CHA VÀ CON
Nguyễn Văn Quyền
Hắn ra tù. Tự biết không có ma nào đến đón, đành dứt khoát bước đi. Xe Honda ôm vào giờ này không thiếu, nhưng hắn thích đi bộ. Lững thững đi hoài như người rảnh rang lắm, trời tối mịt mới đến thị xã.
“Khách sạn công viên” trước Cung thiếu nhi, khi xưa là chỗ ngủ tốt nhất của dân bụi đời. Trong một năm hắn ở tù, khu vực này đã sửa sang, trồng trọt đủ thứ hoa kiểng. Lại thêm nhiều đèn chùm đầy màu sắc, đứng xếp hàng nối dài khoe đẹp khoe sáng.
10 giờ đêm. Hắn lại quảy túi đi… Rồi cũng phát hiện ra chỗ ngủ lý tưởng. Cái thềm xi măng sát tường rào bệnh viện, có tàn cây phượng vĩ che khuất ánh đèn, giúp lại khoảng thềm tôi tối cỡ ánh sáng đèn ngủ. Hắn nghĩ: “Chỗ này chắc nhiều muỗi, nhưng ngủ rất êm không bị xe cộ ồn ào”. Moi từ cái túi ra tấm vải xanh cũ bèo nhèo, có thể gọi tạm là mền, trải ra, kê túi gối đầu lên, hắn nhắm mắt. Đi bộ mệt mỏi cả ngày nên hắn ngủ rất ngon.
Gần sáng, hắn giật mình tỉnh giấc, lạnh toát với cảm giác nghĩ có con gì đó quấn quanh cổ. Hắn nằm im định thần. Sát ngực hắn là một làn hơi thở nhẹ và một trái tim ai đó đập đều nhịp, cánh tay của người ấy vòng quanh cổ hắn. Hắn lẩm bẩm:
Con mẹ nào đây?
Hắn nhè nhẹ ngồi lên, nheo mắt nhìn. Hoá ra là một thằng nhỏ chừng hơn 10 tuổi. Mặc cái áo rách bươm bày ra bộ ngực lép kẹp, đã giành muốn hết cái mền của hắn. Nó cũng thuộc dạng không nhà như hắn, đang ngáy pho pho ngon lành, chẳng hay biết thằng cha nằm kế bên đã thức giấc, đang nhìn mình chăm chăm.
Hắm dợm người đứng lên, định bỏ đi tìm chỗ khác ngủ. Nhưng nghĩ gì đó, hắn nằm trở xuống, xoay lưng về phía thằng nhỏ, đưa tay kéo lại cái mền. Hắn nhắm mắt cố dỗ giấc nhưng không tài nào ngủ lại được. Hắn ngồi dậy móc thuốc hút, chợt thấy cái mền bỏ không, trong khi thằng bé bị sương xuống lạnh, càng lúc càng co tôm lại. Hắn bất giác chửi thề, rồi kéo mền đắp lên người thằng nhỏ.
Hút hết điếu thuốc, hắn nằm xuống thiếp được một lúc, tới khi thức dậy thằng nhỏ bỏ đi mất tiêu. Hắn hốt hoảng thọc tay vào túi quần kiểm tra, số tiền vẫn còn nguyên. Hắn thở phào, xếp mền bỏ vào túi, quàng lên vai bước đi.
Cả ngày hắn đi tìm việc làm nhưng không ai mướn, đành xài thật dè xẻn từng đồng. Xong, trở lại nơi tối qua nằm ngủ.
Hắn còn hút thuốc thì thằng nhỏ lại về. Nó thò lõ mắt nhìn, trách hắn:
– Sao ông giành chỗ ngủ của tui hoài vậy?
– Chỗ nào của mầy?
– Thì đây chứ đâu?
– Vậy hả? Thôi để tao ngồi chơi một chút rồi đi, trả chỗ cho.
Thằng nhỏ thấy người đàn ông vạm vỡ nhưng có vẻ biết điều, liền tới ngồi cạnh hỏi chuyện. Bỗng nhiên hắn trút hết tâm sự với thằng nhỏ. Từ chuyện bỏ làng ra đi, đến chuyện ở tù hai lần, cả việc từng ăn ở với đàn bà lang thang và bây giờ là không tìm được việc làm.
Nghe xong, thằng nhỏ phán một câu xanh rờn:
– Dám chừng tui là con ông lắm à?
– Nói bậy! – Hắn nạt thật sự – Mầy con của ai?
– Má tui làm gái, gặp ông nào đó ở với bả. Bả có bầu thì đẻ ra tui. Bả bệnh chết rồi. Mấy năm trời tui sống với một bà già mù, dắt đi ăn xin lay lất. Rồi bả cũng chết luôn. Còn mình tui.
– Vậy mà nói là con tao?
– Biết đâu được?
– Mầy làm nghề gì mà lúc nào cũng về muộn?
– Buổi sáng tui đi khiêng cá biển, tiếp bà chủ làm khô. Buổi chiều tui đi bán thêm vé số, tới khuya mới về đây ngủ.
– Sao mầy hổng ngủ ở chỗ làm khô luôn, từ bến cảng đi tới đây xa bộn?
– Ông khờ quá! –
Thằng nhỏ đập muỗi cái bộp, rồi nói tỉnh queo – Muốn kiếm được việc làm bộ dễ lắm sao, mình cù bơ cù bất ai muốn? Phải nói dóc: Nhà ở xóm Bánh Tằm, có ba má đàng hoàng, tại nghèo mới đi kiếm việc làm tiếp gia đình, tối về nhà chớ bộ.
– Mầy giỏi hơn tao – Hắn buột miệng khen, hỏi tiếp – Mầy làm đủ sống không?
– Dư! Cho ông biết tui lấy vé số bằng tiền mặt đàng hoàng. Còn tiền gởi cho ông chủ thầu cất giùm một số nữa.
– Quá xạo!
– Hổng tin thì thôi – Thằng nhỏ nằm xuống, ngáp vắn ngáp dài – Ông ngủ đây với tui cũng được, ngủ chung với ông ấm hơn.
Tự dưng hắn cảm thấy mình bị xúc phạm khi phải ngủ nhờ thằng nhỏ, dù rằng thềm xi măng là của bệnh viện. Nhưng rõ ràng thằng nhỏ oai hơn hắn ở chỗ đầy vẻ tự tin và có việc làm đủ sống. Hắn ôm túi đứng lên bỏ đi. Thằng nhỏ vòng tay ra sau ót, nhóng cổ nói:
– Dân bụi đời mà còn bày đặt tự ái.
Hắn đảo một vòng nhỏ, kết cuộc đành trở lại. Thằng nhỏ cười hi hi:
Tui nói rồi. Chỗ này là ngon lành nhất thị xã, ngủ lạng quạng tổ bảo vệ lôi về khu phố phạt tiền là chết – Nó lăn người xích qua, nhường phần cho người đàn ông nằm xuống bên cạnh, thì thào – Tôi chỉ cho ông chỗ ngủ ngon lắnm.
– Ở đâu?
Trong bệnh viện. Vô ngủ ngoài hành lang người ta tưởng đâu mình đi nuôi bệnh, hổng ai thèm đuổi.
Hắn thở dài trong bóng tối:
– Sao mầy hổng vô đó ngủ, xúi tao?
– Tui ghét mùi thuốc sát trùng.
– Tao cũng vậy.
Sáng ra, thằng nhỏ lại thức sớm đi trước, hắn tiếp tục quẩn quanh với một ngày không có việc làm. Hắn không dám ăn cơm chỉ ăn bánh mì, uống một bọc trà đá, dành tiền cho những ngày sau.
Đêm nay, phố thị buồn mênh mang theo tâm trạng. Hắn bắt đầu chùn ý chí, nghĩ thầm: “Lúc mới ra tù còn ít tiền, giá cứ tìm nơi nào đó gần trại giam ở lại, lầm thuê làm mướn chắc dễ dàng hơn”.
Hắn nghe sống mũi cay cay, hình như một vài giọt nước đòi rơi ra từ mắt, hắn không kiềm giữ cứ để nó tuôn trào.
Bàn tay thằng nhỏ sờ vào mắt hắn:
– Ngủ rồi hả? Ý trời, sao ông khóc, chưa kiếm được việc làm phải không?
Hắn gượng cười:
– Tao khóc hồi nào? Tại ngáp chảy nước mắt thôi.
Thằng nhỏ ra vẻ sành sỏi:
– Má tui nói bụi đời mà còn biết khóc là bụi đời lương thiện. Tui khoái ông rùi đó, ngồi dậy “hưởng xái” với tui cái bánh bao nè.
Hắn ngồi lên sượng sùng:
– Mầy sang quá.
– Ờ! Tui ăn sang lắm, hổng ăn sao đủ sức đi làm suốt ngày! – Nó ngừng lời ngoạm một miếng lớn bánh bao, rồi nói nhẹ xều – Ông chịu để tui giúp, chắc sẽ tìm được việc làm.
– Làm gì? – Hắn có vẻ không tin, thờ ơ hỏi.
– Trước tiên, ông chịu làm ba tui nghen?
Hắn lắc đầu nguầy nguậy:
– Thân tao lo chưa xong, làm sao nuôi mầy?
– Ai bắt ông nuôi tui, tui nuôi ông thì có. Tui giới thiệu với bà chủ ông là ba tui. Nếu được nhận vô làm khô cho bả, sức ông mạnh, kiếm tiền nhiều hơn tui là cái chắc.
– Làm gì?
– Khiêng cá, gỡ khô ngoài nắng, vác khô lên xe –
Thằng nhỏ ngừng lời đưa tay nắm cổ tay hắn bóp bóp – Ông bụi đời mà sao hổng ốm, lại khoẻ mà còn hiền nữa chứ!
Một năm ở tù, tao lao động tốt mà – Hắn tự hào khoe, nói tiếp – Ai mới ở tù ra mà hổng hiền, có người sau khi được cải tạo thành tốt luôn, có người hiền được vài ba bữa.
– Nè! Ông nhớ việc cần thiết là: Nhà mình ở xóm Bánh Tằm, vợ ông bán bún cá, tui còn hai đứa em gái đang đi học. Mà ông có bộ đồ nào mới hơn bộ này không, ngày đầu đi xin việc phải đẹp trai, ít te tua một chút.
Hắn vỗ vỗ tay vào cái túi du lịch:
– Có, tao còn một bộ hơi mới. Mầy tên gì, sao má mầy ở xóm Bánh Tằm mà bán bún?
– Thì nói mẹ nó vậy. Tui tên Tèo nghe ba?
– Tao chịu cách xin việc của mầy, nhưng tao ghét có con lắm. Ở chỗ làm mầy kêu tao bằng ba, ngoài ra thì xưng hô như bây giờ.
– Ông cà chớn chết mẹ, người ta giúp cho mà còn làm phách – Thằng Tèo nhe răng cười hì hì – Ăn bánh bao vô khát nước quá ta.
– Tao mua cho – Hắn đứng lên đi lại quán mua hai bọc Pepsi.
Thằng Tèo nhăn mặt:
– Chưa có việc làm mà sài sang quá vậy ba?
Hắn nghiêm mặt:
– Mầy còn kêu như vậy, tao không nói chuyện đâu. Đây là tao đãi mầy, cảm ơn công giúp tao có việc làm.
– Biết đâu người ta hổng nhận thì sao?
– Thì kệ, coi như phá huề cái bánh bao với mầy.
Đêm đó hắn khó ngủ, lầm thầm nghiền ngẫm cái hoàn cảnh gia đình và địa chỉ do thằng Tèo đặt ra giúp hắn.
Vóc dáng khoẻ mạnh của hắn làm vừa mắt bà chủ. Hắn có việc làm, lương tháng kha khá, bèn bàn với thằng Tèo hùn nhau kiếm một chỗ trọ, thằng Tèo đồng ý.
Cái chỗ ở nhỏ xíu như cái hộp, ban ngày nắng nóng một ngộp thở, nhưng cũng sướng hơn ngủ ở thềm rào bệnh viện. Hơn nữa, ban ngày “cha con” nó có ở nhà đâu mà sợ nóng. Hắn và thằng Tèo có vẻ thương nhau nhiều hơn, nhưng không ai chịu bày tỏ điều đó. Nếu không phải ở chỗ làm khô mà thằng Tèo lỡ miệng kêu ba, là hắn cau mày khó chịu. Thằng Tèo không ưa cái kiểu bực bội của hắn, nên nói chuyện với hắn trống không, hổng ông hổng ba gì hết.
Hắn những tưởng cuộc sống êm trôi với công việc tanh tưởi cá biển. Nhưng sự đời thật không đơn giản, tới tháng làm thứ năm thì có chuyện xảy ra.
Sáng nay mới vác cần xé cá từ tàu lên bờ, thấy xôn xao trên nhà chủ, hắn vội đi lên.
Thằng Tèo đang bị bà chủ nắm áo. Bà ngoác cái miệng tô môi son đỏ chót gào lên:
– Nó ăn cắp bóp tiền, tui mới để đây xoay lưng đi vô, quay ra đã mất. Có mình nó đứng đây, ai vào lấy chớ?
Thằng Tèo nước mắt ngắn nước mắt dài, mũi dãi lòng thòng quẹt lấy quẹt để:
– Tui không ăn cắp đâu. Tui tốt nào giờ bà chủ biết mà?
– Nghèo mà tốt gì mày? Ba mầy hổng biết dạy con, tao tốt với cha con mầy quá, sao trả ơn vậy hả?
Hắn đứng im không thanh minh, mặc cho bà chủ xỉa xói chửi không ra gì cái thằng cha là hắn. Hắn đi lại bên thằng Tèo hỏi ngọt ngào:
– Mầy có lấy tiền của bà chủ không?
– Tui thề có trời, tui không lấy.
Một bên bà chủ sang trọng nói mất, một bên là thằng con hờ bảo không lấy. Hắn còn đang lúng túng thì hai anh công an phường tới. Mỗi lần gặp công an hắn lại nhớ tới trại giam. Hắn nghĩ thằng Tèo mới hơn mười tuổi mà phải chịu tiếng tù tội, sẽ ảnh hưởng tới tương lai sau này của thằng nhỏ không ít và hằn sâu trong ký ức nó khó nguôi quên. Như bản thân hắn đây! Có thể nó lỡ dại một lần, nhưng làm sao nỡ để nó bị bắt, khi thực bụng hắn thương nó như con.
Hắn vẹt đám người hiếu kỳ bu xung quanh, đi tới trước mắt hai anh công an thú tội:
– Tui ăn cắp tiền của bà chủ, lỡ tay đánh rơi xuống nước, chắc là trôi ra biển mất rồi.
Hắn im lặng đi theo đà đẩy của người công an, không thèm nhìn thằng Tèo đang há hốc miệng trông theo hắn. Lòng hắn nặng trĩu nhớ tới tiền án có sẵn. Nhưng rồi hắn chuyển sang niềm hy vọng: “Chắc chắn các anh công an sẽ tìm ra thủ phạm và mình được trả về”.
Thằng Tèo thấy niềm thương cảm dâng lên đầy ứ ngực, nó tốc chạy theo, hai tay đưa về phía trước chới với. Giọng nó khàn đục, gào tha thiết:
– Ba ơi, ba bỏ con sao ba?
Bất giác hắn xúc động tột cùng, cảm giác thương yêu chạy dọc sống lưng làm ớn lạnh. Hắn giật phắt người, quay lại hỏi bằng giọng âu yếm:
– Con kêu ba hả Tèo?
Công an đưa hắn lên xe. Thằng Tèo chạy theo, luồn lách trong dòng xe cộ, hụp hử trong khói bụi sau xe. Nó chạy luôn tới trụ sở công an, lảng vảng đứng ngoài chờ mà không biết chờ cái gì. Không thể làm gì hơn, thằng Tèo chửi cha chửi mẹ kẻ nào ăn cắp bóp tiền của bà chủ và nó tin tưởng các chú công an sẽ bắt được thằng ăn cắp.
Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, thằng Tèo đang ngồi dựa lưng vào tường, nhắm mắt ngủ gà ngủ gật, thì một bàn tay ai đập mạnh vào vai. Nó giật mình dụi mắt. Bà chủ nách kẹp cái bóp, đứng ngó nó cười toe toét:
– Đi vô lãnh ba mầy ra. Cái bóp dì mang theo lúc đi tiểu, bỏ quên trong toa lét mà tưởng mất. Dì đãng trí quá.
Vậy là “ba” thằng Tèo được thả. Nó nhào tới thót lên cổ ba để ba cõng nó tưng tưng trên lưng miệng liến thoắng:
– Ba thấy chưa? Ở hiền gặp lành mà!
Bà chủ đi sát bên, đưa tặng cha con nó chút tiền với thái độ của người có lỗi. Hắn lắc đầu không nhận vì đây chỉ là sự hiểu lầm. Thằng Tèo đột ngột dùng cả hai tay giật phắt nắm tiền, nói gọn hơ:
– Con cảm ơn bà chủ. Tiền này cha con mình xài cả tháng đó ba.
Trước hành động đường đột của thằng Tèo, hắn còn biết làm gì hơn là cảm ơn bà chủ. Rồi quay sang rầy “con””
– Con thiệt mất dạy quá, chắc phải cho đi học thôi.
– Ông nói cái gì? – Thằng Tèo khom người xuống nhìn hắn hỏi gằn.
Hắn lặp lại:
– Ba nói con phải đi học để cô giáo dạy những điều hay lẽ phải mới mong nên người.
Thằng Tèo đang ngồi trên lưng đột ngột tụt xuống. Nó lặng im đi miết lên phía trước. Hắn đuổi theo nó, hỏi:
– Sao vậy? Bộ con hổng muốn đi học hả?
Không quay người lại, thằng Tèo chúm chím cười, trả lời:
– Ba hổng biết gì hết trơn, tui đang khoái chớ bộ.
Gió từ biển thổi lộng vào mát rượi. Hắn mỉm cười nhủ thầm: “Gió nhiều thật dễ thở”
Chị Tô Yến gởi