Chuyện về chị Ba Sen của tôi

Chuyện về chị Ba Sen của tôi

Đòan Thanh Liêm

Gia đình tôi rất đông anh chị em, có đến tất cả là 11 người gồm 3 anh em trai

và 8 chị em gái. Chúng tôi gốc gác ở miền quê, thuộc tỉnh Nam Định trong

vùng đồng bằng sông Hồng ngòai Bắc. Vì họ hàng bên họ nội cũng như bên

họ ngọai đều sinh sống trong một ngôi làng hay vài ba làng kế cận, nên bà

con rất gần gũi gắn bó với nhau.

Bà chị cả là chị Chắt bị bệnh câm điếc từ nhỏ, nên mọi việc trong nhà đều do

người chị thứ ba là chị Sen cáng đáng giúp đỡ cha mẹ để chăm sóc lũ em

nhỏ như tôi. Vì thế mà chị không được đi học nhiều, chỉ cỡ vài ba năm theo

học ở trường làng mà thôi. Mẹ tôi kể là từ nhỏ chị Sen rất tháo vát, biết lo

lắng mọi việc trong nhà đâu ra đó. Chị hơn tôi đến trên một con giáp, nên

ngay từ tấm bé tôi có sự quyến luyến với người chị dịu hiền này, với bao

nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ trong khung cảnh đồng quê êm ả nơi xóm làng có lũy

tre xanh bao bọc xung quanh. Chị tôi mất tại Mỹ năm 1993 vào tuổi 75, giữa

lúc tôi còn đang bị giam giữ tại nhà tù Hàm Tân, Phan Thiết.

Nay sắp đến ngày giỗ năm thứ 17, tôi muốn ghi lại một số kỷ niệm thân

thương với chị là người tôi luôn luôn yêu mến quý trọng. Chị tôi lập gia đình

sớm với anh Tống Huy Chỉnh, nên mấy cháu lớn cuả anh chị cũng không

thua kém về tuổi tác là bao nhiêu so với tôi. Vì thế chị hay rủ tôi khi nào

rảnh rỗi như vào các kỳ nghỉ hè, không phải đi học, thì đến ở nhà chị và chơi

với mấy cháu. Chị lại làm món ăn rất khéo và mau lẹ gọn gàng, nên tuổi nhỏ

còn ham ăn ham chơi, tôi rất thích được đến ở nhà chị chỉ cách xa nhà cha

mẹ tôi chừng 5-6 kilomet thôi.

Chị rất tháo vát năng nổ và có nhiều sáng kiến trong lối sắp xếp công việc

làm ăn kinh doanh. Nhận thấy anh rất khéo tay, nên ngay từ hồi còn ở thị xã

Bùi chu lúc vưà mới thành lập, chị đã bày vẽ ra chuyện chế biến và buôn bán

nữ trang bằng vàng là các thứ mà người dân quê thường rất ưa chuộng để cất

giữ làm vốn liếng, mà khi cần thì có thể dễ dàng đem bán đi. Và đến khi di

cư vào Nam năm 1955, chị cũng tìm cách mở lại hàng vàng ở khu Ngã Ba

Ông Tạ là nơi có rất đông người Bắc tới định cư. Tiệm vàng này có tên là

Trường Nguyên, nên mọi người mới gọi anh chị tôi là “Ông Bà Trường

Nguyên”.

Hồi đó tôi còn đang học ở trường Luật Saigon, vào các ngày nghỉ tôi

thường về ở với chị, nhiều hơn hồi xưa ở ngoài Bắc nữa. Vì lúc này cha mẹ

tôi đều đã qua đời ở ngoài Bắc, nên lũ em còn nhỏ tuổi chúng tôi phải phân

tán chia nhau ra mà tá túc tại nhà các anh chị lớn, mà đã có nhà riêng đủ

rộng rãi để chứa chấp các em. Chị luôn khích lệ cổ võ cho tôi trong chuyện

học hành thi cử. Nhờ vậy mà tôi đã học xong hết cấp đại học.

Tôi rất nhớ những chuyện chị tâm sự với tôi. Điển hình như lúc tôi ngồi tại

quầy bán hàng vàng với chị, thì có lần chị nói : “Em có biết không, làm cái

nghề buôn bán này, thì có nhiều cám dỗ để mà tham lam, gạt gẫm khách

hàng hầu kiếm lợi tối đa cho mình. Như vậy là phạm tội lường gạt, là “lỗi

đức công bằng”. Riêng một mình chị thì phạm tội để có thêm tiền cho chồng

con ăn xài. Như vậy là cả nhà được hưởng lợi, mà riêng chị thì mắc tội để

sau này bị vướng mắt trước tòa phán xét nghiêm ngặt của Chúa. Do đó mà

chị phải cảnh giác, không làm chuyện lừa gạt khiến gây thiệt hại cho thân

chủ khách hàng…” Lời chị nói như thế đó càng làm cho tôi nhớ lại điều mà

mẹ tôi thường hay nhắc nhủ chúng tôi về bổn phận của con nhà có đạo là

phải giữ “đức công bằng”. Bà cụ nói : “ Chúng con phải hết sức tránh, không

được để cho mình phạm lỗi đối với bà con, vì làm điều gian dối khiến gây

thiệt hại cho họ. Đó còn là cái tội trước mặt Chúa nữa…”

Dịp khác, chị còn nói : “ Đứa trẻ chỉ có thể lớn lên được, đó là nhờ ở tình

yêu thương ấp ủ trong cái nôi êm ấm của gia đình bằng tình yêu thương của

cha mẹ, của các anh chị em và bà con họ hàng nội ngoại …” Điều bà chị của

anh nói rõ ràng là “ do kinh nghiệm bản thân, chứ không phải là do sách vở

mà trích dẫn ra “ : Đó là nhận xét của chị bác sĩ Olivette người Bỉ nói với

tôi, khi tôi nhắc lại câu nói trên do chị Ba tâm sự với tôi vào năm 1969-70 ở

Saigon, lúc chính vợ chồng tôi cũng đã có mấy đứa con rồi.

Tôi thấy anh chị suốt đời đã rất thuận thảo và đồng lòng hợp ý chăm sóc rất

chu đáo cho các cháu, cũng như là lo lắng bảo bọc lũ em như chúng tôi.

Điểm đặc biệt tại nhà anh chị là vì bận rộn với chuyện kinh doanh làm ăn,

phải vắng nhà, thì anh chị giao toàn quyền cho Cô Đoán như là một vị

“Quản gia”, để quán xuyến mọi việc trong nhà, nhất là lo trông coi mấy cháu

nhỏ. Cô được sự tín nhiệm hoàn toàn trong mọi việc nội trợ, đến nỗi mà mấy

cháu nhỏ phải nói với tôi : “ Tụi cháu sợ Cô Đoán la rày, hơn là sợ bố mẹ

chúng cháu “. Sự đối xử tế nhị như thế làm cho Cô Đoán thật cảm phục.

Không những đối với con ruột, mà ngay cả đối với các con dâu, con rể, thì

chị cũng đối xử rất ngọt ngào, hiền dịu. Cháu Hà là con dâu trưởng nhiều lần

tâm sự với tôi : “ Cháu chưa thấy một bà mẹ chồng nào mà lại đối xử với

con dâu tốt đẹp, tươm tất như mẹ của anh Hiền chồng cháu”. Cháu Hưng là

con trai út, thì cũng tâm sự : “ Cháu đi tìm người con gái nào mà có được

đức tính như mẹ của cháu, thì mới có thể xin cưới cô ta làm vợ được. Nhưng

mà, cháu kiếm hoài vẫn chưa gặp được người nào nết na, dịu hiền như mẹ

cháu cả. Thật là khó đấy! “

Còn luật sư Đỗ Xuân Hòa, thì cũng thường nói : Ít có bà cụ nào mà có sự

khôn ngoan chín chắn và có tấm lòng nhân hậu dịu dàng như bà cụ Trường

Nguyên. Luật sư Hòa có bà xã nhận chị tôi là “ người đỡ đầu khi chị gia

nhập đạo công giáo”, nên hai anh chị thường có dịp lui tới thăm nom gặp gỡ

với gia đình chị tôi. Vì thế mà cả hai vợ chồng rất gắn bó với toàn thể gia

đình. Luật sư Hòa còn nói rõ : “ Mọi việc trong nhà, thì hầu hết là do bà cụ

sắp xếp, tổ chức đâu ra đấy. Mà ông cụ thường luôn thuận thảo, tán đồng

theo ý kiến rất xác đáng có tình có lý của bà, nhờ vậy nên công việc đều êm

xuôi “thuận chèo mát mái” cả.

Cụ thể là nhờ tính cương quyết, kiên trì của chị mà toàn bộ gia đình mới có

thể đi thoát khỏi chế độ cộng sản vào năm 1975. Chị đã lo bố trí ghe thuyền

tươm tất để tất cả gia đình và một số bà con khác có thể êm thắm ra khơi tại

bãi biển Vũng Tàu, đúng vào lúc miền Nam sụp đổ vào tay quân đội cộng

sản vào ngày 30 Tháng tư oan nghiệt năm đó. Tôi vẫn còn nhớ lúc gặp chị

vào cuối tháng Tư năm 1975 tại xưởng làm nước mắm của chị tại khu Bến

Đá Vũng Tàu, thì chị dặn tôi : “Em ở Saigon ráng thu xếp đưa gia đình di tản

đi thôi. Người trí thúc như em, thật khó mà sống với cộng sản được. Cái

chuyện “cha chung không ai khóc” khiến cho nền kinh tế tập trung kiểu

cộng sản mỗi ngày một lụn bại, làm dân chúng đói khổ lầm than mà thôi!”

Để chị yên tâm, tôi cũng nói là em có thể kiếm máy bay cho cả gia đình đi từ

Saigon cho tiện, vì các cháu còn nhỏ dại. Và đó là lần sau cùng hai chị em

chúng tôi gặp nhau.

Vì anh chị đều tận tâm chăm sóc dìu dắt lũ con như thế, nên các cháu đều

thành đạt về nghề nghiệp, cũng như noi theo được tấm gương đạo hạnh tốt

lành của cha mẹ. Đặc biệt là các cháu đều tham gia rất tích cực vào các loại

công tác xã hội từ thiện, cũng như công việc xây dụng của giáo hội công

giáo. Điển hình như cháu Hồng Vân là trưởng nữ và chồng là bác sĩ Nguyễn

Duy Thuần, khi còn sinh tiền làm ăn ở bên Texas, thì cả hai vợ chồng đã hết

sức góp phần yểm trợ cho các giáo phận ở ngoài Bắc và được Đức Hồng Y

Phạm Đình Tụng công khai tán dương công đức vào lúc cháu Vân Thuần

qua đời vì bạo bệnh.

Riêng về phần anh, thì Chúa đã cho anh sống tới tuổi thọ khá cao. Năm 2009

này, anh đã bước qua tuổi 95, kể là vào loại “thượng thọ” được rồi. Mà anh

vẫn còn minh mẫn sáng suốt. Anh vẫn thường kể lại về những kỷ niệm thật

tươi đẹp với chị trong suốt bao nhiêu năm chung sống với nhau. Và bây giờ

các cháu đều trưởng thành chững chạc, sinh hoạt thuận thảo quây quần với

nhau trên đất Mỹ. Các cháu đều hết lòng biết ơn cha mẹ đã hy sinh trọn cuộc

đời để vun đắp cho các cháu trở thành người có nhân cách thanh cao, có

nghề nghiệp đàng hoàng, và nhất là có lòng đạo hạnh và niềm tin sắt đá

vững vàng. Rõ rệt đây là trường hợp “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.

Về phần bản thân mình là người em của chị, tôi thật tự hào là có được một

người chị vừa nết na đạo hạnh, vừa có tài ba để xây dựng được một gia đình

yên vui hạnh phúc với lũ con, cháu và chắt thật là đông đúc, mà lại rất thuận

hòa yêu thương gắn bó mật thiết với nhau. Chị tôi chẳng phải là một bậc nữ

lưu tài ba nổi tiếng ngoài xã hội ; chị chẳng có công trạng lớn lao đáng kể gì

đối với làng quê, đối với quốc gia, để mà được tung hô ca tụng. Mà chị chỉ

là một phụ nữ bình thường, là một người mẹ, một người chị suốt cả cuộc đời

chỉ biết hoạt động bên trong ngưỡng cửa của gia đình. Nhưng rõ rệt là chị đã

để lại một tấm gương sáng ngời với một nhân cách cao quý, một tinh thần hy

sinh tận tụy cho gia đình nhỏ của riêng mình, cũng như cho cả đại gia đình

bên nội và bên ngoại của các cháu. Chị là người đã giữ mãi được cái ngọn

lửa yêu thương nồng ấm của truyền thống gia phong gia đạo, do cha mẹ

chúng tôi truyền lại. Từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, tôi đã học hỏi

được biết bao nhiêu điều tốt đẹp quý báu nơi chị.Tôi thật biết ơn chị và cũng

phấn khởi với chị xuyên qua những điều cao quý như thế đó.

Tôi luôn tưởng nhớ về chị với tấm lòng yêu thương quý trọng của một

người em nhỏ trong gia đình. Và tôi cũng luôn cố gắng để xứng đáng với

người chị tuyệt vời của mình nữa./

California, Tháng 12 Năm 2009

Đoàn Thanh Liêm

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay