Giọt nước mắt

Giọt nước mắt

– Tin nổi bật,

VRNs (15.03.2015) – Sài Gòn -Nước mắt là biểu hiện của nỗi buồn, hiếm khi là biểu hiện của niềm vui như cụ Nguyễn Công Trứ mô tả: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười” (thi phẩm Cây Thông).

Nước mắt nào cũng mặn, nhưng có nhiều loại nước mắt. Loại nước mắt bị người ta ghét nhất là “nước mắt cá sấu”. Loại nước mắt bị ghét nhất mà lại thường thấy nhiều nhất! Vậy người ta thích loại nước mắt nào? Chắc hẳn loại nước mắt người ta thích là “nước mắt thật lòng” – dù buồn lắm.

150314006

Trong nhạc phẩm “Giọt Nước Mắt Ngà”, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã mô tả: “Em đứng bên sông buồn, nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha. Trên hai đóa môi hồng, nụ cười đã đi xa, ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu…”. Ở đây là loại tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu cho các loại tình yêu khác. Nước mắt thật lòng luôn buồn, y như người ta vẫn nói: “Sự thật hay mất lòng”. “Giọt Nước Mắt Ngà” của ông Ngô Thụy Miên cũng buồn lắm, dù quý lắm, nhưng giọt nước mắt đó đã hướng thượng: “Anh đi về dấu giáo đường, cho cuộc tình bay cao, cho lòng mình xôn xao…”. Màu buồn mà vẫn đẹp, sắc tím mà vẫn lung linh.

Chúa Giêsu cũng đã từng khóc. Ngài xúc động tới ba lần trước cái chết của anh bạn Ladarô. Khi thấy cô Maria khóc và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến (Ga 11:33), đó là lần thứ nhất. Ngài khóc lần thứ hai khi đi đến mộ Ladarô (Ga 11:35). Người Do Thái thấy vậy liền nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!”. Khi nghe người ta đặt vấn đề rằng Ngài chữa khỏi chứng mù mà sao lại không thể làm cho Ladarô khỏi chết. Thế là Ngài lại thổn thức trong lòng (Ga 11:38), tức là Ngài khóc lần thứ ba.

Sinh ra ai cũng khóc. Khóc vì “tiên tri” rằng đời là bể khổ, hay là khóc cần thiết cho cuộc sống? Phần cứng được cài đặt sẵn trong máy vi tính là có dụng ý của nhà chế tạo. Nước mắt cũng vậy, chắc hẳn có dụng ý mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã xin Chúa cất khỏi chén đắng mà không được, rồi vẫn phải bị te tua tơi tả cho đến chết thê thảm. Và chính Chúa Giêsu cũng đã phải khóc nhiều lần, buồn não lòng, “buồn đến chết được” (Mt 26:38; Mc 14:34) kia mà!

Samuel Beckett (1906-1989, tiểu thuyết gia, kịch tác gia và thi sĩ Ai-len) có triết lý độc đáo lắm: “Nước mắt của thế gian này luôn bất biến. Nơi này có người bắt đầu khóc thì ở nơi nào đó có một người ngừng rơi lệ. Với tiếng cười cũng vậy”. Tính liên đới rất lạ!

Thật dễ để dùng vạt áo lau khô những giọt lệ, nhưng rất khó để có thể xóa sạch dấu vết nước mắt khỏi trái tim mình. Tuy nhiên, nước mắt lại chính là ngôn ngữ bí ẩn của trái tim, không thể diễn tả được. Vì thế, chúng ta phải cố gắng để có thể biết cách nhìn lại những giọt nước mắt để chúng ta có thể mỉm cười, nhưng đừng bao giờ nhìn lại những nụ cười vì chắc chắn chúng ta sẽ bật khóc.

Nước mắt tốt cho thị lực, và cũng có lợi cho tinh thần. Nước mắt có thể làm trôi đi nhiều thứ, kể cả tội lỗi. Chúng ta phải khóc nhiều vì tội nhiều, phải khóc cả đời, thế mà vẫn không sạch hết tội.

Kinh Thánh cho biết về mức tăng vọt về tội lỗi: “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế. Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ, vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa” (2 Sb 36:14-16). Được đằng chân, lân đằng đầu. Tội chồng lên tội theo cấp số cộng, rồi cấp số nhân. Con người quá đỗi lộng hành, thế mà Thiên Chúa vẫn im lặng, làm ngơ!

Kinh Thánh cho biết thêm: “Quân Can-đê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giêrusalem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý giá. Những ai còn sót lại không bị gươm đâm thì vua bắt đi đày ở Babylon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba Tư ngự trị. Thế là ứng nghiệm lời Đức Chúa phán, qua miệng ngôn sứ Giêrêmia rằng: cho đến khi đất được hưởng bù những năm sa-bát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn” (2 Sb 36:19-21). Lịch sử mãi mãi vẫn là lịch sử.

Đó là lịch sử đời thường, cũng như lịch sử ngày nay, mọi sự vẫn diễn biến, nhưng Thiên Chúa vẫn hiện hữu và luôn theo dõi từng động thái của con người. Quả thật, “Chúa có mặt trong lịch sử loài người, Chúa có mặt trong lịch sử đời tôi” (*). Một sự thật vừa mặc nhiên vừa minh nhiên. Bác học Albert Einstein (1879-1955, Đức quốc) đã xác định: “Mối liên kết giữa Thiên Chúa và con người chính là niềm tin. Và chính nhờ niềm tin mà tất cả vạn vật trong vũ trụ này đều có thể tồn tại và chuyển động”.

Cuộc sống có ba thời (thì) chính: Quá khứ, hiện tại, và tương lai. Mỗi người cũng có ba thời như vậy, nhưng mà quá khứ đã qua, tương lai chưa biết, nghĩa là chúng ta không thể “nắm giữ” quá khứ và tương lai, chúng ta chỉ còn hiện tại. Như vậy, chúng ta phải cố gắng sống thời hiện tại cho tốt để không phải khóc ngày mai, và hãy quên hôm qua đi, nó có là nụ cười hay nước mắt thì chúng ta cũng chẳng làm gì được nữa, nhưng chúng ta có thể “rút ra” được số vốn kinh nhiệm để sống cho hôm nay, và để hướng tới tương lai.

Kinh Thánh hướng về tương lai: “Năm thứ nhất thời vua Kyrô trị vì nước Ba Tư, để lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia được hoàn toàn ứng nghiệm, Đức Chúa tác động trên tâm trí Kyrô, vua Ba Tư. Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau: Kyrô, vua Ba Tư, phán thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giêrusalem tại Giuđa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ, ở với họ, và họ hãy tiến lên!” (2 Sb 36:22-23). Thiên Chúa cũng đang mong chờ chúng ta biến đổi, nhất là trong Mùa Chay Thánh này. Càng dứt khoát càng dễ biến đổi, càng mau biến đổi càng có lợi.

Trong thời gian lưu đày, tác giả Thánh Vịnh đã than thở: “Bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion; trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn. Bọn lính canh đòi ta hát xướng, lũ cướp này mời gượng vui lên: “Hát đi, hát thử đi xem Sion nhạc thánh điệu quen một bài!” (Tv 137:1-3). Đang khóc làm sao cười được, đang buồn làm sao vui nổi! Thế mà ngày nay người ta lại có dạng “khóc thuê”, cái gì cũng thuê, thậm chí người ta còn có dịch vụ “khấn thuê”, “dâng lễ vật thuê”,… Thần linh cũng đành “bó tay” thôi!

Tác giả Thánh Vịnh than thở: “Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người? Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi thì tay gảy đàn thành tê bại! Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm, nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giêrusalem làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn” (Tv 137:4-6). Khi buồn, người ta chán mọi sự, chẳng cần gì nữa, chỉ muốn khóc thôi. Nước mắt thường trào ra ngoài và chảy xuôi xuống theo gò má, nhưng cũng có loại nước mắt buồn không chảy ra ngoài mà chảy ngược vào trong. Nhìn họ rất tĩnh mà lòng họ rất động. Nỗi buồn quá dày, nỗi đau quá lớn, đến nỗi đã “cô đọng” thành sự tĩnh lặng, bất động!

Cuộc đời là chuỗi dài đau khổ, thấm đẫm nỗi buồn, ướt sũng nước mắt. Nếu không có niềm tin, người ta sẽ chết. Quả thật, đã có nhiều người tuyệt vọng trong đau khổ nên đã tự kết liễu đời mình – ở đây không đề cập những người gây tội ác rồi tìm đến cái chết để “chạy trốn”.

Vâng, rất đau khổ nhưng cũng rất hạnh phúc, vì chúng ta còn may mắn lắm. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2:4-6). Tất cả là hồng ân, chứ chúng ta có làm được gì, dù có kỳ diệu đến mức nào, cũng chỉ là con số không thật to mà thôi. Đừng bao giờ ảo tưởng về “cái tôi” tồi tệ của mình!

Thánh Phaolô giải thích tỉ mỉ và nhấn mạnh: “Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2:7-10). Mỗi người được Thiên Chúa đặt vào một vị trí nhất định nào đó để làm sáng danh Ngài, nhưng chúng ta thường đặt ra những cái “nếu” theo trí hiểu phàm nhân, thế nên chúng ta khen người này, chê người kia, không ưa người nọ,… Đừng áp đặt Thiên Chúa theo ý mình!

Ai cũng có nỗi khổ riêng, với loại nước mắt riêng. Nhưng đau khổ và nước mắt đều có giá trị. Kinh Thánh cho biết: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:14-15). Chúa Giêsu chịu đau khổ để diệt khổ, chịu chết để chiến thắng tử thần, đó là vì tội nhân chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:16-18).

Muốn hết khổ, chỉ có cách duy nhất là “đi xuyên qua đau khổ”; muốn nhẹ lòng, chỉ còn biết khóc. Chẳng ai thương mình hơn ta thương mình, có an ủi cũng chỉ cảm thông một phần nhỏ với ít nhiều “giả dối” mà thôi. Thật vậy, trên Đường Thập Giá, Chúa Giêsu đã nói với các phụ nữ ĐỪNG khóc thương Ngài, mà hãy khóc thương cho phận mình và con cháu (Lc 23:28).

Thánh sử Gioan cho biết: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3:19-21). Những lời này quá rõ ràng!

Để được Thiên Chúa xót thương, chúng ta phải chân thành ăn năn; việc ăn năn được thể hiện qua động thái KHÓC, khóc thật lòng. Chúng ta hãy cùng tác giả Thánh Vịnh thân thưa: “Lạy Chúa, xin nghe lời con nguyện cầu, tiếng con kêu cứu, xin Ngài lắng tai nghe. Con khóc lóc, xin đừng làm ngơ giả điếc, vì con là thân khách trọ nhà Ngài, phận lữ hành như hết thảy cha ông” (Tv 39:13). Biết khóc thì chúng ta chắc chắn được Thiên Chúa cứu độ. Chính Ngài sẽ cứu chúng ta thoát khỏi nỗi buồn bằng cách “lau sạch nước mắt” (Kh 7:17; Kh 21:4).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết thật lòng khóc cho tội mình, thương cho phận mình và yêu tha nhân, để nhờ đó mà chúng con được cứu độ. Vì Cuộc Khổ Nạn cùng Máu Thánh của Chúa Giêsu, vì Nước Mắt của Đức Mẹ, xin Chúa thương cứu các linh hồn, cứu thế giới và cứu chúng con, các tội nhân của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Chúa Có Mặt Trong Lịch Sử của cố NS Hùng Lân:

https://www.youtube.com/watch?v=VpUzr0Tli78

Đời tôi và bao nổi trôi,

“Đời tôi và bao nổi trôi”,

vùi trong thời gian dần khuất nơi chân trời
Bạn ơi, buồn vui sầu bi,

tìm đến, rồi có những lần ướt mi”.

(Paul Anka: Comme d’habitudes – Lời Việt: Nam Lộc: Giòng đời)

(Thư Do thái 13: 1-3)

Trần Ngọc Mười Hai

Ngay câu đầu bài hát nổi tiếng trích-dẫn ở đây, bạn và tôi, ta đều thấy chữ “tôi” với “cuộc đời”, và “bao nổi trôi”, cũng rất trội.

Quả là như thế. Nói đến chữ “tôi” -tôi đây là bần đạo chứ không phải là “bạn đạo” hạy “bạn đọc”- đang ngồi đọc giòng chữ khá mờ nhoè này, thì: quả thật là như thế. Như thế, tức: như thể ca-từ ở đây do nghệ sĩ Nam Lộc viết lời Việt và hát tiếp:

“Rồi bao hàng quán chói trang ở trên thế gian.

Tôi cũng từng bước qua biết bao.

Và có biết bao đời tôi đã bước qua.

Giờ đây nhìn tháng ngày qua.

Đời lững lỡ trôi đôi lúc tôi sai lầm cho dù tôi chỉ mong.

Được mang niềm vui đến với cùng thế nhân”.

(Nam Lộc – bđd)

“Mang niềm vui đến với thế nhân”, là quyết-tâm và quyết-định của bạn và mọi người, chứ không chỉ mình tôi như truyện kể nhẹ ở bên dưới:

“Một bữa tối tại vận động trường Los Angeles nưóc Mỹ, một diễn giả nồi tiếng – ông John Keller, được mời thuyết-trình trước khoảng 100.000 người. Đang diễn-thuyết  bỗng ông dừng lại và dõng dạc nói:

-Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả mọi đèn trong sân vận động này.
Đèn vụt tắt. Cả sân vận động chìm sâu trong bóng tối âm u. Ông John Keller nói tiếp:

-Bây giờ tôi sẽ thắp lên một que diêm, ai nhìn thấy ánh sáng từ của que diêm đang cháy thì hô to “đã thấy!”.

Một que diêm loé lên, cả vận-động-trường vang dậy tiếng “Đã thấy!”.

Khi đèn được thắp sáng trở lại, ông John Keller giải thích:

–Ánh sáng của hành động nhân ái dù nhỏ như que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy.

Một lần nữa, tất cả các đèn trong sân vận động lại tắt ngúm Một giọng nói vang lên:
–Tất cả những người ở đây có ai mang theo diêm/quẹt, xin hãy thắp sáng lên! Bỗng chốc cả vận-động-trường rực sáng ánh diêm quẹt.

Ông John Keller kết-luận:

– Tất cả chúng ta cùng hợp lực nhau lại, có thể chiến thắng được bóng tối, chiến tranh, khủng bố, sự ác và hận thù bằng những đóm nhỏ của tình thương, sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta. Hoà bình không là môi trường sống vắng thiếu chiến tranh. Hòa bình không là cuộc sống không tiếng súng. Vì trong giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người lại giết hại nhau mà không cần súng đạn. Đôi khi con người làm khổ nhau, áp bức, bóc lột nhau mà không cần gây chiến.

Cách tốt nhất để xây dựng hòa bình là tăng thật nhiều hành động yêu thương và lòng hảo tâm với  người đồng loại. Hành động yêu thương xuất  từ lòng nhân hậu sẽ như ánh sáng nhỏ của que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng thắp lên ánh sáng nhỏ, thì  hành động yêu thương có đủ sức mạnh để xua tan bóng tối của đau khổ và sự ác. (Tâm Hoa sưu tầm)

Về cuộc sống của tôi và mọi người cũng như của bạn, dù là bạn đạo hay bạn đọc đang theo dõi câu chuyện này, lại cũng có một truyện kể khác do bạn bè chuyền trên mạng, theo dạng thơ-văn nhắc nhiều đến chữ “tôi” bằng tiếng Anh và được người kể phiên-dịch như sau:

“Boil your ego

Evaporate your worries

Dilute your sorrows

Filter your mistake and,

Get taste of happiness”.

“Nấu sôi cái tôi.

Bốc hơi điều lo lắng.

Pha loãng những muộn phiền.

Thanh lọc những lỗi lầm.

Và…

“Nếm hương vị hạnh phúc.”

“Cuối giờ Pháp thoại, vị Giáo thọ tặng chúng tôi bài thơ trên. Một bài thơ tiếng Anh chẳng biết tác giả là ai được dịch ra tiếng Việt như thế. Với tôi, bài thơ hay quá, nó gợi cho tôi nhiều suy nghĩ rất thú vị. Trong cuộc sống, lúc nào ta cũng bị bản ngã trói chặt. Bản ngã có mặt sai sót trong tất cả mọi việc, chen vào mọi ngóc ngách trong quan hệ giữa ta và người. Bản ngã rất tích cực hành động. Tính tích-cực nầy nhấn chìm ta trong bể khổ mà chỉ có ta mới tự chèo-chống để vượt thoát, lướt trên sóng khổ chứ không ai giúp ta hiệu quả hơn bằng nỗ lực của chính ta.

Thật vậy, trong bất cứ tình huống nào cũng thế, cái “tôi” đã xuất hiện theo liền bên, mọi việc mang nhiều hình thể khác nhau để rồi có đúng/sai, hay/dở, khen/chê và cả ngàn thứ “dây mơ rễ má” quấn quít theo sau. Cái “tôi” thật khủng khiếp!…

Cái “tôi” chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ bao la. Một hạt bụi bé nhỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thịt, nên hãy để nó rong chơi cùng thứ khác trong không khí, thì mọi sự cũng sẽ khác. Nhưng con người chúng ta lại không để nó như thế. Ta thích thổi phồng cái “tôi” và tự làm khổ mình, khổ người do những nghĩ suy, tính toán, so đo, phân biệt, và do những giận/hờn, yêu/ghét nữa.

Bỗng một hôm, ta nhận ra được vấn đề, bèn “buông xả” dần những vướng mắc, Ta thấy mình chẳng là gì cả, ta là hạt bụi nhỏ đang bay tỏa trong không khí như các hạt bụi khác, cùng lơ lửng trong không gian, chẳng bám vào đâu cả, rất nhẹ nhàng, tự tại. Tất cả mọi toan-tính, so đo, hơn thiệt, phải/quấy, ăn thua, giành giật để có vẫn làm ta nặng nề, nghẹt thở, đã lặn mất. Ta nhìn tất cả bằng con mắt tỉnh giấc. Ta thấy chúng chẳng là gì cả, chúng không “tồn tại”, nhưng có mặt vì ta thấy chúng “có”. Ta chấp nhặt, đặt tên và khai sinh ra chúng. Giờ, thì ta buông xả và khai-tử chúng. Chung quanh ta lại cứ thênh thang. Ta nhẹ nhàng bay lượn trong cõi không rộng mở, thật bao la hạnh phúc, tự do, an ổn Ta nâng chén trà lên uống. Ngụm trà thơm, như thể đang nếm hương vị của hạnh phúc”! (trích điện-thư ê hề trên mạng)

Nói về cái “tôi”, thì nói đến bao giờ cho hết. Nói về cái “tôi” hôm nay, là nói về nhiều thứ khác, cũng tốt cũng đẹp chứ không chỉ là “cái tôi đáng ghét” như ai đó vẫn “gào thét” với nhận-định.

Nói về cái “tôi” có nhiều điều tốt như giòng nhạc được nghệ-sĩ Nam Lộc diễn-tả ở bên dưới:

Bạn ơi thời gian vút qua nếu có lầm lỗi.

Chỉ xin mong được thứ tha biết bao.
Và có biết bao điều xin hãy thứ tha.
Nhìn lại thời gian bước chân dọc ngang cuộc đời

cho tôi đắng cay lầm than.
Nhiều khi tôi nói nhiều lúc lặng im.
Để nghe tiếng nói đến từ trái tim.
Dù bao thay đổi vẫn đứng hiên ngang

đường tôi vẫn bước đi.
Tình yêu niềm vui sầu rơi.
Tràn dâng ngày mới khi thắng khi thua người.
Và khi lệ không còn rơi đời như cuộc chơi

cứ ngỡ đùa rỡn thôi.
Giờ đây dù ai có khen có trách gì nữa đi.
Cũng xin được khắc ghi với tôi chẳng hối tiếc chi

đường tôi vẫn cứ đi.
Dòng đời trôi qua biết bao đổi thay,

nhưng tôi vẫn mãi vẫn luôn là tôi.
Vì tôi đã sống với chính con tim.
Dù cho phút cuối có đến với tôi thì xin
Theo áng mây trôi đời như chiếc lá rơi.

(Paul Anka: Comme d’habitudesbđd)

“Và có biết bao điều xin được thứ tha”, quả thật thấm thía. Thấm thía, đến tận xương tủy hơn cả bài giảng. Lời lẽ thấm thía của bài hát, còn được ca sĩ Paul Anka kể về lai-lịch của nó.

Tâm sự Paul Anka cho biết: ông không là tác giả. Ông chỉ tình cờ đi trên đường phố ở Paris, bất chợt thấy “tay hát dạo” người Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng hát để xin tiền. Ông dừng lại nghe thấy hay quá bèn suy-nghĩ: bài này mà được chỉnh-sửa, thì chắc sẽ hay lắm, và nhiều người sẽ biết nó mà cảm-kích.

Nên, Paul Anka  bàn với anh ta mua đứt bản quyền. Paul Anka đã nhiều lần hát bài này bằng lời tiếng Pháp lấy tên là: “Comme d’habitudes”. Nhưng bài này trở-thành nổi tiếng, kể từ khi ca sĩ Frank Sinatra hát phiên-bản tiếng Anh “My Way”, lời nhạc lại hay hơn.” (trích dẫn-nhập của Anthony Trần trong đêm “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney, vào tháng 11/2014)

Dòng đời trôi qua, biết bao đổi thay” cách nào đó, có phải để nói đến những đổi thay khá mạnh bạo mà Đức Phanxicô từng nói với chúng-dân ở Manila hôm 18/1/2015 bằng những câu:

“Hôm nay, nam-giới cũng nên lắng nghe ý-kiến của phụ-nữ, chứ đừng trở-thành người chỉ biết mỗi lập-trường đơn độc, toàn trị từ phái-tính mình. Đức Phanxicô đã có nhận-xét như thế trong lần gặp giới trẻ Đại học ở thủ-đô Manila, nước Phillíppines khi ngài thấy 4 trong số 5 chức-sắc nước này đạo đạt ý-kiến lên ngài, là nam-giới.

Hôm nay đây, tôi thấy sao hầu hết các vị lên đây phát biểu, đều là nam-giới hết. Nhìn kỹ, tôi thấy chỉ một số rất nhỏ đại-diện cho nữ-giới ở đây thôi. Thật quá ít. Nữ-giới cũng có nhiều điều để nói cho ta biết trong xã-hội hiện thời. Nhiều lúc, tôi thấy đàn ông chúng ta rất ư là “độc đoán”, tức: chủ-thuyết chỉ đặt ưu-việt chọn nam-giới mà thôi.

Trên thực-tế, ta không dành nhiều chỗ cho phụ-nữ, thế nhưng nữ-giới vẫn có khả-năng nhìn sự việc dưới góc cạnh khác ta, bằng cặp mắt cũng rất khác. Phụ-nữ cũng có khả-năng đề ra câu hỏi mà nam-giới chúng ta không hiểu nổi.

Đức Phanxicô chờ cho tiếng vỗ tay chấm dứt, rồi nói tiếp: “Tôi nhận xét chính cô bé 12 tuổi đây, chứ không phải 4 vị đại-biểu nam-giới này, là người đưa ra câu hỏi gay-go nhất, hỏi rằng: tại sao Thiên-Chúa không cho phép mọi người bỏ rơi trẻ nhỏ, không ai chăm sóc vậy? Thế nên, tôi đề-nghị điều này: lần tới, nếu có vị giáo-hoàng nào tới Manila, thì cũng mong sẽ được thấy nhiều phụ-nữ hiện diện trong các buổi tiếp-tân như thế này.

Đức Giáo Hoàng còn nói: Trong khi Hội thánh ngăn không cho phụ-nữ làm linh-mục, đó là chuyện dứt-khoát rồi, nhưng Hội-thánh muốn bổ-nhiệm nhiều nữ-tu và phụ-nữ khác vào các chức vụ thâm-niên, kỳ-cựu ở toà thánh La Mã, hơn!” (trích thông tấn xã Reuters đăng trên tờ The Himalayan Times, ngày 19/01/2015 ở Lhasa thủ đô của Tibet, tr. 7)

Đó chỉ là nhận xét rất thông thoáng và phút chốc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà thôi. Nhưng trên thực-tế, hẳn cũng có những sự-kiện và sự việc mang tính khác-biệt rất dễ gây tranh cãi về vai-trò của nam/nữ, hoặc nữ/nam trong một xã hội tưởng-chừng-như-vẫn-chủ-trương “Duy nam-giới” được giữ từ ngàn xưa.

Là nam hay nữ, tất cả đều có thể thực-hiện điều Đức Giêsu răn dạy, trước khi Ngài về với Cha. Là nam hay nữ, đều có chỗ đứng quan-trọng và thiết-yếu trong các vai-trò và chức-vụ thánh-thiêng ở giáo-triều La Mã hay phụng vụ. Đó là điều không thể chối cãi được. Nhưng, có một chuyện đang thành vấn-đề đối với giáo-triều, là: sự khác biệt giữa linh-mục và giáo dân, như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề-cập một lần nữa, như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng chào đón Hội-đồng Giáo-Hoàng về Giáo-Dân họp tại Hội Nghị Thường Kỳ.  Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Chủ Tịch vì những lời ngài nói với tôi.

Thời gian qua, kể từ Đại Hội lần trước của anh chị em cho đến nay, là thời gian hoạt động và thực-hiện các sáng-kiến tông-đồ đối với anh chị em.  Trong đó anh chị em dùng Tông Huấn Evangelii Gaudium như văn-bản nền-tảng cho chương-trình hoạt-động và như la-bàn hướng-dẫn suy tư và hành động của anh chị em.

Năm mới vừa bắt đầu, đánh dấu một kỷ-niệm quan-trọng: kỷ niệm 50 năm ngày bế-mạc Công Đồng Vaticăng II. Về vấn đề này, tôi biết anh chị em đang chuẩn bị cách thích đáng một buổi kỷ-niệm ngày ban-hành Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân (Laici Apostolicam Actuositatem).

Tôi khuyến-khích sáng-kiến này, một sáng-kiến không chỉ nhìn vào quá-khứ, mà còn vào hiện-tại và tương-lai của Hội Thánh.” (x. diễn văn Đức Giáo Hoàng dành cho tham-dự-viên Hội-nghị Thường kỳ về Giáo-dân, tại sảnh đường Clementê hôm 7/2/15 Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ)

Thế thì, không cần biết em là ai, con trai hay con gái; mà chỉ cần hỏi: em có thể chứng-thực mình là giáo-dân hay không để được “Đức Thánh–là-Cha” đề-cao bằng “sắc lệnh” rất “Tông-đồ” rồi trao cho em nhiều sự-vụ-lệnh, hầu giải quyết.

Không cần biết em có là con gái hay không; và có đòi làm linh-mục không, để tôi đây lại sẽ đề-cao em, như ai đó từng đề-cao vị anh-hùng của Úc hồi nào, như bức thư đây diễn-tả:

“Harold ‘Pompey’ Elliott thân mến,

Có một thời, tên anh được mọi người biết như bậc anh-hùng hảo-hán, rất hiếm có. Trên thực-tế, dường như tất cả học-sinh ở Úc sống hồi thập-niên 1920’ đều đã từng viết luận-văn về anh. Nay, tôi tự hỏi: không biết được bao nhiêu vị nay còn nhớ đến tên anh nữa đây? Tôi thiết nghĩ, ta cũng nên học nhiều điều từ các truyện kể về anh hơn là: chỉ loanh quanh nói về tài lãnh-đạo của ai đó.

Anh là nhân-vật lịch-sử khá may mắn ở Úc. Nếu tôi được phép dùng từ-vựng mạnh-bạo và can-đảm, tôi sẽ còn nói nhiều hơn thế. Bởi, anh chính là người anh-hùng dám đáp xuống bãi đáp toàn đất bụi ở Gallipôli, chỉ 24 tiếng sau ngày 25 tháng Tư năm 1915. Anh là người vẫn còn hoạt-động cả sau khi hưu-chiến đi vào hiệu-lực, từ 11 tháng 11 năm 1918. Anh bị thương ngay từ ngày đầu tại chiến-trường Gallipôli Thổ Nhĩ Kỳ, nên tôi có thể coi đây như phép lạ nhãn-tiền, từng xảy đến với anh.

Khi anh sống sót trở-thành “anh-hùng” của Thế-Chiến Thứ Nhất, đồng thời là nhà lãnh-đạo thực-thụ của nước này, trong khi chân anh vẫn còn dính bùn đen nơi gót giày.

Là luật-sư hành nghề, anh lại trở nên lão-luyện hơn, không ngại tỏ ra cứng-cỏi với mọi người, đặc-biệt là cấp trên. Mặt khác, có lần anh doạ bắn bỏ người lính ở cấp dưới dám cả gan bật quẹt hút thuốc vào thời-điểm đầy hiểm-nguy. Nhưng ngay lúc đó, người anh/em của người này ở gần bên, cũng doạ bắn trả đũa nếu anh làm thế. Thế mà, anh vẫn không ngại thực-hiện lệnh-truyền. Anh từng khâm-phục thuộc cấp dám lên tiếng chống lại lối sống bê-tha, sa đà của tướng lãnh chỉ huy, thiếu cương-nghị. Anh lại còn dám thăng-chức cho cấp dưới nào hiên-ngang chống lệnh-truyền ban ra theo kiểu ngoại-giao, hoà hoãn.

Anh đã bị bắt-giữ khi nghỉ phép ở Luân Đôn vì dám có thái-độ coi thường vị sĩ quan kia công-khai sống bê bối, dù ông ta là sĩ-quan cao cấp. Tướng-lãnh trong quân-đội là những vị không thể ăn mặc xuề-xoà, giản-dị nhưng anh lại dám sống như thế. Và khi đọc thư anh viết về cho hai người con nhỏ ở nhà mới thấy cuộc sống của thật tuyệt-vời, giản-dị…

‘Pompey’ Elliott hỡi,

Anh từng là lãnh-đạo của nhiều người và nhiều sĩ-quan cấp dưới, nhưng không phải là lãnh-đạo của các con số, dù số ấy đếm thấy nhiều ở đây đó. Là lãnh-đạo, nhưng anh không sợ bày-tỏ sự đau buồn, nuối tiếc khi các sĩ-quan hoặc binh lính cấp dưới từng ngã gục. Và có lần, vị sĩ-quan ở Fromelle đã mô-tả con người anh bằng những giòng chữ, như: Ông ấy từng nói lên, dù chỉ một lời uỷ-lạo đơn-thuần với thương-binh ở nơi này và khen ngợi đôi mắt mờ-nhoè của vị sĩ-quan nào đó, ở nơi khác. Ông chẳng quên sót một ai, dù trên dưới. Ông không nói đến một lời, trên đường trở về tổng-tư-lệnh. Nhưng khi về đến nơi, ông lại đi thẳng một mạch vào bên trong, vùi đầu vào bàn tay, khóc nức nở trước cái chết của đồng đội…”

‘Pompey’ Elliott hỡi,

Anh đau buồn biết khi binh đội của anh trở về sau chiến tranh lại đã đau-khổ nhiều vì các khó khăn trong thời kinh-tế suy-thoái. Ngay chính anh, cũng còn không lấy lại được quân-bình sau chiến tranh nữa. Anh bước chân vào Thượng-viện trong vinh-quang, nhưng nỗi đau-buồn của tâm thân vẫn còn đó xâu xé anh mãi, cho đến ngày buồn vào tháng 3 năm 1931, anh đã tự kết liễu cuộc đời mình, trong đau buồn, tại Malvern rất gần với quê nhà của riêng tôi. Khi tôi kể cho nhiều người biết: nỗi thương-đau tệ-hại nhất của nước Úc là sự mất mát thương vong sau cuộc chiến lại đã diễn ra trong sự lặng-thinh, tĩnh mịch của quận lỵ nhỏ. Và họ đều hiểu những gì tôi muốn nói. Quả là, chiến-tranh vẫn quay trở về với quê nhà, dù các chiến sĩ của ta lại không thế.

Nay trân trọng,

Michael McGirr

(x. Michael McGirr, A letter to Pompey Elliott, Australian Catholics, số Múa Hè 2015 tr. 8)

Thế mới biết, ở thời này, con người thật dễ quên, dù người anh-hùng cái-thế của cả nước như “Pompey” Elliott. Quên sót, cả những chuyện tưởng chừng như không thể như thế.

Thế mới rõ, con người muôn thuở vẫn cứ nhớ những chuyện không nên nhớ.

Thế mới hiểu, tính-khí con người hôm nay, lệ-thuộc vào nhiều thứ, chứ không chỉ mỗi thứ văn-hoá rất không hay sau hơn 4 ngàn năm văn-hiến với văn-minh.

Và, như thế bạn và tôi lại đã nhận ra rằng: người con của đất trời cùng tận ở phía Nam hôm nay, sẽ còn ưu-tư nhiều về những chuyện mà khi xưa ít ai lo lắng, đến như thế. Và như thế, ta mới cảm-thông khi thấy mọi người đều thế cả vào thời hôm nay, rất thực-tế.

Thế mới là chuyện thực-tế, khi bạn và tôi, ta mon men đi vào vườn hoa truyện kể cũng khá nhẹ, để minh-hoạ cho điều mình ưu-tư/lo-lắng rất như trên. Thế mới thấy, rằng: có những truyện kể làm người đọc thấy vui, cứ ngồi cười một mình, như câu truyện do người Pháp nọ kể bằng mẩu đối thoại vụn vặt giữa thày-trò như sau:

“Thày: các trò nghĩ phải làm sao chia đều 11 củ khoai cho 7 bạn, thế?

Trò: Thày cứ luộc rồi xay nhuyễn và chia đều bằng muỗng cho mọi bé, là xong ngay!

Thày: Này em, chia thế rồi, mọi người sẽ bảo tim ta lớn cỡ nào thế?

Trò: Lớn nhỏ vẫn chỉ hai thôi thày ơi.

Thày: Sao chỉ có hai thôi?

Đáp: Bởi, một là của thày và trái kia là của em thôi mà.

Thày: hai bạn đến trường trễ, em thử nghĩ xem mỗi trò nói với thày lý-do nào khiến như thế.

Trò thứ nhất nói: Em đến trường trễ là vì đêm qua nằm mơ thấy mình đi rất xa, về không kịp!

Trò thứ hai bảo: Còn em đến trễ là vì em phải ra phi-trường đón bạn em từ xa về…

Thày: Em kể cho thày biết tên của 5 vật có chứa đựng sữa trong đó.

Trò: Thưa thày cũng dễ thôi. Đó là: một hộp phó-mát và 4 con bò.

Thày: các em nói cho thày biết trước khi ăn các em có làm dấu thánh giá và đọc kinh không?

Trò: Thưa thày không, em thấy không cần làm thế vì mẹ em là đầu bếp thuộc loại giỏi…”

Thày: Năm, nói cho thày biết tên một người cứ nói mãi, dù người khác không muốn nghe, đi.

Trò: Dạ, người đó tên là thày giáo hoặc cô giáo…”

Thế mới biết, con nít còn nhỏ tuổi ngày nay khác với lũ trẻ cùng thời với bạn và tôi cũng rất nhiều. Thế mới hay, ngày nay có viết chuyện phiếm lan man/tản mạn về nhiều chuyện, cũng thấy khó. Khó, là vì nó có thể giống câu trả lời của các trẻ bé nói ở trên.

Thế mới phiền, về đủ mọi chuyện, thì: bạn và tôi, ta cứ hăng say hát tiếp lời ca ở trên, dù sự thể sẽ ra sao đi nữa, vẫn hát rằng:

Và có biết bao điều xin hãy thứ tha.
Nhìn lại thời gian bước chân dọc ngang cuộc đời cho tôi đắng cay lầm than.
Nhiều khi tôi nói nhiều lúc lặng im.
Để nghe tiếng nói đến từ trái tim.
Dù bao thay đổi vẫn đứng hiên ngang đường tôi vẫn bước đi.
Tình yêu niềm vui sầu rơi.
Tràn dâng ngày mới khi thắng khi thua người
Và khi lệ không còn rơi đời như cuộc chơi cứ ngỡ đùa rỡn thôi.
Giờ đây dù ai có khen có trách gì nữa đi
Cũng xin được khắc ghi với tôi chẳng hối tiếc chi đường tôi vẫn cứ đi
Dòng đời trôi qua biết bao đổi thay nhưng tôi vẫn mãi vẫn luôn là tôi
Vì tôi đã sống với chính con tim.
Dù cho phút cuối có đến với tôi thì xin
Theo áng mây trôi đời như chiếc lá rơi.

(Nam Lộc – bđd)

“Tôi vẫn mãi vẫn luôn là tôi, vì tôi đã sống với chính con tim”. Vâng. Lúc nào cũng thế. Bạn và tôi, ta vẫn luôn là bạn và là “tôi”, nếu ta cứ sống với chính con tim của mình. Vẫn cứ quyết-định sống theo lời khuyên-nhủ của bậc thánh-hiền khi xưa vẫn dạy rằng:

Anh em hãy giữ mãi tình huynh đệ.

đừng quên tỏ lòng hiếu khách,

vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón

các thiên thần mà không biết.

Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích,

chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ;

anh em hãy nhớ đến những người bị hành hạ,

chẳng khác gì mình với họ chỉ là một thân thể.”

(Thư Do thái 13: 1-3)

Tắt một lời, sống trong “giòng đời có nổi trôi”, là sống với mọi người, rất yêu thương. Sống hiếu khách như chính mình cũng đang ở vào hoàn cảnh như thế. Và, sẽ sống mãi với mọi người như “giòng đời”, dù chỉ là người biên-soạn hoặc viết lên lời ca của người-hát-rong-để-kiếm-sống, cũng tầm-thường như mọi người bình-thường trong đời hát dạo.

Hoặc, chỉ như giới-nữ mọn hèn vẫn cứ sống trong nhà Đạo gồm toàn những vị hoặc “đấng bậc” cầm quyền, ở trên cao.

Tóm lại, dù bạn và tôi, ta có quyết-tâm sống sao đi nữa, thì cũng xin cứ đầu-cao-mắt-sáng nhấc lên mà hát như nghệ-sĩ trẻ, những câu như:

Và có biết bao điều xin hãy thứ tha.

Nhìn lại thời gian bước chân dọc ngang cuộc đời.

cho tôi đắng cay lầm than.

Nhiều khi tôi nói nhiều lúc lặng im.

Để nghe tiếng nói đến từ trái tim.

Dù bao thay đổi vẫn đứng hiên ngang.

đường tôi vẫn bước đi.”

(Paul Anka và Nam Lộc – bđd)

Trần Ngọc Mười Hai

Cũng đã tâm niệm

những điều như thế mãi

trong đời mình.

Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt

“Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt”

Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư
Tay quờ quạng, cầm tay vài tiếng hát
Lúc xòa ra chẳng có một âm thừa”.

(Dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Lm Frank Doyle sj

Mai Tá lược dịch

Ưu tư – chót buồn trong mắt, không chỉ là nỗi buồn của thế kỷ. Tay cầm – quờ quạng, có thể là tâm trạng của nhà Đạo, vào mùa chay. Mùa chay hôm nay, có ưu tư thoáng buồn, như tâm trạng của Đức Chúa, nơi trình thuật.

Trình thuật thánh Gio-an hôm nay, ghi lại tình tự Chúa tỏ bày cho dân con của Ngài, để “tôn vinh Cha”. Điều mà Chúa trả lời cho người đến tìm Ngài, là: tìm Ngài, không có nghĩa chỉ nên tìm ảnh-hình bên ngoài, để nhớ vóc dáng. Như ông Zakêu, lúc đầu làm. Nhưng, “tìm gặp” Ngài, là dấn bước trọn vẹn vào với suy tư. Vào, để hiểu rõ tại sao Ngài chấp nhận khổ đau. Và, chết đi. Rồi, sống lại.

Tựa hạt lúa miến, Chúa phải ngang qua tất cả mọi sự. Qua cuộc đời, ngõ hầu đem sự sống đến với Ngài. Với mọi người. Đây là tiến trình “tự bóc trần”, mà người Hy Lạp gọi đó là kenosis, tức: biến đổi. Biến và đổi, như hạt lúa miến. Nhìn bề ngoài, nó như bị hủy hoại. Nhưng nhờ bị huỷ, nó mới to lớn. Để rồi, sẽ làm giàu cho người khác. Nếu ta không coi và cứ chấp nhận điều đó, như cốt lõi của cuộc đời Đức Chúa, thì rõ ràng là ta chẳng thể tìm gặp và thấy được Ngài, cho đúng nghĩa.

Và, Chúa còn đi xa hơn, khi Ngài nói: chúng ta phải suy tư về mình, như: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn, ai coi thường mạng sống mình ở đời này, sẽ giữ được sự sống, chốn miên trường.” (Ga 12: 25). Lời như thế, phần đông chúng ta thấy khó mà chấp nhận. Khó là bởi, ai cũng muốn chiếm hữu nhiều tiền, nhiều của. Muốn an toàn, yên ổn. Muốn bao đảm có được tương lai ngời sáng. Trong khi đó, Chúa lại bảo: chỉ khi nào chấp nhận bỏ hết mọi sự, và giữ mỗi tình yêu thương phục vụ người khác, thì khi đó, ta mới hoàn thành phần sâu thẳm, của chính ta.

Phục vụ người khác, là đến với Chúa. Đến, để ra đi theo cung cách Ngài dạy:“Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy. Và, Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó.” (Ga 12: 26) Dấn bước theo cung cách Chúa hành xử, là đi với Chúa. Và, có Mẹ cùng đi . Mẹ và ta, cùng tiến bước lên đồi ngọn Calvariô. Tiến và bước, đến bất cứ nơi đâu. Đi bất cứ chỗ nào. Đi và đến, chấp nhận mọi điều/mọi thứ xảy ra, với ta.

Vấn đề thêm nữa, là: ta đã sẵn sàng ở vào tình huống “đi và đến” ấy chưa? Hay vẫn cứ lo sợ mọi sự xấu/ác thần, xảy đến với ta? Đi và đến, có là đòi hỏi lớn, từ Đức Chúa? Với Chúa, chuyện này cũng dễ thôi. Nhưng, với ta? Dù sao, cũng nên nhớ đến thư thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Do Thái, có nói rõ: “Đức Giêsu giống hệt như ta trong mọi sự, trừ tội lỗi.”

Vậy nên, đừng nghi hoặc. Bởi, vào khi Chúa khuyên nhủ ta làm điều gì, vì Chúa cũng mang tính người như ta, nên Ngài cũng sầu buồn, lo ngại. Vì lo, mới thốt thành lời: “Giờ đây, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này?” (Ga 12: 27) Nhưng, điều Chúa muốn bày tỏ là lời cầu Ngài đã thực hiện sau Tiệc Giã Từ: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho đi chén này qua khỏi Con!” (Mt 26: 39)

Bài đọc 2, ta thấy thánh Phaolô dùng lời lẽ rất xúc động, khi thánh nhân có thư cho giáo đoàn Do Thái: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức giêsu đã lớn tiếng kêu van cùng nước mắt mà dâng lên lời nguyện cầu nài xin Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết.” (Dt 5: 7)

Mọi sự xảy đến, đều dễ xảy ra với Chúa hơn với ta. Với Chúa, chuyện chỉ xảy đến sau chuỗi ngày dài nguyện cầu, ở Vườn Dầu. Xảy vào lúc, Ngài sầu buồn đổ mồ hôi, cùng rướm máu. Hãi hùng. Hãi đến độ Ngài đã lên tiếng: “Song, không phải như ý Con, mà như ý Cha.” (Mt 26: 39) Và, thánh Phaolô, còn nói rõ hơn: “Dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Và từ đó, “Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ cho những ai tùng phục Ngài.” (Dt 5: 9)

Chính vào lúc Chúa hoàn toàn tuân phục Cha, thì vinh quang của Cha đã khởi sắc, ngang qua Ngài. Rất chói lọi. Và, Ngài kêu lên: “Đã hoàn tất.” Với thánh Gio-an, câu này có nghĩa: khoảnh khắc có sự chết là khoảnh khắc vinh quang, về với Cha. Hạt giống có chết, mới đâm hoa. Kết trái. Đậu quả.

“Phần Tôi, khi được giương cao khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.” (Ga 12: 32) , giương cao ở đây, ý nói: việc Đức Chúa được đưa lên cao, trên khổ giá. Đồng thời, cũng có nghĩa: Ngài được nâng nhấc về với vinh quang của Cha. Bởi thế nên, nếu ta trọn vẹn dâng cao mình cho Đức Chúa theo cung cách tương tự, thì vinh quang Chúa cũng sẽ chờ đợi, đến với ta.

Và như thế, hôm nay ta có muốn tìm gặp Chúa, cũng không nên theo cung cách hời hợt bề ngoài. Nhưng, hãy học đòi tìm cách thức tư riêng mà nguyện cầu. Cầu, cho ân sủng Người được thấm nhập tận phần sâu thẳm, ở trong ta. Cầu và mong, những gì ta gặp thấy, sẽ trở nên thị kiến cuộc đời. Thị kiến giúp ta sống. Nhờ Chúa nâng cao, để mọi sự trôi qua đi, là vì tình thương yêu Ngài dành hết cho mọi người. Để, gọi mời ta cùng với Ngài đi chung một lối. Đi cùng mọi người.

Ta cũng hãy nguyện cầu, để có được lòng quả cảm và tín thác. Tín thác như Ngài đối xử với Cha. Tức, cần khám phá ra nhiều thứ. Khám phá, để rồi cuộc sống, niềm hạnh phúc và sự tuân phục giúp ta đi vào hành trình. Ở nơi đó, ta sẽ gặp thấy qui cách khiến mọi việc trôi chảy. Để Chúa hoạt động, nơi ta. Và cho ta.

Lm Frank Doyle sj

Mai Tá lược dịch

Ðức Giáo Hoàng Francis muốn tại vị chỉ một thời gian ngắn

Ðức Giáo Hoàng Francis muốn tại vị chỉ một thời gian ngắn

Nguoi-viet.com

VATICAN CITY (NV)Ðức Giáo Hoàng Francis hôm Thứ Sáu nói rằng ngài tin là ngôi vị giáo hoàng của ngài sẽ ngắn ngủi và rằng ngài cũng sẽ sẵn sàng từ nhiệm như vị tiền nhiệm, thay vì ngồi trị vì cho đến hết đời, theo tin của Reuters.


Ðức Giáo Hoàng Francis suy niệm trong một Thánh lễ. (Hình minh họa: Alberto Pizzoli/AFP/Getty Images)

Trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Mexico, Televisa, nhân đánh dấu năm thứ hai ngày được chọn làm chủ chăn Giáo Hội Công Giáo thật bất ngờ, vị giáo hoàng người Argentina nói ngài cũng “không thiết làm giáo hoàng,” mà muốn được đi ra Rome kiếm pizza ăn và không bị ai để ý.

Ngài nói: “Tôi có cảm tưởng thời gian làm giáo hoàng của tôi sẽ ngắn ngủi, bốn hoặc năm năm, ngay cả hai hay ba năm gì đó thôi.”

Ðức giáo hoàng nói tiếp: “Tôi cảm thấy như Thượng Ðế muốn đặt tôi ngồi đây chỉ trong một thời gian ngắn.”

Vị giáo hoàng 78 tuổi và có vẻ còn mạnh khỏe nói: “Tôi muốn chia sẻ với ý tưởng của Ðức Giáo Hoàng Benedict.”

Năm 2013, cựu Ðức Giáo Hoàng Benedict trở thành người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo đầu tiên trong 600 năm từ nhiệm, thay vì tại vị tới khi qua đời.

Ðức Giáo Hoàng Francis nói: “Theo tôi nói chung thì Ngài Benedict đã can đảm mở lối cho các giáo hoàng tương lai. Không nên xem trường hợp của ngài là một ngoại lệ mà là một quán lệ.”

Tuy nhiên, Ðức Giáo Hoàng Francis cũng không thích ý tưởng tự động về hưu ở một tuổi cố định, ví dụ ở tuổi 80. (TP)

Xem thêm:

Đức Giáo hoàng nhớ sự tự do, tỏ ý muốn về hưu sớm (VOA)

VÂNG LỜI TIẾNG LƯƠNG TÂM

VÂNG LỜI TIẾNG LƯƠNG TÂM

Mùa Chay, nếu chỉ nhìn bề ngoài thì khó ai có thể nói là vui thích được, bình thường đó là bốn mươi ngày chúng ta phải từ bỏ những gì chúng ta ưa thích, cho dù điều đó là do chúng ta tự ý làm hay do một sự ép buộc nào đó.  Chung qui, chúng ta cũng phải từ bỏ một điều chúng ta thích.  Và ngay cả trên bình diện đức tin, chúng ta tự ý để cho mình phải chịu một chút hy sinh, từ bỏ những tiện nghi và có thể những đau đớn một chút với mục đích là chúng ta muốn thanh luyện, thánh hóa toàn thân và canh tân tinh thần, canh tân tâm hồn.

Lý do nền tảng của những việc mà chúng ta làm trong tinh thần sám hối của mùa Chay là vì chúng ta chiêm ngắm những đau khổ của Chúa Giêsu đã chịu vì yêu thương chúng ta.  Vì thế mà Ngài đã bị hành hạ đau khổ đến mức tột cùng để cứu chuộc chúng ta và Ngài đã chết trên thập giá vì chúng ta. Chúa Giêsu đã mang lấy tất cả những đau khổ đó vì nhân loại và vì bản thân của mỗi chúng ta.  Người không phải chịu đựng những đau khổ đó nhưng Người đã phải cưu mang tất cả vì chúng ta.  Chính nhờ sự cứu chuộc của Người mà chúng ta được chung hưởng vinh phúc trên thiên đàng, niềm vinh phúc mà Ađam và Eva đã đánh mất khi sa ngã phạm tội và cắt đứt tình nghĩa với Chúa.

**********************************

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta gặp những người phải chịu nhiều đau khổ.  Chúng ta muốn giúp họ nhưng chẳng biết phải nói làm sao, cũng chẳng biết phải làm gì để gúp họ vơi đi những khổ đau.  Ðứng trước những hoàn cảnh như thế, chúng ta cảm thấy mình vừa bất lực vừa lo âu, nhất là khi chúng ta đối diện với sự qua đời của một người thân.  Có lẽ lúc đó điều chúng ta có thể làm là khóc với họ.

Có lần tôi đã chứng kiến cảnh người mẹ trẻ quá bối rối vì không thể làm gì hơn là cứ phải đứng nhìn đứa con nhỏ của cô đang khóc lóc, vì bàn tay bị bỏng phỏng giộp lên.  Cô không biết làm cách nào để xoa dịu nỗi đau của con.  Cô đã lấy hòn đá đập bị thương ngón tay của mình rồi cô khóc tức tưởi hơn cả đứa con của cô.  Có lẽ chúng ta không hiểu được hành động của người mẹ, nhưng có thể nói chính vì yêu mà người mẹ đã có thể làm như vậy.  Và trong hoàn cảnh cụ thể của cô, có thể đó là giải pháp, là cách thức để cô chia sẻ với nỗi đau của người con mà cô yêu thương.

Tình thương không cho phép người ta chứng kiến cảnh người mình yêu bị đau khổ, người ta phải làm đủ mọi cách trong khả năng của họ để làm sao giúp người mình yêu thoát khỏi khổ đau.  Có thể nói đó chính là những ý tưởng định hình cho những công việc hy sinh của chúng ta trong mùa Chay một cách nào đó, để tỏ bày lòng sám hối.  Ðó cũng là những cách thức, những việc làm cụ thể, để chúng ta bày tỏ tâm tình yêu mến và chia sẻ những khổ đau của chúng ta với Chúa Giêsu.  Ðó là bước đầu chúng ta đi vào con đường của tình yêu tự hiến, con đường mà Chúa Giêsu đã đi.  Ðó là yêu thương trọn vẹn, hy sinh cho tất cả, trao hiến tất cả cho người mình yêu.

Ðể được như thế, trước hết chúng ta phải tập sống từ bỏ vì yêu thương, từ bỏ một chút tiệc ly, một chút của cải vật chất, từ bỏ một chút gì là của riêng mình: sở thích, tư tưởng, lập trường.  Cụ thể hơn nữa, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc vâng lời.  Vâng lời cha mẹ, bề trên, anh chị em trong gia đình, vâng lời thầy cô giáo, những người có bổn phận trách nhiệm dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta bằng việc chúng ta sẽ tập trung lo chu toàn những công việc bổn phận, những nhiệm vụ được trao một cách trọn vẹn.

Xa hơn một chút, chúng ta thực hành những luật lệ chính đáng và công bình, nhằm đem lại lợi ích cho tha nhân chẳng hạn như giữ nghiêm ngặt luật giao thông, bảo vệ cảnh quan những nơi công cộng cho sạch đẹp, giữ luật vệ sinh chung, v.v… việc hy sinh của chúng ta có thể đi xa hơn bằng việc thực thi bác ái vào những việc làm cụ thể để giúp đỡ những người khác, đó cũng là một hình thức chúng ta vâng lời, vâng lời tiếng lương tâm của chúng ta cũng chính là tiếng Chúa.  Ðây chỉ là một vài điều được nêu lên trong khi mỗi chúng ta có thể làm vì vâng lời, vì tiếng nói cũng là mệnh lệnh sau cùng chúng ta tuân theo là tiếng nói yêu thương của Thiên Chúa.  Ðồng thời, chúng ta đáp trả lại bằng những hành động diễn tả tình yêu dưới nhiều hình thức khác nhau, để chúng ta chia sẻ với Ngài, tỏ bày tình thương và sự cảm thông của chúng ta với nỗi đau mà Ngài đã chịu vì yêu thương.  Thánh giá là dấu hiệu đánh động chúng ta nhất để chúng ta luôn nhắc nhớ mình hãy làm một điều gì đó để xoa dịu nỗi đau của Chúa Giêsu và thân thể của Người là anh chị em chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin ban ơn trợ lực để chúng con can đảm bước theo con đường Ngài đã đi.

R. Veritas

Người Thợ Điêu Khắc

Người Thợ Điêu Khắc

Ông sống tận cuối làng, cô đơn và khó tính. Không giao du qua lại với ai. Ngày lại ngày, có việc thì cặm cụi đục đẽo, không việc thì lúi húi chăm sóc miếng vườn nhỏ, trồng dăm bụi sắn, vài luống rau và ít bụi hoa. Người trong làng thỉnh thoảng ghé đến nhưng thấy bản tính ông ghẻ lạnh nên cũng chẳng ai muốn chơi. Nguồn thu nhập chính của ông là khắc tượng gỗ. Danh tiếng ông khá lẫy lừng, nhiều ngôi chùa ở những nơi xa tìm ông để đặt hàng. Từ những bức tượng Phật Thích Ca uy nghi, to lớn cho đến những pho tượng chỉ bằng nắm tay, ông đều nhận cả.

Một ngày kia có vị Linh Mục đến đặt hàng làm ông ngỡ ngàng. Đây là lần đầu tiên trong đời điêu khắc của ông có một “ông Cha” giao tiếp với ông, thứ đến là loại hàng này ông chưa từng bao giờ thử qua!

Ông Cha này rất điềm đạm và bình dân, cho ông một cảm giác gần gũi, thân thiện. Hàng đặt là một tượng Thánh Giá cao tới hai mét rưỡi và chiều ngang một mét chín, nằm trên Thánh Giá này là tượng Chúa Giê-Su cao một mét bảy.
– Nhưng thưa ông, Chúa Giê-Su là ai, tôi không biết rõ, làm sao tôi có thể khắc đúng như ông đòi hỏi?

Vị Linh Mục thoáng ngẩn người, ông mau chóng lục chiếc cặp đang mang theo người, lấy ra một bức ảnh chịu nạn đưa cho người thợ, ông này cầm lấy ngắm nghía với cặp mắt nhà nghề, giọng đầy phân vân:
-Thú thật với ông, tôi chưa từng khắc tượng… Chúa! Từ trước đến nay tôi chỉ khắc tượng Phật, tượng Thần. Đối với Chúa, tôi cảm thấy xa lạ lắm. Ông có cái gì về Chúa nữa không để tôi nghiên cứu thêm, chứ bức ảnh này tôi e chưa đủ để giúp tôi có thể lột tả được cái Thần. Ông biết đấy, tôi đặt cao lương tâm nghề nghiệp…
Vị Linh Mục nhìn ông thợ điêu khắc đầy thiện cảm, ông trao cho người thợ một cuốn sách:
– Đây là cuốn Kinh Thánh của Đạo chúng tôi, hy vọng ông sẽ biết đầy đủ về Ngài.

Suốt cả tháng trời, ông thợ miệt mài đọc kỹ cuốn Thánh Kinh và ngắm nghía bức ảnh chịu nạn. Không giống vẻ oai nghiêm của các tượng Thần ông từng khắc, cũng không có vẻ an nhiên tự tại của tượng Phật với những đường nét bệ vệ, tròn trĩnh. Tượng Chúa là những lồi lõm của một người gầy gầy, với những thương tích khắp người, một người trần truồng để lộ ra những xương sườn và cái bụng lép kẹp, nhất là gương mặt hốc hác, đau đớn của người chịu khổ hình. Một gương mặt đang trong tư thế ngước lên mà ánh mắt vừa chịu đựng lại vừa khẩn khoản, đầy tin tưởng và hiền lành, không thấy có chút nào của sự oán trách, thù hận!

Ông cứ vừa nghiền ngẫm vừa dò dẫm chạm khắc, ngày làm đêm nghiên cứu. Ngay cả trong giấc mơ ông cũng thấy gương mặt Người Chịu Nạn bê bết mồ hôi và máu, những thớ thịt co giật trong cơn đau đớn, đôi môi khô nứt tím tái hẳn đi. hai cánh mũi phập phồng trong cơn khó thở!

Ngày qua ngày, ông làm việc miệt mài nhưng rất chậm. Đôi chân xương xẩu xếp chồng lên nhau của Người Chịu Nạn, bị đóng dính vào Thập Giá tương đối dễ khắc. Lồng ngực bức tượng nhô cao hiển lộ toàn bộ xương sườn như đang cố hớp lấy không khí khiến cho phần bụng thót lại làm ông thấy khó khắc hơn! Ngay cả hai bàn tay với những ngón gầy guộc co quắp khiến những sợi gân căng trên cổ tay cũng khiến ông hình dung được sự đau đớn của Người Chịu Nạn! Hình như không có vị Giáo Chủ của Đạo nào lại khốn khổ như vị này! Hầu hết các vị đều được vinh quang ngay khi tại thế, Đạo của các vị ấy cũng được truyền bá dễ dàng chứ không bị bách hại như Đạo này!

Mỗi nhát đục ông đều đắn đo cẩn thận. Độ khó của bức tượng kích thích ông mãnh liệt. Ông say mê làm việc như chưa bao giờ ông say mê đến thế! Thỉnh thoảng, ông dừng tay, giở Kinh Thánh ra nghiền ngẫm về Con Người Trên Thánh Giá. Cứ như trong sách ghi chép lại thì Con Người này có lẽ là Chúa thật rồi! Ông ta làm phép lạ mà chẳng tốn một tí hơi sức nào cả! Chỉ một Lời, thế là thành sự! Như thể ông ta là chủ tể của vũ trụ, là Ông Trời vậy!
Hình như các vị Giáo chủ khác không làm phép lạ nào thì phải? Các Ngài chỉ dạy dỗ thôi, mà ông này thì dạy dỗ như kẻ có quyền thật sự! cái điệp khúc “ Phần Ta, Ta bảo các ngươi…” cứ lặp lại mãi. Mà những Lời dạy bảo của Người mới cao đẹp, mới thánh thiện làm sao!

Mỗi ngày qua, tác phẩm dần lộ hình, thì trong lòng ông thợ lại càng xốn xang, khắc khoải. Có một điều gì đó làm ông băn khoăn. Ông thường hay bỏ dở công việc để đi thăm một người trong làng bị đau ốm, có khi ông nghỉ nguyên một buổi để đi đưa đám một người chết chẳng liên hệ gì với ông! Những đồng tiền làm ra được ông cất kỹ, nay cũng cạn dần theo những lần ông âm thầm đến nhà này, nhà nọ. Dân làng cũng thấy được sự thay đổi này, họ xầm xì bàn tán đủ điều về ông, có người còn độc miệng cho rằng ông đốc chết (*), nhưng nhìn chung họ dần có cảm tình với ông.

Giai đoạn khó khăn nhất cuối cùng cũng đến: Đó là gương mặt Người Chịu Nạn. Ông đã bỏ nguyên hai ngày để đọc kỹ lại cuộc khổ nạn của Chúa Giê-Su trong cả bốn quyển Tin Mừng. So sánh, đối chiếu cả bốn quyển để tìm ra những điểm chung, điểm riêng, những nét đặc trưng khả dĩ giúp ông hình dung ra sự khốc liệt của cuộc hành hình mà Chúa Giê-Su phải chịu. Ông mường tượng ra những cơn đau khiến gương mặt co giật. Răng nghiến lại? ừ, có thể nào răng nghiến lại khi cơn đau cùng cực không? Miệng có bị méo đi không? Còn mắt? Mắt nhắm nghiền hay trợn trừng hoặc lạc thần vì quá sức chịu đựng? Mồ hôi và máu thì dĩ nhiên rồi! Một gương mặt đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Tâm hồn dĩ nhiên đau đớn lắm khi Người thốt lên: “ Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” mà tâm hồn này cũng tin tưởng và bình an vì Người đã kêu lên: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Một gương mặt tội nhân mà sáng chói sự thánh thiện khi Người nguyện rằng: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Một gương mặt hài hòa bao nhiêu là trạng thái mà ông phải cô đọng lại!

Từng nhát đục ông gọt đẽo trong hồn ông, tượng hình dần trên thân gỗ. Gương mặt Chúa Giê-Su đau đớn với đôi mắt mở lớn đang ngước lên trời trong tâm tình phó thác vâng phục. Phải rồi, Người đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá đang khi Người uy quyền phép tắc đến thế! Ai làm gì được Người nếu không phải chính Người tự nguyện chết thay cho nhân loại? Gương mặt Chúa Giê-Su thánh thiện và khả ái làm ông hài lòng mặc dù mấy hôm nay một cơn đau cứ nhoi nhói trong ngực ông.
Khi ông dừng nhát đục cuối cùng thì ánh sáng cuối ngày cũng vừa lịm tắt. Ông vui sướng cố dựng Thánh Giá gỗ nặng nề lên cho dựa vào tường rồi mệt mỏi lê bước vào giường. Đặt mình nằm xuống, ông thiếp đi rất nhanh, không hề mộng mị.

Tiếng gà gáy sáng làm ông choàng tỉnh giấc, toàn thân khoan khoái sau một giấc ngủ dài làm ông có cảm giác trở lại thuở đôi mươi. Bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối nhưng nơi cửa ra vào ánh sáng lại huy hoàng làm ông ngạc nhiên. Ông chợt nhớ ra chiều qua mình đã ngủ như chết, không tắm rửa, không ăn uống và không cả đóng cửa!
Ông bước xuống giường đi ra cửa và bất chợt khựng lại vì trong sân đang chói loà toàn ánh sáng, một thứ ánh sáng mà ông chưa từng thấy, chính ánh sáng này đã chiếu sáng cửa lớn nhà ông. Toàn thân ông thấm đẫm thứ ánh sáng huyền diệu này. Một niềm hạnh phúc ngọt ngào dâng ngập hồn ông, trong mơ hồ ông nhận ra thân thể mình bỗng nhẹ tênh, ánh sáng đưa ông bay lên cao, lên cao mãi…

Phải đến hai ngày sau dân làng mới phát giác ra ông đã chết dưới chân cây Thánh Giá mà ông vừa hoàn thành, trong tư thế nửa ngồi nửa quỳ, mặt ngước lên và tay ôm chặt chân tượng Thánh Giá.

Giuse Nguyễn Văn Sướng