Nhiều dấu hỏi về Vũ ‘Nhôm,’ thượng tá công an, ‘trùm mafia đỏ Đà Nẵng’

 

Nhiều dấu hỏi về Vũ ‘Nhôm,’ thượng tá công an, ‘trùm mafia đỏ Đà Nẵng’

Vũ “Nhôm” từng cặp kè cựu bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. (Hình: Facebook)

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Dư luận rất ngạc nhiên khi báo chí loan tin có lệnh truy nã đại gia địa ốc khét tiếng “mafia” Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ “Nhôm,” vì công an đến khám xét nhà ở Đà Nẵng nhưng ông này đã bỏ trốn.

Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc hành vi “làm lộ bí mật nhà nước” theo điều 263 của Luật Hình Sự CSVN mà nếu bị bắt và bị kết án có thể bị đến 15 năm tù. Tuy nhiên, ông ta chỉ là một doanh nhân sao có thể “làm lộ bí mật nhà nước?” Và có thế lực nào đằng sau chống lưng để ông ta tung hoành?

Sau khi Vũ “Nhôm” bị truy nã và hiện không biết ở đâu, ngay cả vợ con ông này cũng biệt tăm, rất có thể họ không còn ở Việt Nam. Câu hỏi là liệu có ai “nháy” cho biết trước để cả nhà đi trốn như kiểu Trịnh Xuân Thanh?

Người ta tò mò muốn biết Phan Văn Anh Vũ là ai và sao lại có tục danh “Vũ Nhôm” và làm sao ông ta giàu có nhanh đến vậy? Nhất là có phải là thượng tá công an hay không? Có phải nhờ thế của Bộ Công An mà Vũ Nhôm đã biến được 31 nhà đất “công sản” ở Đà Nẵng thành “của ông” để đút túi hàng ngàn tỉ đồng qua trò đấu giá giả vờ hoặc bán không qua đấu giá.

Người ta hy vọng các câu hỏi vừa kể được trả lời rõ ràng mà hiện nay, hệ thống báo chí tại Việt Nam chống tham nhũng theo kiểu phần lớn dựa theo tài liệu được cơ quan điều tra cung cấp.

Biệt danh Vũ “Nhôm”

Theo hai báo Dân Việt và Lao Động, Phan Văn Anh Vũ sinh ngày 2 Tháng Mười Một, 1975, là con trai út trong một gia đình có 5 anh chị em, cư ngụ trên đường Thanh Hải, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Gia cảnh nghèo khó, Vũ phải nghỉ học từ năm học lớp 11 để phụ giúp anh tại một cửa tiệm hàn sắt hàn nhôm làm khung cửa trên đường Thanh Hải.

Kiếm ăn khá, anh em nhà Phan Văn Anh Vũ đã mở thêm được cơ sở thứ hai trên đường Lê Duẩn, Đà Nẵng. Cái hỗn danh “Vũ Nhôm” thiên hạ gọi ông ta xuất phát từ thời kỳ này trở đi rồi gắn chết với ông ta đến giờ.

Theo tờ Lao Động, sau khi Phan Văn Anh Vũ lấy con gái của nguyên giám đốc Sở Xây Dựng của Đà Nẵng, việc kiếm ăn phát đạt hơn nhiều. Không biết bố vợ có làm đầu cầu để ông ta biết ngóc ngách để “chạy” mọi chuyện cho suôn sẻ, có lợi nhất hay không.

“Cũng từ thời điểm này, mối quan hệ xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, đất đai được mở rộng, phát triển mạnh. Phan Văn Anh Vũ từng tham gia với đàn em của đại gia vàng Phước Sơn – Quyền ‘Ê đê’ rồi kết thân với đại gia vàng này. Từ những phi vụ môi giới, chạy hồ sơ cho đại gia Quyền ‘Ê đê’ để mua bán, sở hữu nhiều lô đất, khách sạn tại Đà Nẵng, Phan Văn Anh Vũ đã giúp Quyền ‘Ê đê’ ‘kết nối’ với nhiều nơi để làm ăn, chạy giấy phép khai thác vàng… Con đường chuyển sang kinh doanh bất động sản của Vũ ‘nhôm’ cũng bắt đầu từ đây,” tờ Lao Động kể.

Từ vụ khám xét nhà Vũ “Nhôm” hôm 21 Tháng Mười Hai, 2017 rồi sau đó ra lệnh truy nã, người ta mới thấy báo chí trong nước đua nhau đưa thông tin về vụ bán 31 nhà đất công sản tại Đà Nẵng đều ở những vị trí từ “vàng” đến “kim cương.” Cùng với đó là những bới móc lại đại dự án khu đô thị Đa Phước lấn lấp biển với những sai trái từ xây dựng bất hợp pháp đến mua cát hút lậu ở cửa Đại, gây sạt lở và đại họa cho Hội An.

Vũ “Nhôm” (ngoài cùng bên phải) đi bên cạnh ông Trần Đại Quang khi mặc đồ công an và mang quân hàm đại tướng. (Hình: Công Lý)

Đại dự án này đã từng bị tạp chí Giao Thông Vận Tải, hồi Tháng Tư, 2017, tố cáo khá chi tiết qua 8 bài điều tra với những tài liệu cụ thể, mà vì vậy, làm cho tác giả loạt bài, nhà báo Dương Hằng Nga khốn đốn lo sợ, dù chưa bị mất việc. Trước áp lực và thế lực của Vũ Nhôm, bà Nga đã phải ôm tài liệu thu thập ra Hà Nội giải trình vì bà bị ông Vũ Nhôm “kiện tôi ra tận Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Bộ Công An, Bộ Thông Tin Truyền Thông, Cục Quản Lý Báo Chí…” Thậm chí còn bị ông ta “cao giọng sẽ rút thẻ nhà báo của tôi, cho tôi về vườn nuôi gà. Bao phen khổ sở, tôi một thân một mình thân gái dặm trường, ôm một đống tài liệu ra làm việc với các ban, ngành Trung Ương.” Bà Dương Hằng Nga kể trên trang Facebook cá nhân sau khi biết tin ông ta bị truy nã.

Nhờ thần thế nào mà Vũ Nhôm tung hoành từ thời ông bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh đến giờ vẫn còn là điều bí ẩn thiên hạ khó lòng biết sự thật. Chỉ biết trong cuộc gặp mặt đám cán bộ, sĩ quan nghỉ hưu cấp cao tại địa phương ngày 20 Tháng Mười Hai, 2017, người ta mới có “thông tin tương đối chính thống” từ ông Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết Phan Văn Anh Vũ là sĩ quan công an, cấp thượng tá. Tại Đà Nẵng, phần lớn người ta biết Phan Văn Anh Vũ là chủ nhân của nhiều công ty kinh doanh bất động sản.”

Trên một số trang mạng xã hội, người ta thấy lưu truyền hình chụp lại tấm thẻ “Giấy Chứng Minh Công An Nhân Dân” với tên Phan Văn Anh Vũ, sinh ngày 2 Tháng Mười Một, 1975. Cấp bậc: Cấp tá. Chức vụ: Sĩ quan nghiệp vụ. Đơn vị: B61 – Tổng Cục V. Người ký tên trên tấm thẻ này ngày 4 Tháng Mười, 2011 là trung tướng Trần Việt Tân, tổng cục trưởng Tổng Cục 5.

Báo chí trong nước có lần kể Vũ Nhôm từng móc súng và “thẻ ngành” ra khoe và dọa người khác. Ông ta cũng từng dọa “cho nghỉ việc” cả chủ tịch thành phố Đà Nẵng là Huỳnh Đức Thơ khi không chịu chấp thuận cho yêu cầu của ông ta về một dự án.

Nhưng đến giờ, ngoài lời ông Trương Quang Nghĩa, chưa thấy có tin tức chính thức nào xác nhận từ công an rằng Vũ Nhôm có phái người của Tổng Cục V. tức Tổng Cục Tình Báo của Bộ Công An CSVN hay không. Ông Nghĩa cũng tiết lộ là chính ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ra lệnh Bộ Công An điều tra để trả lời cho ông ấy.

Không hề thấy có tin tức nào nói ông Phan Văn Anh Vũ từng được đào tạo trong một trường huấn luyện của công an hay không ngoài các tin ông ta đi lên từ thợ hàn sắt hàn nhôm sang kinh doanh đầu tư địa ốc và xây dựng các dự án.

Hiện giờ người chỉ biết cả ông Phan Văn Anh Vũ và vợ con đã mất biệt. Trước khi chạy trốn, ông đã đã bán hầu hết các công ty và cổ phần tại tất cả các nơi từ Đà Nẵng đến Sài Gòn. Liệu số tiền hàng ngàn tỉ đồng có được đổi thành vàng, đô la để chạy theo ông ta đến một nơi nào đó?

Nhưng nếu ông ta là thượng tá công an thật, được Bộ Công An bảo kê làm bình phong để kinh tài, thì những “phi vụ bất chính” của ông ta ở Đà Nẵng có phải từ chỉ đạo của đời bộ trưởng Công An Trần Đại Quang bây giờ là chủ tịch nước hay không. Nếu ông ta chỉ làm bình phong, thu lợi từ các dự án hàng trăm triệu đô la, những vụ mua bán công sản đó, có chui vào túi Vũ Nhôm hay vào quỹ đen kinh tài của Bộ Công An?

Ông ta bị cáo buộc “làm lộ bí mật nhà nước” thì khó hiểu khi ông ta chỉ là một nhà kinh doanh. Nhưng nếu ông ta là một thượng tá công an thật, bị cáo buộc tội danh vừa kể có vẻ đúng hơn, dễ cho thiên hạ hiểu hơn nhưng có thể nó là cái khó để chế độ công khai nhìn nhận.

Tóm lại, các câu hỏi thiên hạ cần được biết là Vũ Nhôm có phải là thượng tá công an thật không, các “phi vụ” của Vũ Nhôm có phải của Bộ Công An hay không, hoặc ông ta chỉ dựa thế xếp chúa ở công an để kiếm ăn rồi ăn chia theo tỉ lệ nào đó. (TN)

Cơ hội kiếm tiền thu hẹp, Hà Nội phải bán nóng tài sản

Cơ hội kiếm tiền thu hẹp, Hà Nội phải bán nóng tài sản

 
Trần Nguyên Thao (Danlambao) – Trong lúc Hà Nội rất cần tiền để cứu nguy chế độ, thì năm mới 2018 lại là thời điểm mất rất nhiều cơ hội kiếm ngoại tệ: Sau 30 năm miệt mài, mãi đến năm ngoái mới tiến tới được mức bán 30 tỷ Mỹ Kim hàng hóa sang Âu Châu; với Hoa Kỳ là 38 tỷ Mỹ Kim. Cả hai thị trường này đang có chiều hướng co lại. Sau khi Hà Nội bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Bá-Linh, lập tức Hà Nội rơi vào khủng hoảng ngoại giao và ngoại thương; còn Hoa Kỳ kiên quyết đòi cân bằng thương mại. Mỏ khí đốt Cá Voi Xanh với trữ lượng 150 tỷ mét khối, có khả năng cung ứng cho ngân sách Việt Cộng 20 tỷ Mỹ Kim, thay vì khai thác từ cuối năm 2017, đã bị hoãn đến năm 2019 hoặc trễ hơn nữa. Ba Đình ngẩn người nhìn Cá Voi Xanh (Blue Whale)[1] “bơi” theo Cá Rồng Đỏ (nhóm có 12 giếng dầu)[2], trước đó đã bị đàn anh Tầu cộng đóng “vòng kim cô” bằng 16 chữ vàng khiến Hà Nội mất toi hàng chục tỷ Mỹ Kim từ mỏ khí đốt ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
 
Hồi tháng 7, chỉ vài ngày sau khi biết được mỏ Cá Rồng Đỏ có trữ lượng khí đốt rất lớn, Bắc Kinh đe dọa động binh đánh úp quần đảo Trường Sa, buộc Hà Nội phải yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng khoan giếng dầu 163-03, mang tên Cá Rồng Đỏ. Cho đến lúc đó, có tin nói công ty Repsol đã chi ra 300 triệu Mỹ Kim. Hà Nội đành phải bồi hoàn cho Repsol số tiền này, đồng thời phải để cho Cá Rồng Đỏ bơi theo đàn anh “4 tốt”!
 
Đầu tháng 12, Bộ Thương Mại Mỹ thông báo áp dụng thuế chống phá giá và trợ giá ở mức từ 265% đến 531% đối với các loại thép từ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Cộng, đi đường vòng vào Mỹ. Cho đến nay các lô hàng thép này có tổng trị giá 295 triệu Mỹ Kim [3].
 
 
Cùng thời gian trên, Cơ quan liên bang Đức về bảo vệ người tiêu dùng và vệ sinh, an toàn thực phẩm đưa ra lệnh thu hồi tôm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam với lý do bị tồn dư chất kháng sinh, phân phối cho 3000 cửa hàng trải rộng trên khắp nước Đức, mà doanh thu trên 18 tỷ Euro. Quyết định này mang thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chế biến thủy hải sản của Việt Nam, chuyên cung cấp cho các nhà buôn tại châu Âu, đặc biệt lệnh thu hồi này sẽ tác động xấu tới từng người dân làm nghề nuôi tôm [4].
 
Trước đó vài tháng, Liên minh châu Âu đã cảnh báo mạnh mẽ, đe dọa sẽ trao “thẻ đỏ” cấm nhập hàng thủy sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không thể kiểm soát các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không quản lý các loại hải sản theo đúng cam kết với quốc tế.
 
Hà Nội đưa đề nghị phía Liên minh Châu Âu (EU) rút lại “thẻ vàng” cho thuỷ hải sản của Việt Nam và không đưa nhân quyền vào hiệp định Thương mại tự do EU Việt Nam. Đề nghị này được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra với ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) vào chiều ngày 21 tháng 11 tại Hà Nội.
 
Trong một biến chuyển quan trọng ảnh hưởng xấu đến tương lai ngoại giao và kinh tế Việt Nam, hôm đầu tháng 12 báo chí Việt cộng đồng loạt loan tin, vụ Trịnh xuân Thanh (TXT) sẽ được xét xử vào đầu năm (2018). Đức đã kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo xét xử công bằng cho ông Trịnh Xuân Thanh và vụ việc phải được giám sát bởi báo chí và các quan sát quốc tế.
 
Hôm 16 tháng 12, tờ Thời Báo trích thuật nguồn tin từ Quốc Hội Đức cho hay, hai Nghị Sỹ thuộc hai đảng khác nhau trong Quốc Hội sẽ đến Việt Nam để tham dự phiên tòa xét xử ông TXT. Phía Hà Nội chưa có phản ứng gì.
 
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf nói với BBC hôm 15-12 rằng “bất kể việc ông Trịnh Xuân Thanh có bị đưa ra xét xử tại Việt Nam trong thời gian tới hay không, thì điều đó cũng không làm thay đổi địa vị pháp l‎ý của ông tại Đức, cũng như quan hệ luật sư-thân chủ giữa bà và ông Thanh”.
 
Cùng với vụ TXT, còn 18 người khác [5], trong đó, lần đầu tiên cộng đảng không cho Ủy Viên Bộ Chính Trị đương chức được “hạ cánh an toàn” mà bị bắt công khai là trường hợp ông Đinh La Thăng. Biến cố này phá tan luật bất thành văn “Ủy Viên BCT bất khả xâm phạm” lưu truyền từ thời có cộng đảng.
 
Nhiều quan sát viên chính trị nhận định rằng, ông Thăng từng một thời được dân Sài Gòn mến mộ vì dám nói, dám làm. Việc này giúp ông Thanh thu hút đám báo của đảng chạy theo tâng bốc, nên không thích hợp với truyền thống độc tài cộng sản “rừng chỉ có một cọp”. Các diễn biến tình hình khá phúc tạp báo hiệu cuộc đấu đá tranh ăn trong giới chóp bu cộng đảng còn nhiều màn gay cấn; không giới hạn trong số 18 người từng được nêu danh. Nhưng trước mắt chuyện Tập đoàn Dầu khí, sẽ có thêm ít nhất 2 vụ xử tiếp: ông Đinh La Thăng, ông Vũ Huy Hoàng đều từng là cận thần của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã khiến TBT Trọng mất ăn, mất ngủ.
 
 
 
Tờ Thoibao.de nói, “ngay sau khi Chính phủ Đức công khai danh tính Trung tướng Đường Minh Hưng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an đã trực tiếp sang Đức, điều hành bắt cóc ông TXT ở Berlin, gây ra căng thẳng ngoại giao chưa từng có giữa hai nước. Các chỉ trích dường như đổ dồn tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, [6], người đứng đầu đảng cộng sản, đột nhiên phải đối diện với nguy cơ bị pháp luật Đức và châu Âu truy tố”.
 
Ông Lê Trung Khoa, một nhà báo tại Đức cho biết: “sau vụ TXT, hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam ở Đức gần như bị đóng băng. Các thống đốc một số bang định trước sẽ về Việt Nam để khảo sát kết nối đầu tư, hỗ trợ hợp tác phát triển, nhưng tất cả đều bị đình chỉ. Họ phải đợi quyết định của chính phủ liên bang trong thời gian tới. Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), cũng dừng cấp tín dụng đầu tư mới ở Việt Nam, các dự án đã được chuẩn bị từ lâu giờ đây không thể triển khai, thiệt hại rất lớn”.
 
Hà Nội từng đầu tư tiền bạc, thời gian vào các cuộc thương thảo để hình thành hiệp định EVFTA (với EU). EVFTA cũng là hiệp định tự do thương mại “thế hệ mới”, có phạm vi cam kết sâu rộng và cao nhất từ trước tới nay đối với Việt Nam. Hiện nay, các nước thành viên EVFTA đang rà soát lại văn bản hiệp định trước khi ký kết. Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018, nếu tất cả 28 nước thành viên đều đồng thuận.
 
Sau khi Hà Nội bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, phía Đức đã điều tra và công bố bằng chứng, đồng thời quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, ngưng việc miễn Visa cho các nhân viên ngoại giao của Việt Nam vào Đức, và sẽ áp dụng các biện pháp mạnh hơn nếu chính phủ Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu của họ. Không loại trừ khả năng chính phủ Đức phủ quyết EVFTA nếu hai bên vẫn không hòa giải được hậu quả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cùng với đòi hỏi của Đức về nhân quyền, thì việc Hà Nội hy vọng vào EVFTA sẽ trở thành tuyệt vọng, trong khi TPP-11 còn xa vời. Như thế, giải pháp cứu nguy kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào tình huống “mất cả chì lẫn chài”.
 
Sau hội nghị APEC ở Đà Nẵng tháng 11, chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index lên 903 điểm liên tiếp trong vài ngày, rồi 950 điểm vào tháng 12. Cùng thời kỳ này 11 năm trước, sau hội nghị APEC ở Hà Nội, chứng khoán Việt Nam đã đạt mức lịch sử trên 1000 điểm. Sau đó thị trường chao đảo, lao dốc liên tục nhiều năm, có lúc giá chứng khoán chỉ ngang bằng tiền mua một bó hành, gọi là thời kỳ “chứng khoán cộng hành”. Cho đến lúc kết thúc bài viết này, chứng khoán Việt Nam đôi lúc rung lắc dữ dội, trở mặt nhanh chóng và đó là dấu hiệu của một thị trường thiếu yếu tố bền vững. Tuy nhiên cũng có suy đoán lạc quan, tin rằng chứng khoán sẽ thăng hoa trong năm 2018.
 
 
 
Cho đến hiện tại, kinh tế Việt Nam có tăng trưởng phần lớn nhờ vào đầu tư công nghệ từ nguồn vốn Foreign direct investment (FDI). Nền kinh tế dựa vào chế xuất do người ngoài “bẻ ghi”, sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia và ngoại giao luôn trong tình thế “cúi mặt”.
 
Tiền đồng Việt Nam liên tục giảm giá so với Mỹ Kim. Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) thì khoe là ngoại hối dự trữ ở mức an toàn 46 tỷ Mỹ Kim. Các định chế tài chánh quốc tế kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa trong thời gian tới để sẵn sàng đối phó với những biến động khó lường trên toàn cầu hiện nay. Còn phía đảng muốn ngăn chặn mọi biến động lớn trên thị trường tiền tệ vào dịp Tết. Năm ngoái Hà Nội từng vật vã nhưng vẫn thất bại trước tin đồn sẽ có đổi tiền vào dịp cuối năm, gây ảnh hưởng xấu đến giá cả thị trường.
 
Hà Nội hàng năm nhận một số Mỹ Kim đáng kể do khoảng 5 triệu người Việt sống tại 103 quốc gia trên thế giới gởi về nước, được gọi là kiếu hối. Năm 2015 kiều hối đã lên đến mức 13,2 tỷ Mỹ Kim, và giảm xuống còn hơn 9 tỷ Mỹ Kim vào năm 2016. Một trong những lý do chính làm giảm lượng kiều hối là do lãi suất tiền Mỹ Kim gởi ở Việt Nam giảm xuống chỉ còn 0%, trong khi tại Hoa Kỳ lãi xuất đang trên đà cải tiến. Chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump cũng góp phần giảm kiều hối về Việt Nam. Chỉ tính kiều hối từ Mỹ thôi cũng chiếm khoảng 4% trong GDP của Việt Nam.
 
Trong nhiều thập niên, nền tài chính đất nước bị tàn phá bởi nhóm lợi ích thân cận giới đương quyền trong từng giai đoạn, đã vơ vét không nương tay, đưa đến tài nguyên quốc gia cạn kiệt, ngân sách ở thế vỡ trận và nợ công ở mức 210% GDP nếu tính cả các loại nợ do Doanh nghiệp Nhà Nước vay mượn. Nợ xấu ngân hàng trên 15% tổng dư nợ nhưng vẫn được gói gọn dưới mức chính thức công bố là 3%. Các Tập đoàn, Tổng Công Ty và Công Ty Nhà Nước vẫn là nơi khai thua lỗ để bòn rút của dân. Phía doanh nghiệp tư nhân, không nằm trong băng đảng ăn chia với cán bộ thì bị chèn ép đến nỗi giải thể, vỡ nợ hàng trăm ngàn công ty trong nhiều năm trước.
 
Không có định hướng chính sách quốc gia, nền kinh tế hướng đến mô hình kinh tế chế xuất và gia tăng dịch vụ để kiếm tiền từ khu vực FDI. Nhưng vấn nạn vẫn còn nguyên là làm sao giải quyết được ngân sách thâm thủng liên tục vì phải nuôi đến 12 triệu người ăn lương, nhưng lại có hiệu năng rất kém về đầu tư công và dịch vụ công ích.
 
Như đã trình bày, viễn ảnh thu ngoại tệ đang trong tình thế rất u ám. Mọi giải pháp cứu nguy chế độ đang được Hà Nội cân nhắc. Nhưng việc trước mắt là phải bán nóng tài sản quốc gia như các công ty Vinamilk, Sabeco, Vinaconex… mới có tiền tươi để tiếp tục “ăn cắp”.
 
Người dân và doanh nghiệp cảm thấy rất vô lý khi phải chịu gánh nặng thuế má và mọi chi phí ngày càng cao, như giá xăng dầu và giá điện mới tăng 6%, phí cầu đường với 82 trạm BOT (Build-Operate-Transfer) và nhiều thứ chi phí, “đóng góp” khác theo “sáng kiến” tận thu của các cơ quan nhà nước. Có vùng phí mãi lộ của các trạm BOT tăng từ 300% tới 500%. Hậu quả tất yếu của các trạm BOT còn làm tăng giá thành sản phẩm, hàng hóa di chuyển bằng đường bộ.
 
Sau 3 tháng huy động mọi lực lượng để trấn áp dân chúng, rốt cuộc BOT Cai Lậy phải “thất thủ” hôm đầu tháng 12. Hà Nội đã ra lệnh tạm ngưng thu phí 1 – 2 tháng, kể từ đầu tháng 12 để tìm cách đối phó. Dân chúng đang thừa thắng xông lên, bày thế trận cho cuộc đấu tranh tại các BOT kế tiếp. Cuộc đấu tranh bất bạo động chống thu tiền mãi lộ tại BOT Cai Lậy thành công là bằng chứng phong trào “bất tuân dân sự” (civil disobedience) trong dân chúng đã qua được bước khó khăn ban đầu.
 
Dec 24
 
 
_______________________________________
 
Chú thích:
 

TỪ VŨ NHÔM NHÌN RA CÁC ĐINH LA THĂNG

From:    Hoang Le Thanh is with Phan Thị Hồng.

Bản chất của chế độ:

Quan chức cộng sản bán sạch công sản quốc gia

*
TỪ VŨ NHÔM NHÌN RA CÁC ĐINH LA THĂNG

Huynh Ngoc Chenh

Đến bây giờ thì mới huỵch toẹt ra việc chính quyền Đà Nẵng đã có nhiều sai phạm trong việc thực hiện 9 dự án và bán 31 căn nhà thuộc sở hữu nhà nước. Hầu hết các dự án và các căn nhà đó đều vào tay Vũ Nhôm.

Riêng với 31 căn nhà đều bán với giá rẻ bèo vì cố tình không thông qua đấu giá.

Mới đây nhất là căn nhà “kim cương” 16 Bạch Đằng với diện tích gần 1.800 m2 vào năm 2014 định bán đấu giá với mức khởi điểm 83,3 tỉ đồng, nhưng sau đó Đà Nẵng lại đột ngột thay đổi chủ trương, cho công ty của Vũ Nhôm thuê 50 năm với giá 45 tỉ đồng. Chỉ so với mức giá khởi điểm, thành phố đã tự làm thiệt hại gần 40 tỷ đồng, còn so với giá thị trường đất đường Bạch Đằng vào nắm 2015 (khoảng 100 triệu đ/ m2 x 1.800 m2 = 180 tỉ đồng) thì thiệt hại còn lớn hơn gấp bội lần.

Rồi khu đất cuối đường Phạm Văn Đồng, năm 2006, thành phố bán 84 tỉ đồng, đến năm 2008 qua tay Vũ Nhôm bán lại cho ông Quan nào đó đến 581,5 tỉ đồng, hưởng chênh lệch trên 495 tỉ đồng.

Với 29 căn nhà “vàng” còn lại, bình quân thành phố thiệt hại ở mức thấp nhất là 30 tỷ đ/căn thì cũng mất thêm 900 tỉ đồng nữa.
Chưa tính đến 9 dự án, chỉ với các phi vụ bán chỉ định không qua đấu thầu 31 căn nhà cho Vũ Nhôm, các đời lãnh đạo Đà Nẵng đã tự làm thiệt hại tài sản nhà nước hòm hòm thấp nhất cũng lên cả 1.000 tỉ đồng.

Chuyện sai trái tày đình nầy kéo dài qua năm đời chủ tịch thành phố Đà Nẵng và bao trùm lên tất cả là ông bí thư quá cố Nguyễn Bá Thanh.

Ông chủ tịch Nguyễn Bá Thanh chịu trách nhiệm căn nhà 11 Phạm Hồng Thái bán vào năm 2001.

Ông chủ tịch Hoàng Tuấn Anh chịu trách nhiệm việc bán 6 căn nhà bao gồm: 158 Bạch Đằng (2006); 354 Hùng Vương (2004); 82 Trần Quốc Toản (2004); 81 Hùng Vương (2004); 32 Lê Hồng Phong (2004); 89 Hùng Vương (2004).

Ông chủ tịch Trần Văn Minh chịu trách nhiệm việc bán 19 căn nhà: 20 Bạch Đằng (2009); 07 Bạch Đằng (2009); 100 Bạch Đằng (2010); 57 Lê Duẩn (2010); 17 Lê Duẩn (2006); 45 Nguyễn Thái Học (2007); 47 Nguyễn Thái Học (2010); 49 Nguyễn Thái Học (2007); 86 Bạch Đằng (chủ cũ) (2007); 02 Hải Phòng (2010); 22 Cô Giang (2007); 106 Trần Phú (2008); 37 Pasteur (2010); 39 Pasteur (2011); 319 Lê Duẩn (2010); 36 Bạch Đằng (2007); 38 Bạch Đằng (2008); 38 Bạch Đằng mở rộng (2009); 34 Hoàng Văn Thụ (2009), chưa kể loạt các dự án khác.

Cặp BT Trần Thọ và CT Văn Hữu Chiến chịu trách nhiệm việc bán các căn nhà: 73 Nguyễn Thái Học (2011); 121 Phan Châu Trinh (2012); 16 Bạch Đằng (2015); 318 Lê Duẩn (2014) và dự án khu đất tại đường 2/9 – Phan Thành Tài đường quy hoạch (năm 2012).

Từ 2015, cặp Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ mới vừa nhận chức cũng đã chịu trách nhiệm bán nhà công sản 107 Hoàng Hoa Thám (2016) và dự án khu dịch vụ du lịch nhà hàng – cà phê – bar và bến du thuyền (2015).

Sai phạm tày đình như vậy diễn ra công khai giữa thiên thanh bạch nhật kéo dài trong 15 năm, nhưng không ai biết đến. Các tổ chức ngốn bạc tỷ của dân từ trung ương như quốc hội, chính phủ, kiểm tra đảng, ban nội chính, bộ tài nguyên môi trường, bộ xây dựng, bộ KHĐT, bộ công an, thanh tra chính phủ… đến các tổ chức địa phương như thành ủy, ủy ban, hội đồng nhân dân, đoàn thể, báo chí… đều lặng như tờ.

Qua đó cho thấy bộ máy nhà nước của chế độ nầy lập ra vô cùng cồng kềnh với hàng loạt các tổ chức và ban bệ nghe to lớn và oai phong lắm, nhưng chẳng có một chút hiệu quả nào. Tất cả những thứ tưởng như ghê gớm đó đều dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi một cá nhân: ông Nguyễn Bá Thanh, và một cá nhân bé nhỏ tép riu khác: Vũ Nhôm

Rất là khôi hài, ngay vào thời điểm đó ông Thanh lại được ông TBT Nguyễn Phú Trọng vời ra trung ương làm trưởng ban nội chính để tổng tấn công truy quét tham nhũng.

Bây giờ thì mọi chuyện đã rõ, các đời lãnh đạo Đà Nẵng đều có dấu hiệu cố ý làm trái trong các phi vụ bán rẻ 31 căn nhà cho Vũ Nhôm gây thất thoát lên cả nghìn tỉ đồng, còn hơn vụ thất thoát 800 tỉ đồng của Đinh La Thăng đầu tư vào Ocean bank. 
Đinh La Thăng dầu khí đã bị truy tố về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, vậy khi nào thì khởi tố các ngài “Đinh La Thăng” Đà Nẵng?

Không dừng lại ở Đà Nẵng, ”tép riu” Vũ Nhôm còn vươn các phi vụ làm ăn vào tận Sài Gòn. Một số công ty của anh ta có trụ sở ở trung tâm SG, vốn của anh ta có mặt ở Seaprodex, ở ngân hàng Đông Á, Saigon bank…

Trên mạng xã hội từ lâu đã xuất hiện các bản chụp được cho là công văn tuyệt mật của bộ công an gởi cho lãnh đạo TPHCM và các ban ngành, tạo ưu tiên mua bán cổ phần cho các doanh nghiệp được gọi là công ty “bình phong” mà Vũ Nhôm chủ sở hữu. Mạng xã hội cũng lưu hành một số bức ảnh có mặt Vũ Nhôm thân thiết bên cạnh một vài vị tướng của bộ công an. Và quan trọng, Vũ Nhôm đã được xác nhận (bởi bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa) là thượng tá an ninh của bộ công an.

Qua đó dư luận cho rằng, trong câu chuyện Vũ Nhôm, khởi nghiệp là từ ông Nguyễn Bá Thanh, nhưng ngang dọc tung hoành như ngày nay là có trách nhiệm của bộ công an. Đừng nói các ông Trần Đại Quang, Tô Lâm không hay biết gì về Vũ Nhôm.

Vì vậy, việc biến mất Vũ Nhôm ngay trước khi bị bắt là mong muốn của khá nhiều người.

Không chỉ ở Đà Nẵng, các “Đinh La Thăng” đang có ở khắp các địa phương và ban ngành, những “Vũ Nhôm” cũng có mặt tương ứng đều khắp, và tất cả họ đang được tung hô ca ngợi, hoặc đang lớn tiếng dạy dỗ đạo đức, hô hào chống tham nhũng ở đâu đó.

Đó là sản phẩm tất yếu của giai đoạn cộng sản làm kinh tế thị trường.

Nguồn: Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh

———
Đêm Chúa sinh ra đời bên ly cà phê đen 2017.

No automatic alt text available.
 

ĐÊM NAY, AI CŨNG NÊN ĐỌC BÀI VIẾT NÀY

 

VŨ NHÔM,MỘT BÀI HỌC CAY ĐẮNG CHO CHẾ ĐỘ,QUA VỤ NÀY MỚI THẤY CHẾ ĐỘ NÀY THỐI NÁT NHƯ THẾ NÀO..? CẦN XỬ LÝ NGAY CHÍNH QUYỀN CŨNG NHƯ CÔNG AN ĐÀ NẴNG PHẢI TRUY TỐ TẤT CẢ CÁN BÔ LÃNH ĐẠO DÍNH ĐẾN VỤ NÀY ! LÀM RÕ KẺ NÀO CHỐNG LƯNG CHO VŨ NHÔM,KẺ NÀO THÔNG BÁO ĐỂ VŨ NHÔM TRỐN CHẠY VÀ TẨU TÁN TÀI SẢN..?

Tễu Blog – xuandienhannom – Tôi tặng Blog này cho các bạn
XUANDIENHANNOM.BLOGSPOT.COM
 

Chứng cứ về thiên đường’: BS phẫu thuật não kể lại trải nghiệm 7 ngày não ngưng hoạt động

 

Chứng cứ về thiên đường’: BS phẫu thuật não kể lại trải nghiệm 7 ngày não ngưng hoạt động

Hàng ngàn người trên thế giới đã kể lại trải nghiệm cận tử khi họ ở trong trạng thái hôn mê sâu, nhưng trường hợp của Eben Alexander trong quyển sách “Chứng cứ về thiên đường” lại đáng chú ý bởi lẽ: ông là bác sĩ phẫu thuật não có uy tín, người có chuyên môn và am hiểu y học cao-hơn-trung-bình để phân biệt đâu là ảo giác, đâu là trải nghiệm phi thường nơi địa giới tinh thần.

Bác sĩ Eben Alexander và tựa sách “Chứng cứ về thiên đường” phiên bản tiếng Việt

Cuốn sách “Chứng cứ về thiên đường” mô tả trải nghiệm cận tử của Eben trong suốt 7 ngày hôn mê – điều đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm và suy nghĩ của ông về thế giới bên kia.

Một bác sĩ với hồ sơ ‘hoàn hảo’

Eben Alexander (11/12/1953) là con nuôi của một chuyên gia phẫu thuật thần kinh đáng kính. Eben là thành viên của Hiệp hội Y khoa Mỹ; ông từng theo học tại Viện Phillips Exeter (1972), Đại học North Carolina tại Chapel Hill (1975), đại học Y khoa Duke rồi tham gia giảng dạy ở Bệnh viện Đại học Duke, Đại học Y Harvard, Đại học Y Massachusetts và Đại học Y Virginia.

Hơn 25 năm làm bác sĩ phẫu thuật thần kinh, Eben thường xuyên tiếp xúc với các bệnh nhân trong trạng thái hôn mê sâu và tỉnh lại sau đó, rất nhiều người đã kể cho ông nghe về trải nghiệm cận tử, nhưng ông vẫn luôn nghĩ đó hoàn toàn chỉ là ảo giác khi não của họ gặp vấn đề.

Cho tới khi…

Một chứng bệnh cực kỳ hy hữu

Ngày 10/10/2008, Eben – người mà cả đời gần như chẳng bao giờ bệnh tật gì – bỗng bị đau lưng dữ dội, và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Lychburg, Virginia (chính nơi ông đang làm việc) trong tình trạng hôn mê, co giật.

Ông bị viêm màng não do khuẩn E. coli cực kỳ hiếm gặp với chưa đến 1 phần 10 triệu người mắc phải ngẫu nhiên mỗi năm.

Ông ở vào tình trạng hôn mê trong 7 ngày với tỷ lệ tử vong được xác định là trên 97%.

“Một tuần bất tỉnh với căn bệnh viêm màng não nghiêm trọng do vi khuẩn gây ra đã là vượt quá giới hạn của bất kỳ khả năng hồi phục khả dĩ nào,” bác sĩ Scott Wade nhận định vào ngày thứ 7 Eben hôn mê.

Trong 7 ngày đó, “Eben” lại trải qua một hành trình khác…

Một trải nghiệm cận tử mỹ diệu

Ba vùng đất kỳ lạ

Cuộc phiêu lưu trong trải nghiệm cận tử của ông diễn ra tại 3 nơi trong một không gian khác, được ông gọi trong cuốn sách là “Vùng Quang cảnh của Giun đất”, “Cổng vào” và “Cốt lõi”.

Bác sĩ Eben Alexander và tựa sách “Chứng cứ về thiên đường” phiên bản tiếng Anh (ảnh: thespirituniversity.com)

“Cổng vào” được Eben mô tả là một “thứ gì đó vừa xoay vòng một cách chậm rãi, vừa tỏa ra những sợi ánh sáng như tơ mỏng màu vàng… mang theo một âm thanh sống, tựa như một bản nhạc đẹp đẽ nhất, phức tạp nhất, phong phú nhất”. Nó dẫn ông đến “một thế giới kỳ lạ nhất, đẹp đẽ nhất” mà ông “chưa từng thấy”. Thế giới đó theo Eben mô tả là “rực sỡ, sống động, ngây ngất, choáng ngợp…” và “có dùng một đống tính từ của ngôn ngữ con người thì nó vẫn chưa đủ để mô tả sự đẹp đẽ của thế giới đó.”

Eben mô tả: “ Nó là trái đất… nhưng đồng thời không lại không là trái đất. Giống như khi bố mẹ bạn đưa bản trở lại nơi bạn đã sống từ khi còn rất nhỏ. Nơi đó hoàn toàn xa lạ với bạn. Hay ít ra là bạn nghĩ thế. Nhưng rồi khi bạn nhìn xung quanh, có thứ gì đó níu lấy bạn, rồi bạn nhận ra đó là một phần bên trong mình – một phần ở rất, rất sâu – vẫn còn nhớ được nơi này, và hân hoan khi được quay trở lại nơi đây”.

Tại “Cổng vào”, Eben cũng nhìn thấy con người, động vật. “Người ta hát và nhảy thành những vòng tròn… tất cả đều ngập tràn niềm vui. Họ mặc những bộ quần áo đơn giản nhưng vô cùng đẹp đẽ.”

Kể về cái gọi là “Cốt lõi”, Eben mô tả rằng mình đang đi tới “một vùng khoảng trống bao la, tối mịt, vô hạn về kích thước, nhưng cũng lại êm dịu vô ngần. Dù đen kịt đến thế, nhưng lại ngập tràn ánh sáng: một thứ ánh sáng như thể phát ra từ một quả cầu rực rỡ”.

Tại “Cối lõi”, Ebeb cảm thấy mình đang ở trong một bào thai, bồng bềnh trong một nhau thai, giúp nuôi dưỡng nó và làm trung gian với “người mẹ” của ông. Người mẹ của ông ở đây “chính là Chúa, là Đấng Sáng Tạo, là Nguồn Sống chịu trách nhiệm kiến tạo ra vũ trụ và tất thảy những gì ở bên trong nó”. Ông cảm nhận được “sự bao la vô tận”, cảm nhận được “sự gần gũi, sự yêu thương vô điều kiện, toàn năng, toàn trí và không thể tả bằng lời” của Đấng Sáng Tạo.

Tình yêu vô điều kiện nơi thiên đường

Eben mô tả, ở thế giới tinh thần đó, ông đã gặp “một cô gái xinh đẹp, với đôi gò mà cao và cặp mắt xanh lam sâu thẳm”. Trang phục của cô gái “mang trong chúng thứ sức sinh động đến choáng ngợp mà tất cả mọi thứ khác ở xung quanh đều sở hữu”.

Cô gái nói chuyện với Eben bằng “những thông điệp xuyên qua người” ông “như một cơn gió”. Thông điệp đó mang đến tình yêu “vượt lên trên tất cả những tình yêu khác nhau mà chúng ta biết đến trên trái đất này. Nó là thứ gì đó cao cả hơn, vừa chứa đựng tất thảy mọi thứ tình yêu còn lại, vừa chân thành, vừa thuần khiết hơn chúng”.

Cô gái xinh đẹp mà Eben gặp trên thiên đường, chính là người em ruột đã mất mà ông chưa từng gặp

Eben thấy rằng “trong dạng thuần khiết và mãnh liệt nhất, thứ tình yêu này không ghen tuông hay ích kỷ, mà vô điều kiện, là thực tế của mọi thực tế, là chân lý của mọi chân lý, chói sáng và vượt trên cả mọi kiến thức, vẫn luôn sống và thở trong cố lõi của vạn vật, nó chính là cảm xúc quan trọng nhất trong vũ trụ, và còn là chân lý khoa học quan trọng nhất”.

Eben cho biết: Tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện mà tôi nếm trải trong hành trình của mình là khám phá quan trọng độc nhất mà tôi đã hay sẽ thực hiện”. Ông “cũng biết được rằng bằng trái tim mình, chia sẻ thông điệp rất cơ bản này – một thông điệp cơ bản đến nỗi hầu hết trẻ con đều chấp nhận ngay – là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của mình”.

Trải nghiệm các thời gian – không gian khác biệt và khả năng học hỏi tức thì

Khi ở trong “Cổng vào”, Eben cho biết: “tôi không biết mình đã bay như vậy chính xác là bao lâu. Thời gian ở nơi này khác biệt với thời gian tuyến tính đơn giản mà chúng ta cảm nhận ở trái đất, và miêu tả về nó cũng vô vọng y hệt như miêu tả về những khía cạnh khác của nơi này.”

Tại “Cốt lõi”, nhiều lần Eben giao tiếp với Chúa mà ông gọi là Đấng Sáng Tạo thông qua một Quả Cầu Ánh Sáng. Đấng Sáng Tạo cũng cho Eben biết được rằng không chỉ có một mà có nhiều vũ trụ – nhiều hơn so với điều mà con người có thể hình dung – nhưng ở trung tâm của tất cả các thứ ấy là tình yêu.

Eben trông thấy sự phong phú của sự sống qua “hằng hà sa số vũ trụ, bao gồm cả những vũ trụ nơi trí tuệ đã vượt xa loài người”. Eben cũng trông thấy “vô số chiều không gian cao hơn… Thế giới của của thời gian và không gian mà chúng ta di chuyển ở trên trái đất này được đan cài một cách chặt chẽ và phức tạp bên trong những thế giới cao hơn ấy.”

Tỉnh lại sau trải nghiệm cận tử, Eben cho rằng “bản thân bộ não không tạo ra ý thức”, nó giống như một cái van giảm áp hay máy lọc, có tác dụng điều chỉnh ý thức phi vật chất mà chúng ta có được trong những thế giới phi vật chất rộng lớn thành một loại ý thức có dung lượng hạn chế trong hiện thực cuộc sống nhỏ bé này.

Chính vì vậy, khi ý thức của Eben vượt ra ngoài thân thể, ông đã thu được những kiến thức về thiên nhiên và cấu tạo của vũ trụ, vượt trên rất nhiều khả năng hiểu biết trong thế giới này của ông, một cách tức thì và vô cùng dễ dàng.

Một hành trình thay đổi thế giới quan

(ảnh: Shutterstock)

“Dù cho khi lớn lên, tôi đã rất muốn tin vào Chúa và thiên đường cũng như kiếp sau, nhưng nhiều thập kỷ sống trong thế giới khoa học giải phẫu thần kinh nghiệm ngặt đã khiến tôi hoài nghi sâu sắc sự tồn tại của những điều này. Khoa học thần kinh hiện đại tuyên bố rằng bộ não là khởi nguồn của ý thức – của tâm trí, linh hồn, tâm linh, của cái phần vô hình, phi vật thể mà bạn muốn gọi là gì cũng được – là phần thật sự tạo nên chúng ta – và tôi đã không mấy nghi ngờ gì về lời tuyên bố này,” Eben cho biết.

Trải nghiệm cận tử của chính bản thân đã khiến Eben rốt cuộc đã thay đổi những niềm tin bấy lâu nay của mình về khái niệm bộ não, về ý thức, thậm chí là về việc bản thân cuộc sống này mang trong nó ý nghĩa gì.

Khi Eben hăng hái chia sẻ những trải nghiệm của mình với mọi người, đặc biệt là các bác sĩ đồng nghiệp, nhưng đã có rất nhiều người thờ ơ trước câu chuyện của ông. Eben nhận ra rằng chính bản thân mình trước kia cũng có thái độ như vậy khi tiếp xúc với các trải nghiệm cận tử.

Tuy nhiên, với vai trò là một bác sĩ, Eben nhận thấy mình có nghĩa vụ phải kể lại câu chuyện của bản thân với hy vọng có thể giúp đỡ những người khác. Và có lẽ, không ai ở vị trí tốt hơn ông để làm điều đó.

Một quyển sách sống động như bộ phim

Quãng thời gian 7 ngày Eben khám phá những cảnh giới cao hơn, thì ở thực tại, người thân và bạn bè của ông phải đối mặt với một Eben “gần như đã chết”, và cả 2 câu chuyện đều diễn ra đồng thời.

“Chứng cứ về thiên đường” không chỉ thú vị ở những trải nghiệm phi thường của Eben, mà còn là cách kể chuyện đan xen hiện tại, quá khứ, thế giới thực, thế giới tinh thần trong 7 ngày.

Người đọc được theo dõi một câu chuyện giàu kịch tính, pha chút hài hước nhưng đầy lý trí, được chia thành từng đoạn nhỏ chỉ dài khoảng vài trang hệt như những cảnh phim sống động. Đó không chỉ là trải nghiệm của một mình Eben, mà là tình thương, sự lo lắng và hành động của cả người thân và các bác sĩ, đồng nghiệp ở chính nơi ông làm việc.

Cuốn sách “Chứng cứ về thiên đường” đã được dịch sang tiếng Việt và phát hành ở Việt Nam bởi nhà sách Nhã Nam.

Thiện Tâm, Phong Trần tổng hợp

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Ơn Với Nghĩa

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Ơn Với Nghĩa

Ảnh của tuongnangtien

RFA

Đ.. mẹ nhân tình đã biết rồi
Lạt như nước ốc bạc như vôi

Nguyễn Công Trứ

Thân mẫu của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cụ bà Nguyễn Thị Hường, vừa từ trần vào ngày 1 tháng 12 năm 2017. Tang ma, ngó bộ, không được đình đám gì cho lắm nên dư luận (xem ra) có đôi chút lăn tăn.

-Bác sĩ Hoàng Lan:

“Sẽ không có gì phải nói, nếu như không có những chuyện im lặng đến ‘khó hiểu’ từ truyền thông lề phải. Bà là vợ một liệt sĩ, mẹ của nguyên Thủ tướng (người đương nhiên được tổ chức Quốc tang khi qua đời).

Bà là bà nội của Bí thư tỉnh uỷ, và của Trưởng một ban của TW Đoàn. Lẽ thường, bà là người phụ nữ đáng được nhắc tên để tôn vinh.

Vậy mà, trên các cơ quan truyền thông báo chí của Đảng, tuyệt nhiên không thấy một dòng chia buồn hay phân ưu.
Tình đồng chí đẹp đến thế sao?

Hay họ đang để dành báo Đảng để chia buồn sang Cu Ba, Triều Tiên, Trung Quốc..?”

-Nhà báo Thiền Lâm:

“Hiện tượng báo đảng nói riêng và và báo chí nhà nước nói chung im bặt trước đám tang của mẹ cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể được xem là một chỉ dấu đặc biệt, không chỉ về thói vô cảm chính trị trong chính trường Việt thời nay, mà còn như một biểu trưng cho thói ‘ăn cháo đá bát’ hết sức bạc bẽo của giới quan chức …”

Những nhận xét thượng dẫn, tất nhiên, không có gì sai trật. Tuy thế, nhắc chuyện tình nghĩa (ơn nghĩa, nhân nghĩa, lễ nghĩa, đạo nghĩa …) giữa lúc nền tảng luân lý của cả xã hội đã lung lay đến tận gốc (nghe) sao thấy hơi lạc lõng.

Đã thế, bạc bẽo vốn là một thuộc tính của loài người chứ không riêng chi của giới truyền thông hay quan chức hiện nay. Họ cũng không phải là thủ phạm đã đẩy sự vô cảm, bạc ác đến độ vượt ngưỡng như hiện cảnh. Cái thói vô ơn và bạc bẽo đã ló dạng ngay từ khi những người cộng sản Việt Nam vừa nắm được quyền bính, ở nửa phần đất nước này.

Xin đan cử vài trường hợp:

– Năm 1945, Nguyễn Hữu Đang được đưa vào gặp bác Hồ. Ông hồi tưởng:

Cụ Hồ nhìn tôi một lúc với cặp mắt rất sáng, cặp mắt mà về sau này nhân dân cả nước đồn rằng có bốn con ngươi – như muốn cân nhắc, đánh giá người mà Cụ quyết định giao trọng trách. Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha, rất giống giọng cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe:“Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?”

 Tôi tính rất nhanh trong đầu: tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn 4 ngày nữa thôi… Tôi suy nghĩ cân nhắc trong từng phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua… để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắngTôi nói với Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!”

(Phùng Quán. “Ngày Cuối Năm Tìm Thăm Người Dựng Lễ Ðài Tuyên Ngôn Ðộc Lập.” Ba Phút Sự Thực, 2nd ed. Văn Nghệ: Sài Gòn, 2007).

-Năm 1946, Nguyễn Mạnh Tường cũng được mời gặp bác Hồ. Trong một cuộc phỏng vấn (“Ba Giờ Với Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường”) dành cho nhà báo Khánh Hoà, ông kể lại:

Cụ nói: “Như Ngài đã biết, chính phủ vừa ký kết với Pháp một bản tạm ước. Theo bản tạm ước ấy, sắp tới giữa ta và Pháp sẽ có một hội nghị quan trọng. Xin Ngài giúp soạn giùm cho một bản lập trường của chính phủ (thèse gouvernementale) để sử dụng như một cương lĩnh chỉ đạo cuộc hội nghị.

Tôi đáp: “Công việc này quan trọng quá, xin cụ nhờ một người nào giỏi và có kinh nghiệm hơn tôi. Cụ Hồ nói: “Tôi đã hỏi ý kiến nhiều người và ai cũng bảo là chỉ có Ngài mới có thể làm được thôi. Cuối cùng, tôi nhận lời, về nhà, đóng cửa văn phòng luật sư, vận dụng tất cả kiến thức về luật pháp quốc tế cũng như những điều khoản căn bản của tạm ước để soạn bản lập trường. Đến khi đem trình, được Cụ Hồ chấp thuận và do đó, buộc tôi phải tham dự Hội Nghị Đà Lạt. (…)

Thế nhưng, về Hà Nội bỗng dưng lại có tin đồn là Nguyễn Mạnh Tường thông đồng với giặc, là Nguyễn Mạnh Tường bán nước.

– Luật sư có biết tin đồn đó phát xuất từ đâu không?

– Thì cũng phải có người phát thì nó mới động chứ. Tin đồn đó là cả một chiến dịch được tổ chức hẳn hoi.

Chung cuộc, Nguyễn Mạnh Tường trở thành Kẻ Bị Khai Trừ. Còn Nguyễn Hữu Đang thì lãnh án 15 năm tù (với tội danh gián điệp) và 5 năm quản chế.

Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa” trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi “làm gương”, đưa xưởng dệt của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột, bây giờ Chính phủ nhân đạo cho làm phó giám đốc trong các nhà máy, xí nghiệp của mình. Không chỉ riêng bà Bô, các nhà tư sản từng nuôi Việt Minh như chủ hãng nước mắm Cát Hải, chủ hãng dệt Cự Doanh cũng chấp nhận hợp doanh và làm phó.

Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý lịch các con của ông Trịnh Văn Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là “tư sản dân tộc”, và rất ít khi hai chữ “dân tộc” được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn Bô, ông Trịnh Kiến Quốc kể: “Ở trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính trị, nhìn chị em tôi như những công dân hạng ba...”

Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không đòi lại được. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).

Bà Trịnh Văn Bô từ trần vào ngày 5 tháng 11 năm 2017. Ba hôm sau,   nhà báo Hà Phan lên tiếng:

“Tại sao người ta có thể đối xử như thế với gia đình từng hiến 5,147 lượng vàng cho cách mạng và cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, trị giá hàng trăm tỷ đồng theo thời giá bây giờ, để làm nhà lưu niệm? Đến khi cụ bà qua đời, trên giấy tờ nhà vẫn chưa phải của gia đình họ, chẳng hề có sổ hồng, sổ đỏ gì như người ta.”

Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, ông bà Trịnh Văn Bô đều được Chủ Tịch Hồ Chí Minh tin cậy và nhờ cậy. Hệ quả (hay hậu quả) họ đều trở thành nạn nhân của chính quyền cách mạng trong khi ông Hồ vẫn còn tại thế, và tại chức.

Bao giờ chế độ hiện hành còn tồn tại, ban Tuyên Giáo còn ra rả kêu gọi mọi người “học tập làm theo tư tưởng, phong cách bác Hồ” thì “ăn cháo đá bát” vẫn còn là chuyện hoàn toàn theo đúng qui trình và truyền thống.

Mà Nguyễn Tấn Dũng, nói nào ngay, có hy sinh hay đóng góp gì đâu. Đã thế, ông còn được mô tả là người đứng đầu một chính phủ “đầy tỳ vết tham nhũng” và “phá chưa từng có trong lịch sử của đảng CSVN.” Vậy mà tang lễ của cụ bà Nguyễn Thị Hường vẫn diễn ra một cách êm đềm và lặng lẽ, tư thất vẫn không (hoặc chưa) bị nhà nước … mượn luôn. Tưởng như vậy là cũng “tử tế” lắm rồi. Còn thắc mắc, khiếu nại, hay đòi hỏi gì nữa – cha nội?

Đốt lò, chặt củi, bắt “Bè lũ Đinh La Thăng” nói lên điều gì?

Đốt lò, chặt củi, bắt “Bè lũ Đinh La Thăng” nói lên điều gì?

J.B Nguyễn Hữu Vinh
2017-12-22
 
Ông Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch PVN phát biểu bên lề thượng đỉnh G20 ở Seoul hôm 10/11/2010

Ông Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch PVN phát biểu bên lề thượng đỉnh G20 ở Seoul hôm 10/11/2010

 AFP
 

Thời gian gần đây, chính trường Việt Nam chuyển động khá mạnh mẽ tạo nên những làn sóng dư luận trong và ngoài nước khiến nhiều người chú ý. Những cuộc bắt bớ liên tục xảy ra mà đối tượng bắt bớ gồm cả “quân ta” lẫn “quân địch” theo cách nói của Nguyễn Phú Trọng. Nguyên nhân nào có tình trạng đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.

Từ bắt bớ tàn khốc những người công chính

Có lẽ, ít có thời kỳ nào mà sự bắt bớ của nhà cầm quyền lại xảy ra tàn bạo, bất chấp luật pháp như vậy đối với những con người có tiếng nói và hành động nhằm đấu tranh cho đất nước, xã hội, con người Việt Nam mà nhà nước độc tài Cộng sản Việt Nam coi là “thế lực thù địch”.

Hẳn nhiên, đây là “thế lực thù địch” của đảng cộng sản – một băng đảng hành động với mục đích duy nhất là chiếm giữ chiếc ghế quyền lực để thi hành chính sách độc tài nhằm vơ vét về cho băng đảng mình mọi quyền lợi, tài nguyên đất nước và xương máu người dân – bởi những tiếng nói, những con người quyết tâm đấu tranh để có một xã hội tiến bộ, văn minh như phần còn lại của thế giới, chống lại sự độc tài và bạo lực, đã không chấp nhận ý muốn của những kẻ cầm quyền này.

Hai xu hướng giữa tiến bộ và bảo thủ, giữa văn minh và lạc hậu, giữa sự tàn bạo và tình yêu thương đó thì mâu thuẫn là đúng thôi, nó như nước với lửa.

Và điều cơ bản nhất, là người dân Việt Nam đã dần dần nhận chân ra ở đâu là chính nghĩa, đâu là tà quyền. Chính vì thế sự sợ hãi trong băng đảng càng lớn thì những hành động càng ngang ngược bất chấp tất cả những sĩ diện, những sự che đậy hay những lời lẽ có cánh bấy lâu nay.

Vấn đề là nhiều khi sự dữ, sự ác lại thắng thế trong một giai đoạn nào đó, nhất là khi mà sự cùng quẫn đã đến mức đỉnh cao.

Hai năm qua, những cuộc vây ráp, bắt bớ, đánh đập hoặc những màn diễn “công khai xử kín” của nhà cầm quyền Việt Nam nhằm ngăn chặn, hù dọa, tiêu diệt những tiếng nói yêu nước, muốn bảo vệ đất nước, tổ quốc và nhân dân đã diễn ra khốc liệt và tàn bạo. Những người có tiếng nói đấu tramh cho sự thật, công lý, cho sự tiến bộ xã hội bị bắt hơn cả những tên trộm cướp.

Từ một Nguyễn Văn Đài là luật sư có tấm lòng yêu thương đồng loại, có uy tín trong cộng đồng và đặc biệt là có tinh thần vì một xã hội, đất nước tiến bộ đã bị bắt giam không xét xử quá thời hạn luật định mà hệ thống luật pháp này coi như không có chuyện gì xảy ra. Cho đến những người đàn bà con mọn, bị tàn tật như Trần Thị Nga, hay những cô gái chỉ vì môi trường sống mà hành động… Tất cả đều là lật đổ nhà nước, lật đổ chính quyền?

Thử hỏi cái nhà nước này, chính quyền này là chính quyền nào, mà hễ có những người nói lên sự thật, hễ có ai lo lắng cho vận mệnh đất nước, biết yêu thương người dân thì lập tức sẽ trở thành “thế lực thù địch” và những hành động đó là hành động lật đổ? Chỉ cần trả lời câu hỏi đó thôi, cũng đủ để giải đáp câu hỏi: Nhà nước, chính quyền hiện nay là gì.

Người ta lại đặt câu hỏi: Cái nhà nước này là cái gì mà dễ bị lật đổ hay sợ hãi sự lật đổ đến thế? Những bà mẹ tàn tật một nách hai con mọn thì lật đổ nhà nước “chính nghĩa sáng ngời, của dân, do dân và vì dân” làm sao được và bằng cách nào?

Một nhà nước với đầy đủ súng đạn mua về không phải để đánh giặc mà chỉ dùng đánh dân, một chính quyền không lo giữ nước mà chỉ lo giữ ghế thì thử hỏi cái chính quyền và nhà nước đó đang phục vụ ai và mục đích tồn tại của nó là gì?

Một nhà nước với hàng vạn giáo sư, tiến sĩ, hàng triệu đảng viên là “tinh hoa” mà không dám đối thoại với chính người dân mình bằng lời nói, bằng lý luận mà hành xử theo kiểu lục lâm thảo khấu lấy sức mạnh cơ bắp là chính, thì thử hỏi chính nghĩa đứng về đâu?

Đến cuộc chiến “củi đậu đun hạt đậu”

Mấy tháng nay, đảng tung ra phong trào đốt lò – Nguyễn Phú Trọng – với danh nghĩa chống tham nhũng. Hàng loạt vụ bắt bớ theo kiểu trả thù đã được thực hiện. Hàng loạt những “đảng viên ưu tú, là gương mẫu, là đạo đức, là văn minh” và là “học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thậm chí là “thái tử đảng”, mầm non của đảng và là “hạnh phúc của dân tộc” (Nguyễn Thị Quyết Tâm)…  đều được các đồng chí mình dùng đủ mọi cách đưa vào nhà tù.

Như vậy, cuộc chiến không chỉ với “thế lực thù địch” mà cuộc chiến đã diễn ra ngay trong lòng đảng, ngay giữa “đội quân tiên phong”.

Phải chăng, ở đây có cuộc “chống tham nhũng” thật như lời những người Cộng sản?

Nếu nhìn kỹ một chút, người ta thấy rằng với một đảng quang vinh, tài tình, sáng suốt và là trí tuệ thì không thể đợi cho một Đinh La Thăng leo vào đến Bộ Chính trị thì mới bắt nhốt với những tội tầy đình cách đây cả hàng chục năm.

Cũng không phải Trịnh Xuân Thanh mới ăn hối lộ hàng chục tỷ đồng chỉ trong một vụ áp phe đầu tư bằng vốn nhà nước là đồng tiền xương máu của người dân, không ai biết. Để rồi leo lên đến chức Phó Chủ tịch một tỉnh, chỉ vì chiếc xe biển trắng gắn biển xanh mới phát hiện ra tội phạm?

Cũng không phải cho đến lúc Nguyễn Xuân Anh bị cách hết chức vụ, đứng trước nguy cơ xộ khám, thì quan chức cộng sản mới thôi giải thích rằng hai chiếc xe biển số hoàn toàn giống nhau là bình thường, vì nó khác… màu sơn.

Cũng chỉ cho đến khi vài thái tử rớt đài chức vụ, thì việc giải thích con cháu quan chức cộng sản làm quan chức lại là hồng phúc cho dân tộc mới dừng lại.

Bởi chưng, với một đảng luôn tự xưng là “trong sạch, vững mạnh” làm sao có thể chứa nổi bầy sâu mọt khủng khiếp đến thế, như lời PGS-TS Ngô Huy Cương (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nói:  “mọi hành vi tham nhũng đều xuất phát từ cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp”.

Như vậy, hiện tượng đảng thì “trong sạch, vững mạnh” nhưng chứa cả một bầy sâu là chuyện hiện thực không thể chối cãi. Cái bình của Nguyễn Phú Trọng đang cố giữ gìn chính là cái ổ chuột khổng lồ đục xương hút máu người dân lâu nay là chuyện khẳng định.

Việc bắt bớ những đồng chí đảng viên từ cao cấp đến cấp thấp với những tội danh được báo chí kết tội thay tòa theo lệnh đảng. Những cuộc điều tra nhanh như điện giật, chỉ chưa đến chục ngày làm việc điều tra ra hàng ngàn tỷ đồng bị tham nhũng, đục khoét và cướp đoạt có phải chứng tỏ sự tài tình của cơ quan điều tra?

Xin thưa và khẳng định là không. Bởi nếu họ tài tình đến thế, thì hàng chục năm qua họ đã bị đui mù hay điếc đặc bởi lý do nào? Hay sinh ra họ chỉ để ăn rồi ngủ và hôm nay mới làm việc?

Một câu hỏi lớn đang đặt ra hiện nay là: Tại sao cuộc “chống tham nhũng” do Nguyễn Phú Trọng cổ vũ đốt lò kia, cho đến nay vẫn chỉ là những thanh củi tươi hoặc khô của phe nhóm đối địch? Hoàn toàn không thấy bóng dáng của những tội đồ dân tộc hiện đang giữ chức vụ và tội ác đã là hiển nhiên?

Người ta thấy lạ, tại sao Nguyễn Kim Cự ung dung thoát tội tầy đình là đã rước thuốc độc vào đầu độc cả dân tộc, và ngay cả trong cuộc rước đó, Cự đã vượt mặt, vượt thẩm quyền của mình. Vậy động cơ nào đã dẫn đến hành động đó của Cự? Tại sao Cự vẫn ung dung hạ cánh an toàn?

Người ta đặt câu hỏi tại sao ngoài những kẻ thuộc nhóm thù địch, còn lại những nhân vật, những thanh củi kia vẫn chỉ là những thanh củi đã mục, đã về vườn hoặc thuộc giai đoạn Nguyễn Tấn Dũng đang lộng quyền. Vậy những thanh củi mục ruỗng, mối mọt rõ ràng thời Nguyễn Phú Trọng cầm quyền thì sao? Tại sao họ lại được “quên đi” một cách “không trong sáng”?

Người ta cũng đặt câu hỏi: Tại sao những kẻ đưa con, cháu mình lên mà không thuộc phe nhóm đang thắng thế thì bị tiêu diệt và hạ bệ. Còn những kẻ ngang nhiên vi phạm luật pháp, tự đặt ra tiêu chuẩn để mình quyết tâm “tham quyền, cố vị” như Nguyễn Phú Trọng thì không ai đám động đến? Điển hình như chị em Phạm Thị Thanh Trà làm mưa làm gió ở Yên Bái, coi thường dư luận đến vậy mà cũng chỉ khiển trách và điều chuyển đến chỗ ngon và thơm hơn? Ai đã đỡ đầu cho chị em ả này?

Và còn câu hỏi lớn: Những kẻ đã đang tâm cống đất đai, lãnh thổ của Tổ Quốc cho giặc ngoại xâm để lãnh thổ Việt Nam từ 324.900 km2 giảm xuống còn 310.070 km2, nghĩa là 15.000 km2 đất đai của ông cha để lại đã rơi vào quân xâm lược, là bạn vàng của đảng thì đáng tội gì? Sao không dám nhắc đến?

Trả lời tất cả những câu hỏi đó chỉ khẳng định một điều này: Đây là cuộc chiến giành ăn, tranh phần và là cuộc thanh toán lẫn nhau giữa các phe nhóm trong đảng. Ở đó, quyền lợi quốc gia, dân tộc và người dân chỉ là cái cớ, là con dao, cái búa cho băng đảng đánh nhau giành chỗ, giành miếng ăn mà thôi.

Thử tìm nguyên nhân

Điều mà người dân thắc mắc, tại sao khi đảng Cộng sản đang kêu gào chống tham nhũng và tiêu diệt tham nhũng, thì những người đấu tranh cho xã hội tốt đẹp, minh bạch hơn, là những phương thuốc chống tham nhũng hữu hiệu nhất lại bị bắt bớ tàn bạo và khốc liệt?

Người ta không hiểu vì sao, khi ra sức hô hào chống tham nhũng để hòng “lấy lại uy tín của đảng” – thứ xa xỉ mà người dân đã biết rằng nếu phung phí nó thì phải trả giá – thì đảng của Nguyễn Phú Trọng lại bày ra những điều đi ngược lại tiêu chí, mục đích chống tham nhũng của mình.

Điển hình như cái chỉ thị 102 vừa qua, cấm đảng viên được chỉ trích đảng, hoặc các chủ trương, chính sách của nó dù ai cũng biết rằng từ các “Chủ trương lớn” của nó cho đến các đường lối, chính sách… chứa sai lầm này đến sai lầm khác lớn hơn. Cấm đảng viên có xu hướng đa nguyên, đa đảng hoặc thích xã hội dân sự? Hay nhiều luật lệ, dự luật được đưa ra hoàn toàn đi ngược lại những điều mà cả thế giới đã chỉ ra để chóng tham nhũng hiệu quả nhất, triệt để nhất đó là sự minh bạch, tự do ngôn luận và tự do báo chí…

Nếu dùng những logic đơn giản và thường có trong đời sống xã hội và đời sống tự nhiên để giải thích những hành động kỳ quặc đó của đảng Cộng sản hôm nay, sẽ là những sai lầm liên tiếp.

Thực chất điều có thể giải thích những “hành động kỳ quặc” vừa qua của đảng cộng sản đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, người ta thấy rằng đảng đang trong thời kỳ rối ren, lủng củng và tan rã mạnh mẽ nhất.

Những lời hô hào, tô vẽ về một đảng “học tập làm theo HCM” rằng “giữ gìn sự đoàn kết trong đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” đã chỉ là những điều để thực hiện theo phương châm đảng vẫn hành xử xưa nay: “Nói một đằng, làm một nẻo”.

Đã đến lúc, những phe nhóm chia chác, kiếm ăn trong đảng đã không thể thỏa hiệp với nhau trong canh bạc vét nốt chút máu xương còn lại của người dân, nên việc đâm chém nhau là hiển nhiên phải đến.

Đã đến lúc, những ngôn từ sáo rỗng, khoe khoang quảng cáo mớ hổ lốn về sự đoàn kết là sức mạnh, là chính nghĩa, đạo đức, văn minh… không còn là phương thuốc thần diệu có tác dụng ru ngủ người dân Việt Nam. Do vậy họ sẵn sàng lột bỏ những tấm mặt nạ luật pháp, đạo đức cuối cùng.

Và trong hoàn cảnh đó, họ ra sức bắt bớ, giam cầm, tiêu diệt các mầm mống manh nha của các “thế lực thù địch” chung của các phe nhóm. Họ cố tình dọn sạch bãi, để khi cởi trần đánh nhau, vẫn giữ được sự an toàn cho chiếc ghế quyền lực để lại chia nhau cai trị.

Điều đó, dù những nguyên nhân sâu xa, thiết tưởng rằng khó giấu được thiên hạ.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Ý NGHĨA MÙA GIÁNG SINH !

 
 

 

Ý NGHĨA MÙA GIÁNG SINH !

Giáng Sinh là ngày lễ của người Kitô hữu mừng ngày Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ Đức Giêsu Kitô.

Giáng Sinh đã trở nên một trong những ngày lễ lớn nhất trên toàn thế giới và người Kitô hữu lẫn người không cùng tín ngưỡng cũng cử hành ngày lễ này.

Christmas được kết hợp từ “Christ’s Mass”, nghĩa là Lễ của Chúa Kitô được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12.

Christmas đã có từ rất lâu trong dòng lịch sử. Là lễ hội, Giáng Sinh kéo dài đến tận lễ Maria, Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng 1. Trong thời gian này thật thích hợp để mừng lễ hội.

Giáng Sinh thông thường kéo dài tới ngày lễ Hiển Linh, 12 ngày sau Chúa Giáng Sinh. Giáng Sinh cũng là mùa của năm phụng vụ, và nó kết thúc vào Chúa Nhật sau lễ Hiển Linh.

Theo truyền thống lâu đời, Giáng Sinh kéo dài 40 ngày, giống như Mùa Chay cũng trải dài 40 ngày.

Mùa Giáng Sinh chính thức kết thúc khi Giáo Hội bước vào Mùa Thường Niên.

Trong giới sử gia, họ quan tâm thảo luận về lý do tại sao ngày Giáng Sinh trong lịch lại rơi vào ngày 25 tháng 12. Theo giới học giả chú giải Kinh Thánh, Chúa Giêsu dường như sinh vào mùa xuân, hoặc sớm hơn là vào mùa thu, không phải là tháng 12 mà nhiều người thường tin.

Tuy nhiên, Giáo Hội chính thức xác nhận ngày Giáng Sinh là vào ngày 25 tháng 12 trong suốt thời kỳ sau của Đế Quốc Rôma. Nhiều người suy đoán ngày này được chọn vì trùng khớp với những lễ hội của người ngoại giáo, chẳng hạn như, đó là ngày người Rôma mừng lễ Mặt Trời. Và số người ngoại giáo khác có những lễ hội giữa mùa đông.

Dựa theo những lý thuyết khác thì Giáo Hội sơ khởi thảo luận trước khi ấn định ngày lễ này. Trong thời Giáo Hội sơ khởi, người ta tin rằng Đức Kitô được thụ thai vào ngày 25 tháng 3, nên việc chọn 25 tháng 12 là hợp lý, vì 9 tháng sau đó Hài Nhi Giêsu mở mắt chào đời. Nên chú ý rằng Giáo Hội sơ khởi dùng lịch khác với ngày nay, và những ngày lễ Giáng Sinh sớm nhất theo lịch cũ, cũng rơi vào ngày 25 tháng 12, mà chiếu theo lịch ngày nay thì Giáng Sinh rơi vào ngày 7 tháng 1.

Dù nguồn gốc của Lễ Giáng Sinh và chọn ngày như thế nào đi nữa, vào Lễ Giáng Sinh, người Kitô hữu luôn mong chờ để tưởng nhớ ngày Đức Giêsu Kitô mở mắt chào đời.
Và việc tưởng nhớ này có tâm quan trọng hơn là những thảo luận xoay quanh nguồn gốc của ngày lễ.

Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Image may contain: 3 people, people sitting and text
 

ÁO TRẮNG.

ÁO TRẮNG.

Lúa oằn bông trĩu ngoài đồng
Áo em trắng quá khiến lòng ngẫn ngơ
Nắng vương má thắm dại khờ
Nón che nghiêng nón anh mơ cả đời
Theo sau chân nhỏ quên lời
Bóng đè ngọn lúa gọi mời yêu em
Bước khoan bước nhặt say mèm
Bước vào ký ức chợt thèm nắng xuân…
Ngày trôi bỏ lại đôi tuần
Bỏ lòng thương nhớ cho nhuần nỗi đau
Nếu mai mình được gặp nhau
Cho anh mở lại đường vào tim em…

Liverpool.23-12-2017
Song Như.

Image may contain: 1 person, smiling, standing, grass, outdoor and nature