Chặng Đàng Thứ Chín- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba-Cha Vương

Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày Lễ Tạ Ơn. Một con tim biết ơn là một con tim hạnh phúc. Chúc bạn và gia đình tràn đầy hạnh phúc trong Chúa.

Cha Vương

Chặng Đàng Thứ Chín- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

* CĐTG do ĐGH Benedict XVI biên soạn, Lm. Gioan Trần Công Nghị dịch.

LỜI CHÚA: Trích sách Ai Ca (Ac 3:27-32)

Cũng là một điều hay cho người nào / phải mang ách từ khi còn trẻ. Khi chính Chúa bắt nó phải mang, / nó hãy cứ ngồi im lặng một mình,

cứ đặt miệng nó trong bụi đất / – may ra còn chút hy vọng nào chăng – / nó cứ đưa má cho kẻ tát, / chuốc lấy cho mình đầy nỗi nhuốc nhơ. / Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi: / có làm khổ, Người cũng xót thương, / vì Người vốn từ bi cao cả.

SUY NGẮM: Ngã xuống đất lần thứ ba có thể nói cho chúng ta điều gì? Chúng ta đã suy xét đến sự sa ngã con người một cách chung, và sự sa ngã của nhiều người Kitô hữu xa rời Đức Kitô và đi vào chủ nghĩa trần tục vô thần. Chúng ta có nên không nghĩ đến Chúa Kitô đã chịu đau khổ trong chính Giáo Hội của người biết chừng nào không? Đã bao lần Sự Hiện Diện của người trong Bí Tích Thánh bị lạm dụng, đã bao lần chúng ta đến với một tâm hồn trống rỗng và gian ác! Đã bao lần chúng ta chỉ cử hành một mình mà không nhận thức đến người đang hiện diện ở đó. Đã bao lần Lời Chúa bị xuyên tạc và bị lăng mạ! Đức tin tầm thường nào đã hiện diện đằng sau quá nhiều học thuyết, quá nhiều những lời nói hão huyền! Đã có bao nhiêu rác rưởi nằm trong Giáo Hội và ngay cả những người trong thiên chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về người! Bao nhiêu sự kiêu căng, bao nhiêu điều tự phụ! Sự tôn kính không đáng kể nào mà chúng ta đã dành cho Bí Tích Hòa Giải, nơi mà người đang đợi chờ chúng ta, người sẵn sàng nâng đỡ chúng ta lên bất cứ khi nào chúng ta sa ngã! Tất cả điều này hiện diện trong cuộc Thương Khó của người. Sự phản bội của các môn đồ, rước Mình và Máu Chúa không xứng đáng, chắc chắn là sự đau khổ cực độ nhất mà Đấng Cứu Chuộc cam chịu; nó đâm thấu con tim của người. Chúng ta chỉ có thể kêu cầu đến người từ đáy lòng của chúng ta: Kyrie eleison- Lạy Chúa xin thương xót chúng con (x Mt 8: 25).

LỜI NGUYỆN: Lạy Chúa, Giáo Hội của Chúa thường giống như một con thuyền sắp đắm chìm, một con thuyền bị đắm nước mọi bề. Trên cánh đồng của Chúa, Chúng con nhìn thấy nhiều cỏ dại hơn là lúa. Quần áo và gương mặt của Giáo Hội Chúa bị dơ bẩn đã làm chúng con hoang mang. Vâng chính chúng con đã làm nhơ bẩn! Đó là chúng con đã phản bội Chúa bao lần, qua tất cả những lời nói kiêu căng và những hành xử trang trọng. Xin thương xót trên Giáo Hội của Chúa; trong Giáo Hội nữa, Adam tiếp tục sa ngã. Khi chúng con sa ngã, chúng con đã thực sự kéo lê Chúa và Satan cười cợt vì nó hy vọng Chúa sẽ không thể trỗi dầy từ sự sa ngã đó; nó hy vọng Giáo Hội bị sa xuống trong sự xa ngã, Chúa sẽ bị liệt và bị áp chế. Nhưng Chúa sẽ trỗi dậy một lần nữa. Chúa đứng đó, Chúa đứng lên và Chúa có thể nâng chúng con lên. Xin cứu và thánh hóa Giáo Hội của chúa. Xin cứu thoát và thánh hóa tất cả chúng con.

Lạy Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa,  xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.

From: Do Dzung

************************

Thương Con Chúa Ơi (Sáng tác: Br. Micaen Trương Thanh Tú) – Kim Tuyến

TẤM LÒNG THANH _ Trầm Thiên Thu

Trầm Thiên Thu

Mừng Chư Thánh Hiển Vinh Nơi Thiên Quốc

Xót Các Hồn Thanh Luyện Chốn Ngục Hình

Theo lẽ thường thì “xa mặt, cách lòng.”  Hầu như các mối quan hệ đều có “điểm chung” như vậy.  Chẳng hạn, họ hàng cùng cấp độ, nhưng với người ở gần thì mức độ tình cảm khác với người ở xa.  Tuy nhiên, về phương diện tâm linh không như vậy, đặc biệt là tâm linh Kitô giáo.

Thật vậy, Tháng Mười Một xác định cái “lý lẽ” đó: Các thánh và những người đã qua đời là những người ở rất xa, thế mà họ vẫn rất gần chúng ta – thậm chí còn gần hơn khi họ còn sống trên thế gian này.

Họ ở hai nơi khác nhau như họ đều là các thánh nhân, chỉ khác tình trạng một chút: ĐÃ sạch và CHƯA sạch, ĐÃ là thánh và chắc chắn SẼ là thánh.  Cầu nguyện với các thánh là điều rõ ràng rồi, nhưng chúng ta vẫn có thể cầu xin các linh hồn giúp đỡ chúng ta, mặc dù họ không thể tự giúp chính họ được nữa.  Cầu nguyện với các linh hồn hiệu quả lắm – nhất là trong Mùa Cầu Hồn này.

  1. THANH SẠCH

Các thánh trên Thiên Đàng là những người đã thanh sạch.  Chắc chắn như vậy, bởi vì không thanh sạch thì không thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa và không được đến gần Ngài.

Tv 24:3-6 cho biết: “Ai được lên núi Chúa?  Ai được ở trong đền thánh của Người?  Đó là kẻ TAY SẠCH LÒNG THANH, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.  Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.  Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.”  Người sống thanh sạch là người được công chính hóa, và còn thêm ích lợi khác: “Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được thêm sức mạnh.” (G 17:9b)

Nói đến lòng thanh sạch, chúng ta có thể nhớ ngay tới người trưởng thu thuế là ông Da-kêu mà trình thuật Lc 19:1-10 đề cập.  Ông là một người lạ lùng lắm.  Tên Da-kêu là Zacchaeus, Hy ngữ là Ζακχαῖος hoặc Zakchaios, có nghĩa là TRONG SẠCH và CÔNG CHÍNH.  Cái tên rất đặc biệt, rất ý nghĩa.  Nhưng không chỉ là cái tên suông, mà chính ông đã thực hiện ngay lập tức.  Ông nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”  Câu nói của ông cho thấy rằng ông làm một lúc hai việc: Bác Ái và Đền Tội.  Ông bác ái bằng cách dùng phân nửa tài sản để giúp người nghèo, và đền tội bằng cách đền gấp bốn những gì ông đã tham lam bằng cách nào đó.

Các thánh cũng đã một thời là phàm nhân, nghĩa là cũng có thể phạm tội, nhưng các ngài đã mau mắn sám hối và đền tội.  Ngày xưa người ta có cách “đánh tội” khá phổ biến, tức là lấy dây và tự đánh mình, có khi rỉ máu ra, đã có nhiều vị thánh áp dụng “biện pháp” này.  Chịu đau khổ là cách đền tội ở đời này và hiệu quả, chịu đau khổ như vậy để mong không phải vào Luyện Hình – tức là “lên thẳng” và vào Thiên Đàng ngay.

Là phàm nhân đồng nghĩa với là tội nhân.  Là tội nhân nghĩa là “dơ bẩn” lắm.  Nếu dơ bẩn thì phải giặt cho sạch, tốt nhất là “giặt” bằng Bửu Huyết của Đức Giêsu Kitô.  Các thánh là những người “đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.” (Kh 7:14)  Và đó là điều diễm phúc: “Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây Sự Sống và qua cửa mà vào Thành!” (Kh 22:14)

Đền tội là điều tự nguyện, nhưng vẫn phải nhờ ơn Chúa giúp sức: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.” (Tv 51:12)  Đền tội là hoàn thiện theo ý Chúa, không cần bề ngoài, mà cần tự đáy lòng: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv 51:19)  Thế là hết bẩn, thế là được sạch, được sạch thì thoát “ngưỡng” Luyện Hình.  Thật tuyệt vời biết bao!

  1. THANH LUYỆN

Các linh hồn nơi Luyện Hình là những người chưa thanh sạch, vì thế mà cần thanh luyện một thời gian để có thể xứng đáng bước vào Thiên Đàng.  Luyện Hình như “phòng chờ” đến lượt nhận phần thưởng đời đời.  Ở “phòng chờ” lâu hay mau tùy mức độ “dơ bẩn” nhiều hay ít.  Vào Luyện Hình là chắc chắn được vào Thiên Đàng.

5 Ways to Pray for the Holy Souls in Purgatory

Luyện Hình còn gọi là Luyện Ngục – nơi thanh tẩy linh hồn trở nên sạch sẽ, thanh luyện tới mức tinh tuyền.  Chính cái tên gọi cho thấy đó là nơi đau khổ.  Nên nhớ rằng hình phạt ở Luyện Hình cũng đau khổ như ở Hỏa Ngục, không hề “nhẹ nhàng” hơn.  Có điều khác nhau là đau khổ ở Luyện Hình có giới hạn, linh hồn chịu thanh luyện đủ mức thì được lên Thiên Đàng; còn đau khổ ở Hỏa Ngục vô hạn, “mất trắng” đời đời, phải “khóc lóc và nghiến răng” vĩnh viễn.  Lửa ở hai nơi đó không như lửa ở thế gian; so với lửa ở hai nơi đó thì lửa ở thế gian chỉ như “gió nhẹ hiu hiu” mà thôi.  Thật đáng sợ!  Thế nên Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hãy biết RUN SỢ mà GẮNG SỨC lo sao cho mình được cứu độ.” (Pl 2:12)

Gọi là hình phạt nhưng không phải là Thiên Chúa không nhân từ, mà đó là hồng ân thương xót của Ngài.  Chính hình phạt đó là sự công bằng của Thiên Chúa, bởi vì tại chúng ta chiều chuộng mình, thích dễ dãi, khoái ung dung, sợ khó, sợ khổ, không chịu “tu thân” ở đời này, thế nên phải chịu thanh luyện ở Luyện Hình.  Phải vào Luyện Hình cũng là diễm phúc rồi.  Không phải vào đó thì quá tuyệt vời rồi. nhưng làm sao có thể “lên thẳng” chứ?  Cố gắng thanh luyện mình ở đời này, tức là sống đền tội ở thế gian.  Nhưng “phương pháp” tự thanh luyện ở đời này là gì?  Thánh Phêrô cho biết: “Nhờ VÂNG PHỤC sự thật, anh em đã THANH LUYỆN tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành.” (1 Pr 1:22a)

Chấp nhận sự hèn yếu của mình cũng là cách tự thanh luyện – đền tội liên lỉ, đền tội bền bỉ, đền tội không nghỉ.  Thánh Phaolô nói: “Trong một ngôi nhà lớn, không phải chỉ có những đồ vật bằng vàng bằng bạc, nhưng cũng có những đồ vật bằng gỗ bằng sành; thứ thì dùng vào việc cao quý, thứ thì dùng vào việc thấp hèn.  Vậy ai THANH TẨY mình cho sạch những điều xấu nói trên, người đó sẽ là một đồ vật dùng vào việc cao quý, một đồ vật được thánh hiến, có ích cho chủ, sẵn sàng làm mọi việc lành.” (2 Tm 2:20-21)

Biblical Cookware and Crockery - TheTorah.com

Không phải vào Luyện Hình có thể là phúc hoặc khốn.  Có thể “vào thẳng” nơi nào đó: Không phải vào Luyện Hình là PHÚC nếu vào thẳng Thiên Đàng, không phải vào Luyện Hình là KHỐN nếu vào thẳng Hỏa Ngục.  Những kẻ khốn là ai?  Thánh Phaolô nói: “Anh em phải biết rõ điều này: KHÔNG một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa.  Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ KHÔNG VÂNG PHỤC.” (Ep 5:5-6)

Thánh Antôn Padua, tiến sĩ Phúc Âm, có lời khuyên cấp bách: “Ngay hôm nay, anh em hãy làm một việc tốt cho người mà anh em không ưa.”  Đó là thiện cử rất phù hợp với khuyến cáo của Chúa Giêsu Kitô: “Hãy yêu kẻ thù cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em, và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” (Mt 5:44; Lc 6:27)  Đó không chỉ là sống yêu thương, thi hành luật bác ái, mà còn là cách tự thanh luyện ở đời này để hy vọng không phải vào Luyện Hình – dù chỉ một thoáng.

Chúa Giêsu yêu thương mọi người, muốn ai cũng được ở với Ngài đời đời kiếp kiếp.  Thật vậy, chính Ngài đã cầu xin với Thánh Phụ: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” (Ga 17:24)

Tháng Mười Một – Tháng Cầu Hồn, và các ngày Thứ Hai trong tuần, là cơ hội tốt để chúng ta nhớ đến những người đã khuất bóng trần gian.  Cầu nguyện cho họ cũng là cầu nguyện cho chính mình.  Khi hiện ra tại Fátima năm 1917, Đức Mẹ dạy cầu nguyện cho các linh hồn: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.” (Lời Nguyện Mân Côi sau mỗi chục Kinh Kính Mừng) Không có linh hồn nào mồ côi đâu!

Lạy Thiên Chúa công bình như giàu lòng thương xót, con đã phạm bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu lần con đã phản nghịch, đã đắc tội với Ngài, xin cho con được biết.  (G 13:23) Xin thêm các nhân đức đối thần và đối nhân để con có thể tôn vinh Ngài trong cuộc sống đời thường, mặc dù con hèn hạ với thân tro kiếp bụi.  Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.  Amen.

Trầm Thiên Thu

From: Langthangchieutim


 

TOẢ SÁNG_Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Bà này túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân!”.

Một người đi lạc trong sa mạc, sắp chết vì khát, anh phát hiện một túp lều. Lê gót tới, anh thấy một bơm nước hoen rỉ. Anh cố vận hành cần bẫy, không một giọt. Tuyệt vọng! Bỗng anh nhìn thấy ở góc lều một chai nước đóng kín, bên ngoài ghi, “Muốn bơm hoạt động, hãy đổ hết vào bơm. Làm đầy nó trước khi rời đi!”. Đắn đo, anh đổ nước vào bơm; và khởi động. Điều kỳ diệu đã xảy ra! Anh uống từng ngụm, chứa đầy các túi. Trước khi rời bước, anh đổ đầy nước vào chai, và không quên ghi thêm, “Tin tôi đi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, hình ảnh người lữ khách được gặp lại nơi một bà goá liều lĩnh. Họ là những con người ‘liều mất sự sống’ đã ‘kéo dài sự sống’. Với Chúa Giêsu, họ là những con người ‘toả sáng’ vì “Đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có để nuôi thân!”.

“Theo một nghĩa nào đó, Giáo Hội như một bà goá đang đợi Phu Quân của mình trở lại. Bà tỏ ra không quan trọng, tên của bà không xuất hiện trên báo chí, không ai biết đến bà. Bà không có bằng cấp, không có gì cả. Bà không toả rạng bằng chính ánh sáng của mình; tương tự như thế, Giáo Hội không toả rạng bằng chính ánh sáng của mình, nhưng Giáo Hội phản chiếu và ‘toả sáng’ ánh sáng đến từ Đức Phu Quân!

Suốt nhiều thế kỷ, khi Giáo Hội muốn có ánh sáng của riêng mình, Giáo Hội đã sai! Giáo Hội nhận nó từ Chúa và tất cả những gì chúng ta làm là giúp Giáo Hội nhận được ánh sáng đó. Khi một buổi lễ thiếu ánh sáng này, thật không tốt, nó khiến Giáo Hội trở nên giàu có, quyền lực, tìm kiếm quyền lực, hoặc lạc lối, như đã xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử và điều đó có thể đang xảy ra khi chúng ta muốn có một ánh sáng khác: ánh sáng riêng, mà thực ra không phải là ánh sáng của Chúa.

Nhưng một khi Giáo Hội khiêm nhường và nghèo khó, và ngay cả khi thú nhận những bất hạnh của mình – tất cả chúng ta đều có những bất hạnh đó – thì Giáo Hội vẫn trung thành. Giáo Hội như đang nói, “Tôi tối tăm, nhưng ánh sáng đến với tôi từ đó!”. Và điều này thật tốt lành! Hãy cầu nguyện với bà goá này – người chắc chắn đang ở trên thiên đàng – để bà dạy chúng ta trở nên một Giáo Hội như Chúa muốn, từ bỏ tất cả những gì mình có và không giữ lại bất cứ điều gì cho riêng mình; thay vào đó là trao tặng tất cả cho Chúa, cho người lân cận. Luôn khiêm nhường và không khoe khoang ánh sáng của riêng mình, nhưng luôn tìm kiếm nó từ Chúa và ‘toả sáng’ Ngài!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Bà đã bỏ vào đó tất cả những gì mình có để nuôi thân!”. Bà goá và người lữ khách đã trở thành những con người ‘kéo dài sự sống’. Cả chúng ta, để kéo dài sự sống Kitô và ‘toả sáng’ Ngài, hãy cho đi! Cho đi của cải lẫn tinh thần, khối óc lẫn con tim, tri thức lẫn lòng thương xót… và nhất là cho đi chính “Giêsu!”. Để được vậy, trước hết, hãy đầy ắp Ngài bằng cách mạo hiểm đánh cược đổ vào ‘đài Giêsu’ những gì chúng ta ‘có’, những gì chúng ta ‘là’. Điều này đôi khi còn đòi hỏi nhiều hơn một “chai nước”; đó là cái tôi, ý riêng và bao ươn hèn! Bởi lẽ, ích kỷ chỉ làm co quắp; quảng đại luôn làm cao thượng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên ‘co quắp’ và con chỉ biết ‘phủ tối’; dạy con trở nên ‘cao thượng’ hầu có thể ‘toả sáng’ Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***********************************

Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên, Năm Chẵn

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giê-su nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: “Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”.


 

Chặng Đàng Thứ Bảy- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai-Cha Vương

Thứ 7 mọi sự tốt đẹp trong sự quan phòng của Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 23/11/2024

Chặng Đàng Thứ Bảy- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

*CĐTG do ĐGH Benedict XVI biên soạn, Lm. Gioan Trần Công Nghị dịch.

LỜI CHÚA: Trích sách Ai Ca (Ac 3: 1-2, 9, 16)

Tôi là người đã sống cảnh lầm than / dưới làn roi giận dữ của Người. / Người dẫn tôi, bắt tôi lần bước, / trong tối tăm, không ánh sáng soi đường. / Người lấy đá hộc chận đường tôi, / xóa lối đi khiến tôi phải lạc hướng. / Răng tôi, Người bắt nhai đá sỏi, / xác tôi, Người vùi dập dưới đống tro.

SUY NGẮM: Theo truyền thống Chúa Giêsu đã ngã xuống ba lần dưới sức nặng của cây Thánh Giá, gợi lên sự sa ngã của Adam là tình trạng sa ngã của nhân loại, và gợi lên mầu nhiệm của chính Chúa Giêsu dự phần trong sự sa ngã của chúng ta. Qua suốt giòng lịch sữ, sự sa ngã của con người tiếp tục mang theo những hình thức mới. Trong Thư Thứ Nhất, Thánh Gioan nói đến dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của. Dựa vào màn phông trụy lạc trong thời đại của chính ngài, Thánh nhân đã làm sáng tỏ sự sa ngã của con người và nhân loại, với tất cả những sự thái quá và sự suy đồi của nó. Thế nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ đến thời gian gần đầy, tinh thần Kitô Giáo đã mọc lên sự ngao ngán đức tin, đã bỏ rơi Thiên Chúa thế nào: Những hệ tư tưởng lớn, và cuộc sống vô vị của những người không còn tin đến bất kỳ sự gì, là những người một cách đơn thuần sống phiêu giạt theo cuộc sống, đã lập nên một tà giáo mới và tồi tệ hơn, trong sự lèo lái của nó muốn cách xa Thiên Chúa chỉ một lần và mãi mãi, đã kết cục gạt bỏ con người. Và như thế con người dập vùi dưới đống tro. Thiên Chúa đã nhiều lần và nhiều lần nữa mang lấy gánh nặng và sự sa ngã này, để gặp gỡ chúng ta. Người đăm chiêu nhìn chúng ta, người đánh động tâm hồn chúng ta; người ngã quỵ xuống để nâng đỡ chúng ta dậy.

LỜI NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chịu đựng tất cả những gánh nặng của chúng con và Chúa tiếp tục gánh vác chúng con. Ách của chúng con đã làm Chúa quỵ xuống. Xin hãy đỡ nâng chúng con lên vì chính chúng con không thể tự nâng mình lên khỏi đống tro tàn. Xin giải thoát chúng con khỏi những gông cùm xác thịt. Xin ban cho chúng con trái tim bằng thịt thay vào trái tim chai đá, xin ban cho chúng con một con tim biết nhận diện. Xin diệt trừ sức mạnh của hệ tư duy, để tất cả mọi người có thể nhận thấy rằng chúng là phường dối trá. Xin cho chúng con vượt qua được bức tường chủ nghĩa duy vật. Xin làm cho chúng con nhận thức đến sự hiện diện của Chúa. Xin giữ gìn con sống điềm đạm và cảnh tỉnh, để có thể chống cự quyền lực của ma quỷ. Xin giúp chúng con nhận ra được những nhu cầu tâm linh và thiếu thốn của người khác và ban cho họ sự giúp đỡ khi họ cần đến. Xin nâng chúng con trỗi dậy, để chúng con nâng người khác lên. Xin ban cho chúng con niềm hy vọng trong mọi lúc đen tối nhất, để chúng con mang lại niềm hy vọng của Chúa cho thế giới.

Lạy Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa,  xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.

From: Do Dzung

************************

CHÚA NÂNG CON LÊN | THIÊN CẦM 

KHÔNG GIAN CHO CHÚA – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”.

“Một thuộc tính chỉ một mình Thiên Chúa có, là sự hiện diện của Ngài bao trùm mọi lúc và mọi nơi. Ngài không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian. Điều đó không có nghĩa là thiên nhiên – một phần của Chúa – đáng được tôn thờ. Tạo vật tách biệt với Tạo Thành nhưng không phải là không tuỳ thuộc vào Ngài; tuy nhiên, bất cứ một tạo vật nào vẫn cần một ‘không gian cho Chúa!’” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Một ‘không gian cho Chúa!’”. Đó là những gì Tin Mừng nói đến hôm nay. Chúa Giêsu không chấp nhận một đền thờ ngổn ngang, Ngài nhất định thanh tẩy nó, vì “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”.

Vào đền thờ, Chúa Giêsu thấy nó được vận hành bởi kẻ mua người bán; Ngài xua đuổi họ. Đừng nghĩ Chúa Giêsu là kẻ thù của thương mại! Thực tế, nhiều lần Phúc Âm đề cập đến việc mua bán mà không có bất kỳ hàm ý tiêu cực nào. Tuy nhiên, Chúa Giêsu tức giận vì hai lý do chính. Thứ nhất, việc kinh doanh được thực hiện bên trong đền thờ đang khi nó có thể được thực hiện bên ngoài. Thứ hai – quan trọng hơn – có thể các thượng tế trong đền thờ đã thông đồng với các hoạt động kinh doanh béo bở này và do đó, họ sẽ hưởng lợi từ nó. Đức Phanxicô gọi nó là “hối lộ thánh thiện”. Và hẳn như vậy vì Tin Mừng cho biết, “Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Ngài”.

“Họ tìm cách giết Ngài, nhưng không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Ngài”. “Sức mạnh của Chúa Giêsu nằm trong lời và trong tình yêu của Ngài. Và nơi nào có Chúa Giêsu, nơi đó không có chỗ cho tính thế gian; không có chỗ cho sự tham nhũng! Đây là một thách thức đối với mỗi người chúng ta; đây là cuộc đấu tranh mà Giáo Hội phải đối mặt mỗi ngày. Chúng ta phải luôn lắng nghe lời Chúa Giêsu và không bao giờ được tìm kiếm sự an ủi từ một chủ khác – Mammon. Ngài từng nói, “Không ai có thể làm tôi hai chủ!”. Thiên Chúa hoặc tiền bạc; Thiên Chúa hoặc quyền lực!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện!”. Lời Chúa mời gọi bạn và tôi đánh giá đền thờ lòng mình! “Nào anh em chẳng biết, anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”. Đây là một câu hỏi cấp bách giúp chúng ta nhìn lại tâm hồn, hầu xem liệu trong đó có đủ ‘không gian cho Chúa’ – sự hiện diện và lời của Ngài – không; hay ở đó đang có đủ các ‘loại hình kinh doanh’ – thậm chí có cả “mại thánh” hay “hối lộ thánh thiện?”. Ngoài ra, chúng ta có thể tự hỏi, liệu tâm hồn tôi có bị chiếm dụng bởi những tức giận, phẫn uất, cay đắng và bất khoan dung? Nó có bị lấn chiếm bởi những cảm giác tội lỗi hoặc sai lầm quá khứ, khiến chúng ta dành quá nhiều thời gian tập trung vào bản thân và những thiếu sót khiến linh hồn phải sống trong lo lắng và sợ hãi – thay vì để cho lòng thương xót và sự bình an của Chúa lấp đầy?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con ‘dọn chợ’ lòng con, vì nó thực sự phải là một không gian thánh đầy sự hiện diện của Chúa. Nhờ đó, hạt Lời mới có đất tốt và đủ nắng để lớn lên!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*********************************************

Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

45 Khi ấy, Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán 46 và nói với họ: “Đã có lời chép rằng : Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”

47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. 48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.


 

Chặng Đàng Thứ Năm- Người Kyrênê giúp Chúa Giêsu vác đỡ cây Thánh Giá-Cha Vương

Một ngày vui vẻ với một trái tim rộng lượng để giúp đỡ những người nghèo khổ nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 21/11/2024

Chặng Đàng Thứ Năm- Người Kyrênê giúp Chúa Giêsu vác đỡ cây Thánh Giá

* CĐTG do ĐGH Benedict XVI biên soạn, Lm. Gioan Trần Công Nghị dịch.

LỜI CHÚA: Trích Phúc âm theo Thánh Matthêu ( Mt 27: 32; 16:24), Đang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn; chúng bắt ông vác thập giá của Người. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

SUY NGẮM: Ông Simon người Kyrênê trên con đường trở về nhà ông từ công sở, khi ông bất chợt gặp thấy đoàn diễu hành buồn sầu của những người bị lên án, đối với ông có lẽ đó là một cảnh tượng thông thường. Quân lính bức hiếp một người lao nhọc này từ vùng nông thôn để vác cây Thập Giá trên chính vai của mình. Ông phải nghĩ tới khó chịu như thế nào khi chợt bắt gặp số phận của những người bị lên án! Ông làm những gì ông phải làm nhưng một cách miễn cưỡng. Đáng chú ý thay, Tác Giả Tin Mừng Maccô không những nói tên của ông mà còn nói đến hai người con của ông nữa, được biết họ là những người Kitô hữu và là thành viên trong cộng đoàn (x Mc 15:21). Từ lúc bất chợt này đức tin được sinh ra. Đi bên cạnh Chúa Giêsu và chia sẻ gánh nặng của cây Thánh Giá, người Kyrênê đến để thấy rằng đó là một hồng ân để được đồng hành với Chúa chịu đóng đinh và giúp đỡ người. Mầu nhiệm của Chúa Giêsu, thầm lặng và chịu đau khổ đã đánh động tâm hồn ông. Chúa Giêsu là Đấng mà một mình tình yêu Thiên Chúa có thể cứu độ tất cả nhân loại, muốn chúng ta chia sẻ Thánh Giá người để chúng ta có thể hoàn tất những gì còn thiếu sót trong sự đau khổ của người (x Cl 1:24). Bất cứ khi nào chúng ta tỏ ra lòng nhân ái đến người đang đau khổ, người bị cưỡng bức và người cô thế, và chia sẻ những nỗi khổ đau của họ, là chúng ta có thể giúp mang cùng cây Thánh Giá đó của Chúa Giêsu. Bằng cách này chúng ta nhận được ơn cứu độ và giúp góp phần đến sự cứu rỗi cho thế giới.

LỜI NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã mở đôi mắt và tâm hồn ông Simon người Kyrênê, và Chúa đã cho ông ân sủng đức tin qua việc chia sẻ vác cây Thánh Giá của Chúa. Xin giúp chúng con biết giúp đỡ những người lân cận thiếu thốn, ngay cả khi điều này quấy rầy đến những dự định và ước muốn của chúng con, bằng cách này để chúng con biết rằng chúng con đang bước đi một mình với Chúa. Xin giúp chúng con cảm kích với niềm vui rằng, khi chúng con chia sẻ trong sự đau khổ của Chúa và những đau khổ của thế giới này, chúng con trở nên những người tôi tớ của sự cứu rỗi và có thể giúp xây dựng Thân Mình của Chúa là Hội Thánh.

Lạy Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa,  xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.

From: Do Dzung

********************************

Trái Tim Khát Mong (sáng tác: Sr. Tigon) | Angelo Band  

TÒNG THUỘC – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, 

Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

46 Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48 Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” 

******************************************************************************************

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi!”; “Hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Bài đọc Zacharia được chọn một cách kỹ lưỡng – cho ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình – nêu bật mối quan hệ mật thiết của Israel với Thiên Chúa. Bởi lẽ, chính Thiên Chúa sẽ cư ngụ giữa dân thánh và họ phải ‘tòng thuộc’ vào Ngài.

Thiếu nữ Sion Zacharia nói đến không chỉ là hình ảnh của Israel – dân được chọn – nhưng còn là hình ảnh của Đức Maria, người được Thiên Chúa tuyển lựa. Như đã “ở giữa” Israel, Thiên Chúa “ở cùng” Maria, người ‘tòng thuộc’ tuyệt đối vào Ngài. Để có thể hiểu được hồng ân “ở giữa, ở cùng” này – Zacharia thật sâu sắc – con người phải biết chìm sâu trong Thiên Chúa, “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa!”.

Tin Mừng hôm nay cũng nói đến ‘sự lặng thinh và chìm sâu vào trong’ này! Mẹ Maria và anh em Chúa Giêsu tìm thăm Ngài; nhưng ngay lúc đó, Ngài đã thốt lên những lời ‘gây sốc’, “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Ngài thường không ngại nói ra những lời vượt quá trí hiểu để những ai không hiểu ‘có thể hiểu’ phải biết lặng thinh khi lời Ngài đã chìm sâu vào trong.

 

Hẳn đã có một sự im lặng vần vũ giữa đám đông khi họ nghe những lời Chúa Giêsu thốt ra. Nhiều người nghĩ, Ngài khá cứng cỏi. Không phải thế, Ngài muốn Lời phải được nghiền ngẫm; vì sau đó, đưa tay chỉ các môn đệ, Ngài giải thích, “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!”. Qua đó, Ngài cho biết, quan hệ ‘huyết thống’ đã quan trọng, nhưng quan hệ ‘tòng thuộc’ vào Thiên Chúa sẽ quan trọng hơn.

Who Are My Mother and My Brothers?| National Catholic Register

 

Như vậy, một ‘Maria vâng phục’, thi hành Lời Chúa sẽ là mẹ của Ngài ‘nhiều hơn’ một ‘Maria máu mủ!’. Hẳn Mẹ đã hiểu điều này hơn ai hết; và tất nhiên, cũng hơn ai hết, Mẹ đầy niềm vui. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”.

Một người mẹ kia có thói quen lạ thường! Mỗi khi con trai cô có điều gì bất ổn, cô dắt nó vào rừng, đặt nó ngồi trên một tảng đá, bảo nó nhắm mắt lại. Đoạn, lấy cây sáo mang theo, cô thổi cho nó nghe từ ca khúc này đến ca khúc khác, từ trầm buồn đến réo rắt. Cô sẽ thổi cho đến khi nào con trai cô vui trở lại, và nó mỉm cười. Bấy giờ, hai mẹ con mới ra về.

Anh Chị em,

“Hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa!”. Gioan Phaolô II gọi Maria là “Người Nữ Thánh Thể”. Liệu bạn và tôi có để Mẹ Maria ‘dẫn vào rừng’, chìm sâu vào Thánh Thể Giêsu mỗi ngày, nhất là những khi gặp gian nan? Với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta sẽ lặng thinh, chìm sâu trong Ngài, trong Lời Ngài.

Ở đó, chúng ta chờ đợi thánh ý Chúa như Mẹ đã chờ đợi; lắng nghe tiếng của Thánh Thần như Mẹ đã lắng nghe – thay vì chạy vạy tìm câu trả lời ở những nơi đâu khác. Và từ Thánh Thể, một câu hỏi quan trọng sẽ luôn đặt ra cho chúng ta, dù chúng ta là ai, ở đấng bậc nào, “Con thuộc về ai?”; “Con có ‘tòng thuộc’ vào Đấng đã dựng nên con, cho con tất cả những gì con có, những gì con là?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ, dạy con vui thích cầm tay Mẹ ‘vào rừng’ mỗi ngày, hầu con chìm vào ‘vực Giêsu’; nhờ đó, con không con lệ thuộc vào một điều gì khác, một ai khác – ngoài Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

********************************************

 


 

NƯỚC CỦA TÔI- Lm Giuse Nguyễn Hữu An 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An 

 Trước toà án Philatô, Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật.”  Sự thật mà Ngài tuyên bố là ý định cứu rỗi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến để cứu độ thế gian.”  Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của sự thật và “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi.”

Nhiều lần Đức Giêsu đã khước từ làm vua theo kiểu trần thế.  Vương quốc trần gian do con người thiết lập bằng sức mạnh, thường đem lại giàu sang và vinh quang.  Đức Giêsu từ chối loại vương quốc huy hoàng do Satan đề nghị: Nếu ông quỳ gối thờ lạy tôi, tôi sẽ cho ông mọi vương quốc làm sản nghiệp.  Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều “dân Do thái muốn tôn Đức Giêsu làm vua, nhưng Ngài trốn lên núi.”  Khi trả lời cho những kẻ gài bẫy: “chúng tôi có phải nộp thuế cho Xêza không?”, Đức Giêsu đáp: “của Xêza hãy trả cho Xêza, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.  Đặc biệt trong phiên toà xét xử, Philatô hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”, Đức Giêsu đã tuyên bố “Tôi là Vua,” nhưng Ngài xác định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.

Nước tôi: Chúa Giêsu xác định, Ngài là Vua, vì có một Nước để Ngài thống trị; cho nên Ngài mới nói: Nước tôi, nghĩa là Nước của tôi.  Vậy, Nước của tôi là nước nào?

  1. Đó là Nước của Sự Thật

Nước của trần gian là nước của chính trị.  Mà chính trị nào lại không có thủ đoạn và lừa đảo.  Nhìn chung, các vua trần gian thì tham lam, ích kỷ, dâm ô.  Khi đã chiếm được ngai vàng, họ coi thần dân như bầy tôi, giang sơn đất nước là tài sản riêng của họ: “Thần dân của trẫm.  Giang sơn của trẫm.”  Nghi ngờ kẻ nào có ý phản loạn thì giết ngay tức khắc và còn tru di cả tam tộc cửu tộc nữa.  Nếu muốn đổi triều đại, phải chiến tranh giành giật đẫm máu.  Đọc lịch sử Việt Nam, mỗi thay đổi triều vua từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… toàn là máu và nước mắt.  Đến đời Nguyễn Ánh tự xưng là Gia Long hoàng đế, làm vua từ năm 1802, cha truyền con nối kéo dài hơn 100 năm.  Năm 1945, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị…

Nước của Vua Giêsu là Nước sự thật thuộc thế giới niềm tin, thế giới tâm linh trong tâm hồn con người.  Nước sự thật đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của Xêza hay bất cứ đế quốc nào, chủ nghĩa nào.  Nuớc của Xêza chỉ cai trị thể xác loài người, còn Nước sự thật chiếm trọn lòng người.  Thế lực của Xêza là quân đội, khí giới, nhà tù.  Sức mạnh Nước sự thật là niềm tin yêu thương tha thứ.  Dù rộng lớn, đế quốc Xêza cũng bị giới hạn, còn Nước sự thật vô biên, được thiết lập mọi nơi.  Các triều đại phong kiến, các thể chế chính trị cũng đã và đang chấm dứt trong dòng thời gian như đế quốc của Xêza, chỉ còn vương quốc sự thật và niềm tin là tồn tại muôn đời.

Chính niềm tin tôn giáo dạy chúng ta rằng: mục đích tối thượng của các tôn giáo là hướng con người đến chân thiện mỹ.  Qua không gian thời gian, trải qua bể dâu của lịch sử với những thao thức băn khoăn của kiếp người, con người luôn luôn tìm đến niềm tin tôn giáo.  Con người tiếp nhận sự sống từ chính nguồn sống là Thiên Chúa như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời.  Thiếu ánh sáng mặt trời thì không có sự sống trên trái đất.  Cũng thế, không có Thiên Chúa thì không thể có sự sống.  Thiên Chúa thông ban sự sống cho con người vì Thiên Chúa yêu thương con người.  Thiên Chúa yêu thương mọi người ngay cả những ai chối bỏ và thù ghét Ngài.  Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa.   Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch, mỗi con người đều là hình ảnh Thiên Chúa.  Chỉ xuyên qua niềm tin và tình thương con người mới đến được với Thiên Chúa.  Với sức mạnh niềm tin, chúng ta khẳng định rằng: trên vạn nẻo đường của cuộc đời mỗi người, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu Thiên Chúa luôn có mặt để hướng dẫn nâng đỡ chúng ta.  Sống cho hạnh phúc của tha nhân, đó là sự thật mà mỗi thần dân sống trong Nước sự thật  của Vua Giêsu được mời gọi thể hiện mỗi ngày.

  1. Đó Nước của Tình Yêu

Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu.  Chính tình yêu là sức mạnh của nước Ngài thiết lập.  Đức Kitô là vua, nhưng lại rất khác với các vua trần thế ở chỗ: để cai trị, các vua thế gian dùng quyền lực, còn Ngài dùng tình thương.  Ngài yêu thương mọi người, như người mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng con chiên một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của chiên (Ga 10,11-16).  Luật pháp trong nước của Ngài là sống trong Tình Yêu.  Một Tình Yêu trọn vẹn theo chiều dọc là Thiên Chúa.  Một Tình Yêu chan hòa theo chiều ngang đối với đồng loại của mình.

“Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu.  Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian.  Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian.  Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu.  Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu.”  Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương.  Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng.  Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới.  Đức Giêsu đã chiến thắng.  Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại.  Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa nước của Ngài.  Đó là nước của Sự Thật.  Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào.  Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá.  Sự giả trá đó là sự chết, đó là những vinh hoa phú quý trần gian và đó là lòng thù hận ghen ghét.  Hiểu biết sự thật, đập tan sự dối trá, ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô.  Với chiến thắng Ngài thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời.” (ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt).

Trong bài đọc 2, Thánh Gioan xác tín: “Đức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an.  Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,5-6).  Thánh Phaolô cũng xác định: “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).  Vua Giêsu đã thi hành vương quyền bằng cách yêu thương mọi người đến nỗi sẵn sàng hiến cả mạng sống.

Yêu Thương là một mệnh lệnh có tính cách bắt buộc, Chúa Giêsu đã ban bố giới luật yêu thương: “Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau.”  Yêu Thương đã trở thành một giới răn quan trọng nhất như là giới răn kính mến Thiên Chúa.

Tình yêu thương của Chúa Giêsu đã trở nên nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao nhiêu sáng kiến, bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu phong trào, bao nhiêu dòng tu chuyên lo dấn thân phục vụ trong yêu thương.

Tình yêu chi phối mọi sinh hoạt cuộc đời.  Con người đau khổ vì không có tình yêu.  Chúa là tình yêu.  Chỉ những ai biết tìm đến với Ngài, được Ngài thông truyền cho tình yêu, họ mới biết mở mắt để nhận ra được mọi người anh em, như thế mới có thể yêu thương.  Bản tính của tình yêu là cho đi điều tốt lành.  Ai sống yêu thương thì thuộc về Chúa, là thần dân của Ngài.  Nước của Chúa Kitô Vua là nước của tình yêu.  Muốn vào nước ấy, phải là người có lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh em thật sự.

Nước của Tôi: Sự Thật và Tình Yêu.

Nước của Sự Thật: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi.”  Đứng về phía sự thật là chấp nhận mạc khải của Chúa Giêsu và coi đó là nguyên tắc của đời sống mình, là để Sự Thật hướng dẫn mình.  Sự Thật đó là chính Chúa Giêsu.  Nghe tiếng của Chúa là tìm hiểu và sống Lời của Ngài.

Nước của Tình yêu: “Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ hiến mạng sống cho nhiều người.”  Chúa mời gọi những ai theo Ngài phải biết sống vị tha và yêu thương.  Trong vương quốc Tình Yêu, Ngài không chấp nhận bạo động, hiềm thù, vì uy quyền được xây dựng trên phục vụ và ai làm lớn phải làm người phục vụ.

Nước của Ngài không có sức mạnh của vũ khí và quân đội mà chỉ có sức mạnh của yêu thương và tha thứ.  Nước của Ngài không có tên trên bản đồ thế giới, nhưng lại ở trong trái tim con người.  Chỉ những ai tin và sống trong tình thương Thiên Chúa mới thuộc Nước của Ngài.  Trong vương quốc này, Chúa Giêsu đã công bố sự thật quan trọng nhất là mọi người biết Thiên Chúa là Người Cha rất yêu thương và tất cả nhân loại là con cái của Người và là anh chị em với nhau, yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương, như là dấu chứng người môn đệ của Ngài.

Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể và kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô.  Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta.  Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giêsu là Vua Sự Thật và Tình Yêu, Chúa đã yêu thế giới đến nỗi đã ban chính sự sống mình.  Xin Chúa chiếm hết tất cả con người chúng con từ tư tưởng, lời nói, việc làm, để chúng con không còn thuộc về thế giới của bóng tối, của tội lỗi, nhưng thuộc về vương quyền của Chúa, là vương quyền của sự sống và chân lý, của ân sủng và thánh  thiện, của công lý và hoà bình.  Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

From: Langthangchieutim


 

Chặng Đàng Thứ Bốn- Chúa Giêsu gặp Mẹ Người-Cha Vương

Hôm nay trời lạnh, nguyện xin hơi ấm của Chúa sưởi ấm tâm hồn bạn nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 20/11/2024

Chặng Đàng Thứ Bốn- Chúa Giêsu gặp Mẹ Người

* CĐTG do ĐGH Benedict XVI biên soạn, Lm. Gioan Trần Công Nghị dịch.

LỜI CHÚA: Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (Lc 2:34- 35, 51).

Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

SUY NGẮM: Trên chặng Đàng Thánh Giá của Chúa Giêsu, chúng ta cũng tìm thấy Mẹ Maria, Mẹ của người. Trong đời sống công khai Mẹ đã đứng sang một bên, nhường chỗ cho dòng dõi gia đình mới của Chúa Giêsu, là gia đình của các môn đệ người. Mẹ cũng đã nghe những lời này: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? … Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi (Mt 12: 48-50). Giờ này đây chúng ta nhìn thấy Mẹ của Chúa Giêsu, không chỉ nơi thể lý nhưng nơi tâm hồn của Mẹ nữa. Mẹ Maria đã được nói: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người” (Lc 1:31 tt). Và Mẹ sẽ nghe từ miệng của ông Simon: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2:35). Rồi Mẹ sẽ nhớ lại những lời của các ngôn sứ, những lời như thế này: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng (Is 53:7). Giờ đây tất cả đều xảy ra. Trong tâm hồn Mẹ, Mẹ đã giữ những lời của sứ thần đã nói với Mẹ từ thưở ban đầu: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Các môn đồ bỏ chạy, còn Mẹ đã không lẫn trốn. Mẹ đứng đó, với lòng can đảm của một người Mẹ, với lòng trung thành của một người Mẹ, với đức hạnh của một người Mẹ và với một đức tin không hề nao núng trong giờ đen tối nhất: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:45). “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8). Đúng vậy, trong lúc này đây Chúa Giêsu biết: người sẽ tìm thấy lòng tin: trong giây phút này, đây là lúc an ủi cao độ của người.

LỜI NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria rất Thánh, Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ đã trung thành khi các môn đồ trốn chạy. Như khi Mẹ tin đến sứ điệp lạ lùng của các sứ thần, là Mẹ sẽ trở nên Mẹ của Đấng Tối Cao, rồi Mẹ cũng tin đến giờ phút nhục nhã cực độ nhất của người. Bằng cách này, trong giờ phút của Thập Tự Giá, trong giờ phút của đêm đen tối nhất của thế gian, Mẹ đã trở thành Mẹ của những người tin, Mẹ của Giáo Hội. Chúng con kêu cầu Mẹ: xin dạy cho chúng con tin, và ban cho chúng con để đức tin của chúng con sinh hoa trái trong sự phục vụ can đảm, và để đức tin của chúng con là dấu chỉ của một tình yêu sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ và cống hiến sự nâng đỡ.

Lạy Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa,  xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.

From: Do Dzung

******************************

Mẹ Đứng Đó – Phi Nguyễn ft Mai Thiên Vân  

TỪNG XU MỘT-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”.

“Thời gian là nén bạc cuộc đời. Đó là số vốn duy nhất bạn có và chỉ bạn mới có thể xác định nó sẽ được sử dụng thế nào. Hãy cẩn thận, bằng không người khác sẽ ‘tiêu nó’ thay bạn. Hãy làm lợi những gì bạn được trao, bắt đầu với từng xu một!” – Carl Sandburg.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Sandburg được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu dạy chúng ta nên làm gì trong khi mong chờ Ngài đến. Dụ ngôn cho biết, sau khi trao cho mỗi gia nhân một nén bạc, ông chủ nói, “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”. Bằng cách nào? ‘Từng xu một!’.

Mỗi Chúa Nhật, qua Kinh Tin Kính, chúng ta chứng thực niềm tin của mình, “Chúa sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết”; nhưng ngày nào, giờ nào Chúa đến, chúng ta không biết. Vậy, phải làm gì trong thời gian này? Hãy tận dụng thời gian để trung thành sống các giá trị của Vương Quốc bằng cách làm lợi nén bạc đã nhận, bắt đầu với ‘từng xu một!’.

Trong dụ ngôn, hầu như mỗi người chỉ nhận được một nén, nhưng một số sẽ đầu tư nó tốt hơn những người khác. Với Bí tích Rửa Tội, chúng ta lãnh nhận ‘một nén’ các ân sủng như nhau dưới dạng hạt giống. Và việc nhận lãnh này tuỳ thuộc vào mỗi người để bảo đảm rằng, chúng được chăm bón, tưới tiêu và có đủ ánh sáng mặt trời để phát triển hầu sinh hoa trái. Những món quà ân sủng này được ban mọi ngày, từng ngày, để mỗi người biết rằng, chúng ta là con cái rất yêu dấu của Chúa và là người thừa kế Nước Trời. Thực hiện các nhân đức – nhân lên ân sủng – tựa hồ chắt chiu từng phân vàng, ‘từng xu một!’.

“Thiên Chúa là tình yêu”, bản chất của Ngài là “Thánh”. Bài đọc Khải Huyền và Thánh Vịnh đáp ca khẳng định “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Chúa là Thiên Chúa toàn năng!”. Sự thánh thiện của Thiên Chúa thể hiện qua sự ‘tự hiến’ của Ngài. Vì thế, người giấu nén bạc sẽ không thể khám phá hoặc hiểu được thực tế ‘tự hiến’ này của Thiên Chúa, nhưng những ai đã ‘dám tiêu’ nén bạc của mình sẽ khám phá ra điều này và họ sẽ kiếm được nhiều hơn. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một ví dụ hoàn hảo về việc ‘dám tiêu’ và sự ‘tự hiến’ sinh ích này. Cũng thế, chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái nhiều hơn bằng cách sử dụng tài năng và thời gian Chúa ban để sinh lợi cho Vương Quốc khi bòn bọt ‘từng xu một’ qua việc chết đi mỗi ngày.

Anh Chị em,

“Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến!”. Thiên Chúa là ông chủ vô cùng rộng lượng, Ngài ‘tiêu nhiều’, dám ‘tiêu cả Con Một’ cho thế gian. Cũng thế, Chúa Giêsu cũng ‘tiêu rộng’ đến nỗi không còn gì trên thập giá. Ngài muốn chúng ta ‘tiêu tốn’ cho Ngài và cho tha nhân. Càng chiêm ngắm việc ‘tự hiến’ của Ngài, bạn và tôi càng can đảm ‘tiêu hao’ cho vinh quang Ngài và cho phần rỗi thế giới. Ai trung thành với việc sinh lợi cho Vương Quốc – mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng – dù chỉ ‘từng xu một’ sẽ được giao phó nhiều hơn. Ai bỏ bê, phung phí điều đã lãnh nhận sẽ đánh mất những gì mình đang có!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tất cả những gì ‘con có’, những gì ‘con là’ đều đến từ Chúa và thuộc về Chúa. Đừng để người khác ‘tiêu nó’ thay con và Chúa không có lấy một xu lãi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From:KimBang Nguyen

***********************************

Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

11 Khi ấy, dân chúng đang nghe Đức Giê-su, thì Người kể thêm cho họ một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. 12 Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. 13 Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: ‘Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.’  Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.’

15 “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. 16 Người thứ nhất đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ 17 Ông bảo người ấy: ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.’ 18 Người thứ hai đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.’ 19 Ông cũng bảo người ấy: ‘Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.’

20 “Rồi người thứ ba đến trình: ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. 21 Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.’ 22 Ông nói : ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. 23 Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ!’ 24 Rồi ông bảo những người đứng đó: ‘Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.’ 25 Họ thưa ông: ‘Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!’ 26 Ông đáp lại: ‘Tôi nói cho các anh hay : phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.

27 ‘Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.’”

28 Đức Giê-su nói những lời ấy xong, thì dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giê-ru-sa-lem. 


 

Chặng Đàng Thứ Ba- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất-Cha Vương

Trời Thu ảm đạm, một ngày bình yên trong yêu thương nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 19/11/24

Chặng Đàng Thứ Ba- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

LỜI CHÚA: Trích sách Tiên Tri Isaiah (Is 53: 4-6).

Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, / đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, / còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, / bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. / Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, / bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; / người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, / đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. / Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, / lang thang mỗi người một ngả. / Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người / tội lỗi của tất cả chúng ta.

SUY NGẮM: Con người đã ngã xuống và Người tiếp tục ngã xuống: thường Người trở nên một bức hí họa về chính Người, không còn là hình ảnh của Thiên Chúa nữa, nhưng là một sự chế nhạo Đấng Tạo Hoá. Một người trên con đường từ Giêrusalem đến Jericô, đã bị sa vào bọn cướp bị lột áo và để người ấy nửa chết và bị thương bên vệ đường, không phải là hình ảnh con người đặc biệt đó sao? Chúa Giêsu đã ngã dưới cây Thập Giá không chỉ là sự ngã quỵ của con người Giêsu, nhưng đã bị kiệt sức vì chịu đánh đòn. Thật còn có ý nghĩa thâm sâu hơn sự ngã xuống này, như Thánh Phaolô đã nói cho chúng ta trong thư gửi tín hữu Philiphê: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2:6-8).

Khi Chúa Giêsu ngã xuống dưới sức nặng của cây Thập Giá, ý nghĩa của toàn thể cuộc sống người được nhìn thấy: một sự nhục nhã tự nguyện đã nâng chúng ta lên khỏi vực thẳm lòng kiêu ngạo của chúng ta. Bản tính kiêu ngạo của chúng ta cũng đã tỏ lộ ra: đó là sự kiêu căng làm cho chúng ta muốn thoát ly khỏi Thiên Chúa và làm chúng ta tự cô độc, sự kiêu hãnh làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể làm chủ chính vận mệnh chúng ta mà không cần đến tình yêu bất diệt của Người. Trong sự nổi loạn này chống lại chân lý, trong mưu mô để là chính ngẫu tượng, là người tạo hóa, là thẩm phán cho riêng mình, chúng ta ngã đâm đầu xuống và xa vào sự tự hủy. Sự khiêm nhu của Chúa Giêsu là sự chế ngự lòng kiêu căng của chúng ta; bằng sự nhục nhã người nâng chúng ta lên. Hãy để cho người nâng chúng ta dậy. Hãy lột trần cảm giác tự mãn của chúng ta, hình ảnh không chịu khuất phục một cách sai lầm, và hãy học nơi người là Đấng tự khiêm hạ, để khám phá ra chân lý cao cả nhất bằng cách cúi mình trước Thiên Chúa và trước những anh chị em bị áp bức.

LỜI NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu, sức nặng của cây thập giá đã làm Chúa ngã quỵ xuống đất. Sức nặng của tội lỗi chúng con, sức nặng của sự ngạo mạn của chúng con đã làm Chúa gục xuống. Nhưng sự ngã quỵ của Chúa không phải là một bi thương, hay chỉ là sự yếu ớt của con người. Chúa đã đến với chúng con, nhưng vì sự kiêu ngạo mà chúng con đã hạ thấp Chúa. Lòng kiêu hãnh đã làm chúng con nghĩ rằng tự chúng con có thể tạo dựng ra con người, đã biến con người trở thành một thứ hàng hóa, được mua và được bán, được lưu trữ để cung cấp những bộ phận cho sự thử nghiệm. Làm nên điều này, chúng con hy vọng sẽ chinh phục được cái chết bằng chính nỗ lực của chúng con, nhưng rồi trong thực tế, chúng con hoàn toàn làm mất đi phẩm cách nhân phẩm con người. Ôi lạy Chúa xin giúp con, chúng con đã ngã gục. Xin giúp chúng con từ bỏ sự kiêu ngạo hủy hoại của chúng con và học được từ nơi lòng kiêm nhu của Chúa để chúng con trỗi dậy một lần nữa.

Lạy Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.

From: Do Dzung

*******************************

Đừng Bỏ Con Chúa Ơi! (Sáng tác: Lm. Nguyễn Văn Tuyên) – Lm. Quang Lâm

MỞ TỪ BÊN TRONG-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ!”.

“The Light of the World”, “Ánh Sáng Của Thế Giới” là tên một kiệt tác của Holman Hunt. Bức tranh cho thấy Chúa Giêsu, giữa đêm khuya, đầu đội mão của một vị Vua, tay xách một ngọn đèn. Ngài đứng trước một ngôi nhà, gõ cửa và chờ đợi. Điều đáng chú ý là cửa không có tay nắm ở phía ngoài; nó chỉ có thể ‘mở từ bên trong!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Từ bài đọc Khải Huyền, chúng ta có một đoạn văn tuyệt vời, “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy!”. Và Giakêu trong bài Tin Mừng đã làm được điều đó! Ông đã mở cửa trái tim cho Chúa Giêsu – ‘mở từ bên trong’ – và Ngài đã vào nhà ông, dùng bữa với ông.

Đây là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Tân Ước, nó bao hàm một ước muốn sâu sắc rằng, Chúa Giêsu phải đến, trở thành một phần cuộc đời chúng ta; và không chỉ một phần, Ngài sẽ là chủ tâm hồn chúng ta. Nhưng việc cho phép Ngài đi vào hoàn toàn tuỳ thuộc chúng ta; tuỳ thuộc vào việc chúng ta có dám ‘leo lên cao’, hoán cải trái tim để chào đón Ngài không! Như thế, việc thay đổi một trái tim quả là một chiến thắng vẻ vang oai hùng nhất trong tất cả mọi chiến thắng. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta!”.

Giakêu đã thắng, ông được đồng bàn với Chúa Giêsu! Giakêu đã ‘hé mở’ lòng mình và Chúa Giêsu ùa vào! Ông can đảm đánh mất sĩ diện, coi thường danh dự, quên cả tuổi tác khi ‘leo lên cao’ như một em bé hòng xem rõ Chúa Giêsu. Sở dĩ ông làm được điều đó bởi ông gặp được ánh mắt nhân từ và lời yêu thương của Ngài, “Này Giakêu, xuống mau đi!”. Gặp được Ngài, ông đã tìm thấy nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng. Ông không còn “hâm hẩm, không nóng, không lạnh”; nhưng thể hiện sự ăn năn sâu thẳm bằng quyết định trao một nửa tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho mỗi hành vi biển lận. Thay đổi của trái tim đã dẫn ông đến thay đổi cuộc đời.

Anh Chị em,

“Này Giakêu, xuống mau đi!”. “Ánh mắt của Thiên Chúa không nhìn vào quá khứ lầm lỗi, nhưng nhìn vào những gì chúng ta có thể trở thành. Và nếu đôi khi cảm thấy mình “thấp bé”, chúng ta không đủ sức đương đầu với những thách đố và càng không thuộc về Tin Mừng, sa lầy trong các vấn đề và tội lỗi, thì Chúa Giêsu luôn nhìn chúng ta bằng tình yêu. Như với Giakêu, Ngài đến, gọi tên và nếu chúng ta mở cửa, Ngài sẽ ùa vào. Vấn đề là chúng ta có ‘mở từ bên trong’ cho Ngài không! Vậy chúng ta bất lực và cam chịu, hay chính xác là khi cảm thấy chán nản, chúng ta tìm Ngài? Và sau đó, chúng ta có ánh mắt nào hướng về những ai đã sai lầm và đang đấu tranh để đứng dậy từ đống tro tàn của những sai lầm của họ? Đó có phải là ánh mắt từ trên cao, phán xét, khinh thường, loại trừ? Hãy nhớ, việc nhìn xuống ai đó chỉ để giúp họ đứng lên là chính đáng: không gì hơn thế! Kitô hữu phải có cái nhìn của Chúa Kitô, Đấng ôm ấp từ bên dưới, tìm kiếm những ai lạc lối với lòng trắc ẩn. Đây phải là cái nhìn của Giáo Hội – luôn luôn – cái nhìn của Chúa Kitô, không phải là cái nhìn lên án!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con một trái tim hoán cải, biết mở ra. Từ đó, con nhìn những anh chị em lạc lối không với ánh mắt phán xét từ trên cao, nhưng ‘ôm ấp từ bên dưới!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***********************************************

Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu ; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. 5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” 6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” 8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” 9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”