Thêm Một Giám Đốc Bảo Hiểm Bị Bắt Vì Cáo Buộc ‘Lợi Dụng Quyền Tự Do Dân Chủ’
March 30, 2025
Bị can Lê Thị Mai, 41 tuổi, giám đốc công ty Đại Lý Bảo Hiểm Hoàng Gia, vừa bị bắt và khởi tố với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước.” Thông tin này được báo Thanh Niên đưa ra vào ngày 29 Tháng Ba. Theo Bộ Công An Cộng Sản Việt Nam, bà Mai bị quy kết có hành vi “lợi dụng việc tố cáo, phản ánh, kiến nghị không đúng sự thật.” Tuy nhiên, bản tin không nêu rõ những tổ chức hay cá nhân nào bị ảnh hưởng bởi các hành vi này.
Vụ bắt giữ bà Mai không phải là trường hợp cá biệt. Trong thời gian qua, nhiều phụ nữ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng đã bị bắt hoặc phạt tù với cáo buộc tương tự. Đáng chú ý, giữa Tháng Giêng năm nay, bà Đậu Thị Tâm, còn được biết đến với tên TikToker Đậu Thanh Tâm, cũng bị bắt vì đăng tải các video clip phản ánh thực trạng khám chữa bệnh tại một số bệnh viện ở Hà Nội. Theo cơ quan chức năng, những video này bị cho là “vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan chức năng và lãnh đạo các cấp.” Ngoài ra, bà Tâm còn bị cáo buộc “đưa thông tin bịa đặt gây hoang mang dư luận và kích động người dân phản đối ‘Nghị Định 168’ về xử phạt vi phạm giao thông.”
Trước đó, vào cuối Tháng Mười Hai năm ngoái, bà Đinh Thị Ngọc Ánh, 49 tuổi, cư dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, bị kết án 18 tháng tù cũng vì cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ.” Theo cáo trạng, bà Ánh bị cho là đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để phát tán sáu video clip và phát trực tiếp (livestream) về vụ việc người dân tại Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, đi khiếu kiện đất đai. Trong các đoạn clip, hình ảnh dân oan tập trung tại một cây xăng địa phương mua xăng trước khi kéo nhau đi khiếu kiện được ghi lại. Cơ quan công an cáo buộc bà Ánh có những lời lẽ kêu gọi, lôi kéo đám đông tham gia khiếu kiện, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và quá trình triển khai các dự án đô thị tại khu vực Cồn Xanh.
Các vụ án này cho thấy sự gia tăng các biện pháp xử lý đối với những cá nhân bị cho là “lạm dụng quyền tự do ngôn luận” khi phản ánh hoặc tố cáo các vấn đề xã hội.
Mùi tử khí bốc lên từ những tòa nhà đổ sập
Những câu chuyện Nhân Văn
Mùi tử khí bốc lên từ những tòa nhà đổ sập trong trận động đất 7,7 độ, nhân viên cứu hộ gặp khó khăn chồng chất vì thiếu thốn vật tư.
Quy mô tàn phá do động đất ở miền trung Myanmar không giống bất kỳ điều gì mà nhân viên cứu hộ cứu nạn và y tế từng chứng kiến, kể cả khi quốc gia đã trải qua 4 năm xung đột.
Tại Sagaing, nơi nơi đều là nhà cửa đổ sập sau trận động đất ngày 28/3. Trụ sở cứu hỏa tỉnh nằm trong số các cơ sở vật chất bị phá hủy, cùng tất cả máy móc và phương tiện cứu hộ cứu nạn. Không đủ nhân lực để tìm kiếm và thu thập thithe, cũng không đủ thiết bị để đào bới đống đổ nát.
“Đã hai ngày trôi qua, tử khí bắt đầu bốc lên”, người tham gia công tác cứu nạn, nói. “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ trợ giúp nào vì mất kết nối Internet và điện thoại. Hiện nay chỉ có người dân địa phương tham gia công tác cứu nạn, chúng tôi cần thêm nhiều người nữa một cách khẩn cấp”.
THEO: VNEXPRESS
KIẾN TẠO KHÔNG GIAN- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!”.
“Có một thuộc tính mà chỉ mình Thiên Chúa có. Đó là phẩm chất ‘hiện diện mọi nơi, mọi lúc’ của Ngài – Đấng không bị ràng buộc bởi thời gian, không gian! Điều này không có nghĩa là thiên nhiên và con người – một phần của Ngài – được tôn thờ! Không! Tạo vật tách biệt Tạo Hoá, nhưng không bao giờ độc lập với Ngài. Điều nó cần làm là luôn kiến tạo không gian cho Ngài; và quan trọng hơn, để Ngài biến đổi!” – Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay tiết lộ, mỗi người chúng ta có thể cộng tác với Chúa, ‘kiến tạo không gian’ cho Ngài; nhờ đó, Ngài có thể làm một điều kỳ vĩ!
Người cha có đứa con hấp hối của trình thuật là một kiểu mẫu, “Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!”; “Ông cứ về đi, con ông sống!”; “Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về”. Việc “tin” của ông đã tạo điều kiện cho Chúa Giêsu, Đấng đã làm một điều kỳ vĩ, con ông sống! Đức tin đan dệt không gian cho quyền năng của Chúa Giêsu, không chỉ quyền năng của một ‘Ai đó’ cực kỳ quyền năng, nhưng của ‘một Ai đó’ cực kỳ yêu tôi, ‘một Ai đó’ muốn ở trong tình yêu với tôi, ‘một Ai đó’ luôn đồng hành bên tôi để nâng đỡ tôi! Đây là một niềm tin dám ‘kiến tạo không gian’ cho Đấng Biến Đổi!
Thật thú vị, đây không chỉ là việc của con người, nhưng còn là việc của Thiên Chúa, “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới!” – bài đọc một. Như con người, Thiên Chúa ước ao tận hưởng niềm vui trong tình yêu với nó, “Này đây Ta sẽ tạo Giêrusalem nên nguồn hoan hỷ. Vì nó, Ta sẽ hân hoan!”. Và điều tuyệt vời đã xảy ra, Giêrusalem được biến đổi, “Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la!”. Không chỉ Giêrusalem được biến đổi, bạn và tôi cũng có thể được biến đổi; và Hội Thánh – Giêrusalem mới – được biến đổi! ‘Được biến đổi’ đồng nghĩa với ‘được cứu sống’, và niềm vui hẳn sẽ ùa về, “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt!” – Thánh Vịnh đáp ca.
Noi gương Chúa Giêsu, Đấng kiến tạo những không gian yêu thương, bạn và tôi làm như Ngài. Một khi muốn trở nên hào phóng, không gian, thời gian sẽ không thành vấn đề; vì sự hào phóng phát xuất trực tiếp từ trái tim vượt qua mọi biên giới, bất chấp mọi rào cản, “Người có tấm lòng bác ái luôn tìm được thứ gì đó để cho đi!” – Augustinô.
Anh Chị em,
“Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!”. Lời cầu của người cha xem ra không cho phép Chúa Giêsu nấn ná; nó thúc bách sự hiện diện cấp thiết của Ngài. Nhưng ông nào biết, thuộc tính của Ngài là “hiện diện mọi nơi, mọi lúc!”. Không cần hiện diện thể lý, Ngài hiện diện bằng Lời. Ấy thế, người cha vẫn tin! Phép lạ đã xảy ra! Như vậy, quyền năng của Thiên Chúa sẽ thực thi một khi lòng tin của con người đồng nhịp với lòng thương xót của Ngài! Vấn đề còn lại là đức tin của chúng ta. Thiên Chúa làm được mọi sự với ai có lòng tin! Chính lòng tin ‘kiến tạo không gian’ cho Thiên Chúa và ‘phần còn lại, Ngài lo!’. ‘Phần còn lại’ tốt nhất là bạn và tôi được nên giống Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con suốt ngày chỉ lo kiến tạo những ‘không gian thế tục’; vì như thế, Chúa vẫn ‘vô gia cư’ đối với trái tim con. Cho con biết dành chỗ cho Chúa!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
From: Nguyen Kim Bang
**********************************************************
Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
43 Khi ấy, sau hai ngày lưu lại Sa-ma-ri, Đức Giê-su đi Ga-li-lê. 44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình. 45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.
46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um. 47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. 48 Đức Giê-su nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” 49 Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!” 50 Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. 51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. 52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” 53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin. 54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Một bà Mai khác
Tác Giả: Tưởng Năng Tiến –
30/03/2025
Tôi đang lẽo đẽo theo chân Anh Vũ đi lòng vòng Phnom Penh để tìm hiểu về sinh hoạt tôn giáo, và xã hội của một số người Việt đang sống ở thủ đô Cambodia thì nhận được thư của anh Ngô Thế Vinh. Tác giả Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng biểu tôi chạy lên Nam Lào chụp vài tấm ảnh – nơi vừa khởi công xây con đập Don Sahong – để dùng cho ấn bản tiếng Anh (The Nine Dragons Drained Dry The East Sea In Turmoil) cuốn sách sẽ do Giấy Vụn xuất bản nay mai.
Cùng lúc, anh Trịnh Ngọc Lân và bằng hữu cũng rủ tôi qua Hạ Lào. Quý anh muốn cùng bà quả phụ Nguyễn Văn Đương đến tận chiến trường xưa, để thắp một nén nhang tưởng niệm người anh hùng đã hy sinh trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719, hơn năm mươi năm trước.
Dù rất ham đi, ham vui, và dễ dụ, tôi vẫn phải từ chối lời đề nghị thứ hai vì không thể đi hai nơi trong cùng một lúc. Hơn nữa, tôi cũng thành thực tin rằng khi công luận đã biết đến tình cảnh khó khăn của bà Trần Thị Mai thì ước nguyện thắp một nén nhang – ở nơi xa xôi – cho người quá vãng sẽ không còn là một việc khó khăn.
Nhờ nán lại Cambodia vài hôm nên tôi và Anh Vũ đã gặp được thêm một bà Mai nữa. Chúng tôi tình cờ nhìn thấy bà đang dạo quanh những bàn ăn ở quán cơm Ba Số Bẩy – trong khu chợ Tô Sanh, ở Nam Vang – để chào mời thực khách mua vé số. Loại số sổ hàng ngày, phát hành từ những tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long – Việt Nam.
Bà nhận lời mời ngồi chơi, uống nước, nói chuyện “tâm tình” mươi/mười lăm phút. Nhờ thế, chúng tôi mới biết được những nỗi khó khăn trong cuộc đời của một bà Mai khác – bà Nguyễn Thị Mai. Cũng như bà Trần Thị Mai, bà Nguyễn Thị Mai cũng có chồng là một người lính miền Nam đã mất, và cả hai đều đang chia chung một cảnh đời cùng quẫn.
Bà Mai Nguyễn quê ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, nơi mà chỉ cần vài giờ xe là đã bước sang xứ khác – xứ Chùa Tháp. Tuy thế, đã lâu lắm rồi bà không trở lại chốn xưa vì không còn thân bằng quyến thuộc gì nơi cố quốc.
Bà Mai đành nhận Cambodia làm mảnh đất dung thân. Quê hương thứ hai – may thay – đủ lượng dung cho một người dân Việt Nam ở bước đường cùng (không chồng, không con, không tiền, không nhà, và không cả manh giấy tùy thân) vẫn sống được lây lất qua ngày. Mặc dù không thể đi nhiều trên đôi chân đã bắt đầu run rẩy, bà Mai còn có thể kiếm được mười lăm/hai mươi ngàn đồng riels mỗi ngày, nghĩa là khoảng trăm hai đến trăm năm mươi Mỹ Kim hàng tháng. Chỉ cần nửa số tiền này cũng đã đủ để thuê được một chỗ tắm rửa, và ngủ nghỉ qua đêm.
– Ban ngày tôi đi suốt mà, đi mệt thì ngồi, được cái người Miên họ dễ lắm mấy chú à. Họ cho mình ngồi trong quán nghỉ, cho sài cầu tiêu cầu tiểu thoải mái, và có khi còn cho đồ ăn dư luôn nữa.
Lời bà Mai khiến tôi thốt nhớ đến dòng chữ (“Vé Số Không Được Vào Nhà Vệ Sinh”) trong một tiệm cà phê, ở An Giang. Nó cũng giúp tôi hiểu tại sao lại có cả “một đạo quân vé số” xuất hiện ở Nam Vang. Người Miên – xem chừng – “dễ” hơn người Việt, và “dễ” hơn nhiều lắm!
Ảnh: Đất Việt
Trong khi chuyện trò với chúng tôi, bà Mai hay nhắc đến Chúa và khẳng định nhiều lần: “Chúa chỉ sao thì tui chịu vậy thôi.” Bà khiến tôi tự hỏi ngoài bà Trần Thị Mai và Nguyễn Thị Mai, hiện còn có bao nhiêu bà Mai khác nữa đang “chịu vậy” mà không một lời than van – và cũng chả một ai đoái hoài tới họ – từ nửa thế kỷ qua!
Phải đợi đến mãi thời gian gần đây, mới có những lời kêu gọi “tri ân” và “giúp đỡ” những thương phế binh thuộc QLVNCH. Hai chữ “tri ân” tuy nghe vô cùng trang trọng nhưng sự “giúp đỡ” – xem ra – lại không được nhiều nhặn gì cho lắm, mới chỉ có tính cách tượng trưng. Đối với người sống sót (dù sống trong cảnh tàn phế) còn thế thì nói chi đến những bà quả phụ mà chồng đã chết trận tự lâu.
Cuộc chiến Bắc/Nam kết thúc vào năm 1975. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua nhưng công luận – dường như – mới chỉ được nghe nhắc đến tên của năm ba bà quả phụ: Ngụy Văn Thà, Nguyễn Thành Trí, Nguyễn Văn Đương …
Khi nghe hỏi về ước nguyện hiện tại của mình, bà Mai trả lời với ít nhiều bình thản:
– Tui không có mong ước gì ráo trọi. Bây giờ còn đi bán được ngày nào thì hay ngày đó thôi. Bữa nào cũng phải đi lòng vòng hơi mệt nhưng tui thấy khuây khoả, lúc nào cũng có xấp nhỏ bao quanh, và cả lũ đứa nào cũng sẵn sàng “bán dùm vé ế cho ngoại Mai kẻo tội.” Đêm về thì có sẵn chỗ để nằm, không ai đụng chạm phiền phức gì mình, vậy là được rồi. Chỉ sợ khi chết bỏ xác ở xứ này không ai chôn cất thôi.
Tôi buột miệng:
– Chết là hết chị ơi, hơi đâu mà lo mấy chuyện lùm xùm sau đó. Mình nằm xuống thì mấy người ở lại buộc phải chôn thôi. Nếu không, cái xác thúi rùm tụi nó chịu đời sao thấu.
Câu nói bạt mạng của tôi, không ngờ, lại được bà chị tán thưởng bằng một nụ cười móm mém. Tuy thế, tận trong ánh mắt của người phụ nữ “nhiều nỗi chuân truyên” này, tôi vẫn thấy (thấp thoáng) một nỗi buồn – không kín.
Tôi không đùa (cũng không dám dở giọng khinh bạc) khi nói về những chuyện liên qua đến thân xác của con người, sau khi đã nhắm mắt kìa đời. Chết là hết, chớ còn khỉ gì nữa!
Tôi dặn con nhiều lần: “Không cần mang tro cốt ra biển làm chi, cứ đổ cha nó hết vào cầu tiểu rồi giựt nước là xong. Nếu làm vậy tụi bay thấy hơi khó coi (hay sợ tiếng đời dị nghị) thì bỏ nhúm tro tàn vào bồn rửa chén, mở nước chẩy ri rỉ qua đêm, là bố cũng tà tà ra tới … biển thôi.”
Khi tao chết chớ mang tao ra biển
Đừng mất công làm chuyện tào lao!
Thế hệ chúng tôi (Ngô Thế Vinh, Trịnh Ngọc Lân, Trần Thị Mai, Nguyễn Thị Mai, Tưởng Năng Tiến …) rồi sẽ qua, và cũng sắp qua rồi. Điều băn khoăn không phải là chúng tôi sẽ chôn cất ở đâu, hay thiêu đốt ra sao mà là kiếp sống bấp bênh và nhếch nhác của những người còn ở lại – những thanh niên thiếu nữ Việt Nam đang “đồng nghiệp” của ngoại Mai, ở Cambodia. Tôi nhìn họ đang tò mò vây quanh thiết bị thu thanh của Anh Vũ, lắng nghe chúng tôi trò chuyện, mà thấy nặng lòng.
Một đồng hương và “đồng nghiệp” trẻ của “ngoại Mai” ở Phnom Penh.
Ảnh chụp tháng 3 năm 2016
Họ đều còn rất trẻ, đều rất hồn nhiên, và (tất nhiên) đều thất học – dù tuổi chỉ khoảng từ 15 đến 20. Các em từ đâu đến, và tại sao lại quanh quẩn trong hàng quán nơi đây thay vì đang ngồi dưới mái trường? Câu trả lời có thể tìm được trong một bài viết ngắn của nhà báo Hữu Danh:
“Ở vùng ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp xổ số nộp ngân sách cả ngàn tỉ đồng/năm. Với nhiều địa phương, thu từ xổ số là nguồn thu chính. Để có nguồn thu này, các công xổ số đều dựa vào lực lượng bán vé số dạo. Họ là ai? Là trẻ em, thay vì được đến trường thì áo quần rách rưới, tay cầm xấp vé số đi ‘bán cái rủi may’; là những ông bà lão bảy – tám mươi tuổi, lẽ ra phải được an hưởng tuổi già, vui vầy cùng con cháu thì phải còng lưng mời từng tờ vé số; là những người tật nguyền, khi mà hệ thống an sinh xã hội còn quá kém, phải vừa bò vừa lết ngoài đường, bò lết dưới chân trai thanh gái lịch trong những quán cà phê, nhà hàng để bán từng tờ vé số bằng cách kêu gọi lòng thương…”
Lòng thương (ngó bộ) đã cạn kiệt ở quê hương, nơi mà người bán nhiều hơn người mua, và “bán vé số không được vào nhà vệ sinh” nên không ít kẻ phải lần dò qua đến tận xứ người. Dù không phải là thầy bói, tôi vẫn có thể đoán được là trong lòng bàn tay của tất cả các em đều có đường xuất ngoại nhưng lại thiếu đường may mắn. Số mệnh của cả một thế hệ (e) đã được an bài.
Sẽ còn có thêm vài ba thế hệ kế tiếp đi chào mời vé số (hay thân xác) nơi xứ lạ, nếu dân Việt vẫn giữ thái độ thản nhiên trước những mảnh đời rách nát và vẫn đồng lòng nhắm mắt để cho chế độ hiện hành tiếp tục hoành hành trên đất nước này.
CHẶNG THỨ 7: Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ hai-Cha Vương
Chạm đáy đời ngẩng thấy Trời – Lm GB Phương Đình Toại, MI
Những bẫy rập đằng sau việc tu chính hiến pháp Việt Nam-*Đặng Đình Mạnh
March 29, 2025eb
*Chuyện Vỉa Hè
*Đặng Đình Mạnh
Lúc này, hệ thống truyền thông chính thức của nhà cầm quyền CSVN đã công khai nói đến khả năng tu chính/sửa đổi hiến pháp hiện hành.
Vì lẽ, khá nhiều chủ trương mà chế độ muốn áp dụng vào đất nước để duy trì mạnh mẽ hơn chế độ độc tài đã chạm phải ngưỡng giới hạn của cả hiến pháp và pháp luật. Theo đó, nếu áp dụng chủ trương mà thiếu tham chiếu pháp lý cần thiết sẽ vô hình trung, vô hiệu hóa các mặt tích cực mà chủ trương mới có thể mang lại.
Những người phụ nữ này vừa kéo vừa đẩy một cái xe chở đầy thùng trái cây Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam tại cửa khẩu Lạng Sơn, giúp đảng CSVN kéo nhân dân cả nước “tiến lên xã hội chủ nghĩa” mà chẳng ai biết bao giờ sẽ tới cái thiên đường hoang tưởng đó. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
Hiến pháp CSVN tu chính gần đây nhất là vào năm 2013. Đây là bản hiến pháp thứ 7 sau 1 lần ban hành và 6 lần tu chính, kể từ bản hiến pháp đầu tiên vào năm 1946 và tu chính vào các năm 1959 (tại miền bắc), 1980 (sau khi thống nhất lãnh thổ), 1989, 1992, 2001, 2013. Chưa kể các bản hiến pháp, hiến chương và ước pháp ban hành tại miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Nhân dịp này, nhiều người ngây thơ đã cho rằng chế độ Cộng Sản trong nước đang muốn cải cách thể chế. Thế nên, họ đã vội đặt những vấn đề mang tính chất nền tảng của một hiến pháp mà khá nhiều quốc gia văn minh, tiến bộ đã từng có, như: Thiết lập hệ thống chính quyền tam quyền phân lập, chấp nhận đa đảng, đa nguyên về chính trị, xây dựng nền kinh tế thị trường tự do, thừa nhận quyền tư hữu đất đai, chính thức chấm dứt việc theo đuổi lý tưởng xã hội chủ nghĩa đầy mơ hồ….
Thực ra, không cần quá tinh ý, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nguyên nhân chính trong việc đưa hiến pháp ra tu chính vào thời điểm này. Chúng chỉ nhằm đáp ứng, phục vụ cho việc đưa các chủ trương mà ông Tô Lâm đã công khai kêu gọi áp dụng vào đất nước mà thôi. Trong đó, bao gồm chủ trương sáp nhập các tỉnh thành và bãi bỏ hoàn toàn cơ quan hành chánh cấp huyện.
Cho dù có là nhà cải cách triệt để đến mức nào đi nữa, thời điểm này chưa phải là lúc thuận lợi để ông Tô Lâm bộc lộ ý tưởng cải cách đó (nếu có). Nhất là khi tuyệt đại đa số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản đều đang là người cũ, do người tiền nhiệm là ông Nguyễn Phú Trọng đưa vào. Và cũng số ủy viên đó đã từng thẳng thừng bỏ phiếu bác bỏ đề nghị của ông Tô Lâm đưa ông Lương Tam Quang vào ghế Bộ Chính trị trong Hội nghị Trung ương 5, vào giữa năm 2024, để có cơ sở nắm giữ chức vụ Bộ Trưởng Bộ Công an do ông Tô Lâm.
Thế nên, việc tu chính hiến pháp lúc này chỉ là biện pháp “chắp vá” tạm thời về phương diện pháp lý, để ông Tô Lâm có thể đưa các chủ trương về sáp nhập tỉnh và bãi bỏ cơ quan hành chính cấp huyện mà thôi.
Tuy vậy, điều cần lưu ý là việc việc tu chính hiến pháp sẽ được đưa ra cho toàn dân thảo luận, góp ý để tạo bộ mặt dân chủ “giả hiệu”. Đằng sau đó, chúng sẽ đều là những bẫy rập rất nguy hiểm về phương diện pháp lý mà công chúng cần biết.
Năm 2013, nhà cầm quyền cũng từng kêu gọi nhân dân thảo luận góp ý tu chính hiến pháp. Khi ấy, nổi tiếng nhất trong việc nhân dân góp ý là bản kiến nghị thường được gọi tên là Kiến nghị 72, do 72 nhân sĩ trí thức ký tên gởi đến Quốc hội.
Công an và dân phòng chặn các ngả đường dẫn đến tòa án Hà Nội khi có phiên tòa xử án chính trị. Cấm dân đến tòa án dự khán, kể cả thân nhân bị cáo, dù phiên xử được loan báo là “xét xử công khai”. (Hình: Ian Timberlake/AFP/Getty Images)
Trong thực tế, không có một điểm nào trong Kiến nghị 72 của họ được chấp nhận cả. Chưa kể, Tổng bí thư đảng Cộng Sản khi ấy là ông Nguyễn Phú Trọng còn công khai đánh giá cho rằng bản kiến nghị đó “Thể hiện sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức cần phải được xử lý”.
Chưa kể rằng, cùng với nhiều tù nhân chính trị, trong đó bao gồm cả thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh. Thầy chỉ chia sẻ bản kiến nghị đó về trang Facebook cá nhân, thì sự chia sẻ đó đã bị xem như là chứng cứ về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Thầy bị tuyên hình phạt lên đến 11 năm tù giam. Nhiều tù nhân chính trị khác cũng bị tuyên những hình phạt tù giam rất nặng nề.
Cho nên, người dân lưu ý, đừng tin cậy vào những lời tuyên truyền của nhà cầm quyền, nhân danh quyền tự do, hoặc quyền dân chủ gì cả. Vì nó không phải là sự thật, hay lời kêu gọi chân thành, mà chỉ là những bẫy rập khiến những người có tâm với đất nước vô tình bộc lộ ý chí, quan điểm chính trị của mình trước cơ quan an ninh, để rồi sau đó phải trả giá bằng những năm tháng tù đày dài đằng đẵng mà thôi.
Hoa Thịnh Đốn, ngày 27 Tháng Ba 2025
Đặng Đình Mạnh
VỀ NƠI NÓ THUỘC VỀ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng!”.
“Người cha ‘cứu chuộc’ con trai mình bằng những nụ hôn! Ông ngã vào cổ đứa con và hôn nó! Người cha đã chữa lành vết thương cho con mà không để lại một vết sẹo hay một vết thâm nào. Nó phải về nơi nó thuộc về!” – Phêrô Kim Ngôn.
Kính thưa Anh Chị em,
“Nó phải ‘về nơi nó thuộc về!’”. Chiêm ngắm hình ảnh Thiên Chúa nơi người cha nhân hậu của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, vị thánh thế kỷ thứ 5 đã để lại cho Giáo Hội những bút tích tuyệt vời đến thế! Đó là bút tích đã lôi kéo bao linh hồn về với Chúa!
‘Với nụ hôn’, người cha phán xét và sửa dạy đứa con ngỗ ngược. Ông không đánh đập, không la rầy, mà ‘chỉ hôn!’. Và bởi những nụ hôn ‘ngỡ rằng mơ’ ấy, đứa con nghẹt thở; nó phải bỏ dở ‘vở diễn soạn sẵn’ ngay câu đầu tiên! Sức mạnh tình yêu trong trái tim cha nó đã phủ lấp tất cả những gì nó vi phạm. Ông không nhớ những gì đã xảy ra, không tưởng những gì sẽ xảy đến; ông chỉ biết hiện tại, rằng, con ông đã ‘về nơi nó thuộc về!’. Và sẽ chẳng bất ngờ khi Tin Mừng cho biết, ông lập tức mở tiệc ăn mừng!
Điều tương tự đã xảy ra với Israel. Sau 40 năm lưu lạc trong sa mạc, Giosuê hướng dẫn dân cử hành tiệc Vượt Qua ‘đầu tiên’ khi họ đã vào Đất Hứa – bài đọc một. Israel đã ‘về nơi nó thuộc về!’. Cũng thế, “Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi!”. Cái mới đó là “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”, để đưa chúng ta về với Thiên Chúa – bài đọc hai. Thật thâm trầm, “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!” – Thánh Vịnh đáp ca.
“Chúa tốt lành biết mấy” một lần nữa được Chúa Giêsu cho thấy qua dụ ngôn Tin Mừng. Lý do là vì những người biệt phái cho rằng, “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng!”. Vậy mà trong thực tế, thật thú vị, tuyên bố của họ hoá ra là ‘một thông báo kỳ diệu!’. Rằng, Chúa Giêsu cũng sẽ thường xuyên tiếp đón ‘phường tội lỗi’ và dùng bữa với họ! Trong mọi Thánh Lễ, Ngài vui mừng chào đón tội nhân dự tiệc Vượt Qua mỗi ngày, nơi Ngài hiến mình vì yêu. Đây là tuyên bố có thể ghi trên mọi cửa nhà thờ, “Ở đây, Giêsu chào đón những người tội lỗi và mời họ vào bàn ăn của Ngài!” – Phanxicô.
Anh Chị em,
“Nó phải ‘về nơi nó thuộc về!’”. Nhưng về ‘vì phải về’ thì mất hết ý nghĩa! Chúa muốn chúng ta tự nguyện về từng ngày, từng phút để Ngài có thể ôm hôn mỗi người từng phút từng giây, hầu những lở loét do tội gây nên được chữa lành. Mùa Chay, mùa trở về nơi chúng ta thuộc về! Nhưng tôi thuộc về ai? Thuộc về Chúa, ma quỷ hay thế gian? Thánh Thể, nhà tiệc mở rộng chào đón; ở đó, Chúa Giêsu ngóng đợi để mặc áo, đeo nhẫn, xỏ giày mới… trả lại cho chúng ta phẩm giá, địa vị đã mất. Bí tích Giải Tội chữa lành bằng ‘những nụ hôn’ mà không để lại vết sẹo nào. Đừng lần lữa hầu niềm vui của Thiên Chúa có thể vỡ oà! Dẫu thế nào đi nữa, bạn và tôi vẫn không bao giờ ‘không phải là con’. Hãy về, Chúa đang đợi!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con không trở về nổi trừ khi Chúa đến tìm con ngay trong vùng đất xa xôi phiêu bạt của con. Xin chữa lành con bằng những nụ hôn của Bí tích Hoà Giải!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
From: KimBang Nguyen
*********************************
CHÚA NHẬT TUẦN IV MÙA CHAY NĂM C:
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
1 Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
11 “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa …’ 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’
31 “Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’.”
CHẶNG THỨ 6: Bà Veronica trao khăn cho Đức Chúa Giêsu lau mặt-Cha Vương
Myanmar : Em bé vẫn ôm mẹ giữa đống đổ nát vì động đất
Võ Hồng Ly
29.03.2025
Bài viết của Phong Bụi
Giữa mớ gạch đá sắt thép đổ sập, một bé trai vẫn nằm rúc trong lòng mẹ. Nó gục đầu vào ngực mẹ như muốn tìm hơi ấm, như thể chưa biết chuyện gì đang xảy ra ngoài kia.
Mẹ em vẫn nằm yên, hai tay vẫn ôm siết lấy con che chở theo bản năng – như một mái nhà cuối cùng giữa cả thế giới đang tan hoang. Chỉ là một khoảnh khắc khiến tim người ta nghẹn lại.
Giới chức Myanmar vừa xác nhận hơn 1.000 người không còn cơ hội trở về sau trận động đất. Hơn 2.300 người bị thương, và vẫn còn nhiều người chưa tìm thấy.
Cơ quan Địa chất Mỹ dự báo con số có thể lên tới 10.000 – dựa trên mức độ rung lắc, mật độ dân cư và nhiều yếu tố khác.
Chưa kể còn những vùng sâu vùng xa mà đội cứu hộ vẫn chưa chạm tới.
Mandalay – thành phố lớn thứ hai – nhiều khu phố gần như không còn mái nhà nào đứng vững. Một màu bụi trắng xóa. Gạch vụn. Dây điện lòng thòng. Và tiếng người gọi nhau trong tuyệt vọng.
Hai tháng trước, Phong có dịp ghé Myanmar – vùng đất hiền lành, người ta sống chậm, biết cười và tin vào điều thiện. Một đất nước nghèo, nhưng đẹp. Không chỉ đẹp ở cảnh chùa vàng, mà đẹp trong ánh mắt, trong cách họ sống nhẫn nhịn và thương nhau.
Giờ nhìn cảnh này, thấy đau lòng quá chừng.
Phong không phải người giỏi cầu nguyện. Nhưng tin rằng, nếu mình dành vài giây lặng lại, nghĩ về Myanmar – cũng là cách để gửi chút ánh sáng về nơi ấy.
Myanmar ơi, cố lên nghen !
ĐỘNG ĐẤT MYANMAR: KHUNG CẢNH KHÔNG KHÁC GÌ HẬU TẬN THẾ
Những câu chuyện Nhân Văn
KHUNG CẢNH KHÔNG KHÁC GÌ HẬU TẬN THẾ: ĐỘNG ĐẤT MYANMAR MẠNH HƠN 330 QUẢ BOM NGUYÊN TỬ, SỐ NGƯỜI THƯƠNG VONG TĂNG LÊN HƠN 1.000
Theo: Vietnamnet