Con buôn Trung Quốc lừa dân, nhà thầu gạt nhà nước

Con buôn Trung Quốc lừa dân, nhà thầu gạt nhà nước
Thursday, April 24, 2014

Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) .- Dư luận chỉ trích gia tăng khi nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đòi nâng vốn đầu tư của dự án lên gần gấp đôi (từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD).

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông “chưa đâu vào đâu” và nhà thầu Trung Quốc thản nhiên để đó rồi đòi tăng vốn. (Hình: Bộ Giao Thông – Vận Tải CSVN)

Đáng ngạc nhiên là Bộ Giao thông – Vận tải CSVN tỏ ra rất dễ dãi khi tán thành yêu cầu đó. Lý do phía nhà thầu Trung Quốc đòi tăng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vì có nhiều “khoản phát sinh” trong chi phí xây dựng (tăng thêm 221 triệu USD), chi phí giải phóng mặt bằng (tăng thêm 25 triệu USD), chi phí thiết bị (tăng thêm 20 triệu USD)…

Trong khi một viên Phó Thủ tướng của Việt Nam tên là Hoàng Trung Hải, chỉ yêu Bộ Giao thông – Vân tải Việt Nam thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm vụ chi thêm 339 triệu USD cho nhà thầu Trung Quốc, đồng thời yêu cầu các cơ qan có liên quan khác như Bộ Kế hoạch – Đầu tư làm việc với Trung Quốc để “bổ sung nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho phần vốn tăng thêm của dự án” thì nhiều chuyên gia khẳng định, đáp ứng yêu cầu này của nhà thầu Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”.

Ông Nguyễn Đình Thám, một tiến sĩ làm việc tại Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng của Đại học Xây dựng Hà Nội cả quyết là “Không có cơ sở để tính “giá đội thầu” lên tới gần 100% tổng mức đầu tư ban đầu của dự án”.

Ông Thám dẫn Luật Xây dựng (quy định nhà thầu chỉ được điều chỉnh vốn đầu tư dự án với mức tăng tối đa 10% tổng mức đầu tư) để chứng minh cho nhận định của ông. Theo ông Thám, nếu việc điều chỉnh vốn đầu tư dự án tăng quá 10% tổng mức đầu tư, phải thẩm định lại dự án và việc tăng thêm vốn chỉ được chấp nhận khi điều đó có lợi cho nhà đầu tư (trong dự án này là phía Việt Nam).

Lúc đầu, tổng vốn đầu tư cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là 552 triệu USD và Việt Nam vay của Trung Quốc 419/552  triệu USD. Nếu chấp nhận tăng thêm 339 triệu USD theo đòi hỏi của nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải vay thêm Trung Quốc khoản này. Theo thông lệ, nợ càng nhiều thì sức ép càng lớn và càng dễ phải nhượng bộ.

Nhận xét về lý do khiến nhà thầu Trung Quốc yêu cầu tăng vốn  trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Nguyễn Đình Thám cho rằng, việc xin điều chỉnh tổng vốn đầu tư với lý do chi phí thiết bị xây dựng tăng là “không thể chấp nhận” bởi chi phí đó đã được tính khi bỏ thầu, thành ra không thể điều chỉnh.

Theo dự kiến, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 13 cây số nằm trên cao và 1,7 cây số dẫn vào khu depot. Trên tuyến này có 12 ga trên cao và có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn bốn toa, mỗi toa chở khoảng 300 người, tần suất vận chuyển tối đa 2 phút/chuyến, tương đương lưu lượng 1 triệu người/ngày. Dự án này khởi công vào tháng 11 năm 2008 và lẽ ra phải hoàn tất hồi tháng 11 năm 2013 nhưng đến nay vẫn “chưa đâu vào đâu’ và nhà thầu Trung Quốc đòi tăng vốn đầu tư để có thể “khai thác vào… tháng 6 năm 2015”!

Ngoài ông Nguyễn Đình Thám, còn có một giảng viên đại học khác là ông Trần Hải Minh, làm việc tại Khoa Vận tải kinh tế của Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, tham gia cảnh báo về thực trạng bỏ thầu giá thấp để trúng thầu, sau đó đòi nâng chi phí đầu tư.

Một chuyên gia giao thông tên là Nguyễn Xuân Thủy, công khai bày tỏ thắc mắc vì chi phí thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông quá đắt. Ông Thủy bảo rằng, trên thế giới, chi phí đầu tư trung bình cho đường sắt chạy ở trên cao trong đô thị chỉ khoảng 20 triệu đến 30 triệu USD/km. Nếu tổng vốn đầu tư được nâng lên theo yêu cầu của nhà thầu Trung Quốc thì mỗi cây số đường sắt trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ngốn gần 70 triệu USD, hơn gấp đôi là quá phi lý.

Các chuyên gia không đồng tình còn vì chính quyền vay nhưng dân chúng phải trả và họ cùng thắc mắc là tại sao lại có “cơ sự thế này” nhưng không ai màng đến trách nhiệm.

“Cơ sự thế này” không chỉ xảy ra với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Trên thực tế, khi tham gia tranh thầu tại Việt Nam, nhà thầu Trung Quốc chỉ bỏ thầu với giá tương đương 20% đến 30% so với các nhà thầu khác và gần như luôn luôn thắng thầu. Từng có một thống kê cho biết, 90% các “dự án trọng điểm” tại Việt Nam rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Sau đó, nhà thầu Trung Quốc chỉ thi công cầm chừng rồi đòi gia hạn thời gian thực hiện, kế đó đòi tăng vốn, thậm chí đòi thay đổi các yêu cầu của dự án.

Tuy điều này xảy ra thường xuyên ở khắp mọi nơi, trong một thời gian dài nhưng nhà thầu Trung Quốc vẫn tiếp tục thắng thầu. Tiếp tục có cơ hội đưa dân Trung Quốc tràn vào Việt Nam, với lý do cần nhân lực thực hiện các dự án mà họ nhận thầu. Tiếp tục đưa máy móc, thiết bị, vật liệu vào Việt Nam để thi công, bóp chết ngành công nghiệp Việt Nam vì không tiêu thụ được sản phẩm, khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liêu của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng chúng sang Việt Nam, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam hấp hối vì không kịp ứng phó.

Chưa kể đó cũng là lý do làm cho nhập siêu từ Trung Quốc tăng liên tục. Chỉ trong 10 năm (2001 đến 2012) nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu USD hồi 2001, thành 16 tỷ USD vào năm 2012. Đẩy kinh tế Việt Nam đến tình trạng càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tại sao chính quyền Việt Nam không hành động?

Một số chuyên gia kinh tế giải thích, đó là do sự câu kết rất chặt chẽ giữa các thế lực kinh tế mà chủ yếu là các doanh nghiệp lớn của nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân lớn, với các thế lực chính trị, để các bên đạt tới lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thường gọi là nhóm lợi ích. (G.Đ)

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay