QUẢ THẬT, TA BẢO VỚI ANH: HÔM NAY ANH SẼ ĐƯỢC Ở VỚI TA TRONG THIÊN ĐÀNG (LC 23,43).

QUẢ THẬT, TA BẢO VỚI ANH: HÔM NAY ANH SẼ ĐƯỢC Ở VỚI TA TRONG THIÊN ĐÀNG (LC 23,43).

Tác giả: Lm. Ng Ngọc Thế, SJ.

Lời thứ hai này của Chúa Giê-su nằm trong mạch văn nói về người gian phi sám hối (Lc 23, 39-43). Trước đó, Lu-ca diễn tả về hai nhóm người chế giễu và nhục mạ Chúa Giê-su (Lc 23, 35-38). Nhóm thứ nhất là những người thủ lãnh. Họ đã chế nhạo người: “Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (Lc 23, 35). Cũng thuộc về nhóm những người thủ lãnh, Mát-thêu nêu rõ ràng hơn, đó là các thượng tế, kinh sư và các kỳ mục. Họ chế nhạo Chúa như sau: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi Thánh Giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: ‘Ta là Con Thiên Chúa!’” (Mt 27, 42-43).

Hùa theo các thủ lãnh, các lính tráng cũng nhục mạ Chúa, nhưng với cách thức khác. “Chúng lại gần đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!”. Phía dưới đầu Người, có bản án viết: ‘Đây là vua người Do-thái’” (Lc 23, 36-38). Ngoài sự sỉ nhục của hai nhóm người này, Chúa Giê-su còn đón nhận một lời sỉ nhục, một lời thách thức của một người tử tội đang cùng bị đóng đinh, mà truyền thống thường nói là người trộm bên trái: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với” (Lc 23, 39).

  • Thử nhìn đến người trộm bên trái.

ĐHY Fulton đã có một cái nhìn rất sống động và mạnh mẽ về anh trộm bên trái này. Trước hết, ngài đã so sánh hai anh trộm bị đóng đinh chung với Chúa đều có tội, nhưng hai người lại nhìn sự đau khổ khác nhau: “Một thi sĩ đã viết: ‘Hai người ngồi tù cùng nhìn qua cửa sổ, một người nhìn thấy trăng sao, kẻ khác nhìn thấy bùn nhơ’. Cũng thế, trên thế gian, có những linh hồn nhìn bông hoa hồng và nói: ‘thật là khổ, trên cành hoa đầy gai’. Nhưng linh hồn khác: ‘thật là phấn khởi trên cành gai có những bông hoa’. Hai thái độ ấy biểu lộ sự khác nhau giữa kẻ trộm lành và dữ chịu đóng đanh cùng Chúa Giê-su trên ngọn đồi Calvario. Người trộm bên phải đại diện cho những ai nhìn đau đớn có ý nghĩa. Người bên trái không nhận ra có ý nghĩa gì, tức đau khổ không được thánh hóa.

Trước hết, chúng ta suy gẫm người bên trái: Hắn ta chịu đớn đau không nhiều hơn người bên phải, nhưng khởi sự và kết thúc cực hình của mình bằng lời nguyền rủa. Chẳng có giây phút nào hắn liên kết đau khổ của mình với Chúa Giê-su. Lời cầu xin tha thứ của Chúa không hiệu quả hơn một bóng chim bay…Bởi lẽ hắn không tiêu hóa được đớn đau và làm cho nó trở nên lương thực của linh hồn. Đó là nguyên nhân khiến hắn nguyền rủa Chúa, Đấng đáng lẽ là mục tử chăn dắt hắn vào thiên đàng bình an. Thế giới ngày nay đầy rẫy những con người như vậy. Đau khổ, cực hình chẳng có ý nghĩa nào cho họ. Không biết chi hết về ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su, nên họ không quan tâm làm cho đớn đau trở thành ích lợi…

Như vậy, bài học của người trộm bên tả Chúa Giê-su đã rõ ràng. Đau đớn tự nó không làm cho người ta khá hơn. Ngược lại có cơ hội làm người ta xấu hơn. Chẳng linh hồn nào trở nên tốt hơn nguyên chỉ vì hắn bị đau tai! Đau khổ không được thánh hóa chẳng làm cho con người tiến bộ, trái lại, làm cho hắn thoái hóa. Kẻ trộm bên tả Chúa không tốt hơn khi chịu đóng đinh. Nó làm cho hắn khô héo, cháy rụi và linh hồn mờ tối. Từ chối liên hệ đau khổ với bất cứ mục tiêu nào, đương sự cuối cùng chỉ nghĩ đến mình và đến những ai sẽ mang xác mình khỏi thập giá. Đó là điều những người mất đức tin vào Thiên Chúa thường làm. Đối với họ Chúa Giê-su trên thập giá chỉ là một biến cố trong lịch sử đế quốc Rôma. Chúa không phải là sứ giả của hy vọng, bằng chứng của tình yêu. Họ có được một dụng cụ quý giá trong tay mình, nhưng đã 5 phút trôi qua mà không thấy sự hữu ích của nó. Họ sống nhưng không hề tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Họ chẳng có mục tiêu để sống. Những đau khổ chỉ làm họ cay đắng, đầu độc họ, và cuối cùng cơ may to lớn của cuộc sống trượt mất khỏi bàn tay. Cánh cửa cứu rỗi khép lại sau lưng và giống như người trộm bên trái, họ tiến vào đêm tối không được chúc phúc”.

Như thế, với ĐHY Fulton, người trộm bên trái đã không ý thức được trách nhiệm cho phần rỗi linh hồn của bản thân, anh ta chỉ nhìn mình và cái lợi trần thế cho mình, nghĩa là anh sợ hãi đau đớn, sợ hãi cái chết trước mắt, cuộc đời anh ta vẫn bám chặt vào trần thế này, đến nỗi đôi mắt thân xác và đôi mắt tâm hồn của anh mờ tối với đời sống mai hậu, mờ tối với Đấng Cứu Độ. Phần Chúa Giê-su, thì Ngài vẫn giữ vững tinh thần yêu thương và nhân hậu của Ngài, ngay trong hoàn cảnh Ngài bị sỉ nhục và chế diễu. Pagila chia sẻ như sau: “Chúa tha thứ và đón nhận người trộm lành bên phải, nhưng Chúa không bỏ rơi anh trộm ở bên trái và Ngài cũng không kết an anh ta. Từ ngữ ‘nghi ngờ’ một ai đó, ‘nghi ngờ’ nhóm người nào đó, hay ngay cả ‘nghi ngờ’ đối với một người tội lỗi nhất, không có chỗ trong ngôn từ của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đến để gieo rắc mầm hy vọng vào trong trái tim của những người khổ đau, những người bị bỏ rơi, những người là nạn nhân của các cuộc chiến tranh, và những người đau khổ đến tận cùng bởi những thảm kịch không thể hiểu được. Đối với Chúa, không có bất cứ ai là không xứng đáng với Tin Mừng, với ơn cứu rỗi và với Nước Thiên Đàng. Ngược lại, tất cả chúng ta được tạo dựng nên để hưởng nước Thiên Đàng. Vì thế, Thiên Chúa không bao giờ là người kết án. Trong mọi sự chỉ có chúng ta tự mình bộc lộ ra, và tự mình tránh xa Thiên Chúa, tự mình từ chối lời mời của tình yêu, lời mời trở nên bạn hữu của Thiên Chúa, và như thế chúng ta tự kết án mình. Từ các nguyên nhân rất rõ rệt này, chúng ta tự lãnh trách nhiệm thật lớn lao…Chúng ta phải có ý thức bộc lộ ra trách nhiệm lớn, nếu chúng ta muốn xếp đặt đời mình đúng thực sự theo tinh thần nhân bản, như chính Chúa mong ước.  Thầy Do-thái giáo sống cùng thời với Chúa Giê-su là Hillel đã nói rằng: ‘Nếu thế giới này bất nhân, thì phần bạn – bạn hãy cố gắng là một con người đúng nghĩa’.”

Thật vậy, là một con người đúng nghĩa như anh trộm bên phải sám hối ăn năn, chứ không phải như anh trộm bên trái, người đã vô trách nhiệm và đui mù nói ra những lời chế nhạo và sỉ nhục Chúa. Những lời sỉ nhục này của anh ta cũng như của các nhóm người khác còn mang sự thách thức Chúa, và hơn nữa trong chiều sâu thì sự chế nhạo, sỉ nhục và thách thức này còn tiềm ẩn một câu hỏi dày vò chính họ. Đó là hai từ “tại sao”. Tại sao Chúa không chịu xuống khỏi thập giá? Tại sao Chúa lại không muốn chứng tỏ quyền lực của Chúa, nếu Chúa thực là Chúa?

Hai chữ tại sao trước Thánh Giá Chúa.

Những người sỉ nhục không hiểu được tại sao Chúa Giê-su, Đấng đã từng làm nhiều phép lạ để cứu biết bao kẻ bất hạnh, giờ đây lại không cứu nổi mình. Nếu Ngài thực là Con Thiên Chúa, tại sao Ngài lại sẵn sàng chịu sỉ nhục như thế? Và tại sao Thiên Chúa không cứu Ngài? Ngoài nhóm người sỉ nhục Chúa, cũng có đám đông dân chúng đứng đó thương tiếc Chúa, đau cho Chúa. Có lẽ họ cũng hỏi tại sao Chúa lại đón nhận cái chết nhục nhã như thế. Trước những lời chế nhạo và sỉ nhục của nhiều nhóm người khác nhau, trước hai từ “tại sao” của nhiều hạng người gián tiếp hay trực tiếp đã đặt ra, Chúa Giê-su phản ứng như thế nào? Chúa có xuống khỏi Thánh Giá theo lời chế nhạo và sỉ nhục của họ không? Chúa có trả lời họ điều gì không?

Theo Đức Cố Hồng Y Martini, thì Chúa Giê-su có thể sẽ trả lời hai chữ tại sao như sau: “Con hãy suy nghĩ xem coi người ta coi Thầy là ai? Khuôn mặt Thiên Chúa mà họ vẽ lên mang dáng vẻ nào? Một vì Thiên Chúa như là một anh hùng thời đại, với chiến thắng, với vinh quang, với quyền lực chính trị, và chẳng sợ chi tới bạo lực, miễn là giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ mà thôi? Còn với Thầy, thì khuôn mặt Thiên Chúa chỉ còn là một Thiên Chúa đón nhận sự yếu đuối của mình, đón nhận những đau đớn người ta chất lên vai mình. Một Thiên Chúa can đảm tự ‘đặt mình’ vào sự tự do của con người, để họ muốn làm gì Ngài thì làm. Như vậy, làm sao Thầy có thể xuống khỏi Thánh Giá được. Xuống khỏi Thánh Giá không phải là chiến thắng đâu! Thầy đã được Cha trao phó cho sứ mạng đem lại Tin Mừng và ơn cứu độ cho muôn người. Hôm nay, Thầy cần thi hành sứ mạng này cách trọn vẹn. Vì thế, dù con người có nghĩ gì, dù con người có thất vọng về Thầy, về Thiên Chúa, thì Thầy cũng không rời khỏi Thánh Giá. Hơn nữa, lòng nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa vô biên. Vì vậy, Thầy cũng không thể tự nói với mình rằng: ‘Ta đã đến để cứu độ, đã thử biết bao nhiêu phương cách để hoán cải và chuộc lại con người. Nhưng chúng rất cứng đầu. Bây giờ đã đủ rồi. Cố gắng của Ta đã chấm dứt. Ta sẽ làm cho chúng coi quyền lực của Ta lớn hơn tội lỗi của chúng, và sự chết không thể rờ đến Ta’.”

Chúa Giê-su vẫn nằm đó trên Thánh Giá! “Chúa không xuống khỏi Thánh Giá, vì Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đã đến thế gian cho điều đó, là bị đóng đinh vào Thánh Giá cho chúng ta. Hắn cứ xuống khỏi Thánh Giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Ôi một lời yếu tin biết bao”. Trước lời thách thức yếu lòng tin đó, Chúa không bị lay chuyển, Ngài chẳng nói năng chi, chẳng sợ hãi trước những lời chế diễu và sỉ vả. Ngài không xuống khỏi Thánh Giá như nhiều người thách thức, và Ngài cũng không đáp lời họ. Đó là một thái độ thật tuyệt vời của Chúa Giê-su. Không cần hao công tốn sức với những lời sỉ nhục mang tính bất nhân và hiểm ác, nghĩa là không để cho những lời đó có ảnh hưởng gì trên Ngài, ảnh hưởng trên sứ mạng mà Ngài nhận được từ Cha trên trời. Sứ mạng của lòng nhân hậu giành cho những tâm hồn biết ăn năn như người trộm lành.

Thờ lạy kính sợ Chúa và ăn năn thống hối – thái độ của người trộm lành.

Trở về lại với hình ảnh của hai người trộm cùnh bị đóng đinh với Chúa. Khi người bên trái lên tiếng chế nhạo Chúa như thế, thì người bên phải mà truyền thống gọi là latro poenitens – kẻ trộm ăn năn, hay người Công Giáo Việt Nam thường gọi là người trộm lành, anh ta không hùa theo, mà ngược lại lên tiếng mắng người trộm ở bên trái kia: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23, 40-41). Lời mắng của người trộm lành chứa đựng hai yếu tố.

Thứ nhất là sự nhắc nhớ và đòi hỏi người gian phi kia phải biết kính sợ Thiên Chúa, như trong sách Châm Ngôn có nói: “Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của tri thức. Kẻ ngu si khinh thường khôn ngoan và lời nghiêm huấn”. (Cn 1, 7). Trong Cựu Ước, việc kính sợ Thiên Chúa luôn được coi là sự khôn ngoan những người tin. Kính sợ Chúa là khôn ngoan trọn vẹn, và sự trọn vẹn bắt nguồn từ hoa trái của sự kính sợ Chúa. Như thế, kính sợ Chúa là vương miện của sự khôn ngoan, qua đó người ta sẽ nhận được đầy tràn ơn bình an và ơn cứu độ. Đó là điều mà anh trộm lành đã trải nghiệm. Trong sách Giảng Viên ở lời cuối, tác giả đã nói rất rõ ràng: “Lời kết luận cho tất cả mọi điều bạn đã nghe ở trên đây là: hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người,14 vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu”. (Gv 12, 13-14).

Thánh Vịnh gia cũng nhắc nhớ tinh thần kính sợ Thiên Chúa:

“Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi”
(Tv 34, 9).

“Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan.
Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy.
Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Người”.
(Tv 111,10).

“Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA,
những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban”.
(Tv 112, 1).

Valles với kinh nghiệm của bản thân, đã chia sẻ rất thú vị về tinh thần của người kính sợ Thiên Chúa, người công chính qua Thánh Vịnh 112 như sau: “Nỗ lực vươn đến trọn lành không cần phải phức tạp. Sự thánh thiện là từ nội tâm, và sự công chính có thể tìm được ngay tại nhà mình. Niềm vui tuân giữ luật Chúa và lòng thương cảm trợ giúp người nghèo cũng không phải là chuyện xa xôi. Sự khôn ngoan có vai trò riêng của nó trong đời sống thiêng liêng, và đức đơn sơ của một tâm hồn chân thực sẽ tìm thấy những con đường vắn tắt dẫn đến sự thánh thiện. Cái tâm biết đường lối để trở nên người tốt lành, công bình, liêm chính, và việc sống theo đường lối ấy chính là lẽ khôn ngoan cơ bản của mọi tiến bộ thiêng liêng. Đôi khi tôi có cảm tưởng chúng ta đã làm cho cuộc sống thiêng liêng trở nên quá phức tạp. Khi nghĩ đến vô số sách vở đã từng đọc, nhiều khoá học đã từng tham dự, nhiều hệ thống tôi đã từng thử nghiệm, nhiều cách sống đã từng áp dụng, tôi không thể không cười ngu ngơ một mình, rồi tự hỏi mình có cần phải trải qua nhiều thi cử như vậy để học biết cầu nguyện hay không. Và tôi đã tự trả lời: tất cả những khoá học tôn giáo tự chúng rất bổ ích, nhưng chúng cũng dễ dàng biến thành một rào cản khi tôi quỳ gối và muốn cầu nguyện. Để trở nên công chính không khó khăn như vậy. Để gặp được Thiên Chúa trong cuộc sống, tôi chẳng cần phải có quyển sách thiêng liêng mới nhất đang được bày bán trên thị trường. Cho đến nay, tôi miệt mài tìm kiếm trong sách vở. Tôi muốn trở lại với việc yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em, trở lại với việc mở miệng và đọc lên những câu kinh tôi đã nằm lòng từ khi còn thơ ấu, trở lại với việc kính sợ Thiên Chúa và hân hoan tuân giữ các giới luật của Ngài, trở lại với việc sống nhân ái, đơn sơ giữa một thế giới phức tạp, trở lại với việc trở nên con người được Thiên Chúa mời gọi – một người công chính…Người công chính biết bàn tay Thiên Chúa chở che họ ở đời này, và với lòng đơn sơ khiêm nhường, họ sống phó thác hạnh phúc trong cõi muôn đời. Đó là hoa quả chính trên thiên đàng trổ sinh từ cuộc sống tốt lành của họ trên trần gian. Phúc thay người kính sợ Thiên Chúa”.

Thật vậy, sự kính sợ Chúa là khởi đầu của mọi sự khôn ngoan, người không học nhiều nhưng kính sợ Chúa thì người đó còn khôn ngoan hơn người có cả ba hay bốn bằng tiến sĩ nhưng không kính sợ và tin vào Thiên Chúa. Nếu kính sợ Chúa thì phải đi theo con đường của Chúa, là sống đúng tinh thần của Ngài, sống theo thánh ý của Ngài, như Chúa Giê-su đã sống: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy”. (Ga 4,34). Thomas Merton đã chia sẻ: “Trong thâm sâu hiện hữu của chúng ta, Thiên Chúa đang hiện diện, Đấng muốn chúng ta sống và hiện hữu. Nhưng chúng ta không tìm thấy Ngài chỉ bằng cách tìm kiếm sự hiện hữu của mình. Khi đòi hỏi chúng ta sống, Ngài cũng đòi hỏi chúng ta sống theo một cách nào đó. Mệnh lệnh của Ngài không chỉ bảo chúng ta nên sống theo một cách nào đó nhưng còn phải sống tốt, và nhất là sống hoàn hảo bằng cách sống trong Ngài.

Vì vậy, trong những chiều kích thâm sâu hiện hữu của chúng ta, Thiên Chúa đã đặt ở đó những ngọn đèn lương tâm hầu nói cho chúng ta luật sống. Sống không phải là sống trừ phi nó tuân theo quy luật này vốn là ý muốn của Thiên Chúa. Sống cận kề ánh sáng này là tất cả đạo làm người, vì như thế, con người đến sống trong Thiên Chúa và nhờ Thiên Chúa. Dập tắt ánh sáng bởi những hành động trái với quy luật này là làm hỏng bản chất thánh thiêng nơi bản tính của chúng ta. Nó khiến chúng ta không còn trung thực với chính mình, biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối: mọi tội lỗi đều tác động như nhau, dẫn đến việc thờ ngẫu tượng, thay thế chân lý của Thiên Chúa bằng sự sai lạc…

Kính sợ Thiên Chúa là đầu mối khôn ngoan. Khôn ngoan là nhận biết Chân Lý trong tính chân thực nhất của nó; khôn ngoan trải nghiệm Chân Lý, đi đến Chân Lý ngang qua thái độ chính trực của chính linh hồn. Sự khôn ngoan nhận biết Thiên Chúa ở trong ta và ta ở trong Ngài”.

Phúc cho người nào kính sợ Chúa, Đi trong đường lối Ngài! Xin Chúa cho chúng ta biết bắt chước người trộm lành học biết con đường đến với Chúa, con đường của Chúa. Chúng ta đến với Chúa, gần gũi Ngài hơn, Ngài sẽ dạy chúng ta biết kính sợ Ngài, như người trộm lành khôn ngoan kính sợ Chúa. Hơn nữa, người trộm lành còn nhận ra Chúa Giê-su là người Công Chính. Đó là sự khôn ngoan của Đức Tin, sự khôn ngoan này đưa lại một sự nhận định đúng đắn. Nghĩa là Đức Tin đã giúp nhìn thấy Đấng Công Chính thật sự, Người tôi trung của Thiên Chúa, đang chịu đau khổ và sẵn sàng để cho con người ác tâm kết án cách bất công, và đón nhận cái chết thê lương nhất. Tất cả để cứu rỗi loài người.

Tâm tình thờ lạy và kính sợ Thiên Chúa của người trộm lành còn đưa chúng ta trở về với Mười Điều Răn, mà chúng ta thuộc lòng từ khi còn là một em thiếu nhi: Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn. Thứ nhất thờ kính một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. Ngay điều răn đầu tiên này, chúng ta đã được đưa vào trong tinh thần nền tảng của Ki-tô hữu. Thờ lạy Thiên Chúa và coi Người cao trọng trên hết mọi sự, coi Người là Trung Tâm Điểm duy nhất của cuộc sống, sẽ giúp cho đời sống của chúng ta luôn đượm tinh thần của Chúa. Cụ thể, khi chúng ta thờ lạy và kính sợ Thiên Chúa trên hết mọi sự, thì chúng ta sẽ suy nghĩ, nói năng và hành động trong lăng kính của Chúa.

Thực tế cuộc sống vẫn thế, khổ đau vẫn có mặt, và biết bao vấn đề vẫn ở đó, nhưng giờ đây chúng ta có được lăng kính của Chúa qua tinh thần thờ lạy và kính sợ Thiên Chúa, thì mọi điều thực tế của cuộc đời này sẽ không còn làm chủ chúng ta, và đưa chúng ta vào trong ngõ cụt của cuộc sống, nơi đó thất vọng và buồn chán đang chờ đợi, nơi đó thần dữ đang giang tay thả lưới đánh bắt chúng ta. Tinh thần kính sợ và thờ lạy Thiên Chúa trên hết mọi sự của Mười Điều Răn, sẽ giúp chúng ta giải quyết mọi vấn để của đời người không bằng chữ đời nữa, chữ đời của giả dối, của lật lọng, của mưu mô xảo quyệt, chữ đời của ích kỷ và chiếm đoạt, của kiêu ngạo và ác độc. Chúng ta từ chối chữ đời, nói không với nó, là chúng ta đi vào lăng kính của Chúa, vũ trụ của Chúa, và tất cả mọi chuyện sẽ được đặt trên tiêu chuẩn của bác ái và yêu thương, của khiêm tốn và hiền hậu, của tin tưởng và cậy trông, của tha thứ và cảm thông. Có như thế, thì cuộc sống của chúng ta sẽ nở hoa và sinh trái an bình hạnh phúc.

Chúng ta cũng không quên Bảy ơn Chúa Thánh Thần. Một trong Bảy ơn đó là ơn Kính Sợ Thiên Chúa. ĐTC. Phanxico đã nhắn nhủ trong bài Giáo Lý về ơn kính sợ Thiên Chúa như sau: “Ơn kính sợ Thiên Chúa, là hồng ân của Chúa Thánh Thần, nhắc nhở chúng ta rằng mình nhỏ bé ra sao trước mặt Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, và rằng sự tốt lành của chúng ta là do việc phó thác cho Ngài với lòng khiêm nhường, kính trọng và tin tưởng trong bàn tay của Ngài.  Đó là kính sợ Thiên Chúa: phó thác vào sự tốt lành của Cha chúng ta, là Đấng yêu thương chúng ta rất nhiều…Ơn kính sợ Thiên Chúa làm cho chúng ta ý thức được rằng tất cả mọi sự đến từ ân sủng, và rằng sức mạnh thực sự của chúng ta là chỉ đi theo Chúa Giê-su và để cho Chúa Cha có thể đổ trên chúng ta sự tốt lành và lòng thương xót của Ngài.  Hãy mở tâm hồn ra, bởi vì lòng nhân lành và lòng thương xót của Thiên Chúa đến với chúng ta.  Đó là điều Chúa Thánh Thần làm với ơn kính sợ Thiên Chúa: mở các tâm hồn. Mở lòng ra để ơn tha thứ, lòng thương xót, lòng nhân lành, sự vuốt ve của Chúa Cha đến với chúng ta, bởi vì chúng ta là những đứa con đang được Ngài yêu thương vô cùng.

Khi chúng ta được thấm nhuần bởi ơn kính sợ Thiên Chúa, thì chúng ta có khuynh hướng đi theo Chúa với lòng khiêm nhường, ngoan ngoãn và vâng lời.  Tuy nhiên, đó không phải là với thái độ cam lòng, thụ động và ta thán, nhưng với sự kinh ngạc và niềm vui của một em bé nhận ra rằng mình được Cha phục vụ và yêu thương…

Nhưng chúng ta hãy cẩn thận, bởi vì hồng ân Thiên Chúa, ơn kính sợ Thiên Chúa cũng là một ‘lời cảnh báo’ trước sự ngoan cố trong tội lỗi.  Khi một người sống trong sự dữ, khi phạm thượng chống lại Thiên Chúa, khi khai thác những người khác, khi áp chế họ, khi chỉ sống vì tiền tài, vì hư danh, hay quyền lực, hoặc kiêu căng, thì khi đó sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa cảnh báo chúng ta: hãy cẩn thận!  Với tất cả quyền lực này, với tất cả tiền bạc này, với tất cả kiêu hãnh này của mi, với tất cả hư danh này của mi, mi sẽ không có hạnh phúc đâu.  Không ai có thể mang với họ sang (đời sống) bên kia dù là tiền bạc, dù là quyền lực, dù là hư danh, dù là kiêu hãnh.  Không mang được gì cả!  Chúng ta chỉ có thể mang theo tình yêu mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta, những vuốt ve của Thiên Chúa, được chúng ta chấp nhận và đón nhận với tình yêu.  Và chúng ta có thể mang theo những gì mà chúng ta đã làm cho tha nhân.  Hãy cẩn thận đừng đặt hy vọng vào tiền tài, kiêu hãnh, sức mạnh và hư danh, bởi vì tất cả mọi thứ ấy không thể hứa bất cứ điều gì tốt đẹp với chúng ta!”

Như vậy, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn kính sợ Chúa cho chúng ta trong mỗi ngày sống. Khi có tinh thần kính sợ Chúa, thì cuộc sống sẽ được ánh sáng Đức Tin và ánh sáng Lời Chúa soi chiếu. Người trộm lành của chúng ta, một cách nào đó đã sống trong ánh sáng của Đức Tin vào Thiên Chúa nhân hậu, nên anh ta với lòng khiêm tốn, đã sám hối ăn năn và xin Chúa Giê-su thương đến. Thomas Merton đã cảm nhận được tinh thần này, lòng kính sợ Chúa được khởi đầu với tinh thần sám hối ăn năn: “Kính sợ, bước đầu tiên dẫn đến khôn ngoan, là sợ rằng, mình không chân thật với Thiên Chúa và với chính mình. Đó là sợ rằng, chúng ta đã tự dối mình, đã ném đời mình dưới chân một vị thần sai lạc. Nhưng mọi người đều là kẻ nói dối, vì mọi người đều là tội nhân. Tất cả chúng ta đều sai lạc với Thiên Chúa. ‘Nhưng Thiên Chúa thì chân thực; và mọi người đều giả dối, như được viết’ (Rm 3, 4).

Lòng kính sợ Thiên Chúa, khởi đầu của khôn ngoan, vì thế, là sự nhìn nhận ‘lời nói dối ở trong tay hữu mình’ (Is 44, 20). ‘Nếu chúng ta nói mình không có tội, chúng ta lừa dối chính mình, và sự thật không ở trong chúng ta… Nếu chúng ta nói rằng, chúng ta không phạm tội, chúng ta biến Ngài thành kẻ nói dối, và Lời của Ngài không ở trong chúng ta’. (1Ga 1, 8.10). Vì thế, khởi đầu của khôn ngoan là sự xưng thú lỗi lầm. Sự xưng thú này giúp chúng ta tìm lại được lòng thương xót của Thiên Chúa. Nó làm cho ánh sáng chân lý của Ngài toả chiếu trong lương tâm chúng ta, không có nó, chúng ta không thể tránh tội. Nó mang sức mạnh của ân sủng Ngài vào trong linh hồn chúng ta, gắn kết hành động của ý muốn chúng ta với chân lý trong khả năng hiểu biết của mình”.

Ăn năn sám hối là tinh thần thứ hai, mà người trộm lành nhắc nhớ người trộm xấu xa. Anh ta cần ý thức về tội lỗi của cả hai đã phạm, lỗi đó đáng bị phạt, một hình phạt đích đáng. Điều đó diễn tả sự công bằng cần có. Qua tinh thần sám hối ăn năn với lòng khiêm tốn thẳm sâu, cuộc đời anh được đổi mới, anh được đón nhận ân sủng của ơn cứu rỗi mà anh không thể ngờ được.

Hình ảnh của anh trộm lành ngày xưa, chúng ta vẫn còn có thể tìm thấy trong nhiều thời đại. Có một câu chuyện thật cho thấy những ảnh hưởng của những lời mà Chúa Giê-su đã nói với anh trộm lành sám hối ăn năn ngay trong thời đại ngày nay. Một cặp vợ chồng Mê-xi-cô bị cướp mất thẻ tín dụng, giấy tờ và tiền mặt. Một vài người bạn đã cùng cầu nguyện để giúp họ bình tâm lại và những món đồ bị cướp có thể tìm lại được. Một tuần sau, cặp vợ chồng nhận được một bao thư dày được gửi bằng đường bưu điện. Tất cả những vật giá trị của họ đều nằm bên trong bao thư. Kèm theo là một bức thư ngắn được ký với tên Người trộm hoán cải. Và trong bức thư có vẽ ba cây Thánh Giá. Cây bên phải được đánh dấu tròn. Thật vậy, lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa Giê-su đối với những ai lầm lỡ mà biết khiêm tốn và hối cải, vẫn đang biến đổi nhân loại.

Tóm lại, tinh thần sám hối và lòng kính sợ Thiên Chúa luôn đi đôi với nhau. Hơn nữa, sự thống hối ăn năn không bao giờ trễ, tinh thần thờ lạy Chúa chúng ta luôn tìm lại được, và luôn được Chúa Thánh Thần Chúa ban tặng, khi ý thức kêu cầu cùng Ngài. Như thế, chúng ta thấy rằng, ngay giây phút cuối cùng, người tội lỗi vẫn luôn còn cơ hội để trở về, để ăn năn thống hối và nhận được ơn tha thứ, và nhờ đó thờ lạy và kính sợ Thiên Chúa. Điều đó nêu bật tinh thần hy vọng.

Hy vọng mặc dù không còn hy vọng.

Với người trộm lành, đi đôi với tâm tình kính sợ Thiên Chúa, cùng lòng thống hối ăn năn, là một lời cầu xin rất chân thành: “Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”. (Lc 23, 42). Về lời của anh trộm lành, ĐTC. Benedicto XVI đã chia sẻ như sau: “Lời thứ hai của Chúa Giê-su trên Thánh Giá được Thánh Luca tường thuật là một lời hy vọng; nó là câu trả lời cho lời cầu xin của một trong hai kẻ bị đóng đinh với Người. Người Trộm Lành, trước sự hiện diện của Chúa Giê-su, anh nghĩ đến mình và hối hận, anh cảm thấy mình ở trước Con Thiên Chúa, Đấng tỏ lộ dung nhan Thiên Chúa, và cầu xin: Lạy Ông Giê-su, xin nhớ đến tôi khi vào vương quốc của Ngài”.

Như thế, lời cầu xin của người trộm lành nêu bật được niềm hy vọng. Trong chính hoàn cảnh vô vọng, anh ta vẫn khiêm tốn hướng đến Chúa Giê-su, để xin Ngài đoái nhìn, để niềm hy vọng của anh ta được tròn đầy. Vâng, hy vọng và không bao giờ bỏ cuộc. Hy vọng mặc dù không còn hy vọng, như Áp-ra-ham ngày xưa và như người trộm lành trong câu Tin Mừng của chúng ta.

“Kinh Thánh trình bày cho thấy có những niềm cậy trông như bùng phát, trào dâng hết sức sống động. Một ví dụ trong sách Aica, với khúc hát của một tâm hồn trong cơn thử thách đau đớn nhất: ‘Tôi, một người từng nếm cảnh lầm than, dưới roi phẫn nộ của Người. Người đã xua đi và dẫn tôi vào trong tăm tối chứ không phải vào ánh sáng . Người đã xây tường vít tôi, không để cho ra. Tôi kêu, tôi la, Người đã bịt lối trước lời tôi cầu nguyện. Và tôi nói : Thế là mất rồi chỗ dựa, và hy vọng tôi nơi Ðức Giavê’. Và rồi, niềm cậy trông lại bùng lên làm đảo lộn tất cả. Người đó lại thốt lên với chính mình: ‘Quả ơn nghĩa Giavê không hết, lòng xót thương của Người không cạn! Thế nên tôi trông cậy vào Người ! Ðức Chúa sẽ không rẫy bỏ phàm nhân đời đời, cho dù Người có hành hạ, Người sẽ chạnh thương, chiếu theo lòng nhân hải hà. Có lẽ còn hy vọng’. (x Ac 3, 1 – 29).

Tôi muốn bắt đầu cậy trông trở lại ! Vinh quang thay cho Thiên Chúa, an ủi thay cho con người nếu những lời đó luôn luôn được lập lại ! ‘Vạn sự tôi đã trông cả ở Giavê, và Người đã đoái nhìn lại’, đó là lời một vịnh gia cảm nghiệm sự phục sinh nhờ có lòng trông cậy (Tv 40, 1), và một vịnh gia khác: ‘Tôi trông cậy, lạy Giavê hồn tôi trông cậy, tôi những trông cậy ở Lời Người’ (Tv 130, 5). ‘Israel, hãy trông cậy vào Ðức Giavê, từ bây giờ cho đến muôn đời’ (Tv 131, 3)…

Con người cần hy vọng để sống như cần oxy để thở. Nhu cầu này là khẩn thiết đến nỗi chỉ nguyên nghe nói đến hy vọng là người ta đứng thẳng dậy, và có thể nói, họ nhìn vào tay bạn, xem bạn may ra có điều gì đó đáp ứng lại nỗi khát khao của họ. Người ta nói, bao lâu còn hy vọng thì bấy lâu còn sự sống…

Người ta có thể phạm đến đức cậy theo hai cách: hoặc hết hy vọng vào ơn cứu độ, hoặc cho rằng mình được cứu độ mà không cần có công phúc ; thất vọng và tự phụ. Cả ở điểm này nữa, cần phải giữ cho Thập Giá và Phục Sinh gắn liền với nhau. Chịu đau khổ mà không hy vọng Phục Sinh, đó là sự tuyệt vọng, hy vọng Phục Sinh mà không chịu đau khổ, đó là sự tự phụ. Ðôi lúc tôi tự hỏi tại sao Thiên Chúa rất thích lòng cậy trông, Ngài không ngừng đòi chúng ta cậy trông vào Ngài. Vẫn một lòng cậy trông cho dù tất cả mỗi lúc một trở nên khó khăn, nghiệt ngã hơn, hơn là thực tế hiển nhiên mỗi lần xảy đến đều đập tan niềm hy vọng, chính đó là tin vào Thiên Chúa hơn là vào các sự kiện hiển nhiên ; là luôn luôn chấp nhận cho Thiên Chúa có thêm một quyền, một khả năng nữa ; là đặt trọn niềm tin tưởng vào Ngài…

Như lời thi sĩ Péguy, chúng ta cần phải trở nên ‘những người gắn bó với niềm hy vọng nhỏ nhoi’. Bạn đã tha thiết, hy vọng một điều gì đó, hy vọng một sự can thiệp của Thiên Chúa và rồi chẳng thấy gì phải không? Có phải bạn lại hy vọng thêm một lần nữa mà rồi vẫn không được gì? Tất cả cứ vẫn như trước mắt cho thấy mình sắp được đoái nhận? Xin bạn cứ tiếp tục hy vọng, cậy trông thêm một lần nữa, cậy trông mãi mãi, cho đến tận cùng. Hãy trở nên gắn bó với niềm hy vọng. Trở nên người gắn bó với hy vọng là chấp nhận để cho Thiên Chúa làm bạn thất vọng, để cho Thiên Chúa lừa dối bạn trên cuộc đời này bao nhiêu tùy ý Ngài. Còn hơn thế nữa: là thuận lòng, tận thẳm sâu tâm hồn, với việc Thiên Chúa không đoái nghe lời bạn lần thứ nhất cũng như lần thứ hai, với việc Ngài tiếp tục không đoái nghe lời bạn, vì như thế là Người cho phép bạn được dâng cho Người thêm một bằng chứng, được thực hiện thêm lòng cậy trông, mỗi lúc một khó khăn hơn. Người đã ban cho bạn một ân huệ lớn lao hơn nhiều so với điều bạn kêu xin: ơn trông cậy vào Người”.

Hy vọng thuộc về tinh thần sống của người Ki-tô hữu, bởi vì niềm hy vọng chúng ta có là từ nơi Thiên Chúa, và chúng ta không hy vọng vào ai khác, mà là hy vọng vào chính Thiên Chúa, Đấng là chủ cuộc sống, Đấng yêu thương chúng ta. Ở nơi Ngài, chúng ta giữ vững niềm hy vọng, dù chúng ta ở trong hoàn cảnh của anh trộm lành, bị đóng đinh vào Thánh Giá, ở trong hoàn cảnh khổ đau và vô vọng.

Thật vậy, niềm hy vọng của chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa và giá trị tròn đầy của nó, khi chúng ta hướng lòng lên Chúa và hướng mắt nhìn Ngài, Đấng là nguồn mạch của niềm hy vọng. ĐTC Benedicto XVI đã diễn tả điều này thật hay: “Vì vậy, qua câu trả lời này, Người cho chúng ta một hy vọng chắc chắn rằng sự tốt lành của Thiên Chúa có thể chạm đến chúng ta, ngay cả trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, và ngay cả sau một cuộc sống sai lầm, ai chân thành cầu nguyện sẽ tìm thấy vòng tay rộng mở của Người Cha nhân lành đang chờ đợi đứa con trở lại”. Thật vậy, Chúa rất nhân từ, và người trộm lành gọi Chúa là Ngài và cầu xin nhớ đến anh trên Nước của Ngài.

Nước của Ngài, vị Vua trên hết các Vua.

Tại sao người trộm lành lại nhắc đến chữ Nước hay Vương Quốc của Ngài? Phải chăng lời của anh ta thốt lên bởi vì anh ta tin vào cái bảng mà người ta treo trên Thánh Giá của Chúa Giê-su: “Đây là Vua người Do-thái”. (Lc 23, 38). Những hàng chữ đó với các người bắt bớ Chúa là bản án giành cho Chúa mang đầy tính diễu cợt và sỉ nhục, nhưng với người trộm lành có đôi mắt sáng, thì tấm bảng đó diễn tả một sự thật mà con người có nhận ra hay không, thì sự thật vẫn thế. Sự thật nêu bật quyền Vương Đế của Chúa Giê-su, vị Vua trên hết các Vua. “Rõ ràng người trộm lành tại cây Thánh Giá đã nhận ra rằng, người bất lực kia là Vua thật, vị Vua mà dân Ít-ra-en đang trông đợi, và ở kế bên anh Ngài không chỉ đứng trên Thánh Giá, mà Ngài còn đứng trong vinh quang nữa”.

Thật vậy, con người có muốn diễu cợt hay con người muốn công nhận sự thật về Vương Đế của Chúa Giê-su, thì lời của con người không bao giờ vượt trên sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Cuộc chơi con người đưa ra luôn nằm ở trong vũ trụ và sự kiểm soát của Thiên Chúa. Chúa Giê-su là Vua người Do-thái, những hàng chữ này đã được chính con người, dù với dụng ý xấu xa, công bố cách công khai trên Thánh Giá, để tất cả mọi người đều thấy. Thật tuyệt vời! “Chúa Giê-su đã được nâng cao. Thánh Giá là ngôi Vua của Chúa, và từ ngôi Vua là Thánh Giá đó, Chúa kéo thế giới lại với Ngài. Từ nơi này, nơi mà Ngài tự hiến dâng chính mình, từ nơi này, nơi tình yêu thực sự của Thiên Chúa hiện diện, Chúa đang trị vì như vị Vua đích thật. Ngài trị vì theo cách thức của Ngài, cách thức đó Phi-la-tô và những nhân vật thế giá trong Thượng Hội Đồng không thể hiểu được”.

Cách thức của vị Vua tình yêu đầy lòng nhân hậu sẵn sàng mở lời với những người trông cậy vào Ngài: “Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trên Thiên Đàng”. Câu trả lời của Chúa vượt xa điều anh trộm lành cầu xin, Người nói, “Thật, Tôi bảo anh, hôm nay, anh sẽ được ở cùng Tôi trên Thiên Ðàng”.  Trong câu trả lời của Chúa Giê-su ít nhất có ba điều chúng ta cần chú ý: (1) Hôm nay, (2) ở cùng tôi và (3) trên thiên đàng. Đầu tiên, xin suy niệm về hai từ hôm nay.

Mỗi ngày đều là hôm nay.

Theo Gruen, có hai ý nghĩa của từ ngữ hôm nay trong phúc âm của Luca. Thứ nhất là ý nghĩa ở trong mạch văn này: ngay hôm nay, ngay sau cái chết của Chúa Giê-su, người trộm lành sẽ được đến với Chúa Giê-su trong nước của Ngài, ngôi vườn đầu tiên và tuyệt vời trên trời mà Thiên Chúa đã làm cho loài người, và được mọi người gọi là Thiên Đàng (paradise). Như thế không cần phải đợi chờ lâu la gì. Trong cái chết của anh trộm lành, một sự biến đổi đến hoàn thiện xảy ra. Đây là một bức tranh thật đẹp và đầy an ủi đối với chúng ta. Pagila cũng chia sẻ: “Không có thời gian chờ đợi. Chúa Giê-su không dò xét gì, Ngài không tra hỏi gì, Ngài không đưa ra toà án, cuối cùng Ngài cũng không truy cứu gì cả. Ngài cứu rỗi ngay hôm nay. Bây giờ và ngay lập tức”.

Ý nghĩa thứ hai của từ hôm nay được hiểu trong toàn mạch văn của phúc âm theo Lu-ca. Lu-ca nhắc đến từ ngữ hôm nay cả thảy bảy lần.

  1. Trong biến cố Chúa Giáng Sinh: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa”. (Lc 2, 11).
  2. Trong biến cố Chúa chịu phép rửa ở sông Gio-đan, có tiếng từ trời phán: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. (Lc 3, 22).
  3. Thời gian đầu tiên khi Chúa bắt đầu rao giảng trong hội đường ở Na-gia-rét: “Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. (Lc 4, 21).
  4. Khi Chúa chữa người bại liệt xong: “Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!” (Lc 5, 26).
  5. Chúa nói với ông Gia-kêu, khi ông ở trên cây sung: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).
  6. Trong nhà Gia-kêu, Chúa Giê-su nhắc từ này một lần nữa: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. (Lc 19, 9-10).
  7. Lần cuối cùng là lần Chúa nói với người trộm lành: “Thật, Tôi bảo anh, hôm nay, anh sẽ được ở cùng Tôi trên Thiên Ðàng”. (Lc 23, 43).

Như thế, bảy lần từ ngữ hôm nay Lu-ca dùng diễn tả một điều: với Lu-ca những hoạt động của Chúa Giê-su là thời gian của chữa lành và thời gian để thực hiện mọi điều tốt đẹp. Như thế, hôm nay là thời điểm mà Chúa Giê-su bước vào thế giới chúng ta trong thân phận của một hài nhi, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Mà hài nhi đó chính là Đấng Ki-tô Đức Chúa, thuộc về dòng dõi của Vua Đa-vít. Cũng hôm nay, tại giòng sông Gio-đan, một tiếng lạ từ trời cao đã gởi cho chúng ta một sứ điệp cao quý về Đấng Ki-tô, Đấng đã bước xuống dòng sông của nhân loại, để biến đổi cho nước của dòng sông này thành nước thanh tẩy tất cả mọi người có lòng ao ước đón nhận ân sủng của Chúa. Đức Ki-tô chính là Con yêu dấu của Cha trên trời, vì Ngài vâng phục Cha hoàn toàn, để thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng và đem ơn cứu rỗi cho mọi người Chúa thương yêu. Vì thế, mỗi ngày là ngày hôm nay của Chúa, để Chúa làm cho những ai bại liệt có thể đứng lên được, những ai tội lỗi và sống trong bóng đêm có thể bước ra ánh sáng. Tại bàn tiệc ánh sáng đó, Chúa lại nói lời cứu rỗi của hôm nay. Và không chỉ dừng bước ở đó. Từ ngữ hôm nay của Chúa đã theo bước Chúa tới cây Thánh Giá, để rồi Ngài lại nói với người trộm lành sứ điệp của ngày hôm nay, ngày anh ta được hội ngộ với Chúa trên Nước Thiên Đàng.

Trong cuộc sống của chúng ta, Chúa vẫn nói lời hôm nay, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Mỗi lần chúng ta đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa, là chúng ta đang ở với Chúa trên Nước Thiên Đàng ngay trong ngày hôm nay. Nhưng ngày hôm nay đó sẽ tìm được ý nghĩa trọn hảo trong cái chết, khi chúng ta được về với Chúa trên Nước của Ngài.

Cũng như người trộm lành, trong giờ đối diện với cái chết, nếu chúng ta hướng về Chúa và cầu xin với Ngài, thì ngày hôm nay của Chúa sẽ xảy ra với chúng ta, thời điểm hôm nay của ân sủng, của lòng thương xót Chúa giành cho chúng ta. Như thế, hôm nay tất cả mọi sợ hãi trước cái chết được biến đổi vào trong niềm tin tưởng vào Chúa. Và ở trong cái chết chúng ta sẽ được gặp gỡ Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Rỗi đang chiếu sáng ánh hào quang của lòng nhân hậu xót thương ngay ngày hôm nay, để Ngài đưa chúng ta về nước Thiên Đàng, nơi đó bóng tối không còn nữa, khổ đau cũng lùi bước, và sự dữ không có chỗ đứng, nơi đó Thiên Chúa hiện diện và cho chúng ta được ở bên Ngài, để nếm cảm hạnh phúc tình yêu, hạnh phúc vĩnh cửu. Và ở bên Chúa, mỗi ngày đều là hôm nay, ngày vĩnh cửu của Đất với Trời thắm thiết hôn nhau, ngày vĩnh cửu của Thiên ôm ấp Trần vào vòng tay yêu dấu, để Trần luôn được ở cùng Thiên mãi mãi, từ hôm nay cho đến mãi muôn muôn đời. Tâm tình này đưa chúng ta vào yếu tố thứ hai của lời Chúa Giê-su nói.

Ở cùng tôi.

Lời của Chúa nói với người trộm lành mở cho anh một cuộc sống mới, cuộc sống ở cùng Chúa. Đó là một hồng ân rất tuyệt vời. Từ thân phận bất xứng của kẻ tội lỗi, anh được Chúa tha thứ và dọn cho anh một chỗ bên Ngài.

Trước hết, tâm tình này liên hệ đến hình ảnh của người Mục Tử nhân lành trong Thánh Kinh, và đặc biệt nơi Chúa Giê-su. Hình ảnh Mục Tử hiền lành và nhân hậu quen thuộc đối với người Do-thái, diễn tả sống động hình ảnh Thiên Chúa là Mục Tử đầy lòng nhân hậu và yêu thương dân của Ngài, đặc biệt giành cho những người lầm đường lạc lối. Thật vậy, Chúa yêu thương chúng ta, đến nỗi Chúa là người Mục Tử chạy theo từng bước chân sai lạc của chúng ta, để đưa chúng ta trở về. ĐTC Benedicto XVI đã diễn tả tâm tình này thật sâu sắc trong thông điệp đầu tiên của ngài Thiên Chúa là Tình Yêu – Deus Caritas Est: “Hành động này của Thiên Chúa mang lấy hình thức bi thảm trong sự kiện, chính Thiên Chúa trong Đức Giê-su Kitô chạy theo ’con chiên bị thất lạc’, chạy theo nhân loại đau khổ và bị tiêu vong. Khi Đức Giê-su trong các dụ ngôn nói về người mục tử chạy theo con chiên bị lạc mất, về người đàn bà đi tìm đồng bạc bị đánh rơi, về người cha chạy đến người con đi hoang và ôm nó vào lòng, thì đấy không những chỉ là những lời nói, nhưng là những cách giải thích bản chất và hành động của chính Người. Trong cái chết thập tự của Người, việc ‘Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình’ đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ – đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Cái nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su, mà thánh Gio-an nói đến (x. Ga 19,37) giúp chúng ta hiểu khởi điểm của thông điệp này: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4,8). Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm. Và cũng từ đó có thể định nghĩa tình yêu là gì. Từ cái nhìn này, người Kitô hữu tìm được con đường để sống và để yêu”. (Số 12).

Con đường sống trong tình yêu của người Ki-tô hữu là con đường được Chúa yêu thương ấp ủ, chính Ngài khi đã tìm lại chiên lạc lối, thì sẽ đưa chiên của Ngài đến một nơi thật tuyệt vời, với đồng cỏ xanh tươi, với dòng nước trong lành, để bồi bổ và để tận hưởng niềm vui của tình yêu, niềm vui của niềm tin vào Chúa, Mục Tử nhân hậu, như Thánh Vịnh gia diễn tả:

“Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.”
(Tv 23, 2-3a).

Được Chúa cho nằm nghỉ êm ấm trên đồng cỏ xanh, và được Chúa cho uống những dòng nước trong lành, thì còn gì tuyệt vời hơn. Nơi đó chính là mảnh đất hứa, nơi đó con cái Chúa được lòng nhân hậu và tình thương của Ngài ấp ủ, nơi đó con cái Chúa tận hưởng tình yêu được ở trong nhà Ngài, ở trong đền Ngài mãi mãi. Đó chính là hạnh phúc mà Thánh Vịnh gia nhận ra, và kể lại cho mọi người kinh nghiệm về hạnh phúc được ở cùng Chúa:

“Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên”.
(Tv 23, 6).

Cả một cuộc đời được tình thương Chúa ấp ủ. Ngài tháng năm dài được sống trong đền Chúa. Đó lành hạnh phúc thiên đàng mà có lẽ ai ai cũng ao ước. Thật vậy, dù cuộc đời hôm nay có rao bán nhiều thứ hạnh phúc khác nhau, hạnh phúc hưởng thụ vật chất với một đời sống tiện nghi sung túc, hưởng thụ thoả mãn những lạc thú của cuộc đời, hạnh phúc đạt được những danh vọng và quyền lực đưa con người lên đỉnh cao, trở thành trung tâm điểm của cuộc sống, thì những thứ hạnh phúc đó không bao giờ tồn tại vĩnh viễn được. Những hạnh phúc đó mỏng manh như phận người mỏng dòn, những hạnh phúc đó mau chóng tàn phai như đời người có thể sáng nở tươi nhưng tối tàn phai mà chẳng ngờ được. Những hạnh phúc con người tự tạo nên đều giới hạn như đời người nhiều lắm là 100 cái xuân xanh. Cuối cùng, chỉ có hạnh phúc được ở cùng Chúa, được sống trong vòng tay ấp ủ của Người Mục Tử nhân hậu, được ở kề bên lòng Chúa, mới tồn tại vĩnh viễn. Và không có sức mạnh nào, kể cả cái chết có thể lấy mất đi hạnh phúc đó. Vì thế, người trộm lành được diễm phúc đón nhận hạnh phúc cao quý này, đó là hồng ân tuyệt vời của tình yêu vô điều kiện mà Chúa Giê-su đã dành cho anh. Hiệp với người trộm lành hạnh phúc, chúng ta có thể mượn lời của Thánh Vịnh gia thốt lên rằng:

“Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa,
chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời”. (Tv 73, 28).

Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã cảm nhiệm về lời Thánh Vịnh này như sau: “Trong kinh nghiệm của thánh vịnh 73, Thánh Vịnh gia nhìn thấy Thiên Chúa và xác tín rằng, ông ta không cần gì ngoài một tâm tình, là ông gặp gỡ được Thiên Chúa trong mọi sự”.

Tìm gặp được Chúa và được ở cùng Ngài. Đó là đích đến của đời người. Đó chình là Thiên Đàng mà ai cũng ao ước. Pagila nói rằng: “Sống kết hiệp với Chúa Giê-su, chúng ta ở trên thiên đàng”.

Trên thiên đàng.

Người trộm lành đã đạt tới đích đến này, nghĩa là được vào nước Thiên Đàng, là do ân sủng nhưng không của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Như thế, “hai người bị đóng đinh hai bên hướng nhìn về Con Người đã đến chia sẻ số phận của họ, và cùng chết với họ. Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Trước kia, Chúa Giê-su đã không ngừng nhắc rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ như một món quà tuyệt đối cho không; Người đã đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính, nhưng là kẻ tội lỗi. Trong giờ phút quyết luyệt này, khi lìa thế để về bên Cha, Chúa Giê-su chứng thực lời Người một cách rõ ràng không thể tưởng tưởng được. Với người tử tội ấy, kẻ đã biết nhận rằng chúng ta như chịu như thế này là đích đáng, và chẳng biết cậy vào đâu ngoại trừ lòng phó thác khiêm tốn và đầy nhân ái của mình, với con người ấy, thì từ trên Thánh Giá, Chúa Giê-su tuyên bố: Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng. Chúng ta hãy nghe nhà hùng biện Công Giáo Bossuet: Hôm nay: thật là nhanh chóng! Ở với tôi: cùng hội cùng thuyền quá tuyệt diệu! Trên thiên đàng: nơi ở bao tuyệt vời! Vậy thì ai còn hoài nghi được nữa về lòng thương xót của Thiên Chúa, ai còn có thể đem công đức của mình ra khoe nữa?”

Lời của Chúa Giê-su nói với anh trộm lành xa lạ thật là đẹp biết bao. Đó là sứ điệp nhân hậu và tràn đầy ơn cứu rỗi của Ngài muốn gởi tới tất cả những ai, dù quá khứ của họ thế nào, nếu họ biết khiêm tốn, ăn năn và hướng về Chúa để cầu xin, thì đều được Chúa đón nhận. Karl Rahner đã suy niệm về lời này của Chúa thật sâu sắc: “Chúa đang đối diện với sự chết, và Chúa vẫn có chỗ trong sự đau khổ quằn quại đang tràn ngập trái tim Chúa, một chỗ cho một người lạ lẫm. Chúa đang chuẩn bị chết đi – nhưng Chúa vẫn lo lắng cho một phạm nhân, kẻ đã thú thật rằng anh ta xứng đáng chịu hình phạt đau đớn và án chết thê lương này, vì những gì xấu xa anh ta đã gây ra. Chúa nhìn thấy Mẹ mình, nhưng lời đầu tiên Chúa lại nói với đứa con hoang đàng. Chúa cảm nhận sự bỏ rơi của Thiên Chúa, nhưng Chúa lại nói về Thiên Đàng. Đôi mắt của Chúa trở nên mờ tối trong đêm đen của cái chết, nhưng đôi mắt ấy lại thấy Ánh Sáng vĩnh cửu. Trong cái chết, người ta cô đơn và làm việc với chính bản thân mình, vì người ta đã bị bỏ rơi hoàn toàn. Chúa đã lo lắng cho các linh hồn, để họ cùng được về Nước Chúa chung với Chúa. Ôi trái tim Chúa nhân hậu biết bao! Ôi trái tim Chúa rộng lượng và can đảm dường nào!

Một phạm nhân ăn năn cầu xin Chúa nhớ tới anh ta. Và Chúa đã hứa nước thiên đàng cho anh. Mọi sự sẽ trở nên mới, khi Chúa chết đi? Một cuộc sống đầy dẫy tội lỗi và đồi bại sẽ nhanh chóng được biến đổi, khi Chúa hiện diện gần bên? Nếu Chúa nói lời thánh hoá biến đổi một cuộc sống, thì ngay cả tội lỗi và những gì thô tục nhất của một cuộc sống trác táng đi hoang sẽ được đón nhận ân sủng và được biến đổi, đến nỗi không còn có gì là cản trở trên ngưỡng cửa vào gặp Chúa…

Chúa đã nói lời toàn năng tràn đầy ân sủng. Lời đó đã đi vào trái tim của tên trộm, và lời đó đã biến đổi lửa hoả ngục đến sau cái chết thành một ngọn lửa tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa, ngọn lửa trong chốc lát đã làm sáng tỏ mọi sự…Và kẻ trộm được cùng vào nước Thiên Đàng với Chúa.

Chúa cũng ban ân sủng cho con chứ, để con không bao giờ đánh mất sự can đảm, để không ngại ngùng cầu xin và chờ đợi tất cả ân sủng từ lòng lân tuất nhân hậu của Chúa? Với sự can đảm con nói rằng: Nếu con là kẻ phạm tội đáng chịu hình phạt nặng, thì xin Chúa nhớ đến con, nếu Chúa vào Nước Chúa, Chúa ơi!

Ôi lạy Chúa, xin hãy để Thánh Giá Chúa treo thật đàng hoàng trước giường chết của con. Và xin cho môi miệng của Chúa cũng nói với con: Thật vậy, Ta nói cho con biết, hôm nay con sẽ ở với ta trên nước thiên đàng. Lời này thôi đã làm cho con trở nên xứng đáng, để con được thánh hoá hoàn toàn, được thoát khỏi mọi tội lỗi, và cùng với Chúa và trong Chúa đi xuyên suốt qua sức mạnh của cái chết, và bước vào Vương Quốc của Cha trên trời”.

Bài tập sống sứ điệp thứ hai Chúa Giê-su trên Thánh Giá.

  • Đứng trước Thánh Giá và hướng mắt lên Thánh Giá Chúa. Ngắm nhìn Chúa Giê-su đang gục đầu xuống như hướng nhìn về bạn. Hãy mở lòng bạn, mở đôi mắt của bạn và mở đôi tay của bạn để đón nhận Chúa. Bạn có thể giang đôi tay mình ra như cử chỉ đón mời Chúa.
  • Vẫn ngắm nhìn Chúa trên Thánh Giá. Giờ đây chú ý lắng nghe lời của anh trộm lành cầu xin Chúa: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Nhẩm đi nhắc lại lời ăn năn khiêm tốn này, và sau đó nhớ lại những lầm lỡ và tội lỗi của mình, đặc biệt tội nào mình cảm thấy nặng nề, và trong thinh lặng, xin Chúa giúp bạn biết thống hối ăn năn và cầu xin Chúa tha thứ, như anh trộm lành đã làm.
  • Ngắm nhìn Chúa trên Thánh Giá, và mở đôi ai và mờ tâm hồn lắng nghe Lời Chúa nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Nhẩm đi nhắc lại lời này, để lời này thấm vào trong tâm hồn. Bạn cảm thấy Chúa nhân hậu và giàu lòng thương xót biết bao. Hãy ở lại trong thinh lặng vài phút để cảm nếm hương vị dịu ngọt của lòng Chúa xót thương. Cuối cùng cảm tạ tri ân Chúa với một lời cầu nguyện ngắn.
  • “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Lắng nghe lời của anh trộm bên trái cứng đầu. Nhắc đi nhắc lại đôi lần lời này. Suy xét xem bạn đã có trách nhiệm gì với phần rỗi linh hồn của bạn? Bạn có ý thức về những gì tội lỗi mà bạn đã gây ra và khiêm tốn sám hối ăn năn xin Chúa giải thoát hay bạn vẫn cứng đầu? Điều gì làm cho bạn cứng đầu hay nói khác đi điều gì đang cản trở bạn khiêm nhường, cản trở bạn sám hối ăn năn? Cuối cùng xin Chúa giúp bạn tháo cởi những trở ngại đó, để có thể trở nên một con người khiêm tốn và hiền lành, luôn sám hối và tin tưởng vào lòng Chúa xót thương.

Mong sao niềm tin vào Chúa Giê-su đầy nhân hậu sẽ giúp chúng ta sống đời khiêm tốn, cầu nguyện, sám hối và  trông cậy vào Chúa luôn, để qua đó chúng ta đón nhận được ơn cứu rỗi.

Cũng xin Chúa giúp chúng ta có trái tim chú ý đến người khác, dù họ xa lạ như anh trộm kia, hay gần gũi với Chúa như Mẹ Ngài và người môn đệ mà Ngài yêu thương nhất, là Thánh Gio-an tông đồ.

CHIẾC VISA NƯỚC TRỜI

CHIẾC VISA NƯỚC TRỜI

Tác giả: Huệ Minh

Trong đời sống thường nhật, ta rất quen và rất gần với chiếc thẻ visa. Để được vào một nước nào đó hẳn nhiên ta phải có visa được cấp từ nước mà ta muốn đến, Và, hẳn nhiên muốn có visa ta phải hoàn tất một số thủ tục bắt buộc là xin đơn, điền đơn …

Kitô hữu, ắt hẳn ai ai cũng biết rằng đất nước mà ta đang sống đây phải chăng chỉ là tạm bợ mà thôi. Điều này ai cũng rõ cả vì trần gian này chỉ là “chiếc lều tạm” trong cuộc hành hương trước khi vào Nước Thiên Chúa – nơi mà người Kitô hữu hướng đến.

Để vào Nước Trời, dĩ nhiên cũng phải có những điều kiện để vào đó. Điều kiện để có một chiếc “visa Nước Trời” được chính Chúa Giêsu trước khi về cùng Cha – về Nước Trời – đã chỉ cho các môn đệ cũng như những ai muốn vào.

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã dừng lại để làm một cử chỉ mà các môn đệ và nhất là Phêrô – người môn đệ trưởng – cũng hết sức ngạc nhiên : “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13, 6).

Trước thái độ ngạc nhiên đó, Chúa Giêsu nói :  “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Phêrô cũng chẳng yên “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Ta thấy Chúa Giêsu lại nói : “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Và rồi Phêrô “tham quá” !,  liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”.

Cũng dễ hiểu thái độ của Phêrô bởi lẽ ông là người bộc trực, bốp chát và nóng nảy. Và ta thấy hhi rửa chân cho các môn đệ xong, Chúa Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.  Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. (Ga 13, 12-15)

Đau ở chỗ “Thầy là Thầy là Chúa mà còn rửa”. Chúa Giêsu làm như vậy để chứng minh con người thật của mình và đã làm chứ không phải nói.

Đỉnh điểm của những lời yêu thương đó là : Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Ga 13, 34)

Chỗ mà mỗi người Kitô hữu buộc lòng phải điền vào cái đơn xin “visa Nước Trời” là chỗ đó đó, là cái chỗ mà yêu thương nhau như Thầy đã yêu.

Cái tình yêu mà Thầy đã yêu đó không giống như tình yêu của con người dành cho nhau, không phải tình yêu của mắt đền mắt, răng đền răng, không phải là yêu kẻ yêu thương mình … mà là yêu cho đến tận cùng, yêu cả kẻ thù của mình, kẻ đã sát hại mình.

Thật ra mà nói, không thể nào lý giải được cái tình yêu lạ lùng đó nhất là khi Chúa Giêsu đến trần gian này để cứu nhân loại mà đâu phải là cứu cái nhân loại tốt lành mà là cứu cái nhân loại đầy tội lỗi, đầy bợn nhơ và chính thánh Phaolô đã cảm nghiệm : “Ðức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi”. (1 Tm 1, 16)

Tình yêu Giê su thật đẹp ! Tình yêu ấy được linh mục nhạc sĩ Thành Tâm khơi dòng cảm hứng :

Trên đồi cao, trong gió lao xao gọi mời tình yêu
Giêsu gục ngã, treo thân thập giá dang cánh tay ôm tội đọa đầy
Thân tàn hơi con Chúa Trời nghe hồn chợt đơn côi
Ôi nhân loại hỡi, sao chưa hoài tới mà nỡ quên ân tình biển khơi

Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian
Vì Ngài chỉ đến sống cho tình yêu, chết cho tình yêu
Để cứu muôn người lỗi tội
Đưa về trời đẹp tươi

Căn cốt của chuyện Chúa Giêsu đến trong trần gian này, sống trong trần gian này và chết cho trần gian này cũng chỉ vì chữ Yêu mà thôi. Và hẳn nhiên, điều mà Thầy truyền lại cũng như điều kiện để vào Nước Trời đó là người nào muốn vào là phải yêu.

Yêu ! Nhìn thấy thoạt dễ nhưng nhìn kỹ lại một tí thật khó ! Khó bởi lẽ trong nội tại con người ai ai cũng có cái tôi đôi khi nặng hơn cả ký lô thân xác mình đang sở hữu.

Thế nhưng, xét cho bằng cùng cũng là dễ nếu như ta chịu khó nhìn lên trên đỉnh đồi Gôngôta ngày thứ Sáu Tuần Thánh và chiêm ngưỡng bậc thầy của tình yêu chịu treo trên đó. Ta nhìn, ta ngắm, ta suy ta sẽ thấy bậc thầy đó yêu ta đến mức nào ngay khi ta còn là một tội nhân, là một con người thậm chí chẳng ra gì.

Rõ ràng nhất trong cuộc sống, ta chẳng là gì cả nhưng chẳng hiểu tại sao mọi người lại yêu ta đến như thế ?

Cứ ngẫm xem có phải đúng hay không khi ta đặt mình trước mặt ông thầy của tình yêu, ta đặt mình trước mặt ta và ta đặt mình trước mặt những người thân yêu nhất là cha, là mẹ, là chồng, là vợ, là con, là bạn bè thân hữu …

Có đôi khi ta chợt nhận ra rằng ta là một chồng thất tín bất trung, sáng xỉn chiều say lè nhè lem nhem đó nhưng rồi người vợ hiền và đàn con thân yêu vẫn yêu thương bao bọc ta và luôn luôn đón nhận ta khi ta trở về với gia đình.

Có đôi khi ta chợt nhận ra rằng ta là bà vợ lắm lời nhiều tiếng và không chu toàn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình nhưng người chồng và những đứa con ngoan trong gia đình vẫn yêu mẹ chúng lắm !

Có khi ta là những đứa con bất hảo và cả bất hiếu với cha với mẹ và hành xử chẳng ra gì với anh chị em trong gia đình nhưng rồi chẳng hiểu sao cha mẹ và anh chị em thương ta quá !

Có đôi khi trong cơ quan, trong trường học, trong công sở ta sống ích kỷ, thu vén và đôi khi cùng kỹ năng để hơn người này thắng người kia nhưng rồi đồng nghiệp, đồng bạn vẫn bao dung yêu thương đón nhận ta.

Có đôi khi ta là thành viên trong cộng đoàn tu trì sống chẳng ra một cung cách của nhà tu là ích kỷ, giận hờn, gian tham, thu vén, cửa quyền, độc ác nhưng cộng đoàn lại yêu thương ta cách là lùng mà ta không hiểu.

Tình yêu mà thầy Chí Thánh Giêsu vẫn len lỏi đâu đó từng ngỏ ngách trong cuộc đời ta mà ta không hay không biết để rồi ta lại cứ ngang ngang, tàng tàng, bướng bướng độc ác với anh chị em đồng loại.

Ngày hôm nay, nhìn lại cử chỉ của vị linh mục chủ tế rửa chân cho các môn đệ ta lại được nhìn lại cử chỉ yêu thương của Chúa bên đời ta qua người vợ, người chồng, người con, người đồng loại đang sống bên cạnh ta.

Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm ! Câu nói thật dễ thương !

Ta cứ yêu đi rồi ta làm gì thì làm ! Đúng như thế ! Ta hãy quay lại với tình yêu nguyên thuỷ mà Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn ta để ta yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa đã yêu thương ta.

Giữa cuộc sống bôn ba bề bồn với cơm áo gạo tiền, trái tim của ta bị phủ đầy những lớp bụi của tham sân si, của hờn ghen, của thu vén để không còn đủ sự tinh tuyền thuở ban đầu mà Thiên Chúa tạo dựng.

Hẳn nhiên ta cần cơm áo gạo tiền cho cuộc sống hiện tại, cho những gì cần để nuôi thân ta. Nhưng, ta nên nhớ và phải nhớ một điều rằng cuộc sống của ta chỉ là những chuỗi ngày lữ thứ tha hương, nước chúng ta cần đến, cần vào đó là Nước Trời.

Khi ta nhắm mắt xuôi tay, Chúa sẽ chẳng hỏi ta điều gì khác ngoài lời đáp trả yêu thương mà Chúa mời gọi vào chiều hôm Tiệc Ly thứ Năm Thánh.

Có thể ta có nhà lầu, xe hơi, biệt thự, quyền cao chức trọng nhưng nếu ta đánh mất đi tình yêu hay nói cách khác ta không điền vào cái đơn xin visa Nước Trời chữ Yêu mà Chúa Giêsu đã mời gọi thì thật là đáng tiếc.

Sống ở đời, căn cốt không phải là giàu hay nghèo, sang hay hèn, là đại gia hay tiểu gia. Căn cốt của đời này là ta có đạt được Nước Trời, nơi chính là cùng đích của đời ta hay không mà thôi.

Vẫn mang trong mình phận người yếu đuối tham sân si, hay giận hờn, hay ghét ghen, hay hơn thua, hay chà đạp người khác … Ta hãy nhìn lên hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương ta đến dường nào để ta loại bỏ dần những tính hư tật xấu nhất là nghịch về giới răn yêu thương mà Chúa đã mời gọi chúng ta.

Và ta nên nhớ lời trăn trối dễ thương : Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”. (Ga 13, 35)

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết yêu thương nhau như Thầy đã yêu để ta có một tấm visa Nước Trời và là môn đệ thật của Thầy Giêsu.

Huệ Minh

Phải rửa chân cho nhau

Phải rửa chân cho nhau

Thứ năm Tuần Thánh

(ngày mai 2 tháng 4)

Dongten.net

LỜI CHÚA:  Ga 13, 1-15

1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su.3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? “7 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”8 Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! ” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.”10 Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! “11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”

12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?13 Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

SUY NIỆM

Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.
Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.
Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến
cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu :
Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.
Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.

Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.
Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.
Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.
Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,
Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.
Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.
Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.
Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ,
thì bây giờ Thầy làm cho trò.
Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.
Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.
Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.
Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.

Trong cả hai biến cố Rửa chân và Bí tích Thánh Thể,
Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.
Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân,
hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.
Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.
Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.
“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).
“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).
Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể
sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.

Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu,
cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).
Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy :
“Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi,
và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.
Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.
Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.

LỜI NGUYỆN

Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Bạn biết gì về Thứ Sáu Tuần Thánh?

Bạn biết gì về Thứ Sáu Tuần Thánh?

– Tin nổi bật, Công Giáo Trẻ

VRNs (01.04.2015) – Sài Gòn – Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày khủng khiếp nhất trong năm. Bạn đã xem phim “The Passion of the Christ” (Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu) chưa? Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày mà Chúa Giêsu chịu sự bất công oan sai nhất: bị phản bội, bị chế nhạo, bị nhục nhã, rồi bị giết chết bằng cách chịu đóng đinh vào Thập Giá – loại hình phạt tệ nhất dành cho các tử tội dạng “đại ca” thời đó. Tiếng Anh gọi Thứ Sáu Tuần Thánh là Good Friday – Thứ Sáu Tốt Lành. Thứ Sáu Tuần Thánh có là Ngày Tốt Lành không? Sao người ta sợ Thứ Sáu ngày 13 vậy?

Tại sao người ta cho rằng cái chết của Chúa Giêsu là ngày TỐT LÀNH trong khi lại là ngày Đại Tang của Kitô giáo?

150330016

Thứ Sáu Tuần Thánh đã được hoạch định

Từ đầu, Thiên Chúa đã biết những gì sẽ xảy ra nên Ngài đã hoạch định phương cách. Ngài hóa thân làm người để giải quyết tất cả mọi khúc mắc. Chúng ta đã biết điều này, đúng không? Nhưng đôi khi chúng ta bỏ lỡ Phụng Vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Thiên Chúa biết rõ: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19:30).

Khi Chúa Giêsu trở nên của lễ cứu chuộc, tất cả đã xong. Những gì còn dở dang cũng được hoàn tất. Cái chết của Ngài là “chất xúc tác” làm cho mọi điều nên trọn. Sự sống lại, Chúa Thánh Thần hiện xuống, sự tái lâm của Chúa Giêsu. Khi cái chết xảy ra, mọi thứ khác cũng được thực hiện theo cách nhìn của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi hướng thượng để được vào Nước Trời. Ngài muốn chúng ta hy vọng sự sống lại và mong đợi ngày Ngài tái lâm. Ngài đã hoàn tất mọi sự, không còn gì dở dang. Sự chết không còn quyền gì đối với linh hồn chúng ta, vì mọi sự đã hoàn tất. Tội lỗi không còn có thể làm chúng ta dơ bẩn khi Thiên Chúa nhìn chúng ta, vì mọi sự đã hoàn tất.

Ngày duy nhất không có Thánh Lễ

Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hợp với truyền thống cổ xưa: Không có Thánh Lễ – tức là không có truyền phép Thánh Thể. Tuy nhiên, Thánh Thể vẫn được giữ từ Thánh Lễ hôm trước, và chúng ta vẫn được đón nhận Thánh Thể. Các bí tích khác vẫn được cử hành trong trường hợp khẩn cấp, như rửa tội cho người hấp hối hoặc xức dầu cho người bệnh nặng. Nghi thức an táng được cử hành nhưng không có đàn hát hoặc chuông.

Chúa Giêsu bị phản bội hai lần

Lần thứ nhất là Tông đồ Giuđa Ítcariốt. Ông nhận 30 đồng bạc, tiền “bán đứng” Thầy mình, ở một góc tối trong Vườn Ghếtsimani, nơi Chúa Giêsu thường tới cầu nguyện vào ban đêm. Lúc đó Giuđa thay đổi ý định, nhưng không thể được. Vì thất vọng, Giuđa đã treo cổ tự kết liễu đời mình. Lần thứ hai là Tông đồ Phêrô. Chỉ vài giờ sau khi Chúa Giêsu bị bắt, ông đã sợ nên chối phăng là không biết Thầy Giêsu khi có người nhận ra ông là người đi theo Chúa Giêsu. Ông không chối một lần mà chối tới ba lần. Khi bị dẫn đi, ánh mắt Chúa Giêsu đã nhìn Phêrô với ánh mắt nghiêm nghị và đầy lòng trắc ẩn.

Sự phản bội đã biến đổi Phêrô

Sau khi thấy ánh mắt Chúa Giêsu, Phêrô sợ hãi và hoảng hốt vì tính hèn nhát của mình, ông bật khóc ăn năn. Ông được Chúa tha thứ và can đảm rao giảng Tin Mừng. Bài giảng của ông vào ngày lễ Ngũ Tuần đã khiến 3.000 người xin được rửa tội. Ông trở nên giáo hoàng tiên khởi và chịu tử đạo tại Rôma. Khi người Rôma đóng đinh ông vào thập giá, ông cảm thấy mình không xứng với Chúa Giêsu nên xin được đóng đinh ngược. Quân lính đã lật ngược thập giá theo ý ông muốn. Hằng trăm năm sau, các Kitô hữu bị bách hại đã bí mật đến viếng mộ Thánh Phêrô, và rồi Kitô giáo được công nhận thời Hoàng đế Constantine. Hài cốt Thánh Phêrô được cải táng về Đền thờ Thánh Phêrô. Ngày nay, Vatican lưu giữ những gì được tin là hài cốt Thánh Phêrô, được phát hiện những năm trước đây tại hầm mộ bên dưới bàn thờ của đền thờ này.

Không ăn uống gì từ 12 giờ tới 15 giờ

Ăn chay và kiêng thịt là truyền thống ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Tại sao? Vì đây là ngày Thiên Chúa bị phản bội, hạ nhục, hành hạ, mỉa mai bởi chính đám người mà mới vài ngày trước tung hô vạn tuế Ngài, rồi giết chết Ngài như một tên tội phạm. Truyền thống nói rằng Chúa Giêsu bị treo Thập Giá từ trưa cho tới 3 giờ chiều. Đây là khoảng thời gian nắng gay gắt. Đây cũng là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ơn cứu độ, nhưng chúng ta đã rũ bỏ. Để nhớ ba tiếng đồng hồ ghê rợn này, nhiều người nhịn ăn uống bất cứ thứ gì. Tại sao? Để than khóc chính mình, để đền tội mình, để thông phần đau khổ với Chúa Giêsu, đặc biệt là để sám hối về những lần chúng ta đã hèn nhát, không dám đứng lên bảo vệ sự thật, không dám đấu tranh chống lại bất công, hoặc không dám tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu độ.

Thứ Sáu Tuần Thánh: Tôn kính Thánh Giá

Trong Giáo Hội Công giáo, Thứ Sáu Tuần Thánh không cử hành Thánh Lễ, nhưng có nghi thức tôn kính Thánh Giá để tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu. Nghi thức này thường được cử hành lúc 3 giờ chiều, giờ Con Thiên Chúa trút hơi thở trên Thánh Giá. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, có thể cử hành trễ hơn, nhưng phải trước 9 giờ tối.

Thứ Sáu Tuần Thánh: Tử thần chiến bại

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày ảm đạm, ngày đại tang, nhưng lại là ngày tốt lành vì Con Thiên Chúa đã hoàn tất mọi sự. Chính cái chết của Ngài khiến Tử Thần phải bó tay, đành thua cuộc. Kẻ thù vẫn tìm cách hãm hại chúng ta, muốn kéo chúng ta về phe chúng, nhưng chúng không thể chiến thắng vì chúng đã thua Con Thiên Chúa.

Thứ Sáu Tuần Thánh: Khởi đầu phục sinh

Thứ Sáu Tuần Thánh là khởi đầu của sự chết, nhưng cũng chính là khởi điểm của sự phục sinh. Alleluia, Chúa Giêsu đã sống lại vinh quang!

Người ta sợ Thứ Sáu ngày 13 vì người ta thấy trong Bữa Tiệc Ly có 13 người: Chúa Giêsu và 12 môn đệ. Giuđa Ítcariốt là người phản bội, bị coi là người mang “bí số” 13. Đừng dị đoan nhảm nhí mà “sợ” ngày này. Thứ Sáu nào cũng tốt lành, Thứ Sáu Tuần Thánh càng tốt lành hơn!

TRẦM THIÊN THU

(Viết theo Beliefnet.com)

Xem phim “The Passion of the Christ” của đạo diễn Mel Gibson: httpv://www.youtube.com/watch?v=o-ZcbjLBtls&list=PL-dE3EzobLKc2rbRuakYsRNpwta9zSR2I

*HÃY TRẢ LỜI CHO CHÍNH BẠN…*


*HÃY TRẢ LỜI CHO CHÍNH BẠN…*

*Cố G.S.Trần Duy Nhiên*

*Cuộc đối chất giữa một giáo dân thế kỷ 21 và nhân vật lịch sử Philatô*

*Thanh nữ*: Này ông Philatô! Theo tôi, chính hành động trốn trách nhiệm của
ông đã giết chết Chúa chúng tôi.

*Philatô*: Tôi không hề thấy mình trốn trách nhiệm. Sở dĩ tôi rửa tay là vì
không muốn liên can đến những vấn đề mà tôi cho là chuyện nội bộ Do Thái
giáo.

*Thanh nữ*:  Ông biết rõ ràng là Đức Giêsu vô tội.  Chính ông đã tuyên bố
với mọi người là ông không thấy Người ấy có tội.  Thế mà ông vẫn tuyên án
tử hình.

*Philatô*:  Tôi đã làm đủ mọi cách để trả tự do cho Giêsu.  Tôi cho đánh
đập thê thảm để kêu gọi lòng từ tâm của dân chúng.  Nhưng họ không buông
tha.  Tôi lợi dụng thông lệ Vượt Qua để họ chọn lựa trả tự do hoặc cho
Giêsu hoặc cho Barabas, tên tử tội ghê gớm nhất tôi đang cầm giữ và họ đã
chọn Barabas.  Chị còn đòi hỏi tôi làm gì nữa?

*Thanh nữ*:  Tất cả những việc đó chỉ là mánh khóe.  Điều tôi mong là ông
áp dụng luật pháp cho đúng đắn, nghĩa là trả tự do cho một người vô tội mà
không cần một điều kiện gì.

*Philatô*:  Tôi không có quyền đó.

*Thanh nữ*:  Thế ông không phải là người đại diện La mã để duy trì luật
pháp sao?

*Philatô*:  Chính vì tôi là người đại diện La mã mà tôi không có quyền tha
bổng Giêsu.

*Thanh nữ*:  Tôi không hiểu ông muốn nói gì.

*Philatô*:  Chị hiểu rõ câu nói của tôi.  Điều chị không hiểu là nhiệm vụ
của tôi.  Tôi là một nhà chính trị chứ không phải là một nhà luân lý.  Bổn
phận của tôi là duy trì an ninh trật tự một nước thuộc địa của Mẫu quốc La
mã.  Chúng tôi để cho người Do Thái thờ Giavê và tiếp tục lễ nghi của họ
trong khi chúng tôi thờ thần Jupiter.  Chị tưởng chúng tôi làm thế là vì
tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người Do Thái à?  Nghĩ như thế là
lầm.  Chúng tôi làm như thế vì lợi ích của chúng tôi, những người La mã.
Nếu cấm đoán, họ có thể nổi dậy làm loạn…

*Thanh nữ*:  Ông nói những điều đó để đi đến đâu?

*Philatô*:  Để chị hiểu vì sao tôi không có quyền tha Giêsu.

*Thanh nữ*:  Nhưng ông biết rằng Đức Giêsu không hề xúi dân làm loạn.  Và
trong giờ phút đau đớn đó Ngài không có lấy một người lính, thậm chí một
người bạn cũng không cơ mà.

*Philatô*:  Chính vì thế mà tôi không có quyền chọn lựa.  Nếu dân chúng ủng
hộ Giêsu, và cái chết của Giêsu có thể đem đến một sự nổi loạn, thì tôi
phải suy nghĩ.  Đàng này mọi người đã bỏ rơi Giêsu. Trong khi đó nhóm biệt
phái xúi dục dân chúng lên án Giêsu vì những chuyện riêng tư của tôn giáo
họ.  Nếu tôi buông tha Giêsu, họ sẽ bất bình và có thể làm loạn.

*Thanh nữ*:  Vì thế mà ông đã tuyên án Chúa chúng tôi à?

*Philatô*:  Tôi đã nói rằng tôi không tuyên án kết án ai cả.  Tôi trao
Giêsu lại cho người Do Thái để họ làm gì mặc họ.

*Thanh nữ*:  Ông là một người vô liêm sỉ.

*Philatô*:  Đấy chỉ là vấn đề quan điểm.

*Thanh nữ*:  Quan điểm gì nữa? Ông đã không dùng quyền hạn mình để bảo vệ
một người mà ông biết là vô tội.  Không quan điểm nào cho phép một bất công
như thế.

*Philatô*:  Với tư cách cá nhân, tôi thấy rằng người ấy vô tội, nhưng với
tư cách là Tổng trấn La mã, tôi không có quyền để những tình cảm cá nhân
len vào.  Tôi chỉ có quyền làm những gì có lợi nhất cho Hoàng Đế của tôi mà
thôi.

*Thanh nữ*:  Tôi không cần biết ông nhân danh gì mà hành động. Tôi chỉ biết
rằng nếu Chúa Giêsu vô tội thì ông là kẻ có tội.

*Philatô*:  Sao chị lại buộc tội tôi?  Tôi chỉ là một người bên ngoài giáo
hội Do Thái, làm việc theo lập trường của mình.  Những người có tội là
những người nhân danh Thiên Chúa của họ để giết Giêsu.  Chính những hạng
người như chị đã đặt tôi vào tình trạng không thể buông tha Giêsu.

*Thanh nữ*:  Ông là một người thủ đoạn. Ông muốn bịt miệng tôi bằng cách
buộc tội tôi, dù ông biết rằng ông không có cơ sở.

*Philatô*:  Có chứ!… Ngày Giêsu vào Giêrusalem thì một số người hăng hái
tiếp đón Giêsu, hô to khẩu hiệu. Và một tuần sau thì cũng chính những người
đó hét to hơn ai hết: “*Hãy thả Barabas. Hãy đóng đinh Giêsu vào thập giá*.”
Tôi thấy lợm giọng, chị à!  Hôm nay cũng vậy, giữa những thân hữu của chị,
chị cũng ra vẻ bênh vực Giêsu và mạt sát tôi…  Tôi thấy sợ!  Tôi thấy
mình trở lại cái ngày hôm ấy.  Ngày xử án Giêsu, khi tôi lên tiếng hỏi,
không có một nhân chứng nào bênh vực cho Giêsu! Ngày hôm đó, tôi chỉ thấy
những kẻ chứng gian, những người phẫn nộ, những bọn tò mò, còn những người
có cảm tình với Giêsu thì trốn biệt tăm tích.  Ngày hôm đó, *chỉ có* *một
mình tôi*, chị nhớ cho, *tôi*, *Phongxiô Philatô,* người mà chị vừa gọi là
vô liêm sỉ đấy, *chỉ có một mình tôi* là *người duy nhất* nói rằng *Giêsu
vô tội*.  Nếu hôm đó chị có mặt, chị sẽ là ai?  Chị sẽ là một người trốn
biệt hay một người la hét?  Chị đừng nói rằng chị sẽ bênh vực, vì không có
ai bênh vực Giêsu, ngoài *tôi*.  Nếu chị gọi tôi là vô liêm sỉ thì chị sẽ
là gì?  *Chị tự xét lấy, đừng trả lời tôi, hãy trả lời cho chính chị*!

*Trần Duy Nhiên*

Chị Ngyễn Kim Bằng gởi

NHIỆM TÍCH TÌNH YÊU

NHIỆM TÍCH TÌNH YÊU

Lm Jos. Trần Xuân Chiêu

Thứ Năm Tuần Thánh được bắt đầu bằng Thánh lễ Truyền Dầu, và ban chiều, khởi đầu Tam Nhật Vượt qua, Phụng vụ đưa mỗi người đến bữa Tiệc Li của Đức Giê-su, diễn tả việc Người rửa chân cho các môn đệ, tưởng niệm việc Chúa lập phép Thánh Thể và chức vụ Linh mục.  Như vậy có quá nhiều đề tài cho người ta khai thác, học hỏi.  Tuy nhiên, giờ đây mỗi người được mời đi sâu vào cội rễ của các tưởng niệm trên, đó là tình yêu của Chúa Kitô đối với loài người.

Nhiều người đặt vấn đề, có cần Chúa phải làm việc hèn hạ, là rửa chân cho các môn đệ không?  Có phải đây là kiểu xu nịnh, như nhiều người thường đi bằng hai đầu gối để đạt mục tiêu không?  Liệu Chúa có đối xử gì tệ bạc với Giuđa không, mà sao ông lại có hành vi tồi tệ và đê hèn, đến nỗi bán Thầy của mình với giá bèo bọt 30 đồng bạc?

1. Trong bữa Tiệc Li

Đức Giêsu đã cùng ăn bữa tối quan trọng với các môn đệ, để chuẩn bị cho việc ra đi của Người.  Tất cả những sự kiện báo trước đang diễn ra trong bữa Tiệc Li này, đó là Giuđa phản bội bán Thầy với giá 30 đồng bạc, đó là Phêrô môn đệ thân tín nhất sẽ chối Chúa 3 lần.  Đề tài chủ yếu trong Phụng vụ chiều nay cũng như tuần Tam Nhật Vượt qua là tình yêu.  Tất cả việc Chúa lập phép Thánh Thể, bí tích Truyền Chức Thánh, đặc biệt là cử chỉ khiêm nhường rửa chân cho môn đệ, đều xuất phát từ tình yêu cao vời của Thiên Chúa.

Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Thánh Thể: Chúa đã nhập thể để đến với nhân loại, Chúa đã sinh ra trong nghèo hèn để cảm thông cuộc sống với con người, Chúa đã giảng dạy để kêu gọi và mở ra con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực, Chúa chịu chết để cứu độ tất cả mọi người.  Nhưng như thế chưa đủ, Chúa muốn làm hơn thế, để chứng tỏ tình yêu của Người: đó chính là phép Thánh Thể, mà Chúa lấy chính Máu Thịt mình để nuôi loài người.  Tình yêu của Người luôn được tiếp tục bằng việc cung cấp thức ăn thiêng liêng cho nhân loại.  Chúa muốn đi sâu vào thân xác, thấm vào máu thịt, để biến dòng máu đen ngòm tội lỗi của con người, thành dòng máu tươi hồng trong sạch của Chúa, Chúa muốn con người có sức mạnh phi thường, để họ có đủ sức vượt dặm trường, chống lại những vật cản tiến về Nước Chúa.

Đức Kitô đã lập ra chức vụ linh mục: Ôi lạ lùng huyền nhiệm, Chúa đã nên lương thực qua đôi tay linh mục thừa tác viên để phục vụ, để ban phát hồng ân, để tha thứ lỗi lầm, để giải hòa với Chúa và với nhau.  Qua tác vụ linh mục, người tín hữu được lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, làm của ăn tinh thần, được giao hòa với Thiên Chúa tình yêu, được ánh sáng và sức mạnh để thăng tiến cuộc sống con người.

2. Rửa chân cho các môn đệ

Trong bữa Tiệc Li, Đức Giêsu còn thể hiện cử chỉ rất đặc biệt:  rửa chân cho các môn đệ.  Bỏ qua mọi rào cản,  những kinh nghiệm đau thương, và những mất mát sẽ diễn ra, Đức Giêsu đã đứng dậy, cởi áo ra, lấy chậu nước và rửa chân cho các môn đệ.  Người ta rất ngạc nhiên, cũng như Phêrô đã rất ngạc nhiên, tại sao Chúa làm như vậy?  Đây là một việc làm của một tên nô lệ theo thói quen người Israel. Mỗi người có thể hiểu được việc làm này của Chúa vì nhiều lí do:

Trước hết là để ứng nghiệm những gì đã viết về Đức Kitô:  Chúa là Người Tôi Tớ Thiên Chúa trong sách Isaia, Đấng đã chuộc lại loài người bằng những hy sinh của Người.  Việc Chúa tự động đứng dậy rửa chân cho họ, cũng để chứng tỏ rằng Người tự nguyện chịu chết để cứu độ nhân loại.  Những từ “cởi ra” “mặc vào” nói lên việc Người chịu chết và sống lại, việc con người đánh mất Hồng Ân Chúa khi phạm tội, và Đức Kitô đã chuộc lại ơn làm nghĩa tử của Chúa.

Việc rửa chân là bài học giáo dục, Đức Giêsu muốn nêu cao tấm gương trong cách sống mà các môn đệ phải noi theo: Sống để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, “Thầy nêu gương cho anh em, để anh em hãy làm cho nhau” (Ga.13, 15).

Rửa chân bằng nước còn nói lên việc thanh tẩy; Đức Giêsu muốn nói với con người rằng, Chúa đến để làm mới lại con người, thanh tẩy tội lỗi họ, để không những thân xác, chân tay, mà cả tâm hồn cũng nên trong sạch, loại bỏ những hiềm khích, đam mê, tội lỗi…

Việc rửa chân dạy loài người bài học khiêm nhường: Con người muốn làm lớn thống trị người khác, như hai anh em con ông Giêbêđê muốn chỗ nhất nhì trong Nước Trời.  Quyền lực vẫn là cái gì làm cho người ta cuồng nhiệt tranh giật, ngoài xã hội cũng như trong tôn giáo, xưa cũng như bây giờ, Đức Giêsu dạy các môn đệ muốn làm lớn, hãy trở nên đầy tớ trước đã.

Cuối cùng, Đức Giêsu muốn chứng tỏ tình yêu trổi vượt của Người với nhân loại:  Chúa muốn làm tất cả vì yêu.  Một thứ tình yêu mãnh liệt không đắn đo tính toán, đã khiến Người có thể làm những điều người ta không tưởng, đó là việc quỳ xuống rửa chân cho môn đệ của mình.

3. Tình yêu đáp trả

Qua những hành vi trên đây, Đức Giêsu kêu gọi mọi người hãy đáp trả tình yêu của Người dành cho họ:

Trước hết là hãy đón nhận: Qua việc cúi xuống rửa chân cho đầy tớ, Đức Giêsu muốn nhắc con người: những gì là trịch thượng, quyền thế, là cái tôi, là hạ cố, cần phải loại trừ:  Một Thiên Chúa quỳ xuống, để ngước mắt nhìn lên loài người, nhằm dạy người ta phải khiêm nhường đón nhận những ân sâu tận Trời của Chúa.  Chỉ khi con người biết khiêm nhường, họ mới gặt hái thành công, mới có thể đạt mục tiêu Nước Trời.  Thế gian chỉ biết hưởng thụ, chờ mong người khác hầu hạ.  Người ta thường bị cám dỗ bởi tiền bạc vật chất, ăn trên ngồi trốc.  Chúa không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ, vậy con người là ai, mà chỉ muốn người khác hầu hạ mình?

Hãy tôn vinh Thánh Thể Đức Kitô: Thánh Thể là kết quả tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Qua Thánh Thể, con người được nên một với Người, sống với Người.  Chính vì thế, Thánh lễ trở thành trung tâm Phụng vụ.  Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để tận hưởng lương thực thần hiệu này, hãy để Chúa sống với mình hằng ngày, hãy lắng nghe tiếng Chúa mời gọi:  Hãy đến mà ăn.  Đừng để Chúa cô đơn và nhục mạ bằng việc từ chối của mình.

Xin Chúa cho chúng con biết noi gương Người sống khiêm nhường, hi sinh và phục vụ để xứng đáng làm môn đệ Đức Kitô.

Lm Jos. Trần Xuân Chiêu

VIẾT LẠI CUỘC XỬ ÁN CỦA CHÚNG TA

VIẾT LẠI CUỘC XỬ ÁN CỦA CHÚNG TA

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Khi kể về cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, Thánh Kinh tập trung rất nhiều vào cuộc xử án Ngài, mô tả dài và chi tiết.

Và mô tả đó thật vô cùng sâu cay.  Chúa Giêsu bị xử án, nhưng lại được viết ra như thể, tất cả mọi người đang bị xử án, chứ không phải Ngài.  Các nhà cầm quyền Do Thái, những người đã lên kế hoạch bắt Ngài đang bị xử án vì lòng ghen tức và bất lương của họ.  Nhà cầm quyền Rôma, những người nắm quyền quyết định trong vụ này, đang bị xử án vì sự mù quáng về đạo của họ.  Các đồng bạn và những người đương thời của Chúa Giêsu đang bị xử án vì sự yếu đuối và phản bội của họ.  Những người thách Chúa Giêsu thể hiện quyền năng thiêng liêng của mình để xuống khỏi thập giá, họ bị xử án vì đức tin thiển cận của họ.  Và, cuối cùng nhưng không phải nhẹ tội, là chính mỗi chúng ta đang bị xử án vì sự yếu hèn, ghen tương, mù quáng tôn giáo và đức tin thiển cận của mình.  Đoạn viết về cuộc xử án Chúa Giêsu đọc ra như một bản kể tội phản bội của chúng ta.

Gần đây, Giáo hội đã cố để giúp chúng ta nắm bắt được điều này bằng cách đọc các đoạn Thương khó trong ngày Lễ Lá và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.  Ngày nay, trong nhiều nhà thờ, bản Thương khó được đọc theo cách phân vai, một người kể chuyện, một người đóng vai Chúa Giêsu, vài người khác đóng vai những người tham dự trong việc bắt giữ và xử án Chúa, và cả cộng đoàn đọc to lời của đám đông. Làm thế này không thể nào hợp lý hơn được nữa, vì một cộng đoàn trong bất kỳ giáo hội Kitô nào, và chúng ta, từng người trong cộng đoàn đó, bằng hành động hay lời nói, theo vô số cách khác nhau, đang họa lại hoàn hảo những hành động và lời nói của những người đương thời với Chúa Giêsu cùng với sự yếu hèn, phản bội, ghen tức, mù quáng tôn giáo, và đức tin sai lầm.  Chúng ta cũng vô số lần lên tiếng buộc tội Chúa Giêsu bằng chính lối sống của mình.

Ví dụ như, đây là cách chúng ta làm thế trong lời nói: Trong trình thuật theo thánh Matêô, trong cuộc xử án, Philatô ra trước mặt dân, những người chỉ mới năm ngày trước đã tung hô Chúa Giêsu là vua, nói với họ rằng, theo thông lệ vào ngày lễ Vượt qua, ông sẽ thả một tù phạm Do Thái.  Lúc đó, trong tù có một tên sát nhân hết sức bỉ ổi là Barabbas.  Philatô hỏi đám đông: “Ta sẽ tha cho ai, Giêsu thành Nazareth hay Barabbas.”  Đám đông la lên: “Barabbas!”  Philatô mới hỏi họ: “Vậy ta sẽ làm gì với Giêsu thành Nazareth?”  Đám đông đáp lời: “Dẫn hắn đi.  Đóng đinh hắn!”  Chúng ta có thể làm một phép ngoại suy rất rõ ràng thế này: Trong mọi lựa chọn luân lý của mình, lớn hay nhỏ, xét cho cùng, câu hỏi mà chúng ta phải đối diện cũng là câu mà Philatô đã hỏi đám dân: Ta sẽ thả ai cho các người, Giêsu hay Barabbas?  Lòng nhân từ hay thói bạo lực?  Bỏ mình hay quy kỷ?

Cũng đám dân đó đã nói với Philatô rằng: “Chúng tôi chẳng có vua nào cả, ngoại trừ Ceasar!”  Khi nói thế, họ đang chối bỏ niềm hi vọng của mình về Đấng Messiah để đổi lấy sự an toàn tạm thời.  Chúng ta cũng nói như thế, mỗi khi, vì lợi lộc của mình, chúng ta bán rẻ những lý tưởng cao hơn, và chọn lấy cái thứ yếu.

Cũng vậy, quá thường xuyên, chúng ta lặp lại những lời của đám dân đang thách Chúa Giêsu bị treo trên thập giá bằng những lời: “Nếu ngươi là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá, cứu lấy chúng ta, và cứu cả ngươi nữa.”  Chúng ta cũng nói như thế bất cứ lúc nào chúng ta cầu nguyện như thể đang thẩm xét sự hiện hữu và tốt lành của Thiên Chúa, nếu chúng ta có một câu trả lời theo ý mình thì đó là Chúa yêu chúng ta, còn không, chúng ta sẽ bắt đầu hoài nghi Ngài.

Dĩ nhiên, cũng như vậy với hành động của chúng ta:  Như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có xu hướng ở bên Ngài khi mọi chuyện tốt đẹp, khi cám dỗ không quá mạnh, và không phải đối diện với những đe dọa thực sự, trực tiếp đến mình.  Nhưng cũng như môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có khuynh hướng chối bỏ và phản bội khi mọi chuyện trở nên khó khăn và nguy hiểm.  Hơn nữa, như các người có quyền đến bắt Chúa Giêsu với đèn đuốc sáng, chúng ta cũng thường thích soi rọi ánh sáng của mình lên Đấng là Ánh sáng của mọi Ánh sáng, và như những người đến bắt Chúa Giêsu, chúng ta có khuynh hướng mang theo gậy gộc và gươm giáo, sẵn sàng giao tranh, khi đến gặp Vua Hòa bình.

Nói chung, khi đọc trình thuật về Cuộc Thương khó và Cái chết của Chúa Giêsu, khuynh hướng bộc phát của chúng ta là lên án gay gắt những người dự phần trong việc bắt giữ, xử án, và kết án Ngài: Làm sao họ không nhìn ra được mình đang làm gì?  Tại sao họ quá mù quáng và ghen tức như thế?  Làm sao họ chọn lấy một bảo đảm sai lầm thay vì chốn nương ẩn vĩnh hằng bên Chúa?  Làm sao họ chọn một kẻ sát nhân thay vì Đấng Messiah?  Làm sao mà các môn đệ quá dễ dàng chối bỏ Chúa?

Đã qua hơn 2000 năm, nhưng chẳng có nhiều thay đổi đâu.  Chọn lựa của những người trong cuộc xử án và kết án Chúa Giêsu, cũng chính là những chọn lựa mà chúng ta đưa ra ngày hôm nay.  Và gần như mọi ngày, chúng ta chẳng làm gì tốt đẹp hơn họ, vì, với sự mù quáng và tư lợi, chúng ta vẫn và quá thường xuyên, nói rằng: Dẫn hắn đi.  Đóng đinh hắn vào thập giá!  Thế đó.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

1,062 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới trong thời gian từ 1980 đến 2014

1,062 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới trong thời gian từ 1980 đến 2014

Nguyễn Việt Nam

3/24/2015

Ngày 24 tháng 3, Giáo Hội tại nhiều nơi trên thế giới kỷ niệm ngày “Các Nhà Truyền Giáo Tử Đạo” là ngày cầu nguyện và ăn chay để tưởng nhớ các nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên bước đường rao giảng Chúa Kitô cho muôn dân.

Đây là một sáng kiến của phong trào thanh niên của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, được cử hành đúng vào ngày Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, Tổng Giám Mục San. Salvador bị giết chết. Ngài sẽ được phong chân phước vào ngày 23 tháng 5 tới đây.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trong thập niên từ năm 1980 đến 1989, có115 nhà truyền giáo bị giết. Thập niên tiếp theo, tức là từ năm 1990 đến Năm Thánh 2000 con số này tăng lên gần gấp 6 lần với 604 nhà truyền giáo bị sát hại. Sự đột biến này chủ yếu là kết quả của tội ác diệt chủng ở Rwanda, với 248 nhà truyền giáo bị giết tại đây.

Trong thời gian từ năm 2001 đến cuối năm 2014, 343 nhà truyền giáo bị thiệt mạng vì bạo lực chống lại đức tin Kitô. Riêng trong năm qua 2014, 26 vị đã bị giết bao gồm 17 linh mục, 1 thầy, 6 nữ tu, 1 chủng sinh, và 1 giáo dân.

Phép lạ tại Napoli nhân dịp Đức Thánh Cha viếng thăm thành phố

Phép lạ tại Napoli nhân dịp Đức Thánh Cha viếng thăm thành phố

dongten.net

Pope_Francis_and_Cardinal_Sepe_with_St_Januarius_relic_in_Naples_cathedral_March_21_2015_Credit_CTV_CNA

NAPOLI. Hôm thứ 7, 21.3 vừa qua, khi Đức Thánh Cha Phanxicô đang chia sẻ với các tu sĩ, linh mục và chủng sinh tại Napoli, một phép lạ đã xảy ra: bình đựng máu khô của một vị thánh từ thế kỷ thứ tư đã hóa lỏng.

Hiện tượng này được cho là thường xảy ra tại đây ba lần trong một năm, vào ngày 1.5, ngày 19.9 (lễ kính thánh nhân) và ngày 16.12.

Lần cuối cùng hiện tượng này xảy ra đối với một vị giáo hoàng là vào năm 1848 với Đức Piô IX. Phép lạ này đã không xảy ra khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến viếng thăm thành phố Napoli vào tháng 10.1979 và cả dịp Đức Biển Đức XVI vào tháng 10.2007.

Máu này là máu của thánh Januarius, từng là giám mục Napoli và tử đạo vào thế kỷ thứ IV, bây giờ là bổn mạng xứ Napoli. Xương của ngài vẫn còn được bảo tồn trong Nhà thờ Chánh Tòa. Người ta tin rằng ngài đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách đạo dưới thời Hoàng đế Roma Diocletian, người thoái vị vào năm 305.

Vào ngày 21.3, vào cuối buổi gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ chánh tòa ở Napoli, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chúc lành cho thánh tích này. Khi Đức Hồng Y của giáo phận, Đức Crescenzio Sepe, nhận lại thánh tích, máu đã hóa lỏng một nửa.

Khi Đức Thánh Cha vừa quay đi, Đức Hồng Y nói với ngài rằng: “Dường như thánh Januarius yêu mến Đức Thánh Cha, vì máu thánh đã hóa lỏng một nửa rồi.”

Để phép lạ xảy ra, cần phải đợi vài phút trước khi khối máu đỏ và khô tiếp xúc với một phía của bình đựng hóa thành máu lỏng lan ra toàn bộ bình thủy tinh.

Đức Phanxicô hóm hỉnh trả lời: “Các bạn thấy là thánh nhân chỉ yêu mến chúng ta một chút thôi. Chúng ta cần phải hoán cải nhiều hơn.” Mọi người cười rộ lên.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

(theo http://www.catholicnewsagency.com)

Tình như thoáng mây,

“Tình như thoáng mây”,
Tình đến cùng ta, âm thầm không ngờ
Tình như cánh hoa, tình chiếm hồn ta đâu ngờ là tình.

Tình như mưa gió, thoảng vào trong tim.
Tình như cánh chim, bay đến trong ta sao nghe bồi hồi?

(Nhạc: Nino Rota Speak Softly Love – Lời: Trường Kỳ: Thú Yêu Thương)

(1Timothê 4: 4-6)

Trần Ngọc Mười Hai

Nói gì thì nói, nếu cứ nói những chữ như “thương” như “yêu” của cuộc tình, thì đó có thể vẫn là điều thích thú, dù ta có gọi đó là thú yêu thương hay đau thương, gì cũng được.

Hát gì thì hát, nếu cứ hát những lời chỉ về cái “thú yêu thương” như người viết lời Việt ở đây từng ỉ ôi hát rằng: “Tình đến cùng ta, âm thầm không ngờ”, lại sẽ là điều cần nói và hát. Nói không nhiều lời, nhưng bằng tiếng ai ca, với giọng hát như sau:

“Có biết đau thương mới hay là tình.

Say đắm trong đời thì mới là yêu.

Tình như đớn đau.

Tình xé lòng nhau, muôn đời không lành.

Tình như ngất ngây.”

(Lời Việt Trường Kỳ – bđd)

Nói hoặc hát vào lúc khề khà phiếm Đạo hoặc lạo xạo những nói năng, là nói và hát cũng rất nhiều điều. Những điều như đấng bậc chóp bu nhà Đạo, từng nói về nhóm hội Đạo mình có những căn bệnh toàn những nói năng, cũng rất nhiều. Nhiều, ở chỗ: có những 15 căn bệnh hiểm nghèo cũng nghe quen. Nhưng hôm nay, thiết tưởng bạn và tôi cũng chỉ nên tập-trung vào một hai điều tiêu biểu gọi là “căn bệnh”, như sau:

“Lên tiếng trong dịp Giáng sinh 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến sự kiện Giáo triều Rôma tạo thành một cơ thể duy nhất, và cũng như mọi cơ thể, có thể có những bệnh tật cần được chữa. Ngài nói: “Giáo triều được kêu gọi cải tiến, và tăng trưởng tình hiệp thông, thánh thiện và khôn ngoan để chu toàn sứ mạng. Nhưng, cũng như thân thể con người, giáo triều cũng có thể bị bệnh, hoạt động không tốt, bị yếu liệt. Và ở đây tôi muốn liệt kê một vài căn bệnh có thể mắc phải, tức bệnh của giáo triều, là những bệnh tật và cám dỗ làm suy yếu việc phục vụ Chúa.

Trước tiên là bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thay thế và lơ là kiểm điểm. Một giáo triều không tự phê, canh tân, không tìm cách cải tiến, thì đó là một cơ thể đau yếu. Nếu có cơ hội ghé thăm nghĩa trang, ta sẽ thấy tên của rất nhiều người, cả những người mà ta nghĩ họ bất tử, miễn nhiễm, và không thể thay thế! Đó là bệnh của người thanh niên giàu có trong Phúc Âm nghĩ rằng mình sống vĩnh cửu (Lc 12:13-21) và của những người trở thành chủ nhân ông, thấy mình cao trọng hơn ai hết, chứ không là kẻ phục vụ mọi người. Bệnh này xuất phát từ bệnh “cửa quyền”, tự cho mình là kẻ ưu-việt có thái độ tự-ái/vị-kỷ, say mê ngắm nhìn con người mình mà không thấy hình ảnh của Thiên Chúa hằn in nơi diện-mạo của người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và túng cực.

Thuốc chữa bệnh này là ân-huệ lành thánh biết mình là kẻ yếu kém nên thành tâm nói: “Ta chỉ là đầy tớ vô dụng. Ta làm những việc mình phải làm” (Lc 17:10). (trích phát biểu của Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến các vị lãnh đạo Giáo triều Rôma hôm 22/12/2014)

Bệnh, thì ai cũng mắc bệnh dù ít/nhiều, nặng/nhẹ, dù không chỉ và không phải là bệnh nói nhiều và hát nhiều. Nhưng vấn đề, là: ta có làm như người nghệ sĩ từng làm bằng lời hát, sau đây không thôi:

“Tình đến cùng nhau, mang nhiều tuyệt vời.

Tình như giông bão, dập vùi yêu thương

Tình như tiếng ca

Theo gió phương xa cho nhau lời chào.

Có biết đau thương mới hay là tình

Say đắm trong đời thì mới là yêu.

Đời không thiết tha vì có tình yêu,

Không còn là đời

Người không sót xa vì mất tình yêu

Không còn là người.”

(Lời Việt: Trường Kỳ – bđd)

“Tình đến cùng nhau, mang nhiều tuyệt vời”, ôi thôi, phải chăng đó là “thú yêu thương”, hay “thú đau thương”? Có thể cả hai đều có nghĩa và đúng ý. Thế nhưng, hãy cứ nghe câu hát cuối, hạ hồi sẽ rõ:

“Đời ta muôn kiếp đã trôi theo tháng ngày
Tình như khói sương bay thoảng trong mơ
Ngàn đời vu vơ…”

(Lời Việt: Trường Kỳ – bđd)

Có thể là, ca-từ ở trên diễn-tả nhiều ý-nghĩa trong nhiều trường, cũng rất hợp và rất trùng.

Có thể là, lời phát-biểu của đấng bậc trên cao ở nhà Đạo cũng khá trùng và khá hợp với trường-hợp của cơ-quan/chức-sắc nào đó trong nhà Đạo, chứ không chỉ mỗi Giáo triều Rôma, mà thôi.

Có thể là, ngôn-từ và ý-nghĩa của lời Đức “ngài” nói cũng làm đau nhói cơ-phận thể-lý của ai đó, rất con người.

Có thể là, Đức Phanxicô nói thay và nói giùm cho đấng bậc lành thánh nào đó từng căn dặn, nhắn nhủ bà con, anh chị em đồng Đạo/đồng thuyền rất chí tình như sau:

“Thật vậy,

tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt,

và không có gì phải loại bỏ,

nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ,

vì lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện thánh hoá những thứ đó.

Nếu anh trình bày cho anh chị em những điều ấy,

thì anh sẽ là người phục vụ tốt của Đức Giêsu Kitô,

một người thấm nhuần lời đức tin

và giáo lý cao đẹp mà anh đã trung thành noi theo.”

(1Timôthê 4: 4-6)

“Và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri-ân, cảm tạ” phải chăng là châm-ngôn, tâm-tình và là thực tế cuộc sống ở đời, nhiều năng-nổ. “Vì lời Thiên-Chúa và lời cầu-nguyện thánh-hoá những thứ đó.”

Thật quá đúng, khi thánh-nhân còn nhấn-mạnh: “Nếu anh trình-bày cho anh chị em những điều ấy, thì anh sẽ là người phục-vụ tốt của Đức Giêsu Kitô”… Bởi, ta và người chỉ có thể bảo mình và bảo mọi người là kẻ phục-vụ tốt của Đức Giêsu Kitô, khi biết dùng lời nói hay tiếng hát “trong tâm-tình tri-ân, cảm tạ”.

Thật quá đúng, khi đấng bậc được gọi là Đức-thánh-là-Cha Phanxicô lại dám nói thêm căn bệnh thứ 7 khác, được gọi bằng danh từ “cạnh tranh và háo danh” với lời lẽ cũng rất thật, như sau:

“Khi cái vẻ bề ngoài, qua mầu áo và huy-hiệu sặc-sỡ trở-thành đối-tượng ưu-tiên của cuộc sống, lại quên đi lời thánh Phaolô từng dặn dò: ” Anh em đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”(Phillípphê 2: 3-4). Đó là căn bệnh đưa chúng ta trở-thành những con người giả dối và sống một thứ thần bí giả hiệu, một chủ thuyết yên tĩnh giả tạo. Chính thánh Phaolô đã định nghĩa họ là ”những kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô” vì họ “kiêu hãnh về những điều mà lẽ ra họ phải hổ thẹn và chỉ nghĩ đến những điều thuộc về trần-thế này, mà thôi.” (Philípphê 3: 19)

Xem như thế, kể cũng đúng. Bệnh cạnh tranh, kiêu hãnh và háo danh, vẫn là bệnh là tật của nhiều người, vào mọi thời. Không chỉ ở mỗi Giáo triều Rôma mà thôi, nhưng còn ở mọi đấng-bậc có quyền hành dù vẫn mang danh “đầy-tớ của các tôi-tớ Chúa” nơi Giáo-hội sở tại, rất địa phương.

Xem thế thì, căn-bệnh quái-ác kể trên còn gặp thấy ở nhiều người có quyền ăn quyền nói và quyền được hành kẻ thuộc cấp, rất bé mọn.

Xem thế thì, chỉ mỗi hai căn-bệnh quái-ác trên đây cũng đã làm kiệt quệ guồng máy cồng kềnh bảo là để phục vụ mọi người trong thánh hội, nhưng thực tế là như căn-bệnh cuối cùng trong danh-sách được liệt kê hôm ấy như sau:

“Sau cùng là bệnh “tìm kiếm lợi-lộc trần-tục và phô trương”.

Khi vị tông-đồ biến việc phục-vụ của mình thành quyền lực, và biến quyền lực của mình thành hàng-hóa để kiếm tìm lợi-lộc phàm-tục được nhiều quyền thế hơn. Đó là bệnh của những người tìm cách gia-tăng quyền-lực cách vô độ. Và, nhằm đạt được mục tiêu đó, họ vu khống, mạ lỵ và làm mất thanh-danh người khác, thậm chí cả trên truyền-thông/báo chí, dĩ nhiên chỉ để biểu-dương chứng-tỏ mình có khả-năng hơn người. Bệnh này cũng gây hại rất nhiều cho chính bản thân mình, vì nó làm cho con người đi tới độ biện-minh/biện-hộ cho việc mình có thể sử-dụng bất kỳ phương-thế nào hầu đạt được mục tiêu mình đặt ra, thường họ nhân-danh công-lý và sự minh bạch. Ở đây, tôi nhớ đến linh mục nọ đã gọi các ký giả đến để kể cho họ một điều do chính vị linh-mục này bịa đặt về chuyện riêng tư của linh mục khác và của giáo dân. Linh mục này, chỉ muốn xuất-hiện trên trang nhất của báo-giới mà thôi; và như thế, đã thấy mình quyền-năng và chiến-thắng, nhưng lại tạo ra bao nhiêu đau khổ cho người khác và cho cả Giáo Hội nữa! Thật đáng thương!

Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn nhận xét rằng các căn bệnh và cám dỗ kể ở trên lại cũng là nguy cơ cho mỗi Kitô hữu, giáo xứ, cộng-đoàn, dòng tu, phong-trào đoàn-thể trong Giáo Hội, trên bình diện cá nhân và cộng đoàn, nữa”. (trích lời phát-biểu của Đức Phanxicô như đã dẫn)

Trích-dẫn ở trên, hôm nay, không để kể tội của ai đó nơi quyền cao chức trọng của Giáo-hội, nhưng chỉ để nói lên đôi điều như nhận-định của một người vừa chuyển cho nhau những điều hệ-trong trong cuộc sống, bằng lời lẽ như sau:

22 câu nói có thể làm thay-đổi cuộc đời của bạn. Bởi thế nên, xin bạn hãy chú ý học-tập mọi điều ở bên dưới, đặc biệt là 1, 2, 3 và 19 rất hay, cần chú ý:

  1. 1. Đồng tiền xu luôn gây ra tiếng động… nhưng tiền giấy lại luôn im lặng. Vì thế khi

giá trị của bạn tăng lên, hãy giữ cho mình luôn khiêm tốn và nói ít đi!

2. Càng nói ít, càng nghe được nhiều. – Alexander Solshenitsen

3.  Khi người khác hỏi những điều mà bạn không muốn trả lời, xin hãy cười và nói

“tại sao bạn lại muốn biết điều đó?”

4. Không ai cần đến một nụ cười nhiều như người không thể cho đi nụ cười.

5. Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần bị vấp ngã!

6. Rất nhiều người không dám nói lên những gì họ muốn. Đó là lý do tại sao họ không có được chúng.- Madonna

7. Khi trưởng thành, tôi ngày càng ít quan tâm đến những gì mọi người nói. Tôi chỉ xem những gì họ làm được.– Andrew Carnegie

8. Kiên trì làm việc tốt sẽ mang lại nhiều thứ. Như mặt trời có thể làm tan băng, lòng tốt có thể làm bốc hơi sự hiểu lầm, hoài nghi và thù địch.- Albert Schweitzer

9. Cuộc sống giống như một cuốn sách. Một vài chương khá buồn, một số chương hạnh phúc và một số chương rất thú vị. Nhưng nếu bạn chưa bao giờ lật thử một trang bạn sẽ không bao giờ biết được những gì ở chương tiếp theo!

10. Bạn có thể kết bạn được nhiều hơn trong vòng hai tháng bằng cách quan tâm đến người khác hơn là hai năm cố gắng bắt người khác quan tâm đến bạn. – Dale Carnegie

11. Tình bạn là một tâm hồn trú ngụ trong hai cơ thể. – Aristotle

12. Tôi tiến bộ bằng cách ở cạnh với những người tốt đẹp hơn mình và lắng nghe họ. Và tôi giả sử rằng mọi người đều tốt đẹp hơn tôi ở một mặt nào đó.– Henry J. Kaiser

13. Tranh cãi với một kẻ ngốc sẽ chứng minh rằng có hai kẻ ngốc.– Doris M. Smith

14. Những người làm việc cùng bạn phản ánh chính thái độ của bạn.- Beatrice Vincent

15. Đừng quá khắt khe với chính mình. Thậm chí những sai lầm cũng có nghĩa là bạn đang cố gắng!

16. Không có hành động tử tế nào, dù nhỏ, lại bị xem là lãng phí.– Aesop

17. Bất luận lúc nào khi bạn nghe điện thoại, khi nhấc điện thoại lên xin bạn hãy cười lên, vì đối phương sẽ cảm nhận được nụ cười của bạn!

18. Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó!- Bill Gates

19. Lưỡi không xương nhưng đủ cứng để làm vỡ nát một trái tim… vì thế hãy cẩn thận với ngôn từ của bạn!

20. Đừng bao giờ cố giải thích con người bạn với bất cứ ai. Vì những người tin bạn không cần điều đó, còn những người không thích bạn sẽ không tin lời bạn đâu!

21. Nhu cầu cơ bản nhất của con người là nhu cầu thấu hiểu và được thấu hiểu.- Ralph Nichols

22. Hãy ghi nhớ 3 điều: Cố Gắng, Kiên Định, Tin Tưởng. Cố gắng cho một tương lai tốt hơn,  KIÊN ĐỊNH với công việc, TIN TƯỞNG vào bản thân. (trích từ điện thư bạn bè gửi cho nhau, đến quá nhiều)

Hôm nay đây, bần đạo có trích dẫn nhiều, cũng chỉ để đề-nghị với bạn và tôi, ta cứ hiên ngang mà hát mãi lời ca ở bên dưới làm lời cuối cho nhau hầu kết-luận đôi giòng chảy lững lờ một chuyện phiếm rất hững hờ rằng:

“Tình đến cùng nhau, mang nhiều tuyệt vời.

Tình như giông bão, dập vùi yêu thương

Tình như tiếng ca

Theo gió phương xa cho nhau lời chào.

Có biết đau thương mới hay là tình

Say đắm trong đời thì mới là yêu.

Đời không thiết tha vì có tình yêu,

Không còn là đời

Người không sót xa vì mất tình yêu

Không còn là người.”

(Lời Việt: Trường Kỳ – bđd)

Quả thật rất đúng. “Tình đến cùng nhau, mang nhiều tuyệt vời!” cũng giống hệt như câu nói của ai đó, hình như là thánh Augustinô đại để vẫn cứ bảo: “Hãy yêu nhau đi, rồi muốn làm gì thì làm”. Nói thế là bởi, tình yêu con người sẽ làm nên nhiều điều rất tuyệt vời. Ở mọi nơi.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn công-nhận

những chuyện như thế

ở đời mình.

Hãy duyên dáng nở nụ cười âu yếm nhẹ,

“Hãy duyên dáng nở nụ cười âu yếm nhẹ,

Hạt răng đều chới với đứa ngồi trông”.

(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mai Tá lược dịch

Sống phù hợp Đạo Chúa, người Công giáo vẫn hay hát. Hát cả khi vui, lẫn lúc buồn. “Hát là cầu nguyện, những hai lần”. Người nhà Đạo hát rất chăm. Suy tư rất nhiều. Có những bài ca làm tỉnh giấc, như bài hát ở các xứ Đạo nói tiếng Anh vẫn ca vang: “How Great Thou Art” nghe chưa được chuẩn cho lắm. Chí ít, là tiểu khúc 3 như tác giả dẫn ý: “Hân hoan tình Chúa rất bao la, chẳng ngại hồn đau” vẫn cứ là. Là, Con Một Hiền lành theo cõi chết, Ôm trọn tội người, trọn ý Cha.

Vâng, tiểu khúc trên, dù mang cả một truyền thống ý nghĩa, vẫn coi cái chết của Đức Kitô, như hành động chuộc tội, do Cha muốn.

Nhận định như vậy, tức bảo: khổ đau và sự chết của Giêsu Đức Chúa lại là giá chuộc mạng mà Ngài đã thanh trả cho bọn xấu, để ta có thể chia xẻ sự sống với Cha. Như chọn lựa, cái chết của Đức Giê-su phải được coi như hành động duy nhất làm Cha nguôi giận về tội người. Chính vì thế, mà Cha vẫn tiếp tục thương yêu loài người như khi trước.

Nghe nhạc ướt át như thế, đôi lúc làm ta sợ. Có lẽ, nên kiểm xem lời ca ý nhạc, có chuẩn hợp với nền thần học ta được dạy, không. Một đằng, thần học khẳng định rằng: tình thương yêu đặc biệt Chúa ban, rất cao sang vời vợi. Tình yêu Ngài, ngang qua mọi thăng trầm của cuộc sống, khi vui lúc buồn.

Đằng khác, khi hát, ta kể nhiều về nỗi khó khăn, buồn phiền mà Đức Giê-su gánh chịu. Xem như thế, há chẳng phải ta chủ trương: Đấng Tạo Hoá đầy lòng bao dung, vẫn đẩy Người Con Thân Yêu vào nỗi chết, có tủi nhục? Há ta coi đây như phương cách duy nhất khiến Ngài hài lòng, sao?

Áp dụng vào xử án, đôi lúc cũng nên hỏi: quan án có để cho đương can vô tội chết lặng trong lỗi phạm? Và như thế, Đức Chúa, vị Quan Án Tối Cao, có quyền bính gì trên sự dữ/ác thần, chăng? Đây là cách duy nhất để Ngài kiểm nghiệm sự hy sinh cao cả của Con Yêu Dấu của Ngài, sao?

Các vấn nạn ấy, gây ảnh hưởng lên đời sống đức tin của người đi Đạo. Đôi lúc, điều này làm ta xa vời niềm tin đích thực, lâu nay thường được nhắc nhớ, rằng: Chúa trên cao vẫn thương mọi người, dù cho con người có lầm lỡ, lỗi phạm nhiều điều.

Ngày nay, ta nghe nhiều về các nạn nhân, không còn chọn lựa nào khác, đã rơi vào bẫy cạm của lỗi phạm. Thật ra, trong nhiều trường hợp, việc ấy không do họ. Mà, do người khác đối xử không theo lẽ Đạo. Người khác, là những người có tự do trong đối xử rất “khác người”, lạ kỳ, buồn bã. Người khác đây, vẫn là người biết nhiều, hiểu nhiều.

Nhưng, đứng ở góc cạnh nào đó, ta sẽ cùng với “người khác” ấy, biểu đồng tình cho rằng: Đức Kitô là nạn nhân của thánh ý Cha. Khi Ngài chấp nhận khổ đau, và nỗi chết. Hiểu như thế, tức cho rằng: Cha vẫn muốn có hy sinh. Vẫn muốn chuộc mạng, để đổi chác lấy tội con người, hòng tha thứ?

Hiểu như thế, sẽ kéo theo ngộ nhận rằng: mình là nạn nhân của Chúa, không chừng. Nếu Cha muốn Đức Kitô phải khổ và chết, thì phía ta, sao lại buồn khi lĩnh nhận thánh giá tưởng-chừng-như-là-quá-nặng?

Suy tư theo chiều hướng này, sẽ thêm nghi ngờ, là bài Thương khó thánh Mác-cô ghi lại, có thể đã nhấn mạnh tính miễn cưỡng của Chúa khi Ngài chấp nhận khổ ải. Quả là, thánh sử có nhắc việc Ngài ngồi cùng bàn với phường giá áo, túi cơm. Làm bạn với bọn phản phé. Làm thầy những người chối bỏ sự thật, bỏ của chạy lấy người… Nhưng không thể hiểu như thế. Không thể theo khuynh hướng này.

Bằng không, sẽ có người ngờ: thánh Mar-cô ám chỉ Chúa hoảng sợ trước cái chết ô nhục, gần kề. Và, trong chiều hướng ấy, sẽ nghĩ là: khi Ngài cất tiếng “Lạy Cha”, tức là Ngài kêu lên lời ai oán để cứu mình khỏi cơn buồn phiền, sao? Cuối cùng, hiểu theo chiều hướng này, sẽ có người nghĩ rằng: Đức Kitô nhận “làm theo ý Cha”, nhưng phút cuối, vẫn thấy như mình bị bỏ rơi trên thập giá? Không. Đó không phải là thần học.

Suy cho kỹ, hiểu theo các chiều hướng này, chắc chắn có sai sót. Đọc kỹ, đoạn Chúa chấp nhận thánh ý Cha tại Vườn Âu Sầu, thay vì hiểu theo hướng xấu, đổ riệt mọi lỗi cho Cha, có lẽ nên coi đây như một khẳng định. Khẳng định rằng: Đức Kitô một lòng chung thuỷ với đường lối Ngài tuân theo, trong hành xử với Cha. Với con người. Ngài vẫn một mực tuân phục Cha. Tuân phục đến chết. Vẫn thương yêu con người, và yêu thương đến hơi thở cuối cùng.

Có thế, Đức Kitô mới trấn át giới chức đạo-đời, thời bấy giờ. Ngài qui chiếu khẳng định nòng cốt này, đến nỗi họ thấy không làm gì được, ngoài chuyện ra tay ám hại Ngài. Xem thế, qua việc chấp nhận cái chết trong tuân phục, Ngài hy sinh đến phút cuối. Ngõ hầu chứng tỏ cho mọi người thấy: Ngài thương yêu loài người đến cùng.

Điều này cho thấy: Chúa đã sống thực. Sống tư cách rất “người”. Vì trung thực với cuộc sống thủy chung, Ngài bị quyền lực đen tối sự dữ/ác dẫn đến nỗi chết về thể xác. Chết rất nhục.

Hôm nay, có kinh qua thống khổ của thập giá; và chết cho chính mình, ta mới nhận ra được cái giá phải trả, khi giáp mặt thực trạng của người phạm lỗi, trái luật. Và có như thế, mới sống đúng yêu cầu của Vương Quốc Nước Trời. Vương Quốc bình an và công chính.

Tuần thánh năm nay, ta cử hành tuyên xưng mầu nhiệm sống xứng hợp Đạo. Bằng vào cử hành tưởng niệm sự sống, nỗi chết và sự sống lại của Chúa, ta cầu mong được chuyển thể từ tâm trạng sai lầm -nghĩ mình là nạn nhân do Chúa muốn ta hy sinh, đau khổ- để tiến tới trở thành kẻ có ý thức chọn lựa. Chọn lối sống mẫu mực yêu thương của Chúa, Đấng suốt đời trung thành, thuỷ chung. Trung thành trong thuần phục. Thuỷ chung trong thương mến.

Cầu và mong, cho ta biết trân quý sự sống. Vì, có trân quý, ta mới thực sự từ bỏ thái độ tiêu cực của những người luôn nghi kỵ, chống đối. Chống Vương Quốc Nước trời, ở trần gian. Ở đây. Bây giờ. Cầu và mong, ta dõi bước chân mềm của Chúa. Biết rập khuôn bắt chước lối sống thuỷ chung, trong hành xử giữa Cha và Con. Dù, sự việc có xảy đến thế nào, đi nữa. Dù, đường đời còn lắm gian nan, khổ ải.

Bởi, có Đức Kitô là mẫu mực cho sự thủy chung, tuân phục, thì dù gặp muôn vàn khổ ải đến cùng cực, ta vẫn cứ đầu cao mắt sáng, hiên ngang lên mà chúc tụng. Chúc tụng Ngài, cả vào lúc cộng đoàn kẻ tin đang sầu buồn, than khóc ngày Chúa chịu khổ nạn. Bởi, với người dõi bước theo Chúa, sẽ chẳng có gì là tang tóc. Khóc than. Tất cả, vẫn là yêu thương. Đồng cảm.

Đạo Chúa là Đường dẫn ta đi. Đi vào đời, còn lắm gian nan. Nhưng không nhuốm mầu tang chế. Nghĩ thế rồi, ta cứ thế mà hát hò rong chơi với những lời như thi sĩ từng hát xướng để rồi vào cuộc tưng bừng đón rước Đấng Mêshia hoà mình với muôn người, rằng:

“Hãy duyên dáng nở nụ cười âu yếm nhẹ,

Hạt răng đều chới với đứa ngồi trông”.

(Nguyễn Tất Nhiên – Bài Đầu Năm Tình Yêu)

Nở nụ cười cả vào lúc chay kiêng, tịnh khẩu để nguyện cầu ngày Chúa đi vào với Lễ Vượt Qua nóng bỏng, đầy thách thức. Nở nụ cười, suốt đời người dù đau đớn, thống khổ để rồi sẽ “Vượt Qua” như Đấng Mêsia hoàn-tất ý-định của Thiên-Chúa-là-Cha rất thương yêu, đợi chờ trong vui cười, suốt một đời.

Lm Richard Leonard sj –

Mai Tá lược dịch

Mario Joseph-Một giáo sĩ Hồi giáo cải đạo sang Công giáo

Mario Joseph-Một giáo sĩ Hồi giáo cải đạo sang Công giáo

dongten.net

Là một giáo sĩ Hồi giáo, Mario Joseph thành thạo kinh Koran và trong giáo lý của đạo Hồi. Thực tế, chính kinh Koran đã đưa anh đến một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô và với chân lý của đức tin Công giáo. Nhưng cuộc cải đạo của anh không phải dễ dàng, và vì nó mà anh đã trải qua những cuộc bách hại khắc nghiệt Làm thế nào anh đạt được tình yêu mãnh liệt với Thiên Chúa, Giáo Hội, Thập Giá và Thiên đàng?

httpv://www.youtube.com/watch?v=N-78Nwboka0

Mario Joseph

https://www.facebook.com/pages/Mario-Joseph/1524660227763417