Có ÔNG TRỜI, Niềm Tin Của Dân Việt
Nguyễn Hy Vọng
Bàn thờ ông trời ngoài sân trước
- Bạn trẻ thắc mắc:
Người ở từ đâu đến địa cầu?
Rồi khi mãn kiếp lại về đâu?
Mênh mông chỉ thấy bầu trời rộng!
Mù mịt như ngồi đáy giếng sâu!
Hỡi ơi sống để làm chi vậy?
Mà cứ đua nhau chuốc việc sầu?
Người già suy tư:
Ngồi mà ngẫm nghĩ thân tôi,
Đâu là ý nghĩa cuộc đời chóng qua?
Nơi đây ai dựng tôi ra?
Nơi đây tôi sống để mà làm chi?
Đời qua còn lại những gì?
Xuôi tay nhắm măt tôi thì đi đâu?
Hai bài thơ trên của một trẻ, một già, nhưng cùng một nỗi khắc khoải: Tôi từ đâu đến? Cuộc đời này có ý nghĩa gì? Tôi sẽ về đâu, khi vĩnh biệt cõi tạm trần gian? Mấy câu hỏi đó bộc lộ con người có linh hồn.
Súc vật không có linh hồn, chúng có nhu cầu ăn, uống, đòi hỏi của thân xác. Súc vật không có tôn giáo, không có khoa học, văn chương, hội họa, âm nhạc… Mỗi loài vật có bản năng khác nhau, do Trời ban cho chúng, và suốt đời chúng sống theo bản năng. Từ khi có loài vật trên mặt đất, cho đến tận thế, chúng không có sự tiến bộ: cá lớn vẫn nuốt cá bé; cọp, sư tử vẫn vồ nai, dê, bò..; ngựa vẫn kéo xe; trâu, bò kéo cầy; chim làm tổ bằng rơm, rạ; loài khỉ vẫn chỉ biết kêu en éc và hái trái trên cây để ăn v.v.. Loài vật là rôbô của Trời.
Loài người có linh hồn, có tình yêu, có giận hờn, có tôn giáo, có khoa học, âm nhạc, hội họa, văn chương… Loài người là sinh vật siêu đẳng, hơn rất xa loài vật và cỏ cây.
- Người Việt tin có Ông TRỜI
Khi Khổng, Lão, Phật giáo… chưa du nhập nước ta, người Việt đã tin có ÔNG TRỜI là Đấng Chí Cao bảo tồn vạn vật; ban ơn cho người lành, phạt kẻ gian ác. Người Việt còn gọi Ông Trời là Ông Thiên, Thượng Đế, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Đấng Sáng Tạo….
Nhiều gia đình có bàn thờ tổ tiên trong nhà để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ đã khuất; và một bàn thờ ngoài sân để cầu khẩn với Trời. Các vua cũng bày tỏ sự tôn kính, biết ơn và cầu khẩn với Trời, như Lễ Tế Trời (Lễ Nam Giao) để tạ ơn Trời khi đất nước thịnh vượng, bình an. Tạ lỗi với Trời, xin mưa khi hạn hán. Ca dao, thơ văn, chuyện tích nói lên niềm tin này:
*Trời cao có mắt
*Trời sinh voi, Trời sinh cỏ
*Trời sinh, Trời dưỡng
*Trời đánh còn tránh miếng ăn.
*Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.
*Trời cho ai nấy hưởng; Trời gọi ai, nấy dạ
*Sống nhờ ơn Trời, chết về chầu Trời.
*Trời cho không ai thấy, Trời lấy không ai hay.
*Trời nào có phụ ai đâu; Hay làm thì giàu, có chí thì nên.
*Trời cho hơn lo làm. Chỉ có Trời cứu.
*Mong đèn Trời soi xét. Có Trời chứng giám.
*Không có Trời, ai ở với ai?
*Trời quả báo, ăn cháo gẫy răng,
Ăn cơm gẫy đũa, xỉa răng gẫy hàm.
*Phí của Trời, mười đời chẳng có,
Biết ơn Trời, mười đời chẳng khó.
*Chê của nào, Trời trao của ấy.
*Trời đánh còn tránh miếng ăn.
*Trời sinh con mắt là gương,
Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài.
*Trời cao đất rộng, em vọng lời nguyền:
Đất trời còn đó, em nguyện giữ tròn thủy chung.
*Lưới Trời lồng lộng, thưa mà không lọt.
*Thiên bất dung gian. (Trời không dung thứ kẻ gian ác)
*Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh (Trời sinh ra muôn loài, loài người là khôn hơn hết)
*Đại phú do Thiên, tiểu phú do cần (Giàu to do Trời cho, giàu nhỏ do cần kiệm)
*Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên. (Người mưu kế, thành bại do Trời định đoạt)
*Thuận Thiên giã tồn, nghịch Thiên giã vong (Theo Trời thì sinh tồn, nghịch Trời thì diệt vong)
*Ở hiền thì lại gặp lành, những người nhân đức Trời dành phúc cho.
*Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân (Trời không phụ người có lòng tốt)
*Duyên ba sinh Trời đã dành sẵn (duyên vợ chồng do Trời sắp đặt)
*Trên rừng có cây bong kiểng,
Dưới biển có cá hóa long,
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,
Anh đi Lục tỉnh giáp vòng,
Tới đây, Trời khiến cho lòng thương em.
*Ơn Trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cầy sâu,
Công lênh chẳng quản dài lâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
*Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cầy,
Lấy đầy bát cơm…
*Nhờ Trời mưa thuận gió hòa,
Nào cầy, nào cấy trẻ già đua nhau;
Lạy Trời mưa thuận gió đều,
Cho đồng lúa tốt, cho chìu lòng em.
*Làm trai quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.
Khi nên, Trời giúp công cho,
Làm trai năm liệu, bảy lo mới hào,
Trời sinh Trời chẳng phụ nào,
Phong vân gặp hội anh hào ra tay,
Trí khôn rắp để dạ này,
Có công mài sắt, có ngày nên kim.
*Con chim nó hót trên cành,
nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
nếu Trời không có, làm sao có mình?
*Ngẫm hay muôn sự tại Trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân,
bắt phong trần phải phong trần,
cho thanh cao mới được phần thanh cao…
*Duy nhất Thiên Chủ hữu Tam Vị,
Thánh Phụ, Thánh Tử, Thánh Thần Thị,
Tạo thành vạn vật, Tể càn khôn,
Toàn tri, toàn năng, toàn thiện mỹ.
*Dù ai nói ngược nói xuôi,
Ta đây vẫn giữ Đạo Trời khăng khăng,
Dù ai chác lợi mua danh,
Miễn ta, ta được đạo lành thì thôi
*Lòng Trời lượng cả bao dung
Biêt rồi không lẽ mà không trở về
Xưa kia chỉ biết kêu ‘Trời’
Ngày nay lại biết rằng: ‘Trời là Cha’
Trần gian chưa phải là nhà
Thiên đàng vĩnh phúc mới là chính quê.
*Chữ rằng sinh ký tử quy
Nghiã là sống gửi thác về đời sau.
Biết Trời thưởng phạt sau này
Muốn sau được thưởng thì rầy phải lo
Gắng công, Trời giúp công cho
Đạo lành gây dựng cơ đồ mai sau.
*Mọi sự ở trên đời
Rồi mai rồi cũng hết
Việc lành dữ mà thôi
Sẽ theo ta khi chết.
*Thiên đàng địa ngục hai bên
Ai khôn thì nhờ, ai dại thì sa
Đêm ngày nhớ Chúa là Cha
Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi lià xác được lên Thiên đàng…
An Tiêm là một người thông minh lanh lợi, được Vua Hùng Vương thương mến và gã con gái nuôi. An Tiêm khéo trang hoàng nhà cửa xinh đẹp. Các quan khen thì An Tiêm khiêm tốn nói là do ơn Trời ban. Các quan có lòng ganh tị, nên trình với Vua: “An Tiêm là kẻ vô ơn, được Vua ban cho nhiều của cải, bổng lộc mà không biết ơn, lúc nào cũng bảo là ơn Trời ban.”
Vua nghe được thì nổi giận và đày vợ chồng An Tiêm ra đảo hoang. Đến đảo, vợ An Tiêm nói với chồng: “Thức ăn Vua cho chỉ đủ trong vài tháng, sau đó thì làm sao mà sống?”
An Tiêm đáp: “Trời sinh, Trời dưỡng”.
Một ngày nọ nghe tiếng chim kêu, An Tiêm chạy đến thì chúng bay đi và nhả lại những hạt đen. An Tiêm đem vùi xuống đất và tưới nước. Thời gian sau chúng mọc thành những dây bò lan xanh tốt và có những trái lớn. An Tiêm bổ ra, thấy trong ruột đỏ; ăn thì thấy ngon ngọt. An Tiêm nói với vợ: “Đây là của Trời cho”.
Từ đó, vợ chồng trồng nhiều để làm của ăn.
Một hôm có thuyền đánh cá vì gió lớn phải tấp vào đảo. An Tiêm cho người trên thuyền ăn những trái họ trồng. Vì thích trái cây của An Tiêm, nhiều người đã mang gạo, thịt, vật dụng… ra đổi. Vợ An Tiêm nói với chồng, “Trời nuôi chúng ta”.
Ít năm sau, Vua sai người ra hoang đảo để xem vợ chồng An Tiêm sống chết ra sao, thì được biết: vợ chồng An Tiêm sống sung túc. Vua cho là chuyện lạ, bèn cho hai vợ chồng trở về thuật lại những gì đã xảy ra. Nghe xong, Vua nói: “Trời đã nuôi chúng nó thật”.
Trong lúc khát nước, Vua ăn trái cây do vợ chồng An Tiêm mang từ đảo về thì thích lắm. Vua cho là trái cây qúy, nên truyền trồng ở nhiều nơi. Trái cây đó là qủa Dưa Hấu mà chúng ta được hưởng ngày nay, đặc biệt là món ăn không thể thiếu trong mấy ngày Tết.
Nguyễn Hy Vọng