Không thấy mới gọi là tin
Ðức tin là gì? Nói một cách cho dễ hiểu thì đức tin nghĩa là tôi tin vào điều mà khoa học và những giác quan không kiểm chứng hoặc không hoàn toàn kiểm chứng được. Ví dụ như tôi tin có Chúa là vì tôi cảm nghiệm có một bàn tay vô hình nào đó luôn che chở phù trì tôi trong cuộc đời, dù rằng tôi không thể chứng minh cho mọi người thấy được điều đó. Tôi tin tôi có linh hồn bất tử bởi vì mỗi khi làm một điều gì xấu, tôi cảm thấy lương tâm áy náy và bất an, trong khi một điều tốt thường đem lai cho tôi một tâm hồn binh an thanh thản. Tôi nghĩ, nếu tôi phải nhìn thấy Chúa, nghe tiếng Chúa nói, đụng chạm đến Ngài y như các môn đệ ngày xưa rồi tôi mới tin, thì đó chưa hẳn là đức tin đúng theo nghĩa của nó. Nếu chính mắt tôi nhìn thấy Chúa hiện ra, tôi nghe lời Chúa nhắn nhủ, và tôi đụng chạm tà áo Ngài thì tôi không còn là tin nữa mà là tôi đã gặp Ngài và biết Ngài.
Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Hai Sau Phuc Sinh, Ông Tôma đòi gặp Chúa Giêsu, nhìn thấy những lỗ đinh, và thọc ngón tay vào cạnh sườn Ngài rồi thì mới tin. Chỉ có vậy mà muôn đời ông bị gán cho một biệt danh là “kẻ cứng tin.” Kể ra thì cũng hơi oan cho ông, vì nếu tôi được đặt vào hoàn cảnh của ông, chưa chắc tôi đã tin mà có khi còn cho các môn đệ là những kẻ dễ bị lừa. Một điều rất quan trọng nơi đức tin của Tôma là lần thứ hai Chúa hiện ra với ông sau tám ngày. Trong lần này,
không những ông tin vào Ðức Kitô, mà ông còn tuyên xưng một niềm tin tuyệt hảo, có giá trị cứu độ, “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” (Gioan 20:28). Trong bốn Phúc Âm, chỉ có vài người đạt được niềm tin cỡ như Tôma hôm nay: Ðó là lời ông Phêrô tuyên tín “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sông” (Mt, 16:16) và lời thốt lên của viên sĩ quan nhìn lên Chúa chết trên thập giá, “quả thật! người này đúng là Con Thiên Chúa” (Mc, 15:39). So sánh ba lời tuyên tín trên, ta thấy lời của Toma đạt được đỉnh cao vào bậc nhất, “Lạy Chúa tôi! Lay Thiên Chúa của tôi” (Gioan 20:28). Nếu Tôma không “nghi ngờ” một chút nào cả thì chưa chắc ông đạt đến một đức tin như thế. Có thể sau khi ông nghe những lời tường trình về việc Chúa hiện ra và đàm đạo với các môn đệ, ông suy đi nghĩ lại con người Giêsu mà ông theo đuổi bấy lâu nay. Cũng có thể ông bị dằn vặt với đức tin của ông vào Ðức Kitô Phục Sinh. Nhưng chính trong sự suy nghĩ bằng khối óc, sự đắn đo và chiến đấu với niềm tin của ông về Ðức Kitô, mà ông đã đạt được, tiếng Anh gọi là “come to believe,” một niềm tin cao nhất về Ðức Kitô Phục Sinh.
Ta nên biết rằng Tin Mừng Gioan thường nhấn mạnh đến dấu lạ và niềm tin đạt được qua những dấu lạ đó. Ðan cử như là trường hợp của ông Nicôdemô đã đàm đạo với Chúa suốt đêm, để rồi ông có cảm tình hơn với Chúa và sau này ông đã bênh vực và táng xác Chúa. Chị phụ nữ Samaria cũng thế, đã lắng nghe và tâm sư với Chúa và rồi đức tin của chi đã triển nở đến độ chạy đi loan báo cho mọi người về Ðức Kitô. Rồi đến anh mù từ thủa mới sinh đã vất vả chiến đấu với niềm tin của mình cho dù bị các niên trưởng và giới lảnh đạo chửi mắng và kết án, và ngay cả cha mẹ cũng từ bỏ anh. Lạ lung thay, anh đã đạt được đỉnh cao của niêm tin vào Chúa Kito đến độ cúi xuống bái lạy Ngài.
Vậy thì việc Tôma không tin ngay vào những lời các môn đệ không nhất thiết một là điều xấu, cũng như chúng ta nghe về phép lạ này phép lạ kia từ người này hay người nọ. Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy thắc mắc và hơi nghi ngờ về môt điểm nào đó trong việc thực hành đạo. Có lúc chúng ta chứng kiến nhiều biến động trong tâm hồn cũng như trên thế giới như là tai sao người lành gặp đau khổ trong khi kẻ ác cứ sống phây phây và ta tự hỏi “Không biết có Chúa không.? Sao tôi đau khồ qúa?”
Những thắc mắc và câu hỏi kiểu như thế trong thử thách không hẳn là xấu, mà có khi lại cần thiết nữa. Ðiều quan trọng là chúng ta vẫn tin vào Chúa và biết cách dùng những ân huệ Chúa ban để hiểu thêm những điều mình tin. Chúa cho chúng ta khối óc và những giác quan thì phải đem ra mà sử dụng. Phải có tinh thần học hỏi, phải suy niệm, đôi lúc cũng phải có sự chiến đấu nôi tâm. Ðức tin phải từng trải và phải chịu đau đớn cũng như Ðức Mẹ dưới chân thập giá; cũng như Abraham đem con một lên núi tế lễ; và như ông Gióp khổ sở vì mất con cái nhà cửa và chịu lở loét bênh tật. Đặc biệt nhất là như Chúa Giêsu chịu khổ nạn và đau đớn trên thánh gía đến nổi phài thốt lên, “Lạy Chúa tôi; lạy Chúa Trời tôi; sao Chúa bỏ tôi.”
Chắc chắn những nhân vật này có một đức tin rất vững chắc bởi vì họ đã chịu thử thách đến tận cùng và họ đã trở thành những anh hùng của đức tin. Họ là sự ứng nghiệm của câu ca dao nổi tiếng Việt Nam, “Lửa thử vàng. Gian nan thử đức.”
Lm Trịnh Ngọc Danh
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay