CHUI QUA LỖ KIM – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa!”.

“Lỗ kim” ám chỉ một trong những cánh cổng ở các bức tường bao quanh thành thánh Giêrusalem. Sau khi trời tối, cánh cổng sẽ đóng lại và cách duy nhất để vào thành là đi qua một cánh cửa nhỏ ở giữa cánh cổng đó. Một người có thể đi qua nó bằng cách cúi xuống, nhưng một con lạc đà thì không thể trừ khi nó quỳ gối và bò qua. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực và chỉ dẫn từ người chủ của nó, nhưng đó là điều có thể!

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật một câu chuyện không vui về một thanh niên giàu có; trước lời đề nghị của Chúa Giêsu, anh buồn rầu bỏ đi. Và Ngài kết luận, “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa!”. Điều này khiến các môn đệ kinh ngạc. Nhưng kinh ngạc hơn – và cũng thú vị hơn – Lời Chúa mời gọi các môn đệ, mời gọi bạn và tôi ‘chui qua lỗ kim!’.

Câu chuyện muốn nhấn mạnh rằng, vào Nước Thiên Chúa, chẳng dễ chút nào! Trong trường hợp này, Chúa Giêsu đang nói về một người giàu dễ trở nên gắn bó với của cải đến mức người ấy không đạt được sự giàu có thiên đàng như thế nào. Ngài mời anh từ bỏ sự giàu có dưới đất để đạt được sự trù phú trên trời. Đầy yêu thương, Ngài nói với anh, “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi!”. Nghe vậy, anh ủ rũ bỏ đi.

Lòng tham của và sự gắn bó với vật chất rõ ràng có khả năng huỷ hoại một tâm hồn. Đó là một sự thật! Nhưng lời dạy này cũng áp dụng cho mọi hình thức gắn bó khác. Khi chúng ta dính mắc vào bất kỳ tội lỗi nào ở mức độ nghiêm trọng và từ chối tách mình khỏi tội lỗi đó, chúng ta sẽ không vào được Vương Quốc.

Chứng kiến sự gắn bó tiền bạc của người bạn trẻ; và sau đó, nghe Chúa Giêsu nói đến sự khó khăn để vào Nước Trời, các môn đệ kinh ngạc, và điều này sẽ thách thức họ. Điều đó là tốt! Tốt vì nó cho thấy họ cũng phải xét mình về những ràng buộc không mấy thánh thiện của mình. Thấy chàng bỏ đi, họ nghĩ đến những gì họ đang vướng mắc. Sự kinh ngạc trong trường hợp này là sự nhận thức thánh thiện rằng, họ phải thay đổi! Tuy nhiên, khi một người thực sự muốn thay đổi và được giải thoát khỏi những ràng buộc thì sẽ không còn bất kỳ trói buộc nào khiến họ tần ngần trước những đòi hỏi của Chúa nữa. Mục tiêu cuối cùng là ‘chui qua lỗ kim’ để trở nên một môn đệ đích thực và việc trở nên này mời gọi họ ‘quỳ gối, bò qua’ để bắt đầu một lối sống mới.

Anh Chị em,

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn”. Vậy ‘lỗ kim’ của bạn mang dáng dấp và thuộc loại hình nào? Nếu bạn muốn ‘chui qua lỗ kim’, bạn phải toàn tâm toàn ý cam kết. Chúa Giêsu không ngần ngại đòi hỏi bạn phải hoàn toàn đầu phục cuộc sống mình cho Ngài. Hãy suy gẫm về những ràng buộc bạn đang vướng mắc và biết rằng, Ngài đang nói với bạn về những ràng buộc này. Hãy vượt qua mọi kinh ngạc và biến sự phục tùng không lay chuyển theo ý muốn của Chúa thành lối sống của bạn. Đây là cách duy nhất để bạn bước vào cánh cổng Vương Quốc.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con tháo cởi những gì cồng kềnh vướng bận, hầu con có thể quỳ gối và bò qua ‘lỗ kim’ Chúa muốn!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***************************************************

Chúa Nhật Tuần XXVIII – Mùa Thường Niên

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

12 Thưa anh em, lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. 13 Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

17 Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18 Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” 24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” 27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” 29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”


 

CÓ PHÚC – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!”.

“Đã từ lâu, Thiên Chúa đấu tranh với một thế giới cứng đầu. Ngài ban cho nó muôn phúc lộc, nhưng những món quà này không chiếm được trái tim nó. Cuối cùng, Ngài tặng ban Con Một! Ai nghe Ngài, người ấy có phúc; vì lắng nghe Ngài là lắng nghe một Ngôi Vị!” – Henry Scougal.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, nhân lời khen của một phụ nữ dành cho người đã cưu mang Chúa Giêsu, chúng ta nghe lời khen ngợi tuyệt vời Ngài dành cho Maria, Mẹ Ngài – người ‘có phúc’ – “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!”.

Chúa Giêsu không từ chối lời khen chơn chất nồng nhiệt mà người phụ nữ dung dị kia dành cho người mẹ đã cưu mang mình – “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Cô ấy có một cái nhìn sâu sắc bởi cô cảm nhận được sự vĩ đại của Ngài; từ sự vĩ đại đó, cô suy ra sự vĩ đại của ai sinh ra Ngài. Với cô, rõ ràng, ai đã sinh ra kiệt tác của nhân loại này, phải là một kiệt tác của nhân loại; Maria là “kiệt tác của một Kiệt Tác!”. Vượt quá quan hệ mẹ con, Chúa Giêsu đi xa hơn khi gián tiếp tuyên bố mẹ Ngài ‘có phúc’ – cốt yếu là – vì đã trung thành lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

Đôi khi, nhiều người hỏi chúng ta – những người Công Giáo – có tin vào tiền định không? Chắc chắn là không! Chúng ta, những người tin Chúa, tin rằng Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một đích đến hạnh phúc. Ngài muốn chúng ta hạnh phúc, may mắn và được ban phước. Hãy chú ý đến cách thức mà từ này được lặp lại trong lời dạy của Chúa Giêsu, “Phúc thay, phúc thay, phúc thay…”. Chúa muốn chúng ta hạnh phúc, một hạnh phúc bắt đầu ngay tại thế gian này dẫu con đường dẫn đến nó không phải là giàu có, quyền lực, thành công hay danh tiếng. Đường dẫn đến nó là tình yêu khiêm nhường và nghèo khó của một người vốn mong đợi tất cả từ Thiên Chúa. Như vậy, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, không chỉ ‘có phúc’ vì liên hệ huyết tộc máu mủ nhưng vì Mẹ đã mong đợi tất cả từ Thiên Chúa.

Anh Chị em,

“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!”. Để một cuộc sống được gọi là ‘có phúc’, trước hết, chúng ta phải biết lắng nghe Đấng cứu rỗi mình. “Nghe” bao hàm nhiều điều hơn là chỉ quen thuộc với các Tin Mừng; không chỉ là nhận thức nhưng còn là hiểu, nội tâm hoá và đem ra thực hành điều đã nghe. Nói cách khác, tôi biết rõ mục đích đời tôi trong ý định Thiên Chúa và tôi ra sức thi hành ý muốn của Ngài. Không nghe được Ngài, chúng ta rối bời và dễ bị chi phối hoặc định hướng bởi những tiếng nói khác trong thế giới vốn làm cho chúng ta không còn phân biệt đâu là con đường ngắn nhất để nên thánh. Một khi nghe và tuân giữ Lời, chúng ta trở nên thiết thân với Chúa Giêsu, nên người nhà của Ngài, sống với Ngài trong mối tương quan còn hơn cả tương quan huyết tộc; đồng thời, trở nên anh chị em với nhau – “Bởi chưng, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa” – bài đọc một.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, xin giáo dục con như đã giáo dục Chúa Giêsu trong việc nghe và sống Lời Chúa; nhờ đó, con cũng trở nên ‘một kiệt tác’, dẫu là một ‘kiệt tác quèn!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**************************************************

Thứ Bảy Tuần XXVII – Mùa Thường Niên

Phúc thay người mẹ đã cưu mang Thầy. Đúng hơn : phúc thay kẻ lắng nghe lời Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca      Lc 11,27-28

27 Khi ấy, Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !” 28 Nhưng Người đáp lại : “Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”


 

CHỈ XIN ƠN KHÔN NGOAN – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

  Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

“Khôn ngoan”, theo nghĩa khái quát, được hiểu là phẩm chất kiến thức, kinh nghiệm hay khả năng phán đoán, phân định, quyết định liên quan đến mọi công việc của con người trong đời sống hằng ngày.

Theo Ki-tô Giáo, khôn ngoan được diễn tả nơi khả năng của lý trí cũng như sự kết hợp giữa lý trí và đức tin.  Lý trí lành mạnh giúp con người nhận biết Thiên Chúa là nguyên lý và cùng đích của vạn vật.  Theo thánh Tô-ma A-qui-nô: Khôn ngoan chính là món quà của Chúa Thánh Thần ban cho con người.  Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, con người có được sự khôn ngoan để phân định các thực tại, biết chiêm ngưỡng Thiên Chúa và thực thi thánh ý Ngài.  Các tư tế, các hiền nhân và các ngôn sứ là ba nhóm người được dân Do-thái coi là khôn ngoan đặc biệt.

Đức Khôn Ngoan

Từ cổ chí kim, trong các nền văn hóa Đông cũng như Tây phương người ta đều lo tìm kiếm sự khôn ngoan.  Có được sự khôn ngoan, con người trở nên khôn khéo, cư xử thận trọng và dễ thành công ở đời.  Mạc khải Thánh Kinh cho biết, sự khôn ngoan của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa.  Thiên Chúa ban cho ai tùy ý, vì chính Ngài là Đấng Khôn Ngoan.

Theo thánh I-rê-nê thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa nhập thể làm người như sách Khôn Ngoan mô tả: Người tìm thấy niềm vui giữa loài người … “Người đã làm người giữa muôn người…  Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người ” (Kinh Tin Kính của Thánh I-rê-nê).

Muốn có Đức Khôn Ngoan, con người phải tuân giữ Luật Chúa.  Vì: “Ai tuân giữ Lề Luật sẽ điều khiển được tâm tư, khôn ngoan là hết lòng kính sợ Đức Chúa” (Hc 21,11).  Ai làm bạn với Đức Khôn Ngoan sẽ được sống muôn đời (x. Kn 8,17).

Sa-lô-môn đã không xin sống lâu, vinh quang, giàu sang, phú quý hay kẻ thù phải chết mà xin cho được ơn khôn ngoan để có thể hướng dẫn, phân định và xét xử dân Do-thái (1 V 3,4-9).  Ý vua xin đẹp lòng Chúa, nên Chúa nói: “Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3,12).  Chúa còn nói với vua: “Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: Giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi” (1 V 3,13).  Đó là lý do, Sa-lô-môn khôn ngoan hơn tất cả những người khôn ngoan ở Phương Đông và Ai-cập (x. 1 V 5,9-10).

Thiên Chúa chính là nguồn mạch khôn ngoan, Chúa dùng sự khôn ngoan Chúa mà tác thành vạn vật và cấu tạo con người (x.Cn 8,30; Kn 8,6).  Do đó, muôn vật muôn loài được in dấu sự khôn ngoan của Thiên Chúa và phản ánh sự khôn ngoan của Người (x.Rm 1,19-20).

 Đức Giê-su, Khôn Ngoan của Thiên Chúa

Đức Giê-su là Sự Khôn Ngoan của Chúa và là Lời của Chúa Cha (x.1Cr 1,24.30).  Người thông ban sự Khôn ngoan cho con người (x.Ga 1,1).  Trước kia tàng ẩn nơi Thiên Chúa nay được Mạc khải nơi Đức Giê-su Ki-tô.

Theo tiên tri Ba-rúc: “Đức Khôn Ngoan xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người” (Br 3, 38).  Thánh Gio-an viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).  Như vậy, Đức Giê-su vừa là Lời vừa là Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

Thánh A-tha-na-xi-ô khẳng định, Đức Giê-su chính là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ‘được sinh ra từ trước muôn đời’ hay ‘được sinh ra mà không phải được tạo thành’ là Lời duy nhất của Thiên Chúa. Với biến cố Nhập Thể, con người đã nghe và đã thấy, đã chiêm ngưỡng và đã chạm đến Khôn Ngoan của Thiên Chúa ‘bằng xương bằng thịt’ giữa chúng ta.

Để có Ơn Khôn Ngoan, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm, vì Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “Hãy thu tập khôn ngoan” (x.Cn 4,7).  Trước là kính sợ Chúa, vì“kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111, 10); Thứ đến phải khiêm nhường.  Vì Thiên Chúa “chống cự kẻ kiêu ngạo” và Ngài vui lòng ban sự khôn ngoan cho kẻ khiêm nhường (x. Gc 4,6), và tha thiết cầu xin (x. Gc 1,5). 

Đừng lỡ mất Sự Khôn Ngoan

Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thật tuyệt vời.  Nếu xưa nay người ta cứ tưởng có một đời sống luân lý hoàn hảo đã đủ bảo đảm về mặt đạo đức, tiền bạc dư thừa bảo đảm về mặt vật chất, thì anh vẫn mang trong mình khát vọng sống đời đời cho dù anh đã thủ đắc trong tay toàn bộ những thứ đó.

Để biến khát vọng thành hiện thực, anh đã tìm đến với Đức Giê-su là Đấng mà anh gọi là nhân lành, Người là chính Đức Khôn Ngoan.  Đức Khôn Ngoan đã chỉ cho anh: “Hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người khó khó, rồi đến theo Ta” (Mc 10,17).  Gặp được Chúa Giê-su, nhưng để có được Chúa Giê-su, Đấng là nguồn mạch mọi khôn ngoan ấy, anh phải bán sạch tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt; đã thế, còn đem bố thì hết cho người nghèo, còn mình trở nên trắng tay mà có sự sống đời đời sao?  Một lời mời gọi mới khó làm sao!

Đức Giê-su là một giá trị vượt trên tất cả những của cải trần gian, vì Người là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).  “Trong Người có cất giấu một kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2, 3).  Gia tài của chàng thanh niên có là gì so với Đức Khôn Ngoan?  Nếu biết Đức Giê-su là Đức Khôn Ngoan hiện thân, có lẽ anh sẽ nói như tác giả sách Khôn Ngoan: “Đem so sánh sự giầu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giầu sang như không” (Kn 7, 8).

Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan để chúng con được sống đời đời.  Amen.

 Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

From: Langthangchieutim  


 

TOÀN TÂM TOÀN Ý – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước!”.

“Một Kitô hữu đi qua đường hầm tăm tối của sự ngã lòng có xu hướng tập trung vào những điểm yếu và thất bại của mình; đó có thể là một tội lỗi tái đi tái lại. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn có thể sử dụng cuộc chiến này cách tích cực nhất để mở rộng lòng biết ơn của bạn trước ân sủng – với điều kiện – bạn ‘toàn tâm toàn ý’ cộng tác với ân sủng để chiến đấu. Kìa, bảy sắc cầu vồng rạng rỡ sau bão tố!” – Alan Redpath.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy sự nguy hiểm của một tội lỗi tái đi tái lại mà bạn và tôi đã quyết tâm thú nhận và vượt qua nó. Sau khi xưng tội, bạn vui mừng khôn xiết, nhưng chỉ trong một ngày, bạn trở lại ngay với nó. Vậy phải làm sao? Như Alan Redpath nói, phải ‘toàn tâm toàn ý’ chống lại nó; bằng không, tình trạng sau “lại còn tệ hơn trước!”.

Ai trong chúng ta cũng đã trải nghiệm cuộc chiến với một tội lỗi cụ thể. Cuộc chiến này có thể là nguyên nhân gây ra nhiều thất vọng. Khi chúng ta nhắm vào một tội để vượt qua và quay lưng lại với cám dỗ, Satan sẽ tấn công chúng ta tới tấp hơn, với sức mạnh lớn hơn; vì không bao giờ nó dễ dàng từ bỏ việc chiếm cứ một linh hồn. Kết quả, một số người đã đầu hàng vì không vượt qua nó. Đó là một sai lầm nghiêm trọng!

Càng bị trói buộc với một tội lỗi cụ thể, quyết tâm khắc phục tội đó càng phải sâu sắc; đồng thời, biết rằng, việc vượt qua nó có thể khá đau đớn và vô cùng khó khăn. Nỗ lực này đòi hỏi một sự kiên trì thanh tẩy linh hồn và sự phục tùng ‘toàn tâm toàn ý’ của chúng ta đối với Thiên Chúa. Không có quyết tâm và sự đầu phục trong sạch này, sẽ rất khó để bạn vượt qua. Bên cạnh đó, phải có đức tin. Bạn và tôi tin rằng, chúng ta không lẻ loi. Các thánh trên trời, các linh hồn tốt lành dưới thế đang cầu bầu cho chúng ta. Qua thư Galata hôm nay, Phaolô nói, “Những kẻ dựa vào đức tin thì được chúc phúc làm một với ông Abraham, người có đức tin”. Chúa không bao giờ bỏ mặc chúng ta; Thánh Vịnh đáp ca thật ý tứ, “Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!”.

Anh Chị em,

“Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó!”. Đức Phanxicô nói, “Sự hoán cải ban đầu của chúng ta tuân theo một khuôn mẫu nhất định: cái ác mà chúng ta thừa nhận và cố gắng loại bỏ khỏi cuộc sống thực sự đã rời bỏ chúng ta; nhưng sẽ ngây thơ khi nghĩ rằng nó sẽ không còn nữa. Trong thời gian ngắn, nó sẽ quay lại dưới một vỏ bọc mới. Trước đây nó thô lậu và bạo lực, bây giờ nó thanh lịch và tinh tế. Cần nhận ra điều đó và một lần nữa vạch trần nó. Chúng là những “con quỷ tao nhã” thướt tha bước vào mà chúng ta không hề hay biết. Chỉ việc rà soát lương tâm mỗi ngày mới có thể giúp chúng ta nhận ra chúng. Hãy xem xét lương tâm, canh giữ ngôi nhà của mình!”. Cánh cửa của lòng thương xót Chúa nơi Bí tích Hoà Giải đang rộng mở để ôm lấy bạn. Đừng ngần ngại đến với Ngài; vì “Kìa, bảy sắc cầu vồng rạng rỡ sau bão tố!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con biết, con không đơn độc trong cuộc chiến chống lại tội lỗi; giúp con ‘toàn tâm toàn ý’ chiến đấu! Và kìa, bảy sắc cầu vồng cũng rạng rỡ trên linh hồn con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*********************************************

Thứ Sáu Tuần XXVII Thường Niên, Năm Chẵn

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

15 Khi ấy, Đức Giê-su trừ một tên quỷ, nhưng có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” 16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. 17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói : “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. 18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được ?… bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. 19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. 20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. 21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. 22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.

23 “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

24 “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.’ 25 Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. 26 Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.” 


 

Làm thế nào người phạm tội nặng có thể nối kết lại với Chúa được?- Cha Vương

Mến Chúc bạn và gia khuyến một ngày bình an trong yêu thương và tha thứ. XIN THÔNG BÁO: Mình sẽ không có bài cho bạn ngày mai và những ngày sắp tới bởi vì mình phải nhập viện để chữa trị bệnh ung thư bao tử đang tái phát. Xin bạn một lời cầu nguyện khẩn thiết nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 10/10/2024

GIÁO LÝ: Làm thế nào người phạm tội nặng có thể nối kết lại với Chúa được? Họ có thể làm hòa với Chúa nhờ bí tích sám hối và hòa giải. (YouCat, số 317)

SUY NIỆM: Đức Thánh Cha Pi-ô XII nói (26/10/1946): “Có lẽ tội lỗi lớn nhất trên thế giới hôm nay là con người mất cảm thức về tội lỗi”. Quả thực 78 năm sau, câu nói này vẫn còn nguyên giá trị cho thế giới ngày nay. Xem ra khi xã hội càng thăng tiến về mặt vật chất, con người càng bị ánh sáng trần tục và các hình thức chủ nghĩa vị kỷ làm lóa mắt, họ không còn quan tâm đến tội lỗi, do đó, họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn miễn là điều đó khuất mắt thiên hạ. Đối với họ chữ “tội lỗi” là cổ lỗ sĩ. Khi con người mất cảm thức về tội lỗi, con người cũng mất cảm thức về căn tính đích thực của mình. Khi con người mất cảm thức về căn tính đích thực của mình, con người cũng mất cảm thức về Thiên Chúa. Khi con người mất cảm thức về Thiên Chúa cũng là khi con người sa vào “bẫy kiêu ngạo” cho rằng con người là trên hết, con người tự làm chủ vận mệnh của mình. Khi con người cho mình là trên hết cũng là khi con người mất định hướng căn bản của cuộc đời, tự hủy hoại chính mình và gây nên thảm họa cho anh chị em đồng loại.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo định nghĩa, tội trọng là “phá hủy đức mến trong lòng con người do vi phạm nghiêm trọng luật Thiên Chúa. Khi phạm tội, con người quay lưng với Thiên Chúa là cùng đích và chân phúc của mình, bằng cách yêu chuộng một thụ tạo thấp kém hơn” (GLCG 1855). Để được gọi là tội trọng, vốn cắt đứt mối liên hệ của  bạn với Thiên Chúa, nó phải đáp ứng ba tiêu chuẩn cụ thể như Sách Giáo Lý đã nêu.

“Tội trọng đòi phải có nhận thức đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận. Điều này giả thiết người phạm tội phải biết hành vi đó là tội, trái với luật Thiên Chúa. Tội trọng bao hàm một sự ưng thuận có suy nghĩ cặn kẽ để trở thành một lựa chọn cá nhân. Việc thiếu hiểu biết do lỗi mình và lòng chai đá không làm giảm bớt, mà còn gia tăng tính cách cố tình của tội lỗi” (GLCG 1859).

Tóm tắt ba phẩm chất của tội trọng: một tội là trọng phải (1) liên quan đến vấn đề nghiêm trọng, (2) vi phạm với sự hiểu biết đầy đủ và (3) có sự đồng ý hoàn toàn của người đó.

Nếu trong Hội thánh không có việc tha tội, sẽ không có hi vọng được sống đời đời, và được giải thoát đời đời. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã ban cho Hội thánh ơn lớn lao dường ấy. (Thánh Augustinô)

LẮNG NGHE: Bấy giờ, Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”  (Lc 23:34a)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con biết luôn tỉnh thức trước những cám dỗ ngọt ngào của mọi thú vui và sở thích để rồi tránh xa nó. Xin đừng để con phạm tội và làm mất lòng Chúa.

THỰC HÀNH: Cố gắng tìm đủ mọi cách để trở về với Lòng Thương Xót của Chúa nhé.

From: Do Dzung

**********************

Yêu Thương Và Tha Thứ (Sáng tác: Mai Lợi ) – Diệu Hiền 

CHO HIỂN VINH DANH NGÀI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho!”.

“Niềm tin không hoạt động trong ‘lãnh địa khả thi’ của con người; ở đó, con người làm được mọi sự và Thiên Chúa chẳng có chút vinh quang nào! Niềm tin chỉ bắt đầu khi sức mạnh của con người kết thúc, và Thiên Chúa có thể bắt đầu ra tay! Bởi lẽ, Ngài là tất cả, và tất cả cho hiển vinh danh Ngài!” – George Mueller.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay làm sáng tỏ ý tưởng của Mueller! Chúa Giêsu nói, “Ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho!”. Không ít người hiểu sai những lời này! Tại sao? Bởi lẽ, cầu nguyện trước hết và trên hết là ‘cho hiển vinh danh Ngài!’.

Một số người nghĩ chúng ta phải cầu nguyện và cầu nguyện nhiều hơn; để cuối cùng, Chúa sẽ nhậm lời. Số khác cho rằng, điều này có nghĩa là Chúa sẽ không nhậm lời nếu chúng ta cầu nguyện thiếu chăm chỉ. Số khác nữa lại nghĩ, bất cứ điều gì Chúa cũng sẽ ban, nếu chúng ta cứ tiếp tục kiên trì cầu xin. Vậy mà không phải thế!

Chắc chắn, chúng ta cần cầu nguyện chăm chỉ và thường xuyên! Nhưng “Tôi nên cầu xin điều gì?”. Đây là chìa khoá! Vì Chúa sẽ không ban những gì chúng ta cầu, bất kể chúng ta cầu bao lâu và chăm chỉ đến đâu nếu điều đó không nằm trong ý muốn của Chúa! Ví dụ, ai đó bệnh nặng và việc người ấy lìa thế là một phần trong ý muốn của Ngài, thì tất cả những lời cầu trên thế gian cộng lại vẫn không thay đổi mọi thứ. Thay vào đó, ở trường hợp này, chúng ta cầu nguyện để mời Chúa vào cuộc hầu biến nó thành một cuộc ‘tạm biệt’ đẹp đẽ và thánh thiện. Vì vậy, vấn đề không phải là cầu xin cho đến khi thuyết phục được Chúa như một đứa trẻ ‘mè nheo’ mẹ cha; nhưng đúng hơn, phải cầu nguyện cho một điều và duy chỉ một điều, là ‘cho hiển vinh danh Ngài!’.

Như vậy, lời cầu không nhằm thay đổi ý định của Thiên Chúa, mà nhằm biến đổi chúng ta, hầu cho phép mỗi người chấp nhận tất cả những gì Ngài mời gọi. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần! “Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”. Chính Thiên Chúa Cha – theo Phaolô – là “Đấng đã rộng ban Thần Khí cho anh em và thực hiện những phép lạ giữa anh em” – bài đọc một; cũng là “Đấng đã viếng thăm dân Người!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho!”. Đức Phanxicô nói, “Thiên Chúa kiên nhẫn hơn chúng ta. Ai gõ cửa trái tim Ngài bằng niềm tin và sự kiên trì, sẽ không thất vọng. Ngài luôn đáp lại, luôn luôn! “Cha” biết rõ “con” cần gì! Sự nài nỉ là cần thiết không phải để thông báo cho Ngài hay thuyết phục Ngài; đúng hơn, để ‘nuôi dưỡng ước muốn’ và ‘sự mong đợi’ trong chúng ta. Cả khi mọi thứ dường như vô ích, Thiên Chúa dường như câm điếc hoặc dường như bạn đang lãng phí thời gian; cả khi thiên đàng bị che phủ, đức tin dường như là một ảo tưởng, một cuộc đấu tranh vô ích… trong những khoảnh khắc đó, thực hành cầu nguyện có nghĩa là chấp nhận cuộc đấu tranh này, một cuộc đấu tranh ‘cho hiển vinh danh Ngài’. Đây là công trình của Chúa Thánh Thần!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường ‘thầm cầu’ cho hiển vinh danh con, nên con hoài công, kiệt sức. Dạy con định hướng lại mỗi ngày, tất cả ‘cho hiển vinh danh Ngài!’”, Amen.

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

***********************************

Thứ Năm Tuần XXVII – Mùa Thường Niên

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

5 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’, 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.’? 8 Thầy nói cho anh em biết : dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

9 “Thế nên Thầy bảo anh em : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? 13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?” 


 

HIỆP NHẤT TRONG KHÁC BIỆT-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”.

“Kitô giáo ở thế kỷ thứ nhất phát triển rất mạnh! Bằng chứng là nhiều người đã đổi thay tính bạo lực và độc tài của mình. Họ bị khuất phục bởi sự kiên định trong đức tin của những người theo đạo Kitô; bởi sự nhẫn nhịn phi thường của các Kitô hữu bị lừa dối; bởi sự trung thực nơi những người mà họ giao thương. Và nhất là bởi sự ‘hiệp nhất trong khác biệt’ nơi những vị lãnh đạo các giáo đoàn!” – Sử gia Justin.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chứng thực nhận định của Justin. Đặc biệt là sự ‘hiệp nhất trong khác biệt’ nơi những con người lãnh đạo Hội Thánh sơ khai, những con người phải “đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” – Thánh Vịnh đáp ca.

Sau 14 năm, Phaolô lên Giêrusalem – bài đọc một. Mục đích là để các nhà lãnh đạo tại đây – Phêrô, Giacôbê và Gioan – biết cách ông rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại. Phaolô gặp các ngài vì biết có nhiều người tại Giêrusalem phản đối mạnh mẽ việc chấp nhận dân ngoại vào Hội Thánh. Lý do, “vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích”. Phaolô muốn bảo đảm rằng, việc rao giảng của mình phù hợp với giáo lý của ‘Hội Thánh Mẹ’. Không phải nghi ngờ tính đúng đắn của những gì mình làm, nhưng Phaolô lo lắng rằng, các giáo đoàn mới được thành lập cần giữ liên lạc với Hội Thánh Mẹ.

Các tông đồ tại Giêrusalem đã hoàn toàn ủng hộ ông. Họ nhận ra rằng, Phaolô được kêu gọi để rao giảng cho những người ‘không chịu cắt bì’ như Phêrô được kêu gọi để rao giảng cho những người ‘đã chịu cắt bì’. Phêrô và Phaolô, dẫu mỗi người rao giảng Phúc Âm trong các lĩnh vực khác nhau và có thể có những bất đồng cụ thể, nhưng họ vẫn ‘hiệp nhất trong khác biệt’; để sau đó, cả hai cùng chịu tử đạo vì danh Chúa Kitô.

Căn bản nhất, các tông đồ đã hiệp nhất với nhau trong đức tin. Điều này được tìm thấy trong Kinh Tin Kính hoặc Kinh Lạy Cha Chúa Giêsu dạy hôm nay. Họ hiệp nhất để kiến tạo không gian cho Vương Quốc, “Danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến!”; hiệp nhất trong cầu nguyện và hoạt động để có của ăn cho mọi người, “Cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy!”; hiệp nhất trong việc nhìn nhận mình là tội nhân trước Chúa và sẵn lòng tha thứ cho người khác, “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con!”; và hiệp nhất để mạnh mẽ đương đầu với các thế lực sự ác, “Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ!”.

Anh Chị em,

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”. Ngày nay, công cuộc loan báo Tin Mừng vẫn có những thách đố cần thảo luận và tranh luận. Sẽ luôn có những căng thẳng giữa cái được gọi là ‘đôi cánh thể chế’ và ‘đôi cánh tiên tri’. Chúng ta cần ‘thể chế’ với tư cách là những người bảo tồn tính chính thống, truyền thống và tính liên tục; nhưng cũng cần đôi cánh ‘tiên tri’ để khơi lên những thích ứng với các nhu cầu vốn thay đổi trong một thế giới liên tục thay đổi. Không thay đổi có nghĩa là ‘chết’; thay đổi quá nhiều đồng nghĩa với ‘tha hoá’. Vì thế, vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng, vì Thánh Thần là tác nhân duy nhất giữ cho Hội Thánh luôn ‘hiệp nhất trong khác biệt’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để những khác biệt làm con nên xa lạ. Cho con biết trân trọng sự đa dạng trong khác biệt hầu xây dựng một Hội Thánh luôn hiệp nhất yêu thương!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***********************************

Thứ Tư Tuần XXVII Thường Niên, Năm Chẵn

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2 Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, 3 xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; 4 xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”


 

Làm sao phân biệt tội nặng với tội nhẹ? – Cha Vương

Một ngày an lành trong Chúa và Mẹ. Xin một lời cầu nguyện cho nạn nhân của chiến tranh và thiên tai nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 8/10/2024

GIÁO LÝ: Làm sao phân biệt tội nặng với tội nhẹ? Tội nặng cắt đứt mối quan hệ tình yêu Chúa trong lòng ta, không còn tình yêu Chúa, không thể có hạnh phúc đời đời. Tội nhẹ chỉ làm tổn thương mối quan hệ với Chúa, tình yêu Chúa vẫn còn. (YouCat, số 316)

SUY NIỆM: Một tội nặng cắt đứt con người với Thiên Chúa. Một tội như thế có thật, nếu nó phạm đến một giá trị quan trọng, nếu nó nổi lên chống lại sự sống hoặc chống lại chính Thiên Chúa (chẳng hạn giết người, phạm thượng chống lại Thiên Chúa, ngoại tình…) và nếu được phạm khi biết đầy đủ và ưng thuận hoàn toàn.

Tội nhẹ liên quan đến những giá trị đứng sau các giá trị đã kể ở trước đây (danh dự, sự thật, tài sản…) hoặc là đã phạm mà không hiểu biết đầy đủ về giá trị của nó, và không hoàn toàn ưng thuận. Những tội này làm xáo trộn quan hệ với Thiên Chúa nhưng không cắt đứt. (YouCat, số  316 t.t.)

❦  Cho dù đang mắc tội trọng đi nữa, anh em cũng cứ cầu nguyện. Tôi xin đảm bảo với anh em rằng anh em sẽ đạt đến bến cảng phần rỗi. (Thánh Teresa Avila)

❦ Không sức mạnh nào có thể khuất phục được người cha cho bằng những giọt nước mắt của đứa con nhỏ, cũng không gì có thể thúc bách Thiên Chúa phải ban cho chúng ta, không phải phép công thẳng, nhưng là lòng thương xót, cho bằng nỗi buồn phiền và sự ăn năn của chúng ta. (Thánh Gioan Avila)

❦  Nước dập tắt lửa thế nào, tình yêu cũng rửa sạch tội lỗi như vậy. (Thánh Gioan Thiên Chúa)

❦ Nếu trót phạm tội, chúng ta hãy sấp mình ăn năn trước sự hiện diện của Thiên Chúa; và sau đó, bằng một hành vi tin tưởng vô giới hạn, chúng ta hãy gieo mình vào đại dương nhân lành của Người. Nơi đó, mọi sa ngã sẽ được bỏ qua và nỗi ưu phiền sẽ biến nên tình yêu. (Thánh Phaolô Thánh Giá)

❦  Con người là sa ngã, nhưng thiên thần thì chỗi dậy. (Thánh Mary Euphrasia Pelletier)

LẮNG NGHE: Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. (Cl 3:5).

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng.  Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự, con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

THỰC HÀNH: Xét mình, đi xưng tội nếu có thể.

From: Doi Dzung

***********************

Lời vọng tình yêu – Elvis Phương 

BẢN GIAO HƯỞNG DANG DỞ – Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Trong nỗi giày vò của sự thiếu hụt tất cả mọi thứ có thể đạt được, đến tận cùng, chúng ta học để biết trong đời này, tất cả mọi bản giao hưởng đều phải dang dở.

Đây là lời của linh mục thần học gia Đức Karl Rahner, và nếu không hiểu ý nghĩa của câu này thì chúng ta có nguy cơ để tình trạng khắc khoải thành khối u trong đời mình.  Bị dằn vặt bởi sự thiếu hụt mọi thứ mang ý nghĩa gì?  Chúng ta bị hành hạ bởi thứ mình không có được theo kiểu gì?

Đây là chuyện chúng ta trải nghiệm hằng ngày.  Thực ra, trong cả cuộc đời, trừ một số ít thời điểm đặc ân và yên bình, sự dằn vặt là cơn sóng ngầm trong tất cả mọi chuyện chúng ta trải nghiệm.  Lý ra vẻ đẹp làm chúng ta bình yên thì nó lại làm chúng ta khắc khoải.  Tình yêu với người bạn đời không đáp ứng đủ khao khát của chúng ta . Những mối quan hệ của chúng ta trong gia đình dường như quá nhỏ hẹp để chúng ta có thể thấy đủ.  Công việc của chúng ta chẳng cân xứng với ước mơ chúng ta có về mình.  Nơi chúng ta sống dường như buồn tẻ so với những nơi khác.  Chúng ta quá bồn chồn nên chẳng thể ngồi yên trên bàn, chẳng thể ngủ yên trên giường, người cứ bồn chồn lo lắng.

Khi chúng ta có cảm nhận này, chúng ta sẽ luôn thấy đời mình dường như quá bé nhỏ và chúng ta không sống đời mình theo cách chúng ta mong chờ, mong chờ ai đó hay điều gì đó xuất hiện và thay đổi để cuộc đời chúng ta tưởng tượng sẽ bắt đầu.

Tôi nhớ có người kể cho tôi nghe câu chuyện.  Anh 45 tuổi, hôn nhân tốt đẹp, có ba đứa con khỏe mạnh, có công việc ổn định nhưng tẻ nhạt, sống ở khu phố bình yên nhưng cũng tẻ nhạt.  Nhưng anh chưa bao giờ đặt trọn bản thân vào cuộc sống.  Anh thú nhận:

“Phần lớn đời tôi, nhất là trong 20 năm qua, tôi quá khắc khoải muốn thực sự sống đời mình.  Tôi chưa thực sự đón nhận con người tôi – một người 45 tuổi, làm việc ở cửa hàng tạp hóa trong một thị trấn nhỏ, lập gia đình với một phụ nữ tốt lành, biết cuộc hôn nhân này sẽ không bao giờ thỏa mãn khao khát tình dục thâm sâu của mình, và biết cho dù có mơ mộng thế nào thì cũng sẽ không đi đến đâu, sẽ không bao giờ có được những ước mơ, sẽ chỉ ở đây, như lúc này, trong một thị trấn nhỏ, trong cuộc hôn nhân này, với những con người này và trong cơ thể này đến hết cuộc đời.  Tôi sẽ chỉ già hơn, hói hơn, cơ thể sẽ bớt khỏe mạnh, bớt hấp dẫn hơn.  Nhưng trong mọi chuyện, xét từ mọi góc độ, điều đáng buồn là cuộc đời tôi vốn tốt.  Tôi thực sự rất may mắn.  Tôi khỏe mạnh, được yêu thương, có đời sống gia đình tốt, sống ở một đất nước yên bình và sung túc.  Nhưng lòng tôi lại quá khắc khoải đến nỗi tôi chẳng bao giờ cảm kích được đời mình, vợ mình, con mình, công việc của mình và nơi mình sống.  Tôi luôn mãi ở một nơi khác bên trong con người tôi, quá khắc khoải để thực sự hiện diện nơi tôi đang hiện diện, quá khắc khoải để sống trong nhà mình, quá khắc khoải để thoải mái với chính mình.”

Sự dằn vặt do thiếu mọi thứ có thể có trong đời là vậy.  Nhưng nhận thức thấu suốt của Rahner không chỉ là một chẩn đoán mà còn là đơn thuốc cho căn bệnh này.  Nó cho chúng ta biết để vượt lên những dằn vặt này, vượt lên khối u của khắc khoải này.  Làm sao làm được?

Chính xác bằng cách hiểu và chấp nhận ở đời, mọi hòa âm đều dang dở.  Khi hiểu và chấp nhận lý do làm chúng ta dằn vặt không phải do chúng ta là những người thèm khát tình dục quá độ, loạn thần và vô ơn, quá tham lam để không thỏa mãn với cuộc đời này.  Không phải vậy.  Lý do sâu xa là vì chúng ta bẩm tại được tạo dựng, được truyền năng lượng vượt quá thế giới này.  Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng như thế.  Chúng ta là những linh hồn vô hạn sống trong một thế giới hữu hạn, những tâm hồn được tạo nên để hợp nhất với mọi vật và mọi người nhưng chỉ được gặp phàm nhân và phàm vật.

Chẳng trách chúng ta có vấn đề với sự bất đạt, mộng tưởng, cô đơn và khắc khoải!  Chúng ta là những vực sâu không đáy.  Khi chưa thể hợp nhất với tất cả, thì chẳng có gì lấp đầy hố thẳm đó được.

Bị dằn vặt vì khắc khoải mới là con người.  Hơn nữa, khi chấp nhận chúng ta là con người và do đó không thể có hòa âm trọn vẹn ở đời này, chúng ta thanh thản hơn trong khắc khoải của mình.  Tại sao?  Vì bây giờ chúng ta biết mọi thứ đến với chúng ta là cơn sóng ngầm của khắc khoải, của bất đạt, và đó là chuyện bình thường và đúng đắn cho tất cả mọi người.

Như linh mục Henri Nouwen đã viết: “Ở đây, trong đời này, không có thứ gì gọi là niềm vui thuần túy và rõ ràng.  Đúng hơn, trong mọi thỏa mãn, đều có ý thức về giới hạn.  Phía sau nụ cười là giọt nước mắt.  Trong mọi vòng tay ôm, vẫn có cô đơn.  Trong mọi tình bạn, vẫn có ngăn cách.”

Bình an và nghỉ ngơi chỉ có thể đến với chúng ta khi chúng ta chấp nhận giới hạn đó trong thân phận con người, vì chỉ khi đó chúng ta mới thôi đòi hỏi rằng cuộc đời – hay cụ thể là người bạn đời, gia đình, bạn bè, công việc, thiên hướng và kỳ nghỉ của chúng ta – cho chúng ta một điều mà nó vốn không thể cho được, cụ thể là một niềm vui thuần túy rõ ràng và sự viên mãn tròn đầy.

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim


 

QUỲ GỐI MÀ LÀM – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Maria đã chọn phần tốt nhất”.

“Tôi không biết chúng ta ở trên thế giới này để làm gì trừ phi là để học cách lên thiên đàng! Cuộc sống trên trái đất sẽ rất vô nghĩa trừ khi chúng ta được đào tạo ở đây cho một công việc siêu phàm phía bên kia nấm mồ. Vậy từ bây giờ, hãy ‘chiêm ngắm trong hành động’; nói cách khác, hãy ‘quỳ gối mà làm’ mọi việc!” – Alex Maclaren.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất ý vị khi ý tưởng của Maclaren được tiết lộ kín đáo qua câu chuyện Matta – Maria mà Luca cố ý đặt ngay sau dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu! Nó ‘khôi phục cân bằng’ trong việc đi theo Chúa. Bởi lẽ, trở nên ‘người thân cận’ có thể khiến một số người nghĩ, chỉ khi ‘hành động’, chúng ta mới yêu mến Chúa. Không hẳn, nó còn là khi ‘chiêm ngắm!’. Luca muốn nhắn nhủ, hãy ‘quỳ gối mà làm’ mọi việc!

Matta, một người hành động đến mức ‘nhắng nhít’; cô “tất bật lo việc phục vụ”. Điều này tốt! Nhưng thật tiếc, đón Chúa Giêsu vào nhà nhưng xem ra, cô không mời Ngài vào lòng; vì thế, sự phục vụ của cô phần nào vơi đi ý nghĩa. Bằng chứng là cô so nài với cô em! Vậy mà cả Matta lẫn Maria và chúng ta… mỗi người chỉ có một đời để sống, một thời gian để phục vụ; và việc biết lắng nghe và sống Lời lại định đoạt số phận mỗi người, cũng như làm cho giá trị của người này khác với người kia. Chính việc lắng nghe, để cho Lời lớn lên, đời sống chúng ta mới được biến đổi; lúc đó, bạn và tôi mới thật là ‘người nhà’ của Chúa Giêsu.

Ngài không ngừng nêu gương và dạy chúng ta phục vụ; nhưng phục vụ không được trở thành gánh nặng. Bằng chứng là sau khi Matta càu nhàu vì cô em, Ngài lên tiếng, “Con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!”. Một đầy tớ chân chính không nên quá lo lắng, vì điều đó bộc lộ một nội tâm thiếu bình an! Maria thì dường như không làm gì cả, xem ra lười biếng, thậm chí ích kỷ; nhưng cô “đã chọn phần tốt nhất”, và điều này khiến Matta hụt hẫng! Phần tốt nhất là gì? Là không làm gì? Không! Là lắng nghe, chiêm ngắm; lắng nghe liên quan với hiểu biết, chấp nhận và thẩm thấu để Lời trở thành một phần cuộc sống mình. Nếu không dành thời gian lắng nghe, chiêm ngắm, làm sao bạn có thể biết, hoạt động của bạn được định hướng đúng đắn!

Anh Chị em,

“Maria đã chọn phần tốt nhất”. Như Maria, mỗi ngày, chúng ta dừng lại để “chọn phần tốt nhất”: lắng nghe, phân định và cầu nguyện; nhưng cuối cùng, hình thức hoạt động cao nhất vẫn là chiêm ngắm. Nếu thấy mình không có thời gian để chiêm ngắm, thì hẳn đã có một sự mất cân bằng trong các ưu tiên và trong sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa của việc mến yêu và phụng sự Chúa! Bạn cần ‘khôi phục cân bằng’. Vì thế, câu chuyện Matta – Maria kết hợp tuyệt vời với câu chuyện người Samaritanô nhân hậu đã diễn tả cốt lõi đời sống của một Kitô hữu. Đó là hành động xót thương tha nhân ‘được định hướng’ bởi những gì học được từ chiêm ngắm! Được như thế, chúng ta sẽ nên như Chúa Giêsu – hoặc như Phaolô – sống làm sao để “vì tôi, họ tôn vinh Thiên Chúa” – bài đọc một. Điều này cần phải cầu xin, “Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời!”. Ý nghĩa thay Thánh Vịnh đáp ca!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con lo lắng bối rối vạn chuyện. Giúp con chỉ lo một chuyện, ‘lắng nghe và cung chiêm’, hầu có thể ‘quỳ gối mà làm’ mọi việc cho Chúa, cho anh chị em con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*********************

Thứ Ba Tuần XXVII – Mùa Thường Niên

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

38 Khi ấy, Đức Giê-su vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. 39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” 41 Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi.” 


 

 MỘT KHỞI ĐẦU NHIỆM LẠ-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Trinh nữ ấy tên là Maria!”.

Nếu tháng 5 có ‘hoa mùa hạ’, thì tháng 10 có ‘hoa mùa thu’. Đó là những cánh hoa thiên nhiên tươi xinh muôn sắc và những kinh Kính Mừng sốt sắng mà mọi Kitô hữu trên khắp thế giới dâng lên người Mẹ quyền uy của mình bốn mùa xuân hạ thu đông; cách đặc biệt, trong tháng Hoa và tháng Mân Côi.

Kính thưa Anh Chị em,

Kinh Mân Côi, lời kinh mời gọi tín hữu chiêm ngắm sự ra đời, cuộc sống, cái chết, sự phục sinh và cuộc lên trời của Chúa Cứu Thế cùng sự rợp bóng của Chúa Thánh Thần trong Lễ Ngũ Tuần. Bên cạnh đó, chúng ta chiêm ngắm sự vinh hiển và khổ đau của Mẹ Ngài qua các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, một người mẹ của ‘một khởi đầu nhiệm lạ’ trong công trình cứu độ. Lời Chúa lễ Mân Côi trình bày hai trong các mầu nhiệm!

Tin Mừng tóm kết mầu nhiệm đầu tiên, Năm Sự Vui, “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”; đang khi bài đọc một – Công Vụ Tông Đồ – là phần mở đầu cho “Câu chuyện của Chúa Thánh Thần”. Trong biến cố truyền tin, Thiên Chúa quyền năng đã ‘cúi mình’ trước một thiếu nữ Nazareth, ‘xin’ cô cộng tác vào kế đồ cứu độ. Maria được báo, “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà!”. Như một cuộc sáng tạo mới, Gabriel loan báo một ‘Lễ Hiện Xuống’ cho riêng Maria; Thánh Thần là tác nhân không thể thiếu vào thời điểm của ‘một khởi đầu nhiệm lạ’ cho ‘một cuộc tạo dựng mới’ như đã xảy ra vào buổi đầu Tạo Dựng, “Thần Khí Chúa bay là là trên mặt nước”.

Công Vụ Tông Đồ còn phản ánh một khoảnh khắc đặc biệt khác của một khởi đầu mới, khởi đầu của Giáo Hội. Một lần nữa, vai trò của Chúa Thánh Thần lại được xác định! Và cũng một lần nữa, khoảnh khắc này lại liên quan đến Đức Maria. Như vậy, dẫu đã có một ‘Lễ Hiện Xuống’ của riêng mình trong ngày truyền tin, Maria còn có một ‘Lễ Hiện Xuống’ khác khi Mẹ cùng hiện diện với các tông đồ và nhóm đại diện các tín hữu Giáo Hội sơ khai, hầu về sau, Mẹ có thể xứng danh với các tước hiệu “Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ”, “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu!”; và gần đây, “Đức Mẹ Hội Thánh”.

Anh Chị em,

“Trinh nữ ấy tên là Maria!”. Sống lại những khoảnh khắc của ‘một khởi đầu nhiệm lạ’ trong ngày lễ Mẹ Mân Côi, Giáo Hội mời gọi bạn và tôi hãy cùng Mẹ, bắt đầu một khởi đầu mới trong cuộc sống mình, một cuộc sống vốn sẽ được biến đổi nhờ ân sủng như Mẹ đã được biến đổi. Vì thế, đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, khác nào chúng ta kéo sợi dây yêu thương – ‘sợi dây rút, trút ơn trời!’. Đó là sợi dây gỡ được mọi nút thắt nối kết trời đất, là vũ khí thiêng liêng, linh dược chữa lành các căn bệnh thời đại. Vậy, hãy bắt đầu đọc kinh Mân Côi trong gia đình, khi đi đường, khi làm việc… Chính khi mấp máy ‘lời kinh của sứ thần’, Chúa Thánh Linh cũng sẽ tác động trên tâm trí chúng ta. Ngài cũng có thể khởi sự ‘một khởi đầu nhiệm lạ’ dù có thể rất nhỏ bé, trước hết trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn; và sau đó, cả thế giới. Để từ đó, như Đức Mẹ, mọi người có thể cất lên lời tán dương “Danh Người thật chí thánh chí tôn!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, sẽ là ‘một khởi đầu nhiệm lạ’ cho con khi con biết thanh tẩy chính mình, lánh xa tội lỗi và được biến đổi bởi ân sủng của Thánh Thần!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**********************************

Ngày 07 tháng 10

Đức Mẹ Mân Côi

Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.