RIÊNG MỘT KHOẢNG CHIỀU

RIÊNG MỘT KHOẢNG CHIỀU

Kha Đông Anh

Khi đã trưởng thành tâm lý, chắc hẳn ai cũng đã từng hơn một lần suy tư về thân phận con người để khả dĩ nhận ra nó nhỏ nhoi và bọt bèo.  Theo quy luật, ai cũng có một ngày hóa thành cát bụi, trở về nơi mình xuất xứ.

Buổi chiều, sau cơn mưa, tôi lặng đứng nhìn dòng người qua lại trên phố, chợt nghe lòng mình thánh thót những giọt ưu tư rỉ ra từ vết trầm bâng khuâng không tên.  Rất lạ.  Thứ cảm giác khó tả như những sợi nhỏ, dài, đan quyện nhau, chằng chịt như mạng nhện trong căn nhà bỏ hoang.

KHOANG CHIEU

Con tim mặc vẻ bí ẩn.  Con người đôi khi trở nên mâu thuẫn, một loại mâu-thuẫn-hợp-lý.  Thật vậy, đôi khi ta không hiểu hết chính mình.  Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà thành như vấn nạn.  Miệt mài đi tìm mình mà vẫn không gặp, chênh vênh một cõi về.  Đam mê và hoài bão cứ giằng co đêm ngày.

Những năm gần đây, việc hiến xác cho khoa học trở nên phổ biến hơn, nhiều người đã tình nguyện làm việc này.  Từ tháng 10-1997, tôi là người mang số thẻ 119.  Tôi là một trong những người đầu tiên được trường Đại Học Y Dược TP HCM “cúng sống” ba lần.  Sau đó không còn tổ chức lễ Macabê để tri ân những người hiến xác vì số người tăng lên nhanh quá đông.  Từ khi thực hiện ý định này, tôi thấy mình có chút gì đó hữu ích hơn, giảm bớt ích kỷ đáng kể, cái TÔI trong tôi bớt “hung hãn” hơn xưa.

Đời người một khoảng trăm năm
Tưởng dài mà ngắn – Nhiều buồn, ít vui!

Khi đã trưởng thành tâm lý, chắc hẳn ai cũng đã từng hơn một lần suy tư về thân phận con người để khả dĩ nhận ra nó nhỏ nhoi và bọt bèo.  Theo quy luật, ai cũng có một ngày hóa thành cát bụi, trở về nơi mình xuất xứ.

Nói vậy không có ý bi quan yếm thế, nhưng để nhận diện mà cố vươn lên và sống hữu ích hơn, không chỉ cho chính mình mà còn cho mọi người.  Sống trong thời đại bùng nổ thông tin, không ai lại không biết ít nhiều về thế giới.  Một trong những điều khiến chúng ta quan tâm chắc phải là sự bất công giữa con người với nhau, sự bạc đãi và lạm dụng trẻ em, chiến tranh, coi thường nhân phẩm…  Tất nhiên, đó chỉ vì thiếu tình yêu thương đích thực.

Các nhà lãnh đạo đã và đang tìm mọi biện pháp hữu ích khả thi nhất để vãn hồi hòa bình, tìm hạnh phúc cho con người, xoa dịu vết thương cuộc đời vốn dĩ không ít đau khổ.  Vì đời người ngắn ngủi nên cần phải làm “cái gì đó” cho đáng sống.  Cần chau chuốt và nuôi dưỡng những tư tưởng vĩ đại, và chỉ cần một bề ngoài giản dị mà không quê mùa.

Những đám mây làm buổi chiều xuống thấp.  Thấp dần. Đang chạm vào đêm.  Khoảng chiều thật kỳ lạ.  Ngôn từ chiều cao siêu như thầm nhắc tôi lời của Pithagore: “Đừng thấy bóng mình to mà tưởng mình vĩ đại.”

Khi tư tưởng chín muồi thì thân xác bắt đầu rã rời, chuẩn bị tan rữa để hóa thành cát bụi!  Một nghịch-lý-thuận.  Thế nhưng con người rất dễ “lên mặt”, nhất là khi có chút gì đó hơn người khác về một phương diện nào đó.  Thánh Phalô nói: “Ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình” (Gl 6:2-3).  Con người luôn bị giằng co, đôi khi mâu thuẫn: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7:19).

Cuộc sống luôn phức tạp và có nhiều điều khiến người ta hoang mang, lo lắng, thậm chí là sợ hãi – nhất là trong thế giới ngày nay.  Tuy nhiên, Chúa biết rõ mười mươi, biết rõ chúng ta hơn chính chúng ta biết mình, thế nên rất nhiều lần Ngài đã trấn an: “Đừng sợ!” (Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10).  Thật vậy, “dù cha mẹ có bỏ con thì vẫn còn Thiên Chúa đón nhận” (Tv 26:10), và “Đấng đã gọi tôi, Ngài đang ở với tôi, Ngài không để tôi cô đơn một mình” (Ga 8:29).

Tình yêu Thiên Chúa quá tuyệt vời, quá kỳ diệu, Lòng Chúa Thương Xót quá bao la, con người chúng ta không thể hiểu nổi. Chưa thể dò được khoảng cách giữa trời và đất thì chúng ta không bao giờ đủ trình độ hiểu hết Ý Chúa!

Con đã từng cảm thấy bất xứng và cầu xin như Giáo Hoàng tiên khởi Phêrô: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5:8).  Nhưng con vẫn tin cậy Ngài: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội” (Lc 18:9-14).  Và con đầu hàng vô điều kiện để Ngài điều khiển: “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10:7 & 9).  Xin Chúa thương thánh hóa và nâng đỡ hạt-bụi-con luôn mãi.  Amen!

Kha Đông Anh

From Langthangchieutim

THẦY ƠI, CỨU CON!

THẦY ƠI, CỨU CON!

LM Giuse Trần Việt Hùng

Câu truyện xưa kể rằng có một người đi du hành bị lạc trong bãi cát cuốn.  Thầy Khổng Tử đi ngang qua thấy sự nguy hiểm của người khách lạ, Thầy nói: Rõ thật người ta nên tránh xa những chỗ như thế này.  Kế đó, Đức Phật đi qua thấy trạng thái nguy hiểm này và nói: Hãy để cho tình trạng con người như thế mà nêu gương bài học cho cả thế giới.  Rồi Đức Mohammed cũng đi ngang qua đó và nói với người đang bị chìm sâu vào lòng cát: Alas, đây là ý của Chúa.  Cuối cùng, Chúa Giêsu xuất hiện trong hoàn cảnh nguy cơ này và nói: Này anh, hãy cầm lấy tay của Thầy, Thầy sẽ cứu con.

Có nhiều tôn giáo trên thế giới.  Các tôn giáo có rất nhiều giáo điều rất đáng khâm phục và ngưỡng mộ.  Nhưng chỉ có một Đấng có thể ban ơn cứu độ cho con người khỏi vòng nô lệ tội lỗi.  Chúa Giêsu phán: Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.  Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy (Ga 14, 6).  Không có một vị sáng lập tôn giáo nào đã dám công bố như Chúa Giêsu, bởi vì họ không thể làm được.  Chỉ có Chúa Giêsu có uy lực và quyền năng để tha thứ tội lỗi và ban cho chúng ta sự sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3, 16).

Ông Phêrô chìm trong nước, hoảng sợ chỉ kịp la lên: Lạy Thầy, xin cứu con!  Nghe lời kêu cứu thân thương, chắc chắn Chúa sẽ cứu.  Ông Phêrô là dân chài, sợ gì nước chứ.  Vậy mà khi bị ngụp xuống nước ông vẫn hoảng.  Ông hoảng vì thấy Chúa đi và đứng trên nước.  Ông sợ vì ông đang ở cạnh Đấng có quyền năng trên hết mọi sự.  Câu truyện ông Phêrô được đi trên nước và chìm xuống giúp chúng ta nhiều bài học suy tư trong cuộc đời.  Bài học của niềm tin.  Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy” (Mt 14, 28).  Phêrô đã tin vào Thầy có quyền đi trên mặt nước.  Ông đã xin một điều quá sức mình.  Vì một vật nặng xuống nước ắt sẽ chìm.  Ông tin và ông bước xuống nước.  Ông đi trên mặt nước nhưng nhìn sóng biển và gió mạnh, ông sợ hãi và quên nhìn vào Chúa.  Ông bị chìm.

Lần đầu tiên tôi có kinh nghiệm đi vượt biên trên biển bằng ghe đánh cá.  Thật tình mà nói trước khi ra đi, tôi chẳng biết gì về biển cả và không lo sợ chi.  Tôi cũng không tưởng tượng sự bao la và sức mạnh của biển khơi và những cơn giông bão, sóng ngầm, sóng bạc đầu.  Quyết định ra đi là đi thôi.  Chúng tôi khởi hành trong đêm tối, từng tốp vài ba người cập bến và lên ghe.  Ra đi giữa đêm tối phải đối diện với nhiều khó khăn.  Làm sao qua mặt được những chòi gác canh.  Tôi chỉ có một niềm tin phó thác trong Chúa.  Niềm hy vọng sự tự do và sự sống còn chỉ lờ mờ.  Hành trình vượt biển đó chính là bài học của hành trình trên sóng nước mỗi ngày.  Cho dù lo sợ và hồi hộp, chúng ta hãy cầu nguyện, cậy trông và phó thác.  Lạy Thầy, xin cứu con!  Đó là tất cả những tâm tình mang theo trên biển.

Có những khúc quanh cuộc đời làm cho chúng ta phải chùn bước, phải lo sợ và chán nản.  Chúng ta làm việc lành phúc đức, ăn ở hiền lành và sống đạo đức tốt lành.  Chúng ta nghĩ sống tốt sẽ được an hưởng sự bình an hạnh phúc.  Thế rồi một ngày đi khám bác sĩ, phát giác ra rằng mình đang bị ung thư, bị tiểu đường, bị xơ gan, sạn mật… hoặc là nghe tin buồn một người thân bị tai nạn, một thành viên trong gia đình mới qua đời, một đứa con bỏ nhà ra đi, một đứa chửa hoang, một đứa rơi vào nghiện ngập hút sách, đứa thì vào băng đảng, đứa bị đi tù, và gia đình ly dị phá tán, con cái truỵ lạc…  Hỡi ôi, đời là bể khổ!  Tất cả những tai ương, thảm cảnh và khổ đau có thể xảy ra cho mỗi người trong cuộc lữ hành.  Người ở trong cuộc cảm thấy choáng váng mặt mày và giống như bị chìm xuống nước chới với. Bao nhiêu mộng ước bỏ dở.  Lo lắng trách nhiệm gia đình còn nặng nề.  Bao nhiêu công việc dở dang đang đợi chờ.  Biết cậy dựa vào ai?  Tâm trạng rơi vào sự hoảng sợ và lo lắng.  Biết rằng sự lo lắng không làm thay đổi được hiện trạng đang xảy ra.  Những ai có niềm tin thì chạy đến cầu trời khấn phật, chạy thầy chạy thuốc và cầu vái tứ phương mong sao thoát nạn.  Môn đệ của Chúa thì kêu lên: Lạy Thầy, xin cứu con!

Có những lúc chúng ta bị tuột dốc trong chán nản, đơn côi, thất bại, đau buồn và có khi tuyệt vọng.  Tin theo Thầy Giêsu, dù trong trạng huống nào chúng ta vẫn phải có niềm hy vọng và cậy trông. Chúng ta hãy kêu lên: Lạy Thầy, xin cứu con!  Chúa sẽ giơ tay cứu chúng ta theo cách của Chúa.  Các thứ bệnh tật cả phần hồn lẫn phần xác đều có thể được chữa lành.  Niềm tin tưởng và lòng cậy trông kiên vững vào quyền năng của Chúa sẽ giúp chúng ta tìm được sự bình an.  Biết đâu sự rủi ro và bệnh tật sẽ sinh hoa kết trái trong đời sống đạo.  Sức mạnh đời sống tâm linh rất cần thiết để nâng đỡ khi yếu đuối bất hạnh.  Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng(Mt 11, 28).

Trong bất cứ bậc sống nào, độc thân, tu trì hay gia đình, mỗi người đều có những đêm tối sóng cuộn gió cuồng.  Khi còn non trẻ cũng như khi đã luống tuổi, chúng ta luôn phải đối diện với những cạm bẫy ở đời.  Người ta thường nói: Khôn ba năm dại một giờ.  Sa ngã cũng là chuyện thường tình trong cuộc đời, nhưng hậu quả có thể tai hại ghê gớm.  Có nhiều người đã mất cả chức vị, danh dự và lý tưởng. Đối với xã hội, có khi người ta trở thành trắng tay và bị tù đày.  Nhưng trong tâm tình của một Kitô hữu, chúng ta phải nhìn vào khía cạnh tâm linh để vượt thắng.  Rơi xuống, chìm xuống hay sa ngã, mỗi người đều có cơ hội trỗi dậy.  Ông Saolô khi bị luồng sáng đánh ngã ngựa, ông đã trỗi dậy và đổi đời trở thành môn đệ trung thành của Chúa.  Maria, người phụ nữ bị bắt qủa tang phạm tội ngoại tình và bị thiên hạ tố cáo để ném đá cho chết, Chúa Giêsu đã lên tiếng cứu vớt nàng và nói rằng: Con về và đừng phạm tội nữa.

Ông Phêrô tuy nóng nảy và vội vàng nhưng ông đã chứng thực niềm tin vào Thầy của mình.  Ông dám đi trên mặt nước.  Khi ông nhìn xuống và chú ý đến sóng gió, ông đã bị chìm.  Hãy ngước nhìn lên Chúa và cậy trông nguồn ân sủng từ trên ban cho.  Chúng ta ra khơi vào đời là phải đối diện với muôn thử thách chông gai.  Chúng ta không thể lượng định được cái gì sẽ xảy đến.  Hành trình đức tin là một cuộc mạo hiểm trong đêm tối.  Có những vị tu sĩ đầu tư cả cuộc đời để phục vụ tha nhân nơi vùng sâu nước độc.  Có những vị đã lăn xả phục vụ cho những người tàn tật, mồ côi và phong cùi.  Họ đã phải phấn đấu và vươn lên không ngừng.  Nhưng trong Giáo Hội, trải qua các thời đại, đã có những gương mù, gương xấu làm cho con thuyền Giáo Hội vì sóng gió và nghiêng ngả.  Những lạm dụng tính dục, những tham lam danh lợi, quyền lực và những sa ngã tục luỵ của các thành viên đã làm cho Giáo Hội tự lặng chìm.  Chúng ta luôn tỉnh thức cầu nguyện cho Giáo Hội.

Chúa Giêsu có uy quyền biến đổi, cứu vớt và chữa lành.  Chúng ta hãy chạy đến bên Chúa xin ơn tha thứ để chúng ta có thể khởi lại từ đầu.  Chúng ta biết rằng không có khi nào trễ, nếu chúng ta biết làm lại từ đầu.  Thánh Phêrô đã sa phạm nhiều lần nhưng Phêrô không ngại an năn khóc lóc trở về cùng Chúa.  Chúa đã cứu Phêrô và trao cho ông quyền cai quản Hội Thánh của Ngài.  Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi (Mt 16,18).  Lạy Chúa, xin giơ tay cứu giúp chúng con trong mọi cơn gian nan, sầu khổ.  Chúng con hoàn toàn đặt niềm tin tưởng nơi Chúa. Lord Jesus, I trust in you and Lord Jesus, save me. 

LM Giuse Trần Việt Hùng

BÓNG GIÁO ĐƯỜNG NƠI TRẠI PHONG

BÓNG GIÁO ĐƯỜNG NƠI TRẠI PHONG

Nguyễn Thảo Nam

Ngày tôi dâng Thánh lễ tạ ơn Linh mục ở quê nhà là một ngày có những kỷ niệm in sâu.  Giữa bao nhiêu khách mời, có một nữ tu đến muộn.  Muộn vì chị ở một nơi xa.  Xa cả khoảng cách không gian, và xa cả khoảng cách tình người.  Chị sống với những người cùi ở Tây Nguyên, nơi con người ngại lui tới.  Chị không gọi họ là “cùi,” chị gọi họ là những người “phong,” để làm dịu đi thực tế của căn bịnh, và làm dịu đi cái ấn tượng về những con người kém may mắn này.

Hơn 30 năm trước, chị dạy tôi giáo lý và cách sống đạo, rồi chị sống những điều chị dạy.  Tha nhân, niềm đau khổ, tình thương, và lòng cảm thông không còn là bài giáo lý trên những trang sách.  Chị biến những trang sách bằng giấy, thành trang sách của tâm hồn.  Rời giáo xứ ấm áp tình người, để đến nơi xa xôi thiếu bước chân con người.  Những hình ảnh tưởng chừng như chỉ có trong tiểu thuyết.

Hôm nay chị ghé qua nơi giáo xứ mà chị đã phục vụ khi tuổi còn thanh xuân, để xem người học trò năm xưa dâng lễ tạ ơn.  Chị không lái xe.  Người tài xế đưa chị bằng xe Honda là một người cùi.  Chị không ngại ngồi bên anh, tình thuơng phục vụ lớn lao hơn sự sợ hãi.  Chị đã lặng lẽ ngồi bên cạnh những người cùi cả một quãng đời dài.

Chị gần họ, hiểu nỗi đau và niềm cô đơn.  Cô đơn trong tình người, và cô đơn giữa những người cùng đạo.  Chị hiểu hơn điều này khi thấy người bạn cùi cùng với chị đến gần với giáo đường hôm nay, nhưng anh thấy mình thật xa lạ.  Anh ngại đứng bên những người lành lặn, nên chọn một góc xa cho riêng mình ở phía cuối cổng giáo đường.  Anh không ngại đứng xa, vì cả cuộc đời, anh đã sống ở một góc xa ở phía cuối cổng cuộc đời.

Anh nhìn những bước chân vội vã của trẻ thơ đi về giáo đường, những chiếc áo dài thướt tha của xóm đạo, những bộ vét sang trọng của người đi tham dự lễ tạ ơn, và cả những chiếc áo dòng bóng bẩy của nhiều tu sĩ trẻ.  “Giáo hội sang trọng quá,” anh thốt lên với người nữ tu khi tan lễ.  Chị cũng tỏ ý đồng tình,  “Ừ, vui hơn ở trong trại cùi.”

Trại cùi có gần một trăm em, không kể người lớn.  Nó ở một nơi hẻo lánh của miền tây nguyên.  Mảnh đất núi đồi, thiếu thốn phương tiện.  Thiếu thốn nhất là nguồn nước, điều kiện cần thiết cho những người bịnh phong tắm rửa mỗi ngày.  Các em sinh ra không có sự chọn lựa cho số phận của mình, vậy thì làm sao có được những bước chân rộn rã như trẻ thơ xóm đạo.  Người nữ tu biết những thánh lễ nơi xóm đạo là vui, nhưng lại chọn đến ở một nơi buồn.

Chị mang hình ảnh giáo đường đến với những con người vì số phận không dám đến với giáo đường.  Trong ý nghĩa sâu xa nhất, chị là hình ảnh của giáo đường.  Thầm lặng, không rộn vang tiếng hát, không có những tà áo dài thiết tha, nhưng có nhịp thở và trái tim rung cảm của cảm thông.

Ở nhiều nơi, giáo đường không có Thánh lễ nên giáo đường trở nên trống trải.  Nhưng có Thánh lễ mà không tiếp tục lễ hy sinh trong cuộc sống thì vẫn chỉ là những nghi lễ hững hờ.  Khi Chúa Giêsu truyền dạy, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy,” Chúa không chỉ có ý truyền cho giáo hội cử hành Thánh lễ mỗi ngày nơi bàn thờ, mà là truyền dạy sống Bí Tích Thánh Thể qua hành động như Ngài hành động: trở nên bánh và rượu để nuôi dưỡng sự sống cho thế giới.  Mỗi một nghĩa cử yêu thương là bánh, mỗi một chọn lựa hy sinh, dâng hiến là rượu.  Tình yêu trao ban và lòng hy sinh làm nên thánh lễ cuộc đời.  Người mẹ thức khuya lo lắng cho con, người cha lam lũ cho cuộc sống tươi xinh của gia đình, hay như người nữ tu hiến dâng một đời cho những con người bất hạnh, tất cả đang sống mầu nhiệm Thánh Thể. Trở nên bánh và rượu cho anh chị em mình là đang tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô.  Thánh lễ trở nên thiết thực quá, không riêng gì cho Linh mục, nhưng cho tất cả mỗi Kitô hữu, biết sống cho tha nhân.

Khi Thánh lễ Tạ Ơn Linh Mục kết thúc, người nữ tu đến chào.  Ánh mắt chị vui, long lanh, xen nỗi xúc động.  Chị nói, “Chị đến xem em dâng lễ ra sao!  Vui quá”.  Thánh lễ vui thật vì có hoa, có nến, có ca đoàn rộn vang tiếng hát, có tấp nập bước chân, có cả quay phim và tiệc mừng nữa.  Nhưng Thánh lễ vui chỉ là khởi điểm bắt đầu của hy lễ hiến tế.  Để mời gọi sống những Thánh lễ trong cuộc đời có niềm vui xen lẫn nước mắt, có hạnh phúc và đau khổ, có nhận lãnh và mất mát, được yêu thương và có cả phản bội nữa.

Tôi nói với chị, “Thánh lễ em dâng hôm nay có hoa, có nến, có rộn vang tiếng hát, và có ngàn nụ cười trên môi.  Còn thánh lễ chị dâng trong cuộc đời bên những con người đau khổ, thiếu vắng nụ cười, để nuôi dưỡng sức sống và niềm hy vọng cho một phần thân thể đau khổ của Đức Kitô, thật sự là sống trọn vẹn bí tích Thánh thể: trở nên bánh rượu cho thế giới.”

Khi nắng chiều xuống dần, chị theo xe cùng người bạn cùi trở về nơi xa xăm.  Tôi đứng nhìn bóng dáng họ khuất dần theo nắng nhạt.  Ở phía xa, lác đác ánh điện đường bắt đầu sáng.  Xe chị không dừng lại giữa phố phường sáng rực, nhưng lăn lóc qua những làng quê tĩnh lặng, mộc mạc, khuất lấp giữa núi đồi.  Chị mang Thánh Lễ và mang cả bóng Giáo đường đến với nhiều cuộc đời ngổn ngang đang sống ở nơi xa xăm nhất của tình người.  Tôi nhìn bóng dáng chị, rồi nghĩ đến Thánh Lễ đời mình.

Những năm Linh mục qua đi với nhiều Thánh lễ nơi bàn thờ, nhưng lòng vẫn mãi băn khoăn, bao giờ mình mới sống trọn vẹn mầu nhiệm Thánh thể như người nữ tu ấy.  Bao giờ mình mới trở nên bánh rượu đích thực như chính Đức Kitô để nuôi dưỡng sự sống cho thế giới?  Hiến lễ nào cũng có giây phút bắt đầu, nhưng kết thúc lời kinh lại chỉ diễn ra qua những hành động trao ban.  Cuối Thánh Lễ sáng nay, tôi nguyện thầm với Chúa:

Lạy Chúa, xin cho thánh lễ con dâng mỗi ngày giúp biến đổi nghi lễ thành hành động yêu thương.  Xin cho lời truyền của Thầy Chí Thánh “Hãy làm việc này mà nhớ đến thầy” thôi thúc chúng con hành động vì tha nhân, như hình ảnh người nữ tu hao gầy trở nên bánh rượu cho một phần nhân loại khao khát tình người.  Có khi phần nhân loại khao khát ấy lại chính là những con người cụ thể luôn hiện diện trên từng lối đi của đời con.

Nếu lễ dâng được cử hành mỗi ngày nơi giáo đường, thì hành động trao ban của chúng con cũng cần được diễn ra nơi bàn thờ của cuộc sống như một hy lễ nối dài.  Nếu được như thế, Thánh thể sẽ trở thành nguồn sức sống cho gia đình con, cho cộng đoàn, và cho cái thế giới quanh con đang cần được nuôi dưỡng bằng niềm hy vọng.  Những Thánh Lễ ấy, tuy không có tiếng hát, không có hoa, có nến, không có những bài giảng hùng hồn, nhưng lại là những Thánh Lễ mang đến sức sống cho nhiều tâm hồn.  Con không thể mang Giáo đường vào cuộc sống, nhưng xin cho con trở nên bóng giáo đường giữa lòng đời, như người nữ tu hao gầy bé nhỏ, nhưng có một trái tim có khi lớn lao hơn cả những Giáo đường lộng lẫy nhưng thiếu vắng tình thương.

Nguyễn Thảo Nam

Truyện ngắn có thực: Thằng Quỷ và Kinh Kính Mừng

Truyện ngắn có thực: Thằng Quỷ và Kinh Kính Mừng

Trước đây chừng 7 chục năm, hồi còn học ở trường Trung Học Hồ-ngọc-Cẩn ở Bùi Chu tôi đã đọc được ở đâu đó câu chuyện này và viết thành Truyện Ngắn trong một Giải Thi Văn Chương toàn trường và đã được chấm giải nhất. Sau năm 1975, tôi được tới định cư ở San Jose, California, vào khoảng năm 1976, tình cờ tôi được đọc trên tờ Tuần Báo bằng Anh ngữ của Giáo Phận Công Giáo San Jose cũng câu chuyện này và tác giả cũng quả quyết rằng đây là chuyện có thật. Câu chuyện như sau:

Tại thành phố Napoli nước Ý, vào hồi cuối thế kỷ 18, có một gia đình đại phú gia có nuôi được một con khỉ rất có tài. Nó có thể đi hai chân như người. Nó có thể bưng đồ, bưng thực phẩm và hầu bàn cho khách ăn uống như một đứa đầy tớ của chủ nhà. Ông này đã mời biết bao người khách tới ăn tiệc để khoe con khỉ tài tình. Linh Mục chánh sở trong khu phố nghe chuyện con khỉ lạ, ngỏ ý muốn ghé thăm để coi. Nhưng ông chủ nhà không ưa các linh mục, đúng hơn là ông ghét nhà thờ, ghét các linh mục , nên ông không muốn các linh mục đến nhà mình. Ông cha sở tìm ra được một người bạn thân của chủ nhà có con khỉ. Linh mục nhờ ông bạn này tìm cách làm sao để linh mục có thể tới được nhà để coi con khỉ. Và linh mục đã thành công, đã được mời dự một bữa tiệc tại nhà ông đại phú gia. Chuyện lạ đã xảy ra là trong khi mọi người ăn tiệc thì không thấy con khỉ đâu cả. Chính chủ nhà cũng ngạc nhiên, không hiểu vì lý do gì, xưa nay chưa bao giờ thấy như thế. Mọi người đổ xô đi tìm con khỉ. Sau cùng thì chủ nhà đã dọi đèn và tìm thấy con khỉ đang núp dưới gầm giường ở phòng bên cạnh phòng ăn.Ông gọi nó ra, nhưng nó không chịu ra. Ông dụ nó, kêu la nó. Nó vẫn không chịu ra. Ông cha sở đâm ra nghi ngờ. Ông tới, cúi đầu xuống gầm giường, làm dấu Thánh Giá và nói: “Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, ta truyền cho ngươi phải ra khỏi gầm giường”. Con khỉ run rẩy chui ra. Linh mục nói tiếp: “Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, ta truyền cho ngươi phải nói, ngươi là ai”. Lập tức, con khỉ hiện hình ra thành một thằng Quỷ và nó lớn tiếng tuyên bố rằng “Tao là thằng quỷ được lệnh của Lucifer mai phục trong nhà này, chờ ngày giờ thằng chủ nhà chết để lôi nó xuống hoà ngục, Nhưng tối nào nó cũng đọc 3 Kinh Kính Mừng nên tao chưa thể nào bắt nó được”. Nói xong, thằng Quỷ hét lên một tiếng rối biến mất. Mọi người hết hồn khi chứng kiến chuyện vừa xảy ra. Riêng ông chủ nhà thì chạy tới quỳ sụp xuống dưới chân Linh Mục, vừa khóc vừa nói rằng: “Xin cha tha lỗi cho con. Mẹ con, trên giường lúc hấp hối, đã bắt con thề hứa với mẹ rằng mỗi tối trước khi đi ngủ, phải đọc 3 Kinh Kính Mừng. Con đã thề hứa với mẹ như thế và rồi từ đó, không tối nào con không đọc 3 Kinh Kính Mừng, và nhờ đó con còn sống tới ngày nay để chứng kiến câu chuyện kỳ lạ này.

Kinh Kính Mừng đọc như sau: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Ngày ấy khi Xuân ra đời,

“Ngày ấy khi Xuân ra đời,”
Một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi.”

(Nhạc Ngoại quốc – Lời Việt: Phạm Duy – Khúc Hát Thanh Xuân)

(1 Ti 1: 8-11)

Trần Ngọc Mười Hai

Xuân ra đời, không chỉ có mỗi ngày ấy. Lũ chim vui, có lứa đôi yêu nhau rồi, có thể cả vào lúc ấy, hôm nay và ngày mai. Tình yêu hay hạnh phúc thứ nào tốt đẹp và cần thiết hơn? Câu trả lời, sẽ hạ hồi phân giải. Nhưng, trước khi những giải và phân, ta cứ ngồi xuống mà nghe thêm câu hát tiếp, rất để đời, nổi trôi cũng không kém:

“Nhạc lắng hương xuân bồi hồi,
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi.
Nói với nhau, yêu nhau rồi,
Một ngày còn mới tươi môi.”

(Nhạc Ngoại quốc: One day when we were young)

Tình yêu hay hạnh phúc, thứ nào hay hơn ư? Này đây, một nhận định của ai đó, ký tên Lê Thuỷ viết như sau:

 Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân điều này chưa. Tôi nghĩ rằng đôi lần trong cuộc đời bạn sẽ phải nghĩ đến, bạn chọn yêu hay chọn được hạnh phúc.

 Yêu và hạnh phúc là hai định nghĩa hoàn toàn khác biệt, yêu không có nghĩa là sẽ được hạnh phúc, và hạnh phúc cũng không có nghĩa là tình yêu. Sự so sánh này như người ta vẫn hay so sánh tình và tiền vậy, nhưng sự so sánh này quá rạch ròi, và trong bài viết này tôi không đề cập, vì tôi đang đề cập đến cảm xúc của con người, nó dễ dàng nhầm lẫn khiến ta hiểu lầm vài thứ.

 Nếu bạn là một người đang yêu, và bạn được hạnh phúc suốt quãng thời gian sau này thì đó là điều tuyệt vời vô cùng, một điều kì diệu trong cuộc sống của bạn. Nhưng mảy may bạn không được cả 2 thứ đó, vậy bạn sẽ phải cân nhắc kĩ càng, vì cuộc đời đôi khi chỉ có vài lần cơ hội, một lần tuổi trẻ, một đời người, hoặc một lần lựa chọn sẽ không có sự quay đầu hay hối tiếc.

 Nếu là tôi trước đây, khi tôi 18, đôi mươi, hoặc đến tận 25-26 tuổi, tôi vẫn tuyên thệ trung thành với bản thân rằng tôi chọn yêu thay vì chọn hạnh phúc. Vì tôi tin rằng, chỉ có tình yêu mới đủ làm tôi hạnh phúc và tự tạo ra hạnh phúc (đại loại là làm chủ hạnh phúc). Đúng là tôi hạnh phúc thật, hạnh phúc ngắn ngủi nhưng kèm theo cả khổ đau song hành. Tôi hạnh phúc chừng nào thì càng khổ đau chừng ấy. Và tôi nhận ra, người yêu tôi chưa chắc mang cho tôi hạnh phúc, và người tôi yêu, tôi chưa chắc mang cho họ hạnh phúc. Vẫn đôi lần họ bảo tôi làm họ tổn thương thay vì làm cho họ hạnh phúc. Tôi bất lực nhìn tình yêu ra đi vuột khỏi tay mình mà không thể cứu vãn.

 Bạn biết rằng trên đời này không có gì là mãi mãi, trong đó có tình yêu. Tình yêu dễ vỡ, mong manh và theo sẽ nhạt dần với những sóng gió của thời gian đem đến, muốn giữ cũng không thể giữ vì bạn không thể lường hết được điều gì sẽ xảy đến với bạn. Tôi cũng đã từng tin vào tình yêu là một điều gì đó vĩnh cửu là bất diệt. Và tôi tin vào tình yêu đó, tin vào bản thân mình, vẫn tin vào câu suốt đời suốt kiếp. Ngày đó, tôi thật ngây thơ và trong trẻo. Cô bạn ngày ấy vẫn nói với tôi rằng, tình yêu một ngày nào đó sẽ hết, không phải hôm nay thì cũng là ngày mai, và chỉ để lại những kỉ niệm lẫn khoảng trống với những tiếc nuối trống rỗng, ngoài ra chẳng còn gì hết, muốn quay lại thì đã muộn. Nên đừng bao giờ lựa chọn tình yêu khi bản thân thấy không cảm thấy hạnh phúc trong hiện tại khi đã hi sinh qua nhiều.

 Cuối cùng tình yêu hết thật, cũng không hẳn là hết mà  nó đã không như còn như mong muốn, không còn như ban đầu, cảm xúc biến đổi dần theo thời gian, và tôi biết tôi không hạnh phúc dù tôi vẫn yêu rất nhiều. Tôi vẫn lựa chọn tình yêu, nhưng sau đó một thời gian sau, tôi bắt đầu lưỡng lự, vì cơ hội không có nhiều lần. Tôi tự hỏi mình, tôi muốn yêu hay muốn cuộc đời hạnh phúc. Tôi bắt đầu suy nghĩ đến điều này.

 Tôi không hạnh phúc khi yêu, nhưng người cho tôi hạnh phúc tôi thấy thật yên ổn. Thấy cuộc đời thật nhẹ nhàng, thật bình yên. Và cuối cùng tôi chọn hạnh phúc. Tôi chọn người đàn ông cho tôi một cuộc sống tinh thần êm đềm và an tâm, và tôi thấy mình hạnh phúc. 

Bên cạnh người tôi yêu, tôi thấy đau khổ, dằn vặt, mệt mỏi. Khi mất tình yêu, thì chắc chắn bạn sẽ rơi vào một trạng thái đau khổ và trống trải của sự cô đơn. Tôi thấy mình chọn đúng. 

Cách đây 4 năm, một người bạn thân nhất của tôi đã lựa chọn một người đàn ông là cô ấy thấy yên tâm và tin tưởng thay vì chọn người mình yêu mà làm cho cô ấy luôn sống trong đau khổ lẫn bất an. Cuối cùng cô ấy có hạnh phúc hay không tôi không biết, nhưng 4 năm sau, cô ấy khuyên tôi rằng: HÃY LẤY NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÀM CHO MÀY HẠNH PHÚC. Và bây giờ, tôi thấy hạnh phúc khi đi cùng con đường với cô ấy. Thoát khỏi sự sầu não đeo bám hằng mấy năm trời khi chọn yêu. 

Tôi không khuyên những người đã yêu, đang yêu chọn cái gì, tôi chỉ kể ra những câu chuyện về tôi để bạn có thể lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời. VÌ BẠN SỐNG LÀ SỐNG CHO CẢ CUỘC ĐỜI, KHÔNG PHẢI SỐNG TRONG MỘT KHOẢNh KHẮC NÀO ĐẤY. TÌNH YÊU CHỈ LÀ MỘT KHOẢNH KHẮC. RỒI SẼ QUA ĐI. BẠN VẪN PHẢI TIẾP TỤC CUỘC SỐNG ĐẰNG SAU ĐÓ. MÀ CUỘC SỐNG KHÔNG CHỈ CÓ TÌNH YÊU.

HẠNH PHÚC MỚI LÀ THỨ BẠN ĐEO ĐUỔI CẢ CUỘC ĐỜI.

KHÔNG CÓ TÌNH YÊU, BẠN VẪN SỐNG ĐƯỢC, NHƯNG KHÔNG CÓ NHỮNG THỨ KHÁC, TÌNH YÊU SẼ KHÔNG TỒN TẠI ĐƯỢC. VÀ KHI ĐÓ, CUỘC ĐỜI BẠN CHỈ CÒN LÀ BẤT HẠNH.

 Có thể bây giờ bạn không nhận ra chân lý này, bạn bác bỏ nó (như tôi từng bác bỏ) thì một ngày bạn sẽ ngộ ra được điều này một ngày nào đó khi bạn đi qua tình yêu.

CÒN BẠN, BẠN SẼ CHỌN GÌ?.”(Lê Thuỷ)

Chọn hạnh phúc như người viết ở trên ư? Đã chắc gì việc ấy thích-hợp với mọi người. Thôi thì, trước khi quyết định chọn-lựa, bạn và tôi ta cứ thử xem lời ca ta vừa hát, nói gì đây:

“Rồi nắm tay cùng nói vui,
Những câu êm êm không rời vai.
Rồi lả lơi, hình dáng ai,
Khuất xa biến vào nẻo khơi.
Từ đó khi xuân tái hồi,
Cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi.
Nhớ tới câu thương yêu người,
Một ngày tuổi mới đôi mươi.”

(Nhạc ngoại quốc – bđd)

Vâng. Chính đó mới là trọng-tâm một quyết-định. Quyết chọn hạnh-phúc hay tình-yêu, cũng là chọn niềm vui cho đời mình. Đó là chọn và lựa của người đời hay nghệ-sĩ ở ngoài đời, cốt để vui. Thế còn nhà Đạo thì sao? Nhà Đạo chọn gì cho đời mình? Phải chăng người người chỉ chọn sống đời đi Đạo không bằng sống Đạo trong đời, mà chỉ loanh quanh chuyện nhà thờ nhà thánh suốt Chúa nhật, một ngày vui?

Thôi thì, ta thử đi vào chuyện hỏi/đáp giữa nhà Đạo và người đời sau đây. Hỏi, là hỏi rằng:

“Thưa cha.

Con có một số bạn bè/người thân đã không còn đều đặn đi lễ mỗi Chúa Nhật nữa rồi. Có người nói, họ quá bận rộn với đủ mọi công việc, có người còn phải lo cho con cái chơi thể thao với thể-dục, có người lại nói phải làm suốt 7 ngày, thì giờ đâu mà nhà thờ nhà thánh. Các câu trả lời này, khiến con thấy bất-bình, bởi khi xưa bạn bè của con đều là những người luôn sống tốt đạo đẹp đời, không khi nào bỏ bê chuyện nhà thờ hết. Vậy theo cha, con phải làm sao để giúp các vị này đây?

 Lại một lần nữa, câu hỏi của người đi Đạo thời nay vốn dĩ thực-tế, khôn-ngoan và cẩn-trọng. Thế nhưng, hỏi ai không hỏi, lại đi hỏi đấng bậc chuyên-chăm chuyện giáo-luật với phụng-vụ nhà thờ, thì đương nhiên câu trả lời, rày sẽ như sau:

“Anh/chị vừa nêu lên câu hỏi đi thẳng vào vấn-đề ngày càng quen-thuộc đáng cho mọi người ưu-tư, quan-ngại.

 Theo nghiên-cứu/khảo sát thực-hiện năm 2011, thì: chỉ mỗi 12.2% người Công giáo Úc “đi lễ” ít nhất 3 lần một tháng. Cách đây 50 năm, tỷ-lệ những người này lên đến 60%. Xem thế thì, đây không là tình-huống lành mạnh chút nào hết. Cuối cùng ra, thì Thiên-Chúa là khởi-đầu và cùng-đích của ta, Ngài đã tạo-dựng nên vũ-trụ này từ cõi hư-không. Ngài tạo-dựng ta theo ảnh-hình của Ngài, giống Ngài đến độ Ngài vẫn thương-yêu ta rất mực đến độ trở-thành người phàm rồi chết trên thập-giá hầu cứu-rỗi ta và Ngài vẫn dành chỗ cho ta trên Thiên-quốc. Ta không thể sống không có Ngài. Và, chắc chắn ta cũng không muốn chết mà không có Ngài và với Ngài…

 Vấn-đề con người ngày nay để Thánh-lễ Chúa Nhật luột mất khỏi cuộc sống thường nhật của mình, thường kéo theo sự thể là họ cũng để luột mất Thiên-Chúa ra ngoài cuộc của chính họ. Và, cuộc sống mà không có Thiên-Chúa, thật rất buồn.  

 Thật sự, Thiên-Chúa mang ánh-sáng, hy-vọng, niềm vui, tình thương-yêu và sự chín-chắn ta vẫn tìm và cần đến. Và, khi ta có con có cháu nhất là vào lúc chúng đi học ở trường Công-giáo, chúng sẽ thấy sự mâu-thuẫn giữa những điều chúng học được ở trường với lối sống ở nhà. Giả như bậc mẹ cha không có lòng hướng về chuyện đi lễ nữa, thì các vị ấy cũng phải nghĩ đến chuyện tốt của cháu con. Đưa con cháu đến nhà thờ dự thánh-lễ mỗi Chúa nhật như Ngày của Chúa là nơi cả gia-đình cùng nhau coi việc lễ lạy là chuyện ưu-tiên, thì đó là cách tốt đẹp để giúp chúng thấm-nhuần đặc-tính tín-thác, hy-vọng và thương-yêu đối với Chúa là Đấng cung-cấp nền-tảng trên đó ta xây-dựng cuộc sống của chúng.

 Ở đây, cũng nên nhớ Lời Chúa nói với các tông-đồ khi các thánh ngủ vùi ở vường Ghét-sê-ma-ni rằng: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?” Cũng thế, ta không thể bỏ ra chỉ một giờ đồng-hồ một tuần cho Chúa khi Ngài trông nom/bảo-vệ ta và chúc lành cho ta suốt ngày 24 tiếng và suốt bảy ngày trong tuần sao? Những người trở về đi lễ thường-xuyên ngày Chúa Nhật sau một thời gian-vắng mặt ở nhà thờ, đều đặt giá-trị của việc đưa Chúa trở về với tháng ngày thời-gian có Chúa chăm sóc cho đời mình, là điều tốt.

 Trờ về để đi lễ, mọi người sẽ lại được nghe Lời Chúa qua các bài đọc, được nghe lời cố-vấn hữu-ích từ các bài giảng và được cầu nguyện cho các ý-chỉ của mình, đặc-biệt hơn, lại được rước Đức Kitô và giờ hiệp-thông rước lễ, nữa. Vậy nên, hãy làm mọi việc ta có thể làm được để giúp đỡ bạn bè người thân trải-nghiệm niềm vui ấy, đặc-biệt vào năm thánh Từ-Bi 2016 này.

 Thật ra, nếu muốn, ta vẫn có thể làm cho thánh-lễ trở-thành việc hài-hoà thích-hợp với công việc, thể-thao, thư-giãn của ta vào mọi lúc để đi lễ vào tối Thứ Bẩy hoặc ngày Chúa Nhật, nếu thấy cần. Có như thế, ta sẽ làm được việc khác-biệt, rất lớn-lao.” (X. Lm John Flader, Faith, hope and love of God – and keeping the Lord’s Day holy, Question Time, The Catholic Weekly 01/5/2016 t. 18)

               Nói cho cùng, thì: có đi nhà thờ suốt mọi ngày hay chỉ mỗi Chúa Nhật cách quãng trong tháng hoặc trong năm cũng chỉ để chứng-tỏ niềm tin, hy-vọng và lòng thương-yêu vẫn còn đó nơi người Đạo Chúa chốn dương-gian, phàm trần. Tin, yêu và hy-vọng như Đức Thày linh mục-Dòng người Úc, từng quả-quyết hôm nào ở Sydney như sau:

Xin thêm đôi ý tưởng, để bảo rằng: Phúc Âm không kể cho ta biết là cuối cùng thì đá-tảng-lấp-mồ của Đức Giêsu khi xưa đã lăn về đâu? Phải chăng, đá tảng lấp mồ ấy đã và đang lăn vào hộp Cẩm Nang Thần-học của ta và của người chứ?

 Cuối cùng thì, ta có thể trở về với vấn-đề đặt ra cách rất thực, tức: về với  tình Thương-yêu của Thiên-Chúa vẫn đề ra với các mẩu vụn cuộc đời của ta, tức: của chính ta, mà thôi.” (X. Lm Kevin O’Shea, Ơn Cứu Chuộc Nơi Ngài Chan Chứa,nxb Phương Đông 2015, tr.152)  

Nói cho cùng, là nói những lời dù mạnh-bạo nhưng thích-hợp với thời-đại, với con người ở thời này, nay ra thế.

Nói cho cùng, thì có nói nhiều cũng chẳng thể nào đổi-thay được chiều-hướng trong đó mỗi người và mọi người vẫn cứ thế. Cứ, để mình trôi theo cơn lũ cuộc đời rất phàm-trần.

Nói cho cùng, còn là nói và thực-hiện đúng chủ-trương của mình và của người. Dù, người có “đi Đạo” theo kiểu xưa cũ hay rất mới, cũng vẫn là chọn-lựa tư riêng của người và của mình, trong cõi đời thực-tế nhiễu-nhương đầy cảm-nghiệm.

Nói cho cùng, sống đời nhiều đổi-thay còn là sống cùng và sống với không chỉ mỗi người đồng Đạo, đồng thuyền mà thôi, nhưng cả với người khác Đạo và khác thuyền nữa.

Nói cho cùng, thì sống là thực-hiện những điều mình ước/muốn trong tình-huống rất thực, của đời ở đây, rất bây giờ.

Nói gì thì nói, hãy cứ nói và làm như đấng bậc hiền lành trong Đạo, ngoài từng hướng-dẫn hoặc nhủ-khuyên như thày trò nhà Đạo khi xưa còn khuyến-dụ, như sau:

“Chúng ta biết rằng Lề Luật là tốt,

nếu người ta sử dụng cho đúng cách.

Thật vậy,

Lề Luật có đó,

không phải cho người công chính,

mà là cho hạng người sống ngoài lề luật

và bất phục tùng,

vô luân và tội lỗi,

phạm thánh phạm thượng,

giết cha giết mẹ, sát nhân,

dâm dật, kê gian,

buôn người, nói dối, bội thề,

và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh.

Đó là giáo lý phù hợp với Tin Mừng

đã được giao phó cho tôi,

Tin Mừng về vinh quang của Thiên Chúa chí tôn.”

(1 Timôtê 1: 8-11)

Nói gì thì nói, hãy cứ nói theo nhạc-điệu có âm có vận, như lời thơ hoặc âm-nhạc vẫn hát rằng:

“Nhạc lắng hương xuân bồi hồi,
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi.
Nói với nhau, yêu nhau rồi,
Một ngày còn mới tươi môi.”

(Nhạc Ngoại quốc: One day when we were young)

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn lắng nghe

Hương Xuân bồi hồi

Để tiếng hát lên ngôi

nói với nhau yêu nhau rồi

một ngày còn mãi tươi môi

rất của Chúa. 

Ta có gì đâu ngoài trái tim,

 “Ta có gì đâu ngoài trái tim,”

Đem phơi hệ luỵ giữa thanh-thiên.

Ngờ đâu thiên-hạ vô tâm quá,

Mua vui trên những nỗi đoạn-trường.”

(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mai Tá lược dịch.

Thiên-hạ vô-tâm quá, đâu ngờ ta còn có trái tim. Vậy mà thiên-hạ vẫn cứ ngờ và làm ngơ cảnh đoạn-trường giữa thanh-thiên ban ngày như truyện Chúa kể ở dụ-ngôn về người Samaritanô không vô-tâm trước nỗi đoạn-trường của người dưng bên vệ-đường, rất thương tâm.

Có lần, cựu thủ-tướng nước Anh là bà Margaret Thatcher đã méo mó nghề chính-trị, khi bình-luận truyện người Samaritanô nhân-hiền theo nhãn-giới chính-trị. Bà cho rằng: sở dĩ người Samaritanô làm phước làm đức là vì ông vốn dĩ là người lao-động cật-lực, năng dành-dụm tiền của, nên mới có khả-năng giúp đỡ người khác, ở vệ đường. Và, bà còn bảo: trọng-tâm của dụ-ngôn Chúa kể, là bằng chứng để bà khuyến-khích người thất-nghiệp ở nước Anh hãy hăng say làm việc cật-lực ngõ hầu tạo được an-sinh cho xã-hội.

Kể ra thì, nữ thủ-tướng này chỉ nói đúng có một phần, mà thôi. Đúng, là đúng theo tầm-nhìn méo mó của chính-trị-gia chuyên nói-dối và bẻ quặt sự thật, dù đó có là sự thật của Phúc Âm hoặc gì khác chỉ với mục-đích quyết đạt cho được điều mà cá-nhân hoặc đảng-phái của mình từng muốn thế. Thực-tế cuộc đời, lại hoàn-toàn khác. Với Tin Mừng thánh Luca, người Samari đại diện cho nhóm người ngoài Đạo, ngoài đời. Những người không có thái độ vênh vang, tự hào cho rằng mình chỉ biết có luật là luật.

Về việc tốt lành người Samaritanô ngoài Đạo làm, thánh Tôma Aquinô giải thích: hành động bác ái chính là mẹ hiền của các nhân đức. Đức bác ái, sẽ giải quyết mọi ước nguyện để giúp ta nhìn rõ những điều ta thực sự muốn làm. Người có lòng từ tâm bác ái, thấy được nhu cầu phải yêu thương mọi người. Nhu cầu ra tay giúp đỡ những ai cần mình giúp.

Truyện kể hôm nay, cho thấy có bốn loại người dính dự trong cuộc. Trước nhất là vị tư tế chuyên hành thiện, rồi đến đấng bậc Lêvi tử tế vào bậc thày, người Do Thái bị nạn, và cuối cùng là người Samari, ngoài Đạo đang đi trên đường. Có lẽ ông ta chỉ là nhà buôn đi ngang, thấy chuyện bất bình, nán lại mà giúp đỡ, thế thôi.

Kể về ông, người nghe tuyệt nhiên không biết gì về tín ngưỡng niềm tin của ông. Ở đây nữa, lý lịch, tôn giáo, và chính kiến lập trường hay ý thức hệ, không là điều hệ trọng. Chuyện hệ trọng ở đời, thật ra luôn là vấn nạn: người người ở thế gian có còn tình người nữa hay không, thôi. Và, chuyện quan trọng khác, cũng nên hỏi, là: bạn này/người kia, hoặc chính ta hôm nay, có còn lòng tốt/lòng Đạo, nữa hay không.

Đặc điểm của lòng tốt/lòng Đạo, là lòng xót thương công chính, khả dĩ giúp ta nhìn thấy mọi chuyện theo chiều hướng yêu thương, tử tế. Mọi chuyện đây, là: luật dân sự cũng như tôn giáo, đều là chuyện cần, nhưng không thể ngăn chặn công lý/lẽ phải. Không thể ngăn chặn ta xử sự cho tốt đẹp với người khác, chí ít, là người bị nạn cần giúp đỡ.

Sở dĩ người Samaritanô tuy ngoài Đạo nhưng tốt bụng, không vì ông đã làm việc cật lực nên mới có của dư của để, hầu có khả năng thực hiện những điều trái mắt ông nhìn thấy, ở dọc đường. Nhưng, sở dĩ ông có lòng tốt, là vì ông có mắt để thấy, và nhìn ra những việc nên làm. Tức, có cái nhìn đúng nghĩa.

Lòng tốt theo nhà Đạo, không là khoảnh khắc thấy vui trong lòng vì mình tốt bụng. Mà là, kinh nghiệm mình có được/tạo được, vì đã biết đến đổi thay, trong cuộc sống. Hiểu theo nghĩa này, người Samari tốt bụng sẽ là gương sáng về lòng bác ái, rất tốt. Điều này trái với lối diễn nghĩa của vị nữ lưu có thời từng làm thủ tướng nước Anh.

Truyền thống trong Đạo vẫn dạy ta, là: lòng tốt bụng/xót thương, tạo chính nghĩa, vẫn quyện vào nhau. Thánh Tôma Aquinô còn nói: lòng xót thương giúp ta biết nghe, và biết nhìn. Còn, sự công chính phải đạo kêu mời chúng ta làm việc tốt.

Người Samari thấy được những gì ông có thể làm và phải làm, nơi hiện trường ông chứng kiến. Và, ông tạm thời giúp người bị nạn và đem nạn nhân đến quán trọ để săn sóc. Ông không chỉ nhìn và thấy sự việc xảy đến thôi, nhưng còn biết phán đoán và hành động cách thức thời nữa.

Người Samari có thể đã không học luật như thầy Lêvi. Có thể, ông cũng không là người hành Đạo như các vị Tư tế, rất hiền lành. Nhưng, ông đã phá vỡ được các chấm phết vô tri, vô mộ của luật lệ trong Đạo/ngoài đời, nơi sách vở. Ông có lòng xót thương/bác ái, bằng hành động. Đặc điểm của lòng thương xót bác ái và sự công chính giúp ta nhìn thấy mọi sự, xấu cũng như tốt, một cách rõ ràng. Thấy được cả những rào cản nào không giúp ta đến với sự công chính của Chúa. Bởi, lề luật không quan trọng bằng lòng thương xót, bác ái.

Cuối cùng ra, ta có thể nói: toàn bộ mọi chương sách của Tin Mừng thánh Luca đều nhắm vào việc chuyển đổi người nhà Đạo về sự hệ trọng cần thay đổi quan điểm lập trường. Thay đổi niềm tin tưởng cá nhân khi nghĩ rằng ‘chỉ mỗi tôi và Chúa đã hợp lòng đối nghịch phàm trần’. Thay đổi, thành con người mới không chỉ mỗi ngồi suy nghĩ mà thôi; nhưng phải có hành động thiết thực, đầy xót thương, công chính.

Bằng vào dụ ngôn hôm nay, Đức Kitô đề nghị với mọi người –chí ít, là người nhà Đạo- bài học thực tế về lòng xót thương, công chính. Thương, những người ở bên trong cũng như bên ngoài nhà Đạo, đang khốn khó. Xót thương, những người đang có nhu cầu. Thương xót, giúp đỡ hết mọi người. Dù, điều đó không thấy có trong sách luật.

Truyện kể về người Samari tốt bụng, phải làm sống lại lòng bác ái/xót thương, và sự công chính vẫn có nơi người nhà Đạo. Truyện kể còn thách thức ta biết nhìn ra những ai cần được ta cưu mang, đùm bọc trên đường thực thi rao giảng Tin Mừng, của Chúa.

Hơn nữa, dụ ngôn hôm nay còn giúp ta nhớ rằng: Đức Kitô không dạy ta bài học tôn giáo cho thiểu số ưu việt được chọn. Nhưng, Ngài dạy mọi người biết cách mà sống đúng với phẩm giá con người. Nói cách khác, Ngài có kêu mời ta nhưng không để ta sống theo mẫu siêu nhân, phản tự nhiên. Nhưng, sống đích thực và trung thực với xác tín sâu xa về chính bản chất của mình. Bản chất dân con nhà Đạo.

Trong quyết-tâm làm được như Lời Ngài khuyên dạy, ta hãy cứ hiên-ngang hướng về phía trước, miệng nghêu-ngao hát lên bài ca của nghệ-sĩ trẻ ngày trước vẫn hát rằng:

“Đừng ngồi yên nghe tiếng khóc quanh mình.

            Đừng ngồi yên trên nhung gấm vô-tình, hỡi bạn thân!

            Đừng vùi lương-tri dưới gót chân.

            Đừng nhìn tha-nhân đang kêu gào chống ngục-tù xin công-bằng, đòi cơm áo.

Đừng sợ bạn ơi, hãy đứng thẳng lên, cuộc đời đang giang tay đón ta

            Bằng yêu-thương ta đi xoá ta …mọi căm hờn.”

            (Lê Hựu Hà – Bài Ca Tuổi Trẻ)

Vâng. Bằng tình thương-xót, ta không xoá tan được mọi hờn-căm, nhưng còn làm cho mọi người không còn “mua vui trên những nổi đoạn-trường” ở trần-gian. Trần-gian hôm nay, sẽ còn nhiều Samarita-nô nhân-hiền, tốt bụng không vô-tâm.

Lm Richard Leonard sj biên-soạn  

Mai Tá lược dịch.

BÀI HỌC TRỰC QUAN VỀ LÒNG YÊU THƯƠNG

BÀI HỌC TRỰC QUAN VỀ LÒNG YÊU THƯƠNG

LM Inhaxiô Trần Ngà

Tại một khúc đường vắng trên con đường từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô có một khách bộ hành bị trọng thương đang quằn quại rên siết.  Khúc đường nầy xưa nay vẫn thường xảy ra những vụ cướp của giết người nghiêm trọng.  Hẳn đây lại là một nạn nhân khác do bọn cướp gây ra.

Một hy vọng loé lên trong đầu óc nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang tiến lại gần.  Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị Tư Tế.  Ngài vốn thông làu lề luật yêu thương, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh ta.  Nhưng rồi vị Tư Tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên mà đi thẳng, để mặc anh nằm đó.

Một lát sau, có một thầy Lê-vi đi qua, vị nầy đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, nhưng rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh, có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn lảng vảng đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia.  Thôi, khôn hồn thì rảo bước cho nhanh, mau qua khỏi nơi nguy hiểm nầy.

Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp đâu đây vọng lại, rồi vị khách đi đường thứ ba xuất hiện. Đây là người dân Sa-ma-ri.  Chẳng hy vọng gì nơi hạng người như thế, hạng người xưa nay vẫn mang tiếng là quân lạc đạo chẳng ra gì.

Thế nhưng, người Sa-ma-ri nầy lại cho lừa dừng lại, bước xuống cúi mình trên nạn nhân, cảm thương thân phận người xấu số.  Ông mở hành trang lấy rượu rửa sạch vết thương, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay trở về quán trọ.  Đến nơi, ông lo liệu cơm cháo thuốc men, săn sóc nạn nhân như lo cho người thân yêu của mình.  Sáng hôm sau, vì công việc gấp rút đòi buộc, ông phải vội lên đường; nhưng trước khi ra đi, ông trao tiền cho chủ quán và dặn dò: “Xin ông lo chăm sóc người nầy giùm tôi cho chu đáo, còn tốn phí thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông”.

***********************************

Điều tuyệt vời nơi con người nhân ái nầy là đức tính sẵn sàng phục vụ.  Phục vụ tức thời không so đo tính toán.  Phục vụ bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đang lúc phải đi về Giê-ri-cô cho nhanh trước khi trời tối, mà phải dừng lại tại một nơi không ngờ trước, bày tỏ tình thương mến một nạn nhân xa lạ bằng những chăm sóc hết sức ân cần chu đáo, bất chấp hiểm nguy cho tính mạng mình, chấp nhận mất mát thời giờ, tiền của, đành để cho vợ con chờ đợi sốt ruột ở nhà, gác bỏ qua bên bao nhiêu công việc cấp bách… thì đây quả là một con người hy sinh cao thượng hiếm có.

Bài dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành nầy đáng được xem là tinh hoa của lề luật, là cốt tuỷ của nền luân lý ki-tô giáo, là minh họa hay nhất cho lề luật yêu thương, là tấm gương soi cho tất cả những người con cái Chúa.

Giữ luật yêu thương không chỉ là tâm niệm luật ấy trong lòng đêm ngày như những kinh sư và biệt phái.  Giữ luật yêu thương không phải là lặp lại luật ấy trên môi, đeo câu luật yêu thương trên tay, trên trán hay dán lên khung cửa ra vào như những người Do Thái xưa kia thường làm.

Nhưng giữ luật yêu thương chủ yếu là cúi xuống trên những mảnh đời bất hạnh để ủi an chăm sóc, là chia cơm sẻ áo, là trở thành người tôi tớ phục vụ tha nhân bất cứ khi nào họ cần.

***********************************

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa là bậc Thầy khôn ngoan lỗi lạc.  Qua bài Tin Mừng nầy, Chúa dạy chúng con  một bài học trực quan rất sinh động về yêu thương: Yêu thương là cúi xuống chăm sóc người bất hạnh bất cứ lúc nào, bất kể nơi nào, như người Sa-ma-ri đã thực hiện.

Xin ban thêm cho chúng con đức tin và lòng yêu mến.  Tin Chúa hiện diện nơi mọi người, đặc biệt là nơi những người cùng khổ và đem hết khả năng để phục vụ và yêu mến họ, vì khi thực hành như thế là chúng con đang làm cho chính Chúa.

LM Inhaxiô Trần Ngà

Anh chị Thụ & Mai gởi

NHỮNG ĐÒI HỎI THIẾT YẾU ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ TRƯỞNG THÀNH

 NHỮNG ĐÒI HỎI THIẾT YẾU ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ TRƯỞNG THÀNH

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Trong quyển tiểu sửcủa mình, Morris West cho rằng, ở một độ tuổi nhất định nào đó của cuộc đời, tự điển tâm linh của chúng ta đơn giản chỉ còn ba câu: Cám ơn!  Cám ơn!  Cám ơn!  Ông đúng nếu chúng ta hiểu trọn vẹn thế nào là sống với tấm lòng biết ơn.  Biết ơn là đức hạnh cao nhất, là nền tảng cho các thứ hạnh khác, kể cả tình yêu.  Và nó còn đồng nghĩa với thánh thiện.

Biết ơn không chỉ là điều xác định sự thánh thiện, mà còn xác định cả sự trưởng thành.  Chúng ta trưởng thành khi đạt đến mức độ biết sống biết ơn.  Nhưng điều gì sẽ cho chúng ta được như thế?  Điều gì cho chúng ta một sự trưởng thành nhân bản sâu sắc hơn?  Tôi muốn nêu ra đây mười đòi hỏi chính yếu cả trong sự trưởng thành nhân bản lẫn trưởng thành Kitô giáo:

  1. Sẵn sàng đảm nhận hơn nữa những phức tạp đời sống với lòng cảm thông: Trong cuộc sống, có rất ít điều trắng đen hoặc đơn giản là xấu tốt rõ ràng, kể cả trong tâm hồn và động cơ của chúng ta.  Sự trưởng thành làm cho chúng ta nhìn nhận, thông hiểu và chấp nhận sự phức tạp này với lòng cảm thông để, như Chúa Giêsu, chúng ta khóc những giọt nước mắt thông hiểu cho những đô hội hỗn loạn và những tâm hồn phức tạp của chính chúng ta.
  2. Ghen tương, giận dữ, chua cay, thù ghét phải được biến đổi, không ăn miếng trả miếng. Bất kỳ nỗi đau hay áp lực nào không được biến đổi, thì chúng sẽ được chúng ta lan truyền tiếp.  Khi đối diện với ghen tương, giận dữ, chua cay, thù ghét, chúng ta phải như người lọc nước, giữ độc tố bên trong, chỉ để cho giòng nước tinh khiết chảy ra ngoài, chứ đừng làm như sợi dây điện, cứ để điện năng xuyên qua mà không lọc.
  3. Hãy mềm dẻo chịu đựng hơn là để tâm hồn chai cứng: Chịu đựng và khiêm nhường luôn có trong chúng ta, nhưng cách chúng ta đáp trả, tha thứ hay chua cay, sẽ định rõ mức độ trưởng thành và chân tướng của chúng ta.  Đây có lẽ là phép thử cao nhất cho đạo đức của chúng ta: Liệu lòng khiêm tốn của tôi sẽ làm mềm dịu hay chai cứng tâm hồn tôi đây?
  4. Tha thứ: Đến cuối cùng, chỉ có một điều kiện để được vào thiên đàng (cũng như để sống trong cộng đồng nhân loại), chính là sự tha thứ.  Có lẽ trong nửa sau cuộc đời mình, việc khiến chúng ta phải đấu tranh nhiều nhất chính là hành động tha thứ: Tha thứ cho những ai đã làm chúng ta tổn thương, tha thứ cho bản thân vì những khiếm khuyết, và tha thứ cho Thiên Chúa vì dường như Ngài đã bất công để chúng ta kiệt lực khi đối diện với thế giới này.  Trong tất cả, đòi hỏi đạo đức lớn nhất chính là đừng để mình chết đi với một tâm hồn chua cay và bất dung.
  5. Sống biết ơn: Là một vị thánh nghĩa là được kích động bởi lòng biết ơn, không hơn không kém. Đừng để ai lừa mình với tư tưởng cho rằng lòng sốt sắng với chân lý, với giáo hội, và ngay cả với Thiên Chúa có thể cao hơn hay ít ra cũng ngang với đòi hỏi không nhân nhượng là chúng ta phải luôn luôn biết sống trong tâm tình biết ơn.  Thánh thiện là sống biết ơn.  Không có lòng biết ơn, chúng ta sẽ thấy mình đang làm những điều đúng cho những động cơ sai lầm.
  6. Chúc phúc hơn là chúc dữ: Chúng ta trưởng thành khi chúng ta khẳng định mình bằng điều mà chúng ta hướng đến hơn là điều mà chúng ta chống lại và đặc biệt sự trưởng thành của chúng ta được đánh dấu khi chúng ta, như Chúa Giêsu, biết tìm đến tha nhân và nhìn họ với cặp mắt chúc lành (“Xin Chúa chúc lành cho bạn!”) hơn là chúc dữ (“Bạn nghĩ bạn là ai vậy”?)  Có khả năng khen ngợi hơn là phê phán là dấu hiệu cho thấy mức độ trưởng thành của mỗi người.
  7. Sống minh bạch và lương thiện: Chúng ta không bình thường khi khư khư ôm giữ các bí mật bệnh hoạn nhất của mình, nhưng chúng ta sẽ sống lành mạnh khi chúng ta sống lương thiện.  Như Martin Luther đã từng nói, chúng ta cần “phạm tội một cách dũng cảm và chân thật.”  Sự trưởng thành không có nghĩa là chúng ta trở nên hoàn hảo hay vô tội, nhưng có nghĩa là chúng ta sống chân thật.
  8. Cầu nguyện bằng cảm xúc lẫn theo nghi thức: Nguồn năng lượng chúng ta cần để cho mình sống trong lòng biết ơn và tha thứ không nằm ở sức mạnh của ý chí nhưng ở ân sủng và cộng đoàn.  Chúng ta được vậy là nhờ cầu nguyện.  Chúng ta trưởng thành khi biết mình bất lực và biết nhờ đến sức mạnh Thiên Chúa, cũng như khi biết cầu nguyện với tha thân để cho toàn thế giới cũng sẽ cầu nguyện như vậy.
  9. Mở rộng vòng tay hơn bao giờ hết: Chúng ta trưởng thành khi định nghĩa được ai là gia đình mình (Ai là anh chị em tôi?) theo một cách đại kết, liên tôn, không phân biệt tư tưởng, không kỳ thị.  Chúng ta chỉ trưởng thành khi biết thương xót như Thiên Chúa giàu lòng thương xót, mặt trời chiếu cho cả người mình thích và không thích.  Đến một lúc, chúng ta phải thay thế các áp phích cổ động yêu thương bằng những cái chậu cái khăn để cùng tắm chung một dòng nước.
  10. Hãy ở đúng vị thế của mình, và để Thiên Chúa bảo vệ bạn:  Xét tận cùng, tất cả chúng ta đều yếu ớt, chỉ nhờ vào may rủi, và vô vọng, không bảo vệ những người chúng ta yêu mến, và cả chính chúng ta nữa.  Chúng ta không thể bảo đảm sự sống, an toàn, ơn cứu rỗi, hay sự tha thứ cho chính mình hay cho những người mình yêu thương.  Sự trưởng thành dựa trên việc chấp nhận sự thật này hơn là cứ mãi lo lắng về nó.  Chúng ta chỉ có thể làm hết sức mình, bất kể quãng đời nào, vị thế nào, giới hạn hay khiếm khuyết của mình, và tin rằng như vậy là đủ, tin rằng nếu chúng ta ngã xuống nơi chiến điểm của mình, trong chân thật, trong khi đang làm nhiệm vụ được giao, thì chính Thiên Chúa sẽ lo cho phần còn lại.

Thiên Chúa là một bậc cha mẹ yêu thương vô vàn, tràn đầy thông hiểu, và hoàn toàn cảm thông. Chúng ta trưởng thành và tự do thoát khỏi những lo lắng sai lầm, khi chúng ta hiểu được và tin tưởng sự thật đó.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ANH EM HÃY RA ĐI

ANH EM HÃY RA ĐI

Ai được mời gọi gặt lúa?  Không phải chỉ là nhóm Mười Hai tông đồ, mà là 72 môn đệ. Không phải chỉ là 12 chi tộc Israel, mà là mọi người thuộc mọi dân nước.  Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.  Mọi Kitô hữu đều được mời làm thợ gặt.  Cả linh mục, tu sĩ, giáo dân đều được sai đến với cánh đồng hôm nay.

Một lời rao giảng làm rộn lên niềm vui: Nước Thiên Chúa đã đến gần anh chị em.  Một lời chào thân thiện: Bình an cho nhà này.  Một thứ hành trang nhẹ tênh: Không túi tiền, bao bị, giày dép.  Một việc phải làm: Chữa lành những người ốm đau.  Một thái độ phải có: Khiêm tốn và siêu thoát, đón nhận những gì người ta cung cấp cho, không tìm kiếm tiện nghi, dễ chịu.

Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ dặn chúng ta điều gì?  Chắc Ngài sẽ dặn khác, vì cánh đồng con người đã đổi khác.  Chúng ta phải hiểu thấu nỗi khát vọng của bạn bè, phải biết nói sao để họ hiểu được, nhạy cảm để thấy điều họ thực sự đang cần, và sống hài hòa với lời mình giảng.

Có thể chúng ta sẽ đi giày, và có ba, bốn áo, sẽ có ví tiền và máy vi tính xách tay, sẽ có văn phòng, máy fax và điện thoại.  Nhưng những thứ đó không làm chúng ta nặng nề.  Hành trang không được trở thành những cản trở khiến ta mất sự tín thác vào Thiên Chúa và xa lạ với con người, nhất là những người nghèo khổ.

Hôm nay Chúa sai chúng ta làm chứng giữa đời, đôi khi ta thấy mình như chiên non giữa bầy sói.  Chúng ta cứ phải trăn trở hoài để Tin Mừng chúng ta rao giảng cho bạn bè, thực sự đáp ứng những khát khao thầm kín của họ: Khát khao an bình, tự do, niềm tin và hạnh phúc, khát khao tình huynh đệ, sự chia sẻ, tha thứ, cảm thông; để những việc chúng ta làm cho họ xoa dịu được nỗi đau nhức nhối, và giải phóng họ khỏi xiềng xích của ác thần, đang nô lệ hoá con người dưới muôn vàn hình thức.  Các môn đệ hớn hở mừng vui khi lần đầu tiên họ trừ được quỷ nhân danh Thầy.  Vương quốc của Satan bị đẩy lui bởi những con người bình thường và yếu đuối.

Hôm nay, khi xây dựng một thế giới công bằng và yêu thương chúng ta tiếp tục đẩy lui Satan, để Nước Chúa lớn lên trên mặt đất này, và trở nên viên mãn trong ngày sau hết.

*******************************

Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: Rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết nói Tin Mừng với niềm vui, như người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.

Trích dẫn từ “Manna”

“Ngồi nghe anh hát thiên tình ca,”

 “Ngồi nghe anh hát thiên tình ca,”
“Ngỡ như đất trời giao hòa.
Và tai nghe thấy một rừng âm vang
khúc hát dâng đời ta.”
(Nhạc ngoại quốc – Lời Việt: Nỗi Đau Dịu Dàng)

(Mt 23: 11-12)

 Trần Ngọc Mười Hai

Mấy hôm nay, gặp ngày trời mây trong sáng, mà lại nghe anh/chị hát khúc “thiên tình ca” như thế thì bần đạo đây thấy đời bỗng nhiên tuyệt đẹp. Đẹp nhiều và đẹp lắm, chí ít là khi thấy câu hát những ca-tụng “đất trời giao-hoà”, “một rừng âm vang khúc hát dâng đời ta”, nữa.

Chả nói giấu gì bạn đọc và cả những bạn không chịu đọc, rằng thì là: đất trời của ta, ít khi nào chịu giao hoà, hết ráo trọi. Và, rừng của ta cũng ít khi “âm vang khúc hát dâng đời” người và đời ta, bao giờ hết. Gọi là ít khi nghe như thế, rồi lại nghe câu hát tiếp những lời “bóp nát” rất như sau: 

“Bóp nát sức sống em bằng tiếng ca”
“Bóp nát sức sống em qua điệu nhạc
Bằng lời dịu dàng anh giết em, giết chết trái tim em
Bằng tiếng ca ru em trong u mê, và xót xa nhắm mắt với nỗi đau
Ngọt lịm da.”

(Nhạc ngoại quốc: Killing me softly with his song)

Nghe nhạc ngoại quốc có giòng nhạc thong thả rất êm ả chứ đâu “lã chã” đầy những lời “bóp nát sức sống”, đến như thế. May thay! Mấy câu tiếp nghe cũng không đến nỗi nào, như sau:

 Cỏ cây muôn loại đều hân hoan
Nhưng riêng em tưởng như anh

Bóp nát sức sống em bằng tiếng ca
Bóp nát sức sống em qua điệu nhạc
Bằng lời dịu dàng anh giết em,
giết chết trái tim em
Bằng tiếng ca ru em trong u mê,
và xót xa nhắm mắt với nỗi đau
Ngọt lịm dạ.”

(Nhạc ngoại quốc: Killing me softly with his song- bđd) 

Kể lể hơi dài giòng như thế, là để dẫn nhập đôi câu quyết bảo rằng: trong đời người, và cả đời nhà Đạo, lại có nhiều điều nghe qua bỗng thấy như bị “bóp nát sức sống” của mọi người. Thôi thì, đã trót nghe nhạc rồi, xin cứ tiếp tục nghe cho hết, rồi hẵng tính. Vậy thì, mời bạn và mời tôi, ta nghe tiếp cho hết nhưng câu như:

Rồi khi cơn sốt đun tình tôi
Bỗng theo cõi nhạc xa vời
Và anh lên tiếng gọi hồn em
đang khóc bên con vực sâu
Hãy mau lên đường về uyên uyến
Khi nghe thân xác nài van

 Giờ đây ai hát thiên tình ca
Khiến tôi thêm nhiều xa lạ
Lời ca âu yếm vỗ về
êm nhưng vẫn thấy xa thật xa
Thiếu anh khúc nhạc thành vô duyên
Tim em vẫn còn nghe.”

(Nhạc ngoại quốc: Killing me softly with his song)

Nghe thế rồi, nay mời bạn và mơi tôi ta đi vào chuyện Đạo, có những vụ việc rất “lạo xạo” như sau:

Vừa rồi, bần đạo gặp được ông bạn già tên là Nguyễn Văn Tạ, cựu sinh viên “Giáo Hoàng Học Viện ĐàLạt” đến gần bên gạn hỏi: Này, anh đã đọc bài của tác giả Ralph Woodrow hỏi rằng: Ông Phêrô có là vị Giáo Hoàng La Mã đâu tiên không? Anh thấy bài ấy thế nào?

Nghe hỏi, bần-đạo thấy bỗng dưng chột dạ, bèn lần lữa, khất hẹn với anh bạn già rằng thì là: để tớ kiếm giờ đọc xong, rồi sẽ tính. Nói của đáng, đọc rồi mới thấy: Ôi thôi rồi, nồi xôi! Bài viết xem ra: rất ư là … nổi cộm. Thôi thì, xin bạn và tôi cứ để bần đạo đây tìm dịp thông và dịch cho chuẩn-xác rồi sẽ thưa thốt sau.

Thôi thì, quí bạn đang đọc những hàng chữ này nếu nghe có chói tai hoặc trái khuấy thế nào cũng cứ xin để đó, hạ hồi phân-giải nhé. Nhưng, trước khi dịch và thuật cho thông, xin bầu bạn hãy cùng tôi nghe thêm câu truyện kể khá đáng kể, để cho “nhẹ lòng tướng quân”, rồi sẽ tính.

Truyện kể, là kể những điều như sau:

“Ngày 31/5/2016 vừa qua, tại bệnh viện Koln ở Đức đã có một trái tim nhỏ ngừng đập ở tuổi 77. Một người ra đi ở tuổi gọi là thất thập cổ lai hy, điều đó có gì để gây xôn xao! Vì trên hành tinh này mỗi ngày có hơn 150,000 người từ trần với nhiều nguyên nhân!

            Nhưng đây là một tin gây rúng động cho nhiều cộng đồng, đặc biệt là người VN di tản hiện đang sống tại Đức, vì người đó  là Tiến sỹ Rupert Nudeck, một nhà thần học Thiên-chúa-giáo, một nhà báo, nhà hoạt động xã hội.

            Rupert Nudeck, ông là ai?

            Thú thật trước đây, Anh Tri đây cũng chưa biết đến tính danh của ông, nhưng tình cờ  nhận một email của một cộng đồng người Việt ở Đức đang kêu gọi nhau đến dự lễ cầu nguyện ông vào ngày 14/6/2016, tôi mới tò mò tìm hiểu tại sao  một người Đức qua đời mà cộng đồng người Việt lại xôn xao báo tin và kêu gọi nhau đến nơi sẽ an táng ông để dự lễ tưởng niệm vậy!

            Càng tìm hiểu về ông tôi lại càng say mê và ngưỡng mộ về những gì ông đã làm cho đồng bào của tôi trong thập niên1970s, khi hàng ngày ở miền Nam có hàng trăm người vượt biển đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ!

            Thời đó, do phương tiện truyền thông bị hạn chế, cũng như tin tức về người vuợt biên rất nhạy cảm theo quan điểm của nhà cầm quyền, nói chung chưa có face book, Twitter… như thời bây giờ! Nên những vụ đắm tàu, cướp biển tấn công, hãm hiếp người di tản, một số nước châu Á cho tàu quân đội ra xua đuổi tàu chở thuyền nhân khi vào lãnh hải của họ… ít người biết đến!

            Nhưng lúc đó, ở các nước phương Tây tin tức này là thời sự, nó cũng như cảnh ta đang xem trên tivi mới đây về những  người dân Somali, Lybia vượt biên chết hàng loạt trên biển! Tình cảnh thê lương cùng đường bị xua đuổi  như tội đồ đã đánh động trái tim của tiến sỹ Rupert Nudert. Nó thúc đẩy ông dấn thân hành- động bằng cách kêu gọi chính quyền Đức, cộng đồng xã hội,tôn giáo, các  bằng hữu hãy cứu  giúp những thuyền nhân VN đang bị nạn như thuyền hết xăng dầu, lương thực,  chết máy,  bị cướp bóc đang lênh đênh trên biển! 

            Khi bị nhà cầm quyền từ chối, ông không nản lòng mà đã cầm cố ngôi nhà của mình, kêu gọi bạn bè thân nhân góp tiền của để đóng thuyền ra khơi cứu người Việt Nam ! Câu chuyện về người có trái tim nhân ái này được ông Franz Alt, sau này là giám đốc đài truyền hình Baden kể lại vô cùng ấn tượng đối với tôi: “Ông ấy gõ cửa xin tôi phát lời kêu gọi cộng-đồng, tôi bảo không thể làm thế được, vì một ý-kiến cá-nhân!”. Ông ấy kêu gào: “Chẳng lẽ chúng ta cứ nhìn thảm- cảnh như vậy mỗi ngày sao?” tôi trả lời: “Tôi có thể làm được gì?” ông trả lời: “Tôi có thể cầm-cố ngôi nhà đang ở để khởi-sự cho chuyến đi biển”. Tôi đành nhượng bộ trước quyết tâm của con người này và cho ông ấy 2 phút để phát song!!!

            Đúng vậy, sau lời kêu gọi trên đài, chỉ 3 ngày sau cả nước Đức đã hưởng ứng với số tiền đóng góp lên đến 1.3 triệu mác (tiền Đức thời bấy giờ)- để thuê chiếc tàu CAP ANAMOUR đầu tiên ra khơi vào ngày 9/8/1979 với sứ mệnh cao cả là cứu vớt người VN gặp nguy khốn trên biển Đông! Tiếp theo đó, là thêm 2 chiếc Cap Anamur được hạ thủy nhờ vào sự ủng hộ của những người có lòng từ tâm!

            Trong thời gian 7 năm hoạt động (1979-1986) tổ chức Cap Anamour đã cứu vớt được 11.300 người vượt biển trên 223 chiếc ghe/thuyền và hầu hết được định cư tại nước Đức! Để làm được việc này chính ông, cùng với nhà văn Heinrich Boll, đoạt giải Nobel năm 1972, cùng thân hữu đã thuyết phục thành công chính quyền Đức cho thuyền nhân Việt Nam được nhập-cư vào nước này! Được biết, ngoài việc cứu giúp cho người Việt; tổ chức do ông sáng lập đã có nhiều hoạt động giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc tại Somali, châu Phi, Afganistan, Pakistan . Để tỏ lòng trân trọng công lao to lớn của ông mà nhà cầm quyền Đức đã tặng ông huân-chương Chevalier cao quý, nhưng ông đã hai lần từ chối nó.

            Chính ông đã đánh động lương tâm nhiều người, trong đó có người Mỹ và người Việt Nam sống tại Mỹ! Năm 1979, chính tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã ra lệnh cho 5 tuần-dương-hạm đi cứu-vớt các thuyền-nhân và cho họ được nhập cư vào đất Mỹ!

            Hãy tưởng tượng, từ 11.300 người suốt từ năm 1979 đến nay cũng gần 40 năm, số người như thế đã tăng lên biết bao nhiêu? Nếu tính luôn việc họ bảo-lãnh người thân từ Việt Nam sang, thì hẳn có hàng chục ngàn số phận đã đổi thay từ cơ-duyên này!

            14/6 năm nay, sẽ diễn ra lễ tưởng-niệm một con người vĩ-đại, nói như lời của ông thị-trưởng thành-phố nơi ông qua đời, rằng: “ông Rupert Nudeck đã làm công việc cao-cả của con người, là cứu- vớt nhiều mạng người. Nước Đức rất tự-hào về ông!”

            Sẽ còn nhiều người Việt-Nam và con cháu họ chịu ơn cứu-tử của ông từ khắp nơi trên nước Đức đến dự lễ tưởng-niệm! Sẽ có nhiều lời tri ân, cảm phục tấm-lòng nhân ái của ông! Riêng tôi, dù không là thuyền nhân trên các chuyến tàu thập-tử-nhất-sinh đó, tôi vẫn ngưỡng mộ ông như một nhân cách cao quý, một trái tim vĩ đại! Ông sẽ sống mãi trong lòng của những người tử tế biết trân quý tinh cảm, có lòng nhớ! 

Tôi cũng muốn chia xẻ thêm tin về thời niên thiếu của ông: Lúc còn bé, thời đệ nhị thế chiến, ông và gia đình đã nhỡ một chuyến tàu tỵ nạn và chuyến tàu xấu số đó trúng thuỷ lôi của hồng quân Liên-xô chìm ngoài biển mang theo hơn 9000 người. Có lẽ biến cố này đã gây ấn tượng lớn với cậu để khi trưởng thành nó đã thôi thúc ông làm nghĩa cử gì đó cho nạn-nhân trên biển cả chăng?

            Vĩnh-biệt tiến-sỹ Rupert Nudeck! Ông đã ra đi về nơi thanh-nhàn sau khi làm được công việc tốt đẹp của Thượng-Đế, là: đem sự sống lần thứ hai cho hàng chục ngàn người! Và nhờ đó ông trở thành bất-tử!” (Anh-Tri 7/6/2016) 

Với nhà Đạo, thì chắc hẳn Ts Rupert Nudeck đã là thánh-nhân được sống cạnh bên Thiên-Chúa ngay khi ông nhắm mắt lìa đời! Ghi lại câu truyện về bậc vĩ-nhân rất ân-cần với nhiều người, là để sánh-ví và tưởng/nhớ các vĩ-nhân khác, trong đời người. Chí ít, là đời người đi Đạo. Nói xa/nói gần, chi bằng nói thẳng/nói thật. Và, nói thật đây, là nói về vĩ-nhân nhà Đạo mà mọi người có thói quen gọi ngài là Đức Giáo Tông, hay Đức Giáo-hoàng của La Mã.

Nói về Giáo hoàng của nhà Đạo, nhiều người vẫn nói nhiều và nói quá lời, để đến nỗi quên cả lịch-sử hoặc sự-tích về nhân-vật vĩ-nhân, vĩ-đại ấy. Nên, hôm nay, có đề-nghị với tôi và với bạn, rằng: ta nên có một chút gọi là “đôi giòng lịch-sử” cũng rất lịch-sự để rồi nói thật và nói thẳng về nhân-vật mà ta quen gọi là Đức Giáo-Tông hay Giáo-hoàng của Công-giáo, như sau:

“Theo đạo-lý/tín-điều của Công-giáo thì “đầu não” của Giáo-hội ở dưới thế và là người kế-vị của thánh Phêrô. Vốn tin là thế, người đi Đạo cứ nghĩ là Đức Kitô đã chỉ-định thánh Phêrô là vị Giáo-hoàng tiên-khởi và đã đi Rôma nhậm-chức cùng làm việc tại nơi đó, suốt 25 năm. Nhưng, hỏi rằng sách thánh có chỗ nào nói về chức-năng của vị Giáo-hoàng, hoặc Giáo-Tông như thế không? Và, tín-hữu thời tiên-khởi có công-nhận thánh Phêrô là thế chứ?

 Ngược lại, Kinh thánh rõ ràng cho thấy rằng: khi xưa, thành-viên Hội-thánh đều có chức-năng đồng đều, và Đức Kitô mới là “đầu não” của Giáo-hội mọi thời, chứ không phải Đức Giáo Hoàng, như thánh Phaolô có viết ở thư Êphêsô đoạn 5 câu 23.

 Trong Tân Ước, có lần thánh Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu hỏi xin Ngài cho mỗi vị được ngồi bên phải và bên trái Ngài nơi Vương-quốc của Ngài. Nên nhớ, ở các nước Đông-phương, hai vị bộ-trưởng quan-trọng đều ngồi bên tay phải và tay trái của nhà vua.

 Giả như điều mà Đạo Công-giáo La Mã chúng ta nói đúng, thì: xem ra Đức Giêsu đã phải cắt nghĩa là Ngài đã dành chỗ bên tay phải cho ông Phêrô và không có ý-định đặt ai bên tay trái hết.. Nhưng ở đây thì ngược lại, câu trả lời của Ngài ở Tin Mừng theo thánh Mác-cô rày đã viết:

     “Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Ngài hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” 

Đức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”

 Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Thế nhưng, người Công-giáo chúng ta lại được giới-chức trong Đạo dạy bảo rằng: thánh Phê-rô được ở vào vị-trí gọi là toàn Giáo-hội được dừng xây trên vị-trí của ông. Câu kinh-thánh mà Giáo-hội Công-giáo vẫn qui về là đoạn Phúc Âm thánh Mátthêu đoạn 16 câu 18 như sau:

 “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Đá Tảng, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy, và quyền-lực tử-thần sẽ không thể thắng nổi.”  

Xét kỹ câu này, ta sẽ thấy là Giáo-hội của Chúa không dựng-xây trên thánh Phêrô mà trên Đức Kitô. Ở giòng chữ trước câu ấy, Đức Giêsu có hỏi các môn-đệ Ngài xem thiên-hạ nói Ngài là Ai? Có người bảo: là, ông Gioan Tẩy Giả, có người nói là ngôn-sứ Êlya; người khác lại cho rằng Ngài là ngôn sứ Giêrêmia hoặc một trong các Tiên-tri của thời trước đó. 

Khi ấy, Đức Giêsu mới hỏi: “Thế còn anh, anh bảo Ta là ai?” Nghe lời này, ông Phêrô mới thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên-Chúa Hằng Sống.” Và khi đó, Ngài mới bảo cùng thánh Phê-rô rằng: “Anh là Đá (“Petros”, tiếng Hy-Lạp gọi đây là viên đá, hòn đá) và trên đá này (chữ “đá” đây là: “ Petra ”, tiếng Hy-Lạp là “tảng đá”, tức: thứ đá tảng thật lớn của “sự thật” mà thánh Phêrô vừa bày-tỏ), Ta sẽ dựng-xây Giáo-hội của Ta.”

 Đá tảng, mà trên đó Giáo-hội đích-thực được dựng-xây đã nối-kết với câu nói của thánh Phêrô, tức câu trả-lời, rằng: “Thày là Đức Kitô” và như thế là nền-tảng đích-thực trên đó Giáo-hội được dựng-xây chính là Đức Kitô, chứ không phải thánh Phêrô. 

Ngay đến thánh Phêrô cũng tuyên-bố rằng Đức Kitô là tảng đá khổng-lổ làm nền-tảng ở thư thứ I Phêrô đoạn 2 câu 4-8 và ở sách Công-vụ Tông-đồ đoạn 1 câu 11, 12 cũng nói như sau:

 “Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, tảng đá sống-động bị người ta loại-bỏ, nhưng đã được Thiên-Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên-Chúa dùng anh em như những tảng đá sống-động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng-liêng, và hãy để Thiên-Chúa đặt anh em làm hàng tư-tế thánh, dâng những lễ-tế thiêng-liêng đẹp lòng Ngài, nhờ Đức Giêsu Kitô. Quả thật, có lời Kinh Thánh chép: Này đây Ta đặt tại Sion một tảng đá quý được lựa-chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất-vọng. Vậy vinh-dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì đá mà thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, và cũng là tảng đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số-phận của họ là như vậy.” (1P 2: 4-8)

 Thật ra thì, mãi cho đến thời của Giám-mục Calixtô từng là Giám-mục thành La-Mã từ năm 218 đến 223, đoạn phúc-Âm trên đây của thánh Mát-thêu mới được sử-dụng để xác-chứng là Giáo-hội được dựng-xây trên thánh Phê-rô và từ đó Đức Giám-mục thành La Mã được gọi là vị kế-tục thánh Phê-rô trong chức-vụ này.

 Để ý kỹ các đoạn Kinh-thánh nói về thánh Phêrô, ta thấy rõ-ràng thánh-nhân đây chưa từng là Giáo-Hoàng bao giờ hết. Hơn nữa, xét từng luận-điểm ở bên dưới, ta còn thấy rõ hơn, rằng:

 Thánh Phêrô là người có gia-đình. Điều này không phù-hợp với vai-trò của Đức Giáo-chủ của Công-giáo. Các đoạn Kinh-thánh như Mátthêu đoạn 8 câu 14, và nhất là đoạn thư thứ nhất Côrintô ở đoạn 9 câu 5, thánh Phaolô có nói rằng các tông-đồ đều có vợ.

  1. Thánh Phêrô không bao giờ để mọi người cúi gập người chào thánh-nhân. Điều này thấy rõ nhất khi ông Cornêliô phủ-phục kính-cẩn thánh nhân (x. Cv 10: 25, 26)
  2. Thánh Phêrô không đặt truyền-thống ngang tầm mức với Lời Chúa, Ngược lại, thánh-nhân ít tin vào truyền-thống của các tổ-phụ như có viết trong thư thứ nhất Phêrô đoạn 1 câu 18.
  3. Thánh Phêrô không là Giáo-hoàng, bởi thánh-nhân chưa từng đội vương-miện hoặc mũ/mão Giáo-hoàng bao giờ hết. Ở thư thứ nhất Phêrô đoạn 5 câu 4, tác-giả giải-thích rõ rằng: “Khi Vị Mục-Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.” 

Quả là, vào những ngày đầu của Giáo-hội, thánh Phêrô đã có địa vị cao-cả trong hàg các thánh tông-đồ. Thánh-nhân luôn dẫn đầu đội ngũ các tông-đồ và là người cất lời giảng rao đầu tiên vào Lễ Ngũ Tuần sau khi Thánh Thần Chúa đổ tràn ơn mưa-móc xuống trên 3000 người có mặt. Nhưng, không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói rằng thánh Phêrô là Giáo-hoàng tiên-khởi hoặc là Giám mục của các Giám mục trên thế-giới hết. 

Thật ra thì, dù thánh Phêrô đứng đầu danh-sách các thánh Tông-đồ, nhưng thánh Phaolô mới là người có tác-vụ thừa-sai cao-cả nhất. Chẳng hạn, về việc viết Tân Ước, trong khi thánh Phaolô viết lên khoảng 100 chương gồm 2,325 câu, thì thánh Phêrô chỉ viết có 8 chương bao gồm 166 câu mà thôi.

 Đằng khác, nói theo Kinh thánh, không có chứng-cớ nào quả-quyết rằng: thánh Phêrô từng đi gần đến Rôma! Mà, Tân Ước chỉ nói cho ta biết thánh-nhân mới đến Antiôkia, Samaria , Joppa, Cêsarê và vài nơi khác chứ không phải Rôma hoặc La-Mã. Nếu các tác-giả Tân Ước đã quên sót không đề-cập, thì đây quả là lãng quên thê-thảm chưa từng thấy, bởi Rôma (hoặc La-Mã) là thành-phố quan-trọng vào bậc nhất, với thế-giới…” (X. Ralph Woodrow, Was Peter the First Pope? Trong cuốn “Babylon Mystery Religion”, Ralph Woodrow Evangelistic Association, Inc. 1966 tr. 74-78)

Nói thế rồi, nay ta đi vào vùng trời truyện kể để xem thiên-hạ có kinh-nghiệm gì về các bậc trưởng-thượng nào khác, trong đời hay không.

Truyện rằng:

 “Ông bà nọ tên là Quỳnh có 4 người con, 2 trai 2 gái. Hai đứa trai là bác sĩ y khoa, còn 2 đứa gái, một là dược sĩ và một nha sĩ. Khoảng thời gian khi đứa con gái út vừa rời trường trung học thì 2 vợ chồng ông ly dị, và chỉ một năm sau, bà đã tái giá với một bác sĩ Mỹ già đã về hưu.

 Vì mục đích chính trong đề tài này nói về chữ “hiếu”, nên tác giả xin phép không trình bày lý do vì sao 2 vợ chồng ông bà Quỳnh lại ly dị.

 Ông Quỳnh là một nhà thương gia tài giỏi, thành công ngay từ hồi còn ở Việt Nam . Khi sang tới Hoa Kỳ thì ông tiếp tục xây dựng lại sự nghiệp thương mại, và mọi sự còn thành công nhiều hơn hồi ông còn ở Việt Nam . Chả thế mà vợ ông không cần phải đi làm việc, chỉ ở nhà và phụ giúp ông săn sóc 4 đứa con cho tới khi chúng khôn lớn, 3 đứa học hành thành tài và một đứa út ra trường trung học với hạng tối ưu. Gia đình ông quả là một hình mẫu mà bất cứ cặp vợ chồng nào cũng mong muốn.

 Sau một năm sau ngày vợ chồng ly dị, ông bị bệnh nặng không đi đứng bình thường và không thể tự săn sóc vệ sinh cho mình. Ông phải vào sống trong một “nursing home” vì 3 đứa con lớn đều đã lập gia đình, còn đứa út thì được học bổng phải đi học xa nhà. Về vấn đề vật chất, quả thực ông không thiếu thốn bất kể thứ gì, nhưng về mặt tinh thần thì ông có tâm sự cho tôi biết rằng ông rất cô đơn. Đứa con út bận học hành ở xa, một năm chỉ có thể về thăm ông tối đa là 2 lần. Còn 3 đứa lớn, mặc dù sống chung một thành phố với ông nhưng chúng chỉ đến thăm ông mỗi tháng 1 lần, mỗi lần từ 30 đến 60 phút. Chúng nó viện đủ mọi lý do như bận rộn công việc, con cái…

 Có lần, ông tâm sự với những giọt nước mắt chảy dài trên hai gò má gầy gò, nhăn nheo: “Thầy có biết không, lắm lúc tôi ngồi một mình nghĩ lại, cả một cuộc đời của tôi làm việc vất vả để kiếm đủ tiền mang về nhà phụng dưỡng cha mẹ già của mình. Cho đến khi cha mẹ tôi qua đời, sau đó 2 năm tôi mới lập gia đình và vợ tôi sinh cho tôi được 4 người con. Tôi lại làm việc vất vả, cố gắng kiếm được nhiều tiền hơn trước để cho vợ và 4 con của tôi được vui hưởng một cuộc sống sung túc, không thiếu thốn bất cứ một thứ gì, không thua kém bất cứ ai. Thế mà bây giờ Thầy thấy đấy, tôi thân tàn ma dại, bị vợ bỏ, con cái không đoái hoài gì đến, một mình lủi thủi trong viện dưỡng lão.

 Ba đứa lớn, cả tháng chúng mới tới thăm tôi một lần chớp nhoáng, đến cho có lệ. Còn đứa út nó bận học hành tôi không trách cứ. Không biết kiếp trước tôi có làm điều gì ác độc, hay cha mẹ tôi có làm gì sai quấy không mà ngày hôm nay tôi phải chịu cảnh này. Nhiều khi buồn quá tôi chỉ muốn chết sớm ngày nào tốt ngày ấy…”(Truyện kể ở trên mạng rất hà rầm, tha hồ đọc).

Mỗi người mỗi ý và mỗi cảnh, nhà Đạo của ta vẫn cứ dạy: mọi sự là do thánh-ý Chúa. Nhưng, tận thâm-tâm, ta có tin thế không hay chỉ là lời an-ủi, một hy-vọng? Hôm nay, về với Hội-thánh Chúa lại có người hỏi là: thánh Phêrô có là Giáo-Hoàng đầu-tiên không, dù có hay không, tưởng cũng không nên quên lời vàng Kinh Sách vẫn bảo rằng:

“Anh em cũng đừng để ai gọi mình là lãnh-đạo,

vì anh em chỉ có một lãnh-đạo, là Đức Kitô.

Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em.

Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống;

còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”  

(Mt 23: 11-12)

Thành ra, cứ như lời dặn của Đấng Thánh hiền trên đây, hẳn bạn và tôi, ta lại cũng quyết-tâm coi nhau như ngang-hàng, cùng một cấp. Không ai hơn ai. Cũng chẳng có ai thua thiệt, làm bề tôi của ai. Nhưng, hãy cứ tay trong tay hướng về phía trước mà sống nhanh, sống mạnh, sống vững chãi trong niềm tin của người đồng đồng Đạo, và đồng hàng.

Nghĩ thế rồi, hãy cứ hiên ngang hát lên ca-từ rất “hết biết” hoặc đáng sợ, ở trên mà rằng:

“Ngồi nghe anh hát thiên tình ca,
Ngỡ như đất trời giao hòa.

Và tai nghe thấy một rừng âm vang
khúc hát dâng đời ta.

Cỏ cây muôn loài đều hân hoan,

Nhưng em tưởng như anh

Bóp nát sức sống em bằng tiếng ca
Bóp nát sức sống em qua điệu nhạc
Bằng lời dịu dàng anh giết em,
giết chết trái tim em
Bằng tiếng ca ru em trong u mê,
và xót xa nhắm mắt với nỗi đau
Ngọt lịm dạ…”

(Nhạc ngoại quốc: Killing me softly with his song)

 Trần Ngọc Mười Hai

Có những lúc

Thấy đời người và đời mình

Cũng nản chí nam nhi

Vì những chuyện như thế.

Nhưng không sao.. .

“Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại!

 “Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại!

Ta đi thuyền trên mặt nước long ta.

Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại!

Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta.”

(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

 Mai Tá lược dịch.

Ngông cuồng và rồ dại. Ai dám bảo, thế đó là thái-độ của riêng ta. Ngông cuồng và rồ dại, vẫn có thể là lối sống của nhiều người. Những người “nằm chờ sung rụng” như truyện kể, ở dưới.

Trình thuật, nay cũng đề cập đến một dại khờ. Thứ khờ dại chẳng ai muốn có, là dại và khờ của những người vẫn cứ cư xử với lời của Chúa theo thói “nghe qua rồi bỏ”. Nghe, thì cũng có nghe đấy, nhưng chẳng tha chẳng thiết chuyện đưa Lời Ngài vào hiện thực. Lời Chúa nhắn, nay chừng đã nghe quen: “lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít.”

Rõ ràng là, lời Chúa phù hợp với tình huống cuộc sống của dân con, thời tiên khởi. Là cộng đoàn nhỏ, dân con Chúa vẫn phải chung đụng sống với đoàn người hầu hết là dân ở ngoài. Những vị ấy, thường dị đoan mê tín, tin vào thuyết “định mệnh đã an bài”, khó chữa. Thời ấy, Hội thánh tương tự như hạt cải nhỏ bé; như dúm men trong bột đầy ắp niềm tin khác biệt. Khác, ở ảnh hình lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt chuyên chăm, thì lại ít. Rất ít, vào thời Chúa sống. Thời, mà dân con theo Ngài vẫn là thợ gặt quí giá nơi cánh đồng truyền Đạo, tràn ngập những đợi mong, được thuyết giảng.

Cho đi, dân con nhà Đạo mình có triển vọng và ý thức trở thành thợ gặt trong khả năng mong ước, của chính mình. Thợ gặt đích thực, không duy nhất chỉ mỗi giám mục/linh mục/tu sĩ, hoặc nữ tu, thôi. Thánh Phaolô kia, là ví dụ rất cụ thể cho sự “rồ dại” mà người ngoại vẫn gán cho dân con nhà Đạo, rất hiển nhiên. Sự dại khờ của người nghe Lời Chúa trên đây, không như nhà triệu phú được kể, chỉ muốn làm chyện thật dễ, để rồi chẳng còn tâm trí mà nhận lời mời từ Đức Chúa. Chẳng nhận làm thợ gặt cho cánh đồng đầy lúa; dù chỉ với tư cách giáo dân chân phương, khiêm hạ.

Theo sự hiểu biết của mọi người, khi lĩnh nhận ơn thanh tẩy gia nhập đàn con của Chúa, người người đều đã nhận trong bài sai Chúa ủy thác. Nhận, là quyết sống thực những điều Ngài dạy dỗ. Quyết sống và rao truyền Lời Chúa gồm tóm Tin-vui-an-bình. Tin vui, vì được dạy, là: hãy khởi đầu hành trình đưa dẫn các người anh/người chị trong cộng đoàn kẻ tin vào với cuộc sống an bình, hài hoà. An-bình hài- hòa, là sống cả với người ở bên trong cũng như bên ngoài nhà Đạo. Sống an bình hài hoà như thế, đòi hỏi các kẻ tin phải biết canh cải cuộc đời mình.

Canh cải, để sống theo điều được Chúa nhủ khuyên, nơi sách thánh. Canh cải, là bởi nếu không, tất cả sẽ bị phê bình chỉ trích, như Mahatma Gandhi có lần từng nói: “Tôi sẽ hứng nhận từng giọt vắn giọt dài nơi giếng rửa của Đạo Chúa, nếu tôi thấy được những người trong Đạo biết sống điều Thầy của họ khuyên bảo.”

Đây, là điều thánh Phaolô tông đồ từng khẳng định khi thánh nhân có thư cho cộng đoàn kẻ tin ở Galát: “Anh chị em hãy cùng nhau trở nên thụ tạo đã đổi mới.”(Gl 6: 14-18) Bởi, nếu không canh cải trở thành người đổi mới, thì Bí tích Thanh Tẩy sẽ không còn giá trị và Đạo Chúa sẽ kết cuộc ở cuối đường hầm, đầy tăm tối. Đạo của Ngài, đích thực là đường lối hữu hiệu giúp những ai theo Ngài, biết canh cải chính mình để trở thành người mới. Mới vừa thay da đổi thịt. Thay, như lời Đức Kitô vẫn khuyến cáo, vào mọi lúc. Đổi, để sống cuộc đời trọn vẹn, trung thực hơn. Sống trọn vẹn và trung thực hơn, với lòng thương biết quan tâm đến mọi người. Biết sống an bình, tự do.       

Rõ ràng, bằng vào trình thuật hôm nay, Chúa lại nhắc:“Các con đừng mang theo túi tiền. Bao bị. Giầy dép…” (Lc 10; 2). Nói thế, là bởi an toàn Ngài đem đến cho mọi người không nhất thiết sẽ hiển hiện nơi những gì mình đang có, như: tiền tài, nhà cửa, công cuộc đầu tư, tín dụng… An toàn thực sự không gắn liền quyền bính, chức vụ hoặc ảnh hưởng mình đang có, với người khác. An ninh/an toàn thực sự, nằm ở nội tâm con người. Không ai và không hoàn cảnh nào có thể cất nó, bỏ đi được.

Mặt khác, sự an ninh/an toàn, là cụm từ được lập đi lập lại nhiều lần trong cả 3 bài đọc. Với Isaya, thì:“Ta sẽ làm cho bình an chảy đến với nó như con sông.”(Ys 66: 12). Còn thánh Phaolô, lại vẫn chúc:“Bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó.” (Gl 6: 16). Quả là, an ninh/an toàn sẽ không tùy thuộc tình hình ở ngoài đời. Nhưng, vẫn là sự an bình/an vui Chúa đã cảm nghiệm ở vườn Cây Dầu, Ngài cầu nguyện. Và, là sự an bình mà thánh Phaolô đã chia sẻ cùng với thập giá của Chúa.

Thành thử, công tác và phần vụ Chúa gửi dân con nhà Đạo, vẫn là: “đem bình an đến chốn u sầu”. Bình an của cuộc sống hài hoà không còn căng thẳng, giận hờn hoặc tham vọng làm giầu, làm lớn. Tức, vừa làm vừa reo vang những hời hợt chóng qua của tiền tài, dục vọng hoặc vật chất. Lời mời gọi nay Chúa gửi đến với các thợ gặt trần gian ở xã hội nhiễu nhương ta đang sống. Đó là lời mời khẩn thiết ta hãy dấn bước ra đi. Ra đi, mà cải hoán xã hội trần gian thành chốn tràn ngập giá trị cao quý, của Phúc Âm. Lời gọi mời mà chỉ ít người biết đáp ứng. Bởi, họ vương vấn quá nhiều vào những thứ gây lo toan, bịn rịn.

Lời mời gọi: “Các con hãy đi!”  Tức, cứ đi mà rong ruổi chốn bụi trần. Rong ruổi, để đem Chúa đến với mọi người. Và, cùng đi. Cùng nhau rao truyền Lời Chúa. Cùng sống thực Lời Ngài dặn dò, từ nhiều năm. Và, như bẩy mươi hai môn đồ của Ngài khi trước, nay ta cũng ra đi. Đi, để rồi sẽ trở về, với lòng vui mừng hớn hở, mà nói: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng đã vâng phục chúng con.” (Lc 10: 17).

Hôm nay cũng thế, khi đón nhận lời mời từ Thầy Chí Thánh mà ra đi, ta sẽ hái/sẽ gặt thật nhiều đồng lúa chín. Sẽ hân hoan hát bài ca an-bình như người nghệ-sĩ khi xưa vẫn hát:

“Ngàn lời ca dâng lên say sưa,

Dù bình-minh hay trong đêm mưa

Ta hát vang vang ngập muôn lối

Gió mát lác đác hương quê êm dâng

Có tiếng ríu rít rì rào chào mừng

Mừng tự-do về trên quê hương.” (Văn Phụng – Ta vui ca vang)

Vâng. Con tim đã đổi mới, thì người người sẽ hát lời chào mừng tự-do. Tự-do và an-bình, nay đến với người anh, người chị đã chọn lựa theo Chúa ra đi về cánh đồng ngập tràn những lúa chín. Ở nơi đó, không còn những ngông-cuồng/rồ-dại, khi xưa nữa. Nhưng đã vui, đã an-bình vì có đổi mới, yêu thương, đỡ đần hết mọi người, trong cũng như ngoài nhà Đạo.

Lm Richard Leonard sj biên-soạn – 

 Mai Tá lược dịch.

BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI ?

BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI ?

Hôm nay, một ngày hết sức đặc biệt trong Năm Phụng Vụ. Hôm nay, ta được Giáo Hội mời gọi cùng chiêm ngắm hai khuôn mặt, rất khác nhau nhưng cũng rất giống nhau. Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình. Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ. Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào, về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Ngài còn sống. Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng. Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi.

Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ những văn hoá khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng. Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.

Thánh Phêrô vốn bản chất dân chài lưới, trực tính và nghiêng về thực tiễn. Còn thánh Phaolô là người trí thức, hay lý luận và thích đào sâu giáo lý. Thánh Phêrô quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng cho người đạo cũ, nên không muốn sửa đổi nhiều những gì vốn có kẻo phật lòng họ.

Phêrô đã từng sa ngã. Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết. Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm. Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa. Chính ông đã đồng loã với bọn quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stephano. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu. Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô. Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài. Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa đã nói cùng Phêrô: “một khi con trở lại hãy củng cố đức tin của anh em con”.

Thánh Phaolô là người biệt phái đã từng bách hại môn đệ Chúa, thái độ đó được biểu lộ khi ông đồng tình trong vụ ném đá Stêphanô. Đang khi ông hăng say phi ngựa trên đường Damas để bắt đạo, Phaolô được Chúa Kitô Phục sinh gọi và thanh luyện, một quầng sáng đã bao ttrùm ông, khiến ông bị mù lòa đôi mắt thân xác sau khi ngã ngựa, nhưng đồng thời quầng sáng ấy đã mở cho ông cặp mắt đức tin, ông đã thực sự tin tưởng vào một Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại, là chính Đấng mà Phaolô đang bắt bớ trở thành Đấng mà “không ai và không gì có thể tách ông ra khỏi lòng mến của Ngài”.

Thánh Phaolô nhằm truyền bá đức tin cho các dân ngoại, nên muốn bỏ đi những lề luật của đạo cũ không còn thích hợp, kẻo nặng gánh cho những người dân ngoại xin tòng giáo.

Thánh Phêrô là Giáo hoàng, nhưng không vì thế mà áp đặt ý kiến của mình. Thánh Phaolô là Giám mục, nhưng không vì thế mà không thẳng thắn trình bày quan điểm riêng của mình, để trao đổi và bàn luận. Thánh Phêrô là người đã có lần chối Chúa vì yếu đuối và đã ăn năn sám hối do cái nhìn xót thương của Chúa. Còn thánh Phaolô đã có lần bắt bớ đạo Chúa vì lầm lạc và đã trở lại nhờ sự giúp đỡ của một môn đệ Chúa.

Phaolô, sau khi gắn bó với Chúa Kitô một cách mật thiết, ông đã lao mình về phía trước như một vận động viên, và dùng chính sự nhiệt thành của mình đi bất cứ nơi đâu vào bất cứ ngóc ngách nào, bất chấp mọi gian khổ tù đày do quyền bính trần thế gây ra, miễn là từ cánh đồng dân ngoại đem về cho Chúa các linh hồn. Phaolô cũng dùng chính khả năng tri thức của mình để trở nên lợi khí phổ biến Tin Mừng cho những vùng đất mới, coi việc rao giảng Tin Mừng là bổn phận và niềm hạnh phúc của mình: “Vô Phúc cho tôi nêu tôi không rao giảng về Đức Kitô”, ông không hổ thẹn về Tin Mừng bở vì Tin Mừng đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, đến với những người tin.

Dẫu rằng Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tin Chúa rất mãnh liệt, nhưng đức tin các Ngài cũng không ngừng bị thử thách. Đức tin Phêrô còn phải là nên tảng nâng đỡ đức tin Giáo hội, nên đức tin đó bị thử thách rất nhiều. Phêrô đã từng tin vào Chúa, nhưng mới trước được Chúa khen tặng là đá tảng thì liền sau đó bị Chúa quở trách là Satan hãy lui ra, đã có lần thề hứa “dù phải chết với Thầy con không chối Thầy” mới hứa đó thì liền sau đó ba lần chối Chúa, mới phút trước ung dung bước đi trên ngọn sóng thì phút sau bị chìm vì nghi ngờ. Rỡ rằng là nhiều khi Phêrô nói mà chẳng hiểu mình nói gì, và chính cuộc tử nạn và cái chết của Đức Giêsu là một thử thách có tính quyết định đối với niềm tin của Phêrô. Cuộc đời theo Chúa của Phêrô đã sa ngã biết bao nhiêu lần trước khi trở thành đá tảng vững chắc, trên đó Đức Giêsu Kit xây dựng Hội thánh Người. Phêrô chỉ có thể nâng đỡ Đức tin cho anh em sau khi trở lại từ kinh nghiệm yếu đuối sa ngã của mình.

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô liên kết trong niềm tin, lòng mến Chúa Kitô và Giáo hội, Phaolô luôn hướng về Phêrô như nền tảng cho niềm tin và thế giá Tin Mừng mà ông rao giảng. Nền tảng Pherô cũng là định hước cuộc tiến bước trong đức tin và đảm bảo sự thống nhất dân Chúa trong lòng mến. Điều mà minh chứng hùng hồn nhất đức tin của Phêrô và Phaolô rao giảng đó là việc hai Ngài cùng hội tụ tại Rôma để làm chứng cho Chúa Kitô bằng chính máu đào của mình. Phêrô và Phaolô đã làm thành khuôn mẫu cho việc rao giảng niềm tin cho mọi người.

Nhìn lại cuộc sống, chắc chắn ai cũng đã hoặc đang ít nhất một lần trải qua những đau khổ như: nghèo đói, bệnh tật, thất vọng… Trước những nghịch cảnh đó chúng ta có đứng vững hay bị chao đảo nghi ngờ đức tin? Nếu vẫn còn một niềm tin sắc con thì hãy làm chứng đức tin của mình cho người khác như mẫu gương của Phêrô và Phaolô.

Chúng ta mỗi người tuy khác nhau, nhưng có cùng một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hãy sống liên đới hiệp nhất với nhau, kiên vững trong đức tin, sẵn sàng minh chứng đức tin của mình qua đời sống cụ thể hằng ngày, điều đó chỉ thực hiện được khi mỗi người biết siêng năng cầu nguyện, múc lấy nguồn sức mạnh nơi bí tích Thánh Thể, luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, để lời tuyên xưng của Phêrô trở thanh kinh nghiệm riêng cho mỗi người: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai?”.

Giữa những đảo điên của cuộc sống, giữa những quyễn rũ của trần thế, nhờ lời bầu cử của hai thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta hãy xin Chúa hãy cũng cố niềm tin nhỏ bé của chúng ta.

Tác giả:  Huệ Minh