PHÉP MẦU YÊU THƯƠNG

PHÉP MẦU YÊU THƯƠNG

HẠT NẮNG

Trong các cảm xúc của con người, có lẽ tình yêu là cao thượng và quý giá nhất. Chỉ có tình yêu mới có đủ sự thần kì, huyền diệu để thay đổi con người theo hướng tích cực. Bởi tình yêu, tự nó đã mang một sứ vụ cao trọng vô vàn mà Thiên Chúa đã trao đặt sẵn trong lòng người – những đứa con từ tình yêu của Ngài.

Dường như yêu và được yêu là nhu cầu vượt trên hết mọi nhu cầu của con người. Vừa mới hình thành trong cung lòng mẹ, thai nhi đã cần đến tình yêu và luôn cảm nhận tình yêu qua những lần vuốt ve, thủ thỉ qua thành bụng..Đến khi được sinh ra, đứa con còn đỏ hỏn đã thương tìm bầu sữa ngọt lành của mẹ, thèm được mẹ ủ ấp, vỗ về. Lớn hơn chút nữa, lúc tập ăn, tập chập chững những bước đầu đời, đứa con ấy cũng cần lắm những nâng đỡ, dạy dỗ từ cha me, gia đình. Bước vào đời, người ta cần nhiều thứ, nhiều năng lực, điều kiện để hội nhập xã hội, nhưng có lẽ chỉ có tình yêu mới làm cho con người cảm thấy đáng sống, và cũng chỉ duy nhất tình yêu mới có thể nâng con người dậy trước những vùi dập của cuộc đời.
Trong đêm tối, mưa gió dữ dội, một cụ già với đôi chân cụt nằm vắt người trên tấm ván mục có gắn bánh xe, gồng mình choải đôi tay thật nhanh xuống đất, lăn đi trên đoạn đường vắng ngắt dọc nghĩa trang. Một cô gái nhỏ chạy xe lướt qua, chợt rùng mình nghĩ rằng mình vừa thấy ma. Vừa sợ hãi, vừa tò mò, cô bé cứ ngoái đầu nhìn lại, xem “con ma” đã biến mất chưa. Nhưng kì lạ là “con ma” ấy vẫn mồn một trước mắt, cứ choải người đi, mỗi lúc một mệt mỏi hơn.

Bần thần một lúc, cô bé vòng xe lại, nhìn kỹ “mảnh người” không trọn người ấy, rồi bất giác cho tay vào túi, sờ tờ năm chục đồng duy nhất còn lại, rồi lại buông ra, lưỡng lự. Cô nghĩ về bữa ăn sáng ngày mai và những chi tiêu phải tính tới. Nhưng nhìn “mảnh người” kia cứ trằn đi khó nhọc dưới mưa, lòng cô lại thổn thức, và cuối cùng cô đã dúi tờ tiền ấy vào tay ông cụ với câu nói: “Chúa thương ông lắm!”. Có lẽ suốt đời, cô bé cũng không quên được gương mặt sững sờ và hai giọt nước mắt bất chợt trào ra hoà lẫn trong cơn mưa đêm ấy. Chỉ nghĩ đơn giản là chút sẻ chia để an ủi nhau và cám ơn trời đã cho mình lành lặn, nhưng cô bé không ngờ mình lại nhận được một niềm hạnh phúc tràn ngập trong lòng – một niềm vui chẳng thể mua được bằng ngần ấy tiền.

Một thanh niên mang căn bệnh thế kỉ HIV – AIDS, không nén được nước mắt khi cô điều dưỡng trạc tuổi mình nắm lấy đôi tay gầy gò của anh, an ủi, xoa dịu anh giữa cơn đau nhót người vì tia lửa điện diệt virus HPV (human papillomavirus: vi rút gây bệnh mồng gà) – hậu quả từ “trận” quan hệ đồng tính. Dường như cô thấu hiểu được nỗi đau trong anh, nỗi đau từ nơi thân xác thấm sâu vào tâm hồn. Cảm giác cô đơn, buồn tủi, cảm giác sợ kì thị làm anh bẽn lẽn mím chặt môi, không dám để tiếng rên i ỉ trong miệng phát ra kẻo mọi người nghe thấy. Khi anh nằm trên chiếc giường ấy, phơi nơi kín đáo nhất để được điều trị, anh thấy tất cả những sự thật của bản thân cũng bị phơi bày như chính căn bệnh của mình. Chỉ khi thấy được tình thương, sự nỗ lực từ những người điều trị cho anh, anh mới thấy mình sống lại thêm lần nữa, để nói lên quyết tâm trong lòng – quyết tâm lánh xa con đường sai cũ và sống xứng đáng hơn với hi vọng của mọi người.

Những con người ấy “thèm” tình yêu đến là vậy! Một chút yêu thương thôi cũng đủ cho họ cảm thấy mình vẫn còn tồn tại trong mắt mọi người, vẫn còn được làm người giữa một thế giới đầy miệt thị, rẻ khinh, chỉ biết đánh giá con người qua vật chất.
Tình yêu có sẵn trong lòng người, khi cho đi, yêu thương không những không vơi mà còn dâng đầy lên trong lòng gấp nhiều lần. Sống nơi thế gian này, có lẽ tình yêu là dòng nước thanh tẩy duy nhất nâng cao tâm hồn, làm cho ta có những lời nói, cử chỉ, hành động đẹp. Tình yêu giúp con người loại bỏ những xung đột, chia rẽ, tranh chấp, và giúp cá nhân bớt đi khuyết điểm, lỗi tội.

Tình yêu tha nhân đạt đến mức siêu huyền khi ta yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình. Lòng yêu thương ấy không làm ta mù quáng, chấp nhận, thoả hiệp với những hành động gian ác của kẻ thù; trái lại , ta vẫn lên án và tìm cách ngăn chặn chúng.

Chỉ có tình yêu mới cảm hoá được trái tim chai sần, sỏi đá, mới làm cho tan chảy được sự lạnh lùng, cứng nhắc của một con người. Tình yêu giúp ta được sống thật với giá trị ta đang là. Khi trái tim ta đang ngụp lặn trong vũng sâu tội lỗi, chỉ cần một ánh mắt yêu thương, một bàn tay nâng đỡ cũng đủ giúp ta thêm sức mạnh phi thường để tức thì được “mọc cánh” bay lên. Và giữa những khoảng xám tối của cuộc đời, chỉ tình yêu mới là ngọn đèn soi, lắp sáng những nẻo khuất ấy – tình yêu là động lực duy nhất!

Như hạt muối có thể hoà tan nhưng không bao giờ biến chất, người Ki-tô hữu cũng không thể chỉ biết co cụm trong lo âu, chỉ biết thương xót và nhìn thấy cuộc đời riêng mình. Cần cúi xuống gần hơn với nỗi đau khổ của tha nhân – nỗi đau khổ nơi những con người còn rên xiết trong đói khát, bị giằng xé nội tâm do tội lỗi – những con người ấy không có gì để bám víu, để đặt niềm tin và để được sống đúng phẩm giá của mình…

Mong sao, mọi người biết yêu thương nhau như chính Đấng Cứu Chuộc đã dành trọn Tinh Yêu cho ta – một tình yêu không vị lợi, không toan tính, không nề hà hiến dâng chính mạng sống Người. Chúng ta hãy cùng học để biết yêu mến, học để biết cho đi nhưng không và lãnh nhận nhưng không trong trường học Giêsu, biết đặt mình đơn sơ, phó thác vào đôi cánh tay quyền năng, yêu thương che chở của Người trong tâm tình bé thơ như Chúa muốn.

( Trích tập san GHXHCG số 18)

TIN VÀO TÌNH YÊU

TIN VÀO TÌNH YÊU

Chuyện xảy ra vào thế kỷ 16 tại Ấn Độ. Trong triều đình có hai vị sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tỵ, một người thì tham lam.

Ngày kia, nhà vua có sáng kiến rất độc đáo để sửa đổi những tính xấu ấy. Ông cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều đình, loan báo sẽ tưởng thưởng họ vì đã phục vụ trong nhiều năm qua. Họ có thể xin gì tùy thích, xong người đầu tiên mở miệng xin chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.

Nhiều phút trôi qua, không ai mở miệng nói trước. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tỵ lý luận: thà tôi không được gì còn hơn mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi. Vì thế, không ai muốn lên tiếng trước.

Cuối cùng, vua yêu cầu người ganh tỵ nói trước. Người này lại nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam được gấp đôi. Hắn liền tuyên bố: “Tôi xin được chặt đứt một cánh tay…”. Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.

***

Người ghen tỵ thà chịu mất một cánh tay còn hơn nhìn thấy người kia được của cải gấp đôi mình. Người ghen tỵ trước khi tiêu diệt kẻ khác, họ đã tự hủy diệt chính mình.

Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay kể lại, người đi làm vườn nho từ sáng sớm ghen tỵ với người chỉ làm một tiếng, mà cũng được trả một quan như mình. Giá như ông chủ trả cho người làm một tiếng ít tiền hơn, thì người làm từ sáng đâu có bực tức khó chịu. Chúng ta thấy ông chủ đâu có xử bất công, vì ông đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền. Ông trả hậu hĩ cho người mới làm một tiếng, là vì ông tốt bụng, ông có quyền làm điều đó chứ!

Qua dụ ngôn “ông chủ vườn nho”, Đức Giêsu muốn mời gọi chúng ta nhìn sâu vào cõi lòng của Thiên Chúa. Người không chỉ là Thiên Chúa công bình, mà còn là một người Cha đầy yêu thương. Người đã không hành xử theo luật lệ, nhưng lại dựa trên tiêu chuẩn của tình yêu. Chỉ khi nào chúng ta đổi mới cái nhìn về Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta nhận ra Người là Thiên Chúa tình yêu. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được lòng tốt của Thiên Chúa nơi bản thân mình, chúng ta mới không còn ghen tỵ với anh em.

Chúng ta nhớ lại lời ông chủ vườn nho nói với người ghen tỵ: Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,15). Anh ta ghen tỵ vì anh ta chỉ thấy lòng tốt của ông chủ nơi người khác. Sao anh ta không nghĩ rằng ông chủ tốt bụng này đã thuê anh làm và trả lương cho anh sòng phẳng không thiếu một xu. Sao anh ta không nghĩ rằng anh đã rất an tâm vì chắc chắn đến cuối ngày là anh có một quan tiền; còn người kia vì không có ai thuê làm nên phải chờ đợi cả một ngày trong lo âu chán chường, vì tối nay vợ con anh sẽ phải lên giường mà không có gì cho vào bụng.

Cứ nghĩ đến muốn ngàn phúc lộc Chúa đã ban cho chúng ta, cứ nhìn xem bao niềm đau nỗi khổ của anh em, chúng ta sẽ không còn lý do nào để mà ghen ty. Chính vì không cảm nghiệm được Thiên Chúa yêu thương, không nhận ra hồng ân của Người trong cuộc đời mình, mà Cain dã ghen tỵ và giết chết Aben, người anh cả ghen tỵ với đứa em đi hoang nên không nhìn nhận người em lầm lỡ, người Pharisêu ghen tức với người tội lỗi được Chúa tha thứ, người làm sáng sớm ghen tỵ với kẻ làm chỉ một giờ.

Ai cứ nghĩ mình xứng đáng được Chúa ban ơn, mà đi ghen tỵ với những ơn lành Chúa ban cho người tội lỗi, chính là kẻ bất hạnh nhất. Họ hãy nghe lại lời Kinh Thánh: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng hàng đầu sẽ phải xuống hàng chót (Mt 20,16a). Thông điệp của dụ ngôn hôm nay muốn loan báo rằng: Nước Trời là phần thưởng nhưng không của Thiên Chúa, hoàn toàn là do lòng quảng đại yêu thương của Người, chứ không do công nghiệp của chúng ta. Thiên Chúa ban ơn cho con người chỉ vì lòng yêu thương của Người mà thôi.

Đừng bao giờ ghen tỵ, đố kỵ nhỏ nhen khi thấy kẻ khác được nhiều ơn, mà muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.

Đừng bao giờ tính toán sòng phẳng theo lẽ công bình giao hoán: có công thì được hưởng, có tội thì bị phạt. Vì nếu Thiên Chúa tính toán lại, chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc, và người thiệt thòi nhất không ai khác là chính chúng ta.

***

Lạy Chúa, Chúa là một người Cha đầy yêu thương, luôn ban ơn cho mọi con cái, cả những đứa con không đáng thương, vì Chúa không muốn một ai phải hư mất. Xin cho chúng con một tâm hồn quảng đại như Chúa, không hẹp hòi ghen tỵ với những ai được Chúa ban nhiều ơn, nhưng luôn biết “vui với kẻ vui”, để chúng con được nên giống Chúa nhiều hơn. Amen!

Thiên Phúc

Ngọc Nga sưu tầm

TRUYỀN GIÁO: CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI

TRUYỀN GIÁO: CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Tác giả:  Huệ Minh

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Is. 2, 1-5; 1Tm. 2,1-8; Mt. 28,16-20

Chúa Giêsu không ở trần gian mãi, đến kỳ hạn, Chúa Giêsu lại trở về cùng Cha bởi lẽ Ngài xuất phát từ Cha.

Trước khi chia tay với các môn đệ thân tín ở Galilê, ở cái ngọn núi mà các môn đệ được dặn trước và từ đó Ngài về Trời cùng Cha như đã loan báo. Ta bắt gặp lời trối trăng của Chúa Giêsu với các môn đệ rằng : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Thi thoảng, ta lại bắt gặp lời trăn trối đó và lòng ta lại “được” chất vấn trước lời trăng trối của Chúa Giêsu. Để sống đúng nghĩa và đúng chất với lời mời gọi của Chúa Giêsu không phải là chuyện dễ dàng. Đơn giản là ta nhìn vào con số tỷ lệ giữa người Công Giáo và không Công Giáo tại Việt Nam và nhìn vào con số theo đạo Công Giáo tại Việt Nam thì ta sẽ rõ.

Hẳn nhiên vẫn có con số gia tăng vởi trẻ con của những gia đình có đạo cũng cất tiếng khóc chào đời để rồi được rửa hội và ta có thể gọi là rửa tội tự nhiên. Còn một thể thức rửa tội xem ra tự nhiên mà cũng không tự nhiên tí nào đó là phương thức rửa tội của những người dự tòng để lập gia đình với người bạn đời của mình. Tính như thế, ta sẽ thấy được con số thực của việc truyền giáo trong Giáo Hội ngày hôm nay.

Tỷ lệ người tự nguyện rửa tội chứ không phải tự nhiên ta ngồi nhẩm được bao nhiêu ? Và từ đó, ta lại nhìn lại cung cách sống của ta nhất là với lời mời gọi của Chúa.          Phải nói rằng, điều đầu tiên và căn cốt nhất để người khác không theo đạo, không thiển cảm mấy về đạo Công Giáo đó chính là cung cách sống của người Kitô hữu. Đức cố giáo hoàng Ðức thánh Phaolô VI đã nói rất thấm thía trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng như sau: “Người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn các thầy dạy.  Nếu họ có nghe các thầy dạy là bởi vì thầy dạy cũng chính là chứng nhân”.

Và rồi, tư tưởng của Nathan Soderblum : ” Thánh nhân là những người có thể làm cho người khác dễ tin vào Chúa hơn”.

Thế đó, để người khác tin vào Chúa thì chỉ có duy nhất một con đường cho người Kitô hữu là phải sống, sống như thế nào để người khác tin rằng nơi mình có sự hiện diện của Chúa để rồi tự khắc người ta theo Chúa.

Nhìn vào thực tại truyền giáo tại Việt Nam chúng ta có điều gì đó lợn cợn. Lợn cợn bởi lẽ đã qua nhiều năm, nhiều cách thức, nhiều nẻo đường truyền giáo nhưng rồi ta lại thấy thu lượm kết quả không là bao và chính trong kết quả đó cũng không được có cái gì gọi là bảo đảm.

Thực tại ta thấy ngày hôm nay đó là cảm thức đức tin. Chính người Kitô hữu dù đã có Chúa Kitô, dù đã mang trong mình dấu ấn của Kitô rồi nhưng rồi lại không diễn tả một niềm tin Kitô ngay trong cuộc đời của mình. Và ta thấy vẫn còn cái gì đó, điều gì đó mang dáng dấp của cái nhãn, cái mác bên ngoài mà thôi.

Cái nhãn, cái mác đó dù đẹp, dù hay và thậm chí có dán tem như sản phẩm lan tràn ở thị trường ngày hôm nay làm cho ta nhiều suy nghĩ.

Thánh Giacôbê đã không ngần nại để nói thẳng rằng : “Ai bảo mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Ðức tin có thể cứu người ấy đợc chăng? Giả như có một người anh em hay chị em không có áo che thân, và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” ( Gc 2,14-15 ). Chính nhờ công việc, nhờ việc làm mà củng cố lời rao giảng.

Lời rao giảng, giới thiệu của Gioan tẩy giả về Chúa Giêsu trở nên đáng tin đến độ có những môn đệ của ông đã xin làm môn đệ của Chúa Giêsu. Bởi vì ông đã sống hết mình với sứ điệp ông rao giảng. Ông mời gọi người ta ăn năn sám hối đón đợi Ðấng Cứu Thế thì chính ông đã là mẫu gương của người sám hối, chờ mong. Nhìn nhận Ðấng Cứu Thế, ông tự làm cho mình trở nên bé nhỏ, từ chối những vinh dự mà dân chúng thời đó muốn suy tôn ông, để giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người, cho những môn đệ của mình. Ông đã để cho môn đệ của mình đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu, một người lúc đó còn vô danh chưa ai biết đến.

Không phải tất cả chúng ta đều có điều kiện để giới thiệu, để rao giảng Chúa Giêsu cho người khác. Nhưng tất cả chúng ta đều có ơn gọi làm chứng cho ngài bằng đời sống của chúng ta, và bổn phận đó nằm trong tầm tay của chúng ta, từ em thiếu nhi cho đến cụ già. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận của mình với trách nhiệm làm người, làm con Thiên Chúa. Và khi chúng ta sống đúng đắn tư cách, bổn phận là người, là con Thiên Chúa, chúng ta đã trở nên chứng nhân cho Chúa , là ánh sáng cho thế gian.

Ta cần và cần lắm khi truyền giáo ngay chính gia đình của ta và gần hơn nữa là truyền giáo cho chính bản thân chai lỳ của chúng ta.

Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta làm mới con người chúng ta từ lời ăn tiếng nói, cách hành xử để rồi người khác nhìn vào chúng ta họ nhìn thấy một Thiên Chúa sống động đang ở trong chúng ta. Chính khi sống như thế, ta đã người truyền giáo rồi. Xin Chúa thêm ơn và chúc lành cho chúng ta.

Tác giả:  Huệ Minh

TRUYỀN GIÁO BẰNG CÁCH SỐNG

TRUYỀN GIÁO BẰNG CÁCH SỐNG

  LM Jos Tạ Duy Tuyền

Cách chung con người ngày hôm nay thường nóng vội, hấp tấp, làm đại.  Nghịch lý ở chỗ thích hoành tránh nhưng lại đòi phải nhanh, phải gọn.  Họ chỉ thích làm những chuyện lớn mà bỏ qua chuyện nhỏ.  Họ luôn xem việc nhỏ là tầm thường mà quên rằng việc lớn là do tích tiểu thành đại.  Không kiên nhẫn trong việc nhỏ thế nên, họ cũng bỏ lỡ cơ hội làm những chuyện lớn lao.

Điển hình là xã hội hôm nay không có những công trình thế kỷ mà chỉ có những kiến thiết hợp thời, model nhưng mau qua.  Về sự học dường như học sinh không thể ngồi yên để thuộc một câu thơ hay một bài lịch sử mà chỉ học trên net, trên Iphone…

Người ta kể rằng: Thời Đông hán có một thiếu niên tên Trần Phiên.  Hắn cho mình bất phàm nên chỉ làm chuyện lớn mà thôi.  Một hôm người bạn tới thăm thấy nhà hắn bẩn thỉu liền nói:  Nho tử sao không quét nhà để tiếp đón khách?

Trần Phiên trả lời: Đại trượng phu xử thế.  Nên quét thiên hạ sao lo một nhà?

Người bạn đáp lại: Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ.

Trần Phiên ngộ ra không nói được lời nào.

Xem ra muốn xây dựng giang sơn thì phải xây dựng từ gia đình mình.  Muốn làm những điều cống hiến cho đời thì phải rèn luyện mình thành người tốt.  Phải khởi đi từ việc nhỏ mới mong làm chuyện đại sự to tát hơn.  Muốn canh tân xã hội phải có một kế sách lâu dài và phải khởi đi từ những việc nhỏ nhất mới mong thành đại sự.

Phải chăng Giáo hội hôm nay cũng bị cuốn vào trào lưu thích hoành tráng, rầm rộ?  Thích phô trương đánh trống hơn là sống đạo mến yêu?   Các lễ nghi, lễ hội thật nhiều nhưng điều đó không quan trọng bằng việc ra đi đến với người nghèo, người già yếu, bệnh tật…?

Giáo hội luôn nói mình có sứ mạng truyền giáo và mời gọi các tín hữu tham gia vào công cuộc truyền giáo, nhưng xem ra chẳng có kết quả, bởi vì ai cũng muốn làm việc lớn nhưng những việc bình thường là canh tân đời sống bản thân, là sống công bình bác ái, là phục vụ yêu thương khởi đi từ gia đình lại bị xem thường.

Thực vậy, làm sao có thể truyền giáo khi chưa tề gia để mang lại cho gia đạo êm ấm thuận hòa?

Làm sao có thể truyền giáo khi bản thân còn nhiều tính hư nết xấu, đôi khi còn trở thành gương mù gương xấu cho tha nhân?

Truyền giáo không phải là một lễ hội để đánh trống khua chiêng.  Truyền giáo là đem đạo vào đời qua muôn nẻo đường trần thế.  Thế nên, truyền giáo đòi hỏi từng người phải biết sống trở thành nhân chứng cho Chúa, phải mang tin mừng thẩm thấu vào trong trái tim và trao tặng cho anh em, cho bạn bè.  Truyền giáo phải như chút muối làm cho thế gian nồng thắm tin mừng.  Truyền giáo phải như chút men làm cho Tin mừng hòa vào thế gian.

Trong bài hát “Một chút” thôi của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống dường như cũng nói những điều thật đơn giản ấy.

Một chút những viên đá nhỏ hợƿ thành ngọn núi lớn

Một chút những bước chân đi xɑ về muôn lối

Một chút những ƿhút ủi ɑn dịu xoɑ ngàn nỗi sầu

Ϲhỉ một chút ƙhởi đầu tương lɑi sẽ đẹƿ màu

ĐK – Một chút trong đời chỉ một chút chút xíu thôi

Ɲhiều chút chút bé nhỏ mà làm cho đời thêm mới

Một chút trong đời trở thành một chút thật tuуệt vời.

Ϲhắt chiu từng chút ấу cho đời nàу thêm sáng tươi.

Hôm nay ngày khánh nhật truyền giáo, ước gì chúng ta hãy từng chút một chắt chiu những việc làm tốt để sáng danh Chúa, có như vậy chúng ta mới gom thành một làn sóng yêu thương mang tin mừng lan tỏa khắp nơi.  Xin Chúa giúp chúng ta biết truyền giáo khởi đi từ việc nhỏ nhất trong đời thường bằng việc nêu gương sáng cho tha nhân trong bổn phận và trong việc bác ái dấn thân xây dựng thế giới ngày một tốt đẹp hơn.

LM Jos Tạ Duy Tuyền

Ðức Mẹ làm Gương việc Cầu Nguyện!

Ðc M làm Gương vic Cu Nguyn!

 Ðời Ðức Mẹ là đời cầu nguyện liên lỉ. Lúc thức lúc ngủ, khi vui khi buồn, không lúc nào Ðức Mẹ thôi hướng lòng trí về Thiên Chúa.

CAU NGUYEN

Hồi lên 3 tuổi, Người dâng mình trong đền thờ cho dễ đọc kinh cầu nguyện đêm ngày. Khi Sứ thần truyền tin cũng là lúc Ðức Mẹ đang cầu nguyện. Lúc Chúa Giêsu sống lại đến yên ủi Ðức Mẹ thì cũng là lúc Người đang cầu nguyện. Lại khi Chúa …

Thánh Thần hiện xuống thì Ðức Mẹ cũng đang cùng các tông đồ cầu nguyện nữa.

Thánh Augustinô nói: “Cầu nguyện là chìa khóa mở cửa thiên đàng”. Thánh Anphongso Ligoriô lại quả quyết: “Ai cầu nguyện, sẽ được rỗi linh hồn, ai không cầu nguyện, thì dễ mất linh hồn.” Bà thánh Têrêsa mẹ nói: “Ai không cầu nguyện thì tự mình đi xuống hỏa ngục, không cần ma quỉ nào đẩy nó vào”. Vậy, ta muốn cứu linh hồn mình thì phải noi gương Ðức Mẹ mà cầu nguyện. Cầu nguyện liên, cầu nguyện sốt sắng và theo ý ngay lành.

Buổi sáng ta hãy cầu nguyện, vì lời nguyện lúc này như là của nuôi linh hồn mạnh sức chiến đấu cùng ma quỉ và lập công. Buổi tối, trước khi ngủ ta hãy ép mình đọc kinh để cảm tạ Chúa đã ban ơn giúp sức ta làm việc cả ngày và cũng để xin Người gìn giữ hồn xác ta ban đêm nữa.

Lại mỗi khi gặp khốn khó như: Lúc đau yếu, khi bị ma quỉ cám dỗ khuấy khất, ta hãy đem lòng lên cùng Chúa và Ðức Mẹ. Cầu xin Người thêm sức cho ta được dùng mọi dịp để lập công.

Ôi! Biết bao người giáo hữu ngày đêm bê tha tội lỗi, mê tham của cải, công việc thế tục, lòng trí ra khô khan nguội lạnh không mấy khi nhớ đến Chúa. Ta hãy xét xem đã bao lần ta quên lãng việc đọc kinh cầu nguyện?. Ta hãy thực tình ăn năn và xin Chúa thứ tha.

Lạy Ðức Mẹ, xin Ðức Mẹ giúp chúng con noi gương Mẹ mà siêng năng đọc kinh lần hạt, để đời chúng con được tươi đẹp hơn mà sau này những kinh ấy sẽ kết thành triều thiên cho chúng con trên thiên đàng.

Thánh Tích
Hãy luôn chạy đến cùng Đức Mẹ

Hãy luôn chạy đến cùng Đức Mẹ, đó là câu tóm kết tất cả khoa thần học của Thánh Anphongsô, vị tiến sĩ Hội thánh, đó là trung tâm học thuyết tu đức của thánh nhân vậy.
Khi người đến tuổi già, không còn đủ trí nhớ để nhớ mình đã lần hạt Mân côi chưa, người vẫn hỏi thầy dòng coi bệnh:

– Hôm nay tôi đã lần hạt chưa thầy?

Một hôm thầy ấy nói với người:
– Thưa cha, bao nhiêu tràng hạt cha đã đọc dư ra hôm nay, con xin cha nhường tất cả cho con.

Đấng thánh liền tỏ vẻ mặt nghiêm trang và nói:
– Thầy đừng đùa, thầy không biết rằng phần rỗi đời đời của tôi là nhờ ở tràng hạt Mân côi ư?”

Đó là sự thật tỏ rõ như ban ngày: “Nếu ta luôn luôn chạy đến cùng Đức Mẹ, chắc chắn thế nào ta cũng rỗi linh hồn và nên thánh”.

KinhChaoMe DayOnPhuc

CHÚA SAI TÔI ĐI

CHÚA SAI TÔI ĐI

 ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ.  Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được?  Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất.  Thiếu phương tiện không có thể làm gì được.  Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

 Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường.  Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng.  Đó là thành phần ưu tuyển.  Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ.  Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng.  Đó là một đám đông không xác định.  Đó là tất cả mọi người giáo dân.  Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.

 Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào?

 – Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng.  Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa.  Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa.  Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa.  Ta phải mau mắn để khỏi lỡ mất cơ hội.

 – Thứ đến ta phải cầu nguyện.  Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước.  Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo.  Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa.  Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban.  Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa.  Ta hãy noi gương Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu.  Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín.  Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.

 – Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa.  Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo.  Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình.  Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất.  Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa.  Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.

 – Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người.  Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh.  Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh.  Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.

 Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân.  Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo.  Mọi người đều có thể cầu nguyện.  Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa.  Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác

 Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.

 Hôm nay, Chúa đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.

 ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

**************************************

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vui mừng thấy triều đại Chúa mở mang thịnh trị.  Vẫn còn thiếu mặt nhiều thực khách nơi bàn tiệc thánh trong phòng Tiệc ly, dưới ánh sáng hoàng hôn ngày thứ năm Tuần thánh, mà Lời Chúa hôm đó mời chúng con đến dự.  Ngày mà nước Trung Hoa sẽ gia nhập đại gia đình Kitô hữu, để chung tiếng hát ca: “Hãy nâng tâm hồn lên.”  Ngày mà cả nước Ấn độ sẽ hát kinh Tiền tụng.  Ngày mà toàn cõi Châu Phi, trong đôi bàn tay đen, sẽ dâng hiến Bánh thánh tinh truyền.  Ngày mà dân Chúa không còn nạn lạc đạo ly khai, sẽ quy tụ trong một cuộc dâng lễ vĩ đại, đặt tâm hồn muôn vật hữu hình trên đĩa vàng tiếng dâng Chúa.  Ngày đó công cuộc Cứu độ của Chúa sẽ hiển hiện với đầy đủ sắc vẻ huy hoàng.  Lạy Chúa của con, Chúa đã dạy chúng con phải thương yêu anh em đồng loại, hôm nay Chúa cho chúng con nhận biết toàn thể loài người là anh em thật sự của chúng con.  Xin Chúa cho chúng con biết yêu mến nhân loại ruột thịt của chúng con, cách thành thật, tận tình.

 Pierre Charles

Nhiều Cơ Quan Thi Hành Luật Pháp phớt lờ các nhà phê bình – công khai trưng bày hay dán hàng chữ “ Chúng tôi tin tưởng vào Thiên Chúa”

Nhiều Cơ Quan Thi Hành Luật Pháp phớt lờ các nhà phê bình – công khai trưng bày hay dán hàng chữ “ Chúng tôi tin tưởng vào Thiên Chúa”.(In God We Trust)

Giuse Thẩm Nguyễn

 

Trong những tháng gần đây, rất nhiều cơ quan thi hành luật phát đã dán hoặc treo câu phương châm “Chúng tôi tin tưởng vào Thiên Chúa” trên các xe cảnh sát tuần tra, gây lên sự quan ngại trong giới phê bình.

Theo một tường trình mới đây trên tờ New York Times, rất nhiều cảnh sát đã tự bỏ tiền mua và dán câu phương châm này trên các xe tuần tra của họ.

“Nếu tôi dùng tiền của mình để mua câu phương châm và câu này cũng có trên là cờ của tiểu bang, thì tôi có thể trưng bày câu phương châm ấy trên xe tuần tra của tôi,” Cảnh sát tuần tra, Johnny Moats, thuộc quận hạt Polk, người đã viết thư cho cảnh sát Georgia để ủng hộ việc đặt câu phương châm này trên các xe của cơ quan công lực đã nói như thế. “Hầu như mỗi ngày, tôi đều nhận được điện thoại của các cảnh sát tuần tra khác và nói rằng ‘Tôi đã làm xong rồi, hay bạn có thể gởi cho tôi bức hình xe tuần tra của bạn có gắn câu phương châm không ?’

Nhưng việc phô bày câu phương châm này đã bị chỉ chích dữ dội, theo đài truyền hình Fox 7 ở Austin, Texas thì Trụ Sở Cảnh Sát Chidress là một trong 57 sở cảnh sát đã nhận được thư khiếu nại của cái gọi là Nhóm Quyền Tự DoTôn Giáo có trụ sở ở Winconsin , yêu cầu tháo bỏ bảng phô bày mang tính tôn giáo này.

“Chúng tôi lấy làm quan ngại từ phía những người không tín ngưỡng trong những cộng đồng nhỏ bé hơn, nơi đó họ cảm thấy bị xúc phạm,” Cô Annie Laurie Gaylor, người cầm đầu nhóm Quyền Tự Do Tôn Giáo nói với đài truyền hình Fox 7 như vậy. “Những tuần tra viên và cảnh sát này nghĩ rằng họ nghe theo lời hướng dẫn của Chúa hơn là luật công dân của chúng ta và điều này làm chúng tôi sợ hãi.”

Cảnh Sát Trưởng của Sở Cảnh Sát Childress là Andrian Garcia đã gởi văn thư trả lời tới các nhóm chống đối và đăng trên phương tiện truyền thông xã hội. Vị cảnh sát bảo các nhóm chống đối rằng “ hãy đi chỗ khác chơi.”

Theo báo New York Times thì hiện tượng này đang tăng dần. Cảnh sát viên và trụ sở cảnh sát bắt đầu phô bày những bảng châm ngôn, trong khi nhóm Quyền Tự Do Tôn Giáo cho rằng việc trưng bày châm ngôn là vi hiến và cần chấm dứt. Cuộc tranh chấp gây chú ý và càng lúc càng nhiều cơ quan thi hành luật pháp tham gia.

Nhóm Quyền Tự Do Tôn Giáo đã vô tình làm cho việc trưng bày phương châm lan rộng ra. Cô Gaylor thú nhận “Tôi không nghĩ chúng ta có thể làm được gì,”

Nguồn gốc của phương châm “In God We Trust”

“Chúng tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa” là câu châm ngôn của quốc gia Hoa Kỳ, được sinh ra và gắn bó mật thiết với bản quốc ca của Hoa Kỳ “The Star-Spangled Banner” được sáng tác vào năm 1814 bởi Francis Scott Key và chính thức được quốc hội thông qua và trở thành quốc ca Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 3 năm 1931 dưới thời Tổng Thống Herbert Hoover. Chính trong lời ca của bài quốc ca cũng nhắc tới câu châm ngôn này. Câu này đã được khắc trên đá, trên tường của những tòa nhà thuộc cơ quan công quyền, nó còn được in trên tiền giấy và đúc trên tiền cắc lưu hành qua khắp nơi. Câu châm ngôn này cũng được khắc vào trong tim và được thốt lên từ miệng của hàng triệu người Mỹ yêu chuộng tự do. Khi một vị Tổng Thống hay một vị quan chức chính quyền nhậm chức, theo truyền thống họ đặt tay trên Thánh Kinh để tuyên thệ và trung thành với châm ngôn quốc gia “Chúng tôi tin tưởng vào Thiên Chúa.”

Những người Việt Nam khi mới đặt chân tới ngưỡng cửa Đại Học Cộng Đồng đều được học bài học đầu tiên này. Người Mỹ đến vùng đất này không phải vì lý do kinh tế, nhưng vì lý do tín ngưỡng. Niềm tin của họ bi bách hại và họ đến đây để được tự do sống với niềm tin của mình. Hằng năm, họ tạ ơn Thiên Chúa qua lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), họ tổ chức mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh (Christmass), họ kỷ niệm ngày Chúa chịu chết và sống lại bằng Lễ Phục Sinh (Easter)…

Qua thời gian, giữa một cái xã hội càng ngày càng xuống dốc về luân lý, có những kẻ vô thần đã muốn xóa bỏ câu châm ngôn đó nơi công cộng và cùng với chính sách mị dân của các viên chức dân cử, chúng đã thực hiện được vài yêu sách như chúng muốn.

Hôm nay phong trào dán, trưng bày câu phương châm trên các xe cảnh sát chỉ là sự về nguồn. Khi mà những nhân viên cảnh sát không chắc là mình có thể trở về nhà an bình sau một ngày công tác, thì họ còn biết trông cậy vào ai bây giờ… dĩ nhiên chỉ có Thiên Chúa mới chính là câu trả lời cho tất cả những vấn nạn trong đời họ.

XÂY NÚI CÚI ĐỂ LÀM GÌ ?

XÂY NÚI CÚI ĐỂ LÀM GÌ ?

 Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Được biết  ở một địa phận kia bên nhà, người ta đang có chương trình vĩ đại là xây NÚI CÚI tốn phí đến cả ngàn tỷ đồng VN để lôi cuốn du khách đến viếng thăm và cũng để chào mừng Đức Thánh Cha sẽ sang thăm Viê t Nam trong năm 2016 theo sự tưởng tượng vô căn cứ của họ.

Chúng ta nghĩ gì về công trình lớn lao mang tính chất phô trương  bề ngoài  trên đây  ?

Trước hết, phải hỏi xem Chúa và Đức Mẹ  có hài  lòng  được tôn thờ và tôn vinh với công trình hoành tráng và tốn phí trên hay không ?

Chắc chắn là không, vì Chúa chỉ muốn ngự trị trong tâm hồn của những ai thành tâm yêu mến Người,  chứ không vui thích  được tôn thờ ở những nơi sang trọng lộng lẫy bề ngoài. Vì thế  xưa kia,  để trả lời cho một phụ nữ Samaritana kia nói với Chúa rằng  “cha ông chúng tôi đã thờ phương Thiên Chúa  trên núi này”,   Chúa   Giêsu đã nói như sau:

  Nhưng giờ đã đến- và chính là lúc này đây-

Giờ những người thờ phượng đích thực

Sẽ thờ phượng  Chúa Cha trong thần khí và sự thật

Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. ( Ga 4: 23)

Về phần Đức Mẹ -vốn khiêm cung  và khó nghèo-, cũng sẽ không vui thích  được tôn vinh với công trình quá tốn phí bề ngoài như thế.

Do đó,  đáng lẽ phải xây đền thờ, xây  NÚI CÚI trong tâm hồn của mọi tín hữu cho Chúa và cho Đức Mẹ ngự trị, chứ không nên xây phô trương  bên ngoài cho thiên hạ chiêm ngưỡng để hãnh diện với họ về khả năng tài chính phong phú của mình, trong khi  thực tế, giáo dân  nhiều người còn túng thiếu, khó khăn với việc sinh sống, nên không có tiền để đóng góp vào công trình quá tốn kém này.

Nhu vậy, nếu dùng tiền xây cất quá tốn phí này để trợ giúp cho người nghèo khó thì chắc chắn hữu ích và có lợi hơn cho việc phúc âm hóa, tức mở mang Vương Quốc tình yêu, công bằng , bác ái và thánh thiện của Chúa trong tâm hồn mọi người để đánh tan bóng đen của  tội lỗi và sự dữ  gây ra  bởi  “văn hóa sự chết” đang bao phủ thế giới và tâm hồn của quá nhiều người ở khắp nơi trên thế giới tục hóa, phi luân, và vô nhân đạo ngày nay. Văn hóa sự chết thể hiện rõ nét ở lối sống tôn thờ tiền bạc của cải vật chất, tôn thờ khoái lạc ( hedonism) sa hoa ngạo nghễ và dửng dưng trước sự nghèo đói, đau khổ của biết bao người xấu số, nạn nhân của mọi bất công xã hội ở khắp nơi,

Như thế, thử hỏi :  việc xây công trình lớn lao trên  có cần thiết, có làm vinh danh Chúa, Đức Mẹ và có  lợi gì  cho mục tiêu tái  Phúc Âm Hóa -hay ngược lại-  là  phản  Phúc Âm hóa ( anti-re evangelization) của giáo hội địa phương ?

Phải nói ngay là không có lợi gì cho mục đích mở mang Nước Chúa vì thực chất sa hoa hào nhoáng bề ngoài không phù hợp với tinh thần nghèo khó mà Giáo Hội  phải sống  từ trong tâm hồn ra đến hành động bên ngoài để làm chứng tá  cho Chúa Kitô, Đấng đã nghèo khó đến nỗi   không có  chỗ tựa đầu, trong khi chim trời có tổ, cáo chồn có hang.” ( Mt  8: 20)

Chúa Kitô  đã thực sự  khó nghèo, sống lang thang như người vô gia cư ( homeless) trong suốt cuộc đời tại thế, từ lúc sinh ra trong hang bò lừa cho đến ngày chết trần trụi trên thập giá  chỉ vì muốn cho con người được cứu độ và vui hưởng sự sang giầu đích thực  của Nước Trời.

Trong bài giảng trên núi, Chúa đã nói rõ : “phúc cho ai có tình thần nghèo khó, vì  Nước Trời là của họ.”( Mt 5: 1)

Phải có tinh thần nghèo khó để không làm nô lệ cho tiền của khiến tôn thờ tiền bạc  ( cult of money)  như Đức Thánh Cha Phanxicô đã  phê bình thế giới tục hóa ngày nay. Phải có tinh thần nghèo khó để khinh chê những của cải phù du, nhứng tiện nghi sa hoa và hào nhoáng  ở đời này để dễ  nâng tâm hồn lên cùng Chúa là cội nguồn của mọi phú quí giầu sang và hạnh phúc đích thực..

Phải khó nghèo thực sự để không lãng phí tiền bạc vào những việc mà thực chất chỉ là phô trương , hào nhoáng bề ngoài , tuyệt đối không có lợi gì cho việc rao giảng Tin mừng của Chúa Kitô trong hoàn cảnh xã hội đầy bất công với  đa số người dân-trong đó có  những giáo dân-còn nghèo nàn , chật vật với cuộc sống  bên cạnh môt thiểu số sang giầu tư bản đỏ và  đai gia  không hề có chút cảm thông bác ái đối với đa số quần chúng nghèo khó,  thấp cổ bé miệng, nạn nhân của bất công bóc lột

Trong một hoàn cảnh xã hội như vậy, người Tông Đồ của Chúa Kitô phải  đứng về phía những người nghèo khó theo gương Chúa Kitô mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang là chứng nhân hùng hồn, hay  đứng về phía những đại gia  và tư bản đỏ để thi đua với họ về  giầu sang hào  nhoáng bề  ngoài với những thánh đường lộng lẫy, nhà xứ và tòa giám mục sang trọng -và đặc biệt là xây NÚI CÚI tốn phí hàng  ngàn tỷ  đồng , một việc làm hoàn toàn không cần thiết để phúc âm hóa môi trường.

Rao giảng Chúa Kitô khó nghèo mà không sống khó nghèo thì sẽ không thuyết phục được ai tin lời mình giảng dạy, nếu không muốn nói là làm trò cười cho họ.

Nói khác đi, thi hành mục đích   tái phúc âm hóa thế giới mà Giáo Hội đã  kêu gọi từ mấy năm nay  có cần đến công trình xây cất quá tốn phí  kia  hay không , hay đây chỉ là sự phô trương  không cần thiết vẻ hào nhoáng bề ngoài, một việc hoàn toàn trái nghịch với tinh thần và đời sống  khó nghèo của Chúa Kitô, “  Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự  ý trở nên khó nghèo vì anh  em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh  em trở nên giầu có,” ( 2 Cr 8: 9)

Nếu Giáo Hội mà không sống tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô thì sẽ là nhân chứng cho ai ?  cho khát vọng được giầu sang phú quí đich thực trên Nước Trời hay cho sự sang giầu phù phiếm  chóng qua ở đời này ?

Lại nữa, việc làm trên cũng đi ngược lại đường lối sống và mục vụ  của Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã chọn Thánh Phanxicô khó khăn thành Assisi làm khẩu hiệu cho triều đại Giáo Hoàng của mình. Chắc chấn ngài sẽ không hài lòng về công trình phô trương quá  tốn kém trên  mà người ta đang phóng đại trí tưởng tượng về việc ngài sẽ sang  thăm ViêtNam trong năm 2016 để  moi tiền đóng góp của giáo dân trong và ngoài nước.

Và nếu quả thực Đức Thánh Cha sẽ sang thăm Viêt Nam như người ta đang  tưởng tượng vô căn cứ, thì chắc chắn ngài sẽ không đến chiêm ngưỡng NÚI CÚI mà sẽ đến thăm nhừng tù nhân, những người già yêu không có ai săn sóc và những trẻ mồ côi, khuyết tật, là những thành phần xấu số trong mọi xã hội mà ngài ưu tiên quan tâm đến họ, vì Chúa Kitô nghèo khó đang hiện diện trong những người xấu số này.

Vì thế, là nhân chứng cho Chúa Kitô khó nghèo, và là cộng sự viên đắc lực của Đức Thánh Cha yêu thương người nghèo, sống giản dị khó nghèo,  mọi người có trách nhiệm phục vụ cho Dân Chúa trong Giáo Hội phải sống tinh thần khó nghèo của Chúa và  gương mẫu phục vụ của Đức đương kim Giáo Hoàng để đời sống và việc làm của minh không mâu thuẫn với lời mình rao giảng cho người khác. Có như vậy thì việc phúc âm hóa, hay tái phúc âm mới có kết quả tốt đẹp mong muốn.

Ngươc lại, cứ lo xây nhà thờ cho sang cho đẹp, xây tượng đài tốn phí để phô trương và là lý do  để tiếp tục thi nhau ra nước ngoài xin tiền cho những nhu cầu bất tận,  thì mục tiêu phúc âm hóa sẽ không  bao giờ mang lại kết quả nào, nếu không muốn nói là trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Trống đanh xuôi kèn thổi ngược vì trong khi giáo dân nhiều người còn nghèo túng, giữa một xã hội  đầy bất công và tụt hậu thê thảm về luân lý đạo đức, mà Giáo Hội lại kiêu hãnh với   những công trình hoành tráng , quá tốn phí như xây NÚI CÚI thì   quả thật là một mỉa mai trơ trẽn, một thất bại trông thấy  cho mục tiêu phúc âm hóa của giáo hội địa phương.

Ở những quốc gia giầu có như Hoa Kỳ, Canada, ÚC Châu, Pháp, Đức, ..người ta cũng không phô trương hào nhoáng với những công trình xây cất đồ sộ. Vậy tại sao ở một nước còn nghèo và lạc hậu như Viêt Nam mà giáo hội địa phương lại ngạo nghễ với công trình xây cất quá tốn phí  như  vậy, mà thực chất chỉ để phô trương  sự  phồn thịnh của giáo hội địa phương và phản tác dụng cho mục tiêu phúc âm hóa môi trường để mời gọi thêm nhiều người nữa nhận biết và tin Chúa Kitô dể được cứu rỗi. Đây phải là sứ vụ quan trọng nhất của Giáo Hội ở khắp nơi.

Tại hại hơn nữa, việc xây cất kia còn vô tình đánh bóng cho chế độ cai trị, vô tình biện  minh  là có tự do tôn giáo, nên mới có công trình lớn lao tốn phí như vậy,  trong khi thực tế Giáo Hội  vẫn còn tiếp tục bị hạn chế  về  tự  do hành đạo , chưa đáng  được tiếp tay tô điểm qua việc làm phô trương hào nhoáng trên đây.

Đáng lẽ, cần thiết hơn cả là xây dựng niềm tin vững chắc trong lòng  người tín hữu  được trao phó cho mình coi sóc, để giữa một xã hội tụt hậu thê thảm về  luân lý đạo đức, họ sẽ là chứng nhân hùng hồn cho Chúa Kitô bằng đời sống công bình, yêu mến sự thiện hảo  và khinh chê sự giầu sang  hợm hĩnh  của những người không có niềm tin Chúa nên chỉ biết vơ vét của cải để làm giầu,  bất chấp công bình bác ái và nhân đạo.

Thêm vào đó, một nhu cầu quan trọng không kém là  đào  tạo hàng giáo sĩ cho có chiều sâu thực sự để họ biết  phục vụ hữu hiệu  và công bình trong thực tế. Cụ thể, phải  sửa đối cách phục vụ  để không bất công với người nghèo, không cho họ mang xác người quá cố vào trong nhà thờ, không cho cả thân nhân người quá cố là linh mục được đồng tế trong lễ tang;  trong khi cho xác người giầu được đem vào trong nhà thờ và cho nhiều linh mục được đồng tế trong lễ tang,  như có nhân chứng đã kể lại.

Một điều bất công đáng nói nhất là ở các giáo phận bên nhà cho đến nay, các  linh mục chánh hay phó  xứ không được trả lương tối thiểu đồng đều, nên người coi xứ giầu thì được giầu có theo, coi xứ nghèo thì thiệt thòi hơn. Vì thế, mạnh ai nấy tìm cách ra nước ngoài để xin tiền cho những nhu cầu bất tận.

Thử hói giám mục có kiểm soát được các linh mục của mình ra nước ngoài xin tiền hay không , và có biết các linh mục kiếm được bao nhiêu tiền và đem về chi tiêu cho mục đích gì ?

Nếu không biết thì vô tình vẫn làm ngơ cho giáo sĩ, tu sĩ của mình thi nhau ra nước ngoài kiếm tiền bỏ túi hay chi phí cho những mục đích không ai biết.Chúa nói :   anh  em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” ( Lc 16: 13)

Lời Chúa trên đây phải là đèn soi bước đi cho hàng giáo sĩ và tu sĩ cách riêng  ở khắp nơi trong Giáo Hội .Không ai có thể dạy cho người khác điều mà chính mình lại không sống để làm gương, và như vậy sẽ trở thành phản chứng thay vì là nhân chứng trung thực cho Chúa Kitô, Người  đã  nói:   ai có tai nghe thì nghe.” ( Mt 13: 43; Mc 7: 16; Lc 8: 8).

Tóm lại, Giáo Hội không thể rao giảng hữu hiệu Chúa Kitô khó nghèo cho ai nếu đời sống và việc làm của mình lại mâu thuẫn với điều mình giảng dậy cho người khác.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

“Tình là một chuyện muôn màu”,

“Tình là một chuyện muôn màu”,
Tình là mình hạnh phúc thật mau
Tình là một bài thơ sầu
Tình là một niềm nhớ thương nhau.”

(Văn Phụng – Tình)

Trần Ngọc Mười Hai

(Phil 1: 7-10)

“Là bài thơ sầu”, “là mình thành nhớ thương nhau”, sao? Phải chăng, đó là thứ “Tình” của người mình, còn đó rất nhớ thương? Trả lời câu ở trên, bần đạo xin thưa như thế này:

Hồi còn nhỏ, bần đạo thích được các anh chị dắt đi phố Lê Lợi Sàigòn và cứ dừng lại xem chàng trai nọ đứng ở góc phố cứ chìa 3 cây bài “Tây-Đầm-Xì” tráo qua/tráo lại rất nhanh rồi đố người đi đường xem cây “Xì Cơ” trốn đâu rồi? Bần đạo đây, nghĩ mình tinh mắt bèn chỉ vào chỗ nó vừa hiện rõ mồn một, nhưng khi chàng trai lật cây bài ra xem, mới thấy trật-lấc, thế mới chết.

Kịp khi lớn lên, bần đạo lại cũng gặp một tay ảo-thuật sừng sỏ khác, là Lm Tiến Lộc CSsR chuyên làm trò tiểu xảo, cũng chìa ra cho mọi người xem nguyên bộ bài “cào”, xào qua/xào lại rồi bảo bé em gần đó rút bất cứ cây nào đưa cho ông để bỏ vào giữa. Bần đạo khi ấy lại thấy có em bé rút được cây “Xì cơ” rồi lật úp đưa cho nhà ảo-thuật tìm. Chẳng biết ảo-thuật-gia Tiến Lộc xào xáo thế nào rồi chìa cho người rút đúng cây bài giấu kín, là cây “Xì cơ” có trái tim cũng rất tình.

Kể chuyện trên, bần đạo muốn nói lên rằng: “Tình người” đầy trữ-tình gồm tóm nơi cây “Xì cơ” dù có là “chuyện muôn mầu”, “thơ sầu”, hoặc bài cào sao đó, vẫn là chuyện của người đời, rất mọi thời.

Kể thế rồi, nay bần đạo đây lại mời bạn/mời tôi, ta nghe tiếp câu hát khác, lại vẫn bảo:

“Tình đẹp tựa mùa thu vàng,

Tình mình nhiều mộng ước miên man.

Tình là một chuyện huy hoàng,

Tình mình là thành nhớ hoang mang.

Yêu nhau khi xuân tươi thắm,

Yêu nhau trong tiếng ca tiếng đàn.

Yêu nhau trong muôn tia nắng,

Yêu nhau trong ánh trăng mơ màng.

Yêu nhau khi sương thu rơi,

Yêu nhau khi hoa lá xanh tươi.

Yêu nhau khi mưa đông rơi,

Yêu nhau Yêu nhau mãi suốt đời.”

(Văn Phụng – bđd)

Có là chuyện gì đi nữa, thì “Tình Người” vẫn là thứ tình đời lúc này lúc khác, rất khác biệt. Có lúc, nó là tình-tự giữa hai người, mà thôi. Có khi, nó lại là thứ tình-tiết của hết mọi người, gửi đến muôn người. Có lần, nó lại là thứ tình phải có như người nhà Đạo vẫn bảo con dân dưới trướng, ở muôn nơi.

Là tình Đạo hay tình đời, cũng vẫn là giòng chảy tình người ở dưới thế, khác với tình của động/thực-vật xinh tươi, bền muôn kiếp.

Tình nhà Đạo hôm nay, gặp lúc có nhiều người thắc mắc hỏi han, để bề trên truyền-tải một định-nghĩa khá chắc nịch.

Nói về “tình muôn mầu” ở nhà Đạo, vừa qua bần đạo lại hân-hạnh được “dự giờ” buổi học tập/bàn luận về chi-tiết nghe hơi lạ. Nay, ghi lại đôi giòng để bạn và tôi, ta san sẻ cho nhau. Sẻ san, bằng những câu/những lời lẽ nghe mãi vẫn không quên/không chán. Chán và quên sao được, khi câu chuyện này lại liên-quan đến mọi người và chính mình.

Thế nên, trước khi đi vào chi-tiết về những tình-tự, mời bạn/mời tôi, ta thử bước vào vườn hoa truyện kể để minh-hoạ, cho nhẹ nhõm.

Truyện rằng:

Đệ tử đi một lúc lại quay lại hỏi Sư Phụ

“Một người đang có bà vợ xinh đẹp, nay bảo người ấy nhường vợ lại cho con có được không?”

Sư phụ trả lời “Không được!”

Đệ tử: “Tại sao?”

Sư phụ: “Vi` nếu được thì ta đã xin nhường trước rồi”.

Đệ tử chới với: “Vậy thì` phải làm sao?”

Sư Phụ điềm tĩnh nói “Con hãy kiếm một cô trinh nữ xinh đẹp hơn để xin hoán chuyển với vợ ông ta.”

Đệ tử suy nghĩ một lúc rồi nói “NO, NO, NO…Bộ tui ngu sao sư phụ?”

Sư phụ: “Thê’ thi` mày là Sư Phụ tao rồi. Dẹp đi con!”

Truyện kể rồi, nay ta đi vào vấn-đề chính là “Tình” của con người trong đó có phần diễn ý như sau:

“Về lịch-sử, và trên thực-tế vẫn thế, giòng đời nhân-loại thấy biến-hoá thứ tình người diễn-biến giữa hai nhân-vật mà Tạo-hoá đã tác-thành, là tình mẹ cha, tức tình mẫu tử và phụ-tử.

Dựa trên nền-tảng này, nhiều nền văn-minh/văn-hoá khác nhau lại đã dựng-xây đời người ở trong đó. Đây, không là chuyện ngẫu-nhiên, huyễn-hoặc mà là cung-cách thực-thụ mà thiên-nhân/vạn-vật đã tìm thấy cho chính nó. Chính phát-xuất tự thứ tình khác-biệt của mẹ cha, mà sự sống của trẻ nhỏ đã xuất-phát và san-sẻ.

Rồi từ đó, tình người phát-triển liên-hồi biến thành thứ tình khác phái này nọ nơi cung lòng của con người ở mỗi phía. Chính từ đây, nảy sinh sự khác-biệt và/hoặc tương-tự ở con người. Là người, mỗi phái-tính hoặc mỗi phía/mỗi bên đều giống nhau vì cùng là con người và cũng khác-biệt nhau qua tư-cách của con người.

Trước nhất, con người tăng-trưởng là do tình người thân-thương nơi tính-chất giống nhau, rất tương-tự về phái-tính, tức thứ tình cùng phái vẫn là chuyện tự-nhiên khi con người thương yêu/mến mộ nhau vì thấy người khác lại cũng giống như mình. Và rồi, theo bản-năng, lại cũng ghét bỏ các khiá-cạnh nào đó khác-biệt mình.

Thành thử, ngay từ buổi đầu đã thấy xuất-hiện sự thể các người anh/người chị một phần nào được xã-hội-hoá cả về tình thương. Con người thời đầu sống theo đoàn-lũ/đám đông, và rồi đoàn ấy lại giết đi vị lãnh-tụ (tức bậc cha/chú) để thay thế. Rồi từ đó, phóng ngoại thuyết tự kỷ của Narcisse chuyên chiêm ngắm nét đẹp của bản thân. Chỉ vào thời sau này, trong lịch-sử nhân-loại, mới có mối tình giữa người khác phái, đã trồi lên. Ở tình này, hàm-ẩn thứ tình-tự mà tiếng Đức gọi là “Aufhebung” (tức tình đậm sâu) xuất khỏi tình tự-kỷ rất Narcisse.

Tình khác phái, lại mới mẻ và chế-ngự thứ tình cùng phái tính, Nhưng, vẫn không hoàn-toàn loại bỏ nhau, dù nhiều người có cảm-giác là mình từng có hoặc phải làm như thế. Đây là thứ tình nào đó cần diễn-tả cho đủ sắc-thái, rất mỹ-miều.

Từ đó đã thấy rằng: Tình gia-đình như ta biết, chỉ phát-triển vào giai-đoạn muộn-màng từ “tình người khác phái” vốn phát-triển cũng khá chậm. Thành thử, tình mẹ/cha cũng như tình mẫu tử và phụ-tử đều ra như thế. Muốn hiểu biết về tình này, cần hiểu rõ tình phu-phụ là tình có cam-đoam/cam-kết sống cả đời. Đây, là cung-cách để ta tiếp-cận những gì khác-biệt với ta, vượt quá cuộc sống ngắn-ngủi của con người. Điều này còn có nghĩa: đây là phương-cách giúp ta giáp mặt được sự chết cũng như sự sống, rất khác-biệt.” (Xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Between two wars, Australian Catholic University Workshop 22/8/2015, tr. 6)

Cuối cùng thì, có đồng ý hay không với thứ “Tình” muôn mầu/muôn sắc rất con người như thế không có nghĩa là: con người của ta sẽ cứ trẻ mãi/không già. Thế nên, lại có thắc-mắc những hỏi rằng “Tình người”còn giữ mãi muôn mầu/muôn sắc hay không, khi về già? Đó là đại-ý của nhận-định ở bên dưới, vốn dĩ cho thấy các sắc mầu thực-thụ của tình người khi về già như sau:

“Khi ta già, không phải già về hình dáng, tuổi tác mà già về nhận thức. Ta dần dần vô cảm với những vui buồn của cuộc sống, với những cuộc gặp gỡ, chia tay vì ta nhận ra đó là những vô thường của cuộc đời, thoáng đến rồi thoáng đi!

Khi ta già, ta không còn những ham muốn của trẻ con, thay vì muốn nổi trội, muốn người khác công nhận thì ta lại muốn tự mình thừa nhận chính mình!

Khi ta già,ta không còn thích so sánh mình với những người khác vì ta hiểu mỗi người luôn có những ưu, khuyết điểm khác nhau, ta sống thật với những suy nhĩ, cảm xúc của mình vì ta hiểu chỉ có ta mới biết ta muốn gì và ta cần gì trong cuộc sống này.

Khi ta già, ta không còn thích chạy theo những mối tình chóng đến, chóng đi, ta luôn muốn tìm một ai đó hiểu mình, một bàn tay luôn nắm lấy tay ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Khi ta già, ta không còn dùng từ ‘nếu mà, giá mà…’ vì ta hiểu có những thứ trong cuộc sống đã xảy ra thì không thể quay ngược thời gian lại, và ta phải chấp nhận, đối mặt với nó.

Khi ta già, ta không còn thích tranh luận vì những quan điểm sống khác nhau, vì ta hiểu mỗi người luôn có một đời để sống, ai cũng có quyền chọn lựa và đi những con đường khác nhau, chỉ cần mỗi chúng ta phải có trách nhiệm  với những gì chúng ta đã chọn và con đường đó không gây ảnh hưởng xấu tới ai.

Khi ta già, ta không nên vội đánh giá một người là xấu hay tốt, đúng hay sai, mà ta hiểu trước tiên là phải nhìn lại mình đã tốt hay chưa, đặt mình vào hoàn cảnh người khác, và ta nên nghĩ ta có quyền phê bình người khác hay không khi mà bản thân ta chưa thật sự tốt?

Khi ta già, nhìn thấy những lỗi lầm của người khác, ta không còn chê trách, chế diễu mà cảm thấy thương họ nhiều hơn và luôn muốn tìm cách giúp họ chuộc lại lỗi lầm. Và chính họ là những là những tấm gương giúp chúng ta phản chiếu, cảnh tỉnh lại chính mình!

Khi ta già, ta chợt nhận ra ý nghĩa của những cuộc gặp gỡ, chia tay, những mất mát, thất bại, thành công trong cuộc sống đều có ý nghĩa riêng của nó!

Khi ta già, ta càng nhớ về quá khứ, trân trọng những kỷ niệm đẹp mà ta đã có, những tình thương yêu mà người khác dành tặng cho ta, ta chợt nhận ra  đã có một thời  vụn vặt, trẻ con; nhìn lại những nỗi buồn với tâm trạng bình thản hơn.

Khi ta già, ta không còn dùng những từ ‘để mai nhé, để sau này’ vì ta hiểu cuộc sống nay không ai biết trước những gì mà ngày mai sẽ xảy ra, và ta sẽ trân trọng hơn những giây phút của hiện tại.

Khi ta già, ta không còn hứa nhiều như trước và không nên hứa khi ta chưa chắc đã giữ được lời hứa đó hay không vì ta hiểu mỗi lời hứa có thể mang lại hy vọng, niềm vui cho ai đó cũng như những nỗi buồn, thất vọng cho họ nếu những lời hứa không được thực hiện.

Khi ta già, ta chợt thấy bình yên khi nhìn nụ cười trẻ thơ,vẻ đẹp trong sáng mà một thời ta cũng vậy. Ta thích ngắm nhìn ngày mới lớn lên, những giọt sương đọng lại trên lá, những bông hoa mới nở, những tia nắng nhạt dần khi hoàng hôn buông xuống.

Khi ta già, ta thầm cám ơn những gì cuộc sống ban tặng cho ta, tình cảm thiêng liêng của gia đình, bạn bè, những người luôn nâng đỡ ta vượt qua những chông chênh của cuộc đời; những thất bại, khó khăn làm ta ngày một trưởng thành. Những người cần sự giúp đỡ của ta giúp ta thấy cuộc sống mình ngày càng ý nghĩa hơn!

Và khi ta thật sự già, ta biết rằng hạnh phúc là cho đi chứ không phải là nhận; yêu thương một ai đó là làm cho họ hạnh phúc, không phải là chiếm hữu. Ta nhận ra mỗi con người đều có những lỗi lầm riêng của mình. Và ta hiểu, tha thứ, khoan dung cho người khác cũng chính là tha thứ, khoan dung cho chính mình. Ta yêu hơn cuộc sống này, yêu thương mọi người cũng như yêu thương chính bản thân ta.”

Như thế là, già đâu không biết, chỉ biết có một điều, rằng: tình người, tình ta và tình của mọi người đối với nhau, sẽ không bao giờ già cả. Đó, là ý-tứ trổi-bật được người viết nhạc, ghi lại những giòng chảy đầy thương yêu rất hết tình, như ở dưới:

“Tình là một chuyện âu sầu
Tình là mình nhiều nỗi thương đau
Tình là một chuyện chia lìa
Tình là mình thổn thức -dêm khuya
Tình đẹp tưạ mùa thu vàng
Tình là mình lệ ướt rơi tuôn
Tình là một chuyện đau lòng
Tình là mình mỏi mắt chờ trông

Yêu nhau chi cho thương nhớ
Yêu nhau chi khiến đôi mắt mờ
Yêu nhau sao không đi tới
Yêu nhau sao đã quên nhau rồi
Yêu nhau chi cho tan mơ
Yêu nhau chi cho mắt hoen mờ
Yêu nhau chi cho thương đau
Yêu nhau chi cho mãi âu sầu.”

(Văn Phụng – Tình)

Tình người, thật ra cũng chẳng “âu sầu mãi” đâu. Bởi, khi đã “yêu nhau (rồi) sao (ta lại) không đi tới?”. Và, khi đã “yêu nhau (rồi) sao (cứ) quên mau?” Phải chăng, là vì quên-lãng nên người nghệ sĩ hôm nay mới nhắc nhở bằng câu hát:

“Đành rằng tình là âu sầu,
Đành rằng tình là nhớ là đau.
Đành rằng tình là chia lìa,
Đành rằng tình là khóc đêm khuya.
Đành rằng tình là ..đau buồn,
Đành rằng lệ mình ướt rơi tuôn.
Đành rằng tình là ..đau lòng,
Đành rằng tình là mãi chờ mong.
Nhưng sao ta mơ yêu mãi,
Nhưng sao ta vẫn thương nhớ hoài.
Mơ yêu đương trong tia nắng,
Say sưa trong ánh trăng mơ màng.
Bâng khuâng khi sương thu rơi,
Cô đơn khi hoa lá tơi bời.
Lang thang khi mưa rơi rơi,
Mơ yêu đương mơ mãi suốt đời……

(Văn Phụng – Tình)

Phải chăng, đó lại là và vẫn là thứ “Tình” cũng rất người, ở ngoài đời? Thế thì, tình người ở nhà Đạo, sẽ ra sao? Trả lời câu này, thiết tưởng bạn và tôi, ta cũng nên tìm vào vườn hoa đầy thứ tình ở Kinh Sách rất trong Đạo có những lời nhủ khuyên, như sau:

“Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em,

đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi.

Khi tôi bị xiềng xích,

cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng,

anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được.

Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi:

tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả,

với tình thương-yêu của Đức Kitô Giêsu.

Điều tôi khẩn khoản nài xin,

là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào,

khiến anh em được ơn hiểu biết

và tài trực giác siêu nhiên,

để nhận ra cái gì là tốt hơn.”

(Phil 1: 7-10)

Nghe lời nhủ khuyên như thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta cứ hăng say hát lại và hát mãi lời người nghệ-sĩ vẫn hát những ý/lời sau đây:

“Tình đẹp tựa mùa thu vàng,

Tình mình nhiều mộng ước miên man.

Tình là một chuyện huy hoàng,

Tình mình là thành nhớ hoang mang.

Yêu nhau khi xuân tươi thắm,

Yêu nhau trong tiếng ca tiếng đàn.

Yêu nhau trong muôn tia nắng,

Yêu nhau trong ánh trăng mơ màng.

Yêu nhau khi sương thu rơi,

Yêu nhau khi hoa lá xanh tươi.

Yêu nhau khi mưa đông rơi,

Yêu nhau Yêu nhau mãi suốt đời.”

(Văn Phụng – bđd)

Vâng. Cứ thế, mà yêu nhau. Yêu mãi yêu hoài thật đậm sâu, rất dài lâu. Yêu thế rồi, tự khắc sẽ thấy niềm vui lây lan đến với mọi người ở đời. Hết mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn muốn nói lên

những lời yêu đương ấy

với chính mình.

Và mọi người.

“Xin hãy yêu tôi, những lòng hoa thắm”,

“Xin hãy yêu tôi, những lòng hoa thắm”,

Xuân đã hồng, thu biếc, tôi làm thơ.”

(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Mai Tá lược dịch

Câu chuyện kể bên dưới, lại cũng giống như bài thơ yêu, lòng hoa thắm ở Châu Phi.

Tôi có quen vị linh mục nọ. Ông được cha chánh-xứ mời đến giảng vào buổi Tiệc Thánh, được cử hành tại giáo-xứ thánh Martin de Porres ở Soweto, Nam Phi. Ông là một trong hai người da trắng duy-nhất sống chung với sáu trăm giáo-dân bản xứ trong cộng-đoàn, ở đây. Ông thuật rằng: khi ông giảng, mọi người ở dưới vừa nghe vừa nhảy múa, còn hát vang, cười thích thú mỗi khi ông kể đôi ba chuyện khôi hài để minh hoạ cho đề tài thần học khô cứng, trong bài giảng.             Chia sẻ có đến mười phút, mà cử-toạ vẫn cố nài ông cho họ nghe thêm dăm ba phút nữa. Ông nói đó là lần đầu trong cuộc đời linh-mục, ông bị chê là giảng-giải ngắn quá sức. Ở Soweto, chia-sẻ Lời Chúa tối thiểu phải kéo ít nhất là 20 phút.Thật ra, thì sức sống và năng-lực của giáo-xứ đây, là chuyện thần-kỳ. Bài giảng dù có ngắn, nhưng thánh-lễ vẫn kéo dài đến hơn hai tiếng. Không ai đi trễ. Chẳng ai vội về sớm, để làm gì.

Hôm nay, Giáo hội mừng Chúa Nhật Truyền-Giáo. Theo truyền-thống, đây là ngày để ta suy ngắm về sứ-vụ rao-giảng Tin Mừng của Chúa, đến với mọi người. Nhiều năm về trước, mỗi khi nguyện-cầu cho ơn gọi Thừa-sai, giáo-hội ở đây thường lạc-quyên hỗ-trợ cho công-cuộc truyền-giáo ở các vùng sâu, vùng xa trên thế-giới.

Hy-vọng là, bằng vào nỗ-lực ấy, người dân ngoài Đạo sẽ hồi-hướng quay về cùng Hội thánh. Hẳn ta còn nhớ ở xứ xa xôi thời ấy, chỉ mất 10 xu thôi, ta cũng có thể cho máy bay được ở thêm 1 phút trên bầu trời ngời sáng. Và, chỉ mất một đô thôi, ta cũng có thêm được ít thuốc thang cho người bệnh, đến cả tuần.

Thiên-Chúa có cách riêng biệt của Ngài để đáp trả ý/lời nguyện-cầu, của mọi người. Ngài đổi ngược cảnh-tình thế-giới để cho thấy: ngày nay, nơi nào là xứ-sở truyền-giáo, mới đúng. Ai là người có nhu-cầu tâm-linh, hơn ai hết.

Không có gì để ngờ-vực nữa, các nước phát-triển nay có trách-nhiệm lớn về tiền bạc/tài chánh đối với người anh người chị, ở nước nghèo. Tính bình-quân, ta sở-hữu quá nhiều. Trong khi mỗi ngày, có đến 31,000 người đang chết dần chết mòn vì thiếu ăn, đói khổ. Ở các nước còn đang mở-mang, thì nơi đây, lại thấy sức sống của Giáo-hội triển-nở dồi-dào, mạnh mẽ hơn. Nơi đây, đang thấy sản sinh ra nhiều ơn gọi. Và ơn tử đạo.

Đến nay, người ta còn thấy quá nhiều quốc-gia đã trồi lên như ngọn nến sáng-soi niềm tin, cho thế-giới. Như Nam Phi chẳng hạn, có đến 80 % dân chúng ở đây, theo Đạo Chúa. Và 60 % dân-cư nơi này vẫn hiên-ngang cất bước đến nhà thờ, ngày của Chúa.

Với cộng-đồng người bản xứ thiếu nghèo đủ mọi thứ, ơn gọi lại cứ phát-triển. Và, con số ngôn-sứ tại xã-hội an-bình, công-minh, ít bạo-động, đang cứ thế dần tăng. Và số lượng các vị quyết sống chết vì đạo, không ngại-ngần hy-sinh cuộc sống của chính mình, để người người thấy được một xã-hội lành-mạnh như thế, đang thành hình.

Thế hệ trước, mỗi khi nói đến thừa-sai rao-giảng, ta thường nói theo giọng-điệu kẻ cả, cha chú. Nói, nhưng vẫn theo giọng/điệu tập-trung mọi sự vào Châu Âu. Để rồi, làm cách nào đó khiến nền văn-hoá bản xứ tàn-lụi dần, trong quên-lãng. Ngày tháng ấy, nay trôi dần vào dĩ-vãng. Hội thánh, nay không còn áp-đặt hình-ảnh một Đức Kitô da trắng nắng hồng khom mình trên các trẻ bé da màu, mà ban phát.

Nhưng, người người đều đã nhận ra rằng: Thiên-Chúa nay vẫn hiện-diện với mọi dân-tộc có bản sắc văn-hoá sáng-chói của một bình-minh đầy văn-minh. Những gì Hội-thánh toàn-cầu mang đến cho các Giáo-hội sở-tại, ngang qua tiền bạc và nhân-sự là để phục-vụ. Là, cơ-hội tốt để ta thực-thi những gì mình từng tuyên-xưng ở đây, nơi này. Ngày của Chúa.

Nếu ta chẳng quan-tâm gì tình-trạng đói-nghèo trên thế-giới, như thế là ta chưa nghe biết gì đến tín-thư của Tin Mừng, hết. Tín-thư ấy, nay là: ta phải “cho đi” mọi của cải riêng tư của mình, dù cần-thiết để sống còn. Cho đi, để tất cả con cái Chúa ở đâu đó, đất miền nghèo đói, có cơ may được học hành, được giúp-đỡ về phúc lợi. Và, được săn-sóc về y-tế.

Điều Chúa muốn, là dân con mọi người được sống có phẩm-cách. Hiểu như thế, thì Tin Mừng Chúa Nhật Truyền-Giáo mới có ý-nghĩa sâu-sắc, để đời. Bởi, đã lâu rồi, ta cứ tưởng rằng mình thuộc về Giáo-hội Công-giáo La-Mã tập-trung mọi sự dồn về cho Âu Châu. Hoặc, trời Tây phây phây, đầy đủ. Bởi thế nên, ta vẫn cứ xử sự theo cung cách của kẻ cả, đối với các Giáo hội sở-tại, còn thấp kém. Và từ đó, coi nền văn-minh khác với văn-minh của mình, như tôi đòi, ở dưới.

Rõ ràng là, văn-hoá rất “Tây” của ta, dù có đủ tính-cách tinh-vi phức-tạp, công-bằng và uyển-chuyển, xem ra đang mất đi thần hồn và thần tính, của chính mình. Các nước phát-triển, nay đã nhanh chóng trở-thành đất miền truyền-giáo rất mới, của thế-giới. Trong mai ngày, các nuớc chậm phát-triển, có lẽ sẽ giúp ta tìm lại được diện-mạo Đức Kitô, trong nền văn-hoá của chính mình. Và, một lần nữa như thế, sẽ giúp ta tìm được con đường. Sự thật. Và sự sống. Của Tin Mừng.

Các nước kém cỏi, cho ta thấy rằng, cả vào khi người người có nhu cầu thiết yếu để mưu cầu cho cuộc sống hằng ngày. Sống cho đúng với nhân cách của con người, dù đang ở vào tình cảnh khó khăn, nhưng yêu thương, để đứng vững trong niềm tin yêu, chung thuỷ. Dĩ nhiên là, việc này không đem đến cho ta cú sốc nào cả.

Bởi, như Đức Giêsu nói với ta hôm nay, -và đây mới là điều cần thiết- là: không ai, không có gì, và không nền văn-hoá nào được phép thống-trị người khác. Không được phép trở-thành cơ-chế độc-đoán, với bất cứ một ai. Chí ít là văn-hoá khác mình. Điều, làm cho cộng-đồng dân con Đạo Chúa trở thành những con người cao cả, là lòng khiêm hạ độ lượng. Độ-lượng, trong phục-vụ, khiêm hạ, cả trong lúc được người khác phục -vụ mình, nữa.

Trong cảm-nghiệm những điều như thế, nay ngâm nốt bài hơ còn ngâm dở, vẫn hát rằng:

“Xin hãy yêu tôi, những lòng hoa thắm,

Xuân đã nồng, thu biếc, tôi làm thờ.

Cửa phòng tôi giăng lưới nhện mong chờ,

Buồn phơ-phất mới trông chiều, ngóng gió.”

(Đinh Hùng – Xin Hãy Yêu Tôi)

Có lẽ, đó sẽ là và còn là sự khác biệt giữa người ở châu Âu, châu Phi và châu nào khác, trong yêu-thương, phụng thờ Đức Chúa, với tấm lòng trong trắng, cũng rất thơ. Đó, cũng sẽ là sự khác-biệt trong cảm-nhận tình yêu-thương nồng-thắm nơi dân con của Chúa, vẫn vui tươi trong thờ phụng và hăng say giùm giúp, đỡ nâng. Đó chính là tình yêu. Là, niềm tin đích-thực của mọi người. Trong đời.

Lm Richard Leonard sj biên soạn  –

Mai Tá lược dịch

Tin Mừng (Mc 10: 35-45)

Khi ấy, hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói:“Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi:”Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa:“Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Đức Giêsu bảo:”Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp:”Thưa được.” Đức Giêsu bảo:”Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”

Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC

KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC

Tác giả:  Huệ Minh

Kn.7, 7-11; Dt.4, 12-13; Mc.10, 17-30

Ta vừa được nghe lại câu chuyện khá thú vị về cuộc gặp gỡ hay nói đúng hơn là cuộc trao đổi giữa Chúa Giêsu và chàng thanh niên.

Thánh Máccô ghi lại rằng đây là chàng thanh niên nhưng có lẽ chàng thanh niên này lại là chàng rất đặc biệt. Đặc biệt bởi lẽ ở tuổi xuân thôi nhưng anh lại nghĩ đến đời sau. Chính vì thế, anh ta không ngần ngại hỏi Chúa Giêsu : “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”

Nghe câu hỏi thật lý thú, Chúa Giêsu không trả lời ngay câu hỏi của anh nhưng Chúa Giêsu trả lời khác đi một tí : “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”.

Nghe như vậy, chàng trai cũng hết sức thẳng thắn, chàng bộc bạch : “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.

Phải nói rằng, có lẽ Chúa Giêsu cũng khá sốc bới lẽ dường như chưa bao giờ trong đời mà Chúa lại gặp một chàng trai trẻ mà lại ngoan ngoãn đạo đức đến như vậy. Nhìn thấy anh và nhất là câu trả lời của anh để rồi ta nhìn thấy ánh mắt của Chúa Giêsu thật dễ thương. Thánh Máccô kể tiếp : Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”.

Câu chuyện đang hay bỗng dưng kết thúc và theo như ngôn ngữ bình thường là kết thúc không có hậu bởi lẽ chàng thanh niên đã bỏ đi vì buồn. Không buồn sao được khi anh ta có quá nhiều của cải.

Thoạt đầu ta thấy anh ta khôn để hỏi về sự sống đời đời nhưng rồi sau đó xem chừng ra anh ta dại.

Ở đời, cần lắm sự khôn ngoan để minh định về cuộc đời, để định hướng cho mình một lối sống.

Trang sách Khôn ngoan mà chúng ta nghe ở bài đọc thứ nhất đó chính là lời của Salomon. Ông nổi tiếng thông minh nhất đời, ít là theo ý kiến người Dothái. Không phải tự ông có sự khôn ngoan vượt bực ấy. Ông đã xin cùng Thiên Chúa và Người đã thương ban cho ông vì ông biết quý nó hơn hết mọi sự ở đời.

Nói về điểm này, ta thấy ông đã nói đúng. Sách Các Vua quyển I còn kể (3,4-14): khi mới lên ngôi, Salomon đã đến Gabaon, một thánh điện nổi tiếng thời bấy giờ. Ông dâng có cả hàng nghìn tế vật lên Thiên Chúa. Người đã hiện ra với ông và hỏi ông xin gì? Ông khiêm tốn thú nhận mình còn trẻ trung mà phải cai trị một dân tộc “đông đúc”; nên ông không xin điều gì khác ngoài một lòng trí biết nghe lời Chúa để trị dân và phân biệt phải trái mà thôi.

Có thể nói rằng may mắn cho ông vì điều ông xin đã đẹp ý Chúa và Salomon đã nhận được ơn khôn ngoan.

Câu đầu của đoạn sách hôm nay nhắc lại câu chuyện ấy. Và những câu sau làm chứng Salomon đã nhớ kỹ những lời Chúa phán hôm ở Gabaon. Người bảo: vì ngươi đã xin sự khôn ngoan chứ không xin được sống lâu giàu bền hay là chiến thắng trên quân thù nên Ta se cho ngươi một lòng trí khôn ngoan đến nỗi trước và sau ngươi không có ai trong thiên hạ khôn ngoan bằng ngươi. Salomon đã nhớ lời này. Ông hằng suy niệm. Và hôm nay trong đoạn sách Khôn ngoan chúng ta vừa nghe, ông lặp đi nói lại rằng ông quý sự khôn ngoan hơn hết. Sức khỏe và sắc đẹp, vàng bạc và ánh sáng, tất cả đều như cát mạt sánh với sự khôn ngoan. Ðược nó là có mọi sự vì nó nắm giữ mọi sự trong tay.

Ðối với Salomon, khôn ngoan là một sự gì rõ rệt. Ðó là tài cai trị dân theo đúng ý Chúa. Nói đúng hơn đó là ơn trung thành biết lắng nghe lời Chúa và hiểu ý Người để lãnh đạo dân. Sự khôn ngoan đó chắc chắn không dành cho mọi người. Và không phải ai ai cũng cần cầu xin ơn ấy. Khôn ngoan khuyên bảo hết thảy chúng ta ao ước sự khôn ngoan, thì nó muốn nói đến sự khôn ngoan nào?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời chút nào cả. Theo dõi sách Khôn ngoan từ đầu tới cuối, chúng ta thấy tác giả không bao giờ định nghĩa sự khôn ngoan bằng những công thức cụ thể. Dường như khôn ngoan là một huyền nhiệm. Người ta phải cố gắng mon men tới gần. Và tùy như mức cải tạo thực hiện được khi tiến lên với đức khôn ngoan, người ta mới hiểu thêm được và lãnh nhận dần được ơn cao cả này.

Và cuối, ta có thể nói, khôn ngoan chính là Thiên Chúa, là thần trí của Người, là sự sống của Người, không phải như một thực tại ở xa chúng ta, nhưng đang muốn đến với chúng ta để làm cho chúng ta nên khôn ngoan hơn, tức là thánh thiện hơn và do đó hạnh phúc hơn.

Qua đây, ta lại có cơ hội để nhìn lại mình để xem ta khôn ngoan ở mức độ nào và khôn ngoan như thế nào ? Ta khôn ngoan theo kiểu thế gian hay khôn ngoan theo kiểu người đời.

Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,

mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,

cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.

Cơn giận Ngài, ai lường được sức mạnh,

trận lôi đình, ai hiểu thấu căn nguyên ?

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,

ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. (Tv 89, 10-12)

Cuộc đời con người là như vậy. Dù giàu dù nghèo và gia tài kếch xù như chàng thanh niên đi chăng nữa cũng sẽ phải ra đi, sẽ phải khuất chứ không thể nào lột da sống đời để hưởng thụ. Chính vì thế, ta lại cần đi tìm sự khôn ngoan theo kiểu của Thiên Chúa. Khôn ngoan theo kiểu của Thiên Chúa đó là ta được mời gọi bán mọi sự để theo Chúa.

Vẫn là con người, vẫn mang trong mình những bám víu của trần gian. Ta lại xin Chúa thêm ơn cho ta để ta từ bỏ những gì làm cho ta không thanh thoát, những gì làm ta không đến gần Chúa được.

Tác giả:  Huệ Minh

CẦU NGUYỆN BẰNG CHUỖI MÂN CÔI

CẦU NGUYỆN BẰNG CHUỖI MÂN CÔI

 ĐGM Gioan B Bùi Tuần

 Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân côi. Suốt tháng này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Mân côi chính là hoa hồng. Như thể, bằng chuỗi Mân côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.

Lịch sử chuỗi Mân côi là một hành trình dài. Hành trình đó mang nhiều gợi ý. Những gợi ý này có thể giúp chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi một cách sốt sắng, vừa hợp với truyền thống, vừa sát với thời sự.

Chuỗi Mân côi đốt lên lửa mến

Lịch sử cho thấy kinh Mân côi được thành hình do động lực sùng kính Đức Mẹ. Người được nhắc tới nhiều trong lịch sử kinh Mân côi là thánh Đaminh, đấng sáng lập Dòng Giảng thuyết. Ngài qua đời năm 1221. Một số tài liệu quả quyết rằng chính Đức Mẹ đã trao cho thánh Đaminh chuỗi Mân côi. Xung quanh thánh Đaminh còn một số tu sĩ nhiệt thành, như tu sĩ Dominique dòng Chartreux thành Trèves, tu sĩ Alain de la Roche dòng Đaminh thành Lille.

Các vị này đã có những đóng góp quan trọng. Tất cả các ngài đều là những tông đồ của Đức Mẹ. Với lòng xác tín, hăng hái, nhiệt thành, các ngài rao giảng, truyền bá kinh Mân côi. Trước hết là trong các cơ sở Dòng, sau là tại các giáo xứ của nhiều giáo phận Âu Châu.

Phong trào đọc kinh Mân côi sau đó được tổ chức thành các hiệp hội. Các người trong hiệp hội liên đới với nhau bằng chia sẻ đời sống thiêng liêng. Nhận thấy phong trào kinh Mân côi đem lại nhiều kết quả lớn lao và mau lẹ cho đời sống đức tin, Toà Thánh đã công nhận, khuyến khích và ban nhiều ân xá.

Năm 1475, tại Cologne, chính hoàng đế nước Đức là Fredéric III, hoàng hậu và hoàng tử đã xin ghi tên vào hội kinh Mân côi. Nhờ vậy, chuỗi Mân côi có thêm uy tín. Uy tín đó không phải là lý do để phong trào kinh Mân côi lan rộng. Lý do lan rộng chính là tính cách Kinh Thánh và bình dân của chuỗi Mân côi.

Các lời kinh của chuỗi Mân côi đều được đúc kết từ Kinh Thánh. Các mầu nhiệm suy gẫm trong chuỗi Mân côi cũng được rút ra từ Kinh Thánh. Số 150 kinh Kính Mừng cũng là để nhớ lại số 150 thánh vịnh của Cựu Ước.

Tuy nền tảng là Kinh Thánh, nhưng chuỗi Mân côi được sắp xếp một cách bình dị, dễ đọc, dễ hiểu, hợp với bình dân. Miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tay lần chuỗi hạt, đó là một hình thức đạo đức bình dân thấy có ở nhiều tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Hồi giáo. Với hình thức đạo đức này, kinh Mân côi đã đốt lên lửa mến trong các tâm hồn. Nhiều tâm hồn trước kia nguội lạnh đã được ơn trở về.

Chuỗi Mân côi thắp sáng niềm hy vọng cứu độ

Lịch sử cho thấy: Khi khấn cầu ơn nọ ơn kia, nhiều người đã dựa vào chuỗi Mân côi như một nguồn để tìm sức mạnh cậy trông.

Năm 1571, trước cơn đe dọa đạo Chúa bị tàn phá, Đức Thánh Cha Piô V, đã truyền cho Hội Thánh cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi, với hy vọng Chúa sẽ cứu. Khấn cầu đó đã được Chúa chấp nhận. Chiến thắng ở vịnh Lepante ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã là cơ sở để Đức Thánh Cha thiết lập lễ Đức Mẹ Mân côi. Hằng năm cứ đến ngày 7 tháng 10, Hội Thánh đề cao chuỗi Mân côi như một nguồn hy vọng.

Năm 1629, trước cơn dịch tả nguy hiểm lan rộng trên nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci đã lập ra chuỗi Mân côi liên tiếp. Thầy tính rằng: Mỗi năm có 8.760 giờ. Căn cứ vào đó, thầy làm ra 8.760 tấm vé. Mỗi vé ghi tháng, ngày, giờ, rồi cho rút thăm. Ai được vé nào thì cam kết đọc chuỗi Mân côi tháng ngày giờ đó. Mục đích có ý xin ơn chết lành cho những người hấp hối, xin ơn trở lại cho những người tội lỗi, xin ơn bình an cho các dân tộc.

Từ sáng kiến đó, phong trào kinh Mân côi liên tiếp được thành lập và lan rộng. Năm 1657, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII chấp nhận phong trào đạo đức này, và ban cho nhiều ân xá.

Năm 1826, trước nhu cầu truyền giáo cho các vùng xa xôi, bà Pauline Jaricot, thành Lyon, đã có sáng kiến lập ra phong trào “Kinh Mân côi sống.” Cứ 10 nguời thì thành một nhóm nhỏ. Mỗi người trong nhóm cam kết đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Hơn nữa, mỗi người trong nhóm sẽ tìm thêm 5 người. Năm người này cũng hứa đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Và cứ thế nhân lên số người đọc kinh Kính Mừng.

Mỗi tháng, bà Pauline phổ biến cho các nhóm một bản suy gẫm Lời Chúa, hướng về truyền giáo.

Đầu thế kỷ XX, trước tình hình suy giảm đức tin tại Pháp, cha Joseph Eyquem lập ra những hội Mân côi. Sinh hoạt của những người theo hội này cũng là đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Ngoài ra, họ họp nhau mỗi tháng một lần. Cuộc họp không tổ chức ở nhà thờ, nhưng ở nhà tư, lúc ở nhà này, khi ở nhà khác. Cuộc họp gồm đủ mọi thành phần. Những tín hữu bình thường, những người ly dị, những người rối vợ rối chồng, những người xa tránh các bí tích. Họ cầu nguyện, trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua các thử thách.

Nói chung, khi gặp những khó khăn nguy hiểm, cả trong đạo lẫn ngoài đời, người ta đã chạy lại với Đức Mẹ. Họ khẩn cầu Mẹ bằng chuỗi Mân côi. Và thực sự chuỗi Mân côi đã đem lại cho các tâm hồn những hy vọng lành thánh.

Chuỗi Mân côi mở kho tàng trái Tim Đức Mẹ

Trước đây, chuỗi Mân côi được truyền bá bởi các thánh, và Hội Thánh. Nay, chính Đức Mẹ lên tiếng.

Tại Fatima, khi hiện ra với ba trẻ, Phanxicô, Giacinta và Lucia, Đức Mẹ đã mang chuỗi Mân côi. Đức Mẹ cũng đã khuyên người ta hãy năng cầu nguyện kinh Mân côi.

Tại Fatima, Lộ Đức và những nơi hành hương, chuỗi Mân côi ví như những chuỗi hoa hồng của các trái tim không ngừng dâng lên Đức Mẹ. Còn Đức Mẹ, thì luôn mưa những hoa hồng thiêng xuống cho các người chân thành cầu khấn. Hoa hồng nói đây là những ơn phúc phần hồn phần xác. Ơn phúc đủ loại, nhất là ơn sám hối, ơn trở về với Chúa, ơn đổi mới cuộc đời, ơn đi sâu vào Phúc Âm, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa để trở thành cộng tác viên đắc lực của Đức Mẹ đồng công cứu chuộc.

Các ơn Đức Mẹ ban qua chuỗi Mân côi phát xuất từ trái tim Đức Mẹ. Trái tim ấy đầy tình thương và cũng đã chịu nhiều đau đớn, để cùng với Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh trên thánh giá. Vì thế có thể nói, các ơn đó đến từ trên, và chảy vào trong nội tâm mỗi người. Với nhận thức đó, chúng ta hiểu ý nghĩa lời Đức Mẹ nói với Bernadette ở Lộ Đức: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau.” Tuy nhiên, ngay ở đời này, những ai lần chuỗi Mân côi, cũng sẽ được Đức Mẹ thương ban ơn, cách này hay cách khác.

Hiện nay, cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Kinh Mân côi sẽ giúp chúng ta tìm được lối thoát. Lối thoát sẽ từ trên trái tim Đức Mẹ mà xuống và từ trong nội tâm ta mà ra. Nội tâm ta cầu nguyện sám hối. Trái tim Đức Mẹ sẽ làm chứng một cách sống động lời thiên thần đã nói với Đức Mẹ xưa: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

ĐGM Gioan B Bùi Tuần