NHỮNG KẺ BÉ NHỎ-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã!”.

“Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc khi thể hiện lòng tốt với người lớn tuổi; khi hủy một lá thư viết trong cơn tức giận; khi đưa ra lời xin lỗi có thể cứu vãn tình bạn; khi ngăn chặn một vụ bê bối đang hủy hoại danh tiếng của một người; và khi giúp một cậu bé hoặc cô bé tìm thấy chính mình. Tắt một lời, đó là khi bạn có một con tim sẵn sàng mở ra trước người khác, bất kể họ là ai; những con người dễ tổn thương, ‘những kẻ bé nhỏ!’” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Mở đầu Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến một con tim vốn chỉ đập những ‘nhịp chết’. Ngài nói đến gương xấu, làm cho người khác vấp ngã, phạm tội. “Người khác” nói chung ở đây là những con người dễ tổn thương, ‘những kẻ bé nhỏ!’.

Trước hết, đó có thể là các trẻ em ngây thơ; những người thấp cổ bé miệng; những người ‘nghèo’; tiếp đến là những người yếu đuối trong đức tin. Thật đáng buồn, trong những năm qua, truyền thông tràn ngập nhiều ‘vụ bê bối’ từ phía các giáo sĩ, tu sĩ và nhiều anh chị em khác. Thật khó để nói có bao nhiêu người đã suy yếu đức tin bởi những sự kiện này, nhưng có khả năng là chúng đủ để khiến một số người ‘ít tận tụy hơn’ cảm thấy vỡ mộng và từ bỏ Giáo Hội.

Trong một số trường hợp, có lẽ không có bê bối theo nghĩa chặt, mà đơn giản chỉ là những thất bại do sự yếu đuối của con người. Trong những trường hợp khác, đặc biệt là khi trẻ em hoặc người vô tội bị lạm dụng hoặc bị dẫn đi lạc, thì chắc chắn có bê bối thực sự và tác hại của chúng sẽ kéo dài.

Tội lỗi luôn có những tác động tiêu cực! Nó khiến con người xúc phạm Thiên Chúa, xúc phạm tha nhân. Thế nhưng, không một hậu quả nào tai hại hơn một khi tội lỗi dẫn những ‘những kẻ bé nhỏ’ đến chỗ phạm tội, “Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển còn hơn!”. Ơn gọi Kitô hữu là đem người khác đến với Chúa; đang khi gương xấu lại làm méo mó hình ảnh Ngài. Tất cả chúng ta đều có ‘những kẻ bé nhỏ’ được giao, và nếu mỗi người thành tâm dẫn dắt họ đến với Chúa, tội lỗi và gương xấu sẽ không còn nhiều chỗ.

Khởi đầu thư Titô hôm nay, Phaolô tự nhận là người “có nhiệm vụ đưa những kẻ Thiên Chúa chọn đến đức tin và sự nhận biết chân lý”. Qua đó, Phaolô chỉ cho Titô cách chọn các cộng sự viên trong sứ vụ đem những anh em ngoại giáo, ‘những kẻ bé nhỏ’ về cho Chúa, những kẻ mà rồi đây, Thánh Vịnh đáp ca tuyên bố, “Đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài!”.

Anh Chị em,

“Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã!”. Không chỉ những người trong đời sống công chúng mới gây ra cớ vấp ngã. Cha mẹ, với lối cư xử ‘hai chuẩn mực’, mơ hồ – dễ dãi với chính mình, khắt khe với con cái – có thể buộc con cái xử sự theo một cách khác trong khi chính họ lại hành động theo một cách hoàn toàn khác. Cha mẹ và những người chịu trách nhiệm hướng dẫn trẻ em và người lớn cần đặc biệt cẩn thận để không trở thành chướng ngại cho đức tin của con cái và đức tin của ‘những kẻ bé nhỏ’ được giao.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để tim con đập những ‘nhịp chết’. Cho con biết chắt chiu gương sáng mỗi ngày và dành dụm chúng cho những ai Chúa đã uỷ thác!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**************************************

Thứ Hai Tuần XXXII – Mùa Thường Niên

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! 2 Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. 3 Anh em hãy đề phòng!

“Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó ; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. 4 Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.”

5 Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” 6 Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”


 

Làm một cử chỉ đẹp và cầu nguyện cho những ai khó thương- Cha Vương

Chúc bạn một tuần mới bình yên và hạnh phúc trong Chúa và bên cạnh những người thân yêu nhé. Bạn thân mến, khi nhìn vào chiến tranh, hận thù và bạo lực đang xảy ra trong nước và toàn thế giới bạn không thể phủ nhận một sự thật là: thế giới đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã từng nói, “đã có quá nhiều bạo lực, quá nhiều bất công trên thế giới. Bạo lực không thể ngăn chặn bạo lực. Thế giới ngày nay cần yêu thương nhau hơn, và nhiều lòng nhân hậu hơn.”

Vì vậy hôm nay mời bạn hãy cầu nguyện xin Chúa thay lòng đổi dạ những kẻ gây ra chiến tranh, bạo lực, và hận thù cho người khác. Bạn hãy khẩn thiến nài xin cho chiến tranh được thay thế bằng hòa bình, hận thù được thay thế bằng yêu thương, bạo lực được thay thế bằng sự dịu dàng và bóng tối bằng sự sáng.

Hôm nay bên cạnh cầu nguyện cho Linh Hồn của các người thân yêu của mình, mời bạn hiệp thông với mình cầu nguyện thêm cho linh hồn của những nạn nhân của chiến tranh, bạo lực và hận thù. Xin cho họ được hưởng hạnh phúc trên Thiên Đàng với Chúa.

Cha Vương

Thứ 2: 11/11/2024

NGÀY THỨ 8 trong tuần cửu nhật: HỠI CÁC LINH HỒN THÁNH THIỆN TRONG LUYỆN NGỤC, CÁC NGÀI CÓ NUỐI TIẾC ĐIỀU GÌ VỀ THẾ GIỚI MÀ CÁC NGÀI VỪA TỪ GIÃ KHÔNG?

“Tôi nuối tiếc vì tôi đã không ăn năn, hối lỗi đủ. Lúc còn sống, thật là dễ dàng để thống hối, giờ đây, thật là đau khổ trong lửa luyện tội!  Mọi nỗi thống khổ nhất trên trái đất không thể sánh với một nỗi đau nhỏ ở luyện ngục.  Lẽ ra lúc ấy tôi phải khiêm nhường mà chấp nhận mọi đau khổ và nghịch cảnh; lẽ ra tôi phải từ bỏ chính mình và bố thí qua các công việc từ thiện!” “Ôi, hỡi các bạn đang đau khổ trong nước mắt, hãy vui mừng và chấp nhận với thái độ của một Kitô Hữu. Nếu ta chịu đau khổ để làm vui lòng sự công thẳng Chúa, và dâng hiến lên Trái Tim Cực thánh Chúa với một tâm tình đền tội, các bạn sẽ làm giảm thiểu thời gian lâu dài và đau đớn trong luyện ngục.”

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG: Làm một cử chỉ đẹp và cầu nguyện cho những ai khó thương. 

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Cha Chí Thánh, vì Mình và Máu Thánh Cực Châu Báu của Chúa Giêsu đã đổ ra trên thập giá, đặc biệt là những vết thương nơi tay chân thánh thiện của Ngài, con nài xin Chúa hãy giải thoát những linh hồn trong luyện ngục, đặc biệt là những linh hồn mà con hết sức cầu nguyện cho họ, để rồi không phải vì tội của con mà Chúa không cho họ lên thiên đàng. Xin cho họ ca ngợi Chúa muôn đời. Amen.

Ôi! Lạy Trái Tim dịu ngọt và khiêm nhường Chúa Giêsu, xin làm cho trái tim con nên giống trái tim Chúa.

(đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 Kinh Vực Sâu)

From: Do Dzung

*************

Hãy Tiếp Nhận Con – Nguyễn Hồng Ân

“Họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ.” (Kh 14:13b) Cha Vương

Chúc bình an nhé. Hôm nay Chúa Nhật đa số mọi người không phải đi làm, mời bạn tranh thủ đi ra nghĩa trang cầu nguyện cho Linh Hồn của những người thân thương nhé.

Cha Vương

Bạn thân mến, có bao giờ bạn nghĩ rằng cuộc đời sẽ ra sao nếu bạn không có gia đình, bạn bè và những người ân nhân xung quanh mình? Mình nghĩ có lẽ cuộc đời sẽ buồn tẻ và cô đơn lắm đó. Bạn sẽ không cảm nghiệm được sự bao dung, che chở của những người thân thương, không có người hiểu biết để dẫn dắt chỉ lối; và bạn sẽ không có người bạn tin tưởng để thoải mái trò chuyện, sẻ chia, vui cười, v.v… Con người ai ai cũng cần có một điểm tựa! Với tâm tình biết ơn đến những người đã cho bạn một chỗ để tựa đôi vai trong lúc ngặt nghèo, hôm nay bên cạnh cầu nguyện cho Linh Hồn của các người thân yêu của mình, mời bạn hiệp thông với mình cầu nguyện thêm cho linh hồn của những ân nhân bạn bè đã giúp đỡ và cổ võ bạn trong cuộc sống, dù là vật chất hay tinh thần.

Xin Chúa ban phần thưởng sự sống trên Thiên Đàng cho họ vì những việc lành họ đã làm. “Họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ.” (Kh 14:13b)

CN: 10/11/2024

NGÀY THỨ 7 trong tuần cửu nhật: HỠI CÁC LINH HỒN THÁNH THIỆN TRONG LUYỆN NGỤC, CÁC NGÀI CÓ NUỐI TIẾC ĐIỀU GÌ VỀ THẾ GIỚI MÀ CÁC NGÀI VỪA TỪ GIÃ KHÔNG?

“Tôi nuối tiếc vì tôi đã không bố thí đủ để cầu xin cho các linh hồn dưới luyện ngục; những lời cầu nguyện, ăn năn, bố thí, công tác từ thiện, chịu Mình Thánh Chúa, dự thánh lễ, yêu mến Thánh Tâm Chúa v.v… Lúc ấy, tôi có đầy đủ phương tiện để an ủi các linh hồn đáng thương trong luyện tội, bị giam trong lửa, trong tối tăm và đau khổ.”

“Nếu tôi đã hành động tốt hơn để nhớ đến họ thì tôi đã nhận được bao nhiêu hồng ân cao cả để xa lánh tội lỗi. Bằng cách ấy, tôi đã có thể tránh khỏi thời gian thanh luyện lâu dài và đau đớn trong luyện tội. “Ôi, nếu có thể trở về trái đất, tôi sẽ tham dự đầy đủ các thánh lễ. Tôi sẽ dự lễ để cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi!  Tôi sẽ cầu nguyện với Thiên Đàng để xin theo ý chỉ của các Ngài!  Than ôi!  Tôi không còn làm được những việc ấy, nhưng bạn có thể làm.”

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG: “Trong công lý, chúng ta đáng phải chịu đau khổ”. Cố  gắng tham dự Thánh Lễ ngày thường trong những ngày còn lại của Tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn.

LỜI CẦU NGUYỆN: “Lạy Cha Chí Thánh, vì Mình và Máu Thánh Cực Châu Báu của Chúa Giêsu đã đổ ra từ trái tim và vì Mẹ Thánh Ngài là chứng nhân Ơn Cứu Độ, con nài xin Chúa hãy giải thoát những linh hồn nơi luyện tội, nhất là những linh hồn không biết đến Nữ Vương Cao Cả, để họ bước vào vinh quang càng sớm càng tốt và ngợi khen Chúa qua Đức Mẹ, đến muôn thủa muôn đời. Amen”

Lạy Mẹ Maria là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội, xin Mẹ ban cho con ơn lành của Chúa là rời thế gian không còn vấn vương tội lỗi.

 (đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 Kinh Vực Sâu)

From: Do Dzung

MONG VỀ – Giang Ân

CHO ĐI SỰ SỐNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Bà này túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân!”.

“Cuộc sống là một quá trình liên tục làm quen với những điều bất ngờ! Nhưng cuộc sống có ý nghĩa nhất vẫn là cuộc sống – trong đó – một quá trình liên tục làm quen với việc ‘cho đi sự sống!’. Bạn có thuộc vào số những con người đó không?” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay chỉ ra một vài mẫu người mà triết gia kia đề cập. Đó là những bà goá quảng đại đã cho đi những gì mình có để nuôi thân! Cái để nuôi thân có thể là bánh, cũng có thể là máu; họ là những con người ‘cho đi sự sống!’.

Bài đọc Các Vua kể chuyện một bà goá thời Cựu Ước, Marcô kể chuyện một bà goá thời Tân Ước. Một bà goá thời Êlia, một bà goá thời Giêsu; một bà goá lặng lẽ trong rừng vắng, một bà goá công khai giữa đền thờ; một bà goá tặng trao chiếc bánh cuối cùng, một bà goá cho đi hai phần tư xu sau hết; một bà goá biếu hết cái mình có để ăn rồi chết, một bà goá tặng trọn những gì mình có để nuôi sống. Vậy mà Thiên Chúa không để ai trong hai bà phải chết cả, vì Ngài khiến “Hũ bột không vơi, bình dầu không cạn”. Và nhờ sự quảng đại ‘cho đi sự sống’, sự sống ‘tự nó được kéo dài’. Bấy giờ, “con người sống” và “Thiên Chúa được vinh quang”, “Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Hình ảnh hai bà goá dẫn chúng ta đến với một ‘bà goá thứ ba’ – chính Thiên Chúa. Phải, nếu nói đến ‘cho đi sự sống’, thì Thiên Chúa là bà goá đầu tiên; Ngài cho đi sự sống thần linh, “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin Người Con ấy thì được sự sống đời đời!”. Người Con ấy – Đức Giêsu Kitô – Đấng hiến tặng sự sống cho trần gian, “Vì họ, Con xin thánh hiến mình Con!”, “Này là mình Thầy, này là Máu Thầy!”. Như hạt lúa gieo vào đất sinh nhiều bông hạt, Con Thiên Chúa chết đi để trổ sinh sự sống; một Dân Thánh, một Hội Thánh chào đời. Ngài là Thượng Tế hiến mình, đền tội và cứu sống muôn dân, “Đức Kitô hiến tế, xoá tội lỗi của nhiều người” – bài đọc hai.

Một linh mục tuyên uý nói chuyện với một thương binh, “Bạn mất một cánh tay vì một lý do cao cả!”, “Không!”, người lính trả lời với một nụ cười, “Tôi không đánh mất nó, tôi tặng trao nó!”. Cũng theo cách đó, Chúa Giêsu không đánh mất sự sống của Ngài; Ngài ‘cho đi sự sống’ một cách có chủ đích, “Tôi đến cho trần gian được sống, và sống dồi dào!”.

Anh Chị em,

“Bà đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi thân”. Đó là những con người đã sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất! Hãy chiêm ngắm Chúa Cha, chiêm ngắm Chúa Giêsu! Ngài cho đi tước vị Thiên Chúa, cho Thịt Máu Ngài; cho đi sự sống thần linh để trần gian được sống. Hơn 2,000 năm, Hội Thánh không thiếu những con người tiếp bước Ngài. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất, bắt đầu với những người gần gũi nhất trong gia đình, trong cộng đoàn mình. Các cụ ông cụ bà cho đi các việc lành, lời cầu nguyện; bậc trung niên cho đi sức lực, thời gian; người trẻ cho đi trí tuệ, nhiệt huyết. Nhờ đó, mỗi người tạo nên một sự khác biệt để xây dựng Giáo Hội, xây dựng thế giới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chỉ biết nhận mà không biết trao. Vì như thế, cuộc sống của con chẳng có ý nghĩa gì vì nó sẽ rất nghèo!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

 *****************************

Chúa Nhật Tuần XXXII – Mùa Thường Niên

Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.

10 Ngày ấy, ngôn sứ Ê-li-a đứng dậy đi Xa-rép-ta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói: “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống.” 11 Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói: “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa!” 12 Bà trả lời: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” 13 Ông Ê-li-a nói với bà: “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. 14 Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này:

‘Hũ bột sẽ không vơi

vò dầu sẽ chẳng cạn

cho đến ngày Đức Chúa

đổ mưa xuống trên mặt đất’.”

15 Bà ấy đi và làm như ông Ê-li-a nói; thế là bà ấy cùng với ông Ê-li-a và con bà có đủ ăn lâu ngày. 16 Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

38 Khi ấy, trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. 39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. 40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”

41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44 Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân. 


 

Ta không được tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử – Cha Vương

Một ngày tốt đẹp và hạnh phúc nhé. Bạn thân mến, bất kỳ vụ tự tử nào cũng là một thảm kịch khôn lường. Không thể nào giải thích được và không ai có thể biết được điều gì trong tâm trí người đó, kể cả trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời họ. Giữa bao nhiêu xáo trộn, bối rối, bi thảm, và đau đớn bạn không nên để mình rơi vào cảnh tuyệt vọng nhưng hãy dành thời gian lắng nghe tiếng mời gọi của Chúa Chiên Lành và xin Ngài an ủi và dẫn dắt.

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 2283 có viết: “Ta không được tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử. Thiên Chúa có thể thu xếp cho họ có cơ hội sám hối để được ơn tha thứ, bằng những đường lối mà chỉ một mình Người biết. Hội Thánh vẫn cầu nguyện cho những người hủy hoại mạng sống mình.”

Với niềm hy vọng và tin tưởng vào lòng nhân từ và cảm thông của Thiên Chúa, hôm nay bên cạnh cầu nguyện cho Linh Hồn của các người thân yêu của mình, mời bạn hiệp thông với mình cầu nguyện thêm cho linh hồn của những người đã tự huỷ hoại mạng sống mình mà chỉ có Chúa mới biết được lý do. Xin Chúa ban cho họ sự yên nghỉ đời đời.

Cha Vương

Thứ 7: 09/11/2024

NGÀY THỨ 6 trong tuần cửu nhật: HỠI CÁC LINH HỒN THÁNH THIỆN TRONG LUYỆN NGỤC, CÁC NGÀI CÓ NUỐI TIẾC ĐIỀU GÌ VỀ THẾ GIỚI MÀ CÁC NGÀI VỪA TỪ GIÃ KHÔNG?

“Tôi nuối tiếc vì tôi đã không ăn năn, hối lỗi đủ. Lúc còn sống, thật là dễ dàng để thống hối, giờ đây, thật là đau khổ trong lửa luyện tội!  Mọi nỗi thống khổ nhất trên trái đất không thể sánh với một nỗi đau nhỏ ở luyện ngục.  Lẽ ra lúc ấy tôi phải khiêm nhường mà chấp nhận mọi đau khổ và nghịch cảnh; lẽ ra tôi phải từ bỏ chính mình và bố thí qua các công việc từ thiện!”

“Ôi, hỡi các bạn đang đau khổ trong nước mắt, hãy vui mừng và chấp nhận với thái độ của một Kitô Hữu. Nếu ta chịu đau khổ để làm vui lòng sự công thẳng Chúa, và dâng hiến lên Trái Tim Cực thánh Chúa với một tâm tình đền tội, các bạn sẽ làm giảm thiểu thời gian lâu dài và đau đớn trong luyện ngục.”

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG: Để cầu nguyện cho các linh hồn, mời bạn hãy làm một bố thí nho nhỏ hôm nay.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Cha Chí Thánh, vì Mình và Máu Thánh Cực Châu Báu của Chúa Giêsu đã đổ ra trên thập giá, đặc biệt là những vết thương nơi tay chân thánh thiện của Ngài, con nài xin Chúa hãy giải thoát những linh hồn trong luyện ngục, đặc biệt là những linh hồn mà con hết sức cầu nguyện cho họ, để rồi không phải vì tội của con mà Chúa không cho họ lên thiên đàng. Xin cho họ ca ngợi Chúa muôn đời. Amen.

Ôi! Lạy Trái Tim dịu ngọt và khiêm nhường Chúa Giêsu, xin làm cho trái tim con nên giống trái tim Chúa. (đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 Kinh Vực Sâu)

From: Do Dzung

*****************************

Người Nằm Xuống – Ca sĩ Thanh Sử

 LINH HỒN MỌI THÁNH ĐƯỜNG-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người!”.

Một trong các triết gia ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustinô là Victorinus – ông nổi tiếng đến nỗi được dựng tượng trong toà Rôma. Về già, ông đọc Thánh Kinh và các tác phẩm Kitô giáo. Ngày kia, thăm Simplicianus, ông nói, “Tôi muốn ngài biết, tôi là một Kitô hữu!”. Simplicianus đáp, “Tôi sẽ không tin cho đến khi ông đến nhà thờ!”; “Tường nhà thờ làm cho người ta thành Kitô hữu sao?”. Sau đó, học đạo, ông công khai trở lại!

Kính thưa Anh Chị em,

Đúng như Victorinus nhận định, “Những bức tường nhà thờ không làm cho người ta thành Kitô hữu!”. Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, một hình ảnh biểu tượng cho Hội Thánh, chúng ta không chỉ tôn vinh một đại giáo đường với các bức tường, nhưng tôn vinh Đấng ngự trong đó – Chúa Kitô – ‘linh hồn mọi thánh đường!’.

Dẫu không có toà nhà nào trên thế giới đủ lớn để chứa đựng sự bao la của Thiên Chúa; nhưng trong lịch sử, con người đã cảm thấy cần dành một số địa điểm nhất định cho các cuộc gặp gỡ cá nhân và cộng đồng với Ngài. Lúc đầu, nơi tụ tập của các tín hữu là nhà riêng của họ, các nhóm họp nhau để cầu nguyện và ‘bẻ bánh’ ở đó. Thời gian trôi qua, những cộng đoàn này đã xây dựng những ‘ngôi nhà’ dành riêng cho việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa và cử hành phụng vụ. Và đây là cách Kitô giáo – từ những cuộc đàn áp đầu tiên cho đến ngày có tự do tôn giáo trong đế chế La Mã – bắt đầu xây dựng các nhà thờ, nhà nguyện lớn nhỏ và các vương cung thánh đường; trong đó, quan trọng nhất vẫn là đại giáo đường thánh Gioan Latêranô ở Rôma.

“Latêranô” biểu trưng cho sự hiệp nhất của tất cả các Giáo Hội hoàn vũ với Giáo Hội Rôma, và đây là lý do tại sao đại giáo đường này tự hào trưng bày trên hiên chính của mình danh hiệu “Mẹ và Đầu của tất cả các nhà thờ trong thành phố và trên thế giới”. Thậm chí nó còn quan trọng hơn Vương Cung Thánh Đường Phêrô, một đền thờ được xây trên mộ Phêrô và là ‘nơi ở’ hiện tại của Giáo Hoàng với tư cách Giám mục Rôma; dẫu thế, “Latêranô” vẫn là nhà thờ chánh toà của ngài. “Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, chúng ta hãy nhớ, Chúa Kitô muốn ngự trong mọi tâm hồn. Ngay cả khi chúng ta rời xa Ngài, Ngài vẫn tìm kiếm chúng ta; và dù chỉ ba ngày, cũng đủ cho Ngài xây dựng lại đền thờ Thiên Chúa trong linh hồn mỗi người!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”. Đúng thế, chúng ta đừng bao giờ quên sự thật rằng, điểm gặp gỡ thực sự giữa con người và Thiên Chúa chính là Chúa Kitô Phục Sinh, nguồn mạch ân sủng, “Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy ra” – bài đọc một. Ngài là ‘linh hồn mọi thánh đường’. Đó là lý do tại sao Ngài được trao quyền dọn dẹp nhà cửa của Cha Ngài. Phaolô nhắc nhở, “Đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy” – bài đọc hai. “Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi – Chúa có cảm thấy thoải mái trong cuộc sống của tôi không? Chúng ta có để Ngài ‘thanh tẩy’ trái tim và xua đuổi các ngẫu tượng, những thái độ tham lam, ghen tị, thế tục, đố kỵ, hận thù không? “Thưa Đức Thánh Cha, con sợ roi vọt!”. Dẫu thế, đừng quên, lòng thương xót là cách thanh tẩy của Ngài!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì đừng có một ‘ngẫu tượng’ nào ngấp nghé trong bốn bức tường linh hồn con – ngoài Ngài. Con sợ roi vọt!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)  

************************************

Thứ Bảy Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm chẵn

Cung hiến đền thờ La-tê-ra-nô

Phúc Âm: Ga 2, 13-22

“Người có ý nói đền thờ là thân thể Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Ðó là lời Chúa.


 

“Hãy làm theo công việc Ngài giao cho” (Mc 8:36) -Cha Vương

Fri, Nov 8 – 2024

Chúc bình an! Thời tiết Houston hôm nay mát giống như Cali vậy, cố gắng bước ra ngoài hít thở tí cho nở phổi nhé. Bạn thân mến, ai trong chúng ta cũng đã từng bị tai nạn, không  tai nạn xe cộ thì bị cắt vào tay…

Càng sống lâu thì tai nạn càng nhiều. Có những tai nạn xảy ra một cách quá nhanh đưa đến một cái chết đột ngột không một giây phút để chuẩn bị. Bạn không thể tưởng tượng được nỗi đau đớn mà cái chết đột ngột này để lại cho tang quyến và những người còn sống. Không ai xoa dịu được nỗi đau này ngoài việc chạy đến và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa. Vậy hôm nay, bên cạnh cầu nguyện cho linh hồn của các người thân yêu của mình, mời bạn hiệp thông với mình cầu nguyện thêm cho linh hồn của những người qua đời một cách đột ngột không có thời gian để chuẩn bị cho cái chết của họ. Xin Chúa tha thứ tất cả tội lỗi họ đã phạm và đưa họ vào hưởng vinh quang bất diệt trên Thiên Đàng.

Cha Vương

Thư 6: 08/11/2024

NGÀY THỨ 5 trong tuần cửu nhật: HỠI CÁC LINH HỒN THÁNH THIỆN TRONG LUYỆN NGỤC, CÁC NGÀI CÓ NUỐI TIẾC ĐIỀU GÌ VỀ THẾ GIỚI MÀ CÁC NGÀI VỪA TỪ GIÃ KHÔNG?

“Tôi nuối tiếc về những lời gièm pha, nói xấu mà tôi đã gây ra. Tôi nuối tiếc vì tôi đã phạm tội! Tôi ước gì những hậu quả của việc gièm pha chấm dứt khi tôi chết! Nếu có thể được, tôi xin ngưng lại hố thẳm diệt vong mà rất nhiều linh hồn còn trên trái đất sẽ phải rớt xuống vì những việc họ làm do gương xấu của tôi. Vì tôi mà họ sẽ tiếp tục làm những việc sai trái này trong một thời gian rất lâu. Tôi phải chịu trách nhiệm trong việc tạo ra những tội lỗi này.

“Ôi, nay bạn đến thăm tôi, bạn được Trái Tim Cực thánh Chúa Giê su dẫn dắt, và Ngài đã chiếu tỏa ánh sáng chói lọi trong đôi mắt tôi. Hãy hợp tác với ân huệ của Ngài và hãy tìm đến để thực hiện những ước mơ của Trái Tim Ngài vì chỉ có Trái Tim Ngài là cách dễ dàng và chắc chắn nhất để hoán cải các linh hồn mà tôi đã dẫn dắt lạc lối khi còn sống trên trái đất.”

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG: “Hãy làm theo công việc Ngài giao cho” (Mc 8:36)

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Cha Chí Thánh, vì Mình và Máu Thánh Cực Châu Báu của Chúa Giêsu đã đổ ra trong buổi chiều Ngài chịu khổ nạn để hiến mạng sống làm hy lễ, con nài xin Chúa hãy giải thoát những linh hồn trong luyện ngục, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn. Xin cho họ ca ngợi Chúa muôn đời nhờ công nghiệp con yêu dấu Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Amen.

Ôi! Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót và tha thứ, xin thương xót con. (đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 Kinh Vực Sâu)

From: Do Dzung

*********************

XIN PHÓ THÁC – Sáng Tác: Anh Tuấn – Ca Sỹ: Phi Nguyễn

CƠ DUYÊN- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Tôi nghe nói anh sao đó?”.

Một Kitô hữu đi qua ‘đường hầm tăm tối’ thường có xu hướng tập trung vào những thất bại của mình. Tuy nhiên, Chúa có thể sử dụng thời gian tăm tối này để mở rộng lòng biết ơn, sám hối, đối với ân sủng toàn vẹn của Ngài. Với Chúa, sa mạc sẽ nở hoa, linh hồn nguội lạnh có thể nên thánh. Thời khắc này có thể trở thành ‘cơ duyên!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi nghe nói anh sao đó?” cũng là điều Chúa muốn nói với bạn và tôi khi chúng ta đặt mình vào vị trí người quản lý của dụ ngôn Tin Mừng. Vậy nếu nghiêm túc coi những lời này là lời của Chúa đang nói với mình, thì đây có thể cũng là ‘cơ duyên’ cho chúng ta. Thật thú vị, ‘cơ duyên’, “grace” – tiếng Anh – còn có nghĩa là “ân sủng!”.

“Tôi nghe nói anh sao đó?”. Trên thực tế, Thiên Chúa không cần “nghe” bất cứ điều gì về bất cứ ai vì Ngài biết hết mọi sự, “Biết cả khi con đứng, con ngồi; tư tưởng con Chúa thấu suốt từ xa!”. Tuy nhiên, Ngài vẫn có thể hỏi chúng ta những lời đó khi Ngài xem lại ‘hồ sơ cuộc sống’ của mỗi người. Ngài nhắc cho chúng ta rằng, bạn và tôi phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi tự do của mình. Hãy nhìn vào Ngài – một người Cha – người đã hỏi, “Ta nghe nói con sao đó?”. Những lời này rồi cũng sẽ tiết lộ một vết thương nào đó trong tâm hồn chúng ta, một điều gì đó đã làm mất đi vẻ đẹp của hình ảnh mỗi người chúng ta với tư cách là con trai, con gái rất yêu dấu của Ngài!

Vâng, chúng ta sẽ cung cấp cho Ngài đầy đủ ‘hồ sơ cuộc sống’. Và nếu phải lập một danh sách tất cả những gì đã lãnh nhận, nó sẽ gồm những gì? Theo những cách nào, chúng ta biết mình đã tận dụng tối đa những gì Chúa ban? Bí tích Hoà Giải cho chúng ta cơ hội để đưa ra bản tường trình – từng phần một – như một chuẩn bị cho cuộc kiểm tra lần cuối. Thật là một dịp may, một ‘cơ duyên!’. Bạn có tận dụng nó? Chúa nhân lành có gọi bạn là kẻ phung phí? Dĩ nhiên, phung phí là sử dụng sai mục đích, sử dụng không khéo, lãng phí hoặc xa hoa.

Còn các ân sủng khác thì sao? Đức tin, Hội Thánh Công Giáo, các Bí tích, Lời Chúa, gương các thánh, kho tàng phong phú của truyền thống, những phương tiện đã được đặt trong tay; thời gian và những tài năng đã lãnh nhận? Chúng ta có là những kẻ phung phí? Làm thế nào tôi có thể đáp ứng tốt hơn với những ân huệ Chúa ban? Làm cách nào bạn và tôi có thể “đầu tư” tốt hơn cho Nước Trời? Hoặc nói như Phaolô, chúng ta có “sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” không? – bài đọc một.

Anh Chị em,

“Tôi nghe nói anh sao đó?”. Chớ gì Lời Chúa hôm nay là một ‘cơ duyên’ đánh thức bạn và tôi về những ân huệ của Chúa; nhờ đó, chúng ta biết sử dụng ơn Chúa cho vinh quang Ngài và cho lợi ích các linh hồn hơn! Ước gì, nhờ việc xét mình, điều chỉnh ‘hồ sơ cuộc sống’ – trong sự tha thứ của Đấng xót thương – bạn và tôi trở nên người quản lý tốt, hầu ngày kia, có thể đến với Chúa, tinh tuyền thánh khiết để tận hưởng ‘tiệc bất tận’, tiệc thiên đàng chính Ngài khoản đãi. Niềm vui phúc kiến đó được Thánh Vịnh đáp ca diễn tả một cách sâu sắc, “Tôi vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì thắc mắc của Chúa về ‘hồ sơ cuộc sống’ của con là một ‘cơ duyên’ giúp con biết hoán cải, hầu linh hồn nguội lạnh của con có thể nở hoa, nên thánh!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*******************************************

Thứ Sáu Tuần XXXI – Mùa Thường Niên

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’

5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ 6 Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ 7 Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’

8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”


 

“Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì? ” (Mc 8:36)-Cha Vương

Chúc một ngày bình yên nhé. Bạn thân mến, sự sống là quà tặng vô giá Thiên Chúa ban cho những người được mời sống ơn gọi gia đình để cộng tác với Chúa trong Chương Trình sáng tạo, tức là làm cho có thêm nhiều người trên trần thế này, như Chúa đã truyền cho Adam và Eva xưa kia: “hãy sinh sôi nẩy nở cho thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất.” ( St 1:28) Phá thai là một tội ác phạm đến Thiên Chúa là Nguồn mạch sự sống của con người và mọi sinh vật trên trần thế này. Vậy mỗi khi cầu nguyện cho thai nhi là bạn cầu nguyện cho hai đối tượng:

(1) Cha mẹ, gia đình và những người thân yêu của thai nhi đã phạm tội phá thai;

(2)Những người trực tiếp phá thai hay những người cộng tác vào đó.  Còn riêng thai nhi (chưa được rửa tội), dù không thoát khỏi hậu quả của tội nguyên tổ độ Ađam và Eva để lại nhưng họ chẳng có tội tình (tội cá nhân) gì nghiêm trọng để ở trong tình trạng thanh luyện cả thì Sách Giáo Lý HTCG số 1261 cho biết: “Về phần các trẻ em chết mà chưa được Rửa Tội, Hội Thánh chỉ còn biết trao phó các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa từ bi, như Hội Thánh đã làm trong nghi lễ an táng dành cho các em. Thực vậy, Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn mọi người được cứu rỗi (x. 1 Tm 2:4) và Chúa Giê-su đã trìu mến các em nên đã nói: “Hãy để trẻ em đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng” (Mc 10:14). Vì thế, chúng ta hy vọng có một con đường cứu độ dành cho những trẻ em chết mà chưa được rửa tội. Vậy cầu nguyện cho thai nhi cũng không có gì là vô hiệu cả ngoài việc phó thác các em vào lòng thương xót của Chúa. Hôm nay, bên cạnh cầu nguyện cho Linh Hồn của các người thân yêu của mình, mời bạn hiệp thông với mình cầu nguyện thêm cho linh hồn của những cha mẹ và những người đã phạm tội phá thai xin cho họ mau được nhìn thấy người con của họ trên Thiên Đàng.

Cha Vương

Thứ 5: 07/11/2024

NGÀY THỨ 4 trong tuần cửu nhật: HỠI CÁC LINH HỒN THÁNH THIỆN TRONG LUYỆN NGỤC, CÁC NGÀI CÓ NUỐI TIẾC ĐIỀU GÌ VỀ THẾ GIỚI MÀ CÁC NGÀI VỪA TỪ GIÃ KHÔNG?

“Tôi nuối tiếc những điều xấu xa mà tôi đã làm… Lúc ấy sao mà dễ dàng phạm tội quá! Tôi đã nhận chìm những sự hối lỗi trong lạc thú. Bây giờ sức mạnh của những điều xấu xa khiến tôi tàn tạ. Sự cay đắng của những điều đó là nỗi đau khổ của tôi. Ký ức về những điều xấu đang theo đuổi tôi và làm hồn tôi tan nát. Giờ đây thật là trễ để hiểu được những hậu quả tai hại của lỗi lầm và sai trái. Ôi, nếu có thể trở lại cuộc sống, thì những lời hứa hẹn, lạc thú, giầu có… không một thứ gì có thể lôi cuốn tôi phạm tội, dù rất nhỏ.”

“Ôi, các bạn đang còn được hưởng sự tự do lựa chọn giữa Chúa và thế giới, hãy nghĩ đến những gai nhọn, thánh giá, và lửa nóng đã hành hạ Trái Tim Chúa Giêsu. Những điều này nhắc nhở cho ta rằng tội lỗi của chúng ta làm cho Chúa đau đớn và nhức nhối. Hãy nghĩ đến nỗi tiếc nuối quá chậm trễ và đau đớn về tội lỗi mình khi bị giam trong luyện ngục.  Bây giờ, thật là dễ dàng để xưng hết tội lỗi trong quá khứ, qua bí tích hòa giải, và để tránh không mắc phạm lại trong tương lai.”

BÓ HÓA THIÊNG LIÊNG: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì? ” (Mc 8:36) Quảng bá nền văn hoá sự sống.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Cha Chí Thánh, vì Máu Cực Châu báu Chúa Giêsu đã đổ ra trên đường tử nạn, khi Ngài phải vác thập giá trên đôi vai cực thánh của Ngài, con nài xin Chúa hãy giải thoát các linh hồn nơi luyện ngục, nhất là những linh hồn cần lòng Chúa thương xót hơn. Xin cho họ được hưởng phần thưởng cao trọng để họ ngợi khen danh Chúa đời đời, Amen.”

Giêsu Maria Giuse, con dâng cho Thánh Gia trái tim con, linh hồn con và cả cuộc đời con. Xin cứu vớt con khi phải lâm cảnh thống khổ cuối đời. Xin cho con được chết bình an trong tay Thánh Gia.

(đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 Kinh Vực Sâu)

From: Do Dzung

****************************

Mẹ ơi Xin Đừng Giết Con –  Nguyễn Hồng Ân

MỘT ĐỜI TÌM KIẾM-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.

Alexander thấy nhà triết học Diogenes đang chăm chú nhìn vào một đống xương người, vua hỏi, “Ông đang tìm kiếm điều gì?”. Diogenes trả lời, “Điều mà tôi không thể tìm thấy!”; và Diogenes thú nhận, ông đã dành cả một đời để tìm kiếm điều ông không thể tìm thấy!

Kính thưa Anh Chị em,

Như Diogenes, cuộc đời mỗi người, xét cho cùng, là ‘một đời tìm kiếm!’. Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay còn cho biết, không chỉ con người tìm kiếm; cả Thiên Chúa, Ngài cũng ‘một đời kiếm tìm!’.

Từ phút chào đời, con người đã rành rọt trong việc kiếm tìm! Chưa cần mở mắt, đứa bé đỏ ỏng đã biết tìm vú mẹ. Quá trình trưởng thành của nó, rốt cuộc, cũng là một quá trình tìm kiếm; tìm kiếm cái ăn, cái mặc; tìm kiếm tri thức, tìm kiếm của ăn tinh thần; tìm kiếm lẽ phải, tìm kiếm sự thiện; và tuyệt vời nhất, cái đáng tìm kiếm nhất của con người là Thiên Chúa, Chân – Thiện – Mỹ. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”.

Phaolô dường như – gần nửa cuộc đời – đã hoài sức tìm kiếm sự hoàn thiện khi nỗ lực chu tất lề luật cho đến khi biết được Chúa Kitô. Biết được Ngài, Phaolô không còn thiết tha gì đến quá khứ, “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi!” – bài đọc một.

Chính Thiên Chúa, Ngài cũng ‘một đời tìm kiếm!’, và Ngài đã làm điều này từ thuở địa đàng, “Ađam, ngươi ở đâu?”. Với Ngài, tìm kiếm là xót thương, là cứu vớt! Hình ảnh “con chiên lạc” và “đồng bạc mất” được tìm kiếm trong Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó! Cả người chăn chiên và bà nội trợ đều tìm kiếm cho đến khi tìm thấy những gì họ đã mất. Sự kiên trì của họ đã được đền đáp. Cả hai theo bản năng, chia sẻ niềm vui với cộng đồng. Người nghèo đặc biệt giỏi trong việc chia sẻ nỗi buồn và niềm vui của nhau! Điều mới mẻ trong lời dạy của Chúa Giêsu là sự nhấn mạnh rằng, ‘tội nhân phải được tìm kiếm chứ không chỉ đơn thuần là thương tiếc!’. Đó là lý do tại sao thiên đàng vui mừng khi một tội nhân được tìm thấy và phục hồi tình bạn với Thiên Chúa. Bạn có kiên trì cầu nguyện và tìm kiếm những người mà bạn biết đã lạc lối đến với Chúa không?

Anh Chị em,

“Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ!”. Người tìm Chúa hoan hỷ vì biết rằng, Thiên Chúa đi tìm họ trước! Vì thế, trên hành trình tìm kiếm này, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa luôn ngược chiều, Ngài đi tìm mỗi người chúng ta trước. Ngay khi bạn vừa đặt chân xuống dòng suối, tìm lên ngọn nguồn, thì chính dòng nước đã ôm chầm chân bạn! Một điều quan trọng khác cần lưu ý là chúng ta phải xin ơn ‘nhận biết mình lạc lối!’. Phải, tất cả chúng ta đều lạc lối mỗi người mỗi kiểu, theo những cách khác nhau. Chúa Giêsu, Đấng ‘một đời tìm kiếm’ đang kiếm tìm chúng ta. Ngài tìm kiếm mỗi người tận núi Sọ; và mỗi ngày, tiếp tục tìm kiếm chúng ta trong các biến cố, trong những con người chúng ta gặp gỡ. Và điều quan trọng, bạn và tôi hãy ‘la lên’ và ‘cho phép mình được tìm thấy!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa say mê tìm con; cho con say mê kiếm Chúa! Và nhất là, ban cho con sức mạnh và can đảm để có thể ‘la lên’ và ‘cho phép mình được tìm thấy!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

********************************

Thứ Năm Tuần XXXI – Mùa Thường Niên

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? 5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? 9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ 10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” 


 

LÒNG QUẢNG ĐẠI –  TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Chia sẻ và cảm thông là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam chúng ta.  Mỗi khi có thiên tai hoạn nạn, mọi người không phân biệt nguồn gốc, tôn giáo hay chính kiến, đều chung tay góp sức chia sẻ và đỡ nâng những đồng bào gặp nạn.  Tục ngữ ca dao Việt Nam có rất nhiều bài diễn tả lòng quảng đại của con cháu Lạc Hồng.  “Một miếng khi đói bằng một gói khi no,” “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng.”   Những câu ca dao này cho thấy tình liên đới sẻ chia đã ăn sâu vào tâm thức người Việt.  Kết quả rất khả quan của các đợt quyên góp trong đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lụt gần đây đã chứng minh và cụ thể hóa những lời ca dao từ ngàn đời đó.

Lời Chúa trong Chúa nhật 32 này muốn gửi đến chúng ta thông điệp chính là “lòng quảng đại.”  Trước hết là lòng quảng đại của Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Đấng quảng đại và giàu lòng thương xót.  Dựa trên giáo huấn của mạc khải, Ki-tô hữu tin rằng: Ngài tạo dựng mọi sự mọi loài và trao cho con người quản lý trông nom.  Ngài lại ban cho con người vinh quang chỉ kém các thiên thần.  Ngài cũng dành phần thưởng cho người công chính là thiên đàng vinh phúc.  Thư gửi giáo dân Híp-ri (Bài đọc II) nói với chúng ta: lòng quảng đại của Thiên Chúa đạt tới đỉnh cao qua cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá.  Hy tế thập giá của Đức Giê-su đã thay thế hoàn toàn hy tế Cựu ước.  Của lễ của Giao ước mới không còn là bò, chiên hay những loại sản vật, nhưng chính là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể làm người.  Từ cây thập giá trên đồi Can-vê năm xưa, nguồn ơn thánh vẫn tuôn đổ dồi dào cho mọi thế hệ, đến với mọi nền văn hóa.  Cuộc sống con người hiện tại đang là sự đợi chờ.  Chúng ta đợi chờ Chúa Giê-su đến trong vinh quang, đó là ngày cánh chung hay ngày tận thế.  Tuy vậy, nếu chúng ta không được gặp Đức Giê-su trong ngày cánh chung, thì ai trong chúng ta cũng sẽ được (hoặc phải) gặp Người vào thời điểm sau hết của cuộc đời, tức là giờ chết.  Thiên Chúa là Đấng quảng đại và bao dung.  Ngài sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta, nếu chúng ta thành tâm tin tưởng và tuân giữ giáo huấn của Ngài.

Nếu Thiên Chúa quảng đại với tất cả chúng ta, thì chúng ta cũng phải sống quảng đại với anh chị em mình.  Hai người phụ nữ, đều là bà góa, được nêu trong hai bài Sách Thánh.  Hai người phụ nữ này sống ở hai thời điểm khác nhau trong lịch sử, nhưng lại có chung một điểm, đó là lòng quảng đại.  Người phụ nữ ở Xa-rép-ta quảng đại với con người; còn người phụ nữ trong đền thờ Giê-ru-sa-lem lại quảng đại với Thiên Chúa.  Một bà giúp đỡ vị ngôn sứ, là người của Thiên Chúa; bà kia công đức cho Đền thờ là nơi Chúa hiện diện.  Cả hai đều là những người nghèo khó, nếu không nói là khánh kiệt.  Dù vậy, họ vẫn sẵn sàng chia sẻ.  Người phụ nữ trong sách Các Vua được thưởng công ngay tức khắc; người phụ nữ trong Tin Mừng được chính Thiên Chúa ghi công.

Trong một trình thuật ngắn, thánh Mác-cô (Bài tin Mừng) lồng ghép lời phê phán của Chúa Giê-su đối với những kinh sư Do Thái và hình ảnh người đàn bà góa.  Hai hạng người này thuộc hai đẳng cấp khác nhau trong xã hội và trong tôn giáo.  Một người được dân chúng kính trọng; người kia thường bị dân chúng coi thường, hoặc ít là thương cảm.  Ấy vậy mà những ông kinh sư lại bị phê bình và kết án; trong khi người đàn bà góa lại được khen ngợi và được nêu gương.  Lời Chúa dường như đảo lộn quan niệm và thang bậc giá trị theo cách nhìn thông thường của chúng ta.  Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su muốn khẳng định: đừng đánh giá một người dựa trên địa vị xã hội, y phục hay vai trò tôn giáo, nhưng phải nhìn ở cái tâm và dựa trên nhân phẩm con người.

Truyền Thông Giáo Xứ Tam Thái - Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày Đấng thấu suốt  những gì kín đáo (19.6.2019 – Thứ Tư Tuần 11 TN) Lời Chúa: Mt 6, 1-6.16-18

Tại Việt Nam chúng ta, sau những bê bối về quyên góp và về những hoạt động từ thiện, lòng quảng đại bị biến dạng gây hiểu lầm.  Có người làm từ thiện để khoe khoang, phô trương thanh thế.  Những người này làm “từ thiện” vì bản thân, cho bản thân hơn là vì người khác và cho người khác.  Hãy trả lại cho khái niệm “từ thiện” ý nghĩa chính xác của nó, như câu ngạn ngữ “Của cho không bằng cách cho.”  Thánh Phao-lô đã nhắc lại giáo huấn của Chúa Giê-su cho các kỳ mục tại Ê-phê-xô: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

Vâng, “của cho” là điều rất đáng quý, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đối với những người còn khó khăn, vất vả, hoàn cảnh đáng thương; song lớn hơn rất nhiều đó là “cách cho” để làm sao người được nhận hỗ trợ, nhận quà cảm nhận được tấm chân tình và tình cảm thiết thực.

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

Cầu Xin  7 ơn Chúa Thánh Thần (do Phạm Ánh cải biên)

Cầu Xin  7 ơn Chúa Thánh Thần (do Phạm Ánh cải biên)

Lạy Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Thuở xưa Ngài đã ngự xuống an ủi và dậy dỗ các thánh tông  đồ, thì bây giờ cũng xin Ngài ngự đến với chúng con, là những người đang tin cậy kính mến Đức Chúa Trời, xin Ngài hãy thêm sức tăng cường năng lực tinh thần và thể chất của chúng con qua bẩy ơn lành sau: xin cho chúng con luôn biết khai mở sự thông minh, thu tập hiểu biết, trở nên khôn ngoan, biết lo liệu mọi việc, biết sống đạo đức, can đảm , và luôn kính sợ Chúa.

Minh họa bảy ơn Chúa Thánh Thần | Văn Thơ Công Giáo

Nhờ những ơn sủng này, chúng con sẽ không xa rời Chúa và trở nên hiền lành, khiêm nhường, thôi ích kỷ kiêu ngạo, để có thể dễ dàng thương yêu và tha thứ, làm cho môi trường sống chung quanh trở nên an lành hòa thuận.

Xin biến đổi chúng con thành những ngọn đuốc dẫn đường cho những ai mong muốn tìm Chúa, thành tấm gương sáng để những ai nhìn thấy con thì cũng nhìn thấy Chúa.

Tại Sao Chúa Thánh Thần Lại Được Tượng Trưng Bằng Chim Bồ Câu? | Tỉnh ...

Xin chuyển biến trí óc, linh hồn và chân tay của chúng con trở thành khí cụ thiện xảo lành thánh, là cánh tay nối dài của Chúa, giúp chữa lành những người đang gặp khó khăn, đau khổ và bệnh tật.

Xin duy trì bẩy ơn lành của Chúa Thánh Thần nơi chúng con mãi mãi. Amen