MUÔN HOA DÂNG MẸ

MUÔN HOA DÂNG MẸ

Tháng Năm tươi thắm muôn hoa,
Vàng hồng trắng đỏ, đậm đà sắc hương.
Lòng thành, tin cậy mến thương,
Trước nhan thánh Mẹ, khiêm nhường tiến dâng.

DUC ME

Mỗi dịp tháng năm về, các Nhà thờ rộn rã mùa dâng hoa kính Đức Mẹ.  Phụng vụ Mùa Hoa tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú Rước hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi tập quán mỗi đặc trưng văn hóa địa phương.  Những bài ca dâng Mẹ ngân nga khắp nơi.  Ca khúc “Đây Tháng Hoa” của Nhạc sĩ Duy Tân, có lẽ ai cũng thuộc lòng.

Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà.  Dâng tiến hoa, lòng mến dâng lời cung chúc.  Hương sắc bay, tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc.  Muôn tháng qua, lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

– Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần.  Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng.  Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời.  Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

– Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về.  Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi.  Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ.  Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời.

Nói tới hoa là nghĩ về một kỳ công của Thiên Chúa.  Hoa muôn màu muôn sắc, hoa tươi xinh, hoa thơm ngào ngạt.  Hoa tô thắm vũ trụ nên xinh tươi.  Hoa mời gọi ong bướm đến hút mật.  Hoa khoe sắc thắm, nhoẻn cười với con người.  Lời của hoa thật dịu huyền giữa thiên nhiên.  Hoa hòa vào lòng người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

Loài hoa nào cũng đẹp.  Loài hoa nào cũng gởi cho ta một sứ điệp yêu thương. “Hoa Hướng Dương biểu trưng cho mặt trời toả sáng, sưởi ấm lòng người.  Hoa Mười Giờ gởi ta một tình yêu thuỷ chung, son sắt.  Dù đời em chỉ toả sáng lúc mười giờ, nhưng trọn đời em vẫn yêu thương.  Thật vấn vương khi nhắc đến loài Hoa Phượng.  Loài hoa gợi ta nhớ lại những phút giây vui đùa trên sân trường thuở nhỏ, một tuổi thơ mơ tiên, hồn nhiên, trong trắng, thơ ngây, tuổi ô mai, tuổi vấn vương, tuổi học trò.  Màu hoa tươi tắn là tình yêu chan chứa cho cuộc đời khô cằn nắng cháy và cũng là ước nguyện, sức sống cho tương lai.  Hoa Lưu Ly là lời tha thiết yêu thương “xin đừng quên tôi.”  Cuộc đời là muôn đời liên kết “xin đừng quên tôi” hỡi người tôi yêu!  Đó phải chăng là những ai còn nhớ và những ai đã quên, nhất là khi ta vắng mặt sau cuộc đời trần thế.” (Sứ điệp loài hoa, trg 11.)

Hoa đã trở thành bạn thân thiết với con người.  Khi vui người ta tặng hoa để chúc mừng nhau.  Khi buồn người ta cũng trao gởi lẳng hoa như trao gởi tấm lòng đồng cảm thân thương.  Hoa khích lệ lòng người.  Hoa hướng con người nhớ tới Đấng tạo hoá đã xoay vần vũ trụ bốn mùa xinh tươi.  Hoa mơn man lòng người đau khổ.  Hoa khích lệ những ai thất bại.  Hoa chúc mừng những ai chiến thắng.  Hoa ca vang kỳ công kiệt tác của Thiên Chúa.  Đôi khi, chỉ một cánh hoa đủ trào dâng lòng mến của Thánh Têrêxa Hài Đồng.  Nhiều lần, một dàn hoa làm tâm hồn Thánh Phanxicô ngây ngất tình Chúa.

Lắng nghe tiếng nói huyền diệu của hoa, Thánh Bênađô biết được tâm trạng của hoa.  Chẳng hạn, hoa Hồng giàu lòng yêu mến.  Hoa Huệ biểu tượng đức Khiết trinh, hoa Tím là duyên đức đoan trang khiêm tốn.  Thánh nhân ca ngợi các nhân đức Đức Mẹ qua ý nghĩa các loài hoa.  Hoa Hồng đức mến, hoa Huệ đức Khiết trinh, hoa Tím đức Khiêm nhường.  Đức Mẹ là hoa Huệ khiết trinh.  Đức Mẹ là hoa Hồng yêu mến.  Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi sinh. Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa.
Sứ Thần Gabriel đã cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1, 28).  “Ðấng đầy ơn phước” là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn.  Đức Mẹ tuyệt đẹp vì không vương vấn tội, vẻ đẹp của sự thánh thiện vô tỳ tích, một vẻ đẹp không chỉ do con người nỗ lực thanh tẩy mà còn do ân sủng Thiên Chúa trao ban.
Tháng Năm về, mỗi lần thưởng thức hương hoa, ta hãy hướng về Đức Mẹ, xin Mẹ tỏa hương thiên đàng của người, ấp ủ ta thành những đóa hoa tươi thắm của Mẹ.  Mỗi khi hái hoa dâng tiến Đức Mẹ, ta hãy mượn hương sắc và lời huyền diệu của hoa để ca tụng hoặc cầu xin người.  Dâng hoa Hồng, xin Mẹ cho ta được yêu mến Mẹ nhiều hơn.  Dâng Hoa Huệ, ta ca ngợi đức khiết trinh của Mẹ.  Xin Mẹ lấy hương huệ trinh nguyên của hồn Mẹ ướp hồn ta nên trong trắng.

Tháng Năm về, mỗi tín hữu yêu mến Hoa Mân Côi cách đặc biệt hơn.  Hoa Mân Côi là sứ điệp Yêu Thương, sứ điệp Ơn Cứu Độ, là kinh nguyện Phúc Âm được kết dệt từ các mầu nhiệm chính trong đạo: Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Mầu Nhiệm Cuộc Đời Dương Thế, Vượt Qua và Thăng Thiên, được suy gẫm qua 20 Mầu Nhiệm “Hoa Mân Côi”: Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng.

Mỗi khi cất lên lời kinh: Kính mừng Maria đầy Ơn Phước… là chúng ta kết thành Hoa Mân Côi kính dâng Mẹ.  Từ trời cao, Đức Mẹ mừng vui và ban muôn ơn lành cho đoàn con cái sốt mến thành tâm hướng về Mẹ.

Ở thành Nancêniô bên nước Pháp, có một gia đình trung lưu.  Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan.  Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình, nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy, đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ.  Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con.  Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng 6 năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục.  Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa.  Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Maria Vianey.

Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống.  Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Vianey liền bảo:

– Đừng lo cho linh hồn chồng bà.  Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

– Cha Vianey nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết.  Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.  Nghe xong lời cha Vianey, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.  (trích từ: Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trg 10).

Chỉ có mấy bông hoa nhỏ dâng kính Đức Mẹ mà người đàn ông khô khan ấy cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy.  Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ.  Chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của bậc thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.  Hãy luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu.  Đức Mẹ hằng yêu thương phù trợ mỗi người chúng ta.
Trong tháng Năm này, chúng ta tham dự những buổi dâng Hoa, rước kiệu, lần hạt Mân Côi… dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh tật… chắc sẽ được Đức Mẹ ban nhiều ơn lành.  Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng cậy, hoa Đỏ của lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hy sinh hãm mình, hoa Vàng của niềm tin, hoa Hồng của tình yêu sắt son chung thủy.

Xin dâng lên Mẹ hoa Trắng của sự trinh trong, xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, thánh thiện.  Xin dâng lên Mẹ hoa Xanh của niềm cậy trông và hy vọng, xin đừng để chúng con thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.  Xin dâng lên Mẹ hoa Vàng của niềm tin kiên vững, xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.  Xin dâng lên Mẹ hoa Hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu chúng con.  Xin dâng lên Mẹ hoa Tím của những đau khổ, bệnh tật, thất bại, xin Me dạy chúng con biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, những đoá hoa lòng đơn sơ, chân thành nhưng đượm tình yêu mến, chúng con xin dâng lên Mẹ, xin Mẹ thương nhận lấy và chúc lành cho chúng con.  Amen!

LM Giuse Nguyễn Hữu An

CHÚA THÁNH THẦN – QUÀ TẶNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

CHÚA THÁNH THẦN – QUÀ TẶNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 16).  Thật vậy, từ lòng dạ thương xót của Thiên Chúa, Người yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho nhân loại.  Đến lượt Đức Giêsu, qua việc nhập thể và nhập thế, cũng như những lời rao giảng và hành động của Ngài, Ngài đã mặc khải và diễn tả xuất sắc lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người.  Đường thương xót đó không dừng lại cũng như kết thúc qua việc Đức Giêsu về trời, mà còn tiếp diễn và tồn tại muôn đời.  Bởi lẽ, Đức Giêsu đã chuyển trao lòng thương xót ấy nơi Chúa Thánh Thần.

Chua Thanh Than

Vì thế, Chúa Thánh Thần chính là quà tặng của lòng thương xót mà Thiên Chúa trao ban cho con người.  Nên từ ngày Người hiện xuống, lòng thương thương xót của Thiên Chúa như dòng sông không ngừng chảy đến với mọi người qua các chứng nhân dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

  1. Chúa Thánh Thần công khai hóa Giáo Hội bằng lòng xót thương

Khi lần dở các trang Tin Mừng, chúng ta thấy trong suốt hành trình tại thế của Đức Giêsu, Ngài đã ấp ủ, cưu mang công cuộc thiết lập Giáo Hội qua việc dạy dỗ, hướng dẫn các Tông đồ cũng như dân chúng đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa để được cứu độ.  Tuy nhiên, con đường đó đã trở nên xa lạ đối với các ông và dân chúng khi họ không hiểu được tâm tư của Thầy Giêsu, bởi vì mục đích của họ không nằm trong chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa, mà luôn bám vào những suy tính của trần gian.

Nhưng, đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần chính thức công khai hóa Giáo Hội qua ơn ban bình an và lửa mến tràn ngập nơi tâm hồn các Tông đồ, qua đó, các ông đã được biến đổi từ một con người ích kỷ, vụ lợi, kiêu ngạo, sợ hãi, nhát đảm, ham sống sợ chết…, trở nên chứng nhân của lòng thương xót.

Điều này đã được các Tông đồ chứng minh bằng thái độ can đảm, hân hoan, sẵn sàng mở tung cánh cửa đã đóng kín, để ra đi loan báo về lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua Đấng chịu đóng đinh cho mọi người, bất chấp mọi khó nguy, liên lụy và ngay cả cái chết.

Khi nói về mục đích của cuộc đời, thánh Phaolô đã diễn tả: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3, 8); “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21)”; nên “Không có gì tách chúng tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô”; và thánh Phêrô cũng biểu lộ tâm tình hân hoan khi: “được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41).
Vì thế, các Tông đồ luôn coi việc loan báo Tin Mừng là một điều cấp thiết đến độ không thể không thi hành: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

  1. Hoa trái lòng thương xót của Chúa Thánh Thần được triển nở trong đời sống Giáo Hội

Như vậy, kể từ ngày Giáo Hội công khai hóa, các Tông đồ đã cảm thấu và đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa thật dồi dào, nên tâm hồn các ông tràn đầy bình an và lửa sốt mến, khiến các ông đã không giữ lại cho riêng mình, nhưng đã chuyển trao cho mọi người, nhất là những người nghèo khó, bất hạnh, bị áp bức, bất công…

Cũng thế, trải qua dòng thời gian hơn 2000 năm qua, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hiện diện và hoạt động cũng như làm cho kho tàng lòng thương xót của Thiên Chúa luôn được tỏa sáng như ngọn hải đăng trên con thuyền của Giáo Hội.

Những dấu ấn ghi đậm sự can thiệp của Chúa Thánh Thần như: Giáo Hội luôn gặp nhiều giông tố, bão bùng, nguy khốn; biết bao kẻ đe dọa, chống phá và muốn hủy diệt Giáo Hội ngay trong trứng nước, từ thời sơ khai và cho đến tận hôm nay!  Nhưng Giáo Hội Chúa vẫn hiên ngang, đứng vững, lớn mạnh không ngừng và tồn tại muôn đời.

Sự can thiệp của Chúa Thánh Thần còn được thể hiện cụ thể qua việc biến đổi tâm hồn con người.  Vì thế, biết bao người nguội lạnh, khô khan, cố chấp… Nhưng qua một biến cố hay sự kiện nào đó, họ được khai trí mở lòng, nên đã ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhất là cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời, lập tức họ đã trở nên những người yêu mến Giáo Hội hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.

Hay có những người “dốt đặc cán mai”; “chân lấm tay bùn”; hoặc thuộc hạng “cùng đinh” trong xã hội, nhưng sau khi được Chúa Thánh Thần đổ đầy lòng xót thương trên cuộc đời họ, họ đã trở thành những người lỗi lạc, hàn lâm, uyên bác đến lạ thường khi nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em…!

Lại có những kẻ trước đây thuộc về thế giới ma quỷ.  Sẵn sàng làm đồ đệ cho chúng và ra tay tàn ác với anh chị em đồng loại, thậm chí ngược đãi, chống phá Giáo Hội… Nhưng sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hóa và xót thương, nay lại trở thành những chứng nhân Tin Mừng ngay giữa lòng xã hội…

Đây chính là hoa trái lòng thương xót của Chúa Thánh Thần.

  1. Hãy làm cho hoa trái xót thương của Chúa Thánh Thần triển nở Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, mỗi người được đón nhận Chúa Thánh Thần cách dồi dào và phong phú.  Tuy nhiên, ơn thánh của Chúa Thánh Thần không chỉ dừng lại trên cá nhân, mà phải sinh hoa kết trái đến với người khác, để mọi người đều được chung chia niềm vui và hạnh phúc như chúng ta.

Vì thế, mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, mỗi người hãy suy nghĩ và tự cật vấn bản thân xem: đã bao lần ta thờ ơ, khước từ ơn Chúa đến với mình; biết bao lần ta đã đóng chặt ơn Chúa cho riêng bản thân và đã vô cảm trước tiếng kêu gào thống thiết của người nghèo khổ, đói khát cơ bần nơi xó chợ, bãi rác, ngoài công viên, nơi bến xe, gầm cầu…?

Biết bao lần ta đã lựa chọn sự hời hợt, hình thức, tham lam, ích kỷ, vụ lợi, ghen tương, vu khống, kiêu ngạo, thù hận, thiếu niềm tin, lòng trông cậy và yêu mến Chúa trong đời sống đạo?  Biết bao lần ta đã phớt lờ tiếng nói của Lương Tâm, để lựa chọn những hành vi tội lỗi không phù hợp với bản chất Công Giáo và giá trị Tin Mừng?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần ban ơn bình an và lòng thương xót của Người cho chúng ta.  Khi có được sự an bình thư thái và ngụp lặn trong tình thương của Thiên Chúa, mỗi người sẽ làm cho hoa trái của Chúa Thánh Thần được triển nở trong tâm hồn và đời sống của chúng ta ngang qua những lựa chọn đầy chất Kitô của mình.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến để biến đối tâm hồn chúng con cho phù hợp với tư cách người môn đệ của Chúa trong lòng xã hội hôm nay.  Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Một Buổi Nói Chuyện Lý Thú Về Chúa Thánh Linh của Cha An Tôn Nguyễn Ngọc Sơn – Phần ba.

Một Buổi Nói Chuyện Lý Thú Về Chúa Thánh Linh của Cha An Tôn Nguyễn Ngọc Sơn – Phần ba.

Phan Sinh Trần

Thuở xưa còn bé, chúng ta có khi hay tham gia trò chơi đóng kịch, đóng vai, như là làm Cha, làm Ma sơ phải không? Rồi chúng ta hay có điệu bộ giả như đang giảng, đang làm lễ, hay đang thăm hỏi người bịnh, kẻ ốm đau. Tôi còn nhớ lúc lên bẩy tám tuổi, được đọc truyện thánh Mác ti nô, Ngài vác vai, đem người bệnh ở các cống rãnh, khu vực đường phố tối tăm, nhơ bẩn về nhà Dòng chăm sóc, chữa trị và cho nằm ngay cả trên gường của mình, khi đọc đến đó,  tôi đã có một ước ao ngộ nghĩnh đó là hình ảnh tại thủ đô Vatican, có một vị  Giáo Hoàng làm các khu dành riêng cho người hành khất tạm trú, ăn uống, tắm rửa, bẵng đi mấy chục năm vù trôi qua,  “thì nay … cũng đã có như vậy” vào thời của Đức Giáo Hoàng Phan xi cô. Rồi khi đã lớn hơn, độ thiếu niên, tôi thắc mắc có đức Cha nào thân mật trò chuyện và mời ăn mày, vô gia cư, bụi đời cùng ngồi ăn chung vào các ngày đại lễ Giáng Sinh, Phục Sinh giống như sự ân cần gần gũi, ngồi cùng bàn,  của Chúa Giê Su với các quân thu thuế, đĩ điếm, ăn xin,  “thì nay… cũng đã có như vậy”, khi mà chính Đức Tổng Giám Mục Tage, giáo phận Manilla  và ĐTGM  Jorge Mario Bergoglio, giáo phận Buenos Aires, đèo xe máy chở người vô gia cư về Tòa Giám Mục cùng dùng bữa trưa vào các dịp tiện hay các dịp lễ.
Tới nay, khi mình đã bắt đầu luống tuổi, nhìn sự suy thoái xã hội của nước Việt mến yêu, tôi ước ao có một Linh Mục, đầy sự thánh khiết và yêu thương của Chúa để ra tay chữa lành bằng lời cầu nguyện trong sức mạnh. Sẽ có chăng vị Linh Đạo nào đó, có thể thốt ra lời giảng dậy có uy lực trong quyền năng, vinh quang của Chúa Thánh Thần không? Có vị Chủ Chăn nào có tấm lòng chạnh thương đầy tình thương xót của Chúa? “thì nay… cũng đã có như vậy”. Ta được biết đến nhiều Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế, Các Đan sĩ ẩn tu Biển Đức, nhiều Linh Mục rất thánh thiện và mạnh mẽ trong đời sống Đức Tin. Trong số Linh Mục làm được công việc của các Thánh tông đồ xưa, rao giảng trong quyền năng đi kèm với sức mạnh oai hùng của Chúa Thánh Thần, tôi cho rằng có cha An Tôn Nguyễn ngọc Sơn vì qua lời cầu nguyện của Ngài, Chúa đã chữa khỏi cho trên mười ngàn bệnh nhân, hối nhân, người vô thần, kể cả thày bùa, thày phép, người đa thần.
Câu hỏi mà người Ki tô hữu luôn day dứt, đó là, làm sao để loan báo Tin Mừng cho Anh Em lương dân, làm sao ứng dụng Tin Mừng vào đời, mang lại thăng hoa, cứu độ cho người chung quanh và hơn thế nữa canh tân xã hội Việt Nam, làm phong phú cho dân Việt? Cha An Tôn Nguyễn ngọc Sơn đã đề nghị một giải pháp rất hào hứng, một trong những cách loan báo là hãy làm “hiệp sĩ hành khất của Tin Mừng”. Cha trần tình:

–        Trước tình trạng nhiều bạn trẻ bị thu hút bởi trò chơi trực tuyến của Võ Lâm Truyền Kỳ, và ngay cả người lớn cũng mê mẫn những truyện kiếm hiệp, chúng tôi muốn mở một sân chơi cho nhiều người để đáp ứng khát vọng sống đẹp, sống hùng.Trò chơi lớn này có tên gọi Hành Khất Kitô. Chơi để sống đúng, sống ích lợi cho người khác, nhất là cho những người yếu kém trong xã hội hiện nay. Đất nước ta đang có hơn 82 triệu dân mà 60% dân số thuộc về người trẻ từ 24 tuổi trở xuống. Nhiều bạn trẻ muốn sống đúng, sống tốt, sống hào hùng nhưng lại không biết nguồn chân thiện mỹ là ai. 51% dân số là phụ nữ mà nhiều người bị bạo hành trong gia đình vì hiện có hơn 20 triệu người uống rượu và nghiện rượu, 26% dân số sống dưới mức nghèo khổ trong khi một thiểu số giàu có ăn chơi hết sức xa hoa. Hơn 5 triệu người khuyết tật, hơn 3 triệu người goá bụa sống hết sức khó khăn, 263.000 người nhiễm HIV-AIDS, 160.000 người nghiện ma tuý đang tìm cách phục hồi cuộc sống… Tất cả đang giang tay kêu cứu.Bạn có muốn cùng với những người Hành Khất Kitô lên đường đến với họ không?
Cái hay của Hành Khất Ki Tô là nhìn từ bên ngoài họ rất tầm thường nhưng lại có nội lực thâm hậu của Chúa, càng khiêm nhường càng bị khinh khi thì họ càng có nhiều cơ hội thâm nhập vào các nơi tội lỗi mà cứu giúp Đời qua lời cầu nguyện và việc làm bác ái.
Cách loan báo Tin Mừng thứ hai được Cha đề nghị là sống Lời Chúa cho đến mức mình trở nên Lời cứu độ, “Bạn là Lời cứu độ”, Cha trao tặng cho các bạn trẻ một cuốn cẩm nang dạng sách bỏ túi với cùng tựa đề “ Bạn là Lời cứu đô” gói ghém từ cách thở trong Thần Khí cho đến cách sống theo Lời Chúa và các nhân sinh quan dựa trên Lời Chúa và Khoa học. Sách tuy nhỏ nhưng có các thực hành rất quan trọng và thực tế, có thể làm theo để canh tân mình và làm chứng cho người một khi ta đã thực có “Lời Cứu Độ” sinh ra các hoa trái tốt tươi trong cuộc đời của mình. “Bạn là Lời cứu độ”, hiện nay là best seller ở Việt Nam,  loại sách tu thân  bán chạy nhất của nhà xuất bản tôn giáo, tái bản 3 lần trong khoảng thời gian ngắn, một năm. Đến thời điểm này, năm 2016 thì ấn bản lần thứ ba, gồm 40.000 cuốn đã bán hết sạch, chúng ta đành chờ đến lần tái bản thứ tư ? Một vài giáo phận như Phát Diệm, Bùi chu, một số dòng tu và nhiều xứ đạo đã tặng sách này cho tất cả các giáo lý viên và bạn trẻ như là cẩm nang cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá bản thân và cộng đồng giáo xứ. Quả thật, tập sách giúp cho các bạn trẻ định hướng được đời sống qua 10 điều tâm niệm (phần 1), tổ chức được ngày sống (phần 2), cầu nguyện ở bất cứ nơi nào (phần 3), vượt qua những đam mê, nghiện ngập đủ loại (phần 4). Xin các bạn hãy giới thiệu sách này cho người thân của mình, cho thiếu niên và cho mọi bạn trẻ.
Cách loan báo Tin Mừng thứ Ba, sống Tin Mừng và áp dụng Tin Mừng vào Đời, Cha Sơn đề nghị ta theo gương Công Giáo Hàn Quốc, thực hành Lời Chúa trong đời thường cách tích cực nhất:

–        … những hoạt động loan báo Tin Mừng của các học sinh Công Giáo Hàn Quốc. Hầu như các em học sinh này có phong cách sống khác hẳn những em ngoài Công Giáo: các em không để tóc highlight, được luyện tập những kỹ năng làm chủ chính  mình rất hiệu quả từ những hội đoàn. Ngay từ lớp 1 các em  đã quyết tâm : “ Em phải học hành thật giỏi, cư xử thật tốt, lễ phép với thầy cô, giúp đỡ bạn bè và cố gắng làm trưởng lớp để lôi kéo các bạn về cho Chúa Kitô”. Điều quyết tâm ấy thật lạ lùng và ta không lạ khi người tín hữu Công Giáo Hàn Quốc tăng tỷ lệ người Công Giáo so với dân số toàn quốc từ 1% vào năm 1949 tới 10,5% vào năm 2010: 5.135.000 giáo dân trên tổng dân số 48.875.000 người
Tới đây thì có lẽ Bạn rất muốn biết về phần mình Cha Nguyễn ngọc Sơn đã sống với “Lời cứu độ” như thế nào ? Cha chia sẻ:

–        Chính trong khi học hỏi Lời Chúa, tôi tìm được sức mạnh và rất nhiều ơn thiêng cho đời linh mục của mình.

–        Trong thánh lễ kết hợp với Chúa Giêsu tôi tìm được nguồn lực vô tận cho đời linh mục của mình.
Càng yêu quí Thánh Lễ, thì Cha càng có nhiều khó khăn, gian nan, thử thách… “Ngày 24/12/1976, tôi nhận được công văn khẩn của UBND quận 10 thông báo rằng: “Bắt đầu từ ngày 25/12/1976, tôi không được phép dâng thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Vinh Sơn”. Thông báo không cho biết lý do tại sao tôi lại bị cấm dâng lễ ở đó. Đêm Giáng Sinh năm đó, tôi dâng lễ với niềm vui pha lẫn nỗi buồn, vì biết rằng cuộc đời linh mục của mình lại có những khó khăn mới. Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình biết vậy nên bảo tôi: “Mỗi sáng Chúa Nhật, con lên Toà Giám mục dâng lễ trong ngôi nhà nguyện cổ của cha”. Tôi vâng lệnh ngài, nhưng chỉ dâng được 4 tuần thì lại có công văn nhắc nhở: “Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn không được phép dâng lễ tại Toà Tổng Giám mục”. Đức Tổng Phaolô lại sai tôi đi dâng lễ ở nhà thờ Bắc Hà, đường Lý Thái Tổ, quận 10 vào lúc 4g30 sáng. Ngài nói: “Con dâng lễ sớm, ít người tham dự thì họ không để ý đến con đâu”. Nhưng sự việc cũng chỉ kéo dài được 4 tuần, lại có một công văn nhắc nhở: “Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn không được phép dâng lễ tại Nhà thờ Bắc Hà”. Một số anh em linh mục ngạc nhiên, không biết tôi “mắc tội” gì mà chính quyền không cho dâng lễ. Có người đoán là vì tôi làm việc ở Caritas Việt Nam với Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã bị bắt vào tháng 8 năm 1975; hoặc là vì người ta không muốn tôi biến Giáo xứ Vinh Sơn thành một biểu tượng nhắc nhở về “Vụ án chống phá cách mạng”; hoặc nghi ngờ tôi là nhân viên CIA để lại do cả gia đình tôi ra nước ngoài, hay do chính quyền quận 10 muốn chiếm căn nhà của cha mẹ tôi ở số 804 Điện Biên Phủ, nên không muốn tôi có mặt ở đó… Tất cả chỉ là những lời phỏng đoán, nhưng từ đó anh em linh mục không dám mời tôi dâng thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ của họ vì sợ bị chính quyền để ý theo dõi. Vì thế, qua sự an bài của Chúa, cuộc đời linh mục của tôi lại bước sang một bước ngoặt mới”.

–        Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình thấy tôi gặp nhiều khó khăn liền bảo tôi: “Con cứ an tâm dâng lễ ở trong tu viện và đi làm công nhân để tìm hiểu đời sống người lao động vì trong chế độ này, hai giai cấp công nhân và nông dân rất được tôn trọng”. Tôi đã vâng lệnh ngài đến làm việc tại Nhà In Nguyễn Bá Tòng như một công nhân thực thụ, nhất là từ khi nhà in này được Toà Tổng Giám mục giao cho Sở Văn hoá và Thông tin TP.HCM quản lý từ tháng 6/1978 và được đổi tên thành Nhà máy In Tổng Hợp TP.HCM… Trong suốt 18 năm, từ 1978-1996, mỗi ngày, sau thánh lễ ban sáng, tôi làm việc chung với các anh chị em khác trong tổ sắp chữ máy Monophoto từ 7g30 sáng đến 16g30 chiều, buổi trưa được nghỉ từ 11g30-12g30. Chính trong môi trường lao động này, tôi học lại bài học vâng phục, yêu thương của Chúa Giêsu dưới mái nhà Nazareth.
Nhờ những nghiên cứu phát minh của tôi trong ngành sắp chữ máy và sắp chữ điện tử, tôi được mời tham gia sáng lập Khoa Kỹ thuật In của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trụ sở của trường ở đường Võ Văn Ngân, Thủ Đức. Suốt 16 năm dạy tại đây, chúng tôi đã đào tạo hàng ngàn sinh viên trở thành kỹ sư ngành in phục vụ cho ngành in ấn của Việt Nam. Trong mối quan hệ ngành nghề, tôi cũng được mời dạy 3 năm ở Khoa Mỹ thuật Công nghiệp tại Đại học Kiến Trúc TP.HCM và 2 năm tại Khoa Ngữ văn Báo chí thuộc Đại học Tổng Hợp TP.HCM. Những năm tháng dạy dỗ và nghiên cứu đó giúp cho cuộc đời linh mục của tôi có cơ hội hoà nhập thêm với giới trẻ trí thức để cảm nhận họ đang đói khát những giá trị tinh thần mà người mục tử chúng tôi có sứ mạng phải cung cấp cho mọi người.

–        Trong sự quan phòng của Chúa cho làm việc trong Nhà In, đời linh mục của tôi đã gắn bó với sách vở, báo chí và các phương tiện như Internet sau này để truyền bá Tin Mừng.Nhờ làm việc trong ngành in nên tôi vẫn âm thầm tiếp tục sửa chữa để hoàn thành bản dịch với  thầy Giuse Nguyễn Tất Trung, dòng Đa Minh, (đã chịu chức linh mục năm 1997). Sau đó chúng tôi thuê người đánh mày sắp chữ bản thảo trên hệ thống Monotype Filmsetter, photo ra giấy và làm thử 2 cuốn Sách Lễ Rôma và Phụng vụ Các Giờ Kinh thành các cuốn sách giống như thật để Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình trình cho HĐGMVN trong khoá họp thường niên năm 1991. Năm 1992, hai cuốn sách này đã được chính thức xuất bản và là niềm vui cho tất cả những ai dùng chúng. Từ đó tôi cũng bắt đầu lo công tác văn hoá cho Toà Tổng Giám mục TP.HCM. Chúng tôi soạn và dịch khá nhiều sách cho trẻ em như Chúa Nói với Trẻ em(1994), các truyện tranh như Mẹ Maria (1994), Thánh Phaolô Thành Tácxô (1996), Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1996), sách cho các bạn trẻ như Con Người Mới trong Gia Đình Thiên Chúa (1994), Lắng Nghe Tiếng Gọi từ Gia Đình Nazareth (1994), hoặc cho các tu sĩ như Người Mục Tử Cộng đồng Hướng về Tương Lai (1996), Thống Nhất Đời Sống Trong Chúa Giêsu Kitô (1997). Cùng với mấy cha bạn chúng tôi lo tập Bài Giảng Chúa Nhật do Toà Tổng Giám Mục TP.HCM phát hành để giúp anh em linh mục trong việc phục vụ Lời Chúa. Chính trong khi học hỏi Lời Chúa, tôi tìm được sức mạnh và rất nhiều ơn thiêng cho đời linh mục của mình. (nguồn: http://hanhkhatkito.org/Default.aspx?tabid=107&ctl=ViewNewsDetail&mid=461&NewsPK=10130)
Mỗi khi gặp khó khăn, Cha lại được Chúa giúp đỡ cách trực tiếp, gián tiếp qua các biến cố, bàn tay quan phòng của Chúa kính yêu thật là chu đào. Xin được đan cử vài mẫu chuyện ý nghĩa,

–        Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, nhân dịp mừng thọ 70 tuổi của ngài, khi ngài kéo riêng cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm và tôi mà nói: “Các con phải làm gì cho giới trẻ đi chứ!”, tôi đã thực hiện cuốn Sứ điệp Loài hoa vào năm 1993. Các bạn trẻ đã nồng nhiệt đón nhận: 35.000 cuốn bán hết trong vòng 2 tháng đầu năm 1994. Nhưng khi Đức Tổng Phaolô 3 lần viết đơn xin tái bản cuốn sách, thì Sở Văn hoá Thông tin TP.HCM đều từ chối và cho đó là một cuốn sách phản động. Chính Đức Tổng Phaolô cũng không hiểu tại sao lại không trả lời cho ngài lý do từ chối. Tôi đoán có lẽ là vì một đoạn văn ngắn viết về Hoa Bất tử, dù trong toàn bộ cuốn sách tôi đã không dùng từ “Chúa” hay từ có liên quan đến tôn giáo như “Giêsu Kitô” một lần nào? Sau này, do sự can thiệp của ông Trần Quốc Hương, sau khi ông được Chúa chữa lành cánh tay bất động vì tai biến mạch máu não, cuốn sách đã được tái bản vào năm 1997 và đến nay đã vượt quá 150.000 ấn bản. Bài học Sứ điệp loài hoa dạy tôi cách loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay là cần phải biết gắn bó với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí của Người để mỗi anh em linh mục chúng tôi trở thành những chứng nhân sống động của Người.
Rồi lại một sự an bài khác của Chúa, “vào tháng 8/2001, tôi gặp Bác sĩ Trương Thìn, Viện trưởng Viện Y học Dân tộc TP.HCM, và Chúa đã chữa cho ông khỏi bệnh như một dấu hiệu mời gọi tôi dấn thân cho các bệnh nhân đủ loại, nhất là người nghiện ngập và những người bất an về mặt tinh thần trong xã hội VN hiện nay.Năm 2011, tôi tham gia vào Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM. Với cương vị là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Xã hội-Y tế, tôi cố gắng làm một chút gì đó cho 54.000 người khuyết tật và 13.000 trẻ mồ côi khuyết tật hiện nay của TP.HCM. Ước vọng của tôi là được gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu cùng với các anh chị em Kitô hữu khác như những chứng nhân sống động của Chúa Kitô Phục Sinh để có thể giúp đỡ, chữa lành cho 6,7 triệu người khuyết tật về thể lý và hơn 10 triệu người hiện đang khiếm khuyết về mặt tinh thần ở Việt Nam”.
–      Để giúp tôi có thể làm chứng nhân cho Chúa Giêsu, Người đã ban cho tôi một số những cảm nghiệm về lời đầy quyền năng của Người trong việc chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, tác động đến vạn    vật, làm cho bánh cá hoá nhiều, nhất là loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khó, an ủi những tâm hồn đau khổ. Đồng thời Người cũng ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần để tôi có thể chịu đựng những gian nan, thử thách, nghi kỵ, ghen tức, bất công của người khác gây cho mình trong cuộc đời linh mục, để cho tôi thật sự cùng chịu đóng đinh với Người trên thập giá đời mình.

–        Tôi đã từng bị phản đối vì những tư tưởng mới lạ và những nhận xét về sự thật làm mất lòng người, bị theo dõi vì những hoạt động không đẹp lòng các người quyền thế, bị quấy rầy vì những ghen tuông của các phụ nữ, bị bôi nhọ vì những tranh chấp, bị bầm dập vì những cú đánh lén sau lưng của bạn bè, bị tiêu diệt vì dám chống đối những bất công với đôi chân 2 lần bị gãy vì tai nạn “cố tình”.

–        Có những lúc tôi muốn buông xuôi tất cả. Nhưng gương sáng của những bậc tiền bối anh hùng, của Đức Thánh Cha (ĐTC) Gioan Phaolô II, của nhiều anh chị em linh mục, tu sĩ, giáo dân trong những vùng sâu, vùng xa, đang miệt mài làm việc, chịu đựng gian khổ, lại thúc đẩy tôi tiếp tục bước đi trên con đường sự thật và sự sống.
Trong dịp kỷ niệm chịu chức, Cha khiêm nhường soi nhìn lại đời mình và chia sẻ:

–        Sau 40 năm linh mục với nhiều lầm lỗi, khuyết điểm, tôi lại càng cảm nhận được tình yêu thương của Chúa và mọi người đối với tôi. Xin tha thứ cho tôi nếu tôi đã làm phiền lòng ai và gây đau khổ cho người nào trong cộng đồng mình sống.

Tôi mong ước với ơn Chúa và sự giúp đỡ của mọi người, tôi sẽ sống từng giây phút còn lại của đời mình một cách ý thức và hiệu quả hơn cho xứng đáng với tình yêu thương quảng đại ấy.

Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho tôi cũng như cho tất cả được kết hợp mật thiết với nguồn lực vô biên là Chúa Ba Ngôi để chúng ta đều trở thành hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian. Xin Người chúc lành cho tất cả chúng ta.
Ta có thể nói, Chúa Thánh Thần khi xưa của Các Thánh Tông Đồ và Chúa Thánh Thần hôm nay của các Giám Mục, Linh Mục vẫn chỉ là một đấng duy nhất. Vào thời buổi càng u tối, càng nhiều vấn nạn trong sự bộc phát mãnh liệt, từ các hành động bạo tàn của Quỉ Dữ thì ân sủng lại càng chan chứa. Chưa có thời nào mà tội lỗi con người phạm đến Chúa và luật pháp của Ngài nhiều như thời chúng ta nhưng cũng chưa có thời nào mà ân sủng, lòng thương xót của Chúa tuôn trào, nhiều như thời của chúng ta, ơn lành tuôn đổ hiển hiện một cách rõ ràng và phổ biến mà ai cũng được mục kích. Hãy phấn khởi, hy vọng và tiến lên trong trận chiến Đức Tin này. Ta biết rằng một khi Lời Chúa được thể hiện cách sống động trong Đời Các Thánh của Chúa thì khi họ đi đến đâu, Ma Quỉ chắc chắn sẽ phải run rẩy, khiếp sợ đến đó, cho dù chúng có căm tức và âm mưu quỉ quyệt gài bẩy đến đâu, thì sự hiện diện của Chúa Giê Su trong đời ta sẽ làm thất bại các âm mưu đó.
Ai phạm tội thì là người của ma quỷ,
Vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu
Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện
Là để phá hủy công việc của ma quỷ (1 Ga 3: 8).
Tôi xin mượn lời kết của Cha để chào tạm biệt các Bạn, cha có cảm nghĩ này,

–       Tôi cảm thấy an ủi và được khích lệ rất nhiều vì ĐTC Phanxicô, trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm – mới công bố ngày 24/11/2013 – nhắc nhở chúng tôi rằng: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh: tôi muốn có một Giáo Hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo Hội bị bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn của riêng mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục…” (số 49).

–       Tất cả những chương trình mục vụ mà chúng ta mơ ước chỉ có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta biết “không những canh tân các chương trình của mình mà còn phải tăng chất lượng cho chứng tá của mình. Công cuộc Phúc Âm hoá không chỉ là một kế hoạch có tổ chức hay một chiến lược; một cách cơ bản, nó là vấn đề thiêng liêng đúng như lời ĐGH Phaolô VI đã nói: ‘Con người thời nay sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, thì chính là vì các thầy dạy cũng là những chứng nhân…’. Vì vậy Giáo Hội sẽ loan báo Tin Mừng cho thế giới trước tiên bằng hạnh kiểm và đời sống của mình, bằng chứng tá sự nghèo khó và vô tư, và bằng chứng tá sự tự do của mình đối với các quyền lực của thế gian này, tóm lại, chứng tá sự thánh thiện” (TLLV, số 158; TĐ Evangelii nuntiandi, ngày 8-12-1975, số 7).

Phan Sinh Trần

Bill Gates: “Tin Chúa là khôn ngoan”

Bill Gates: “It makes sense to believe in
God”

Bill Gates: “Tin Chúa là khôn ngoan”

Bill Gates, the richest man in the world, revealed in a recent interview: “It makes sense to believe in God”, and “it’s at least a moral belief”. Such a declaration by one of the most famous men in the world is a very good news for humanity.

Bill Gates, người giầu nhất thế giới, gần đây đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn:
“Tin Chúa là khôn ngoan”, và “ít nhất đó là một niềm tin đạo đức”. Một tuyên bố như thế của một trong những người nổi tiếng nhất thế giới là một tin tốt lành đối với nhân loại.

Ngày 13/03/2014, tạp chí Rolling Stone đã có một cuộc phỏng vấn dài đối với Bill Gates về nhiều vấn đề nổi cộm trong thế giới ngày nay [1]. Kết thúc cuộc phỏng vấn là hai câu hỏi sau đây:

1.-  Ông là một nhà công nghệ, nhưng rất nhiều công việc ông làm với quỹ từ thiện mang một chiều kích đạo đức. Phải chăng suy nghĩ của ông về giá trị của tôn giáo đã thay đổi trong những năm qua?

2.-  Ông có tin vào Chúa không?

Câu trả lời của Bill Gates có lẽ đã làm cho những người vô thần rất thất vọng.  Ngược lại, những người có đức tin tôn giáo vui mừng, đặc biệt vì ông nhấn mạnh: “các hệ thống đạo đức tôn giáo là cực kỳ quan trọng (The moral systems of religion are super important)”.

Sau đây là bản lược dịch một trong số những bài báo tường thuật cuộc phỏng vấn của Rolling Stone: “Bill Gates Reveals Family Goes to Catholic Church: It Makes Sense to Believe in God” (Bill Gates tiết lộ gia đình ông đến nhà thờ Công giáo: Tin Chúa là khôn ngoan) của Stoyan Zaimov trên tờ The Christian Post ngày 14/03/2014 [2].

Bill Gates tiết lộ: Tin Chúa là khôn ngoan

Bài của Stoyan Zaimov

Bill Gates, người giầu nhất thế giới, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn gần đây rang gia đình của ông đi đến một nhà thờ Công giáo và rằng đạo đức tôn giáo tạo nhiều cảm hứng cho công việc từ thiện của ông. Ông cũng chia sẻ những suy nghĩ cá nhân của ông về Chúa và về những vấn đề nổi cộm mà thế giới ngày nay đang phải đối mặt.

Trả lời phỏng vấn của tạp chí Rolling Stone ngày 13/03 (sẽ ra mắt trên báo giấy ngày 27/03), Bill Gates nói: “Tôi nghĩ rằng các hệ thống đạo đức tôn giáo là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi nuôi dạy con cái theo phương pháp của tôn giáo; các con tôi tới nhà thờ Công giáo nơi Melinda tới đó và tôi cũng tham gia vào đó. Tôi đã rất may mắn, và do đó tôi hàm ơn sự may mắn đó và phải cố gắng giảm thiểu sự bất công trên thế giới. Đó chỉ là một chút đức tin tôn giáo. Tôi muốn nói, ít nhất đó là một niềm tin đạo đức”.

Khi được hỏi liệu ông có tin Chúa hay không, ông đáp: “Tôi nghĩ tin Chúa là khôn ngoan, nhưng tôi không biết đích xác cái gì trong cuộc đời chúng ta làm cho chúng ta hành động khác với niềm tin đó” [3].

Đồng thời ông nói ông tán thành với những người như Richard Dawkins rằng “nhân loại cảm thấy cần thiết phải có những tưởng tượng về sự sáng tạo của Chúa” [4]. Ông nói: “Trước khi chúng tôi bắt đầu hiểu về bệnh tật và thời tiết và về những vấn đề như thế, chúng tôi đã tin theo những giải thích sai lầm về những thứ đó.  Hiện nay khoa học đã tham dự một phần – không phải tất cả – vào những lĩnh vực mà tôn giáo đã từng giải quyết”.

Ông nói tiếp: “Nhưng bí mật và vẻ đẹp của thế giới thật vô cùng đáng kinh ngạc, và không có một sự giải thích nào của khoa học có thể giải thích được tại sao nó xẩy ra như thế. Nói rằng điều đó hình thành bởi những con số ngẫu nhiên thì xem ra, bạn biết đấy, đó là một cách nhìn không hợp lý cho lắm” (cười).

Theo danh sách tỷ phú trên tạp chí Forbes 2014, nhà sáng lập Microsoft đã giành lại được vị trí giầu nhất thế giới với tổng giá trị tài sản lên tới 76 tỷ dollars.  Tuy nhiên, người tạo nên cuộc cách mạng về công nghệ của Microsoft đã rời bỏ chức chủ tịch tập đoàn này để tập trung vào việc làm từ thiện của ông. Năm 2000, ông thành lập Quỹ Bill & Melinda Gates, một tổ chức được xếp hạng như một trong những tổ chức từ thiện quảng đại nhất thế giới.

Quỹ này đã hiến tặng tiền bạc và khởi động các chương trình vì nhiều mục đích khác nhau trên toàn thế giới. Quỹ này có một cơ quan mang tên Global Health Division (Chi nhánh Sức khỏe Toàn cầu) nhắm mục tiêu vào việc đẩy mạnh tiến bộ khoa học và công nghệ tại các nước đang phát triển, một chương trình mang tên Global
Developments (Phát triển Toàn cầu) dành cho việc phát triển nông nghiệp, xử lý nguồn nước và vệ sinh, các dịch vụ tài chính dành cho người nghèo và các chương trình giáo dục tại Mỹ.

Bill Gates thể hiện niềm lạc quan rằng bệnh bại liệt, một căn bệnh mà quỹ từ thiện của ông tập trung cứu giúp nhiều nhất, sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn, và rằng về căn bản đến năm 2035 sẽ không còn có nước nghèo nữa, ông chỉ ra những bài học thành công trong vấn đề này như Brazil, Mexico, Thai Lan và Indonesia.

Điều ông lo lắng nhất trong 50 năm tới là vấn đề thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố trên phạm vi rộng và giải quyết những mối lo về sức khỏe toàn cầu.

Ông nói: “Tôi biết nếu mọi em bé được khỏe mạnh, mọi con đường được làm mới, thì sẽ đưa một đất nước đi trên một con đường tốt đẹp hơn như thế nào, nhưng tôi không phải một chuyên gia để biết làm thế nào để giải quyết vấn đề bất ổn định và chiến tranh sẽ dấy lên lúc này hoặc lúc khác. Tôi mong ước có một phát minh hoặc một tiến bộ nào đó để sửa chữa tất cả những thứ bất ổn đó. Có thể một số sự kiện thực sự tồi tệ sẽ xẩy ra trong vòng 50-100 năm tới, nhưng hy vọng là không có một sự cố nào trong số đó sẽ gây ra cái chết ở mức một triệu người (trở lên) mà bạn không dự kiến trước được từ một bệnh dịch, hoặc một vụ khủng bố hạt nhân hoặc sinh học”…..

Bình luận của PVHg’s Home

Năm 1995, cũng với câu hỏi “Ông có tin vào Chúa hay không?”, Bill Gates trả lời: “Tôi không biết liệu có Chúa hay không, nhưng tôi nghĩ các nguyên lý tôn giáo hoàn toàn có căn cứ vững chắc” (I don’t know if there is a God or not, but I think religious principles are quite valid) [5]. Với câu trả lời đó, giới vô thần vội vàng ghép Bill Gates vào danh sách “những người vô thần nổi tiếng” (celebrity atheists), bất chấp việc ông thể hiện một thái độ trân trọng đối với tôn giáo. Một số khác coi ông là người theo thuyết bất khả tri (agnosticist). Thậm chí có người mô tả ông như một người mê mải làm ăn, không bận tâm tới tôn giáo, vì có lần ông phát biểu: “Riêng về vấn đề phân
phối dự trữ thời gian thì tôn giáo không hiệu quả cho lắm. Tôi còn hàng đống việc phải làm vào sáng chủ nhật”.

Nhưng họ nhầm.

Theo Wikipedia, “khi Gates còn trẻ, gia đình ông thường xuyên tham dự lễ của Đạo Hợp nhất Tin Lành (Protestant Congregational church)”. Đó là lý do để sau này, ngay cả khi ông chưa có một quan điểm rõ ràng về Chúa, ông luôn luôn coi hệ thống tôn giáo là quan trọng. Đó là điều không bao giờ có ở một người vô thần.

Và bây giờ, Bill Gates đã thể hiện quan điểm rõ ràng hơn: “Tin Chúa là khôn ngoan”!

Căn cứ theo những gì ông tiết lộ trong cuộc phỏng vấn của Rolling Stone, có bài báo đã viết: “Bill Gates theo Đạo Công giáo La Mã” (Bill Gates follows Roman Catholicism). Không nghi ngờ gì nữa, sự thay đổi của Bill Gates theo hướng tích cực một phần lớn là kết quả của cuộc hôn nhân giữa ông với Melinda French, một người công giáo thuần thành.

Theo nhiều trang tiểu sử, họ sống với nhau hạnh phúc, đến nay đã có 3 người con. Nhưng còn hơn thế, họ là một đôi bạn tri kỷ, cùng đọc một số sách rồi thảo luận với nhau, cùng nhau theo đuổi một lý tưởng cao quý – lý tưởng chia sẻ tình yêu thương với tha nhân, đúng như lời Chúa dạy.

Năm 1994, khi nghe tin Bill Gates cưới Melinda, một nhân viên trong công ty mà ông làm chủ, tôi nói với bạn bè: “cô Melinda này may mắn quá”. Gần đây, khi biết Melinda đóng vai trò lớn lao trong việc “lôi kéo” chồng con vào những sinh hoạt tôn giáo và từ thiện, tôi lại nói với bạn bè: “ông Bill Gates này may mắn quá”.

Một người bạn vô thần nói với tôi rằng Bill Gates thay đổi chỉ vì Melinda, thay vì bởi chính Bill Gates muốn thay đổi. Tôi trả lời: “Này bạn, những người như bạn không thể hiểu được những giá trị thiêng liêng và cao quý. Người theo Đạo chúng tôi nghĩ rằng đó là ý Chúa – Chúa muốn một người như Bill Gates phải có ĐẠO, như thế sẽ có ích cho nhân loại nhiều hơn. Melinda chính là một sứ giả của Chúa đấy”.

Melinda Ann French sinh năm 1964 tại Dallas, Texas. Là con gái thứ hai trong bốn người con của ông Raymond Joseph French Jr., một kỹ sư về hàng không, và Elaine AgnesAmerland, một phụ nữ nội trợ. Melinda là một người Công giáo thuần thành, từ nglà học sinh xuất sắc của trường công giáo St. Monica Catholic School, có 2 bang cử nhân của Đại học Duke, cử nhân khoa học computer và cử nhân kinh tế, và một bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh cũng của đại học đó.

Sau khi lấy chồng, bà đã dâng hiến đời mình cho sự nghiệp từ thiện, san sẻ tình yêu thương với đồng loại, thực hành tôn chỉ của công giáo là yêu thương tha nhân. Bà tự nhắc nhở mình và nhắc nhở mọi người rằng “Chúng ta phải lưu ý đến việc làm thế nào sử dụng ánh sáng này chiếu trên chúng ta” (We have to be careful in how we use this light shined on us). Đó là ánh sáng của Chúa – ánh sáng soi rọi cho chúng ta biết giá trị đích thực của con người là gì và đâu là đích để chúng ta hướng tới.

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Cảm nghiệm về Chúa Thánh Thần

Cảm nghiệm về Chúa Thánh Thần

Ngài là ai để tôi yêu Ngài? Đó là câu hỏi không dễ khi tôi chưa một lần cảm được tình yêu của Ngài! Có thể nói rằng cuộc đời của tôi từ lúc ý thức có sự hiện diện của Thiên Chúa, dường như êm trôi nhẹ nhàng và chẳng mấy sóng gió. Cho đến khi một cú ngã xảy đến, tôi mới thật sự biết và dần khám phá sự hoạt động của Ngài, cảm nhận được tình yêu của Ngài và tôi đã yêu Ngài.

Tình yêu Ngài dành cho tôi được ví như một người cha đầy tình nhân ái, luôn ôm trọn đứa con bé nhỏ trong vòng tay mình. Đó là những lúc mà tôi thấy cuộc đời mình thật bế tắc: con đường tương lai bị đóng cửa, kế hoạch bị phá vỡ, cuộc sống hạnh phúc thật mong manh… Tôi nại đến Ngài để cầu xin tha thiết cho một lối thoát, một sự chỉ dẫn sáng suốt và Ngài đã mang đến cho tôi một sự an ủi vô ngần. Thật khác với những suy nghĩ của mình rằng: Ngài sẽ ra tay để tôi được tiếp tục bước trên con đường công danh sự nghiệp, Ngài sẽ chỉ dẫn cho tôi để tôi thực hiện cách tốt đẹp kế hoạch của mình và cuộc sống của tôi sẽ ngập tràn hạnh phúc khi tôi được giàu có vật chất do Ngài ban tặng. Một người cha nhìn xa, trông rộng đã không để cho con cái mình lạc lối trên con đường thênh thang của phú quý vinh hoa; trái lại, Ngài đã bẻ gãy những lối đi ấy để tôi được bước trên con đường có vẻ đầy chông gai, nhưng lại là con đường hạnh phúc và bình an cho tôi.

Tình yêu Ngài dành cho tôi còn hơn cả tình yêu của một người mẹ luôn quan tâm, chăm sóc và sắp xếp mọi sự trong gia đình. Mỗi ngày, tôi được tận hưởng những niềm vui mà Ngài trao tặng khiến cuộc sống của tôi ngập tràn ý nghĩa: Tôi ý thức vai trò của mình nơi gia đình, nơi cộng đoàn, nơi chính người anh em và tôi cố gắng hết sức để chu toàn trách nhiệm của mình. Có khi chỉ là một đóng góp nho nhỏ cho gia đình để tạo nên những buổi sum họp đầy ắp tiếng cười; cũng có khi chỉ là một sự hiện diện khiêm tốn nơi cộng đoàn để nâng đỡ tinh thần lẫn nhau; hoặc có khi chỉ là nụ cười gởi đến tha nhân trong tình thương mến. Hơn thế nữa, mọi việc diễn ra hằng ngày rất đỗi bình thường của tôi dường như luôn có một sự sắp đặt đâu ra đó. Tôi chẳng hề thấy ngán ngẩm với một núi công việc hằng ngày mà theo thói thường, tôi dễ sinh cáu gắt và căng thẳng; Ngài cứ giúp tôi giải quyết mọi sự  trong cái vui vừa làm vừa trò chuyện với Ngài. Những công việc đáng ghét mà tôi phải làm dù không thường xuyên, chẳng còn là mối lo ngại của tôi nữa; tôi thường đùa với Ngài rằng: “Nếu Ngài không giúp con hoàn thành, con sẽ không nói chuyện với Ngài nữa!”. Ấy vậy mà cũng có những lúc tôi chẳng hoàn thành được, tôi cứ im lặng làm như vẻ giận Ngài vậy, rồi Ngài lại ra tay. Trong những lúc im lặng như thế, tôi thấy mình lại được một sự ôm ấp vỗ về của Ngài như một người mẹ dỗ dành con cái mình.

Tình yêu của Ngài luôn khỏa lấp mọi lo lắng, ưu phiền của tôi; nhất là những lúc mà tôi cảm thấy chán chường nhất. Tại sao tôi phải đối diện với sự thất bại? Phải chăng đó là cách Ngài yêu tôi mà tôi không hiểu nổi? Tôi đã phải sống trong đau khổ khi không chấp nhận sự thất bại đó. Càng đau khổ, tôi lại càng chất vấn Ngài nhiều hơn. Càng chất vấn Ngài, tôi lại càng khám phá ra lẽ phải mà Ngài dạy tôi. Cho đến bây giờ, tôi thầm cám ơn cái đau khổ ấy đã biến luyện tôi, khiến tôi nhận ra Ngài yêu tôi biết chừng nào. Trong đau khổ, Ngài dạy cho tôi biết Ngài là ai. Nơi đau khổ, Ngài hướng dẫn tôi sống đức tin cách vững mạnh. Nhìn đau khổ, Ngài chỉ cho tôi con đường phải đi. Qua đau khổ, Ngài huấn luyện tôi trở nên một con người đúng nghĩa. Đối diện với sự thất bại là cơ hội để tôi được nhìn lại chính mình và bước sang một ngã rẽ mới.

Tình yêu của Ngài luôn làm cho đời sống của tôi bình an và hạnh phúc. Không phải tôi bình an vì mọi sự được êm đẹp; nhưng ngay cả khi mọi sự không được diễn ra như tôi mong muốn, tôi vẫn thấy bình an vì tôi tin chắc đó là ý của Ngài. Tôi hạnh phúc vì từng giờ, từng phút tôi được tận hưởng sự bình an ấy. Tình yêu của Ngài đã đong đầy trái tim tôi những cảm nếm ngọt ngào, những hương vị tuyệt vời, những thăng hoa ngập tràn và những thổn thức dâng hiến. Ngài đến trong cuộc đời tôi khi tôi phải đối diện với cái tồi tệ nhất, để rồi Ngài làm cho mọi sự được trở nên tươi đẹp. Có lẽ tôi sẽ chẳng biết Ngài nếu điều tồi tệ ấy không xảy ra; có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ biết được sự hiện diện của Ngài nếu như không có những giờ phút để chất vấn Ngài; và cũng có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ nhận ra Ngài yêu tôi nếu tôi không để cho Ngài soi đường, dẫn lối. Tình yêu Ngài dành cho tôi đã khởi đi từ cái xấu xa nhất của tôi là muốn chất vấn Ngài mọi sự; Ngài thật tuyệt vời khi biến cái xấu xa đó của tôi trở nên sự gắn kết với Ngài. Tôi đã chất vấn Ngài; và Ngài đã trả lời cho tôi bằng cách dẫn tôi đi, cho tôi thấy, giúp tôi nhận định và hướng tôi hành động.

Tôi sẽ làm gì để đáp lại tình yêu của Ngài? Tôi chỉ biết làm mọi sự theo ý Ngài vì tôi biết rằng đó là con đường duy nhất đẹp lòng Ngài và đó là cách duy nhất tôi muốn nói với Ngài: Tôi yêu Ngài!

Therese Trần Thị Kim Thoa

Bỗng dưng yêu đời!

“Bỗng dưng yêu đời!”

Bỗng dưng yêu đời!”

Nhìn mây trắng bay trên nền trời!

Nhìn mây trắng bay ra ngoài khơi!

Bỗng dưng yêu đời!”

(Phạm Duy – Tuổi Xuân)

 Trần Ngọc Mười Hai

(1 Phêrô 2: 16-17)

Ấy đấy! Hát câu “Bỗng dưng yêu đời” những hai lần, là có ý gì? Chắc, đó không chỉ là lời ca hoặc câu hát rất “thất-thanh” của nghệ sĩ họ Phạm đâu đấy nhé! Hát như thế, chắc: cũng là lời khẳng-định của môt số đấng bậc ở nhà Đạo, lẫn ngoài đời.

Thôi thì, của ai thì của, nay bạn và tôi, ta cứ nghe thêm đôi lời nữa, rồi sẽ rõ với lời rằng:

“Bỗng dưng yêu đời!

Bỗng dưng yêu đời!

            Tình yêu thứ nhất quê hương đẹp ngời!

Rồi yêu kế tiếp, năm châu mọi nơi.

 Bỗng dưng yêu người!

Bỗng dưng yêu người!

Từ trong xóm vắng hay trên lộ đầy!

Từ nơi phố đó hay trong làng đây!

 Bỗng dưng yêu người!

Bỗng dưng yêu người!

Ở trong thương xá hay trên vỉa hè!

Ngồi xe “lam” lắc rung rinh đường quê!…”

(Phạm Duy – bđd)

Hát gì thì hát. Nói gì thì nói, có hát và nói về nghệ-sĩ già nhà ta cứ lung linh hoặc gì gì đi nữa, cũng mặc kệ. Hễ đã nghe ông hát câu trên rồi, nào ai dám bảo: ông khác xa người nhà Đạo mình? Bần đạo đây, vốn dĩ không biết nhiều về lối sống ở đời của nghệ-sĩ “già” được bao lăm. Duy, chỉ một điều, là: ông đây từng gây nhiều cảm-hứng cho bần đạo để viết phiếm, cũng vẫn đều. Bởi, có những bài phiếm do bần đạo viết, không ngoài ý-định “đem Đạo vào đời” để sống, thế thôi.

Hôm nay đây, nhân bàn về lối sống của nhà Đạo giữa đời, bần đạo bắt gặp được tư-tưởng và đường lối của đấng bậc nọ vẫn từng bảo:

“Suy tư nhiều về Tin Mừng hẳn có người sẽ nghi ngờ, là bài Thương khó thánh Máccô ghi, có thể đã nhấn mạnh nhiều vào tính miễn cưỡng của Chúa, khi Ngài chấp nhận khổ ải chăng? Quả là, thánh-nhân có nhắc lại việc Ngài ngồi cùng bàn với phường giá áo, túi cơm, làm bạn với bọn phản phé. Làm thầy những người chối bỏ sự thật, bỏ của chạy lấy người. Nhưng có lẽ ta cũng không nên hiểu thế mãi.

Chớ nên hiểu lối này. Bằng không, sẽ có người ngờ rằng: thánh Máccô ám chỉ Chúa đã hoảng sợ trước cái chết ô-nhục gần kề. Và, trong chiều-hướng ấy, lại có người cũng sẽ nghĩ rằng: khi Ngài cất tiếng dạy ta đọc kinh “Lạy Cha”, là Ngài kêu lên lời ai-oán để cứu mình khỏi cơn buồn phiền, đến thế sao?

Cuối cùng, hiểu theo chiều hướng này, sẽ có người lại cũng nghĩ rằng: Đức Kitô đã chuẩn-nhận “làm theo ý Cha”, nhưng vào phút cuối, Ngài vẫn thấy mình như bị bỏ rơi trên thập giá, phải thế không? Không. Đó không là thần học chín-chắn, rất chính-qui.

Suy cho kỹ, hiểu theo chiều hướng này, chắc chắn có sai sót. Bởi, đọc kỹ đoạn Chúa chấp-nhận thánh ý Cha tại Vườn Dầu, không nên hiểu theo hướng xấu, tức: đổ riệt mọi lỗi cho Chúa Cha;  nhưng, nên coi đây như một khẳng-định, rất chắc-nịch. Khẳng định rằng: Đức Kitô một lòng chung thủy đi theo đường lối Ngài đã chấp-nhận, khi thi-hành ý-định của Cha.

Với con người, Ngài vẫn một mực tuân-phục Cha. Tuân phục cho đến chết. Vẫn thương yêu con người, và yêu thương họ đến hơi thở cuối cùng.

Có như thế, Ngài mới trấn-át giới-chức đạo/đời, thời bấy giờ. Ngài qui-chiếu về khẳng-định nòng cốt này, đến độ họ thấy họ không làm gì được, ngoài chuyện ra tay ám-hại Ngài. Xem thế thì, bằng việc chấp-nhận cái chết trong tuân-phục, Ngài hy sinh đến phút cuối. Ngõ hầu chứng tỏ cho mọi người thấy: Ngài thương yêu loài người đến cùng.

Điều này cho thấy: Chúa đã sống thực. Sống tư cách rất “người”. Vì trung thực với cuộc sống thủy chung, Ngài bị quyền-lực đen tối sự dữ/ác dẫn đến nỗi chết về thể xác, chết rất nhục.

Hôm nay, có kinh qua thống-khổ của thập giá; và chết cho chính mình, ta mới nhận ra được cái giá phải trả, khi giáp mặt thực-trạng của người phạm lỗi, trái luật. Và có như thế, mới sống đúng yêu cầu của Vương Quốc Nước Trời. Vương Quốc bình an và công chính.

Trong cử-hành Tiệc thánh, ta tuyên-xưng mầu-nhiệm sống xứng-hợp Đạo, bằng việc tưởng-niệm sự sống, nỗi chết và sự sống lại của Chúa, cầu mong được chuyển thể từ tâm trạng sai lầm -nghĩ mình là nạn-nhân do Chúa muốn ta hy-sinh, đau-khổ- để tiến tới trở-thành kẻ có ý-thức chọn-lựa lối sống mẫu-mực yêu-thương của Chúa, Đấng suốt đời trung thành, thuỷ chung trong thuần phục. Thuỷ chung trong thương mến.

Cầu mong cho ta biết trân-quý sự sống, vì có trân-quý ta mới thực-sự từ-bỏ thái-độ tiêu-cực của những người luôn nghi-kỵ, chống-đối lại Vương Quốc Nước trời, ở trần gian.

Cầu và mong, ta dõi bước theo chân Chúa biết rập-khuôn bắt-chước lối sống thuỷ-chung, trong hành-xử giữa Cha và Con dù sự việc có xảy ra thế nào và đường đời có gian-nan đến độ nào đi nữa, Đức Kitô vẫn là mẫu mực cho sự thủy chung/tuân phục, dù Ngài gặp muôn vàn khổ ải đến cùng cực, vẫn làm gương cho ta cứ đầu cao mắt sáng, hiên ngang chúc tụng.

Chúc tụng Ngài, cả vào lúc cộng đoàn đang sầu buồn, than khóc ngày Chúa chịu khổ nạn. Bởi, với người dõi bước theo Chúa, sẽ chẳng có gì là tang tóc, đáng để ta than khóc cả. Mà, tất cả vẫn là yêu thương và đồng cảm. Đạo Chúa là Đường dẫn ta đi vào đời, lắm gian nan nhưng không là tang chế, với ta.” (X. Lm Richard Leonard sj, Dáng Em Thu Nhỏ Trong Lời Nguyện, Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá năm C 20/3/2016, www.suyniemloingai.blogspot.com 13/3/16)

Vâng. Theo ý của người viết ở trên, hỏi rằng: có đúng là tinh-thần Đạo của ta không nếu cứ ngồi đó mà hát những lời ca ủy-mỵ hoặc than/khóc, ủ-rũ? Rồi còn tạo ra những nghi-thức này/khác trong sống Đạo thực-tế ở đời, vào mùa lễ?

Suy cho cùng, người suy lẫn người dạy lại vẫn nghĩ, rằng: sống Đạo trong đời là sống thực những lời dạy của Thầy mình có giòng chảy y hệt lời người đời vẫn hay hát, như sau:

“Bỗng dưng vui nhiều!

Bỗng dưng vui nhiều!

Niềm vui thứ nhất Ba nuông Mẹ chiều

Và vui thêm nữa Anh yêu Chị yêu!

 Bỗng dưng yêu nhiều!

Bỗng dưng vui nhiều!

Niềm vui kế tiếp không chê giàu nghèo

Và vui chót hết em luôn được yêu…”

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Đúng ra phải là như thế, chứ đâu cứ phải rên-rỉ cả trong các bài hát lễ ở nhà thờ! Sống đạo, là sống vui với người/kẻ buồn ở mọi nơi. Sống Đạo, còn là “niềm vui kế tiếp, không chê giàu nghèo, và vui chót hết: em luôn được yêu!”

Vâng. Chính là như thế. Vui sống Đạo/đời là câu hát để đời người nghệ sĩ vui vẻ, vẫn hát rằng:

“Yêu biết bao cuộc sống

Yêu biết bao cuộc đời

Yêu từ ngày hôm nay

Yêu, sẽ yêu còn dài.”

(Phạm Duy – bđd)

Về yêu và sống như người đang yêu và còn yêu, bần đạo lại nhớ đến ý/lời trong câu truyện kể về việc sống ở đời, không hối tiếc, như sau:

Khi nhìn lại cuộc đời mình bạn hối tiếc điều gì nhất? 

Suy cho cùng, chính bạn chứ không phải ai khác là người chịu trách nhiệm cho việc bạn sử dụng số ngày còn lại của mình trong cuộc đời này ra sao. Thù hận hay yêu thương, hạnh phúc hay thảm hại đều chỉ là những sự lựa chọn. 

Theo Business Insider, đây là câu hỏi mà Karl Pillemer, giáo sư về phát triển con người tại trường Đại học Cornell (Mỹ), tác giả của tập sách “30 bài học của cuộc sống: Lời khuyên từ những người thông thái nhất nước Mỹ”, đã hỏi hàng trăm người cao tuổi trên 65 tuổi trong chương trình nghiên cứu Legacy Project (Dự án di sản) của Đại học Cornell. 

Tình yêu, sự nghiệp, con cái, v.v…, không phải là câu trả lời mà giáo sư Pillemer được nghe thấy thường xuyên nhất, mà thay vào đó lại là câu: 

 “TÔI ƯỚC RẰNG TÔI ĐÃ KHÔNG DÀNH QUÁ NHIỀU THỜI GIAN CỦA CUỘC ĐỜI MÌNH CHỈ ĐỂ LO LẮNG”. 

 Nhiều năm trước, khi giáo sư Pillemer, một chuyên gia lão khoa nổi tiếng thế giới gặp bà June Driscoll, một người phụ nữ đặc biệt. Bà Driscoll lúc nào cũng vui vẻ khi ở tuổi 90 và đang sống tại một nhà dưỡng lão. Bà Driscoll nói với giáo sư: “Sống vui vẻ, hạnh phúc nhất có thể chính là trách nhiệm của tôi, ngay tại đây, ngay hôm nay”. 

Câu nói đó đã truyền cảm hứng cho Pillemer đi tìm câu trả lời cho việc làm sao một thế hệ trải qua nhiều mất mát đau thương, qua các sự kiện lịch sử thảm khốc và đau ốm lại có thể là những người hạnh phúc nhất. Ông muốn truyền đạt trí tuệ này lại cho thế hệ trẻ, những người dường như quá mong manh, khi chỉ một sự việc không vừa ý nhỏ nhoi cũng khiến họ mất phương hướng đến nỗi tự kết thúc cuộc đời mình. 

Năm 2004, giáo sư Pillemer khởi động dự án Legacy Project và đã hỏi hơn 1.500 người Mỹ trên 65 tuổi về những bài học quan trọng nhất mà họ học được trong suốt cuộc đời mình.

Trong cuốn “30 bài học cuộc sống”, ông gọi những người mình phỏng vấn là “chuyên gia của cuộc đời” vì chính họ, qua những hạnh phúc và khổ đau, thành công và thất bại đã nắm giữ những bài học trí tuệ nhiều hơn bất cứ nội dung của cuốn sách dạy kỹ năng sống nào.  

Giáo sư Pillemer đã cho rằng những câu trả lời như “ngoại tình, công việc kinh doanh tồi tệ hoặc nghiện ngập” là những điều hối tiếc nhất trong cuộc đời của những người cao tuổi này.

Do đó, ông đã sửng sốt khi nghe đi nghe lại một câu trả lời: “Tôi ước rằng mình đừng lo lắng nhiều quá” và “Tôi hối tiếc vì đã lo sợ quá mức về tất cả mọi thứ”. 

Trong cuốn “30 bài học cuộc sống”, Pillemer nói rằng ông không thể không ngạc nhiên về bài học này. “Những người này đều trải qua các thời kỳ khó khăn trong lịch sử và các bi kịch của cuộc đời, tôi tưởng rằng họ được phép lo lắng ở mức độ nào đó”. 

 NHỮNG NGƯỜI HẦU NHƯ ĐÃ ĐI ĐẾN CUỐI CUỘC ĐỜI NÀY GIẢI THÍCH RẰNG THỜI GIAN LÀ TÀI SẢN QUÝ GIÁ NHẤT CỦA CON NGƯỜI. VIỆC LO LẮNG VỀ NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ KHÔNG BAO GIỜ XẢY RA, HOẶC LO SỢ VỀ NHỮNG THỨ CHÚNG TA KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC LÀ MỘT LÃNG PHÍ TÀI SẢN NÀY MỘT CÁCH XUẨN NGỐC. 

 Hành trình trên trái đất này của mỗi chúng ta là hữu hạn. Nếu lo lắng quá nhiều, bạn không còn mấy thời gian để tận hưởng, trải nghiệm và hạnh phúc. Vậy làm thế nào để giảm bớt thời gian lo lắng trong cuộc sống này? “Những người thông thái nhất nước Mỹ” nói với giáo sư Pillemer một số cách như sau: 

Hãy sống từng ngày, đừng luôn nghĩ tới tương lai quá xa

Khi bạn sống và thấy mình lo lắng quá nhiều, hãy dừng lại và tự nhẩm “Điều gì rồi cũng sẽ qua”.

Sự việc bạn đang phải đối mặt, dù khó khăn, đau khổ đến đâu rồi cũng sẽ trôi đi. Bạn không thể hủy hoại cuộc sống của mình bằng những suy nghĩ lo sợ được. 

Tuy nhiên, chắc chắn có những ngày u tối mà bạn cảm thấy lo lắng khủng khiếp, không cách nào ngừng lại. Lúc đó hãy cố nghĩ rằng: lo sợ không có tác dụng gì tốt cả. Nó giống như việc tự mình uống thuốc độc mà hy vọng tên hàng xóm đáng ghét sẽ chết vì đau bụng. Hãy gạt nó ra khỏi suy nghĩ hết mức có thể. 

 SỐNG VUI VẺ TỪNG NGÀY, ĐỪNG NGHĨ ĐẾN TƯƠNG LAI XA XÔI ẢM ĐẠM. VIỆC LẬP KẾ HOẠCH LÀ TỐT NHƯNG KHÔNG PHẢI LÚC NÀO MỌI VIỆC CŨNG XẢY RA THEO Ý MUỐN CỦA CHÚNG TA. DO ĐÓ, ĐIỀU QUAN TRONG NHẤT LÀ HÃY SỐNG TRON VẸN TỪNG NGÀY. THAY VÌ LO SỢ VÔ CỚ, HÃY HÀNH ĐỘNG 

 Nếu bạn thấy mình hay có những nỗi băn khoăn lo sợ, hãy tìm hiểu về nó. Ít nhất tìm hiểu nguyên do mà bạn lo lắng là gì, xác định nó rõ ràng. Chỉ việc ngồi lại và phân tích suy nghĩ tiêu cực của bản thân cũng giúp bạn gạt bớt được những muộn phiền vô lý. Tất nhiên, có những lo lắng hoàn toàn hợp lý. Khi đã xác định được chúng, hãy hành động, bắt tay vào làm cái gì đó thay vì ngồi yên và lo sợ. 

 HỌC CÁCH CHẤP NHẬN 1 CÁCH TÍCH CỰC 

 Bất chợt có điều gì đó xảy ra với bạn. Ai đó làm bạn tổn thương. Bạn thấy tức giận, bạn muốn trả thù. “Cô ấy không nên làm như thế với tôi, tôi sẽ nói cho cô ta như thế này, như thế này…”. Quan hệ nhân duyên của con người vô cùng phức tạp. Bạn chẳng thể nào biết được nguyên nhân chính xác tại sao tự dưng một người lại rời bỏ bạn, làm bạn bực mình hay bẽ mặt. Trong trường hợp này, những người cao tuổi từ nhà dưỡng lão sẽ mỉm cười và nói rằng: “Không biết bao nhiêu lần tôi đã tự cảm ơn bản thân vì đã không nói lời nào”. 

 ÍT NHẤT HÃY DỪNG LẠI VÀ ĐỪNG LÀM GÌ KHI TỨC GIẬN. -> BẠN CÓ THỂ NÓI NHỮNG LỜI NẶNG NỀ, GÂY THƯƠNG TỔN ĐỐI PHƯƠNG, NHƯNG SAU ĐÓ THÌ SAO? HÃY NHỚ RẰNG BẠN CHỈ CÓ THỂ ĐIỀU KHIỂN SUY NGHĨ CỦA MÌNH CHỨ KHÔNG THỂ THAO TÚNG TÌNH CẢM, TƯ DUY HAY CUỘC ĐỜI CỦA NGƯỜI KHÁC ĐƯỢC. 

 Hãy chấp nhận những thực tế mà chúng ta không có thẩm quyền thay đổi, gạt đi những suy nghĩ tiêu cực, nhanh chóng lấy lại cân bằng và tiếp tục trải nghiệm cuộc sống. 

Suy cho cùng, chính bạn chứ không phải ai khác là người chịu trách nhiệm cho việc bạn sử dụng số ngày còn lại của mình trong cuộc đời này ra sao. Thù hận hay yêu thương, hạnh phúc hay thảm hại đều chỉ là những sự lựa chọn.

             Suy cho cùng, hoặc suy thế nào đi nữa, vẫn là: suy về cuốc sống làm người và đi Đạo. Suy cho cùng là cũng suy và cũng nghĩ, nhưng chưa hẳn là cùng tận, cùng cực hoặc cùng với nhau. Mà, suy cho cùng là cứ suy cho rốt ráo, cho nhuần nhuyễn những điều mình được học và được suy, bấy lâu nay.

Suy cho cùng, là vẫn suy và cứ nghĩ mãi đến giây phút cuối cùng cuộc đời mình về cuộc sống đi Đạo, rất thương yêu.

Suy cho cùng, còn là và vẫn là suy về tình thương-yêu là cùng tột, cốt lõi của Đạo mình vẫn dạy dỗ.

Suy cho cùng, là vẫn cứ suy để rồi quyết thực-hiện những quyết-định đề ra trong đời mình. Quyết định đó, là quyết sống cho xứng-hợp một đời đi Đạo và sống Đạo của tình thương-yêu đùm bọc, rất tuyệt-vời.

Suy cho cùng, còn là: suy thêm đôi điều để mình và người sẽ không quên những điều cần-thiết rất quyết-tâm lâu nay. Tức, vẫn cứ bảo với mình và với người những điều được bậc thánh nhân hiền lành thường nhắc nhở, như sau:

“Anh chị em hãy hành động

như những người tự do,

không phải như những người lấy sự tự do

làm màn che sự gian ác,

nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa.

Hãy tôn trọng mọi người,

hãy yêu thương anh chị em,

hãy kính sợ Thiên Chúa…”

(1 Phêrô 2: 16-17)

Xem như thế, thì: tất cả nên đặt nặng vào sự tự-do mà “tôn-trọng mọi người”, và yêu thương lẫn nhau và kính sợ Thiên Chúa!” Kính và sợ Thiên-Chúa-là-Tình-yêu, còn có nghĩa kính và trong tình thương-yêu lẫn nhau trong thực-hiện lời huấn-dụ rất vàng ngọc.

Sống tự-do/yêu-thương còn là sống giùm giúp/đùm bọc lẫn nhau cả lúc vui cũng như lúc buồn. Cả, thời vàng son cũng như lúc bĩ-cực, rất đời người.

Sống rất tự-do trong yêu-thương còn là sống cùng và sống với nhau trong Đạo, ngoài đời. Dù, người đời có là người trong Đạo hay ngoài Đạo, vẫn cứ yêu-thương/đùm bọc, giùm giúp. Giùm và giúp để cùng nhau sống có lời hát vui tươi, như mọi người vẫn hát ca-từ của nghệ-sĩ ngoài đời, sau đây:

“Bỗng dưng yêu nhiều!

Bỗng dưng vui nhiều!

Niềm vui kế tiếp không chê giàu nghèo

Và vui chót hết em luôn được yêu…”

 Yêu biết bao cuộc sống

Yêu biết bao cuộc đời

Yêu từ ngày hôm nay

Yêu, sẽ yêu còn dài.”

(Phạm Duy – bđd)

Sống vui và yêu nhiều, còn là sống với mọi người trong vui tươi, hoà hoãn, có kèm những truyện kể rất vui, để nhắc nhau sống cuộc đời mãi như thế.

Sống thực-tế vui tươi, “yêu nhiều” còn là sống rất hãnh-tiến như truyện kể thêm ở dưới để minh-hoạ cho một đời đáng yêu và đáng sống, như sau:

“Ngày xưa, có ông lão cứ vui cười ca hát suốt ngày.
Thấy lạ, có người hỏi:
– Tại sao ông vui tươi mãi như thế?
Ông lão đáp:
-Trời sinh ra muôn loài muôn vật, trâu chó dê ngựa… Người là sinh vật cao nhất, “Tối linh ư vạn vật”. Ta được làm người. Ấy là điều sướng thứ nhất.
-Trời sinh có người tàn tật, đui què. Ta được lành lặn, ấy là điều sướng thứ hai
-Người đời thường vì sự giàu có, danh vọng mà phải gian khổ. Ta có ăn đủ một ngày ba bữa, không lo lắng gì cả. Ấy là điều sướng thứ ba
-Còn như sinh lão bệnh tử là điều không ai tránh được. Ta cũng như mọi người, việc gì phải buồn.
-Nghĩ tới ba điều sướng ta có được, ta vui ca cũng là chuyện thường tình, mắc mớ chi phải hỏi. (
trích từ Cổ Học Tinh Hoa thời xưa cổ)

 Cũng có thể: đó là những điều “sướng nhất” trong đời. Cũng có thể, còn nhiều điều “sướng hơn thế” nhưng tác giả chưa kể hết. Cũng có thể, cuộc đời người không chỉ như thế với nỗi vui và điều “sướng nhất” rất đáng để kể. Và, cũng có thể, còn rất nhiều điều bạn và tôi, ta chưa thể và không thể kể ra hết được.

Thế nhưng, gì gì đi nữa, cũng hãy cùng tôi/cùng bạn, ta cứ hát lên những điều vui sướng rất “bỗng dưng” trong đời để còn yêu đời rất “đáng yêu” như ca-từ được tôi và bạn hát mãi trong đời mình, đời người như sau:

“Bỗng dưng yêu người!

Bỗng dưng yêu người!

Từ trong xóm vắng hay trên lộ đầy!

Từ nơi phố đó hay trong làng đây!

 Bỗng dưng yêu người!

Bỗng dưng yêu người!

Ở trong thương xá hay trên vỉa hè!

Ngồi xe “lam” lắc rung rinh đường quê!…

 “Bỗng dưng yêu nhiều!

Bỗng dưng vui nhiều!

Niềm vui kế tiếp không chê giàu nghèo

Và vui chót hết em luôn được yêu…”

 Yêu biết bao cuộc sống

Yêu biết bao cuộc đời

Yêu từ ngày hôm nay

Yêu, sẽ yêu còn dài.”

(Phạm Duy – bđd)

 Vâng. Cứ yêu và cứ hát lên những điều đáng yêu và đáng sống trong đời mình và đời, ở khắp nơi. Vào mọi lúc.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn thường có quyết tâm như thê

Nhưng lại hay quên

Vì đời, vì người

Và vì người đời trong đời.

Ngoảnh lại, nàng Thơ đã ở bên,

“Ngoảnh lại, nàng Thơ đã ở bên,”

“Mỉm cười, ôi khoé miệng trăm duyên.

Lời nào tả được tình lưu-luyến,

Buổi mới cân-cần với bạn hiền.”

(Dẫn từ thơ Thế Lữ)

 Mai Tá lược dịch.

Với dân-gian thi-giới, Người là Nàng Thơ. Và, khi thi-nhân ngoảnh lại, Nàng Thơ đã ở gần.

Với dân con nhà Đạo, Người là Bạn Tiên Đấng Thánh. Và, khi Đấng Tháng hiện đến, Người ân-cần vẫn mỉm nụ cười có khoé miệng trăm duyên thổi hơi. Làn hơi Chúa thổi, thân-thương đầy tình lưu-luyến, rất Thánh Thần-Bạn Tiên. Và cũng ân-cần vào buổi mới, như trình-thuật diễn-tả, rất hôm nay.

Trình thuật miêu tả buổi mới rất sớm lúc Chúa Phục Sinh. Chính vào ngày Phục Sinh lúc ấy, Thánh Thần Chúa hiện đến với môn đệ bằng hơi của Thầy Chí Thánh (Yn 20: 22). Nhưng ở sách Công vụ, lại thấy ghi: Thánh Thần Chúa xuất hiện vào ngày Ngũ Tuần mang hình lưỡi lửa tản xuống, với từng người (Cv 2: 3).

Hai bản văn, hai phong cách đối chọi hơi khác biệt. Nhưng, cùng nói lên cũng một hiện trạng, rất thực tế. Thực tế, là thời gian – nơi chốn và biểu tượng không là điều quan-trọng với Đức Chúa. Quan trọng, là: hôm nay xuất hiện một trời mới đất mới Chúa đã sáng tạo. Và, buổi mới hôm nay ngập đầy Bình an và Nỗi vui của trời mới đất mới, Ngài mang đến.

Bình an và nỗi vui đến từ “hơi thở”, một thực thể rất chân thật không cần phải thắc mắc hoặc ngỡ ngàng. Bởi, theo ngôn ngữ người Hy Lạp, “hơi thở” và “thần khí”, chỉ là một. “Hơi thở” gợi nhớ làn hơi Chúa hà vào bụi đất, đem sự sống đến với người đầu tiên, trên trái đất (Kn 2: 7).

Ở đây cũng thế, “Thần khí” được hà hơi vào môn đệ, để các ngài trở thành người mới; người, mà thánh Phaolô nói đến trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô (1Cr 12: 7).

Rõ hơn, đây chính là hình ảnh mà thánh Luca sử-dụng để đưa vào sách Công vụ, với các yếu tố nổi bật làm nền. Ở thánh Luca, “hơi thở” hay “thần khí” là làn gió vẫn thổi đi (Cv 2: 2). Và, để miêu tả rõ hơn về gió vẫn thổi, thánh nhân còn sử dụng hình ảnh “lưỡi lửa” để gợi nhớ những tháng ngày dân con Đức Chúa lưu lạc nơi quê người.

Tại xứ sở đầy sa mạc. “Lửa”, đối với Môsê và cuộc xuất hành qua sa mạc, là hình ảnh về sức mạnh và sự hiện diện của Chúa luôn bên cạnh con dân.

Trên thực tế, khi nói “gió” và “lửa” là nói về trạng huống dân Ngài chọn đã có Chúa ở cùng. Cũng vậy, khi nói nhângian thi-giới tức: có “Nàng Thơ đã ở bên” với thi sĩ, còn con dân nhà đạo thì: Người là Đấng Bạn Tiên. Đấng ân-cần vào buổi mới. Vào buổi, Thần Khí Chúa lưu lại ở mãi với các kẻ tin vào Ngài. Ngài lưu lại không lúc nào nghỉ ngơi. Lưu lại như thế, Ngài đã sáng tạo chất sống mới cho con người, mà ta luôn gọi là Trời mới, đất mới.

Và, mỗi khi có Thần Khí Bạn Tiên “hà hơi” – “lưu lại”, là có bình an và hiệp nhất. Một bình an, Đức chúa từng khẳng định: “Anh em tha lỗi cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Yn 20: 23). Thành thử, khi Thần Khí đến với ai, hiển nhiên là có hòa giải với người ấy. Những hòa-giải và bình-an đã giải thóat mọi kẻ lâu nay bị cầm giữ.

Hòa-giải đây, còn là sự hài-hòa kết-hợp con dân thế trần với Đức Chúa. Kết nối và hòa hợp mọi người với nhau như người anh, người chị một nhà. Hòa và giải, còn là động tác chữa lành mọi lầm lỗi và thương tật. Hòa và giải, là kết nối trở lại những gì đã phân rẽ.

Vấn đề hôm nay, là: việc Thần Khí Chúa hiện đến có ảnh-hưởng gì trên cuộc sống của mỗi người, và mọi người? Trả lời vấn nạn rất căng này, thánh Phaolô kịp can thiệp để xác minh, như sau: “Không ai có thể nói Đức Giê-su là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí.” (1Cr 12: 3b).

Nói rộng hơn, gọi Đức Giê-su là “Chúa”, và là “Thầy”, ta không chỉ “mỉm cười như môn-đệ thuở trước. Nhưng, ta đặt trọn vẹn niềm tin nơi Người là Bạn Tiên, rất ân cần. Và, để chứng tỏ niềm tin-yêu rất riêng với Người, ta chỉ có thể làm được như thế bằng vào cuộc sống thực tế, ở đời. Sống thực-tế ở đời, là sống Đạo giữa người đời, với người đời.

Mặt khác, với Thần Khí Chúa hiện đến, Bạn Tiên rất Nhân Hiền còn là đặc sủng Chúa gửi để hòa giải những ai tiếp nhận tha nhân – anh em vào chung sống với ta trong cùng cộng đoàn. Tuy nhiên, ân sủng đặc biệt mà Thần Khí Chúa tặng ban nay mang sắc mầu rất khác biệt. Khác biệt chứ không riêng biệt.

Bởi, đặc sủng Chúa ban, là ban cho hết mọi người. Không trừ một ai. Không dành cho riêng ai. Cũng chẳng gửi về địa chỉ của cá nhân nào, riêng lẻ.

Do đó, bổn phận người nhận đặc sủng là sử dụng quà đặc biệt ấy để dựng xây cộng đoàn, mình đang sống. Như thế, dù với số đông, ta vẫn trở nên cùng một Thân Mình Đức Kitô. Như thánh Phaolô từng quả quyết: “Dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.” (1Cr 12: 13).

Cuối cùng, Thần Khí Chúa hiện đến, còn để giải thóat mỗi người chúng ta. Ngài giải thoát con người phàm khỏi vòng cương tỏa của thân làm tôi/mọi cơn nghiện-ngập ở một số người, hà tiện bủn xỉn, nơi nhiều người. Và, cả đến hãi sợ cũng được Ngài giải thoát, cho nữa.

Có Thần Khí Chúa hiện đến, chắc chắn ta có được tương quan nồng thắm được gần gũi tin-tưởng nơi Chúa. Có thế, ta dám gọi Ngài là “Cha”. Có Thần Khí Chúa tràn đầy, ta mới đương nhiên trở thành con cái Chúa, theo nghĩa trọn vẹn và đích thật.

Và, khi đã là con cái Chúa theo nghĩa thật, Thần Khí sẽ giúp chúng ta kế thừa Đức Kitô để rồi, ta sẽ cùng đau khổ với Ngài và cũng vùng dậy, từ các hạn chế cản ngăn không cho ta hành xử theo tư thế tự do con cái Chúa.

Và, khi đã quyết tâm với sự thật, với tin-yêu, tự do đích thật và có phẩm giá cao quý của con người, ta sẵn sàng trả bất cứ giá nào, nếu cần, để có thể dâng trọn chính cuộc đời ta đang sống, rất vinh quang.

Có Thần Khí-Bạn Tiên ở với ta, nay là lúc ta san sẻ “Nàng Thơ” ấy với mọi người, bạn và thù. Sẻ và san, để mọi người sẽ có kinh-nghiệm sống như ta. Kinh-nghiệm, dẫn ta cũng như bạn bè/người thân về với Nước Trời đầy yêu-thương, đang giải-thoát.

Trong sẻ-san Thần Khi Chúa với vui-tươi/hoà-đồng, ta cùng với người nghệ-sĩ hôm trước cất tiếng líu-lo, hát rằng:

Hỡi nắng, hãy sáng lên, để ngàn hoa tươi-thắm hơn!

Hỡi Gió hãy cuốn lên, để đồng xanh tươi-mát hơn.

Thôn quê hân hoan mừng ngày mùa sang,
Người người hò vang, đàn hòa tình tang
Nhịp nhàng vẳng xa.”

(Văn Phụng – Bức Hoạ Đồng Quê)

Đúng thế. Hỡi nắng và gió, hỡi Nàng Thơ/Bạn-Tiên hãy sáng lên, hãy cuốn lên, để người người hân-hoan mừng ngày Thần-Khí Chúa hiện đến. Chúa hiện đến, đem Tin Vui An Bình Hoà Hoãn đến với đồng xanh, thôn quê, với thị-thành. Để rồi, người người tung-hô lời ngợi-ca Thần Khí Chúa. Thần-Khí của Tình Yêu trọn vẹn, tình hân-hoan với phúc-hạnh.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch.

Lời Chúa để suy ngẫm

  Tin Mừng: (Ga 14: 15-16, 23b-26)

 

“Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “ Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến với anh em luôn mãi.

 

Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đò sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”

 

CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC

CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC

 Tác giả:  Nhà Văn Hương Vĩnh

“Chúa Giêsu đáp: ‘Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.’” (Ga 14, 23-29)

* * * * *

Đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan trên đây rất sâu sắc và phong phú. Để hiểu rõ đoạn Phúc Âm đó, thiết tưởng nên nhờ vào nguồn mạch minh triết của Thánh Tôma Aquinô.

Thiên Chúa ở trong hoả ngục?

Thánh Tôma Aquinô trong sách “Summa Contra Gentiles” (“Tổng Luận Về Việc Đối Phó Với Dân Ngoại”) đã đặt câu hỏi: “Thiên Chúa ở khắp nơi không?” Rồi tiếp theo đường lối luận lý khúc chiết như thường lệ, ngài đã hỏi thêm: “Thiên Chúa có ở trong hoả ngục không?” Và thánh nhân hỏi tiếp: “Thiên Chúa làm gì ở trong hoả ngục?” Sau cùng ngài tự trả lời: “Thiên Chúa ở trong hoả ngục để yêu thương những kẻ bị đoạ đày”.

Những người bị đoạ đày ở trong hoả ngục có thể từ chối việc yêu mến Thiên Chúa nhưng họ không thể làm gì để ngăn chặn Thiên Chúa yêu thương họ, bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa và “Thiên Chúa là tình yêu”. Giờ đây, nếu chúng ta ngạc nhiên và tự hỏi tiến trình suy luận đó có liên hệ gì đến đoạn Phúc Âm của Thánh Gioan trên đây không?  Câu trả lời là có.

Thánh Tôma chỉ làm chứng về sự kiện Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và yêu thương mãi mãi, bất kể chúng ta là ai hay chúng ta làm gì và cho dù chúng ta sống trên đời này, lên thiên đàng hay xuống hoả ngục.

Thánh Grêgôriô Nyssa sống vào cuối thế kỷ thứ tư ở miền Trung nước Thổ-Nhĩ-Kỳ, đã đặt câu hỏi như sau: “Các bạn có muốn biết sự khác biệt giữa sự cứu rỗi và kiếp đoạ đày, giữa thiên đàng và hoả ngục không?”

Và đây là thí dụ mà Thánh Grêgôriô đã trưng dẫn: Bạn hãy nghĩ tới một ngày đẹp trời nào đó, với ánh nắng rực rỡ. Khi bạn đi ra ngoài đường, dưới ánh nắng chói lọi, bạn sẽ có kinh nghiệm về ánh nắng mặt trời như là cái gì dễ chịu, thích thú, kỳ diệu, hứng khởi.

Rồi ngài nói tiếp: Giờ đây bạn thử tưởng tượng một người nào đó bị đau mắt nặng và cũng đi ra ngoài nắng như vậy. Vì con mắt bị bệnh, người đó lại có kinh nghiệm về ánh nắng mặt trời một cách khác hẳn: ánh nắng mặt trời như là cái gì khó chịu, nhức nhối, tai hại, làm cho loà mắt…và họ không thể chịu đựng được, chỉ muốn đi xa hẳn ánh nắng mặt trời.

Và Thánh Grêgôriô kết luận: Đó, thiên đàng và hoả ngục cũng hoàn toàn giống như thế đó. Thiên đàng và hoả ngục cũng là một. Cả hai hoàn toàn giống nhau. Sự khác biệt giữa hai thực thể đó là có người muốn thiên đàng và có người không muốn.

Nếu bạn muốn thiên đàng, bạn sẽ run lên vì cảm động. Nếu bạn không muốn thiên đàng – và điều đó thật tai hại – bạn vẫn sẽ được Thiên Chúa âu yếm nhưng trái với ý muốn của bạn, bởi vì bạn không thể ngăn cản Thiên Chúa yêu thương bạn được. Thiên Chúa là tình yêu. Bạn không thể ngăn cản Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu. Hoả ngục chỉ có đối với Satan vì Satan được Thiên Chúa âu yếm trái với ý muốn của nó.”

Ân sủng

Chúng ta có một cụm từ đặc biệt để diễn tả tình yêu Thiên Chúa. Đó là cụm từ “ân sủng” (“grace”). Cụm từ đó xuất phát bởi tiếng La-tinh ‘gratis’ có nghĩa là ‘cho không’ (free). Ân sủng là một tặng phẩm ‘nhưng không’ của Thiên Chúa. Chúng ta không thể làm gì để được hưởng hay đáng được ân sủng. Người ta bảo mọi sự là ân sủng của Thiên Chúa. Người ta nói ân sủng của Thiên Chúa ở khắp nơi. Chúng ta không thể xa rời ân sủng được.

Và người ta cũng thường nói là mọi sự hiện hữu được bởi vì Thiên Chúa yêu thương. Tình yêu Thiên Chúa là lý do mà chúng ta tồn tại. Cái ghế mà chúng ta đang ngồi trên đó cũng là ân sủng của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không còn yêu thương cái ghế đó nữa tức thì sự hiện hữu của nó bị chấm dứt ngay.

Thực phẩm chúng ta ăn vào, những người chúng ta yêu thương…là những ân sủng của Thiên Chúa. Vạn vật đều được Thiên Chúa sáng tạo và Ngài yêu thương hết mọi tạo vật của Ngài, bởi vì Thiên Chúa đã cấu trúc toàn bộ hệ thống đó!

Khi đề cập như trên, một vấn nạn được đặt ra, có tính cách siêu hình. Chúng ta có tài mau lãng quên những thực tại kỳ diệu ở chung quanh chúng ta. Chúng ta thật đáng trách vì thường xuyên quên bẵng những hồng ân Thiên Chúa ở trong đời sống chúng ta.

Cái nháy mắt và nhịp tim đập

Khi bạn khởi đầu đọc bài suy niệm này, mắt bạn đã chớp liên hồi. Và cho đến giây phút này đây, bạn đã không đếm số lần mắt mình đập là bao nhiêu, trừ khi bạn cảm thấy bài viết này vô vị, nhàm chán. Nhưng biết đâu có người sẽ nói: “Tôi đã đếm được con số 5,666 cái chớp mắt!!!” Đúng hay sai, chúng ta không rõ.

Vấn đề là khi chúng ta chớp mắt – cho dẫu chúng ta đã làm việc đó thường xuyên – chúng ta đã không nhận ra điều đó. Chúng ta đã chớp mắt một cách tự động. Chúng ta không nhận thấy mắt chớp, cho tới khi chúng ta không thể chớp mắt được nữa. Chính khi chúng ta không thể chớp mắt được thì sự chớp mắt trở nên quan trọng. Nếu chúng ta bị bệnh tê liệt Bell thì chúng ta không thể chớp mắt được.

Cũng thế, con tim chúng ta đập không ngừng. Nhưng chúng ta không bao giờ nhận ra nhịp đập của con tim cho tới khi tim đập nhanh lên hay chậm lại hoặc ngừng đập. Nếu tim ngưng hẳn, chúng ta cũng không nhận ra nhịp tim đập nữa. Đã quá trễ rồi! Nhưng người khác sẽ nhận ra điều đó khi chúng ta ngã quỵ trên sàn nhà.

Đối với dưỡng khí cũng thế. Không ai để ý cho tới khi dưỡng khí đã cạn kiệt và không còn khí thở nữa. Chúng ta không để ý tới những gì luôn luôn có mặt ở đó, nơi bản thân chúng ta hay bên cạnh chúng ta.

Thời gian linh thánh

Có những thời gian được chúng ta gọi là ‘thời gian linh thánh’. Dĩ nhiên, mọi thời gian là linh thánh hết. Và nếu thế, tại sao có một số thời gian được chúng ta gọi là ‘thánh’. Chúng ta gọi Chúa nhật là thánh. Chúng ta có những ngày nghỉ lễ (“holidays” = “ngày thánh”) bắt buộc. Chúng ta có Thứ Năm tuần Thánh, Thứ Sáu tuần Thánh và Thứ Bảy tuần Thánh. Chúng ta có mùa Chay Thánh. Ý nghĩa như thế nào khi chúng ta nói Bốn Mươi Ngày Chay Thánh là mùa thánh?

Chắc chắn điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện trong bốn mươi ngày mùa Chay nhiều hơn trong ba trăm hai mươi lăm ngày kia còn lại trong năm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn gọi Chúa nhật là ngày thánh. Chúng ta gọi ngày đó là ‘ngày của Chúa’. Nhưng chúng ta không nói thứ năm là ngày của Chúa. Chúng ta không nói Chúa tới văn phòng Chúa nhật mà không tới ngày thứ năm.

Nhiều người tưởng Chúa vắng mặt ở văn phòng từ thứ hai đến thứ bảy và Chúa chỉ xuất hiện vào Chúa nhật. Thiên Chúa ở trong văn phòng chúng ta mỗi ngày bởi vì mỗi ngày là ngày của Chúa, và mỗi mùa là mùa thánh.

Nhưng chúng ta không thấy sự thật như vậy. Đó là vấn đề của chúng ta và chúng ta phải chấp nhận điều đó. Chúng ta không chú ý đến điều đang xảy ra với chúng ta và điều đó vẫn luôn luôn là vậy. Vì lý do đó, chúng ta đã để Chúa nhật riêng ra ngõ hầu chúng ta là những thành phần của cộng đồng dân Chúa có thể quan tâm đến sự kiện kỳ diệu là mỗi ngày và mỗi mùa là những hồng ân của Thiên Chúa.

Đó cũng là lý do tại sao chúng ta tề tựu ở trong nhà thờ để tạ ơn Chúa và gọi thánh đường là một nơi thánh. Nhưng đó không có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện ở trong nhà thờ nhiều hơn và Ngài hiện diện ít hơn ở bãi đậu xe, trên xa lộ, trong siêu thị, nơi quán rượu, ở phòng khách và tất cả những chỗ khác mà chúng ta thường lui tới? Không, điều đó không hợp với sự hiểu biết về linh đạo Kitô giáo.

Không gian thánh

Những địa điểm nói trên cũng là những nơi thánh, bởi vì hồng ân của Chúa ban phát khắp nơi. Dĩ nhiên, chúng ta cần thánh hiến một nơi chốn riêng biệt, không phải vì Chúa ở nơi đó mà thôi, nhưng đúng hơn và kỳ diệu thay, Thiên Chúa ở khắp nơi trên quả địa cầu, trên thiên đàng hay dưới hoả ngục. Đó là điểm tuyệt hảo đối với lối suy tư và linh đạo Kitô giáo. Đó là tư duy và linh đạo nhằm nhào nắn chúng ta trở thành cộng đồng dân Chúa mà chúng ta được mời gọi.

Elizabeth Barrett Browning đã đặt câu hỏi: “Nếu trái đất bừng cháy bởi ngọn lửa của Thiên Chúa, tại sao chúng ta ngồi đó đây để nhặt những quả dâu chín?” Nữ sĩ muốn hỏi tại sao chúng ta đã mất ý niệm về ân sủng, ý niệm về thế giới là thánh, về mọi sự là thánh và mọi sự là một bí nhiệm? Đó là những vấn nạn lớn lao.

Chúng ta rất cần một nhãn quan và một linh đạo gây cảm hứng cho chúng ta để sống một cuộc sống cao quý hơn. Chúng ta cần tề tựu ở một nơi riêng biệt được gọi là thánh đường hay nhà thờ, từ Chúa nhật này sang Chúa nhật khác, để chúng ta có thể tán tụng hết mọi hồng ân Thiên Chúa và đặc biệt thay, chỗ độc nhất của Ngài là ở trong đời sống chúng ta và trong tạo vật của Ngài là chính chúng ta.

NGUỒN

Trích Bài Suy Niệm 32, Dịch Phẩm “ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA” – Dịch giả: Hương Vĩnh
Nguyên tác “IN STEP WITH GOD” – Tác Giả: Lm Vincent Travers OP.

Tác giả:  Nhà Văn Hương Vĩnh

LỄ THĂNG THIÊN

  LỄ THĂNG THIÊN

 Tác giả:  Nhà Văn Hương Vĩnh

“Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.” (Lc 24, 50-53)

* * * * *

Chúa Giêsu Thăng Thiên là một biến cố mà các Tông Đồ không bao giờ quên được. Họ sẽ không bao giờ gặp lại Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt. Đó là lúc giã biệt. Lời nói giã biệt cuối cùng bao giờ cũng đau đớn nhất. Cứ theo bản tính con người mà nói, có lẽ họ đã trở về lại kinh thành Giêrusalem với một tâm trạng sầu muộn. Nhưng thay vì trở lại kinh thành, than khóc buồn bã, thật ra họ rất vui mừng, như Thánh Luca đã viết trên đây. Một điều đầy ý nghĩa đã xảy ra nơi đỉnh đồi nhìn xuống kinh thành tráng lệ đã biến đổi họ từ trạng thái sa sút tinh thần đến một tình trạng mừng vui.

Cuộc sống đáng sống

Một thiếu nữ sau khi sinh bé gái đầu lòng đã cho biết chị rất ngạc nhiên đến sững sờ khi nhận thấy chị có thể yêu thương con chị một cách đậm đà đến thế. Chị ở bên cạnh con, lòng tràn đầy niềm vui. Sự sinh đẻ đã biến đổi con người của chị. Kinh nghiệm thật đáng giá, đầy ý nghĩa.

Giống như khi chúng ta ngắm nhìn vũ trụ bao la với muôn vàn vì sao lấp lánh khiến chúng ta phải thốt lên: “Ôi lạy Chúa! Thật tuyệt diệu biết bao!” Và dĩ nhiên Thiên Chúa rất hài lòng khi nghe chúng ta xưng tụng kỳ công tuyệt hảo của Ngài. Đó là chúng ta nói theo ngôn ngữ loài người. Thiên Chúa rất ngạc nhiên khi thấy ai đó ở nơi chân trời xa lạ đã tán thưởng kỳ công do bàn tay Ngài tạo dựng. Rồi Thiên Chúa thấy chúng ta đến với Ngài và la lên: “Thật tuyệt diệu!” Và Thiên Chúa cảm thấy thích thú vì chúng ta đã mở mắt ra để chiêm ngắm những kỳ quan của Ngài.

Đó là kinh nghiệm mà các Tông Đồ đã trải qua trong ngày Thăng Thiên của Chúa. Họ đã bừng sáng mắt ra khi chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa. Điều này cắt nghĩa tại sao họ đã trở lại Giêrusalem mà hồn còn ở trên mây. Và “Linh đạo” có nghĩa là tỉnh thức đối với những thực tại cao cả đang bao quanh chúng ta.

Sống là thay đổi

Gerard Manley Hopkins là một thi sĩ người Ái-Nhĩ-Lan. Hồi còn trẻ, ông là một giáo sư dạy học tại một học đường của các cha dòng Tên ở Wales. Ngày kia ông đang trên đường trở về nhà ở trong cư xá dòng Tên. Lúc bấy giờ là mùa thu. Hopkins đang ở trong một trạng thái rầu rĩ vì mùa hè đã qua, mùa đông sắp tới và thời tiết bắt đầu đổi thay. Nếu ai đã trải qua mùa đông ở Wales thì sẽ rõ tại sao thi sĩ bị sa sút tinh thần. Tại đây rất nhiều ngày chỉ thỉnh thoảng sương mù hơi mỏng một chút, nhưng phần nhiều trong ngày là một màn sương dày đặc ẩm ướt bao trùm và nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy mờ mịt.

Đang khi ông trên đường trở về nhà, bất chợt Hopkins tự nói với mình: “Hãy thư thả một chút. Mùa hè không còn đây nữa. Hè đã qua rồi. Mùa đông chưa có ở đây. Mùa đông chưa đến. Vậy thì mùa gì đây? Đó là mùa thu, mùa của lá rụng và cũng là mùa gặt hái hoa quả. Hãy mở mắt ra mà xem. Xem vẻ đẹp của hoa lá. Xem mây trôi lơ lững trên nền trời. Hãy thưởng thức gió mát từ bờ biển Ái-Nhĩ-Lan thổi vào. Đừng bận tâm về điều gì không còn ở nơi đây nữa. Đừng bận tâm về điều gì chưa xảy tới nơi đây. Hãy ngắm xem cái gì đang xảy ra bây giờ đây. Hãy trân trọng giây phút hiện tại. Hãy trân trọng vẻ đẹp rạng rỡ đang phô bày trước mắt!”

Điều mà Hopkins đang ngắm nhìn vẫn luôn hiện diện ở đó. Điều thiếu sót là không có ai nhìn ngắm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ ấy mà thôi. Thiên nhiên không thay đổi. Mùa gặt hoa quả đã không bắt đầu ngay lúc đó. Lá cây cũng không đổi màu vào giây phút ấy. Vậy cái gì đã thay đổi? Chính Hopkins đã thay đổi và vì thi sĩ đã thay đổi nên ông lần bước trở về nhà mà tâm hồn ông đã biến đổi theo mùa xuân đang dò dẫm theo những bước chân âm thầm của ông, với nụ cười tươi nở trên khuôn mặt và một bài hoan ca sảng khoái ở trong tâm hồn mà giờ đây đang trỗi dậy khi ông đối diện với vẻ đẹp thần tiên của một buổi chiều vào thu ở xứ Wales đầy trìu mến.

Trở nên hoàn thiện là năng thay đổi

Vào ngày Thăng Thiên, Chúa Giêsu không thay đổi. Ngài cũng vẫn là một Chúa Giêsu. Dĩ nhiên Ngài đã trở về với Chúa Cha. Ở một giai tầng nào đó, Chúa không còn ở với các tông đồ nữa, nhưng ở một giai tầng cao hơn, Chúa vẫn ở với họ một cách nào đó mà trước kia họ không bao giờ chứng nghiệm được.

Vậy thì ai đã thay đổi? Chính các Tông Đồ đã thay đổi. Đó là điều bất chợt đã chiếu toả trên họ, ở trên đỉnh đồi đó, điều mà Chúa đã hứa hẹn là sẽ ở với họ luôn mãi. Sự kinh ngạc về điều đó đã thay đổi họ. Họ đã được biến đổi. Vì vậy tại sao họ đã trở về lại kinh thành Giêrusalem, không phải với những dòng lệ tuôn tràn trong đôi mắt mà với một bài hoan ca ở trong con tim. Giờ đây họ đã có một nhãn quan mới mang lại nhiều nghị lực cho họ và làm cho cuộc đời của họ mang nhiều ý nghĩa. Đó là nhãn quan về Chúa Phục Sinh sẽ ở với họ luôn mãi và họ sát cánh bên nhau trong niềm hoan lạc.

Tại sao chúng ta ngày nay mừng kỷ niệm mầu nhiệm cao cả về biến cố Thăng Thiên? Chúng ta không chủ ý tụ họp lại cho đông đảo, để nêu gương tốt cho con em, hoặc để làm vui lòng người lớn. Chúng ta hội nhau lại để mở mắt ra như Hopkins đã làm, vào một ngày mùa thu ảm đạm ở xứ Wales và chiêm ngưỡng sự vinh quang của Chúa trong giây phút hiện tại để rồi thốt lên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa cao cả biết bao!”

Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Điều thiếu sót là chúng ta chưa nhận ra Ngài. Thăng Thiên làm cho chúng ta có khả năng rời khỏi nơi gọi là Núi của Chúa để trở về nhà chúng ta với lòng mừng vui. Một thứ mừng vui làm cho chúng ta muốn biết điều gì sẽ xảy ra? Điều gì đã đến với chúng ta? Điều gì đã vượt lên trên chúng ta? Các Tông Đồ đã cảm nghiệm một sự khác biệt. Một đức tin mà không có gì khác biệt thì không còn là một đức tin nữa. Một người thấy đường đi thì sẽ bước đi khác với một người mù mắt.

Đức Hồng Y Newman có lần đã nói: “Sống là thay đổi. Trở nên hoàn hảo là năng thay đổi.” Chúng ta thay đổi hay không thay đổi? Đó là vấn đề! Những ai thay đổi và năng thay đổi là những người sống thật. Những ai không thay đổi và giữ nguyên cách sống của họ là những kẻ chỉ sống mà không sống thật. Sự lựa chọn trước mắt là ở giữa sự sống và sống thật.

Mỏm nhô của tảng băng trôi

Sự Thăng Thiên của Chúa Giêsu là mầu nhiệm của đức tin. Chúng ta phải là những con người có niềm tin mới đi vào mầu nhiệm này được. Câu chuyện về Thăng Thiên chẳng khác nào một tảng băng trôi. Bảy phần tám của tảng băng chìm dưới mặt nước. Chỉ mỏm tảng băng – tức một phần tám – mới nhô lên trên mặt biển. Sự ngạc nhiên thích thú là điều gì cơ bản thì không thấy được.

Ở trên đỉnh đồi trông xuống kinh thành Giêrusalem, các tông đồ chỉ thấy một phần tám của mầu nhiệm Thăng Thiên. Phần còn lại được che giấu. Họ biết câu chuyện về Chúa Giêsu chưa kết thúc. Chương cuối chưa viết xong. Phần hấp dẫn nhất còn đang diễn tiến, nhưng họ đã có đủ dữ kiện để tiến tới. Một phần tám của mầu nhiệm Thăng Thiên cũng đủ để đưa họ xuống núi, trở lại kinh thành Giêrusalem và sau đó sẽ vượt ra khỏi biên giới của Giêrusalem để tiến qua biên vực đang chia cắt Giêrusalem với thế giới bên ngoài.

Ý nghĩa của mầu nhiệm

Thăng Thiên là một mầu nhiệm sáng chói. Không có bảy phần tám kia thì sẽ không có mầu nhiệm. Cuộc sống chỉ viết bằng văn xuôi, chứ không phải bằng văn vần. Cuộc sống được xây cất trên gạch ngói và vôi hồ, chỉ là trần tục, bình thản và vô vị. Không có bảy phần tám kia thì sẽ không có câu chuyện về Chúa Giêsu, không có Kitô giáo, không có biến cố Thăng Thiên. Cũng sẽ không có đời sống linh thiêng, không có bí tích, không có Thánh Thể, không có Thánh lễ Chúa nhật.

Jeanne Guyon đã viết: “Nếu biết tìm ra đáp số cho vấn nạn cuộc sống là điều tuyệt đối cần thiết cho bạn, vậy thì bạn hãy quên đi hành trình của mình. Bạn sẽ không bao giờ thực hiện được hành trình đó, bởi vì đó là một hành trình vô định, hành trình của những vấn nạn không có đáp số, hành trình của những bí ẩn, của những điều không thể hiểu nổi và nhất là của những sự bất công.”

Chúng ta được sinh ra và sống cho Thiên Chúa vô biên. Ở trên trần thế này, không thể có bản nhạc giao hưởng trọn vẹn như thế được. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho sự vinh quang của Ngài, để được chiêm ngắm Ngài “mặt giáp mặt”. Giờ đây, chúng ta chỉ thấy Ngài một cách lờ mờ, khiếm khuyết. Nhưng rồi đây, chúng ta sẽ xem thấy Ngài một cách tuyệt hảo như Ngài hiện có và nỗi mừng vui của chúng ta sẽ được trọn vẹn.

Trong khi chờ đợi, Thăng Thiên mang lại cho chúng ta một viễn tượng mới để nhận thấy rằng đời sống cá nhân chúng ta đang góp phần một cách nào đó vào một câu chuyện lớn lao hơn. Một câu chuyện lớn hơn là chính cuộc sống chúng ta và một câu chuyện kỳ diệu hơn bất cứ điều gì hết mà chúng ta sẽ chưa lúc nào thấy hết hay biết hết ở trong cuộc sống này.

NGUỒN

Trích Bài suy niệm 33, Dịch Phẩm “ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA” – Chuyển ngữ: Hương Vĩnh.
Nguyên Tác “IN STEP WITH GOD” – Tác giả: Lm Vincent Travers, OP.

Tác giả:  Nhà Văn Hương Vĩnh

hát khúc ca yêu đời cho người vui.

 Chuyện phiếm đọc trong tuần sau lễ Chúa Về Trời 08-5-2016 

“Cầm tay ta hát,

hát khúc ca yêu đời cho người vui.”
Với tình ta chan chứa,

bao la trong bước đi trên đường đời.”

(Văn Phụng – Vui đời Nghệ Sĩ)

(Thư 1 Tim 2: 7-12)

 Trần Ngọc Mười Hai

Nay hướng về, buổi diễn-trình kỷ-niệm 10 năm “Hát Cho Nhau” ở Sydney vào giữa năm 2016, hát sĩ họ Vũ vui vẻ hát các câu ca/điệu nhạc rất “Vui đời nghệ sĩ”, ai cũng thấy có cái gì đó đã và đang reo vui trong lòng người rất nghệ-sĩ, lại khiến người nghe nhung-nhớ rất nhiều điều. Có một điều, khiến bần đạo nhớ nhiều nhất, lại cũng là câu nói hoặc ca-từ này/khác, có thể làm người hát và người nghe “Vui Đời Nghệ Sĩ”, hoặc “đau đớn can tràng”, đến suốt đời.

Nhớ nhiều hơn cả, lại là ca-từ thân-thương được bạn đạo hát thêm, như sau:

 “Ơ kia! chàng thi sĩ

đang miên man đi tìm bao vần thơ.
Ơ kìa! nàng ca sĩ

đang say sưa cung đàn cho đời mơ.
Tính tính tang tang tình

lời thơ và ý nhạc
Thắm thiết gieo cho người

một ý niệm yêu đời
Còn chi vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta?
Nguồn vui phơi phới

trên đôi môi xinh hồng bên ngàn hoa.
Chứ dù mưa hay nắng

ta vui ca bên nhau bao lời thơ.”

(Văn Phụng – bđd)

Vâng. Đúng thế. “Dù mưa hay nắng, ta vui ca bên nhau bao lời thơ” để nhớ mà sống cho vui đời.

Vâng. Cứ “vui ca lên nào anh em ơi”! Ca cho nhiều, dù mưa hay nắng, rồi ra chắc chắn lời ca của ta cũng sẽ thành thơ/thành nhạc, rất vui đời.

Vâng. Đúng thế và sẽ còn đúng hơn thế nữa, nếu lời giảng/sẻ chia ở nhà thờ không còn những câu hỏi “chĩa xuống” bạn đạo là người nghe ở ghế dưới có những câu hỏi rất khó trả lời. Bởi, giảng-giải lời Chúa hay còn gọi là “chia sẻ (chứ không phải là “băm xẻ”) Lời Ngài” đâu là lời hỏi han hoặc hỏi/đáp tự bao giờ mà sao bạn trẻ đấng “lờ-mờ” (lm) lại cứ hỏi thay vì giảng!

Cứ hỏi han hoặc hỏi/đáp mãi, khiến bần đạo lại nhớ câu chuyện tiếu-lâm chay, từng giúp bần đạo từ nay chỉ dám mở miệng có chừng mực, như sau:

“Có ông khách nọ tới hàng bán chim chóc, tức những chim không chọc và thú nuôi trong nhà. Bà bán chim ra tiếp bèn quảng cáo hết lời rằng: chim bà nói được nhiều thứ tiếng, rất trôi chảy.

Ông khách thấy hay hay, bèn hỏi một con chim rất đẹp bằng tiếng Pháp:

-Comment allez-vous?”

Chim trả lời ngay lập tức:

-C,a va bien, merci.”

Ông khách lại hỏi tiếp bằng tiếng nước khác:

-How are you?

Chim đẹp lại đáp gọn:

-I’m fine, thank you.

Ông khách quay sang hỏi tiếng Tây Ban Nha của người Mễ:

-Como estas?

Không chút do dự, Chim ta trả lời liền:

-Muy bien.

Ông khách thấy vậy bèn hỏi thử bằng tiếng Việt:

-Mày khoẻ không?

Chim ta trả lời nhiều quá, thấy mệt bèn lên tiếng:

-Ấy ấy! Ông hỏi gì mà lắm thế, chim đây biết đâu mà trả lời trả vốn chứ!”

Ấy đấy! Thực tế cuộc đời người, có nhiều thứ/nhiều sự do từ cái miệng của con người cứ hay hỏi-han và/hoặc thích hỏi/đáp ngoài nhà thờ, khiến cho người và mình không mấy vui như ca-từ nhạc-bản “Vui đời nghệ-sĩ” đến như thế!

Đấy kìa! Thực-tại đời đi Đạo và sống Đạo trong đời, cũng có nhiều sự/việc không mấy dễ hiểu và dễ chịu như nhiều người tưởng hoặc nghĩ. Nghĩ hoặc tưởng, nhiều lúc không đúng sự thật. Trong Đạo-vào-đời, có nhiều sự/việc xảy ra ở đây đó, mới đây thôi như :

“Nhật-báo The Guardian ở Anh, mới đây có tường-trình về sự-việc xảy ra ở Bàn Quỳ Nhà Thờ, bằng một khảo-sát/nghiên-cứu về “lòng sốt-sắng giữ đạo” ở nhiều nơi trên thế-giới (khoảng 84 nước) và gửi các tôn-giáo khác nhau, cả về giới-tính.

 Theo tường-trình này, vấn-đề “Cách-biệt Giới-tính trong Tôn-giáo”, thì: hầu hết nữ-giới lại có lòng sốt-sắng/đạo-đức nhiều hơn phái nam. Có đến 83.4% nữ-giới trên khắp thế-giới được định-danh là thuộc nhóm/phái có lòng tin, trong khi đó thì phái nam chỉ có mỗi 79/9% như thế mà thôi…

 Về chuyện những người được liệt chung vào cùng nhóm/phái có tín-ngưỡng và đến nơi thờ-phượng sinh-hoạt đạo-giáo, thì nữ-giới Đạo Chúa đến nhà thờ đông hơn nam-nhân. Tuy nhiên, với người Hồi-giáo và Do-thái-giáo chính-tông, thì phái nam đến hội-đường hoặc đền-thờ nhiều hơn nữ-giới do luật đạo phán/bảo như thế. Về cầu nguyện, thì nữ-giới cũng làm thế mỗi ngày ít là một lần nhiều hơn nam-nhân.

 Trong số 84 quốc-gia nhận được khảo-sát, chỉ có nước Israel có tỷ-lệ nam-nhân mỗi ngày cầu nguyện nhiều hơn nữ-giới. Khảo-sát trên cho biết: ở Mỹ, có 64% nữ-giới và 47% nam-nhân bảo rằng họ đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày. Trong khi tại Pháp, con số tương đương chỉ tính được là 15% nữ-giới và 9% nam-nhân làm được thế…” (Xem Marcus Roberts, Women are more religiously devout than men, MercatorNet 05/4/2016)

Xét việc xảy ra trong đời đi Đạo mà lại tỏ-lộ như thế không biết có đúng thật hay không? Thật ra thì, có thật hay không, điều đó cũng khó biết. Phần đông mọi người chỉ biết một điều, là: khi xưa làm người đi Đạo, thật không dễ. Chí ít là làm thân nữ-phụ mà lại muốn giữ Đạo cho tốt/lành, chắc cũng phải nhớ lời dặn-dò của đấng thánh mọi thời là Phaolô, từng chỉ thị như sau:

“Vậy tôi muốn rằng

người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào,

tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện,

không giận hờn, không xung khắc.
Cũng thế,

tôi muốn người đàn bà phải ăn mặc đoan trang,

đồ trang điểm phải kín đáo, giản dị:

không phải là những kiểu tóc cầu kỳ,

vàng bạc, ngọc trai hay quần áo đắt tiền,

nhưng là những việc lành;

như thế mới thích hợp

với những người đàn bà xưng mình có lòng đạo đức.

Khi nghe lời dạy dỗ,

đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng.

Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy,

hay thống trị đàn ông,

trái lại họ phải thinh lặng…”

(1 Tim 2: 7-12)

Đành rằng, muốn giữ Đạo Chúa rất Công-giáo, thì phải như thế. Thế nhưng, đó là chuyện thời xa xưa. Chứ, thời nay mà bàn-bạc hoặc bàn-luận như thế, bọn trẻ nghe thấy chắc khó tin, hoặc khó hiểu. Bởi, giới trẻ bây giờ (ít ra là ở ngpoại-quốc) đâu có “huởn” để đặt những vấn-đề lỉnh-kỉnh như thế mà làm gì!

Đám “trẻ-người-non-dạ” ngày nay, vẫn thường đặt nặng những chuyện gì đó “ra tiền” hoặc “có lợi” về vật-chất, sức khoẻ thôi. Trẻ-người-non-dạ rất nhiều đám, hôm nay chỉ đề ra các vấn-đề đại-loại muốn vấn-nạn bà con đi Đạo bằng những hỏi-han hoặc hỏi/đáp như thể bảo, rằng:

“Lại có vấn-đề lịch-sử Giáo-hội chuyên kình-chống người Do-thái-giáo để cứ thế mà khai-thác nhiều thứ mình muốn làm. Đướng-lối sống rất báng-bổ này, vẫn cứ tồn tại ở Trung Đông và nhiều nơi trên thế-giới, suốt nhiều thời. Và, nay thì những người như thế trong Giáo-hội nhiều nơi vẫn sử-dụng Kinh Sách cách đều đều theo xu-hướng củng-cố chuyện báng-bổ… 

Thêm vào vấn-đề Đồng-tính luyến-ái và kình-chống người Do-thái-giáo, lại có cả chuyện nữ-giới bị đối-xử chèn-ép, rất không đẹp trong lịch-sử Giáo-Hội được gọi là thánh. Hiện có hai Giáo-hội Đạo Chúa lớn nhất thế-giới, là: Đạo Công-giáo La Mã và truyền-thống Chính-thống-giáo liên-tục chối-bỏ việc truyền-chức linh-mục cho nữ-giới.

 Và nhiều giáo-hội Thệ-phản thủ-cựu, cũng tiếp-tục tranh-cãi nhau về điều mà họ gọi là “Tư-cách Thủ-trưởng”, có ý nói: với tư-cách là phái yếu, nữ-giới sẽ không bao giờ có quyền-hành gì trên nam-nhân, hết…

 Tính-chất tiêu-cực đáng sợ ấy lại đã tấn-kích mọi chương-trình kế-hoạch-hoá gia-đình để rồi kéo theo sau tác-động tai-hại lên môi-sinh đặc biệt là vấn-đề nạn nhân-mãn, tất cả đều có gốc-nguồn từ quyền-uy của Kinh Sách ngõ hầu tạo tính-chất tiêu-cực lên niềm tin của người đi Đạo. 

Tiếng nói của Kitô-hữu trong thế-giới ta sống vẫn tiếp-tục sử-dụng ngôn-ngữ khác nhau để bộc-lộ không gì khác ngoài tính kiêu-căng/tự-mãn đối với đạo khác để rồi coi tín-đồ của bất cứ đạo nào khác với mình là đối-tượng rất xứng-hợp không phải để đối-thoại mà để chiêu-dụ họ quay trở về với Đạo mình.

 Động-thái này thường được củng-cố bằng việc trích-dẫn các lý lẽ rút từ Kinh Sách để bảo rằng truyền-thống đặc-trưng trong đạo mình sở-đắc tính chắc-chắn rút từ Thiên-Chúa-là-Sự-thật mà chỉ nhìn thoáng lúc ban đầu đã thấy đó là niềm tin mù-quáng, về sau chắc chắn trở thành động cơ thúc-đẩy một bách-hại tôn-giáo.

 Đó là những gì mà tôi mạo-muội gọi tên là “Các Bản-văn rất Đáng sợ ở Kinh Sách”, nhưng sau đổi lại thành “Các Lỗi Phạm của Thánh Kinh”…  (X. TGm John Shelby Spong, The Sins of Scripture, HarperCollinsPublishers 2005, tr. ix-xvi)

Trong đời người, nhiều lúc thấy cái miệng làm hại cái thân của ta và của người, khiến ta và người điêu đứng/tức bực, chỉ vì câu nào đó, giống hệt truyện kể ở bên dưới để minh-hoạ, như sau:

“Ngày nọ, tôi đi qua một cửa hàng mua sắm, người không đông lắm, có một nhóm người tập trung ở quầy tính tiền. Tôi tiến về phía trước, nhìn thấy một cô gái trẻ ăn mặc chỉnh tề đứng đầu tiên, cô gái quét thẻ nhiều lần, thế nhưng chiếc máy dường như lần nào cũng “cự tuyệt” cô gái. 

Có vẻ như đó là một thẻ phúc lợi”, người đàn ông phía sau tôi lẩm bẩm: “Trẻ, khỏe mạnh như thế, mà lại dựa vào phúc lợi để sống, tại sao không như người trẻ khác tìm việc làm đi?”

 Cô gái trẻ quay đầu lại theo tiếng nói, ánh mắt cô như muốn tìm xem đó là ai. “Đúng, chính là tôi nói đó”, người đàn ông phía sau tôi chỉ tay vào chính mình.

 Cô gái trẻ đỏ bừng mặt, nước mắt cứ thể chảy xuống, cô ném cái thẻ đi, rồi chạy nhanh ra khỏi cửa hàng, và rất nhanh chóng biến mất trong cái nhìn soi mói của mọi người. Vài phút sau, một thanh niên bước vào cửa hàng, cậu đi vào cửa hàng hỏi cô thu ngân rằng có biết cô gái kia đâu không, thu ngân cửa hàng nói rằng cô ấy đã quăng thẻ rồi chạy đi rồi. 

-Tôi là bạn của cô ấy, đã xảy ra chuyện gì vậy ạ?”, cậu thanh niên lo lắng hỏi. Người đàn ông phía sau tôi nói: “Tôi không may nói ra những lời ngủ xuẩn, mỉa mai cô ấy dùng thẻ phúc lợi, đáng lẽ tôi không nên nói ra, thật xin lỗi!”

 -Ôi, hỏng bét rồi. Hoàn cảnh cô ấy rất đáng thương, anh trai cô đã bị giết chết ở Afghanistan hai năm trước, để lại đằng sau ba đứa em. Cô ấy chỉ 21 tuổi mà phải lo cuộc sống cho 3 đứa em. Thật không ngờ, hôm nay lại xảy ra việc thế này”, người thanh niên lo lắng không yên.

 -Đây là những món hàng cô bé kia mua sao?”, người đàn ông phía sau tôi hỏi thu ngân.

-Đúng ạ, nhưng tiếc là thẻ của cô ấy không sử dụng được”, thu ngân nói.

 Trong cửa hàng bỗng nhiên trở nên im lặng.

-Cậu chắc chắn biết cô gái đó ở đâu chứ?”, người đàn ông hỏi cậu thanh niên trẻ, rồi ông chen lên phía trước, lấy ra thẻ tín dụng của mình đưa cho thu ngân: “Lấy thẻ của tôi tính tiền đi”.

 Thu-ngân-viên nhận thẻ và bắt đầu tính tiền những mặt hàng cô gái đã mua.

-Đợi một chút”, người đàn ông quay người lấy một hộp sữa bò bỏ vào trong túi đồ của cô gái.

-Chúng ta nên giúp đỡ ba đứa bé kia nhiều hơn một chút chứ”, một người phụ nữ đi tới, đem một con gà bỏ vào túi của cô gái, sau đó mọi người lặng lẽ lấy đồ của mình bỏ vào túi đồ của cô gái.

-Chú, cảm ơn chú! Chú là một người tốt, chàng thanh niên nói.

 Dù cho chính mắt bạn nhìn thấy, nhưng có lẽ chân tướng sự việc có thể không phải là như vậy. Như lời một triết gia người Hy Lạp từng nói: “Mỹ đức lớn nhất mà nhân loại cần phải học chính là khống chế được cái miệng của chính mình”.

 Lan man một luận-phiếm lai-rai/dài dài, thì như thế. Như thế, tức: chỉ tản-mạn hoặc mạn-đàm “lấy lệ” chứ không nhằm mục-đích thuyết-phục ai cả, đó là ý chính hôm nay bần đạo đây muốn bày-tỏ để bà con mình thông cảm.

Thông-cảm rồi, ta sẽ “cứ thế” mà mạn đàm thêm dăm ba phút nữa với những chuyện phiếm/tiếu-lâm chay/mặn cho qua ngày đoạn tháng, rất thường tình. Rào trước đón sau thế rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể “vui đời nghệ-sĩ” với những đoản-khúc lăng-nhăng, ngăn-ngắn rất làm vì như sau:

“Một ông béo phì, không có thì giờ thể dục, bèn đi bác sĩ khám xin thuốc giảm cân. Bác sĩ cho lọ thuốc màu hồng, dặn uống mỗi tối trước khi đi ngủ.


Uống thuốc đều đặn mỗi đêm, cứ đi ngủ là ông lại mơ thấy lạc vô hoang đảo, trên đảo có bầy tiên nữ không mặc đồ, ông bèn rượt bắt, nhưng chẳng bao giờ bắt được. Cứ rượt bắt lòng vòng trên đảo như vậy suốt đêm đến sáng. Thức dậy hai chân mỏi nhừ, mồ hôi vã ra, thở hổn hển. Đêm nào cũng rượt bắt, cũng mỏi nhừ. Ba tháng sau sút cả chục ký.

 Ông bạn thân nghe mách vậy cũng tới ông bác sĩ đó khám, xin thuốc để làm ốm bớt. Bác sĩ cho lọ thuốc màu xám, dặn uống mỗi tối. Uống thuốc đều đặn, đêm nào ông này lại cũng mơ thấy lạc vô hoang đảo, trên đảo có đám thổ dân ăn thịt người. Bị thổ dân rượt, ông chạy trối chết, suýt bị tóm trúng mấy lần, nhưng rồi lại thoát. Cứ chạy trốn quýnh quáng lòng vòng trên đảo suốt đêm đến sáng.

 Thức dậy hai chân mỏi nhừ, mồ hôi vã ra, thở hổn hển. Đêm nào cũng chạy trốn, cũng mỏi nhừ. Ba tháng sau sút cả chục ký. Nhưng ông này bực lắm, đi bác sĩ khiếu nại:

 -Tại sao bạn tui cũng khám chỗ bác sĩ thì lại có giấc mơ đẹp, còn giấc mơ của tui hãi quá. Chưa kể thỉnh thoảng còn suýt bị thổ dân tóm được nữa chứ, có bực không nào! Bác sĩ thủng thỉnh đưa giấy tờ ra giải thích:

-Bạn anh khám trả tiền mặt, còn anh thì xài thẻ “Medicare” hoặc “MediAid”, sao bì được!” (Trích truyện kể chuyển trên mạng rất mỗi ngày)

Kể thế rồi, nay lại muốn mời tôi và mời bạn, ta “cứ thế” cất cao bài hát “Vui Đời Nghệ Sĩ” của nghệ-nhân âm-nhạc rất Văn Phụng có những ca-từ đầy thúc-giục làm kết-đoạn mà về nhà, như sau:

“Cầm tay ta hát,

hát khúc ca yêu đời cho người vui.
Với tình ta chan chứa,

bao la trong bước đi trên đường đời.

Ơ kìa! chàng thi sĩ

đang miên man đi tìm bao vần thơ.
Ơ kìa! nàng ca sĩ

đang say sưa cung đàn cho đời mơ.
Tính tính tang tang tình lời thơ và ý nhạc,
Thắm thiết gieo cho người một ý niệm yêu đời
Còn chi vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta?
Nguồn vui phơi phới

trên đôi môi xinh hồng bên ngàn hoa.
Chứ dù mưa hay nắng

ta vui ca bên nhau bao lời thơ.”

(Văn Phụng – bđd) 

 Trần Ngọc Mười Hai

Cũng có nhiều phút giây

Rất Vui đời Nghệ sĩ

Nhưng không nhiều. 

Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm,

 Suy Tư Tin Mừng Lễ Chúa Về Trời năm C 01/5/2016

                                                 Tin Mừng: (Lc 24: 46-53)

Khi ấy Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói:

“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

      “Mai sáng mai, trời cao rộng quá,”

           Gió căng hơi, và nhạc lên mây.

                                                          Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm,

                                                           Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

            Mai Tá lược dịch.

Xuân, nhạc và gió mai sáng mai, toàn những biểu-tưởng diễn-tả biến-cố Chúa về trời. Chúa về trời, đâu nào giống “nhạc lên mây”.

Chúa về trời, là Ngài về với Cha, với Thiên Chúa. Như đã thấy trong phụng vụ thánh lễ, hôm nay. Về trời, thoạt nhìn ta cứ tưởng như có một nghịch lý nào đó, về thời gian, giữa sách Công vụ và Tin Mừng của cùng một tác giả, là thánh Luca. Tin Mừng, nay thuật lại biến cố xảy đến với các tông đồ tại phòng họp, ở trên cao.

Sự kiện này xảy đến, chỉ khi hai môn đệ đi Emmaus về đến. Đó là Chủ nhật Chúa Sống lại, khi môn đệ tập họp ở Bêthania, một làng nhỏ ngoài Yêrusalem. Cũng từ giây phút này, Chúa được cất nhắc về trời. Phải chăng, như vậy là, việc Chúa Thăng Thiên xảy đến vào Chủ nhật, ngày Chúa Sống lại ư?

Mặt khác, điều mà thánh sử Luca mô tả ở sách Công Vụ, là sự kiện Đức Giêsu tỏ lộ cho thấy: Ngài vẫn hoạt động như người Thầy Chí Thánh ở giữa các tông đồ, sau khổ nạn. Theo Kinh thánh, suốt 40 ngày ròng, Đức Chúa tiếp tục hiện diện ở với các tông đồ, là để rao giảng về Nước Trời.

Và, cũng theo Kinh Sách, sáu tuần lễ sau ngày Ngài Sống Lại, Chúa mới về cùng Cha. Như thế, có vấn nạn hỏi rằng: trình thuật nào mới thực chính xác?

Ở đây, có lẽ ta cũng nên qui chiếu về mầu nhiệm thăng thiên về với Cha qua sự kiện diễn ra trong ngày Thứ Sáu Thánh, Chúa chịu nạn. Tin Mừng hôm ấy, Cha có nói:”Thầy sẽ được cất nhắc lên cao, và Thầy sẽ đem theo mọi thứ, theo với Thầy.”

Cụm từ “cất nhắc lên cao” ở đây, có thể hiểu cùng một kiểu như “cất nhắc lên” thập tự. Hoặc, “nâng nhấc” về với cuộc sống mới  với vinh quang của Cha. Bởi lẽ, cũng từ trên cao nơi thập tự ấy, lúc Ngài bỏ mình, Chúa quay về phía kẻ trộm “rày tử tế” và nói với anh: “Hôm nay, anh sẽ cùng Tôi về chốn Thiên cung.” (Lc 23: 43)

Có lẽ, ta cũng chẳng nên bận tâm thắc mắc mà làm gì, về sự khác biệt giữa hai trình thuật, ở Tân Ước. Bởi, sứ điệp quan trọng mà thánh sử Luca muốn gửi đến người đọc, chỉ mỗi là: hãy cẩn thận khi đọc và chú giải các trình thuật trong Kinh thánh, nhất thứ sau ngày Chúa Sống Lại.

Đọc kinh thánh, không nên hiểu từng chữ, rất nghĩa đen. Cũng đừng nên giống các vị cao niên không bỏ được tâm trạng “nệ cổ” khi dạy giáo lý/sách phần, hay vướng mắc. Điều quan trọng, không phải là những gì đã viết trong Sách thánh; mà là: hãy tìm ra ý nghĩa đậm sâu nơi mặc khải Chúa muốn ta biết và hiểu.

Vấn đề hôm nay, là: ta áp dụng thế nào ý niệm của sự kiện “Về với Cha”, cho cuộc sống của chính mình?  Về với Cha, không nên hiểu theo nghĩa rất đen và từng chữ, như bay bổng lâng lâng nơi không gian cao vút ấy.

Bằng không, người người sẽ hỏi: cao cỡ nào? Mấy tầng mây, đây? Thăng thiên về trời, có là vinh thăng chốn thiên đình, ở đâu đó? Ở bên trên vùng trời cao thấp, đất Giêrusalem? Và, thiên đường là ở nơi nào? Sao các phi hành gia tìm mãi, mà không thấy?

Nói tóm lại, toàn bộ Mầu nhiệm Vượt Qua, Thương Khó, Nỗi chết của Đức Kitô mà mầu nhiệm Phục sinh quang vinh, cũng như Thăng Thiên và Hiện Xuống, đều tạo một thực tế ta không thể nào khám phá bằng thời gian và không gian, được. Nhưng, ta chỉ hiểu được các huyền nhiệm ấy bằng niềm tin và thương yêu, mà thôi.

Vào Thứ Sáu Thánh Chúa Chịu Nạn, ta bảo Đức Giê-su thực sự đã chết. Và, vào Lễ Phục Sinh ta còn nói: Ngài vẫn sống đó rất vinh quang, thì Lễ Chúa Về Trời, ta còn phải thêm: Đức Giêsu-Phục-Sinh-hiện-vẫn-sống, Ngài đang ở với Cha, trong vinh hiển. Ở đây cũng thế, nếu không có niềm tin và yêu, ta sẽ chẳng hiểu được sự kiện Thăng Thiên

Ở nhà Đạo hôm nay, người người đều hiểu rằng: Đức Giêsu khi Ngài giã từ con dân đồ đệ ở khắp nơi chấm dứt tình trạng mang nặng hình hài thể xác, thì Ngài kỳ vọng mọi người sẽ thực hiện sứ vụ Ngài giao ban. Sứ vụ ấy, chẳng nặng nhọc gì cho cam. Cũng chỉ là: làm những việc Ngài đã từng làm. Làm cho người em bé bỏng chốn nghèo hèn, cùng khốn. Có thực hiện được sứ vụ như thế, mới thấy và mới hiểu được mầu nhiệm thăng thiên về trời mà Ngài nhất quyết.

Tuy nhiên, điều trước tiên Chúa muốn đồ đệ của Ngài làm, là: hãy về lại với Giêrusalem. Lưu lại ở đó chờ ngày Thánh Thần Chúa hiện đến với mọi người. Ngày đó, là ngày mà mọi người sẽ được thanh tẩy bằng Thần Khí. Ngày, mà dân con đồ đệ của Đức Chúa được giao cho trọng trách thực thi sứ vụ nối tiếp công việc của Chúa, rất cấp bách.

Như Chúa từng khẳng định: vào những ngày như hôm nay, dân con đồ đệ Chúa hiểu biết rất ít về sứ vụ Ngài từng bộc lộ. Và, có làm thế, mới chứng tỏ được niềm tin-yêu, ta có với Ngài. Có lẽ cũng vì lý do đó, mà dân con đồ đệ Ngài khi trước vẫn cứ hỏi: “Thưa Thầy, có phải nay là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?

Hỏi như thế, khác nào bảo: ở gần Thầy đến như thế, mà sao các thánh vẫn còn ôm ấp giấc mộng thời ban đầu? Giấc mộng, là ảo vọng về một quốc gia nào đó, rất không tưởng. Trớ trêu thay, câu trả lời vẫn cứ là: đúng đấy. Nhưng, đúng ở đây, vẫn không phải như ý của Chúa, hằng cho biết.

Bởi, sau khi lãnh nhận Thần Khí Chúa, các thánh đều đã trở nên môn đệ mang tính rất “người”. Cũng hăng say không kém. Vẫn quyết tâm khởi sự thực hiện Vương Quốc Nước Trời, không chỉ cho người Do Thái hoặc ở Giêrusalem hay Giuđêa mà thôi.

Nhưng, cả vào thời kết tận của trái đất. Không ràng buộc bằng thời gian hoặc không gian. Còn gì đẹp bằng, tình trạng dân con đồ đệ của Chúa nay thấy được Vương Quốc Nước Trời, đã thể hiện. Ở đây. Bây giờ.

Đó là sứ vụ của mọi người. Những người mang danh Kitô-khác. Tức, những vị đang quyết tâm thực thi điều Chúa dạy, là: dựng xây Nước Trời ở trần gian, bằng việc yêu thương có hy sinh. Yêu và thương, như Thầy đã yêu thương mình.

Chứ không còn đứng đó mà nhìn như ở sách Công vụ: “Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn về phía người ra đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng cạnh, và nói: Hỡi các bạn người Galilê, sao còn đứng trân trân đó mà nhìn trời? Đức Giê-su đây, Đấng vừa rời các bạn và được cất về với Thiên Chúa là Cha, sẽ lại đến cũng một kiểu như các bạn thấy đó, Ngài ra đi.” (CV 1: 10-11).

Ngài về với Cha, việc còn lại cho ta sẽ chẳng là “đứng đó mà nhìn trời” chiêm ngắm cảnh Ngài ra đi. Nhưng, hãy về với Giêrusalem, tức với thực tế cuộc đời, để thực hiện Lời Ngài căn dặn. Và, khi đã thực hiện Lời rồi, chắc chắn Nước Trời sẽ đến với mọi người. Với dân con đồ đệ của Chúa, nơi nhà Đạo. Và ở cả bên ngoài, nữa.

Lm Richard Leonard sj

            Mai Tá lược dịch.