CÙNG MỘT THÔNG ĐIỆP – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói, “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”.

“Các linh mục nổi tiếng về việc mượn những câu chuyện của nhau để giảng lễ! Lần kia, tôi đồng tế tại một đám tang; hôm đó, linh mục giảng lễ kể một câu chuyện thật sâu sắc về thời thơ ấu của mình. Thực ra, đó là câu chuyện về thời thơ ấu của tôi, và ngài không bao giờ đề cập điều đó; cũng có thể ngài không biết!” – Mgr. James Vlaun.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay tiết lộ một chuyện tương tự ngay ngày đầu tiên thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài ‘tạm mượn’ thông điệp của Gioan để ‘giảng lễ mở tay’ cách ngon ơ! ‘Cùng một thông điệp’ của Gioan, Chúa Giêsu nói, “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”. Điều xảy ra với Đức Ông Vlaun cũng đã xảy ra với Gioan Tấy Giả!

‘Cùng một thông điệp’; tuy nhiên, từ môi miệng Chúa Giêsu, những lời này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Gioan loan báo một Nước Trời sắp đến – điều mà bản thân Gioan có lẽ cũng rất mù mờ; đang khi Nước Trời đó chính là Chúa Giêsu! Rồi đây, Ngài sẽ xác nhận, “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông!”. Với Chúa Giêsu, “sám hối” cũng mang một ý nghĩa khác! “Sám hối” thường được hiểu là hối hận, đau buồn vì những điều sai trái một người đã làm; ở đây, “sám hối”, “metanoia” là đổi thay hoàn toàn và triệt để bên trong về cách thức nhìn cuộc sống. “Sám hối” Chúa Giêsu kêu gọi không quan tâm quá khứ, nhưng tương lai!

“Nước Trời đã đến gần” vì nó đã hiện thân trong con người Chúa Giêsu – Đấng thể hiện sự hiện diện đầy quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, “Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa lành họ!”. “Chữa lành” có nghĩa là khôi phục sự toàn vẹn; vì lẽ, mục tiêu của Nước Trời là cứu độ, khôi phục sự toàn vẹn những gì hỏng hóc của con người, của thế giới. Và đó là lý do của Giáng Sinh, cũng là lý do tại sao Hài Nhi Giêsu – Chúa Cứu Độ, Con Thiên Chúa – trong máng cỏ gắn liền với sứ mệnh mà Ngài phải chu toàn và chu toàn cho đến chết.

Anh Chị em,

“Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”. ‘Cùng một thông điệp’ như Gioan, Chúa Giêsu đang nói những lời đó với mỗi người chúng ta. Rằng, “Thiên Chúa đã đến thăm chúng ta bằng chính con người Ngài. Ngài không chấp nhận phận người vì bổn phận, nhưng vì tình yêu. Ngài mặc lấy bản tính con người vì người ta chấp nhận những gì họ yêu. Thiên Chúa mặc lấy bản tính con người vì yêu thương chúng ta và mong muốn tự do ban cho chúng ta ơn cứu độ mà chỉ một mình Ngài – không ai khác – có thể có, cũng như tự sức, không ai đạt được. Ngài muốn ở lại, ban cho chúng ta vẻ đẹp cuộc sống, sự bình an, niềm vui được tha thứ và cảm thấy được yêu thương!” – Phanxicô. ‘Cùng một thông điệp’ hãy sám hối, nhưng thông điệp của Chúa Giêsu dẫn chúng ta tới một thông điệp quan trọng gấp bội, “Hãy trở thành con người mới mà Chúa muốn chúng ta trở thành!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi ngày Chúa gửi cho con bao điều Chúa muốn nhắn gửi. Đừng để con giả điếc, giả mù trước lời mời gọi của Chúa; nhờ đó, con sẽ sớm nên thánh!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

  *************************************************

Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

12 Khi ấy, Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: 15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! 16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

23 Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. 24 Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền : những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ. 25 Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người. 


 

Lễ  Kính Thánh Danh Chúa Giêsu-Cha Vương

Đêm đã kết thúc nhường chỗ cho một ngày mới. Tạ ơn Chúa! Chúc Bạn một ngày bình an. Bạn chỉ còn 362 ngày nữa để đón mừng Năm Mới 2026. Nhớ để bụng nhé :

Cha Vương

Thứ 6: 03/01/2025

Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ  Kính Thánh Danh Chúa Giêsu.   Thánh Phêrô khẳng định rằng “dưới gầm trời này không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Thánh Phaolô cũng viết về việc này trong thư gửi cho các tín hữu Philípphê, ngài nói: Thiên Chúa Cha đã ban cho Đức Giêsu Kitô “một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (x. 2:9).

Theo lịch sử phụng vụ, trước Công Đồng Vatican II, ngày Lễ đầu năm, 1 tháng 1, là lễ Đặt Tên.  Theo Phúc Âm (Lk 2:21), đến ngày thứ tám người làm phép cắt bì cho Con Trẻ và đặt Tên Giêsu cho Con Trẻ. Thánh Danh Chúa Giêsu được tôn kính đặc biệt trong phụng vụ bằng việc cúi đầu khi đọc hay nghe đọc đến Thánh Danh Giêsu. Việc cúi đầu hay cúi mình là cử chỉ tỏ lòng tôn kính đối với chính nhân vật hay những biểu hiệu tượng trưng cho người đó.  Cúi đầu trước mặt nhân vật chúng ta tôn kính, hay trước hình ảnh của họ.

Theo luật phụng vụ, chúng ta phải cúi đầu khi đọc tới tên Ba Ngôi Thiên Chúa, hoặc khi đọc Thánh Danh Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, tên vị Thánh được tôn kính trong Thánh Lễ hôm ấy (cf. GIRM 275).  Ở đây luật Phụng vụ nói về Tên. Tên của Chúa Giêsu được chính Thiên Chúa gọi để ứng nghiệm lời của ngôn sứ: ” Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là” Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”( Mt 1, 23 ). Thánh Bernardine dùng việc sùng kính Thánh Danh Đức Giêsu như một phương cách để khắc phục các cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu và cay đắng cũng như sự thù nghịch giữa các dòng tộc ở các tỉnh nước Ý. Ngái nói: “Danh huy hoàng, danh từ bi, danh của tình yêu và quyền thế! Nhờ Ngài mà tội lỗi đã được tha thứ, nhờ Ngài mà kẻ thù bị chế ngự, nhờ Ngài mà người đau ốm được lành mạnh, nhờ Ngài mà những ai đang đau khổ vì thử thách được vững mạnh và phấn khởi. Ngài đem vinh dự cho những ai có lòng tin, Ngài dạy bảo những người rao giảng, Ngài thêm sức cho những người lao nhọc, Ngài duy trì những kẻ chán chường” (Thánh Bernardine ở Siena). Việc sùng kính gia tăng, một phần là nhờ các vị rao giảng thuộc dòng Phanxicô và Đaminh. Việc sùng kính này lan rộng hơn nữa sau khi các linh mục dòng Tên bắt đầu đẩy mạnh trong thế kỷ 16. Vào năm 1530, Đức Giáo Hoàng Clementê V phê chuẩn một Nghi Thức Cầu Thánh Danh cho các tu sĩ Phanxicô. Vào năm 1721, Đức Giáo Hoàng Innôcentê XIII nới rộng ngày lễ này cho toàn Giáo Hội.

Vậy kể từ ngày hôm nay xin Bạn hãy ý thức lại về việc kêu tên Chúa. Đừng kêu tên Chúa Giêsu vô cớ nhé ;). Xin Bạn hãy kêu Thánh Danh Chúa Giêsu một cách kính cẩn và nghiêm túc vì tên “Giêsu” có một sức mạnh huyền nhiệm mang bình an và nâng cao con người lên.

From: Do Dzung

*****************************

Ôi…Giê.. su..khi nghe tên Thánh Chúa Giêsu

HIỂU BIẾT THẦN HỌC – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”.

Ngày 3 tháng 1

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

29 Hôm sau, khi ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. 30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

31 Tôi đã không biết Người, nhưng tôi đến làm phép rửa trong nước để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en.” 32 Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’ 34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

“Dòng suối máu chảy ra từ động mạch của Đấng Emmanuel; những tội nhân bị nhấn chìm dưới dòng máu lũ đó, nó cuốn sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Tên trộm hấp hối vui mừng khi thấy nguồn suối đó trong ngày của hắn; và tôi, cũng đê tiện như hắn, tẩy sạch mọi tội lỗi của mình. Chiên Con yêu dấu hấp hối, bửu huyết của Ngài sẽ không bao giờ mất đi sức mạnh của nó cho đến khi toàn thể Hội Thánh được cứu chuộc!” – William Cowper.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng thứ tư, Gioan Tẩy Giả chưa bao giờ làm phép rửa cho Chúa Giêsu như trong Matthêu, Marcô hay Luca; thay vào đó, Gioan chứng kiến việc Thánh Thần ngự xuống; để hôm sau, đưa tay chỉ Chúa Giêsu cho các đồ đệ và nói, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”. Quả là một ‘hiểu biết thần học’ sâu sắc!

Tại sao có sự khác biệt này giữa các Phúc Âm? Thật khó để trả lời, nhưng một điều hiển nhiên là, Gioan Tẩy Giả đã được mặc khải một sự hiểu biết tâm linh lạ lùng; rằng, Giêsu là “Chiên Thiên Chúa!”. Chỉ Tin Mừng thứ tư có ‘danh hiệu’ này và cũng chỉ ‘môn đệ vô danh’ – “người được Chúa Giêsu yêu” – tiết lộ mặc khải này. Rõ ràng, Tin Mừng Gioan đã nêu bật sự ‘hiểu biết thần học’ mà chỉ mình Gioan Tiền Hô được mặc khải.

“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!” cũng là lời chủ tế cất lên khi đưa cao Mình Thánh Chúa trong lễ Tạ Ơn; cộng đoàn đáp, “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con!” – lời viên đại đội trưởng. Trình thuật này không có trong Tin Mừng Gioan, nhưng phụng vụ đã tài tình kết hợp hai trình thuật này để có một ý nghĩa thâm trầm tuyệt vời dù thoạt đầu, chúng rất riêng lẻ; thậm chí tương phản nhau.

Bộ sưu tập ảnh chúa chiên lành đỉnh cao với hơn 999 hình ảnh đẹp nhất ...

Sự kết hợp ý vị này thể hiện một ‘sự thật kép’. Trước hết, “Đây Chiên Thiên Chúa!”. Thời Cựu Ước, tội nhân cần một con vật đổ máu để đền tội thay. Nhưng “Máu các con bò, con dê không thể xoá được tội lỗi!” – thư Do Thái; vì thế, Chiên Thiên Chúa phải đổ máu. “Đức Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi!” – bài đọc một; và kết quả là “Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Tiếp đến, “Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con!”. Không ai xứng đáng để Chúa ngự vào; tuy nhiên, chúng ta không chỉ được phép đón Chúa, mà còn chủ động đến với Ngài. Bất xứng của con người không là trở ngại cho việc Thiên Chúa giữ mối tương quan với nó hay việc nó liên hệ với Ngài. Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta thật xứng đáng; Ngài yêu cầu chúng ta trở nên xứng đáng để hiểu biết, tìm kiếm và chào đón Ngài.

BÍ TÍCH THÁNH THỂ MẠC KHẢI TÌNH YÊU THIÊN CHÚA DÀNH CHO BẠN

Anh Chị em,

“Đây Chiên Thiên Chúa!”. Chiên Thiên Chúa đã lấy máu từ trái tim bị đâm thâu của Ngài để rửa sạch tội lỗi chúng ta. “Hãy học từ Gioan Tẩy Giả khi không cho rằng chúng ta đã biết Chúa Giêsu, rằng chúng ta đã biết mọi điều về Ngài. Không phải vậy! Hãy dừng lại với Tin Mừng, thậm chí có thể chiêm ngưỡng một biểu tượng của Chúa Kitô, một “Khuôn Mặt Thánh Thiện”. Chiêm ngưỡng bằng đôi mắt và hơn thế, bằng trái tim; và hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Đấng nói với chúng ta bên trong rằng: Chính Ngài – Con Thiên Chúa – đã trở thành Chiên Con, bị hiến tế vì tình yêu!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, suối máu Chúa tuôn trào, tội lỗi của tên trộm và của nhân loại được tẩy sạch. Dạy con hiểu biết tình yêu Chúa hơn, hầu con bớt đê tiện và nên thánh mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**********************************************

 


 

NÊN CAO CẢ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.

“Điều hấp dẫn tôi là tôi cảm thấy mình tự làm chủ được số phận; nhưng cảm giác đó hoàn toàn thiếu trung thực và lừa dối bản thân nghiêm trọng. Tự hào về bản thân khiến tôi tự tôn thờ mình như ngẫu tượng; và đó là quốc giáo của địa ngục!” – Howard Butt.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy Gioan không theo “quốc giáo của địa ngục” khi không tự tôn, tự hào. Việc Gioan thừa nhận mình không xứng đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu là bằng chứng. Trớ trêu thay, chính sự thừa nhận này lại làm cho Gioan ‘nên cao cả!’.

Bạn có muốn ‘nên cao cả’ mà không tự tôn, tự hào? Bởi lẽ, “Tự tôn, tự hào, tự kiêu, tự đại, tự ti, tự mãn, tự cao, tự ái… và kể cả tự tin, tự trọng đều là tự tử!” – Gioan XXIII. Tự thâm tâm, tất cả chúng ta đều muốn ‘nên cao cả’ và khát khao hạnh phúc. Ước muốn bẩm sinh này thật chính đáng và chẳng có gì sai! Chúng ta muốn cuộc sống mình có ý nghĩa, có mục đích và tạo ra một sự khác biệt. Vấn đề là “Làm thế nào?”. Làm thế nào để tôi có thể ‘nên cao cả’, cao cả thực sự!

Từ góc độ trần thế, sự cao cả thường đồng nghĩa với thành công, giàu có, quyền lực và sự ngưỡng mộ từ người khác… Nhưng từ góc độ thiêng liêng, sự cao cả chỉ đạt được bằng việc dâng cho Thiên Chúa vinh quang lớn nhất mà chúng ta có thể có trong đời. Dâng Chúa mọi vinh quang có tác dụng ‘luỹ thừa’ đối với cuộc sống mỗi người.

Trước hết, dâng Chúa mọi vinh quang cho phép chúng ta sống phù hợp với sự thật là “Chúa và chỉ một mình Chúa” xứng với mọi khen ngợi và vinh quang. Bởi lẽ, mọi điều tốt lành đều đến từ Ngài. Thứ đến, dâng Chúa mọi vinh quang chỉ ra sự thật rằng, chúng ta tội lỗi, hoàn toàn bất xứng và điều này có tác dụng hỗ tương là chính Thiên Chúa sẽ hạ cố và nâng chúng ta lên. “Sự tách biệt khỏi tội lỗi và tính thế gian tự nó không phải là mục đích, nhưng là phương tiện để đạt được điều gì đó lớn lao hơn, cụ thể là Vương Quốc Thiên Chúa, hiệp thông với Thiên Chúa và tình bạn với Thiên Chúa!” – Phanxicô.

Andrew Murray thật thâm thuý, “Khiêm tốn là sự yên tĩnh hoàn hảo của trái tim. Đó là sự bình yên khi không được ai khen ngợi, khi bị chê trách hay khinh thường. Đó là ngôi nhà hạnh phúc, nơi tôi có thể vào, đóng cửa lại và quỳ lạy Cha tôi cách bí mật; và tôi bình an như trong biển sâu yên tĩnh, khi mọi thứ xung quanh và bên trên đều hỗn trọc!”.

Anh Chị em,

“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Hãy suy ngẫm về ơn gọi của bạn và chiêm ngắm gương khiêm nhường của Gioan. Đừng bao giờ né tránh việc hạ mình trước sự vĩ đại và quyền năng của Thiên Chúa. Làm như vậy chúng ta không hạ thấp chính mình hoặc cản trở sự cao cả của bản thân. Đúng hơn, chỉ trong sự khiêm nhường nhìn nhận sự yếu hèn, tội lỗi của mình trước Thiên Chúa, bạn và tôi mới có thể cho phép Chúa Giêsu lôi kéo vào sự cao cả của Ngài – ‘cao cả của thập giá’. “Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và ban tặng danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu!” – Phaolô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘tự tử’ khi theo ‘quốc giáo của địa ngục’. Cho con biết hạ mình trước Chúa, trước anh em, để được Chúa hạ cố nâng lên!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*****************************************

Ngày 2 tháng 1

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

19 Đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” 20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” 21 Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” 22 Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” 23 Ông nói : Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.  Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?” 26 Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” 28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa. 


 

THIÊN CHÚA đã sai Con Một giáng trần, để nhờ Con của Người mà chúng ta được sống. (1 Ga 4:9)- Cha Vương

Hôm nay là ngày thứ 365 của năm 2024, đây là cơ hội tốt nhất để gạt bỏ đi những gì gây ra phiền phức khó chịu của năm cũ để chuẩn bị đón chào 2025 với một con tim mới tràn đây yêu thương và hạnh phúc nhé. Chúc Mừng, chúc mừng!

Cha Vương

Thứ 3: 31/12/2024

TIN MỪNG: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. (Ga 1:14)

SUY NIỆM: Vào ngày cuối cùng của năm 2024, bạn hãy nhìn lại những món quà mà bạn đã nhận được trong suốt thời gian qua: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và đang ở bên bạn, ánh sáng Sự Thật và khôn ngoan của Chúa, và còn rất nhiều các món quà khác không đếm xuể… Với lòng biết ơn, bạn hãy cố gắng sống xứng đáng là con của Chúa vì Ngài đã ban cho bạn mầu nhiệm Cứu Chuộc và món quà của sự sống vĩnh cửu.

LẮNG NGHE: THIÊN CHÚA đã sai Con Một giáng trần, để nhờ Con của Người mà chúng ta được sống. (1 Ga 4:9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì những lúc buồn vui Chúa luôn kề bên cùng sớt chia vui buồn với con.

THỰC HÀNH: Tập đếm ơn lành của Chúa mà dâng lời tạ ơn.

From: Do Dzung

************************

TÂM TÌNH TẠ ƠN | Lm Giang Tâm | Trần Anh Hào

 

Nhắc Về Sự Chết và Sống Lại Của Chúa Trong Mùa Giáng Sinh – Huỳnh Quốc Bình

Huỳnh Quốc Bình

Tổ chức kỷ niệm ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh là ý của con người. Rao truyền sự chết và sự sống lại của Chúa mới là mạng lệnh của Ngài. Người ta không thể mừng ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh trong thái độ dửng dưng trước nỗi khổ đau của người khác.
***
Đọc Thánh Kinh, chắc chắn không ai thấy có một chỗ nào nói rằng Đức Chúa Jesus giáng sinh vào ngày 25 Tháng Mười Hai. Thánh Kinh cũng không đề cập đến việc con dân Chúa phải tổ chức kỷ niệm ngày Đức Chúa Jesus giáng trần. Trái lại, Thánh Kinh khuyến cáo con dân Chúa phải tưởng niệm sự chết của Ngài và căn dặn là hãy làm điều đó để nhớ đến Chúa và rao truyền sự chết của Chúa cho tới khi Ngài trở lại thế gian để phán xét những kẻ có tội.

Vậy tại sao con người lại tổ chức ngày này?  Hằng ngàn năm qua, ngày này đã trở thành ngày mà cả thế giới tổ chức ăn mừng một cách trọng đại. Tổ chức theo hình thức thiêng liêng để bày tỏ lòng biết ơn Con Trời, hoặc tổ chức theo kiểu vui chơi, tùy tấm lòng và nhận thức của từng người. Ngày sinh nhật của con người hoặc một số ngày đặc biệt trong đời sống, người ta còn biết xem trọng. Vậy thì, việc tổ chức mừng Con Trời giáng trần để chuộc tội cho nhân loại, có gì sai? Tại sao lại chống? Tôi đề cập đến điều này bởi vì có người nhận mình là “có đạo”, “có Chúa” nhưng lại chống đối việc tổ chức lễ Mừng Chúa Giáng Sinh. Có kẻ còn buông ra những lời lẽ xúc phạm những ai không suy nghĩ giống họ. Cũng có một trường phái khác, họ cũng tổ chức ngày Chúa Giáng Sinh, nhưng lại chống hình ảnh cây thông và Ông Già Noel. Họ làm như thể họ là những người duy nhất có kiến thức “uyên bác” của thời đại.

Tôi không chống việc trưng bày cây thông và tôi không tin “Ông Già Noel” là truyện có thật, nhưng tôi không chống các hình ảnh này bởi vì theo tôi đó chỉ là trang trí. Tôi sẽ không trịch thượng bài bác các hình thức trang trí trong mùa lễ này để chứng tỏ sự hiểu biết có tính cách “uyên thâm” hay “bác học” của mình. Tôi chỉ chống đối biểu tượng nào mang hình thức chống Thiên Chúa hay nghịch với Thánh Kinh mà thôi.

Xin phép cho tôi “lạc đề” một chút. Có một số tín hữu tỏ ra hoang mang khi nghe một “chức sắc” của Tin Lành đăng đàng để bài bác những hình thức trang trí cây thông vào ngày Chúa Giáng Sinh, cây mai trong ngày Xuân, tiền lì-xì trong ngày Tết, và nhiều thứ khác. Đối với tôi, những điều này nó chẳng dính dấp gì đến chương trình cứu rỗi mà Thiên Chúa dành cho loài người. Thánh Kinh có khuyến cáo trong sách Rô-ma 12:2 là, “Đừng làm theo đời này” chứ Thánh Kinh không dạy con dân Chúa đi chọc tức thiên hạ, khiêu khích đám đông, hoặc bài bác hết mọi thứ trên đời. Nếu con người xét thấy những điều nào mình thích làm, cần làm mà nó không hại ai, không nghịch với Thánh Kinh, hay KHÔNG “tựa như điều ác” thì cứ làm như Thánh Kinh sách I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22 đã dạy.

Trở lại chuyện Mừng Chúa Giáng Sinh. Hằng năm, tôi và gia đình tôi cũng tham dự những buổi lễ Mừng Chúa Giáng Sinh giống bao nhiêu người khác. Chúng tôi chỉ không ủng hộ việc tổ chức lễ này quá rình rang mà lại xem nhẹ việc rao truyền sự chết và sự sống lại của Chúa. Theo lời khuyến cáo của Thánh Kinh, việc rao truyền sự chết và sư sống lại của Chúa mới là quan trọng, và đó mới là ý Chúa. Tôi xin trân trọng mời quý con dân Chúa cùng tôi đọc lại Kinh Thánh Sách 1 Cô-rinh-tô 11, nhất là đọc từ câu 23-26.

Không phải ai cũng biết rõ hết mọi thứ. Cho dù có biết cũng ít ai “dại khờ” để nói ngược lại giáo quyền, hay đám đông. Thực tế, không phải lúc nào giáo quyền và đám đông cũng đúng, và không phải lúc nào thiểu số cũng sai. Chỉ có chân lý của Chúa mới là tuyệt đối đúng và bất diệt.

Căn cứ vào các dữ kiện trong Thánh Kinh, các nhà bình giải Thánh Kinh, và các sử gia tôn giáo đều đồng ý rằng: Các Hội Thánh Cơ Đốc, trong hơn 300 năm đầu tiên của lịch sử Cơ Đốc Giáo và Công Giáo La-Mã không hề giữ lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế.

Trong tài liệu Anh ngữ, “The Meanings of Christmas” (Ý Nghĩa Lễ Christ Giáng Sinh) của Học Giả Trần Văn Can, có một đoạn như sau: Ngày 25 tháng 12, Kinh Thánh Lược Khảo Halley viết rằng, ngày nay người ta kỷ niệm sanh nhật Đấng Christ vào ngày 25 tháng 12. Kinh Tân Ước không có một lời nào nói về Sinh Nhật này. Lễ Sinh Nhật Đấng Christ khởi xướng trong Thế Kỷ Thứ Tư: Những Hội Thánh ở Miền Tây giữ lễ ngày 25 tháng 12; những Hội Thánh ở Miền Đông giữ lễ ngày 6 tháng Giêng. (Hết trích)

Sự tích Đức Chúa Jesus giáng trần đã ghi lại một biến cố trọng đại của nhân loại. Đó là thời điểm bắt đầu có Tây Lịch và kéo dài đến ngày nay. Cho dù Đức Chúa Jesus giáng sinh vào ngày 25 Tháng Mười Hai hay ngày nào đi nữa, dứt khoát, biểu tượng hay ý nghĩa của “Lễ Giáng Sinh” không phải là mấy cây thông, các gói quà, những lời chúc tụng suông trên các tấm thiệp với lời lẽ được in sẵn. Ngày này không thể chỉ là hình ông già Noel, những bài viết, bài giảng luận thật hùng hồn về “yêu thương” nhưng lại thiếu tình yêu thương đích thực. Nói chung, người ta không thể mừng Chúa giáng sinh bằng thái độ vô cảm trước những trường hợp cần được cảm thông và giúp đỡ.

Người đời thường nói, “Chữ có nghĩa của nó”. Hai chữ “yêu thương” dứt khoát phải là yêu thương đích thực, và là sự cảm thông cho hoàn cảnh của nhau. Những điều này bắt nguồn từ sự rung động của con tim mà Đức Chúa Trời nhân từ đã ban cho con người. Ai không còn cảm thấy lòng mình rung động trước nỗi khổ đau của người khác, cho phép người ta nghi ngờ các loại “yêu thương” mà người đó đang cổ võ hay giảng dạy cho người khác. Tình yêu thương đích thực phải là tình yêu thương vô bờ bến của bà mẹ ruột đối với con cái, chứ không phải loại “yêu thương” của mẹ mìn.

Tây Lịch mà con người sử dụng ngày hôm nay khởi đầu từ thời điểm Hài Nhi Jesus lọt khỏi lòng mẹ phần xác. Theo lời Thánh Kinh, Đức Chúa Jesus là Con Trời, là Ngôi Hai trong Chúa Ba Ngôi. Ngài đã giáng trần qua mẹ phần xác là Nữ Đồng Trinh Ma-ri, người nữ được Đức Chúa Trời chọn để thụ thai Đức Chúa Jesus bởi Đức Thánh Linh. Chúa Ngôi Hai được sanh ra như bao nhiêu hài nhi khác. Ngài lớn lên, chịu nhục hình trên thập tự giá, và Ngài đã chết. Ngài được chôn trong mộ, đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại và thăng thiên. Thánh Kinh cho biết, Ngài chết vì tội của nhân loại.

Người ta không thể mừng ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh trong thái độ dửng dưng trước nỗi khổ đau của người khác. Số người thật sự tổ chức kỷ niệm mừng ngày Đức Chúa Jesus giáng trần song song với việc bày tỏ tình yêu thương với nhau một cách chân thành vẫn là con số đáng cho người khác bận tâm. Người ta căn cứ vào cung cách đối xử quá tệ bạc của một số người nhận mình là “Con dân Chúa” dành cho nhau hay cho người khác, để người ta có nhận xét đó. Điều đáng mừng và thật khích lệ bởi vì cũng có nhiều con dân Chúa đã công khai hoặc âm thầm xả thân để cứu giúp những người bị xã hội ruồng bỏ, những người bị hà hiếp, và những người cần sự giúp đỡ của người khác.

Mừng ngày quan trọng này còn có nghĩa là phải góp phần rao giảng ơn cứu rỗi của Chúa đến với những ai chưa biết về lẽ đạo của Ngài. Đừng vô tình làm cho người khác hiểu sai rằng, ngày Chúa Giáng Sinh là ngày của chưng diện, tặng quà, giăng đèn, dựng cây thông, và tiệc tùng vui chơi.

Lúc Đức Chúa Jesus còn ở trần gian, Ngài lập các môn đồ. Ngài giảng về Nước Trời, dạy các môn đồ về tình yêu thương, và dạy họ làm giống Ngài. Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự, Chúa chết, và Chúa đã sống lại rồi thăng thiên. Đó là những dữ kiện được phải được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho mọi người biết.

Đạo của Chúa là đạo yêu thương. Ai giảng về sự yêu thương, người đó phải sống yêu thương. Người ta không thể vừa đối sử tệ bạc với nhau, mà lại dạy người khác tin vào những gì gọi là “tình yêu thương” mình đang giảng dạy. Nếu ai không có tình yêu thương một cách thật sự, có tâm địa gian ác, thích giở những thủ đoạn đê tiện để hãm hại người; dứt khoát, người đó không thể có năng quyền của Chúa để lãnh đạo tinh thần cho người khác tại những nơi gọi là Hội Thánh Chúa.

Kinh Thánh đã khuyến cáo rằng: “Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm, và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi” (1Cô-rinh-tô 13:2-3).

Kết luận

Con dân Chúa phải thường xuyên bày tỏ tình yêu thương đích thực đối với mọi người. Thánh Kinh dạy, “Hãy nhớ những ai mắc vòng xiềng xích, như mình cùng phải xiềng xích với họ, lại cũng hãy nhớ những người bị ngược đãi, vì mình cũng có thân thể giống như họ” (Hê-bơ-rơ 13: 2).

Kỷ niệm ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh phải trong tinh thần tạ ơn Đức Chúa Trời. Ngoài việc giảng về Nước Trời, giảng về sự giáng trần của Chúa, dứt khoát con dân Chúa phải nói rõ về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus. Không phải chúng ta chỉ nói một lần trong mùa Giáng Sinh hay mùa Phục Sinh mà phải nhắc đi nhắc lại thường xuyên và liên tục về điều quan trọng này.

Huỳnh Quốc Bình

Viết vào Mùa Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh 2022
Hiệu đính Tháng Mười Hai, 2024

From: Ngoc Bich & KimBang Nguyen


 

TỪ TRỜI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta!”.

“Không ai từng ở địa ngục có thể nói, “Chúa đặt tôi ở đó!”; cũng không ai ở trên thiên đàng có thể bảo, “Tôi đặt mình ở đây!”. Tôi có gì dưới thế, tôi được gì trên trời, cũng là do Con Một Thiên Chúa – Đấng từ trời mà xuống – tặng ban!” – John Hannah.

Kính thưa Anh Chị em,

Đang khi Luca diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại qua việc Giêsu – Con Chúa làm người – ra đời tại Bêlem; thì với Gioan, tình yêu này được diễn tả thật gãy gọn, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta!”. Tin Mừng hôm nay nói đến tình yêu ‘từ trời’ đó!

Câu chuyện Giáng Sinh của Luca và Lời Tựa Phúc Âm Gioan bổ túc và phong phú hoá lẫn nhau; cả hai cùng gióng một thông điệp, “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một!”. ‘Lời Tựa’ có một không hai này cung cấp một mở đầu mạnh mẽ cho các chủ đề của Gioan: Ngôi Lời, Sự Sống, Sự Sáng, Sự Thật, Thế Gian, Chứng Từ và tiền Hiện Hữu của Ngôi Lời mặc khải Thiên Chúa là Cha – Đấng muốn giao tiếp, muốn nói – với con người. Nó mở đầu như mở đầu của Sáng Thế, “Lúc khởi đầu”; nhưng đang khi Sáng Thế nói đến khởi nguyên của vũ trụ thì ‘phượng hoàng’ Gioan lại vỗ cánh bay vút lên tận mút cùng vô cực của Chúa Trời; ở đó và cũng từ đó, Ngôi Lời – vốn mật thiết với Chúa Cha, đồng bản tính với Chúa Cha – đã ‘từ trời’ xuống và “cư ngụ giữa chúng ta!”.

Trong đêm Giáng Sinh, nếu Luca cho biết “Hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”, thì Gioan lại tiếc xót, “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Và nếu vinh quang Chúa chiếu toả khung trời Bêlem khiến các mục đồng khiếp hãi; thì Lời Tựa Gioan lại xác tín, “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người!”.

“Cư ngụ giữa chúng ta!”. Đến với nhân loại từ nguồn sung mãn của Chúa Cha, Con Thiên Chúa ban cho con người những gì vĩ đại và vô biên nhất. Không đến từ đất, Giêsu, Lời Thiên Chúa không tặng chúng ta những gì thuộc về đất, vốn rất hạn hẹp, ít ỏi; trái lại, Ngài ‘từ trời’ mà xuống, để “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”.

Anh Chị em,

“Cư ngụ giữa chúng ta!”. Con Thiên Chúa đã trở nên xác phàm và không bao giờ quay trở lại. Ngài không mặc nhân tính của chúng ta như một chiếc áo có thể khoác vào, cởi ra. Không, Ngài không bao giờ tách mình ra khỏi xác thịt của chúng ta; và sẽ không bao giờ tách khỏi nó. Ngài cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta; và mỗi khi làm vậy, Ngài không chỉ nói suông, nhưng chỉ cho Chúa Cha những vết thương xác thịt Ngài chịu vì chúng ta. Ngài đã đến giữa chúng ta; Ngài không đến thăm chúng ta rồi lại đi; nhưng đến cư ngụ với chúng ta, ở lại với chúng ta. Vậy, đừng sợ! Hãy đến với Ngài múc lấy “hết ơn này đến ơn khác” trong Lời, trong Thánh Thể và trong Hội Thánh; để đến lượt mình, đem chia sẻ cho anh chị em, cho thế giới quà tặng Giêsu, Lời ‘từ trời’ này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không có gì – ngoài tội. Cho con biết đến với Chúa mỗi ngày để múc, để kín, để hớp lấy ân sủng từ trời; hầu bớt đói, bớt khát, bớt cháy bỏng vì những gì hạ cấp của đất!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**************************************************

Ngày thứ bảy trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh

Ngày 31 tháng 12

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.(Ga 1,1-18)

1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.

3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành

4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.

6Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.

7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.

8Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

9Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.

10Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.

11Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.

14Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

15Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”

16Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

17Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

18Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết. 


 

Đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người – Cha Vương

Ngày Thứ 2 tràn đầy bình an và sức mạnh của Chúa Hài Nhi nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 30/12/2024

TIN MỪNG: Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. (Lc 2:39-40)

SUY NIỆM: Trong Mùa Giáng Sinh bạn được nghe Kinh Thánh tiên báo Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và nay đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu: “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân” (Mt 12,18).

Và Ngài cũng  còn là một con người thật. Phúc Âm Thánh Luca tóm lược ngắn gọn thời thơ ấu của Hài Nhi như sau: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Tuy rằng  Kinh Thánh không nêu rõ chi tiết nhưng bạn cũng có thể hiểu được sự vững mạnh của Ngài khi phải đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Đã là con Thiên Chúa thì Ngài phải kết hiệp mật thiết và vâng theo Đức Chúa Cha. “Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” (Ga 14:31).

“Nơi Thiên Chúa có cả khôn ngoan lẫn sức mạnh, mưu lược cũng như tài thông hiểu đều thuộc về Người.” (G 12:13) Lời mời gọi hôm nay là bạn hãy sống đúng với ơn gọi làm con của Chúa. Qua bí tích rửa tội bạn đã được thánh hiến cho Thiên Chúa và được thông phần chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế của Chúa Ki-tô. Đó chính là ơn gọi nên thánh của mọi Ki-tô hữu, dù là tu sĩ hay giáo dân, qua việc sống chứng nhân cho Chúa trong bậc sống và các bổn phận hằng ngày của mình.

LẮNG NGHE: Từ nguồn sung mãn của Đức Ki-tô, tất cả chúng ta đã nhận được hết ơn này đến ơn khác. (Ga 1:16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Hài Nhi, xin giúp biết luôn tìm kiếm và học cùng Chúa để cùng với Chúa con được lớn lên trong khôn ngoan và ân nghĩa như Chúa vậy.

THỰC HÀNH: Phục vụ trong yêu thương và tha thứ.

From: Do Dzung

************************

Chúa Là Sức Mạnh – Ca Đoàn Sao Mai | Thánh Ca Hay Nhất 2021 Chọn Lọc – Nhạc sĩ Thế Thông


 

Nữ Khoa học gia theo đạo sau khi dạy tại trường Công giáo.

Thao Teresa

Ngày 10/12/2024, Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội tổ chức buổi hội đàm “Lắng nghe tiếng vọng của vũ trụ” nhằm giúp các Chủng sinh có những hiểu biết cơ bản về lịch sử hình thành vũ trụ và cập nhật những phát kiến mới nhất theo khoa học hiện đại. Diễn giả thuyết trình là Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Lan, Giảng viên Vật lý Thiên văn tại Đại học Notre Dame (Indiana, Hoa Kỳ) đồng thời là Phó Giáo sư Vật lý của Trường Đại học Phenikaa Hà Nội.

Trong gần một giờ đồng hồ, Ts. Quỳnh Lan đã khái quát các giai đoạn phát triển của vũ trụ, từ vụ nổ Big Bang đến sự hình thành các hành tinh. Bằng hình ảnh sinh động và kiến thức chuyên sâu, chị đã giúp các Chủng sinh cảm nhận được sự gần gũi và hấp dẫn của khoa học vũ trụ. Đặc biệt, qua lăng kính vũ trụ học, chị mời gọi quý thầy khám phá vẻ đẹp tuyệt vời và dấu vết của Thiên Chúa trong vũ trụ.

Bất ngờ hơn, chị Lan là một Tân Tòng và chị chia sẻ điều này ngay từ đầu buổi nói chuyện. Chị cho biết mình lớn lên tại Việt Nam trong một gia đình Lương dân. Tuy nhiên, khi giảng dạy tại Đại học Notre Dame, chị chứng kiến bầu khí giáo dục đậm nét Công giáo ở ngôi trường danh tiếng này (Đại học Notre Dame hiện xếp hạng 18 ở Mỹ). Từ đó, chị nhận thấy những mâu thuẫn giữa Khoa Học và Đức Tin dần biến mất và cuối cùng chị quyết định làm con Chúa vào năm 2017.

(Make Christianity Great As Always)


 

CON ĐƯỜNG RIÊNG- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ông bà không hiểu lời Người vừa nói!”.

“Gia đình bạn thuận buồm xuôi gió khi mọi thứ đâu vào đấy; hãy tạ ơn Chúa! Khi điều ngược lại xảy ra, hãy cầu nguyện, tôn trọng và chờ đợi! Con cái có con đường riêng của chúng!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật kính Thánh Gia hôm nay cho thấy, ngay cả trong gia đình thánh thiện nhất này, mọi thứ không luôn luôn diễn ra tốt đẹp. Ở đó cũng có những vấn đề. Chẳng hạn Maria và Giuse lạc mất con; họ lo lắng tìm Ngài, chỉ để tìm thấy Ngài sau ba ngày. Ngồi giữa các thầy dạy, Ngài cho biết, Ngài phải lo việc của Chúa Cha – ‘con đường riêng’ của Ngài, nhưng “Ông bà không hiểu lời Người vừa nói!”.

Maria và Giuse cần thời gian để hiểu con mình và ‘con đường riêng’ của con. Với chúng ta cũng vậy. Mỗi ngày, các gia đình phải học cách lắng nghe và thấu hiểu nhau, cùng nhau bước đi, đối mặt với xung đột và khó khăn. Đó là một thách thức hàng ngày và nó phải được vượt qua bằng thái độ yêu thương đúng đắn, thông qua những hành động đơn giản, cử chỉ đơn giản, quan tâm đến từng chi tiết trong mối quan hệ của nhau. Thật không may, xung đột thường xuyên xảy ra trong các bức tường gia đình do ‘thời gian dài im lặng’ và ích kỷ không kiểm soát! Điều này làm tan vỡ sự hoà hợp và giết chết gia đình.

Đôi khi chúng ta cảm thấy cả khi những người chúng ta yêu thương gần gũi về mặt thể xác, chúng vẫn lạc lõng. Chúng ta cảm thấy con cái đang bồn chồn, tìm kiếm và có lẽ đang tìm kiếm ‘con đường riêng’ của chúng theo những ‘cách không có lợi’ cho chúng.

Maria và Giuse đã tìm thấy con, phát hiện con mình cũng đang tìm kiếm. Ngài tìm một điều gì đó sâu xa hơn về tinh thần. Ngài muốn biết ý muốn của Chúa Cha đối với Ngài; Ngài biết mối quan hệ của Ngài với Cha là quan hệ quan trọng nhất, thậm chí còn quan trọng hơn mối quan hệ với cha mẹ mình. Điều đó thể hiện rất rõ, “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Maria và Giuse đã bắt đầu học được rằng, họ phải đầu hàng con mình cho một mục đích lớn hơn. Thật không dễ, nhưng “Maria mẹ Ngài đã hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”.

Anh Chị em,

“Ông bà không hiểu lời Người vừa nói!”. Tôi không thể nói như một người cha, nhưng tôi chắc rằng, các bậc cha mẹ thường bối rối về những gì đang diễn ra trong tâm trí và trái tim con cái mình, đặc biệt khi chúng bắt đầu hình thành những ‘con đường riêng’ của chúng trong cuộc sống. Như Chúa Giêsu, người trẻ ngày nay, không phải lúc nào cũng rõ ràng về con đường chúng cần đi, con đường Chúa muốn chúng đi. Chúng thường được rủ rê đi theo một số con đường nhất định bởi những người không quan tâm đến lợi ích tốt nhất của chúng. Vì thế, nếu con cái chúng ta có được mối quan hệ đúng đắn với Chúa và với chúng ta ngay từ khi còn nhỏ – như Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài – thì điều đó sẽ giúp ích cho chúng trong quãng đời còn lại. Càng có thể giúp đỡ con cái trở nên cởi mở với công việc tốt lành của Chúa trong chúng, chúng ta càng trở thành những con người mà Chúa mong muốn chúng ta trở thành.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong yêu thương, dạy con biết cầu nguyện, tôn trọng và chờ đợi con cái. Cho con đủ uy tín, đạo đức để dẫn chúng vào con đường đúng đắn Chúa muốn nhất!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***************************************************

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA, NĂM C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” 49 Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.