Lời nguyện của ĐTC cho Năm Thánh Lòng Thương Xót

Lời nguyện của ĐTC cho Năm Thánh Lòng Thương Xót

 

 

 

 

 

 

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã soạn ra một lời nguyện đặc biệt dành cho Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ diễn ra từ ngày 8.12.2015 đến 20.11.2016.

VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô đã soạn ra một lời nguyện đặc biệt dành cho Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ diễn ra từ ngày 8.12.2015 đến 20.11.2016.

Trong lời nguyện, Đức Thánh Cha xin Thiên Chúa giúp cho Năm Thánh này trở thành một năm hồng ân để Giáo Hội, “với một lòng nhiệt huyết được đổi mới, có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo, công bố tự do cho người bị giam cầm và bị áp bức, phục hồi ánh sáng cho người mù.”

Sau đây là lời nguyện của ĐTC:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Ngài đã dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời,

và Ngài cũng đã nói với chúng con rằng ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha.

Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Ngài và chúng con sẽ được cứu rỗi.

Cái nhìn yêu thương của Ngài đã giải thoát Gia-kêu và Mat-thêu khỏi bị nô lệ cho đồng tiền;

giải thoát người phụ nữ ngoại tình và bà Ma-đa-lê-na khỏi việc chỉ tìm kiếm hạnh phúc nơi những loài thụ tạo;

đã khiến Phêrô phải bật khóc sau khi chối Thầy,

đã hứa ban nước Thiên Đàng cho tên trộm hối cải.

Xin giúp mỗi người chúng con nghe được lời mà Ngài đã nói với người phụ nữ tại Samaria:

“Nếu chị nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban!”

Ngài là dung nhan hữu hình của Chúa Cha vô hình,

của Thiên Chúa, Đấng tỏ lộ quyền năng của mình trên tất cả mọi loài bằng sự tha thứ và lòng thương xót:

Xin giúp cho Giáo Hội trở thành khuôn mặt hữu hình của Ngài trong thế giới, Đấng đã phục sinh và được tôn vinh.

Ngài đã muốn các thừa tác viên của Ngài cũng có những yếu đuối,

để họ có lòng thương cảm dành cho những ai bị bỏ rơi và lỗi lầm:

Xin hãy giúp những ai đến với họ cảm thấy mình được Thiên Chúa tìm về, yêu thương và tha thứ.

Xin gửi Thần Khí của Ngài và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,

để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành một năm hồng ân từ Thiên Chúa,

và Giáo Hội của Ngài, với lòng nhiệt huyết được đổi mới, có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo,

công bố tự do cho người bị giam cầm và bị áp bức,

và phục hồi ánh sáng cho người mù.

Chúng con cầu xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ lòng thương xót.

Ngài là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở, muôn đời.

Amen.”

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

LỜI CHÚC: CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

LỜI CHÚC: CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.

– Chúa ở cùng anh chị em.

Dừng lại một chút, ta thấy những nghi thức này trong thánh lễ quá kỳ diệu.

Chúa ở cùng anh chị em là gì? Tại sao linh mục cần nhận lại lời cầu chúc:

– Và ở cùng cha.

* * *

Nhiều lần, nhiều nơi, trong nhiều thánh lễ, khi nói lời cầu chúc này, theo cách thế bên ngoài, thì có linh mục không nói bằng tâm hồn. Nói qua cho xong. Vì linh mục vừa nói, nhưng không đối thoại với giáo dân, thiếu chuẩn bị nên đang bận mở sách. Hoặc vì muốn chóng xong, cắt ngắn thời gian. Không có thời gian đón nhận lời giáo dân cầu chúc: Chúa ở cùng cha. Giáo dân đáp lại cho có lệ. Những lời chúc như thế trong thánh lễ nhạt nhẽo làm sao! Khi họ không tha thiết trong lời cầu chúc, thì làm sao dám nói họ thiết tha trong mong ước Chúa thật sự đến với người họ cầu chúc. Nếu vậy, Chúa ở đâu trong mối tương quan họ với Chúa, với nhau? Thiếu tha thiết trong lời cầu chúc, thì khó mà xác định mình thiết tha Chúa đến với người mình chúc. Từ đó, làm sao định nghĩa đấy là một thánh lễ sốt sáng.

Khi họ không nhận định kỹ “Chúa ở cùng anh chị em” là gì, thì làm sao rõ “Chúa ở cùng chúng ta”, và “Chúa ở cùng tôi” quan trọng đến đâu. Họ đánh mất ý nghĩa tên gọi EMMANUEL.

EMMANUEL là tên gọi của Thiên Chúa. Bởi đó, lời cầu chúc trong thánh lễ “Chúa ở cùng anh chị em” là lời rất quan trọng. Và, thánh lễ là gì nếu chúng ta để mất vẻ đẹp: CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA?

* * *

EMMANUEL

– Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 2:24).

Khởi đầu Phúc Âm, Mátthêu giới thiệu tên của Thiên Chúa là Emmanuel, nghĩa là tên gọi đó được phiên dịch ra: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và rất đẹp, hôm nay chúng ta cụ thể hóa tên gọi đó trong lời chào của thánh lễ: “Chúa ở cùng anh chị em.” “Và ở cùng cha.”

Kết thúc Phúc Âm, Mátthêu để chính Ðức Kitô tự nói về mình bằng lời chấm dứt như sau: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28:20).

Mở đầu và kết thúc một cuốn sách là dẫn vào và đưa tới cho người đọc toàn thể cuốn sách đó nói gì. Tư tưởng trọn gói ở đây, tên gọi của Thiên Chúa là ở cùng con người.

* * *

TÌNH YÊU VÀ Ở CÙNG

Thiên Chúa không yêu thương con người bằng cách từ trên cao nhìn xuống.

Thiên Chúa không cứu chuộc con người bằng cách ở trên cao vớt con người lên.

Thiên Chúa xuống thế làm người. Thiên Chúa ở cùng.

Trong cuộc sống nhân loại, con người thường cứu nhau bằng sức mạnh của kẻ hơn. Kẻ có sức mạnh hơn, nhìn xuống kẻ yếu. Tôi giàu có hơn, tôi giúp đỡ anh. Tôi khỏe mạnh hơn, tôi vớt anh lên.

Màu nhiệm tình yêu Thiên Chúa lại không như thế. Mà là một tình yêu ở cùng. Kinh Thánh chỉ định, tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng.

Tại sao tình yêu lại hệ tại ở cùng mà không phải ở trên thương xuống?

Tại sao tình yêu lại không là nhìn xuống để vớt lên mà lại là cùng xuống để nhìn?

Người môn sinh ưu tư với những băn khoăn.

Nắng trong vườn đã ngả dạt qua bờ dậu. Ráng chiều hoàng hôn rũ xuống lòng người môn sinh trẻ đang tầm thầy học đạo. Anh đã viết về tình yêu, đã nghe về tình yêu. Nhưng tình yêu vẫn là một huyền nhiệm. Tình yêu là gì?

Người môn sinh nhớ câu chuyện xa xưa:

– Bạch thầy, chúng con không chấp nhận nó được, nó ăn cắp, nó láu cá, nó làm biếng. Xin thầy đuổi nó về.

Mấy chú đệ tử nhỏ báo cáo với thầy. Và vị thiền sư đã bảo:

– Nó không biết phải, không biết trái nên mới cần ở với thầy. . .

Phêrô cũng thế, đã có lần Ðức Kitô gọi Phêrô là Satan. Nhưng Ngài không đuổi Phêrô. Ngài bảo: “Lui lại đàng sau Thầy.” Lui lại phía sau, chứ không là đuổi đi xa. Vì Satan đang ở trong con, nên con cần ở cùng Thầy.

Ðời người là những chặng đường kiếm tìm. Huyền nhiệm cuộc sống mở ra như những cánh hoa. Một ngày không tìm kiếm là một ngày chết ủ. Cánh hoa phải mở ra, bật lên thành màu. Bấy giờ mới là cánh hoa. Cuộc sống cũng thế, những ấp ủ băn khoăn kia phải bật lên thành màu mới là cuộc sống. Và ta phải tìm kiếm. Tại sao tình yêu lại hệ tại ở cùng? Nhất là tên gọi kia của tình yêu Thiên Chúa. Tại sao lại là Thiên Chúa ở cùng chúng ta? Ðể giúp người học trò tìm kiếm. Nhà đạo sĩ hỏi người học trò:

– Ngày con đau, mẹ con không là thầy thuốc. Bà không có quyền lực cứu con khỏi bệnh. Sao bà cứ đứng bên giường nhìn con, ngay cả khi con ngủ?

– Bạch thầy, vì thương con.

– Bà có chữa con hết bệnh được không?

– Bạch thầy, không.

– Không chữa được, vậy đứng đó làm gì?

Người học trò ngập ngừng.

– Bạch thầy, vì thương con.

– Thương, nhưng không làm sao chữa bệnh cho con được. Vậy thương là gì?

Người học trò bắt đầu hiểu. Tình yêu không cứ là “doing”, mà là “being.” Nghĩa là ở cùng. Thật ra, ở cùng, không phải là không làm gì. Bởi “ở cùng – being” đúng nghĩa là sự hiện hữu trọn gói. Khi linh mục nói “Chúa ở cùng anh chị em”, mà chỉ nói vì công thức cho qua. Như thế, sẽ là có “doing” đó, nhưng vắng mặt của “being.” Khi bà mẹ nhìn con ngủ trong cơn đau. Cứ chốc chốc, bà đến bên giường nhìn con ngủ. Bà không có năng lực chữa bệnh cho con. Bà không “doing” được điều gì theo nghĩa sản xuất. Bà chỉ hiện diện trọn gói tâm hồn bà ở đó. Ðấy là chiều sâu của ngôn ngữ ở cùng, là “being.”

Trong cuộc sống, tôi cần một người nhìn tôi. Nói với tôi là cuộc sống, có họ ở cùng với tôi. Người vợ dọn cơm chiều, chỉ mong chồng về, đến bên cạnh, thầm nói rằng “anh ở cùng em.” Buổi chiều đó có thể trở thành hương hoa. Họ cần cái ở cùng này. Người ta kinh nghiệm trong cuộc sống thực như thế. Không ai chỉ hạnh phúc bởi tấm pay check, có “doing” mà không có “being”. Trong nỗi đau, con người thường kêu:

– Lạy Chúa, xin cất chén đắng này cho con.

Họ muốn Thiên Chúa “doing”. Chúa hãy lấy quyền năng mà hành động. Nếu Chúa không cất nỗi đau cho con mà chỉ “being”, nghĩa là chỉ đau với con thôi thì có ích gì. Người ta lý luận tình yêu thì phải cụ thể bằng hành động. Chúa thương tôi, Chúa phải hành động, xin hãy tặng tôi những món quà tôi xin. Tình yêu Thiên Chúa lại không như thế. Thay vì cứu con người khỏi chết thì lại chết với con người. Thay vì cứu con người khỏi đau thì lại đau với con người. Trong nỗi bực dọc, con người oán trách Thiên Chúa. “Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! (Lc. 23:39). Con người thách thức Thiên Chúa, cứu tôi đi, nếu thực sự thương tôi. Rồi tôi sẽ tin. Ðức Kitô không lấy quyền năng để cứu những tiếng kêu này. Ngài cũng không lấy quyền năng thoát khỏi cái chết này.

Tại sao tình yêu không là cứu người mình yêu khỏi chết, mà là chết cùng?

Trước khi tiếp tục đề tài. Vị đạo sĩ nhắc người học trò về một kinh nghiệm:

– Nỗi đau là không có ai đau cùng, chứ chưa hẳn là không có ai cất cho mình nỗi đau. Làm sao con có năng lực làm cho người chết sống lại? Con không cất được nỗi đau đó. Nhưng nếu con đau cùng, “being” bên cạnh người đang đau. Thì nỗi đau kia nhẹ vơi. Làm sao trong tình yêu mà người ta nói: Anh không cất được nỗi đau của em. Rồi người đàn bà đi sanh con một mình. Người đàn ông rất thực tế. Tôi không sanh con thay vợ tôi được. Tôi không “doing” gì được. Ông ở nhà đi câu.

Hạnh phúc và đau khổ không là cứu, là cho, mà là ở cùng.

Thiên Chúa ở cùng.

Người học trò im lặng suy nghĩ. Anh lắng nghe. Trong cái tĩnh mịch, anh mơ hồ nhìn thấy từ vùng im lặng đó, bật lên màu sắc của cuộc sống. Như những cánh mỏng thức giấc dần, bật màu thành bông hoa. Vị tôn sư như sợ người học trò ngần ngại với lời mình. Ông cắt nghĩa thêm:

– Thầy giả sử một vị tổng thống quyền uy, ông chỉ gật đầu, gia nhân của ông sẽ đem những người tỵ nạn vào nước ông. Ðó là cách nhìn xuống. Ðó là cách vớt lên. Nhưng giả sử, vị tổng thống ấy nghe tin còn mấy trăm người tỵ nạn mười mấy năm bơ vơ không quê hương. Nghe tin, ông tội nghiệp. Ông bỏ văn phòng. Ông đến với người tỵ nạn. Ông hỏi người tỵ nạn làm gì kiếm sống qua ngày. Dạ thưa ngài, tôi làm nghề rửa xe. Ðể hiểu, hiểu để thương, ông tổng thống quyền uy kia, mặt mũi lấm lem, quẹt mồ hôi, tóc bù xù dính dầu nhớt xăng, cũng chầu chực rửa xe, cũng ở bến xe, cũng gặm bánh mì. Con có thể hình dung một tổng thống nào dám làm thế không?

Người học trò im lặng hơn. Trong tâm trí anh. Anh không thể hình dung có chuyện đó. Anh hiểu ý vị tôn sư đang muốn nói, Thiên Chúa đã làm như vậy. Ðó là ý nghĩa EMMANUEL, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Khi cho một món quà là cho một phần tài sản. Khi cho chính mình là cho hết. Không thể cho hết khi mình không cùng giống thân phận người đó. Bởi thế, vô cùng tuyệt vời khi Phúc Âm tường thuật về người lính canh như sau:

Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. (Mc 15: 37).

Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói:

Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15: 39).

Hai sự kiện đặc biệt trong cụm từ “Tắt Thở” mà ta phải kiếm tìm.

– Thứ nhất, lúc tạo dựng con người. Thiên Chúa thở hơi, cho Ađam sự sống. Bấy giờ Thiên Chúa chỉ cho một chút hơi thở. Nhưng ở đây, Ngài không cho một chút hơi, mà Tắt Thở. Nghĩa là cho hết không còn hơi để thở. Như thế, tên gọi EMMANUEL, càng ngày theo chiều lịch sử cứu độ càng trở nên rực rỡ. “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, lời tung hô ấy như ngọn pháo bông muôn màu bật tung lên trong thánh lễ.

– Sự kiện thứ hai là viên đội trưởng, lính canh nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa khi Ngài “Tắt Thở”. Tắt thở là giây phút yếu nhất của một đời người. Ðáng nhẽ ông ta phải nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa trong những việc quyền năng, những phép lạ lớn lao. Tại sao lại nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa trong giây phút yếu đuối nhất?

Vị tôn sư nói với người học trò:

– Con ạ, hình ảnh người lính canh ở đây cho chúng ta một chiều sâu thiền niệm mà không biết ngọn núi cao nào, không biết vùng thinh lặng nào mới chỉ bảo cho chúng hết ý nghĩa. Trong giây phút yếu nhất ấy của Chúa Kitô, ông ta nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta quá yếu đuối tâm linh nên không nhìn ra sức mạnh trong sự yếu đuối như người lính canh.

Trời đã vào khuya, hai thầy trò, vị tôn sư và người thanh niên tầm thầy học đạo như thả hồn mình về biến cố hai nghìn năm trước trước mầu nhiệm Tắt Thở của một người. Trong tâm trí anh, anh không thể nào hình dung vị tổng thống kia dám trở nên yếu đuối như một người tỵ nạn được. Anh bắt đầu hiểu hơn, vị tổng thống ấy chỉ có thể thương xót bằng từ trên nhìn xuống, bằng từ trên vớt lên. Ông ta không thể xuống để ở cùng.

Ở cùng là trở nên một thân phận. Ðấy là chiều sâu khó nhất của tình yêu. Khó nhất mà cũng đẹp nhất. Phải trở nên thân phận thì mới hiểu. Hiểu mới có thể thương. Trong ý nghĩa này, thương bao giờ cũng phải là ở cùng.

Người học trò, như vẫn ưu tư. Nếu tình yêu là ở cùng. Tại sao Ðức Kitô lại kêu lên trong giờ sau hết: “Lạy Cha, Cha bỏ con sao đành Cha?”

Vị tôn sư như đọc hết ý nghĩ thầm kín của học trò mình. Ông ôn tồn bảo:

Chiều sâu của tình yêu là ở cùng. Ðêm nay trời đã vào khuya. Con về ngủ đi. Tại sao Chúa Cha không lấy quyền năng như lời Ðức Kitô cầu xin, cất chén đắng này cho con?

Tại sao Chúa Kitô như quá cô đơn vậy?

“Lạy Cha, Cha bỏ con sao đành Cha?” Ðâu là ý nghĩa ở cùng?

Ðây là Tình Yêu và Quyền Năng. Chúng ta sẽ nói tới.

Trời khuya rồi. Ðêm thường nói với chúng ta nhiều ý nghĩa cuộc sống. Ðêm nói về thân phận mù lòa, vất vả đi tìm. Những giờ phút tăm tối cuộc sống, khổ làm sao. Nhưng nhờ đêm mà ta phải khắc khoải. Nhờ khắc khoải tìm kiếm mà hồn ta mới thức giấc. Và con ạ, không bao giờ đêm dài bất tận. Ngày mai có ánh bình minh.

Vị tôn sư đi về am thất. Người học trò vẫn ngồi lại. Anh đang nhìn vào cõi sáng của bóng đêm. Thứ cõi sáng và bóng đêm của riêng anh.

* * *

Từ lời cầu chúc “Chúa ở cùng anh chị em.” “Và ở cùng cha.” Thánh lễ phải là mầu nhiệm diễn tả tên gọi làm người của Thiên Chúa, EMMANUEL, Chúa ở cùng chúng ta. Mỗi thánh lễ, nếu ta trân trọng trong lời chào này, thì thánh lễ quá ngọt ngào. Thánh lễ là một diễn giải tuyệt vời mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta hạnh phúc nối tiếp bí tích kỳ diệu đó qua những lời chào mang cả một chiều kích thần học rất sâu:

– Chúa ở cùng anh chị em.

– Và ở cùng cha.

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J.

(Trích tập suy niệm “KẺ ÐI TÌM”)

Ngọcnga và Anh chị Thụ Mai gởi

Hãy Ở Trong Thầy

“Hãy Ở Trong Thầy”

+ GM GB Bùi Tuần

Mấy ngày nay, tôi thấy cảnh đời sôi động khác thường.

Trên đường xe chạy ồn ào, Dưới sông ghe xuôi ngược vội vã. Chợ chen chúc giữa người và hoa.

Mọi nhà đều rộn ràng quét dọn, trang trí, ra vào tấp nập.

Cảnh đời bề ngoài là vui, là dọn tết. Nhưng nhìn sâu vào bên trong lòng người, tôi có cảm tưởng khác. Có những gì kín đáo chìm lặng trong cõi nội tâm bất ổn.

Chính tôi cũng vậy.

Trước một hoàn cảnh mà hạnh phúc được cảm nhận là mong manh, là xa vắng, tôi chạy lại bên Chúa Giêsu.

Tôi nghe Người nói: “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15,4).

Chúa nói đi nói lại với tôi lời đó.

Ðây là lời căn dặn cuối năm.

Ðây cũng là lời nhắn nhủ đầu năm.

Ðây không phải một lời chỉ giữ riêng cho tôi, mà cũng là một lời Chúa gởi riêng cho từng anh chị em.

Tôi mong chúng ta biết đón nhận lời Chúa gởi. Ðón nhận với lòng trân trọng, với tình cảm mến, với tâm hồn khát khao tìm hiểu ý Chúa.

Vậy, “hãy ở lại trong Chúa Giêsu” được hiểu thế nào?

Tôi xin gợi ý vắn gọn.

Trước hết, “ở lại trong Chúa Giêsu” là ở lại trong lời của Chúa Giêsu.

Có lần Chúa Giêsu đã phán: “Nếu các con ở lại trong lời của Thầy, thì các con sẽ là môn đệ Thầy đích thực” (Ga 8,31).

Ở lại trong lời của Chúa, là đón nhận lời Chúa, suy niệm lời Chúa để lời Chúa thấm sâu vào lòng ta. Lời Chúa sẽ gây nên những vang vọng trong hồn ta, như những khát vọng dẫn đưa ta về Nhà Chúa.

Chúng ta thừa biết, lòng trí ta mỗi ngày phải tiếp cận với từng ngàn lời nói. Trong số từng ngàn lời đó, có những lời mang sự thực, nhưng cũng có những lời giả dối, có những lời gian ác, có những lời trống rỗng. Nếu, trong cảnh hỗn độn ấy, ta vững tâm ở lại trong lời Chúa, thì lời Chúa sẽ là ánh sáng soi đường chỉ lối cho ta. Ta sẽ được Chúa chúc lành, một sự chúc lành được ban cho những ai vâng thực thi Lời Chúa.

Ngoài ra, “ở lại trong Chúa Giêsu” là ở lại trong tình thương của Người.

Người phán: “Các con hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9).

Ở lại trong tình thương của Chúa là đón nhận chính sự sống của Người. Một sự sống hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Một sự sống sản sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Một sự sống là tình yêu, là bình an, là khôn ngoan, là hạnh phúc.

Chúng ta không xa lạ gì với tình thương trên đời này và trong đời ta. Nó muôn mặt. Ðổi thay và bền vững. Vui và buồn. Ánh sáng và bóng tối. Êm đềm và sóng gió. Nếu, trong thực tế thực sự là như thế, thì ở lại trong tình thương của Chúa sẽ là một bến bờ ta cần gắn bó.

Sự gắn bó này phải rất thân mật, phải rất khăng khít. Về vấn đề này Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh dễ hiểu: “Thầy là cây nho, anh em là cành… Cũng như cành nho không thể tự mình sinh ra hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho. Anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,1-4).

Như vậy, lời Chúa gởi chúng ta đã khá rõ. Hãy ở lại trong Lời Chúa. Hãy ở lại trong tình thương của Chúa. Ở lại là gắn bó. Ở lại là cùng phấn đấu với Chúa Giêsu, là cùng với Người vâng phục thánh ý Chúa, là cùng với Người phó thác nơi Chúa Cha giàu lòng thương xót.

Tôi muốn được gởi tới anh chị em lời Chúa trên đây ngày đầu năm Giáp Thân này.

Năm nay được mở đầu bằng nhiều bất ổn. Thí dụ với những dịch gia cầm, với những biến động về giá cả, với những chứng bệnh mới, với nhiều suy thoái trong lãnh vực lương tâm.

Chúng ta chấp nhận cuộc đời với những thực tế phức tạp của nó. Nhưng, là những người có đức tin, chúng ta ưu tiên đón nhận lời Chúa. “Hãy luôn luôn ở lại trong Thầy”.

Cho dù cuộc đời có những bất ngờ đau xót đến đâu, nếu chúng ta luôn ở lại trong Chúa, Chúa sẽ là Mùa Xuân vĩnh cửu của chúng ta.

Với những tư tưởng trên đây, tôi xin thân ái cầu chúc anh chị em một năm mới bình an. Một năm ta ở lại trong Chúa và Chúa ở trong ta. Một năm vì thế mà tình yêu thương và hiệp nhất giữa chúng ta sẽ toả hương thơm Tin Mừng giữa quê hương ta, tại địa phương ta.

+ GM GB Bùi Tuần

Nếu xa nhau anh xin làm mây thu,

“Nếu xa nhau anh xin làm mây thu”,

Khóc em… dài những tháng mưa ngâu

Mưa thu buồn… buồn đời anh bấy lâu

Gió thu sầu… hát bài ca nhớ nhau”.

(Đức Huy – Nếu Xa Nhau)

(Galát 3: 26-29)

Trần Ngọc Mười Hai

Đã xa nhau rồi, sao lại hát xin làm “mây thú”, mây thu chứ? Mây thú hay mây thu rất thú vẫn vần vũ cũng đâu vừa, hỡi người viết nhạc, rất nghệ sĩ. Vâng. “Làm mây thu” ở đời người, cũng đâu là chuyện dễ. Chí ít, là “làm mây thu” rồi lại có cái thú khác làm mây mưa dây dưa nhiều chuyện để thế-trần cứ lần-chần, tức chết được.

“Mây thú” hôm nay, lại sẽ thấy nhiều điều trải dài nơi lời ca cũng âu sầu, như sau:

“Nếu xa nhau, anh xin làm dòng sông

Nhớ em nhiều những thoáng mênh mông

Khúc sông buồn… buồn trôi bao lá rong

Tiếng mây chiều lạc loài vương nhớ nhung.”

(Đức Huy – bđd)

Thì ra, “làm mây thu” là làm rất nhiều thứ, và cả những thứ/những điều khiến cho người và cho mình, như ca-từ còn xác-chứng. Xác chứng hay làm-chứng cho ai/điều gì, vẫn không là chuyện quan-trọng. Điều quan-trọng hôm nay, chỉ mỗi việc là: làm chứng cho Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu, không thấy mệt.

Thật thế. Trong cuộc đời người, vẫn có nhiều người từng thấy chán-nản rất nhiều thứ, nên tự dưng muốn được làm “mây thu” hoặc cái thú làm mây vơ-vẩn đường bay tận chân trời, nhiều tưởng tượng. Trong số những người dễ chán nản và ngán-ngẫm đủ mọi thứ, là đám “trẻ người non dạ” cứ luôn miệng bảo: “Sao con chán mấy đồ chơi này quá, mẹ à!”; hoặc “buồn thấy mồ tổ đấy, mẹ ơi!” vv..

Trong cuộc đời trẻ tuổi, nhiều em bé vừa chơi đồ chơi mẹ mới sắm/tậu, hoặc trò chơi “games” điện-tử mới cài đặt trên ipad, media player, đã thấy buồn. Tóm lại, cuộc đời người, tiếng “chán” hoặc “buồn”, là từ-vựng thấy ở già trẻ lớn bé, ai cũng có thể nói vào lúc nào đó.

Có bé em học sinh, đang trong kỳ nghỉ học-kỳ hoặc nghỉ hè khá nhiều tuần, thế mà mới chỉ có vài ngày đã thấy chán hoặc kêu buồn rồi. Em thấy thế, là bởi lâu nay thiếu nghỉ ngơi, thư-giãn hoặc thiếu sáng-tạo trong cuộc chơi, học-hành hoặc tạo ra tư-tưởng, nên không thấy chuyện gì hấp-dẫn, hoặc thích-thú cả đến kẹo bánh/cây trái lẫn trò chơi cũ/mới ê-hề đủ loại.

Cũng có thể, em thấy chán/ngán, vì suốt ngày chỉ dán mắt vào màn hình lớn/nhỏ xem phim truyện xong lại chơi trò chơi này khác, riết rồi quá nản bèn than van: “Chẳng gì mới!” hoặc: “Ghêm gì toàn những thứ xem rồi, chán bỏ xừ!”

Những câu nói “chán/ngán” lại đã khiến bậc cha mẹ thêm lo lắng, hãi sợ. Bởi quá lo, nên có bậc mẹ cha tìm đủ mọi cách, cả việc đổ xô tìm các đồ/hàng mới cứng để mua/sắm cho bé em bớt buồn, nhưng vẫn không làm các bé hài lòng, hoặc bớt sầu.

Thành thử, kỹ-thuật cao hoặc mới mẻ, có lẽ, sẽ chỉ là giải-pháp/đáp số tạm-thời cho bài toán khó giải với người đời. Bởi thế nên, nhiều vị ở các nơi mới cố nặn óc mình ra mà tìm tòi, sáng-chế, hoặc chỉnh-sửa những gì có sẵn, đôi lúc lại đã khám-phá ra đôi điều làm mọi người phải suy-nghĩ.

Thực-tế đời người đi Đạo, cũng hệt thế. Nhiều thứ hoặc nhiều chuyện, lâu nay từng khiến người nhà Đạo suy-nghĩ rất “lung” vào mọi lúc/mọi thời, lại trở-thành vấn-đề để ta sẻ san,  tư-duy, hoặc suy-nghĩ. Một trong các vấn-đề khiến mọi người suy-tư không ít, ở nhà Đạo, là vấn đề phụ-nữ. Nói rõ hơn, là: vai-trò của nữ-phụ trong Đạo đã và đang được nhiều vị đặt lại.

Đặt lại vấn-đề trong Đạo, giống hệt người ngoài đời vẫn từng hát:

“Cùng tháng năm mây thu trôi lững thững cuối trời

Biết bao giờ thôi phiêu lãng giữa tháng mưa ngâu,

Em có nghe chăng bài tình ca?

Hôm nào… anh đã hát cho em

Trời đã sang đông, thôi anh làm im vắng

những đêm dài mơ ước gió trăng

Biết bao giờ tình yêu thôi lỡ làng

Biết bao giờ đời anh thôi dở dang”.

(Đức Huy – bđd)

Người ngoài Đạo, thường hát thế là để tự an ủi mình vào lúc thấy cuộc đời mình cũng chán và nản, không ít. Thế nhưng, các đấng bậc trong Đạo lại tư-duy theo cách chững-chạc, đạo-mạo, rất bài bản như ta thường thấy ở đây đó, chốn Nước Trời.

Nuớc Trời hôm nay, lại có bậc vị-vọng trong Đạo Chúa, đã nhìn ra vấn-đề khả dĩ gây nản lòng nơi một số bạn đạo, ở đây đó. Đấng bậc nhà ta, đã hình-dung ra được vấn-đề hệ-trọng cả ở trong Kinh Sách, nên đã tỏ lộ như sau:

“Huyền-thoại Do thái xưa, được phản ánh trong sách Sáng Thế đã diễn-tả tầm hiểu của người thời đó về nhiều thứ. Chủ-đích của người ghi chép các huyền-thoại ấy, là để giải-thích thứ đó có nghĩa gì. Rõ ràng là, chỉ mỗi nam-nhân thời cổ mới dám đóng khung các huyền-thoại này và cuối cùng ghi chép lại thành sách, thành truyện. Nói thế là bởi, bậc nữ-lưu thời cổ trong xã-hội không được phép tiếp-cận quyền-lực để giải-thích về Thiên-Chúa và/hoặc cũng chẳng có khả-năng để viết lách nữa.

Và hơn nữa, phụ-nữ được mọi người coi như không dính-dự gì vào những chuyện như thế, hoặc có dính dự cũng chẳng hiểu biết, chẳng thể-hiện được thế nào là thực-tại đời người. Vì thế nên, phụ-nữ chẳng bao giờ tạo ảnh-hưởng cách trực-tiếp lên nền văn-hoá này khác, hoặc cũng chẳng tạo bất cứ quyết-định ban đầu nào về bản-chất của bất cứ sự gì và cũng chẳng tham-gia vào bất cứ tiến-trình nào khả dĩ đưa ra một quyết-định. Thành thử, chẳng lạ gì khi các truyển kể trong Kinh Sách đều do nam-nhân viết ra hoặc định-hình cả đến sự việc nhằm giải-thích cách-thức ác-thần/sự dữ len lỏi vào công cuộc tạo-dựng của Thiên-Chúa Đấng Tác-tạo mọi sự. Và Kinh Sách làm thế, bằng việc tuyên-bố việc ấy như yếu-điểm của tạo-vật chưa thành người do Thiên-Chúa thực-hiện để đáp-ứng nhu-cầu của nam-nhân. Và người nữa đó tên là Evà.

Nói tốm lại, ở thế-giới do nam-nhân thống-trị, thì phụ-nữ bị chê-trách đủ mọi thứ kể từ ngày ấy, đến hôm nay. Chẳng hạn như: nếu người đàn ông nào lại hiếp-đáp một phụ-nữ, thì lại nói do người nữ ấy quyến-rũ anh ta bằng cách ăn mặc lố lăng, khêu gợi. Nếu nam-nhân đánh đập một nữ-phụ nào, thì lại bảo: việc ấy là do y-thị khiêu-khích anh ta nổi giận. Thậm chí, nếu nam-nhân ly-dị người nữa nào, lại đổ lỗi cho người nữ ấy sống sao đó nên nam-nhân này không còn chịu đựng nổi để chung sống nữa…

Nói tóm lại, chính người nữ đầu đời con người là Evà chính là duyên-do khiến nam-nhân đầu tiên ngã quỵ. Bà chịu trách-nhiệm trong việc dẫn nhập mọi ác thần/sự dữ, và/hoặc mọi sự ngán-ngẫm, cho gian-trần…” (x. Tgm John Shelby Spong, The Sins of Scripture: Woman as the Source of Evil, HarperCollins Publishers 2005, tr. 87)

Sống thực đời đi Đạo, các đấng bậc vị vọng là những người thấy được điều chán/ngán, còn gọi là ác-thần/sự dữ cũng hơi lạ ở Kinh Sách. Còn, người thường đi Đạo sống thực cuộc đời lý-tưởng sẽ ra sao? Hãy nghe đấng bậc có nhiều năm kinh-nghiệm giảng dạy về niềm tin và mục vụ tại trường Đạo ở Melbourne, Úc Châu lại có giòng chảy như sau:

“Mới đây, tôi có sinh-hoạt với một nhóm người trẻ để giúp các em hiểu thêm về căn-tính linh-đạo của họ. Thật ra, cũng chỉ như chuyện xếp hình kiểu Nhật Bản gọi là Origami, mà thôi.

Ý tôi muốn nói là: ta chỉ cần làm mỗi việc như xếp mẩu giấy vụn theo chiều dọc thành hai cột, cũng đơn-giản…. nghĩa là, chỉ việc đưa vào cột dọc này các ơn phúc Trời ban cho con người, tức: các huệ-lộc áp-dụng cho mỗi người và mọi người. Nay, cũng chỉ nên ghi-nhận xem ân-phúc nào được Chúa đem đến cho cuộc sống của mình, chứ không ai khác ngoài mình ra.

Nghĩ thế rồi, tôi bèn bắt đầu làm công việc ấy cách đây 3 ngày và dưới đây là một vài mảnh vụn từ đó nảy ra:

  1. Sáng thứ Hai. Bé trai đầu tiên tôi gặp ở trường học tôi vẫn dạy, có nói với tôi rằng: “Thấy thày lại đến như thế này, thật rất tốt.” Thế tức là, tôi có được nghị-lực làm việc để bớt thấy chán nản trong cả tuần lễ, là do em bé này chúc mừng tôi.

  1. Trưa thứ Hai hôm ấy. Cùng với 4 em học sinh đi đến trung-tâm giúp người vô gia-cư có thức ăn vào buổi sáng, tôi có dịp chuyện gẫu với một nhân-viên thiện-nguyện mà tôi chưa từng gặp mặt. Bà này trạc 6o, thất-nghiệp suốt 18 tháng trời, tức là bà từng trải-nghiệm một thời-gian dài rất chán-ngán. Bà có nhiều bằng cao-học hoặc phó tiến-sĩ gì đó, lại có kinh-nghiệm quản-trị xí-nghiệp rất nhiều năm.

Thế nhưng, công-việc lại không mấy thích-hợp với một người giỏi dang, thiện chí đầy mình. Dù sao thì, hôm ấy, bà đã tập thể-dục chuẩn bị sạch sẽ để gặp mặt những người lê lết ngoài đường phố, rất hôi bẩn. Tôi xúc-động khi thấy phụ-nữ như bà có tinh-thần cao, lại quyết tâm làm những việc rất cần cho người sống lề đường/xó chợ, dù bà vẫn ưa-thích văn-chương nghệ-thuật hơn thứ gì khác. Tôi phấn khởi không ít, và biết ơn các nữ-phụ như bà dám bỏ tất cả ra chỉ để lân-la/gần gũi những con người rất chán đời, nhưng vẫn trân-trọng cử-chỉ đẹp do bà thực-hiện.

Điều hay hơn, là bà chẳng bao giờ tỏ ra là kẻ cả, trịch-thượng và đó là ân-phúc tôi có được vào ngày hôm ấy.

  1. Trưa thứ Ba. Hôm nay, tôi được tin người bạn rất thân đã hưu-dưỡng từ lâu, vẫn tạm-trú ở khu dưỡng bệnh dành cho những người bị ung-thư giai-đoạn cuối. Công việc thường ngày của ông, là giúp các bệnh-nhân đồng cảnh-ngộ viết lên chuyện đời của mỗi người, để họ san sẻ với bạn bè/người thân, trước khi quá vãng. Ông thấy: phần đông những người sắp lìa đời, vẫn muốn để lại các câutruyện đời đủ mọi loại, không có được cơ-hội như mình, hoặc đôi lúc chỉ cần viết ra vài ba giòng chữ trước khi chết, cũng được. Ông đã trở thành một thứ không phải “con ma viết lách” mà là “thần-nhân viết truyện”. Và hôm ấy, tôi lại được chúc phúc vì đã quen biết ông.

  1. Chiều thứ Ba. Tôi vừa được một bạn già khác là linh-mục vừa mới gọi cho biết ông đã có báo cáo thật tuyệt-vời. Nghe chữ tuyệt-vời tôi cứ ngỡ rằng đó là báo-cáo học-trình của ai đó, thì ra là “báo cáo về bệnh-tình của ông, do bác-sĩ trao cho ông. Mấy lâu nay ông bị ung-thư đến giai-đoạn rất nặng, suốt những năm gần đây. Thế nên, chính ra đây phải là tin buồn mới  đúng.

  1. Sáng thứ Tư. Một đồng-nghiệp rất thân của tôi, có lần nói là: anh rất thích nhất câu thơ của Shakespeare để cho nhân vật Polonius nói với Laertes trong “Hamlet”, rằng: Bạn bè ông, nếu họ thử đủ mọi cách khác nhau mà không thuận được gì, thì hãy túm lấy họ bằng móc mắt đem vào hồn là xong… Nghe thế, tôi lại cảm thấy mình được chúc phúc vì có bạn bè thân quen mình có thể túm lấy mà đưa vào hồn mình.

  1. Chiều thứ Tư. Một em học sinh của tôi từ Phi Châu trở lại trường, sau khi nhận thanh-tẩy trong nước, có nói: việc quan-trọng đối với em là về để thấy được mọi người còn sống sót, chứ không phải để nhìn tận mặt sự đói nghèo là thế nào. Em còn nói về châu Phi, như sau: “Đến đó quý đã thấy lạ kỳ rồi, khi rời khỏi nơi đó, lại vẫn thấy kỳ lạ như lúc đến, nhưng ở mức độ còn cao hơn.” Điều này, là loại chóp đỉnh băng đá tảng trôi trên biển mà thôi. Nhưng, cũng có thể là tôi vẫn cần miếng đá ấy mỗi ngày cho mình. Bởi, cuộc sống không chỉ là những sự việc và sự kiện xếp thành nhiều lớp trồi lên trên mà là để cho chúng không bị xếp lớp, mà thôi.” (x. Michael McGirr, Origami Blessings, The Majellan 10/2013-12/2013, tr. 15-16)

Đời người chỉ như băng tảng xếp lớp, mà thôi. Ôi! Còn gì chí lý bằng. Thế tức là, trong chuổi ngày dài cuộc đời, có lớp xếp hướng lên cao, có lớp lại chìm xuống để trôi tan cùng giòng nước. Bạn bè Đấng bậc mô-phạm trường lớp thuờng nghĩ thế. Chứ còn, nghệ-sĩ ở đời thường lại nghĩ khác, nên cứ hát những lời, như:

“Cùng tháng năm mây thu trôi lững thững cuối trời

Biết bao giờ thôi phiêu lãng giữa tháng mưa ngâu,

Em có nghe chăng bài tình ca?

Hôm nào… anh đã hát cho em

Trời đã sang đông, thôi anh làm im vắng

những đêm dài mơ ước gió trăng

Biết bao giờ tình yêu thôi lỡ làng

Biết bao giờ đời anh thôi dở dang”.

À thì ra, “Biết bao giờ đời anh thôi dở dang” thật cũng chán. Thấy chán, là bởi anh thật chẳng biết “bao giờ tình yêu thôi lỡ làng”.

À ra thế. Tất cả, chỉ vì tình yêu mà thôi. Yêu người, yêu vật yêu cả trò chơi, đồ hàng lại thiếu mất tình-yêu, làm sao khá.

Tất cả vì Tình-yêu. Bởi, có tình yêu, là có tất cả. Cho đời mình. Chỉ Tình-yêu, mới làm cho mình/cho người sống cuộc đời đáng sống. Chỉ Tình-yêu, mới là lý-tưởng cuộc sống, không thấy chán. Và, Tình-yêu lại là và vẫn là ý của Đấng Thánh Nhân Hiền, từng dạy dỗ, bảo ban như sau:

“Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy

để thuộc về Đức Kitô,

đều mặc lấy Đức Kitô.

Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp,

nô lệ hay tự do,

đàn ông hay đàn bà;

nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.

Mà nếu anh em thuộc về Đức Kitô,

thì anh em là dòng dõi ông Ápraham,

những người thừa kế theo lời hứa.”

(Galat 3: 26-29)

Và, một khi đã ở cùng và ở với “Thiên-Chúa-chính-là-Tình-Yêu” rồi, mỗi người và mọi người sẽ thấy đời mình nhẹ nhàng, thư-giãn, rất đáng sống. Sống thảnh-thơi, như lời đấng bậc hiền-triết từng răn dạy người đời bằng câu truyện kể để lại đời như sau:

“Có một người cảm thấy cuộc sống quá nặng nề, bèn đi tìm nhà triết học cầu mong kiếm được con đường giải thoát. Nhà triết học chẳng nói chẳng rằng, chỉ đưa cho ông ta một cái sọt bảo ông đeo lên vai, đồng thời chỉ vào một con đường lổn nhổn đất đá nói:

-Mỗi khi anh bước đi một bước thì nhặt một hòn đá cho vào sọt, xem thử cảm giác như thế nào.

Người này bắt đầu làm theo, còn bậc hiền-riết bước nhanh đến mút đường. Được một lúc, người kia mới đến được chỗ đó. Bậc hiền-triết hỏi anh thấy thế nào. Người kia nói:

-Tôi thấy càng lúc càng nặng.

Đây chính là nguyên-nhân giải thích tại sao anh thấy cuộc đời ngày càng nặng nề. Bậc hiền-triết nói:

-Mỗi người khi đến thế giới này, đều đeo một cái sọt rỗng, mỗi bước đi trên đường đời anh ta đều nhặt thứ gì đó từ thế giới này để bỏ vào sọt, nên càng đi càng cảm thấy mệt.

Người kia lại hỏi:

-Có cách nào giảm bớt gánh nặng này không ?

Bậc hiền-triết hỏi ngược lại anh:

-Vậy anh có đồng ý vứt bỏ một trong các thứ như công việc, tình yêu, gia đình hay tình bạn không? Người kia nghe xong im lặng. Bậc hiền-triết bèn nói tiếp:

-Nếu thấy khó có thể vứt bỏ đi, thì đừng nghỉ đó là gánh nặng nữa, mà nên nghĩ đến niềm vui nó mang lại. Cái sọt của mỗi người chúng ta không những chứa đựng ân-huệ Trời ban, mà nó còn gồm cả trách nhiệm và nghĩa vụ nữa. Khi anh thấy nặng nề, anh cũng đừng vội buồn, có thể cái sọt của người khác còn to hơn, nặng hơn của anh nhiều. Nếu nghĩ như thế, chẳng phải sọt của anh sẽ bớt được nỗi buồn, hay sao?” Trong đời, có biết bao nhiêu thứ nặng nề hằng ngày vẫn “hành hạ” ta, nếu ta cứ “để tâm” đến nó, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Nhưng, nhiều lúc ta cũng quên một điều khá quan trọng, là cuộc sống có hai mặt, mặt nổi và mặt chìm. Một mặt được phơi bày và một mặt vẫn ẩn khuất. Nếu ta chỉ thấy mỗi mặt nổi của sự việc, và vì nó vừa ý hay không vừa ý ta, ta sẽ có kết luận vội vàng, và từ đó, ta cũng vội buồn, vội vui.

Ở đời, cái vừa ý ta thì ít, còn cái không vừa ý ta thì nhiều, nên nhiều lúc ta dễ “chán đời” ! Làm sao “yêu đời” được, khi nhìn chung quanh, ta thấy toàn những điều làm ta mệt mỏi, cô đơn, nặng nhọc?

Bình tâm suy nghĩ, ta sẽ thấy sự việc nào xẩy ra, có thể đối với người này là quá sức tồi tệ, nhưng với người khác, nó lại là chuyện “bình thường”, có khi còn mang ý nghĩa tích cực nữa.

Vậy nên, gánh nặng cuộc đời còn tùy ta nhìn nó từ góc cạnh nào. Nếu ta chỉ nghĩ tới mình, thì làm sao có được niềm vui vừa ý, chắc chắn quang gánh cuộc đời càng nặng trĩu. Chính vì tha nhân, vì người thân yêu, và vì tình người đồng loại, mà gánh nặng cuộc đời được thăng hoa thành niềm vui cao cả, tuyệt vời. Những gì ta cứ tưởng chỉ là nước mắt khổ đau, hóa ra, chúng biến-hóa một cách nhiệm mầu thành nụ cười hạnh phúc.” (truyện kể do St gửi lên mạng)

Truyện kể thế rồi, nay để-nghị bạn/đề-nghị tôi, ta hãy hiên ngang hát tiếp câu ca người nghệ-sĩ viết cho đời trươi lên. Hát rằng:

“Cùng tháng năm mây thu trôi lững thững cuối trời

Biết bao giờ thôi phiêu lãng giữa tháng mưa ngâu,

Em có nghe chăng bài tình ca?

Hôm nào… anh đã hát cho em

Trời đã sang đông, thôi anh làm im vắng

những đêm dài mơ ước gió trăng

Biết bao giờ tình yêu thôi lỡ làng

Biết bao giờ đời anh thôi dở dang”.

(Đức Huy – bđd)

Vâng. “Trời đã sang đông thôi anh làm im vắng” để “những đêm dài mơ ước với gió trăng”… Vâng. Hãy cứ mơ ước rằng đêm dài cuộc đời mình sẽ không còn “tình yêu lỡ làng”, đời anh, đời em sẽ thôi không còn dở dang nữa. Và khi đó, ta sẽ yên hàn vui hưởng cuộc đời rất thương yêu, có Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu luôn ở cùng, sẽ nâng đỡ ta và mọi người suốt một đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn tin tưởng

Và hy vọng

Mãi như thế.

Suốt đời mình.

CHÚA PHỤC SINH và quà tặng ĐỜI SỐNG MỚI.

CHÚA PHỤC SINH và quà tặng ĐỜI SỐNG MỚI.

(phần hai)

Phan Sinh Trần.

Xin tái ngộ các bạn trong câu chuyện mạn đàm về ánh sáng của Chúa Phục Sinh làm mới đời sống chúng mình.

Vào ngày 28 tháng 3 năm 2015 tôi có cơ hội đến tham dự tĩnh tâm do Cha Giu se Nguyễn Thiện Lãm, Cha Mark Goring , và các sơ đến từ Ấn độ và Mexico tại trung tâm Canh Tân Đặc Sủng của giáo phận. Ngay từ đầu, bầu khí ca ngợi Chúa là trung tâm của ngày tĩnh nguyện. Các vị diễn giả bừng sáng trong sự tươi vui, họ hăng hái  làm chứng về một Chúa Giê Su vẫn đang sống, đang chữa  lành cùng với tác động của Thần Khí diệu kỳ của Ngài là Chúa Thánh Linh. Trong phần làm chứng cho Chúa, thì điều đã gây ấn tượng cho tôi là lời chứng của Anh Jonathan, 27 tuổi, người Mexico.

Trước hết Jonathan kể về cuộc đời của Anh, sinh ra trong một gia đình Công Giáo tốt lành, sốt sắng. Từ lúc còn bé, theo Bố Mẹ Anh Chị Em đi lễ, đi nhà thờ. Anh đã tham dự các nghi thức, các Thánh lễ trong đạo cách thường xuyên. Anh còn nhớ, có một tuần thánh nọ anh được chính Đức Giám Mục rửa chân cho trong Ngày lễ thứ năm, kỷ niệm bữa tiệc ly dù khi đó Anh chỉ có 7-8 tuổi. Đức Giám Mục , Các Cha thường đến thăm viếng và dùng cơm chung với gia đình, đàm đạo với Ông Bà , Bố Mẹ , cả gia đình của Anh rất là tâm đắc. Nói chung là mọi cơ hội để cho Anh được đến với Chúa và gần gũi Giáo Hội đều có đủ, dồi dào.

Theo Đạo qua các nghi thức, nhiều lần, nhiều năm, vào thời thơ ấu đã không làm cho Anh được rửa tội lại trong sức sống mới của Chúa Phục Sinh, theo năm tháng Anh lớn lên và xa cách Đạo, Anh nói:

–       Tôi ham thích tụ họp tán gẫu với bạn bè hơn là quan tâm tới Chúa và các lý thuyết trừu tượng của Ngài.

Khi đã thành một sinh viên thì cách sinh hoạt trong Đại Học có chung một mẫu số, Thày và trò đều phê phán, một cách nào đó đặt dấu hỏi vào các niềm tin không có căn cứ Khoa học, các hình thức tôn giáo ít nhiều mang tính cổ xưa thiếu các hào nhoáng của văn minh vật chất, thiếu các tiện nghi của kỹ thuật. Phần Anh thì cho rằng, mình có thể sống thiếu tôn giáo nhưng không thể nào thiếu các liên lạc nhanh nhạy của Cell phone, không thể sống mà thiếu tin tức đến từ máy tính bảng ipad, cả các bạn của Anh cũng cho rằng cuộc đời sẽ vô cùng nhàm chán nếu không có các sự hào hứng của các trò chơi từ máy vi tính, các trò game trực tuyến. Cuộc sống của Anh không thể thiếu ăn diện, xe cộ, bồ bịch nhât là sau khi đã tốt nghiệp và làm việc đại diện thương mãi cho một hãng nọ.

Cũng không biết từ lúc nào, có lẽ là đã dăm bẩy năm nay, Anh xa cách và ghét cay ghét đắng tôn giáo, anh thường đăng trên Internet các nhận định về “mấy người theo tôn giáo điên khùng” mỗi khi biết được các hoạt động của tôn giáo chống lại “đồng tính luyến ái”, chống “phá thai”, các kêu gọi về “luân lý”, về tu đức. Bất kỳ điều gì gợi lên tính tôn giáo là anh tránh xa vì không chịu nổi “mấy người theo tôn giáo điên khùng” Tuy nhiên cũng đã có một luật trừ đó là Anh có một vài người thanh niên hang xóm, mấy người này hay đi nhà Thờ và có đời sống rất vui vẻ, hòa nhã với mọi người trong xóm. Họ hay năn nỉ Anh đi tham dự thử một buổi sinh hoạt ca nhạc trong một buổi lễ nào đó tại trung tâm Canh Tân đặc sủng. Họ cứ năn nỉ, gợi ý mãi, làm anh bực mình thật là “mấy người theo tôn giáo điên khùng”. Anh hỏi, ca hát bao lâu, lễ kéo dài bao lâu, họ dám can đảm trả lời , chỉ có cỡ hai tiếng mà thôi, nghe xong, lập tức Anh dẫy nẩy lên :

–       Trời ơi, kéo dài tới hai thế kỷ hả? làm sao mà chịu được !

Trong đầu Anh chợt nổi lên sự suy nghĩ cau có “mấy người theo tôn giáo điên khùng”.

Ngày qua tháng lại, mấy người hàng xóm của Anh vẫn vui vẻ quá, họ rất hào hứng về các buổi Ca Ngợi của Nhà thờ và cứ mời anh đến coi thử cho biết. Phần nào có sự tò mò, nhất là cũng cảm thấy người hang xóm này thật là đáng mến Anh ậm ử rằng sẽ đi thử cho biết, anh không quên thòng theo một điều kiện là sẽ ra về sớm nếu cảm thấy quá nhàm chán. .

Lần tham dự đầu trong Thánh Lễ Ca Ngợi tại trung tâm Canh Tân Đặc Sủng anh thấy cũng không đến nỗi nhàm chán như mình nghĩ và có thể tham dự cho đến hết. Thánh lễ không đến nỗi kéo dài quá xá và rồi Anh cũng muốn đến tham dự thêm một lần nữa xem sao.

Lần tham dự thứ hai, đặc biệt có bạn gái  đi cùng Jonathan, phần Ca Ngợi Chúa cũng hơi hào hứng và vui nhộn,  khi Cha Mark mời những ai muốn có đời sống mới trong Chúa Phục Sinh tiên lên gần Cung Thánh  để Cha cầu nguyện cho. Khi đó, Jonathan đang quì ở ghế, Anh cảm thấy có một sự thôi thúc về tâm lý , anh cảm thấy cần đi lên để khám phá Chúa mặc dù Anh thấy rất là quê độ với Cô Bạn Gái vốn rất thường nghe anh phê phán về “mấy người theo tôn giáo điên khùng”. Ngần ngừ một lúc, thì anh đi đến quyết định, quay qua cô bạn Jonathan nói:

–       Anh muốn đi lên đó.

Cô bạn gái trố mắt ngạc nhiên, không biết đang có chuyện gì xảy ra cho người bạn vô thần của cô, nhưng cô im lặng, không phản đối để tùy ý bạn của mình. Khi anh bước đi trên lối hành lang, qua hai dãy ghế ở bên cạnh lối đi, Anh ngoái lại, thì ô kìa, Bạn Gái Anh cũng đi lên theo, Cô ở ngay sau lưng. Chuyện xay ra là vừa ngay khi Cha Mark vẫn còn đang giỏ tay cầu nguyện với Chúa,  Anh đang sắp vượt qua hàng ghế cuối cùng ngay sát cung thánh thì nước mắt ở đâu cứ tuôn ra dàn dụa, chúng nhiều đến mức Anh không còn thấy đường đi nên cứ phải liên tục chùi đi, thật là mắc cỡ và kỳ cục quá sức, cô Bạn Anh thấy thế vội nắm tay và thốt lên “Có sao không, có ổn không Anh?” Lòng Anh lúc đó rất bình thường, anh nói “Không có gì, Anh cũng ổn mà” Tuy nhiên, nước mắt còn tuôn dàn dụa hơn nữa, mặt anh đỏ và hơi sung vì khóc nhiều. Anh hiệp ý với Cha, Anh thưa với Chúa:

–       Nếu Chúa có thực thì con xin mời Chúa đến với con,  Con xin Chúa tha thứ mọi xúc phạm, phỉ báng và tội lỗi con đã phạm xin tha thứ và làm cho con được tái sinh làm con Chúa Cha mãi mãi. xin đổ đầy Thánh Thần cho con và cho con một đời sống mới.

Điều đã xảy ra ngay vào lúc đó là tôi đã được một khoảnh khắc nghỉ ngời trong Chúa, hai chân tôi bủn rủn, cặp chân mềm ra như bún, tôi ngả ra và được đỡ nằm trên sàn nhà, ngay vào lúc đó tôi đã có một niềm vui và bình an không thể nào diễn tả bao phủ tôi, ngay vào lúc đó tâm hồn tôi đã thay đổi với cảm giác nhẹ nhàng thư thái của một người mới tắm xong và cảm thây mọi sự đều  mới mẻ và tươi mát.

Chính Lời Chúa Giê Su đã cho biết :” Tự lòng Ngài có những sông tuôn chảy nước sinh sống. Ðiều ấy, Ngài nói về Thấn khí các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy” (Gioan 7: 37-39)

Đó là những gì xảy ra cách nay 6 tháng, còn bây giờ thì sao ? Này tôi đây, một Jonathan như các Bạn thấy, say sưa tham dự Thánh Lễ, giống như một người bị đói ăn đã lâu nay ăn trả bữa, tôi luôn tìm cách sắp xếp giờ giấc để tham dự thánh lễ ở Trung tâm này, ở mọi nơi. Có một cái gì thu hút tôi vào Thánh lễ nơi mà tôi có niềm vui và sự bình an. Lễ xong, tôi lại tìm cách ở lại mong được giúp ích cho Nhóm cách này, cách khác, làm những việc mà trước kia tôi hay thắc mắc là việc của “mấy người theo tôn giáo điên khùng”. Cũng có khi những đám mây mờ hồ nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa quay trở lại nhưng mà như mây trời chúng đến rồi đi, khi tôi cầu nguyện với Chúa trong Thánh Lễ thì nó phải tan biến. Ánh sáng chói chan của Mặt Tròi Chân lý Chúa làm tan biến mây mờ ngay tức khắc.

Anh Jonathan tâm sự rằng sự hiểu biết về Chúa của anh còn rất là hạn chế, gần như  số không dù anh rất giỏi chuyện đời như buôn bán, câu dụ khách hàng mua nhiều hàng của mình, … Anh chia xẻ: “nhu cầu cần kíp là tôi cần tiếp tục tham gia học lớp Kinh Thánh để biết về Chúa Giê Su và tìm hiểu Chúa ngày đêm qua Lời Chúa. Tôi muốn và cần cầu nguyện với Chúa nhờ Lòi của Ngài đẻ tiếp tục đâm rễ sâu và lơn lên trong Đức Tin”

Thưa Bạn, điều thú vị là anh Jonathan rất tự hào về các khám phá của mình, khi có dịp gặp lại các bạn vô thần cũ, bị họ trêu ghẹo mỉa mai. Anh cười, xác nhận: “vâng, tôi là một người theo Chúa đến cùng, mời các bạn khám phá Thiên Chúa xem có thật hay không, tôi không thể nào không tin Chúa qua các trải nghiệm của tôi, trong Khoa Học bạn đau có thấy hình dáng của điện lực nhưng mà qua năng lực mạnh mẽ của nó, ai cũng tin là có điện phải không ? Tôi cũng vậy, khi có kinh nghiệm về Chúa rồi thì rất khó mà không tin Chúa vì năng lực của Chúa là rất thực, rồi anh có dịp thao thao bất tuyệt làm chứng cho Chúa. Trên facebook của Anh , đăng bài làm chứng của anh với xác nhận nay Jonathan thuộc nhóm “mấy người theo tôn giáo điên khùng”.

Tới đây thì điều có thể là, Bạn sẽ hỏi tôi rằng thế còn Cha Mark thì sao? Trường hợp đến với Chúa của Ngài khác với Jonathan như thế nào?

Vâng, Bạn sẽ rất ngạc nhiên vì qua lời chứng của Cha Mark thì khi đến lứa tuổi nổi loạn, Ngài cũng chả hơn gì anh Jonathan, Khi còn là một thiếu niên Ngài cho rằng chẳng có lý gì để tin vào chuyện thần tiên về Chúa và Đức Mẹ có lẽ họ chỉ có trong trí tưởng tượng của con nít thơ ngây. Khi tất cả các bạn cùng thời đại, bạn trang lứa đều bỏ qua đức Tin và say sưa về việc thử khám phá và sống với nhục dục, tìm cách làm tình vói bạn khác phái. Ngài bị lôi kéo, có lúc cũng muốn đi theo khuynh hương tội lỗi chung của thời đại cho đến khi Ngài xin Chúa làm chủ đời mình. Ở 13 tuổi, Ngài chân thành cầu nguyện rằng nếu Chúa có thực thì tỏ ra cho con biết, sau vài lần cầu nguyện như thế thì Ngài được ơn bằng an và không bị cám dỗ muốn phạm tội. Điều đôc đáo là đã có sự bảo vệ của Mẹ Maria ôm ấp Ngài tư lúc 13 tuổi tới nay trong thanh sạch nhất là Mẹ luôn có cách dẫn Ngài đến với Chúa Giê Su.

Năm 16 tuổi, qua Nhóm Thánh Linh Ngài xin Chúa làm chủ đời mình, và xin đầu phục một mình Chúa, xin dâng cho Chúa tất cả những gì mà Ngài có được, từ đó trở đi đời sống mới đã đến và thế là từ năm 16 tuổi cho đến giờ, được 35 tuổi, chưa có một ngày mà Ngài bị nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa, chưa có một ngày Ngài không được sự thánh khiết và yêu thương của Chúa bao phủ. Thật là tuyệt diệu đời sống mới mà Chúa Phục Sinh ban cho con cái Chúa. Còn những ai đón nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa, ấy là cho những kẻ tin vào Danh Ngài. (Gioan1:12)

Xin bạn nghe lời làm chứng của Cha, qua youtube nối kết sau đây:

http://play.tojsiab.com/M0Jfc19ZS2Y4MkUz

Để kết luận bài này, chúng mình cùng ghi khắc lời dặn dò của Chúa Giê Su kính yêu vì rất có thể là ngay hôm nay vào giờ này Chúa cũng đang muốn, đang mong chờ Bạn đến và ban cho Bạn một đời sống mới khi bạn quyết tâm đi theo Chúa một cách dứt khoát và trọn vẹn :

…Ðức Yêsu đáp lại:

“Quả thật, quả thật, tôi bảo ông,

ai không sinh ra bởi Nước và Thần khí,

thì không thể vào được Nước Thiên Chúa.

6 Sự gì sinh ra bởi xác thịt là xác thịt, và sự gì sinh ra bởi Thần khí là Thần khí.

(Gioan 3:8)

–       Lậy Chúa, giờ này xin Chúa tiếp nhận con người tội lỗi của con vì con muốn đầu phục Chúa trọn vẹn.

–       Xin ban cho con đời sống mới làm con Chúa, xin ban Thần Khí Chúa sống trong con, làm nên tạo thành mới hoàn toàn sống theo Chúa và chỉ có Chúa mà thôi .

Phan Sinh Trần.

CHÍNH NGÀI ĐÃ DẪN CON ĐI

CHÍNH NGÀI ĐÃ DẪN CON ĐI

Tác giả: Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.

Một cô bé bảy tuổi nghe cha mẹ mình nói chuyện về đứa em trai nhỏ. Cô bé chỉ hiểu rằng em mình đang bị bệnh rất nặng và gia đình cô không còn tiền.

Cô bé nghe bố nói với mẹ bằng giọng thì thầm tuyệt vọng: “Chỉ có phép màu mới cứu sống được Andrew”. Thế là cô bé vào phòng mình, kéo ra một con heo đất được giấu kỹ trong tủ. Em dốc hết đống tiền lẻ và đếm cẩn thận.

Rồi cô bé lẻn ra ngoài bằng cửa sau, đến tiệm thuốc gần đó. Em đặt toàn bộ số tiền mình có lên quầy.

Người bán thuốc hỏi: “Cháu cần gì?”

Cô bé trả lời: “Em trai của cháu bệnh rất nặng và cháu muốn mua phép màu.”

– Cháu bảo sao? – Người bán thuốc hỏi lại.

-. Em trai cháu bị một căn bệnh gì đó trong đầu mà ba cháu nói chỉ có phép màu mới cứu được nó. Phép màu giá bao nhiêu ạ?

– Ở đây không bán phép màu, cháu à. – Người bán thuốc nở nụ cười tỏ vẻ cảm thông với cô bé.

– Cháu có tiền trả mà. Nếu không đủ, cháu sẽ cố tìm thêm. Chỉ cần cho cháu biết giá bao nhiêu?

Trong cửa hàng còn có một vị khách ăn mặc thanh lịch. Sau khi nghe câu chuyện, ông cúi xuống hỏi cô bé: “Em cháu cần loại phép màu gì?”

– Cháu cũng không biết nữa – Cô bé trả lời, rơm rớm nước mắt. “Nhưng em cháu rất cần phép màu đó. Nó bị bệnh nặng lắm, mẹ cháu nói rằng nó cần được giải phẫu, và hình như phải có thêm loại phép màu gì đó nữa mới cứu được em cháu. Cháu đã lấy ra toàn bộ số tiền để dành của mình để đi tìm mua phép màu đó.”

– Cháu có bao nhiêu? – Vị khách hỏi. Cô bé trả lời vừa đủ nghe: “Một đô la mười một xu.”

Người đàn ông mỉm cười: “Ồ! Vừa đủ cho cái giá của phép màu”.

Một tay ông cầm tiền của cô bé, tay kia ông nắm tay em và nói: “Dẫn bác về nhà cháu nhé. Bác muốn gặp em trai và cha mẹ cháu để xem bác có loại phép màu mà em cháu cần không.”

Người đàn ông thanh lịch đó là Bác sĩ Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia thần kinh tài năng. Ca mổ được hoàn thành mà không mất tiền, và không lâu sau, đứa bé đã có thể về nhà, khỏe mạnh.

Mẹ cô bé thì thầm: “Mọi chuyện diễn ra kỳ lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi. Thật là vô giá!”. Cô bé mỉm cười. Em biết chính xác phép màu giá bao nhiêu. Một đô la mười một xu, cộng với niềm tin chân thành của một đứa trẻ, và lòng tốt của người bác sĩ.

Kính thưa quí ông bà anh chị em. Nếu mỗI ngườI ngồI ngẫm nghĩ lạI cuộc đờI của mình, mỗI ngườI sẽ cảm thấy rõ ràng: chúng ta còn sống và được như ngày hôm nay, thật sự phảI nói là một Phép Mầu. Và đây cũng chính là điều tôi muốn chia sẻ vớI quí ông bà anh chị em trong thánh lễ hôm nay.

Nhiều ngườI nghĩ rằng chúng tôi những linh mục là những con người tài ba đức độ nên mới được Thiên Chúa tuyển chọn. Tôi không nghĩ thế. Tôi không nghĩ vì mình tài ba đức độ mà được Thiên Chúa tuyển chọn. Không, không phảI thế. Tình yêu Thiên Chúa trên tôi và chọn tôi không phảI vì tôi trổi vượt hơn những người khác. Tình yêu Thiên Chúa trên tôi không căn cứ vào công trình của tôi. Đó là một tình yêu hoàn toàn nhưng không, một tình yêu hoàn toàn vô điều kiện, vì nếu tình yêu ấy căn cứ vào tài đức của tôi, khi tài đức tôi không còn nữa thì tình yêu ấy cũng sẽ biến mất. Nhưng khi tình yêu ấy căn cứ trên cái nhưng không, tình yêu ấy không thể bị tiêu diệt và tôi sẽ không bao giờ mất nó vì nó không đến do một công trình nào của tôi mà là một món quà nhưng không của Thiên Chúa.

NgồI ngẫm nghĩ lại, tôi thấy việc Chúa làm thật là mầu nhiệm. Lớp chúng tôi khi mớI vào tiểu chủng viện là 65. Nhưng cuối cùng chịu chức chỉ còn 4. Một ở Úc, 2 đang ở Việt Nam, và tôi đang ở đây. Nhiều anh trong lớp tôi rất là thông minh tài giỏI, lanh lẹ. Nhưng thường  những chú bé thong minh lanh lẹ thì cũng hay tinh nghịch nên đã bị nhà trường cho về. Chính vì thế, thiểu số còn lạI không hẳn là những ngườI thông minh lanh lẹ hơn những ngườI kia, mà có thể nói là khù khờ hơn.

Một điều rõ ràng hơn nữa là sau biến cố 30/4/75. Tất cả các chủng viện đều đóng cữa. Để tồn tạI chúng tôi phảI sống thành những nhóm nhỏ, từ những sinh viên trắng trẻo đẹp trai của đạI chủng viện ngày nào, bỗng chốc trở thành những anh chàng nhà quê lem luốt, đen điểu, xấu xí, ngày ngày chỉ biết lam lụ để sản xuất. Nhóm chúng tôi đi làm muốI, mỗI ngày phảI ra đồng làm việc từ 7:30 sáng đến 6 giờ tối. Sau 10 năm trờI lam lụ vất vả, tôi cảm thấy hoàn toàn kiệt sức từ tinh thần lẫn thể chất. Chính vì thế tôi đã quyết dịnh ra đi.

Và tôi đã khám phá ra điều nầy: khi Thiên Chúa đóng cữa trước thì Ngài mở lối sau. Trước kia tôi không bao giờ dám nghĩ đến chuyện vượt biên vì sợ cảnh ngục tù và chết chóc. Nhưng rồI bị đưa đẩy vào bước đường cùng, tôi không còn chút sợ hãi nữa, sẵn sàng chấp nhận: một là chết hai là vinh quang, không chấp nhận cảnh nô lệ, nên tôi đã ra đi. Hai lần đầu thất bạI nhưng may mắn không bị bắt. Lần thứ ba thì thành công nhưng rồI lạI gặp giông to bão tố. May mắn là được tàu hảI quân Mỹ vớt, nếu không chúng tôi cũng đã trở thành những miếng mồI ngon cho cá biển. Vì thế càng ngẫm nghĩ tôi càng cảm thấy như có một phép màu nào đó đã che chở phù hộ để mình vẫn còn sống đến ngày hôm nay.

Xa hơn tí nữa, mọI ngườI đều nghĩ rằng đất lành chim đậu và đất Mỹ sẽ là chỗ dừng chân lý tưởng. Nhưng rồI trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng xảy ra dường như có một bàn tay vô hình nào đó muốn an bài, muốn dẫn dắt để đưa tôi đi vào con đường mà Ngài muốn tôi đi. Trong lúccòn đang phân vân ngẫm nghĩ thì tôi đọc phảI một câu chuyện rất cảm động nầy:

Năm 1962, chiếc phi cơ của hãng Panam Mỹ chở mấy trăm ngườI, trong đó có một số giám mục Mỹ từ NewYork đến Rôma để họp công đồng chung Vaticanô II. Trong chuyến bay có 2 cô tiếp viên hàng không, một trong hai cô có nét đẹp  tuyệt vời. Trên chuyến bay, có một cụ già đã lưu ý đặc biệt đến sắc đẹp của cô. Cụ vừa nhìn ngắm vừa ngẫm nghĩ môt cái gì đó khác thường. Thế rồI khi phi cơ hạ cánh, mọI ngườI chuẩn bị xuống phi cơ thì cụ già đó vẫn cứ ngồI yên. MọI ngườI lần lượt bước ra khỏI phi cơ, cụ là ngườI cuốI cùng rờI chỗ. Và trước khi giã từ, ngườI ta thấy cụ  đưa miệng ghé vào tai cô tiếp viên xinh đẹp kia nói nhỏ một câu gì không ai biết được. Chúng ta có biết cụ già ấy là ai không? Đó là đức giám mục Fulton Sheen, tổng giám mục NewYork., một nhà hùng biện nổI tiếng nước Mỹ. Bốn tháng sau, khi khóa một công đồng chung vaticano kết thúc, các giám mục được về nước nghỉ. Một hôm, nghe tiếng chuông reo, ngài ra mở cữa,  cô tiếp viên nói: Thưa đức cha, đức cha có còn nhớ con không? Tôi còn nhớ lắm. Cô là tiếp viên trên chiếc hàng không đưa chúng tôi đến Roma. Đức cha có còn nhớ đã nói gì vớI con không? Tôi đã nói: có khi nào cô đã cảm tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho cô sắc đẹp tuyệt vờI ấy không? Thưa đức cha, chính vì câu hỏI đó mà hôm nay con đến hầu chuyện đức cha. Đức cha thử nghĩ con phảI làm gì để tạ ơn Chúa? Ngài ngẫm nghĩ trong chốc lát, sau đó đưa cô đến bản đồ thế giớI, vừa chỉ vừa nói: đây là Việt Nam, đây là Sài Gòn, và đây là DiLinh. Cha vừa mớI được một tin từ Việt nam: đó là đức cha Jean Casssaigne, một ngườI Pháp đang làm tổng giám mục Sàigòn, đã xin từ chức để đi  phục vụ một trạI phong cùi ở miền núi DiLinh. Vậy con có muốn  hy sinh một thờI gian, đem tiếng nói dịu dàng, nụ cườI hồn nhiên, duyên sắc mặn mà của con để an ủI họ không? Nghe đến đó, mặt cô tiếp viên tái dần đi. Cô đứng lặng yên trong mấy phút. Đột nhiên cô cúi đầu tạm biệt không nói một lời. Câu chuyện tưởng chừng như kết thúc, rồI bỗng nhiên một ngày kia tiếng chuông điện vang, ngài ra mở cữa, vớI nụ cườI tươi, cô tiếp viên thưa vớI ngài: Thưa đức cha, bây giờ thì con đã sẵn sàng để đi VN. Xin đức cha giúp con để liên lạc. Và ngài rất hài lòng giúp đỡ. Rồi năm 1963, đài phát thanh cũng như báo chí ở Sài Gòn loan tin: Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến DiLinh, Lâm Đồng để sống vớI những ngườI phong cùi trong 6 tháng. Nhưng rồI sau 6 tháng, cô đã tình nguyện ở lạI phục vụ những bệnh nhân nầy suốt đờI của cô. Cô xin gia nhập dòng nữ Phan xicô. Sau những năm vào nhà tập, cô đã trở thành bà sơ Phanxico vớI danh xưng sr. Louise Bannet. Ngày sơ nầy khấn lần đầu, rất nhiều ngườI đã đến tham dự  lễ khấn để chúc mừng, chia vui, và khích lệ sơ. Sau đó sơ đã phục vụ rất tận tình trong niềm vui của một cuộc đờI tận hiến. Nhưng rồI biến cố tháng tư năm 1975 xảy ra, sơ bị cộng sản trục xuất. Sơ rất đau buồn rờI khỏI VN và những bệnh nhân ở đó. Sơ trở về Mỹ một thờI gian và sau đó  đi Phi Châu  phục vụ trạI cùi ở Tahiti cho đến khi chết. Năm 1982 sơ chết vì bệnh ung thư giữa sự thương tiếc của mọI bệnh nhân. Sơ Louise Bannet đã hy sinh tất cả cuộc đờI để mang lạI niềm vui và sự an ủI lớn lao cho những con ngườI bệnh tật đầy đau khổ.

Quả thật, đây là một trong những tấm gương sáng chói của các nhà truyền giáo đã thu hút đờI tôi và đã làm tôi suy nghĩ: Họ là ai? Sao họ anh hùng thế? Không, họ không là những anh hùng. Họ cũng không là những nhà xuất chúng. Không là những nhà thông thái. Họ chỉ là những con ngườI âm thầm vô danh đã dám hy sinh cả một cuộc đờI cho công việc truyền giáo. Họ sẵn sàng chấp nhận mọI rủI ro, tai họa. Họ sẵn sàng chấp nhận mọI gian lao thử thách. Họ sẵn sàng chấp nhận mọI thương đau bệnh tật. Dẫu âm thầm vô danh nhưng họ là những chiến sĩ rất hào hùng, hào hùng trong hy sinh, hào hùng trong chiến đấu, hào hùng trong cuộc sống. PhảI nói: Họ khác vớI những con ngườI tầm thường như chúng ta. Họ có cái gì cao thượng. Họ có cái gì cao quí. Họ có cái gì cao đẹp khiến mình phảI ngưỡng phục, phảI học hỏI cho dẫu biết rằng suốt đờI mình không thể nào làm được những điều như họ, nhưng mình vẫn muốn bắt chước, muốn đi theo con đường họ đang đi. Chính vì thế tôi đã nốI gót theo họ.

Và  sau 25 năm trên bước đường truyền giáo tôi cảm thấy rõ điều nầy: đờI truyền giáo quả thật có đầy những gian lao vất vả nhưng cũng có nhiều yên ủI lớn lao, có những mồ hôi rướm máu, nhưng cũng có những hoa trái khích lệ. Và càng ngẫm nghĩ tôi càng cảm thấy thâm tín điều nầy: Không phảI con đã chọn Cha, nhưng chính Cha đã chọn con và đã dẫn con đi qua những con đường mà Ngài muốn con phải đi.

Thật vậy, 30 năm trước không bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện vượt biên. 30 năm trước không bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện xuất ngoại. 30 năm trước không bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện đi du học, và càng không bao giờ nghĩ đến chuyện đi truyền giáo ở một đất nuớc xa xôi nào đó. Nhưng rồI chương trình của Thiên Chúa thì khác hẳn vớI chương trình của con ngườI. Chính Ngài đã an bài mọI sự và đã hướng dẫn tôi đi vào con đường mà Ngài muốn tôi phảI đi.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy dâng lờI cầu nguyện cách riêng cho những nhà truyền giáo, xin Chúa luôn nâng đỡ họ và đồng hành vớI họ trên mọI bước đường họ đang đi. Đặc biệt hôm nay trong thánh lễ nầy, xin anh chị em hãy cùng tôi dâng lên Thiên Chúa những lờI cảm tạ chân thành vì muôn hồng ân Ngài đã ban xuống cho tôi trong suốt 25 năm qua trênbước đường truyền giáo. Và cũng xin tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ tôi trên quãng đường đờI còn lạI để tôi luôn giữ được sự bình an và lòng hăng say phục vụ cho cánh đồng truyền giáo mà Chúa muốn tôi ra đi để phục vụ cho nước Ngài.

Cali. ngày 6/7/2014.

Tác giả: Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.

Ở LẠI TRONG THẦY

Ở LẠI TRONG THẦY

Thế giới hôm nay tiến bộ nhanh chóng về nhiều mặt: nghiên cứu sự sống trên sao Hỏa, nối mạng Internet, thành công trong phương pháp sinh sản vô tính…  Tưởng như chẳng có gì con người không làm được.  Nhưng thế giới vẫn lo âu vì chất thải ở khắp nơi, môi trường sống bị hư hoại, chênh lệch giữa giàu nghèo, nạn tham nhũng ở châu Á, sự hư hỏng của các bạn trẻ.  Cái vòng luẩn quẩn: ma túy, tình dục, AIDS, tội phạm dẫn đến các chết bi đát cho nhiều thanh thiếu niên.

Con người đủ thông minh để tạo ra sản phẩm nhưng lại không đủ bản lãnh để làm chủ chúng, nên chúng quay trở lại làm chủ con người.

Khoa học vừa giải quyết, vừa gây thêm rắc rối.  Con người hôm nay bơ vơ, loay hoay, không cứu nổi mình.  Thế giới bế tắc, cần đến ơn cứu độ.

Đoạn Tin Mừng mời ta nhìn lại sự cằn cỗi của mình, của Hội Thánh, của cả thế giới.

Đức Giêsu phục sinh như cây nho, các Kitô hữu là cành.  Cây và cành có cùng một sự sống, cùng một dòng nhựa.  Sự sống từ cây, làm cho cành sinh trái.  Cụm từ sinh hoa trái được nhắc đến 6 lần.  Cụm từ ở lại trong Thầy được nhắc đến 5 lần.

Không ở lại trong Thầy thì không thể sinh hoa trái.

Cứ nhìn hoa trái thì biết mức đo “Gắn bó” của cành.  Có cành chỉ vờ gắn liền với cây nên không có trái.  Có cành đã sinh trái, nhưng cần sinh hoa trái hơn (c.2), sinh hoa trái nhiều (c.8), sinh hoa trái bền vững (c.16).

Chúng ta vẫn chưa sinh trái như lòng Chúa mong vì chúng ta không chịu để Ngài cắt tỉa.

Vinh quang của Thiên Chúa là chúng ta sinh nhiều hoa trái.  Thất bại của Thiên Chúa là sự cằn cỗi của con người.

Hoa trái là ước mơ của người trồng nho, và cũng là sự triển nở của cây và cành nho.

Chẳng hề có sự xung đột giữa vinh quang Thiên Chúa và vinh quang đúng nghĩa của con người.  Chỉ trong Chúa, con người mới thực sự triển nở, hạnh phúc.  Một sự độc lập khờ khạo sẽ dẫn đến héo khô.

Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.  Một lời mời gọi gần như là một lời nài van.

Sự ở lại chỉ hoàn hảo khi có đủ hai chiều.

Con người mãi mãi có tự do khước từ nguồn sống.

Ở lại trong Chúa không phải là lối nói văn chương.

Để ở lại cần phải trả giá.

Muốn được hưởng nguồn sống của Đấng Phục Sinh, ta cũng phải chia sẻ thập giá của Ngài.

Chính Đức Giêsu cũng được cắt tỉa qua khổ đau và cái chết.

Hãy đón lấy sự sống của Chúa Phục Sinh, như dòng nhựa nguyên tươi mới.  Hãy đóng góp những hoa trái tốt lành cho nhân loại, để nhân loại nhận ra Cây Nho thật là Đức Kitô, và Người Trồng Nho là chính Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó.

Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả, để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. – Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa, để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. – Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà, để cây đời con sinh thêm hoa trái. – Chúa cương quyết chinh phục con, cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu.  Amen!

Trích trong “Manna”

ƯỚC MƠ CỦA CHÚA

ƯỚC MƠ CỦA CHÚA

“Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17:24).

Trong tình yêu, gần là thương, xa là nhớ.  Những người yêu nhau, họ không chấp nhận ngăn cách của không gian.  Họ mơ ước người yêu ở đâu thì họ ở đấy.  Như cánh bướm, họ đi tìm.  Ngay lá rừng, không cất cánh đi tìm mùa thu được, thì lúc thu đến, rừng lá cũng chuyển màu như í thầm nói lên nỗi mong, nỗi muốn bỏ quê cũ của mình mà đi tìm thu.  Vũ trụ đi tìm vũ trụ.  Con người đi tìm con người.  Tình yêu thúc đẩy họ tìm nhau.  Sao Đức Kitô không nói: “Lạy Cha, con muốn rằng những người Cha ban cho con ở đâu thì con cũng ở đấy.”  Tại sao Ngài lại mơ ước ngược chiều là Ngài ở đâu thì tôi ở đấy, chứ không là tôi ở đâu thì Ngài theo đến đó với tôi.

Lạy Chúa, khi mến thương ai thì hay mang hình ảnh người ấy.  Không phải ấp ủ trong giấc mơ mà thôi mà trong cuộc sống thực.  Người hạnh phúc là người có nhiều kẻ thương mến, có hình bóng trong nhiều ước mơ.  Con hạnh phúc vì trong ước mơ của Chúa có bóng hình con.  Khi con nghĩ về một người thì trong mơ ước, con có cả một đường dài, một khung trời, một lối đi cho người ấy, chứ không phải chỉ là một hình ảnh có thể tan trong sương, bay theo nhẹ của khói.  Vậy, khi Chúa mơ về con, Chúa có một khung trời cho con không?  Chúa dùng ngôn ngữ rung cảm của xác thân là đau khổ, là tiếng khóc, là niềm vui, là hi vọng, là ước mơ mà nói với con, thì con cũng lấy ngôn ngữ tự nhiên ấy để cố hiểu về Chúa.  Và, lạy Chúa, chiều nay, con muốn hiểu về ước mơ của Chúa cho con như thế nào.

Rẽ nhánh đôi bờ, trong tình yêu của con, tình yêu có cả hai, một bờ mong rằng mình ở đâu thì người mình thương ở đó.  Và ngược lại, một bờ mong rằng người tôi thương ở đâu, tôi sẽ sẵn sàng đi tới nơi ấy.  Trong mơ ước của Chúa có bóng dáng con.  Chúa có khung trời nào  cho con khi nói rằng Chúa ở đâu thì con ở đấy?

Trên thập giá, con thấy  trong mơ ước của Chúa, Chúa đem con đi trong cả hai bến bờ của ước mơ.  Ước mơ thứ nhất là con ở đâu thì Chúa tìm đến nơi ấy với con.  Đó là Chúa đã sinh ra và ngồi chung ngưỡng cửa căn nhà nhân loại với con.  Trong căn nhà nhân loại, Chúa đến bằng bước chân trần đi trên đường bụi cát.  Có gió lạnh ở biển hồ đêm khuya.  Có trưa mỏi bên giếng nước Samaria. Trong căn nhà nhân loại, Chúa ghé thăm những cánh buồm rất mệt trên dòng đời.  Chúa an ủi những mảnh hồn rất lạnh, rất đơn côi trong cuộc sống, như Mađalêna, như người thiếu nữ bị kết tội phải ném đá cho chết.  Trong căn nhà nhân loại, Chúa dẫn người mù lên đường, Chúa nâng người què đứng dậy, Chúa bào chữa cho những người nghèo khổ rằng “lề luật được dựng nên cho con người chứ không phải con người cho lề luật” (Mc. 2:37).  Lời ca đêm Giáng Sinh nói cho con rất rõ về mơ ước này của Chúa: Một Con Trẻ sẽ sinh ra, tên gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi (Mt. 1:23).

Trong căn nhà nhân loại ấy, Chúa đã đến với con.  Cả cuộc đời Chúa trong Tin Mừng là hình ảnh của một người đi tìm người mình thương mến.  Có thể là rưng màu gai, có thể mệt ở một chân đồi, người chăn chiên vẫn đi tìm chiên cuả mình (Lc. 15:4-6).  Chúa đi tìm con như tìm mảnh hồn của chính Chúa.  Bỏ trời cao xuống căn nhà của con, gõ cửa linh hồn khi con đau ốm, đấy không phải là con ở đâu thì Chúa ở đó hay sao.  Vậy mà lời nguyện của Chúa hôm nay sao lại khác thế.  Chúa mơ ước rằng Chúa ở đâu thì con ở đấy.

Lạy Chúa, cũng nhìn lên thập giá, con suy niệm về ước mơ của Chúa.  Chúa nói Chúa ở đâu thì mong con ở đấy là lúc Chúa sắp bước vào cuộc thương khó.  Chúa sắp bị căn nhà nhân loại lên án tử hình.  Cánh cửa đó sắp công bố một chối từ. Và trong xa cách ấy, Chúa vẫn muốn gần con.  Rồi sẽ xa. Thập giá sẽ dựng nên.  Căn nhà nhân loại sẽ đóng cửa.

Những gì chưa có thì mới là mơ ước.  Đã mơ ước thì lúc nào cũng nghĩ tới điều mình mong.  Khi Chúa mơ ước Chúa ở trên trời thì con cũng ở đó, có nghĩa là ngày nào con chưa về trời với Chúa thì trong hồn Chúa luôn có bóng hình con.  Chúa không muôn mất con.  Lạy Chúa, xin cho con suy niệm lời ước mơ này của để con thấy mình hạnh phúc.

Trong hai bến đỗ của liên hệ yêu thương, đến với người mình thương và ước ao người mình thương đến với mình, thì Chúa đã đến với con rồi.  Đấy không còn là ước mơ của Chúa nữa.  Bến đỗ ấy Chúa đã đi qua.  Bến còn lại, Chúa chỉ biết ước mơ thôi, căn nhà nhân loại của con đóng cửa không cho Chúa ở.  Con có đến với Chúa hay không là tuỳ con.

Người ta có thể giữ mơ ước trong hồn thinh lặng.  Người ta có thể kín đáo nuôi ước mơ.  Trong ước mơ này, Chúa không giữ bóng hình con im lặng, Chúa dâng lời nói với Chúa Cha.  Trong tâm hồn Chúa, hình ảnh con được Chúa gìn giữ rất quý, rất thương.  Khi nói với ai về một ước mơ, có thể là mình sung sướng nhiều về mơ ước ấy, cũng có thể là mình muốn người khác giúp mình đạt được ước mơ.  Đó là trường hợp của con trong ước mong của Chúa.

Có những mùa lá rụng rơi bên ngõ, hoàng hôn xuống dần, đưa đêm đến.  Tự nhiên trong im lặng, con nghĩ tới ngày biệt ly.  Rồi cũng như cuống lá xuôi đất về cội nguồn.  Con sẽ đi về đâu khi tắt nắng trên dòng đời?  Băn khoăn hỏi mình, con không khỏi những suy tư mà có lúc sợ đối diện.  Sự Chết.  Những bóng tối của tội lỗi, những lầm lỡ của yếu đuối, những xám hối không trọn vẹn, còn có tất cả những tiếng nói ấy trong lương tâm.  Có những giây phút trăn trở, lương tâm lên tiếng hỏi linh hồn,  nhất là trong những lúc đơn côi, nhìn hoàng hôn tắt dần.  Rồi bên kia cuộc đời?

Không ai có kinh nghiệm về sự chết.  Có những biệt ly không ngờ.  Có những ra đi không sửa soạn.  Chiếc lá không có hơi thở thế mà khi ngọn gió vẫy nó lìa đời, con vẫn cảm thấy một  nỗi tiếc. Huống chi một cuộc sống, bởi đó, nhìn ngày mình ra đi, con thấy bâng khuâng.

Lòng Chúa tha thiết con về trời với Chúa nói cho con biết trước một hạnh phúc đang chờ.  Ước mơ của Chúa như dòng suối mát, rất dịu và rất êm trong hồn con, cho con một niềm vui như những chồi non tiềm ẩn nhắc cành cây khô về nắng xuân đang tới.  Trong ước mơ ấy, con thấy tình thương của Chúa rộng lắm, nó trải dài kín trong cuộc đời của Chúa, gìn giữ kín cuộc đời của con.  Trong ước mơ ấy, Chúa cho con một đường dài vững chắc, một khung trời bảo đảm, một lối đi sẽ tới.  Lúc nào Chúa cũng mong con có mặt ở nơi Chúa ở thì không một lẽ gì con lại không có mặt ở đó, lạy Chúa, con nguyện xin cho ước mơ ấy thấm sâu trong hồn con.

Con muốn suy niệm về ước mơ của Chúa để con không còn bâng khuâng về màu hoàng hôn, để con tin vui đi trong cõi đời vì con biết con luôn luôn là hình ảnh trong ước mơ thánh của Chúa.

Nguyễn Tầm Thường, SJ

Bánh xe quay nhanh nhanh

“Bánh xe quay nhanh nhanh

Chiếc thân xe rung rinh”,

Chìm trong làn cát trắng

Xe nhịp nhàng quay bánh lướt

Hồn ta mờ khuất trong mênh mong”

(Trọng Khương – Bánh Xe Lãng Tử)

(ICor 8: 9/ 2Cor 3: 17)

Trần Ngọc Mười Hai

Mỗi lần bần đạo đây, thấy trên bào/đài trổi lên bài hát “Bánh Xe Lãng Tử” thì y như rằng, toàn thân mình của chính mình cứ thế “ngún nguẩy” cùng chiếc xe quay rất nhanh.

Hôm nay ngồi nghĩ lại mới thấy tốc độ quay nhanh của cuộc đời, cùng với niềm tin đi đạo, sao vẫn cứ chậm rì, thật khá nản. Chẳng biết, chuyện đó có như ca từ người nghệ sĩ cứ hát tiếp, rằng:

“Ta luyến lưu một kiếp giang hồ

Dù rằng cuộc sống vô bờ

Tim nồng giòng máu vô tư

A ha ha!

Suối in hình chiếc xe tàng

Đêm nao đập vỡ cây đàn

Giận đời nào ai mắt xanh.”

(Trọng Khương – bđd)

Luận về mức quay nhanh ở bánh xe cuộc đời người hay của chính mình, có lẽ truyện minh hoạ ở bên dưới cũng diễn-tả được phần nào ý-nghĩa của những quay cuồng sấp/ngửa:

“Truyện rằng:

Hôm ấy, bệnh-viện tâm-thần nọ, có cảnh đối/đáp giữa cô y-tá và bệnh nhân, nghe qua thấy cũng lạ, những hỏi rằng:

-Này anh, hôm nay có gì hay mà hát nhiều thế?

-Vậy yên nào. Bọn ta đây đang hát bài “Bánh xe lãng tử” đây mà!

-Đã đành là anh đang hát bài “lãng tử” hay “lãng xẹt” gì cũng được, nhưng sao lại cứ nằm sấp mặt mà hát thế ai mà nghe cho được?

-Ấy, đừng có mà nói vậy! Đây chỉ muốn hát cho hay như diã nhựa thì hễ hát xong mặt A, mình phải quay quay, lật ngược sang mặt B để hát tiếp chứ?

-À thì ra, là thế đấy!? Thôi thì anh hát sao cho mau chóng lên để còn thở nữa chứ!?…” (truyện do nhiều người kể, đại loại cũng chỉ như thế)

Vâng. Hát gì thì hát. Kể gì thì cứ kể. Đừng kể đi kể lại cuối cùng cũng chỉ mỗi thế, tức: những hát và kể để cho vui, mà thôi. Nói vậy chứ, gặp trường hợp kể chuyện đạo cho người đạo “ròng” (chứ không phải đạo lòng vòng) thì lại khác. Với người đạo “ròng”, kể gì đi nữa vẫn phải kể cho đúng/cho hợp lòng tin đi Đạo, mới nghe được.

Nghe lời kể ở trên, hẳn người nghe hoặc đọc cũng khiếp sợ? Khiếp và sợ, thật cũng phải. Bởi thời nay, người đời không còn nhiều nỗi sợ, chỉ phát khiếp. Tức, mới nghe đã thấy khiếp nhưng không sợ. Hoặc, nghe giảng quá nhiều rồi, nay hết sợ và hết khiếp. Chí ít, là chuyện đạo ở đời, hoặc nói theo văn-hoa/chữ nghĩa, thì đó là: chuyện triết/thần ly-kỳ và khá khủng khiếp.

Khủng và khiếp, như câu chuyện đề-cập ở đâu đó, chốn nhà Đạo rất Syndey, vẫn ly-kỳ nhiều nỗi sợ. Nhưng trước khi nghe kể những chuyện triết/thần lần rần những sự việc kỳ-lạ và rất đáng khiếp, thiết tưởng ta cũng nên trở về với câu ca/lời hát, rất “lãng-đãng” như sau:

“Vó câu bấp bênh.

Trên đường gian nan.

Chiếc xe lắc lư ru hồn nghệ sĩ tới nơi xa ngàn.

Xe lăn êm êm dưới ánh trăng vang.

Môi ai say sưa hé mấy cung đàn.

Ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng.

Vui ca lên đi trong chiếc xe già.

Sau khi men say lắng mấy tơ đàn.

Hồn ta vụt bước lên trời xanh lam.”

(Trọng Khương – bđd)

Thế nghĩa là, ta cứ “ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng”“Vui ca lên đi trong chiếc xe già”, rồi sẽ thấy “Hồn ta vụt bước lên trời xanh lam”, ngay thôi.

Thật ra thì, “trời xanh lam” chốn này, tại cái-nơi-mà người nhà Đạo nay gọi là Nước Trời Hội Thánh, nhiều vị không còn “vui ca lên đi trong chiếc xe già” cũ kỹ, nhưng lại cứ kể cho nhau nghe những chuyện như sau:

“Cách đây 60 năm, thần-học-gia Công-giáo người Đức là Lm Karl Rahner có viết bức-thư từng xuất hiện trên trang mạng, qua địa chỉ đầy những chữ như: archive.org/stream/freespeechinthec027876mbp/freespeechinthec027876mbp_djvu.txt) về tự-do ngôn-luận trong Đạo. Khi ấy, lời ông giải-thích xem chừng rất hấp-dẫn. Nhưng lúc ấy, ông lại đã tỏ ra là người gan-dạ dám phát-biểu điều mình nghĩ khác với các thần-học-gia “lề phải”. Chí ít, là khi Đức Giáo Tông thời đó lại có lập-trường về các vấn-đề trong vòng tranh-cãi nên đã buộc ông phải phục-lụy.

Thế-giới nhà Đạo Công-giáo thời Lm Karl Rahner sống, khác với thế-giới đạo “ròng” hôm nay cũng rất nhiều. Sau lần tranh-cãi tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia-Đình năm 2014, các hồng-y nay đã dám tỏ-bày ý-kiến khác-biệt của mình cách công-khai với báo/đài về phương-cách làm sao tiếp-cận được quan-hệ bất-thường giữa con người.

Các linh-mục ở Anh, nay đề-thảo một thỉnh-nguyện thư gọi mời linh-mục các nơi hãy ký vào đó trước công-chúng. Đổi lại, Hồng Y Giáo-Chủ nước này là Đức Vincent Nichols đã khiển-trách hàng linh-mục của ngài bằng cách gọi tất cả về họp bàn hầu thiết-lập đường-lối chung cho Giáo hội ở nước này.

Trong khi đó, Đức Phanxicô lại nhấn mạnh rằng: các vị tham-dự Thượng Hội Đồng La Mã về vấn-đề Gia-đình có quyền tự-do ăn nói, phát-biểu ý-kiến riêng của mình. Đức Giáo Hoàng nay vẫn thôi-thúc hàng Giáo-phẩm hãy dành ưu-tiên cho những ai bị đẩy ra bên lề Hội-thánh. Đồng thời, Đức Giáo Hoàng hôm đó cũng tuyên-bố sẽ lập năm thánh 2016 là Năm Từ Bi hầu ăn-khớp với chuyện ấy.

Vào thời của thần-học-gia Karl Rahner, tự-do ngôn-luận được xem xét bằng tầm nhìn từ các bậc thày về niềm tin, về vấn-đề liên-quan đến nội-dung niềm tin, về những gì khả dĩ được đem ra thảo-luận và cả những gì cần giữ kín, cũng như: ai là người được phép nói và ai có thẩm-quyền về chuyện ấy cũng như những gì trước đây thuộc trách-nhiệm của đấng bậc giảng-dạy…

Trong khuôn khổ công-việc như thế, linh-mục Karl Rahner khi ấy đã tìm cách mở rộng địa-hạt cho phép mọi người được tự-do bàn-luận và triển khai trách-nhiệm của những người được giáo-dục qua tư-thế chấp-nhận mọi sự cách thụ-động. Ông đồng-thuận ý-nghĩ cho rằng việc quần-chúng bàn ra/tán vào về niềm tin, phải tránh không nên làm người khác lẫn-lộn hoặc bị suy-yếu mà cho rằng việc phát-biểu lập-trường tư-tưởng không được phép khiến cho dân-tình bối-rối/lẫn lộn về niềm tin hoặc bớt kính-trọng các đấng bậc có quyền.

Ngoài ra, Đức Phanxicô lại cũng khuyến-khích các bậc thày hãy cứ dạy và người Công-giáo sẽ thâu-nhận niềm tin thật sâu sắc. Giống như linh-mục Karl Rahner, Đức Phanxicô quyết khích-lệ mọi trao-đổi sống động về những gì hàm-ngụ ở niềm tin, trong lúc họ nắm chắc rằng điều này sẽ gia-tăng sự tín-nhiệm về những điều được dạy và sự thật sẽ dẫn-dắt cả người dạy lẫn người hấp-thụ. Niềm xác-tín nơi ngài, vẫn khác hẳn phần đông các giám-mục cứ luôn miệng nói về sự hiểm-nguy sai-sót, hoặc ngộ-nhận nơi người Công-giáo đang sống trong nền văn-hoá có ác-cảm với niềm tin. Khác-biệt này, vạch rõ cho ta thấy là: đã có đáp-ứng nổi lên từ Thượng Hội-Đồng Đặc-biệt, khoá vừa rồi.

Thế nhưng, sự khác-biệt sâu-sắc hơn lại nổi lên từ tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua việc thông-chuyển niềm tin. Ngài bớt ưu-tư về nội-dung những gì đang được dạy; hay nói đúng hơn, ngài chỉ lo làm sao mọi người hiểu rõ, nhất là những người đang bị xua đẩy sống bên rià Giáo hội Công giáo. Đức Giáo Hoàng lo rằng nhiều vị có thành-kiến khi giải-thích toàn-bộ thông-điệp của Đạo bằng ngôn-ngữ đúng-thực về kỹ-thuật, lại khiến cho những người sống bên lề Giáo hội thấy mình bị liên-lụy với những gì họ coi như “tin buồn” từ Hội-thánh. Thành thử, Đức Phanxicô mới hỏi: làm sao để Phúc Âm Lời Chúa được coi như Tin Vui An Lành? Muốn dạy niềm tin cho người sống bên lề Giáo hội, ta cần sống và học hỏi niềm tin ngay ở bờ rìa ấy.

Rõ ràng là, Đức Phanxicô đang hy-vọng rằng cung-cách khiến các giáo-phụ ở Thượng Hội Đồng Đặc-biệt này sẽ đáp trả vấn-đề về Gia đình mà những người sống bên lề Giáo Hội sẽ đón-nhận điều ấy như Tin Vui cho Giáo-hội mình. Nhưng, chuyện ấy còn tùy xem các vị tham-dự Thượng Hội Đồng Đặc-biệt có chấp-nhận kinh-nghiệm thương đau của những người như thế và có cởi mở hơn với những vấn-đề như thế không? Đó là lý-do tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại đặt nặng tầm quan-yếu lên chuyển-đổi, tức cung-cách rất mới để nhìn về thế giới hôm nay.

Việc Đức Phanxicô bày-tỏ lập-trường ra như thế, cũng triệt-để, tức là: ngài cũng dựa vào gương Đức Giêsu khi xưa từng thực-hiện. Đương nhiên là, lập-trường như thế sẽ tạo tranh-luận khá gay go. Ngài và các giám-mục tham-dự Thượng Hội-Đồng, dù tất cả không là người Công giáo, đều đồng ý chấp-thuận thâu-nhận các lời dạy về niềm tin, xuất tự Giáo hội và việc thực thi đạo-lý. Tuy nhiên, khác-biệt vẫn ở việc thực-thi kỷ-luật cách riêng rẽ, chẳng hạn như việc đẩy lùi người ly-dị rồi lại tái giá không được phép rước lễ rồi bảo chuyện đó là do niềm tin Công giáo đòi hỏi.

Nhiều vị giáo-phụ Thượng Hội Đồng lại khác hẳn Đức Giáo Hoàng về chuyện ta cần đặt chuyện gì/việc gì ưu-tiên số một, trong cuộc sống? Phải chăng là: chấp-nhận niềm-tin ban bố cho người sống bên lề Giáo-hội, hoặc củng-cố niềm-tin của những người đang ở giữa lòng Giáo hội? Bởi lẽ, các giám mục/thượng-phụ vẫn do-dự và/hoặc bất đồng quan-điểm với Đức Phanxicô một cách công-khai do việc ngài tỏ-bày cảm-tình với những người sống bên lề Giáo-hội làm nổi lên việc mọi người lại sẽ ngưỡng mộ ngài nhiều hơn nữa. Điều này có nghĩa là: các khác-biệt giữa các thượng-phụ với Đức Giáo Hoàng tuy chưa nói ra, nhưng cũng được nhiều người đã hít/ngửi do bởi sự việc đà thấy rõ như ban ngày.

Cuối cùng thì, nhiều thượng-phụ tỏ ra khác với Đức Phanxicô ở điểm: không biết ta có nên cởi mở với tranh-luận và bày tỏ sự bất đồng hay không ở Thượng Hội Đồng;’ và nói chung, là: ngay bên trong Giáo-hội, khả dĩ khích-lệ người Công giáo nhìn rõ được sự thật hoặc chuyện đề-cập ở đây sẽ đưa họ vào tình-huống bối rối, khá lẫn lộn.

Hành động viết thư nói thẳng và tập-họp rồi thỉnh gửi càng khiến dấy lên nhiều vấn-đề về sau. Dù hình-thức phát-biểu này dính với tự-do ngôn-luận ở xã-hội, mọi người vẫn cứ trông chờ hoặc Đức Phanxicô hoặc các giám-mục thượng-phụ từng bất đồng ý-kiến với ngài, lại sẽ đón chào những người sống ngoài lề Giáo hội, thôi. Bởi, đối với Đức Phanxicô, các vị tham-dự Thượng Hội Đồng rồi sẽ không còn cởi mở với những người sống bên lề Giáo hội, để bảo vệ các đấng bậc vị vọng khác còn ở trong lòng Hội thánh. Đối với các vị chống-đối quan-niệm lập-trường của Đức Giáo Hoàng, thì sự bất-đồng công-khai của chúng dân hoặc những người đang chơi trò chính-trị ở bên dưới, sẽ đưa đến tình-trạng mất hiệp-nhất và hỗn loạn.

Tuy thế, lập-trường niềm tin vẫn được gìn giữ cách hăng say, triệt-để. Đồng thời, chẳng ai muốn mình ở vào tư-thế của người thua cuộc, hết.” (x. Lm Andrew Hamilton sj, Can Speech Be Free in the Catholic Church?” Eureka Street 08/04/2015)

Thật ra thì, tác giả bài viết hôm nay là Lm Andrew Hamilton sj, cũng chỉ đặt vấn-đề như bao vị khác, chứ nào dám có câu trả lời đích-đáng, vào lúc này. Nhưng, một số độc giả ở Úc đọc bài viết của tác-giả này xong, đã có đôi giòng phản-hồi khá chân-chất, như sau:

“Thưa Lm Andrew Hamilton, bài viết của ngài thật rất hay. Tôi đây vốn dĩ là sinh viên ngành chính-trị học thôi, cũng đã thấy việc phân-biệt ‘tự do phát-biểu ở xã-hội’ khác với ‘cuộc sống ở nhà Đạo’ khiến tôi đây thấy thích-thú. Tôi có đọc sách do tác giả John Honner từ 2007 viết về Frederic Ozanam, thấy tác-giả này cũng đã phân-biệt được tư-tưởng của Ozanam về sự khác-biệt giữa thế-quyền và thần-quyền”, cũng hệt như ngài. Tôi rất thích đọc những tư-tưởng nào khiến tâm-trí mình tươi mát về sự tách-bạch như thế và về nguồn gốc của nó, nhiều lắm. Đằng khác, như tác-giả Tocqueville từng đề-cập đến chuyện dân-chủ-hoá tinh-thần ở Mỹ, từ đó tôi mới thấy là Đức Phanxicô nay đang có cái nhìn bớt hà-khắc hơn xưa, về tự-do ngôn-luận ở nhà Đạo. Và đó là điều mới-mẻ, đáng khích-lệ. Và, tôi cũng nghĩ nhiều về sự việc Đức Giám Mục Bill Moore, cựu Giám mục địa-phận Toowoomba ở Úc, rất có lý khi ngài chủ-trương tự-do ngôn-luận ở nhà Đạo, khá chí-lý” (x. Lm Andrew Hamilton sj, ý-kiến phản-hồi của bạn trẻ tên Tom gửi báo Eureka St hôm 08/4/2015 bđd)

Thật ra thì, các “đức ngài” có bày-tỏ lập-trường khác nhau cách mấy đi nữa, thì bạn đọc như bầy tôi đây, chỉ xin “kính lão đắc thọ”, chứ nào dám thêm thắt gì nhiều. Bởi, các “đức ngài” nói thế đã đủ; bằng không, ta đợi tới tháng 10/2015 xem có gì mới không, hạ hồi sẽ tỏ.

Trong khi chờ đợi ngày ấy, nay mời bạn/mời tôi, ta hãy về vườn hoa lời vàng của Đấng Thánh nhân hiền đã dặn rằng:

“Hãy coi chừng

kẻo sự tự do của anh chị em

nên dịp cho những người yếu đuối

sa ngã.”

(ICor 8:9)

Hoặc, hơn thế nữa:

“Thiên-Chúa là Thần Khí,

và ở đâu có Thần Khí Chúa,

thì ở đó có tự do.”

(2Cor 3: 17)

Lại nói thêm rằng: thật ra, thì khi mới lọt lòng mẹ ta đã có tự do từ lâu lắm rồi. Tự-do, là điều ta vẫn có do bậc mẹ cha để lại. Chỉ mất tự-do, khi ta chểnh mảng không coi trọng đó là sự-thật để trân-trọng.

Và cũng lại nói thêm, rằng: thật ra, thì một khi biết mình có tự-do con cái Chúa rồi, ta còn ngại ngần gì mà không thực-thi quyền căn-bản ấy, cho chính mình. Và, khi đã quyết như thế rồi, hẳn mỗi người và mọi người sẽ hả hê/vui sướng, rồi hát bài “Bánh xe lãng-tử” của tác-giả Trọng Khương một lần nữa, những câu như:

“Xe lăn êm êm dưới ánh trăng vàng.

Môi ai say sưa hé mấy cung đàn.

Ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng.

Vui ca lên đi trong chiếc xe già.

Sau khi men say lắng mấy tơ đàn.

Hồn ta vụt bước lên trời xanh lam.”

(Trọng Khương – bđd)

Ca lên rồi, ta cứ thế mà vui. Vui mãi lên, vì mỗi người và mọi người đã có tự-do con cái Đức Chúa Blời, ở trong đời.

Hát thế rồi, ta cũng nên lẳng lặng đi vào vùng trời đầy truyện kể vẫn rất nhẹ để minh-hoạ cho những gia-đình tuy sống trong lòng Giáo hội hoặc xã-hội mà vẫn có cái gì đó cay cay đắng đắng, rất như sau:

Nửa đêm có tiếng gõ cửa, ông chủ nhà cẩn thận không mở cửa mà chỉ hỏi

– Ai đó?

– Cướp đây.

– Muốn gì?

– 15 cây vàng.

– Một tạ rưỡi được không?

– Không đùa, nếu “ câu giờ ” thì cả ngôi nhà này sẽ bị thiêu trụi đấy.

– Tôi không đùa. Một tạ rưỡi vàng có được không?

– Vậy thì mang ra đây.

(Ông chủ nhà quay sang vợ)

– Em yêu, cục vàng của anh, ra gặp họ đi.

Rất đúng là như thế. Có ở trong lòng hay bờ rià Giáo hội, thì người người vẫn là cục vàng thoi và vàng ròng những “tạ rưỡi”. Bỡi thế nên, bạn và tôi, ta sẽ luôn tôn trọng những “vàng ròng” như thế mãi.

Trần Ngọc Mười Hai

Tự nhắc mình và bầu bạn

Chứ  chẳng dám khuyên can

Bất cứ một ai

Trong cõi đời.

Tình tôi như đoá hoa hồng,

“Tình tôi như đoá hoa hồng,”

Ở mương oan trái, trong lòng tịch liêu.

Kinh đô cát bụi bay nhiều,

Tìm đâu thấy một người yêu hoa hồng?”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Hôm ấy, cách nay 10 năm, tôi có dịp lưu lại ít ngày sống ở một nông-trại trồng nho, nơi miền xa. Thời gian này, tôi thường nghe câu phương-châm của nhà trồng tỉa, rất cương quyết: “Hãy tạo dáng cho nho cành hoặc phế bỏ nó đi”.

Nghe nói thế, tôi liên-tưởng ngay đến công việc của Chúa, một nhà Trồng Tỉa đích-thực. Ngài bỏ ra nguyên ngày để tỉa bỏ những cành nho nơi tôi, đã khô đét nhuốm bệnh. Ngài đẽo gọt, rũ bỏ các mầm chồi trong tôi không tạo năng-suất. Và, Ngài nhổ bật rễ những phần mục nát trong tôi, phần nào không sinh hoa kết trái. Việc của nhà trồng tỉa là như thế. Thoạt nhìn, nào có khác hành động rất dữ của tay đồ tể.

Lạ thay, quan sát cách làm việc, tôi thấy khác. Nhà trồng tỉa không có dáng điệu của anh đồ tể. Trái lại, các vị này để rất nhiều thì giờ chăm sóc cho mầm chồi, lẫn nho cành. Trước khi làm, nhà trồng tỉa quan sát cẩn thận thân lá cành, đủ cả. Các vị chỉ bỏ đi một số lượng rất nhỏ, để nho cành vẫn đủ sức cho trái ngọt.

Nhà trồng nho tinh tế biết xem kỹ trại vườn của mình, rút nhiều kinh nghiệm quý báu, khi cắt tỉa. Cắt nhiều quá, lại không hay. Cắt quá ít, cũng không được. Thành thử, mỗi lát tỉa đều được các vị này suy tính, đắn đo. Mỗi nho cành bị loại, đều nhằm giảm thiểu sâu mầm, tật bệnh. Và, cây nho cứ thế tăng trưởng. Vườn nho cứ thế sinh hoa, kết trái. Nhà trồng tỉa không đối xử tệ bạc với cây cành. Vẫn cứ nâng niu, chăm sóc.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng diễn tả đầy đủ ý nghĩa của sứ điệp “tạo dáng hay phế bỏ”. Dụ ngôn về cây nho và cành, là nhận thức rất xứng hợp cho cuộc sống của người đi Đạo. Là cành, chúng ta cùng thuộc gia đình thương yêu, hòa hợp. Ta tự hào về gia đình mình.

Tham dự Tiệc thánh, chúng ta đến với nhau như cành nho co cụm, đùm bọc. Nếu chẳng may, nho trái bị sâu rầy, bã độc quấy nhiễu, không còn có thể thứ tha độ lượng được; hoặc, vẫn cứ để luột mất căn tính công minh, hiền hòa, hẳn là ta không thể cứ mãi tự hào còn ở được trong nho vườn yêu thương của Chúa, nữa.

Và, nếu đây đúng là trường hợp của mình, thì ta cũng sẽ cần đến đôi tay nhẹ nhàng bón chăm của nhà trồng tỉa. Bởi, các vị này chỉ muốn ta cho ra năng suất tốt nhất, theo đúng khả năng của mỗi người.

Nhà thuyết giảng Billy Graham có lần đã quả quyết: “Là thành viên của Hội thánh Chúa không phải đương nhiên ta thành người tín hữu tốt; cũng tựa như sống ở trong nhà xe, điều này không có nghĩa là ta đương nhiên biến thành xe cộ.” Đây là ý nghĩa của bài trình thuật hôm nay.

Trình thuật hôm nay, quả quyết: Chúa không xét đoán những gì ta nói hoặc cách thức ta làm, ngõ hầu mọi người biết mà quay về với Sự công chính. Nhưng, ta sẽ được hạch hỏi về những hành vi có yêu thương đủ không. Có hiền hòa, xót xa như nho cành vườn của Chúa, hay không. Thế thôi.

Dụ ngôn nho cành, còn là cơ hội nhắc ta nhớ đến mối kết liên, thân tình của người anh người chị và con em cùng nhà. Quả thật, trong cuộc-sống đời-thường, ta vẫn gặp nhiều nghịch cảnh có lúc thấy người anh em đồng Đạo dám nói hoặc đã làm những việc khó khăn, không phải.

Cũng có khi, ta cũng từng nghĩ đến việc loại trừ, tỉa bỏ họ khỏi cộng đoàn tình thương; hoặc xử tệ, dù mình vẫn được dạy, là: anh em là cành của cùng cây nho. Có lẽ, ta cần có lòng quả cảm, để nói lên được sự thật ta biết đến, để rồi cùng nhau định hình xem, vấn đề nào cần quyết đoán, đúng hay sai. Và, cần nhất một điều, là: ta phải khiêm hạ lắng nghe, khi người anh em hạch sách mình.

Khó hơn cả, vẫn là tình huống khi nhận ra thành phần sâu rầy, tật bệnh đã nhanh chóng lan tràn nơi nho-cành Hội thánh, cả trong khu vườn đầy nho thơm trái tốt. Gặp lúc nhiễu nhương như thế, phản ứng theo bản năng, vẫn là thái độ đòi tỉa bỏ. Vứt quăng đi những cành khô, lây bệnh.

Tuy nhiên, nhà trông tỉa nào cũng hiểu rõ, đấy chỉ là biện pháp cuối cùng, đối đế thôi. Dù cho đó là chuyện không dễ, Chúa vẫn kêu gọi ta hãy chùng tay. Chớ mau mắn tính chuyện phẫu thuật, cắt bỏ phần tử xấu, mỗi khi ta gặp chuyện khó khăn, khúc mắc. Đây chính là, tình huống yêu thương gai góc, rất khó xử.

Dù, cộng đoàn có người phạm lỗi, phản chống lại niềm tin yêu xưa giờ, thì Tin Mừng hôm nay vẫn nhắc nhở ta hãy dừng tay đối xử, cho đến khi mọi việc được sáng tỏ. Bởi, có can thiệp cách nào đi nữa, thì cành nho “anh em” đã chết khô trong vườn nho thương yêu, từ khuya rồi.

Dẫu có thế nào, hãy hy vọng nguyện cầu, để rồi hành vi ta chọn, sẽ làm cho tình yêu nơi người anh người chị và con em, cứ mãi tăng trưởng, nẩy lộc. Để rồi, đây sẽ là ca tiếp ghép nơi ta, sau này. Trước tình thế nhiễu nhương, của một thế giới luôn dựa trên nguyên tắc “hãy tạo dáng hoặc rũ bỏ”, thì Phúc Âm hiền hôm nay thách thức ta cứ hành trình cho rốt ráo, cùng tột với các người anh người chị thuộc em cùng cây nho, vào mỗi vụ mùa hay đã quá mùa, bởi như thiên tình ca xưa vẫn nói: “Mọi người chỉ biết ta là tín hữu Đức Kitô, qua tình yêu và bằng tình yêu, mà thôi. Vâng, tất cả đều biết ta là chứng nhân Đức Kitô ngang qua hành xử thương yêu ta diễn lộ với hết mọi người.”

Vâng, chính thế. Chỉ tình thương mới chứng tỏ ta là cành nho chùm trong đại gia đình thương yêu, đùm bọc. Dù nho cành có thương yêu nhau đến như điên như dại, dù người đời có gọi cành nho chúng ta là nho cành khờ dại, khùng điên. Vẫn cứ ngước mặt nhìn đời. Vẫn cứ đầu cao mắt sáng mà tạ ơn đời. Tạ ơn Người. Tạ ơn Cây Nho Trân Quý, luôn yêu thương, đùm bọc.

Cảm-nghiệm dụ-ngôn cành nho, cũng cảm-nghiệm về bài thơ Hoa Hồng, ý hát rằng:

Tình tôi như đoá hoa hồng,”

Ở mương oan trái, trong lòng tịch liêu.

Kinh đô cát bụi bay nhiều,

Tìm đâu thấy một người yêu hoa hồng?”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Tình hoa hồng, đâu nào như tình của cành nho với cây nho. Đoá hoa hồng, tìm mãi vẫn không thấy được người yêu. Nhưng, tình của cành nho với cây nho, không tìm mà vẫn thấy. Bởi, tình Ngài như cây nho có đó từ bao giờ, vẫn thương yêu đùm bọc mọi cành, không hề nguôi. Cũng hệt thế, tình Chúa yêu con người còn mạnh còn vững hơn mọi thứ tình ở đời, của con người.

Lm Richard Leonard sj –

Mai Tá lược dịch

Vận động mở án tuyên thánh cho linh mục hy sinh trong vụ đắm tàu Titanic

Vận động mở án tuyên thánh cho linh mục hy sinh trong vụ đắm tàu Titanic

– Tin nổi bật, Tin Công Giáo Thế Giới

190415titanic1

CNA đưa tin, một linh mục tại Anh đang vận động mở án tuyên chân phước cho cha Thomas Byles, người đã từ chối rời tàu Titanic đang chìm, để giải tội, an ủi và cùng cầu nguyện với những người kẹt lại trên tàu.

Cha Thomas Byles đã có hai cơ hội để lên xuồng cứu sinh, khi tàu Titanic bắt đầu chìm vào ngày 15/4/1912.

Khoảng 1.500 người đã thiệt mạng khi tàu Titanic đâm phải một tảng băng trôi ở Đại Tây Dương vào năm 1912. Được cho là “không thể chìm”, chiếc tàu đã không trang bị đủ xuồng cứu sinh cho tất cả các hành khách trên chuyến đi đầu tiên của từ Southampton đến thành phố New York.

Cha Byles cũng đi trên chuyến tàu Titanic tới New York để chủ tọa lễ cưới cho em trai mình. Vị linh mục 42 tuổi người Anh này được thụ phong tại Rôma 10 năm trước đó và làm quản xứ nhà thờ Thánh Helen ở Essex từ năm 1905.

Chứng từ của các hành khách được tổng hợp tại trang www.fatherbyles.com

Helen Mary Mocklare, một hành khác hạng ba và là người sống sót trong vụ đắm Titanic cho biết: một thủy thủ “đã van xin cha Byles lên thuyền [cứu sinh],” tuy nhiên vị linh mục đã hai lần từ chối rời khỏi tàu.

“Ngài chúc lành, ban ân xá và kêu gọi mọi người bình tĩnh khi xảy ra tai nạn. Nhiều hành khách ấn tượng bởi sự tự chủ của vị linh mục.”
Mocklare nói tiếp: “Cha Byles đã có thể được cứu, tuy nhiên ngài không chịu rời đi nếu còn có một hành khách [trên tàu bị bỏ lại]. Khi tôi đã ở trong thuyền, và là người cuối cùng rời khỏi. Chúng tôi dần dần rời xa con tàu, nhưng vẫn nghe rõ tiếng nói của vị linh mục và đáp lại những lời cầu nguyện của ngài.”

Hơn một thế kỷ sau đó, cha Graham Smith – linh mục quản xứ Thánh Helen, giáo xứ cũ của cha Byles – đang vận động mở án tuyên chân phước cho cha Byles.

Trong một tuyên bố với BBC, cha Smith cho biết đang tìm cách để án điều tra tuyên thánh cho vị tiền nhiệm của ngài được mở ra, một người mà ngài cho là “phi thường khi hiến mạng sống mình cho người khác.”

Lm Thomas Byles

Quá trình tuyên thánh được bắt đầu với điều kiện vị này được nhìn nhận là “sống các giá trị Kitô giáo đến mức anh hùng”. Vị đó sẽ được tuyên chân phúc, nếu một phép lạ xảy ra nhờ vị này chuyển cầu, và được Tòa Thánh công nhận, và cuối cùng là vị này được tuyên thánh nếu có 2 phép lạ được chấp thuận.

http://www.catholicnewsagency.com/news/path-to-sainthood-could-open-for-priest-who-gave-life-on-titanic-76131/?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+catholicnewsagency%2Fdailynews+%28CNA+Daily+News%29&utm_term=daily+news

Xem thêm: Dòng Tên Việt Nam

PHỤC SINH MẠC KHẢI THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG CỨU CHUỘC, CHỨ KHÔNG PHẢI NGƯỜI GIẢI CỨU

PHỤC SINH MẠC KHẢI THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG CỨU CHUỘC, CHỨ KHÔNG PHẢI NGƯỜI GIẢI CỨU

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Trước khi nghiêm túc suy nghĩ về Chúa Giêsu, trước hết bạn hãy xem thử mình kỳ vọng đến đâu!

Câu nói trên của Daniel Berrigan đã đúng đắn cảnh báo chúng ta rằng đức tin vào Chúa Giêsu và sự phục sinh sẽ chẳng cứu chúng ta khỏi những nhục nhã, đau đớn và cái chết trong đời này.  Đức tin không phải là phương tiện để làm vậy.  Chúa Giêsu không cho bằng hữu mình có ngoại lệ, cũng như Chúa Cha cũng không cho Chúa Giêsu có ngoại lệ.  Dù điều này thể hiện rõ ràng nhất trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng nó cũng xuyên suốt cả Tin Mừng.  Để hiểu được, chúng ta nên so sánh sự phục sinh của Chúa Giêsu với điều mà chính Ngài đã làm khi đưa Ladarô từ cõi chết sống lại.

Câu chuyện về Ladarô đặt ra rất nhiều chất vấn.  Thánh Gioan Tông đồ thuật lại như sau: Câu chuyện giới thiệu gia đình Ladarô, hai chị em Mácta và Maria rất thân thiết với Chúa Giêsu.  Vì thế chúng ta dễ thấy sốc khi Chúa Giêsu gần như lơ là trước bệnh tật của Ladarô và lời mời Ngài đến chữa bệnh cho ông.  Câu chuyện như thế này:

Chị em của Ladarô, Mácta và Maria nhắn Chúa Giêsu rằng “người Ngài thương đang lâm bệnh,” ngụ ý xin Chúa đến  chữa lành cho ông.  Nhưng Chúa Giêsu hành động thật kỳ lạ.  Ngài không vội lên đường, thay vào đó, Chúa vẫn ở lại chỗ cũ thêm hai ngày nữa, trong khi Ladarô đang chết dần.  Sau khi ông đã chết, Ngài mới dự định đến thăm ông.  Khi đến làng nơi Ladarô ở, Ngài gặp Mácta rồi Maria.  Cả hai chị em đều lần lượt hỏi Ngài: “Tại sao lại vậy?”  Nếu Ngài yêu thương người này, sao Ngài không đến để cứu anh ấy khỏi chết?  Thật sự, câu hỏi của Maria còn ngụ ý nhiều hơn nữa: “Tại sao lại vậy”  Tại sao Thiên Chúa dường như luôn luôn vắng mặt khi những người tốt gặp hoàn cảnh khó khăn?  Tại sao Thiên Chúa không giải cứu những người Ngài yêu mến và cứu họ thoát khỏi đau đớn và cái chết?

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không biện giải một lý thuyết nào.  Thay vào đó Ngài hỏi xác Ladarô ở đâu, họ đưa Ngài đến, và ở đó, bên phần mộ, Chúa khóc thương và rồi cho người bạn đã chết của mình được sống lại.   Vậy tại sao lúc đầu Ngài lại để cho ông chết đi?  Câu chuyện này đưa ra một chất vấn: Tại sao lại vậy?  Tại sao Chúa Giêsu không vội vàng đến cứu Ladarô dù Ngài rất thương ông?

Lời đáp cho câu hỏi này dạy cho chúng ta một bài học rất quan trọng về Chúa Giêsu, về Thiên Chúa, và đức tin, cụ thể rằng Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa giải cứu chúng ta, nhưng đúng hơn là một Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta.  Thiên Chúa không thường can thiệp để cứu chúng ta khỏi những sỉ nhục, đau đớn, cái chết, nhưng đúng hơn, Ngài chuộc lại những sỉ nhục, đau đớn và cái chết đó về sau.

Nói đơn giản, Chúa Giêsu đã hành động với Ladarô chính xác theo cách mà Thiên Chúa, Cha Ngài hành động với Ngài.  Chúa Cha yêu thương Chúa Giêsu sâu đậm và mật thiết, nhưng Chúa Cha không giải cứu Ngài khỏi sỉ nhục, đau đớn và cái chết.  Trong giờ cùng cực nhất, khi chịu sỉ nhục, thống khổ, và chết trên cây thập giá, Chúa Giêsu bị đám đông chế nhạo: “Nếu Thiên Chúa là cha ngươi, hãy để Ngài cứu ngươi đi!”  Nhưng chẳng ai đến giải cứu Ngài cả.  Thay vào đó, Chúa Giêsu đã chết trong sỉ nhục và đau đớn.  Thiên Chúa Cha chỉ cho Ngài sống dậy sau khi đã nhận lấy cái chết.

Đây là một trong những mặc khải mấu chốt của biến cố phục sinh: Chúng ta được Thiên Chúa cứu chuộc, chứ không phải giải cứu.

Thật vậy, câu chuyện cho ông Ladarô sống lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan, ngụ ý trả lời cho câu hỏi nhức nhối của thế hệ Kitô hữu đầu tiên: Họ biết Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, họ đã thân thiết gần gũi với Ngài, đã tận mắt thấy Ngài chữa lành cho dân chúng và còn cho cả kẻ chết sống lại, vậy tại sao Ngài để cho họ phải chết?  Tại sao Chúa Giêsu không giải cứu họ?

Phải mất một thời gian, các Kitô hữu tiên khởi mới hiểu được rằng Chúa Giêsu không dành ngoại lệ cho bằng hữu của mình, cũng như Chúa Cha đã không cho Ngài ngoại lệ nào.  Vậy, cũng như chúng ta, họ đấu tranh với sự thật rằng có thể một người có đức tin sâu sắc chân thật, và được Thiên Chúa yêu thương, vẫn phải chịu đựng sỉ nhục, đau đớn và cái chết như mọi người khác.  Thiên Chúa không cất đau khổ và cái chết khỏi Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu cũng không cất những đau khổ này cho chúng ta.

Đó chính là một trong những mặc khải chính yếu của phục sinh và là một trong những điều mà chúng ta thường hiểu lầm nhiều nhất.  Chúng ta luôn mãi xác định trong đức tin, và cứ rao giảng về một Thiên Chúa giải cứu, một Thiên Chúa hứa sẽ ban ngoại lệ đặc biệt cho những ai có đức tin chân thật: Tin thật vào Chúa Giêsu, rồi bạn sẽ không còn phải chịu những sỉ nhục và đau khổ đời này nữa.  Tin thật vào Chúa Giêsu, mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với bạn!  Tin vào sự phục sinh, và cuộc đời của bạn sẽ đầy ánh rực rỡ cầu vồng!

Là thế ư!  Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ hứa giải cứu chúng ta, cho chúng ta ta được ngoại lệ, được miễn nhiễm với ung thư, hay không phải chết.  Đúng ra, Ngài hứa rằng, đến cuối cùng, từ đau khổ sẽ xuất hiện sự cứu chuộc, bào chữa, miễn xá, và rồi sẽ là sự sống bất diệt.  Nhưng đó là đến cuối cùng, còn bây giờ, trong những chương đầu và giữa của đời mình, chúng ta vẫn phải có những sỉ nhục, đau đớn, và cái chết hệt như những gì mà mọi người khác chịu.

Cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu mạc khải một Thiên Chúa cứu chuộc chứ không phải một Thiên Chúa giải cứu.

Rev. Ron Rolheiser, OMI