Chứng khoán châu Âu lao dốc do lo ngại leo thang chiến tranh thương mại
April 7, 2025
Các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu ngày 7.4, giữa bối cảnh làn sóng bán tháo lan rộng do lo ngại về các chính sách thuế quan cứng rắn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo AFP, thị trường chứng khoán khu vực này chịu cú sốc lớn sau khi Washington tuyên bố áp thuế 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, dự kiến có hiệu lực từ ngày 9.4. Trước đó, ngày 5.4, Anh cùng một số quốc gia khác đã bị Mỹ áp mức thuế 10%.
Chỉ số DAX trên Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức) ghi nhận mức giảm mạnh 10% ngay khi mở cửa phiên giao dịch. Các thị trường lớn khác tại Milan (Ý), Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha) và Amsterdam (Hà Lan) cũng chứng kiến mức giảm hơn 6%. Tại London (Anh) và Oslo (Na Uy), chỉ số chứng khoán giảm hơn 5%.
Theo Reuters, đợt giảm này đã đưa giá cổ phiếu châu Âu xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng. Giới đầu tư lo ngại khả năng suy thoái kinh tế khi Tổng thống Trump tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh thương mại mà không đưa ra tín hiệu nhượng bộ.
Tại Paris, giá cổ phiếu của hãng chế tạo máy bay Airbus và tập đoàn sản xuất động cơ Safran đều giảm 10%. Ở Frankfurt, công ty vũ khí Rheinmetall giảm hơn 13% và ngân hàng Commerzbank giảm gần 12%. Tại London, cổ phiếu của Melrose Industries, tập đoàn hàng không vũ trụ, dẫn đầu đà giảm với mức sụt khoảng 8,5%.
Chứng khoán châu Á cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 13,22%, tương đương 3.021,51 điểm – mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục cũng giảm 7,34%, tương đương 245,43 điểm.
Đợt bán tháo trên diện rộng diễn ra sau khi Trung Quốc ngày 4.4 tuyên bố áp thuế trả đũa 34% với toàn bộ hàng hóa từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10.4. Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua tuyên bố sẽ không đạt bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc cho tới khi thâm hụt thương mại của Mỹ được giải quyết, khiến giới đầu tư lo ngại căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục leo thang.
“Có một số hy vọng vào cuối tuần rằng có thể sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán, nhưng những tín hiệu cho thấy Tổng thống Trump cảm thấy thoải mái với phản ứng của thị trường và sẽ tiếp tục theo hướng hiện tại”, ông Richard Flax, Giám đốc đầu tư tại Moneyfarm (Ý), nhận định.
Nỗi niềm sách cũ – Vũ Thế Thành
Vũ Thế Thành
– 5 tháng 4, 2025
Phượng Cầu Hoàng trong Bích Câu Kỳ Ngộ
Bia rượu một thời muốn quên, sao cứ nhớ!
Hồi đi học, tôi chẳng bao giờ “tâm tư” về sách giáo khoa. Cứ ra mấy sạp sách cũ ở góc đường Lê Lợi và Pasteur tha hồ chọn. Sách toán lý hóa chọn theo tiêu chuẩn: giáo khoa ngắn, bài tập nhiều. Thường thì cùng môn học tôi chọn hai tác giả khác nhau vì đa dạng kiểu bài tập. Sách sử địa thì càng dày càng tốt, đọc sử địa như đọc truyện cũng là cách giải trí.
Nói là sạp sách cũ, nhưng nơi đây cũng bán sách giáo khoa mới, giảm 10-15% so với giá bìa. Có điều sách không đa dạng vì họ chỉ chọn những loại sách bán chạy. Muốn lựa phải vào nhà sách Khai Trí, bên kia đường. Nhà sách này rộng rãi, thoáng mát, có đủ loại sách, tha hồ đọc, đọc cả ngày cũng được, chỉ có điều bán theo giá bìa. Tôi chưa bao giờ hoang phí, mua sách giáo khoa theo giá bìa cả.
Giá sách cũ chỉ bằng 1/3 giá bìa. Sách có “thủ bút” chi chít của người dùng trước, còn rẻ hơn nữa, chỉ khoảng 1/4. Tôi thích loại sách “thủ bút” này vì đàn anh đã nhấn mạnh giùm những chỗ cần nhớ, tương tự như chú thích giùm để mình đề phòng. Đôi khi lại là thủ bút với những dòng cảm khái, thậm chí cũng có thủ bút nhăng nhít nữa. Tôi còn nhớ có một thủ bút thế này: “Em ơi, em đẹp lắm, nhưng cái bằng tú tài đẹp hơn em.” Dù thời bọn tôi, nam thanh niên đứa nào cũng biết, rớt tú tài số phận sẽ là ôm…ba lô, nhưng cảm khái “tàn bạo” như thế không gọi nhăng nhít thì gọi là gì? Có điều dù giá sách cũ chỉ bằng 1/3 hay 1/4 thì về nhà tôi vẫn “trình báo” với má tôi theo giá…bìa. Bà già tôi sợ thằng con đi lính, thấy nó khệ nệ mang cả đống sách về nhà, thì giá nào mà bả chẳng gật. Đó là khoản “thu nhập” cà phê với bè bạn khi cỗ máy đầu năm chưa khởi động để học nước rút.
Tôi không nhớ mình bắt đầu dính líu vào sách cũ khi nào. Có lẽ từ hồi học lớp Năm (lớp Một bây giờ), ngay khi vừa biết đọc mà không cần lẩm nhẩm đánh vần. Thoạt đầu là mua truyện tranh Tarzan, Batman, công chúa ngủ trong rừng,… Truyện mỏng dính nhưng là khoản tiền tôi nhịn ăn sáng để mua. Tôi nghiện đọc, muốn đọc thêm thì trao đổi truyện với bè bạn. Chưa đủ đáp ứng cơn nghiện, tôi đổi ba truyện cũ lấy một mới với người bán. Và sau cùng là mua sách xon. Sách bán xon sách mới, nhưng nhà phát hành bán tống bán tháo, nên đánh dấu mực xanh trên đầu sách, giá chỉ bằng 1/3. Lên lớp Tư, tôi chán truyện tranh chuyển sang đọc truyện cổ tích, Tâm hồn cao thượng, Những kẻ khốn cùng,…
dạng tóm tắt, nhưng chỉ toàn đọc ké của chúng bạn. Một nguồn đọc khác, các bạn thời nay chắc không ngờ nổi, đó là từ sách giáo khoa. Hồi đó thầy cô chỉ giới thiệu sách nên mua, còn mua hay không, hay mua sách của tác giả nào cũng được. Nguồn đọc chính là đọc ké từ các bạn học các sách giáo khoa tập đọc, sử ký, địa lý, khoa học thường thức,.. từ nhiều tác giả khác nhau. Bài đọc cuối tuần trong sách luôn luôn là những câu chuyện hấp dẫn, đến giờ tôi vẫn còn nhớ như chuyện Tô canh hẹ, Ba anh em họ Điền,…
Lên trung học tình huống lại khác. Đọc các trích đoạn trong sách giáo khoa rất…khó chịu, vì đang hấp dẫn thì chấm hết. Tôi còn nhớ vài tác giả như Thanh Tịnh (Tôi đi học), Nguyên Hồng (Bỉ vỏ), Trần Tiêu (Con trâu), Bùi Hiển (Nằm vạ), Tô Hoài (Dế mèn phiêu lưu ký), Huỳnh Tịnh Của (Chuyện giải buồn), Trương Vĩnh Ký (Chuyện đời xưa),…Giải pháp duy nhất là đi thuê sách đọc cho đã. Thuê ở mấy tiệm gần nhà, tiệm này không có thì qua tiệm khác.
Lên Đệ II cấp (cấp 3) thì không còn là những tác giả có trong sách giáo khoa nữa, mà là tiểu thuyết đủ loại không có trong chương trình học. Tới đây tôi phải mò tới Cảnh Hưng ở đường Phan Đình Phùng. Có lẽ đây là tiệm cho thuê sách lớn nhất Sài Gòn, từ sách Học làm người, sách lịch sử thế chiến, tiểu thuyết, trinh thám Z28,… Lên tới đại học, tôi vẫn tìm đến Cảnh Hưng để thuê sách. Truyện kiếm hiệp thì khỏi phải nói, mỗi lần tôi mướn ít nhất 5 quyển đọc mới sướng. Ông chủ Cảnh Hưng nhỏ con, nhưng chơi đẹp với bọn học trò, trả sách trễ cả tuần, cũng chỉ tính một ngày.
Ở bậc trung học cũng vài ba lần tôi mua sách mới, không những mới mà còn đẹp nữa, bìa dầy, giấy trắng. Sách do Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục phát hành, với sự tài trợ của cơ quan phát triển quốc Tế Hoa Kỳ. Sách mang đến lớp bán cho học sinh thấp hơn giá bìa rất nhiều, gần như cho không. Những sách này chẳng có dòng chữ nào quảng cáo cho Mỹ đâu, thường là sách tham khảo như quyển Việt Nam Văn học sử yếu, Việt Nam Thi văn Hợp tuyển của Dương Quảng Hàm. Hiện nay tôi còn giữ được một quyển, đã ngả sang màu vàng.
Khi lên đại học, dù tiền bạc rủng rỉnh hơn nhờ đi dạy kèm, nhưng mua sách mới vẫn là chuyện nan giải. Tôi vào Khai Trí, đứng hàng giờ, đọc lướt đi lướt lại nhiều lần, xem kỹ Lời mở đầu, lật cuối xem Mục lục. Đó thường là sách tham khảo như bộ Nhân Định của Nguyễn Văn Trung, Bên giòng lịch sử của Cao văn Luận, Lịch sử chữ Quốc ngữ của Đỗ Quang Chính… Đắn đo lắm mới bỏ tiền túi ra mua.
Tháng 5 năm 75 đổ đời, sách mới tràn ngập hè phố Lê Lợi, Pasteur bán theo giá giấy vụn. Tôi phải đi mua bao bố để đựng, đi vài lần như thế, cũng chừng hơn trăm quyển. Toàn những sách giá trị, dù đã đọc sách mướn, nhưng vẫn mua lại như Giã từ vũ khí, Chiến hữu, Giờ thứ 25, Doctor Zhivago, Tầng đầu địa ngục,…
Vài tháng sau đó là những ngày phần thư ảm đạm. Tôi phải cúng dường mươi quyển để ra cái điều thành khẩn (còn giấu đi rất nhiều). Sách nọc độc văn hóa mà sao lưu luyến như tình nhân, vuốt ve, cầm lên đặt xuống. Đêm chia tay sách, cạn một xị rượu. Buồn não nuột!
Đầu thập niên 80, tôi tìm đến chợ sách cũ ở Đặng thị Nhu. Chợ sách cũ này có nhiều hàng hiểm, nhất là sách kỹ thuật. Nơi đây chỉ một quầy duy nhất có quyển “Handbook of Chemical Engineers” của Mỹ. Sách handbook nghề nghiệp của Mỹ thì không chê vào được. Hồi đó tôi làm nghiên cứu, mỗi năm ôm một đề tài cấp Bộ, khi cần tra cứu tôi thường đến quầy này, vờ vĩn xem sách, ráng nhớ mấy con số, rời xa xa khỏi sạp là rút sổ tay ghi lại.
Quyển này giá 4 chỉ vàng. Tiền gửi xe còn không có, phải dắt xe đạp vào tận quầy để đọc. Đến riết, chủ sạp quen mặt biết ý, chỉ tay vào sách nói, đọc thoải mái. Làm nghề bán sách và cho thuê sách mà dễ dãi với người mua chẳng khác nào tích đức cho con cháu.
Chợ sách Đặng Thị Nhu bị xóa sổ vào giữa thập niên 80, buộc gom sách về cho cơ quan nhà nước quản lý. Các chủ quầy chạy hết, tản ra các nơi khác. Khi chợ sách dẹp tiệm, tôi đứng ngẩn người giữa chợ trống hoắc, cảm giác như người tình bỏ đi. Một buổi tối cách đây vài tháng, tôi thả bộ trên con đường cũ. Đương Đặng thị Nhu, trước đó có tên là Bùi Quang Chiêu, còn gọi là hẻm Cá Hấp, chỉ dài hơn trăm mét. Tôi cố tìm lại vị trí sạp sách cũ. Chẳng nhận ra gì nữa, thay vào đó là các cửa hiệu sáng trưng… Bồi hồi nhớ người bán sách, “… Đọc thoải mái”. Chợ sách khác chợ đời!
Tôi mất sách cũng khá nhiều vì cho mượn, nhưng sách ra đi hiếm khi quay trở lại. Có ai đó nói, có sách hay mà cho mượn là ngu. Mượn được sách hay mà đem trả lại còn ngu hơn. Đúng và đau!
Hồi dọn nhà cách nay hơn 10 năm, tôi thải ra cả vài trăm quyển sách. Sách khoa học thì lạc hậu quá rồi. Sách tham khảo, hay tiểu thuyết bây giờ tìm lại trên mạng cũng không khó, hoặc sách đã được in mới lại. Bây giờ ngẫm lại thấy hối tiếc. Tôi có cảm giác mình như kẻ phụ tình.
Tư chất của tôi là bề bộn, từ thuở nhỏ đã thế. Cần đọc thứ gì thì moi sách từ tủ ra đọc. Đọc xong quăng đại vào tủ, khi trên nóc, lúc dưới gầm, có khi la liệt sách ở chỗ nằm, chỗ ngồi. Đó là chưa kể những năm sau này, tôi phải in tài liệu khoa học ra giấy để tiện đâu đọc đấy, note trên giấy cũng dễ. Những tập giấy rời rạc này thì lung tung vô kể, đụng đâu nhét đó, gầm sofa, gầm bàn, tủ bàn viết,… Bừa bãi, loạn xà ngậu như vậy. Nhưng khi cần tôi tìm những sách đang đọc dở dang ấy rất dễ, dễ hơn nhiều so vơi nghiêm trang lục tìm trong tủ sách.
Đã nhiều lần tôi muốn dọn dẹp lại các tủ sách cho dễ coi một chút, nhưng năm này lại hẹn năm sau. Gần Tết năm ngoái, tôi quyết định thực hiện. Dọn dẹp là phải xếp loại sách nào vào ngăn đó. Thời gian gian sắp xếp, kể cả phủi bụi không đáng kể, mà chỉ vì chúng là những quyển sách cũ. Mở ra thử vài trang rồi lại bị lôi cuốn vào, không phải vì nội dung sách, mà vì biết bao ký ức, từ trang bìa sách, tranh trong sách, chữ viết tay của mình… Mua hồi nào, mua ở đâu? Đọc sách này hồi đó mình nghĩ thế nào… Quyển Sử ký Tư Mã Thiên dày bảy, tám trăm trang. Hồi đó phải chờ tới ngày lãnh lương mới mua được. Ba ngày ngồi cặm cụi với đống sách cũ mà chưa đâu vào đâu.
Sách càng cũ, đọc càng lâu… Đọc thì ít, mơ màng thì nhiều. Sách cũ nhất là quyển Địa lý lớp Nhì (lớp 4) của Nguyễn Hữu Hồng in năm 1961, do nhà xuất bản tư nhân in nên giấy xấu, đụng vào là tả tơi, dù trước đó tôi đã vá bằng keo trong chằng chịt.
Đọc lại sách cũ giống như gặp lại người bạn cũ. Sách mua càng lâu, ký ức càng nhiều. Dòng đời trôi nhanh quá! Sắp xếp tủ sách hồi năm ngoái vẫn còn dở dang. Lại sắp thêm một cái Tết nữa. Chẳng biết năm nay tôi có đủ kiên nhẫn để sắp xếp lại tủ sách của mình không?
30/4: HÀNG TRIỆU NGƯỜI VUI – HÀNG TRIỆU NGƯỜI BUỒN – Trần Văn Giang
Việt Tân
Trần Văn Giang
Ngày 30 tháng 4 được “cựu Thủ tướng” Võ Văn Kiệt mô tả là ngày “có hàng triệu người vui, hàng triệu người buồn.” Câu nói ấy có phần thành thật – dù muộn màng – từ một người từng nắm giữ quyền lực cao trong chế độ Cộng sản Việt Nam. Tiếc rằng, như nhiều lãnh đạo khác, ông chỉ “giác ngộ” khi đã về già, khi thời cuộc không còn trong tay. Giá như họ thức tỉnh sớm hơn, khi còn quyền lực, thì biết bao sinh mạng đã không phải chịu cảnh oan khuất, và người dân cũng đỡ khổ hơn nhiều.
Trong khi đó, chính quyền Cộng sản hiện tại vẫn tiếp tục hân hoan ăn mừng ngày này như một “chiến thắng huy hoàng,” là “thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước.” Năm nào cũng tổ chức diễu binh, bắn pháo hoa rầm rộ, nhưng ngay bên đường vẫn là cảnh bà cụ run rẩy xin ăn, trẻ con bỏ học đi bán vé số, dân oan xếp hàng khiếu kiện vì bị cướp đất.
Trớ trêu thay, ngày từng được gọi là “Mỹ cút, ngụy nhào” nay cũng là ngày của “đổi mới,” là dịp mời gọi Mỹ quay lại đầu tư. Giờ đây, chính Đảng Cộng sản lại tung hô mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi chuyện “bị tư bản bóc lột” là điều “tiên tiến” cần thiết cho phát triển kinh tế.
Ngày 30 tháng 4 còn là dịp để lãnh đạo Đảng tha thiết kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” về giúp xây dựng quê hương – sau hàng chục năm mà thành tựu nổi bật nhất của họ chỉ là tham nhũng và tàn phá.
Những người từng là chăn trâu, thất học, thợ thiến heo, cướp đường… bỗng chốc trở thành tiến sĩ, đại gia, quan chức cao cấp, lèo lái con thuyền quốc gia theo lối “không bến bờ.” Một bộ máy từ trung ương đến địa phương vận hành bằng vô cảm, thờ ơ trước nỗi khổ của dân, đùn đẩy trách nhiệm, bất chấp hậu quả. Họ ăn mừng không phải vì đất nước đổi đời, mà vì “tụi nó cướp của người khác chứ chưa đụng tới nhà mình!”
Ngược lại, cũng có những người từng cùng phe với Cộng sản giờ lại mang nỗi buồn khi tự nhận ra sự sai lầm. Sau hàng chục năm hiến dâng tuổi xuân cho lý tưởng sai lầm, họ mới “phản tỉnh.” Nhưng tiếc rằng, sự phản tỉnh muộn màng ấy chẳng thay đổi được điều gì – sức đã mòn, thời thế đã khác, người quốc gia cũng không còn mặn mà tin tưởng.
Ngày 30 tháng 4, với chính quyền Cộng sản, là ngày chiến thắng, là ngày “giải phóng miền Nam.” Ở góc độ thắng – thua, họ có thể xem đó là một chiến thắng. Nhưng với hơn 4 triệu người thiệt mạng trong chiến tranh, hàng trăm nghìn chết trên biển cả, và hơn 3 triệu người phải sống đời lưu vong, liệu đó có thực sự là một chiến thắng vẻ vang?
Chiến thắng trên xác người thì có gì đáng tự hào? Còn “giải phóng”? Giải phóng khỏi điều gì? Trước năm 1975, miền Nam đâu có cảnh nô lệ? Chế độ VNCH có hệ thống giáo dục tốt, y tế ổn định, kinh tế khá giả, báo chí tự do tương đối… Vậy thì “giải phóng” ở đây có đúng nghĩa không, hay chỉ là một sự đánh tráo khái niệm?
Sau chiến tranh, nhà cầm quyền Cộng sản đã chứng minh mình là những kẻ bạc nhược. Họ dâng đất liền và biển đảo cho Trung Quốc, rồi nói đó là “chuyện nhỏ.” Họ cấm người dân biểu tình phản đối Trung Quốc, làm ngơ khi ngư dân bị bắn giết trên biển, khi người dân bị đánh đập bởi những “đối tác” được họ cho phép khai thác tài nguyên trong nội địa.
Trong khi đó, chính quyền lại ra sức cưỡng chiếm tài sản, đàn áp dân nghèo, bịt miệng những tiếng nói chính đáng. Một chính thể vừa hèn nhát trước ngoại bang, vừa độc đoán với chính dân mình – đó có phải là “vinh quang” không?
Chẳng sớm thì muộn, Cộng sản Việt Nam cũng sẽ phải trả giá trước lịch sử và dân tộc. Bánh xe thời cuộc không thể mãi lăn theo chiều thuận cho kẻ gian. Biết vậy, họ đang ra sức vơ vét tài sản quốc gia, chuẩn bị sẵn “ống cống” để có đường mà chui thoát, khi thời cơ đến.
Tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam e rằng cũng chẳng khác gì kết cục của Gaddafi. Hãy chờ xem…
Trần Văn Giang
HÔN NHÂN KHÔNG ĐỔ VỠ CHỈ VÌ NGOẠI TÌNH, MÀ CÒN VÌ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT MỖI NGÀY – Lm. Anmai, CSsR
Lm. Anmai, CSsR
Không phải cuộc hôn nhân nào tan vỡ cũng là vì có người thứ ba chen vào. Có những cuộc ly hôn không có bất kỳ sự phản bội nào, nhưng vẫn để lại trong lòng mỗi người một vết nứt âm thầm và day dứt. Thật ra, đôi khi, sự đổ vỡ bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, từ sự thờ ơ, từ việc ta quên mất cách để yêu và giữ gìn người bạn đời của mình.
Khi mới yêu nhau, người ta có thể nói với nhau hàng giờ không chán, sẵn sàng đi xa chỉ để nhìn thấy nụ cười của người ấy, có thể nấu ăn, viết thư tay, tặng quà bất ngờ, và luôn lắng nghe nhau bằng tất cả trái tim. Nhưng rồi sau khi cưới, theo năm tháng, những điều từng rất quan trọng ấy bỗng dần dần biến mất. Cuộc sống cuốn đi, công việc, con cái, trách nhiệm, mỏi mệt… khiến người ta quên rằng hôn nhân cần được “tưới nước” mỗi ngày như một bông hoa trong chậu.
Nhiều cặp đôi không ly dị, nhưng họ sống như hai cái bóng trong cùng một ngôi nhà. Không còn những lời ngọt ngào, không còn những cái ôm bất chợt, không còn ánh mắt nhìn nhau say đắm khi chiều xuống. Thay vào đó là những tiếng thở dài, là sự im lặng kéo dài trong bữa cơm tối, là ánh nhìn lướt qua như người xa lạ. Người ta thường cho rằng hôn nhân bền lâu là vì tình yêu ban đầu đủ lớn, nhưng thật ra, thứ giữ vững hôn nhân không phải là ngọn lửa bùng cháy ban đầu, mà là cách ta nuôi dưỡng nó mỗi ngày.
Một cuộc hôn nhân có thể chết dần chỉ vì không còn lắng nghe nhau. Khi một người nói, người kia chỉ đáp cho có hoặc còn đang dán mắt vào điện thoại. Khi một người khóc, người kia lại thở dài rồi bỏ đi. Không lắng nghe là khi một người cảm thấy cô đơn ngay trong chính mối quan hệ mà họ đang có. Cô đơn trong hôn nhân còn đau hơn là cô đơn khi độc thân, vì đó là nỗi cô đơn có người nằm bên cạnh, nhưng tâm hồn thì xa vạn dặm.
Một cuộc hôn nhân cũng có thể cạn dần vì không còn dành thời gian cho nhau. Khi tình yêu ban đầu chỉ còn là kỷ niệm, khi những cuộc trò chuyện trở nên hiếm hoi, khi cuối tuần không còn là thời gian dành cho nhau mà chỉ còn xoay quanh công việc nhà và các thiết bị điện tử, thì mối quan hệ ấy bắt đầu khô cằn như một mảnh đất không mưa. Thời gian không còn là món quà cho nhau nữa, mà chỉ là một thứ để chia đều cho mọi thứ… trừ nhau.
Không ít cặp đôi đi đến chỗ đổ vỡ chỉ vì thay vì nói lời yêu thương, họ chỉ còn toàn những trách móc và chỉ trích. Mỗi lỗi nhỏ đều bị phóng đại, mỗi sai sót đều bị ghi nhớ, mỗi lần giận là một lần đào sâu thêm khoảng cách. Người ta quên rằng trong hôn nhân, lời nói có thể giết chết tình yêu nhanh hơn bất kỳ điều gì khác. Một lời nói nhẹ nhàng có thể xoa dịu cả một ngày mệt mỏi. Ngược lại, một lời cay độc có thể hủy hoại những gì đẹp đẽ nhất. Thế nhưng, có những người từng nguyện yêu nhau trọn đời lại quên mất cách nói “cảm ơn”, “xin lỗi”, “anh yêu em”, “em cần anh”… và thay vào đó là những câu như “anh lúc nào cũng vậy”, “em chẳng bao giờ hiểu chuyện”, “sống với em mệt mỏi quá”…
Hôn nhân còn có thể tan vỡ vì người ta không còn kiên nhẫn với nhau. Mỗi lần cãi nhau là một lần muốn buông. Mỗi lỗi lầm là một lần muốn rút lui. Người ta dễ bỏ cuộc hơn là cố gắng. Dễ chỉ tay vào khuyết điểm của nhau hơn là học cách bao dung. Có những điều nhỏ xíu như chuyện quên đổ rác, chuyện đi làm về muộn, chuyện nấu ăn không hợp khẩu vị… nhưng nếu lặp lại nhiều lần mà không có đối thoại chân thành, thì đó là những viên gạch âm thầm xây nên bức tường chia cắt hai trái tim.
Cuối cùng, một lý do rất phổ biến khiến hôn nhân rạn nứt mà ít ai chịu thừa nhận: người ta không còn nhớ vì sao mình đã từng yêu nhau. Người ta sống cùng nhau mỗi ngày nhưng tâm hồn đã cạn kiệt sự gắn kết. Những điều từng khiến ta rung động giờ đây trở thành thói quen, thậm chí là điều gây khó chịu. Khi quên mất lý do ban đầu khiến mình chọn người ấy, ta sẽ không còn động lực để tha thứ, để nhẫn nại, để cùng nhau đi tiếp. Tình yêu không mất đi trong một ngày, mà tắt lịm trong những tháng năm không ai cố giữ.
Cưới vì tình yêu là điều đẹp đẽ. Nhưng nếu không biết cách giữ gìn, tình yêu ấy cũng sẽ chết như một bông hoa không được tưới nước. Hôn nhân không cần những hành động lớn lao để chứng minh, nhưng cần những điều nhỏ nhặt được lặp lại mỗi ngày: một cái ôm, một lời hỏi han, một ánh mắt ấm áp, một chút kiên nhẫn khi người kia mệt mỏi. Đừng để đến khi người bạn đời của bạn cảm thấy như người dưng, rồi mới bắt đầu tiếc nuối.
Hôn nhân không phải là phép màu để hai con người luôn hòa thuận. Nó là một hành trình. Trong hành trình đó, có những khúc cua, có những ổ gà, có cả những đoạn đường đầy chông gai. Điều quan trọng không phải là cuộc sống không có khó khăn, mà là cả hai còn muốn nắm tay nhau đi tiếp hay không. Chẳng ai cưới nhau với ước mơ sẽ rời xa. Nhưng nếu không tỉnh thức và trân trọng, chúng ta sẽ lạc mất nhau ngay cả khi vẫn còn sống bên nhau.
Vì thế, xin bạn hãy nhớ: Hôn nhân không chết chỉ vì phản bội. Nó còn có thể chết vì sự lười biếng trong yêu thương, vì sự thờ ơ trong từng khoảnh khắc, vì không ai chịu bước đến gần nhau thêm một bước khi có hiểu lầm. Hôn nhân chết đi trong im lặng, trong những điều nhỏ nhặt, nhưng lặp lại đều đặn mỗi ngày, nếu ta không kịp tỉnh thức.
Lm. Anmai, CSsR
Tĩnh tâm Mùa Chay 2025 – Bài 4: Những vết thương cứu độ
TRIẾT LÝ SỐNG HẠNH PHÚC RẤT ĐƠN GIẢN CỦA NGƯỜI PHÁP
Nhung Nguyen
*Một cô gái ban đầu mới tới Paris sinh sống đã rất ngạc nhiên với con người nơi đây. Nhưng sau nhiều năm sinh sống cùng họ, cô đã hiểu ra rất nhiều điều về văn hóa của người Paris. Hãy cùng đọc ba câu chuyện mà cô đã trải nghiệm:
Câu chuyện thứ nhất:
Quán cà phê hơn 50 năm tuổi
Lần đầu tiên tới Paris, tôi mang theo lời ủy thác của ông nội tôi, đó là thay ông đến hỏi thăm quán cà phê năm xưa mà ông yêu thích nhất ở Paris.
Tôi thầm nghĩ, hương vị của cà phê Paris có thể lưu lại đến nửa thế kỷ sao? Tôi thực sự không tin! Tôi liền lên Google kiểm tra một chút về nó, thật không ngờ quán cà phê đó vẫn còn tồn tại, thậm chí ngay cả địa chỉ cũng không thay đổi. Tôi bị kích động rất mạnh và quyết định đi tới đó ngay lập tức
Đi tới quán cà phê, bước vào cửa và nhìn xung quanh, điều khiến tôi giật mình chính là trong quầy ba, một bà lão tóc bạc đang chăm chú điều chế cà phê.
Tôi đi đến trước mặt bà và xúc động lấy ra bức ảnh mà năm đó ông tôi chụp ở đây. Bà cũng rất xúc động, rồi bà chỉ vào một cô gái bán cà phê và nói đó là bà, tên là Sophia.
Lúc này tôi không chỉ là xúc động vì đã tìm được bạn cũ của ông nội, mà còn là cảm động về Paris.
Quán cà phê đã nửa thế kỷ, ngay cả nhân viên cũng không thay đổi, những bông hoa ở trước cửa vẫn là loài hoa năm xưa…
Tôi hỏi bà Sophia: “Bà ơi! Tại sao bà không mở rộng quán cà phê này ra? Ít nhất trước cửa cũng treo biển hiệu chữ vàng “Quán cà phê lâu năm” chẳng hạn?”
Bà Sophia cười và nói: “Nếu làm như vậy, quán cà phê của ta còn có thể khiến ông nội cháu nhớ mãi được sao?”
Tôi chợt biết rằng, quán cà phê này cũng giống bà Sophia và giống cả Paris đều an phận với chính mình chứ không ào ào bắt chước hay làm theo người khác mà thay đổi điều mình mong muốn.
50 năm trước một người đàn ông trẻ tuổi ngồi đó thưởng thức cà phê, 50 năm sau cháu gái của ông ấy cũng ngồi ở chính nơi đó thưởng thức cà phê. Hơn nữa, chủ quán cà phê vẫn là người ấy chỉ khác là đầu bà đã bạc trắng, nhưng vẫn với thái độ vui tươi, say sưa điều chế cà phê như xưa.
Ngay lúc này, trong lòng tôi trào dâng một cảm giác thật khó tả….
Câu chuyện thứ hai:
Ông chủ cửa hàng phomai nổi tiếng
Tại Paris, phô mai Matthew là loại thực phẩm duy nhất khiến tôi bỏ tiền mua ngay mà không cần phải suy nghĩ gì bởi hương vị tuyệt vời của nó.
Từ khi cửa hàng này được một vị đạo diễn nổi tiếng của Hollywood tới quay hình cho một buổi giao lưu doanh nhân thành đạt thì nó càng trở nên nổi tiếng hơn rất nhiều. Cũng chính vì vậy, tôi đã hoài nghi rằng mình có thể không còn được chứng kiến nụ cười sáng lạn của ông Matthew trước quầy hàng mỗi lần tới đây mua phô mai nữa.
Nhưng mà ông Matthew vẫn y như trước đây, vẫn tươi cười niềm nở với những sinh viên khi vào quán của ông mua hàng và giới thiệu: “Xin chào! Phô mai Matthew là tự tay Matthew làm nhé!”
Mặc dù bây giờ người đến mua phô mai Matthew đều phải đứng xếp hàng dài, nhưng ông Matthew vẫn chỉ nhận rằng: “Tôi chỉ là một người yêu thích làm phô mai, miệt mài làm việc, rời xa phiền toái.”
Ông thậm chí còn từ chối rất nhiều những đơn đặt hàng lớn tại các chuỗi siêu thị.
Ông nói: “Chúng tôi ở đây vô cùng vui vẻ, những gì đang có hiện tại tôi cảm thấy rất hài lòng, tôi cảm thấy đã đủ rồi!”
Ông Matthew cũng nói:
“Tôi cũng không giàu có! Nhưng tiền đối với tôi mà nói giống như bánh pudding vậy, nhiều quá nó sẽ phá hủy răng của tôi!”
Tôi đã hiểu rằng trong con người ông Matthew dường như luôn có tồn tại một loại cảm giác “thấy đủ rồi!”.
Câu chuyện thứ ba:
Xưởng thêu truyền thống
Gia tộc nhà bạn tôi – Malena nổi tiếng với nghề kinh doanh hàng thêu, xưởng thêu nhà họ là một trong hai công xưởng thêu thủ công còn tồn tại của Paris. Một xưởng thêu kia mới bán lại cho hãng Chanel.
Hàng năm, các nhà thiết kế nổi tiếng ở nước Pháp sẽ gửi những bản vẽ phác thảo đến đặt hàng họ thêu. Những thương hiệu nổi tiếng như LV, Chanel, Dior… đều cho người đến đàm phán với xưởng thêu để ký kết hợp tác. Nhưng mẹ của Malena cho rằng: “Như vậy thì chúng tôi sẽ biến thành một mắt xích trong dây chuyền sản xuất hàng xa xỉ phẩm của các tập đoàn nổi tiếng và sẽ bận rộn hết ngày này sang ngày khác.”
“Sau đó, ngay cả thời gian để may váy cưới hay lễ phục tốt nghiệp cho con gái của mình tôi cũng không có nữa. Tôi còn muốn may cả váy cưới cho cháu gái của tôi nữa. Chúng tôi không cần phải khiến mình trở nên hùng mạnh, bởi vì chúng tôi luôn được làm điều mình muốn, thế là đủ rồi!”
Sau khi sống ở Paris một thời gian lâu dài, tôi phát hiện, mỗi người ở đây đều tự có vị trí riêng của mình. Sự tự tin của họ không phải nhờ so sánh với người khác, mà nằm ở chỗ họ có thể là chính mình bất kể lúc nào.
Thầy giáo của tôi thường nhắc nhở chúng tôi rằng: “Kỳ thực, hạnh phúc là khi chúng ta không có quá nhiều ham muốn.”
Một người sáng suốt luôn có một âm thanh trong lòng tự nhắc nhở mình: “Càng có nhiều không đồng nghĩa với càng hạnh phúc. Hạnh phúc không phải nằm ở có bao nhiêu mà nằm ở “thấy đủ.”
– Cang Huỳnh lược dịch từ Paris Match.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. (Tv 22:4a)- Cha Vương
ĂN ÁNH SÁNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Tôi là ánh sáng thế gian!”.
“Đôi mắt sáng không đủ để bệnh nhân có một tầm nhìn! Trả lại thị lực cho một người mù bẩm sinh là việc của một nhà giáo dục hơn là việc của một bác sĩ. Không có ánh sáng bên trong, bạn mù! Nó phải kết hợp với ánh sáng tự nhiên; nhờ đó, mới có thể tạo ra một thế giới! Như vậy, con người cần ‘ăn ánh sáng!’” – A. Zajoc.
Kính thưa Anh Chị em,
Đồng tình với ý tưởng của A. Zajoc – cần ‘ăn ánh sáng’ – Lời Chúa hôm nay tiết lộ một thứ lương thực không thể thiếu cho con người. Chúa Giêsu nói, “Tôi là ánh sáng thế gian!”; và Ngài còn thêm, “Ánh sáng đem lại sự sống!”.
Thế giới cần ánh sáng; bạn và tôi cần ánh sáng! Chúa Kitô đến, soi rọi cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai, con người là ai. Cuộc sống của Ngài là ngọn hải đăng giữa biển trần u tối cho những thuyền đời vô hướng. Lời Ngài chiếu rọi tâm trí, sưởi ấm con tim và soi sáng tâm hồn; vì lẽ, tạo vật và nhân loại đã ra tối tăm bởi tội lỗi. Chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra ý nghĩa, mục đích và giá trị vô hạn của đời mình. Ngài là “Ánh Sáng ban Sự Sống”. Vì thế, ngoài các lương thực nuôi sống, bạn và tôi còn cần ‘ăn Ánh Sáng’ – ánh sáng Giêsu – ăn và uống chính Ngài.
Thật thú vị, câu chuyện người phụ nữ được giải cứu thời Đaniel cũng là câu chuyện của một cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối – bài đọc một. Hai vị kỳ lão, mà lương tâm đã hoá ‘u minh’ thuyết phục thành công những người ‘tối dạ’; và suýt chút nữa, dẫn đến một việc làm ‘đen tối’ là giết chết một người con gái vô tội. Tuy nhiên, họ không thắng được Đaniel, con người của ánh sáng, được Thiên Chúa phái đến can thiệp kịp thời; nhờ đó, cô gái thoát chết. Và cô có thể hân hoan cất lên, “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn vì có Chúa ở cùng!” – Thánh Vịnh đáp ca. Đaniel là hình ảnh tiền trưng của Chúa Giêsu, Đấng sẽ cứu không chỉ kẻ ‘vô tội’, mà còn cả người ‘có tội’ – một người nữ ngoại tình bị bắt quả tang. Và còn hơn thế; Ngài sẽ cứu cả nhân loại tội lỗi.
Thế giới đang chìm trong bóng tối của những cuộc chiến. Các cuộc chiến này liên luỵ đến cuộc sống của con người không chỉ giới hạn trong một đất nước mà khắp mọi quốc gia, mọi gia đình, kể cả gia đình bạn, gia đình tôi. Thế giới cần ánh sáng Giêsu biết bao! “Đừng sợ ánh sáng Giêsu! Đừng sợ Ngài! Chúa Giêsu rất tốt lành, rất hiền lành; Ngài gần gũi chúng ta. Ngài đã đến để cứu chúng ta!” – Phanxicô.
Anh Chị em,
“Tôi là ánh sáng thế gian!”. Chúa Giêsu là ánh sáng tình yêu mang lại sự sống. Không có Ngài, con người tiêu diệt lẫn nhau. Biết ‘ăn ánh sáng’ Giêsu, con người sẽ no thoả khi gặp Đấng tạo thành ánh sáng; Ngài là Thiên Chúa tình yêu, mang lại thứ tha và cảm thông; là ánh sáng mà nhân loại hôm nay đang đói! Chỉ nơi Giêsu, nhân loại mới có tình yêu và sự sống đích thực. Chớ gì, nhờ ánh sáng Giêsu, cách riêng trong những ngày cận kề Đại Lễ Vượt Qua, chúng ta biết nhìn nhau và biết cư xử với nhau bằng những ánh mắt của con tim, ánh mắt của tình yêu và ánh mắt của lòng thương xót!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, giữa biển đời tối tăm dậy sóng, xin ‘hải đăng Giêsu’ tiếp tục rọi chiếu; nhờ đó, thuyền đời mỗi người, thuyền đời mỗi quốc gia và thuyền đời con cập bến bình an!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
******************************
Tôi là ánh sáng thế gian.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Ga 8,12-20
12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu rằng : “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”
13 Người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su : “Ông làm chứng cho chính mình ; lời chứng của ông không thật !” 14 Người trả lời : “Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu. Còn các ông, các ông không biết tôi từ đâu tới và đi đâu. 15 Các ông xét đoán theo kiểu người phàm ; phần tôi, tôi không xét đoán ai cả. 16 Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi. 17 Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật. 18 Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi.” 19 Họ liền hỏi Người : “Cha ông ở đâu ?” Đức Giê-su đáp : “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi.”
20 Người đã nói những lời ấy, khi giảng dạy trong Đền Thờ, tại nơi đặt thùng tiền dâng cúng. Không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến.
Tĩnh Tâm Mùa Chay, các bài suy niệm của Đức Tgm Nguyễn Năng, Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy và Micae Phạm Quang Hồng…
Đang trong Mùa Chay ta phải làm gì?
-
Cầu nguyện: Cầu nguyện là phương thức tuyệt vời sống mối tương quan với Thiên Chúa. Cầu nguyện còn tiếp thêm sức mạnh, để chống lại những cám dỗ, và bảo vệ mỗi người khỏi các thói hư tật xấu.
-
Thường xuyên tham dự thánh lễ và rước lễ: Tham dự thánh lễ và rước lễ thường xuyên là cách hun đúc và canh tân đời sống Đức Tin. Chúng ta được cảm nhận sự thuộc về một cộng đồng các Ki-tô hữu, và sống trong bầu khí của tình huynh đệ, để cầu nguyện và giúp đỡ lần nhau.
-
Ăn chay thường xuyên: Theo giáo hội Công giáo, ăn chay là nhịn ăn, hoặc bớt ăn, tưởng nhớ tới cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, đồng thời chia sẻ với người nghèo khó trong tinh thần bác ái và phục vụ. Hãy chú ý tới ý nghĩa của việc ăn chay hơn là tiêu chuẩn và cách thức.
-
Làm việc tốt mỗi ngày: Hãy chú ý quan sát những người xung quanh, đặc biệt là những người vô gia cư, người nghèo. Giúp đỡ họ bằng việc làm cụ thể như một suất cơm, hoặc khuyên góp cho nhà thờ, tổ chức từ thiện để họ giúp mình làm những việc đó,
-
Tự xét mình: Suy ngẫm về những lỗi lầm, hành vi không tốt mà mình đã thực hiện với Chúa và với người xung quanh, và cam kết sẽ cải thiện bản thân thông qua việc thực hiện các hành hộng bác ái, từ bỏ thói quen xấu.
-
Đọc Kinh Thánh và tìm hiểu Giáo huấn Xã hội: Dành thời đọc và nghiên cứu Kinh Thánh để hiểu sâu hơn về Đức Tin của mình, đồng thời tìm hiểu Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo để biết cách nhận định, đánh giá và thực hành đúng với tinh thần Tin Mừng khi tham gia vào đời sống xã hội.
-
Hạn chế tiêu xài: Hạn chế tiêu xài cho những nhu cầu cá nhân, không chỉ là một cách tránh lãng phí, mà còn tạo điều kiện cho chúng ta thực hành việc bác ái cho những người khó khăn, nghèo khổ.
-
Thể dục, rèn luyện thân thể: Thể xác và linh hồn con người là một thể thống nhất, không thể tách rời (x. Docat #52). Chính vì thế, dành thời gian tập thể dục và rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khỏe bản thân là một phương pháp giúp nâng cao sức khỏe đời sống tinh thần.
-
Bao dung với người khác: Luôn thể hiện lòng bao dung với người khác trong bất cứ cộng đồng xã hội nào, từ gia đình, trường học, công ty,…tạo nên một môi trường yêu thương với mọi người xung quanh.
Các cách này sẽ giúp bạn đổi mới đời sống bản thân trong mùa chay thánh này. Theo bạn, còn có cách nào khác nữa không?
Trump, Không Chùn Bước, Đang Ban Hành Các Thay Đổi Lớn Trên Một Quy Mô Hiếm Thấy Trước Đây
Những người biểu tình ở Los Angeles vào thứ Bảy trong các cuộc biểu tình “Hands Off” trên toàn quốc phản đối Trump và Elon Musk và các hành động của liên bang bao gồm cắt giảm nhân sự chính phủ, thuế quan thương mại và hạn chế quyền tự do dân sự. Ảnh: etienne laurent/Agence France-Presse/Getty Images
Những ngày gần đây đang có mức độ gia tăng của dân chúng phản đối Tổng Thống Donald Trump:
– Hàng chục ngàn người đã đổ về Washington, DC vào thứ Bảy để phản đối các chính sách của chính quyền Trump, đây là một trong số hàng chục cuộc biểu tình như vậy trên khắp cả nước.
– Tổng chưởng lý Pam Bondi cho biết vào Chủ Nhật rằng đã có hơn 170 vụ kiện được đệ trình để ngăn chặn nhiều hành động khác nhau của Trump, đưa ra 50 lệnh cấm.
– Tại Quốc hội, số lượng thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật lưỡng đảng nhằm giới hạn quyền áp thuế của Trump đã tăng lên bảy người vào thứ Sáu, đánh dấu sự chỉ trích hiếm hoi đối với tổng thống từ bên trong đảng của ông.
– Tại Wisconsin, nơi các cuộc bầu cử thường diễn ra rất căng thẳng, một ứng cử viên theo chủ nghĩa tự do đã giành chiến thắng cách biệt 10 điểm để giành được ghế tại Tòa án Tối cao của tiểu bang vào tuần trước, bất chấp sự ủng hộ về tài chính và các hỗ trợ khác dành cho ứng cử viên theo chủ nghĩa bảo thủ từ Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk .
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ hơn về việc Trump sử dụng quyền lực tổng thống một cách quyết đoán. Một số người tin rằng Trump và Musk, người đang lãnh đạo các nỗ lực của chính quyền nhằm cắt giảm các cơ quan liên bang, đã đi quá xa mà không tham khảo ý kiến của Quốc hội. Nhưng sự hỗn loạn kinh tế do thuế quan của Trump gây ra là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Hơn nữa, các chính sách thương mại và an ninh quốc gia của Trump đã thúc đẩy các quốc gia khác thực hiện các bước đi có thể gây ra những thách thức lâu dài cho Hoa Kỳ, theo Kori Schake, một quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush , hiện đang chỉ đạo các nghiên cứu về chính sách đối ngoại tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, một tổ chức nghiên cứu cánh hữu.
Không có tổng thống Mỹ nào làm gián đoạn nhiều khía cạnh của cuộc sống thường nhật của quốc gia như Tổng thống Trump trong vòng chưa đầy ba tháng nhậm chức. Chương trình nghị sự không xin lỗi của ông đã khiến ông trở thành tâm điểm của các quyết định quan trọng hiện đang được đưa ra tại các phòng C-suite của Mỹ, trên sàn nhà máy, trong phòng chờ của khoa, thư viện trường tiểu học và các thủ đô trên khắp thế giới—cũng như quanh các bàn bếp trên khắp Hoa Kỳ
Ông đã hành động với tốc độ đáng kinh ngạc để ban hành lệnh đàn áp nhập cư, cắt giảm lực lượng lao động liên bang và phá hủy các cơ quan liên bang. Ông đang kiểm tra danh sách những kẻ thù được cho là, sa thải mọi người theo ý muốn và tấn công các công ty luật lớn mà một số cố vấn cáo buộc đã từng hỗ trợ các cuộc điều tra về hành động của ông. Khẳng định một nhiệm vụ rộng rãi, Trump đã làm việc mà không quan tâm đến những lời chỉ trích của công chúng. Theo hình thức điển hình là ông-có-nghiêm-túc-hay-không, Trump hiện đang tán tỉnh việc tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba .
“Ông ấy đang theo đuổi tất cả những mục tiêu này với cảm giác về quyền lực tổng thống không bị ràng buộc”, nhà sử học Julian Zelizer của Princeton cho biết. “Điều này sẽ đi đến đâu tiếp theo vẫn là một bí ẩn”.
Thuế quan của Trump —một nỗ lực định hình lại hệ thống thương mại toàn cầu—đã khiến nhiều người dân Mỹ rơi vào thế phòng thủ khi họ quyết định cách xử lý giá cả tăng cao và sự tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán đã xóa sổ 6,6 nghìn tỷ đô la giá trị cổ phiếu vào tuần trước.
Các chính phủ nước ngoài đang quyết định xem có nên đấu tranh hay đàm phán về mức thuế quan mới. Các đồng minh và đối thủ của Hoa Kỳ đang xem xét lại chi tiêu quân sự của họ khi họ cân nhắc đến một thế giới mà Trump sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ để giành mọi lợi thế từ các quốc gia khác bằng cách làm tổn hại đến các liên minh của Hoa Kỳ.
Trump rời Nhà Trắng để đến câu lạc bộ chơi golf và khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida. Ảnh: saul loeb/Agence France-Presse/Getty Images