Cô đơn, Sợ hãi và Yêu thương
Tác giả:Trầm Thiên Thu
Bạn có bao giờ cảm thấy cô đơn tột cùng? Hoặc có bao giờ hoang mang và sợ hãi? Cô đơn thường liên quan lo sợ, và lo sợ có liên quan cô đơn. Phải chăng đó là một hệ lụy tất yếu?
“Cô đơn” khác “một mình”. Bạn có thể chỉ có một mình (sống một mình, ngồi một mình, làm việc một mình,…), nhưng có thể bạn không hề cô đơn, vì bạn đang “bận” suy nghĩ điều gì đó: Tìm tứ thơ, tìm ý nhạc, tìm cách xử lý vấn đề nào đó, đang nghĩ về người thân yêu, và nhất là đang cầu nguyện,… Nhưng khi bạn có điều gì buồn, bạn vẫn có thể cảm thấy cô đơn và trống trải, dù xung quanh bạn có rất nhiều người, bạn có thể cô đơn ngay trong đám tiệc, thậm chí cô đơn ngay trong gia đình mình.
Nỗi cô đơn thật đáng sợ biết bao!
CÔ ĐƠN
Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu tâm sự với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 26:38). Nỗi lo buồn quá lớn đến nỗi có thể “chết được”. Ngài muốn các môn đệ thân tín cùng canh thức để chia sẻ nỗi buồn “chết người” kia, nhưng bản chất con người yếu đuối, thân xác nặng nề, họ không đủ sức canh thức với Thầy mình nên họ đã “vô tư” lăn ra ngủ khò. Thấy vậy, Chúa Giêsu càng buồn hơn và càng cô đơn hơn.
Cô đơn nối tiếp cô đơn. Chúa Giêsu càng cô đơn hơn khi Giuđa lại nỡ lòng dùng chính nụ hôn để phản bội Ngài: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13:18). Rồi nỗi cô đơn của Chúa Giêsu lại nhân lên khi thấy môn đệ thân tín nhất là Phêrô cũng đang tâm chối bỏ Thầy mình, không chỉ 1 lần mà đến 3 lần (x. Mt 26:69-75).
Cuối cùng, nỗi cô đơn ấy lên tột đỉnh khi Chúa Giêsu bị treo trên Thập giá, loại hình xử tử nhục nhã nhất thời đó chỉ dành cho những tử tội độc ác khét tiếng. Cô đơn quá, thế mà Chúa Cha vẫn lặng im, cho nên Ngài đã thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:45). Điều này đã được tác giả Thánh vịnh 22 tiên báo: “Lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” (Tv 22:2).
Đầu năm 2012, cái lạnh kéo dài cả tháng trời, hằng trăm người Âu châu đã chết vì lạnh cóng, lạnh đến nỗi những tảng đá trong suốt như pha lê. Những người Phi châu đang phải “sống mòn” trong nỗi cô đơn vì sự đói khát từng ngày. Nỗi cô đơn cũng đồng nghĩa với “cái lạnh tâm hồn”. Cái lạnh thời tiết không đáng sợ bằng cái lạnh trong tâm hồn. Người khác bị cô đơn cũng có phần trách nhiệm của chúng ta, đó liên đới trách nhiệm. Sự im lặng đáng sợ của chúng ta là cách chúng ta loại bỏ và giết chết người khác không cần vũ khí!
Thánh Thomas Aquinô nói: “Khi chúng ta cho là cô độc thì Thiên Chúa ở bên chúng ta. Khi tất cả đều bỏ chúng ta thì Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta”. Còn Thánh Augustinô nói: “Ngài có đó khi ta tưởng mình đơn côi, Ngài nghe ta khi chẳng có ai đáp lại, Ngài thương ta khi tất cả đều hững hờ”. Chúng ta không là “cái đinh” gì, chỉ là bụi đất hèn mọn, thế mà Ngài vẫn yêu thương: “Thiên Chúa yêu chúng ta, ban ơn cho chúng ta mà hoàn toàn không muốn chúng ta báo đáp; phàm tất cả những gì của chúng ta, ngay cả cái yếu đuối, Ngài cũng yêu” (Thánh Têrêsa Hài Đồng). Thật may mắn và hạnh phúc!
Nỗi cô đơn của chúng ta chắc chắn không là gì so với nỗi cô đơn của Chúa Giêsu. Ngài không chỉ cô đơn từ vườn Ghết-si-ma-ni tới đồi Gôn-gô-tha, mà Ngài còn gánh chịu đủ loại nỗi cô đơn cho chúng ta dù chúng ta chỉ là những người hoàn toàn bất xứng.
Ngày nay Chúa cũng vẫn phải chịu cô đơn vì chúng ta. Tại sao? Vì chúng ta vẫn thờ ơ với Ngài, quay lưng lại với Ngài, bỏ ngoài tai những lời Ngài truyền dạy, không tìm đến tâm sự với Thánh Thể, không tắm gội trong Nước Hồng Ân Tha Thứ từ Bí tích Hòa giải, không thể hiện lòng thương xót và không quan tâm tha nhân. Chính chúng ta đã và đang làm nỗi cô đơn của Chúa Giêsu tăng theo cấp số nhân!
SỢ HÃI
Tại vườn Ghết-si-ma-ni, Chúa Giêsu chỉ cho 3 môn đệ thân tín nhất đi theo, đó là 3 trong 4 môn đệ đã được Ngài kêu gọi đầu tiên: Phêrô và hai anh em con ông Dêbêđê. Nhưng họ không an ủi Ngài mà lại làm cho Ngài cô đơn và sợ hãi hơn khi họ vẫn “vô tư”. Thời gian cứ ngắn dần. Toát mồ hôi hột. Giờ G sắp đến, giờ của sự ác. Nỗi sợ hãi bao trùm như màn đêm tối đen, và theo nhân tính, Chúa Giêsu cũng thấy run sợ trước viễn cảnh hãi hùng khi tưởng tượng những nhát búa căm hờn đóng những cây đinh ghim thấu chân tay Ngài, nên Ngài xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39).
Vâng, “nếu có thể” thôi. Và đó chỉ là một giả thuyết. Chúa Cha vẫn im lặng như giả câm giả điếc, Chúa Giêsu càng sợ hãi, nhưng khi Ngài biết đó là Ý Cha và vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Ngài lại thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng Ý Cha” (Mt 26:42). Một lời “xin vâng” vì tuân phục trong sự vui mừng chứ không hề miễn cưỡng.
Chúa Giêsu khi mặc xác phàm còn sợ hãi như vậy huống chi chúng ta, những phàm nhân “thuần túy”. Tuy nhiên, rất nhiều lần Chúa Giêsu động viên: “Đừng sợ!” (Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13 & 30; Lc 2:0; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20). Chúa Giêsu hiểu và thông cảm với chúng ta, thế nên Ngài không chỉ động viên chúng ta can đảm “đứng dậy” mà Ngài còn hứa chắc nịch: “Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Ngài không bao giờ hứa suông, không bao giờ nuốt lời. Khi chúng ta cô đơn và sợ hãi, chính Ngài vác chúng ta trên vai. Hãy tín thác vào Ngài, vì Ngài dày kinh nghiệm đau thương, chắc chắn Ngài không bỏ rơi chúng ta phải “đơn thương độc mã” đâu. Vả lại, “không có Ngài thì chúng ta chẳng làm được gì” (Ga 15:5).
YÊU THƯƠNG
Con người đầy Tham-Sân-Si nên thường bị cô đơn và sợ hãi, do đó mà cần lắm tình yêu thương, vì chính Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).
Nói yêu thương thì dễ, mà thực hành yêu thương thì không dễ chút nào: “Ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20).
Thiếu yêu thương đích thực thì con người rất dễ thay lòng đổi dạ, như trở bàn tay. Mới vài ngày trước, người ta lũ lượt, kẻ trước người sau, đua nhau lấy áo và lá lót đường cho Chúa Giêsu cưỡi lừa đi qua, họ tung hô vang dội: “Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!” (Mt 21:9), thế mà chỉ vài ngày sau họ “lật mặt” ngay mà nói: “Hắn đáng chết!” (Mt 26:66) và đồng thanh hô to: “Đóng đinh hắn vào thập giá!” (Mt 27:22 & 23; Mc 15:13 & 14; Lc 23:21; Ga 19:6 & 15).
Ai muốn nói gì thì nói, Chúa Giêsu vẫn im lặng, ngay cả khi bị người ta nhục mạ và thách thức: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27::40). Ngay cả tên cướp cùng chịu án tử với Ngài cũng chưa biết thân mà vẫn gân cổ sỉ vả Ngài. Thế nhưng, tình yêu Thiên Chúa vẫn cuồng si, lòng thương xót của Chúa vẫn trước sau như một, thế nên Ngài không chỉ không oán trách mà còn xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
Chúng ta cũng vậy, hằng ngày chúng ta thường xuyên nhục mạ và mưu sát Chúa Giêsu nhiều lần, thế mà Ngài vẫn cho là chúng ta lầm, là không biết việc mình làm. Kỳ diệu quá!
Lạy Thiên Chúa, nỗi cô đơn “chết người” và nỗi sợ hãi tột cùng vẫn không thể vượt qua Lòng Thương Xót vô biên của Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu của Cha, xin thương giúp chúng con can đảm vượt qua mỗi khi gặp nghịch cảnh, dám chết cho tội mình, dám chết với Đức Kitô để chúng con có thể được phục sinh với Người. Xin Chúa thương xót và đồng hành với chúng con. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU