THỜI ĐẠI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.

THỜI ĐẠI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.

Phan Sinh Trần

Ai trong chúng ta mà lại không biết rằng chưa có thời đại nào tội lỗi bằng thời đại của chúng ta, chỉ kể đến các tội sau cũng đủ cho bạn và tôi rùng mình:

Chỉ tính riêng các phim ảnh dâm ô đồi  trụy, phim con heo đã trở thành một ngành kỹ nghệ tội lỗi lớn, 35% các em thiếu niên đã xem hình ảnh này vô số lần, 40 triệu người Hoa Kỳ xem những hình ảnh này,  35% phần tải xuống từ internet vốn có liên quan đến sex. Hậu quả thê lương của nó, Viện luật sư gia đình Hoa Kỳ cho biết,  ly dị vì chồng hoặc vợ nghiện phim sex và hành động theo chiếm 56%.

Phá thai trên thế giới lên tới con số ước tính từ 1-2 tỉ em bé trong 50 năm qua
Nay đã có đền thờ trực tiếp dành riêng thờ lạy Satan tại Los Angeles và đang lan sang các tiểu bang khác

Bi quan quá phải không, ai cứu được thế giới này phải không?

Cảm tạ Chúa vì có Tin Vui giữa giờ tuyệt vọng, chưa thời nào tội lỗi bằng  nhưng cũng chưa có thời nào con người được đầy dẫy ơn huệ Đức Thánh Linh như thời đại của chúng ta. Kinh Thánh nói:

Vì chưng các sự thống khổ của Đức Kitô tràn đến trên chúng tôi thế nào, thì nhờ Đức Kitô, sự an ủi chúng tôi cũng được dẫy tràn thể ấy. (2 Cô-rin-tô 1:5)

Có sức mạnh quyền năng của Lời trong thời đại này, xin đan cử một vài ví dụ sau:

Tôi được biết có một Bác 90 tuổi, từ Mỹ về Cà Mau để đi truyền giáo, bác gầy được tới 50 nhóm, mỗi nhóm 50-100 người tân tòng, Lý do bà con này đi theo Chúa là vì quyền năng chữa lành của Chúa cho họ thoát khỏi các căn bệnh mà trần gian không ai có thể chữa cho, họ tin phục và xin làm con Chúa.

Một cô thiếu nữ nọ, tốt nghiệp đại học Sorbone Pháp với bằng tiến sĩ nhưng không hành nghề mà lại hiến dâng tài năng đó cho Chúa, cô này sau trở thành ma sơ đi phục vụ người nghèo khổ nhất, đó là người Thượng bị bệnh cùi hủi,  vùng Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, bây giờ  đến năm 2016 đã 70 tuổi , Sơ được bề trên sai đi truyền giáo tại vùng căn cứ đường mòn Hồ Chí Minh, vùng đồng bào Thượng có 100% dân cư tin theo Cộng Sản, Sơ đi đến đâu thì hầu hạ, phục vụ đến đó trong đời sống đơn sơ chia xẻ khó nghèo và vui tươi ca ngợi Chúa với hết  tấm lòng, hết  linh hồn kết quả là có làng thì hai phần ba dân làng, khoảng 200 người thành con cái Chúa, có làng được một phần ba  theo Chúa, khoảng 90 người. Mỗi năm Sơ lại “bị” hay là “được” sai đi một làng khác !

Trong Nhóm cầu nguyện của tôi có anh nọ bị thất nghiệp nhưng vẫn giữ lời hứa với Chúa và dâng $400 cuối  cùng cho người nghèo, kết quả là Chúa vẫn cho người nào đó chu cấp cho gia đình anh lương thực đầy đủ còn ngon hơn trước, có các món mà anh muốn ăn. Sau đó, Chúa cho anh một công việc khác để anh không bao giờ bị lỗi lời hứa dâng 1/4 thu nhập cho người nghèo.

Trong một nhóm khác thì có một bác 80 tuổi bị thay khớp chân, bệnh tim, bệnh xương.  Ốm yếu, nhưng bác vẫn lết  đi thăm tù và chia xẻ Lời Chúa cho anh em tù nhân đến nay là trên 17 năm và vẫn còn đang tiếp diễn.

Rồi phải kể đến  phong trào cầu nguyện cho sự phục hồi đức tin của Hoa Kỳ, thí dụ như năm 2015 và trước đó, có trên 100.000 người kiêng ăn trong một tháng để cầu nguyện cho nước Mỹ, họ nhóm lại mỗi tối thứ ba hay thứ sáu trong tuần và khóc lóc, ăn năn, cầu thay cho dân, xin Chúa cứu đất  nước của họ khỏi hiểm họa suy thoái, tan rã, cùng với các hâu quả thê thảm của tội. Họ nài xin Chúa cho các hội thánh phục hưng, quay về trở lại với Tin Mừng.

Rorate Caeli đã phát hành một bản dịch của một cuộc phỏng vấn đáng chú ý, được xuất bản lần đầu vào năm 2008, với Đức Hồng Y Carlo Caffara của Bologna, Ngài vốn đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trao trách nhiệm lập kế hoạch và thành lập Viện Giáo Hoàng nghiên cứu về hôn nhân và gia đình.. Trong đó, ĐHY tham chiếu thư ngài đã có với Sơ Lucia, thị nhân chính của Đức Mẹ Fatima:

Trận chiến cuối cùng giữa Chúa và triều đại của Satan sẽ xảy ra trên bình diện hôn nhân và gia đình. Đừng sợ, Sơ nói thêm, bởi vì bất cứ ai mổ xẻ sự thiêng liêng của hôn nhân và gia đình sẽ luôn luôn bị tranh luận và bị phản đối về mọi mặt, bởi vì đây là vấn đề quyết định. Và sau đó Sơ kết luận: Tuy nhiên, Đức Mẹ đã thực sự nghiền nát đầu của Satan.

Tình hình cấp bách trong cuộc chiến  gần như là cuối cùng giữa Thiên Chúa và Satan. Phần chúng ta, có đang tiếp nối trong cuộc chiến đấu với bóng tối chung quanh không? Bạn có thể làm được gì ?  Vâng tôi đoán  biết là bạn có thể làm nhiều lắm:

Bạn có thể cầu nguyện cho mình và cho tội nhân trong giờ thử thách.

Bạn có thể để cho Thần Khí của Chúa thánh hóa, hướng dẫn và sai đi đến với các gia đình đang sắp tan vỡ, chia xẻ Lòng Thương Xót Chúa với các thành phần đã ly dị.

Bạn có thể đến phục vụ, ca ngợi Chúa, cầu nguyện tại các nhà hưu dưỡng, nhà tù hay âm thầm làm các việc hy sinh cầu cho các linh hồn đang xa cách ơn Cứu Độ.

Quan trọng nhất là bạn luôn chuẩn bị, ghi khắc một bài làm chứng về các ơn đổi mới diệu kỳ Chúa thực hiện trong đời bạn và luôn luôn tìm cơ hội trình bày một cách rất chân thành, khiêm nhường, bài làm chứng cho Chúa ở bất kỳ môi trường nào, trong bất kỳ dịp tiện nào, cho đúng đối tượng của Tin Mừng là các người cần Lòng Thương Xót Chúa, các người có thể chịu nghe về ơn cứu độ. Bài Làm chứng đầy sức mạnh thần khí cộng với mãnh lực tuyệt diệu của các câu gốc Lời Chúa thí dụ như câu sau đây có thể cứu Linh Hồn theo cách thu hút tuyệt vời của Chúa Thánh Thần.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Gioan 3:16)

Phần các ngươi, mắt các ngươi có phúc vì thấy, tai các ngươi có phúc vì nghe.(Mat theu 13:16)

Phan Sinh Trần

ĐI ĐẠO…

ĐI ĐẠO…

Cha ông ta đã khéo vận dụng từ ngữ để diễn tả những thực tại tâm linh.  Từ ngữ xem ra bình dân mà nội dung phong phú, sâu sắc.  Khi Tin Mừng được truyền giảng tại quê hương, các ngài đã gọi đó là ĐẠO.  ĐẠO là “tôn giáo”, “đạo giáo” mà cũng là ĐƯỜNG phải đi để đạt ĐẠO.  Như thế, ĐẠO là ĐƯỜNG mã cũng là ĐÍCH, vì người có ĐẠO cần phải sống cho phải ĐẠO, sống theo ĐẠO lý, sống có ĐẠO đức để đạt tới ĐẠO làm người, ĐẠO làm con Chúa.  ĐẠO là ĐÍCH mà cũng là CỘI NGUỒN.  Ai sống tốt lành đạo đức được coi như người ĐẠO gốc, ĐẠO dòng, người sinh ra trong gốc gác, dòng dõi của ĐẠO.  Ai đón nhận Tin Mừng và rửa tội thì được gọi là THEO ĐẠO.  Rồi khi ĐẠO đã thành nếp sống thì gọi là ĐI ĐẠO.  Ai không đi ĐẠO thì được gọi là ĐI LƯƠNG (sống theo LƯƠNG TÂM?)  Người nào sống ngược với đạo đức, lễ giáo, luân thường thì bị coi là “quân VÔ ĐẠO.”  Ai chống đối, phá rối, ngăn cản, làm cho tục hóa đạo giáo thì bị gọi là “quân PHẢN ĐẠO, RỐI ĐẠO, BÁNG ĐẠO…”

Khi suy nghĩ về đời sống Đạo Chúa Kitô tại Việt Nam, có lẽ chúng ta cũng thử bàn qua về ba từ mấu chốt trong một chuỗi từ ghép liên quan đến ĐẠO trên đây: giữ đạo, sống đạo, truyền đạo.
giu-dao

Giữ Đạo

Đạo đã được truyền vào nước ta khoảng 500 năm trước.  Cha ông chúng ta đã đón nhận Đạo với niềm tin đơn thành, sốt mến.  Liền sau khi theo Đạo, cha ông chúng ta đã tích cực đi Đạo, nghĩa là tin nhận và sống theo đạo lý mới.  Đạo lý mới được cụ thể hóa bằng những điều phải tin và phải giữ.  Vậy theo Đạo, đi Đạo đồng nghĩa với tin Đạo và GIỮ ĐẠO.  Nhưng rồi việc theo Đạo không phải là thuận lợi mà đã gặp những chống đối, bắt bớ, cấm cách, bách hại…  Chân lý của Đạo bị xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ…  Các nhà truyền giáo bị cấm giảng Đạo, các tín hữu bị buộc phải bỏ Đạo, chối Đạo… Lúc này đi Đạo vẫn mang nghĩa là GIỮ ĐẠO, nghĩa là giữ gìn bảo vệ sự tinh tuyền giáo lý của Đạo, giữ gìn lòng hăng say và can đảm truyền Đạo, giữ gìn lòng trung thành với Đạo, dù có phải máu chảy đầu rơi, thây phân trăm mảnh…

Sống Đạo

Đạo cần phát triển về chiều sâu, cần thấm nhập vào đời sống, cần trở thành thịt thành máu, thành tim thành óc của mỗi tín hữu, cần bén rễ sâu vào mọi ngóc ngách của môi trường sống… Đi đạo lúc này không chỉ dừng lại ở việc giữ Đạo mà cần phải sống Đạo, làm cho Đạo trở thành cuộc sống, và làm cho cuộc sống chuyên chở Đạo.  Đạo không chỉ là một loạt những điều cần tin, cần giữ, cũng không chỉ đóng khung trong khuôn viên nhà thờ nhà thánh, mà Đạo đi sâu vào mọi góc cạnh, như hơi thở của linh hồn, linh hồn của thể xác…  Tinh thần Đạo được thể hiện không chỉ trong kinh nguyện mà cả trong cuộc sống hàng ngày nơi phố xá, làng mạc, trường học, công sở, chợ búa, đồng nương, nghệ thuật, văn hóa, chính trị…

Truyền Đạo

Đạo là kho tàng, kho báu.  Người đi Đạo như tìm được ngọc quý, bỏ mọi sự để theo Đạo, để có Đạo.  Nhưng Đạo không phải là một kho tàng quý báu để chôn cất giấu giếm.  Đạo cần được chi ra, lan rộng.  Đi Đạo, thấm nhuần Đạo, thì không thể không tìm thấy niềm vui hạnh phúc “có Đạo,” không thể không thấy được trách nhiệm cần phải chia Đạo cho người khác, vì cốt lõi của Đạo là Bác Ái, một tình yêu rộng rãi, sẻ chia, vô điều kiện.  Đạo là Lửa từ trời, càng chia càng cháy, càng loan càng sáng.  Ngọn lửa chia ra, bay xa không tắt đi, yếu đi mà cháy thêm, sáng thêm.  Nếu nó chỉ cháy mình nó, có lẽ nó sẽ vụt tắt một ngày, vì dầu của nó thì hữu hạn, gỗ của nó cũng có chừng.  Đi Đạo là Truyền Đạo, vì không Truyền Đạo là ngược lại với bản tính của có Đạo, đi ngược với ơn gọi lãnh nhận trong Bí Tích Rửa Tội, đi ngược với điều răn Bác Ái Kitô giáo.

Suy nghĩ về cuộc sống Đạo, ta thấy thực ra giữ Đạo, sống Đạo hay truyền Đạo không phải là những khía cạnh tách rời hoặc loại trừ nhau.  Sống Đạo không có nghĩa là bỏ giữ Đạo, truyền Đạo cũng chẳng phải là xao lãng việc giữ Đạo và sống Đạo.  Đó là ba khía cạnh như kiềng ba chân của việc đi Đạo.  Sống Đạo làm cho việc giữ Đạo đi vào chiều sâu, và truyền Đạo làm cho việc sống Đạo lớn lên về chiều rộng.  Càng sống Đạo thì việc giữ Đạo càng sốt sắng, nhiệt thành và càng truyền Đạo thì việc sống Đạo càng khởi sắc, hăng say.  Đi Đạo là giữ Đạo, sống Đạo và truyền Đạo vậy.  Đạo là Đường nên cần phải lên đường, cần phải đi…

Dominic Trần

****************************** *****************

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con tin bằng trái tim, tuyên xưng bằng miệng, và bày tỏ bằng việc làm, rằng Chúa ngự trong chúng con ngõ hầu nhân loại thấy rõ những việc lành chúng con làm mà tôn vinh chúc tụng Cha chúng con trên trời.  Vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng muôn đời vinh hiển.

Origênê (Trích Lời Kinh Từ Cuộc Sống – p.110)

Đời no ấm nghĩ càng xấu hổ,

Suy Tư Tin Mừng Tuần thứ 25 thường niên năm C 18/9/2016

Tin Mừng (Lc 16: 1-13)

Khi ấy, Đức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo:“Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!

 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.

 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.

 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

 Đời no ấm nghĩ càng xấu hổ,”

Vắt đâu ra giọt nước mắt thầm.

Sống vật chất làm đời ô uế

Biết bao giờ gột sạch tâm-linh,

Ta chỉ biết làm thơ thương tiếc.

Đọc lên nghe hằn học với mình.”

(Dẫn từ thơ Bắc Phong)

Mai Tá lược dịch.

Ấm no – vật chất, đâu có làm thi sĩ thêm hạnh-phúc. Vì, thi-sĩ cứ “làm thơ thương tiếc”, nên mới “đọc lên nghe hằn học với mình”. “Hằn học”, “thương tiếc”, là những gì được nói đến hôm nay. Trình-thuật hôm nay, kể về đời ngạo-nghễ của nhà kinh bang tế thế biết tính toan, bươn chải. Khôn ngoan – bươn chải Chúa khen, là sự khôn khéo của con cái thế-gian, ta thường thấy.

Vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, tiên tri Amos đến vương quốc Israel, thấy xứ sở này giàu có thật. Nhưng, ở sau hậu trường chính trị và cuộc sống linh đạo, tiên tri công nhận thế giới đầy những bất công, bóc lột người nghèo. Tố giác của tiên tri, đem áp dụng với thế giới hôm nay, thật cũng không ngoa. Vẫn cân đo, đong đếm bằng cân bàn/vi tính, nhưng chuyên gian lận. Cũng hàng hóa chất chồng, nhưng mọi giá trị căn bản đều giảm sút. Hết thảy đều để mua chuộc/khai thác người nghèo bằng tiền của và công lao, không công chính.

Sau hơn hai ngàn năm văn vật, mọi sự đâu đã đổi thay. Hệ thống an sinh mang đến phúc lợi thật, nhưng người nghèo vẫn hoàn nghèo. Phúc lợi trần gian chỉ là kết cuộc của những chia chác mất cân bằng, trong xã hội. Ngày nay, người người hầu như sơ cứng/bất động trước cảnh đời đầy cướp bóc, chém giết ở ngoài đường. Và, cả ở trong trường học, nữa. Người nghèo vô tội có đói, có chết tràn đồng, thì lớp giàu “thành thị” vẫn cứ dửng dưng, ăn trên đầu trên cổ những người này. Và, lối sống xa hoa/phù phiếm càng quyến rũ người người mải miết, quyết làm ăn.

Đọc những tố giác của tiên tri, chắc có người sẽ bảo: làm giàu một cách chân chính đâu có gì là phạm tệ, sao phản đối. Dĩ nhiên, người Công giáo ta có quyền sống giàu sống mạnh, sống thoải mái mà chẳng ai đụng chạm đến mình. Nhưng, định nghĩa cho đúng, không ai có thể trở nên giàu có nếu như không có người nghèo để chịu đựng cảnh dồn ép/khai thác hoặc bỏ rơi nơi tăm tối. Định nghĩa cho đúng, chỉ gọi được là giàu, những ai nhiều tiền/nhiều của hơn giới bình thường bậc trung, thôi. Và, nếu không có người nghèo để cung phụng, thì làm sao có thể giàu, được?

Lại có người biện luận: Hội thánh ta nên có thái độ nào với xã hội và đám kinh tế cầm quyền? Có người hỏi thêm: Giáo hội ta có nên làm ăn/kinh doanh kiếm chác thêm để nuôi dưỡng hệ cấp giáo triều, không? Hoặc: Giáo hội mình cũng đang làm ăn đấy chứ?, vv… Nếu đặt câu hỏi này với tiên tri Amos, ta sẽ biết thế nào là phải/trái. Và, nếu thưa với Đức Kitô, ta sẽ nhận được câu trả lời, đại loại như: “Người giàu vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim.”

Khó, không phải chỉ vì anh giàu. Bởi, muốn giàu và có, anh phải thu vén của cải nơi kho lẫm, để tích trữ. Và, tiền anh có, là do anh ăn ở bất công với người khác. Chí ít, với người nghèo hơn anh. Bất công với người khác, tức chối bỏ tình yêu thương giùm giúp những người còn túng thiếu, thua thiệt. Và, khi đã bất công, không thể nói được là anh yêu Chúa, rất nhiều. Yêu Chúa nhiều, mà sao anh quên người anh em, nghèo và đói hơn anh? Những người như anh, có lẽ bị từ chối ngay trước cửa Nhà Chúa, từ lâu.

Và ở đây, thánh Giacôbê còn nhắc nhở thêm trong thư hôm trước: ta không thể đơn giản nói “Tôi thực lòng thấy tội nghiệp cho anh/chị về những khó khăn anh/chị gặp, nhưng tôi không biết làm gì hơn là cầu nguyện cho chị/cho anh vào tiệc thánh, sắp tới.”

Ngày nay, kinh tế-tài chánh, doanh thương cạnh tranh, đã va chạm làm xáo trộn đời sống đạo đức của người nhà Đạo, từ lâu rồi. Xáo trộn và va chạm, đã lật đổ các giá trị và trật tự ngàn xưa. Xáo trộn và va chạm, làm chao đảo phẩm giá con người. Chao đảo quyền căn bản của con người, quyền làm người. Xáo trộn và va chạm làm chao đảo đến độ, ta nay chối bỏ lòng yêu thương giùm giúp, hết mọi người. Sống trong xã hội trọng tiền tài vật chất hôm nay, người người dường như chấp nhận có ăn có thua. Thậm chí, có người còn chụp mũ, bảo: “vận may thế kỷ” đó!

Đáng buồn thay, hôm nay nhiều người vẫn coi việc bất công, bóc lột người nghèo như chuyện “bình thường”, cứ xảy ra. Thậm chí, có tín hữu Đức Kitô cũng có mặt trong số những người luôn ngoảnh mặt làm trước cảnh anh em trong/ngoài giáo hội, đang túng thiếu. “Bình thường” sao được, khi người anh người chị của ta cứ phải sống trong các khu nhà “ổ chuột”, thiếu tiện nghi. “Bình thường” là sao, khi các em các cháu trong/ngoài nhà Đạo cứ hộc mật lao động suốt không được ngơi nghỉ/ăn học. Và làm, chỉ kiếm được đồng lương rách mướp, rẻ mạt?

Có “bình thường” không, khi ta cứ chễm chệ ăn trên ngồi chốc, trên đầu trên cổ những người anh em còn nghèo và đói. Nhất thứ, là khi tiền bạc người giàu lấy được là do khai thác/bóc lột sức lao động của những người con/người em còn yếu/kém, thiếu điều kiện để ngoi đầu. Tín hữu Đạo công bằng tình thương của Chúa không thể ở yên ngồi đó, làm ngơ trước cảnh sống thiếu cân bằng, trong xã hội. Có vị thậm chí, không chỉ ngoảnh mặt làm ngơ thôi, nhưng còn trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần làm cho tình trạng mất quân bình trong xã hội, thêm trầm trọng.

Vấn đề đặt ra là: không phải cứ ngồi đó mà tranh đấu bằng võ mồm cho công bằng xã hội, mà thôi. Hoặc, chẳng bao giờ ra tay hành động tích cực để xóa bỏ tình trạng bất công, không đồng đều. Lại nữa, về phẩm giá và quyền hạn của con người, không ai được phép tự cho mình cái quyền đặt mình ăn trên ngồi chốc, hơn hẳn những người nghèo đói khác. Và, bất cứ người nào có hành động nhằm làm suy giảm phẩm giá con người, đều không được chấp nhận, dù ở đâu. Nhất thứ, đó lại là tín hữu Đức Kitô, nơi nhà Chúa.

Dĩ nhiên Phúc Âm đề cập, có người được phú ban nhiều tài năng hơn người khác. Dù là thế, quà tặng Chúa ban vẫn phải được sử dụng đồng đều. Quà Ngài tặng, không phải để ta kiếm chác nhiều hơn thêm. Nhưng, giúp ta cống hiến nhiều hơn để rồi ta cùng nhau dựng xây Cộng đoàn tình thương Nước Trời. Quà tặng ta nhận càng lớn, trách nhiệm ta san sẻ càng nhiều. Bởi, san sẻ, là chia sớt cho những người có ít hơn ta. Ý tưởng “hãy nhớ mà san sẻ”, còn được thánh Phao-lô khẳng định ở bài đọc thứ hai, khi thánh nhân khuyên đồng nghiệp Timôtê hãy nguyện cầu cho tất cả mọi người. Mọi người ở đây, gồm có cả “vua quan lãnh chúa và người cầm quyền, để sống đạo đức, nghiêm chỉnh.”(1Tm 2: 2).

Phúc Âm hôm nay, cũng đề cập đến quyền hạn của người quản gia. Anh là người có trọng trách cai quản tiền bạc – tài sản của chủ. Quản gia trong trình thuật, là người bị tố giác phung phí của cải, nhà chủ. Kể dụ ngôn, Đức Kitô không chủ tâm khuyến khích tính bất lương của người làm công. Nhưng, Ngài muốn kéo chú ý về tính lo xa của “con cái đời này”, luôn khôn khéo. Với con cái ánh sáng, lời cuối của Chúa trong trình thuật, là: “Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo bạn bè.” (Lc 16: 9). Qua khuyên nhủ, Đức Kitô nhắc nhở mọi người: ta chỉ là quản gia chứ không là chủ nhân ông tiền bạc/tài sản ta đang có. Xem như thế, không thể như con cái đời này, nói: “Tôi dùng tiền của tôi làm chuyện gì, thì mặc kệ tôi chứ!”. Con cái ánh sáng không thể có những lời lẽ như thế. Bởi, như thế là trái công bằng. Như thế, là trái nghịch lời dạy của Chúa.

Cuối cùng ra, vấn đề là: ta quyết tạo cuộc sống thoải mái/hạnh phúc, có đạt được hay không, không phải ở nơi câu hỏi: ‘Tôi giàu cỡ nào?’ mà là: ‘Tôi có sử dụng nó để tạo bạn bè, như Chúa dạy, không? Xác tín với lời khuyên của Người Bạn Rất Thân là Thầy Chí Thánh, ta quyết hân hoan “đi mà làm như thế”.

 Lm Richard Leonard sj biên-soạn –

Mai Tá lược dịch.

CÂY TÁO

CÂY TÁO

Mark Link S.J.

cay-tao

Richard Pindell có viết một chuyện ngắn nhan đề “Đứa con trai của một người nào đó” (Somebody’s son).   Câu chuyện mở đầu với một cậu bé tên là David bỏ nhà ra đi sống bụi đời.  Vì khổ quá, không chịu nổi cậu bèn viết một lá thư gởi về nhà cho mẹ bày tỏ niềm hy vọng được ông bố cổ hũ tha thứ cho cậu và chấp nhận cậu làm con trở lại.  Lá thư như sau: “Mẹ kính mến, trong một vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà.  Nếu bố bằng lòng nhận con trở lại, thì mẹ yêu cầu bố cột một miếng vải trắng lên cây táo hồng ở miếng đất cạnh nhà chúng ta.  Vài ngày sau, David lên xe lửa đi về.

Trong lúc tàu hoả lao nhanh đến nhà thì hai hình ảnh cứ chớp lòe liên tục hiện ra trong trí cậu ta.  Khi thì trên cây có cột một miếng vải trắng, khi thì trên cây chẳng cột miếng vải trắng nào.  Xe lửa càng tiến gần nhà, trái tim David càng đập nhanh hơn.  Không bao lâu nữa cây táo sẽ hiện ra ở khúc quẹo, nhưng David không dám tự mình nhìn tới vì sợ nhỡ không có miếng vải trắng cột ở đó.  Thế là cậu quay sang người đàn ông bên cạnh ấp úng nói: “Thưa ông, ông có thể làm ơn giúp cháu một việc không?  Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cái cây.  Ông làm ơn cho cháu biết trên cành cây có cột một miếng vải trắng không nhé.”

Khi xe lửa rầm rầm lướt qua cây táo, David nhìn chăm chăm về phía trước.  Đoạn run run giọng cậu hỏi người đàn ông: “Thưa ông, có một miếng vải trắng treo ở một cành cây nào đó không?”  Ông ta sửng sốt trả lời: “Ồ, này cậu bé, cành cây nào ta cũng thấy có cột một miếng vải trắng cả!”

****************************** ****

Câu chuyện trên minh hoạ cho những gì Chúa Giêsu kể lại trong phần đầu bài dụ ngôn hôm nay.  Ngài bảo rằng Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta sau khi chúng ta phạm tội, và Chúa Giêsu còn cho biết thêm không những Chúa tha thứ cho chúng ta khi chúng ta phạm tội, mà sau đó Ngài còn đối xử với chúng ta như chúng ta chưa hề phạm tội vậy.  Điều này được nhìn thấy rõ ràng qua ba hành vi của ông bố trong dụ ngôn hôm nay.

Trước hết ông choàng tay ôm đứa con trai mình.  Choàng tay ôm con tỏ cho thấy ông bố đón con về hết sức nồng nhiệt.  Ông tuôn trào mọi cử chỉ trìu mến đối với đứa con trai.

Tiếp đó, ông xỏ giày vào chân cho cậu ta.  Xỏ giày vào chân chứng tỏ ông đã tha thứ hoàn toàn cho cậu.  Vào thời Kinh Thánh thuở xưa, mang giày là dấu chỉ của một người tự do, còn đám nô lệ thì đi chân trần.  Xỏ giày vào đôi chân trần của cậu con tức là xoá đi dấu hiệu thằng con ấy từng là nô lệ của một kẻ nào đó, và đồng thời trả lại cho cậu ta dấu chỉ cậu là đứa con trai trong gia đình.

Cuối cùng, ông bố trao nhẫn cho cậu con.  Gắn nhẫn vào ngón tay cậu chứng tỏ ông bố phục hồi trọn vẹn cho cậu tình trạng trước khi cậu bỏ nhà ra đi.  Vì chắc chắn đây là chiếc nhẫn mang dấu ấn của gia đình.  Đeo nó vào đồng nghĩa với được quyền hành xử như một thành viên trong gia đình.

Và như thế, khi choàng tay ôm xỏ giày và đeo nhẫn cho đứa con trai.  Người bố đã cho thấy ông hoàn toàn nồng nhiệt tiếp đón cậu ta, tha thứ hoàn toàn và phục hồi cho cậu ta trọn vẹn tình trạng trước khi cậu bỏ nhà ra đi.

Từ đó chúng ta bước sang phần cuối bài dụ ngôn.  Phần này liên quan đến người con thứ nữa mà lại liên quan đến người con cả.  Ông bố rộng lượng tha thứ bao nhiêu thì người anh cả này lại hẹp lượng với em bấy nhiêu.  Anh ta không muốn bước vào nhà đểăn mừng đứa em trở về dù ông bố đã nài nỉ anh ta vào.  Dụ ngôn kết thúc mà không nói cho chúng ta biết cách cư xử của người con lớn.  Liệu cuối cùng anh ta có chịu bước vào dự tiệc mừng không?  Hay vẫn đứng ở bên ngoài lẩm bẩm?  Lý do Chúa Giêsu không nói rõ ra là vì người con lớn đại diện cho đám luật sĩ và biệt phái đương thời, còn người con thứ đại diện cho đám dân tội lỗi và những kẻ sống ngoài vòng pháp luật.  Lúc đó, đám tội lỗi trộm cướp này biết đáp lại lời kêu gọi thống hối của Chúa Giêsu và Ngài đã tha thứ cho họ, đồng thời tiệc tùng vui vẻ với họ.  Điều này khiến các luật sĩ và biệt phái căm tức.  Họ cho rằng lũ người tội lỗi kia lẽ ra phải bị trừng phạt chứ đâu lại được tha thứ!  Và như thế Chúa Giêsu không kết thúc dụ ngôn này mà lại nhường phần kết câu chuyện cho mỗi luật sĩ và biệt phái viết thêm vào cho trọn.  Mỗi người trong bọn họ đều nhận biết rằng mình là đứa con lớn và phải tự quyết định sẽ tha thứ và chung vui với người em hay nhất quyết không chấp nhận thứ tha và đồng bàn với nó.

Tất cả điều này muốn nói gì với chúng ta hôm nay?  Theo tôi thì có hai điểm:

–  Thứ nhất là Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta sau khi chúng ta lỡ phạm tội.

–  Thứ đến, chúng ta phải biết tha thứ cho kẻ khác như Chúa đã thứ tha cho chúng ta.  Hơn nữa chúng ta còn phải tiếp nhận họ trở lại với trọn vẹn lòng quảng đại như Chúa đã cư xử với chúng ta, nghĩa là nồng nhiệt tiếp đón, tha thứ hoàn toàn, và hồi phục tình trạng ban đầu cho họ như xưa.

Có một câu chuyện nói về tổng thống Lincoln như sau: Khi có người hỏi rằng ông sẽ đối xử với miền Nam như thế nào sau khi cuộc nội chiến kết thúc, ông liền trả lời: Tôi sẽ đối xử với họ như là họ chưa bao giờ bỏ nhà ra đi.”  Đây là điều chúng ta muốn ám chỉ từ ngữ: phục hồi trọn vẹn.  Đây cũng là cách thức Chúa Giêsu đối xử với Phêrô sau khi Phêrô chối bỏ Ngài vào đêm thứ năm Tuần thánh.  Ngài không những thứ tha mà còn phục hồi ông về trạng thái nguyên thủy trong vai trò “đá tảng” trên đó Ngài sẽ xây Giáo hội Ngài. Lẽ ra Chúa Giêsu đã phải nói với Phêrô: “Thày đã dự tính một kế hoạch lớn lao cho con, nhưng con đã làm hỏng bét.  Phêrô à, thầy tha thứ cho con, nhưng thầy sẽ trao cho con một vai trò kém hơn, vì con đã làm thầy quá thất vọng.”  Nhưng Chúa Giêsu không làm như thế!  Ngài vẫn đối xử với Phêrô như thể ông chưa hề phạm tội.

Đây chính là cách thức chúng ta phải cư xử với những kẻ có lỗi với chúng ta.  Chúng ta phải tha thứ cho họ và đem họ về với con tim chúng ta bằng tình yêu quảng đại như Chúa đã đối xử với chúng ta.  Và nếu chúng ta làm được điều này, chắc chắn khi lìa cõi đời này, khi tiến đến cổng trời, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy ở đó một cây táo, trên mỗi cành cây đều có cột một mảng vải trắng.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin tỏ lòng thương xót con, và lấp tràn đầy trái tim con tình yêu tha thứ của Chúa.  Con là đứa con thứ đã bỏ ra đi rồi lại trở về.   Con cảm ơn Chúa đã đón nhận lại con.  Và con cũng là người con lớn đã từng khư khư không chịu tha thứ cho anh chị em con như Ngài đã đã tha thứ cho con.  Vậy xin Chúa hãy chạm vào trái tim con với tình yêu tha thứ của Ngài.  Để rồi sau khi yên nghỉ trong cõi chết, con sẽ thức dậy trước thánh nhan Ngài để vui hưởng sự thứ tha của Ngài mãi mãi cùng với những anh chị em từng được con tha thứ lỗi lầm.

Mark Link S.J.

Langthangchieutim gởi

Mẹ Têrêxa Calcutta, chứng nhân lòng thương xót*

Mẹ Têrêxa Calcutta, chứng nhân lòng thương xót*

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Ngày 4-9-2016 tới đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ chủ sự nghi thức tuyên phong hiển thánh cho Chân phước nữ tu Têrêxa Calcutta, được cả thế giới quen gọi là Mẹ Têrêxa Calcutta. Trong khung cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, việc tuyên thánh này làm nổi bật khuôn mặt Mẹ Têrêxa như chứng nhân của lòng thương xót.

Chắc chắn có nhiều điều để nói về cuộc đời cũng như những công việc của lòng thương xót mà Mẹ Têrêxa đã thực hiện, riêng bài viết này chỉ muốn tập trung vào diễn văn của Mẹ Têrêxa khi lãnh giải Nobel Hoà Bình ngày 10 tháng 12 năm 1979. Sở dĩ như thế là vì khi lãnh giải Nobel Hoà Bình, Mẹ Têrêxa được cả thế giới – chứ không chỉ riêng người Công giáo – nhìn nhận và chiêm ngưỡng như chứng nhân sống động của tình yêu và lòng thương xót; đồng thời, khi ngỏ lời trong dịp này, Mẹ Têrêxa cũng không chỉ nói với người Công giáo nhưng với cả thế giới, kể cả những nhà lãnh đạo thế giới. Chính vì thế, diễn văn này rất cần được nghe lại và rút ra những bài học lớn cho đời sống làm người nói chung và đời sống đức tin Kitô giáo nói riêng.

TERESA

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lời cầu xin trở thành khí cụ bình an

Có lẽ trong số những người lãnh giải Nobel Hoà Bình, chỉ có Mẹ Têrêxa Calcutta bắt đầu bài diễn văn của mình bằng một lời cầu nguyện, hơn thế nữa, còn mời mọi người cùng cầu nguyện. Mẹ đã bắt đầu thế này: “Kính thưa quý vị, khi chúng ta quy tụ ở đây để tạ ơn Chúa về giải Nobel Hoà Bình, tôi nghĩ rằng sẽ thật đẹp nếu chúng ta cùng cầu nguyện bằng Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi. Chúng tôi vẫn đọc Kinh Hoà Bình mỗi ngày sau khi rước lễ. Tôi tự hỏi không biết khi sáng tác lời kinh này cách nay bốn hoặc năm trăm năm, thánh Phanxicô có phải đối diện với những khó khăn như chúng ta đối diện ngày hôm nay không. Nhưng rõ ràng là lời kinh này rất phù hợp với chúng ta. Vì thế, xin mời quý vị cùng đọc Kinh Hoà Bình”.

Bằng cách này, Mẹ Têrêxa đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong những hoạt động bác ái và phục vụ của Mẹ. Nhờ cầu nguyện, Mẹ và các nữ tu trong dòng mới có thể “phục vụ Chúa trong mọi người”, khám phá sự hiện diện của Chúa nơi “những người nghèo nhất trong các người nghèo”, những người bị bỏ rơi. Cũng vì thế, rất nhiều lần Mẹ Têrêxa nhấn mạnh Mẹ và các chị em trong dòng không phải là những người làm công tác xã hội nhưng là “những nhà chiêm niệm giữa lòng thế giới, những người chạm đến Thân Mình Đức Kitô 24 giờ một ngày”.

Lại chẳng phải là bài học quý giá cho các Kitô hữu khi thực thi những việc của lòng thương xót hay sao? Thiếu cầu nguyện, chúng ta có nguy cơ biến Giáo Hội thành một thứ cơ quan từ thiện, dù hiệu quả đến mấy, chứ không phải là Thân Thể sống động của Chúa Giêsu Kitô. Thiếu cầu nguyện, chúng ta còn có nguy cơ làm việc bác ái vì những tính toán và động lực nào khác chứ không còn là thực thi mệnh lệnh của Thầy chí thánh: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

Lời kinh mà Mẹ Têrêxa mời mọi người đọc bắt đầu bằng câu: “Lạy Chúa, xin Chúa dùng con làm khí cụ bình an của Chúa”. Xin ơn bình an thì ai cũng xin: bình an cho bản thân, gia đình, Giáo Hội, xã hội. Nhưng xin Chúa làm cho mình trở thành khí cụ bình an thì xem ra không phổ biến lắm. Vì thế, lời kinh này thay đổi cách nhìn của người môn đệ Chúa khi cầu nguyện. Không chỉ là xin và đón nhận ơn bình an cách thụ động nhưng còn là đón nhận một trách nhiệm, trở thành người xây đắp và kiến tạo bình an trong môi trường mình đang sống.

Hơn thế nữa, đây là “bình an của Chúa” chứ không phải bất cứ thứ bình an nào. Đó là sự bình an của Đấng nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy”, rồi Người nói thêm, “Thầy ban cho các con không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Đó là sự bình an của Đấng Phục sinh hiện đến giữa các môn đệ và nói “Bình an cho các con”, đồng thời cho các ông xem tay và cạnh sườn, bàn tay có dấu đinh và cạnh sườn bị đâm thâu (Ga 20,20). Đó là sự bình an sâu xa và bền vững ngay giữa những thử thách gian nan, như sự tĩnh lặng của đáy đại dương dẫu cho mặt biển dậy sóng.

Phá thai là hủy diệt bình an

Sứ điệp kế tiếp Mẹ Têrêxa tha thiết gửi đến thế giới là vấn đề rất lớn và phổ biến trong thế giới ngày nay: phá thai. Mẹ nói, “Tôi cảm nhận một điều mà tôi muốn chia sẻ với tất cả quý vị: ngày nay kẻ hủy diệt hoà bình lớn nhất chính là tiếng kêu khóc của những đứa trẻ vô tội không được sinh ra. Bởi lẽ nếu một người mẹ có thể giết chết đứa con trong lòng dạ mình, thì tại sao quý vị và tôi lại không thể giết nhau? Chúa nói trong Kinh Thánh rằng cho dù người mẹ có quên con đi nữa thì Ta cũng không quên ngươi, Ta đã khắc tên con trong lòng bàn tay Ta. Đúng là người mẹ khó lòng quên con, ấy vậy mà ngày nay hằng triệu đứa trẻ bị giết chết ngay trong lòng mẹ. Và chúng ta không nói gì hết. Trên báo chí hằng ngày quý vị đọc tin tức về người này, người kia bị giết, nhưng không ai nói đến hằng triệu đứa bé cũng ở trong lòng mẹ như quý vị và tôi từng ở, nhưng rồi bị giết chết, và chúng ta không nói gì hết, cứ để mọi việc như thế. Đối với tôi, những quốc gia hợp pháp hoá việc phá thai là những quốc gia nghèo nhất. Họ sợ các cháu bé, họ sợ các thai nhi, và thai nhi đó phải chết vì họ không muốn nuôi nấng, giáo dục thêm một đứa trẻ nữa”.

THANH TERESA

Rồi Mẹ Têrêxa nài xin tha thiết: “Nhân danh các thai nhi nhỏ bé này, tôi nài xin quý vị, vì chính thai nhi đã nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu khi Mẹ Maria đến thăm bà Elisabét. Như chúng ta đọc trong Phúc Âm, lúc Mẹ Maria đến nhà bà Elisabét thì thai nhi trong lòng bà nhảy mừng vì cháu nhận ra sự hiện diện của Hoàng tử bình an. Ngày nay cũng thế, chúng ta hãy quyết tâm cứu lấy mọi thai nhi, cho chúng cơ hội được sinh ra. Hãy chống lại việc phá thai bằng cách nhận nuôi các cháu bé. Hằng ngàn cháu bé sẽ có được ngôi nhà, ở đó các cháu được đón nhận, yêu thương, chăm sóc. Như thế chúng ta cũng đem niềm vui lớn lao đến cho những gia đình không thể có con. Tôi nài xin các vị lãnh đạo các quốc gia đang có mặt ở đây, hãy cầu nguyện để chúng ta có can đảm bênh vực các trẻ thơ, cho các cháu một cơ hội yêu thương và được yêu thương, và tôi nghĩ rằng với ơn Chúa, chúng ta có thể mang hoà bình đến cho thế giới”.

Còn lời lẽ nào mạnh mẽ và hùng hồn hơn về việc phá thai? Còn có thể nói gì thêm nữa? Trong khung cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, nếu có thể nói thêm điều gì thì đó là bài học về lòng thương xót phải sánh đôi cùng chân lý. Hãy hình dung Mẹ Têrêxa nói những điều này trước mặt ai và trong xã hội nào? Trước mặt Mẹ là những nhà lãnh đạo và những nhân vật nổi tiếng thế giới, trong đó có nhiều người ủng hộ và chủ trương hợp pháp hoá việc phá thai. Thế mà Mẹ Têrêxa không ngần ngại nói với họ: Nếu quý vị chủ trương phá thai thì quý vị đang phá hủy nền hoà bình thế giới! Mẹ không nhân nhượng khi phải nói lên sự thật. Người phụ nữ có vẻ ốm yếu đó không chỉ là một người mẹ đầy ắp tình yêu thương nhưng còn là người mẹ hết sức can đảm, sẵn sàng bảo vệ chân lý của Thiên Chúa, cũng là bảo vệ phẩm giá làm người của các thai nhi vô tội.

Đây cũng là bài học lớn cho tất cả chúng ta, bài học đã trở thành tên gọi một thông điệp của Đức Bênêđictô XVI: Caritas in veritate – Tình yêu trong chân lý. Đúng vậy, lòng thương xót đích thực phải sánh đôi cùng chân lý, tình yêu chân chính là tình yêu gắn với chân lý. Đây phải là nguyên tắc hướng dẫn đời sống Kitô hữu trên mọi bình diện: cá nhân, gia đình, cộng đoàn, xã hội.

Gia đình là cái nôi của lòng thương xót

Cuối cùng, lời khuyên cụ thể của Mẹ Têrêxa về việc xây dựng hoà bình là: hãy bắt đầu từ gia đình. Mẹ kể, “Một lần kia, có 14 giáo sư đại học từ Hoa Kỳ đến thăm nhà bác ái của chúng tôi ở Calcutta. Sau khi thăm, một người nói với tôi: xin Mẹ nói cho chúng tôi một điều thôi để chúng tôi có thể nhớ mãi. Tôi nói với họ: Hãy mỉm cười với nhau, hãy dành thời giờ cho nhau trong gia đình. Đó cũng là điều tôi muốn nói với quý vị hôm nay”.

Mẹ Têrêxa lãnh giải Nobel Hoà Bình ở Oslo, Na Uy, một đất nước giàu có, sung túc, thế nhưng Mẹ không ngần ngại nói với họ: “Quý vị có phúc vì được sống trong đất nước giàu có. Nhưng tôi chắc chắn rằng trong nhiều gia đình quý vị, có thể chúng ta không đói ăn nhưng lại có ai đó trong gia đình không được đón nhận, không được yêu thương, không được chăm sóc, bị lãng quên”. Đối với Mẹ Têrêxa, thứ nghèo khổ này còn đáng sợ hơn nghèo khổ vật chất: “Khi tôi mang một người nghèo đói nằm ở vệ đường về nhà, tôi cho họ một chén cơm, một miếng bánh, vậy là đã xua được cơn đói của họ. Thế nhưng một người bị ruồng bỏ, bị khước từ, không được yêu thương, không được quan tâm… đó mới là thứ nghèo khổ khủng khiếp và rất khó để chữa lành”.

Rồi Mẹ giải thích thêm: “Chúng ta được Thiên Chúa dựng nên để sống hoà bình. Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã làm người để đem Tin Mừng này đến cho chúng ta. Tin Mừng đó là sự bình an cho mọi người thiện tâm và đây cũng là điều tất cả chúng ta mong muốn. Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài cho nhân loại. Nghĩa là tình yêu đích thực luôn đòi hỏi phải cho đi, phải hi sinh, phải chấp nhận bị tổn thương. Hãy sống tình yêu thương đó trước hết trong chính gia đình mình. Có nhiều bạn trẻ ngày nay vướng vào ma túy và tôi tự hỏi tại sao như thế. Câu trả lời là vì không có ai trong gia đình đón nhận họ. Cha mẹ quá bận rộn việc làm ăn, không quan tâm đến con cái nên con cái ra đường, học điều xấu từ bạn bè… Rồi người già. Có lần tôi đến thăm một nhà dưỡng lão. Các cụ già ở đây là do con cái đem tới và họ không đến thăm cha mẹ. Cơ sở vật chất rất tốt nhưng cụ nào cũng chỉ nhìn ra cửa và không thấy cụ nào nở nụ cười trên môi. Tôi hỏi các nữ tu tại sao vậy. Tại sao họ có đủ mọi thứ mà không vui, chỉ ngóng nhìn ra cửa? Các nữ tu trả lời: vì họ chỉ mong ngóng con cháu đến thăm. Họ bị bỏ rơi, bị quên lãng.”

Cho nên hãy bắt đầu sống tình yêu từ trong gia đình. Hoà bình trên thế giới bắt nguồn từ sự bình an trong mỗi gia đình. Thống kê xã hội cho thấy phần lớn thanh thiếu niên phạm pháp xuất thân từ những gia đình không có bình an: cha mẹ ly dị, cha mẹ nghiện ngập, cha mẹ bạo hành… Ngay từ nhỏ, các em đã không cảm nhận được sự bình an, vì thế tâm hồn bất an và khi lớn lên, thay vì là người xây đắp bình an thì lại là người gieo rắc bạo lực, oán thù.

***

Để kết luận, hãy cùng lắng nghe lời kêu gọi của Mẹ Têrêxa: “Hãy để cho Chúa hiện diện trong gia đình quý vị, vì gia đình cầu nguyện cũng là gia đình gắn kết với nhau. Trong gia đình, chúng ta không cần đến súng đạn để tiêu diệt kẻ thù và mang lại hoà bình. Chỉ cần ở lại với nhau, yêu thương nhau, đem bình an và niềm vui vào gia đình. Và chúng ta có thể vượt qua mọi sự dữ trong thế gian”.

–––––––––––––––––––––––––––––

* Ghi chú:

Thông thường, người lãnh giải Nobel sẽ có hai bài diễn văn:

(1) bài thuyết trình (Lecture Nobel);

(2) diễn văn khi nhận giải (Acceptance Speech).

Bài viết này dựa trên cả hai bài của Mẹ Têrêxa Calcutta.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

——-

VÒNG TAY SONG NGUYỀN

Thông tin nối kết phục vụ các gia đình

Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình

E-mail: [email protected]

THIÊN SỨ CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

THIÊN SỨ CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

 TRẦM THIÊN THU

Chúa Nhật 4.9.2016, Giáo Hội Công Giáo hân hoan kính chào một vị Thánh mới: Mẹ Têrêsa Calcutta (thành phố Kolkata, Ấn Độ, 1910-1997).  Mẹ Têrêsa được mệnh danh là “Thiên Sứ của Thiên Chúa.”  Cả cuộc đời Mẹ đấu tranh cho giá trị nhân phẩm của những con người nghèo khổ nhất, đã nêu gương luân lý làm cầu nối các khoảng cách về văn hóa, giai cấp và tôn giáo.  Một con người có vóc dáng nhỏ bé nhưng lại có trái tim “cực đại” và đầy lòng nhân ái.  Bà nói: “Ngay cả những người giàu cũng khao khát tình yêu, muốn được quan tâm, muốn có ai đó thuộc về mình.”

Cha mẹ của bà là người Albani.  Bà sinh ngày 26.8.1910 tại Shkup (nay là Skopje), thuộc Cộng hòa Nam Tư (Macedonia), trước đó là Yugoslavia, với tên “cúng cơm” là Agnes Gonxha Bojaxhiu. Bà là con út trong 3 người con.

Lúc bà 7 tuổi, cha của bà bị giết, nên bà quan tâm chính trị.  Tuổi thiếu niên, bà là thành viên của nhóm bạn trẻ trong Giáo Xứ, gọi là nhóm Tương Tế Tôn Giáo (Sodality), dưới sự hướng dẫn của một linh mục Dòng Tên, bà cảm thấy quan tâm việc truyền giáo.  Lúc 17 tuổi, bà gia nhập Dòng Nữ tử Loreto ở Ireland, một dòng chuyên về giáo dục, rồi bà được gởi tới Bengal năm 1929 để vào Nhà Tập.  Bà chỉ lõm bõm tiếng Anh nhưng vẫn khấn lần đầu, với tên dòng là Têrêsa (chọn theo tên của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu).

Đến năm 1950, Nữ Tu Têrêsa lập Dòng Truyền Giáo Bác Ái (Dòng Thừa Sai Bá Ái,  Missionaries of Charity).  Bà nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1979 và nhận Giải Bharat Ratna ( भारत रत्न, nghĩa là “Viên Ngọc Ấn Độ”, giải thưởng cao nhất của Ấn Độ dành cho người dân) năm 1980.  Trước đó, năm 1962, bà đã được chính phủ Ấn trao giải Padma Shri.  Trong những thập niên kế tiếp bà được trao tặng các giải thưởng lớn như Giải Jawaharlal Nehru về Hiểu Biết Quốc Tế năm 1972.

Trong thời kỳ Ấn Độ bị người Anh đô hộ (British Raj), trường Loreto nhận rất ít người Ấn, đa số là người Hindu Bengal, con gái các gia đình có thế lực ở Calcutta, nhưng đa số giáo viên vẫn là các nữ tu gốc Ai-len.  Nữ tu Têrêsa không thuộc Dòng Nữ tử Loreto nữa nhưng thỉnh thoảng bà vẫn về thăm.  Bà dạy ở các trường nữ khác trong 3 năm trước khi (như bà nói) “theo Chúa đến với người nghèo khổ.” Theo các nữ sinh nói, sự gián đoạn đó không hoàn toàn thân thiện, ít là phần các Nữ Tu Dòng Loreto.

THANH TERESA

Hình ảnh Nữ Tu Têrêsa nhỏ bé, với tấm khăn choàng Sari (trang phục của phụ nữ Ấn) xõa xuống vai và lưng, bước đi trên đường đá đỏ, trông thật giản dị và khiêm nhường.  Bà luôn có một hoặc hai Nữ Tu choàng sari đi theo.  Bà là con người kỳ lạ của thế kỷ 20.  Có thể bà “khác người” vì chúng ta không thấy Nữ Tu nào choàng sari như vậy.  Nhưng đó là thói quen của Nữ Tu Têrêsa vùng Calcutta, bà “quên” mình là người Albani để hòa nhập và hoàn toàn nên giống các phụ nữ Ấn.

Chính phủ đã “ầm ĩ” chống truyền giáo nhưng chưa bao giờ làm khó các Nữ Tu truyền giáo.

Đầu thập niên 1950, các học sinh không có đạo ở Nhà Loreto đã nghi ngờ ý định của Mẹ Têrêsa trong việc giúp đỡ các trẻ em đường phố hoặc trẻ mồ côi.  Bà đang cứu vớt chúng để “dụ” đưa chúng vào đạo Công Giáo?  Cứ hai tuần một lần, Mẹ Têrêsa nói chuyện để vận động phụ nữ không phá thai và bảo vệ sự sống.

Dự định của Mẹ Têrêsa là chăm sóc những người bệnh ở thời kỳ cuối, những người đến Đền Kalighat để được chết gần “thánh địa.”  Mẹ Têrêsa không mong kéo dài sự sống cho họ, nhưng buồn về tình trạng nhơ uế và cô độc của họ trong thời gian cuối đời.  Mẹ Têrêsa quan ngại về tỷ lệ tử vong và ám ảnh về cách chết của họ, ngược với quan niệm của người Hindu về sự tái sinh và sự chết là được giải thoát khỏi maya.

Mẹ Têrêsa lập một trại phong (Leprosarium) ở ngoại ô Calcutta, trên khu đất do chính phủ cấp.  Bà là người lý tưởng hóa hơn là người lập dị.  Người phong cùi bị coi thường không chỉ ở Calcutta mà ở khắp Ấn Độ, đến vài xu lẻ cũng không ai muốn bố thí cho họ.  Ai cũng sợ bị lây nhiễm.  Từ đó, người ta cũng có ánh mắt không thiện cảm với Mẹ Têrêsa.

Từ năm 1970, Mẹ Têrêsa trở nên một nhân vật nổi tiếng thế giới với các hoạt động nhân đạo cứu giúp người nghèo và những người sống trong hoàn cảnh tuyệt vọng, một phần cũng nhờ cuốn sách và bộ phim tư liệu tựa đề “Something Beautiful for God” ( Điều Tốt Đẹp Dành Cho Chúa ) của Malcome Muggeridge.

Bà không chỉ là người loan báo Tin Mừng, mà còn là một “lương y” tận tình chăm sóc người phong cùi.  Cách dấn thân của bà đã thay đổi người dân Calcutta, chính các Nữ Tu Dòng Loreto cũng trở lại tìm bà.

Dân Calcutta rất quý mến Mẹ Têrêsa.  Các chị em học ở trường nữ Loreto hồi thập niên 1970 đều trở nên các bà vợ tốt, có địa vị trong xã hội và tình nguyện hoạt động xã hội theo ý định của Mẹ Têrêsa, nhất là vì trại phong.  Những năm sau, Mẹ Têrêsa rất tin tưởng những phụ nữ tốt nghiệp trường Loreto.

Số phận những người vận động luân lý dễ bị tổn thương vì các thay đổi của thói đạo đức giả hoặc tùy tiện của các chiến dịch.  Những kẻ gièm pha đã kết tội Mẹ Têrêsa là phóng đại cảnh nghèo khổ của dân Calcutta.  Mẹ Têrêsa luôn phải phải đấu tranh, dù vẫn bị người ta chỉ trích nhưng hoạt động của bà không suy giảm.  Thậm chí bà còn thành công và cảm hóa chính những người đã nghi ngờ hoặc những người ghen ghét bà.  Chính Mẹ Têrêsa đã thay đổi nhiều trái tim, đó là phép lạ thực sự vĩ đại.

Mẹ Têrêsa nói: “Ở Tây phương có sự cô đơn, điều mà tôi gọi là bệnh-phong-của-Tây-phương.  Bằng nhiều cách, nó còn tệ hơn người nghèo của chúng tôi tại Calcutta.  Tôi không bao giờ từ chối một đứa trẻ nào, không bao giờ, dù chỉ một.”

Năm 1950, cũng là năm Mẹ Têrêsa lập Dòng Truyền Giáo Bác Ái, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã phê chuẩn Dòng này.  Cuối thập niên 80, Mẹ Têrêsa cũng đã từng có những lần sang thăm Việt Nam, một số Giáo Xứ ở Sàigòn như Thanh Đa, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng, Mai Khôi Tú Xương… đã được vinh dự đón tiếp Mẹ hoặc đến hiệp dâng Thánh Lễ giữa cộng đoàn.

Vì tuổi cao sức yếu, Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5.9.1997, sau hơn nửa thế kỷ phục vụ những người cùng đinh trong xã hội trong Đức Ái của Chúa Giêsu.

Mẹ Têrêsa được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân Phước ngày 19.10.2003.

Mẹ Têrêsa là nhân chứng sống động của Lòng Chúa Thương Xót. Thật tuyệt vời và phấn khởi, nhưng cũng thực sự mắc cỡ, khi nhớ lại lời nhận xét của Mẹ: “Người nghèo KHÔNG CẦN chúng ta THƯƠNG HẠI, họ cần TÌNH YÊU và CẢM THÔNG.  Họ cho chúng ta nhiều hơn chúng ta cho họ.  Trong thời gian khó khăn của Ấn Độ, chúng tôi xin một số người tình nguyện từ khắp nơi đến giúp. Nhiều ngàn người đã đến, và khi họ ra về, họ có chung nhận xét là họ đã đem về nhiều hơn là đem cho.  Có một lần ờ Calcutta, chúng tôi nhặt được năm người đang hấp hối, trong đó có một người phụ nữ bệnh quá nặng.  Tôi muốn ngồi với chị trong giờ phút cuối cùng.  Tôi đặt tay tôi lên tay chị.  Chợt chị tỉnh ra, nhìn tôi, không than đói, không than khát, nhưng cười và nói lời cảm ơn trước khi nhắm mắt từ giã cuộc đời”.

Lạy Mẹ Têrêsa, xin ban cho chúng con trái tim nhân hậu như Mẹ để chúng con yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người bị ruồng bỏ, những người bị ngược đãi, … Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ giàu lòng thương xót của chúng con. Amen.

 TRẦM THIÊN THU

TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ CỦA CHÚA

 TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ CỦA CHÚA

Tác giả:  Dã Quỳ

Tin Mừng Chúa Nhật XXIII Thường Niên C. (Lc 14, 25-33)

Con đường Chúa Giêsu đang đi là đường tiến về Giêrusalem, nơi cuộc tử nạn thập giá đang chờ Người. Trên con đường ấy, có nhiều người đang đi cùng với Chúa. Đi cùng nhưng có lẽ họ đã chưa thực sự theo và là môn đệ của Chúa! Vì thế, Chúa đã chỉ cho họ biết những điều kiện để trở thành môn đệ. Với mỗi người Kitô hữu, qua Phép Rửa, chúng ta cũng được mời gọi trở thành môn đệ của Chúa. Vậy ta cùng dừng lại để nghe những lời Chúa nhắn nhủ với chính chúng ta hôm nay.

-“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con. anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.”- Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta một sự từ bỏ trọn vẹn để gắn bó với Người cách triệt để. Thoạt nghe những lời này, ta cảm thấy như khó chấp nhận và không để thực hiện. Thế nhưng, chúng ta biết rõ rằng Chúa muốn chúng ta yêu thương những người thân của ta. Tình yêu con cái, tình yêu vợ chồng, tình huynh đệ, tình bạn bè… trong sáng đều được Chúa chúc lành và thánh hóa. Nhưng ở đây, Chúa muốn tình yêu chúng ta yêu Thiên Chúa phải là tình yêu lớn nhất,  tình yêu vượt qua tất cả tình yêu khác và linh hoạt tất cả. Tình yêu dành cho Chúa là yêu hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Như trong Mười Giới Răn ta vẫn đọc “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.”

Chúa Giêsu khẳng định ai muốn theo Chúa và trở thành môn đệ  thì cần yêu mến Chúa hơn bất cứ ai khác, hơn cha mẹ, anh em, vợ chồng. Vì “Ai yêu cha, yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy.“(Mt 10,37) Khi yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trái tim chúng ta sẽ rộng mở và rồi ta có thể yêu cha mẹ, anh em với một tình yêu phổ quát, không điều kiện, không biên giới, vô vị lợi chứ không phải chỉ là một tình cảm cỏn con ích kỷ và hẹp hòi!

Vì thế, để theo Chúa Giêsu, chúng ta cần yêu mến Chúa trên hết mọi sự và chọn một mình Chúa là Chủ, là Chúa của đời ta. Thách đố cho chúng ta, nhất là những bạn trẻ Kitô hữu, chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao danh vọng, tiền tài… người ta đam mê những cầu thủ bóng đá, những minh tinh màn bạc hay ngôi sao ca nhạc…và xem họ là thần tượng đời mình! Vậy khi được hỏi: Bạn hâm mộ ai nhất? Yêu thích ai nhất? Mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy mạnh dạn và thực lòng trả lời : Đó là Chúa Giêsu- Thần tượng của tôi, Đấng tôi hâm mộ, yêu mến nhất. Xin Chúa Thánh Thần trợ giúp và đổ đầy tình yêu của Người vào lòng chúng ta, để dẫu cho cuộc sống đầy dẫy những cám dỗ, khó khăn ngăn cản, ta vẫn một lòng yêu mến Chúa Giêsu và có thể vác thập giá đời mình theo Người.

– “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”- Theo Chúa Giêsu, đòi ta trả một giá đắt; cần phải đầu tư không tiếc công sức và tâm trí; cần phải dấn thân trọn vẹn “Vác Thập giá mình“. Trong thời đại chúng ta, không còn thấy những cảnh vác thập giá trên đường, nhưng những thính giả của Chúa và những độc giả của thánh Luca thì đã chứng kiến tất cả cảnh những người bị kết án tử phải vác thập giá đến tận nơi người ta đóng đinh mình. Và Chúa Giêsu không quên điều đó vì Người đang trên đường lên Giêrusalem, ở đó, chính Người sẽ trao tặng cho chúng ta khung cảnh đau thương với thân xác tan nát vì roi đòn và thập giá trên vai vác đến tận nơi hành hình Người. Đó là con đường thập giá, con đường của dấn thân và tự hiến, con đường đánh bại tội lỗi, sự dữ và cái chết, con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh vinh hiển của Chúa.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, những người Kitô hữu “Vác thập giá mình đi theo Chúa” với lòng trung tín đến cùng trong mọi hoàn cảnh diễn ra trong cuộc sống đời thường. Những đau khổ, khó khăn của cuộc sống Kitô hữu không làm chúng ta ngạc nhiên nữa. Không còn những chịu đựng nhăn nhó, miễn cưỡng…nhưng là nhìn ngắm và đón nhận đau khổ như một sự hiệp thông với Chúa Giêsu, như được tham dự với công trình cứu độ và như một “Bước theo Chúa“. Khi chúng ta biết đón nhận những đau khổ, bệnh tật, yếu đuối của bản thân, vất vả lao động, lo toan cho gia đình, …..với lòng quảng đại và tin tưởng, ta sẽ được tràn đầy bình an, hy vọng, vượt thắng được những sợ hãi, những bất công và chia rẽ trong cuộc đời.

Vác thập giá mình theo Chúa là chúng ta đi trên con đường riêng của Chúa Giêsu, con đường mang đến cho nhân loại ơn cứu độ. Khi đối mặt với gian nguy, đau khổ, sự dữ… đáp trả duy nhất của Kitô hữu là hy sinh hiến thân, là trao ban cả cuộc sống riêng, là yêu thương phục vụ. Chúng ta đừng trốn tránh hay quên đi thập giá đời mình nhưng hãy can đảm vác và bước đi trong vui tươi, hạnh phúc. Ta chọn theo Chúa, đón nhận những đau đớn như thập giá trên vai nhưng ta không khổ sở, vì chính thập giá là trường đào luyện ta trở thành môn đệ của Chúa. Chính Chúa Giêsu đã bước đi trên con đường thập giá và ai biết từ bỏ tất cả để đi theo Người, sẽ được tiến vào sự sống vinh quang. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng đi trước và chúng ta theo sau Chúa.

– “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”- Từ bỏ là khởi đầu cho một chọn lựa. Chọn lựa ấy đòi chúng ta suy tính và phải bền chí như hai việc Chúa đưa ra là xây dựng và chiến đấu. Theo Chúa, cần có sự suy nghĩ chín chắn. Phải “Ngồi xuống” để tính xem ta cần làm gì, chuẩn bị gì và phải từ bỏ những gì. Chúa muốn chúng ta là suy nghĩ để biết từ bỏ những gì không phù hợp với lối sống của người theo Chúa, chứ không phải tính toán thiệt hơn theo kiểu thế gian. Như thánh Phêrô, nhiều lúc ta cũng so đo với Chúa “Thầy coi, …chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27) Nhưng ta tin chắc vào phần thưởng mà Chúa Cha nhân lành sẽ ban cho chúng ta là sự sống đời đời làm gia nghiệp và được là con cái của Thiên Chúa tình yêu. Ước gì ta có thể xác tín như thánh Phaolô “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu-Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.”( Pl 3,8)

Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta, chính Người đã thực hiện, đã sống và nêu gương cho ta. Chúa đã từ bỏ tất cả vinh quang và địa vị là Thiên Chúa để nhập thể, sống như con người. Chúa đã yêu thương nhân loại đến cùng, đã vác thập giá trong suốt hành trình làm người, đã xuống tận cùng nỗi khổ đau của con người và đã chết trên thập giá để cứu chúng ta. Tất cả chúng ta  được mời gọi cách cá nhân trở thành môn đệ của Chúa và bước đi theo Người. Điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa là “Yêu mến Người trên hết mọi sự, vác thập giá mình và từ bỏ hết những gì mình có“, không dễ thực hiện chút nào! Thế nhưng Chúa không đòi chúng ta thành công, mà Người chỉ mong ta cố gắng. Vậy chúng ta hãy đặt trọn niềm tin vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần để rồi từng ngày, chúng ta có thể trở thành những Kitô hữu trung thành và những môn đệ tốt lành của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từ bỏ tất cả để nhập thể, nhập thế; đã vác thánh giá, Tử Nạn và Phục Sinh để cứu độ chúng con. Xin nâng đỡ và giúp sức cho chúng con dám từ bỏ những danh lợi thú thế gian mà can đảm vác thập giá bước theo Chúa. Amen.

Dã Quỳ

LÀM MÔN ĐỆ CỦA CHÚA

LÀM MÔN ĐỆ CỦA CHÚA

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

MON DE CUA CHUA

 

 

 

 

 

 

 

 

Ai trong chúng ta cũng mong ước được làm môn đệ của Chúa.  Ai cũng muốn theo chân Chúa.  Nhưng ta có thực sự hiểu làm môn đệ Chúa là như thế nào không?  Hôm nay Chúa chỉ cho ta thấy rõ điều đó.

Làm môn đệ là một việc làm nghiêm túc.  Đây không phải là một cảm tính bồng bột nhất thời.  Nhưng là một việc lâu dài.  Chúa Giêsu ví việc làm môn đệ theo Chúa với việc “xây dựng một cây tháp” và việc “chiến đấu với kẻ thù.”  Xây dựng cây tháp là một việc làm lớn lao.  Chiến đấu với kẻ thù là việc làm nghiêm trọng.  Vì thế cần phải ngồi xuống suy tính cho cẩn trọng, chi li.  Cũng thế việc làm môn đệ của Chúa là một việc làm nghiêm túc, vừa lớn lao như sự nghiệp cả đời, vừa nghiêm trọng vì ảnh hưởng tới cả định mệnh.  Vì thế phải ngồi xuống suy tính cho kỹ lưỡng để có thể theo Chúa đến cùng.  Phải suy tính kỹ lưỡng vì làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng.

Làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng.  Môn đệ không phải là kẻ hiếu kỳ cưỡi ngựa xem hoa.  Môn đệ không phải là kẻ tài tử nay làm mai không.  Môn đệ là người đi theo thày suốt đời, sống như thày trong mọi sự.  Chính vì thế mà phải coi thày là thần tượng duy nhất.  Chính vì thế mà phải từ bỏ tất cả, không chỉ người thân mà từ bỏ cả chính bản thân với những ý nghĩ riêng tư.  Để không những đi theo thày, sống như thày mà con ăn nói như thày, suy nghĩ như thày nữa.  Kitô hữu là người mang Chúa Kitô trong mình.  Muốn có Chúa Kitô trong mình, ta phải loại bỏ tất cả những gì không phải Chúa ra khỏi mình.  Điều này chắc chắn không dễ dàng.  Nhưng ta an tâm, vì Chúa Giêsu không chỉ đòi hỏi ta.  Người đã đòi hỏi chính mình trước.  Chúa Giêsu không chỉ đòi ta vác thánh giá. Chính Người đã vác thánh giá trước.  Ta sẻ cảm thấy dễ dàng vì chỉ việc làm như Chúa Giêsu.

Làm môn đệ là làm như Chúa Giêsu.  Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi ta từ bỏ, chính Người đã từ bỏ trước.  Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp.  Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người.  Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người và tự nguyện chết thay loài người.  Khốc liệt nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha.  Cuộc chiến đấu khốc liệt đã thấy trong vườn Giêtsimani, khi nhìn thấy trước cái chết đau đớn tủi nhục sắp tới, Người run sợ muốn lẩn tránh bỏ cuộc, nên đã tha thiết cầu xin Chúa Cha:“Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén đắng này.”  Nhưng cuối cùng, Chúa đã từ bỏ ý riêng, vâng theo ý Cha, sẵn sàng ra đi chịu chết: “Nhưng đừng theo ý con, xin vâng ý Cha mà thôi.”

Nhờ hoàn toàn từ bỏ ý riêng, vác thánh giá đi đến cùng, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc của Chúa Cha trao phó, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.  Người môn đệ, khi hoàn toàn từ bỏ chính mình, sẽ nên một với Chúa Kitô, cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

From : langthangchieutim

5 phép lạ chứng tỏ có Thiên Chúa

5 phép lạ chứng tỏ có Thiên Chúa

Hằng ngày, phép lạ vẫn không ngừng xảy ra xung quanh chúng ta. Thế giới chúng ta đang sống đầy các phép lạ của Thiên Chúa. Nếu bạn suy nghĩ về công cuộc sáng tạo của Ngài, bạn sẽ vô cùng kinh ngạc.

  1. SỰ SỐNG HUYỀN NHIỆM

Mỗi ngày xảy ra hàng ngàn lần, đó là khi một “mầm sống con người” được tạo ra, và sau 9 tháng 10 ngày, mầm sống này là một con người ra đòi. Phép lạ sự sống không là một hoạt động bình thường, mà là một hoạt động chứa đầy chứng cớ về thiết kế của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thiết kế hoàn hảo của một con người theo điều kiện hợp lý tạo nên một trứng thụ tinh, bắt đầu hình thành một bộ nhiễm sắc thể và hệ gen riêng, không ai giống ai. Và như vậy, hơi thở đầu tiên của một thai nhi bắt đầu một linh hồn mới, một sự sống mới và một mục đích mới. Đó là một phép lạ thực sự kỳ diệu của Thiên Chúa.

  1. TRÁI ĐẤT KỲ LẠ

Kích cỡ của trái đất rất hoàn hảo, chính xác tới mức nếu bất cứ thứ gì hơi khác một chút thôi, nó có thể làm hư hại, thậm chí là làm cho trái đất không còn tồn tại. Rất chính xác, tầng nitrogen và oxygen rộng 50 dặm (khoảng 80,5 km) trên mặt trái đất, nếu nhỏ hơn thì sẽ không có tầng khí quyển. Rất chính xác, nếu mặt trời gần hơn thì trái đất sẽ bị thiêu rụi, nếu xa hơn thì trái đất sẽ lạnh cóng. Vị trí trái đất chỉ lệch đi một chút thì mặt trời sẽ làm cho trái đất không có bất cứ sự sống nào. Mặt trăng cũng giữ vai trò quan trọng đối với sự hiện hữu của chúng ta, vì nó chịu trách nhiệm về thủy triều và giử ổn định quá trình xoay của trái đất. Và hiện tượng trọng lực cũng vậy… Đó là điều mà khoa học không thể giải thích. Trái đất thực sự là điều bí ẩn, là phép lạ của Thiên Chúa.

  1. CHUỖI FIBONACCI

FIBONACCI.jpg

Chúng ta có thể nhân biết Thiên Chúa qua toán học và khoa học, cái mà người ta gọi là “Chuỗi Fibonacci” (Fibonacci Squence), thường được gọi là “Dấu Tay của Chúa” (God’s Fingerprint). Sự kỳ diệu toán học này chứng tỏ rằng có Tỷ Lệ Thức Thiên Chúa (Divine Proportion) biểu lộ trong thiên hình vạn trạng, những con số và những kiểu mẫu, ở các vật sống động và không sống động. Người ta phát hiện chuỗi số tạo nên một kiểu rất thú vị. Chuỗi này bắt đầu với các con số 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, và tiếp tục tới vô cực. Mỗi con số tìm được thêm vào hai chữ số khác. Một hình chữ nhật có chiều rộng và chiều dài của bất kỳ hai số của chuỗi này, tạo nên một “hình chữ nhật hoàn hảo”. Khi “hình chữ nhật hoàn hảo” này biến thành các hình vuông dựa vào Chuỗi Fibonacci và được phân chia bằng một cung, chúng ta sẽ thấy một hình xoắn ốc. Đó là sự quan trọng được tìm thấy. Chẳng hạn, hoa hướng dương, vỏ sò, sóng biển, nụ hoa, cánh hoa, quả dứa (trái thơm), sao biển,… đều được hình thành bằng thiết kế chính xác này. Mẫu điển hình của loại này được đặt ngay trên đầu chúng ta… ngay cả hình xoắn của Giải Ngân Hà cũng được định hình bằng chuỗi thiết kế chính xác này. Nó cho chúng ta biết rằng tác phẩm của Thiên Chúa có ở khắp nơi trong vũ trụ này. Đó là các phép lạ của Thiên Chúa.

  1. CƠ THỂ CON NGƯỜI

Chúng ta biết rằng cơ thể của chúng ta chứa 70% nước, nhưng đó chỉ là một trong nhiều yếu tố kỳ diệu về cơ thể con người. Thần kinh chuyển động nhanh tới 170 dặm/giờ (khoảng 273,6 km), bạn có bất ngờ không? Khứu giác của chúng ta còn ngửi thấy mùi với vận tốc nhanh hơn như thế. Nó chịu trách nhiệm điều chỉnh nhiệt độ không khí khi chúng ta hít thở, giữ cho cơ thể chúng ta có nhiệt độ hợp lý để có thể sống. Chúng ta thay đổi và phát triển các tế bào da cứ 27 ngày một lần – nghĩa là hơn 1.000 lớp da trong suốt đời người. Lạ chưa? Chúng ta là một bộ máy được điều chỉnh toàn phần tùy vào chức năng theo một trạng thái hài hòa hoàn hảo. Cơ thể con người là một kiệt tác kỳ diệu, một mê cung hoàn hảo, chỉ có bậc siêu quần “cõi trên” mới có thể phân chia tuyệt vời như vậy. Cơ thể chúng ta là phép lạ của Thiên Chúa.

  1. VŨ TRỤ BAO LA

Vũ trụ bao la có nhiều bí ẩn mà con người chẳng bao giờ tìm hiểu hết. Nó rất rộng, rộng tới vô cực, trong đó có thế giới mà chúng ta chỉ có mơ mà thôi. Có hàng tỷ tỷ ngôi sao trên bầu trời. Giải Ngân Hà này được tạo ra bởi Giải Ngân Hà khác. Bạn có tin rằng mặt trời lớn tới mức chứa được 1 triệu trái đất? Trong một mặt trời có nhiều thế giới khác. Thật là kỳ diệu! Nếu bạn tìm chứng cớ về sự hiện hữu của Thiên Chúa, không cần tìm đâu xa, cứ nhìn vào bầu trời ngay trên đầu bạn. Ai đã đi máy bay thì sẽ nhận ra Thiên Chúa.

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

NHẬN VÀ CHO

NHẬN VÀ CHO

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

Khi Đức Giêsu đón nhận năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài dâng lời cảm tạ rồi đưa cho các môn đệ của Ngài.  Ngài không trực tiếp đi phát phân bánh và cá cho năm ngàn người đàn ông, mấy ngàn người phụ nữ và các em nhỏ.  Thánh Matthêu thuật lại rằng Đức Giêsu đưa bánh và cá cho các môn đệ và dặn họ thay Ngài đi phân phát bánh và cá cho tất cả mọi người được ăn no nê (Mt 14:19b).

Mời anh chị em cùng tôi thử nhìn ngắm thánh Simon Phêrô đi phát bánh.  Phêrô nhận bánh tình thương và cá ân sủng nơi Đức Giêsu và đi phân phát.  Ngài thấy một cụ già lúc nào cũng chăm chú nghe Thầy mình giảng dạy, chắc cụ là người thèm khát Lời Chúa và là người tốt: “Cụ ăn cho no nghe, cụ cứ dùng thoải mái.”  Ngài vui vẻ đi phân phát và thích thú trong công việc này.  Phêrô gặp một anh chàng đi theo thầy trò mình để xem phép lạ.  Ngài không ưa hắn lắm nhưng cũng đưa bánh và cá cho hắn cho xong việc.  Nhưng anh chàng này lại tham lam đòi nhiều bánh mới chịu, Ngài phải cự thì hắn mới thôi.  Ngài đang chuẩn bị trao bánh cho một người khác thì phát giác tên này là đầy tớ của ông Thượng tế, “Tao dứt khoát không phát cho mày,” Phêrô nghĩ bụng, “Đừng hòng mà mày có một miếng, cho mày chừa để lần sau đừng đi theo bọn tao để lấy tin tức về báo cáo.”  Phêrô thầm nghĩ như vậy và chẳng muốn phát, nhưng Ngài chợt nhớ lời dặn của Thầy mình: “Anh chị em nhớ phân phát cho mọi người ăn no nê nghe.”  Nhớ lời Thầy và cuối cùng Phêrô đã phát.  Một lần nữa Phêrô gặp một ông Pharisêu, Ngài thầm nghĩ tên này thì không cách nào mà phát được, thầy mình nói câu gì thì nó cũng xuyên tạc, nó nói chặn họng, nó là một tên phá rối.  Thầy mình cự với nó không biết bao nhiêu lần, nó là kẻ thù không đội trời chung của mình, thầy mình chưởi nó là đồ cái thứ mồ mả tô vôi thế mà nó cứ chai mặt đi theo để nói xiên nói xẹo, chắc chắn không bao giờ mình phát bánh và cá cho nó.  Nhưng khi Phêrô quay lại bắt gặp ánh mắt đầy tình thương của Thầy và nhớ lại lời dặn dò kỹ lưỡng của Thầy khi trao bánh và cá cho mình: “ Phêrô ơi, anh nhớ phát cho tất cả mọi người, đừng chừa một ai, và hãy cho họ được ăn no nê.”  Phêrô dù không muốn phát bánh tình thương và cá ân sủng cho những người Ngài không ưa, nhưng rồi cũng đã ban phát như ý Thầy mình mong muốn.

********************************

Chúng ta thử hình dung một môn đệ theo Chúa Giêsu, giả sử tên G. chẳng hạn, cũng nhận bánh và cá từ tay thầy.  Nhìn mẩu bánh và cá trên tay, y nghĩ rằng chừng nấy người thì biết phát cho ai, họa may chỉ đủ cho mình dùng, và y cất bánh và cá vào túi.  Vì chỉ nhận và cất đi, nên phép lạ không thể xảy ra.  Phép lạ xảy ra khi người môn đệ đón nhận và biết phân phát, cho đi.  Như biển hồ Galilê và biển chết chẳng hạn, biển hồ Galilê nhận nước từ các đồi núi đổ xuống và nó phân phát nước qua sông Giođan đến biển chết, vì biển hồ Galilê nhận và chuyển nước nên lúc nào cũng có nước mới, và cá mới sống được.  Còn biển chết vì nó chỉ nhận nước từ sông Giođan và giữ lại đó nên trở thành nước ao tù và không tạo vật nào có thể sinh tồn.

Theo trình thuật của Thánh Matthêu, khi các môn đệ nhận bánh và cá từ tay Đức Giêsu để đi phân phát, họ chỉ đón nhận bằng hai tay của mình chứ không dùng thúng để hứng.  Nhưng khi đang phân phát thì họ mới sững sờ chứng kiến phép lạ xảy ra, họ phát hoài mà không hết và các môn đệ ngỡ ngàng!  Phép lạ chỉ xảy ra khi các môn đệ nghe theo lời dặn và hợp tác với thầy để đi phân phát bánh và cá.  Đức Giêsu không nói với họ nhận bánh cá để ăn, nhưng là để phân phát.  Nếu họ chỉ giữ lại để ăn thì phép lạ không thể xảy ra.  Họ đã vâng nghe làm theo Lời Thầy và được cảm nghiệm tình yêu, ân sủng, phép lạ và quyền năng của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, đâu là những chiếc Bánh Ân Sủng và Cá Tình Thương mà Thiên Chúa đã đưa cho bạn và tôi với lời dặn: “Con nhớ đi phân phát cho tất cả người tốt lẫn kẻ xấu được ăn no nê?”  Cái gì cản trở bạn và tôi ban phát Bánh Tình Yêu và Cá Ân Sủng như lòng Chúa mong ước?  Đâu là những cảm nghiệm niềm vui thiêng liêng khi bạn và tôi gạt bỏ ý riêng của mình để làm theo Thánh Ý Chúa?

****************************

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận Tình Yêu và Ân Sủng của Chúa ban nhưng không và biết lên đường phân phát cho tất cả mọi người, kẻ tốt lẫn người xấu, cho người con thương con mến, cũng như cho người con ghét, con không ưa, như Chúa đã dặn dò khi Chúa trao Bánh Tình Yêu và Cá Ân Sủng cho con.  Con đã đón nhận tình thương và ân sủng Chúa một cách nhưng không, xin Chúa cũng cho con ơn can đảm để quảng đại cho đi không mà tính toán.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.