Xã hội nên dựa trên nguyên tắc nào?-Cha Vương

Ngày Thứ 3 an lành và an toàn trên xa lộ nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 29/10/2024

GIÁO LÝ: Xã hội nên dựa trên nguyên tắc nào? Mọi xã hội nên dựa trên “hệ thống các giá trị”, nghĩa là đặt nền tảng trên công bằng, bác ái. (YouCat, số 324)

SUY NIỆM: Không xã hội nào đứng vững lâu nếu không dựa vào hệ thống các giá trị bảo đảm cho một trật tự chính đáng trong các quan hệ giữa loài người và làm thăng tiến công bằng. Vì thế con người không bao giờ được coi như là phương tiện nhằm đạt được các hoạt động của xã hội. Tất cả mọi xã hội phải kiên trì từ chối những cơ cấu bất công. Xét cho cùng chỉ có đức ái mới có thể đạt được, đức ái là điều răn lớn nhất về xã hội. Đức ái tôn trọng người khác, đòi hỏi phải công bằng. Chỉ đức ái mới cản trở được những quan hệ xã hội xấu xa.

Học thuyết xã hội của Hội thánh là giáo huấn của Hội thánh tổ chức đời sống xã hội và về việc tôn trọng công bằng cá nhân cũng như xã hội. Nó gồm bốn nguyên tắc chính: phẩm giá con người, công ích, tính liên đới, và sự bổ trợ. (YouCat, số 323 t.t.)

❦  Công bằng hôm nay là bác ái hôm qua; bác ái hôm nay là công bằng ngày mai. (Chân phước Etienne Michel Gillet, 1758–1792, linh mục tử đạo)

❦  Hội thánh đánh giá hệ thống dân chủ là hệ thống bảo đảm cho các công dân tham gia việc chọn lựa chính trị, và bảo đảm cho người chịu cai trị khả năng chọn lựa và kiểm soát những nhà cai trị, hoặc khả năng thay thế các nhà cai trị một cách hòa bình, khi công việc đó thuận tiện. (Đức Gioan Phaolô II, thông điệp 100 năm)

❦  Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình có vững, xã hội mới vững. Gia đình là trường học đầu tiên đào tạo nên những con người tốt cho xã hội. Gia đình còn là môi trường trước nhất nơi con cái học được các đức tính nhân bản và thiêng liêng. Những định nghĩa khá mới như gia đình là Hội Thánh nhỏ, gia đình là Hội Thánh tại gia, gia đình là chủng viện đầu tiên đào tạo những ơn gọi tương lai, dần dần đã trở thành quen thuộc. (Đức Gioan Phaolô II)

LẮNG NGHE: Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ. (Is 1:17)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con mỗi ngày biết: “thực hiện công bình, quý mến lòng nhân lành, và khiêm tốn bước theo Chúa” suốt cả đời con.

THỰC HÀNH: Trong bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ở Úc, 30/11/1986, ngài nói: “Khi gia đình tan vỡ, đất nước cũng tan vỡ, và toàn bộ thế giới mà chúng ta đang sống cũng tan vỡ.” (Đoạn 4) Mời bạn suy tuy lời huấn dụ này nhé.

From: Do Dzung

***************************

Thánh Ca: HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH – St: Peter Thanh SDD, Tb: Cs Minh Nguyệt

TỰ NHIÊN HAY SIÊU NHIÊN? –  Giuse Lê Đắc Thắng SJ

Giuse Lê Đắc Thắng SJ

Một trong những hình ảnh có thể được dùng để diễn tả người tu sĩ là “chân đi trên mặt đất mà lòng hướng về trời cao.”  “Hướng về trời cao” ở đây muốn ảm chỉ rằng tu sĩ là người luôn ở trong mối tương quan thiết thân với Chúa trong mọi hoàn cảnh sống.  Tuy nhiên, không phải vì thế mà người tu sĩ quên rằng mình đang “đi trên mặt đất.”  Đời sống thiêng liêng không giúp cho người tu sĩ miễn trừ khỏi những đòi hỏi căn bản của một con người trưởng thành.  Họ là “người” tu sĩ chứ không phải là “thần” tu sĩ!

Có những người khi mới bắt đầu sống đời tu thì tưởng rằng mình đã bước vào một thế giới khác, thuần thiêng và tách biệt với bên ngoài.  Sự thật là chỉ có một thế giới, dù là trong hay ngoài nhà tu, nơi đó Chúa vẫn luôn làm việc và mời gọi con người nên thánh.  Do đó người tu sĩ trước hết phải là người đón nhận sự thật nơi mình và nơi những người anh chị em khác về thân phận con người.

Mỗi người đều có điểm mạnh điểm yếu, đều có quá khứ – hiện tại – tương lai, đều có những thứ tình cảm hỷ nộ ái ố…  “Thiêng liêng hóa” chính là việc nhận ra ân sủng và lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho mỗi người trong chính những yếu tố “tự nhiên” đó, chứ không phải là thái độ coi thường hay sợ hãi chúng.  Trong ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể, tự nhiên là phương thức biểu hiện, là cầu nối và là phương tiện truyền tải ân sủng siêu nhiên.  Như vậy góc nhìn “siêu nhiên” giúp cho con người thấy rõ vai trò và ý nghĩa của “tự nhiên” chứ không hề tách biệt với “tự nhiên.”  Tu sĩ là người tiếp cận với những yếu tố tự nhiên trong chính bản chất của nó (phù hợp thực tiễn, không tô vẽ thêm) dưới ánh sáng đức tin (để nhận ra hoạt động của Chúa).

Theo lẽ tự nhiên, con người cần thời gian để trưởng thành về mặt tinh thần cũng như thể lý.  Ứng với mỗi độ tuổi hay mỗi giai đoạn trong đời sống đòi hỏi mỗi người phải đạt đến mức độ trưởng thành nhất định về mặt nhân bản.  Người tu sĩ chắc chắn không thể được miễn trừ khỏi quy luật đó.  Đời tu càng đòi hỏi người tu sĩ phải biết mình đang ở trong giai đoạn nào và đã đạt mức trưởng thành tới đâu về tâm sinh lý.  Chương trình huấn luyện trong các dòng tu hay chủng viện có thể hỗ trợ người tu sĩ rất nhiều trong việc “biết mình” bên cạnh việc “biết Chúa” và “biết dòng.”

Khi người tu sĩ nhận ra những vấn đề của bản thân mình và trình bày cởi mở với những người có trách nhiệm huấn luyện thì họ sẽ được giúp đỡ để vượt qua bằng những phương thế tự nhiên nhờ ân sủng Chúa.  Chẳng hạn một người có sức khỏe yếu thì phải xem lại chế độ ăn uống ngủ nghỉ, cách thức làm việc cũng như việc tập thể dục thể thao.  Tương tự, một người học yếu thì không thể chỉ cần cầu nguyện nhiều với Chúa là có thể học giỏi lên được.  Thay vào đó Chúa ban cho điều kiện học tập và tự bản thân họ phải nỗ lực học hành chăm chỉ hơn, bù đắp những kiến thức bị thiếu hụt.  Những vấn đề liên quan đến tâm sinh lý con người cũng cần được tiếp cận theo phương pháp khoa học.  Những ham muốn tính dục nơi người tu sĩ sẽ không tự nhiên mất đi sau khi đọc 10 kinh Kính Mừng!

Tóm lại, tu sĩ là người “thiêng liêng” nhưng cũng rất “tự nhiên.”  Thiên Chúa mời gọi người tu sĩ sống tận hiến cho Nước Trời trong chính thân phận con người của họ.  Lời mời gọi đó có sức làm biến đổi nội tâm người tu sĩ, giúp họ đảm nhận những yếu tố tự nhiên nơi bản thân mình bằng phương thế siêu nhiên.  Nhờ đó cuộc đời người tu sĩ là lời chứng tá sống động cho người môn đệ Chúa “ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.”

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xuống trần gian mang thân phận loài người vì yêu mến chúng con, xin cho chúng con biết noi gương Chúa để hoàn toàn vâng theo ý Cha trong mọi chi tiết của cuộc sống.  Chúa đã dặn những người muốn theo Chúa “Ai muốn theo ta, hãy vác lấy thập giá của chính mình mà theo ta”, xin cho chúng con được trung thành bước theo Chúa với thập giá là chính bản thân yếu đuối mỏng giòn của mình nhờ ơn Chúa giúp. Amen!

Giuse Lê Đắc Thắng SJ

From: Langthangchieutim

 CHỈ CÒN MỖI MÌNH NGÀI – Tác giả:  Hoàng Thị Thùy Trang

 Tác giả:  Hoàng Thị Thùy Trang

Thanhlinh.net

Trong nhiều lời cầu nguyện trong Tin mừng, có lẽ lời cầu nguyện mà tôi thích nhất chính là lời cầu nguyện của anh mù hôm nay: “Lạy ông Giêsu, con Vua Đavid, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10, 37)

Lời kêu gọi thảm thiết này ở tận đáy lòng của niềm tin và sự thống khổ. Nỗi thống khổ của thân thể không có ánh sáng sẽ cơ cực đến dường nào, và niềm tin vào Đấng duy nhất có thể chữa mình được sáng. Nỗi đau của anh và niềm tin của anh đã cứu chữa anh, anh đã hoàn toàn được toại nguyện. Có lẽ anh là người hạnh phúc nhất vì lời thỉnh nguyện của mình được Thiên Chúa chấp nhận.

Chính niềm tin tưởng mãnh liệt và tuyệt đối của anh đã được Thiên Chúa chấp nhận, Thiên Chúa đã đáp lại niềm tin của anh vì anh đã đặt trọn niềm phó thác nơi Ngài.

Niềm tin quả thật khó hơn cả mạng sống. Nhiều khi chúng ta muốn tin lắm nhưng không thể. Tin người có vẻ dễ, dễ bị lừa vì tin, nhưng chúng ta vẫn tin, nhưng tin Thiên Chúa lại khó vô cùng. Tin Thiên Chúa là Đấng luôn ở trong thinh lặng và nói với con người qua từng biến cố khiến người ta phải tìm tòi, dò dẫm. Nhưng không sao cả, Thiên Chúa luôn mãi là Thiên Chúa của tình yêu thương và lòng quảng đại. Ngài luôn ở bên chúng ta, cứu giúp chúng ta luôn mãi, vấn đề là ở chúng ta chứ không phải của Ngài.

Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người, Ngài yêu thương thì mới sáng tạo và cứu chuộc, nhưng Ngài muốn chúng ta sống một cuộc sống có ý nghĩa bằng cách sống vâng phục thánh ý Ngài chứ không phải sống theo ý muốn của chúng ta.

Thánh ý Thiên Chúa nghe ra rất khó, nhưng sâu thẳm của thánh ý đó cũng chỉ là mong muốn cho con người được cứu độ, được hạnh phúc và được sống mà thôi.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta như vậy nhưng tại sao chúng ta lại không thể tin Ngài được. Tin Thiên Chúa thực sự rất khó, tin người thì dễ bị lừa nhưng vẫn cứ tin, tin Thiên Chúa thì được cứu độ mà sao chúng ta không tin.

Vì Thiên Chúa mầu nhiệm quá, Ngài cao cả quá, Ngài rất gần nhưng mà cũng rất xa, Ngài yêu thương, nhân hậu nhưng cũng rất nghiêm khắc. Thú thật chẳng phải con người không muốn tin Ngài mà chỉ vì niềm tin tiên vàn là một ân ban, chứ không phải ai muốn thủ đắc là đều được.

Chúa ban ơn và chúng ta đáp trả. Bạn đã đáp trả niềm tin vào Thiên Chúa như thế nào? Tài sản của chúng ta giá trị làm sao, đó chính là niềm tin, lòng mến của chúng ta với Thiên Chúa. Niềm tin ấy phải được thể hiện ra bằng đời sống bác ái, đó mới chính là niềm tin thật.

Lạy Chúa, những lúc tối tăm, đau khổ, bệnh tật, thú thật con chỉ còn mỗi Chúa. Chỉ còn mỗi Ngài là niềm tin, là điểm tựa, là chỗ dựa duy nhất của con. Thế nhưng, đôi khi con cảm thấy niềm tin của mình yếu ớt như tim đèn leo loét… Không ít khi con kêu van Ngài cứu chữa con như anh mù hôm nay với tận sâu thẳm cõi lòng. Và sự thật là thế… Lạy Ngài là con Vua Đavid, xin dủ lòng thương con.

M. Hoàng Thị Thùy Trang.


 

TỪNG CHÚT MỘT – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men!”.

“Việc chấp nhận một con tàu là điều rất khó khi trời chỉ mới đổ mưa. Cái chết là một cơn bão tức thì ập xuống, đến nỗi khi bạn với tay cầm lấy chiếc ô, thì biết rằng, mình cần một đôi cánh để có thể bay trong nước! Vì thế, từng bước một, ‘từng chút một’, bạn hãy biến đổi tâm hồn để có thể đến gần con tàu và yêu lấy nó!” – Calvin Miller.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Từng chút một’, ý tưởng của Miller được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu không nói đến một điều gì to tát, nhưng nói đến cái nhỏ bé đến nỗi gần như không trông thấy – một chút men. Ấy thế, như men trong bột, ân sủng Thánh Thần cũng biến đổi linh hồn ‘từng chút một!’.

Men – một thứ luôn hấp dẫn – nhỏ bé nhưng lại tác dụng mạnh mẽ đối với bột. Men hoạt động chậm nhưng hiệu quả; với men, bột sẽ lặng lẽ biến đổi và dậy lên. Đây luôn là điều hấp dẫn đối với trẻ em; bạn sẽ chứng kiến những đôi mắt thiên thần tròn xoe khi các trẻ có mặt tại lò bánh mì. Đây cũng là cách thức Tin Mừng hoạt động. Việc biến đổi một trái tim hiếm khi diễn ra trong một ngày hay trong một khoảnh khắc; đành rằng, mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc đều quan trọng, nhưng hẳn có những khoảnh khắc chuyển đổi mạnh mẽ mà mỗi người có thể chỉ ra. Như chút men âm thầm làm cho thúng bột dậy lên, việc biến đổi một trái tim cũng thường diễn ra ‘từng chút một!’.

Đôi khi, sự ồn ào của thế giới với những ê chề của nó cùng bao biến động trong cuộc sống ngăn cản chúng ta dừng lại để xem cách Thiên Chúa đang vận hành lịch sử. Tuy nhiên, Tin Mừng bảo đảm, Thiên Chúa đang hoạt động như men âm ỉ và ‘từng chút một’, ‘thúng bột thế giới’ đang dậy lên. Chút men của những việc lành nơi chúng ta tuy nhỏ – phát xuất từ Chúa – vẫn đem lại những hiệu quả tuyệt vời trong tất cả mọi hành vi cử chỉ, dẫu tất cả luôn xảy ra trong khiêm nhu, tiềm ẩn, và thường là vô hình.

Suy gẫm về đời sống hôn nhân Kitô giáo, Phaolô nói, “Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” – bài đọc một. Khi nói điều đó, hẳn Phaolô đã nghĩ đến Chúa Thánh Thần – men tác động và kết hợp hai người nam nữ nên vợ chồng. Cũng trong Thánh Thần, Chúa Kitô và Hội Thánh làm nên gia đình Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Đó là một gia đình kính sợ Chúa, “Hạnh phúc thay những người kính sợ Chúa!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Cho đến khi tất cả bột dậy men”. Viên men đầu tiên Thiên Chúa vùi vào ‘thúng bột nhân loại’ là Giêsu; không chỉ vùi vào lòng nhân loại, nó còn vùi vào đất. Và ‘từng chút một’, ‘từng con người một’, ‘từng mảnh đất một’ đã thấm nhuần men yêu thương của Ngài. Vì thế, bạn và tôi không còn là “bột men” thường, nhưng là “bột men Giêsu”. Và Ngài đang vùi chúng ta vào công sở, trường học, đồng áng… mọi ngõ ngách của thế giới. Ngài ước men Tin Mừng trong chúng ta ‘từng chút một’ với khả năng và hoàn cảnh rất riêng của mình, đem những con người chúng ta gặp gỡ trên đời ‘đến gần con tàu và yêu lấy nó’; “Con Tàu Giêsu”, “Con Tàu Giáo Hội’, để cả họ, cũng được biến đổi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi con ‘từng chút’ để con có thể ‘yêu lấy con tàu Giêsu’ từng ngày; đừng để con mất chất, nhưng luôn là men nhiệt tâm, men nồng nàn!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*************************************************

Thứ Ba Tuần XXX – Mùa Thường Niên

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

21 Thưa anh em, vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. 22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, 23 vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. 24 Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.

 25 Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; 26 như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, 27 để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. 28 Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. 29 Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, 30 vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. 31 Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. 32 Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh. 33 Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

18 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? 19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”

20 Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? 21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” 


 

THIÊN ĐÀNG

Thuy Phan

Thiên đàng địa ngục hai bên

Ai khôn thì lại , ai dại thì xa

Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha

Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn

Linh hồn phải giữ linh hồn

Đến khi mình chết, được lên Thiên đàng **(đồng dao)

Cuộc sống mang nhiều đa mang

Nên ai cũng muốn Thiên đàng được lên

Để cuộc đời sau vững bền

Hạnh phúc thượng giới làm nền dung thân

Thiên đàng gồm có ba tầng

Bầu trời, khí quyển một tầng ai ơi

Tầng hai thiên thể một trời (Stk 1,14-18)

Cõi thần linh sáng rạng ngời đầy sao

Tầng ba chức vị tối cao

Nơi Chúa cư ngụ hào quang sáng ngời**(Ga 14,2)

Mười hai cánh cửa đón mời*(Kh 21,10-27)

Mười hai nền đá cùng trời Eden*

Không còn ganh ghét nhỏ nhen*

Không còn nước mắt muộn phiền đầy vơi

Nơi Ngài hứa với loài người

Đấng Cứu Rỗi sẽ sống đời với ta

Thiên đàng không nhất thiết xa

Vì thương nhân thế Chúa đà xuống đây

Chịu chết dưới thập tự này

Dạy ta bài học tràn đầy tình thương

Cải hóa đời sống là đường

Tám mối phúc thật kỷ cương vững vàng

Trong mình có Chúa thênh thang

Hạnh phúc hạ giới: Thiên đàng trần gian.

Thiên Đường và Địa Ngục là hình trạng sống đích thực của con người chúng ta

ngay bây giờ và ở đây trên thế gian này.

Ấn giáo : devaloka

Phật giáo : Thiên giới – Đề bạt giới – Nhị thập bát thiên

Hồi giáo : Jannah

Trần Chính Trực

NỖI CÔ ĐƠN SÂU THẲM NHẤT – Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Nhà tâm lý học Robert Coles ở trường đại học Harvard, khi mô tả triết gia thần nghiệm người Pháp, Simone Weil, ông cho rằng điều mà bà thật sự chịu đựng và cũng là động lực cho cuộc đời của bà, chính là sự cô đơn về tinh thần.  Cô đơn tinh thần là gì?

Cô đơn tinh thần là điều mà chúng ta trải nghiệm khi khắc khoải về ái lực tinh thần, nghĩa là khao khát một tri kỷ, một người gặp chúng ta, hiểu chúng ta và tôn trọng những gì thâm sâu nhất, quý báu nhất trong chúng ta.

Chúng ta cô đơn theo nhiều cách.  Chúng ta cảm thấy khắc khoải dù đang trải nghiệm sự thân mật, chúng ta thấy hoài niệm về một mái ấm mà chúng ta không bao giờ thật sự tìm được.  Có sự cô đơn, thao thức, một khắc khoải, khao khát, thiết tha, yêu thích, bất an, hoài niệm và vô tận trong chúng ta và chúng không bao giờ cảm thấy trọn vẹn.

Hơn nữa, sự bất tịnh này nằm ở trọng tâm chứ không phải ở bên rìa trải nghiệm của chúng ta.  Chúng ta không phải là những người yên nhàn đôi lúc cảm thấy thao thức, không phải là những người thanh bình đôi lúc cảm thấy bất an, không phải là những người viên mãn đôi lúc cảm thấy chán nản.  Đúng hơn, chúng ta là những sinh vật bồn chồn đôi lúc tìm được nghỉ ngơi, những con người bất an đôi lúc tìm được sự thanh tĩnh, những con người bất mãn đôi lúc tìm được sự thỏa mãn.

Và trong nhiều khao khát này, có một khao khát thâm sâu hơn những khao khát khác.  Điều mà chúng ta khao khát tối hậu, điều ẩn dưới mọi sự khác, chính là ái lực tinh thần, một tri kỷ, một người gặp gỡ chúng ta ở nơi thâm sâu trong tâm hồn chúng ta, một người tôn trọng mọi sự quý báu nơi chúng ta.  Hơn cả khao khát tìm được ai đó ngủ cùng mình về mặt tình dục, chúng ta khao khát ai đó ngủ cùng mình về mặt tinh thần.

Như vậy có nghĩa là gì?

Có thể diễn đạt như thế này: Mỗi một người chúng ta nuôi dưỡng một ký ức mơ hồ về một thời từng được chạm đến và âu yếm bởi những bàn tay trìu mến hơn hẳn bàn tay chúng ta.  Sự âu yếm đó để lại một dấu tích không phai, một ghi dấu tình yêu quá dịu dàng, quá tốt đẹp và thuần khiết đến nỗi ký ức đó trở thành lăng kính để chúng ta nhìn mọi sự khác.  Các thần thoại cổ xưa diễn tả chuyện này rất hay khi bảo với chúng ta, trước khi chúng ta được sinh ra, Thiên Chúa đã hôn linh hồn chúng ta, và chúng ta bước vào cuộc đời luôn ghi nhớ nụ hôn đó một cách trực giác, đánh giá mọi sự khác bằng cách đối chiếu với nụ hôn đó, với sự thuần khiết, dịu dàng và vô điều kiện ban đầu của nụ hôn đó.

Ký ức vô thức về một thời được Thiên Chúa chạm đến và âu yếm tạo trong chúng ta một nơi thâm sâu nhất, nơi chúng ta giữ những chuyện quý báu nhất và thiêng liêng nhất của mình.  Khi chúng ta nói chuyện gì đó “nghe rất đúng,” thì thật ra chúng ta đang nói, nó tôn trọng chốn thâm sâu đó trong lòng mình, nó tương hợp với chân lý, với dịu dàng và thuần khiết sâu sắc mà chúng ta đã từng trải nghiệm.

Từ nơi này xuất phát tất cả những gì là sâu sắc nhất, chân thực nhất trong chúng ta, cả những nụ hôn và giọt nước mắt.  Nghịch lý thay, đây là nơi chúng ta canh giữ đề phòng người khác, dù cho đó là nơi chúng ta muốn người khác bước vào nhất, với điều kiện là người bước vào tôn trọng sự thuần khiết, dịu dàng, vô điều kiện của sự âu yếm ban đầu mà Thiên Chúa đã tạo thành chốn dịu dàng đó.

Đây là nơi của thân mật sâu thẳm và cô đơn sâu sắc, nơi chúng ta ngây thơ vô tội, nơi chúng ta bị xâm phạm, nơi chúng ta thánh thiện, là đền thờ của Thiên Chúa, là đền thiêng tôn kính và là nơi chúng ta băng hoại khi hành động trái với chân lý.  Đây là trung tâm tinh thần của chúng ta, và cơn khắc khoải chúng ta cảm thấy có thể được gọi là cô đơn tinh thần.  Chúng ta khao khát tri kỷ là vì nó.

Và trong khao khát này, trong khắc khoải khôn nguôi này, chúng ta được thôi thúc hướng ra ngoài, như người nữ trong sách Diễm ca, chúng ta khắc khoải tìm kiếm một người ngủ cùng mình về mặt tinh thần.

Đôi khi khao khát đó dán chặt vào một người nào đó, và sự cố định đó có thể ám ảnh đến nỗi chúng ta đánh mất tự do về cảm xúc.  Như nền văn hóa của chúng ta, chúng ta cũng có thể kết luận, về căn nguyên nó là khao khát sự giao hợp tình dục.  Nói như thế có phần nào đúng, mặc dù có khiếm diện.  Sự giao hợp tình dục, trong dạng chân thực của có, thật sự đúng là gắn kết “thành một xác thịt” được Đấng Tạo Hóa tuyên bố sau khi lên án sự cô đơn “con người ở một mình không tốt.”  Ngoài giao hợp tình dục, cuối cùng, người ta luôn phần nào cô đơn, độc thân, tách biệt, một kẻ thiểu số.

Nhưng xét tận cùng, chúng ta cô đơn ở một mức độ mà chỉ tình dục thì không đủ để thỏa mãn.  Thâm sâu hơn cả khao khát bạn tình, chúng ta khao khát một ái lực tinh thần.  Khao khát thâm sâu nhất của chúng ta là khao khát một người để ngủ cùng về mặt tinh thần, một tinh thần đồng điệu, một tri kỷ.

Những tình bạn và tình vợ chồng tuyệt vời nhất luôn có điều này, cụ thể là ái lực tinh thần.  Những người đó là những “tình nhân” theo nghĩa sâu xa của nó, bởi vì họ ngủ với nhau ở mức độ thâm sâu, bất chấp có sự giao hợp tình dục hay không.  Ở mức độ cảm giác đó, dạng tình yêu này được trải nghiệm như đi “về nhà.”

Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu từng nói, là con người, chúng ta là “kẻ lưu đày của tâm hồn,” và chúng ta chỉ có thể thắng vượt chuyện này bằng sự giao hợp tinh thần với người khác, nghĩa là ngủ với ngời khác trong tình thiện lành, hân hoan, an bình, nhẫn nại, tốt lành, chịu đựng và đức tin.

Rev. Ron Rolheiser, OMI


 

KHÔNG GIAN CẦU NGUYỆN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh em được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu!”.

Viết về các giáo xứ, một tác giả ví von: “Mục chi của ‘nhà thờ sống’ luôn nhiều hơn mục thu; ‘nhà thờ chết’ không cần nhiều tiền! ‘Nhà thờ sống’ luôn có vấn đề về chỗ đậu xe; ‘nhà thờ chết’ có thừa mặt bằng! ‘Nhà thờ sống’ có thể ồn ào vì trẻ em chạy nhảy; ‘nhà thờ chết’ đìu hiu như nghĩa trang! ‘Nhà thờ sống’ liên tục thay đổi cách thức hoạt động, luôn cần những không gian thánh; ‘nhà thờ chết’ không cần đổi thay, nhện tha hồ dăng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một Hội Thánh sống động không chỉ cần những không gian sinh hoạt; nhưng quan trọng hơn – các tâm hồn – những ‘không gian thánh’, ‘không gian cầu nguyện’ “được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu”. Đó là những gì Mẹ Hội Thánh cho chúng ta nghe trong ngày kính hai thánh tông đồ Simon và Giuđa – bài đọc một.

Tin Mừng hôm nay nói, “Chúa Giêsu thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, kêu các môn đệ lại, Ngài chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”. Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện và sau đó mới là những điều còn lại: dân chúng, việc tuyển chọn, chữa lành, trừ quỷ. Đá tảng góc tường là Chúa Giêsu, vâng; nhưng, đó là một Chúa Giêsu cầu nguyện! Chúa Giêsu cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho Giáo Hội trước mặt Chúa Cha. Ngài cầu bầu cho chúng ta. Chúng ta cầu nguyện với Ngài, nhưng nền tảng là Ngài cầu nguyện cho chúng ta!

“Thật đáng yêu khi xem xét những lời của Chúa Giêsu đã nói với Phêrô, với mọi người và nói với chúng ta, “Thầy đã cầu nguyện cho anh, Thầy đang cầu nguyện cho anh”. Điều này mang lại cho chúng ta một sự tự tin lớn lao! Tôi thuộc về cộng đồng này, một cộng đồng kiên định vì có Chúa Giêsu đá tảng, một Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi, cho chúng ta. Tất cả chúng ta như một toà nhà, nhưng nền tảng là Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta. Chính Ngài cầu nguyện cho tôi!” – Phanxicô.

Như thế, cùng với các tông đồ, bạn và tôi là những ‘không gian thánh’, những ‘không gian cầu nguyện’ trong toà nhà Hội Thánh. Hãy là một không gian đầy Chúa cuốn hút mọi người đến với Ngài. Đồng thời, như các ngài, chúng ta đi đến mút cùng thế giới tặng trao Tin Mừng, tạo nên một sự khác biệt vĩnh viễn trong cuộc sống của bao người khác, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!” – Thánh Vịnh đáp ca. Trong mọi đấng bậc, dẫu hình thức có khác nhau, nhưng chúng ta có chung một sứ mệnh đem tình yêu và lòng thương xót Chúa đến cho vô vàn anh chị em gần xa. Muốn được như vậy, trước tiên, chúng ta phải là những con người cầu nguyện, những ‘không gian cầu nguyện!’.

Anh Chị em,

“Anh em được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ”. Mỗi ngày rước Chúa, chúng ta được mạnh mẽ để trở nên tông đồ. Sống động hơn, trở nên những “nhà tạm di động” của Chúa Giêsu, Đấng ước mong tâm hồn mỗi người luôn trở nên chốn rất thánh cho Ngài. Hãy là những ‘không gian cầu nguyện’ như Ngài. Nhờ đó, qua chúng ta, Ngài có thể đến được với bao anh chị em khác. Chớ gì không chỉ tâm hồn chúng ta thánh, gia đình chúng ta thánh, mà môi trường, xã hội và cả thế giới của chúng ta nên thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để ‘nhện dăng’ không gian ‘chưa thánh’ linh hồn con; cho con thật thánh hầu đem Chúa đến cho những ai chưa một lần nghe nói đến Chúa Chí Thánh!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

****************************************************

Ngày 28 tháng 10

THÁNH SI-MON VÀ THÁNH GIU-ĐA, TÔNG ĐỒ

lễ kính

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

19 Thưa anh em, anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, 20 bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su. 21 Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. 22 Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người. 


 

“Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:47)-Cha Vương 

Ngày Chúa Nhật tràn đầy yêu thương và hạnh phúc bên Chúa và Mẹ nhé.

Cha Vương 

CN: 27/10/2024

TIN MỪNG: Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:47)

SUY NIỆM: Lời kêu cầu của Ba-ti-mê: “Lạy Con vua Đa-vít xin dủ lòng thương tôi” đã trở thành khởi đầu của một trong những lời cầu nguyện lâu đời nhất. Trong truyền thống Kitô giáo phương Đông, nó có thể so sánh với Kinh Mân Côi. Mặc dù nó đã hơn 1.500 năm tuổi và gắn liền với các tu sĩ ở Ai Cập và Hy Lạp nhưng vẫn được ít người biết đến trong truyền thống phương Tây.

Cho đến ngày này giáo hội phương Đông vẫn dùng những lời này (hoặc lời lẽ tương tự) trong các kinh nguyện của họ: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Lời kêu cầu của Ba-ti-mê là một lời tuyên xưng đức tin về 3 khía cạnh:

(1)Chúa Giêsu là Đấng Mêsia nghĩa là “người được xức dầu.” hoặc Đấng Thiên Sai.

(2) Ngài là Ngôn sứ công bố những điều Chúa Cha đã ủy thác cho Ngài như tất cả các ngôn sứ trước Ngài đã làm. Ngài rao giảng về sứ điệp tha thứ và thương xót.

(3) Người có quyền trên các thần dữ và bệnh tật thể lý. Ngài ra lệnh cho kẻ chết sống lại, và chúng đã tuân theo. Ngài nói vương quốc của Ngài không phải là thế gian này.

Anh mù Ba-ti-mê nêu ra cho mỗi người một tấm gương để noi theo dù là bạn đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ở đây ba thái độ được lộ ra trong tấm gương này là:

(1) anh ý thức mình cần Chúa,

(2) anh cố gắng hết sức để được đến gần Chúa,

(3) bất chấp mọi ngăn cản. Kết quả là anh đã được Chúa đổi mới hoàn toàn; anh còn thay đổi tấm lòng hẹp hòi của những người chung quanh khi họ ngăn cản anh đến với Chúa Giêsu nữa. Nếu bạn có lòng tin và can đảm hành động như anh mù này thì không có gì ngăn cản bạn đến với Chúa, dù khi bạn kêu cầu mà Chúa không nghe tiếng, nhưng cuối cùng Ngài sẽ dừng lại, ưu ái gọi bạn đến và biến đổi đời sống bạn. Nhìn vào 3 thái độ của anh mù Ba-ti-mê, mình thấy đức tin của mình vẫn còn kém cỏi quá đi bạn ạ. Thảm nào là người có đạo mà chẳng thấy có đạo tí nào. 🙂

LẮNG NGHE: Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. (Is 35:4b-6a)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con, xin mở mắt linh hồn để con thấy tình thương Chúa đang bao bọc con cả sau lẫn trước ( x. Tv 139:5).

THỰC HÀNH: Bạn đã cố gắng hết sức để được đến gần Chúa chưa? Cố gắng thêm tí nữa nhé.

From:Do Dzung

*****************************

.CON CẦN CHÚA || THÁNH CA GIANG ÂN

“KÌA, NGÀI GỌI ANH!”- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”.

“Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp!”, “Aide-toi, le ciel t’aidera!” – Ngạn ngữ Pháp.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể chuyện một thanh niên, tuy mù loà, nhưng đức tin của anh thật ngời sáng. Anh đã tự giúp mình; và sau đó, không chỉ trời giúp anh, mà người cũng sẽ giúp anh. Họ nói với anh, “Kìa, Ngài gọi anh!”.

Bartimê, một người ăn xin, đủ sắc sảo để biết rằng, anh không nên gây ồn ào cho những ‘khách hàng’ của mình; tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đi qua, anh không thể im lặng. Cả khi bị ‘khách hàng’ quở mắng, anh vẫn la lên, “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Với niềm tin mạnh mẽ, Bartimê tin rằng, ông Giêsu ấy có thể thay đổi số phận của anh. Vì vậy, không ai và không gì có thể cản ngăn việc anh gặp Ngài. Người ta càng ngăn cản anh, anh càng kêu lớn. “Đó là tiếng nói của một trái tim nhân loại đang kêu lên; và tất cả chúng ta đều có tiếng nói này tự bên trong. Một tiếng nói phát ra tự nhiên mà không cần ai tác động, một tiếng nói tự hỏi về ý nghĩa hành trình của mỗi người trên trái đất này, nhất là khi chúng ta thấy mình đang ở trong bóng tối, “Lạy Chúa, xin thương xót con!”. Đây quả là một lời cầu nguyện đẹp nhất!” – Phanxicô.

Nhiều lần, chúng ta phàn nàn – tôi không biết cầu nguyện thế nào? Hãy học anh mù! Anh liên tục kêu van Chúa Giêsu và bày tỏ tất cả những gì anh ta cần chỉ trong một vài từ. Nếu bạn thiếu đức tin, hãy nói, “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con!”. Nếu những thành viên trong gia đình hay các thân hữu của bạn đã ngừng thực hành đức tin Công Giáo, hãy cầu nguyện cho họ, “Lạy Chúa, xin giúp họ nhìn thấy!”. Đức tin có thực sự quan trọng đến thế không? So với thị giác thể chất, thị giác thiêng liêng – đức tin – quan trọng hơn bội phần! Trong khi tình trạng của người mù thật đáng thương, thì hoàn cảnh của một người không tin còn đáng thương hơn! Hãy nói với họ, “Kìa, Ngài gọi anh! Bạn hãy trình bày nhu cầu của bạn, và Chúa Giêsu sẽ đáp ứng bạn một cách hào phóng!”.

Israel – dân Chúa – cũng đã nói cho các dân ngoại xưa, “Kìa, Ngài gọi các anh!”; và họ đã hân hoan khi cảm nhận được lòng thương xót của Ngài, “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui!” – Thánh Vịnh đáp ca. Giêrêmia đã thấy trước ngày hân hoan đó, “Kẻ đui, người què, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa về!” – bài đọc một.

Anh Chị em,

“Kìa, Ngài gọi anh!”. Như Bartimê bên lề đường, bao người giờ đây đang ở bên lề xã hội hay ‘bên lề cuộc đời’ của chính họ cần lắng nghe những lời động viên phấn khích và hy vọng này! Đó là những con người bệnh tật phần hồn, đau đớn phần xác; những người thất nghiệp, tuyệt vọng; những người lung lạc đức tin hay những người đang đắm chìm trong tội lỗi… Và thật bất ngờ, con người khốn khổ đó có thể là mỗi người chúng ta. “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp!”. Như anh mù, hãy đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, chạy đến với Ngài và la lên, “Lạy Chúa, xin thương xót con!”. Hãy vứt lại ‘những chiếc áo vướng bận’ để đến với Ngài; và chắc chắn, chúng ta cũng sẽ hưởng nhận những gì cần thiết để tạo nên một sự khác biệt!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin chữa mắt tâm hồn của con, hầu con có thể ‘rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu’ khi con nói với anh chị em con, “Kìa, Ngài gọi anh!””, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***************************************************

Chúa Nhật Tuần XXX – Mùa Thường Niên

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

46 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng : “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 49 Đức Giê-su đứng lại và nói : “Gọi anh ta lại đây !” Người ta gọi anh mù và bảo : “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !” 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51 Người hỏi : “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh mù đáp : “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” 52 Người nói : “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi. 


 

SUY NIỆM PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 10,46-52)

LỜI CHÚA:

46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.51 Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

 BÀI 1: NGƯỜI GỌI ANH – ANH THEO NGƯỜI
 

Suy Niệm

Tin Mừng Máccô kể chuyện Đức Giêsu chữa hai người mù. Một người ở Bếtsaiđa, khi Ngài và các môn đệ bắt đầu cuộc hành trình lên Giêrusalem (Mc 8,22-26).

Người kia, ở cuối cuộc hành trình này (Mc 10,46-52), khi Ngài ra khỏi Giêricô để chuẩn bị vào Giêrusalem. Anh mù ở Bếtsaiđa được người ta dẫn tới xin chữa.
Còn anh mù Ba-ti-mê trong bài Tin Mừng ta vừa nghe thì ngồi ăn xin bên vệ đường ở Giêricô để kiếm sống. Chắc anh nghĩ  hôm nay sẽ là một ngày như mọi ngày.

Anh sống nhờ lòng tốt của khách hành hương lên đền thờ Giêrusalem qua ngả Giêricô.

Bỗng anh nghe những bước chân của một đám đông, và sướng  vui khi biết Đức Giêsu có mặt trong đoàn. Đây là vị ngôn sứ lẫy lừng ở vùng Nadarét. Ngài có thể chữa bệnh, trừ quỷ và hoàn sinh kẻ chết. Ngài đã dùng mấy ổ bánh mà nuôi cả đám đông. Từ lâu anh mong có dịp gặp Ngài, hy vọng Ngài cho đôi mắt anh được sáng.

Bây giờ Ngài đang đi ngang, trước mặt anh. Cơ hội cho một cuộc hạnh ngộ đã đến gần, dù Ngài không thấy anh, và anh cũng không thấy Ngài. Làm sao báo cho Ngài biết là anh đang chờ Ngài?

Anh chỉ có một thứ vũ khí là tiếng kêu. Anh tin chỉ cần Ngài nghe được tiếng kêu của anh  là Ngài biết có một người đang cần trợ giúp. Anh đã cố kêu thật to, gọi tên riêng của Ngài, tuyên xưng Ngài là Đấng Mêsia, Con vua Đavít.
Anh chẳng xin gì, chỉ xin Ngài dủ tình xót thương. Tiếng kêu thống thiết đầy niềm tin và hy vọng. Càng bắt anh im đi, anh càng kêu to hơn. Tiếng kêu kiên trì đã chạm đến trái tim Đức Giêsu, làm Ngài dừng chân, và cả nhóm cũng dừng chân.
Anh mù đã gọi Đức Giêsu, bây giờ Ngài gọi anh. Rõ ràng Ngài muốn gặp anh, dù chưa biết anh là ai. Khi nghe biết Đức Giêsu gọi, anh vội vã đứng dậy, vất lại chiếc áo choàng vướng víu để đến với Ngài. Đức Giêsu biết anh cần gì, nhưng vẫn hỏi câu Ngài từng hỏi Giacôbê và Gioan: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,36).

Anh không xin được ngồi ghế cao trong vinh quang, chỉ xin được thấy, cho anh thoát cảnh mù lòa, để khỏi phải sống bằng tiền bố thí. Không rõ Đức Giêsu đã làm gì để chữa mắt anh.

Chỉ biết anh nhìn thấy được, ngay sau khi Ngài nói: “Anh hãy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!”

“Anh hãy đi!”: Đức Giêsu đã nói như thế với anh nhà giàu. Anh hãy đi, bán, cho, rồi trở lại và theo tôi (Mc 10,21).

Ngài mời anh nhà giàu theo Ngài làm môn đệ, nhưng anh này không buông bỏ được của cải để theo. Giờ đây Đức Giêsu cũng bảo anh mù hãy đi, nhưng Ngài không mời anh theo làm môn đệ.

Vậy mà ngay sau khi được sáng mắt, anh đã theo Ngài lên Giêrusalem. Anh không ngồi ở vệ đường nữa, nhưng nhập với đám đông theo Ngài trên đường. Có một cuộc đổi đời chỉ sau một lần gặp gỡ!

Không rõ sau này anh có vào nhóm của Thầy không, có theo Thầy Giêsu đến hết cuộc Khổ nạn không. Điều quý nơi anh là lòng cương quyết muốn gặp Thầy. Chẳng ai gặp được Thầy mà không cần nỗ lực. Ông Dakêu đã phải chạy và phải leo lên cây. Anh mù phải kêu to, át tiếng đám người quát nạt. Xin cho mắt và lòng tôi bừng sáng, nhờ gặp được Giêsu.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Ai trong chúng con cũng có những điểm mù, những vùng tối, nơi chúng con không thấy về mình, nhưng người khác lại thấy rõ. Chính vì thế chúng con cần nhau để ra khỏi sự mù lòa, cần lắng nghe để biết về mình nhờ người khác, cần cởi mở để cho người khác biết về mình.

Lạy Chúa Giêsu là Ánh sáng, Chẳng ai trong chúng con muốn mình bị khiếm thị, nhưng chúng con vẫn hay ở lại trong bóng tối, vì bóng tối cho chúng con sự yên ổn, và che giấu điều chúng con không muốn thấy nơi mình.

Xin cho chúng con dám mở ra để gặp ánh sáng nơi những người khác ý kiến, khác lập trường, nhờ đó những góc khuất được vén mở.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khát mong ánh sáng của sự thật hơn người mù mong sáng mắt. Xin cho chúng con cùng nhau tìm kiếm ánh sáng Chúa với trọn cả tâm hồn, để ánh sáng Chúa giải phóng chúng con.

BÀI 2: XIN THƯƠNG XÓT TÔI

Suy Niệm

Con mắt là một bộ phận hết sức mong manh, dễ bị tổn thương, dễ bị nhiễm trùng, nhất là trong điều kiện vệ sinh ngày xưa. Chúng ta không rõ lý do khiến anh Báctimê bị mù, chỉ biết anh không mù từ lúc lọt lòng mẹ. Anh đã từng được thưởng thức ánh nắng ban mai hay nhìn ngắm những người thân yêu, bè bạn.
Bây giờ chỉ có bóng tối triền miên. Anh Báctimê sống bằng nghề hành khất, ngồi ăn xin bên vệ đường, sống bên lề xã hội. Danh tiếng của Ðức Giêsu Nadarét, anh đã nghe nhiều. Ngài có thể làm người mù bẩm sinh sáng mắt. Anh tin vào Ngài, thầm mong có ngày được gặp.

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc hạnh ngộ ấy.

Rất tình cờ, Ðức Giêsu đi ngang qua đời anh. Anh mù lòa, ngồi đó như chỉ chờ giây phút này. Khi nghe biết Ðức Giêsu cùng với đám đông đi qua, anh thấy cơ may đã đến. Tất cả sức mạnh của anh nằm ở tiếng kêu, tiếng kêu thống thiết bi ai của một người đau khổ, nhưng cũng là tiếng kêu đầy tin tưởng, hy vọng. “Lạy ông Giêsu, Con vua Ðavít, xin thương xót tôi!” Tiếng kêu báo hiệu một sự hiện diện, một cầu cứu. Nhiều người muốn bịt miệng anh, nhưng anh chẳng sợ gì đe dọa. Càng bị đe dọa, anh càng gào to hơn nhiều. Cuối cùng tiếng của anh đã đến tai Ðức Giêsu. Ngài dừng lại và sai người đi gọi anh, vì Ngài cũng chưa rõ anh đang ở đâu. Khi biết mình được gọi, anh vội vã và vui sướng vất bỏ cái áo choàng vướng víu, nhẩy cẫng lên mà đến với Ðức Giêsu. Anh đi như một người đã sáng mắt, bởi thực ra mắt của lòng anh đã sáng rồi. Khi được khỏi, lòng tin của anh trở nên mạnh hơn. Anh thấy lại mặt trời, anh gặp Ðấng cho anh ánh sáng. Không ngồi ở vệ đường nữa, anh đứng lên đi theo Ðức Giêsu.
“Xin thương xót tôi. Xin cho tôi nhìn thấy lại” (Mc 10,51).

Ðây có phải là tiếng kêu của tôi không? Khả năng thấy là một khả năng mỏng dòn. Tôi có thể thấy điều này mà không thấy điều kia. Tôi có thể lúc thấy, lúc không, hay cố ý không muốn thấy. Lắm khi tôi không đủ sức để ra khỏi sự mù lòa của mình. Tôi có kêu gào với Chúa để xin được ơn thấy lại không? Một người dù đã được xóa mù, vẫn có thể mù lại. Chính vì thế tôi cứ phải xin cho mình được thấy luôn. Thấy mình bé nhỏ, thấy Chúa bao la, thấy anh em dễ mến. Thấy là đi vào một con đường dài hun hút. Chúng ta phải được Chúa xóa mù suốt đời. Chỉ trong ánh sáng của Chúa, tôi mới nhìn thấy ánh sáng.

Gợi Ý Chia Sẻ
1.      Bạn nghĩ gì về nạn hành khất ở nơi bạn sống? Ðâu là nguyên nhân? Ðâu là cách giải quyết tốt nhất?
2.      Nhiều người tự giam mình trong sự mù lòa. Họ chỉ thấy điều họ muốn thấy. Họ bị khép kín trong thế giới chủ quan của họ. Có khi nào bạn thấy mình mù lòa về bản thân không? Làm sao bạn được sáng mắt trở lại?

 Cầu Nguyện

Như người mù ngồi bên vệ đường xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân với những yếu đuối và khuyết điểm, những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy, thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa chiếu dãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

From: sieu nguyen& KimBang Nguyen


 

  VÔ SINH – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”.

“Đức tin đích thực mở lòng với người khác, tha thứ cho người khác tạo nên phép lạ. Cây vả tượng trưng cho sự vô sinh, một cuộc sống cằn cỗi, không có khả năng cho đi bất cứ thứ gì. Chúa Giêsu nguyền rủa nó vì nó không nỗ lực để sinh trái!” – Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây vả cằn cỗi để ‘nói về’ và ‘nói với’ người đương thời của Ngài; đặc biệt, các nhà lãnh đạo tôn giáo giả hình. Đối với Ngài, cuộc sống của họ ‘vô sinh’ khác nào một cây vả không nỗ lực để sinh trái.

Lời Chúa mời gọi chúng ta suy gẫm về những bất tiện của sự giả hình, “Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”. Kẻ giả hình vờ vịt tin rằng, mình là một ai đó không phải là mình. Dối trá này lên đến đỉnh điểm khi một người giả vờ nhân đức – khía cạnh luân lý – nhưng lại sống trác táng, phóng đãng; hoặc giả vờ đạo đức – khía cạnh tôn giáo – nhưng chỉ quan tâm đến tư lợi mà không màng đến Thiên Chúa. Giả hình về mặt nhân đức gây bao đổ vỡ, giả hình về mặt đạo đức gây bao thương tích!

Một số chính trị gia tuyên bố sẽ phục vụ đất nước trong khi họ chỉ đơn giản là ‘sử dụng’ nó; lực lượng an ninh nhân danh trật tự lại bảo vệ các băng nhóm phi pháp; bác sĩ nhân danh y học lại huỷ hoại một mạng sống đang chớm nở hoặc thúc đẩy cái chết êm dịu của một bệnh nhân hấp hối; truyền thông thay tin hoặc giả vờ làm mọi người thích thú bằng cách làm hư hỏng họ; những người quản lý công quỹ chuyển một phần tiền vào túi riêng của đảng hoặc cá nhân mình; giáo dân cản trở chiều kích công khai của Hội Thánh khi nhân danh tự do lương tâm; các tu sĩ không trung thành với luật dòng; và các Linh mục không phục vụ giáo dân với tinh thần truyền giáo và từ bỏ…

Bạn và tôi đều đã trải nghiệm khoảng cách giữa những gì ‘chúng ta giả vờ là’ và những gì ‘chúng ta thực sự là’. Rõ ràng, những gì ‘chúng ta giả vờ là’ hẳn đã làm cho cuộc sống chúng ta trở nên ‘vô sinh’; và vì thế, đáng bị loại để khỏi chật đất. Tạ ơn Thiên Chúa! Chúng ta có người làm vườn nhân ái Giêsu, “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái!”.

Anh Chị em,

“Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”. Phản ứng của chủ vườn khá hợp lý; chặt nó đi vì chỉ choán chỗ. Tuy nhiên, người làm vườn lại có quan điểm khác. Anh nhìn cây vả dường như ‘vô sinh’ này vẫn có khả năng sinh trái. Anh có tầm nhìn rộng lượng hơn về nó, một tầm nhìn đầy hy vọng. Anh cảm thấy mọi thứ vẫn chưa mất hết; vẫn còn thời gian để nó trở nên tốt đẹp. Đây là cách Chúa Giêsu nhìn chúng ta. Khi nhìn chúng ta, Ngài không chỉ nhìn thấy những gì chúng ta ‘đã không làm được’ trong quá khứ mà còn nhìn thấy những gì chúng ta ‘có khả năng làm được’ trong tương lai. Đó cũng phải là cách chúng ta nhìn nhau, có khả năng nhìn thấy những dấu hiệu yếu ớt của sự sống mới ẩn chứa bên dưới những bề mặt không mấy hứa hẹn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng nhẫn nại với con! Cho con nhận ra những dấu hiệu yếu ớt của sự sống mới ẩn chứa bên dưới những bề mặt không mấy hứa hẹn nơi anh chị em con!”, Amen.

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*****************************

Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên, Năm Chẵn:

Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? 3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ 8 Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’.” 


 

Cá nhân có thể được tự do phát triển như thế nào?-Cha Vương 

Ngày thứ 6 tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần để bảo vệ sự sống và những điều tốt lành. Đừng quên đi bầu nhé.

Cha Vương 

Thứ 6: 25/10/2024

GIÁO LÝ: Trong xã hội, cá nhân có thể được tự do phát triển như thế nào? Cá nhân chỉ được phát triển tự do trong xã hội, nếu biết tôn trọng “nguyên tắc bổ trợ”.  (YouCat, số 323)

SUY NIỆM: Học thuyết xã hội của Hội thánh đã thảo ra một nguyên tắc bổ trợ: điều mà một người có thể tự mình làm thì cấp cao hơn không được làm. Theo nguyên tắc này cấp trên không được cướp lấy khả năng của con người. Một xã hội cấp trên không được đảm nhận những nhiệm vụ của một xã hội cấp dưới, làm cho nó mất khả năng thực hiện. Nhiệm vụ xã hội cấp trên đúng hơn là can thiệp “để bổ trợ”, để giúp thêm khi cần thiết. (YouCat, số  323 t.t.)

❦  Ân huệ lớn mà con người có thể có được dưới vòm trời là được sống tốt với những người mà họ cũng là người như mọi người.—Chân phước Egide Atxidi (? – 1262, bạn của thánh Phanxicô Atxidi)

LẮNG NGHE: ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. (St 2:7)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa dựng lên con giống hình ảnh của Chúa. Chúa còn ban cho con có tự do và được làm con cái Chúa, được sống hạnh phúc mãi mãi với Chúa. Con chẳng biết đền đáp sao cho xứng, chỉ biết sấp mình tạ ơn Chúa mà thôi. Xin Chúa thương ban cho con biết sống xứng đáng là hình ảnh của Thiên Chúa là luôn biết yêu thương để mai ngày con được vui hưởng hạnh phúc với Chúa trên Thiên Quốc.

THỰC HÀNH: Làm một hy sinh nhỏ để cầu nguyện cho những người đang có ý định phá thai.  Xin Chúa hãy thay đổi tâm trí họ.

From: Do Dzung

*************************

Biết Chúa Biết Con – Thanh Sử – (St: Mạnh Hùng OP)