CHUYỆN CỦA BỆNH NHÂN TÔI

CHUYỆN CỦA BỆNH NHÂN TÔI

Bs. THANH THỦY

Tri’ch EPHATA 612

Chuyện thứ nhất

“Tốn hơn 2.500.000 đồng bao xe lên Sàigòn khám bệnh được gặp bác sĩ chưa đầy 5 phút !” Câu nói thật lòng của thầy giáo cũ làm tôi thấy ray rứt. Dù thầy không có ý mỉa mai nhưng sao hai con số cứ như lờn vờn, thách thức nhau. Quả thật, tôi cũng có những bệnh nhân từ Phú Quốc, Hà Tiên, Quảng Ngãi, Nha Trang lên thành phố khám bệnh. Cảm giác đầu tiên là tôi thấy đồng nghiệp của mình có lỗi. Có thể vì không giải thích rõ ràng cho bệnh nhân hoặc vì không có nhiều thì giờ để lắng nghe bệnh nhân, hay thậm chí vì bản tính cố hữu là không muốn nghe bệnh nhân nói nhất là những lời kể lể dông dài, ta thán ! Và tôi thấy mình cũng phạm lỗi nếu như không tìm ra đúng bệnh cho bệnh nhân. Bệnh nhân cất công tìm đến đây, vất vả vượt đoạn đường dài, bỏ cả công ăn việc làm chỉ mong gặp bác sĩ nói hết dấu hiệu bệnh tật, đôi khi thổ lộ cả nỗi lòng… Nhưng sao bác sĩ quá đỗi lạnh lùng ! Đôi khi bác sĩ thờ ơ khám bệnh chẳng buồn nhìn mặt bệnh nhân !

Chuyện thứ hai

“Bác sĩ ơi, lần trước bác sĩ quên cho tôi thuốc bao tử !”

“Có chứ, thuốc số 5 đó chị, tôi ghi rõ kế bên tên thuốc mà…” Chị ngập ngừng nhìn tôi: “Bác sĩ ơi, tôi không biết… chữ !”

“Vậy nhờ con cái đọc cho nghen…” Chị bỗng òa khóc nức nở. Chị có đứa con gái duy nhất mười ba tuổi. Chị chăm lo cho nó từ việc học hành cho đến ăn mặc, chỉ sợ con mình thua kém bè bạn trang lứa. Nhà chị nghèo, mồ côi cha, đông anh em nên thiệt thòi. Chị bù đắp cho con tất cả những gì chị từng thiếu thốn. Đứa con gái chỉ biết đón nhận và xem đó như là lẽ tự nhiên ! Con bé thường đến khám với tôi vì sốt, đau họng và ho. Trông nó không đến nỗi ương bướng. Tôi lân la trò chuyện.

Có hôm tôi nói: “Nếu cô là mẹ con, cô sẽ không cho con đi học.” Nó tròn xoe mắt nhìn tôi, tôi nhẹ nhàng nói tiếp: “Vì mẹ không biết chữ, cho con đi học là vô ích. Con nghĩ lại xem, cô nói đúng không ? Con may mắn được đến trường, con không thấy thương mẹ mình không biết đọc, biết viết sao ? Mẹ nhờ con đọc có mỗi cái toa thuốc, con nặng nhẹ mẹ đủ điều trong khi con có thể giúp mẹ học được chứ”… Bẵng đi một thời gian, tôi không nhớ đến mẹ con chị. Bỗng một hôm nhân Ngày Thầy Thuốc, tôi nhận một lẵng hoa hồng nhỏ xinh xinh kèm theo thiệp chúc mừng với dòng chữ nguệch ngoạc non nớt: “Bác sĩ ơi, mừng ngày Thầy Thuốc 27.2. Chúc bác sĩ vui khẻo ( khỏe ) và hạnh phúc. bệnh nhân không biết chữ.” Tôi lặng người xúc động, vui sướng.

Chuyện thứ ba

“Bác sĩ ơi, cứu con, con chỉ có một lần thôi mà… Ba con biết là giết con. Giúp con với bác sĩ ơi”. Cô bé nấc lên, sụp xuống chân tôi. Tôi nắm tay nâng cô bé đứng dậy. Thuyết phục cô bé giữ lại cái thai 10 tuần tuổi là vấn đề không đơn giản. Cô bé đang hoảng loạn. Tôi khuyên nhủ, dỗ dành cô bé. Miễn là cô bé chịu gặp chị bạn của tôi – một bà nội trẻ rất thông cảm và thương yêu cháu gái lỡ lầm. Nhờ tài “ăn nói” của chị, cô bé đồng ý về sống ở mái ấm.

Mái ấm chúng tôi tự nguyện giúp các em lỡ lầm. Mái ấm chúng tôi tìm gặp ba mẹ cô bé để thuyết phục họ chấp nhận cháu ngoại dù là ngoài ý muốn. Mái ấm chúng tôi không phân biệt bà mẹ và các bé. Đại gia đình mà ông ngoại – người sáng lập mái ấm – là người độc thân. Chúng tôi có hơn ngàn đứa cháu ngoại, đứa nào cũng thật dễ thương. Đôi mắt chúng trong veo. Nụ cười chúng ngây thơ. Những bà mẹ đơn thân nhưng lòng đầy can đảm dám giữ lại đứa con và quyết nuôi dạy chúng nên người.

Dù không nói ra chúng tôi thầm trách những người cha vô trách nhiệm, những con người bội bạc. Lối sống ích kỷ, thực dụng là căn bệnh trầm kha của thời đại…

Chuyện thứ tư

Bệnh nhân tôi đến khám định kỳ với mắt trái bầm tím. Ngoài giờ lái xe đưa rước học sinh, anh còn chạy xe ôm kiếm tiền cho con học thêm. Một cuốc xe đêm 50.000 đồng đến địa chỉ cụ thể. Gần đến nơi vị khách này bỗng nài xin đi xa hơn nữa, là phía sau nghĩa trang tối mịt. Anh hoảng sợ khi nghĩ đến chuyện cướp xe nên từ chối. Thế là nó xuống xe chẳng những không trả tiền mà còn vung tay đấm thẳng vào mắt anh. May là có người đi đường…

Anh thuộc diện Bảo Hiểm Y Tế hộ cận nghèo nên toa thuốc nào tôi cũng tính toán để anh khỏi phải đóng tiền vượt ngưỡng. Phòng khám tôi hỗ trợ người nghèo bằng cách không thu phí khám bệnh. Đó cũng là lý do vì sao tôi gắn bó với nơi này dù tiền lương không cao lắm. Anh bệnh mãn tính, chị vợ mới phát hiện bị u đại tràng. Anh lo lắng, bận bịu nuôi vợ bệnh, không thấy đến tái khám theo hẹn. Tôi thấy lo lo, mong cho gia đình nhỏ của họ bình yên…

Chuyện thứ năm

“Lâu quá chú không tới khám bệnh rồi thuốc đâu mà uống ?” Người đàn ông gầy gò gần bảy mươi tuổi nhìn tôi ngập ngừng: “Đợi con dâu cho tiền cô ơi ! Vài tháng nó cho năm, bảy chục ngàn…”

“Chú nhớ đừng tự ý bỏ thuốc nghen !”

“Khổ lắm bác sĩ ơi ! Con trai tôi bỏ đi lâu rồi, không tìm ra tung tích. Con dâu lấy người khác rồi dắt thằng đó về ở nhà tui…”

“Chú không nói gì sao ?”

“Tôi già rồi, sống nay, chết mai…” Hai giọt nước mắt lăn tròn trên đôi má già nua, hốc hác.

Chuyện thứ sáu

Bà mẹ cõng con trai hơn 2 tuổi trốn Bệnh Viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai, đi xe bus xuống Sàigòn tìm tôi. Bà mẹ không tin bệnh viện vì nằm hơn tuần lễ vẫn không biết bé bệnh gì và chuẩn bị ngày mai làm xét nghiệm máu đóng tiền đến 500.000 đồng. Trước đây tôi từng khám bệnh giúp hai cháu con của chị. Lần này bà mẹ cũng nhận toa thuốc không tốn tiền. Tiếc rằng hôm đó tôi không mang theo nhiều tiền gởi thêm cho hai mẹ con cháu…

Chuyện thứ bảy

“Lần sau không biết tui còn được khám bệnh nữa không, bác sĩ ơi !”

“Sao vậy anh ? Cao huyết áp, tim mạch anh uống thuốc mỗi ngày đó nghen !”

“Ở phường kêu tui đóng phân nửa tiền mua bảo hiểm.”

Anh ở nhà thuê, chạy xe ôm, vợ bệnh tật ở nhà nhận xếp bao bì ( giấy ), cô con gái làm công nhân lương tháng 3.500.000 đồng. Cô con gái đầu lòng mất từ nhiều năm trước vì điên loạn. Tìm đâu ra 300.000 đồng lúc này…

Chuyện thứ tám

Hai vợ chồng cùng bước vào. Người vợ trấn tĩnh chồng, khích lệ: “Nói với bác sĩ đi”. Người chồng được Bệnh Viện tỉnh VL. và Phòng Khám Loan Trâm chẩn đoán xơ gan, theo dõi ung thư. Hai vợ chồng khóc hết nước mắt, đành chờ chết. Không hiểu sao có người cùng ở Phước Định khám bệnh với tôi và hai vợ chồng quyết định đến Phòng Khám này… Rất may người chồng chỉ bị viêm gan B. Anh đều đặn, đúng hẹn mỗi tháng hai lần đi Sàigòn lãnh thuốc, định kỳ ba tháng kiểm tra lại bệnh. Tôi khuyên anh về Bệnh Viện VL. khám bệnh, lãnh thuốc nhưng anh ngại ở đó không cho đúng thuốc. Tiền thuốc anh hưởng theo bảo hiểm tốn kém không nhiều nhưng tiền xe hàng tháng ngốn mất 500.000 đồng. Vậy là cứ hai tuần tôi đăng ký khám bệnh, lãnh thuốc dùm anh và gởi về qua xe khách.

Chuyện thứ chín

Anh bị cường giáp, suy tim, uống thuốc liên tục gần một năm nay. Nhắc anh thử máu kiểm tra chức năng tuyến giáp, tim mạch, anh hẹn lần lữa vì không đủ tiền ( lý do này về sau tôi đoán biết ). Thử máu xong, nhận toa thuốc, anh nán lại tôi hỏi chuyện. Hai vợ chồng thiếu 300.000 đồng mua đậu đường bán chè, hỏi vay tiền thì bị buộc vay đủ 500.000 đồng, bắt phải trả 100.000 đồng tiền lời mỗi tháng. Người ta hẹn anh tối nay đến lấy tiền vay…

Chuyện thứ muời

Riêng anh không là bệnh nhân của tôi. Mùng 4 Tết năm đó tôi đi viếng Đất Thánh Tân Ngãi, ghé thăm Nhà Thờ Fatima Vĩnh Long. Tôi lang thang, bách bộ về nhà. Tôi nhác thấy anh lê lết, đôi chân teo quắt, hai bàn tay xỏ đôi dép kẹp rướn người chậm rãi đi mà như bò dưới ánh nắng gay gắt ban trưa. Tôi quay lại hỏi cặn kẽ về anh. Anh tên Bé, quê Trà Ôn, bỏ xứ lên Vĩnh Long lang thang bán vé số. Hơn tháng sau anh nhận chiếc xe lắc Kiến Tường trong niềm vui bất ngờ. Cám ơn soeur N. đã tin tôi dù chưa một lần gặp mặt, cám ơn nhà hảo tâm Kiến Tường giúp tôi dù chỉ nói chuyện qua điện  thoại. Cám ơn cha Sở Fatima Vĩnh Long vất vả tìm anh, rao trong Nhà Thờ như rao hôn phối, nhờ đó Giáo Dân dò tìm ra địa chỉ anh ở trọ.

Bệnh nhân của tôi khốn khó như vậy thì làm sao tôi dửng dưng cho được ! Trong cuộc sống tôi tự nhủ, nhắc nhở mình nhìn xuống. Nhìn xuống, nhìn xuống, cúi xuống thấp hơn, thấp hơn nữa để thấy những mảnh đời tơi tả, để mở chút lòng nhân ái, bao dung. Tôi giúp bệnh nhân không hề tính toán, có khi rất kín đáo – bệnh nhân không hề biết toa thuốc, tiền làm cận lâm sàng đã có người thanh toán mọi chi phí…

Thật là mâu thuẫn… khi tôi định sắm sửa cho mình, tôi cân nhắc từng li từng tí nhưng khi cho bệnh nhân tôi chẳng nghĩ ngợi điều gì ! Người nghèo ngay trước mặt tôi, người nghèo nhan nhản nơi tôi ở… Mỗi người có cách riêng tùy điều kiện và khả năng giúp họ, thì xin ai đó đừng buộc người khác đóng góp theo cách của mình ! Xin hãy mở lòng ra với mọi người…

Bs. THANH THỦY

 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay