Huyện Đắk Tô: Sẽ triệt hạ 22 “công trình sinh hoạt tôn giáo” trong năm 2015

Huyện Đắk Tô: Sẽ triệt hạ 22 “công trình sinh hoạt tôn giáo” trong năm 2015

– Tin nổi bật, Phóng sự


VRNs (25.03.2015) – Kontum – Một bản Kế hoạch được đóng dấu “Mật” của huyện Đăk Tô, tỉnh Kontum do ông Cao Trung Tin, chủ tịch huyện ký ngày 30.01.2015 cho biết trong năm 2015 này, huyện Đăk Tô sẽ phải triệt hạ/xóa sổ 22 “công trình sinh hoạt tôn giáo” của người các sắc tộc thiểu số trong huyện này.

Theo kế hoạch này, những “công trình sinh hoạt tôn giáo” phải triệt hạ thuộc về 7 đơn vị hành chánh xã, thị trấn. Nơi nhiều nhất là 7 trong xã Đăk Trăm. Còn các xã khác ít hơn: Diên Bình (1), Pô Kô (4), Văn Lem (4), Ngọc Tụ (1), Đăk Rơ Nga (2), Tân Cảnh (1), và thị trấn Đăk Tô (2).

Kế hoạch được triển khai làm ba bước. Bước một, trực tiếp vận động yêu cầu các hộ gia đình cam kết không sử dụng nhà vào mục đích sinh hoạt tôn giáo. Bước hai, theo dõi, nếu tiếp tục sử dụng nhà cho sinh hoạt tôn giáo thì sẽ bị lập biên bản, phạt hành chánh và buộc tháo dỡ hoặc đập phần nhà sử dụng cho việc thờ phượng. Bước ba, những hộ chấp nhận triệt hạ nhà nguyện thì phần cơi nới hay nhà mới làm thêm được tiến hành làm giấy tờ hợp thức hóa nhà ở, những hộ không chấp nhận thì dứt khoát không làm thủ tục chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất.

Kế hoạch còn chỉ đạo: “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, không để xảy ra tình trạng các hộ dân xây dựng công trình riêng biệt nằm bên cạnh công trình nhà ở hoặc tự ý cơi nơi nhà ở để sử dụng vào mục đích sinh hoạt tôn giáo”.

Theo luật pháp hiện hành, nhà ở thuộc về sở hữu cá nhân, nên gia chủ có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Cho đến nay chưa có một văn bản có hiệu lực pháp luật nào cấm công dân không được sinh hoạt tôn giáo trong nhà mình cả. Ngược lại Khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh Tín ngưỡng – Tôn giáo qui định: “Người có tín ngưỡng, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo”.

Hình minh họa

Do đó, việc ông Chủ tịch huyện Đăk Tô chỉ đạo các cán bộ của ông phải “trực tiếp vận động yêu cầu các hộ gia đình cam kết không sử dụng nhà vào mục đích sinh hoạt tôn giáo” là chính ông vi phạm Pháp lệnh Tin ngưỡng – tôn giáo. Việc ông Cao Trung Tin ra lệnh cho công an, du kích và các lực lượng khác phải “theo dõi, nếu tiếp tục sử dụng nhà cho sinh hoạt tôn giáo thì sẽ bị lập biên bản, phạt hành chánh và buộc tháo dỡ hoặc đập phần nhà sử dụng cho việc thờ phượng” là việc dùng công quyền khủng bố dân không đúng tư cách công chức và quan chức. Còn việc ông Tin đòi cán bộ phải kiên quyết thực hiện chính sách “những hộ chấp nhận triệt hạ nhà nguyện thì phần cơi nới hay nhà mới làm thêm được tiến hành làm giấy tờ hợp thức hóa nhà ở, những hộ không chấp nhận thì dứt khoát không làm thủ tục chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất” là bằng chứng phân biệt đôi xử với các hộ có tôn giáo thuần thành, trung thành với đức tin sẽ bị nhà cầm quyền tước đoạt quyền lợi.

Các “công trình sinh hoạt tôn giáo” này của giáo hội Công giáo thuộc giáo phận Kontum là một giáo phận Công giáo Việt Nam lâu đời nhất ở vùng Tây Nguyên. Địa giới giáo phận rộng 25.728 km², tương ứng chủ yếu với các tỉnh Gia Lai và Kontum. Dân cư cũng như các tín hữu chủ yếu là người dân tộc Xơđăng, Bahnar, Giẻ, Triêng, Jarai… Niềm tin Công giáo đã được người thuộc các sắc tộc thiểu số ở vùng đất này đón nhận từ giữa thế kỷ 19. Hiện nay, giáo phận có hơn 250.000 giáo dân.

Chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ mới có ở VN 40 năm, sự tồn tại chỉ chưa bằng 1/4 chiều dài lịch sử của niềm tin Kitô giáo có trên đất Kontum, nhưng do thâu tóm mọi quyền lực, nên nhà cầm quyền đã bất chấp nhu cầu chính đáng và phong tục làng sắc tộc thiểu số đã tồn tại lâu dài để rắp tâm triệt hạ các nhà nguyện, là những nơi do chính người dân tự nguyện sử dụng nhà mình, đất mình rồi cùng nhau dựng nên cách tạm bợ, sau khi đã xin phép một thời gian rất dài, mà không được phép xây dựng nhà thờ, nhà nguyện tạm.

Việc giáo dân tự nguyện dành một khoảnh của gia đình làm nơi thờ phượng của tôn giáo sẽ trực tiếp góp phần củng cố đạo đức xã hội, nhưng nhà cầm quyền huyện Đăk Tô đã luôn luôn xem hành vi đó là vi phạm pháp luật.

Kế họach này trực tiếp củng cố nhận định của ông Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo LHQ vừa trình bày ở Geneva, Thụy Sỹ, rằng tại Việt Nam đang diễn ra tình trạng vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng. Kế hoạch này đóng dấu “Mật” là chuẩn bị cửa hậu cho ông chủ tịch và quan chức huyện Đăk Tô chạy tội khi sự việc bị dư luận lên án. Lúc đó họ sẽ nói rằng đó là việc làm sai trái của thôn của xã chứ không phải của huyện. Bài ca “trên bảo dưới không nghe” sẽ được cất lên lu loa.

PV. VRNs

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay