‘Chờ lún’ là ‘bản sắc’ của cầu, đường ở Việt Nam
October 13, 2014
TỔNG HỢP (NV) – Ðường lún, những gò cao giữa hai mối nối cầu và đường, những ống cống như luống khoai nổi trên mặt đường… là “bản sắc” của cầu đường Việt Nam hiện nay.
Ði khắp Việt Nam, chỗ nào có đường vừa làm xong, chờ nghiệm thu, thì đều thấy tấm biển “Ðường chờ lún.”
Con đường đại lộ Ðông Tây, Sài Gòn luôn bị lún thế này. (Hình: Thanh Niên) |
Ðây là cụm từ chứa nhiều thông điệp mà chưa có ai đếm được đã có bao nhiêu nỗi đau, mất mát từ tai nạn giao thông ở nơi “độc nhất vô nhị” trên thế giới này. Chúng góp phần “tô điểm” cho bức tranh xám xịt về tai nạn giao thông trên dải đất hình chữ S.
Theo nguyên tắc làm đường, trước khi làm phải khảo sát độ lún của đất, làm đất nền,… để đường đưa vào vận hành không lún quá biên độ cho phép. Thế nhưng, hầu như con đường nào mới làm ở Việt Nam cũng có nhiều vấn đề về lún.
Ðang chờ lún cũng lún, nghiệm thu xong là đã lún hơn biên độ cho phép. Sau hơn một năm, đường bắt đầu bị bệnh dồn nhựa thành từng cục, hay dợn sóng như mái nhà. Ngay cả vụ đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai vừa khánh thành bị lún nứt thì “anh đất” cũng được đem ra làm bia đỡ đạn.
Nhiều người đặt câu hỏi, có những con đường như xa lộ Ðại Hàn (quốc lộ 1A đoạn từ An Sương đến An Lạc) làm đã hơn 40 năm, dù xe tải chở gỗ thời bao cấp cày xéo ngày đêm nhưng không bao giờ lún quá biên độ như các đường làm hiện nay. Mà đường này cũng được làm từ nền đất ruộng rất mềm, nhão và dễ lún. Không lẽ công nghệ làm đường bây giờ kém hơn hồi đó?!
Vậy mà, ông Lê Kim Thành, phó tổng giám đốc Tổng công ty Ðầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam, đã giải thích cho nguyên nhân đường cao tốc này nứt, lún là do: “Cấu tạo địa tầng vị trí này đã không được phát hiện trước đây do nằm giữa 2 mặt cắt khoan khảo sát địa chất khi xử lý đất yếu”(?!). Như vậy “đường chờ lún” là đường không bao giờ hết lún!
Kế đến là những khớp giao nhau giữa mố cầu và mép đường ở các cây cầu mới làm luôn chênh nhau quá lớn, gây tai nạn liên tục.
Nhiều người hết hồn khi chứng kiến một xe ba gác vừa lên cầu đã lật nhào do độ chênh giữa mép đường và mố cầu như xuống bậc thang.
Ði dọc đại lộ Ðông Tây, cầu An Lạc, cầu An Lập, cầu Bình Ðiền hay những cây cầu trên quốc lộ 1A cũng dễ dàng nhận ra điều này. Xe nào không quen đường, chạy tốc độ cao rất dễ đánh rơi con, rơi đồ đạc… Thậm chí, rơi cả người ngồi phía sau vì độ chênh giữa mép đường và mố cầu quá lớn.
Chưa hết, có những cây cầu nằm ngay trung tâm thành phố Sài Gòn có lưu lượng xe cộ lưu thông rất lớn nhưng thiết kế rất “lạ”: dưới 2 dốc cầu là đường cong như cầu Chà Và bắt ngang quận 6 và 8, hay giữa dốc cầu “chơi” thêm đèn giao thông như cầu Chánh Hưng từ quận 8 qua quận 5. Ấy là chưa kể đến những khe giãn nở nối nhịp trên lòng cầu cũng làm rất cẩu thả.
Còn các cống rãnh nằm trên những con đường thì sao? Chúng rất nguy hiểm. Với cống ngang qua đường, thì luôn cao hơn hoặc thấp hơn mặt đường. Ai chạy xe nhanh, hoặc không chú ý thì sẽ “đo đường” ngay.
Còn cống dọc, thay vì vị trí cống phải nằm ở sát lề đường thì đa phần đặt giữa lòng đường. Nếu xe chạy phía trước né cống, xe sau không tránh kịp thì tai nạn xảy ra là khó tránh khỏi.
Ðường làm như thế, xe thì đông đến nỗi không còn khoảng trống xoay xở thì làm sao giảm được tai nạn giao thông?
Có bao nhiêu chuyên gia ngoại quốc, bao nhiêu học trò, công nhân, dân lành liên tục bị xe cán nát trên đường đi về? Bao giờ thì chấm dứt tình trạng thảm nạn trên?…
Nhiều người dân Việt Nam hay nói mỉa với nhau: “Mỗi ngày ra đường đi làm về đến nhà, rờ thấy mình còn nóng, còn nguyên vẹn thì hãy thốt lên: ‘May quá, hôm nay tôi còn sống!’” (Tr.N)