Lại nói chuyện ‘đi và về’

Lại nói chuyện ‘đi và về’

May 11, 2014

Nguoi-viet.com
Tạp ghi Huy Phương

“…thứ nhất tôi không thích chính trị,
thứ hai là tôi không có dính tới chính trị.
Cuộc đời tôi chỉ có hát, hát và hát mà thôi!”
(Phát biểu của một danh ca tị nạn cộng sản tại hải ngoại)

Tháng Chín, 2012, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn CSVN ký giấy phép đồng ý cho ca sĩ Khánh Ly về Việt Nam hát, theo đó, Khánh Ly sẽ có mặt trong bốn chương trình do Công Ty Giải Trí Ðồng Dao tổ chức tại ba thành phố lớn: Hà Nội, Ðà Nẵng và Sài Gòn. Dư luận hải ngoại đã lên tiếng về chuyện về hay không về, thương và ghét, nhưng rồi như chơi “trò ú tim,” Khánh Ly không về, nhưng không hề nói lý do, trong đó có phải một phần phải chăng từ nguồn dư luận từ hải ngoại tỏ ra không đồng tình với chuyện về của cô.


Ca sĩ Khánh Ly. (Hình: Facebook)

Nhưng năm nay, Khánh Ly đã thực sự về đến Việt Nam và “hát cho đồng bào mình nghe” như cách nói của ca sĩ Lệ Thu trong một cuộc phỏng vấn của BBC hồi Tháng Giêng, 2013.

Bênh vực cho bạn “đồng nghiệp” Khánh Ly, Lệ Thu nói: “Tôi có thể hát được ở Úc, Pháp, Anh, Ðan Mạch thì tại sao tôi không hát được trên quê hương tôi?” Và Lệ Thu cũng tỏ thái độ rõ ràng hơn: “Từ khi bắt đầu hát cho tới giờ, thứ nhất là tôi không thích chính trị, thứ hai là tôi không có dính tới chính trị. Cuộc đời tôi chỉ có hát, hát và hát mà thôi!”

Tôi nghĩ, khác với Lệ Thu, Khánh Ly chưa bao giờ phát biểu theo lối này. Cô có thái độ chính trị rõ ràng, đã buồn vui theo vận nước nổi trôi, với những ngày “nội chiến,” với những đêm “chôn dầu vượt biển,” thiết tha với “Sài Gòn ơi vĩnh biệt!” với “Ai về xứ Việt,” và cô đã mặc chiếc áo dài vàng quốc kỳ Việt Nam trên sân khấu hải ngoại! Cô cũng là người đã từng nói: “Ði thì cùng đi, về thì cũng cùng về!” Hoặc như là: “Tôi chỉ về khi không còn chế độ cộng sản nữa mà thôi!”

Cũng như chúng ta biết trong một cuộc phỏng vấn của tuần báo Việt Weekly trước đây, ông Nguyễn Hoàng Ðoan, chồng của Khánh Ly, trả lời về nguồn tin “Khánh Ly được trả cát xê $2 triệu để mời cô về hát,” ông Ðoan đã khẳng định rằng: “Chị không thể nhận lời là vì, trong 30 năm nay, khán giả hải ngoại là người đã nuôi sống gia đình anh chị, để anh chị có cơ hội nuôi các con ăn học đâu ra đó. Anh chị không thể nào quay lưng lại, nhổ nước bọt vào những người quý mến mình, cưu mang mình…” và “… chị không thể phản bội lại những người hải ngoại, dù số lượng khán giả hải ngoại rất là nhỏ so với trong nước, nhưng họ chính là người đã từng nuôi nấng tiếng hát của chị trong 30 năm nay.”

Nhưng bây giờ Khánh Ly cũng có thể bắt đầu nói như Lệ Thu và còn tệ hơn thế nữa. Theo báo Giáo Dục Việt Nam ở trong nước, thì Khánh Ly đã có nhiều phát biểu hoàn toàn trái ngược và phản bội lại những gì cô đã nói, đấm ngực mình xưng tội “lỗi tại tôi mọi đàng.”

“Tôi rất hối hận, tôi muốn trong nước quên đi những lỗi lầm quá khứ của tôi. Tôi chỉ muốn về thăm quê hương như một người bình thường.”

Khi được hỏi chuyện Khánh Ly tham gia vào các chương trình ca nhạc kháng chiến thời Hoàng Cơ Minh, thì cô nói: “Tôi tham gia vì ham vui, vì có tiền, chứ chẳng bao giờ tin vào Hoàng Cơ Minh cả,” và: “Dưới sức ép của các phe nhóm phản động, tôi phải hát cho các chương trình của họ. Nếu không sẽ bị coi là không xác định lập trường.” (Báo Giáo Dục Việt Nam, ngày 7 Tháng Tám, 2012)

Và ai bắt Khánh Ly phải nói nặng lời, “vỗ mặt” với những người chưa muốn “về” như cô: “Tôi hy vọng là không phải ước mơ chỉ của riêng tôi mà là ước mơ chung của tất cả những người được gọi là người…”

Tội nghiệp cho Khánh Ly, đã năn nỉ, “hối hận, muốn trong nước quên đi những lỗi lầm quá khứ” nhưng rõ ràng là Khánh Ly không biết thân phận mình, may ra cũng chỉ hát được ở Hà Nội, còn Huế và Sài Gòn thì xin hẹn kiếp khác! Như vậy thì cũng chưa là “bằng chứng hùng hồn của chính sách đại đoàn kết dân tộc,” như lời nói phấn khởi của Phạm Duy đâu!

Ðộng lực nào đã làm cho Khánh Ly thay đổi, quay vòng 180 độ như vậy, nó cũng giống thái độ của Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ về nước, cũng tuyên bố quá lời, tỏ ra hối hận về những điều họ đã nói đã làm trong quá khứ, tệ hơn nữa, là hết lời lên án cộng đồng tị nạn đã nuôi sống họ một thời gian dài bằng cả tinh thần lẫn vật chất.

Nếu chúng ta đã từng suy nghĩ: “Phạm Duy là thế đó!” thì cũng đừng nên ngạc nhiên với con người Khánh Ly. Về phía chính quyền Việt Nam việc này, việc Khánh Ly về, đương nhiên là có lợi cho họ.

Vì tiền thì ai cũng cần, vì nhu cầu đứng trên sân khấu với một số lượng khán giả lớn lao thì người nghệ sĩ nào cũng mơ ước, có thể một lần rồi thôi, nhưng như thế cũng làm cho người nghệ sĩ thỏa mãn ít nhất là một lúc nào đó ở cuối đời khi nhan sắc và giọng hát đã đi vào những ngày cuối đời. Ngay cả những nhà văn, nhà thơ miền Nam đã một thời mặc áo lính cũng về nước giới thiệu sách, “giao lưu văn hóa” thì còn trách gì ai! Cũng không thể nói rằng: “Tôi đã ra mắt sách ở Sydney, đọc thơ ở Paris, vì sao tôi không thể làm chuyện ấy ở Hà Nội?”

Nhưng liệu Khánh Ly có cần phải nói những lời hối tiếc và than thở, vì sự thật ở hải ngoại này, ngoài sự hấp dẫn của đồng đô la màu lục, không có “sức ép của các phe nhóm phản động nào” bắt Khánh Ly phải lên sân khấu như lời tuyên bố của cô?

Khánh Ly cứ về, nhưng ai bắt Khánh Ly phải lên giọng kết án nơi chốn mà cô đã dung thân gần 40 năm qua. Không như Phạm Duy về luôn Việt Nam, cô còn có con đường trở lại nơi đây, mà chắc chắn không để nương mình nơi tu viện.

Trước Khánh Ly thì Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Khánh Hà, Thanh Tuyền, Ý Lan, Thái Châu, Sơn Tuyền, Ðức Huy, Giao Linh, Phương Dung, Chế Linh…(danh sách còn dài) đã về hát trong nước. Ca hát cũng là một cái nghề kiếm sống! Những Chế Linh, Sơn Tuyền thì không nói làm gì, ngay cả Lệ Thu, dư luận hải ngoại cũng không hề quan tâm, nhưng với Khánh Ly thì lại khác. Cô đã có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ qua một thời gian dài, từ trong nước ra đến hải ngoại. Phải chăng “thương nhau lắm thì cắn nhau đau,” chì chiết lắm cũng vì đã quá thương mến, đã là thần tượng thì phải giữ hình ảnh thần tượng trong lòng những người hâm mộ.

Chỉ có một điều tích cực là dù sao thì Khánh Ly và những ca sĩ “trở về xứ Việt” không phải để hát “Dưới bóng cây Kơ-Nia,” “Tiếng chày trên sóc Bam Bo,” hay “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” mà là những bài hát của một thời thịnh trị, hạnh phúc miền Nam, mà có thể ngày trước miền Bắc chỉ được nghe lén, và người miền Nam đã thương đã nhớ từ ngày Sài Gòn thất thủ. Ðó là những thứ mà khán giả trong nước đang chờ đợi, kể cả những viên chức chính quyền cộng sản như thứ trưởng Văn Hóa Vương Duy Miên. Nỗi khát khao đó được đánh giá trên những chiếc vé vào cửa nghe Khánh Ly hát, đắt hơn nghìn lần bữa cơm của những đứa trẻ mò cua bắt ốc trên cánh đồng Việt Nam!

Tôi chỉ tiếc trong lần về Việt Nam này, trong lần viếng mộ Trịnh Cộng Sơn, những việc như Khánh Ly rót rượu Cognac lên thân tượng, tạo dáng để phóng viên Ngoisao.vn chụp ảnh đưa lên Internet mang đầy kịch tích, không hề có một mảy may xúc động, tình cảm. Gia đình Trịnh Công Sơn cho biết, lần này có nghe chuyện khánh Ly về nhưng không được thăm viếng cũng như không hề liên lạc.

Ðúng là “búa rìu dư luận,” trong nước chê Khánh Ly là “Danh ca về nước vì… tiền” (Tiền Phong Online), “Ca sĩ Khánh Ly lại… nhúng chàm” (Việt Báo Online), “Sự tráo trở của Khánh Ly” (GDVN), hải ngoại thì lên án Khánh Ly là “phản bội.”

Có lẽ Khánh Ly suy nghĩ đã dám sống thật cho mình, bước qua dư luận, chỉ tiếc là trước sau không như một. Thà cách đây mươi năm cô đã nói thẳng như Lệ Thu nói hôm nay “thứ nhất tôi không thích chính trị, thứ hai là tôi không có dính tới chính trị. Cuộc đời tôi chỉ có hát, hát và hát mà thôi!”

Ngày xưa Ðỗ Mục than thở:

“Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Ðình Hoa!”

Bên kia sông thì quá gần để tiếng hát còn vẳng lại, xa nửa vòng bên kia trái đất thì ai còn nghe. Thôi thì cứ “Hát nữa đi em!”

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay