Chúa Giêsu Ði Xem Bóng Ðá

Chúa Giêsu Ði Xem Bóng Ðá

 Một linh mục Ấn Ðộ chuyên về huấn luyện tu đức là cha Anthony de Mello đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau: Chúa Giêsu than phiền là Ngài chưa được một lần tham dự một trận túc cầu. Chúng tôi bèn đưa Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin Lành và một đội Công Giáo. Ðội Công Giáo làm bàn trước một không. Chúa Giêsu vỗ tay hoan hô và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, đội Tin Lành lại làm bàn. Lần này Chúa Giêsu cũng vỗ tay reo hò và tung mũ lên trời.

 Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu. Oâng ta lấy tay đập lên vai Ngài rồi hỏi: “Ê ông bạn, ông bạn ủng hộ bên nào vậy?”. Xem chừng như vẫn còn bị khích động bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời: “Tôi hả? Tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu thôi”. Người khán giả khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, nay lại càng bực bội hơn. Oâng quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: “Hắn là một tên vô thần”.

 Trên đường trở về nhà, chúng tôi chất vấn Chúa Giêsu về tình hình tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi nói với Ngài: “Thưa Chúa, những con người có tôn giáo thật là buồn cười. Họ tưởng rằng Chúa Giêsu chỉ đứng riêng về phía họ và nghịch lại với những người thuộc tôn giáo khác”.

 Chúa Giêsu gật đầu tỏ vẻ ưng ý. Ngài nói: “Ðó là lý do tại sao ta không ủng hộ tôn giáo mà chỉ ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người trọng hơn ngày Sabbat. Chúng con nên biết là chính những người có tôn giáo đã treo Ta lên thập giá”.

 Câu chuyện tưởng tượng trên đây cho chúng ta thấy rằng một trong những vết thương lớn nhất của nhân loại trải qua mọi thời đại: đó là thái độ bất khoan dung đưa đến những cuộc chiến tranh tôn giáo. Con người ai cũng bị cám dỗ nhân danh Thượng Ðế, thần minh và hệ tư tưởng của mình để triệt hạ, để loại trừ, để bách hại người khác. Kỳ thực, có tôn giáo nào mà không dạy sự khoan dung, lòng nhân từ đối với mọi người?

 Chúa Giêsu đến để mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Ngài là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành cũng như kẻ dữ. Ngài yêu thương những kẻ nhận biết và yêu mến Ngài cũng như những kẻ chối bỏ và thù ghét Ngài. Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau như anh em cùng một gia đình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta là Ðấng mà người ta cũng sẽ chối bỏ nếu người ta khước từ chính anh em đồng loại của mình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải là Ðấng mà người ta cũng sẽ xúc phạm nếu xúc phạm đến con người.

 Trích sách Lẽ Sống

Gió lùa ánh sáng vô trong bãi

 Suy Tư Tin Mừng ngày  22/01/2017

 Tin Mừng: (Mt 4: 12-23)

Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Ngài bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

 

Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. 

Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. 

Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

*   *    *     *

 “Gió lùa ánh sáng vô trong bãi”

Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai

Buồm trắng phất phơ như cuống lá

Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.

(dẫn nhập thơ Hàn Mặc Tử)

 Mai Tá lược dịch

Ánh sáng, nhà thơ hôm nay ghi nhận, không là hào quang sáng chói, “lùa trong bãi”. Nhưng, là ảnh hình Chúa Kitô sáng mãi với thế gian. Ảnh hình Ngài tỏa sáng như ban ngày. Sáng từ thời Cựu Ước mãi đến hôm nay. Nơi trình thuật sáng chói, ngày Chúa gọi.

Trình thuật sáng chói hôm nay, đề cập nhiều đến ánh sáng Vương Quốc Nước Trời, đem đến những canh cải đổi thay,  những đáp ứng lời mời của Thầy Chí Thánh, đang toả sáng.

Bước đầu đường đời Ngài rao giảng, Đức Giê-su cũng đã mời và đã gọi. Ngài mời gọi đám dân đen thuyền chài nhỏ bé, rất tầm thường, đưa các vị ấy vào chốn toả sáng “lùa trong bãi”, làm đồ đệ. Khởi đầu công cuộc rao giảng, Đức Giêsu đã xuất hành từ thị trấn Na-da-rét. Tiếp theo đó, Ngài đi CaphaNaUm, một thị trấn bé nhỏ bên bờ Galilê nơi vùng biển mang tên “ZêBuLun” và “NápTaLi”. Đi như thế, Ngài đã ứng nghiệm lời tiên tri Isaya, nơi Cựu Ước, có lời rằng: “Hãy canh cải, vì Vương Quốc Nước Trời đã gần kề”. 

Nước Trời đã gần  kề nói ở đây, không là Thiên đường sống ở trên cao, nơi ta đạt đến sau khi chết. Nhưng chính là cộng đoàn tiên khởi, gồm con dân nhà Đạo gốc Do Thái giáo nay đà hoán cải. Thoạt tiên, người Do thái rất ngại ngần, vì không quen sử dụng trực tiếp danh tánh của Chúa, mỗi khi trao đổi hoặc nguyện cầu. Vì thế, sử gia Mat-thêu mới phải viết tả về Đức Chúa, bằng lối gián tiếp như “thiên đường”, hoặc bằng thể thụ động nơi động từ, vẫn nghe quen.

Với nhà Đạo, cụm từ Vương Quốc xuất từ ngôn ngữ cổ của Hy Lạp bằng từ “basileia”. Basileia trước nhất có nghĩa: vương quyền, quy luật và triều đại. Cũng từ đó, khi nói Vương Quốc Nước Trời đã gần kề, không có nghĩa bảo rằng: ta đã gần đạt chốn đền đài cung điện đầy nguy nga. Dù ở đời này hay đời sau. Thành thử, lời khuyên Hãy canh cải là có ý bảo: hãy đặt mình dưới sức mạnh/quyền uy của Đức Chúa. Hãy sống vì Vương Quốc Nước Trời. Vì Vương Quyền của Đức Chúa.

Đặt mình sống vì Vương Quyền của Chúa, là đặt mình trong tương quan đầy thương mến với Trời. Và với Chúa của ta. Đặt mình trong tương quan, là sống trong môi trường nơi đó có các giá trị đáng để ta trân trọng thực hiện như: tình yêu, lòng thương xót, sự công chính, tự do, sống với cộng đồng, sống trong an bình… Nhất nhất đều là những điều, ta vẫn cần thắng lướt trong cuộc sống.

Đặt mình trong tương quan với Chúa – với người nơi Vương Quốc Nước Trời, còn là biết canh cải, đổi thay, đáp ứng lời mời của Đức Chúa. Nói đến canh cải – đổi thay, người người thường chỉ nghĩ là: ta phải ưu tư áy náy về những lỗi phạm, mình đã mắc phải. Nhưng, mời gọi của Đức Giê-su còn đi xa hơn thế nữa. Ngài không muốn ta xóa sạch mọi tàn tích của lỗi phạm trong quá khứ. Bởi lẽ điều ấy, chẳng thể nào làm được. Canh cải đổi thay là chuyển hướng hành động từ ngày hôm nay, đến lai thời.

Canh cải đổi thay, cụm từ bắt nguồn từ metanoia tiếng Hy Lạp. Cụm từ trên, bao gồm một thay đổi từ gốc rễ mọi suy tư nghĩ ngợi. Quyết hướng nhìn về cuộc sống theo đường lối mới. Đường lối được Tân Ước bộc lộ trong trọn bộ Thánh Kinh. Chỉ khi nào có quyết tâm canh cải đổi thay tận gốc rễ như thế, ta mới trở nên thành viên của Vương Quốc Nước Trời. Mới đặt mình dưới sức mạnh chuyển đổi nhờ uy lực của Đức Chúa.

Hơn nữa, lời mời gọi của Đức Giê-su là yêu cầu ta không chỉ sám hối về những gì mình lỗi phạm trong quá khứ, quyết không lập lại. Nhưng là đổi thay trọn vẹn lối hành xử, để tháp nhập công việc Chúa muốn ta làm. Công việc ấy, là hợp tác cùng mọi người nhất định chấm dứt cơn túng cực bần hàn, của người dân đen trên thế giới. Là, chấm dứt nạn đói nghèo, thất nghiệp. Là, vứt bỏ tính hờn – ghen nơi cộng đồng nhà Đạo và dứt đoạn lòng “tham – sân – si” quá mức độ. Chấm dứt lòng ham mua sắm quá khả năng.

Lời mời gọi của Chúa, là cốt để cho dân con nhà Đạo biết tháp nhập vào với Vương Quốc Nước Trời ở đây, bây giờ. Lời Ngài mời gọi, được gửi đến không chỉ với dân con nhà Đạo, nhưng cả muôn dân nước, khắp nơi trên địa cầu. Vương Quốc Ngài lập, cần vượt trên không gian – thời gian, vượt biên giới của nhà Đạo. Nước Ngài mời gọi, cần thể hiện bằng nhiều cách ở nhiều nơi, cả những nơi, Đạo Chúa chưa hội nhập được. Bởi, trên thực tế, có đến 80% dân số thế giới chưa biết đến Tin Mừng của Đức Chúa. Chưa biết Lời Ngài, vì Lời Mời Gọi ấy chưa phổ biến khắp dương gian. Thế nên, ta cần chuyển tải và coi Lời Ngài như mục tiêu đời sống, của mọi người chúng ta.

Người nhận rao giảng Nước Trời, vào buổi đầu đời, chẳng phải là những kinh sư, lẫn Pharisêu, Biệt Phái. Mà là, giới thuyền nhân chài lưới, rất bình dân. Những người cả năm không cần sách bút, lẫn kinh kệ. Nhưng lại hiểu Lời, hơn ai hết. Và, có điều hi hữu nữa là: lời mời gọi Chúa gửi đến được chuyển tải ngay vào lúc các ngài làm công việc chài lưới. Chính vì thế, Chúa vẫn xác nhận: Thầy chọn các con, chứ không phải các con chọn Thầy.”

Với các môn đệ, metainoia (canh cải) còn có nghĩa trọn vẹn thay đổi lối sống trở về trước. Là, làm như các môn đệ gốc thuyền chài: dứt khoát bỏ thuyền, bỏ lưới bỏ cả giòng sông, quyết theo Thầy. Quyết theo Thầy, nên các ngài hoàn toàn tin tưởng nơi Thầy. Tin, đến độ bỏ lại đằng sau mọi phương tiện sống, kế sinh nhai.

Bỏ mặc mà đi, dù không rõ thuyền về bến nao, đi nơi nào. Cũng tựa như Thầy đã dứt khoát bỏ rời thôn làng Nadarét bỏ mẹ cha, bỏ cả cuộc sống tay nghề thợ mộc chân phương cần cù, vào mọi lúc. Bỏ là như thế. Nhập vào với Đạo là như vậy. Bởi từ nay, mối lo âu không biết mình lấy gì mà sống, cho bằng sự lo lắng quan tâm đến anh chị em đồng loại của mình, sống sao đây.

Xem như thế, đáp ứng lời mời của Đức Chúa trong canh cải, là khởi sự sống đời rất mới. Một đời có những hỗ tương đùm bọc hết mọi người. Mọi người, nơi cộng đồng nhân loại, đang ngóng chờ. Bởi, cộng đồng này giờ đây đã trở thành gia đình thân thương, rộng hơn. Lớn hơn. Yêu thương nhau hơn.

Về yêu thương người cùng cộng đồng, thánh Phao-lô cũng đã căn dặn cộng đoàn dân Chúa ở Cô-rin-thô, bằng những lời đanh thép nhưng thật tình: “Tôi khẩn khoản kêu mời anh em, nhân danh Đức Kitô, hãy thuận thảo với nhau để không có sự chia rẽ nơi anh em và anh em sẽ hoàn toàn hiệp nhất trong tư tưởng và thần trí”(1Cr 1:10).

Lời mời gọi canh cải và biến đổi hôm nay, không phải để Đức Chúa thích nghi với lối sống ta đã lựa chọn, nhưng để ta trở nên xứng hợp với thị kiến của Ngài về sự sống. Làm như thế, không phải là ta đang thực hiện một hy sinh, đổi chác. Nhưng ngược lại, để bảo rằng ta đang trên đường ngay nẻo chính. Con đường dẫn ta đến thành tựu, Chúa bảo ban.

Trong hân hoan thực hiện cuộc canh cải, ta hiên ngang cất cao lời ca yêu từng hát thuở nào:

“Yêu là tình dâng cao

Gió lao xao ngả hàng phi lao

Phút ái ân đắm say tâm hồn

Nhớ mãi đêm nào bên nhau.

Yêu là thêm thương đau

Với xót xa lệ tình khôn lau

Biết nói sao những khi âu sầu

Những khi úa nhầu tâm tư.” (Văn Phụng – Yêu)

Vâng. Trong cộng đoàn Nước Trời ở trần gian, sống yêu cũng có những lúc là thêm thương đau. Là, lệ tình khôn lau. Nhưng, hãy cứ yêu như Đức Chúa bảo ta yêu. Yêu rất nhiều. Yêu ngay bây giờ. Và mãi mãi vẫn cứ yêu. Như “gió lùa ánh sáng vô trong bãi”. Yêu, “với lòng bát ngát rộng bằng hai”.

 Frank Doyle sj biên-soạn

Mai Tá lược dịch

ĐỪNG NGỦ MÊ TRONG TỘI

ĐỪNG NGỦ MÊ TRONG TỘI

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

 Sam Hoi

Tiếng bà vợ dịu ngọt nói chồng: Anh ơi đi xưng tội đi.  Lâu rồi không thấy anh xưng tội.

Anh chồng đáp: Xưng xong có chừa được đâu mà xưng.

Cô vợ: Thế thì hôm nay anh đừng ăn nhé

Anh chồng: Không ăn mà chết đói à!

Cô vợ: Vì ăn xong rồi cũng đói, thế thì ăn làm gì cho mệt.

Anh chồng!

 Con người thường ít muốn thay đổi.  Cho dù cuộc sống của họ đang chìm ngập trong tội lỗi.  Họ vẫn ngại đến với tòa giải tội.  Họ sợ phải đối diện với sự thật.  Vì sự thật sẽ phơi bầy toàn bộ hành vi bất chính, tội lỗi của họ.  Họ sống chai lỳ trong điều gian ác mà vẫn không áy náy lương tâm.  Chính vì lối sống mất ý thức về tội, lại không dám đối diện với sự thật, khiến họ lao mình vào cuộc sống với những đam mê hưởng thụ bất chấp luân thường đạo lý, hay lao vào tìm kiếm danh lợi thú, bất chấp thủ đoạn tàn bạo.  Điều này đã làm cho xã hội tội lỗi tràn lan đến mức độ chưa bao giờ tội phạm nhiều như ngày nay.

 Ngày 03.01.2014 một phiên tòa lưu động có số bị cáo đông nhất Việt Nam từ trước đến nay đã diễn ra tại sân trại giam của công an tỉnh Quảng Ninh tổng cộng đến 89 bị cáo dính đến 4 đường dây mua-bán, vận chuyển trên 4,400 bánh heroin, phiên tòa dự tính kéo dài ba tuần lễ.

 Theo báo Tiền Phong, phiên tòa nói trên cũng quy tụ số luật sư biện hộ đông nhất từ trước đến nay: 41 người.  An ninh phiên tòa lưu động được xiết chặt, vì người ta dự đoán có thể tới 66 bản án tử hình sẽ được tuyên án.

Án tử hình rất nhiều nhưng xem ra con người không ý thức về tội, không có lòng sám hối nên tội phạm vẫn gia tăng.  Ngay cả các tội nhân tại tòa cũng thường ít nói lời xin lỗi vì mình đã gây nên những đau khổ cho xã hội bởi hành vi bất chính của mình.  Thậm chí cả người nhà tội nhân còn bênh vực cho hành vi tội lỗi của con cái mình.

Mới đây trong một phiên tòa khi tòa tuyên án kẻ cầm đầu bọn cướp chuyên nghề chặt tay cướp xe thì tiếng la hét đanh đảnh của một người mẹ đã hét lên không chấp nhận sự thật ấy.  Bà quát to rằng: “Con tôi không giết người sao lại tử hình con tôi?”  Bà còn quay lại chỗ những người bị hại mà con bà chặt tay để cướp của nói rằng: “Biết con tao tử hình thì tao đã cho người giết chết chúng mày!”  Xen lẫn tiếng bà là tiếng người chị gái bảo rằng: “Ai bảo chúng này đi xe đẹp đeo nhẫn vàng làm gì?”

Hóa ra đi xe đẹp, đeo nhẫn vàng cũng có tội?  Có phải tình yêu thì chẳng cần quan tâm đến đạo đức.  Người ta nhân danh tình yêu để hại người, để vào hùa và bênh đỡ nhau như gia đình bị can “chặt tay cướp xe SH” chăng?

Là người đều có những lầm lỗi hay có những lần vấp ngã, điều quan yếu là biết nhận lỗi và đứng lên làm lại cuộc đời.  Không nhận ra sai lỗi.  Không cảm nhận sự vấp ngã.  Con người cũng mất ý thức về tội.  Con người càng mất lòng sám hối ăn năn.  Thực ra, nhân vô thập toàn.  Con người cần biết giới hạn của mình để sám hối từng ngày, để canh tân từng phút.  Có sám hối, có canh tân con người mới thăng tiến từ tinh thần đến vật chất.

Lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu không kêu gọi chống bất công hay đòi quyền lợi mà là kêu gọi sám hối canh tân.  Chúa kêu gọi con người phải sám hối vì cội rễ của bất công, của sa đọa, tội lỗi là con người mất ý thức về giá trị cuộc sống.  Con người không tuân theo luân thường đạo lý thì làm sao có một xã hội văn minh tình thương.  Con người cần phải sám hối để nhận ra những lỗi lầm của mình đã gây nên thiệt hại tinh thần lẫn vật chất cho tha nhân.  Chính hành vi tội lỗi mình đã làm cho sự dữ lan tran, xã hội loạn lạc lầm than.

Nhưng đáng tiếc nhân loại ngày hôm nay không ý thức việc mình làm đã gây nên đau khổ cho tha nhân.  Con người vẫn nhân danh tự do cá nhân để hành xử thiếu văn hóa, thiếu trách nhiệm với tha nhân.  Con người vẫn nhân danh hạnh phúc cá nhân để loại trừ hạnh phúc của tập thể, của xã hội.  Nếu ai cũng biết sống mình vì mọi người thì sẽ không có những vụ tham nhũng lớn như Dương Chí Dũng, Bầu Kiên hay Huyền Như…  Tất cả vì lợi ích cá nhân mà gây nên biết bao hậu quả tai hại cho xã hội và đất nước.

Ước gì là người Kitô hữu chúng ta hãy biết xét mình hằng ngày, hãy ăn năn từng giờ để đừng ngủ mê trong tội lỗi, nhưng biết thay đổi đời sống cho phù hợi với tin mừng.  Xin đừng vì quyền lợi cá nhân mà gây thiệt hại cho xã hội.  Xin đừng đề cao tự do cá nhân để làm mất trật tự cho xã hội và cộng đồng.  Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của bản thân để nhờ ơn Chúa mà canh tân đời sống mỗi ngày một tốt hơn.  Amen!

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

Thế gian biến đổi, vũng nên đồi

Suy Tư Tin Mừng ngày 15/01/2017

Tin Mừng: (Ga 1:29-34)

 Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

 Tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ ra cho dân Israel, tôi đến làm phép rửa trong nước.” Ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

** ********************************

 “Thế gian biến đổi, vũng nên đồi”

Cám ơn đệ tử theo sư phụ

Đã dạy cho thầy môn khổ đau

Hôm nay sinh nhật, không thắp nến

Nhưng thắp trong hồn, hai mắt sao.

(dẫn nhập bằng thơ của Quan Dương)

Sư phụ cám ơn đệ tử, là chuyện ít thấy. Hiếm khi thấy chuyện thày trò dạy cho nhau môn khổ đau, vào ngày sinh không thắp nến. Và, hiếm hơn nữa, là cả thầy lẫn trò đều có quyết tâm biến đổi thế gian, vũng nên đồi. Vũng – đồi đã cải biến vào chuỗi ngày đầu đời Thầy rao giảng, rất Nước Trời.

Bài đọc hôm nay, nhấn mạnh về hai sự kiện trong đời của Đức Chúa: phong cách của Ngài và sứ vụ giảng rao Nước Trời, Cha trao Ngài. Là đệ tử dấn thân bước theo Thầy, môn đồ Chúa biết rõ Thầy là Ai. Ai sai Thầy đi? Thầy đi để làm gì? Theo định nghĩa, đệ tử là người cất bước theo chân Thầy. Len lỏi mọi ngõ ngách cuộc đời, để rồi cùng Thầy thực hiện ý định mà Cha bày tỏ. Ý định của Cha, là những gì được nói đến nơi trình thuật, rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh sử ghi lại sự việc diễn ra tại sông Gio-đan, khi đấng thánh Tiền Hô chỉ vào Đức Giê-su, và nói: “Đây là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc trần gian”. Từ lúc ấy, danh xưng “Chiên Thiên Chúa” được loan truyền khắp mọi nơi. Nhưng, sao cứ lại gọi Thầy là “Chiên Thiên Chúa”?

Ngược giòng lịch sử, vào thời Cựu Ước, Gia-vê hối thúc vua quan xứ Ai Cập hãy để con dân Do Thái ra khỏi đất nước tạm dung, mà về nhà mình. Nếu không, mọi con trẻ ở đất Ai Cập sẽ phải chịu nhiều hậu quả như: dịch bệnh, chết chóc, khó khăn. Trong khi đó, con dân Do thái lại được bảo: muốn thoát chết hoặc lành lặn, hãy bôi máu chiên lên cửa, sẽ được Yavê giải phóng, cứu vớt. Và cứ thế, máu của Chiên Con Thiên Chúa, mang ý nghĩa giải thoát cứu độ, từ dạo ấy.

Với con dân nhà Đạo, Đức Giê-su Kitô, Đấng đã giải phóng cứu độ mọi người khỏi ách xích xiềng của ác thần/sự dữ cũng như lỗi phạm. Ngài mang tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” mà thánh Gio-an Tẩy Giả, từng tuyên dương, Với tước hiệu này, Ngài chấp nhận mọi hy sinh đau khổ để cứu con người. Đưa con người về với Cha.

Ngang qua cái chết và sự hy sinh đau khổ, ơn cứu độ được ghi dấu bằng máu Chiên Con Thiên Chúa, vào cả thời xưa, lẫn hôm nay. Nhờ máu đào nơi đau khổ và cái chết của Đức Giê-su, con dân nhà Đạo chúng ta được ơn giải thoát khỏi cảnh trầm luân, nơi kiếp người.

Ơn cứu độ từ Đức Chúa, là ơn giải thoát con người trên trần thế vì tình yêu. Do tình yêu. Như Ngài minh định vào buổi tạ từ, chiều hôm ấy. Và, trong yêu thương cứu độ, Ngài đã thực hiện ý định của Cha, suốt đời Ngài. Thực hiện ý định bằng chính sự sống của Ngài. Ngài hy sinh, không chỉ để cứu thoát các đệ tử, tôi tớ hay người nhà Đạo, thôi. Mà, tất cả mọi người. Hơn thế, Ngài đặt tất cả mọi người trong quan hệ với bạn bè người thân, chứ không chỉ giữa thầy với đầy tớ. Ngài từng xác định điều này: “Thầy gọi anh em là bạn chứ không phải đầy tớ.”

Cùng một ý tương tự, thánh Gioan Tông Đồ nói về người Thầy rất Nhân Hiền bằng các danh xưng rất khác, như: Ngôi Lời, Con của Cha, Chiên Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, Đức Kitô Đấng Thiên Sai. Giê-su thành Nadarét, Con của Ông Giuse, Vua dân Do Thái, Con của Người, vv… Đó cũng là ý nghĩa của tước hiệu được Hội thánh nhắc lại trong các bài đọc hôm nay.

Bài đọc thứ nhất, Hội thánh nói về Đức Giê-su như người đầy tớ: “Israel, ngươi là đầy tớ của ta.” Và, về Đức Kitô, như “Đấng tạo nên tôi nơi cung lòng của đầy tớ Ngài.”  Và, việc của người đầy tớ là “Đưa Gia-cóp trở về với Ngài..”

Ngoài ra, còn một danh xưng khác Chúa bày tỏ cho thấy: Ngài là Ánh sáng thế gian. Tỏ bày điều này, Ngài muốn hết mọi người nhận biết và có kinh nghiệm về ơn cứu độ, Ngài thực hiện. Là con dân Đức Chúa, mỗi người và mọi người đều đã và sẽ có kinh nghiệm riêng về sự thật, tình thương và tự do mình nhận lĩnh, qua Phúc Âm. Nhờ Phúc Âm, ta biết được Đức Giê-su thực hiện sứ mạng cứu độ trong suốt cuộc đời rao giảng của Ngài. Sứ mạng ấy, là đem dân con thế giới về với Chúa, Đấng là Đầu và Cuối Hết mọi sự.

Sứ mạng của Đức Chúa, cũng là sứ mạng của mọi người. Không thể tự nhận mình là đồ đệ của Chúa được, nếu không đích thực nghe biết Lời Ngài. Là đệ tử ngoan hiền, ta đương nhiên trở thành người rao truyền Lời Ngài, cho đúng cách. Làm như thế, ta nhận lãnh trọng trách không chỉ mong riêng hồn mình được cứu rỗi. Hoặc, chỉ riêng mình ta là đạt Vương Quốc Nước Trời, thôi. Nhưng, là san sẻ niềm tin – yêu với người khác.  Làm đệ tử theo chân Thầy, là giúp mọi người nhận ra dung mạo Đức Kitô, nơi người khác.

Nhận và biết Lời Hằng Sống Ngài ban, là am hiểu và sống đích thực tình yêu của Chúa, nơi đời thường. Là, sống ở bất cứ nơi nào, ta vẫn thực hiện niềm tin – yêu Chúa dạy, cho bất cứ ai. Dù là người dưng khác họ, người hàng xóm, xứ đạo, hoặc ở nơi công sở, nhất nhất chứng tỏ mình là đệ tử chân truyền quyết bước theo chân Thầy, không ngơi nghỉ.

Cử hành tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong được hợp tác dựng xây Nước Trời, ở mọi nơi. Cầu và mong sao, bất cứ nơi nào ta đặt chân đến, đều sẽ ghi hằn dấu ấn tình yêu thương hài hòa, của Đức Chúa. Ghi cả, niềm tin – yêu đặc thù của người đồ đệ. Của đệ tử chân truyền luôn dấn thân, tiến bước. Những đệ tử và đồ đệ cương quyết giảng rao Tin Mừng giải thoát, cứu độ. Rao giảng, không chỉ bằng lời. Nhưng, bằng chính cuộc sống cụ thể, ở giữa đời.

Trong quyết tâm rao giảng như thế, ta hân hoan cùng người nghệ sĩ khi xưa hát rằng:

“Khúc ca chơi vơi

Khắp nơi… khắp nơi

Người ơi!

Anh em ta đi muôn phương xa, non xanh bao la

Ta vui câu ca, những đêm xa nhà cùng ngồi bên đá.

Nhịp đàn vui bay theo gió qua

Mang vó câu lên đường

Đem chí trai can trường

Đời ta sống thác vì cố hương.”

(Văn Phụng – Vó câu muôn dặm)

Đúng thế. Đời ta sống là vì Cố Hương. Hay còn gọi là Quê Trời. Cố hương hay Quê trời, là Vương Quốc Nước Trời, ngay miền đất phía dưới, chốn địa cầu nơi đây. Nơi nghèo buồn, có đệ tử chân truyền. Có Thầy Chí Thánh thân thương, tất cả cùng nhau biến đổi vũng nên đồi. Những đồi và vũng được cải biến, để tình “Chiên Con Thiên Chúa’ giải thoát cứu độ, hết mọi người. Trong cũng như ngoài nhà Đạo.

 Frank Doyle sj biên-soạn – 

Mai Tá lược dịch

CHÁU ĐÍCH TÔN

CHÁU ĐÍCH TÔN

 CHAU DICH TON

“Nó là cháu đích tôn của dòng họ đó” một lời nói luôn luôn ở trên miệng của nội tôi, cái miệng nhuốm màu đỏ sẫm của những miếng trầu.  Nó giống như một lá bùa hộ thân của tôi.  Khi những tiếng đó vang lên tôi cảm thấy mình được những người trong nhà nể phục, kể cả bố mẹ nữa chứ.  Bố mẹ có dám la mắng tôi đâu, tôi không biết họ sợ nội, hay họ thương tôi.  Lúc đó tôi không hiểu cụm từ “cháu đích tôn” có ý nghĩa gì.  Nhưng tôi biết mình rất quan trọng đối với dòng họ, đi học có người chở đi, chở về, thích đồ chơi gì là có cái đó.  Lên trường tôi không có nhiều bạn bè.  Tôi nghĩ cũng không cần thiết phải có bạn, nên tôi chả xem ai ra gì hết, nhưng được cái là tôi học cũng khá.  Cuộc sống của tôi cứ trôi qua êm đềm cho đến lúc tôi là trở thành sinh viên Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, cái trường mà bao nhiêu đứa mơ ước cũng khó mà được.  Lên thành phố với tôi là mấy đứa cùng làng, nhà nghèo rớt mùng tơi (có mùng tơi mà rớt là ngon rồi).  Tôi sống ở chung cư, đi xe SH, không cần phải đi làm thêm để kiếm tiền đóng tiền nhà, hết tiền chỉ cần “alo” là ra ngân hàng có liền.  Còn mấy đứa đó sống chung cư, đi làm thêm, đi xe bốn bánh, có máy lạnh, có tài xế riêng nhưng là xe bus.  Đến trường, tôi không chơi với mấy đứa nhà nghèo, mấy đứa đó không xứng đáng chơi cùng tôi.  Tôi cứ vui chơi thỏa thích, chơi game online, có bạn gái, dằn mặt người khác, lấn át người kia…  Những lần như vậy những người bạn cùng quê cứ nói với tô: “đừng đi quá đà Long ơi.”  Nhưng đáp lại tôi chỉ nói:“Mày có biết tao là ai không?  Cháu đích tôn của dòng họ tao đó.”  

 

Nhưng đúng là “gieo nhân nào gặt quả đó.” Một hôm tan học tôi bị mấy người lạ mặt đánh cho một trận, sau đó bị ngất đi và được một người lạ mặt cứu.  Người ấy đưa tôi vào trạm ý tế gần đó, nhờ bác sỹ chăm sóc rồi lặng lẽ bỏ đi lúc nào tôi cũng không biết.  Tôi chỉ biết khi đi người đó để lại cho tôi một tờ giấy “Khóa Linh Thao Cho Sinh Viên” của Dòng Tên dành cho sinh viên, và một lời nhắn “Cố gắng tham gia nhé.”  Mặc dù, là người Công Giáo nhưng tôi có biết đến Linh Thao là cái gì đâu, tôi chỉ biết Dòng Tên là một dòng tu rất nổi tiếng.  Tôi nghĩ không cần thiết, nhưng sau đó tôi nghĩ lại, có mất gì đâu mà không tham gia.

 

“Sao đông vậy trời!”  Đó là câu nói đầu tiên của tôi khi đến đó, và ngạc nhiên hơn nữa người cứu tôi lại là cha hướng dẫn ở đó.  Tôi tham gia vào nhiều thứ trò chơi khởi động cùng với nhiều người xa lạ, mà trước đó tôi xem họ không xứng đáng chơi với tôi, được nghe tiểu sử của Thánh Inhaxio Loyola, Đấng Sáng Lập Dòng Tên.  Nghe xong tôi cảm thấy sao cuộc đời mình giống như thánh nhân vậy, phải chăng đó là một lời mời gọi…?  Một tuần linh thao cứ nhịp điệu: ăn sáng, cầu nguyện, ăn trưa, cầu nguyện, ăn tối, cầu nguyện, phút hồi tâm cuối ngày.  Ngày cuối cùng là ngày dành để hồi tâm về cuộc đời, nhiệm vụ và tìm ra ý nghĩa của mình khi sống ở trên đời này.  Tôi chợt nhận ra rằng mục tiêu sống hiện tại của mình đã đi lệch đường ray, và là số 0 tròn trĩnh.  Cái mác “cháu đích tôn” đã đưa tôi lên một vị trí mà không ai dám lại gần.  Tôi tự cao, tự đại, khinh thường người khác.  Tôi chưa thể tìm thấy cái gọi là mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống cho chính mình. 

 

Khóa linh thao kết thúc mà lòng tôi cứ nao nao, có cái gì đó lôi kéo tôi rất mạnh về việc dấn thân theo Chúa.  Tôi đã mạnh dạn gặp cha giám đốc, trình bày vấn đề muốn được tìm hiểu vào Dòng Tên, được cha hẹn gặp một tháng sau lên nhà Ứng Sinh Dòng Tên gặp cha.  Tôi rất vui vì có lẽ tôi tìm được mục tiêu của mình nhưng tôi không ngờ được là những chuyện buồn cũng bắt đầu xảy ra. 

 

Tôi gọi điện về, báo ngay cho nội biết tôi đã tìm ra lý tưởng sống cho chính mình rồi, mường tượng ra cảm xúc của nội khi nghe được tin này chắc nội sẽ vui lắm.  “Mày biết mày là ai không hả Long, sao mày lại làm thế, ai cho mày đi tu?” câu nói đầu tiên của nội khi tôi trình bày với nội điều đó.  Lần đầu tiên tôi thấy nội nổi giận với tôi, hình như mong muốn về một người cháu đi tu không có trong tâm trí của nội. “Về nhà ngay” là câu kết trong cuộc nói chuyện điện thoại giữa tôi và nội, mặc dù thời gian cuộc gọi chưa được 30 giây.  Tôi đành phải nghe lời chứ sao, dù lòng vẫn ao ước được được đi tu nhiều lắm.

 

Trên đường về tôi tự hỏi “Chúa ơi, tại sao cháu đích tôn lại không được đi tu, đi theo Chúa còn phải được sự đồng ý của người nhà nữa hả Chúa?”  Tôi liền nghĩ ngay đến thánh Inhaxio, tại sao Ngài có thể bỏ tất cả được như vậy.  Tôi không biết mình phải nói những gì để thuyết phục được nội tôi đồng ý.  Đến nhà rồi mà tôi cũng không dám vào nhà như những lần trước, tôi sợ!

 

Vào nhà tôi nghe nội la mắng: “Mày có biết đi tu là không lấy được vợ, không thể làm giàu, sống nghèo, sống phải nghe lời người khác không?  Ngoài đời mày muốn gì cũng có, sao mày lại chọn đi tu?”  Bây giờ tôi mới biết rằng nhiệm vụ của cháu đích tôn là gì: nối dõi tông đường, kế thừa sản nghiệp, làm rạng danh gia tộc… nó thật khủng khiếp.  Tối đến tôi cứ suy nghĩ về hai câu nói của Chúa Giêsu “từ bỏ mọi sự mà theoThầy,” và trong thư của Thánh Phao Lô “vâng lời hơn của lễ,” sao nó đối nghịch nhau như vậy, tôi không biết nên đi theo đường nào.  Nếu là Chúa thì Ngài sẽ chọn con đường nào?  Tôi biết Ngài đã dành cho tôi con đường dẫn về trời, có sự sống đời sau miễn là tôi có chấp nhận nó hay không.  Có lẽ tôi đã nhận được sự giúp đỡ, sự hướng dẫn của Chúa qua mẹ, mẹ gặp tôi và nói rằng: “cố lên đi con, mẹ sẽ ủng hộ con.”  Bạn có biết cảm giác tôi khi đó không?  Tôi vui mừng ở trong lòng và thầm cảm ơn Chúa.

 

Nhưng tôi cũng không thể không nghe lời của nội được.  Tôi lên thành phố với câu nói của nội “nếu mày đi tu, tao sẽ từ mày luôn, tao không muốn có đứa cháu ngu như mày” nó cứ quấn quýt vào tôi.  Tôi suy đi nghĩ lại câu nói đó của nội, nếu đi tu có phải tôi là một người cháu bất hiếu, vì không nghe lời của nội?  Tôi không đủ can đảm để đi tiếp, hay gặp cha linh hướng nữa.  Sau mấy ngày đắn đo tôi quyết định lên gặp cha, trình bày với cha.  Cha đã nói với tôi một câu: “Con có dám từ bỏ mọi thứ đó để trở thành một Giêsu hữu không?  Nếu con dám thì mọi việc còn lại Ngài sẽ lo cho con.”  Tôi trở về suy nghĩ nhiều và nhờ câu nói đó của Cha mà tôi đã dám từ bỏ, và tham gia Gia Đình Ứng Sinh, nhưng tôi sống ngoại trú, vì tôi nghĩ mình còn rất nhiều vấn đề về gia đình, về sống cộng đoàn.

 

Kết thúc 4 năm học với bao nhiêu thứ cám dỗ, những thứ của đời thường đôi lúc làm tôi chùn bước, nản chí.  Nhưng trong quá trình học được tham gia Gia Đình Ứng Sinh tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn, học được nhiều hơn.  Cầm tấm bằng loại giỏi trên tay trong ngày ra trường, đối với nhiều người đó là một niềm vui, nhưng đối với tôi là một cái gì đó không vui, vì bây giờ tôi muốn tham gia vào sống nội trú để tìm hiểu và trau dồi đời sống cộng đoàn.  Tôi không muốn làm một người cháu bất hiếu, đôi khi tôi muốn có một sự kiện gì đó để thay đổi, gỡ nút thắt…  Và rồi… Nội tôi mất.  Tôi bỏ lại quê hương, dòng họ, bố mẹ cùng đứa em gái để theo Chúa.  Tôi đi tu với lời nói xấu sau lưng“thằng đó sao ngu quá, không có lòng hiếu thảo, nó bỏ cha mẹ mà đi.”  Nhưng tôi luôn tin tưởng rằng “mình phục vụ Chúa, không lẽ Ngài không lo cho gia đình mình sao?”

Tôi nhận ra một điều dù là ai, xuất thân là gì, khó khăn thế nào, hoàn cảnh ra sao chăng nữa thì cũng sẽ được mời gọi đi theo con đường Giê-su đã đi.  Dù đó là “cháu đích tôn” đi nữa chỉ cần tôi dám “Từ Bỏ” và “Vượt Trùng Khơi”.

Long Nguyen

Nguồn: http://ungsinhdongten.net

langthangchieutim gởi

GIỚI THIỆU CHÚA KITÔ

GIỚI THIỆU CHÚA KITÔ

 

ĐGM Vũ Duy Thống

CHUA KI TO

 

 Nếu khởi đầu Mùa Quanh Năm là sự nhận diện thiên tính của Chúa Giêsu khi Người chịu phép Rửa nơi sông Giođan và cũng là nhận diện phẩm giá Kitô hữu khởi đi từ ngày họ lãnh phép Rửa Tội, thì Chúa Nhật thứ hai Thường Niên được xem như một khai triển phẩm giá ấy về mặt sứ vụ.  Thật vậy, đảm nhận cuộc sống làm người và đón nhận cuộc đời làm con Chúa, tín hữu không chỉ sống đơn lẻ mà còn sống giữa những người khác, thế nên nét tươi tắn nhất trong sứ vụ của họ là giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ xung quanh mình.  Nhưng vấn đề là phải làm sao để giới thiệu Chúa Kitô cho có hiệu quả.

 

Dựa trên trang Tin Mừng hôm nay về việc Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ đương thời, ta gặp thấy những tiêu chuẩn xác định hiệu quả cho việc giới thiệu ấy.

 

1) Giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân

 

Đây là tiêu chuẩn quan trọng có khả năng đi vào lòng người, bởi lẽ “con người hôm nay ít thích nghe những lời dạy cho bằng nghe những chứng tá” (Gioan Phaolô II).  Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một học thuyết, thì dẫu chủ quan mình có nắm vững và say mê, Đức Kitô ấy vẫn chỉ là một lý tưởng còn xa lạ chưa đụng chạm thiết thực với đời người.  Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một hệ thống tín điều, thì dù cho có xác tín đến đâu, Đức Kitô ấy vẫn còn xa vời, chưa phải là điểm quy chiếu thiết thân cho cuộc sống.

 

Thế nên, tiêu chuẩn hàng đầu là cần giới thiệu Đức Kitô như một Đấng mà mình đã tiếp cận, gặp gỡ và kết thân.  Hiện nay mình đang sống trong Người như kiểu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi,” và do thúc bách bởi sự sống ấy mà mình giới thiệu Người cho người khác.  Người là khởi điểm đồng thời cũng là đích điểm cho việc giới thiệu này.

Với kinh nghiệm bản thân, ta giới thiệu sự xác tín của ta vào Đức Kitô và đó cũng chính là sự khả tín của điều ta giới thiệu.

 

Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã không làm điều gì khác ngoài việc giới thiệu qua chứng từ về một kinh nghiệm ở ngôi thứ nhất số ít: “Tôi đã thấy và tôi xin làm chứng.”

 

2) Giới thiệu Đức Kitô là Đấng Cứu Độ

 

Có một thực tế không thể phủ nhận là khi giới thiệu Đức Kitô, thường ta hay rơi vào một trong hai thái cực:

 

Hoặc quá chủ quan: giới thiệu một Chúa Kitô không như Người như mình tưởng, mình nghĩ.  Coi chừng!  Thiên Chúa tạo dựng con người “giống hình ảnh Thiên Chúa”, nhưng xem ra con người lại có khuynh hướng nắn đúc một Thiên Chúa theo như mình nghĩ, “giống hình ảnh con người.”  Có lẽ chuyện dân Do Thái ở Ai Cập năm xưa lấy hình ảnh bò vàng làm tượng thờ phải được xem như một kinh nghiệm đau lòng.

 

Hoặc quá chung chung: giới thiệu một Chúa Kitô không minh bạch xác đáng, có nguy cơ giản lược đánh đồng coi Kitô giáo cũng chỉ là một trong nhiều tôn giáo ngang hàng, và Đức Kitô không còn là Đấng Cứu Độ duy nhất nữa.  Có lần đến thăm nhà một tân tòng, tôi gặp thấy cảnh tổng hợp nhiêu khê: truyền thống gia đình ông bà cha mẹ theo Phật Giáo, con trai theo Tin Lành, cô gái vào Công Giáo, còn cậu em là đối tượng một đảng nên không theo tôn giáo nào.  Bà mẹ gia đình nói trổng như muốn phân bua về việc tự do chọn lựa niềm tin của con cái: “Ôi! Đạo nào cũng tốt, đều dạy ăn ngay ở lành cả ấy mà.”  Trong suy nghĩ của người mẹ này, Đức Kitô cũng ngồi chung chiếu với những vị cổ võ đạo đức nhân sinh.  Thế thôi.

 

Thiết nghĩ, giới thiệu Đức Kitô là phải trình bày cho thấy Người là Thiên Chúa cứu rỗi nhân loại, là Đấng Cứu Độ trần gian, là Đấng từ trời xuống để đem ơn giải thoát đến tất cả mọi người và đạt tới từng người.  Nét độc sáng của Kitô giáo chính là đây.  Và Đức Kitô sở dĩ thiết thân đối với người đời bởi Người chính là Đấng Cứu Thế.

 

Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dứt khoát giới thiệu Đức Kitô cho dân chúng bằng một hình ảnh đặc biệt cho thấy Người là Đấng Cứu Độ: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.”

 

3) Giới thiệu Đức Kitô nhờ Thánh Thần

 

Giới thiệu Đức Kitô là công cuộc dài hơi, thậm chí là công việc một đời, vì thế đòi hỏi người giới thiệu không chỉ như kẻ chào hàng tiếp thị, mà phải đầu tư để học biết và học hiểu, học tập và học hành, học ngang và học dọc, học tới và học lui; nghĩa là phải nỗ lực hợp tác với ơn thánh bằng vận dụng hết công suất những khả năng Chúa ban mà chu toàn nghĩa vụ cũng là ý nghĩa cuộc đời mình.  Ngày nào còn là Kitô hữu, ngày đó còn phải gắn bó và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.  Đó là yếu tố thuộc về căn tính.

 

Giới thiệu Đức Kitô cũng là một công trình thuộc về sứ vụ truyền giáo của mọi thành viên trong Giáo Hội, nghĩa là thuộc về lẽ công bình.  Ai đã nhận được lẽ sống Đức Kitô thì cũng canh cánh bên lòng một đòi buộc phải tiếp nối sứ mạng giới thiệu sự sống ấy cho những người mình gặp gỡ trong mọi cảnh ngộ cuộc đời.  Chả thế mà sứ vụ cũng đồng nghĩa với sự lên đường.  Đồng quà tấm bánh có thể giữ lại chứ sự sống mà giữ lại thì cũng đồng nghĩa với sự thui chột ngột ngạt ngay trong vòng tay ôm chặt của người sở hữu.

 

Giới thiệu Đức Kitô như thế cũng là cuộc hiến thân làm chứng, đón nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, quên mình xóa mình, thao thức miệt mài, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm.”  Không dễ dàng, không dễ dãi và không dễ chịu.  Thế nên đó là một công trình sức người tự mình không làm nổi ngoài ơn của Thánh Thần.  Vả chăng chính Thánh Thần mới giữ vai trò chủ động trong công trình lớn lao này, còn con người dẫu hết lòng hết sức cũng chỉ là dụng cụ góp phần.

 

Nếu hôm qua Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dựa vào dấu chỉ Thánh Thần để nhận biết Đấng Cứu Thế: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép Rửa trong Thánh Thần”, thì hôm nay tín hữu cũng dựa vào Thánh Thần để chu toàn sứ mạng giới thiệu Đức Kitô cho người đồng thời với mình.

 

Tóm lại, giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân, giới thiệu Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và giới thiệu Chúa Kitô nhờ Thánh Thần.  Đó là những tiêu chuẩn giúp cho việc giới thiệu này mang lại hiệu quả mong muốn.

 

Vì thế, Kitô hữu không chỉ là người mang Chúa Kitô trong mình, không chỉ thuộc về Chúa Kitô mà còn là người phải giới thiệu Chúa Kitô cũng như biết cách giới thiệu Chúa Kitô làm sao cho có hiệu quả nữa.  Như một người chào hàng không mệt mỏi, như một chứng nhân luôn trung thành, và như một lẽ sống hạnh phúc, ta quyết chí lên đường.

 

Trong buổi chia sẻ của những tân tòng lớp trước dành cho lớp sau, một cô gái mười sáu tuổi đã chân thành cho biết lý do mình gia nhập đạo Công Giáo: “Tôi theo đạo vì lúc nhỏ học chung với một người bạn Công Giáo.  Bạn ấy rủ tôi đi lễ, tôi đi theo dẫu chẳng hiểu gì.  Nhưng vì bạn ấy đối xử tốt với tôi, nhất là trong những lúc ngặt nghèo, nên qua gương sống đức tin của bạn ấy, dần dà tôi hiểu ra lẽ đạo và cuối cùng tôi tìm đến với lớp giáo lý khai tâm, và hôm nay được nhận Bí tích Thanh Tẩy.”

 

Mong rằng đây không chỉ là chuyện cá biệt mà là chuyện điển hình đã được nhân lên trong mọi cộng đoàn tín hữu.

 

ĐGM Vũ Duy Thống

Một quyển sách mới về cuộc đời của ĐHY Nguyễn Văn Thuận

 Một quyển sách mới về cuộc đời của ĐHY Nguyễn Văn Thuận

httpv://www.youtube.com/watch?v=tlz-hNZZct0

Sau Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa, những câu chuyện về lòng can đảm, sự tha thứ và lòng trung tín với Thiên Chúa tiếp tục trở thành điểm nhấn. Một trong những câu chuyện đó là câu chuyện về cuộc đời ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Cuộc đời ĐHY đã trải qua 13 năm tù đày, trong đó có 9 năm bị biệt giam. Nhà văn Teresa Gutiérrez de Cabiedes đã viết về những năm tháng này của ĐHY trong quyển sách có nhan đề: “Van Thuan, Free Behind Bars”. (Tạm dịch: Văn Thuận: Tự Do Sau Những Chấn Song). Quyển sách kể về tấm gương trung kiên của ngài trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Teresa Gutiérrez De Cabiedes 

“Ngài không bao giờ từ bỏ. Ngài đã tha thứ cho những người ai trừng phạt ngài cách vô lý. Chính tình yêu với kẻ thù địch thúc đẩy ngài biến đổi đời sống của mình. Tôi nghĩ rằng, điều này chỉ có thể giải thích bằng một tình yêu siêu nhiên, một tình yêu đến từ Thiên Chúa.”

ĐHY Thuận đã viết ba quyển sách khi ngài còn ở trong tù. Một trong những quyển sách đó là “Đường Hy Vọng” diễn tả niềm cậy trông xác tín vào Thiên Chúa nơi ngài trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Câu chuyện cuộc đời ngài là một phác họa chi tiết về đời sống của một Kitô hữu bị bách hại nhưng không bao giờ chối bỏ đức tin của mình.

Teresa Gutiérrez De Cabiedes 

“Cách đây vài năm, tôi có nói chuyện với Đức TGM Pamplona (Tây Ban Nha). Ngài đã kể cho tôi nghe câu chuyện về ĐHY Thuận, bạn của ngài. Câu chuyện về ĐHY Thuận giúp chúng tôi hiểu biết về cách Thiên Chúa giải phóng chúng ta ra khỏi xiềng xích tù đày. Tôi thấy rằng, cuộc đời của ngài như một quyển tiểu thuyết, tôi cần phải kể câu chuyện cuộc đời của ngài!”

ĐHY Thuận được trả tự do vào ngày 21/12/1988. Sau đó, ngài đến Roma. Khi gặp ngài, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chào đón ngài và nói, Đức Kitô là nguồn cậy trông cho chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách.

Teresa Gutiérrez De Cabiedes 

“Ngài rất thông minh, nói được nhiều ngôn ngữ và có uy tín với nhiều người, nhưng điều đánh động tôi là ngài dù bị tước đoạt mọi thứ, nhưng luôn dựa vào Thiên Chúa và dần dần biến đổi tận căn những ai gặp gỡ ngài”

Đây cũng là quyển sách mà tác giả muốn gửi đến mọi người, đặc biệt là những người bạn của ĐHY Thuận, nhân Ngày Sách Thế Giới.

Chúa cất tiếng gọi con:

Chúa cất tiếng gọi con:

httpv://www.youtube.com/watch? v=LqlNhDNRSeY

Cầu Nguyn:

Lạy Thầy Giêsu,
Thầy là vị Tôn Sư tuyệt vời.

Thầy gọi các môn đệ theo Thầy
đi trên những nẻo đường quanh co của xứ Pa-lét-tin.
Thầy không mở trường, không viết sách.
Thầy 
giúp môn đệ học bài học của Thầy,
bài học của trái tim, hiền lành và khiêm tốn.

 Thầy dạy học trên đường.
Thầy 
tập cho môn đệ nhìn những biến cố mỗi ngày
với cái nhìn của Thiên Chúa.

Thầy giúp họ thấy giá trị nơi đồng xu nhỏ của bà góa nghèo,
thấy vẻ đẹp của hoa huệ, và sự vô tư của chim trời.
thấy nét cao quý của trẻ thơ, và phẩm giá của người phụ nữ.

Thầy tập cho họ trưởng thành,
tập đương đầu ban đêm một mình với sóng gió,
tập tin vào Thiên Chúa khi phải nuôi ăn đám đông,
tập can trường đối diện với cái chết nhục nhã và đau đớn.

Thầy kéo họ ra khỏi cái tôi háo danh
khi họ cãi nhau trên đường xem ai là người lớn nhất,
Thầy 
đòi họ bỏ mọi sự mà theo Thầy,
và 
đặt Thầy lên trên cả mạng sống và tình ruột thịt.

Lạy Thầy Giêsu,
Khoa sư phạm của Thầy là huấn luyện môn đệ bằng tình yêu.
Một 
tình yêu kiên nhẫn khi họ yếu đuối và cứng lòng.
Một 
tình yêu bênh vực và bảo vệ lúc họ bị tấn công.
Một 
tình yêu chia sẻ khi cho họ cộng tác trong sứ vụ.
Thầy đã 
diễn tả tình yêu đến cùng của Thầy
khi cúi xuống rửa chân cho họ.

Xin cho chúng con suốt đời học với Thầy,
nhận Thầy mãi mãi là vị Tôn Sư của chúng con.
Và cùng với Thầy, chúng con đi khắp thế gian,
để làm cho muôn dân thành môn đệ.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

VỊ VUA THỨ TƯ

VỊ VUA THỨ TƯ

Và ba Vua từ phương Ðông đã mang tới vàng, hương và mộc dược.

Ở xứ Ðan Mạch, những người tín hữu hát như thế vào dịp Giáng Sinh trong các thánh đường.  Và nếu tiếng hát được cất lên trong một ngôi thánh đường cổ kính, đôi khi người ta có thể thấy một bức họa cổ có hình hài nhi Giêsu trong lòng mẹ và ba Vua đang quì trước Ngài.  Vị Vua đầu tiên là Gaspar, ông dâng vàng trong một cái khay.  Quì sau ông là Melchior, ông mặc bộ đồ nghi lễ nghiêm trọng, quì gối và đang xông hương trước trẻ thơ Giêsu.  Sau cùng là ông Balthazar người da đen.  Mặt trời nào đã cho ông làn da đen như thế?  Ông đến từ xứ Ấn Ðộ?  Hay từ xứ Saba?  Ông đã đi qua xa mạc xứ Ả Rập?

Gaspar, Melchior, Balthazar đã bao lần được vẽ trên tranh, từ loại thô sơ cho đến những bức huy hoàng lộng lẫy trong các giáo đường.  Nhưng có một giai thoại xưa kể rằng ba Vua từ xa tới Bethlehem, vào hang đá để dâng của lễ trước Trẻ Thơ và người Mẹ, nhưng Trẻ Thơ không muốn cười.  Còn Mẹ Maria thì sung sướng vì làn hương thơm bay như bà muốn đốt trong Ðền Jerusalem như khi bà còn trẻ, và rưng rưng nước mắt, bà để mộc dược trong lòng.  Nhưng trẻ thơ không giơ tay ra cầm vàng, khói hương làm cặp phổi nhỏ bị ho, trẻ thơ không để ý đến mộc dược mà lại chú ý đến cặp mắt long lanh ngấn lệ của người Mẹ.  Ba Vua đứng dậy cáo từ và có cảm tưởng mình không được tiếp đón đúng mức.  Nhưng khi bóng những con lạc đà của họ biến mất tận chân trời thì vị Vua thứ tư xuất hiện.

Quê hương ông là vùng Ba Tư.  Ông đã mang theo ba viên ngọc quí để dâng cho vị Vua mới sinh ở miền Tây mà ông đã thấy vì sao một buổi tối nọ.  Ông đã chỗi dậy và từ bỏ tất cả: kho rượu quí lâu đời, dòng nước mát bên nhà, người vợ hiền thân yêu.  Ông chỉ mang kho tàng quí nhất là ba hạt ngọc trắng lớn như trứng chim bồ câu, ông cài những hột ngọc này vào thắt lưng và quyết định ra đi tìm nơi vì sao đang chiếu tỏa.

Ông đã tìm ra nơi này.  Nhưng quá trễ.  Ba vị Vua khác đã đến và đã đi.  Ông tới quá trễ.  Tay không.  Ông không còn những viên ngọc quí nữa.  Ông từ từ mở cửa bước vào hang đá.  Trời đã xế chiều, trong nơi trú ẩn của Trẻ Thơ phảng phất mùi hương.  Thánh Giuse xắp xếp cỏ khô cho ban tối, Mẹ Maria bế Trẻ Thơ Giêsu trong lòng.  Mẹ khẽ hát ru con ngủ.  Vị Vua xứ Ba Tư hơi do dự, rồi ông tiến đến và quì xuống trước hai mẹ con và bắt đầu kể:

Thưa Ngài!  Tôi đến sau các vị Vua khác đã tới trước chúc tụng Ngài và dâng của lễ.  Tôi cũng có của lễ để dâng Ngài, đó là ba viên ngọc rất quí từ biển Ba Tư.  Nhưng bây giờ tôi không còn chúng nữa.  Tôi đi sau ba vị Vua vì tôi đã dừng chân trong một quán trọ một chiều kia.  Tôi đã lầm.  Rượu cám dỗ tôi, tiếng chim hót làm tôi nhớ nhà và nhớ người vợ yêu quí.  Và tôi quyết định nghỉ đêm ở quán trọ.  Khi tôi bước vào bên trong, tôi thấy một ông già đang lên cơn sốt nằm gần lò sưởi để tìm hơi nóng.  Không ai biết ông già là ai.  Ông không có một đồng xu nào để nhờ thầy thuốc cứu chữa.  Ngày hôm sau ông sẽ bị đuổi ra ngoài nếu ông không chết đêm nay.  Thưa Ngài, đó là một người rất già, râu tóc đã bạc trắng; ông ta làm tôi nhớ đến cha tôi.  Xin Ngài tha lỗi, vì tôi đã lấy ra một viên ngọc và đưa cho chủ quán, tôi dặn là hãy kêu thầy thuốc để săn sóc cho ông già này và nếu ông ta chết thì dùng viên ngọc để lo chôn cất chu đáo cho ông.

Ngày hôm sau, tôi tiếp tục lên đường.  Tôi thúc đẩy con lừa chở tôi đi hết cỡ nhanh để đuổi kịp ba vị Vua đi trước, vì những con lạc đà của họ chỉ đi chậm rãi và tôi có hy vọng đuổi kịp theo họ.  Con đường đi quanh co trong một thung lũng vắng.  Bỗng nhiên tôi nghe những tiếng kêu từ một bụi cây.  Tôi nhẩy xuống lừa và chạy tới thì thấy một đám lính đang vây quanh một người đàn bà trẻ với ý định xấu xa.  Họ rất đông nên tôi không thể nào chống lại họ.  Xin Ngài tha thứ cho tôi lần nữa, bởi vì tôi lại phải lấy ra một viên ngọc nữa để cho đám lính để họ tha cho người thiếu nữ.  Cô ta cám ơn tôi và biến mất ngay trong khu rừng.

Tôi tiếp tục lên đường, trong thắt lưng chỉ còn một viên ngọc, nhưng ít nhất tôi cũng mang đến cho Ngài.  Trời đã sau trưa và tôi sẽ tới Bethlehem chiều nay để chúc mừng Ngài.  Nhưng khi đi đến một ngôi làng nhỏ, tôi thấy lửa cháy khắp làng.  Bọn lính theo lệnh vua Herod đang tìm giết tất cả những bé trai chưa đầy hai tuổi.  Gần một căn nhà đang cháy, một người lính đang cầm chân một đứa bé giơ lên.  Ðứa bé giẫy khóc kinh hãi.  Người lính nói với bà mẹ đứa bé: Bây giờ tao thả đứa bé vào ngọn lửa cho nó thành như con heo quay.  Bà mẹ la hét kinh hãi.  Xin Ngài tha lỗi, bởi vì tôi lấy viên ngọc cuối cùng để cho thằng lính để nó trả đứa bé lại cho người mẹ.  Bà mẹ giật lấy đứa bé và chạy trốn ngay.  Ðó là những lý do tại sao tôi tới chúc mừng Ngài với hai bàn tay trắng.  Xin ngài thông cảm cho tôi.”

Hang đá chìm trong thinh lặng sau khi vị Vua kể hết chuyện của ông.  Thánh Giuse đã dọn cỏ xong và đang trầm ngâm suy nghĩ.  Mẹ Maria ngắm nhìn Trẻ Thơ.  Chúa Hài Ðồng đang ngủ chăng?  Không, Ngài nhìn vị Vua Ba Tưvới khuôn mặt rạng rỡ và mỉm cười.

***********************

Lạy Chúa Hài Đồng, quà tặng mà Chúa yêu thích nhất chính là lòng quảng đại của chúng con dành cho tha nhân.  Xin Chúa dạy chúng con luôn mở rộng tâm hồn để cảm thông, mở rộng trái tim để yêu thương, và mở rộng đôi tay để ban phát.  Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, nếu con càng quảng đại với anh em thì con càng trở nên giống Chúa nhiều hơn và làm cho khuôn mặt Chúa rạng rỡ tươi vui hơn. Amen!

Sưu tầm

Langthangchieutim gởi

CHÚA TỎ MÌNH RA CHO NHỮNG TÂM HỒN THIỆN CHÍ

CHÚA TỎ MÌNH RA CHO NHỮNG TÂM HỒN THIỆN CHÍ

 ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra những chi tiết tương phản lạ thường.

Tương phản giữa Giêrusalem và Bêlem: Giêrusalem, thủ đô hoa lệ, trung tâm văn hoá chính trị của nước Do thái, nhưng đã khước từ, không đón tiếp Đấng Cứu thế.  Trong khi đó, Bêlem, một thị trấn bé nhỏ, nghèo nàn lại là nơi đón tiếp Đấng Cứu thế hạ sinh.

chua-to-minh

Tương phản giữa những người có đạo và những người ngoại đạo: Các bậc chức sắc thông thạo Kinh thánh, nhưng chỉ ngồi im tại kinh thành, không chịu lên đường, nên không gặp được Đấng Cứu thế.  Trái lại, ba nhà đạo sĩ mà ta quen gọi là Ba Vua, là những người ngoại đạo, không am tường Kinh thánh, nhưng đã biết tìm tòi học hỏi, dấn thân lên đường, nên đã gặp được Chúa.

Tương phản giữa Vua giả và Vua thật: Hêrôđê được gọi là Vua, nhưng lại cứ nơm nớp lo âu, sợ mất ngai vàng, nên tìm cách tiêu diệt người khác.  Trong khi đó, Đức Giêsu Kitô, Vua Trời lại thản nhiên bình an trong cảnh khó nghèo, mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người xa gần.

Tất cả những tương phản ấy đáng cho ta suy nghĩ.  Đấng Cứu thế không đến theo cơ chế, nhưng rất bất ngờ.  Người không đến trong những cung điện sang trọng nhưng đến trong một chuồng bò tăm tối, hôi tanh.  Người không đến trong quyền lực nhưng trong sự yếu đuối, khiêm nhường.

Tất cả những tương phản ấy khiến ta phải lo sợ.  Không phải cứ có đạo là gặp đựơc Chúa.  Không phải cứ giỏi giáo lý là biết Chúa.  Muốn gặp được Chúa phải có thiện chí đi tìm.  Muốn biết Chúa, phải dấn thân lên đường.

Ba Vua là những người ngoại đạo đến từ rất xa, nhưng đã trở nên gương mẫu cho ta trong việc đi tìm và hiểu biết Chúa.  Các Ngài là những tâm hồn thiện chí.

Là những tâm hồn thiện chí, luôn luôn khao khát điều lành, nên các Ngài luôn để tâm tìm kiếm.  Đêm đêm ngước mắt lên trời cố dò tìm dấu vết thần linh.  Chắc chắn không phải chỉ trong phút chốc mà các Ngài phát giác ra ngôi sao lạ, nhưng phải trải qua nhiều năm tháng kiên trì chiêm ngắm bầu trời, cặn kẽ theo dõi đường chuyển dịch của các vì tinh tú, các Ngài mới có thể nhận biết ngôi sao lạ khi nó xuất hiện.

Việc đi theo ngôi sao lạ cũng không giản đơn.  Trước hết việc lên đường đòi phải ra khỏi nhà, giã từ những tiện nghi dễ chịu, từ bỏ những sinh hoạt quen thuộc, chấp nhận những thiếu thốn, những nguy hiểm, những bất tiện trên đường đi.  Thiện chí của các Ngài rất cao, nên khi ngôi sao biến mất, các Ngài vẫn không nản lòng bỏ cuộc, nhưng tìm mọi cách vượt qua khó khăn, tìm mọi cách để đến gặp được Chúa.  Chúa đã chúc lành cho thiện chí của các Ngài, nên đã cho các Ngài được gặp Chúa.

Đời sống chúng ta là một cuộc đi tìm Chúa.  Trong cuộc đi tìm, ta phải có thiện chí như Ba Vua, biết dấn thân lên đường, biết phấn đấu chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc khi gặp thử thách.

Ba Vua không thể đến với Chúa nếu không có ngôi sao dẫn đường.  Hôm nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta là một ngôi sao lạ, loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa.  Hãy là ngôi sao sáng trong đời sống công bình.  Hãy chiếu sáng đức thương yêu của Chúa.  Hãy toả ánh sáng ấm áp tình người.  Qua những làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên chúa là ánh sáng chân thật.

Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện có thật.  Một buổi chiều, một người lái xe con đi trên con đường miền núi vắng vẻ.  Ở một khúc quanh, người ấy phát hiện một gia đình bị hỏng xe.  Đường vắng, trời tối, họ lo âu sợ hãi vì đó là đoạn đường thường xảy ra cướp bóc.  Biết sửa chữa xe, nên người ấy đỗ xe, xuống giúp sửa chữa.  Xe hỏng nặng.  Người ấy phải chui vào gầm xe, tháo ra từng bộ phận.  Tối mịt xe mới nổ máy.  Cả gia đình mừng rỡ, muốn trả công cho người ấy.  Nhưng người ấy không lấy công.  Cả gia đình cám ơn rối rít và xin địa chỉ hẹn ngày lên thăm.  Khi lên thăm, gia đình mới biết đó là một vị giám mục.  Gia đình đem lòng cảm phục và xin theo đạo cả nhà.  Vị Giám mục ấy chính là một Đức Cha ở cao nguyên Trung phần vào những năm 60.

Nhân dịp đầu năm mới, tôi xin cầu chúc tất cả anh chị em có một đời sống đạo trong sáng như ngôi sao sáng để đưa dẫn nhiều tâm hồn về với Chúa.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Langthangchieutim gởi

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY HOÀ BÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ 50 – 1 THÁNG 1 NĂM 2017 – “PHI BẠO LỰC: MỘT ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ VÌ HOÀ BÌNH”

 SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY HOÀ BÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ 50 – 1 THÁNG 1 NĂM 2017 – “PHI BẠO LỰC: MỘT ĐƯỜNG LỐI CHÍNH TRỊ VÌ HOÀ BÌNH”

Chuyển ngữ từ bản tiếng Anh: Antôn Uông Đại Bằng

Khởi đầu Năm Mới này, tôi xin chân thành gửi những lời cầu chúc hoà bình tới mọi dân tộc và mọi quốc gia trên thế giới, tới các vị lãnh đạo nhà nước và chính phủ, các vị lãnh đạo tôn giáo, dân sự và cộng đồng. Tôi cầu chúc hoà bình cho hết mọi người nam, nữ và trẻ em, và tôi nguyện xin cho hình ảnh Thiên Chúa và sự tương đồng với Ngài nơi mỗi con người chúng ta có thể làm cho chúng ta nhận biết được nhau là những tặng phẩm thánh thiêng có một phẩm giá vô hạn. Nhất là trong những tình trạng xung đột, chúng ta hãy biết tôn trọng điều này, đó là “phẩm giá sâu xa nhất” của chúng ta,[1] và hãy làm cho lập trường phi bạo lực tích cực trở thành lối sống của chúng ta.

Đây là Sứ điệp thứ năm mươi của Ngày Hoà Bình Thế Giới. Trong Ngày Hoà Bình Thế Giới đầu tiên, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói với toàn thể mọi dân tộc, không phải chỉ nói riêng người Công giáo, một cách tuyệt đối rõ ràng: “Hoà bình là đường hướng đích thực duy nhất cho sự tiến bộ của nhân loại – chứ không phải là những căng thẳng gây ra bởi những chủ nghĩa dân tộc đầy tham vọng, hay những những cuộc chinh phục bằng bạo lực, hoặc những sự đàn áp làm chỗ dựa cho một thứ cơ cấu dân sự giả dối.” Ngài đã cảnh báo về “mối nguy hiểm khi tin rằng các cuộc tranh chấp quốc tế không thể nào được giải quyết bằng đường lối của lý trí, nghĩa là bằng sự thương thảo dựa trên luật pháp, công lý và sự bình đẳng, mà lại chỉ dựa vào những phương sách dùng vũ lực nhằm đe doạ và hủy diệt.” Trái lại, ngài trưng dẫn Thông điệp Hoà bình trên Trái đất của vị tiền nhiệm là Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, và ngài tán dương “ý thức và lòng yêu chuộng hoà bình dựa trên chân lý, công lý, tự do và tình yêu thương.”[2] Được phát biểu cách đây năm mươi năm, những lời này vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa và tính khẩn trương.

Nhân dịp này, tôi muốn suy tư về đường lối phi bạo lực như một đường lối chính trị vì hoà bình. Tôi khẩn xin Thiên Chúa giúp cho tất cả chúng ta vun trồng đường lối phi bạo lực trong những tư tưởng và giá trị riêng tư nhất của chúng ta. Ước gì lòng bác ái và đường lối phi bạo lực điều khiển cung cách chúng ta đối xử với nhau trong tương quan giữa các cá nhân, trong xã hội cũng như trong đời sống quốc tế. Khi các nạn nhân của bạo lực có thể đề kháng lại cám dỗ trả thù, họ trở nên những người cổ vũ đáng tin cậy nhất cho việc xây dựng hoà bình phi bạo lực. Trong những hoàn cảnh có tính cách địa phương và thông thường nhất cũng như trong cơ cấu quốc tế, ước gì phi bạo lực trở nên nét nổi bật của những quyết định, những quan hệ và những hành động của chúng ta, và của đời sống chính trị dưới mọi hình thức, chắc chắn như thế.

Một thế giới đổ vỡ

  1. Trong khi thế kỷ vừa qua đã phải chứng kiến cảnh tàn phá của hai cuộc Thế chiến đầy chết chóc, mối đe doạ chiến tranh hạt nhân và rất nhiều cuộc xung đột khác, thì hôm nay, đáng buồn thay, chúng ta lại đang thấy chính chúng ta vướng mắc vào mộtcuộc thế chiến rất ghê sợcứ tấn công từng phần. Không dễ gì biết được liệu thế giới chúng ta ngày nay có bạo lực nhiều hơn hay ít hơn ngày xưa, hoặc biết được liệu những phương tiện thông tin hiện đại và tính cơ động lớn hơn đã làm cho chúng ta ý thức hơn về bạo lực, hay, trái lại, làm cho chúng ta ngày càng quen với nó.

Dù sao ta cũng biết rằng thứ bạo lực “từng phần” này, thuộc những thứ loại và mức độ khác nhau, đều gây ra những đau khổ lớn lao: chiến tranh trong các quốc gia và các châu lục; khủng bố, tội ác có tổ chức, và những hành vi bạo lực bất ngờ; những sự lạm dụng và xâm hại mà di dân và các nạn nhân tệ nạn buôn người phải hứng chịu; và sự tàn phá hủy diệt môi sinh. Điều này dẫn tới đâu? Bạo lực có thể đạt được mục tiêu có giá trị lâu dài nào không? Hay là nó chỉ dẫn tới sự trả thù và một loạt những xung đột chết người chỉ có lợi cho một số ít kẻ “quân phiệt”?

Bạo lực không phải là phép chữa trị cho thế giới đổ vỡ của chúng ta. Chống lại bạo lực bằng bạo lực may mắn lắm là dẫn tới những cuộc cưỡng bách di cư với biết bao là khốn khổ, bởi vì biết bao tài nguyên khổng lồ đã bị chuyển hướng sang mục đích quân sự và vượt ra khỏi mục đích thoả mãn nhu cầu hằng ngày của những người trẻ, các gia đình gặp cảnh vất vả cơ cực, những người già yếu, những kẻ tàn tật, và đại đa số dân chúng trên thế giới. Nếu xảy ra điều tệ hại nhất, bạo lực có thể dẫn đến chết chóc, về thể lý cũng như về tinh thần, cho nhiều người, nếu không phải là cho tất cả.

Tin Mừng

  1. Chính Chúa Giêsu đã từng sống trong những thời đầy bạo lực. Tuy nhiên, Ngài lại dạy rằng chiến trường thực sự, ở đó bạo lực và hoà bình gặp nhau, là chính lòng con người: vì “từ bên trong, từ lòng con người phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,21). Nhưng sứ điệp của Đức Kitô về phương diện này dạy chúng ta một cách tiếp cận triệt để tích cực. Ngài luôn giảng dạy tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, vốn hằng đón nhận và tha thứ. Ngài dạy các môn đệ phải yêu thương kẻ thù (x. Mt 5,44) và đưa cả má bên kiara nữa (x. Mt 5,39). Khi Ngài khiến những kẻ buộc tội không dám ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình (x. Ga 8,1-11), và khi, vào đêm trước khi chịu chết, Ngài bảo ông Phêrô xỏ gươm vào vỏ (x. Mt 26,52), Chúa Giêsu đã vạch ra con đường phi bạo lực. Ngài đã đi con đường đó cho đến tận cùng, cho tới tận thập giá, nhờ đó Ngài đã trở nên sự bình an cho chúng ta, và kết thúc sự thù hận (x. Ep 2, 14-16). Bất cứ ai đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu đều có thể nhìn nhận có bạo lực nơi mình và được chữa lành bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, và đến lượt mình, lại trở nên một dụng cụ cho sự hoà giải. Theo lời Thánh Phanxicô Assisi: “Khi môi miệng bạn loan báo sự bình an thì hãy bảo đảm rằng bạn đang có sự bình an lớn hơn trong tâm hồn bạn”.[3]

Để được là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu hôm nay cũng có nghĩa là chúng ta phải tuân theo giáo huấn của Ngài về phi bạo lực. Như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Bênêđictô XVI đã nhận xét, giáo huấn này “là chân thực bởi vì đã nhận thấy trên thế giới có quá nhiều bạo lực, quá nhiều bất công, và do đó, tình trạng này không thể nào giải quyết được, ngoại trừ chống lại bạo lực bằng nhiều tình yêu thương hơn, bằng nhiều tình nhân hậu hơn nữa. Cái ‘nhiều hơn’ này đến từ Thiên Chúa.”[4] Ngài nhấn mạnh tiếp rằng: “Đối với Kitô hữu, phi bạo lực không phải chỉ là cách cư xử theo chiến thuật mà thôi, nhưng đó còn là lối sống của một nhân vị, thái độ của một con người xác tín vào tình yêu và năng quyền của Thiên Chúa, đến nỗi không còn sợ khắc phục sự dữ bằng duy vũ khí của tình yêu và chân lý. Yêu thương kẻ thù của mình chính là hạt nhân của “cách mạng Kitô giáo.”[5] Lệnh truyền của Tin Mừng đòi chúng ta phải yêu thương kẻ thù (x. Lc 6, 27) “quả thực đươc coi như đại hiến chương của đường lối phi bạo lực Kitô giáo. Lệnh đó không dạy ta phải chịu thua sự ác…, nhưng là dạy ta lấy thiện để đáp lại cái ác (x. Rm 12,17-21), và nhờ đó mà bẻ gẫy được chuỗi những bất công.”[6]

Mạnh mẽ hơn bạo lực

  1. Phi bạo lực đôi khi bị hiểu như là đầu hàng, là thiếu dấn thân, và là sự thụ động, nhưng đây thì không phải như vậy. Khi Mẹ Têrêsa nhận lãnh Giải Nobel Hoà bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố rõ ràng thông điệp về phi bạo lực mang tính tích cực của mình: “Trong gia đình chúng ta, chúng ta đâu cần đến bom đạn và súng ống để hủy diệt hầu có được sự bình an đâu – mà chỉ cần hợp nhau lại, yêu thương nhau… Và chúng ta sẽ có thể vượt thắng tất cả mọi sự dữ trên đời.”[7]Vì sức mạnh của cánh tay làm cho ta lầm lẫn. “Trong khi những kẻ buôn vũ khí làm công việc của họ, thì lại có những người kiến tạo hoà bình rất tội nghiệp cống hiến sinh mạng mình để cứu giúp một người, rồi một người khác, và một người khác và một người khác nữa;” Đối với những người kiến tạo hoà bình này, Mẹ Têrêsa chính là một biểu tượng, một hình tượng cho thời đại chúng ta.”[8] Tháng Chín vừa qua, tôi được niềm vui lớn lao là được tôn phong Mẹ Têrêsa lên bậc Hiển Thánh. Tôi ca ngợi Mẹ đã luôn luôn sẵn sàng phục vụ hết mọi người “bằng cách đón nhận và bảo vệ sinh mạng con người, những sinh mạng còn chưa chào đời cũng như những sinh mạng bị bỏ rơi và loại trừ… Mẹ đã cúi xuống trước những thân phận sức cùng lực kiệt, bị bỏ mặc chờ chết bên vệ đường, Mẹ nhìn thấy nơi họ phẩm giá được Thiên Chúa ân ban; Mẹ lên tiếng trước những cường quốc của thế giới, để họ có thể nhận thức được trách nhiệm của họ về các tội ác – phải, những tội ác! – của nạn nghèo khó họ đã gây nên.”[9] Để đáp ứng lại, sứ mệnh của Mẹ – và Mẹ đại diện cho hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người – là phải vươn tới những khổ đau, với lòng tận tụy quảng đại, để chạm đến và băng bó từng thân xác bị thương tích, chữa lành từng mảnh đời tan vỡ.

Sự thực thi dứt khoát và kiên trì đường lối phi bạo lực đã đem đến những kết quả đầy ấn tượng. Những thành công của Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaffar Khan trong công cuộc giải phóng Ấn độ, và của Tiến sĩ Martin Luther King Jr trong công cuộc chiến đấu chống lại nạn kỳ thị chủng tộc sẽ không bao giờ bị quên lãng. Đặc biệt các chị em phụ nữ thường là những người lãnh đạo theo đường lối phi bạo lực, chẳng hạn như Leymah Gbowee và hàng ngàn phụ nữ ở Liberia, những người từng tổ chức các cuộc cầu nguyện và phản kháng một cách phi bạo lực, đã dẫn tới những cuộc hoà đàm cấp cao để kết thúc cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia.

Chúng ta cũng không thể nào quên được thập niên đầy những sự kiện đáng ghi nhớ đã kết thúc bằng sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Âu châu. Các cộng đoàn Kitô giáo đã góp phần bằng sự cầu nguyện miệt mài và hành động dũng cảm của họ. Đặc biệt nhất là sứ vụ và giáo huấn của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Khi suy nghĩ về những biến cố của năm 1989, vị tiền nhiệm của tôi, trong Thông điệp Một Trăm Năm, đã nêu bật sự kiện là sự biến đổi rất quan trọng trong đời sống mọi người, các dân tộc và các quốc gia đã xảy ra “do sự phản đối ôn hoà, chỉ sử dụng vũ khí của sự thật và công lý.”[10] Sự chyển tiếp chính trị trong boà bình đã thành khả thể một phần là “nhờ quyết tâm phi bạo lực của những người, vốn luôn luôn không chịu nhượng bộ sức mạnh của quyền lực, đã thắng lợi hết lần này tới lần khác bằng cách tìm những phương cách hữu hiệu làm chứng tá cho sự thật.” Đức Gioan Phaolô II cứ nói mãi: “Cầu mong con người biết tranh đấu cho công lý mà không cần đến bạo lực, từ bỏ đấu tranh giai cấp trong các tranh chấp nội bộ của họ, và khước từ chiến tranh trong các tranh chấp quốc tế.”[11]

Hội thánh từng tham gia vào những kế hoạch kiến tạo hoà bình phi bạo lực tại nhiều quốc gia, bằng cách thuyết phục ngay cả những bên thích sử dụng bạo lực nhất trong những nỗ lực xây dựng một nền hoà bình công chính và bền vững.

Những nỗ lực như thế nhân danh các nạn nhân của bất công và bạo lực không phải là sản nghiệp của một mình Hội thánh Công giáo đâu, mà là tiêu biểu cho nhiều truyền thống tôn giáo, vì điều này “lòng trắc ẩn và đường lối phi bạo lực là những yếu tố chủ yếu chỉ cho ta con đường sự sống.”[12] Tôi mạnh mẽ khẳng định lại rằng: “Không một tôn giáo nào có chủ trương khủng bố cả.”[13] Chính bạo lực báng bổ thánh danh Thiên Chúa.[14] Chúng ta đừng bao giờ chán nhắc đi nhắc lại: “Danh thánh Thiên Chúa không thể nào được dùng để biện minh cho bạo lực. Chỉ duy hoà bình mới là thánh thiện. Chỉ duy hoà bình mới là thánh thiện, chứ không phải chiến tranh!”[15]

Gốc rễ một chính sách phi bạo lực phát xuất từ gia đình

  1. Nếu bạo lực bắt nguồn từ lòng dạ con người, thì cơ bản mà nói, phi bạo lực phải được thực hành trước hết ở trong các gia đình. Đây chính là một phần niềm vui của tình yêu tôi đã mô tả trong tháng Ba vừa qua trong Tông huấn Niềm Vui Tình Yêu,sau hai năm suy nghĩ cùng Hội thánh về hôn nhân và gia đình. Gia đình là nơi thử nghiệm khắc nghiệt tối cần thiết trong đó vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em chị em, học biết thông đạt và bày tỏ mối quan tâm quảng đại về nhau, và chính ở đó những sự cọ xát và thậm chí những xung đột phải được giải quyết không phải bằng vũ lực, nhưng bằng sự đối thoại, sự tôn trọng và sự quan tâm đến lợi ích của người khác, lòng thương xót và sự tha thứ.[16]Từ bên trong các gia đình, niềm vui của tình yêu tràn lan ra khắp thế giới và toả chiếu cho toàn thể xã hội.[17] Một đạo đức học về tình huynh đệ và sống chung hoà bình giữa các cá nhân và giữa các dân tộc không thể cậy dựa trên lôgich của sự sợ hãi, bạo lực và tinh thần khép kín, nhưng phải dựa trên tinh thần trách nhiệm, sự tôn trọng và sự đối thoại chân thành. Từ đó, tôi bênh vực việc giải trừ vũ khí và việc cấm chỉ cũng như hủy bỏ vũ khí hạt nhân: sự răn đe hạt nhân và sự đe doạ chắc chắn hủy diệt lẫn nhau không thể được dùng làm nền tảng cho một đạo đức học như thế.[18] Tôi bênh vực với sự khẩn trương tương đương đối với việc chấm dứt nạn bạo hành trong gia đình cũng như nạn lạm dụng và xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Năm Thánh Lòng Thương xót kết thúc vào tháng Mười Một khuyến khích mỗi người chúng ta nhìn sâu vào nội tâm và để cho lòng thương xót của Thiên Chúa tuôn đổ xuống. Năm Thánh dạy cho ta hiểu ra được có biết bao nhiêu là cá nhân và tập thể xã hội rất đa dạng còn đang bị hờ hững dửng dưng, và là nạn nhân của bất công và bạo lực. Họ cũng là phần tử trong “gia đình” chúng ta. Họ cũng là anh em chị em của chúng ta. Chính sách phi bạo lực phải khởi sự ngay từ trong gia đình chúng ta, và từ đó lan toả ra toàn thể gia đình nhân loại.

“Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu mời gọi chúng ta đi theo con đường nhỏ của tình yêu, đừng bỏ mất một lời tử tế, một nụ cười hay một cử chỉ nhỏ bé nào có thể gieo vãi bình an và tình thân ái. Một khoa sinh thái học toàn diện cũng được tạo nên từ những cử chỉ đơn sơ hằng ngày có khả năng phá vỡ cái lôgich của bạo lực, thói bóc lột và tính ích kỷ.”[19]

Lời mời gọi của tôi

  1. Kiến tạo hoà bình bằng đường lối chủ động phi bạo lực là phần bổ sung tự nhiên và thiết yếu cho những nỗ lực liên tục của Hội thánh nhằm giới hạn việc sử dụng vũ lực bằng việc áp dụng những chuẩn mực luân lý. Hội thánh hành động như thế bằng cách tham dự vào hoạt động của các định chế quốc tế và bằng sự đóng góp tích cực của rất nhiều Kitô hữu vào công cuộc dự thảo luật pháp ở mọi cấp độ. Chính Đức Giêsu đã cho chúng ta một “sách giáo khoa” về chiến lược kiến tạo hoà bình này trong Bài Giảng Trên Núi. Tám Mối Phúc (x. Mt 5,3-10) cho ta một bức chân dung của con người có phúc, tốt lành và chân thực. “Phúc cho những ai hiền lành,” Chúa Giêsu nói với ta, “những ai biết xót thương, những ai kiến tạo hoà bình, những ai có tâm hồn thanh khiết, và những ai đói khát sự công chính.”

Đây cũng là một chương trình và một thách đố cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, các vị đứng đầu các định chế quốc tế, các nhà quản trị các doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông: áp dụng Tám Mối Phúc vào việc thực hiện các trách nhiệm của mình. Đó là một thách đố xây dựng xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp bằng cách hành xử như những người kiến tạo hoà bình. Đó là biểu lộ lòng nhân từ bằng cách từ khước sa thải nhân sự, tác hại môi trường, hoặc tìm cách thắng lợi với bất cứ giá nào. Để làm được như vậy đòi hỏi phải “biết sẵn sàng đối diện với điều mâu thuẫn phía trước, giải quyết điều đó và biến nó thành mối liên kết trong chuỗi của một tiến trình mới.”[20] Hành động theo cung cách này có nghĩa là chọn lựa tình liên đới như một đường lối kiến tạo lịch sử và xây dựng tình bằng hữu trong xã hội. Phi bạo lực chủ động là một cách biểu lộ rằng đoàn kết thì thực sự mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn xung đột. Mọi sự trong thế giới này đều liên hệ với nhau.[21] Chắc chắn những điều khác biệt đều có thể gây ra những va chạm, cọ xát. Nhưng chúng ta hãy đối phó với chúng một cách xây dựng và phi bạo lực, để cho “những căng thẳng và chống đối” có thể thực hiện một sự hợp nhất đa dạng hoá và đem lại sức sống”, bảo tồn được “những gì có giá trị và hữu ích về cả hai phía.”[22]

Tôi cam đoan rằng Hội thánh sẽ trợ giúp mọi nỗ lực kiến tạo hoà bình bằng đường lối phi bạo lực một cách chủ động và sáng tạo. Vào ngày 01 tháng Giêng 2017 này, bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện sẽ khởi sự những hoạt động của mình. Bộ này sẽ giúp Hội thánh tiến hành theo một đường lối hiệu quả hơn bao giờ hết “những lợi ích vô giá của công lý, hoà bình, và công tác chăm sóc thụ tạo” và sự quan tâm đối với “những người di cư, những người nghèo khổ, những người đau yếu, những người bị loại trừ và sống ngoài lề xã hội, những người bị tù đầy và những người thất nghiệp, cũng như những nạn nhân của những cuộc xung đột vũ trang, của những thiên tai, và của mọi hình thức nô lệ hoá và hành hạ con người.”[23] Mỗi một sự đáp ứng trên đây, dù khiêm tốn đến đâu, cũng góp phần kiến tạo một thế giới phi bạo lực, bước đầu tiên dẫn tới công lý và hoà bình.

Kết luận

  1. Theo truyền thống, tôi sẽ ký Sứ điệp này vào ngày 8 tháng Mười Hai, ngày Lễ kính trọng thể Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, là Nữ Vương Hoà Bình. Khi Chúa Con giáng sinh làm người, các thiên thần đã ca ngợi vinh danh Thiên Chúa trên Trời và chúc bình an dưới thế cho người thiện tâm (x. Lc 2,14). Chúng ta hãy cầu xin được sự dẫn dắt của Đức Maria.

“Tất cả chúng ta đều mong muốn hoà bình. Nhiều người hằng kiến tạo hoà bình hết ngày này qua ngày khác khởi từ những cử chỉ và hành động nhỏ bé. Nhiều người đang chịu đau khổ, tuy nhiên, họ vẫn bền đỗ kiên nhẫn trong nỗ lực của mình để làm những người kiến tạo hoà bình.”[24] Trong năm 2017, ước chi chúng ta có thể tận hiến bản thân chúng ta một cách sốt sắng và chủ động cho việc loại trừ bạo lực khỏi tâm hồn chúng ta, khỏi lời nói và hành động của chúng ta, và cho việc chúng ta trở nên những người phi bạo lực và kiến tạo những cộng đồng phi bạo lực biết chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta. “Không có gì là không thể nếu chúng ta hướng lên Thiên Chúa mà cầu xin. Mỗi người đều có thể là một người thợ kiến tạo hoà bình.”[25]

Từ Điện Vatican, ngày 8 tháng Mười Hai 2016

PHANXICÔ

–––––––––––––––

  1. Tông huấn Evangelii Gaudium, 228.
  2. Phaolô VI, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Hoà bình Đầu tiên, ngày 1 tháng Giêng 1968.
  3. “Truyện Ba Người Bạn”, Fonti Francescane, số 1469.
  4. Bênêđictô XVI, Buổi đọc kinh Truyền tinngày 18 tháng Hai 2007.
  5. Như trên
  6. Như trên
  7. Mẹ Têrêsa, Diễn văn nhận Giải Nobel, ngày 11 tháng Mười Hai 1979.
  8. Suy niệm“Con đường Hoà bình”, Nguyện đường Nhà Thánh Marta, ngày 19 tháng Mười Một 2015.
  9. Bài giảngtrong Lễ Tôn phong Mẹ Têrêsa Calcutta lên bậc Hiển Thánh, ngày 4 tháng Chín 2016.
  10. Số 23.
  11. Như trên.
  12. Diễn từtrước các Đại diện Tôn giáo, ngày 3 tháng Mười Một 2016.
  13. Diễn từtrước Hội nghị Thế giới lần thứ III của các Phong trào Đại chúng, ngày 5 tháng Mười Một 2016.
  14. X. Diễn từtại Buổi Gặp gỡ Liên tôn với Lãnh tụ Hồi giáo miền Caucase và các Đại diện Cộng đồng Tôn giáo, Baku, ngày 2 tháng Mười 2016.
  15. Diễn từtại Assisi, ngày 20 tháng Mười 2016.
  16. X. Tông huấn Amoris Laetitia, 90 – 130.
  17. X. như trên, 133, 194, 234.
  18. X. Sứ điệpgửi Hội nghị về Tác động Nhân đạo của Vũ khí Hạt nhân, ngày 7 tháng Mười Hai 2014.
  19. Thông điệp Laudato Si’, 230.
  20. Tông huấn Evangelii Gaudium, 227.
  21. X. Thông điệp Laudato Si’, 16, 117, 138.
  22. Tông huấn Evangelii Gaudium, 228.
  23. Tông thư – Tự sắc thiết lập Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện, ngày 17 tháng Tám 2016.
  24. Buổi đọc kinhLạy Nữ vương Thiên đàng, Bethlem, ngày 25 tháng Năm 2014.
  25. Lời kêu gọi, Assisi, ngày 20 tháng Chín 2016.

Chuyển ngữ từ bản tiếng Anh: Antôn Uông Đại Bằng

Hiệu đính: WHĐ

ĐGH Phanxicô

Tác giả:  Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Bản dịch của Antôn Uông Đại Bằng – WHĐ hiệu đính)

Lễ Mẹ Thiên Chúa

Lễ Mẹ Thiên Chúa

me-la-chia-khoa-thien-quoc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TIẾN TRÌNH TÍN ĐIỀU MẸ THIÊN CHÚA

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Con của Mẹ là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là Mẹ trong trật tự sản sinh nhân loại, nhưng Con mà Mẹ thụ thai và hạ sinh là Thiên Chúa, nên Mẹ phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Tín lý này đã được Phúc âm thánh Luca minh hoạ rõ ràng, và từ thế kỷ II đã được các thánh Giáo phụ Inhaxiô Antiokia, Irênêô, Cyrillô Alexandria, Augustinô, Epiphanô diễn giải sâu rộng để đối phó với lạc thuyết của các bè rối Gnosticism, Docetism. Thánh Gioan Tông đồ loan báo chứng thực rõ ràng rằng ngài đã từng mắt thấy, tai nghe và đụng chạm tới Chúa Giêsu là Ngôi Lời hằng sống đã xuất hiện , vậy mà các bè rối đó vẫn nói Chúa Giêsu chỉ là ảo tượng. Lạc thuyết này muốn phá đổ tự nền tảng công cuộc Cứu chuộc của Chúa Kitô. Vì thế, các Giáo phụ dựa trên tín lý phẩm chức Thiên mẫu của Mẹ Maria để phá tan lạc thuyết này rằng Đức Trinh Nữ không thể là Mẹ nếu không có Con. Và Người không có Con, nếu Chúa Giêsu chỉ là một bóng ma. Giáo phụ Tertulianô bác bỏ Marcion người lạc giáo: “Mục đích phủ nhận thân xác Chúa Kitô, ông chối bỏ việc Người sinh ra. Hay là để chối bỏ việc Người sinh ra, ông phủ nhận thân xác Chúa. Thân xác và sự đản sinh làm chứng lẫn nhau: Không có sự đản sinh thì cũng không có thân xác. Hoặc là không có thân xác thì không có sự đản sinh.

Khi thấy Chúa đi trên mặt biển và khi thấy Chúa hiện ra sau khi Người sống lại, các tông đồ tưởng Người là ma. Nhưng Người đã quả quyết: “Chính Thầy đây!” Như vậy Chúa Giêsu có thân xác thực sự sống động. Mà nếu thân xác Người là thân xác của Thiên Chúa bởi trinh huyết Đức Trinh Nữ Maria, thì Đức Maria phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Một thân xác là thân xác của Thiên Chúa lúc hiệp với ngôi Con Thiên Chúa là Thiên Chúa thật như Chúa Cha.

Sang thế kỷ III và thế kỷ IV, các thánh Giáo phụ đều đồng thanh cao rao chúc tụng Mẹ Thiên Chúa. Năm 325, Công đồng Nicêa I (nay là Iznik, bắc Thổ nhĩ kỳ) lên án lạc giáo Ariô, đồng thời định tín Ngôi Lời đồng bản thể với Đức Chúa Cha, và đặt kinh Tin kính (gọi là kinh Tin kính Nicêa đọc trong thánh lễ). Tín điều này chứng minh Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, cùng với tín lý Mẹ Thiên Chúa của các thánh Giáo phụ sẽ mở đường cho tín điều Mẹ Thiên Chúa của Công đồng Ephêsô sau này.

Đến thế kỷ V, trong khi tín lý Mẹ Thiên Chúa đang được các Giáo phụ rao giảng rất minh bạch và phấn khởi, thì Nestoriô, thượng phụ giáo chủ thành Constantinopôli lên tiếng trong các bài giảng phản đối, vì ông chủ trương rằng: Chúa Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa. Năm 430, một hội đồng tại Rôma lên án lạc giáo Nestôriô, và Đức Thánh Celestinô I viết một bức thư khuyến cáo Nestôriô. Nestôriô tâu xin hoàng đế Thêôdôsiô I triệu tập Công đồng Êphêsô năm 431. Nhưng Thánh Cyrillô, Thượng phụ giáo chủ thành Alexandria, được Đức Thánh Celestinô uỷ nhiệm chủ toạ công đồng gồm khoảng 250 giám mục Đông phương, một giám mục Tây phương và một phó tế thành Carthage cùng với ba đặc sứ của Đức Celestinô. Mặc dù sự phản kháng của 68 giám mục tán đồng lạc giáo Nestôriô và sự cản ngăn của Candidianô, sứ giả của hoàng đế Thêôdôsiô, Công đồng vẫn khai mạc ngày 22 tháng 6 tại đền thờ Đức Mẹ tại Êphêsô. Công đồng minh định Chúa Giêsu có hai bản tính nhưng chỉ có một ngôi vị duy nhất là Thiên Chúa. Mẹ Maria là Mẹ thật của Chúa Giêsu nên Mẹ thật là Mẹ Thiên Chúa. Rồi Công đồng long trọng tuyên tín: “Nếu ai không tuyên xưng Emmanuel là Thiên Chúa thật, và do đó Rất Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sinh ra xác phàm của Ngôi Lời nhập thể, thì mắc vạ tuyệt thông”. Đồng thời, các Nghị phụ ký giấy ra vạ cho Nestôriô: “Vì Chúa Giêsu Kitô bị Nestôriô xỉ nhục, Thánh Công Đồng này đã tuyên bố Nestôriô bị loại trừ khỏi chức phẩm giám mục và khỏi mọi hiệp thông linh mục”.

Tại Công đồng, Thánh Proclô thẳng thắn chống lạc giáo Nestôriô. Và Nghị phụ Giám mục Thêôdôtê Ancyre (446) triệt để ủng hộ Thánh Cyrillô và gắt gao tố cáo buộc tội Nestôriô rối đạo. Trong khi Công đồng đang diễn tiến, Thánh Cyrillô viết cho Giám mục Acaciô Beroea có nói đến năm giáo phụ cũng lên án Nestôriô: Đó là hai Thượng phụ Alexandria là Athanasiô và Thêôphilê, hai Thượng phụ Constantinopôli là Grêgôriô và Atticô. Và vị thứ năm là Thánh Basiliô. Sau này, Nestôriô bị đày vào đan viện Euprépia gần Antiôkia, rồi tại một ốc đảo bắc Aicập cho tới chết trong sự cố chấp và buồn bực.

Ngay chiều hôm đó, toàn dân thành Êphêsô phấn khởi nô nức thắp đuốc tưng bừng, rực sáng, tổ chức một cuộc rước đuốc vĩ đại reo mừng sự vinh thắng của Mẹ Thiên Chúa, và hoan hô các Nghị phụ Công đồng Êphêsô. Họ cũng đem đuốc hộ tống các ngài về đến tận nhà.

Tín điều Mẹ Thiên Chúa do Công đồng Êphêsô long trọng tuyên tín, như một luồng gió xuân tươi mát dịu dàng trào thổi từ Êphêsô sang khắp các miền Alexandria, Constantinopôli, Antiôkia, sang Rôma, khắp Âu châu rồi dần dần ra khắp hoàn cầu. Lòng sùng kính mến yêu Mẹ Maria thêm muôn phần phấn khởi đã được biểu hiện ra nhiều việc sùng mến Mẹ Thiên Chúa: Nhà thờ Đức Mẹ nơi diễn tiến Công đồng Êphêsô đã trở thành Vương cung thánh đường Mẹ Thiên Chúa.

Năm 432, Đức Sixtô III xây cất lại và cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả trên đồi Esquilinô tại Rôma mà Đức Liberiô xây cất năm 352 cho Mẹ Thiên Chúa, và nâng lên bậc Vương cung thánh đường.

Năm 451, Công đồng Chalceđônia cũng tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Đồng thời, Thánh Pulcheria nữ hoàng Byzantin, kiến thiết hai đền thờ Mẹ Thiên Chúa tại Constantinopôli. Năm 534, Đức Gioan II tuyên nhận Mẹ Maria là Mẹ thật của Thiên Chúa. Năm 553, Công đồng Constantinopôli II tái tuyên nhận tín lý chức phẩm Thiên Mẫu. Từ đó nhiều nhà thờ dâng kính Mẹ Thiên Chúa được xây cất tại Thụy sĩ, Hoà lan, Đức, Anh, và Pháp. Riêng Pháp có năm đền thờ Mẹ Thiên Chúa ở Reims, Coutances, Tours, Poitiers, và Toulouse. Ảnh tượng Mẹ Thiên Chúa cũng được phổ biến khắp nơi, đặc biệt là ảnh Mẹ Thiên Chúa do Thánh Luca minh hoạ. Tới nay rất nhiều hoạ sĩ vẽ ảnh hay nghệ sĩ tạc tượng Mẹ Thiên Chúa với nhiều kiểu, theo nhiều văn hoá dân tộc tuyệt đẹp. Và các Thánh tiến sĩ các nhà thần học, các Đức Giáo hoàng liên tiếp rao giảng và chúc tụng Mẹ Thiên Chúa.

Năm 1215, Công đồng Lateranô IV tuyên nhận Chức phẩm trinh trong Mẹ Thiên Chúa. Năm 1427 trong một bài giảng, Thánh Bênađinô đọc lời cầu nguyện: “Ave Maria Jesus, Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis”. Câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử” được đưa vào kinh do các nữ tu Dòng Đức Bà Tình Thương (Our Lady of Mercy) năm 1514, các đan sĩ Dòng Camaldolesia năm 1515 và Dòng Phanxicô năm 1525. Năm 1568, Đức Thánh Piô V chính thức xác định như chúng ta thường đọc ngày nay.

Công đồng Vatican II (1962-1965) dạy: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa… Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo hội.. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô”.

Nhờ Giáo huấn của Giáo hội và lời giảng dạy của các Thánh Giáo phụ, các Thánh tiến sĩ và các nhà thần học, giáo dân trong khắp Giáo hội mỗi ngày thêm vững tin tín điều Mẹ Thiên Chúa và sốt sắng sùng mến Mẹ.

  1. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

Bên Đông phương, lễ Mẹ Thiên Chúa được mừng đầu tiên tại Giêrusalem ngày 15 tháng 8, quãng năm 428, rồi lan sang Armenia và Gethsemania năm 458. Giáo hội Byzantin mừng vào ngày 26 tháng 12, và Giáo hội Coptic mừng vào ngày 16 tháng Giêng.

Bên Tây phương, tại Rôma, thoạt tiên lễ Giáng sinh cũng là lễ Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì khi hạ sinh Con Thiên Chúa trong xác thể, Đức Trinh Nữ cộng tác vào việc Thiên Chúa sinh ra Con Một Người từ muôn thuở. Bởi vậy thế kỷ XII, lễ Giáng sinh ban ngày được mừng trọng thể tại đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma. Theo Dom Botte, khoảng từ năm 600, lễ Đức Mẹ đầu tiên chính thức trong Phụng vụ Rôma là lễ ngày mồng một tháng Giêng là ngày tuần tám lễ Giáng sinh, nên Đức Bênêđictô XIV ấn định mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép cắt bì. Và lễ Đức Mẹ được dời vào tháng Tám. Nhiều nơi mừng vào Chúa nhật IV mùa Vọng hay ngày 18 tháng 12.

Thế kỷ VII, Giáo hội Tây Ban Nha theo sắc lệnh Công đồng Toleđô năm 656 mừng lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 18 tháng 12 trước lễ Giáng sinh tám ngày. Giáo hội Milan mừng Mẹ Maria chịu thai trinh vẹn vào ngày thứ tư bốn mùa tháng 12. Năm 1751, tại Bồ Đào Nha, lễ Mẹ Thiên Chúa được Đức Bênêđictô XIV ban phép mừng vào Chúa nhật thứ nhất tháng 5. Năm 1914, nhiều giáo phận và nhiều dòng tu được mừng vào ngày 11 tháng 10.

Năm 1931, để kỷ niệm 15 thế kỷ Công đồng Êphêsô tuyên tín Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Đức Piô XI ban hành thông điệp “Lux Veritatis” diễn giải tín lý Nhập Thể, do đó Đức Trinh Nữ Maria trở nên Mẹ Thiên Chúa. Đức Piô XI còn truyền dạy mừng lễ Mẹ Thiên Chúa trong khắp Giáo hội vào ngày 11 tháng 10.

Năm 1962, Đức Gioan XXIII khai mạc Công đồng Vatican II vào chính lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 11 tháng 10 để trao phó công cuộc đại sự này trong tay Thiên Mẫu vạn năng của Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ Giáo hội. Trước năm 1969 ngày mồng một tháng Giêng kính Chúa Giêsu chịu phép cắt bì. Năm 1969 trong chiều hướng canh tân Phụng vụ, Đức Phaolô VI đã đổi lễ Mẹ Thiên Chúa sang ngày 1 tháng Giêng.

III. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ

Đức Phaolô VI đặt lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày mồng một tháng Giêng đầu năm dương lịch, để tôn vinh Mẹ là Nữ Vương thời gian, cũng như Đức Piô XII đã đặt lễ Mẹ Nữ Vương vào ngày 22 tháng 8 để tôn vinh Mẹ là Nữ Vương không gian.
* Về không gian, Mẹ Maria là ngôi sao sáng soi khắp vũ trụ, làm bừng sáng các tầng trời và chiếu toả các âm phủ (Thánh Bênađô), vì Mẹ cao sang giáp giới tuyến vô biên Thiên Chúa (Thánh Tôma). Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được tham dự quyền thống trị với Chúa. Là Mẹ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Mẹ được thông phần vương quyền của Người để được tôn phong là Nữ Vương vũ trụ. Mẹ hấp thụ tất cả các ơn Chúa. Ân sủng không nhỏ giọt trên Mẹ, nhưng trào đổ trên Mẹ như một trận mưa dạt dào (Thánh Tôma). Do đó, Mẹ Maria thật là Nữ Vương không gian.

* Về thời gian, Vương quyền của Mẹ Maria đã có trong thánh lệnh muôn đời của Thiên Chúa trước khi đất trời được tạo thành (xem Cn 8:22-29). Trong thời gian, Vương quyền của Mẹ bừng sáng ngay từ thuở ban sơ, qua lời Thiên Chúa tuyên án con Rắn già hoả ngục: “Người Nữ sẽ đạp giập nát đầu mày” (St 3:15). Qua các thời đại, Mẹ vẫn giao chiến chống lại các bè rối, và Mẹ sẽ chiến thắng con Rồng đỏ trong ngày thế mạt (xem Kh 12:1-17). Vương quyền Mẹ sẽ kéo dài vô cùng tận, vì là Mẹ Chúa Kitô, Mẹ được tham dự vương quyền vô tận của Ngài (Lc 1:33) và tham dự thế lực cầu bầu của Ngài . Do đó, Mẹ Maria thật là Nữ Vương thời gian.

Thiên Chúa hằng hữu vô biên siêu thời gian. Ngài nâng Mẹ Maria là một thụ tạo hữu hạn lên, thông ban ưu phẩm siêu thời gian của Ngài để đem thánh lệnh cứu rỗi muôn thuở của Ngài vào thời gian, và do đó, đem Chúa Ngôi Hai hằng hữu siêu thời gian vào thời gian. Thiên Chúa thông ban cho Mẹ ưu phẩm siêu thời gian của Ngài, cho Mẹ được thông phần bản tính phong phú của Ngài, để Mẹ trở nên Mẹ Chúa Kitô, được thông phần bản tính tình yêu của Ngài và trở nên Mẹ các chi thể Chúa Kitô là chính chúng ta (Đức GM Bossuet). Mẹ Maria được Thiên Chúa vô biên ban cho chức phẩm Thiên Mẫu hầu như vô biên, để Mẹ kéo thiên tính vô biên xuống kết hợp với nhân tính hữu hạn. Mẹ trao nhân tính cho Chúa Ngôi Hai siêu thời gian để Người trở thành Con của Mẹ trong thời gian, và để Người thông ban cho Mẹ ưu phẩm siêu thời gian của Người. Thánh Tôma nói: “Vì là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Maria được chức phẩm như vô cùng do sự kiện Chúa là Thiên Chúa vô biên”.

Được tham dự vào ưu phẩm siêu thời gian của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã đưa Chúa Ngôi Hai siêu thời gian vào thời gian là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để Người cứu chuộc chúng ta, làm cho chúng ta được thông phần ưu phẩm siêu thời gian của Người, được trở nên con cái Thiên Chúa, trở nên em Chúa Giêsu và trở nên con của Mẹ.
Lạy Mẹ Maria yêu dấu! Phẩm chức Thiên Mẫu của Mẹ thật cao quí vì là do tác động của tình yêu: Tình yêu vô biên của Thiên Chúa đã tiền định Mẹ là Mẹ Người, một chức phẩm rất mực cao sang. Thánh Bonaventura nói “Chức phẩm Mẹ Thiên Chúa là một ơn lớn lao nhất được ban cho một thụ tạo. Thiên Chúa có thể dựng nên một thế giới lớn hơn, một thiên đàng lớn hơn, nhưng không thể nâng một thụ tạo cao hơn Mẹ Người”. Tình yêu nồng cháy của Chúa Thánh Linh đã làm cho Chúa Ngôi Hai hiện hoá hữu hình trở nên Con của Mẹ để yêu mến và được mến yêu. Tình yêu đặc biệt của Chúa Con đối với Mẹ là tình yêu thảo hiền từ muôn thuở và sẽ vô cùng tận: Chúa Giêsu luôn luôn là Con của Mẹ, và Mẹ mãi mãi là Mẹ của Chúa. Tình yêu duy nhất của Mẹ qua lời “tuân vâng” đã khiến Mẹ lãnh nhận làm Mẹ Chúa Cứu Thế và Mẹ loài người chúng con. Do đó, Mẹ yêu mến Chúa và yêu thương chúng con với tấm lòng Hiền Mẫu luôn luôn nồng thắm dịu êm và đậm đà, và khuyến khích chúng con phải hết tình thiết tha ngoan thảo yêu mến Chúa và Mẹ.

Chức phẩm Thiên Mẫu của Mẹ quả thật do tình yêu, vì tình yêu, và cho tình yêu, từ các tầng trời xuống khắp trái đất, từ muôn thuở tới muôn thế hệ. Do vậy, Mẹ rất xứng đáng được tuyên phong là Nữ Vương không gian và thời gian.

Trong bài giảng khai mạc ba năm chuẩn bị Đại Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II nói: “Khi làm người, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha, đã nhận lấy thời gian của chúng ta trong mọi chiều kích và Ngài hướng thời gian về vĩnh cửu. Thực vậy, vĩnh cửu là chiều kích của Thiên Chúa. Khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa cũng chấp nhận trọn vẹn thời gian của nhân loại, với nhân tính của Ngài, để dẫn con người qua mọi chiều kích của thời gian này hướng về vĩnh cửu, và cho con người được tham dự vào cuộc sống thần linh vốn là gia sản đích thực của Chúa Cha, Chúa Con, và Thánh Linh”.

  1. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

Bài đọc I: Dân số 6:22-27.

Sách này được chọn làm Bài đọc I lễ Mẹ Thiên Chúa vì hai lý do:
1. a) Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta được ba lời chúc lành của Chúa Cha (Ds 24, 25, 26);

  1. b) Chúa Con phản ảnh vinh quang Chúa Cha (Dt 1:3);
  2. c) Thánh Linh tỏ ra Chúa Con và chương trình muôn đời của Thiên Chúa (Ga 14:26; 15:26-27; 16:13-15).
  3. Lễ Mẹ Thiên Chúa trùng ngày đầu năm. Người ta chúc mừng nhau mọi phúc lành.

    Bài đọc II: Galata 4:4-7.

Thánh Phaolô trực tiếp nói về Đức Mẹ Maria. Câu 4: “Con Thiên Chúa được sai đến và sinh bởi người nữ” lược tóm lịch sử Cứu rỗi. Lý do là:

  1. Để cứu chuộc những người ở dưới Luật, Con Thiên Chúa cho ta được quyền nghĩa tử của Thiên Chúa.
  2. Thiên Chúa sai Thánh Linh Con Chúa đến trong lòng chúng ta, để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta không còn là nô lệ, nhưng là con, là thừa kế của Người. Thánh Phaolô cho chúng ta thấy rõ chương trình Cứu rỗi của Chúa nhờ Mẹ Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế.

Phúc âm: Luca 2:16-21.

Phúc âm trình chiếu cảnh Bêlem trong đêm Giáng sinh để cho thấy Đức Maria là Mẹ Đức Kitô là Thiên Chúa: Được các thiên thần hiện ra loan báo tin mừng Chúa Giáng sinh, các mục đồng hối hả đi tìm gặp Maria và Giuse cùng Hài Nhi nằm trong máng cỏ (2:16). Các mục đồng được loan áo tin mừng đầu tiên vì họ là hạng người hèn kém trong xã hội Do thái thời đó, nhưng tâm hồn họ đơn thật an vui. Họ đã đến, đã gặp gỡ Chúa Hài Nhi, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Họ hiểu được lời thiên thần loan báo. Họ đã loan báo tin mừng cho mọi người và vui mừng tôn vinh Thiên Chúa vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe (2:17-21).

L.m. Phêrô, CMC

Anh chị Thụ & Mai gởi