Kitô hữu nên tỏ tình liên đới với những người khác như thế nào?-Cha Vương

Dù bạn đang ở bất cứ phương nào, mình chúc bạn và gia đình một ngày an vui và hạnh phúc trong tinh thần hiệp nhất nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 14/1/2025

GIÁO LÝ: Kitô hữu nên tỏ tình liên đới với những người khác như thế nào? Kitô hữu dấn thân cho những cơ cấu xã hội công bằng để giúp cho mọi người được hưởng những lợi ích vật chất và tinh thần của thế giới. Kitô hữu cũng quan tâm để trong lao động phẩm giá con người phải được tôn trọng, nghĩa là họ được trả lương công bằng. Việc truyền đạt đức tin cho họ cũng là hành vi liên đới với mọi người. (YouCat, số 332)

SUY NIỆM: Người ta nhận ra Kitô hữu dựa theo việc họ thực thi tình liên đới. Quả thật, liên đới không phải chỉ là một hành vi mà lý trí đòi hỏi. Chúa Giêsu Kitô đã hoàn toàn đồng hóa chính mình với người nghèo và bé nhỏ (Mt 25,40). Từ chối liên đới với họ là loại bỏ Chúa Kitô. Ai có hai áo hãy chia cho người không có, và ai có đồ ăn cũng chia như vậy.—Lc 3,11 (YouCat, số  332 t.t.)

❦ Nguyên tắc của liên đới là nguyên tắc của học thuyết xã hội của Hội thánh, nó dựa theo đòi hỏi của tình huynh đệ giữa mọi người, và nó nhắm tới thiết lập một nền “văn mình tình yêu”. (Đức Gioan Phaolô II)

❦  Không gì thuộc về ta cho đến khi ta chia nó đi. (C.S Lewis)

LẮNG NGHE: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. (Mt 25:40)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, mỗi Kitô hữu là chi thể của Thân Thể mầu nhiệm có Chúa là Đầu, xin giúp con biết sống tình liên đới với những người chung quanh và những thành viên trong gia đình như Chúa đã dạy con.

THỰC HÀNH: Tập bỏ qua những thành kiến tiêu cực để xây dựng tình liên đới.

From: Do Dzung

************************

Thánh Ca – Bài Ca Hiệp Nhất – Linh Mục Thành Tâm 

SỰ CHẾT – CUỘC NHẬP TỊCH SAU CÙNG. – Lm Bùi Trọng Khẩn

Lm Bùi Trọng Khẩn

    nguồn:thanhlinh.net

Sự định cư của con người trên trần gian giống như hành trình của người du mục. Họ được sống trong thời đại và muốn nên giống thời đại qua những phương diện nổi bật nhất.

Nhưng họ chỉ được phép nhập tịch vào một thời đại nào đó mà không có thể định cư trong mọi thời đại.  Chính yếu tố không gian và thời gian quyết định cho họ phải như thế.

Người ta thường dễ dàng sống cho một lý tưởng, một cuộc sống hiện thực nhưng ít ai dám sống vì lý tưởng chết! Mặc dù trong lý thuyết của niềm tin dạy họ sống vì cái chết sau cùng.

Sự chết là một hành trình đưa người ta vào một cuộc nhập tịch trong một “thời đại” mới mà nơi ấy họ sẽ định cư vĩnh viễn chứ không phải như  người du mục. “Thời đại” ấy chính là một thế giới khác mầu nhiệm đã được chuẩn bị cho con người trước khi tạo dựng vũ trụ. Cũng như  đời sống con người phải nhập tịch vào một thời đại rõ ràng thì sự chết cũng bắt người ta phải nhập tịch theo một kế hoạch đã được Thiên Chúa an bài trong trật tự của Ngài . Đây là điều giúp cho con người tin tưởng vào thế giới mới không là một huyền thoại, không là một ảo ảnh, không là một sự ru ngủ nhau! “Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu thương Con trước khi thế gian được tạo thành”(Ga 17, 24) là một lời mạc khải đầy vui mừng và hy vọng của Đức Giêsu cho chúng ta về hành trình con người sẽ đi tới.

Chết chính là lúc được sinh ra và nhập tịch vào thế giới mới. Như nước trở về nguồn để hòa tan trong một khối mênh mông nơi nó được xuất ra thì con người ta cũng thế, tất cả phải đi đến và trở về với vĩnh cửu. Vĩnh cửu là cha của mọi loài thọ sinh.  “Thầy từ Chúa Cha mà đến  và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha” (Ga 17, 28).

Cuộc nhập tịch của Đức Giêsu qua cái chết đã kéo theo một cuộc nhập tịch của tất cả mọi loài thọ tạo, đấy là một ý định cứu rỗi của Thiên Chúa. “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1, 19). Hiện diện thế nào được nếu không có sự nhập tịch. Viên mãn thế nào được nếu không có ơn cứu rỗi. Trở về thế nào được nếu không có người mở đường cho mà đi. Như thế Đức Giêsu muốn bày tỏ cho thế giới thụ tạo thấy một con đường đẹp mà chính Người là đường là sự thật và là sự sống (Ga 14, 6) được minh chứng trong cuộc vượt qua của Người. Người giúp thụ tạo khám phá ra bản chất thực của mình, đồng thời cũng giúp ta hiểu rằng không một sức mạnh, không một sự xấu xa nào có thể phá vỡ chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Cuộc nhập tịch sau cùng của con người là một hành trình đi với Thiên Chúa trên con đường mang tên là Giêsu . Con đường Giêsu đã cắm những mốc trên lộ trình trần gian qua cuộc sống 33 năm trời với những “đèn xanh”, “đèn đỏ” ở những giao lộ để hướng dẫn cho người ta một lối đi có chọn lựa. Người ta sẽ được trở nên chính mình trong con đường của Đức Giêsu và được sống sự sống của Ngài khi được nhập tịch trong thế giới mà Đức Giêsu đã đi vào. Thế giới của thần linh là đích điểm mà con người hằng khao khát và đạt tới sẽ diễn ra trong niềm tin của họ như một “tấm thẻ” để bảo đảm cho thủ tục của cuộc nhập tịch sau cùng được trọn vẹn.

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

www.trongkhan.net

NGƯỜI KHIÊM TỐN – Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Trở thành người khiêm nhường, không nhất thiết phải che giấu hết các tài năng, không cần phải giả vờ ngu dốt, không buộc phải sống trong một căn nhà nhỏ hẹp cũ kỹ, ăn mặc rách nát.  Cũng không cần phải lúc nào cũng cúi đầu “vâng vâng, dạ dạ,” đi đứng khom lưng, vẻ mặt đăm chiêu như đang chìm sâu vào miền vô cực nào đấy.  Cũng không nhất thiết phải đi tu, đến nhà thờ, đi lễ chùa, quỳ gối chắp tay thành khẩn, làm biết bao việc hãm mình khổ chế, không ăn ngon mặc đẹp, không đi dự tiệc sang, không dám tiêu xài.  Cũng đừng bao giờ sợ được khen, sợ chìm vào hư danh mà cố tình không cống hiến, không bộc lộ hết sức mình vì lợi ích chung của tập thể.

Tất cả những điều này chỉ là bề ngoài.  Việc sống một đời sống kham khổ, chịu sỉ nhục, khinh miệt… có thể là một trợ giúp để có sự khiêm nhường nhưng tự bản thân nó không phải là sự khiêm nhường vì người ta nhiều lúc phải chịu như thế bởi không thể làm gì khác hơn, đành phải cắn răn chịu đựng.  Ngược lại, ăn mặc lịch lãm, được người khác ca tụng, lớn tiếng sửa dạy người khác có thể là những dấu chỉ của sự kiêu căng, nhưng cũng có khi là điều mà người đó cần phải làm vì một lợi ích gì đó hoặc họ xứng đáng được điều đó vì những hy sinh của mình.  Điều quan trọng hơn cả là nội tâm của một con người.

Sự khiêm tốn là một cái gì đó rất ngược ngạo, vì người nào tự cho rằng mình khiêm tốn, dù có nói ra hay không, người đó đã trở nên kiêu căng rồi.  Người nào càng ý thức tìm kiếm sự khiêm tốn, người đó càng không bao giờ tìm thấy.  Cứ như một trò đùa, sự khiêm tốn sẽ bỏ người ta mà đi khi nó phát hiện có ai đang tìm cách để có nó.  Trên hành trình của đời sống thiêng liêng, có một thời người ta phải nỗ lực và dùng hết sức để đi tìm, nhưng đến một lúc nào đó, người ta tự thấy không thể làm gì hơn, ngoài việc buông lỏng chính mình để chân lý tự tìm đến.  Càng gồng mình với những cố gắng và mục tiêu, người ta càng thấy hụt hẫng và bế tắc, như đi vào ngõ cụt.  Cố nắm bắt sự khiêm tốn cũng như cố bắt lấy bóng trăng.  Cứ tưởng là có được, nhưng nó cứ mãi vuột khỏi tầm tay.

Sự khiêm tốn là đỉnh cao của đời sống thiêng liêng.  Nó là cái mà khi người ta đã có được nó mà chẳng hề hay biết.  Nó không màu không sắc, không mùi không vị.  Nó hệt như cái VÔ bao trùm lấy người ta khi họ đã đạt tới cảnh giới vượt qua mọi bám víu của hồng trần.  Người khiêm tốn thì chẳng biết khiêm tốn là gì, ở đâu.  Người ấy thậm chí còn không ý thức đến sự tồn tại của nó.  Họ chỉ sống như cái bản tính tự nhiên của mình.  Họ hành xử như thế vì đối với họ nó phải là như thế.  Họ bộc lộ ra bên ngoài trọn vẹn cái bản chất của mình, cái “chính mình”, cái làm nên họ trong sự tròn đầy nhất.  Bởi vậy, cảnh giới của sự khiêm nhường là khi người ta đã vượt lên trên sự ý thức, vươn đến cái vô thức.  Vô thức ở đây không có nghĩa là hời hợt, không để ý gì cả theo kiểu tiêu cực, nhưng là một kiểu để mình được chiếm trọn, biến mọi cái chân thiện mỹ trong mình bộc phát một cách tự nhiên như người ta tự nhiên hít thở mà không để ý gì đến nó.

Người khiêm tốn là những thánh nhân thật sự, vì họ luôn chan chứa một sự bình an lớn lao trong lòng.  Họ không đeo trên mình những chiếc mặt nạ.  Họ đón nhận mọi sự xảy đến với mình với một sự biết ơn, cả điều tốt lẫn điều xấu.  Họ luôn thấy hài lòng với tất cả mọi sự chung quanh, dù những điều đó có diễn ra theo ý họ hay không.  Họ chấp nhận mọi thất bại, điểm yếu, khiếm khuyết, lỗi lầm của mình một cách chân thành, và xem nó như hồng ân.  Họ không chạy theo những phù hoa bóng mây, không cầu toàn, cầu an, không để mình lệ thuộc vào bất cứ điều gì hay bất cứ ai.  Đây không phải là một kiểu ngông nghênh, bất cần đời, xem thường luật lệ.  Nhưng là một thái độ mềm mỏng như con nước, hay như chiếc bình khoét rỗng chính mình, mở ra cho ân sủng đổ vào.  Kiểu bình an như thế là kết quả của một quá trình dài bỏ mình, rèn luyện mình, gọt dũa mình với biết bao đớn đau, vết thương và nước mắt.

Người khiêm tốn cũng là con người rất đẹp.  Họ đẹp một nét đẹp của Thiên Đường, chứ không phải bằng những hình thể của thân xác.  Họ luôn có sức thu hút người khác, khiến người khác cứ tuôn đến tiếp cận với họ.  Ở gần bên người khiêm tốn, ta tự thấy mình như được hưởng lây cái dịu mát của ngọn gió nhân đức, ta thấy dễ chịu như được sưởi ấm giữa trời đông, không một chút kháng cự hay đề phòng.  Có một hương thơm lạ kỳ và cuốn hút nào đấy phát ra từ nơi họ hệt như cánh hoa thơm không cần phải hô vang để gây sự chú ý.  Có thể nói, họ đã hoà quyện mình vào với tự nhiên, vào cái Đạo của vũ trụ.  Họ thật sự trở thành những con người “sống ở thế gian, nhưng đã vào cõi Thiên Đàng.”

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

From: Langthangchieutim


 

XIỀNG XÍCH-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”.

“Những sợi xích của thói hư tật xấu thường quá nhỏ để cảm nhận cho đến khi chúng quá mạnh để bị phá vỡ! Chúng khác nào những chiếc giường êm ái – dễ dàng nằm lên, nhưng quá khó để bước xuống và rời đi!” – Mark Twain & Samuel Johnson.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến một người bị ‘xiềng xích’ bởi thần ô uế! Và Chúa Giêsu – với lời quyền năng của Ngài – đã tháo cởi cho anh, “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Lời Chúa mời gọi chúng ta nghĩ đến những “thói hư tật xấu thường quá nhỏ” hay “những chiếc giường êm ái” của mình – mà vì chúng – có thể bạn và tôi đang bị ‘xiềng xích!’.

Ngay trong hội đường, trước mọi người, nạn nhận bị thần ô uế hành hạ phải la hét. Đây là cách ma quỷ hành xử. Nó muốn chiếm hữu chúng ta để ‘xiềng xích’ linh hồn chúng ta. ‘Xiềng xích linh hồn chúng ta’ chính là điều ma quỷ muốn! Chúng ta phải cảnh giác với những trói buộc vốn kìm hãm sự tự do của mình; bởi lẽ, ma quỷ luôn luôn tìm cách tước mất tự do. Hãy thử nêu tên một số ‘xiềng xích’ có thể đang trói buộc mình!

Với Đức Phanxicô, “Đó là những cơn nghiện vốn luôn biến chúng ta thành nô lệ, khiến chúng ta luôn cảm thấy không hài lòng trong cuộc sống. Chúng nuốt chửng năng lượng, triệt tiêu điều lành và huỷ hoại các mối quan hệ. Đó là chủ thuyết tương đối với xu hướng hàng đầu là khuyến khích chủ nghĩa hoàn hảo phi thực tế, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa khoái lạc, biến con người thành hàng hoá và phá hỏng các mối tương quan!”.

“Đó còn là những cám dỗ, mời mọc làm suy yếu lòng tự trọng, sự thanh thản, khả năng lựa chọn và yêu thích cuộc sống. Một ‘xiềng xích’ khác chính là nỗi sợ hãi vốn luôn khiến chúng ta nhìn về tương lai với sự bi quan, mất niềm hy vọng và bất khoan dung khi luôn đổ lỗi cho người khác mà không bao giờ chấp nhận trách nhiệm của mình. Sau cùng, một ‘xiềng xích’ rất xấu xí khác là sự sùng bái quyền lực, tạo xung đột và dùng đến vũ khí giết người hoặc sử dụng bất công kinh tế và thao túng tư tưởng!”.

Chỉ Chúa Giêsu – bằng cái chết của Ngài – mới có thể giải thoát chúng ta khỏi mọi xích xiềng đó. Thư Do Thái hôm nay viết, “Con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa”. Tạ ơn Chúa, Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta – những công trình của Thiên Chúa – Ngài tái phục chúng ta để chúng ta sống xứng đáng như con cái Thiên Chúa, “Chúa đã đặt Con Chúa làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Lời Chúa mời gọi chúng ta tự hỏi, tôi có thực sự muốn được lời quyền năng của Chúa Giêsu giải thoát khỏi những ‘xiềng xích’ đang trói buộc trái tim tôi không? Tôi có khả năng nói “không” với những cám dỗ của sự dữ trước khi chúng gieo vào tâm hồn? Cuối cùng, tôi có thành tâm cầu khẩn Chúa Giêsu, để Ngài hành động trong tôi, chữa lành tôi bên trong?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi những “thói hư tật xấu vốn thường quá nhỏ”, đẩy xa con “những chiếc giường êm ái” để con được tự do chỗi dậy, tiến về phía trước!”, Amen.

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

********************************************

Thứ Ba Tuần I Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy: 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.

23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê. 


 

Tại sao trong loài người lại có những sự bất bình đẳng?- Cha Vương

Mến chúc bạn và gia quyến ngày thứ 2 đầu tuần nhiều niềm vui và hạnh phúc trong phục vụ và yêu thương nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 13/1/2025

GIÁO LÝ: Tại sao trong loài người lại có những sự bất bình đẳng? Mọi người đều có phẩm giá như nhau, nhưng lại không có những điều kiện sinh sống như nhau. Những bất bình đẳng là do xã hội loài người gây ra và đều nghịch Phúc Âm. Thiên Chúa ban cho con người những ơn phúc và tài năng khác nhau, Chúa mời gọi họ chia sẻ cho nhau. Trong tình bác ái, người này phải chia cho người kia những gì họ còn thiếu thốn. (YouCat, số 331)

SUY NIỆM: Có một thứ bất bình đẳng giữa con người, không phải do Thiên Chúa mà do những điều kiện kinh tế và xã hội, nhất là do sự phân phối trên thế giới không đều nhau về các nguyên liệu, các của cải và vốn. Thiên Chúa chờ đợi ta để ta làm biến mất khỏi thế giới tất cả những gì trái nghịch công khai với Tin Mừng, và coi thường phẩm giá con người. Nhưng cũng có sự bất bình đẳng giữa con người tương ứng với kế hoạch của Thiên Chúa như bất bình đẳng về tài năng, về điều kiện lúc ban đầu, về khả năng. Thiên Chúa muốn như vậy để ta biết rằng làm người có nghĩa là để “cho và vì” người khác, để yêu mến họ, để chia sẻ, để phục vụ sự sống. (YouCat, số 331 t.t.)

❦  Bạn là Kitô hữu, bạn đang có sẵn một tư liệu gồm khá nhiều thuốc nổ để làm cho cả cái văn minh này nổ tung ra, để làm cho thế giới không còn trên dưới, để mang lại hòa bình cho thế giới bị xé nát vì chiến tranh. Nhưng các bạn lại đối xử với tư liệu đó chỉ như một tác phẩm văn chương mà thôi, và thế là hết. (Mahatma Gandhi—1869–1948, hướng dẫn tinh thần cho phong trào độc lập của Ấn Độ, sáng lập phong trào bất bạo động)

  Hãy thương người nghèo, và đừng quay lưng lại với họ, nếu bạn quay lưng với người nghèo là bạn quay lưng với Chúa Kitô. Người làm cho mình thành người đói, người ở trần, người không nhà, để các bạn và tôi có dịp yêu Người. (Mẹ Têrêsa Calcutta) 

LẮNG NGHE: Kẻ giàu người nghèo gặp nhau ở điểm này: cả hai đều được ĐỨC CHÚA tạo dựng. (Cn 22:2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin đừng để con quay lưng lại với nỗi đau của anh em con nhưng tăng thêm lòng thương cảm để con biết tận dụng khả năng Chúa ban làm giảm đi nỗi đau do những bất bình đẳng của xã hội loài người gây ra.

THỰC HÀNH: Ai là người đang cần đến sự nâng đỡ của bạn? Cuộc sống chỉ có giá trị khi bạn cho đi. Mời bạn làm một điều gì đó để tăng thêm giá trị trong cuộc sống nhé.

From: Do Dzung

***********************

An Bình Bên Chúa – Lyrics | Thánh Ca Công Giáo 

PHI THƯỜNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển”; “Người thấy Giacôbê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền”.

Kính thưa Anh Chị em,

Mùa Giáng Sinh kết thúc, chúng ta bắt đầu nhịp thường của năm phụng vụ với mùa Thường Niên. Thế nhưng, cuộc sống của Kitô hữu là một cuộc sống đơn điệu và bình thường? Không hoàn toàn như thế! Đúng hơn, cuộc sống của Kitô hữu khá bình thường nhưng cũng rất ‘phi thường!’.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi những môn đệ đầu tiên giữa nhịp sống thường nhật của họ khi họ “đang thả lưới xuống biển”, khi họ “đang xếp lưới trong thuyền”. Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã mau mắn đáp trả lời gọi ấy – một sự đáp trả chóng vánh không thể tin được – đến nỗi nó sẽ trở thành một lời mời, một thách thức cho mỗi người chúng ta. Bạn và tôi được mời gọi bước ra khỏi nhịp sống bình thường để đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, một lời mời gọi mà nhờ đó, cuộc sống của chúng ta rồi cũng trở nên phong phú, đầy kinh ngạc và ‘phi thường’.

Đích điểm cuộc sống của Kitô hữu là Chúa Giêsu, đi theo Ngài và nên giống Ngài. Thế nhưng, biết Chúa Giêsu, biết Thiên Chúa chưa đủ; chúng ta còn phải chia sẻ niềm tin về Ngài cho thế giới. Thông thường, phần lớn chúng ta chỉ muốn an thân với những gì quen thuộc, nhàn nhã; đang khi Chúa Giêsu lại muốn chúng ta phá vỡ những ‘nếp thường’, khuôn mẫu, dám bước ra khỏi vùng an toàn. Bởi lẽ, bạn không thể ước mong thay đổi thế giới, trừ khi lần đầu tiên, bạn dám thay đổi bản thân; bạn sẽ không là những tông đồ hăng nhiệt của Vương Quốc, trừ khi lần đầu tiên, bạn dám dâng hiến hồn xác cho Chúa Giêsu và dấn thân cho sứ vụ của Ngài.

Charles Ellet Jr. nhận hợp đồng thiết kế đồ hoạ một chiếc cầu treo vắt qua sông Niagara. Một trong những vấn đề là làm sao để kéo sợi cáp đầu tiên qua một vùng thác rộng lớn vốn chỉ có sóng dữ. Một ý tưởng đơn giản chợt loé lên! Ellet nghĩ, nếu một con diều có thể đáp xuống bờ bên kia bằng một sợi dây nhẹ, rồi một sợi dây chắc hơn có thể được gắn theo; sau đó một sợi lớn hơn và cứ thế, tiếp tục tăng dần cho đến khi một sợi cáp có thể được vắt ngang qua. Ellet tổ chức một cuộc thi thả diều và Homan Walsh đã thành công. Ý tưởng đơn giản của Ellet đã phát huy tác dụng. Ngày 01/8/1848, cây cầu đã hình thành – vắt qua sông Niagara – nối liền Canada và Hoa Kỳ.

Anh Chị em,

Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta, giao cho bạn và tôi sứ mạng xây ‘những chiếc cầu’ từ đất lên trời, từ trời xuống đất ngay giữa những công việc bình thường trong cuộc sống thường ngày của mỗi người. Đó là một sứ mạng không tưởng vì chúng ta phải chuyển tải những gì thuộc thiên giới xuống hạ giới và ngược lại, từ hạ giới lên thiên giới. Để được vậy, bạn phải bám vào ‘con diều’ Thánh Thần. Chỉ khi bám vào Ngài, chúng ta mới có thể tăng dần ‘những sợi dây’ ngày càng bền hơn, mạnh hơn, hầu có thể gắn chặt vào ‘trụ cọc’ Giêsu. Nhờ đó, thế giới mới hy vọng có thêm những chiếc cầu. Bấy giờ, cuộc sống của bạn không còn tẻ nhạt nhưng thật ý nghĩa và ‘phi thường’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dẫu công việc của con chỉ như những sợi nhợ đầu tiên được Thánh Thần chấp cánh; nhưng với ơn Chúa, thế giới sẽ có thêm những chiếc cầu mang tên ‘Cứu Độ!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From:KimBang Nguyen

*************************************************

Thứ Hai Tuần I Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 17 Người bảo các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.

19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.


 

Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3:21-22)-Cha Vương

Chào buổi sáng, cục cưng của Chúa! Lời chúc hôm nay là Bạn có được 1 quả tim giàu lòng từ bi và nhân hậu để mang yêu thương vào nơi oán thù.

Cha Vương

CN: 12/01/2025

TIN MỪNG: Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3:21-22)

SUY NIỆM: Thiết tưởng rằng có lần Bạn đã từng hỏi: Tại sao Chúa Giêsu lại nhận phép Rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả? Nếu phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Jordan là một hình thức công khai sám hối để xin tha mọi tội lỗi.  Như vậy Chúa Giê su có tội gì mà phải sám hối? Chắc chắn Chúa không hề có tội gì khiến Người  phải công khai sám hối bằng cách nhận phép rửa của thánh Gioan. Chúa không có tội, không cần sám hối,  nhưng đã xin Gioan làm phép  rửa  vì theo lời tuyên xưng của Gioan về Chúa với các môn đệ ông thì: “ Đây  là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1: 30). Ngài đến để THÁNH HOÁ bằng chính Máu của Chúa trên Thập giá, để cứu chuộc nhân loại. Hành động khiêm nhượng và tự hủy (self-emptying) của Người đã được Chúa Cha chứng dám:” Đây là Con chí ái của Ta, kẻ làm đẹp lòng Ta mọi đàng, kẻ Ta sủng mộ “( Mt 3, 17). Chính vì thế, qua Bí tích Thánh tẩy, Bạn được: (1) Tha tội nguyên tổ và mọi tội riêng ta phạm trước khi rửa tội, cùng mọi hình phạt do tội gây ra.

(2) Sinh lại vào đời sống mới, trở thành con cái Chúa Cha, chi thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần.

(3) Gia nhập vào Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô.

(4) Ghi vào trong linh hồn một dấu ấn thiêng liêng vĩnh viễn, để dự phần vào chức tư tế của Chúa Kitô. Do đó, Đức Giêsu chính là gương mẫu của đời sống Kitô hữu và Người là cùng đích để Ta luôn nhắm tới. Khi lãnh bí tích Rửa tội ta được Thiên Chúa yêu thương tha thứ mọi tội lỗi, cho ta được làm con cái Chúa, được gia nhập vào gia đình của Chúa là Hội Thánh. Vậy Ta cũng phải có những lời hứa với Chúa chứ?

Bạn đã hứa với Chúa những gì? Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thề hứa: (1)Từ bỏ ma quỷ.

(2) Xa lánh tội lỗi.

(3)Tin kính Thiên Chúa Ba Ngôi và giữ lề luật của Ngài. Xin Bạn đừng thất hứa với Chúa nhé. Có lần nào Bạn đã thất hứa với Chúa chưa?

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con cảm nghiệm ra mình là con yêu dấu của Chúa, luôn ý thức con người yếu đuối tội lỗi của mình, để con không tự kiêu tự mãn, nhưng luôn khiêm nhường để biết cúi mình xin ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào.

LẮNG NGHE: Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. (Galát 3:37)

THỰC HÀNH: Cố gắng tập bỏ đi một tật xấu hay một tội hay phạm nhất hôm nay.

From: Do Dzung

********************************

Nhóm Thánh Phụng Vụ – Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa  

KỶ NGUYÊN ÂN SỦNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Khi toàn dân chịu phép rửa, Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa”.

Một nhà giáo dục nói, “Không thành vấn đề bạn ngã xuống một vũng bùn, miễn là bạn nhặt được một thứ gì đó giữa bùn khi đứng lên!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Giêsu đã ‘ngã xuống một vũng bùn’ và Ngài đã nhặt lên không phải một thứ gì đó, nhưng nhặt lên cả một nhân loại khốn cùng! Với biến cố chịu phép rửa, Ngài mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên các Bí tích – ‘kỷ nguyên ân sủng!’.

Trước khi vào phòng mổ, ai mà không an tâm khi thấy bác sĩ sắp giải phẫu mình kéo áo của ông lên, để lộ một vết sẹo và nói, “Tôi cũng từng như vậy. Bạn sẽ ổn!”. Người lính nào sẽ không dũng cảm, ngẩng cao đầu hơn, khi nhìn thấy những bắc đẩu bội tinh – ghi những chiến công – lấp lánh trên ngực vị chỉ huy? Cũng thế, bạn và tôi muốn Đấng Cứu Độ của chúng ta được như vậy. Thiên Chúa đã ngã xuống! Ngài muốn đồng hành với con người trong tất cả đổ vỡ, yếu đuối, tổn thương vì tội lỗi của nó. Ngài đồng nhất, hiệp hành với nó, ôm lấy nó để có thể cứu nó. Không phải Ngài bất toàn, nhưng vì Ngài toàn năng và yêu thương!

“Vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy” – bài đọc một – và mọi người đã thấy Con Thiên Chúa lặng lẽ xếp hàng như bao tội nhân khác. Trở thành người là trở thành tội! Cho nên, dẫu vô tội, Ngài đồng nhất với tội nhân để có thể đi vào thực tại của tội nhân với tất cả những gì bị tội lỗi kéo theo. Ngài muốn nói với tội nhân rằng, “Đừng sợ, Tôi đang đứng bên cạnh bạn!”. Và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu để sang một bên phẩm giá cao trọng hầu có thể dìm mình xuống một dòng nước ‘bẩn thỉu’; rồi đây, Ngài sẽ tiếp tục đồng bàn với những tội nhân ‘bẩn thỉu’; và cuối cùng, chịu đóng đinh vì họ giữa hai tên ‘bẩn thỉu’ hầu cứu cả nhân loại ‘bẩn thỉu’. Ngài biết, sứ vụ của Ngài bắt đầu không phải trên ngai báu mà là từ bùn lầy của những tội nhân nhuốc nha; Ngài chỉ cần họ bắt đầu lại và bắt đầu lại mỗi ngày!

Với biến cố này, sự viên mãn của Ba Ngôi lần đầu tiên được tiết lộ. Phaolô nói, “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” – bài đọc hai. Và kỳ diệu thay! Chính các linh mục được xức dầu của Ngài sẽ tiếp tục công việc ban ân sủng này cho đến tận thế. Thiên Chúa đến với con người bằng nhiều cách, nhưng mãnh liệt nhất vẫn là qua các Bí tích do các linh mục. Như vậy, phép rửa của Chúa Giêsu đã mở ra kỷ nguyên các Bí tích, ‘kỷ nguyên ân sủng!’.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa”. Ngài đã ngã xuống vũng bùn các tội nhân để nhặt tội nhân, đưa họ vào lãnh địa của Thiên Chúa, lãnh địa ân sủng. Ngã xuống dòng nước, Ngài thánh hoá mọi dòng nước; dìm mình trong nước, Ngài mở ra mỏ mạch nước ân sủng. Được dìm xuống với Ngài, chúng ta bước lên, sống một đời sống mới. Cuộc đời mới bắt đầu khi chúng ta cùng chết, mai táng và phục sinh với Ngài qua phép Rửa. Hôm nay, Ngài muốn chúng ta làm mới lại phép Rửa của mình qua việc thường xuyên lãnh nhận các Bí tích; đặc biệt là Hoà Giải và Thánh Thể. Bằng cách lãnh nhận ân sủng của hai Bí tích này, chúng ta củng cố các Bí tích khác.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đã ngã xuống để ‘nhặt con lên’, đừng để con ơ hờ với các Bí tích, nhưng biết chạy đến với chúng, hầu kín múc ân sủng mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***************************************

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, NĂM C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

15 Khi ấy, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa.”

21 Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa ; rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.”


 

Đức cậy [hy vọng] là gì?- Cha Vương

Cuối tuần ấm áp và an lành nhé! Bạn thân mến, Giáo hội mới bước vào Năm Thánh với chủ đề “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”. Có người hỏi: “Giữa đức cậy và hy vọng có gì khác nhau không?” “Đức Cậy” hay còn gọi là đức “Hy Vọng”, đều có nghĩa chung là đặt niềm trông cậy, hy vọng vào một ai đó. Đối với người ngoại đạo, niềm hy vọng của họ đặt vào các vị thần linh để mong đón nhận những thiện hảo vật chất, còn niềm hy vọng của người Ki-tô hữu mang chiều kích thiêng liêng, được cắm rễ và xây dựng trên chính Thiên Chúa. Niềm hy vọng của đạo Kitô giáo vượt trên tất cả mọi thứ cân đo đong đếm liên quan đến các sự vật trần thế. Đó là niềm hy vọng mà Thiên Chúa ban tặng trong Đức Kitô, Đấng qui tụ mọi người tin vào vương quốc Ngài.

Cha Vương

Thứ 7: 11/1/2025

GIÁO LÝ: Đức cậy [hy vọng] là gì? “Đức Cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta trông mong Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và nương tựa vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức mình” (GLCG 1817). Đây là nhân đức giúp ta chắc chắn và bền lòng mong ước điều ta phải làm ở đời này là ca tụng Chúa, phụng sự Chúa, và tìm hạnh phúc thật trong Chúa. Bởi vì chỗ ở cuối cùng của ta là ở nơi Thiên Chúa. (YouCat, số 308)

SUY NIỆM: Dù ta chưa thấy, đức cậy là trông mong những gì Thiên Chúa đã hứa do Tạo dựng, do các tiên tri, nhất là do Chúa Kitô. Thánh Thần của Thiên Chúa được ban cho ta để ta trông cậy vững vàng vào điều tốt chân thật. (YouCat, số  308 t.t.)

❦  Trông cậy là tin vào cuộc phiêu lưu của tình yêu, tin vào mọi người, nhảy vào chỗ mình chưa biết và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. (Thánh Augustinô)

❦  Bạn sẽ có ấn tượng rằng chỗ ở trên trời được dành cho bạn, cho mình bạn thôi, bởi vì bạn đã được tạo dựng cho chỗ đó. (C.S Lewis)

LẮNG NGHE: Nhưng những người cậy trông ĐỨC CHÚA thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân. (Is 40:31)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa con đặt hết niềm hy vọng vào Chúa. “Xin Chúa nâng con lên thật cao, ôm trọn con vào lòng để con được chìm sâu trong lòng đại dương thương xót của Chúa.”

THỰC HÀNH: Có bao giờ bạn suy nghĩ như này: Chúa nhân từ vô cùng, không nỡ phạt bao giờ, nên coi thường việc tuân giữ luật Chúa, tự do buông thả? Đây là lối suy sai về lòng nhân từ của Chúa.  Hãy luôn nhớ rằng: “Chúa nhân từ vô cùng nhưng cũng công bằng vô cùng”, Ngài sẽ thưởng phạt cân xứng với công và tội. Mời bạn hãy đổi lại cách suy nghĩ này nhé.

From: Do Dzung

***************************

Chúa Là Hy Vọng | St: Lm. Thái Nguyên | Tb: Hạnh Nguyên & Khánh Duy

“…Chúa là hy vọng đời con, đời con sống nương nhờ Ngài Dẫu bao năm dài tình Ngài chẳng phai. Chúa hằng ấp ủ đời con, đời con phó thác nơi Ngài Sẽ không lo ngại bước đường ngày mai…”

LU MỜ ĐI-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”.

Schleiermacher – triết gia người Đức – nhân vật định hình sự tiến bộ của tư tưởng hiện đại. Một tối kia, ông lang thang một mình trong công viên; một cảnh sát đi tới, định đưa ông về đồn vì nghĩ rằng, ông là một gã say. Cảnh sát hỏi, “Ông là ai?”; Schleiermacher buồn buồn trả lời, “Ước gì tôi biết!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Schleiermacher, cũng thế, đôi khi trong cuộc sống, chúng ta không biết mình là ai, làm việc cho ai và phải trở thành ai? Trong Tin Mừng hôm nay, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả không biết mình là ai, thầy mình là ai, họ ghen tuông khi Chúa Giêsu cũng làm phép rửa. Gioan bảo họ, “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”.

Sự khiêm nhường của Gioan là một bài học tuyệt vời, đặc biệt đối với những ai đang tích cực tham gia vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội. Quá thường xuyên khi chúng ta tham gia vào một số hoạt động tông đồ; và cùng lúc đó, “sứ vụ” của những người khác lại dường như đang phát triển nhanh hơn chúng ta. Bấy giờ, sự ghen tị có thể xuất hiện. Vậy mà, vai trò của chúng ta trong sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội Chúa Kitô là phải tìm cách hoàn thành ‘vai trò của mình và chỉ vai trò của mình’. Không bao giờ chúng ta cho phép mình cạnh tranh với những người khác trong Giáo Hội. Chúng ta cần biết khi nào phải hành động theo ý muốn của Chúa, và khi nào phải lùi lại – ‘lu mờ đi’ – để những người khác hoàn thành ý định của Ngài. Chúng ta phải làm theo ý muốn của Chúa, không hơn, không kém và không gì khác!

Vậy mà rất nhiều lần, trong sứ vụ tông đồ, chúng ta làm điều ngược lại, ‘Cần tôi lớn lên, Chúa và anh em tôi cần nhỏ lại!’. Cám dỗ tìm kiếm chính mình trong việc tông đồ, trong việc phục vụ Giáo Hội là một cám dỗ triền miên ở mọi thời, nơi bất cứ ai, thuộc bất cứ đấng bậc nào! Một số người chỉ cống hiến khi công việc mang lại cho họ danh dự, trọng vọng, uy tín hoặc nâng cao tầm quan trọng của bản thân. Chúng ta tuyên bố phục vụ Chúa Kitô, nhưng nếu địa vị bị tổn hại, uy tín bị chỉ trích; hoặc thấy ai đó kém khả năng đứng trên chúng ta về thứ hạng, thì trái tim chúng ta vỡ vụn; cam kết của chúng ta suy tàn. Vào những thời điểm đó, chớ gì chúng ta có thể vượt qua thử thách khi biết ‘lu mờ đi’ để có thể tìm lại niềm vui cho chính mình như Gioan đã nêu gương.

Anh Chị em,

“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”. Đề nghị của Gioan mời gọi mỗi người chúng ta ngày càng làm rỗng chính mình để Chúa Kitô có thể lớn lên, lấp đầy trái tim chúng ta bằng chính Ngài. Theo cách nói của Phaolô, “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi!”. Để đạt được điều này, chúng ta phải làm gì? Như Gioan, chúng ta ý thức mình chỉ là những “người bạn của chú rể, đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở”. Chỉ lúc đó, chúng ta mới có niềm vui, niềm vui đích thực. Tình yêu dành cho Chúa Kitô không phải là nỗ lực một sớm một chiều, nhưng như Gioan, nó là thành quả của nhiều năm cầu nguyện, chinh phục bản thân và trung thành với một cuộc sống hoán cải và biết ‘lu mờ đi’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 “Lạy Chúa, thật xấu xí khi con ‘hơn thua’ trong việc tông đồ. Cho con biết nhỏ lại, ‘lu mờ đi’ để Chúa và anh chị em con được lớn lên!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*******************************************

Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

 22 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. 23 Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. 24 Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.

         25 Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy. 26 Họ đến gặp ông Gio-an và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.” 27 Ông Gio-an trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. 28 Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ 29 Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. 30 Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.”


 

CHÚA CHIÊN CỦA TÔI – Lm Gioan Vũ Nghi

  Lm Gioan Vũ Nghi

Mấy năm trước đây, một bé gái 5 tuổi được đưa vào viện mồ côi.  Mấy ngày trước đó, bố mẹ của em đã cãi vã với nhau, rồi bố em đã bắn chết mẹ em, rồi quay súng lại mà tự vẫn.  Tất cả xảy ra trước sự chứng kiến của em.  Đến ngày Chúa Nhật sau đó, em được đưa đến Nhà thờ Công Giáo để tham dự thánh lễ và sau đó, dự lớp Giáo lý.  Vì sợ cô giáo không hiểu hoàn cảnh của em, người coi sóc viện mồ côi đã phải căn dặn cô giáo: Bố mẹ của em là người vô thần, nên chắc chưa bao giờ bé được nghe về Thiên Chúa, vì vậy, xin cô giáo nhẫn nại với em.  Trong buổi học đầu, cô giáo đã giơ cao một bức hình Chúa Giêsu và hỏi cả lớp: “Có em nào biết đây là ai không?”  Cô bé giơ tay trả lời: “Em biết, đó là người đã ôm em vào lòng sau khi ba má em chết.”

Câu chuyện của em bé trên đây chỉ là một trong ngàn vạn câu chuyện thương tâm khác đang xảy ra trong xã hội ngày nay.  Chồng giết vợ, mẹ giết con, con giết bố mẹ, bạn bè thanh toán nhau, nhân công ám hại nhau, là những mẩu tin chúng ta thường đọc thấy trong báo hằng ngày.  Trong những ngày tháng gần đây, nạn khủng bố đã gây tang tóc thương đau cho biết bao gia đình.  Những lá thư hăm dọa đã khiến cho con người sống trong lo sợ.  Quân khủng bố đã bất chấp thủ đoạn khi hành động.  Tháng Giêng vừa qua tại Do Thái, lần đầu tiên một phụ nữ đã nổ bom tự sát để giết người.  Sau đó, người ta tìm ra chị ta là một trong những nhân viên cứu thương của thành phố.  Hôm trước cứu người; hôm sau giết người.  Thật là khó hiểu.  Hơn nữa, họ còn coi đây là thánh chiến.  Lắm lúc nghĩ cũng thấy buồn.  Ba tôn giáo lớn trên thế giới: Kitô giáo, Hồi giáo, Do thái giáo cùng tôn thờ một Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, thế mà đã mười mấy thế kỷ chém giết nhau.  Con cháu tổ phụ Abraham ngày nay đã đông như sao trên trời như cát dưới biển, đúng như Lời Chúa đã hứa, nhưng tiếc thay con cháu tổ phụ lại cắn xé nhau, để rồi gây tan tác cho đoàn chiên của Chúa.

Khi xưa, Chúa Giêsu sống trong một xã hội tuy không hận thù khủng bố, nhưng cũng mang đầy những thù ghét, chia rẽ, kỳ thị và bất công.  Những người Samaritanô, tuy cũng mang giòng máu Do thái, nhưng lại bị người Do thái coi là dân ngoại; những người thu thuế bị coi là người tội lỗi, nên tuyệt đối bị những người “ngoan đạo” xa tránh; những người phong cùi bị đuổi ra sống bên ngoài xã hội.  Đứng trước thảm trạng đó, Chúa Giêsu đã đến và đã ví mình như gà mẹ túc con dưới cánh để bảo vệ và vỗ về.  Chúa đã tỏ tình thương và mối quan tâm đặc biệt đối với những người tội lỗi, nghèo khó, bệnh tật, những người sống bên lề của xã hội.  Chúa cũng ví mình như một Chủ Chiên đến để qui tụ đoàn chiên đã bị chia ly phân tán, và để đem lại sức sống và niềm hy vọng cho đoàn chiên: “Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào.”

Với hiện trạng của thế giới, Lời Chúa vẫn còn mang một ý nghĩa đặc biệt cho con người ngày nay.  Thật vậy, Chúa Giêsu, Chúa Chiên của chúng ta, đã đến để chúng ta được sống, nhưng không phải sống trong chán chường tẻ lạnh, một cuộc sống vô nghĩa.  Chúa đến là để chiên của Ngài được sống một cách dồi dào, nghĩa là một cuộc sống đầy yên vui, an bình, và yêu thương.  Đó là điều Chúa đã hứa ban cho mỗi người chúng ta, và Ngài đã và đang thực hiện lời hứa của Ngài nơi những con chiên đáp lại lời mời gọi của Ngài và vâng theo sự hướng dẫn của Ngài.

Với tình thương bao la của người, Chúa đã đến kêu gọi mỗi người chúng ta hãy tiến bước theo Ngài, hãy nhập đoàn chiên của Ngài.  Đây không phải là lời mời gọi một cách chung chung, nhưng là lời mời có tính cách cá nhân và trực tiếp.  Cũng như ngày xưa Chúa đã đến gặp Nicôđêmô, Giakêu, Matthêu, người đàn bà Samaritanô bên bờ giếng Giacob, và người bất toại bên bờ Bếtsaiđa, thì ngày nay Chúa cũng vẫn còn đến để phù trợ, chữa lành, gặp gỡ, hướng dẫn, và chỉ bảo chúng ta trong cuộc sống.  Ngài ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta để an ủi, nâng đỡ, giúp sức, và sự khôn ngoan, để chúng ta có đủ sức đối diện với mọi khó khăn trong cuộc đời.  Qua Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, Ngài bảo vệ và ban ơn giúp chúng ta thoát khỏi nanh vuốt của thần dữ, như những kẻ trộm, đang bày trò hãm hại chúng ta.  Và những khi chúng ta vấp ngã, qua Bí tích Xá giải, Ngài sẵn sàng ôm chúng ta vào lòng để tha thứ yêu thương, như người cha nhân lành đối xử với đức con phung phá.

Ước chi chúng ta hãy đáp lại lời mời của Ngài.  Hãy luôn nhận Ngài là Chúa Chiên của mình và luôn tin tưởng vào sự hướng dẫn phù trợ của Ngài.  Có Chúa ở cùng, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, tâm hồn chúng ta vẫn tìm được sự bình an.  Không phải là chúng ta sẽ hết phải đau khổ, nhưng vì chúng ta có Chúa là sức mạnh và là nguồn ủi an cho chúng ta, nên không gì lấy mất đi niềm hy vọng và sự bình an trong tâm hồn chúng ta được.  “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.  Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng tôi” (Tv 23).

 Lm Gioan Vũ Nghi

From: Langthangchieutim


 

Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa thế nào?- Cha Vương

Một ngày bình yên và ấm áp trong yêu thương nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 10/1/2025

GIÁO LÝ: Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa thế nào? Mọi người bình đẳng trước Thiên Chúa, vì mọi người đều do một Thiên Chúa tạo thành, mọi người là “hình ảnh Chúa”, có linh hồn, biết suy luận, có cùng một Đấng Cứu chuộc. (YouCat, số 330)

SUY NIỆM: Vì mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa, nên mỗi người xét như ngôi vị, đều hưởng một phẩm giá như nhau, và mỗi người phải được sử dụng những quyền lợi như nhau. Vì thế mọi hình thức kỳ thị trong xã hội, kỳ thị chủng tộc, giới tính, văn hóa hoặc tôn giáo đều là một bất công không chấp nhận được. (YouCat, số 330 t.t.)

❦  Con người không thể vừa thờ Chúa và đồng thời khinh dể người thân cận mình, cả hai cách không thể dung hòa được. (Mahatma Gandhi)

❦  Chúa nói: Ta muốn người này cần người kia, và mọi người là người thừa hành của Ta để phân phát các ơn, các quà tặng, chúng đã nhận được nơi Ta. (Thánh Catarina Siena)

LẮNG NGHE: Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. (1 Cr 12:13,27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trong trái tim Chúa tất cả mọi người đều có một chỗ nương tựa, xin giúp con biết đối xử tử tế với nhau để mọi người nhận biết rằng chúng con là một thân thể trong Đức Ki-tô.

THỰC HÀNH: Mọi người đều là “hình ảnh Chúa”, vậy hãy cố gắng không bình phẩm người khác, ngay cả khi họ sai, bởi vì điều này liên quan đến một vấn đề thể diện và sự tôn trọng.

From: Do Dzung

***************************

Yêu Thương Và Tha Thứ (Sáng tác: Mai Lợi ) – Diệu Hiền