Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc chiến giữa dân chủ và toàn trị

Thương chiến Mỹ-Trung: Cuộc chiến giữa dân chủ và toàn trị

Chiến tranh thương mại, Thương chiến
Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thực chất là cuộc chiến giữa hai mô hình kinh tế – chính trị: dân chủ và toàn trị (Ảnh: rawf8/Shutterstocks)

Ông Spalding là Chuẩn tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, từng là Giám đốc chiến lược của Nhà Trắng, cũng đã là sĩ quan quốc phòng cấp cao của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Ông là tác giả của sách “Cuộc chiến vô hình: Cách Trung Quốc nổi lên trong khi giới ưu tú Mỹ đang ngủ” (Stealth War: How China Took Over While America’s Elite Slept).

Trong tác phẩm này, ông Spalding tiết lộ rằng sự xâm nhập của ĐCSTQ vào các tổ chức của Mỹ đã đạt đến mức báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ; sách cũng tiết lộ động cơ cùng các đợt tấn công bí mật của ĐCSTQ nhằm chống lại phương Tây. Spalding nhận định, giới truyền thông quốc tế thường cảnh báo Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ, nhưng thực tế nguy cơ lại nằm ở phương Đông xa xôi. ĐCSTQ đã phát động cuộc chiến chống lại Mỹ trên sáu mặt trận gồm kinh tế, quân sự, ngoại giao, công nghệ, giáo dục, cơ sở hạ tầng.

Trong  bài viết đăng trên tờ The Hill hôm 10/10, ông Spalding đã đề cập đến vụ ồn ào về tweet của Tổng giám đốc Đội Bóng rổ Houston là Daryl Morey. Ngày 4/10, ông Morey đã đăng một bức ảnh lên Twitter cùng dòng trạng thái “Chiến đấu vì tự do/đồng hành cùng Hồng Kông” (Fight For Freedom/Stand With Hong Kong). Hệ quả đã gây làn sóng tẩy chay tập thể của hệ thống ĐCSTQ nhắm vào NBA, bao gồm các hãng truyền thông, tổ chức thể thao, công ty Trung Quốc.

Mặc dù ông Morey đã nhanh chóng xóa bài viết và chia sẻ một tweet khác để xin lỗi, làm rõ tweet đó là ý kiến ​​cá nhân chứ không liên quan đến đội bóng rổ Houston hay NBA, nhưng cơn bão dư luận này vẫn không ngừng nóng lên tại Đại Lục.

Trong bài viết, ông Spalding cho biết thật không may là những chuyện tương tự như trường hợp của Morey lại xảy ra hàng ngày.

Robert Spalding, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hudson (Ảnh: Epoch Times)

Spalding: Thương chiến Mỹ – Trung là cuộc chiến giữa dân chủ và toàn trị

Vòng đàm phán thương mại cấp cao mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đã được tổ chức tại Washington vào hai ngày 10 và 11/10. Ba ngày trước khi đàm phán, vào ngày 7/10, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt kê 28 thực thể Trung Quốc vào “danh sách thực thể” kiểm soát xuất khẩu (hay còn gọi là danh sách đen) với lý do vi phạm nhân quyền, hạn chế các thực thể này mua linh kiện và công nghệ từ Mỹ. Các thực thể trong danh sách đen bao gồm 20 đơn vị an ninh và 8 doanh nghiệp công nghệ cao, tiêu biểu như công ty sản xuất thiết bị giám sát Hikvision.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu: “Chính phủ và Bộ Thương mại Mỹ không thể và sẽ không dung thứ trước thực trạng đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ nhắm vào các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc.”

Cùng ngày (7/10), Tổng thống Trump bày tỏ quan điểm về vấn đề Hồng Kông. Ông cho biết Trung Quốc (ĐCSTQ) nên hành động ôn hòa trước biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông, ông hy vọng sẽ thấy được giải pháp thực sự nhân đạo. Ông cũng cảnh báo nếu ĐCSTQ thực hiện bất kỳ biện pháp “bất lợi” nào để dập tắt các cuộc biểu tình ở Hồng Kông cũng sẽ ảnh hưởng đến đàm phán thương mại Mỹ – Trung.

Mỹ đại diện cho dân chủ, còn ĐCSTQ đại diện cho chế độ toàn trị. Spalding cho rằng bản chất đằng sau cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chính là cuộc chiến giữa dân chủ và toàn trị. Phe nào thống trị tương lai thế giới phụ thuộc vào phần thắng bại trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ; qua đó sẽ ảnh hưởng đến các nguyên tắc nhân quyền, kinh tế thị trường, tự do báo chí, tự do tôn giáo và tự do khỏi sợ hãi.

ĐCSTQ đã phá hoại tính cởi mở của phương Tây

Các cựu Tổng thống Mỹ luôn ủng hộ chính sách kết nối với Trung Quốc, tin rằng việc Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế thế giới giúp nền kinh tế Trung Quốc hưng thịnh sẽ buộc ĐCSTQ phải dần chuyển hướng dân chủ hóa. Nhưng Spalding nhận định chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã sai lầm kéo dài nhiều thập kỷ qua, vì thực tế cho thấy con đường cởi mở của Mỹ đối với Trung Quốc không chỉ không mang lại tự do cho người dân Trung Quốc, trái lại ĐCSTQ còn tác động tiêu cực ngược trở lại phá hoại tính cởi mở của phương Tây, hiện ĐCSTQ đang đầu tư mạnh vào công nghệ 5G để thúc đẩy mô hình toàn trị kiểm soát toàn cầu.

Trong quan điểm của ông, ĐCSTQ tận dụng thị trường khổng lồ của đất nước Trung Quốc cũng như nguồn tài chính dồi dào để thu hút giới tinh hoa nước ngoài và kích thích hủ bại làm suy thoái nền dân chủ. Một trong những kết quả là, bất chấp việc công ty Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn kiểm toán và minh bạch của Mỹ nhưng vẫn có thể thu hút được hàng tỷ đô la Mỹ từ các quỹ hưu trí của Mỹ. Trong đó có một số quỹ được ĐCSTQ sử dụng để mua tài sản quân sự, tiêu biểu như tàu sân bay. Hệ quả là chính người Mỹ lại đang tài trợ cho ĐCSTQ xây dựng lực lượng hải quân.

Trước đây, ông Spalding từng chỉ ra, hoạt động vận động hành lang thành công của ĐCSTQ đã giúp cho chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc tham gia vào các chỉ số đầu tư toàn cầu, tiêu biểu như Chỉ số thị trường mới nổi MSCI và Chỉ số tổng hợp toàn cầu Bloomberg. Điều này cho phép hàng trăm tỷ Đô la Mỹ thuộc các quỹ hưu trí của Mỹ chảy vào Trung Quốc.

Ông cũng tố cáo các thủ đoạn khác của ĐCSTQ, như trộm cắp tài sản trí tuệ trên quy mô lớn và các hoạt động thương mại không công bằng, làm suy yếu hệ thống công nghiệp Mỹ, phá vỡ tính gắn kết xã hội trong cộng đồng người Mỹ.

Hơn nữa, ĐCSTQ đã lợi dụng một số yếu tố bất lợi cho Mỹ, liên tục tăng cường thế lực quân sự trên phạm vi toàn cầu. Những yếu tố bất lợi cho Mỹ bao gồm di sản của Hiệp ước Chiến tranh Lạnh khiến Mỹ và Nga bị giới hạn hoạt động chế tạo tên lửa, trong khi ĐCSTQ không tham gia ký hiệp ước nên có thể phát triển tên lửa mà không bị hạn chế. Cũng chính vì yếu tố này, năm nay chính quyền Trump đã chính thức rút khỏi “Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung” đã ký với Nga.

ĐCSTQ đầu tư 5G phục vụ thúc đẩy mô hình toàn trị trên toàn cầu

Chuyên gia Spalding nhận định rằng ĐCSTQ đã đầu tư lớn vào công nghệ 5G mới nổi vì mục tiêu xây dựng vị thế bá chủ công nghệ, nhằm thúc đẩy mô hình chủ nghĩa toàn trị trên toàn cầu. Việc ĐCSTQ đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại nhiều nước trên thế giới (quan trọng nhất là 5G và kỹ thuật số) vì mục tiêu trong tương lai ĐCSTQ sẽ kiểm soát được hệ thống công nghệ toàn thế giới. Bằng cách này, mạng 5G do các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sẽ có thể giám sát người dân toàn cầu. Sự thống trị của 5G, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cùng với sự trỗi dậy của Baidu, Alibaba và Tencent, sẽ cho phép ĐCSTQ phát huy ảnh hưởng và kiểm soát thông qua mạng truyền thông xã hội và thương mại điện tử.

5G
ĐCSTQ đã đầu tư lớn vào công nghệ 5G mới nổi vì mục tiêu xây dựng vị thế bá chủ công nghệ, nhằm thúc đẩy mô hình chủ nghĩa toàn trị trên toàn cầu. (Ảnh minh hoạ từ Shutterstock)

Ông Spalding cho rằng các gã khổng lồ Internet của Mỹ như Facebook, Amazon, Netflix và Google chiếm vị trí hàng  đầu nhờ ưu thế nền tảng các ứng dụng, dịch vụ và mô hình kinh doanh của hệ sinh thái 4G, dựa trên nền tảng điện toán di động của các công ty Mỹ như Apple và Google. Tương tự, nếu ĐCSTQ thống trị 5G, sẽ thúc đẩy các hệ thống vệ tinh của ĐCSTQ như  Baidu, Alibaba và Tencent lật ngược được thế cờ và chiếm được địa vị dẫn dắt thế giới như hiện nay các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đang làm.

Nhưng các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Facebook, Amazon, Netflix và Google chỉ thuần túy theo đuổi lợi nhuận; trong khi mục tiêu của Baidu, Alibaba và Tencent bao gồm giúp ĐCSTQ tăng cường đàn áp. Họ sẽ giúp ĐCSTQ tấn công vào quyền tự do ngôn luận ở trong và ngoài nước.

 “Không khó để nhận rõ những rủi ro: tự do và an ninh quốc gia của chúng ta sẽ gặp nguy cơ,” ông Spalding nhận định. Chỉ khi ý thức rõ rằng “nhu cầu của chủ nghĩa toàn trị ĐCSTQ là duy trì kiểm soát và tẩy chay tự do” thì Mỹ và các nước phương Tây mới có thể mạnh mẽ  bảo vệ nền dân chủ.

Ông Spalding kết luận, chính phủ Mỹ phải điều chỉnh chính sách cạnh tranh toàn cầu bằng cách áp dụng các biện pháp bảo vệ thương mại công bằng và có chính sách công nghiệp trọng điểm, đồng thời cần bảo vệ lĩnh vực kỹ thuật số. Hơn nữa, phải xây dựng nền tảng đồng thuận mới vì mục tiêu thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ trong các thể chế quốc tế.

Huệ Anh

Văn hóa Việt Nam Cộng Hòa là gì?

Kimtrong Lam to Lương Văn Can 75.

Văn hóa Việt Nam Cộng Hòa là gì?

Nguyễn Quang Duy

Việt Nam Cộng Hòa thành lập ngày 26/10/1955, đang lúc chiến tranh nên quốc sách bảo vệ tự do được ưu tiên, nhưng không phải vì thế mà quên lãng mục đích xây dựng một xã hội dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc.

Lời mở đầu Hiến Pháp 1956 ghi rõ: “…dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước đấng Tạo hóa và trước nhân loại là xây dựng một nền văn minh và nhân bản bảo vệ phát triển con người toàn diện.”

Còn Điều 11 của Hiến pháp 1967 ghi rõ “Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản.”

Con người làm gốc.

Việt Nam Cộng Hòa nhìn nhận mọi người đều có quyền và có bổn phận như nhau, không ai được sử dụng người khác làm phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu cá nhân hay đảng phái.

Người miền Nam tin rằng giới lãnh đạo cũng là con người nên đều mắc phải những sai lầm, vì thế cần xây dựng một thể chế đa nguyên, đa đảng đối lập, với luật pháp chặt chẽ để kiểm soát quyền lực của tầng lớp lãnh đạo.

Việt Nam Cộng Hòa nhìn nhận sự khác biệt giữa người và người, ngăn cấm việc kỳ thị giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, sắc tộc, trình độ học vấn hay kỳ thị dựa trên lý lịch, trên chính kiến, mọi người đều có cơ hội bình đẳng.

Mọi chiến lược, chính sách, chủ trương, hành động quốc gia đều phải phù hợp với nhân sinh quan về con người, với mục đích phục vụ con người, quan tâm tới quyền lợi và hạnh phúc của con người.

Ngoài việc xây dựng thành công nền giáo dục nhân bản, mọi sinh hoạt tôn giáo, sắc tộc, hướng đạo, văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật, đều được đối xử một cách công bằng không thiên vị.

Chính quyền miền Nam nhìn nhận và bảo vệ quyền con người, quyền dân sự được ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, gia đình những người theo cộng sản vẫn được đối xử một cách công bằng như mọi công dân khác, được pháp luật bảo vệ, được quyền bầu cử, quyền gia nhập quân đội bảo vệ đất nước, quyền tham gia chính trị, được làm ăn buôn bán, con em họ được đến trường như mọi trẻ em khác tại miền Nam.

Từ năm 1962, chương trình Hồi chánh giúp trên 200 ngàn cán binh cộng sản buông súng quay về tạo dựng cuộc sống mới trong cộng đồng dân tộc.

Dân tộc làm nền.

Tinh thần dân tộc được hình thành và phát triển theo giòng lịch sử, tạo tình đoàn kết, gắn bó dân tộc và phát triển quốc gia.

Trong thời bình thúc đẩy người dân đóng góp phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, nâng cao dân trí. Vào thời chiến giúp toàn dân đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm.

Việt Nam Cộng Hòa luôn đề cao các giá trị lịch sử dân tộc, độc lập, tự chủ, ngôn ngữ, nghệ thuật, văn hóa. Ngay từ tấm bé trẻ em miền Nam được dạy yêu nước thương nòi.

Người miền Nam luôn tôn trọng các giá trị đặc thù, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mọi sinh hoạt gia đình, nghề nghiệp, sắc tộc, địa phương và đất nước.

Chính phủ miền Nam chủ trương bảo tồn và phát huy những tinh hoa, những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, để không bị mất đi hay bị đồng hóa với văn hóa nước ngoài.

Người miền Nam giữ gìn văn hóa dân tộc nhưng luôn cởi mở, cầu tiến, học hỏi điều hay cái đẹp của văn hóa dân tộc khác.

Tự do để tiến bộ

Việt Nam Cộng Hòa lấy triết lý khai phóng làm giường cột thăng tiến, mọi người được tự do mở rộng tầm nhìn, tự do trau dồi năng khiếu, tự do ngôn luận, tự do quyết định cho chính mình, tự do tìm ra sự thật, ra điều hay, lẽ phải, tìm đến chân, thiện, mỹ.

Ngay từ nhỏ trẻ em miền Nam đã được giáo dục tự do, được khuyến khích mở rộng tầm nhìn tiếp nhận những tư tưởng và kiến thức tân tiến trên thế giới.

Nhờ vậy xã hội miền Nam đào tạo được những công dân tự do, sẵn sàng nhận trách nhiệm, tôn trọng luật pháp, biết xây dựng kinh tế, phát triển xã hội, đón nhận văn minh thế giới và tích cực đóng góp vào sự thăng tiến nhân loại.

Miền Nam đã xây dựng một hiến pháp và một thể chế dân chủ tam quyền phân lập rõ ràng.

Nền Cộng Hòa tại miền Nam có thể được xem là một nền dân chủ hiến định và pháp trị tiên tiến vào bậc nhất trong khu vực Á châu thời ấy.

Nền tảng triết lý Việt Nam Cộng Hòa

Tổng hợp 3 tinh thần nhân bản, khai phóng và dân tộc tạo thành triết lý xây dựng Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia vừa giành được độc lập, phải đối đầu với chiến tranh và chỉ trong vòng 20 năm đã xây dựng được nền tảng vững chắc.

Một quốc gia với kinh tế tự do, y tế đại chúng, người cày có ruộng, báo chí tự do, tôn giáo, văn học, văn nghệ, nghệ thuật phát triển tự do, và một nền dân chủ hiến định, pháp trị với tam quyền phân lập rõ ràng.

Đặc biệt, nền giáo dục dựa trên nhân bản, khai phóng và dân tộc, đã đào tạo được những thế hệ công dân tốt cho miền Nam, cho Việt Nam và cho nhân loại.

Văn hóa Việt Nam Cộng Hòa

Con người làm gốc, dân tộc làm nền, tự do để tiến bộ đã trở thành nền tảng văn hóa Việt Nam Cộng Hòa, được bảo tồn và được truyền đạt đến các thế hệ Việt Nam ngày nay.

Văn hóa thể hiện qua cách sống cách suy nghĩ. Người Việt Nam Cộng Hòa sống, suy nghĩ và hướng về tương lai hoàn toàn khác với người cộng sản.

Sau 20 năm chia cắt lấy thời điểm 30/4/1975 làm mốc, miền Bắc đã trở thành một bản sao của cộng sản Trung Hoa.

Xem lại phim ảnh cách ăn mặc, cách phục sức, cách sống, xem lại sách báo, lại văn thơ, lại âm nhạc, lại tranh ảnh miền Bắc bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều này.

Ở hải ngoại, 44 năm qua người Việt Nam Cộng Hòa vừa bảo vệ cộng đồng, bảo tồn văn hóa, vừa hỗ trợ quốc nội đấu tranh cho tự do và vẹn toàn lãnh thổ.

Ở những nơi đông người Việt sinh sống đều có nhưng trường dạy tiếng Việt, có sách giáo khoa soạn theo chương trình trước 1975, có tổ chức những buổi lễ ghi ơn các anh hùng dân tộc, tổ chức Tết, Tết Trung Thu cho trẻ em.

Mỗi gia đình đều cố gắng gìn giữ tiếng Việt cho con em, duy trì những sinh hoạt gia đình, vừa giảng giải cho con em truyền thống dân tộc, vừa nhắc nhở con em lý do phải bỏ nước ra đi.

Nhiều ban nhạc, ban kịch, ban cải lương, câu lạc bộ văn học nghệ thuật và cả điện ảnh cũng được hình thành ở khắp nơi.

Truyền thanh, truyền hình và báo chí là những phương tiện phục vụ cộng đồng có mặt ở mọi nơi.

Nhiều nơi còn xây dựng đền thờ Quốc Tổ, đền thờ và tượng đài các anh hùng dân tộc, viện bảo tàng, chùa, nhà thờ, võ đường, trung tâm sinh hoạt cộng đồng.

Phục hồi Việt Nam

Ở trong nước, người Việt Nam Cộng Hòa vẫn âm thầm gìn giữ và truyền bá cho thế hệ tiếp nối nền văn hóa nhân bản, khai phóng và dân tộc, mong một ngày phục hồi đất nước.

Sức sống của văn hóa Việt Nam Cộng Hòa vô cùng mãnh liệt, bằng chứng là âm nhạc, văn học, nghệ thuật, cách sống tại Việt Nam ngày nay đang quay về với cội nguồn dân tộc.

Phong trào thoát Trung là nỗ lực đẩy lùi tì vết văn hóa Trung Hoa còn tồn đọng tại Việt Nam.

Nhiều người cộng sản miền Nam trong tiềm thức vẫn chưa quên một xã hội miền Nam đầy nhân bản, khai phóng và dân tộc.

Trước Quốc Hội cộng sản, 12/9/2018, bà chủ tịch Nguyễn thị kim Ngân phải thừa nhận kiến thức về sử ký và địa lý nước nhà, bà học từ thời Việt Nam Cộng Hòa nay vẫn nhớ không quên điều gì.

Bà Ngân biểu lộ lòng luyến tiếc vì giờ đây trẻ em học hành khổ sở, nhưng sử ký và địa lý nước nhà hầu hết đều không biết.

Triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc ngày nay được nhiều người miền Bắc biết đến, nhất là giới trẻ Việt Nam những người đang tìm kiếm một con đường thay cho con đường cộng sản bị nhân loại đào thải.

Tự do và dân chủ chỉ là điều kiện cần, mục đích và triết lý sống của dân tộc là điều kiện đủ để phục hồi Việt Nam.

Mục đích và triết lý sống giúp dân tộc đó biết đang ở đâu, đang làm gì, đang sống như thế nào, sẽ đi về đâu, đi cách nào và làm sao để đạt được mục tiêu tối thượng trong hoàn cảnh và khả năng có được.

Mục đích, triết lý và văn hóa xây dựng xã hội thời Việt Nam Cộng Hòa đã thích hợp và thành công ở miền Nam, cũng sẽ thích hợp với cả nước.

Nhân bản, khai phóng và dân tộc sẽ trở thành mục đích, triết lý và văn hóa chung cho toàn dân tộc làm nền tảng đưa đất nước đi lên theo kịp đà tiến bộ và văn minh nhân loại.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

23/10/2019

Chó khóc nấc, nức nở bên quan tài vị giáo sư đáng kính

Image may contain: one or more people
No photo description available.

Kimtrong Lam to Lương Văn Can 75.

Chó khóc nấc, nức nở bên quan tài vị giáo sư đáng kính

– Khi Buboy thấy vị giáo sư đáng kính nằm lặng im trong quan tài, chú chó trung thành đã khóc nấc lên, nức nở thành thành tiếng. Sau đó, chú chó đáng thương ghé sát vào quan tài thật lâu, nhìn chăm chú, không muốn rời đi.

Chó là người bạn động vật trung thành nhất của con người. Mới đây, câu chuyện cảm động về chú chó trung thành ở Philippines đã gây xôn xao dư luận, lấy đi nước mắt của nhiều người.

Theo thông tin đăng tải, giáo sư Carmelito Marcelo, 58 tuổi, giảng dạy tại đại học thành phố Mabalacat ở Pampanga, Philippines vốn rất thân với một chú chó đi lạc tên là Buboy.

Mỗi ngày, khi đi dạy học, giáo sư Carmelito Marcelo đều mang theo thức ăn cho Buboy. Ngược lại, chú chó Buboy cũng vô cùng quấn quýt giáo sư. Đợi đến khi giáo sư dạy xong, Buboy đã chờ sẵn ở cửa lớp để đón mừng.

Quan hệ giữa giáo sư Carmelito Marcelo và chú chó đi lạc Buboy có thể nói vô cùng thân mật, giáo sư cũng luôn nói với mọi người, ông coi Buboy như con nuôi của mình.

Không may, mới đây giáo sư Carmelito Marcelo trúng gió, qua đời đột ngột, khiến mọi người vô cùng tiếc thương.

Chú chó Buboy hoàn toàn không biết gì, mỗi ngày đều chờ ở cửa lớp học để ngóng chờ giáo sư, ánh mắt mong đợi rồi lại thất vọng của Buboy khiến nhiều giảng viên và sinh viên đau lòng, xót xa.

Cuối cùng, các sinh viên của giáo sư Carmelito Marcelo đã quyết định đưa Buboy đến đám tang của của ông để nói lời tạm biệt cuối cùng.

Khi Buboy thấy vị giáo sư đáng kính nằm lặng im trong quan tài, chú chó đã khóc nấc, nức nở thành tiếng. Sau đó, chú chó tình cảm ghé vào quan tài thật lâu, không muốn rời đi.

Sinh viên Mark Christian Arceo đã ghi lại được cảnh tượng này và đăng tải lên mạng kèm theo dòng trạng thái: “Chó là sinh vật duy nhất trên thế giới yêu bạn còn hơn chính bản thân nó”.

Hiện, nhiều nhân viên, sinh viên và giảng viên trong trường đang giúp nuôi nấng Buboy. Họ cũng đang lên kế hoạch giúp Buboy tìm được một ngôi nhà ấm áp.

Kiều Dụ (Theo CNT)

Tại sao người Trung Quốc không thể hòa nhập vào xã hội nước ngoài?

Tại sao người Trung Quốc không thể hòa nhập vào xã hội nước ngoài?

Trong thời đại phổ biến thông tin ngày nay, những hành vi tiêu cực của người Trung Quốc ở nước ngoài như: đi vệ sinh bừa bãi, ăn như sắp chết đói khi vào nhà hàng dù không hề đói khát… đã khiến phần còn lại của thế giới ngỡ ngàng. Chuyện xấu của người Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Có nhiều lý giải đã được nêu ra nhưng tựu trung lại người ta đều lý giải rằng đó là bởi sự khác biệt trong giá trị nhân sinh quan của người Trung Quốc với người dân hầu hết các quốc gia trên thế giới. 

Trong vụ đắm tàu Titanic, triệu phú Isidor Straus, người đồng sáng lập công ty Macy’s của Hoa Kỳ, vào thời điểm đó đã từ chối lên xuồng cứu sinh để cứu phụ nữ và trẻ em, vợ ông cũng nhường cơ hội cho một người khác để cùng chồng đối diện với cái chết. 

Mạng sống của triệu phú với mạng sống của những người nghèo là như nhau, cái làm nên sự khác biệt là sự cao cả của nhân cách. Hành động đó đã thể hiện quan niệm về sự bình đẳng trong cuộc sống được phản ánh qua sự lựa chọn của họ, đó là tấm lòng nhân ái, vị tha với người khác.

Sự khác biệt về quan niệm này, ngoài việc dẫn đến sự khác biệt trong lựa chọn hành vi cá nhân, cũng sẽ ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của toàn xã hội. Khi một quốc gia hoặc một xã hội không tương thích với thế giới bên ngoài, nó sẽ dần bị gạt ra ngoài lề, và cuối cùng bị bỏ lại phía sau rất xa.

Một số người cho rằng phương Đông và phương Tây là hai hệ thống văn hóa hoàn toàn khác nhau, nhưng những giá trị phổ quát, cơ bản nhất thì ở đâu cũng vậy, là đức nhân nghĩa, biết nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình. Tuy nhiên, sau Cách mạng Văn hóa, nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp đã bị phá hủy một cách trắng trợn ở Trung Quốc. Những giá trị đạo đức muôn đời vẫn cần để níu giữ nhân tính lại bị đánh đồng là thủ cựu, cần phải phá trừ. Thay vào đó sự thù hận giai cấp được đẩy lên cao, con người với nhau như kẻ thù, luôn đề phòng nhau và tranh đấu sinh tồn. 

Cách mạng Văn hóa theo thời gian có thể mai một dần trong ký ức cá nhân và cộng đồng, nhưng vết thương tâm lý do nó gây ra đối với người dân Trung Quốc Đại Lục là mãi mãi.

Hầu hết người trong xã hội Trung Quốc ngày nay đều tin tưởng thành công của một người được tính bằng tiền nhiều, địa vị xã hội cao, là một người vợ xinh đẹp, con cháu đề huề, sự xuất sắc trong học tập và những giá trị hình thức khác.

 Trong những bữa tiệc hoặc ở những nơi đông người, người ta thích khoe tiền nhiều, nhà đẹp, xe sang, và cả những cô vợ trẻ đẹp, nếu không có những điều kiện này thì sẽ bị xem là người thất bại.

Có vị tỷ phú Trần Quang Tiêu, tự nhận là “Trung Quốc thủ thiện” (người làm từ thiện đứng đầu Trung Quốc), so với nhiều người nước ngoài giàu có, tài sản của ông có lẽ chẳng là gì nhưng ông rất thích công khai sự giàu có đó trước bàn dân thiên hạ.

Ở các nước khác, ngay cả khi người ta có điều kiện kinh tế bình thường, nhưng miễn là họ có một công việc ổn định và một gia đình hạnh phúc, thì họ đều là những người thành công. Ngay cả khi bạn không có những điều đó, bạn có thể sống theo cách bạn thích và bạn vẫn có thể nhận được sự tôn trọng của người khác. Nhưng trong xã hội Trung Quốc ngày nay, nếu bạn chẳng có gì và bạn sống theo ý mình, thì bạn sẽ bị xã hội xa lánh và thường bị đem ra làm trò đùa.

Đối với người phương Tây, tiền không phải là duy nhất. Nhiều người giàu có thường không tích trữ tiền của cho con cái họ ngay cả khi họ có rất nhiều tiền. Họ chọn quyên góp và trả lại cho xã hội, họ sẽ không làm nô lệ cho tiền, nhưng sẽ vẫn kiếm sống từ xã hội để lo cho bản thân và gia đình, khi dư giả họ giúp đỡ những người thiệt thòi.

Không có gì lạ khi người Hoa ở nước ngoài cảm thấy rằng mỗi khi họ gặp khó khăn ở nước ngoài, người nước ngoài là những người đầu tiên giúp đỡ họ chứ không phải người Trung Quốc.

Hành vi của người Trung Quốc ngày nay quá dị biệt với thế giới, ví như việc vẽ bậy lên các di tích văn hóa (ảnh: Watson).

Khi một người chỉ biết đến bản thân mình, dùng mọi cách để lợi dụng người khác, làm lợi cho mình thì họ sẽ không có sự đồng cảm và cảm thông cho người khác. Trong xã hội Trung Quốc đã lan truyền câu nói:

“Trong những năm 50 mọi người giúp đỡ lẫn nhau,
Trong những năm 60 mọi người đấu tranh với nhau,
Trong những năm 70 mọi người lừa đảo lẫn nhau,
Trong những năm 80 mọi người chỉ lo cho chính mình,
Trong những năm 90 mọi người lợi dụng bất cứ ai mà họ gặp”.

Có lẽ xã hội Trung Quốc trượt trên con dốc đạo đức cho đến mức này, một phần là bởi cái lý thuyết tăng trưởng kinh tế lấn át hết thẩy, nhà nhà làm kinh tế, người người làm kinh tế. Ngày nay, sự theo đuổi của cải của xã hội Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại, việc hưởng thụ vật chất bên ngoài nhiều hơn so với những giá trị tình cảm giữa con người với con người.

Trong một xã hội mà bạn có thể cảm thấy thiện chí, mọi người sẽ đối xử tốt với nhau một cách thiện chí và nó tạo thành một vòng tròn đạo đức tốt đẹp, thì xã hội đó cũng ngày càng tốt đẹp hơn.

Ngược lại, khi mọi người trong xã hội đấu tranh và cạnh tranh với nhau, khi bạn cảnh giác với người khác, ngay cả khi bạn có nhiều tiền, trái tim bạn vẫn thiếu sự an toàn và chứa đầy sợ hãi và tuyệt vọng.

Khi chúng ta có thể biến đổi các giá trị của mình và đối xử với mọi người xung quanh bằng thái độ cởi mở, hào phóng, tốt bụng và nhân hậu hơn, xã hội có thể phát triển theo hướng lành mạnh. Nếu không, chỉ với một xã hội đột biến như ngày nay, con người sống trong đó sẽ tiếp tục chìm xuống, hủy hoại bản thân, cũng như hủy hoại các thế hệ tương lai.

Ngọc Linh
Theo Secretchina

From: Xuan Nguyen & Nga Thu Tran

Dấu ấn VNCH tại hải ngoại ảnh hưởng ngược về Việt Nam

Dấu ấn VNCH tại hải ngoại ảnh hưởng ngược về Việt Nam

Nguyễn Hòa/Người Việt

Nhiều chương trình âm nhạc mang dấu ấn văn nghệ của thời VNCH vẫn tiếp tục được duy trì tại Little Saigon, Nam California. Trong hình là ca sĩ Mộng Thủy trong đêm nhạc Nguyễn Đình Toàn, Tháng Tư 2019. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

EUGENE, Oregon (NV) – Di sản của hơn hai mươi năm thể chế Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) là một dấu ấn rất sâu đậm trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

Trong cuộc hội thảo về VNCH tại Đại Học Oregon trong hai ngày 14 và 15 Tháng Mười, 2019, đã có nhiều bài phân tích về khía cạnh văn hóa, âm nhạc,… của dấu ấn này.

Ông Jason Gibbs, diễn giả đến từ thư viện thành phố San Francisco, California, mang đến cho hội thảo những bất ngờ lý thú với bộ sưu tập hình ảnh các hãng đĩa ở miền Nam Việt Nam trong hai mươi năm 1955-1975.

Ông Gibbs cũng nhận thấy rằng âm nhạc sáng tác trong thời kỳ VNCH tiếp tục có ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, cho dù thời gian đã là hơn 40 năm.

Hơn thế nữa, ông Vinh Phạm, đến từ Đại Học Cornell, nhận thấy rằng thể loại “nhạc vàng” rất thịnh hành ở miền Nam Việt Nam trong thời gian trước 1975 được tiếp tục sáng tác tại hải ngoại, nhưng không chỉ là hồi ức về một thời, một vùng quê hương đã mất mà là những yếu tố mới mang tính cách xây dựng một quốc gia từ hải ngoại.

Quan sát những hoạt động âm nhạc tại Việt Nam hiện nay, ông Vinh Phạm thấy các sô diễn của âm nhạc hải ngoại, với rất nhiều sáng tác nhạc vàng trước và sau năm 1975, lại được đón nhận mạnh mẽ, cho dù có những cố gắng hạn chế nó từ nhà cầm quyền.

Từ một sự mong muốn ban đầu là kết nối, cảm nhận một quê hương mà mình không thể trở về lại được, âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại lại tạo ra được một tác dụng khác, đó là ảnh hưởng trực tiếp lên nước Việt Nam hiện nay.

Một quán bar mang tên “Sài Gòn Nhỏ” trên đường Đồng Khởi, Sài Gòn hiện nay. (Hình: Nguyễn Hòa/Người Việt)

Lĩnh vực văn chương của người Việt tại hải ngoại cũng được các diễn giả trẻ phân tích tại hội thảo.

Bà Phạm Vũ Lan Anh, diễn giả đến từ Việt Nam, giới thiệu hai tác giả nữ là Hoa Phạm, và Chi Vũ, hiện sống tại Úc.

Bà Lan Anh nói tại buổi hội thảo rằng bà rất ngạc nhiên vì các tác giả có một sự gần gũi rất mạnh mẽ với Việt Nam, mặc dù họ lớn lên ở Úc và thậm chí không rành tiếng Việt.

Các tác giả này, theo bà Lan Anh, có cùng một hồi ức về tin thần và tôn giáo chung với cộng đồng (người Việt) di cư sau chiến tranh, và họ đã sử dụng hồi ức ấy như là một công cụ thể hiện “căn cước” gốc của họ, cũng như để chữa lành những vết thương, và nỗi buồn.

Tương tự, diễn giả Hao Jun Tam, đến từ Đại Học Pennsylvania, giới thiệu hai tác giả là Lý Thu Hồ ở Pháp, và Lan Cao ở Mỹ. Tác phẩm của họ tập trung rất mạnh vào việc khẳng định “căn cước” miền Nam Việt Nam của cộng đồng người Việt hải ngoại, cũng như tinh thần ái quốc, và mong muốn gìn giữ “căn cước” và tinh thần ấy tại hải ngoại, sau cuộc chiến Việt Nam.

Đặc biệt trong chủ đề sáng tác văn chương này, cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm Tình Viên) đoạt giải Pulitzer của nhà văn Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt được thảo luận khá sôi nổi với những quan điểm trái nhau.

Một số cho rằng tác phẩm Sympathizer có cái nhìn phiến diện về VNCH (Peter Zinoman, Đại Học Berkerley), hay là có nhiều khuyết điểm về chứng liệu lịch sử.

Nhưng diễn giả Hao Jun Tam lại không hoàn toàn đồng ý và cho rằng những điều đó có thể được hiểu như vậy vì thủ thuật của tác giả Nguyễn Thanh Việt, viết với hình thức một lời khai của nhân vật chính, một điệp viên cộng sản gài vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa và cộng đồng tị nạn Việt Nam tại Mỹ.

Theo Ho Jun Tam, nếu nói tác phẩm The Sympathizer có cái nhìn không thân thiện với chế độ VNCH thì hẳn nó phải được đón nhận nồng hậu bởi nhà cầm quyền Cộng Sản tại Việt Nam hiện nay, nhưng điều đó không xảy ra, và The Sympathizer vẫn không được dịch ra tiếng Việt để lưu hành ở Việt Nam. (Nguyễn Hòa)

(*) Loạt bài của phóng viên Nguyễn Hòa ghi nhận về cuộc hội thảo này sẽ tiếp tục trong các số báo sắp tới.

Đừng đọc …đọc có thể uất nghẹn mà chết !

Image may contain: 8 people, people smiling, text
Phan Công Hải

Đừng đọc …đọc có thể uất nghẹn mà chết !!

Cán bộ cao cấp thì ở biệt phủ, từ nhà đến cơ quan đều ngồi máy lạnh, sống thì giành đất, cạp đất mà giàu, vô bệnh viện thì có khu cao cấp đặc trị, chết thì cũng giành vài mẫu đất để chôn cất.

Mở miệng ra thì vì dân, vì nước hi sinh để bảo vệ tổ quốc.Theo Tôi Hy sinh, phải nói đúng là người dân bị bắt buộc hy sinh mới đúng, nhát thấy mẹ, cứ mỗi lần đụng độ với đối phương là cứ lùa dân ra trước giữa 2 làn đạn để dân đỡ đạn cho mình, lỡ chẳng may đạn né dân trúng mình, bây giờ gọi là hy sinh !!

Giai cấp giàu nghèo,quan dân thật rõ nét đó là chế độ XHCN CS chỉ phục vụ và làm giàu cho nhóm lợi ích quyền lực.

CHÚA CHỔM LƯỜI NHÁC KHOE TÀI LÀM KINH TẾ

CHÚA CHỔM LƯỜI NHÁC KHOE TÀI LÀM KINH TẾ

-Đỗ Ngà

Năm 2015 tôi vay ngân hàng A 1 tỷ kỳ hạn 1 năm. Đến năm 2016 số tiền nợ bây giờ là 1,1 tỷ, nhưng tôi không có xu nào trong túi, tôi buộc phải vay ngân hàng B 1,5 tỷ để trả cho ngân hàng A 1,1 tỷ và còn lại tôi dùng để chi tiêu. Đến năm 2017 số nợ ở ngân hàng B là 1,65 tỷ, và trong túi không có 1 xu nên tôi vay ngân hàng C 2 tỷ để trả cho ngân hàng B 1,65 tỷ còn lại tôi chi tiêu cho bản thân. Cứ như thế, hàng năm tôi vay ngân hàng này trả cho ngân hàng kia và ngắt thêm một ít trong đó để chi tiêu. Và cuối cùng đến năm 2019 tôi đã nợ ngân hàng 2,75 tỷ. Nếu tôi cứ làm như vậy thì nợ mỗi ngày một phình to chứ không thể nào giảm nợ được, điều đơn giản này chắc chắn ai cũng hiểu.

Vậy qua đây chúng ta thấy gì? Vay nhiều hơn nợ phải trả để chi tiêu và trả nợ thì sẽ làm cho nợ ngày một phình to chứ không có chuyện giảm nợ được. Ấy vậy mà CS họ khoe khoang rằng, họ đã làm được. Chả nhẽ họ có phép mầu hô biến là có tiền trả nợ chăng? Để hiểu về họ, tôi xin hệ thống số liệu từ các bài báo nhà nước để chúng ta thuận tiện trong vấn đề đánh giá.

Ngày 02/06/2017 trên báo Vietnamfinance “Nếu nợ công là 431 tỷ USD, ai trả nợ cho DNNN thua lỗ?”. Trong bài này cho biết nợ công tính luôn cả khối doanh nghiệp nhà nước được chính phủ bảo lãnh vào thời điểm năm 2015 là 431 tỷ USD tương đương với 210% GDP, trong đó chính phủ nợ nước ngoài là 59,5% GDP, còn lại là phần nợ của khối doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng thật lạ, chính phủ Việt Nam không thừa nhận phần nợ của khối doanh nghiệp nhà nước do họ bảo lãnh vay, mà họ chỉ thừa nhận con số 59,5% GDP của chính họ vay.

Ngày 07/06/2016 trên báo Vnexpress có bài “Chính phủ trả nợ hơn 12 tỷ USD năm 2016”. Trong bài này cho biết, năm 2016 chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vay 20 tỷ đô nhưng trả nợ chỉ có 12 tỷ USD còn lại 8 tỷ USD là chính phủ dùng để chi tiêu. Họ lại vay nhiều hơn nợ để vừa trả nợ vừa chi tiêu, cách vay như thế này làm nợ công tăng rất nhanh, và qua đây cũng cho thấy nền kinh tế đất nước làm ra không đủ trả nợ.

Ngày 03/05/2017 trên báo Vnexpress có bài “Chính phủ vay hơn 15 tỷ USD trả nợ năm 2017”. Trong bài này cho biết, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vay 15 tỷ USD để trả nợ và không dùng bất kỳ khoản nào trong số tiền vay này để chi tiêu. Nếu xét về số tiền vay thì giảm đi 5 tỷ USD nhưng số nợ đáo hạn năm 2017 đã cao hơn năm 2016 là 3 tỷ USD. Đây là năm hiếm hoi chính phủ ông Phúc vay đủ để trả nợ.

Ngày 23/04/2018 trên báo Vnexpress có bài “Chính phủ sẽ chi 11 tỷ USD trả nợ năm 2018”. Trong bài này cho biết, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vay đến 16,8 tỷ USD nhưng trong đó họ dùng chỉ 11 tỷ USD để trả nợ và còn lại 5,8 tỷ USD dùng để chi tiêu. Như vậy số nợ đáo hạn năm 2018 ít hơn năm 2017 là 4 tỷ USD thì ngay lập lập tức chính phủ vay thêm để chi tiêu.

Và cuối cùng là hôm ngày 21/10/2019 trên báo Vietnamnet có bài báo “Vay nợ thêm gần 500 ngàn tỷ để bù đắp thiếu tiền chi tiêu”. Số tiền này tương đương với 21,5 tỷ USD. Trong đó, phần trả nợ gốc (chưa tính lãi) là 217 ngàn tỷ đồng tương đương 9,4 tỷ USD. Đây là cách đưa tin khá gian trá, vì sao? Vì khi nói đến trả nợ, người ta luôn tính tiền gốc+ lãi đến thời điểm thanh toán chứ không ai chỉ tính số tiền nợ gốc cả. Cách tính này là cách tính có chỉ đạo của tuyên giáo nhằm làm giảm số nợ thực tế để phục vụ công tuyên truyền mà thôi.

Thói quen đi vay nhiều hơn khoản nợ đáo hạn nhằm mục đích vừa trả nợ vừa dùng để chi tiêu thì hệ quả của nó là sẽ làm tốc độ tăng nợ công rất nhanh. Theo thống kê trên một bài báo có tựa “Tốc độ tăng nợ công gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP” được đăng trên tờ Zing ngày 01/11/2016 cho biết thực tế như vậy. Với đà tỷ số tăng trưởng nợ công cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP thì làm sao có chuyện tỷ số nợ công so với GDP giảm được? Ấy vậy mà trong bài báo “Vay nợ thêm gần 500 ngàn tỷ để bù đắp thiếu tiền chi tiêu” người ta cho biết tỷ số nợ công so với GDP giảm hằng năm. Cụ thể là năm 2016 nợ công 52,6% GDP, năm 2018 là 50% GDP và dự kiến năm 2019 là 49,2% GDP.

Ở đây chúng ta thấy rằng, qua các năm chính phủ CSVN đi vay trả nợ, mà chỉ cần vay để trả nợ thì nợ đã tăng rồi, đàng này chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và vay nhiều hơn nợ để vừa trả nợ vừa chi tiêu. Thế thì ĐCSVN dựa vào phép toán nào để giảm tỷ trọng nợ công so với GDP đây? Từ đây chúng ta thấy đây là những con số gian.

Thực ra đây là cách tính gian trá của CS để mị dân rằng, đảng đã từ từ từng bước trả nợ. Đó là lý do tại sao ban tuyên giáo đã chỉ đạo báo chí nặn ra con số để lừa dân. Ngay ban đầu, chính phủ loại bỏ phần nợ doanh nghiệp nhà nước ra khỏi mục tính toán nợ công quốc gia là đã là một sự gian trá lớn rồi. Dù nợ của khối doanh nghiệp nhà nước, nhưng những doanh nghiệp này mất khả năng trả nợ thì các chủ nợ nắm đầu ai? Họ chỉ biết nắm đầu chính phủ. Mà khi chính phủ trả nợ thay doanh nghiệp nhà nước thì khoản nợ đó được đổ hết lên đầu dân bằng thuế phí. Mà trong hàng loạt doanh nghiệp nhà nước được mấy ông làm ăn có lãi? Chỉ thấy toàn là lỗ.

Nếu như con số tăng trưởng đúng như bài báo nói là 7% thì tăng trưởng nợ công năm nay là 21% chứ? Nếu vậy thì mừng thế nào nhỉ? Anh kiếm lời chỉ có 7 đồng mà lãi phát sinh là 21 đồng thì anh phát triển cách nào đây? Đấy là giả sử nợ công bằng GDP, còn với nợ công bằng 210%GDP thì khác, khi đó, nếu anh làm 7 đồng lời anh thì phải trả 44,1 đồng nợ. Thực chất sẽ không có sự phát triển nào cả mà sự triển của Việt Nam chỉ là một trò gian trá. CS chỉ lấy số đẹp khoe còn số đang làm đất nước tan hoang họ không lấy. Làm 1 phá 10 nhưng họ kể 1 và giấu con số 10 kia, thế là CHXHCN tốt đẹp thôi, tốt đẹp theo cách của họ.

CS mà! Họ phát triển đất nước nhờ chế tác số liệu chứ thực chất có phát triển hay không người dân tự cảm nhận. Không có chuyện đất nước càng phát triển mà đời sống kinh tế nhân dân càng ngột ngạt được. “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói”, quả thật là câu nói chưa bao giờ sai. Thực ra ĐCS chỉ là anh chúa chổm lười nhác khoe tài làm làm kinh tế giỏi mà thôi, không hơn không kém.

-Đỗ Ngà-

Những số liệu chứng minh, xin xem ở các bài báo sau:

https://vietnamfinance.vn/neu-no-cong-la-431-ty-usd-ai-tra-…

https://vnexpress.net/…/chinh-phu-tra-no-hon-12-ty-usd-nam-…
https://vnexpress.net/…/chinh-phu-vay-hon-15-ty-usd-tra-no-…

https://vnexpress.net/…/chinh-phu-se-chi-11-ty-usd-tra-no-n…
https://vietnamnet.vn/…/no-cong-vay-them-gan-500-nghin-ty-d…

https://news.zing.vn/toc-do-tang-no-cong-gap-3-lan-tang-tru…

No photo description available.

Vợ chồng già

Vợ chồng già.

_ Nè ông ăn đi. Có món soup khoai tây và gà rim mà ông thích đó. Làm từ sáng bảnh mắt tới giờ mới xong , tay chân rã rời luôn. Già rồi làm gì cũng chậm chạp hết. Gân cốt cũng rệu rạo. Ông nhai cho kỹ, đừng nuốt vội rồi mắc nghẹn . Cái tật kỳ cục. Ăn gì mà vội vội vàng vàng như sợ ai dành mất phần.

Có tiếng chó sủa . Bà ngưng càm ràm, bước lập cập ra cửa , hấp hái mắt, rồi lại lập cập quay vô.

_ Chó bên nhà hàng xóm sủa bậy. Làm mình cứ tưởng tụi nhỏ. Ông ăn thêm chút nữa đi. Rồi lát nữa tụi nó thế nào cũng mua về cho ông chai vang . Thứ đó mà kèm với món gà rim này thì ngon phải biết.

Có tiếng động ngoài sân. Bà vội đứng dậy, bước ra, nhìn quanh. Chiếc xe hơi giãm tốc trước sân làm bà mừng suýt kêu lên . Nhưng không phải, nó ngừng lại ở sân nhà bên cạnh. Bà thở dài bước trở vào nhà.

_ Từ sáng tới giờ cả chục lần rồi , mà không thấy đứa nào hết. Thôi chắc là hôm nay tụi nó không về kịp rồi ông ơi . Nhưng mai chắc chắn tụi nhỏ sẽ về . Tết mà, tụi nó biết cha mẹ trông mà. Thôi ông đừng buồn nhen. Đi ngủ đi, rồi mai tụi nó về. Để tui đóng cửa, rồi còn dọn dẹp.

Bà lụm cụm đứng lên, ngước nhìn tấm ảnh của ông trên bàn thờ .Từ ngày ông chết đến nay đã hai năm và bà vẫn lui cui trong nhà , vẫn nói với ông đủ chuyện như ngày ông còn sống. Của đáng tội, nhà chỉ có hai vợ chồng già.

From: Tu-Phung

Một câu chuyện rất hay

Một câu chuyện rất hay

Một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, nộp đơn dự tuyển vào vị trí quản lý tại một tập đoàn lớn. Anh đã vượt qua vòng phỏng vần đầu tiên. Đến vòng cuối, đích thân giám đốc sẽ đặt các câu hỏi và đưa ra quyết định cuối cùng. Ông giám đốc rất ấn tượng với CV của chàng trai bởi trong suốt các năm học, anh luôn đạt thành tích xuất sắc.

– Anh có bao giờ nhận được học bổng từ trường không – vị giám đốc hỏi.
– Thưa, không bao giờ – chàng trai trả lời.
– Vậy là cha mẹ anh đã trả toàn bộ học phí cho anh? – ông hỏi tiếp.
– Cha tôi đã mất từ hồi tôi được một tuổi, toàn bộ số tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác – chàng trai trẻ trả lời.
– Vậy mẹ anh làm việc cho công ty nào?
– mẹ tôi làm công việc giặt quần áo – chàng trai trẻ đáp.

Người giám đốc im lặng một lúc. Sau đó, ông đề nghị chàng trai trẻ đưa hai bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay chàng trai khá đẹp và mềm mại.
– Trước đây, có bao giờ anh giúp đỡ mẹ anh trong việc giặt quần áo chưa? – ông hỏi.
– Thưa ngài, xin thú thực là tôi chưa bao giờ – chàng trai trả lời,
– mẹ tôi lúc nào cũng chỉ muốn tôi học và đọc thật nhiều sách. Hơn nữa, mẹ nói có thể giặt quần áo nhanh hơn tôi. Tôi động vào chỉ khiến công việc của bà chậm lại.
Vị giám đốc nghe xong liền nói: “Tôi có một yêu cầu. Hôm nay lúc về nhà, anh hãy rửa hai bàn tay cho mẹ mình. Rồi đến gặp tôi vào sáng ngày hôm sau”.

Qua ánh mắt và giọng nói của người giám đốc, chàng trai trẻ cảm giác rằng cơ hội trúng tuyển của mình chắc rất cao. Anh vui vẻ về nhà gặp mẹ và nói với mẹ hãy để anh ra rửa hai bàn tay của bà ngày hôm nay. Người mẹ nghe vậy cảm thấy rất lạ, trong lòng dấy lên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Bà đưa hai bàn tay mình ra cho con trai rửa.

Khi nhìn thấy bàn tay của mẹ từng giọt nước mắt của chàng trai trẻ rơi xuống. Lần đầu tiên anh nhận ra rằng đôi bàn tay của mẹ thật nhăn nheo, hơn nữa chúng còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn từng rất đau đớn vì chàng trai cảm nhận được mẹ khẽ rùng mình mỗi khi anh rửa chúng trong nước. Đây cũng là lần đầu tiên chàng trai trẻ nhận ra chính đôi bàn tay này hàng ngày làm công việc giặt quần áo để có thể trang trải đủ tiền học phí trong suốt thời gian anh đến trường. Những vết sẹo trên đôi bàn tay mẹ cũng là cái giá cho kết quả đậu tốt nghiệp, cho những bảng điểm xuất sắc và cho cả tương lai của anh.

Sau khi rửa sạch đôi bàn tay của mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt luôn chỗ quần áo còn lại trong ngày. Tối hôm đó, mẹ và anh đã nói chuyện với nhau rất lâu.

Sáng ngày hôm sau, chàng trai trẻ quay lại nơi phỏng vấn. Vị giám đốc nhận thấy một đêm dài không ngủ trên đôi mắt của anh. Ông hỏi: “Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và học được ở nhà mình ngày hôm qua?”. Chàng trai trả lời: “Tôi đã rửa đôi bàn tay của mẹ và tôi cũng đã giặt nốt chỗ quần áo còn lại”. Giám đốc hỏi tiếp: “Vậy hãy cho tôi biết cảm giác của anh như thế nào?”

Chàng trai trẻ bèn trả lời trong nước mắt: “Thứ nhất, tôi thấu hiểu thêm những gì tôi đã có được ngày hôm nay đều là nhờmẹ. Thứ hai, nhờ việc giúp đỡ mẹ, tôi hiểu được để kiếm tiền được đồng tiền mọi người đã vất vả như thế nào. Thứ ba, tôi đã nhận thức được sự quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình”.

Vị giám đốc nói: “Đó chính xác là những gì tôi cần tìm ở một nhà quản lý. Tôi muốn tìm những ứng viên có thể nhận thức được sự giúp đỡ từ những người khác, người có thể hiểu được sự khó nhọc của người khác khi hoàn thành một công việc nào đó, và là người không đặt tiền bạc là mục đích sống duy nhất của mình. Và còn nữa, xin chúc mừng anh. Anh đã được tuyển”.
(St.)

MÙI HƯƠNG CỦA ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

MÙI HƯƠNG CỦA ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Mùi hương của đức khiêm nhường Theo Isaac người Syria, giám mục và là nhà thần học nổi tiếng ở thế kỷ thứ 7, một người thực sự khiêm nhường là người tỏa ra một hương thơm nhất định nào đó mà người khác sẽ cảm nhận được và ngay cả động vật cũng cảm nhận đến mức mà các động vật hoang dã kể cả rắn cũng bị thu hút và không bao giờ dám làm hại người này.

Và đây là lập luận của ngài, ngài tin rằng một người khiêm nhường tìm thấy được mùi hương của thiên đàng, khi đứng trước một người như vậy, chúng ta không cảm thấy mình bị phán xét, không có gì để sợ, và điều này đúng với cả động vật.  Họ cảm thấy an toàn bên cạnh người khiêm nhường và bị người đó thu hút.  Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những người như Thánh Phanxicô Assisi có thể nói chuyện với chim muông và kết bạn với chó sói.

Dù đẹp như thế nào, có phải đây là câu chuyện cổ tích ngoan đạo hay đây là một ẩn dụ phong phú và nguyên mẫu?  Tôi thích nghĩ đây là ẩn dụ phong phú và có thể có một cái gì còn hơn nữa.  Quả vậy, đức khiêm nhường có một mùi hương, mùi của đất mùn, đất thó, mùi của thiên đàng.

Nhưng như thế nào?  Bằng cách nào mà một đức tính thiêng liêng lại tỏa ra một mùi hương vật lý? 

Chúng ta có tâm thế, là những tạo vật vừa có thể xác vừa có tâm linh.  Vì thế trong chúng ta, thể chất và tâm linh là một phần của một và cùng một thực thể mà nó không thể nào tách cái này ra khỏi cái kia.  Cơ thể và tâm hồn chúng ta cũng giống như đường có màu trắng và có vị ngọt, độ trắng và độ ngọt không thể nào tách riêng ra được.  Cả hai có bên trong đường.  Chúng ta là một thực thể, không thể tách rời, là thể xác và tâm hồn, như thế luôn vừa là thể lý vừa là tâm linh.  Vì vậy, trên thực tế, chúng ta cảm nhận những chuyện về thể chất một cách thiêng liêng, cũng như ngửi những chuyện thiêng liêng qua các giác quan thể lý của mình.  Nếu điều này đúng, thì quả thật khiêm nhường tỏa ra mùi hương có thể cảm nhận được về mặt thể xác và khái niệm của Isaac người Syria không chỉ là một ẩn dụ.

Nhưng nó cũng là một ẩn dụ: chữ khiêm nhường có nguồn gốc từ tiếng la-tinh là mùn (humus) có nghĩa là đất: nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa này thì người khiêm nhường mà chúng ta biết là người sát đất nhất, và người có nền tảng nhất.  Người khiêm nhường có bàn chân đạp đất, là tiếp xúc với đất, mang mùi đất.  Hơn nữa, khiêm nhường là lấy chỗ hợp pháp như một mảnh nhỏ của đất, chứ không phải như một con người hay một cái gì đó tách khỏi đất.

Nhà thần nghiệm và khoa học gia nổi tiếng Pierre Teilhard de Chardin đôi khi đã diễn tả điều này trong lời cầu nguyện của ngài.  Trong nhiều năm, với tư cách là nhà cổ sinh vật học, ngài làm việc một thời gian dài trong các sa mạc hẻo lánh ở Trung quốc, có khi ngài soạn các lời cầu nguyện cho Chúa dưới hình thức mà ngài gọi đó là Thánh lễ cho thế giới.  Nói chuyện với Chúa trong tư cách linh mục, ngài kết hiệp tiếng nói của mình với chính tiếng nói của đất, nơi sự sáng tạo vật lý chính là đất, nền của đất, để có thể mở ra và nói chuyện với Chúa.  Là linh mục, ngài không nói cho đất; ngài nói như là đất, cho đất một tiếng nói, với những chữ có tác động:

Lạy Chúa, con đứng trước mặt Chúa như một sinh linh bé nhỏ của đất, để cho đất có tiếng nói: xin Chúa nhìn đến sự mở lòng ra của con, sự mở lòng ra của thế giới, sự bất trung của con, sự bất trung của thế giới; trong sự chân thành của con, sự chân thành của thế giới, trong đạo đức giả của con, trong đạo đức giả của thế giới; trong sự quảng đại của con, sự quảng đại của thế giới, trong sự quan tâm của con, sự quan tâm của thế giới, trong sự xao lãng của con, sự xao lãng của thế giới; trong ước muốn ca ngợi Chúa của con, trong ước muốn ca ngợi Chúa của thế giới, trong lợi ích riêng của con, trong sự quên lãng Chúa của thế giới.  Vì con là đất, là chút đất nhỏ, chút đất mở ra hoặc khép lại qua cơ thể của con, tâm hồn và tiếng nói của con.

Đây là khiêm nhường, một biểu hiện của khiêm nhường đích thực.  Khiêm nhường không bao giờ được nhầm lẫn với hình ảnh bản thân bị tổn thương như chúng ta thường thấy, với sự dè dặt quá mức, với sự rụt rè và sợ hãi hay với một nhận thức quá nhạy cảm về mình.  Thường thường khái niệm một người khiêm nhường là khái niệm về người nhận lỗi khi mình có lỗi, người không nhận lời khen (dù mình xứng đáng), người quá rụt rè để không thể thân tình tin tưởng thổ lộ, hay người quá sợ hãi hoặc tự ti ý thức, lo lắng sợ xấu hổ để không bao giờ mở lòng đi tới trước, và tặng cộng đoàn món quà của mình.  Những điều này có thể là những điều của người hiền lành và quên mình, nhưng do chúng ta chê chính mình khi phủ nhận tài năng của mình, đây là khiêm nhường giả tạo và xét cho cùng, chúng ta biết điều này, vì vậy điều này thường làm cho một người nào đó che giấu sự giận dữ của mình sẽ dễ trở thành người gây hấn thụ động.

Người khiêm nhường nhất mà các bạn biết là người vững chãi nhất, có nghĩa là người biết họ không phải là trọng tâm của trái đất nhưng cũng biết họ không phải là một mẫu vụn đất hạng hai.  Và người đó sẽ tỏa ra một mùi hương mang cả hương thơm của thiên đàng (món quà thần thánh) cũng như mùi hương của trái đất.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Suyniemhangngay1