Cõi đời một kiếp yêu em Dẫu là bỏ cuộc, mộng tìm dáng xưa

Cõi đời một kiếp yêu em
Dẫu là bỏ cuộc, mộng tìm dáng xưa

Bùi Giáng (1926-1998): là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ…

Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa Nguồn.

Kỳ nữ Kim Cương: chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, trong tâm hồn và trong sáng tác của Bùi Giáng. Trong tâm hồn ông, Kim Cương là “đệ nhất mỹ nhân” trong thiên hạ. Ông yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng nhất thế gian. Chỉ có thể nói đó là một tình yêu bất tử. Đã có rất nhiều giai thoại xung quanh mối tình kỳ bí này.
Đối với Kim Cương, tuy là mối tình đơn phương từ phía Bùi Giáng, nhưng nữ nghệ sĩ này đã rất trân trọng tình yêu của ông, một sự trân trọng vô cùng cảm động và hiếm thấy.

Nhiều năm qua, nghệ sĩ Kim Cương có những lý do riêng nên đã không lên tiếng một cách chính thức. Lần đầu tiên, bà tiết lộ với báo chí một số sự thật về thiên tình sử này, vì đã đến lúc bà không còn lý do để tiếp tục im lặng…

Có lẽ trong cuộc đời của thi sĩ Bùi Giáng, ngoài chuyện văn chương ra thì chuyện tình đơn phương của ông với Kim Cương là nổi bật nhất, kỳ lạ nhất, và cũng cảm động nhất.

Kim Cương còn giữ rất nhiều bài thơ của ông viết tặng riêng bà, cả hình ảnh nữa, nhưng từ lâu bà từ chối mọi lời yêu cầu của các tờ báo, nhà xuất bản xin được phát hành, đặc biệt sau khi Bùi Giáng qua đời nhiều đơn vị còn đặt vấn đề “mua” những tấm ảnh, tập thơ đó. Bà nói: “Tôi không muốn đem tình cảm của Bùi Giáng ra đánh bóng tên tuổi của mình hoặc làm gì đó có dấu ấn kinh doanh. Dù tôi không yêu ông, nhưng tôi trân trọng tình yêu của ông. Tuy nhiên, bây giờ sau loạt bài của báo TN, tôi thấy đây không còn là chuyện riêng tư nữa, mà Bùi Giáng là một sự kiện văn học chung và nếu không lên tiếng thì có những thêu dệt không đẹp cho Bùi Giáng, vì vậy tôi chỉ muốn

nói rõ một vài sự thật để người ta hiểu ông đúng hơn”.

Kim Cương biết Bùi Giáng lúc bà khoảng 19 tuổi, còn theo đoàn cải lương của má Bảy Nam nhưng Kim Cương đã được mệnh danh là “kỳ nữ”. Thật ra, ông chú ý đến bà trong một đám cưới của đôi bạn Hạnh – Thùy. Sau đám cưới, một hôm Thùy bảo Kim Cương: “Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị”.

Kim Cương trả lời: “Ừ, thì mời ổng tới”.

Hóa ra là Bùi Giáng, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có “điên điên” như sau này. Bùi Giáng lui tới, mời Kim Cương lên xe đạp ông chở đi chơi, rồi cả cầu hôn, nhưng bà đều né tránh. Bởi sau vài lần tiếp xúc, bà thấy ở ông toát lên cái gì đó “kỳ kỳ”, bất bình thường, nên bà sợ. Đeo đuổi mãi không được, Bùi Giáng thở dài nói: “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô (Bùi Giáng lớn hơn Kim Cương mười mấy tuổi), vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”. Kim Cương ngần ngừ: “Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính…”. Ý bà muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới.

Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới… 8 tuổi. Kim Cương hết hồn. Thôi rồi! Ổng đúng là không bình thường!

Từ đó, mỗi năm Bùi Giáng mỗi bệnh nặng hơn. Ông không có vợ con, suốt ngày đi lang thang ngoài đường, hò hét, rồi cứ địa chỉ nhà Kim Cương mà tới. Thằng bé Toro con của Kim Cương lúc ấy khoảng 5 tuổi, thường trố mắt ra nhìn ông, và hỏi: “Mẹ ơi, sao bác này giống cái xe hoa quá ?”. Tư duy trẻ con thật ngộ nghĩnh, nhưng lại rất chính xác. Thì trên người Bùi Giáng có đủ thứ: nào hộp lon treo lủng lẳng, nào lá cờ giắt sau lưng, nào nhánh cây, vòng hoa trên đầu… cả một nải chuối đeo thường xuyên trên cổ. Không mở cửa cho ông vào là ông la hét, đập cửa, chửi um sùm, ném đá nữa, khiến hàng xóm náo động. Nhưng riết rồi quen, mỗi lần ông tới nhà Kim Cương ai nấy đều cười. Má Bảy Nam ở trên lầu chỉ cần nghe la rùm beng, đập cửa ầm ầm, là hỏi “Bùi Giáng phải không?”.

Nhiều lần ông say khướt, nằm ịch xuống gốc cây trước nhà Kim Cương, mọi người phải khiêng vào. Bà lắc đầu: “Sợ ổng chết. Tướng tá vầy có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng khiêng vô rồi cũng sợ rủi ổng chết trong nhà mình. Mà điều, không nỡ bỏ ổng lăn lóc ngoài đường, thấy tội quá”.

Nhưng điều hay nhất là mỗi khi vô nhà Kim Cương ông lại sáng tác thơ để tặng bà. Tiện tay xé bất cứ tờ giấy, tờ lịch nào là ông viết ào vô đó. Nguồn thơ yêu cứ tuôn trào như suối, không vơi cạn theo năm tháng. Về sau, khi ông “quậy” quá thì Kim Cương nghĩ ra cách, không mở cửa, mà lòn một cuốn sổ ra khe cửa cho ông viết thơ. Ông hí hoáy một hồi, rồi vui vẻ bước đi.

Suốt 40 năm, cả chục cuốn sổ tay đã đầy ắp chữ của ông, chỉ riêng tặng “Nương tử Kim Cương”. Bà trân trọng gìn giữ trong ngăn tủ. Những vần thơ yêu với nét chữ ngả nghiêng chệnh choạng nhưng hồn nhiên say đắm lạ kỳ.

Kính thưa nương tử Kim Cương
Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay
Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên
Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay
Kể từ sử lịch xa xuôi
Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em
Lang thang vạn dặm độc hành
Cẩm nang bỏ cuôc đời mình trao em.

Phải nói là Kim Cương có “quyền lực” rất lớn đối với Bùi Giáng. Cứ nghe tên bà là ông trở lại ngoan ngoãn như một đứa trẻ con. Một lần, ông làm “chim bay cò bay” giữa phố, gây ách tắc giao thông, công an tới lôi ông vào cũng không được. Tình cờ có ông nhà báo trông thấy, thế là anh ta rỉ tai ông: “Kim Cương nhắn ông tới nhà kìa !”. Lập tức ông riu ríu đi theo nhà báo.

Ông còn “ái mộ” bà theo kiểu “kinh khủng” của ông. Người ta ái mộ thì xin chữ ký, xin hình, còn ông thì xin… quần. Ông tới nhà nằng nặc đòi bà cho ông cái quần. Bà lấy quần của cậu Toro nay đã lớn cỡ ông mặc vừa. Ông giãy nảy không chịu, đòi cái quần của Kim Cương mới được. Bà bực quá, đưa thiệt. Lập tức ông mặc vô và rồi không chịu thay ra. Tắm xong, mặc lại. Tỉnh bơ.

Và sau này khi ông ở nhờ nhà anh Hoài – cháu gọi ông bằng bác họ – tại Gò Vấp, thì cũng chỉ Kim Cương là người phụ nữ duy nhất được ông cho phép bước vào nhà. Nhiều lần, các bạn thơ nữ có ghé thăm ông, nhưng vừa mới nghe cháu vô báo tin là ông đã la hét om sòm, đuổi họ như đuổi tà: “Chỉ có tiên nữ Kim Cương mới được bước tới đây. Đi ra ! Đi ra hết !”.

Nghệ sĩ Kim Cương nói: “Tôi rất trân trọng tài năng của ông, nhưng phải nói thật là ông điên nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều câu cực kỳ sâu sắc”. Thỉnh thoảng, khi ông hơi tỉnh thì Kim Cương cũng ngồi bàn chuyện thơ văn với ông cho ông vui. Những lúc ấy, ông gọi bà bằng “cô” đàng hoàng chứ không “nương tử”, không “Hằng Nga” gì hết. Nhưng có một lần, ông làm bà hết hồn. Hai người bàn luận đến Kiều, bà đọc mấy câu lỡ có sai một chút, ông liền đập bàn, la hét, nhảy dựng lên: “Tại sao Kiều mà cô nói sai như vậy? Câu vậy mà cô nói là của Kiều hả?”. Thấy ông trợn mắt giận dữ, bà cứ ngỡ ông sắp bóp cổ mình tới nơi. Bà quên mất rằng ông cũng yêu Kiều say đắm như yêu bà

Có một chuyện nhỏ, nhưng cảm động. Kim Cương nói rằng Bùi Giáng có đóng phim gì nữa đó, chắc đóng vai phụ nho nhỏ thôi. Kim Cương nhớ khi ông lãnh tiền thù lao, liền mua hai trái xoài đem tới cho bà. Rất dễ thương.

Kim Cương bùi ngùi nhớ lại: “Suốt 40 năm, ông đối với tôi như một người yêu đơn phương, thì ngược lại, tôi đối với ông như chỗ dựa tinh thần, bất cứ lúc nào nghe ông đau ốm hay bị công an bắt, bị người ta đánh là tôi có mặt”. Bởi đơn giản, trong đầu Bùi Giáng chỉ có một số điện thoại duy nhất, một địa chỉ duy nhất, đó là địa chỉ và số điện thoại của Kim Cương. Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay la hét, làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu: “Người thân cuả tôi là Kim Cương, ở số… Hoàng Diệu, điện thoại 844…”. Thế là công an réo gọi Kim Cương. Bà đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông bị té, bị thương, người ta chở vô bệnh viện, ông cũng chỉ “khai báo” y như vậy.

Bệnh viện lại réo bà. Bà lại đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô quậy cả đám cưới nhà người ta, bị người ta đánh, bà lại đến đưa ông về. Có lần, ông xuất hiện trước nhà bà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh, bà hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu. Ông không chịu: “Chừng nào cô đi với tôi thì tôi mới đi”. Ừ, thì đi. Kim Cương gọi chiếc xích lô chở ông, vừa ngồi xe ông vừa nói vung vít, mặc cho Kim Cương chịu trận.

Và như thường lệ, trong cơn điên điên tỉnh tỉnh, ông lại tiếp tục làm thơ yêu qua cuốn sổ nhỏ nhét vào khe cửa nhà bà:

Yêu nhau từ bấy tới nay
Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm
Thưa em nương tử dịu mềm
Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên
Đầu tiên tiên nữ Kim Cương
Cuối cùng muôn một phi thường Cương Kim
Cúi đầu bái tạ tình em
Về sau vĩnh viễn êm đềm thương nhau
Làm thơ tiếp tục yêu em
Ồ Kim Cương ạ êm đềm vô song
Kể từ lịch kiếp long đong
Anh điêu tàn tới thong dong bây giờ

Bùi Giáng về ở nhà của anh Hoài vào khoảng năm 1978, thì đến khoảng 1992 đã hơi tỉnh tỉnh. Nhà thơ Trụ Vũ thường ghé chơi với ông. Một lần Trụ Vũ bảo: “Kim Cương hẹn ngày mai lên thăm anh”. Thế là suốt đêm ông không ngủ. Sáng dậy, ông đi tới đi lui, đứng ngồi không yên, và càu nhàu: “Cái thằng Trụ Vũ, chừng nào lên thì lên, nhắn nhe làm chi cho người ta sốt ruột”.

Anh Hoài còn tiết lộ ông phải giả vờ uống một tí rượu để đóng vai “say”, như thế khi Kim Cương lên thăm ông mới có cớ đi ngả nghiêng cho Kim Cương dìu đỡ. Nhưng có lần uống mãi, uống mãi, rồi say thật lúc nào chả biết, khi Kim Cương đến nơi thì ông đã… ngủ khò. Một bữa, Kim Cương đến nhà, tặng ông đóa hoa hồng. Ông sung sướng quá. Kim Cương về rồi, ông hỏi anh Hoài: “Làm sao giữ được hoa tươi mãi hè ?”. “Ba ngày là nó héo thôi bác ơi!”. “Trời ơi, của Kim Cương tặng tao, phải giữ hoài chớ bây !”. “Con có cách. Đem hoa trút ngược xuống thì sẽ giữ giùm bác được vài tháng”. Đúng là giữ được vài tháng, đến khi hoa đã khô nát ông mới đành lòng chia tay.

Gần 60 tuổi, ông tới nhà bà với đôi mắt nheo nheo không nhìn thấy rõ. Bà dắt ông đi mua cặp kính lão. Nhưng chỉ một tháng sau, ông xuất hiện với một bên tròng kính bị bể vì người ta đánh. Bà dỗ ngọt: “Tôi mua cho anh kính mới nghen”. Ông lắc đầu: “Thôi cô, nhìn đời bằng một con mắt đủ rồi.

Kể ra, đâu chỉ có Bùi Giáng kiên nhẫn và thủy chung với kỳ nữ Kim Cương, mà chính Kim Cương cũng đã đáp lại mối tình đơn phương của Bùi Giáng một cách chân thành và kiên nhẫn, thủy chung suốt 40 năm, gần giống một người chị, một người mẹ. Cho nên, có người nói với bà: “Chắc kiếp trước Bùi Giáng mắc nợ bà !”. Bà đáp vui trở lại: “Hổng biết ổng mắc nợ tui hay tui mắc nợ ổng!”. Những lúc tỉnh táo, ông nói: “Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này !”. Nhân đó bạn bè hỏi: “Kim Cương có cái gì mà anh thương dữ vậy ?”. Ông đáp: “Lúc tôi gặp cô trong đám cưới của Hạnh – Thùy, cô mặc cái áo dài lụa trắng, tôi thấy hào quang tỏa tỏa ra, tới bây giờ vẫn còn tỏa”.

15 ngày trước khi chết, Bùi Giáng đến nhà Kim Cương để lại mấy câu thơ như báo trước điềm chia ly:

Thương yêu có lẽ như là
Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương
Ta đi đau xiết vui buồn
Một mình ở lại muôn trùng em yêu.

Rồi ông té, chấn thương sọ não, chở vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Người đầu tiên gia đình gọi đến là Kim Cương. Kim Cương nói : “Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng sạch sẽ. Đầu cạo sạch, không còn mớ tóc bù xù nữa. Và quần áo bệnh viện thì trắng bong. Cho nên tôi nhìn ổng không ra, cứ chạy đôn chạy đáo khắp các phòng tìm ổng”. Những đứa cháu xin bà cho ý kiến. Bà đồng ý để bác sĩ phẫu thuật cho ông dù chỉ còn 1% hy vọng.
Nhưng rồi Bùi Giáng đã ra đi.

Trước mộ ông trước giờ hạ huyệt, Kim Cương nhẹ nhàng thủ thỉ: “Thưa Bùi Giáng! Đời ông là một đời giang hồ, nhưng mọi người vẫn mến thương ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có 3 điều cảm ơn ông. Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ cho đời. Thứ hai, cảm ơn mối tình 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống”.

Nhưng chắc gì Bùi Giáng đã chịu xa lìa Kim Cương. Ông còn một lời nhắn nhủ viết trong cuốn sổ tay tại nhà Kim Cương:

“Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương”.

Và:
Vô ngần tao ngộ đầu tiên
Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ.

Huỳnh Văn Yên
(st)  

Image may contain: 1 person

Nhà hoạt động bị giam cả năm mà không được đưa ra xử

Theo Ân Xá Quốc Tế, bà Đoàn Thị Hồng bị biệt giam suốt 11 tháng, và gia đình chỉ được phép gặp mặt lần đầu tiên vào ngày 4 tháng 9 vừa qua. Sau cuộc gặp, gia đình cho biết sức khỏe của bà suy giảm đáng kể. Gia đình cho biết cuộc gặp bị giám sát bởi một công an cho nên không thể hỏi kỹ về tình hình sức khỏe của bà Đoàn Thị Hồng. Tuy nhiên, khi gia đình ra về thì viên công an trao cho họ một danh sách những loại thuốc trị bệnh bao tử, não, và da để mua gửi vào cho bà Đoàn Thị Hồng mà không giải thích gì thêm.

Ân Xá Quốc Tế nhắc lại bà Đoàn Thị Hồng bị bắt vào ngày 2 tháng 9 năm 2018 khi đang đi chơi cùng một bạn nữ khác mà không có lệnh bắt. Trước đó vào tháng 6 bà có tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng.

Bà Đoàn Thị Hồng sinh năm 1983, quê quán Hàm Tân, Bình Thuận. Bà tham gia nhóm xã hội dân sự độc lập có tên Hiến Pháp.

GẶP GỠ Ở LƯNG ĐÈO-Vũ Thư Hiên

GẶP GỠ Ở LƯNG ĐÈO

Vũ Thư Hiên·Saturday, September 7, 2019·35 minutes

1

Thời gian trôi, chớp mắt đã quá nửa thế kỷ. Không thể níu kéo nó, không thể bắt nó dừng. Nó đi rồi là hết, may chăng còn rớt lại cái bóng.

Tôi có giữ lại một cái bóng có thể bổ sung cho tiểu sử một con người đáng nhớ. Người ấy có thể là người quen của bạn, người ấy có thể không xa lạ với bạn, biết đâu đấy.

Chuyện là thế này.

Cuộc kháng chiến đã vào năm thứ tư. Con đường hàng tỉnh từ Tuyên Quang đi Thái Nguyên vốn hẹp không có ô tô qua lại còn trở nên hẹp hơn nữa. Những bụi cây lúp xúp tràn ra mặt đường. Cỏ gà, cỏ mần trầu mọc thành bụi ở những ổ gà. Ở đôi chỗ hoa lau loà xoà quệt vào mặt khách bộ hành.

Ba lô trên vai, tôi cắm cúi đi.

Một mình. Nắng chói chang.

Đường vắng ngắt, không bóng người. Thỉnh thoảng lắm mới thấy một chiếc xe đạp lọc cọc vượt qua.

Đang đi bỗng dưng tôi thấy người ngây ngấy sốt. Trong người cảm giác rét tăng dần. Sốt rét rồi! Cái thứ bệnh tai quái không đến khi mình còn ở cơ quan tĩnh tại hoặc ở một trạm chờ nào đó, khốn nạn thế, lại nhằm lúc mình đang trên đường, không còn gì tệ hơn.

Tôi sốt đùng đùng và rét run cầm cập.

Thứ ánh sáng tàn nhẫn của nắng quái thiêu đốt tất tần tật mọi thứ nó đụng tới. Những bụi rậm ven đường rũ xuống, lá nào lá ấy quắt queo.

Đến lúc không còn chịu đựng được nữa, tôi tạt ngang, lao bừa vào rừng qua những bụi rậm gai góc và dây leo chằng chịt. Chỉ ở trong ấy, dưới những tán lá rậm của cây cao mới có chỗ trú khỏi cái nắng chết người.

Sức trong người tôi cạn dần cùng với mỗi bước đi, cùng với mỗi hơi thở nóng hổi, như thể nước trong thùng từng đợt ộc ra ngoài. Đi được vài chục bước, tôi kiệt lực, gieo mình xuống thảm lá mục, cố lê đến một gốc cây thấp, tựa vào nó mà thở hồng hộc. Hơi thở làm bỏng môi trên. Những dòng mồ hôi lăn dài trên ngực. Áo quần chẳng mấy chốc đã ướt đẫm.

Dù sao thì cuộc chạy trốn khỏi con đường đá răm vắng ngắt phơi mình dưới ánh nắng kinh khủng ngoài kia cũng ngừng được trong giây lát. Một con chim đỏ chót bay vút qua những bụi rậm trước mắt tôi với một tiếng hót lanh lảnh làm tôi giật mình.

Tôi chợt hiểu: cái mà tôi đang chịu đựng không phải sốt rét thường. Rất có thể nó là một cơn ác tính.

Tôi đã biết sốt rét ác tính cái gì. Nó thường đi kèm với cái chết.

Tôi thì còn quá trẻ để chết.

Không, tôi không thể chết thế này.

Tôi gắng gượng đứng lên, lảo đảo lao trở lại con đường chói lòa.

Không thể dừng. Phải tiếp tục đi. Ngay lập tức.

Bằng mọi giá, phải tới được trạm quân y, tôi nhớ nó cách đấy không xa lắm.

2

Tiếng đàn làm tôi tỉnh giấc. Tôi nằm yên, lắng nghe những giọt âm thanh thánh thót tan vào không gian im ắng. Nó thoáng hiện, thoáng mất, nhưng không phải trong mơ.

Giai điệu mơ hồ đưa tôi về quá khứ, nhắc tôi tới một cái gì mang máng nhớ mà không sao nhớ ra.

Choàng tấm chăn sui [1] lên vai, tôi đứng lên đi, những bước xiêu vẹo về phía có tiếng nhạc.

Qua tấm liếp khép hờ ngăn với gian ngoài tôi thấy một người đàn ông đang cúi xuống cây ghi ta Hạ Uy Di. Cảnh tượng làm tôi sững sờ – tôi không nghĩ tới, không tưởng tượngnổi giữa rừng Việt Bắc thời chiến lại có người nhàn tản chơi đàn như thế.

Tiếng đàn đột ngột tắt.

Người đàn ông ngẩng lên. Rồi bật dậy, sải bước về phía tôi, ngắm nghía tôi, đoạn buông một câu hỏi bất ngờ:

– Hà Nội hở?

Rất ngạc nhiên, nhưng tôi gật:

– Hà Nội.

Anh ta nhìn tôi chằm chằm, đặt tay lên trán tôi, rồi cười lớn:

– Lạy Trời, cậu sống rồi!

3

Tôi không tới được trạm quân y.

Hình ảnh cuối cùng mà tôi nhớ được là một mái tranh lờ mờ trước mặt.

Tỉnh lại, tôi thấy mình trong gian bếp thấp tè, đen sì mồ hóng với bầu không khí đậm mùi khói lưu cữu.

Người đàn ông kéo tôi đến bên chõng, đặt tôi ngồi.

– Tốt rồi! – anh nắm tay tôi, nhìn sâu vào mắt tôi, lặp lại lần nữa – Đã tưởng cậu không sống nổi.

Tôi nhìn anh. Dáng thanh mảnh, cao ráo, gương mặt thông minh, đôi mắt sáng, đen láy, cái nhìn thẳng thắn. Tất cả gợi cảm giác tin cậy , thoải mái. Cách xưng hô “cậu, tớ” ngay lập tức xoá nhoà ranh giới giữa tôi và người lạ.

– Lúc khiêng cậu vào, mặt cậu tím ngắt, lay gọi thế nào cũng không tỉnh.

Tôi ấp úng lời cảm ơn.

– Vớ vẩn! – anh lắc đầu, cười hiền – Cảm ơn cái con khỉ. Cảm ơn trời ấy.

Thì ra đây là người cứu tôi. Tôi chỉ nhớ khi quán nước hiện ra lờ mờ trước mặt, thì trời đất bỗng nghiêng ngả rồi đổ sụp.

Anh đặt tay lên vai tôi:

– Cậu nằm đây vài ngày cho lại sức, mọi cái tính sau.

Nụ cười nói về con người nhiều hơn bất cứ ngôn ngữ nào. Qua nụ cười ta có thể biết mọi thật giả, tốt xấu nơi người đối thoại. Nụ cười của anh cho tôi niềm tin.

– Cậu người phố nào?

– Nhà Rượu, anh ạ.

– Ờ, Sergent Larrivet – anh nói, mắt mơ màng – Tớ cũng hay qua đấy. Bên kia Nghĩa địa Tây có cái marbrerie [2] Ngô Văn Vỹ. Tớ quen gia đình này.

Cái xưởng đá với vô số bia mộ đẽo dở nằm ngổn ngang trong một bãi rộng tràn cả ra ngoài đường là hình ảnh quen thuộc với tôi. Tôi thường đi qua đây để ra phố Huế, nơi lũ trẻ chúng tôi đặt những nút bia lên đường tàu điện, chúng sẽ bị bánh tàu điện ép phẳng lì thành một thứ tiền trong tròăn thua của trẻ con, gọi là xèng.

Từ chỗ chúng tôi đang ngồi, Hà Nội xa tít tắp, như ở một thế giới khác.

Anh đặt cây đàn sang một bên, bắt tôi nằm, rồi ngồi bên – Giữa đường được gặp cậu, lại là người Hà Nội, tớ vui lắm.

Tôi nằm, ngước nhìn anh.

– Cậu có hay đi ciné [3] không?

Tôi gật.

Anh mơ màng:

– Mình hay đi Majestic. Cậu cũng hay xem ở đấy chứ?

Tôi lại gật.

Majestic nằm giữa phố Huế, là rạp cho tây đầm, cho nhà giàu, vé đắt. Tôi mê xem phim, nhưng chỉ có thể xem phim ở rạp Moderne phố Hàng Quạt. Giá hạng bét ở rạp này một hào rưỡi, nhưng khi buổi chiếu đã bắt đầu, cửa đã khép, thì chỉ cần giúi vào tay ông gác cửa to béo có hàng ria mép rậm một hào hoặc không đủ một hào là con người dễ tính liền gạt bức màn bằng vải thô nặng nề đẩy tôi vào không gian mơ ước. Tôi thường được vào khi đã qua phần thời sự hoặc phim chính bắt đầu chiếu. Phim nói tiếng Pháp nhưng đọc chương trình tóm tắt có thể hiểu chuyện phim. Chúng tôi, những đứa trẻ mê xi-nê, đứa nào cũng tích được một tập chương trình. Chúng tôi thuộc tên các diễn viên, ngày ấy gọi là tài tử – Clark Gable, Cary Grant, Gary Cooper…

– Phim cuối cùng cậu xem là phim nào?

– Bạch Tuyết và bảy chú lùn, anh ạ.

Tôi không thể cậu tớ với người hơn mình nhiều tuổi

Bạch Tuyết và bảy chú lùn không được chiếu ở các rạp rẻ tiền. Tôi phải hy sinh vài buổi xem ở rạp Moderne để được ngồi ghế hạng bét ở Majestic.

– Thích chứ?

– Thích.

– Còn mình thì thích Pinoccio.

Mắt anh mờ đi.

Nỗi nhớ chung dắt chúng tôi về nơi đã trở thành dĩ vãng.

– Tôi cũng thích Pinoccio. Nhưng thích nhất là những phim cao-bồi như La Chevauché fantastique[4].

– Tớ có xem phim này. Charles Starett vai chính.

– Xem xong, sau buổi chiếu muộn – tôi mơ màng nhớ lại – khi ngoài tiếng guốc gỗ khua trên vỉa hè đêm là tiếng huýt sáo bản nhạc trong phim vừa xem.

Anh huýt sáo giai điệu tôi vừa nhắc:

– Tuyệt. Người Hà Nội rất có khiếu âm nhạc. Không thế thì làm sao nhớ được một giai điệu vừa mới nghe.

4

Một cô gái xuất hiện ở cửa quán.

Ánh sáng ngược tạo ra một vầng hào quang trên mái tóc cô, nó làm gương mặt cô chìm trong tối, trừ cặp mắt long lanh.

– Cô chủ quán – anh ngừng nói, mắt tươi rói.

Nhìn thấy tôi, cô gái reo lên mừng rỡ:

– Ối trời, anh đã dậy được rồi kìa!

Cô đặt bàn tay mềm và mát rượi lên trán tôi, cười khanh khách:

– A lúi, lúc ấy trông anh kinh lắm. Mấy ngày rồi ấy nhỉ? Hôm nay là ngày thứ ba.

– Không có cô ấy thì một mình tớ không tài nào tha nổi cậu đâu – anh nói – Cậu trông thế mà nặng kinh.

Anh cười tươi, mắt không rời cô gái.

– Như chết rồi ấy – cô gái nói – Người chết nặng hơn người sống, các cụ bảo thế.

Nước da trắng hồng, nụ cười phô hàm răng trắng đều đặn – một cô gái xinh. Thoạt nghe cô “a lúi”, tôi nghĩ cô người Tầy, nhưng “may ơi là may” thì chỉ có người Kinh nói.

– Đang nằm xuội anh bật dậy, răng nghiến chặt, bọt mép sùi ra, giãy giụa như lên cơn động kinh – cô miêu tả tình cảnh của tôi – Hai anh em đè không nổi.

Tôi nói xinh là không đủ, hoặc sai.

Tôi đang ở cái tuổi nhìn thấy cô gái nào cũng đẹp, không đẹp lắm thì cũng đẹp vừa. Trong bộ quần áo xanh chàm, trông cô không khác những cô gái Tày. Cô có giọng liến thoắng, rất trong, như hát.

Anh cười theo cô, lắc đầu:

– Khiếp, lại còn đái cả ra quần nữa chứ.

Tôi nhìn xuống.

Tôi đỏ bừng mặt. Ai đã thay cho tôi? Người đàn ông nọ? Hay… cô gái?

Cái ba lô của tôi nằm dưới chân chõng. Tôi kéo nó lại. Bộ quần áo cũ đã được giặt sạch nằm trên cùng. Cái tôi quan tâm hơn hết là bó tài liệu bọc trong vải mưa tẩm nhựa thông. Nó còn nguyên vẹn.

Anh không để ý cử chỉ hấp tấp của tôi. Nếu nhận thấy, anh sẽ giận vì nó chứng tỏ tôi không tin người đã cứu mình.

– Ca ác tính này tớ đã gặp. Khó qua lắm – anh chậm rãi nói – Phải có Quinoform tiêm thẳng vào ven mới xong. Ở cái chốn hẻo lánh này thì làm gì có nó. May sao, tớ còn nhiều ký ninh. Mới hòa thật đặc cho cậu uống. Là còn nước còn tát, chứ chẳng hi vọng gì.

– Cả một vốc thuốc. Răng anh cắn chặt lắm – cô gái kể – hai người cậy mãi mới được. Anh vùng vẫy, phun phì phì.

– Tớ còn sợ làm cậu chết vì thuốc ấy – anh nghiêm nghị – Thôi thì cứ liều, đổ đại cho cậu. Coi như còn nước còn tát.

5

Tôi không quên từng chi tiết cuộc gặp gỡ bất ngờ. Nó hằn sâu trong trí nhớ bề bộn.

Nó đúng là như thế. Bắt đầu không phải cái gì khác, mà một câu hỏi:
– Hà Nội hở?

Làm sao anh có thể thoáng qua đã nhận ra một nét Hà Nội trong tôi?

Tôi không đặt câu hỏi ấy ra với anh. Anh hỏi mà như khẳng định. Không khảo sát, không đánh giá.

Quán nước này giống hệt mọi quán khác – một mái tranh nhỏ, tạm bợ, không chái, không vườn. Những quán nước như thế nằm rải rác trên con đường hàng tỉnh với quãng cách không thể nào biết trước, có thể vài cây số, có thể hơn. Chúng hiện ra bất ngờ ở những khúc ngoặt, những ngả rẽ bên con đường ngoằn ngoèo hết lên lại xuống giữa đồi núi chập chùng.

– Em phải chạy ngay, mẹ em bảo. Đã có các anh ở đây rồi.

Tôi gặp mẹ cô vài lần mấy ngày sau khi bà tạt qua quán – một người hết sức đồng bằng, chít khăn mỏ quạ, thấp bé, nhanh nhẹn, ít nói, cười nhiều. Bà kể: khi làng bị Tây càn, bà đắt con chạy theo gia đình một ông lái gỗ, vùng này ông quen khi còn làm sơn tràng. Thời chiến, nghề buôn gỗ về xuôi không còn đất, ông dựng hai ngôi nhà tạm cho hai gia đình. Đất rộng, hai nhà phát hoang trồng khoai trồng sắn, nuôi gà, chạy chợ.

Trong gian ngoài cái quán có cái chõng tre đã ngả màu cánh gián, trên đó có ấm nước vối sứt vòi, mấy cái bát sành, vài nải chuối, mấy tấm bánh lá, mấy gói kẹo vừng, kẹo lạc, vài phong thuốc lào – hàng hoá muôn thuở của bất cứ quán ven đường nào. Sang hơn cả, được đặt trong một lọ thuỷ tinh không trong suốt là những cái kẹo đen sì làm bằng đường thẻ, có tên là “kẹo đầu Tây”, vì chúng trông giống những cái mũ sắt. Khi vắng chủ quán, khách vãng lai tự ăn tự uống, rồi tự bỏ tiền vào một cái hộp bánh quy đã rỉ sét, không có nắp. Hàng bày trên chõng đều có ghi giá, khi bằng bút chì, khi bằng mực tím, viết nguệch ngoạc trên một mẩu giấy.

Nhiều quán trên mấy tỉnh lộ vùng núi cũng thế – người ta chẳng cần trông, khách không bao giờ ăn uống mà không trả tiền.

– Có lần người ta trả bằng gạo, chắc là của mấy chú bộ đội – bà chủ quán kể – Tội nghiệp, không còn tiền thì thôi, chứ ai nỡ đòi gạo bộ đội.

Ngoài hai mẹ con, trong quán còn có một con chó bốn mắt, thứ chó mực có hai đốm vàng trên mặt, tôi gặp nhiều ở vùng này. Cả ngày nó tha thẩn theo cô chủ, cô đi đâu nó theo đấy. Nhưng khi cô bảo nó ở lại quán thì nó nghe lời, ở lại với hai chúng tôi.

Con bốn mắt không có tên. Nó quấn tôi lắm. Mỗi khi tỉnh giấc thấy con bốn mắt nằm giãi thải dưới chân, mắt lim dim, cùng tôi nghe đàn, tôi có cảm giác đang ở nhà mình.

Khi tôi còn bé, nhà tôi có một con Kiki trắng vá đen. Lứa đầu nó đẻ bốn con rất đẹp, cũng trắng vá đen như mẹ. Suốt ngày tôi chơi với chúng. Khi một đứa con của nó chết, tôi đem con chó tí xíu chôn ở dưới gốc hoàng lan cuối phố, nơi có con đường tắt đầy cỏ may dẫn vào chùa Hai Bà. Những giọt nước mắt đầu tiên của tôi trước sự mất đi không thể nào lấy lại của sinh linh bé bỏng đã nhỏ xuống nấm mồ cũng tí xíu.

Tôi trên đường công tác. Người đàn ông chẳng nói mình đi đâu, làm gì. Tôi cũng không hỏi.

Anh không giống những người tôi thường gặp. Áo sơ mi trắng, quần ka ki, sạch sẽ. Như thế anh không thể là bộ đội, bao giờ cũng xộc xệch, cũng nhếch nhác, không nhiều thì ít. Cũng không phải cán bộ chính trị chỉn chu trong bộ ka ki với cái xà cột bất ly thân, cán bộ cấp cao một chút còn cưỡi xe đạp Sterling. Anh cũng chẳng giống dân “bờ lờ”, cách gọi tắt dân buôn lậu, trong bộ cánh nâu tươm tất, kính đen Stigmal gọn gàng trên sống mũi. Tôi đoán anh là nhạc công trong một đoàn nào đó. Nhưng dân văn công thường đi đoàn với đủ mọi thứ lỉnh kỉnh. Người này chắc hẳn có công việc gì đấy không quan trọng, không cấp thiết. Không thế thì sao anh có thể ở lại giữa đường để trông nom một kẻ không hề quen biết.

Khi tôi hỏi ở lại giúp tôi có làm dở dang công việc của anh không, thì anh thờ ơ: “Chuyện vặt. Người nào gặp trường hợp này thì cũng làm như tớ thôi. Cậu có thể bỏ một người thập tử nhất sinh mà không cứu? Phải đợi cậu khỏe lại hẳn tớ mới đi được.

Mấy ngày tôi nằm lại, anh bắt tôi uống thuốc, chơi đàn cho tôi nghe, trò chuyện với tôi về thành phố từ đó chúng tôi ra đi.

Hà Nội đã tít tắp xa. Chẳng ai biết trước ngày trở lại. Có thể mường tượng nó – những con phố với những cột điện, những hàng cây, lá rụng trên hè, nước lặng lẽ chảy trong rãnh. Và “mái buồn nghe sấu rụng” trong thơ Chính Hữu.

Rõ ràng là con người này chẳng vội vàng, gặp chỗ dừng chân dễ chịu thì dừng, chẳng buồn kén chọn. Rất có thể cuộc gặp gỡ bất ngờ với người cùng quê hương cho anh cái cớ để dừng lâu hơn.

Tôi còn ngờ anh dừng lâu hơn vì cô gái.

– Một bông hoa rừng. Nhưng từ dưới xuôi lên.

Khi nhìn cô, mắt anh vừa sáng lên, vừa mơ màng. Cũng có thể tôi nhầm. Đôi lúc tôi có cảm giác vừa nói chuyện với tôi anh vừa nghĩ về một cái gì khác rất xa, chẳng dính dáng tới điều chúng tôi đang nói.

Ngày nào anh cũng bảo cô chủ quán mua gà, mua trứng về nấu cháo cho tôi ăn. Những bữa ăn như thế giúp tôi lại sức rất nhanh. Không những thế, chúng còn là những bữa ăn sang trọng hiếm có trong đời lính.

Một hôm, thấy tôi có vẻ băn khoăn, anh gọi tôi ra sau quán. Đứng trong những bụi sắn, anh trật quần dài, kéo tay tôi đặt vào cạp quần đùi:

– Cậu nắn đi.

Tôi nắn thấy những vật tròn cứng.

– Vàng đấy. Toàn nhẫn cả. Dự trữ cho kháng chiến trường kỳ. Thỉnh thoảng tớ lấy ra một cái bán đi ăn dần.

Anh xắp lại quần, cười hì hì:

– Đừng lo tớ không có tiền.

Tôi kể dài dòng văn tự chỉ cốt để người đọc những dòng kỷ niệm này hình dung được khung cảnh một thời đã mất. Thời ấy con người với con người là bạn, và còn hơn thế. Mà cũng để ghi lại một cái ơn. Không có cuộc gặp gỡ tình cờ ấy, biết đâu tôi chẳng còn.

Thời gian ngắn ngủi ở bên nhau đủ để chúng tôi thân nhau, yêu quý nhau nữa, có thể nói như thế. Những cuộc tâm sự đêm khuya trong tiếng sương rơi lộp độp trên mái tranh làm tôi hiểu và quý anh hơn.

Tôi trách mình đã không hoàn toàn tin anh. Thời chiến, tinh thần cảnh giác cách mạng làm cho cuộc chia tay giữa hai chúng tôi không được như lẽ ra nó phải có. Chúng tôi quyết định lên đường đi Thái Nguyên khi tôi đã có thể đi được. Tôi cố ý đi quá nơi tôi phải rẽ vào chừng một cây số mới chia tay với anh:

– Mình sẽ còn gặp lại – tôi nói.

– Chắc chắn – anh nói.

6

Tôi đã gặp Đoàn Chuẩn đúng như thế. Chia tay với anh, tôi chỉ biết cái tên.

Tôi gặp một con người, không phải một danh tiếng.

Những tác phẩm của Đoàn Chuẩn tôi không được nghe trong những năm kháng chiến. Tôi không nghĩ rằng đã có một lệnh cấm những bài hát lãng mạn. Chúng có vẻ không thích hợp trong thời chinh chiến thì người ta không hát, thế thôi. Hoặc giả có một lệnh cấm nào đó mà tôi không biết, không được nghe phổ biến.

Cuộc gặp gỡ thứ hai với người cứu mạng mình xảy ra mấy năm sau.

Ngày 10.10 năm 1954, xong việc quay cảnh thượng kỳ ở Cột Cờ, tôi đi lang thang. Ở phố Huế, trước cửa rạp chiếu bóng Majestic, tôi thấy một chiếc xe hơi bồng bềnh đi chầm chậm theo mình. Một gương mặt lạ – mái tóc bóng mượt, miệng ngậm bót thuốc lá ló ra ở cửa để mở. Người ngồi sau tay lái chăm chú nhìn tôi rồi cho xe vượt lên ngang tầm:

– Hiên hả? Phải Hiên không?

Đến lúc ấy tôi nhận ra anh: Đoàn Chuẩn.

Anh cho xe dừng, bước ra, ôm chặt tôi, mừng rỡ.

– Về khi nào?

– Đêm qua. Mới đi bát phố một lát.

– Cậu ở đâu?

– Khách sạn Splendid.

Anh cười:

– Sang nhỉ?

Rồi kéo tôi vào quán cà phê An Thái Majestic.

Người Hà Nội xưa đều biết quán cà phê này. Nó ở bên trái rạp chiếu bóng nếu đứng từ ngoài đường nhìn vào. Sau này, khi rạp Majestic đổi tên thành Tháng Tám thì nó biến thành một cái gì khác, một quán tạp hoá thì phải.

Quán đầy người. Khói thuốc lá mù mịt.

Đoàn Chuẩn lấy ra một cái hộp đựng thuốc lá lạ mắt bằng nhựa trong, màu vàng. Hộp này có rất nhiều ngăn, trong mỗi ngăn là một thứ thuốc lá: Phillips Morris, State Express, Craven A, Camel, Melia Jaune, Bastos… Các ngăn nối với nhau bằng dây thun. Chọn thứ thuốc loại nào thì bẻ gập nó ra. Tôi ngắm hộp thuốc lá của anh không rời – lần đầu tiên tôi thấy một hộp thuốc lá như thế.

– Cậu chọn loại nào?

Tôi chọn Craven A.

Anh bật lửa cho tôi. Cái bật lửa cũng lạ mắt như hộp thuốc lá, nó nhỏ, mạ vàng. Trong vùng kháng chiến chúng tôi chỉ có thứ bật lửa có khắc hình xe tăng, được gọi là “bật lửa tàu bò” có bán ở các chợ giáp ranh.

Anh nheo mắt ngắm tôi:

– Sao cậu không mặc uniforme (đồng phục)?

– Tôi không thích nó – tôi cười – Mặc vào như người gỗ.

Tôi trở về Hà Nội từ Nam Định. Trong thành phố người Pháp vừa bỏ lại mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Đoàn quay phim chúng tôi được lệnh phải may mỗi người một bộ đại cán để vào tiếp quản Hà Nội.

Đúng vào lúc lên đường, mọi người mới ngớ ra – cả đoàn đều vận đại cán, riêng tôi thì mặc đồ dân sự: áo popeline Thuỵ Sĩ, quần simili, giày tây.

Tôi phân trần:

– Mọi hiệu may đều hết vải ka ki.

Lý do này nghe cũng hợp lý. Tôi không bị “kiểm điểm” về thói tự do chủ nghĩa là cái tôi thường bị phê phán, và người ta phê phán đúng – tôi không vừa cho một cái khung nào.

Tiền tiêu chuẩn phát cho cán bộ may đại cán không đủ cho bộ quần áo tôi chọn. Ông chủ tiệm hào phóng không lấy thêm:

– Có mấy khi ta được gặp nhau như thế này.

Hoà bình ở Việt Nam chỉ có một nghĩa: hết chiến tranh.

Đoàn Chuẩn ngắm tôi:

– Với bộ diện này ai bảo cậu là cán bộ.

Tôi móc túi lấy cái phù hiệu tiếp quản thủ đô mọi cán bộ đều được phát cho anh xem. Đoàn Chuẩn ngắm nó lâu với vẻ tò mò.

– Tôi không đeo nó – tôi phân trần – Như thế tôi lẫn vào mọi người . Mới nghe được những nhận xét: “Quân phục xấu quá! Mà xăng Liên Xô thối kinh!”

Đoàn Chuẩn cười vui, giống hệt anh trong lần đầu chúng tôi gặp nhau.

– Xuống xe điện tôi vẫn nhảy bổ được, chưa quên đâu – tôi khoe.

– Vẫn còn Hà Nội – anh khen.

Tôi không đụng tới chuyện anh bỏ kháng chiến. Có cả đống lý do cho chuyện đó, mỗi người mỗi kiểu. Nghe người ta kể thì Phạm Duy rất bực khi anh đã có trong danh sách đi dự festival thanh niên và sinh viên thế giới ở Berlin, nhưng vào phút chót không hiểu sao anh đã bị gạt ra. Vì thế, và chắc vì nhiều điều khác nữa, anh bỏ kháng chiến. Sau này, tôi gặp Phạm Duy nhiều lần tôi cũng không hỏi anh chuyện đó. Nó không bao giờ là một thắc mắc. Người ta đi, người ta về, chẳng liên quan tới ai.

Đoàn Chuẩn không bực bội gì với kháng chiến. Người ta không quan tâm anh, anh không quan tâm họ. Anh đi kháng chiến như đi vào một cuộc viễn du thú vị, có vẻ chỉ là thế. Rồi anh trở về khi anh thấy đi đã đủ. Chẳng có chính chị chính em gì trong chuyện anh đi và về.

Chúng tôi hàn huyên cả giờ, uống mấy ly cà phê rồi mới chia tay.

Tối hôm đó tôi bị kiểm điểm: “Vừa mới vào đã liên lạc với bọn tư sản”. Tôi không biết mấy cậu bảo vệ đã tình cờ gặp tôi hay đi theo tôi, họ đã báo cáo. Dường như những cuộc tiếp xúc giữa chúng tôi với người ăn vận sang trọng đều bị coi là thiếu cảnh giác với cái gọi là “viên đạn bọc đường”.

Họ bảo vệ tôi vì được dạy dỗ như thế. Chứ không có ý xấu.

7

Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ với Đoàn Chuẩn tôi được đi Liên Xô học, rồi làm báo, rồi đi tù 9 năm. Giữa những khoảng cách ấy tôi còn gặp Đoàn Chuẩn vài lần. Ngoài anh ra tôi không gặp một người nào chơi ghi ta Hạ Uy Di. Thứ đàn ấy ít người chơi, người ta thành kiến với tiếng ngân nga của nó, chắc vậy.

Ra tù, tôi bận lăn lộn kiếm sống, rồi liều mạng vào Sài Gòn, nơi không có bàn tay quen thuộc nào chìa ra cho mình. Đất phương Nam rộng rãi, người miền Nam phóng khoáng, che chở tôi, cho tôi mái ấm trong tha hương.

Thỉnh thoảng lắm tôi mới ra Hà Nội thăm cha mẹ và các em. Hoá ra bác Đoàn Vạn Vân, cha anh, là bạn với cha tôi. Bác là một trong số ít nhà mà cách mạng gọi là tư sản dân tộc, chủ một hãng nước mắm nổi tiếng. Cha tôi nói bác có giấm giúi cho cách mạng tiền, nhưng tôi không thấy những người viết hồi ký nhắc tới bác. Có lẽ tại bác cho không đủ nhiều. Hoặc vì chẳng bao giờ bác ra mặt ủng hộ cách mạng.

Đoàn Chuẩn vẫn vui khi gặp tôi, chắc hẳn như gặp một kỷ niệm không quên. Có một lần anh nhắc tới cô gái ở quán lưng dèo, mắt mơ màng. Trong đời anh chắc có nhiều bóng hồng lướt qua, cô là một. Mặt thêm nhiều nếp nhăn, anh không đi xe hơi nữa, hút thuốc lá Điện Biên bao bạc.

Chúng tôi hay kéo nhau tới quán cà phê ở gần Cột Đồng Hồ, nơi văn nghệ sĩ Hà Nội thường lui tới. Ông chủ quán có biệt danh Lâm Toét trọng các nghệ sĩ, nhất là các hoạ sĩ, mắt hấp him nhận ra Đoàn Chuẩn, đãi chúng tôi Gold Flake, thứ thuốc lá ngoại không biết của nước nào, vào Việt Nam bằng đường nào.

Thời gian ở Sài Gòn, cũng tới mười năm có lẻ, tôi mới được nghe nhạc Đoàn Chuẩn. Tôi nghe và sung sướng – tôi đã gặp một nhạc sĩ tài ba mà không biết.

Văn Cao đánh giá Đoàn Chuẩn:

– Nhạc hay. Ca từ lạ, là tâm sự mà đi thẳng vào hồn người.

Nhớ lại cuộc gặp gỡ ở lưng đèo Re, tôi đồ rằng những ngày ấy anh cho tôi nghe những bản nhạc anh vừa sáng tác:

Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm…
Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng…
Mơ tới bên em em tô quầng mắt…
Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung…

Tung phấn hương yêu qua muôn lời hát…
Bay tới bên em tới em thầm nhắc…
Đây ý tơ xưa đâu duyên tình cũ…
Bóng anh phai dần ái ân tàn theo…

Và:

Chiều nào áo tím nhiều quá

Lòng thấy rộn ràng nhớ người

Đường về Việt Bắc xa cách mây

Nhìn về đường lối muôn khó khăn

Đây núi cao. Đây suối sâu

Đây lá xanh như ngàn xưa

Đường về ngập gió tha phương

Tiếc đời gấm hoa ta đành quên núi rừng…

Đoàn Chuẩn là một tiên ông lạc bước xuống trần. Anh không thuộc về thế giới này. Tôi không thể nghĩ khác thế.

Năm 2001 khi tôi đang lang thang ở miền Nam Ý thì nhận được tin nhắn của một người bạn cho biết Đoàn Chuẩn không còn nữa.

Ông tiên của tôi đã về trời!

2019

[1]Chăn làm từ vỏ cây sui, một thứ cây trong rừng Việt Bắc. Người ta lột vỏ nó, đập giập, ngâm nhiều ngày trong nước suối cho nó cho tới khi mềm nhũn chỉ còn lại những sợi gỗ làm thành một thứ có thể dùng làm chăn.

[2] Xưởng sản xuất đá bia mộ.

[3]Ciné (xi nê, tiếng Pháp, chiếu bóng)

[4]Chuyến đi ngựa kỳ thú.

From: Bác sĩ Phùng Văn Hạnh

CÂU CHUYỆN VỀ BỨC TƯỢNG ” CHÚ BÉ ĐỨNG TÈ “

CÂU CHUYỆN VỀ BỨC TƯỢNG ” CHÚ BÉ ĐỨNG TÈ “

_ Tại Bỉ có một biểu tượng nổi tiếng là bức tượng “chú bé đứng tè”, một tượng đài nhỏ bằng đồng cao 61 cm, là biểu tượng của thủ đô Brussels.

_ Bỉ là một quốc gia xinh đẹp và giàu có, kinh tế phát đạt khiến rất nhiều người hâm mộ cuộc sống của người dân nước này. Tại thủ đô Brussels, Bỉ có một biểu tượng nổi tiếng là bức tượng “chú bé đứng tè”, một tượng đài nhỏ bằng đồng cao 61 cm, là biểu tượng của thành phố Brussels. Đây là tác phẩm của bậc thầy điêu khắc François Duquesnoy được hoàn thành vào năm 1619. Nhưng đến năm 1817 thì được thay chất liệu bằng đồng.
_ Người dân Bỉ coi biểu tượng này bảo vật quốc gia. Liên quan đến “chú bé đứng tè” này có một câu chuyện lịch sử mà người Bỉ cho rằng, cậu bé là anh hùng dân tộc.
_ Vào thế kỷ 14, mối quan hệ giữa Bỉ và Tây Ban Nha không được tốt đẹp. Tây Ban Nha khi đó là một quốc gia hùng mạnh ở Châu Âu, giáp biên giới với nước Pháp. Nước Bỉ cũng có biên giới tiếp giáp với nước Pháp, nhưng do có mối quan hệ không tốt với Tây Ban Nha nên Bỉ thường xuyên kết hợp với nước Pháp để đối đầu với Tây Ban Nha.
Vào năm 1367, Tây Ban Nha phái hơn 5.000 lính hải quân và lục quân tấn công nước Bỉ, sau đó lại phái thêm hơn 20.000 quân lính sang nước Bỉ.

_ Chỉ trong 2 tháng ngắn ngủi, Tây Ban Nha đã chiếm lĩnh trọn lãnh thổ nước Bỉ bao gồm thủ đô Bỉ là Brussels. Bỉ bị ép ký kết hiệp ước đầu hàng Tây Ban Nha và trong vòng 40 năm sau đó không được phép liên minh với Pháp, đáp ứng điều kiện này thì Tây Ban Nha sẽ rút quân khỏi Bỉ.
_ Sau mấy tháng thương lượng, Tây Ban Nha cuối cùng đã rút quân về nước bắt đầu từ tháng 5/1368. Nhưng thời điểm Tây Ban Nha rút quân khỏi Brussels, họ lại nổi lên ý định xấu, đó là muốn dùng thuốc nổ để hủy diệt Brussels. Những người lính Tây Ban Nha đã hóa trang thành người dân Bỉ và bí mật chôn giấu mấy vạn tấn thuốc nổ ở nhiều nơi của Brussels. Tất cả số thuốc nổ này cuối cùng được dẫn đến một kíp nổ. Sau đó quân đội Tây Ban Nha gần như đã rút khỏi Brussels chỉ còn lại mấy binh sĩ tình nguyện ở lại “hiến thân” để châm chíp nổ.
_ Khi đường dây dẫn để châm ngòi bộc phá đã được nối xong xuôi thì bỗng từ đâu, có một chú bé chạy qua, ung dung đứng tè vào đường dây cháy chậm của quả bộc phá. Ngay lập tức, quả bộc phá bị ướt và không thể đốt cháy được.
Về sau, quân đội Bỉ phát hiện ra, đã bế cậu bé giơ lên cao và dân chúng Brussels đều ca ngợi cậu bé đã cứu được cả thành phố Brussels, thậm chí là cả nước Bỉ. Tại sao nói rằng cậu bé đã cứu cả nước Bỉ….???
_ Bởi vì, thời ấy nước Bỉ vô cùng nhỏ, hơn nữa còn không phải là một quốc gia nắm hoàn toàn chủ quyền, vẫn bị quản chế bởi nước Pháp. Lúc ấy cả nước Bỉ có hơn 1.000.000 người dân, dân số ở Brussels là 200.000 người, nếu như Brussels bị phá hủy thì cả nước Bỉ cũng sụp đổ.
_ Năm 1619, nhà điêu khắc vĩ đại của Bỉ là Jérome Duquesnoy đã tự tay chế tạo ra bức tượng đồng chú bé này.. Chú bé này tên là Julien Dillens. Nhiều người sau khi nghe câu chuyện về chú bé này đều cảm thấy đây là câu chuyện cổ tích. Nhưng kỳ thực không phải như vậy, đây là câu chuyện có thật trong lịch sử!
_ Hồ sơ của nước Bỉ và Tây Ban Nha đều có ghi chép lại đoạn lịch sử này. Cả hai quốc gia đều ghi chép lại quá trình Tây Ban Nha sang tấn công nước Bỉ, quá trình rút quân và cả việc cậu bé đã làm tắt kíp nổ. Hồ sơ ghi chép ở hai quốc gia này đều khớp với nhau.
_ Cậu bé này hàng năm đều nhận được quần áo từ mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, cậu bé còn được gọi là “Cậu bé có nhiều quần áo nhất thế giới.”
_ Hình ảnh bức tượng “chú bé đứng tiểu” này không chỉ nổi tiếng ở Bỉ mà còn xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Không ngờ, đằng sau bức tượng nhỏ bé tưởng như chỉ là phục vụ cho hoạt động “vui chơi giải trí” lại ẩn giấu một sự kiện lịch sử to lớn như vậy……!!!!!!!

Nguồn information

From: Bác sĩ Hạnh Văn Phùng

 Hai quả trứng gà và ông hàng xóm

 Hai quả trứng gà và ông hàng xóm

Bảo Huân

Tháng 11 trời Connecticut bắt đầu lạnh, cái lạnh làm se cả lòng người xa xứ. Tôi bước đi chậm rãi, ngắm vội vài lá vàng rơi rụng. Trời trong xanh thì thầm gọi chào buổi sáng. Lần đầu tiên, tui được nhìn thấy mùa thu xứ Mỹ. Đã quá thu rồi! Ừ, vậy mà, thu vẫn đi êm đềm nhẹ nhàng vào lòng người thật khó tả!

Note: Tất cả những hình trong bài này là hình minh họa

Tui nghe tiếng má tui gọi ơi ới “Khanh ơi”. Tui giật thót mình, hồn thu đang dạt dào tự nhiên… bay mất. Tui lật đật quay đầu trở lại, thấy má tui đang đứng lớ ngớ bên ngoài cửa apartment (chà! có chuyện gì đây?) Má tui trả lời gọn lỏn “Cửa đóng rồi, cứng ngắc không mở được. Đang luộc 2 trứng gà, không vặn lửa lớn, nhưng để lâu cháy nhà.” Trời đất, tui nghe tới đây, hồn vía như lên tới tận mây xanh, mới qua Mỹ có 3 ngày đâu biết tiếng Anh tiếng em gì? Réo gọi ai đây, điện thoại cũng không có, tui phải làm sao bây giờ? Trời lạnh mà mồ hôi rịn ra ướt cả lưng áo.

Tự nhiên như có phép lạ, một ông già Mỹ trắng lù lù thò cái đầu từ cửa sổ bên cạnh nhà ra (chắc là nghe tiếng động). Má tui đứng mà nhảy tưng tưng, ông bước ra ngoài, rồi hỏi một tràng tiếng Mỹ, tui không hiểu gì hết (biết trả lời lại chết liền!) Tui nhìn qua nhìn lại, má tui nhanh như hỏa tiễn thời chiến tranh VN, xáp tới ổng, giơ hai tay lên làm dấu như 2 quả trứng, ổng lắc đầu. Má tui tiến thêm bước nữa, đưa hai tay lên (cong ngón cái và ngón trỏ lại với nhau) tạo thành hình tròn rồi chỉ vào bộ ngực của má tui (hình như trên đời này, khi không còn cách nào nói cho đối phương hiểu, chỉ còn cách là làm tín hiệu có sẵn ngay trước mắt). Giống như 2 quả trứng, ổng cũng lắc đầu nguầy nguậy.

Quýnh quáng quá, như là phản xạ tự nhiên, má tui tiến sát vào ổng, và chỉ gần phía dưới bụng (chỗ hiểm) ý nói là giống 2 quả trứng (chà! cái này mới là ghê chứ) rồi đưa tay về phía cửa đang đóng kín. Ông già sợ tái xanh cả mặt mày, ổng lui ra, ổng né. Ổng càng né, má tui càng xáp vô, đến khi nào chỉ đúng “mục tiêu” thì thôi. Mắt ông mở tròn xoe, ổng nhìn má tui như thể nhìn người hành tinh xuống, còn má tui nhìn ổng như thể là ông không có thật trên đời! Rồi ông cuống cuồng chạy vào nhà lấy phone, tui hiểu ngay ý má tui, tui cười chịu không nổi, tui cười tới đâu, tui sởn gai ốc tới đó. Tui thấy ông nói xí xô xí xào gì đó trong phone; không đầy năm phút sau, một đoàn hùng hậu 6 chiếc, xe chữa lửa, cảnh sát một toán người tiến đến. Xe hú còi inh ỏi náo động xé toạc bầu không khí đầy thu vàng đang êm ả của xóm tui. Tui tá hỏa tam tinh, má tui thì xụi lơ, teo héo! Tui nghĩ bụng phen này chết chắc, má tui chắc là bị bắt quá vì cái tội xáp vô ông già Mỹ kia.

Ngay lập tức police bước tới hỏi một tràng tiếng Mỹ (tui và má tui là dân quê thứ thiệt, đi qua Mỹ mà còn đòi đem theo một cặp gà con trống mái gầy giống cho nó đẻ, thì lấy đâu ra tiếng Mỹ mà học). Mà cũng phải, thử nghĩ lại coi, lúc đó sợ cháy nhà, sợ bị bắt muốn chết giấc, hồn vía mất tiêu lấy đâu ra từ ngữ mà nói lại. Một chữ thank you cũng quên tuốt luốt. Tui trả lời bằng động từ tu quơ, quơ qua, quơ lại, Má tui một lần nữa soạn lại “bổn cũ”. Lần này ngay ông police mà tiến tới, đưa hai tay lên ra dấu như 2 quả trứng chỉ vào “chỗ hiểm”, ông police lùi lại, rồi má tui đến đập cánh cửa. Ngó chừng như ổng hiểu ý, họ nạy cửa bung ra. Má tui te te chạy vào: 2 quả trứng gà sắp sửa nổ tung, vì nồi nước đã cạn queo. Mùi khen khét bốc lên như chờ đợi mời mọc mọi người.

Lúc này ông hàng xóm nhìn má tui từ đầu cho tới chân, ông bỗng cười sặc sụa, cười ngặt nghẽo, cười muốn tắt hơi. Rồi mọi người cùng cười vang. Tui mừng rơn trong bụng. Thoát nạn!

Rồi, mùa Thu đi, mùa Đông lại đến. Ông già hàng xóm ấy trở nên thân thiết hơn, gia đình chúng tôi biết tên ông là David. Mà lạ thiệt, má tui không chịu kêu tên đó mà cứ gọi là ông “ÉT” (egg) cho dễ nhớ mà! Cứ mỗi tuần đều đặn, ông ghé nhà tui, tặng cho gia đình tui một vỉ trứng gà. Có hôm vui thiệt, má tui tản bộ ra đầu ngõ (thèm thịt gà nguyên con nấu cháo), vừa đến cửa tiệm quên mất từ con gà. Má tui đưa hai tay lên làm giống như 2 cánh gà đập phành phạch vào đùi, miệng thì kêu ò ó o o như tiếng gà gáy. Ông Mỹ bán hàng mắt như muốn nổ đom đóm, đứng như trời trồng. Bỗng đâu ông già hàng xóm xuất hiện, tới làm thông dịch, nghe thấy “hiểu liền!” biểu đem ra một con gà cho má tui. Vậy đó, ông còn làm tài xế cho cả gia đình tui, chở đi shopping, đi chợ VN, đi học ESL, có khi ông ngồi đợi cả buổi.

Tui kể đến chuyện ngứa. Đầu mùa Đông tới, da tự nhiên ngứa, ngứa gì mà ngứa gãi muốn điên lên, tụi tui đi ra tiệm thuốc đem theo ông ET hàng xóm (thông dịch viên bất đắc dĩ). Tui chỉ cần ra dấu, cởi áo lạnh ra, xắn tay áo lên, gãi “ rột” một cái, là ông biết ý ngay, mua liền cho 1 chai thuốc ngứa.

Vậy đó, rồi ông vui lây cùng chúng tôi theo năm tháng, cho đến ngày mà má tui biết được bập bẹ vài chữ. Hôm đó, ông đem trứng gà cho nhà tui, má tui không nhận vì trong tủ đầy nhóc trứng rồi, Lần này thì má tui nhẹ nhàng say:  “No, thank you, have a nice day,” gọn ơ, ngọt xớt! Mặt ông cười, nụ cười chất ngất một niềm vui, vui như đón bình minh. Ừ, phải rồi, ông đang đón một bình minh của sự đổi đời của cả một gia đình trước mặt ông mà ông không hề hay biết. Bình minh của những con người mới đang bước đi chập chững để tạo dựng cuộc sống ngay trên đất nước ông… Và ông cùng đồng hành với chúng tôi trong những năm tháng đầu tiên mà không mệt mỏi. Mà mệt mỏi làm sao được chứ, khi mà trái tim ông đang vui sướng san sẻ tình thương cho người đang đón nhận.

Đã bao nhiêu năm rồi, bây giờ hỏi lại má tui, má tui nói nhớ ông “ET” quá chừng luôn. Rồi má tui cười xoà, nụ cười có nhiều kỷ niệm. Sáng nay, hai quả trứng gà “ốp-la” được đứa con gái tui bày ra bàn chờ điểm tâm, tui nhìn mà cười tíu tít, nó hỏi “làm gì mà mom cười vui vẻ quá vậy!” Trời đất, nó đâu có biết. Có một ngày nọ, lâu lắm rồi… hai quả trứng gà như câu chuyện hài đã đi vào lòng người thật đậm đà khó quên. Có diễm phúc nào bằng khi mà tui đang có thêm một quê hương, một quê hương mới, một quê hương không sinh ra tui nhưng ràng rịt bước chân tui đến cuối cuộc đời.

Mùa Thu đến, mùa thu mênh mang ngọt ngào chuyên chở những dòng ký ức xa xôi để lại trong lòng người thêm nhiều nỗi niềm nhung nhớ.

Tui Tạ ơn Trời, tui cám ơn đời, tui cám ơn người, tui cám ơn vùng đất đã ưu ái cưu mang tui trong những ngày khốn khó… Hình như mắt tui cay sè…

Bảo Huân

From: Tu-Phung

Thư Gửi Các Bạn Trẻ Việt Nam – Chu Tất Tiến

Thư Gửi Các Bạn Trẻ Việt Nam – Chu Tất Tiến

Các bạn trẻ Việt Nam thương quý,

Có lẽ, với phương tiện Internet tự do, các bạn đã nghe và đã xem bé Evan Lê,mới 4 tuổi đã nổi danh quốc tế về nghệ thuật đàn Piano, mặc dầu bé chưa biết đọc chữ, không biết nốt nhạc! Bé Evan Lê chỉ đánh đàn theo trí nhớ, hoàn toàn không nhìn vào tờ nhạc nào, và đã sử dụng 10 ngón tay bé xíu của mình mà chạy những nốt nhạc rất nhanh, toàn là 1/4 của một nốt đen trong tiết điệu 2/4, “tempo” 90-100 trở lên, nghĩa là nhanh lắm,người đã học đàn trong 2, 3 năm có thể hoa mắt, không thể phân biệt được cũng như không thể sử dụng ngón tay của mình nhanh như thế được.

Thế mà những ngón tay thiên tài của bé đã lướt qua được hết. Đến khi bé được 7 tuổi thì đã được mời chơi piano trong những dàn nhạc giao hưởng lớn. Dưới ánh đèn rực rỡ chiếu sáng chỉ một mình bé với cây đàn piano trị giá gần nhiều chụcngàn đô la,Evan Lê đã ung dung biểu diễn những bản Concerto vĩ đại mà nhiều nhạc sĩ lớn tuổi đã chơi đàn vài chục năm them thuồng được ngồi vào chỗ của bé.

“Thiên tài” (không phải nhân tài) phải không, các bạn? Vì nhân tài là do tập luyện,còn với bé, mới  sinh ra chưa có đủ thời gian mà tập luyện, đột nhiên đã nổi tiếng quốc tế thì đúng là “Trời sai xuống,” đem lại danh dự và hãnh diện cho người Việt Nam, mà Việt Nam hải ngoại thôi.

Nói thế, không phải phân biệt đối xử người Việt hải ngoại và người Việt trong nước, nhưng thực tế, từ năm 1975, gần 3 triệu người miền Nam Viêt Nam phải bỏ nước ra đi để trốn chế độ cộng sản, để rồi rạng danh xứ người với quá nhiều Nhân Tài, ThiênTài.

Mời các bạn xem thử: Trước hết, điểm danh về quân sự cho oai: Tướng Lương XuânViệt, 2 sao, Tư Lệnh một Lữ Đoàn Bộ Binh Hoa Kỳ; Chuẩn Tướng LậpThế Flora; Hạm Trưởng Lê Bá Hùng, chỉ huy tầu USS LASSEN, có vũ khí trang bị hủy hỏa tiễn tầm xa; Chuẩn Tướng WilliamSeelly, Thủy Quân Lục Chiến và Phó Đề Đốc Nguyễn Từ Huấn.(Mới cuối tháng 9, 2019, lại có thêm hai nữ Chuẩn Tướng người Việt nữa!)

Một người nữ đặc biệt vô cùng là bà Giao Phan,Tổng Giám Đốc Hàng Không Mẫu Hạm Gerald Ford, tối tân nhất thế giới, và một thiếu nữ nhỏ nhắn là người nữ duy nhất và đầu tiên lái chiếc F-18, máy bay cũng tối tân nhất thế giới: Elisabeth Phạm.

Ngoài ra, còn nhiều Đại Tá, Nữ Đại Tá người Mỹ gốc Việt cũng được cử vào những địa vị chỉ huy, kể không hết. Bên lãnh vực dân sự, Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh, hiện nay giữ chức vụ tương đương với cấp Tướng bên quân đội, người nổi tiếng về những phát minh vũ khí quân sự.

Nói về các lãnh vực khác như Triết Học, Nghệ Thuật, người ta thấy trong sách sử Mỹ có Linh Mục Lương Kim Định, Học Giả, Triết Gia, một Vạn Thế Sư Biểu cho cả Phật Giáo và Thiên ChúaGiáo, và nhiều tài tử, người làm tin và TalkShow Truyền Hình như Leyna Nguyễn, được giải Emmy Award-Winning anchor; Betty Nguyễn, CBS Early Morning News Anchor; Mary Nguyễn, đoạt giả Award-Winning Reporter, Người đầu tiên đoạt giải Asian-American Miss TeenageA merica: Thuy Vũ đoạt giải Emmy Award-Winning Anchor and Reporter cho đài CBS-5 ở San Francisco.

Các tài tử nổi tiếng trong điện ảnh Mỹ có Maggie Q, người đóng phim nhiều tập NIKITA vô cùng hấp dẫn; Kiều Chinh (Lục Phúc Lữ Quán…),Dustin Nguyễn,J ames Duval, Lê Thị  Hiệp (Heaven and Earth); Olivia Munn (X-Men:Apocalypse,Mortdecai), ThuyT rang (YellowPower Ranger), Lana Condor (X-Men:Apocalypse);Kelly Marie Tran (Star Wars: thelast Jedi). Các nhạc sĩ nổi tiếng là Cường Vũ, đoạt giải Grammy Award về nhạc Jazz, Trumpeter, và Casĩ. Người nổi tiếng không kém trong giới nhạcsĩ Mỹ là Đạt Nguyễn, nhạc sĩ Khiếm Thị nhưng có đôi tay vàng.

Điều lạ lùng là Christine Hà, người khiếm thị mà đoạt giải nhất Master Chef và thắng giải kỳ thứ 3 năm 2012, Hùng Huỳnh, đoạt giải Top Chef. Bên cạnh các giải về ẩm thực,l ại có nhiều giải văn chương, dành cho 24 tác giả về thơ, văn, kịch. Trong đó,có một thi sĩ nổi tiếng quốc tế: Nhà thơ quá cố Nguyễn ChíThiện, được cả thế giới Tự Do kính phục.

Tưởng là với thể thao, thì người Việt nhỏ con làm gì tranh lại mấy giải dù là nho nhỏ, ai dè lại có Cung Lê, vô địch nhiều trận Knock Out với cú đá thần tốc. Rồi Nam Phan, MMA, thắng giải chỉ trong 18 giây đầu tiên. Đạt Nguyễn được nhận danh hiệu International Professional Fighter, và Ben Nguyễn, Steven Nguyễn cũng là thành viên của MMA.

Về phương diện Luật Pháp, người Mỹ gốc Việt đã nắm nhiều chức Quan Tòa, từ Quận, đến Tiểu Bang và Liên Bang, trong đó,nổi tiếng nhất là bà Thẩm Phán Jacqueline H.Nguyễn và ông Đinh Đồng Việt từng giữ chứcThứ Trưởng Bộ Tư Pháp. Như thế, trên phương diện chính trị, người Việt mình đã được bầu hay được đề cử vào nhiều chức vụ quan trọng, từ Thị Trưởng đến Giám Sát Viên, Dân biểu Tiểu Bang, Dân Biểu Liên Bang, Nghị Sĩ Tiểu Bang.(Trích từ Người Việt Vẻ Vang).

Trong khi đó, thì ở trong nước, gần 100 triệu người, lại không có gì hãnh diện với quốc tế, ngoài việc cái hộ chiếu Việt Nam bị chê trách, đi tới quốc gia nào cũng bị nghi ngờ, dòm ngó, và theo dõi vì sợ bị “chôm đồ”!

Nói tới đây, xin lỗi các bạn nhé, và mong các bạn hiểu cho một điều là “sự thậ tphũ phàng,” trong khi giới trẻ ở bên Mỹ học và “cầy” như điên để lấy bằng cấp cao, để có việc làm tốt, có tương lai ổn định, thì đa số các bạn trẻ ViệtNam lại lo ănchơi tưng bừng, nếu học hành dở, thì lại nhờ bố mẹ chạy chọt cho có bằng, dù là bằng “dỏm,” chả có giá trị gì.

Cầm bằng trong tay, lại nhờ họ hàng, bà con kiếm cho một chỗ “ngồi mát ăn bát vàng,” sau khi đã ổn định chỗ ngồi thì lo làm giầu bằng đủ mọi phương cách luồn, lọt, chạy chọt, lấy tiền chỗ này đắp vác hỗ kia, dư thì bỏ túi, tiêu xài như đổ nước xuống cống, không hề biết xót dạ. (Một sự khác biệt rõ nét nhất là so sánh du sinh Việt và sinh viên Mỹ gốcV iệt: Du sinh đi xe xịn, có thể là Lexus, Mercedes, mặc đồ hiệu, chơi tennis bằng vợt xịn, cặp bồ với Mỹ, còn sinh viên Mỹ gốc Việt đi xe xoàng, quần áo thường, không kết bạn với gái Mỹ.)

Trong khi giới trẻ ở bên Mỹ hà tiện từng đồng đô la để trả tiền học, và đăm chiêu với quê cha đất tổ ở cách xa ngàn dặm, rồi sinh hoạt tích cực với cộng đồng di tản Viêt Nam, để đòi Tự Do – DânChủ đích thực cho Việt Nam, thì một số lớn các bạn trẻ ở Việt Nam xếp hàng từ đêm hôm trước đến ngày  hôm sau để mongmua được một cái phôn I-11 với giá trên ngàn đôla.

Trong khi giới trẻ ở Mỹ không bao giờ dám bước chân vào “bar,” vào quán rượu vì lo học đến rụng tóc, sói đầu, thì ở quê nhà, các bạn nhảy nhót điên cuồng, dùng thuốc “lắc” như ăn cơm, rồi vào các chốn mà trai gái ôm ấp nhau một cách bệnh hoạn, nếu có bị cảnh sát bắt, thì bố mẹ lập tức lãnh ra ngay. Thanh niên, thiếu nữ gia nhập băng đảng, tranh giành nhau một địa bàn “bảo kê,” hẹn nhau ra chỗ quyết đấu, để rồi trưởng nhóm đưa ra một danh sách: “Mày có giỏi thì đấu lý lịch gia đình với tao không? Bố tao là Giám đốc công an, mẹ tao là Bí Thư…” Bên nào mà lý lịch kém thì tự động rút lui.

Còn ở ngoài đường phố, thì chỗ nào cũng có đâm, chém. Nhìn đểu là đâm, không mời mà uống thì bị đâm là chuyện thường, mời uống rượu mà không uống cũng bị đâm. Bị bồ chê dở là đâm, bỏ bồ bị chém, tán gái không đúng chỗ thì bị đâm. Hát karaoke hay hơn bạn thì bị đâm, giành hát trước là bị chém!.. Đâm chém lia lịa như phim Máun huộm bãi Thượng Hải vậy.

Điều nữa mà chúng tôi thấy gần như tuyệt vọng với tương lai của đất nước khi mà tại các trường học, học sinh nữ đánh nhau hãi hùng, thi nhau xé quần áo đối phương, trong khi số còn lại đứng xem và cổ võ lớn tiếng: “Lột quần nó ra! Lột xú cheng nó ra!”

Cũng không tưởng tượng được một nam sinh đánh nữ sinh như du đãng, nam sinh mà cuộn tóc nữ sinh trong tay mình, một tay đấm, một chân đạp vào hạ bộ nữ sinh rồi chửi tục: “Đ.M. mày! Cho mày chết! Ai bảo dám bỏ tao đi theo thằng kia.” Việc đấm đá này lại được thực hiện ngayt rong sân rường, trong tiếng reo hò cổ võ của cả lớp!

Còn bao nhiêu hành động không thể chấp nhận được như nữ sinh xếp hàng với nam sinh, rồi thì… đứng tiểu tiện vào gốc cây trong sân trường! Nữ sinh đi học mà mặc áo như đĩ, vì chẳng che đậy được gì.Thiếu nữ đi xe gắn máy mà không mặc quần dài chỉ có một miếng vải nhỏ xíu bằng bàn tay… Trai, gái chửi tục kinh hoàng, mày tao chi tớ, đ.m (tiếng Bắc), đ.m. (tiếngNam), mở miệng là “đéo”…

Trời ạ! Chúng tôi chưa thấy cái văn hóa nào bang hoại như văn hóa mà các bạn, dưới “sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng Cộng Sản Việt Nam,” đang thể hiện trước cặp mắt quan sát của quốc tế, nhất là khi báo cáo về các vụ phá thai dưới tuổi thành niên, Việt Nam đứng đầu trên thế giới!

Thật ra, điều mà chúng tôi chua xót hơn hết, chưa phải là những điều liên quan đến văn hóa, phong tục ViệtNam, mà là sự VÔCẢM của các bạn trước tình hình ĐẤT NƯỚC BỊ BÁN CHO TRUNG CỘNG, lịch sử Việt Nam hơn 4000 năm gầy dựng sắp bị xóa sổ!

Chúng tôi biết rằng, dù các bạn vô tâm, không quan tâm đến tình hình chính trị, nhưng ít nhất các bạn cũng thấy trước mắt việc Trung Cộng chỉ đạo văn hóa, kinh tế, chính trị của Việt Nam, cũng như các bạn đã thấy cả nước, dưới sự lãnh đạo của một đảng tham nhũng từ trên xuống dưới, một đảng cướp ngày, chuyên vơ vét tài sản nhân dân để tự nhét vào túi lãnh đạo, môt hệ thống chính trị bất chấp thủ đoạn để giành giật chức chưởng, nếu cần thì thủ tiêu nhau y như Mafia. Chỉ vì tiền bạc cướp của dân, lấy từ ngân khố mênh mông mà họ nhắm mắt làm ngơ cho việc Trung Cộng cướp dần đấtnước mình, mà không cần dùng vũ lực như năm 1979 nữa. Đau đớn thay, trong khi ấy, thì ở Hồng Kông, giới trẻ đang làm một cuộc cách mạng vĩ đại, bất chấp tù đầy, bị bắt, bị giết, các bạn trẻ Hồng Kông vẫn như những con sư tử đầy nhiệt huyết, gầml ên những tiếng hô “Tự do, DânChủ cho Hồng Kông,” và lao vào hàng rào roi điện, súng đạn của Trung Cộng, đòi cho được nền Tự Trị Hồng Kông, không chấp nhận sự lãnh đạo của Bắc Kinh.

Các bạn trẻ thân quý,

Nếu các bạn bị nhà cầm quyền che mắt, bưng bít sự thật hiển nhiên là Trung Cộng đang chiếm lĩnh dần nước ViệtNam yêu quý của chúng ta, chúng tôi mong các bạn ngừng ăn chơi vài phút mà nhìn lại sự thực sau đây:

Trích một bài báo của một trí thức trong nước: “Trung cộng hiện diện khắp nơi, đến mức gần như ngành nghề nào cũng có mặt, từ kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp ở Hải Phòng; kinh doanh bất động sản ở Tiền Giang; sản xuất giày ở Đồng Nai; luyện-cán thép ở Thái Bình; sản xuất tinh bột wolfram ở Quảng Ninh; linh kiện điện tử ở Đà Nẵng; ván ép ở Long An; đến gia công in phun, đồ họa, sản phẩm quảng cáo, dịch vụ quảng cáo ở Sài Gòn… nơi nào cũng thấy bàn tay người Trung cộng.”

Âm mưu của người Trung cộng được gọi là chiến thuật “cắt lát salami”. Nghĩa là họ sẽ không cùng lúc chiếm toàn bộ lãnh thổ của Việt Nam mà là “ăn mòn” từng bộ phận, sau đó độc chiếm trọn vẹn, toàn bộ.

Kế hoạch “tích tiểu thành đại” của Trung cộng gồm nhiều hành động nhỏ: từ việc thâu tóm và biến các công ty Việt Nam thành công ty Trung cộng, tăng cường sự hiện diện của người Trung cộng tại Việt Nam; cho tới việc đẩy mạnh đầu tư lớn trên khắp đất nước, đặc biệtl à khu vực QuảngTrị đến ThừaThiên Huế – nơi hẹp nhất theo chiều Đông-Tây của dải đất hình chữ S (bề rộngc hỉ khoảng 40km).

Các làng Trung Cộng mọc tại Việt Nam. Cuối năm 2015, tại Đà Nẵng, hai cửa hàng do người Trung Cộng làm chủ thậm chí đã ngang ngược “tuyên xưng chủ quyền” bằng cách không bán hàng cho người Việt. Người Việt đang mất chủ quyền ngay trên chính mảnh đất quê hương mình?”

Các bạn trẻ thân quý,

Mời các bạn đọc thêm bài báo này để biết là đảng Cộng Sản Việt Nam đã vì quyền lợi riêng tư, cá nhân mà cam tâm bán đứng đất nước cho Trung Cộng:

Buồn quá, phải không các bạn. Nhưng chưa buồn bằng một mai, khi các bạn lớn lên, có gia đình, phải đưa con đi học Tiếng Tầu, làm căn cước Tầu, hát tiếng Tầu tại các đám cưới. Con các bạn sẽ học lịch sử về quê mình như sau: Việt Nam nguyên là một quận huyện của Trung Hoa, từ phía nam song Dương Tử, chạy xuống miền Nam, lập nghiệp.. và bây giờ trở về đất Mẹ…

Trời ơi! Trần Quốc Toản mà sống lại chắc sẽ bóp thêm hàng chục trái cam. QuangTrung Đại Đế sẽ nghiến răng, có thể râu tóc dựng ngược. Lý Thường Kiệt sẽ phải sang sảng ngâm vang lời thơ:

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư

 Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

 Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

 Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư…

(Tạm dịch):

Nước Nam sông núi, vua Nam ở

Số Trời đã định tự ban sơ

Cớ sao người cả gan xâm lấn?

Nhất định rồi cái chết không chờ!

Chu Tất Tiến

(Tháng 10/2019)

Dân bị mất nhà đất, tài sản, oan sai …rồi ra Hà Nội…

Image may contain: 1 person, outdoor
Image may contain: 8 people, people sitting and child
Image may contain: 2 people, people sitting and food

Cat Linh is at Số 1 Ngô Thì Nhậm, Quận Hà Đông, Hà Nội.Follow

Dân bị mất nhà đất, tài sản, oan sai …rồi ra Hà Nội phản ánh sự việc của họ lên trung ương thì chẳng có ai dám cho họ thuê nhà trọ. Chỉ được mỗi một người thì lại không có đủ chỗ cho tất cả, nhiều người dân phải ra vỉa hè quanh cổng trụ sở tiếp dân dựng lều bạt để ở, nay không biết lí do gì mà công an lại đến dẹp hết, dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất theo đúng nghĩa đen.

Quốc hội, đại biểu quốc hội. Các vị được dân bầu lên để bảo vệ quyền lợi của dân, nay có những công dân nhiều năm không ai giải quyết sự việc của họ thì các vị thấy sao?

Đại diện cho quyền lợi nhân dân mà để dân sống như thế này hả? Họ có xin các vị xu nào đâu? Chỉ yêu cầu các vị làm đúng trách nhiệm của mình để quyền lợi của họ được đảm bảo thôi mà sao không làm được?

P/s: cũng không đâu xa xôi bên nước ngoài đâu. Ở thủ đô đấy bạn nào có dịp ghé thủ đô thì đây cũng nên là một điểm đến. Bạn sẽ được nghe những chuyện mà trí tưởng tượng của bạn không thể với tới.

Bạn nào có đồ cũ không mặc thì xếp gọn đem cho họ. Cơm thừa thức ăn bỏ đi thì tiết kiệm lại giúp họ gói mì. Chúng ta là đồng bào.

DỜI HÀ NỘI LÊN NÚI ?

Image may contain: ocean, skyscraper, sky, outdoor and water

Từ Thức

DỜI HÀ NỘI LÊN NÚI ?

Những người nghĩ chuyện thay đổi khí hậu là trò chơi của con nhà giầu, của cậu ấm cô chiêu rảnh rỗi, cuối tuần đi biểu tình cho vui, hãy nhìn những gì đang xẩy ra trước mắt, ở Bangladesh hay Indonésie.

Tại Bangladesh, nhiều vùng ven biển đã hay đang chìm dưới biển. Ngư dân bỏ làng, kéo nhau sống dưới gầm cầu, xó chợ, tại những thành phố đã trầm trọng nạn nhân mãn và thất nghiệp.

Tại Indonésie, thủ đô Jakarta sẽ chìm trước 2050, nghĩa là ngày mai. Theo France Info, nhiều khu trong thành phố đã nằm 4 thước dưới mực nước biển.
Mỗi năm, Jakarta, vì sức nặng của các công trường xây cất , càng ngày càng lún sâu.

Hàng chục cây số đê điều xây dựng mỗi năm chỉ làm chậm lại hiện tượng lún đất không thể tránh khỏi.

BỎ JAKARTA CHO BIỂN

Để lánh nạn, chính phủ Indonnésie nghĩ tới chuyện…bỏ Jakarta, dời thủ đô về phía đông Bornéo, ngày nay chỉ là một khu rừng hoang.

Những ai đã tới Jakarta, khó thể tưởng tượng người ta bỏ một thành phố sầm uất như vậy cho biển cả

Đó không phải là chuyện khoa học giả tưởng, cũng không phải chuyện xa xôi. Dư án, với ngân khoản khổng lồ 40 tỉ dollars, có thể bắt đầu vài tháng tới, đầu năm 2020, để hoàn tất năm 2024. Nhưng vấn đề tái định cư 10 triệu dân Jakarta vẫn chưa có giải pháp.

Trái với nhiều người nhạo báng, đại hoạ thay đổi khí hậu không phải là chuyện đùa chơi, của những người no cơm ấm cật.

Tai hoạ đó, trước hết, là tai hoạ của người nghèo, của nước nghèo.

Nếu sống trên lầu 52 ở New York, tôi bất chấp chuyện lụt lội. Nếu sống ở Amsterdam, với hệ thống đê điều tối tân, nước biển có lên cao thêm vài mét, tôi vẫn ngồi rung đùi coi đá banh. Nhưng nếu sống bên bờ sông Cửu Long, sông Hồng hà, tôi suy nghĩ đôi chút

Nhất là khi người ta xây đập không có mục đích gì khác hơn là để lấy tiền lại quả. Khi người ta đã đốn hết rừng, xẻ hết núi.

Nếu Hà Nội, hay Sài Gòn lún dưới mặt nước, sẽ chẳng có ai nghĩ tới chuyện dời thủ đô, hay thành phố lên miền cao. Bởi vì những đỉnh cao trí tuệ loài người, thông minh hơn thiên hạ, khôn ngoan hơn giới lãnh đạo Indonésie, biết rằng với 40 tỉ dollars, có thể mua nhiều dinh cơ sang trọng, ở những nơi an toàn như California, New York hay Paris

https://www.francetvinfo.fr/…/l-indonesie-va-changer-de-cap…

tuthuc-paris-blog.com )

LUẬT SƯ CŨNG KHÔNG DÁM KIỆN ???

LUẬT SƯ CŨNG KHÔNG DÁM KIỆN ???

Tại gặp luật sư hèn … có khi LS được lót tay rồi.

Kiếm LS khác.
__________

Đỗ Nguyễn Mai Khôi

Mấy ngày hôm nay thật sự không thể ngủ được vì cứ tự hỏi tại sao? Tại sao? Và tại sao? Tại sao…200.000 hộ dân cư, ước tính là phải gần cả triệu người, đang sống trong tình trạng nước bị nhiễm độc, không thể dùng được chắc là trong lòng phẫn uất lắm chớ? Khó chịu lắm chớ? Vậy mà sao họ vẫn im lặng chịu đựng không hề có một động thái phản đối nào? Họ là con người đang sống trong một đất nước được cho là “độc lập-tự do-hạnh phúc “ mà sao cái quyền cơ bản là có nước sạch để sống, cũng không được, và họ không có động thái nào…Họ sợ gì vậy ta?

Cứ nhìn Hong Kong mà xem, vì sao 3 triệu người dân Hong Kong biểu tình kiên quyết và mạnh mẽ suốt 5 tháng nay? Chỉ vì Luật Dẫn Độ mà thôi! Họ nhận thức rằng một khi Hong Kong thông qua Luật Dẫn Độ do phía Trung Quốc yêu cầu thì cũng có nghĩa Hong Kong hoàn toàn phụ thuộc Trung Quốc. Người dân Hồng Kông không chấp nhận điều đó nên họ đi biểu tình. Còn ở Việt Nam, người dân không có nước sạch để dùng , người dân vẫn từng người hàng hàng nối đuôi nhau cầm xô chậu “chịu nhục” đi xin nước, mua từng lít nước, không một ai phản kháng.

Tôi nhắn tin hỏi thăm một anh bạn sống trong vùng nước ô nhiễm, anh nói anh vận động người dân quanh vùng anh đi kiện, nhưng không ai dám, kể cả luật sư trong vùng đó.

Tôi buồn quá đi…không có từ nào tả nổi.

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=2406677356253553&id=100007339352121

Image may contain: 4 people, people smiling, people standing and outdoor

Bi kịch xã hội Trung Quốc: Bị lừa từ lúc mới sinh cho đến lúc già

Ở Trung Quốc phú cường, hàng giả thống trị, trên thương trường thì giả trộn với thật, trên quan trường thì giả nhân giả nghĩa, trong xã hội thì giả tình giả ý. Từ sữa giả có chứa Melamine cho đến bằng cấp giả, luận văn giả, cho đến quan trường với lý lịch giả, cả mảnh đất “Thần Châu” giờ chỉ còn một chữ “giả”…

#trithucvn

M.TRITHUCVN.NET
Có nhận xét trên mạng xã hội tiếng Trung cho rằng: Người Trung Quốc thật đáng thương, hành trình làm người thật gian nan, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi đều bị…