Miền Tây: Tài nguyên suy kiệt, môi trường suy thoái

Miền Tây: Tài nguyên suy kiệt, môi trường suy thoái

Nguoi-viet.com

CẦN THƠ (NV) – Sinh hoạt và sinh kế của cư dân đồng bằng sông Cửu Long vốn đã khó khăn sẽ còn khó khăn hơn do sự suy kiệt về tài nguyên và sự suy thoái của môi trường.

Ðó là cảnh báo của nhiều chuyên gia và được các viên chức thừa nhận tại “Diễn đàn Bảo Tồn Thiên Nhiên và Văn Hóa vì sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 7,” với sự tham dự của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam, đại diện chính quyền 13 tỉnh ở miền Tây, giới nghiên cứu khoa học. Ðây là sinh hoạt thường niên, khởi đầu từ năm 2008 với sự hỗ trợ của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF).


Sạt lở bờ biển đang diễn ra trên diện rộng ở đồng bằng sông Cửu Long. (Hình: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn)

Các tài nguyên như: đất, nước, thủy sản,… ở đồng bằng sông Cửu Long không còn như trước. Sự đa dạng sinh học cũng đã biến mất. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, một chuyên viên của Cục Quản lý Tài nguyên nước, thuộc Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, cho biết, vài năm gần đây, nguồn nước của sông Mekong đổ về đồng bằng sông Cửu Long đã giảm đáng kể vì bị điều tiết mạnh mẽ ở phía thượng nguồn và tác động của biến đổi khí hậu.

Nguồn nước mặt giảm nên người ta chuyển qua khai thác nguồn nước ngầm và vì vậy, mỗi năm, mực nước trong tầng nước ngầm đã giảm từ 0.2 mét đến 0.4 mét. Có nơi, mực nước của tầng nước ngầm giảm tới gần 1 mét/năm. Kết quả là nước mặn xâm nhập càng ngày càng sâu. Xói lở ven sông, ven biển càng ngày càng lớn.

Do nguồn nước, do sự hình thành và tồn tại của các công trình chặn lũ, ngăn mặn, thủy điện và cả do lối đánh bắt theo kiểu tận diệt, thủy sản – nguồn lớn tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long vốn hết sức phong phú, dồi dào nay đã suy giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, một phó chủ tịch của tỉnh Long An, thú nhận những sai lầm trong quản lý đã góp phần làm suy kiệt tài nguyên của đồng bằng sông Cửu Long và khiến môi trường của khu vực này bị suy thoái. Hiện nay, mỗi năm, sản lượng lương thực của Long An khoảng 3 triệu tấn, gấp mười lần giai đọa 1970 (chỉ chừng 300,000 tấn). Tuy nhiên để đạt được kết quả đó, toàn bộ hệ sinh thái đa dạng của Ðồng Tháp Mười đã bị hủy diệt vì những kế hoạch khai phá, chuyển thành đất trồng lúa. Hệ sinh thái nước lợ ven biển coi như đã bị xóa sạch vì phong trào nuôi tôm.

Ông Bùi Cách Tuyến, một thứ trưởng của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, thừa nhận, hậu quả của việc thực hiện các quy hoạch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long “đã bộc lộ rõ.” Vì vậy, sắp tới, phải cân nhắc các vấn đề môi trường trong quá trình lập quy hoạch.

Viên thứ trưởng này kêu gọi đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, giá trị, phương thức quản lý, khai thác, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðồng thời phải lồng ghép việc bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái để ứng phó với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển có liên quan, xem đó là một trong những tiêu chí đánh giá các giải pháp phát triển bền vững. (G.Ð)

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay