật vĩ đại ắt phải có tư tưởng vĩ đại, nhưng cái pháo đài “tư tưởng Hồ Chí Minh” không vững vì chính Hồ Chí Minh đã nói “Tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê, các vị Stalin, Mao Trạch Đông đã viết hết cả rồi”, và thực tế tất cả giáo lí của Hồ Chí Minh không có gì ngoài những quan điểm chuyên chính vô sản đã được “Khổng-Mạnh hóa và nông dân hóa” (dễ hiểu thôi, vì Nho giáo và nông dân chính là mảnh đất lí tưởng để gieo rắc chủ nghĩa Mác-Lê).

– Sau đó chống chế rằng Hồ Chí Minh có tư tưởng chứ, đó là “kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội”, nhưng rồi cái đuôi “chủ nghĩa xã hội” cũng chẳng vững chắc gì, bèn tô đậm thêm cho Hồ Chí Minh chẳng những ưu việt về tư tưởng mà cả về “đạo đức, phong cách”. Nhưng “đạo đức và phong cách” của Hồ Chí Minh cũng không ít chuyện rắc rối.

– Chừng ấy thành trì đều lung lay nên những đảng viên thức thời nhất đã bỏ phắt cái đuôi Mác-Lê để cứu Hồ Chí Minh và cũng để cứu mình khỏi chết chùm với con tàu cộng sản thế giới. Họ lập luận “Hồ Chí Minh chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải người cộng sản, chỉ dùng cộng sản làm phương tiện”. Đã rút về một Hồ Chí Minh, lại thu gọn thêm về một “chủ nghĩa yêu nước”, bỏ tuốt tuột những yếu tố cộng sản, tư tưởng, với đạo đức vẫn thường gây rắc rối, thì sự cố thủ trong lô-cốt ấy tưởng vững như bàn thạch, vì cụ Hồ giương cao cờ đánh giặc cứu nước, giành độc lập cho dân tộc thì ai còn cãi được?

Nhưng không, ác hại là bọn giặc Tàu xâm lược không để cho cái lô-cốt ấy được yên. Chúng phải khai triển cái chương trình bành trướng đã hoạch định từ lúc ông Hồ còn sống, chúng cứ lấn từng bước, ngoạm từng mảng như tằm ăn dâu, miếng ngoạm nào cũng nhân danh “tình hữu nghị mà bác Hồ và bác Mao đã dày công xây đắp, đó là tài sản vô giá của hai dân tộc”! Thế là câu chuyện “cõng rắn” ngày càng vỡ lở.

(Nói rõ thêm: Thế là những gì trong trang sử quá khứ phải được lật ra xem lại. Là người Việt Nam đích thực, không ai có thể quên một nghìn năm Bắc thuộc do kẻ thù phương Bắc gây ra, các chế độ của Trung Quốc có thể thay đổi nhưng dã tâm ấy thì xuyên suốt, không hề phai nhạt. Vậy thì một người Việt Nam yêu nước có thể quên điều ấy hay không? Nếu còn nhớ mối nguy truyền kiếp là Tàu thì sao lại lập một chương trình cứu nước xuất phát từ Tàu, lấy căn cứ địa là Tàu, đi lính cho Tàu, lấy vợ Tàu, nhận viện trợ toàn diện của Tàu, nhận cố vấn Tàu, ốm đau chỉ sang Tàu chữa bệnh, khi ngồi với các lãnh tụ Tàu thì bộc lộ sự vui sướng hơn ngồi với những người ruột thịt…

Tóm lại một câu: Dù với động cơ muốn cứu nước chăng nữa nhưng những chuỗi ứng xử như thế dứt khoát mở đường cho Trung Cộng xâm nhập Việt Nam, trải thảm đỏ cho con chó sói đàng hoàng đặt cả 4 chân vào căn nhà Việt Nam. Gọi thế là “õng rắn cắn gà nhà” hay “rước voi giày mả tổ” chắc không có gì quá đáng. Những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc ngày xưa mang danh phản quốc cũng chưa thực hiện được một phần trăm công việc giúp Tàu xâm nhập Việt Nam đến thế. Mục đích tốt nhưng cách đi sai lầm nên gây hiệu quả ngược. Kích thích dã tâm bành trướng của Trung Cộng còn vô tình làm ảnh hưởng xấu đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước nữa.

Có thể giải thích rằng Hồ Chí Minh đã bị cái ảo tưởng “thế giới đại đồng” của cộng sản che mắt nên không nhìn ra kẻ thù, tưởng rằng Tàu Cộng là anh em trong gia đình xã hội chủ nghĩa thì khác hẳn Tàu phong kiến. Nếu thế thì ý thức cộng sản đã chiếm lĩnh cả tâm hồn Hồ Chí Minh, khiến Hồ Chí Minh quên cả chiến lược giữ nước của tổ tiên trước kẻ thù phương Bắc, sao lại bảo Hồ Chí Minh chỉ yêu nước chứ thực sự không phải người cộng sản? Và dù bị ý thức cộng sản che mắt nên mới mắc sai lầm thì hậu quả tai hại sẽ mất nước trước hết vẫn đặt lên vai người dẫn đường, sau đó là do “tầm” của cả dân tộc nói chung, không phải riêng một người hay một số người, đến khi nhận ra thì cái giá phải trả quá lớn.

Có thể bảo đó là sự hạn chế của lịch sử chăng? Sự cố lịch sử nào cũng do con người tiến hành, đều là sự hội tụ của những yếu tố chủ quan và khách quan, nhưng muốn chủ quan là yếu tố năng động có thể hành động tốt hơn thì phải tìm ra ưu điểm, khuyết điểm chủ quan, tìm đúng nguyên nhân thành công và thất bại để rút ra bài học cho những việc sắp tới. Một hiện tượng thường gặp, trước một quá khứ đã được đánh giá là sai lầm, người ta thường chốt lại một câu “bây giờ biết thế là sai nhưng lúc ấy tôi chọn con đường ấy là đúng, là tất yếu, nếu lịch sử lặp lại tôi vẫn đi con đường đó, vì đó là điều kiện khách quan của lịch sử, là sự hạn chế của lịch sử”. Thằng “lịch sử” luôn được lôi ra làm Lê Lai cứu chúa, nhưng xin hỏi: Lúc ấy đã xuất hiện nhiều con đường, đã có người khác, nơi khác chọn con đường khác và họ đã thành công kia mà? Sự chọn sai đường là do chủ quan mình có sai lầm về nhận thức hoặc tâm lí, là do trình độ. Đổ lỗi cho khách quan chẳng qua là để nhận sự sáng suốt về cho mình kiểu tự hào AQ. Tự cho mình là “sáng suốt” như vậy thì tất yếu sẽ tiếp tục đi từ “sáng suốt sai lầm” này đến những “sáng suốt sai lầm” khác mà thôi, sự hạn chế vẫn cứ do lịch sử chứ không phải do trình độ. Dù là trình độ chung của dân tộc, hay một vài dân tộc, của dân trí, không phải của một cá nhân riêng lẻ, cũng phải tự phê phán mới mong thoát khỏi nạn lạc hậu triền miên của một đất nước được suy tôn là bậc “không chịu phát triển”!

Nay trở lại quá khứ để xem xét, với nhận thức toàn cầu hôm nay, rõ ràng việc chọn con đường cộng sản để cứu nước và phát triển đất nước là sai lầm. Đi sai quy luật, phản khoa học nên xã hội không phát triển được đã đành, nhưng phải mượn sức mạnh của Liên Xô, nhất là Trung Quốc để cứu nước mới là sai lầm tai hại hơn, vì như Phan Chu Trinh đã nói mà Nguyễn Ái Quốc không chịu nghe lời: “Lực mình yếu mà muốn dùng bạo lực tất phải nhờ vả người khác, thế thì “thảng như cái phương pháp của ông Phan (Phan Bội Châu) mà thành công, thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cưỡi mà thôi”. (thư Phan Chu Trinh gửi Nguyễn Ái Quốc).

Tàu muốn cưỡi lên lưng Việt Nam một lần nữa do tận dụng cơ hội Việt Nam đã thành đứa em nhỏ mắc nợ trong “đại gia đình cộng sản” và do những ràng buộc của cá nhân Hồ Chí Minh như trên đã nói. Kế hoạch bành trướng kiểu “tằm ăn dâu” của Trung Cộng cứ bám chặt vào “tình hữu nghị Việt – Trung quý báu mà bác Hồ và bác Mao đã dày công xây đắp”, đó là “tài sản quý báu của nhân dân hai nước”. Cứ trương cái “tình hữu nghị, tài sản quý báu” giả tạo mà nuốt dần, nuốt hết tài sản thật của người ta. Tàu xưa nay vẫn thâm, Tàu Cộng lại càng thâm hơn bao giờ hết. Dựa vào “Bác Hồ” để bàn kế thoát Trung là trúng kế của địch, là mở cửa thành cho bành trướng tiến vào. Vì thế, “muốn thoát Trung phải thoát Cộng, muốn toát Cộng phải thoát Hồ”, triết lí cuối cùng của sự nghiệp thoát Trung là như vậy, nhưng bước đi cụ thể thì không thể cứng nhắc mà phải từng bước phối hợp linh hoạt giữa 3 cuộc “thoát” nói trên. Người đảng viên cộng sản còn yêu nước cũng phải thoát khỏi “cái gông cộng sản” mới cứu được nước, tất nhiên thoát Cộng là thoát trong tư tưởng, trong ý thức (và điều này dễ dàng kiểm chứng) chứ không ở chỗ có tuyên bố thoát Cộng hay không.

Phương pháp, cách đi cụ thể thì có nhiều, mỗi người có thể tận dụng thế mạnh của mình để góp phần xứng đáng, nhưng nhận thức thì phải hiểu tận cùng bản chất, không nên mơ hồ, duy cảm hay tự biện hộ.

Trong cơn thoái trào cộng sản, để tự vệ, người cộng sản Việt Nam thường trút bỏ Mác-Lê, trụ lại với Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh thì trút bỏ chất cộng sản, giữ lại chất yêu nước như nơi cố thủ cuối cùng. Nhưng câu chuyện nhỏ của người đảng viên già bỏ đảng khiến tôi thấy rõ nơi cố thủ cuối cùng đó chính là nơi dễ đổ nhất. Yên tâm bám vào chút “hào quang le lói” đó khác nào bám vào sợi chỉ mành trước cơn giông bão của tri thức thời đại và nguy cơ Bắc thuộc mới.

Tôi không phải đảng viên cộng sản nhưng vẫn luôn được các đảng viên cộng sản chia sẻ tâm sự, từ Nguyễn Hộ, Trần Độ đến Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Lê Hiếu Đằng…và vô số đảng viên đang sống hôm nay, trong đó có những đảng viên bỏ đảng như cụ già 92 tuổi vẫn lặn lội vào Đà Lạt thăm tôi vừa kể trên. Vì thế, bỏ đảng hay ở lại trong đảng để đấu tranh tuy không phải việc của tôi, nhưng đã chung nhau một gánh nặng nước non thì cũng xin phép chia sẻ đôi lời bàn góp, nhân được sự thổ lộ chí tình của một đảng viên già bỏ đảng.

Hãy từ bỏ những điểm tựa sai lầm chỉ gây sự phân li để cùng nhau kết lại, cứu nước khỏi tình trạng “quốc gia không chịu phát triển” và thảm họa Bắc thuộc mới mỗi lúc một tới gần!

H.S.P

Tác giả gửi BVN

“Hãy lấy tôi như một viên gạch lót đường cho quý vị tiếp bước….”

“Hãy lấy tôi như một viên gạch lót đường cho quý vị tiếp bước….”

#GNsP (26.7.2017)- Đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biển đảo và chống tội ác hủy hoại môi trường của Formosa là những việc làm khiến chị Trần Thị Nga bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam kết án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế vào chiều ngày 25.07.2017.

Có lẽ dư luận xã hội không quá ngạc nhiên với hình phạt và cái tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” của những phiên tòa dành cho những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho một xã hội dân chủ, văn minh và công bằng. Và, chính bản thân chị Nga cũng bình thản đón nhận bản án bất công và bất nhân này. Theo tường trình từ facebook của luật sư Lê Văn Luân, khi “được dẫn ra thùng xe về trại tạm giam, bà Nga hát rất vang bài Trả Lại Cho Dân”. Tư thế của một anh hùng. Không phải của một tội nhân.

Và chỉ với khí chất của một anh hùng, chị Nga mới có thể có lời nói đầy tâm huyết và nghĩa khí rằng: “Nếu tôi bị bắt hay bị giết, đừng lo lắng cho tôi, nhưng hãy lấy tôi như một viên gạch lót đường để tiếp bước cho quý vị” .

Tôi trân trọng chị và những người như chị. Họ là những “viên gạch lót đường” cực kỳ quý giá cho con đường đi đến một tương lai tươi sáng cho đất nước. Tuy nhiên điều tôi băn khoăn là liệu mỗi một người trong chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để con đường ấy được TIẾP BƯỚC ?

Mặc dù có thể nơi chị Nga sinh sống, nguồn hải sản vẫn chưa bị nhiễm độc, nhưng điều đó không có nghĩa chị cho phép mình bình thản và im lặng trước tội ác hủy diệt môi trường biển của Formosa. Chúng ta có thể TIẾP BƯỚC với sự VÔ CẢM, THỜ Ơ vì hàng ngày vẫn còn được ăn tôm, ăn cá?

Dù gặp nguy hiểm cho bản thân nhưng chị Nga vẫn không thôi đòi hỏi, khao khát một xây dựng một chính quyền thực sự do dân, vì dân. Có câu: “ Chúa Trời không tạo ra quyền lực, nhưng quyền lực được tạo ra từ sự tuân phục của người dân” . Chúng ta có thể TIẾP BƯỚC với sự TUÂN PHỤC, CHẤP NHẬN những gì bất công xã hội hiện tại như một “duyên phận”, như người con gái phải theo chồng dù lòng “không muốn yêu ai có được không?”

Chị Nga giúp những người công nhân đấu tranh đòi quyền lợi của họ, đã mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ cho nhiều trường hợp dân oan từ Bắc chí Nam. Nghĩa là chị đã quan tâm đến giai cấp khốn cùng, thấp cổ bé họng trong xã hội. Chúng ta có thể TIẾP BƯỚC khi tỏ ra hài lòng khi thấy cuộc sống này thật bình yên và vui vẻ với rượu bia nhậu nhẹt, những game show, ca nhạc, với cuộc sống hào nhoáng của giới nghệ sĩ, với những TƯ LỢI kiếm được nhờ vào nền luật pháp vô minh này ?

Không thể kể hết những gian khó, những thiệt thòi mà chị Nga và gia đình gánh chịu trên con đường đấu tranh. Chị bị đánh gãy tay trái và vỡ xương bánh chè chân phải và những bước đi khập khiễng hiện nay là di chứng của những lần bị tấn công hèn hạ và dã man. Chị bị phá hoại tài sản, con cái bị bắt cóc, bị tạt mắm tôm giữa mùa Đông giá rét khi đi thắp hương cho bà về. Chị Nga cũng hiểu rất rõ rằng tù đày hay bị sát hại là những điều chị sẽ phải gặp.

Trong một clip, chị Nga từng chia sẻ rằng: “Công việc đấu tranh của tôi và của nhiều người khác như tôi đã mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên kết quả chưa cao là do mỗi một người trong các bạn chưa lên tiếng, chưa hành động, các bạn còn sợ ảnh hưởng công ăn việc làm, còn sợ liên lụy gia đình, tôi không có gia đình, con cái sao ? Tôi hành động vì chính bản thân gia đình và con cái của tôi …” Vâng! Chúng ta liệu có thể TIẾP BƯỚC với tâm thế SỢ HÃI, HÈN NHÁT, chỉ muốn sống an thân ?

Chị Nga đã nhận ra nguyên nhân khiến đất nước đứng trước họa xâm lăng của Trung Quốc, khiến đạo đức xã hội suy tàn, bất công xã hội tràn lan là do có những lãnh đạo tha hóa, vô đức, vô tài, và chị đã dũng cảm lên tiếng phản đối. Chúng ta liệu có thể TIẾP BƯỚC nếu cứ mãi CUỒNG TÍN vào sự “quang minh, chính đại” của tầng lớp lãnh đạo và cứ hãy luôn tin vào “đường lối lãnh đạo đầy sáng suốt và tài tình” của họ?

“Hãy dùng tôi như viên gạch lót đường để quý vị tiếp bước”. Viên gạch lót đường này được kết dệt bằng cuộc đời hy sinh của một người phụ nữ yêu nước và đầy lòng quả cảm. Đừng để sự hy sinh của chị trở thành vô nghĩa, hãy là những viên gạch kế tiếp để xây dựng nên con đường dẫn đến một nước Việt văn minh, an bình và thịnh vượng.

Điền Phương Thảo

CHỨNG TỪ CỦA THẦY PHÊRÔ HỒ VĂN QUÂN, DCCT (Tu Hiệu Lêônard)

CHỨNG TỪ CỦA THẦY PHÊRÔ HỒ VĂN QUÂN, DCCT (Tu Hiệu Lêônard)

#GNsP – Tôi là Phêrô Hồ Văn Quân, sanh ngày 24-09-1937 tại ấp Long-An, Xã Long-Phú, Quận Long-Mỹ, Tỉnh Rạch Giá. Tôi lớn lên thời chiến tranh đầy lo âu sợ hãi. Hồi nhỏ tôi được đi học trường Họ Trà Lòng do các Nữ Tu Dòng Chúa Quan Phòng dạy. Tới năm 1951, vì muốn đi Chủng Viện, nên tôi phải trốn tránh rời khỏi quê và theo Cậu là Thầy Jean Dòng Thánh Gia Banam đi học nơi cậu dạy là Kon-Pong-Cham. Cũng tại đây tôi được chịu phép Thêm Sức ngày 22-04-1951 do ĐC Joseph Chapalier, GM Nam Vang. Từ năm 1952-1956, tôi về Banam học chuẩn bị vào Đệ Tử Dòng Thánh Gia. Nhưng bị đau bệnh quá nên phải trở về Việt-Nam. Khỏi bệnh, tôi muốn vào dòng khổ tu, nhưng nội tôi không cho vì thấy tôi yếu quá.

Sau đó tôi xin vào DCCT tại Sài-gòn. Khi vào DCCT, tôi lại rất khỏe, lao động tốt. Đến ngày 17-03-1958 tôi được đi Đàlạt vào Nhà Tập. Cha Giáo Tập là Cha Camille Dubé, Cha Phó là Cha Andrê Nguyễn Quang Kiêm. Trong năm Nhà Tập, nhiều lần chúng tôi được đi dạo vùng Blao và Phi-Yang. Có lần Cha Giáo Tập hỏi ai muốn đi Phi-Yang. Tôi dơ tay xung phong vì tôi thấy người Thượng thật đáng thương, tuy các Thầy Già nói ở đó rất nguy hiểm. Tôi khấn dòng ngày 19-03-1959 thì ngày 21-03-1959 tôi được phân công đi Phi-Yang. Tôi tới Phi-Yang ngày 22-03-1959 ở với Cha Antoine Lapointe và Thầy Nicôla Đền. Thầy Nicôla Đền lo tổng quát, còn tôi đi phá rừng với anh em dân tộc để học tiếng. Khi Cha Benoit thay thế Cha Lapointe đi nghỉ ở Canada, tôi xin ngài cho tôi tiếp tục học tiếng, thì ngài nói bắt buộc phải học tiếng. Sau đó tôi được phân công về trung-tâm vừa dạy tiếng Việt cho các em dân-tộc vừa làm giám thị.

Vào năm 1962, chiến trận lây lan, công việc mệt nhọc là di dân về chỗ an toàn. Tập trung về một điểm như ở Dà-Mpao thì lạixảy ra bệnh tật như ỉa chảy vàsởi nơi trẻ em. Người thượng lại không biết kiêng cữ. Cho nên tôi vừa phải đưa các em đi nhà thương vừa phải đưa các em đi chôn. Có ngày tôi phải chôn tới 10 em. Rất khổ tâm. Tôi chịu không nổi muốn xin nghỉ một chút, nhưng các cha nói: Thầy nghỉ, ai lo?

Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, chúng tôi càng ngày càng lao đao với dân. Một địa điểm tập trung lớn là Srê-Dờng (bao gồm dân Bơtong, Kềng-Dà, Ryông-Tô, Phi-Sur) trở thành bãi chiến trường và bị xóa sổ (1968). Cha Tài, từ 1960 ở Phi-Yang rồi Koya, Liên-Khương, Srê-Dờng, kiêm Dà-Mrac, Nreng, Kon-Pang, Kon-Phang, Atô, đến sau Phục-Sinh 1969, ngài rủ tôi đi tìm một chỗ mới cho đàn em sau này. Tôi đồng ý ngay. Những gì tiếp diễn sau đó, phần lớn anh em đã biết, tôi không kể lại chi tiết ở đây. Tôi chỉ có thể nói là tôi tin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng tôi từng bước và Pleikly là Đất Hứa, vì Chúa đã “làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay dám nghĩ tới.” (Ep 3,20)

Tới Pleikly ngày 10-10-1969, chúng tôi cùng ở trong căn phòng dành cho dê vì không có chỗ ở trong nhà nào cả. Chúng tôi cùng đi làm và đi học tiếng với dân. Đến Giáng Sinh năm đó chúng tôi dọn qua một căn nhà sàn cất tạm xong trong Pleikly. Tôi và anh Tín thường cùng đi làm ruộng làm rẫy với dân. Năm 1970, Cha Tài mua một máy cày tay hiệu Kubota cho hai anh em tôi làm nông, mục đích thử nghiệm xem có thể sử dụng cho anh em Jarai không. Chúng tôi cày thử trên đất rẫy đến đầu năm 1971 thì thử nghiệm trên đất ruộng. Chúng tôi thấy cần phải cải tiến nhiều mới sử dụng được cái máy cày tay đó. Nhưng chưa kịp cải tiến thì xảy ra chiến sự tháng 3 năm 1971. Tôi chạy thoát còn Thầy Đàn, Mầu, Tín bị bắt đem vào rừng. Bề Trên cho tôi ở nhà Huế. Năm 1972 gặp “mùa hè đỏ lửa” lại chạy về Đà-Nẵng, rồi chạy vào Sài-Gòn và về Vĩnh Long giúp Đệ Tử.

Đến năm 1973, tôi trở lại với anh em ở Pleikly. Thời này theo sự hướng dẫn của Cha Phán, tôi cùng với anh em lập ra những tổ sản xuất. Riêng tôi phụ trách tổ các Bà Góa làm lò than. Khi lập các tổ sản xuất Jarai thì gặp sự tranh chấp đất đai với người Kinh. Lò than các bà góa chúng tôi bị người Kinh phá. Chúng tôi lại còn phải đấu tranh cho quyền lợi của bà con Jarai bị cướp xén đồ viện trợ, bị dồn vào những khu vực cằn cỗi thiếu thốn, bị xâm phạm tài sản. . . Chính Quyền lúc đó cuối cùng phải nhượng bộ và chính tôi đã đưa những người bị dồn dân trở về làng cũ.

Sau năm 1975, mọi đều như bế tắc và vô cùng khó khăn. Ai cũng sống trong lo âu. Điều đó khiến sức khoẻ tinh thần và thể xác tôi sa sút. Tôi tìm về quê Sóc Trăng trị bệnh và nương tựa lúc khó khăn vì ở quê tôi quen nhiều người hơn, hy vọng sống thanh thản và dễ dàng hơn. Nhưng rồi cũng nảy sinh nhiều khó khăn khác. Cha tôi tuy quen mà vẫn phải năn nỉ ông Chủ Tịch có việc chi cho tôi làm trong khoảng thời gian 3-4 tháng. Lúc đầu Ông cho tôi vào giúp anh kinh tài ấp. Ông cho tôi đi học khóa thống kê chỉnh lý bản đồ và đi các xã của Huyện Thạnh Trị để chỉnh lý bản đồ Huyện. Lúc đó tôi thấy nhẹ thở đôi chút. Xong việc trở về Xã thì họ phân công tôi làm tài chánh Xã. Lúc đó các linh-mục đi lại còn rất khó khăn. Trong khi tôi được tự do đi lại hơn, nên tôi đến được nhiều ấp Công Giáo củng cố đức tin cho họ. Cha tôi thấy ruộng đất họ chia ra hết nên tính lên miền Đông kiếm đất cao phá rừng làm vườn để dưỡng già. Năm 1982, gia đình lên Xã Phú Lý kiếm đất. Đất đồi sỏi đá chỉ trồng chuối và mì. Đất trũng khai phá làm ruộng. Đến năm 1983, Cha tôi mua được một cái nhà ở Phú Dòng để cho mẹ tôi và cháu Thịnh ở cho nó đi học. Phần đất ở Xã Phú Lý nhằm ngay lòng hồ Trị An, nên đến năm 1985 phải di tản. Trong thời gian đó, tôi vẫn ở lại làm việc ở Xã. Cơm ăn trộn mì tối đa. Mấy lần tôi cũng đấu tranh đòi quyền lợi cho dân nhưng không thành công. Tôi xin nghỉ việc. Họ không cho. Tôi cũng có liên lạc với anh em trong Dòng ở Vĩnh Long, Cái Tàu. Đến năm 1984, tôi đào nhiệm lên Phú Lý giúp cha mẹ. Ở dó có Thầy Hội đang phục vụ. Na7m 1985, tôi bị đau gan siêu vi B phải về Sàigòn nằm bệnh viện Chợ Quán có Cha Giám Tỉnh Thao giúp đỡ. Đến năm 1987, tôi lại phải vào bệnh viện Chợ Quán vì sốt rét. Sau khi ra viện thì cha tôi qua đời, Tôi về sống với mẹ và các em, đi bán sinh tố kiếm tiền để giỗ 100 ngày cho cha tôi.

Tôi thấy Chúa thương tôi vô cùng. Qua bao nhiêu năm tháng chỉ có hai bàn tay trắng, Chúa vẫn dưỡng nuôi chúng tôi. Sau khi cha tôi qua đời, Nhà Dòng bảo tôi dẫn anh em đi Pleikly thử. Tôi lên Pleikly thấy anh chị em Jarai ồ ạt trở lại trong lúc tình hình vẫn rất khó khăn. Tôi xin anh Tín gửi cho cha Bề Trên ít chữ cho tôi được trở lại Pleikly. Để chia sẻ gánh nặng với anh Tín nên ngày 29-11-1993 tôi nhận chức Phó Tế vĩnh viễn. Tôi vừa trông coi nhà cửa vừa hướng dẫn giáo lý dự tòng và hôn nhân cho cả Kinh lẫn Thượng. Tôi cũng tham gia thanh tẩy cho người lớn và trẻ em.

Tạ ơn Chúa và Nhà Dòng vô cùng, vì tôi học hành chẳng có gì, sức khoẻ chẳng được bao nhiêu mà Chúa lại ban cho tôi các ơn rất trọng đại, nhất là ơn được anh chị em dân tộc cho tôi được tin vào Chúa Quan Phòng.

Thời gian dư thừa chứ không phải vật chất giúp bạn hạnh phúc hơn

Thời gian dư thừa chứ không phải vật chất giúp bạn hạnh phúc hơn

Làm nhiều việc một lúc
Bản quyền hình ảnh    GETTY IMAGES
Một nghiên cứu mới đưa ra kết luận sử dụng tiền mua thời gian, thay vì mua của cải vật chất, có thể giúp bạn hạnh phúc hơn.

Dùng tiền để giải phóng thời gian là nhân tố có liên quan tới mức gia tăng hạnh phúc, một nghiên cứu cho biết.

Những người tham gia một cuộc thử nghiệm cho biết họ rất vui nếu phải chi ra 30 bảng Anh (40 USD) để tiết kiệm thời gian – như thuê người giúp đỡ việc nhà – hơn là bỏ số tiền đó để mua các sản phẩm vật chất.

Các chuyên gia tâm lý nói căng thẳng do thiếu thời gian dẫn đến suy giảm sức khỏe tinh thần và thể lực và góp phần gây ra tâm lý lo lắng và chứng mất ngủ.

Thế nhưng họ cho biết giàu có cũng ít khi sẵn lòng chi tiền cho người khác để làm thay những công việc mà chính họ không thích làm.

“Sau một loạt các cuộc khảo sát, chúng tôi nhận thấy những người chi tiền để mua thời gian rảnh là những người hạnh phúc hơn – họ hài lòng với cuộc sống hơn,” tiến sỹ Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý học tại Đại học British Columbia, Canada, cho biết.

Mức độ hài lòng về cuộc sống

Thu nhập tăng tại nhiều quốc gia đã dẫn đến một hiện tượng mới. Từ Đức tới Mỹ, mọi người nói về sự “khan hiếm thời gian”, khi mà họ cảm thấy căng thẳng bởi những đòi hỏi về thời gian trong cuộc sống hàng ngày.

Các nhà tâm lý tại Mỹ, Canada và Hà Lan đã thực hiện một cuộc nghiên cứu để xem việc dùng tiền để giải phóng thời gian liệu có thể làm tăng mức độ hạnh phúc.

Hơn 6000 người lớn ở Mỹ, Canada, Đan Mạch và Hà Lan, trong đó bao gồm 800 triệu phú, được hỏi số tiền họ đã dùng để mua thời gian.

Các nhà nghiên cứu cho biết chưa tới 1/3 số người được hỏi đã dùng tiền để mua thời gian cho mình mỗi tháng.

Những người này nói họ có độ hài lòng về cuộc sống của mình cao hơn những người khác.

Sau đó, các nhà nghiên cứu làm một thử nghiệm trong vòng hai tuần với 60 người trưởng thành đang làm việc tại Vancouver, Canada.

Vào hai ngày cuối tuần, những người tham gia thử nghiệm được đề nghị chi 30 bảng Anh (40 USD) cho một việc có thể giúp họ tiết kiệm thời gian. Họ đã tiêu tiền vào những thứ như mua đồ ăn trưa được giao tới tận cơ quan, chi tiền cho trẻ con hàng xóm giúp làm việc vặt, hoặc chi tiền cho dịch vụ dọn dẹp.

Hai ngày cuối tuần còn lại, họ được đề nghị chi khoản tiền được cho không đó để các sản phẩm vật chất như rượu, quần áo và sách.

Kết quả của cuộc nghiên cứu, được đăng trên tạp chí chuyên ngành của Học viện Khoa học Quốc gia, cho thấy tiết kiệm thời gian làm tăng mức độ hạnh phúc cao hơn so với mua sắm vật chất do giúp giảm được cảm giác căng thẳng về thời gian.

‘Làm thêm ca’

“Trong thực tế, tiền có thể mua được thời gian. Và nó có thể mua thời gian một cách khá hiệu quả,” giáo sư Dunn, làm việc cùng các đồng nghiệp của Trường Kinh doanh Harvard và Đại học Maastricht, cho biết.

“Và thông điệp tôi muốn nói là, ‘hãy nghĩ mà xem, có điều gì bạn ghét đến mức cứ nghĩ đến đã sợ mà bạn có thể trả tiền cho người khác làm thay bạn hay không?’ Nếu có, thì khoa học đã chứng minh đây chính là một cách khá tốt để tiêu tiền.”

Các nhà tâm lý nói rằng nghiên cứu này có thể giúp những người vốn bị buộc phải “làm thêm ca” tức là công việc nội trợ sau khi đã từ công sở về nhà.

“Tôi nghĩ nghiên cứu của chúng tôi có lẽ sẽ tạo ra một lối thoát cho việc phải “làm thêm ca”,” giáo sư Dunn nói thêm.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy những người đặt thời gian lên trên tiền bạc có xu hướng hạnh phúc hơn những người coi trọng tiền bạc hơn thời gian.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối bản án dành cho Trần Thị Nga

Các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối bản án dành cho Trần Thị Nga

RFA Vietnamese
2017-07-25
 
 

Nhà hoạt động Trần Thị Nga

Nhà hoạt động Trần Thị Nga

 Ảnh: Citizen
 

Hai tổ chức gồm Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), lên tiếng phản đối ngay sau khi có tin về bản án 9 năm tù và 5 năm quản chế mà tòa án tỉnh Hà Nam tuyên đối với nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga.

Ân Xá Quốc Tế cho đó là một bản án vô nhân đạo và kêu gọi Việt Nam phải ngay lập tức hủy bỏ án đó vì tù nhân lương tâm Trần Thị Nga không làm gì khác ngoài việc ôn hòa bảo vệ quyền con người.

Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á- Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế, ông Josef Benedict, nói rằng bản án tuyên cho bà Trần Thị Nga vào ngày 25 tháng 7 là lần tuyên án thứ hai trong vòng không đầy một tháng đối với một nhà hoạt động nữ chuyên bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Josef Benedict cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam đang tăng cường nổ lực bỏ tù những nhà hoạt động ôn hòa trong nước. Chính quyền Hà Nội đang tiêu diệt những cá nhân can trường cũng như gia đình họ chỉ để nhằm đe dọa những người khác lên tiếng.

Đại diện của CPJ tại khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin, cũng kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt biện pháp đàn áp đối với những blogger can đảm như bà Trần Thị Nga.

CPJ nhắc lại việc nhà hoạt động Trần Thị Nga bị giam giữ hơn 6 tháng trời trước khi bị đưa ra xét xử. Còn trước khi bị bắt bà này từng lên tiếng về tình trạng bị sách nhiễu trong nhiều năm. Vào năm 2014 bà bị tấn công bằng tuýt sắt khiến bị thương ở tay trái và chân phải.

Theo Ân Xá Quốc Tế thì hiện có hơn 90 tù nhân lương tâm tại Việt Nam và con số này đang tăng lên.

Tổ chức này kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt ngay những hạn chế hà khắc đối với những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.

Còn theo CPJ thì Việt Nam hiện bỏ tù ít nhất 8 nhà báo kể từ năm 2016 đến nay khi mà tổ chức này tiến hành thống kê hằng năm về tình trạng nhà báo bị tù tội khắp thế giới.

S. T.T.D Tưởng Năng Tiến – Buồn Vào Hồn Không Tên

S. T.T.D Tưởng Năng Tiến – Buồn Vào Hồn Không Tên

Tưởng Năng Tiến
 

 

 

 

 

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm (1930- 2017)

Có bữa tôi đang ngồi lơ tơ mơ hút thuốc thì chuông điện thoại reo:

– Tiến hả?
– Dạ…
– Vũ Đức Nghiêm đây…
– Dạ…
– Anh buồn quá Tiến ơi, mình đi uống cà phê chút chơi được không?
– Dạ …cũng được!

Tôi nhận lời sau một lúc tần ngần nên tuy miệng nói “được” mà cái giọng (nghe) không được gì cho lắm. Tôi cũng thuộc loại người không biết làm gì cho hết đời mình nên thường rảnh nhưng không rảnh (tới) cỡ như nhiều người trông đợi. Sống ở Mỹ, chớ đâu phải Mỹ Tho mà muốn đi đâu thì đi, và muốn đi giờ nào cũng được – mấy cha?

Khi Mai Thảo và Hoàng Anh Tuấn còn trên dương thế, thỉnh thoảng, tôi cũng vẫn nghe hai ông thở ra (“anh buồn quá Tiến ơi”) y chang như thế. Chỉ có điều khác là ông nhà văn khi buồn thì thích đi uống rượu, ông thi sĩ lúc buồn lại đòi đi … ăn phở, còn bây giờ thì ông nhạc sĩ (lúc buồn) chỉ ưa nhâm nhi một tách cà phê nóng. Ai sao tui cũng chịu, miễn đến chỗ nào (cứ) có bia bọt chút đỉnh là được!

Vũ Đức Nghiêm sinh sau Mai Thảo và trước Hoàng Anh Tuấn. Ông chào đời vào năm 1930. Hơn 80 mùa xuân đã (vụt) trôi qua. Cả đống nước sông, nước suối – cùng với nước mưa và nước mắt – đã ào ạt (và xối xả) chẩy qua qua cầu, hay trôi qua cống. Những dịp đi chơi với ông (e) sẽ cũng không còn nhiều lắm nữa. Tôi chợt nghĩ như thế khi cho xe nổ máy.
Quán cà phê vắng tanh. Nhạc mở nhỏ xíu nhưng tôi vẫn nghe ra giai điệu của một bài hát rất quen:

Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.
Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương…

– Hình như là nhạc Vũ Đức Nghiêm … Anh nghe xem có đúng không? Tôi đùa.
– Em nói nghe cái gì?
– Anh thử nghe nhạc coi…
– Nhạc của ai?

Tôi chợt nhớ ra là ông anh đã hơi nặng tai nên gọi cô bé chạy bàn:

– Cháu ơi, người ngồi trước mặt chúng ta là tác giả của bản nhạc Gọi Người Yêu Dấu mà mình đang nghe đó. Cháu mở máy lớn hơn chút xíu cho ổng … sướng nha!

Thấy người đối diện có vẻ bối rối vì cách nói vừa dài dòng, vừa hơi quá trịnh trọng của mình nên tôi cố thêm vào một câu tiếng Anh (vớt vát) nhưng ngó bộ cũng không có kết quả gì. Đúng lúc, chủ quán bước đến:

– Cháu nó mới từ Việt Nam sang, ông nói tiếng Mỹ nó không hiểu đâu. Ông cần gì ạ?
– Dạ không, không có gì đâu. Never mind!

Tôi trả lời cho qua chuyện vì chợt nhận ra sự lố bịch của mình. Cùng lúc, bản nhạc của Vũ Đức Nghiêm cũng vừa chấm dứt. Tôi nhìn anh nhún vai. Vũ Đức Nghiêm đáp lại bằng một nụ cười hiền lành và … ngơ ngác!

Tự nhiên, tôi thấy gần và thương quá cái vẻ ngơ ngác (trông đến tội ) của ông. Tôi cũng bị nhiều lúc ngơ ngác tương tự trong phần đời lưu lạc của mình. Bây giờ hẳn không còn ai, ở lứa tuổi hai mươi – dù trong hay ngoài nước – còn biết đến tiếng “Gọi Người Yêu Dấu” (“ngập ngừng tha thiết bồn chồn”) của Vũ Đức Nghiêm nữa. Thời gian, như một giòng sông hững hờ, đã vô tình bỏ lại những bờ bến cũ.

Vũ Đức Nghiêm, tựa như một cây cổ thụ hiếm hoi, vẫn còn đứng lại bơ vơ bên bờ trong khi bao nhiêu nhạc sĩ cùng thời đều đã ra người thiên cổ. Trúc Phương là một trong những người này. Qua chương trình Bẩy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam, nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam đã cho biết nhiều chi tiết vô cùng thê thiết về cuộc đời của người viết nhạc (chả may) này.

Trang sổ tay hôm nay, chúng tôi xin được nắn nót ghi lại đây những nhận xét của Hoài Nam, và mong được xem như một nén hương lòng (muộn màng) gửi đến một người đã khuất:

“Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam được yêu mến nhất, từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu Bolero tha thiết trữ tình. Ông tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, ra chào đời năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tức Vĩnh Bình – một xứ Chùa Tháp thu nhỏ ở vùng hạ lưu sông Cửu Long…”

Tháng 4 năm 1975, Trúc Phương bị kẹt lại. Năm 1979, ông vượt biên nhưng bị bắt và bị tù. Sau khi được thả, cuộc sống của ông trở nên vô cùng thê thảm về thể xác vật chất cũng như tinh thần. Trong một đoạn video phỏng vấn ông, được Trung Tâm Asia phổ biến tại hải ngoại, Trúc Phương cho biết:.

“Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rài đây mai đó,’bèo dạt hoa trôi’… Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no…Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nổi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được…đến nửa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắc, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả.Tôi nghĩ ra được một cách..là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ…Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, 1 chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng…thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta..thế là mình lấy 1 đồng về….như là tiền thế chân…Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng…Mà nói anh thương…khổ lắm….Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi ,tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè’, thế rồi cũng phải nằm thôi.Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát…mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn …Tôi nghĩ mà thôi , còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này…”

 
Chất liệu, rõ ràng, đã có (và có quá dư) nhưng cơ hội để Trúc Phương viết bài sau này (tiếc thay) không bao giờ đến – vẫn theo như lời của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam:

“Vào một buổi sáng năm 1996, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân. Thế nhưng xét về mặt tinh thần Trúc Phương đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá.”

“Chúng ta ở đây là những người yêu nhạc, trong nước cũng như hải ngoại, bên này cũng như bên kia chiến tuyến. Bởi vì hơn ba mươi ca khúc nổi tiếng của ông cho dù có một hai bài có nhắc đến chữ ‘cộng hoà’ vẫn phải được xem là những tình khúc viết cho những con người không phải cho một chế độ chính trị nào. Những con người sinh ra và lớn lên trong một cuộc chiến không lối thoát với niềm khắc khoải chờ mong một ngày thanh bình . Cuối cùng thanh bình đã tới nhưng không phải là thứ thanh bình mà những ‘con tim chân chính’ trong nhạc của Lê Minh Bằng hằng mơ ước mà là thứ thanh bình của giai cấp thống trị, của một thiểu số may mắn nào đó. Chính cái thanh bình ấy đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng trong đó có người Việt Nam xấu số đáng thương tên Nguyễn Thiện Lộc, tức nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng của chúng ta.”

Thôi thì cũng xong một kiếp người! Và dòng đời, tất nhiên, vẫn cứ lạnh lùng và mải miết trôi. Sáng nay, tôi lại chợt nhớ đến Trúc Phương sau khi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn ngắn – trên báo Pháp Luật, phát hành từ trong nước:

“Ngày 31-1, một số cán bộ hưu trí, người dân ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM) bức xúc phản ánh cuộc họp mặt đầu năm do phường tổ chức … Ngay phần khai mạc lúc gần 9 giờ sáng, trên nền nhạc hip hop, hai phụ nữ ăn mặc hở hang, thiếu vải lên nhún nhảy, múa những động tác khêu gợi. Hai thanh niên múa phụ họa. Quan sát đoạn video chúng tôi thấy nhiều cán bộ hào hứng xem tiết mục ‘lạ mắt’ này. Có cán bộ còn dùng điện thoại quay lại cảnh hai cô gái biểu diễn, ưỡn người và ngực về phía khán giả. Nhiều người tham gia rất hào hứng, chỉ trỏ, thì thầm vào tai nhau…

Chúng tôi tiếp tục liên lạc với bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phó Chủ tịch phường kiêm Chủ tịch Công đoàn phường … bà Tuyền lý giải: ‘Tiết mục múa chỉ diễn ra gần 3 phút và đây là vũ điệu theo phong cách Hawaii nên hơi lạ…”

Nếu ngay sau khi chiếm được miền Nam mà qúi vị cán bộ cộng sản cũng có được cách “lý giải” tương tự thì thì Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn … đã không phải bỏ thân nơi đất lạ. Vũ Đức Nghiêm cũng đã tránh được những giây phút bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng ở xứ người. Và Trúc Phương thì chắc chắn vẫn sẽ còn ở lại với chúng ta, vẫn có những đêm khắc khoải buồn vào hồn không tên, thay vì nằm chết cong queo trong đói lạnh – trên một manh chiếu rách – với tài sản duy nhất còn lại chỉ là một đôi dép nhựa.

Mọi cuộc cách mạng luôn luôn có cái giá riêng của nó. Riêng cái thứcách mạng (thổ tả) của những người cộng sản Việt Nam thì đòi hỏi mọi người đều phải trả cái giá (hơi) quá mắc mà thành quả – xem ra – không có gì, ngoài tội ác!

Tưởng Năng Tiến

Đông Kinh Nghĩa Thục: Cuộc Cách Mạng Giáo Dục Đầu Tiên Ở VN

From facebook:  Bang Uong
Đông Kinh Nghĩa Thục: Cuộc Cách Mạng Giáo Dục Đầu Tiên Ở VN

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Cách đây 110 năm, một số nhà trí thức yêu nước tiên tiến đã thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) tại Hà Nội, khởi đầu một phong trào yêu nước chống phong kiến chống thực dân với tính chất hoàn toàn mới chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Ở đây, Nghĩa thục là trường tư thục (do tư nhân mở) vì nghĩa, tức vì lợi ích chung, không vì tư lợi, không thu tiền của người học. Đông Kinh là tên thành Thăng Long thời Hồ Quý Ly, tức Hà Nội hiện nay, địa điểm đặt trường.

ĐKNT do một nhóm sĩ phu Bắc Hà đồng sáng lập: Lương Văn Can (Thục trưởng, tức Hiệu trưởng), Nguyễn Quyền (Giám học) và Lê Đại, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Kỳ, Dương Bá Trạc, Vũ Hoành v.v… Họ đều là các nhà Nho, trong đó cử nhân Dương Bá Trạc mới 23 tuổi, cử nhân Nguyễn Hữu Cầu 28 tuổi, nhiều tuổi nhất là Lương Văn Can 53 tuổi.

Do có cùng chí hướng và nhận thức, lại tiếp thu trào lưu duy tân từ Nhật Bản, Trung Quốc và tư tưởng tiên tiến của hai nhà đại cách mạng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, nên họ đã tự tìm đến với nhau họp bàn và nhất trí chủ trương noi gương Nhật Bản, trước hết mở trường dạy cho đông đảo đồng bào các kiến thức cần thiết nhất để làm cho dân giàu nước mạnh, cuối cùng tiến tới mưu đồ sự nghiệp giải phóng đất nước. Hai cụ Phan có liên hệ chặt chẽ với nhóm này. Do từng thăm trường Khánh ứng Nghĩa thục (Keio Gijuku, lập năm 1868) của Fukuzawa Yukichi ở Tokyo nên hai cụ rất hiểu tác dụng của giáo dục quốc dân đối với việc thực hiện “quốc phú binh cường” (nước giàu, quân mạnh) ở nước Nhật. Vì thế các cụ đã gợi ý nhóm sĩ phu nói trên lập ra ĐKNT.

Theo tài liệu do ĐKNT biên soạn thì đây là trường học đầu tiên được lập ở Việt Nam: “Nước Nhật Bản chỉ có 43 huyện mà có đến 26.824 trường tiểu học. Nước ta hơn 30 tỉnh, hơn 500 huyện mà chưa nghe ai nói tới mở trường. Than ôi! Chẳng phải là đáng giận lắm sao?”[1] Thực ra nước ta ngày ấy tuy chưa có trường học theo nghĩa có trường sở, có bộ máy tổ chức quản lý và giảng dạy, đào tạo học sinh theo một chương trình nhất định, nhưng cũng có không ít cơ sở giảng dạy văn hóa Nho giáo như các lớp học tại gia của thầy đồ. Cơ sở lớn nhất là Quốc tử Giám Văn Miếu, được gọi là “trường đại học đầu tiên”. Nhưng mọi hoạt động giáo dục thời xưa chỉ nhằm đào tạo người làm quan, như đạo Khổng dạy: Học nhi ưu tắc sĩ (Học giỏi thì ắt làm quan). Về sau, từ cuối thế kỷ XIX, Thống sứ Trung Bắc lưỡng kỳ Paul Bert (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp) bắt đầu mở một số trường tiểu học Pháp-Việt nhằm đào tạo người làm việc cho thực dân Pháp. Nhưng một trường học kiểu ĐKNT thì đúng là nước ta chưa từng có (kể cả hiện nay)!

ĐKNT khai giảng tháng 3/1907 tại Hà Nội, hai tháng trước khi có giấy phép của chính quyền cai trị. Trường không thu học phí, các tài liệu giảng dạy và tuyên truyền đều phát không cho học viên, hơn nữa còn phát hành trên cả nước. Ai muốn học đều được nhận, bất kể già trẻ gái trai, kể cả nhà Nho muốn học tiếng Pháp. Kinh phí hoạt động dựa vào sự đóng góp tùy tâm của dân; giáo viên thời gian đầu không lĩnh lương. Bộ máy nhà trường gồm 4 ban: Giáo dục (mở lớp và giảng dạy), Tu thư (soạn tài liệu giảng dạy và tuyên truyền), Cổ động (tuyên truyền), Tài chính (lo kinh phí). Trường dạy các môn: Quốc ngữ, chữ Hán (chỉ để đọc tân thư), tiếng Pháp, các thường thức về xã hội, lịch sử, địa dư, chính trị, kinh tế, quyền công dân. Nhà trường có một cơ quan ngôn luận riêng là tờ Đại Việt Tân báo; một thư viện nhiều sách báo với thủ tục cho mượn là chỉ cần đọc xong thì trả lại; một hòm thư trưng cầu ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng trường… Với hình thức tổ chức như vậy, ĐKNT đúng là một trường học tiên tiến chưa từng có trong lịch sử nước ta, Trung Quốc thời ấy cũng chưa có.

ĐKNT đặc biệt chú trọng việc biên soạn tài liệu giảng dạy, tuyên truyền. Các lớp bậc cao dùng ngay tân thư Nhật Bản và Trung Quốc (chủ yếu do TQ dịch từ sách Nhật) để giảng dạy, vì học viên đã biết chữ Hán nên có thể trực tiếp đọc sách. Các lớp dưới dùng sách quốc ngữ hoặc chữ Hán do trường biên soạn. Văn thơ của các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền…cũng được dùng để giảng dạy. Nội dung các tài liệu nói trên đều nhằm nâng cao lòng yêu nước, đả phá nền cựu học khoa hoạn phong kiến cùng lối sống cũ, đề xướng tân học cùng lối sống mới, học văn minh phương Tây, học chữ Quốc ngữ và khoa học kỹ thuật, chấn hưng kinh tế …

Hội quán ĐKNT (mới đầu ở nhà số 4 phố Hàng Đào) treo một bản đồ tổ quốc cỡ lớn chưa từng thấy nhằm khích lệ lòng yêu nước một cách trực quan, cảm tính. Đồng bào rủ nhau đến xem rất đông, ai cũng xúc động vì hầu như đây là lần đầu tiên họ được biết hình dạng tổ quốc mình trên trái đất. Một số tài liệu nhà trường phát không cho học viên có nội dung vạch tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi đồng bào đứng lên cứu nước. Như “Hải ngoại Huyết thư” của Phan Bội Châu được Lê Đại dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt, chuyển thành thể thơ song thất lục bát có vần điệu rất hay, dễ nhớ dễ truyền khẩu, hầu như cả nước ai cũng thuộc lòng. Những câu như

Đội trời đạp đất ở đời

Sinh ra Nam quốc là người trượng phu

Ai cũng bụng phục thù báo quốc

Thấy giống người nước khác ai ưa?

Cớ sao ngày tháng lần lừa

Rụt rè như thế, đợi chờ ngóng trông?

Lẽ vinh, sỉ, có hai đường ấy

Anh em ta đã nghĩ cho chưa?

Gió tanh xông mũi khó ưa

Gươm sao cắp nách mà ngơ cho đành

Hòn máu uất chất quanh đầy ruột

Anh em ơi, xin tuốt gươm ra!…

Cờ độc lập xa trông phấp phới

Kéo nhau ra đòi lại nước nhà![2]

sao mà kích động lòng người, như tiếng trống trận thúc dục họ đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng tổ quốc!

Với nội dung hoạt động như vậy, ĐKNT lập tức được nhân dân ta vốn giàu lòng yêu nước và hiếu học hăng hái hưởng ứng, ủng hộ. Số học viên từ khoảng dăm chục lúc đầu sau vài tháng lên tới mấy nghìn, và tiếp tục tăng dần. Nhiều nhà trí thức Nho học và Tây học tự nguyện tham gia giảng dạy, như hai nhà Tây học nổi tiếng nhất hồi ấy là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn giúp dạy tiếng Pháp. Cụ Phan Châu Trinh từ Quảng Nam ra Hà Nội diễn thuyết tuyên truyền cho ĐKNT. Đồng bào các giới nô nức góp tiền của cho trường, có lúc nhiều tới mức thu không xuể. Nhân sĩ khắp ba kỳ kéo nhau đến xem trường, ai nấy đều hồ hởi hoan nghênh, ủng hộ. Thời gian đầu bọn Pháp cũng không ngăn cấm mà còn phỉnh phờ. Phong trào lan ra nhanh chóng. Sĩ phu ở một số tỉnh tự động lập phân hiệu của ĐKNT. Bà con ta truyền nhau mấy câu thơ:

Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ

Khắp ba mươi sáu phố Hà thành

Gái trai nô nức học hành

Giáo sư tám lớp, học sinh non ngàn.

Buổi diễn thuyết người đông như hội

Kỳ bình văn khách tới như mưa.

Trong hoàn cảnh hồi ấy, khi tất cả các cuộc nổi dậy chống Pháp đều bị kẻ địch dìm trong biển máu, lối thoát cho công cuộc giải phóng dân tộc ta rõ ràng chưa thể là khởi nghĩa vũ trang, mà là chuẩn bị lực lượng quần chúng: trau dồi cho đông đảo đồng bào lòng yêu nước và các kiến thức cần thiết nhất để đổi mới xã hội về mọi mặt kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, làm cho dân giàu nước mạnh. ĐKNT chọn giáo dục quốc dân làm biện pháp chuẩn bị lực lượng cách mạng là sự lựa chọn sáng suốt hồi ấy. Gây dựng được phong trào đông đảo quần chúng hăng hái học tập như thế thật là việc chưa từng có trong lịch sử nước ta.

ĐKNT trước hết tập trung vào chủ đề giáo dục. Nền giáo dục nước ta xưa nay rập khuôn TQ “đặt đạo đức lên đầu, xem trí năng là thứ yếu, cho nên không nói tới giáo dục quốc dân … Chỉ những ai có chí làm công khanh, đại phu mới đi học, chớ không phải là giáo dục quốc dân nhằm phổ biến rộng rãi trong dân chúng, mà là định phân trên dưới, giữ gìn lễ phép. Đường lối giáo dục quốc dân không phải như thế, mà là làm rõ cái lý tương quan giữa nước với dân, sao cho họ biết vị trí của họ trong xã hội, chức phận ra sao, và làm thế nào để gây ý thức ái quốc ái quần, bồi dưỡng tài năng tự trị, tự lập… Một nước không có giáo dục quốc dân thì trăm họ u mê, không biết quốc gia, chính trị là gì.”[3] ĐKNT kêu gọi:

Liệu mà sớm bảo nhau đi

Giàu thì giúp của, nghèo thì gắng công

Khăng khăng ghi lấy một lòng

Sang Âu, sang Mỹ học tòng nghề hay

Bao nhiêu nghề khéo nước ngoài

Học sao cho được hơn người mới nghe

Bấy giờ rồi liệu trở về

Mở trường trong nước lấy nghề dạy nhau.[4]

Nghĩa là ĐKNT muốn làm cuộc cách mạng về đối tượng, mục đích và phương thức giáo dục: từ chỗ chỉ giáo dục một số ít người chuyển sang giáo dục số đông dân chúng; từ chỗ chỉ đào tạo người làm quan chuyển sang đào tạo người làm công dân, từ giáo dục tự nguyện sang giáo dục bắt buộc; từ chỉ học trong nước sang đi học nước ngoài. Nền giáo dục cũ đều dùng chữ Hán, một thứ chữ rất khó học, chỉ một số cực ít người muốn làm quan và có điều kiện mới chịu học. Kiến thức họ được học toàn là các kinh điển Nho giáo, văn chương cổ lỗ có từ hàng nghìn năm trước, xa rời thực tế xã hội, không ích gì cho phát triển kinh tế, chính trị, KHKT, nâng cao đời sống của dân. Hậu quả là các nhà Nho vô dụng lại làm quan cai trị dân. Chính vì thế mà dân ngu nước yếu, không chống nổi ngoại xâm. Đã vậy giới hủ nho lại mù quáng tôn vinh văn minh Nho giáo cổ hủ, tự cao tự đại, khinh thường mọi thứ của người Tây, như văn minh phương Tây, chữ Quốc ngữ (do các giáo sĩ người Âu làm ra), KHKT và văn minh vật chất. Các yếu nhân ĐKNT tuy vốn là nhà Nho song do tiếp thu được tư tưởng duy tân từ Nhật và TQ nên họ thấy rõ muốn dân giàu nước mạnh thì trước hết phải nâng cao dân trí, tức tiến hành giáo dục quốc dân nhằm thực thi “Khai dân trí” – nội dung đầu tiên trong phương châm cách mạng Việt Nam thời ấy “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do Phan Châu Trinh nêu ra.

Muốn mở dân trí, phải kiên quyết đả phá nạn hủ nho. “Cáo hủ lậu văn” của ĐKNT viết: “Ôi! các bố, có óc thông minh, ở làng cao sang, đọc sách hiền triết, làm mẫu da vàng! Đương lúc này nghe thấy mới lạ, cuộc đời mở mang, sao không ra tay cứu vớt người chìm đắm, đánh thức kẻ mơ màng! Tại hại thay hủ thư! Đục nát bét các bố! Đau đớn thay hủ nho! Làm các bố lầm lỡ!”

Muốn phổ cập giáo dục thì phải dùng chữ Quốc ngữ. “Văn minh Tân học sách” – cuốn sách có tính cương lĩnh của ĐKNT viết: “Người trong nước đi học nên lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên để trong một thời gian vài tháng, đàn bà trẻ con đều biết chữ và có thể dùng … Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy.” Đúng là nhờ biết chữ Quốc ngữ mà tư duy, trí tuệ của người Việt được giải phóng, mở mang, tiến những bước nhảy vọt hơn hẳn mấy nghìn năm trước. Không có chữ Quốc ngữ thì các tư tưởng tiên tiến của ĐKNT sao có thể đến được quần chúng nhân dân. Mười năm sau (1917), học giả Phạm Quỳnh đưa ra nhận định: chữ Quốc ngữ là công cụ giải phóng trí tuệ người Việt.

Làm cho dân ta chấp nhận một loại chữ viết mới thay cho chữ Hán quen dùng hàng nghìn năm là một cuộc cách mạng lớn về văn hóa giáo dục. Hầu hết người trí thức ở ta ngày ấy chỉ biết chữ Hán, thứ chữ viết bằng bút lông có vẻ cao sang. Giới hủ Nho tẩy chay và chê bai chữ Quốc ngữ viết bằng ngòi bút sắt là thứ chữ “mọi rợ”, “ngoằn ngoèo như con giun”. Sử gia Chương Thâu đánh giá: với việc thực hiện dạy chữ Quốc ngữ, ĐKNT đã tiến xa hơn các nhà duy tân TQ chỉ hô hào bỏ khoa cử và lối văn tám vế (bát cổ) nhưng vẫn giữ cổ văn, cho tới năm 1917 mới đề nghị dùng bạch thoại.

ĐKNT đề xướng học không vì bằng cấp, “chỉ cốt học để làm người dân, chứ không học lối từ chương khoa xử, là cái di độc ngày xưa còn lại, lúc bấy giờ chúng tôi ghét lắm.” (lời giám học Nguyễn Quyền). Sử gia Chương Thâu nhận xét: Lần đầu tiên trong lịch sử, ĐKNT đã thành công tách rời thi cử ra khỏi giáo dục. ĐKNT hô hào: “Thiếu niên chúng ta phải ra sức học cái hữu dụng, chớ để cái học khoa cử phá hỏng chí hưởng của mình.” Nếu cứ học theo lối cũ “thì nước ta sẽ không đời nào hưng thịnh được.”[5]

ĐKNT dạy cho dân biết các kiến thức hiện đại, tiên tiến về chính trị, kinh tế, xã hội mà người Việt Nam chưa từng nghe nói. Chỉ cần điểm qua tên một ít bài trong số 79 bài trong sách “Quốc dân độc bản” (Sách dùng để quốc dân đọc) là đủ thấy điều đó: – Quan hệ giữa nước với dân; – Nỗi bi thảm của quốc gia không được độc lập; – Lòng yêu nước; – Độc lập; – Cạnh tranh; – Chính thể; – Bàn về cái hại của khoa cử; – Thuế khóa; – Pháp luật; – Nước ta nên chấn hưng thực nghiệp; – Máy móc; – Ích lợi của đại công nghiệp; – Tiền công; – Tư bản; – Nhà đại tư bản cũng có ích cho người nghèo; – Thương mại; – Tiền tệ; – Trái phiếu, hối phiếu; – Séc; – Công ty; các bài viết về nước Nhật (chính thể, giáo dục…).

Sách “Luân lý giáo khoa” có các chương nói về nghĩa vụ của quốc dân với tổ quốc, gia đình, bản thân, xã hội, với nhân loại. Từ “quốc dân” ở đây chính là từ “công dân” ta dùng bây giờ, là người dân có các quyền lợi và nghĩa vụ nhất định đối với quốc gia của mình, khác với “thần dân” là người dân chịu sự cai trị của triều đình phong kiến, phải tuyệt đối phục tùng chính quyền, không có quyền lợi gì hết (trong chữ Hán “thần” nghĩa là nô lệ).

Khác hẳn nền cựu học chỉ dạy học sinh thuộc lòng thứ văn chương cao sang khó hiểu viết từ mấy nghìn năm trước, các tài liệu giảng dạy của ĐKNT thường viết dưới dạng thơ ca dễ hiểu dễ học dễ nhớ. Sách “Quốc văn tập đọc” có 19 bài ca như: khuyên học chữ Quốc ngữ, khuyên yêu nước, khuyên họp đàn, mẹ khuyên con, răn người uống rượu, răn người đánh bạc…“Bài ca khuyên người đi tu” viết:

Phen này cắt tóc đi tu

Tụng kinh Độc lập, ở chùa Duy tân

Đêm ngày khấn vái chuyên cần

Cầu cho ích quốc lợi dân mới là…

“Bài vợ khuyên chồng” viết:

Anh làm sao cho ích nước lợi nhà

Mọi nghề tân học ắt là phải thông

Anh làm sao cho nổi tiếng Lạc Hồng

Có khôn mới đứng được trong cõi đời.

Điểm qua vài nét kể trên, có thể thấy ĐKNT đã thực sự làm một cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên, với quy mô lớn và tính chất tiên tiến chưa từng thấy trong lịch sử nước ta. Xét tổng thể, ĐKNT không chỉ là một trường học mà thực chất là cả một phong trào cách mạng yêu nước nhằm mục đích giải phóng xã hội và dân tộc khỏi ách phong kiến thực dân.

Thực dân Pháp đã thấy ngay các hoạt động của ĐKNT đe dọa lật đổ ách thống trị của chúng. Vì thế ĐKNT chỉ hoạt động được 9 tháng đã bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa và tàn bạo đàn áp. Chúng bắt giam nhiều yếu nhân ĐKNT, kết án họ từ 5 năm tù đến chung thân, tử hình và đày ra Côn Đảo nhằm cách ly với đồng bào. Các tài liệu của ĐKNT đều bị tiêu hủy, ai tàng trữ sẽ bị tù; vì thế cho nên hiện còn rất ít tài liệu để tham khảo. Tuy vậy, ảnh hưởng của ĐKNT vẫn tiếp tục lan ra khắp nơi, khêu gợi lòng yêu nước trong toàn dân, chuẩn bị lực lượng cho các phong trào đấu tranh chống Pháp về sau.

Cao trào yêu nước ĐKNT chứng tỏ Việt Nam là nước châu Á đầu tiên đi theo con đường Duy tân của Nhật, tiếp thu văn minh phương Tây, dùng biện pháp giáo dục quốc dân để nâng cao dân trí, cải cách xã hội, tiến tới thực hiện dân giàu nước mạnh. Cuộc cách mạng giáo dục do ĐKNT tiến hành đã viết nên một trang sáng ngời trong lịch sử giáo dục nước ta.

Phong trào yêu nước ĐKNT vẻ vang như thế lẽ ra phải được tôn vinh, ca ngợi xứng tầm để có thể làm dân tộc này kiêu hãnh ngẩng cao đầu, nhưng không rõ vì sao lâu nay dường như đang bị dư luận chính thống ở ta quên lãng dần. Đây thật là điều vô cùng đáng tiếc. Mong sao các thế hệ sau sẽ sửa được sai lầm này!

Nguyễn Hải Hoành là dịch giả và nhà nghiên cứu tự do hiện sống tại Hà Nội.

Hình: Lớp học của Đông Kinh Nghĩa Thục. Nguồn: Vietnamnet.

Chia sẻ “hành trình” làm giấy khai tử cho bố tôi ở UBND Phường Văn Miếu nó gian nan thế nào.

From facebook:   Lê hồng Song‘s post.
 
Image may contain: 7 people, people smiling
Image may contain: 2 people, people smiling, people standing, selfie and indoor

Lê hồng Song added 2 new photos.

 

BÀI VIẾT NÀY DÀNH RIÊNG CHO LÃNH ĐẠO TP HÀ NỘI..  ÔNG HOÀNG TRUNG HẢI & NGUYỄN ĐỨC CHUNG NÊN BIẾT, VỀ NHỮNG CÁN BỘ VÒI ĂN TRÊN CẢ NHỮNG THI HÀI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT…? KHỐN NẠN…KHỐN NẠN…! ( BÀI VIẾT GÂY BỨC XÚC MẠNH, AI KHÔNG KIỀM CHẾ NỔI, KHÔNG NÊN XEM)

Ơn đảng, ơn nhà nước, ơn quốc hội, ơn chính phủ, ơn cán bộ ban ngành, đoàn thể ,  ơn các tổ chức xã hội, ơn các loại cán bộ… đất nước ta đã đẹp thế bao giờ chưa. Thời đại rực lửa tiến lên cnxh….?

..
Hoa Thanh đã thêm 2 ảnh mới — cùng với Chiara’s House và 91 người khác.

Hậu sự của bố tôi đã được hoàn tất, nên giờ tôi mới mạn phép chia sẻ “hành trình” làm giấy khai tử cho bố tôi ở UBND Phường Văn Miếu nó gian nan thế nào. 
Bố tôi mất lúc 18h35 ngày 18/7/2017. Theo yêu cầu của nhà tang lễ, để hoàn thành thủ tục đăng ký tổ chức tang lễ cho ông, gia đình phải nộp ngay giấy khai tử do UBND Phường cấp để kịp lễ viếng và truy điệu ông vào 13:00 ngày 20.7

Tôi tức tốc ra phường đúng 9:00 sáng làm thủ tục xin cấp giấy khai tử cho ông.Tại phòng nhận hồ sơ có 2 người và người nhận hồ sơ của tôi tên là Hiếu.Bạn Hiếu nhận hồ sơ của tôi và hoàn thành các thủ tục cần thiết.Tôi cũng nói them với bạn Hiếu là gia đình cần giấy gấp nếu không, không kịp làm thủ tục tang lễ cho ông.

Cán bộ Hiếu đưa tôi kí giấy tờ và hẹn 2h – 2h30 chiều lên lấy giấy khai tử vì hiện “sếp đang đi họp”.Lúc đó tôi có thấy người còn lại của văn phòng cầm tập hồ sơ nói lên trình kí Sếp và các bạn ấy nói chuyện với nhau là 11h Sếp sẽ trả tập hồ sơ đấy.Tôi đã hơi nghi nghi nhưng nghĩ chắc người ký giấy đi vắng thật. Trong thâm tâm tôi luôn nghĩ, chuyện ma chay tang lễ, là con người, chắc chắn phải thông cảm, giúp đỡ nhau,chứ ai lại phải nói sai nên tôi ra về và hẹn chiều quay lại. 

Đúng 14h tôi có mặt tại UBND Phường Văn Miếu để lấy giấy khai tử cho bố nhưng đến nơi bạn Hiếu vẫn nói là sếp chưa về để ký. Lúc đó tôi nói “Sếp em ko về kịp thì em có thể trình Sếp khác kí giúp gia đình chị được không, nếu không chị ko thể ký hợp đồng với nhà tang lễ cho kịp ngày giờ đã định em ạ. 4h chiều nhà tang lễ nghỉ rồi.” Bạn Hiếu trả lời rất rõ ràng: “Chỉ có một người được quyền kí vào giấy tờ này nên chị đợi đi”. 

Mình rất bức xúc nhưng ko muốn cãi nhau vì nghĩ việc này hệ trọng chắc bạn ấy cũng nói thật nên đành ngồi chờ. Chờ tới hơn 15h vẫn chưa có bà Phó chủ tịch Phường chuyên trách ký giấy khai tử về, nên tôi xin phép chạy về nhà (ngay gần phường) mấy phút rồi quay lại, và nếu có giấy thì nhờ bạn Hiếu gọi điện báo giúp vì gấp lắm rồi. Vừa về tới nhà, chị cả tôihỏi lấy được giấy chưa, mình trả lời chưa lấy được. Mọi người trong nhà lại hỏi “Mày nhét phong bì chưa? Mày ở phường này bao lâu mà không biết cái phường này giấy gì cũng phải kèm 200k mới lấy được lấy ngay à”. Mình không lạ vì làm nghề chuyên chạy thủ tục, nhưng quả thực mình phẫn uất vì mình không thể tưởng tượng được cái thứ giấy chứng nhận cho người chết, cho một người dân lương thiện ở ngay khu phố với mình mà người ta cũng cần tiền lót tay hay sao? 

Ngay lập tức mình và chị cả quay lại UBND phường.Lúc này có bạn Hiếu và 1 chị cán bộ ngồi bàn bên cạnh. Chị mình hỏi giấy tờ đã xong chưa thì bạn Hiếu dán mắt vào máy tính đọc báo, không buồn trả lời rồi vẩy tay chỉ sang bàn bên cạnh. Bức xúc vì chầu trực từ sáng tới chiều ko lấy nổi cái giấy và thái độ rất vô cảm của cậu cán bộ trẻ tuổi, chị mình bức xúc to tiếng “Tại sao việc đám gia đình người ta thế này mà từ 9h sang đến 4h chiều chúng mày ko cho nổi dân cái chữ ký. Dân hỏi mà mày không trả lời lại còn hất tay sang bên cạnh là sao?”. Chị tôi cũng nóng giận lúc đó, nhưng nếu là con người có bố có mẹ đang nằm vất vưởng chờ được làm thủ tục ma chay và chôn xuống đất thôi mà phải đi chầu trực nhẫn nhục chờ đợi từ sang tới chiều cho chữ ký của một “quan bà” rồi nhận được một cái vẫy tay vô cảm kiểu ko buồn tiếp chuyện thì tôi nghĩ rằng, bức xúc ấy là hoàn toàn dễ hiểu. Lúc ấy chị ngồi cạnh bạn Hiếu tên Hà lớn tiếng với chị tôi: “Chị ra ngoài ngay. Tôi gọi bảo vệ và công an lôi cổ chị ra ngoài bây giờ.Đồ vô văn hóa”.Sau đó chị Hà giục nhân viên đóng dấu “Trả nhanh cho người ta, kiểu người này, trả cho thật nhanh” (ý là kiểu người vô văn hóa thì không nên dây, trả nhanh cho xong chuyện chứ ko phải vì giấy tờ quan trọng gì mà phải trả gấp).Sau khi chị gái tôi ra ngoài, và tôi vẫn còn đứng ở đó, chị Hà còn bồi thêm 1 câu: “Để gọi điện cho tổ trưởng tổ dân phố xem gia đình đấy như thế nào mà có loại người vô văn hóa như thế? Quá vô văn hóa”.

Tôi uất nghẹn, nhưng lấy được giấy 2 chị em tất tưởi lên nhà tang lễ ngay thì người ta đã nghỉ làm, hẹn 7h sáng hôm sau quay lại đăng ký. Đồn nghĩa với việcđám tang của bố tôi sẽ phải rời lại tối thiểu 1 ngày. Thế là bố tôi lại vất vưởng thêm 1 ngày, 1 đêm nữa.
Phẫn uất trước thái độ của chị Hà xúc phạm gia đình tôi và thái độ làm việc cực kỳ quan liêu để việc tang lễ của cả nhà phải rời lại, chị em tôi quay trở lại UBND phường đòi làm rõ trách nhiệm và yêu cầu chị Hà phải xin lỗi gia đình nhưng không được gặp được chị Hà.
Tiếp chúng tôi là chị Vũ Mai Khanh – Chủ tịch UBND phường. Qua cuộc nói chuyện với chị Khanh tôi được biết cả buổi sáng chị Khanhcó mặt tại UBND phường cùng 1 phó chủ tịch khác và sau giờ nghỉ trưa thì từ14h chị ấy cũng đã có mặt tại phường làm việc cả chiều. Trước mặt gia đình tôi, chị Khanh quay ra nói với cán bộ Hiếu “Tại sao cả sáng nay chị có mặt ở phường và sau giờ nghỉ trưa 2h chị đã có mặt mà em không trình chị ký giấy khai tử cho gia đình người ta. Làm gì có quy định nào là chỉ có chị Hà, Phó chủ tịch phường mới được ký? Làm gì có loại giấy tờ nào của phường mà chủ tịch phường không được quyền ký” Thì ra là vậy, người đã cho gia đình tôi chờ đợi từ sáng tới chiều rồi xúc phạm chị tôi là “loại vô văn hoá” là vị Phó chủ tịch UBND phường Văn Miếu Nguyễn Thị Thúy Hà. 

Chị Khanh có lời xin lỗi gia đình nhưng mọi thứ đã muộn. Tang lễ không được tổ chức đúng ngày chỉ vì 1 cán bộ lười của phường Văn miếu. Theo như lời chị Khanh, cán bộ Hiếu biết rõ Chủ tịch Phường có mặt ở phường và có thể ký vào giấy Khai tử, nhưng nhất định không làm? Phải chăng anh ta cần 200k cho dịch vụ nhanh như lời truyền của bà con phường Văn Miếu? Những cán bộ phường như anh Hiếu, chị Phó chủ tịch Hà có thực sự có lương tâm không khi hành hạ một gia đình đang lúc tang gia bối rối với thái độ vô cảm, và xúc phạm họ là “loại vô văn hoá”. 

Cho đến bây giờ, khi kể lại câu chuyện này, tôi vẫn còn sốc và giận run lên vì sự vô cảm của những con người không một chút lương tri đang mang danh chính quyền như thế. Có thể chúng tôi ngây thơ vì chúng tôi không phải là người của cơ quan nhà nước. Có thể vì trong suy nghĩ của chúng tôi, và những gì chúng tôi được học, chuyện dang tay giúp đỡ gia đình có tang, đang trong cảnh mồ côi, mất mát là chuyện phải làm, nên làm và làm ngay, vì với chúng tôi, đó là thiện tâm, đó là lương tâm đạo đức tối thiểu của một con người bình thường, chứ đừng nói đến những con người đang đại diện cho một chính quyền vì dân. Rất có thể chúng tôi đau đớn vìố tôi phải chờ thêm 1 ngày 1 đêm, còn với họ, việc cho dân đợi, người sống hay người chết đợi cũng là chuyện bình thường. Rất có thể chị phó chủ tịch kia có văn hoá hơn chị em chúng tôi, nhưng tôi chắc chắn chị ấy hoàn toàn không có trái tim và đạo đức của một con người. 

Tôi xin đính kèm đây hình ảnh chị Nguyễn Thị Thúy Hà – vị Phó chủ tịch phường gọi dân là đồ vô văn hóa và anh Lê Hiếu – cán bộ nhận hồ sơ của tôi.

theo nguồn; https://www.facebook.com/hoa.thanh.796/posts/10212920325018263