Ðại Tá Lê Bá Hùng cùng 2 chiến hạm Mỹ thăm Ðà Nẵng
ÐÀ NẴNG (NV) – Hai chiến hạm USS Fitzgerald và USS Fort Worth của Hải Quân Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa, thăm thành phố Ðà Nẵng, dưới sự chỉ huy của đại tá người Mỹ gốc Việt Lê Bá Hùng, gây chú ý dư luận Việt Nam.
Ðại Tá Lê Bá Hùng (phải) nhận hoa của Hải Quân CSVN. (Hình: GDVN) |
Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đưa tin, ngày 6 tháng 4, hai tàu của Hải Quân Hoa Kỳ là khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald (DDG 62) và chiến hạm USS Fort Worth (LCS 3) thuộc Liên Ðội Tàu Khu Trục (DESRON) cập cảng Tiên Sa, chính thức thăm thành phố Ðà Nẵng trong 5 ngày.
Báo này dẫn lời Ðại Tá Lê Bá Hùng, chương trình kéo dài trong 5 ngày, tập trung vào một loạt các sự kiện và các hoạt động trao đổi kỹ năng về quân y, tìm kiếm và cứu nạn, an ninh hàng hải, các hội thảo về luật biển, các buổi hòa nhạc, các hoạt động phục vụ cộng đồng và các hoạt động thể thao.
Ðặc biệt, hoạt động hợp tác trên biển sẽ có các hoạt động như tàu hải quân của hai nước thực hành Bộ Quy tắc Ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES), các kỹ thuật tìm kiếm và cứu nạn, và cách điều khiển tàu.
Tin cho biết, chiều 7 tháng 4, trên hai chiến hạm USS Fitzgerald và USS Fort Worth, đại diện lực lượng hải quân hai nước đã có những hoạt động đầu tiên.
Ðây là các hoạt động nằm một loạt các hoạt động hợp tác thường niên lần thứ 6 giữa Hải Quân Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trên khu trục hạm USS Fitzgerald, hải quân hai bên đã trao đổi trên sơ đồ một số thông tin liên quan đến bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển, các kỹ thuật tìm kiếm và cứu nạn, và cách điều khiển tàu.
Cùng lúc trên chiến hạm USS Fort Worth, hải quân hai nước đã có cuộc trao đổi về việc điều hành các máy bay trực thăng có người lái cũng như không người lái.
Lãnh đạo thành phố Ðà Nẵng và Hải Quân Việt Nam đón tiếp thủy thủ đoàn của Hoa Kỳ do Ðại Tá Lê Bá Hùng dẫn đầu ngày 6 tháng 4, tại cảng Ðà Nẵng. (Hình: báo Ðà Nẵng) |
Các sĩ quan phi công thuộc Lữ Ðoàn Không Quân-Hải Quân 954 CSVN cũng đã lên buồng lái máy bay trực thăng SeaHawk để xem và trao đổi kinh nghiệm.
Bà Rena Bitter, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, cho biết, hoạt động của lực lượng hải quân 2 nước lần này là một trong những hoạt động quan trọng đánh dấu kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo bà Rena Bitter, đánh giá của chính phủ Hoa Kỳ về tiến trình bình thường hóa giữa 2 nước Mỹ-Việt nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào.
Ðây cũng là hoạt động hợp tác hải quân thường niên lần thứ 6 (NEA) giữa hải quân hai nước, nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ (1995-2015).
*Lần thứ 2 trở lại quê nhà sau 6 năm
Ðiều gây chú ý dư luận tại Việt Nam chính là sĩ quan cao cấp phụ trách hai chiến hạm này là Ðại Tá Lê Bá Hùng, một người Mỹ gốc Việt, phó tư lệnh biên đội tàu khu trục số 7 của DESRON.
Cách đây 6 năm, khi còn là trung tá, hạm trưởng khu trục hạm USS Lassen, ông Lê Bá Hùng đã có chuyến trở về đầu tiên kể từ khi ông cùng gia đình di tản khỏi miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng 4, 1975.
Một phi công chuyên lái máy bay săn ngầm tàu tác chiến gần bờ thế hệ mới USS Fort Worth trao đổi kinh nghiệm với các phi công của Lữ Ðoàn Không Quân-Hải Quân 954 Việt Nam tại cảng Tiên Sa (Hình: Tuổi Trẻ) |
Ðại Tá Hùng quê Thừa Thiên-Huế. Ông tốt nghiệp hạng ưu tại Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ năm 1992 với bằng cử nhân về kinh tế, từng làm sĩ quan chỉ huy trên nhiều chiến hạm, khu trục lớn của Hải Quân Hoa Kỳ, giành được nhiều giải thưởng về “Hoạt động tác chiến hiệu quả” (năm 2009); giải thưởng “Ðơn vị Hải Quân nổi bật” (năm 2010)…
Ðại Tá Hùng từng phục vụ tại Hạm Ðội 2, Bộ Tư Lệnh Liên Quân Hoa Kỳ, từng là trợ lý điều hành cho hai tư lệnh thuộc Hạm Ðội 7; phụ tá quân sự cho bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ…
Thân phụ của Ðại Tá Lê Bá Hùng là Hải Quân Trung Tá VNCH Lê Bá Thông, người mà ông Hùng coi là tấm gương để ông noi theo.
Sáu năm trước, trong lần trở về đầu tiên, trả lời phỏng vấn của báo Người Việt, ông Lê Bá Hùng nói rằng: “Tôi rất lấy làm tự hào là một công dân Hoa Kỳ và cũng tự hào về nguồn gốc Việt Nam của tôi. Là một trung tá của Hải Quân Hoa Kỳ, tôi có được đặc ân và vinh dự phục vụ tổ quốc mình cũng như cha tôi đã thực hiện điều đó khi ông là một hải quân trung tá của miền Nam Việt Nam.”
Ông nói thêm: “Ảnh hưởng của cha tôi đến việc tôi trở thành một sĩ quan hải quân khá sâu sắc. Cho dù cha tôi chưa bao giờ buộc tôi chọn nghiệp hải quân, nhưng bản thân cha tôi, một tấm gương cần cù, sự nhẫn nại và đức hy sinh – cả khi còn là một sĩ quan hải quân miền Nam Việt Nam lẫn khi là một thường dân Mỹ đi làm để chăm lo cho gia đình mình – là một điều to lớn. Tôi muốn nối gót cha mình trở thành một sĩ quan hải quân là vậy.” (Tr.N.)