THỬ THÁCH VÀ LỰA CHỌN

THỬ THÁCH VÀ LỰA CHỌN

Trình thuật về các lần cám đỗ được coi như phần mở đầu giúp người tín hữu hiểu được điều sâu kín nhất trong tâm hồn Đức Giêsu.  Đó là một bản Tin Mừng thu gọn, một thứ hướng dẫn.  Những ai muốn hiểu rõ về cuộc đời công khai của Đức Giêsu, cần phải để ý điều này: nếu muốn hiểu biết điều gì trong đó, hãy luôn nhớ lại ba lựa chọn căn bản này của Đức Giêsu.

Cuộc thử thách và lòng trung thành

Thời gian 40 đêm ngày Đức Giêsu trải qua trong sa mạc đánh dấu việc khởi đầu một cuộc phiêu lưu, cuộc phiêu lưu của Giao Ước Mới.  Cuộc phiêu lưu này tái hiện quãng thời gian 40 năm dân Do-thái đã trải qua trong cuộc Xuất hành, đồng thời nhắc lại 40 ngày đêm ông Mô-sê đã ở trên núi Xi-nai.

THU THACH

Còn hơn thế nữa, khoảng thời gian này không chỉ là một cuộc khởi đầu, nhưng còn là một cuộc sáng tạo với những yếu tố như cuộc sáng tạo vũ trụ: sa mạc (miền đất trống rỗng, hoang vu), và sự thử thách.

Trong cuộc sáng tạo, A-đam đã phải chịu thử thách, đã đứng trước một lựa chọn, trong đó ông phải bày tỏ tự do của mình.  Cũng vậy, với biến cố hôm nay, với cuộc thử thách và lựa chọn trong sa mạc, Đức Giêsu đã bày tỏ tự do của mình, đã thể hiện sự gắn bó với Thiên Chúa, và cho thấy bản tính sâu xa của Người: Con Thiên Chúa và Con Loài Người.

Thực vậy, sa mạc và thử thách luôn là những cơ hội để bày tỏ lòng trung thành hay thái độ bất trung (A-đam, sự kiện con bò vàng …).  Lần đầu tiên trong suốt lịch sử cứu độ, Đức Giêsu thực hiện điều mà trước đây, cả A-đam lẫn ÍT-RA-EN không thể thực hiện: lòng trung thành với Thiên Chúa.

Nhờ sự trung thành với căn tính Con Người và Con Thiên Chúa, Đức Giêsu mở ra con đường cho Giao ước Mới, con đường đặt nền tảng trên lòng trung thành, một yếu tố mà con người có thể thực hiện được với nỗ lực và tự do của mình.  Và lòng trung thành này được biểu hiện qua việc nhìn nhận Lời Chúa là của ăn, nhìn nhận thánh ý Chúa Cha có giá trị ưu tiên tuyệt đối, nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất.

Một cuộc chiến đấu

 Con người vẫn thường nghĩ về Đức Giêsu như Đấng có uy quyền, Đấng bày tỏ các mầu nhiệm và thực hiện những điều lạ lùng.  Về phần mình, Đức Giêsu lại đề ra một cuộc chiến đấu.

Quả thực, qua các cám dỗ tại sa mạc, Đức Giêsu đã thể hiện trọn vẹn tính cách con người.  Mặc dù có thể, Người đã không sử dụng các phép lạ cho riêng mình để loại bỏ đi những yếu tố vẫn gắn liền với thân phận con người.

Đức Giêsu muốn uống lấy chén đắng, Người muốn cứu nhân loại chứ không cứu lấy bản thân mình.  Chính ý tưởng này còn đưa đến cho Người nhiều thử thách khác, không kém phần cam go, nhưng Người đã vượt qua.  Thử thách cuối cùng là cái chết, Người cũng đã đón nhận, bởi vì Người hiểu rằng, chính trong tâm tình tự hiến vì yêu thương, Người nhận lấy vinh quang của cuộc chiến đấu, đồng thời đem lại vinh quang cho tất cả những ai bền lòng vững chí.

Suốt cuộc đời của Đức Giêsu là một cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại sự dữ, chống lại quyền lực xấu xa đang đè nặng trên cuộc sống của con người.  Người muốn giải phóng họ khỏi những quan niệm, những cách sống đang làm vướng bận mối tương giao của họ với Thiên Chúa, hay làm cho mối tương giao đó không được trong sáng, không đạt tới ý nghĩa thâm sâu.  Chẳng hạn như sau khi chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng đã muốn tôn Người làm vua, nhưng Người đã lánh đi (Ga 6,15), hoặc khi Phê-rô lên tiếng can ngăn Đức Giêsu, xin Người đừng lên Giê-ru-sa-lem, Người đã không xiêu lòng trước thử thách, nhưng đã quyết liệt khước từ và nặng lời trách móc Phê-rô (x. Mt 16,23).

Như thế, Đức Giêsu không muốn sống an toàn, trái lại, Người lao vào một cuộc đấu tranh, chấp nhận những mất mát thua thiệt về phía mình, kể cả sự sống.  Người hiểu rằng, để khai sinh một nhân loại mới, một ý nghĩa mới cho cuộc sống của con người, cần phải chiến đấu, phải hi sinh, phải liều lĩnh.  Nếu không có can đảm vượt lên trên cái nhìn bình thường, vượt lên trên sự an toàn cho riêng mình, thì nhân loại không thể nào được cứu vớt, được giao hoà với Thiên Chúa.

Cuối cùng, cuộc chiến đấu này đã dẫn đưa Người tới cái chết trên thập giá, và Người đã chiến thắng nhờ sự Phục sinh.  Sự kiện này cho thấy rằng cuộc chiến đấu của Người không phải là vô nghĩa, và con người có thể đạt tới chiến thắng vinh quang nhờ lòng trung thành, nhờ thái độ tuân phục thánh ý Thiên Chúa.

Vì vậy, xét theo cái nhìn bình thường, Đức Giêsu đã hành động như là không yêu mến con người; Người đã mở ra một cuộc chiến và mời gọi họ dấn thân, chứ không đem đến cho họ sự an toàn.  Tuy nhiên, chính cuộc chiến do Đức Giêsu khởi đầu lại là con đường duy nhất để đạt tới vinh quang đích thực.  Trong cuộc chiến đấu của mình, Đức Giêsu đã liên đới với tất cả những người đau khổ, liên đới với thân phận làm người của nhân loại; Người hành động như thế vì yêu mến họ, yêu mến cách tận tình, muốn đưa họ tới sự sống chân thật.  Bình an do Đức Giêsu đem đến là bình an được chiếm đoạt bằng sức mạnh, bằng sự trung tín với Lời Chúa.

Chiến dấu từng ngày và suốt đời

 Ba cám dỗ, hay ba chọn lựa, vẫn thường xảy ra trong suốt dòng lịch sử.  Mỗi người sẽ gặp phải những thử thách và họ sẽ ngã gục như A-đam và dân It-ra-en, nếu họ không nhìn vào Đức Giêsu, và không noi theo gương của Người.

Cuộc chiến đấu ấy, thử thách ấy vẫn diễn ra cách này cách kia theo nhiều hình thức khác nhau; mỗi thời mang một vẻ khác, mỗi giai đoạn lại có vẻ tế nhị hơn, quyết liệt hơn, nhưng bao giờ cũng vẫn là sự chọn lựa giữa Thiên Chúa và trần gian.  Đó là một cuộc chiến đấu dài, rất dài, không bao giờ chấm dứt; người ta phải chiến đấu đến giây phút cuối cùng, mà không được quyền bỏ cuộc, rút lui.

Vậy, đâu là những thử thách vẫn thường xảy ra mà không khi nào Đức Giêsu nhượng bộ?

Thứ nhất: Con người được dựng nên không phải chỉ vì những lương thực trần gian.  Họ còn có những lương thực thiêng liêng và chính thứ lương thực này mới cần thiết.

Thứ hai: Con người được dựng nên không phải để cảm nghiệm về Thiên Chúa mà thôi.  Họ cần phải hiệp thông với Người, như một đứa con, với lòng tin tưởng tuyệt đối.  Đó không phải là mối tương giao đặt nền tảng trên lòng yêu mến.  Họ ở trong Người, không một chút nghi ngờ, không một khoảng cách.

Thứ ba: Con người được dựng nên không phải để thống trị anh em mình, không phải để bắt người khác thần phục mình.  Trái lại, mọi người đều là con một Cha; tất cả đều quy hướng về Thiên Chúa.  Hơn nữa, họ không được dựng nên để phục lạy các ngẫu tượng, nhưng là để thờ phượng Thiên Chúa:

Như vậy, vấn đề được đặt ra chính là căn tính của con người.  Họ được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Chí Thánh không ngừng làm cho họ nên giống hình ảnh của Người.  Đó là chương trình đã có từ thời sáng thế, và hôm nay vẫn đang được thực hiện.  Chương trình này vẫn đang bị đe doạ vì những ham muốn chống đối của con người, và Thiên chúa không ngừng bày tỏ lòng yêu thương của Người:

Chính trong việc cử hành Thánh Thể,

Đức Kitô ban mình làm lương thực để nuôi sống con người.

Đức Kitô xoá tan mọi khoảng cách và nghi ngờ,

Ngài đến ở với chúng ta qua việc rước lễ.

Đức Kitô quỳ gối trước mặt chúng ta,

rửa chân cho chúng ta,

biến chúng ta thành một dân biết phục vụ,

sắn sàng quỳ gối để rửa chân và giúp đỡ người khác.

Con người không được dựng nên cho riêng mình.  Cộng đoàn ngày Chúa Nhật là cơ hội để chúng ta thấy rõ căn tính của mình.  Trong cộng đoàn này, chúng ta chia sẻ với nhau những thành quả do cuộc chiến đấu của Đức Kitô, đồng thời trở nên hình ảnh của Thiên Chúa.

Đi vào Mùa Chay

là cùng với Đức Kitô

lao vào cuộc chiến đấu.

để bày tỏ lòng trung thành

đặt nền tảng trên Lời Chúa.

  G. Nguyễn Cao Luật

Langthangchieutim gởi

Mùa Chay là con đường của niềm hy vọng

Mùa Chay là con đường của niềm hy vọng

 Linh Tiến Khải – R. Vatican

Mùa Chay là thời gian ăn chay hãm mình để sống lại với Chúa Kitô, để canh tân căn tính được rửa tội của chúng ta, nghĩa là tái sinh từ “bên trên”, từ tình yêu của Thiên Chúa. Mùa chay là  lộ trình của hy vọng, là dấu chỉ bí tích của sự hoán cải, đòi hỏi nhiều dấn thân.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng 1-3-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã dựa trên trình thuật ơn gọi của ông Môshê như kể trong chương 3 sách Xuất Hành để khai triển đề tài “mùa Chay như con đường của niềm hy vọng”.

Ngài nói: Thật thế viễn tượng này trở thành hiển nhiên, nếu chúng ta nghĩ rằng mùa Chay đã được Giáo Hội thành lập như thời gian chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, và vì vậy tất cả ý nghĩa của thời gian 40 ngày này nhận lấy ánh sáng từ mầu nhiệm vượt qua mà nó hướng tới. Chúng ta có thể tưởng tượng Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta ra khỏi các tối tăm của mình, và tiến bước tới với Ngài là Ánh Sáng. ĐTC định nghĩa mùa Chay như sau:

Mùa Chay là một con đường hướng về Chúa Giêsu Phục Sinh, một giai đoạn của sám hối, hãm mình nhưng không phải là mục đích cho chính nó, nhưng là nhắm làm cho chúng ta chỗi dậy với Chúa Kitô, canh tân căn cước là tín hữu được rửa tội của chúng ta, nghĩa là tái sinh từ “trên cao”, từ tình yêu của Thiên Chúa ( Ga 3,3). Đó chính là tại sao muà Chay, tự bản chất của nó, lại là thời gian của niềm hy vọng.

** Để hiểu rõ hơn nó là gì chúng ta phải quy chiếu kinh nghiệm nền tảng cuộc xuất hành của dân Israel ra khỏi Ai Cập, như được Thánh Kinh kể trong sách Xuất Hành. Điểm khởi hành là điều kiện nô lệ bên Ai Cập, sự áp bức, các lao động cưỡng bách. Nhưng Chúa đã không bỏ rơi dân Ngài và lời hứa của Ngài: Ngài kêu gọi ông Môshê, và với canh tay uy quyền mạnh mẽ, Ngài cho dân Israel ra khỏi Ai Cập và hướng dẫn họ đi qua sa mạc tiến về miền Đất của tự do. Trên con đường từ nô lệ sang tự do đó, Chúa ban cho dân Israel luật lệ để giáo dục họ yêu Ngài là Chúa duy nhất, và yêu thương nhau như anh em.

Thánh Kinh cho thấy rằng cuộc xuất hành dài và vất vả, nó kéo dài một cách biểu tượng 40 năm, nghĩa là thời gian cuộc sống của một thế hệ. Một thế hệ mà trước các thử thách của lộ trình, đã luôn luôn bị cám dỗ tiếc nuối Ai Cập và trở lại đàng sau. Cả chúng ta tất cả cũng biết cái cám dỗ trở lại đàng sau. Nhưng Chúa luôn trung thành, và dân đáng thương ấy được hướng dẫn bởi ông Môshê đi tới Đất hứa. Tất cả con đường này đã thành toàn trong hy vọng: hy vọng đạt tới Đất hứa và chính trong nghĩa này nó là một cuộc “xuất hành”, một cuộc đi ra khỏi nô lệ tới tự do. Và đối với tất cả chúng ta 40 ngày này cũng là một đi ra khỏi nô lệ, khỏi tội lỗi để đến với tự do, để gặp gỡ Chúa Giêsu Phục sinh.

Mỗi bước đi, mỗi mệt nhọc, mỗi thử thách, mỗi té ngã, và mỗi đứng dậy, tất cả chỉ có nghĩa bên trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, là Đấng muốn sự sống cho dân Ngài chứ không phải cái chết, niềm vui chứ không phải khổ đau.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

** Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu là cuộc xuất hành của Ngài, qua đó Ngài đã mở ra cho chúng ta con đường để đạt tới cuộc sống tràn đầy, vĩnh cửu và hạnh phúc. Để mở ra con đường này, việc vượt qua này, Chúa Giêsu đã phải tự lột bỏ vinh quanh của Ngài, hạ mình, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Việc mở đường cho chúng ta đã khiến cho Ngài phải đổ tất cả máu mình ra, và nhờ Ngài chúng ta được cứu thoát khỏi nô lệ tội lỗi. Nhưng điều này không có nghĩa là  Ngài đã làm tất cả, và chúng ta không phải làm gì hết, rằng Ngài đã đi qua thập giá và chúng ta “đi vào thiên đàng bằng xe”. Không phải thế đâu. Sự cứu rỗi của chúng ta chắc chắn là ơn của Ngài, bởi vì là một lịch sử của tình yêu, nó đòi hỏi tiếng “có” của chúng ta và sự tham dự của chúng ta vào tình yêu của Ngài , như Mẹ Maria chứng minh cho chúng ta thấy, và sau Mẹ là tất cả các Thánh.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: mùa Chay sống cái năng động đó: Chúa Kitô đi trước chúng ta với cuộc xuất hành của Ngài, và chúng ta đi qua sa mạc nhờ Ngài và theo sau Ngài. Ngài bị cám dỗ vì chúng ta và đã chiến thắng Tên Cám Dỗ cho chúng ta, nhưng cả chúng ta nữa cũng phải cùng Ngài đương đầu với các cám dỗ  và thắng vượt chúng.  Ngài cho chúng ta nước của Thần Khí Ngài, và chúng ta phải kín múc lấy từ suối nguồn của Ngài và uống, trong các Bí Tích, trong lời cầu nguyện, trong sự thờ lậy. Ngài là ánh sáng chiến thắng bóng tối, và chúng ta được đòi hỏi dưỡng nuôi ngọn lửa nhỏ đã được tín thác cho chúng ta trong ngày chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội.

Trong nghĩa đó, mùa Chay là “dấu chỉ bí tích sự hoán cải của chúng ta” (Sách lễ Roma, Lời nguyện Chúa Nhật I mùa Chay); ai đi trên con đường mùa Chay, thì luôn luôn ở trên con đường con của sự hoán cải, của con đường từ nô lệ sang tự do, cần canh tân luôn luôn. Một con đường chắc chắn dấn thân, như đúng đắn phải là như thế, bởi vì tình yêu luôn luôn đòi hỏi dấn thân, nhưng là một con đường tràn đầy hy vọng. Tôi còn nói hơn thế nữa: sự xuất hành mùa chay là con đường trên đó chính niềm hy vọng được thành hình. Sự mệt nhọc đi qua sa mạc – mọi thử thách, các cám dỗ, các vỡ mông, các ảo tưởng – tất cả có giá trị rèn luyện một niềm hy vọng mạnh mẽ, vững vàng, theo mô thức niềm hy vọng của Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng giữa các tối tăm của cuộc khổ nạn và cái chết của Con Mẹ vẫn tiếp tục tin và hy vọng vào sự phục sinh của Ngài, vào chiến thắng của  tình yêu Thiên Chúa . Với con tim rộng mở cho chân trời này, hôm nay chúng ta hãy bước vào trong mùa Chay. Cảm thấy mình là thành phần của dân Thiên Chúa chúng ta hãy tươi vui bắt đầu con đường hy vọng này.

. ** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt các bạn trẻ đến từ Paris, Pignan, Saint Cloud, cũng như các tín hữu đến từ Thụy Sĩ và Bỉ. Ngài cũng chào các nhóm đến từ Nam Hàn, Hoa Kỳ và các nước nói tiếng Anh khác, cũng như các đoàn hành hương Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước châu Mỹ Latinh. ĐTC khích lệ mọi người sống Mùa Chay tươi vui trong tình bác ái đối với các anh chị em túng thiếu nghèo khổ. Chỉ như thế tín hữu mới thực sự cảm thấy mình là thành phần dân Chúa và anh chị em trong cùng một nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo Hội. Ngài cũng cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố họ trong niềm hy vọng vào tình yêu thương của Thiên Chúa là mối dây nối kết tất cả trong đại gia đình của Thiên  Chúa là Giáo Hội, cũng như trong gia đình của từng người và trong toàn xã hội.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài nói lễ Tro nhắc cho mọi người nhớ tới sự mỏng giòn của cuộc sống con người và của thế giới. Nó thôi thúc chúng ta nhìn vào giáo huấn của Chúa Giêsu, hoán cải tin vào Tin Mừng và hoà giải với Thiên  Chúa và với nhau.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào hội « Bạn của con tim » tỉnh Altamura, các học sinh các tỉnh Civitavecchia, Legnano, Cislago, Thiene và Cefalù, cũng như sinh viên học viện du lịch Livia Bottardi Roma, và trường kitô hoà lan Meppel. Ngài cầu mong cuộc gặp gỡ đầu mùa Chay khơi dậy nơi họ nỗ lực canh tân tinh thần bằng cách tham dự vào các buổi cử hành mùa chay và các chiến dịch quyên góp bác ái để trợ giứp các anh chị em nghèo túng đó đây trên thế giới.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, ngài xin Chúa chỉ cho họ con đường hy vọng và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ trong việc hoán cải đích thực, thanh tẩy tội lỗi và phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi tha nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Anh chị Thụ Mai gởi

Nụ Cười Của Bà Sarah

28 Tháng Hai

    Nụ Cười Của Bà Sarah

Kinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!

Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có con!… Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!

Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cười. Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cười. Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống… Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cười…

Cười, cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn… Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hài. Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân.

Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: “Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền”.

Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngài. Thánh nhân đã nói: “Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát…”

Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một ai…

Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: “Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột”.

Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.

Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.

Cuộc sống dù có trămnghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.

Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.

Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết.   Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô.

     Trích sách Lẽ Sống

MA QUỶ TẤN CÔNG

MA QUỶ TẤN CÔNG

 TRẦM THIÊN THU

Mùa Chay lại về, Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta kiểm điểm cuộc đời mình và xem xét mọi ngõ ngách của linh hồn, và cố gắng chấn chỉnh để phần nào đền bù tội lỗi của chính mình.

Chúng ta đang sống trong “vùng chiến tranh” nghiêm trọng, và khó tìm thấy hòa bình trong khoảng đó. Điều mà nhiều ngườikhó nhận ra, đó làcuộc chiến đấuxảy ra hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta ở ngay trong đầu chúng ta. Kinh Thánh cho biết:“Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc”(1 Cr 10:3-5).

Có những đồn lũy nào đó của ma quỷ vây hãm chúng ta hằng ngày mà chúng ta phải nhận biết. Cuộc chiến đang xảy ra trong tư tưởngcủa chúng ta và ma quỷ lợi dụng chính các nhược điểm đó để tấn công chúng ta. Hãy lưu ý 6 điểm dưới đây. Đừng coi ma quỷ là đồng minh, bởi vì nó xảo trá và quỷ quyệt, nó sẽ lừa dối bạn để bạn lọt vào tròng của chúng.

  1. KHI BẠN BỊ TỔN THƯƠNG

Ma quỷ sẽ tấn công bạn khi bạn yếu đuối, cả thể lý lẫn tinh thần. Chúa Giêsu bị tấn ma quỷ công sau khi Ngài đã ăn chay suốt 40 ngày. Kinh Thánh cho biết:“Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!”(Mt 4:2-3). Ma quỷ đã từng tấn công Chúa Giêsu vào một trong những lúc Ngài suy nhược nhất về thể lý. Có những ngưoi“chăm chút” sự yếu đuối của mình và giữ lấy nó. Nếu bạn là người như vậy, bạn sẽ không bao giờ tự do. Ma quỷ “bắt cóc” bạn và cầm giữ bạn.

  1. KHI BẠN MỆT MỎI

Bạn có thường uể oải hoặc mệt mỏi? Thiếu nghị lực và thiếu sinh khí thường là hậu quả của một cuộc tấn công “mở rộng”. Thật vậy, các vấn đề này có thể xảy ra từ các vấn đề khác, kể cả việc mất ngủ và thiếu sức khỏe. Tuy nhiên, một trong các dấu hiệu quan trọng nhất mà bạn bị tấn công tinh thần là lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, chính sự mệt mỏi khiến bạn chán nản và ngăn cản bạn làm những điều Thiên Chúa bảo bạn làm. Ngôn sứ Isaia cho biết:“Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo”(Is 40:30), nhưng chờ đợi Chúa bồi bổ sức mạnh và thể hiện sự khôn ngoan để có thể chờ đợi, nghỉ ngơi và cậy nhờ vào Thiên Chúa chứ đừng ỷ vào sức mình.

  1. KHI BẠN BẮT ĐẦU MỘT HÀNH TRÌNH TÂM LINH MỚI

Ma quỷ sẽ tấn công bạn  k hi bạn bắt đầu một quyết tâm mới về tâm linh. Không có gì nó ghét hơn là bạn quyết định thiết lập mối quan hệ với Thiên Chúa và phát triển đức tin. Ngày sau khi Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ, Ngài khởi đầu sứ vụ công khai. Kinh Thánh cho biết: “Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4:17). Nhận biết Chúa Giêsu sẽ bắt đầu sứ vụ, ma quỷ đã ráo riết tấn công Ngài, nhưng Ngài không thoái chí. Khi ban bắt đầu bất cứ một hành trình tâm linh nào, ma quỷ sẽ tấn công để phá hoại và làm cho bạn chia trí khi cố gắng sống thân mật với Thiên Chúa và mở rộng sứ vụ của Đức Kitô. Đừng để ma quỷ chiến thắng bạn!

  1. KHI BẠN BỐI RỐI

Ma quỷ sẽ tấn công bạn khi bạn thất vọng ê chề. Trong cuộc tấn công tinh thần, ma quỷ dùng nhiều mưu kế để đè nén tâm trí bạn và làm cho bạn cảm thấy thất vọng. Khi bạn ở trong vòng vây của nó, có thể bạn cảm thấy mình gặp nguy hiểm, lo lắng hoặc bối rối. Những lúc đó, cuộc đối thoại đơn giản với  người khác (cha mẹ, vợ chồng, bạn bè,…) có thể chuyển thành xung đột, và  ý tưởng đơn giản trong đầu của bạn có thể biến thành cảm xúc tiêu cực. Bạn cũng có thể cảm thấy  không còn là mình như trước. Điều này không chỉ ở trong đầu của bạn. Trong những lúc như vậy, điều quan trọng là bạn phải cố gắng tập trung vào Thiên Chúa.

  1. KHI BẠN ĐAU KHỔ

Ma quỷ sẽ tìm cách  quyến rũ bạn mau chóng chữa trị khi bạn đau đớn và đau khổ. Nó muốn bạn tin nó có mọi cách thức, chứ không phải Thiên Chúa. Nếu bạn gặp rắc rối trong các mối quan hệ, nó sẽ  cho bạn các lời lẽ và tư tưởng tồi tệ về người kia để làm cho mối quan hệ rạn vỡ nhiều hơn. Nếu bạn đang chiến đấu với bệnh tật, nó sẽ cố gắng làm cho bạn tin rằng   Thiên Chúa không hiện diện và chẳng quyết tâm những gì bạn đang chịu đựng. Nếu bạn tìm kiếm Thiên Chúa trong những lúc đó, ma quỷ sẽ làm cho bạn nghi ngờ rằng không biết Thiên Chúa thực sự có tốt lành hay không.

  1. KHI BẠN MỘT MÌNH

Ma quỷ sẽ tấn công bạn khi bạn có một mình   vì nó biết rằng bạn rất yếu đuối khi không có mặt người khác. Nó cũng cho rằng   đó là lúc bạn dễ sa ngã nhất. Kinh Thánh cho biết: “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4:1). Ma quỷ biết Chúa Giêsu ở một mình nên nó cám dỗ Ngài. Ma quỷ có thể biết được khi nào bạn cảm thấy cô đơn. Những lúc đó, nó muốn bạn tin rằng bạn hoàn toàn đơn độc. Đôi khi bạn cảm thấy như ma quỷ không bỏ mặc bạn một mình, rất cần phải nhớ rằngThiên Chúa luôn ở bên bạn!

  1. HÃY NHÌN LÊN THIÊN CHÚA

Nếu bạn là chi thể trong Nhiệm Thể của Đức Kitô, hãy chắc chắn rằng ma quỷ luôn cố gắng hủy hoại bạn. Khi mọi thứ không thể đổ lỗi cho ma quỷ, có nhiều điều chứng tỏ hậu quả công việc của nó và phải nhận biết khi nào ma quỷ hoạt động trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn không cảnh giác, nó có thể hủy diệt bạn và tách rời chúng ta ra khỏi Chúa Cha. Không có gì để ma quỷ yêu thương, nhưng khi bạn được bảo vệ và được canh giữ, bạn có sức mạnh để đẩy lui mọi cuộc tấn công của ma quỷ.

LESLI WHITE

TRẦM THIÊN THU

(chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Chuẩn bị Mùa Chay – 2017

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Cùng chiến đấu với Chúa Giê-su

 Cùng chiến đấu với Chúa Giê-su

(Suy niệm thứ tư lễ tro)

 Con người vốn mang xác thịt nặng nề, là mục tiêu cho ma quỷ và dục vọng tấn công và xâu xé. Chỉ một phút yếu lòng, thiếu canh phòng là con người bị sa ngã, bị hư hỏng và ươn thối.

Vua Đa-vít vốn là một vị vua khôn ngoan, sáng suốt, tài năng đức độ được liệt vào hàng thánh vương, thế mà chỉ vì hình ảnh của một phụ nữ xinh đẹp là Bát-sê-ba lọt vào tâm trí cũng đủ làm nhà vua chao đảo, rồi sa ngã, phạm tội cướp vợ người khác và giết luôn cả người chồng là U-ri-gia, đang khi anh ta đang anh dũng chiến đấu ngoài chiến trường để bảo vệ ngai vàng của vua! (II Samuen 11)

THU TU LE TRO

Ngay cả Sa-lô-môn, một vị vua có tiếng là khôn ngoan vô tiền khoáng hậu, nhưng cũng vì chiều chuộng các người vợ ngoại giáo nên đã xiêu lòng theo các tà thần của dân ngoại, xây đền thờ cho họ đối diện với núi thánh Giê-su-sa-lem và đã làm sự dữ trước mắt Gia-vê (I Vua 11, 1-13).

Nói chung, dù ở bất cứ địa vị nào, đẳng cấp nào trong xã hội và tôn giáo cũng có những con người danh giá cao trọng đã phải ngã gục thảm thương và hư thối: hư thối vì lòng tham, hư thối vì những bê bối tình dục, hư thối vì lạm quyền, độc đoán…

Thân phận giòn mỏng của con người

Triết gia Platon diễn tả thân phận con người “như cỗ xe có hai ngựa kéo.” Một con ngựa trắng kéo ta về đường lành, đang khi con ngựa đen luôn lôi kéo ta về điều dữ. Thế là con người luôn bị giằng co xâu xé bởi hai thế lực đối kháng nhau.

Ngay cả thánh Phao-lô là vị tông đồ rất nhiệt thành và thánh thiện cũng cảm thấy những dục vọng đen tối làm xáo trộn tâm hồn của ngài. Ngài than thở: “Điều lành tôi muốn, tôi lại không làm; trong khi tôi lại làm những điều tôi gớm ghét …thật khốn thân tôi!” (Roma 7,16)

Thân phận con người cũng như những viên bi tròn được đặt trên những mặt phẳng nghiêng. Sức nặng của viên bi lôi kéo nó lăn xuống thế nào thì cũng chính sức nặng của xác thịt và bản năng hư hèn cũng thường xuyên lôi kéo chúng ta xuống bùn như thế.

Thân phận con người cũng như thân phận chiếc thuyền bơi ngược dòng nước, nếu không vững tay lái, không mạnh tay chèo thì vô vàn đam mê, dục vọng và tham muốn thấp hèn như những dòng nước ngược chảy xiết sẽ dìm chúng ta vào trong dòng xoáy của chúng và xô đẩy chúng ta xuống vực thẳm.

Hãy cùng chiến đấu với Chúa Giê-su 

Sống là tranh đấu. Bao lâu còn chiến đấu, con người mới có thể tồn tại như một con người. Khi ngừng chiến đấu, con người sẽ bị suy thoái và không còn giữ được phẩm chất cao đẹp của mình.

Khi làm người, Chúa Giê-su cũng mang thân phận con người có xác thịt hoàn toàn y như chúng ta. Ngài cũng từng bị cám dỗ y như ta. Những cơn cám dỗ mà hôm nay chúng ta đang phải chịu thì Ngài cũng đã từng chịu, có khác là Ngài đã chiến đấu rất anh dũng, rất kiên cường, không bao giờ lùi bước trước mọi cám dỗ và thử thách. Nhờ đó Ngài luôn luôn chiến thắng và chiến thắng rất vinh quang. Thư Do-thái viết: “Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4, 15).

Lạy Chúa Giê-su,

Ý chí chúng con bạc nhược; xác thịt thì ươn hèn; trong khi đó, các đam mê tội lỗi thì mạnh như vũ bão cuồng phong… nên tự sức mình, chúng con không thể nào vượt thắng các thách thức và cám dỗ.

Vì thế, trong mùa chay nầy, xin cho chúng con tìm đến với Chúa nhiều hơn, gặp gỡ Chúa thường xuyên hơn qua việc cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận bí tích Sám hối và Thánh thể, để nhờ Chúa ban ơn trợ lực, chúng con khỏi bị ngã gục thảm thương nhưng được vững mạnh chống trả ác thần.

Linh mục Inhaxiô Trần  Ngà 

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

BƯỚC VÀO MÙA TẬP LUYỆN CHIẾN ĐẤU THIÊNG LIÊNG

BƯỚC VÀO MÙA TẬP LUYỆN CHIẾN ĐẤU THIÊNG LIÊNG

Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh, bằng nghi thức làm phép tro và mỗi người nhận tro trên đầu, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa: Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng, hoặc: Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi (SLRM).

Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta nghe văng vẳng bên tai lời Chúa mời gọi: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Joel 2,12).

LE TRO

Như thế, hai ý tưởng trong Mùa Chay Thánh luôn song hành với nhau, thứ nhất: chúng ta là những con người yếu đuối, tội lỗi; thứ hai: Thiên Chúa là Người Cha giàu lòng thương xót, Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài sẵn sàng tha thứ và ban cho chúng ta sức mạnh với tình thương.  Vì yếu đuối nên cần đến ơn Chúa, vì tội lỗi nên muốn được Chúa thứ tha, nhưng để lãnh nhận được ơn tha thứ thì cẩn phải trở về với Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong chay tịnh và nước mắt, hướng tới tha nhân.  Đó là ba việc phải làm trong Mùa Chay Thánh:

Ăn chay

Cầu nguyện

Và bố thí

Là ba việc cần phải làm trong Mùa Chay, vì nó diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em.  Tương quan với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay.  Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người kitô hữu.

Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là: nội tâm.  Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là hình thức bên ngoài.  Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thì là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa, chứ không phải cho người ta thấy.

Trước hết phải khiêm nhường

Ăn chay, tiếng La tinh là jejunium, nghĩa là: “tự nhịn bất kỳ thức ăn nào.”  Khi nhịn chay, con người nhận ra mình lệ thuộc vào Thiên Chúa, “hạ mình” trước mặt Chúa, vì cảm thấy mình mỏng giòn, yếu đuối  như tác giả Thánh vịnh nói: “Phần tôi, những ngày chúng đau yếu, tôi đã từng khoác áo nhặm vào thân, lại ăn chay để hãm mình phạt xác, lòng tôi ấp ủ câu kinh lời nguyện” (Tv 34, 13).

Khiêm nhường khi ăn chay còn để Chúa thấy rằng chúng ta chẳng là gì nếu không có Chúa và thiết tha kêu cầu Chúa: “Bấy giờ tất cả con cái Ít-ra-en và toàn dân đã lên Bết Ên; họ ngồi khóc tại đây trước nhan Ðức Chúa.  Hôm ấy họ ăn chay cho đến chiều.  Rồi họ dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an lên trước nhan Ðức Chúa” (x. Tl 20, 26); “Vua Ða-vít cầu khẩn Thiên Chúa cho đứa trẻ, vua ăn chay nhiệm nhặt, và khi về nhà ngủ đêm thì nằm dưới đất; Vua trả lời: “Bao lâu đứa bé còn sống, ta ăn chay và khóc lóc vì ta tự bảo: “Biết đâu Ðức Chúa sẽ thương xót ta và đứa bé sẽ sống!” (2 S 12, 16.22), nhất là nhận biết mình là tội lỗi, là hư vô và cầu xin ơn Chúa thứ tha: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Dn 9, 3).  Việc giữ chay thể xác chỉ có ý nghĩa khi nhịn ăn đi kèm với việc trách xa tội lỗi: “Chúng nói: “Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?”…  Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế?  Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Ðức Chúa?  Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? ” (x. Is 58, 1-12), nếu không nó chỉ là phô trương.

Đừng phô trương

Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Các người hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để cho thiên hạ trông thấy… khi các người bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng…  Các ngươi có bố thì, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc ngươi bố thí được giữ kín.  Và Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho người” (Mt 6, 1-6).

Trong Kinh Thánh, Chúa tố cáo mạnh nhất cái vẻ bề ngoài, hay là giả hình.  Vi khi giả hình, con người giáng cấp Thiên Chúa, họ đặt Ngài xuống hàng thứ hai, đặt tạo vật, công chúng lên chỗ nhất: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thí thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16, 7).  Trau dồi dáng vẻ bên ngoài của chúng ta hơn tâm hồn chúng ta có nghĩa là coi người phàm trọng hơn Thiên Chúa.

Như vậy, vẻ bề ngoài hay sự giả hình tự bản chất là một sự thiếu đức tin: nhưng đó cũng là một sự thiếu đức bác ái đối với tha nhân theo nghĩa nó có xu hướng qui những con người thành những kẻ say mê.  Sự giả hình không công nhận phẩm giá thích đáng của họ, nhưng thấy họ tùy thuộc hình ảnh của chính mình.  Thiếu đức tin và thiếu đức bác ái, việc làm sẽ trở nên vô ích, nên không có được công phúc gì.

Sống cậy trông vào Chúa

Sai lầm lớn nhất của nền văn hóa hiện nay là tin rằng con người có thể có hạnh phúc mà không cần Thiên Chúa.  Như thế khi loại bỏ điều sâu thẳm trong con người, người ta chối bỏ điều liên kết con người với Thiên Chúa là Đấng ban sự sống… theo Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là một tội ác, vì tước mất của người nghèo sự hiện diện của Thiên Chúa, mà cũng vì xem rằng con người có thể sống như thể không có Thiên Chúa, phủ nhận chiều kích thụ tạo và sự lệ thuộc của con người vào Thiên Chúa, không cậy dựa vào Chúa (x. Sứ điệp Mùa Chay 2014).

Người nghèo bị tước mất Thiên Chúa, và người giầu không cần đến Thiên Chúa, cả hai hạng người này đều được Giáo hội quan tâm.  Giáo hội nhìn đến những ai đang thiếu thốn, không chỉ do nỗi khốn khổ về tâm linh, vốn thường ẩn chứa trong lòng mọi người và làm cho họ day dứt, dù họ có nhiều của cải…  Khốn khổ vật chất là sống trong điều kiện không xứng với phẩm giá con người.  Khốn khổ luân lý là nô lệ cho thói xấu và tội lỗi, có thể dẫn đến khốn khổ vật chất, và luôn đi đến chỗ khốn khổ tâm linh, đó là khi người ta xa rời Thiên Chúa, khước từ tình yêu của Ngài.

Đó là lý do mùa chay năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta suy tư lời của thánh Phaolô : “Thực vậy, anh chị em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (2 Cr 8,9).  Sự giàu có đích thực của Chúa Giêsu là phận làm Con Thiên Chúa, đã nên người nghèo khó để chúng ta được làm con Thiên Chúa, trở nên giàu có nhờ sự khó nghèo của Ngài.  Con người giầu vì được làm con Thiên Chúa theo bản tính.  Con Thiên Chúa thấy cái nghèo của chúng ta, nên đã thi hành ý Chúa Cha, hạ mình nhập thể, chịu chết, sống lại để cứu chuộc chúng ta.  Chúng ta cũng thế, làm sao để cái nghèo của anh em chạm đến con tim chúng ta, hầu chúng ta có thế giúp người anh em ta đang khao khát ơn cứu độ (x. Sứ điệp Mùa Chay 2014).

Xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ những quyết tâm của chúng ta trong suốt hành trình của Mùa Chay Thánh này cho nên.  Amen.

Antôn Nguyễn Văn Độ

Langthangchieutim gởi

Tin Fatima: ”Chị Lucia” sắp được phong Chân Phước?

Tin Fatima: ”Chị Lucia” sắp được phong Chân Phước?

CHI LUCIA

Năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima sắp tới, liệu nhân vật lừng danh nhất và sống lâu nhất trong “3 đứa trẻ,” là Sơ Lucia dos Santos, còn được gọi một cách thân ái là “Chị Lucia”, sẽ có thểđược phong Chân Phước chăng?

Đó rõ ràng là mục đích cuả các giới chức Công Giáo Bồ Đào Nha, Giáo Hội Bồ Đào Nha vừa công bố vào hôm thứ 2 rằng hàng ngàn văn bản đã được thu thập để làm chứng cho sự thánh thiện của SơLucia.

Các tài liệu bao gồm hơn 15.000 bức thư, lời khai, và các tài liệu khác, sẽ được dùng để cổ động cho việc phong chân phước. Đức Giám Mục Virgilio Antunes cuả giaó phận Coimbra ghi nhận rằng, đểkiếm chứng số tài liệu này, họ đã phải mất hơn tám năm , vì chúng bao gồm nhiều thư từ cá nhân và chứng từ cuả hơn 60 người.

Hồ sơ đã được trình bày trong một buổi lễ tại tu viện cuả Sơ Lucia ởCoimbra và sẽ được gửi đến Toà Thánh để xin chấp thuận cho việc tiến hành bước tiếp theo của tiến trình phong thánh. Vụ việc này sẽđược Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét.

Nhắc lại vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, 2 anh em là Francisco và Jacinta Marto – 9 và 7 tuối – và người chị họ của mình là Lucia dos Santos, 10 tuổi, đã thả đàn cừu gặm cỏ ở gần làng Fatima cuả BồĐào Nha thì họ nhìn thấy cảnh tượng một người phụ nữ ăn mặc áo trắng tinh và cầm một chuỗi tràng hạt.

Sau cuộc xuất hiện đầu tiên đó, Đức Trinh Nữ Maria còn hiện ra với các trẻ vào những ngày 13 mỗi tháng từ tháng 5 cho đến tháng 10. Thông điệp cuả Đức Mẹ được tóm tắt là những lời kêu gọi hãy ăn năn, đền tạ và cầu nguyện.

Năm 1930, Giáo Hội Công Giáo tuyên bố sự siêu nhiên của các cuộc hiện ra và một ngôi đền thờ đã được dựng lên tại Fatima. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đến viếng thăm ngày 13-5-1967, và sau đó làcác Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Benedictô XVI.

Thánh Gioan Phaolô II đã có một lòng sùng kính đặc biệt mạnh mẽvới Đức Mẹ Fatima. Sau vụ ám sát năm 1981, Ngài tuyên bố sự sống của mình đã được cứu thoát nhờ sự can thiệp kỳ diệu của Đức Mẹ. Như là một dấu hiệu của lòng biết ơn, Ngài đã đặt viên đạn cuả vụ ám sát vào vương miện của Đức Mẹ. Trong dịp đó Ngài nói:

“Xin hãy cầu nguyện cho người anh em đã bắn tôi, người mà tôi đã chân thành tha thứ. Hiệp thông với Chúa Kitô, là một linh mục và cũng là nạn nhân, tôi xin dâng những đau khổ của tôi cho Giáo Hội và thế giới.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có kế hoạch đến thăm Fatima trong tháng 5 để kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra.

Hai người em họ cuả Sơ Lucia, Francisco và Jacinta Marto, đã qua đời khi còn trẻ vì chứng viêm phổi và được phong chân phước vào năm 2000.

Sơ Lucia qua đời năm 2005 lúc được 97 tuổi tại tu viện kín ở Coimbra.

ĐỪNG ĐỔ THỪA CHO CHÚA

ĐỪNG ĐỔ THỪA CHO CHÚA

Tôi có thói quen hay cắt nghĩa tất cả mọi sự đều do Chúa định.  Thói quen đó được tôi dùng như một giải pháp đạo đức dễ dàng để trấn an lương tâm.

Đối với những điều lành xảy ra, thì lối cắt nghĩa đó không gây thắc mắc.  Nhưng đối với những điều dữ, thì nhiều khi tôi nghĩ rằng lối giải thích đó hơi mơ hồ.

Chẳng hạn tôi bị ghẻ, tôi cho là do Chúa định.  Nhưng thực ra cũng có thể là do tôi không giữ vệ sinh.

Tôi nghèo, tôi cũng bảo là do Chúa muốn.  Nhưng thực ra cũng có thể là do tôi không biết làm ăn.

Tôi thấy chiến tranh tàn phá làng tôi, cướp mất gia đình tôi.  Tôi cho là do Chúa định.  Nhưng thực ra cũng có thể là do tội những người lãnh đạo chiến tranh.

Tôi thất bại trong chuyện đời, đạo.  Tôi cho là tại Chúa xếp đặt như thế. Nhưng thực ra cũng có thể là vì tôi đã thiếu tài thiếu đức.

Tôi thấy Xứ Đạo tôi, Địa Phận tôi, Giáo Hội tôi có những khuyết điểm lớn nhỏ.  Tôi cho là Chúa an bài như vậy.  Nhưng thực ra cũng có thể là tại lỗi lầm của tôi, của các bề trên tôi, của anh chị em đồng đạo và của cả cộng đoàn Kitô hữu.

Tôi không nên đổ thừa cho Chúa các tội lỗi và hậu quả tội lỗi của chính tôi và của người ta.

Tôi không nên gán cho Chúa những sự không thể hợp với sự thánh thiện, khôn ngoan và tình thương vô cùng của Chúa.

Tôi không nên lôi Chúa ra để bắt Chúa lãnh chịu những cái dở do tôi và người khác đã dại dột gây ra.

Tôi phải nhận rằng: trên đời này chỉ có Đức Giáo Hoàng là không sai, và Ngài chỉ được ơn không sai lầm trong một số trường hợp rất hiếm hoi, đó là khi Ngài phán quyết điều gì về đức tin và phong hóa nhân danh đại diện Chúa Kitô.

Chỉ có thế thôi.  Còn ngoài ra, mọi người đều có thể sai lầm trong bất cứ phương diện nào.  Lỗi lầm là điều thường tình theo sát thân phận con người.  Ai dám nói rằng: Cả đến Tòa Thánh cũng có thể tránh được hoàn toàn mọi lầm lỡ thiếu sót.

Nhìn nhận những sự thật đó mới là lương thiện.  Đừng đổ thừa cho Chúa những điều mà chẳng ai muốn nhận là của mình.  Oan cho Chúa quá!

Đã hẳn, Chúa quan phòng mọi sự.  Nhưng sự quan phòng của Chúa được thực hiện với sự cộng tác tự do của con người.  Chúa có chương trình của Chúa.  Nhưng Chúa không ngăn trở người ta làm sai chương trình của Chúa.  Chúa không cưỡng bách ai, kẻo họ mất hết tự do, hết trách nhiệm và hết điều kiện để thưởng phạt.

Vì thế, bao nhiêu sự không hay đã xảy ra rõ ràng không phải do Chúa.  Chỉ tại người ta đã thiếu cộng tác vào ý muốn của Chúa.

Nếu chân thành nhìn nhận như thế, rồi cố gắng sửa sai bằng cách rút ra từ những lỗi lầm đó các bài học hữu ích, đồng thời nỗ lực cộng tác với ơn Chúa mà vươn lên, thì đó mới là điều người ta quen nói: “Mọi sự đều có thể trở nên tốt cho những người có lòng mến Chúa.”

Nhưng để biết lợi dụng thất bại, thì cũng cần và càng cần cộng tác sự tự do của con người vào ơn Chúa.  Nếu không, thì thất bại vẫn chỉ là thất bại, hay có thể trở thành thất bại nặng nề hơn.  Nguyên nhân cũng lại do tại con người đã không cộng tác vào chương trình của Chúa.

Lạy Chúa, con nhìn nhận rằng: Tất cả mọi sự xấu xảy ra ở trần gian này đều phát xuất do tội lỗi con người đã thiếu cộng tác với ơn Thánh Chúa.  Lỗi của tổ tông, lỗi của riêng con, lỗi của người khác.  Con dốc lòng từ nay sẽ cố gắng cộng tác với ơn Thánh Chúa, để mọi chương trình Chúa muốn về con được hoàn toàn thực hiện.  Amen!

GM Bùi Tuần

Mạng Lưới Dũng Lạc

Langthangchieutim goi

Có hoa nào qua mùa không héo?

Suy Tư Tin Mừng Trong tuần thứ 8 thường niên năm A 26/02/2017

Tin Mừng: (Mt 6: 24-34)

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được. Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

“Có hoa nào qua mùa không héo?”

“Có tiếng nào, giàu đẹp hơn không?”

(dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)

Mai Tá lược dịch

Hoa nào lại không héo, vào mùa Đông? Tiếng nào giàu/đẹp hơn Lời Vàng được thánh Mátthêu Tin Mừng những ghi chép? Lời Vàng thánh Mátthêu Tin Mừng ghi, là hoa tươi, là tiếng nói giàu/đẹp thánh nhân đưa vào trình thuật truyện kể và bài giảng lấy hứng từ Tin Mừng thánh Mác-cô. Và, đó cũng là điều mà hầu hết các nhà chú giải đều đồng ý. Tuy nhiên, vẫn có những đoạn trình thuật mang tính chất rất riêng tư như thánh Mátthêu đề cập đến ở Lời Chúa, rất hôm nay.

Điển hình hơn cả, là: đoạn trích được thánh sử rút từ sách Ysaya, nhằm

phản ánh truyền thống sống động về sinh hoạt của Đức Giêsu và về Lời dạy rất thánh, của Ngài. Các đoạn trích tập trung nơi Tin mừng thời tiên khởi. Thời này, đã tràn lan xuất hiện các chỉ thảo có từ Sách Tanak như: thánh vịnh, Đệ Nhị Luật và Sách ngôn sứ Ysaya. Xem thế, ta có thể kết luận là: cộng đoàn Mát-thêu ngay từ đầu, đã thủ đắc các phó bản của sách Ysaya này.

Tuy là thế, Mátthêu đây vẫn dùng đến sách của các ngôn sứ khác, nhưng chỉ để hỗ trợ cho việc trưng dẫn sách Ysaya, trong chủ đích này. Tin Mừng thánh nhân ghi, tuy không trích dẫn từng lời nói của vị ngôn sứ, nhưng thánh nhân cũng sử dụng nhu liệu làm nền từ vị ngôn sứ này. Vì thế, có thể nói: thánh Mát-thêu nhận ra Đức Giêsu là Đấng đã thực thi những gì được ngôn sứ nói, từ thời Cựu Uớc.

Điều mà thánh nhân nhấn mạnh, là: bảo vệ niềm tin của cộng đoàn mình đặt nơi Chúa. Và từ đó, xác tín rằng chính Đức Giêsu là Đấng Mêsia, như chủ thuyết Giuđa minh định. Ngang qua sách Ysaya, thánh sử có nói về 3 chủ đề chính ngõ hầu hỗ trợ cho lập trường được nhắm đến, là: Tạo Dựng Mới. Tin Mừng Cứu Độ ở nơi Chúa. Và, Trở về từ đất miền lưu đày, ngang qua sa mạc.

Ngoài ra, Mátthêu Tin Mừng còn chứng minh điều mà Đức Giêsu nói: Ngài là Đấng Tạo Thành Mới. Tin Mừng là Tin Vui Cứu Độ gửi đến mọi người. Nếu ai cũng biết đặt mình vào Tạo Dựng Mới, sẽ chẳng còn ai phải lưu đày ở chốn khách này, nữa. Thế nên, thánh nhân coi Tin Mừng do mình viết, là một Khởi Nguyên mới. Là, công việc mới mẻ để mọi người hiểu rằng: Chúa đã và đang thực hiện vai trò Luật gia Torah rất đích thực. Và, những gì khi xưa sách Ysaya xưa đã đề cập, nay thành hiện thực nơi Ngài. Và, sự thực ấy, nay trải dài ở Tin Mừng của thánh nhân, ít là ở 10 bản văn.

Bản văn đầu, về Gia Phả, Mátthêu muốn minh định: lời ngôn sứ loan: “Nhà Đavít có Vị nối dõi tông đường nay đã thể hiện nơi Đức Kitô”. Loan báo, là loan và báo khác hẳn gia phả giòng tộc vua quan khác ở Đamát, Samari và Assyri (Is 7: 10, 9: 11). Vì thế, thánh nhân kể rõ từng chi tiết trong gia phả của Chúa. Và, việc Đức Mẹ đưa Hài Nhi Giêsu qua Ai Cập là để xác chứng rằng lời Chúa hứa giúp dân Do thái thoát khỏi ách nô lệ để trở về, nay đã thành chuyện có thực.

Bản văn thứ hai chứng minh thêm một điều, là: ngôn sứ Ysaya hứa giải cứu dân Do thái thoát ách nô lệ ngoại bang để trở về, nay hiện thực hiện ngay nơi hoang vắng có Chúa nguyện cầu. Đây, còn là chốn miền để Chúa gặp gỡ Cha Ngài. Ở Tin Mừng, Mátthêu nói nhiều về chốn hoang sơ/sa mạc ở Giuđêa, nơi đó thánh Gioan Tiền Hô từng rao báo những điều đã ghi ở sách Ysaya ở chương 40.

Với Ysaya, dân Do thái trở về, là về từ nơi chốn lưu lạc bên Ai cập, ngang qua chốn hoang vu sa mạc. Và trở về mà hoàn tất ơn cứu độ nhờ Đức Chúa dẫn dắt như vị Chủ chăn. Tổ phụ Môsê, vị chủ chăn từng giúp dân Do thái vượt biên/vượt biển thành công được, cũng nhờ có sự trợ giúp của Thần Khí Chúa. Với Tin Mừng, Mátthêu Tin Mừng kể về việc Chúa chấp nhận dìm mình dưới nước sông Giođan, để rồi dẫn dắt dân con Ngài vào chốn hoang vu, nhờ đó Thần Khí Chúa biến Ngài thành Con Thiên Chúa Hằng Sống. Ở Tin Mừng, Đức Giêsu là Môsê Mới cũng sử dụng lời lẽ từ sách Đệ Nhị Luật để đuổi xua tên cám dỗ sừng sỏ dám thách đố Ngài. Và, Ngài nói đến “chốn núi cao”, như Cựu Ước từng nói.

Bản văn thứ ba, đem đến cho người đọc nguồn ánh sáng chiếu rọi trên dân con Chúa. Họ đón nhận ánh sáng ấy nếu biết ứng dụng Luật Torah theo tinh thần Chúa sáng soi (Is 9: 4). Động lực ‘ánh sáng’ đưa mọi người đến ý nghĩ về “cặp mắt xấu” (tức lòng tham vô đáy) và năng lượng tạo lửa ngọn hực cháy. Tạo nên đá tảng cho an bình nội tâm, càng thêm vững.

Bản văn thứ tư gợi ý nói về Người Tớ Khổ Đau. Tức, tập trung vào nỗi khốn khổ, đớn đau của con người. Từ đó, thánh nhân diễn rộng thành truyền thống coi Chúa là Vị Thày Chữa Lành mọi sự. Các chương 8 và 9 gồm 10 trình thuật nói về việc Chúa chữa lành. Tất cả chia thành hai nhóm, mỗi nhóm gồm 5 trình thuật truyện kể. Mỗi nhóm, nói đến người bị ruồng bỏ như trẻ nhỏ, kẻ goá bụa và những người được chữa đến hai lần. Tất cả, nói lên lý lịch của Chúa là Đấng Mêsia, rất đích thực. Rõ nhất, là vai trò Chủ Chăn của Chúa (như vua Đavít), rút từ sách Isaya chương 53. Và từ đó, Chúa nói đến chiên lạc nhà Israel. Rồi, Ngài diễn rộng bằng bài thuyết giảng về sứ vụ rao báo, ngõ hầu giúp tông đồ Ngài trở nên sứ giả chuyên phổ biến Tin Vui An Bình, ngang qua trình thuật kể về nỗi khổ đau của Tôi Tớ Đau Khổ.

Bản thứ năm trích nhiều từ đoạn 42, qua đó người đọc thấy được lý lịch của Chúa như Con Người. Và, như Người Con của Giavê Thiên Chúa, Đấng sẽ đến lại vào ngày Quang Lâm. Đức Chúa của ngày Sabát, là Con vua Đavít, vẫn cao sang hơn đền thánh. Hơn Yôna, Salômôn khôn ngoan/quyền quý mà mọi người quý trọng. Với Mátthêu, cung cách của Người Tớ Khổ Đau nói ở Cựu Ước được đánh giá cao qua công việc Ngài làm. Việc này, còn được diễn bày rất nhiều, về sau. Nhưng trước mắt, thành công đạt được là nhờ Thần Khí Chúa dẫn dắt. Và Mátthêu định danh Thần Khí Chúa như Nguồn Mạch chữa lành và trừ tà.

Bản văn thứ sáu, là trình thuật về lời mời gọi Ysaya trở thành ngôn sứ. Lời mời, ăn khớp với việc Chúa quan phòng dẫn dắt dân con Ngài ngang qua lưu đầy, khốn khổ. Thời đó, các nhiệm tích được chuyển tải theo cung cách kín ẩn cho đến khi dân con kết cuộc mọi lưu lạc, trở về thành “hạt giống thánh”. Hạt giống đâm chồi nảy lộc ngay trên đất của mình. “Hạt Giống Thánh Thiêng” đây, là Đấng Mêsia thuộc giòng họ rất Đavít.

Bản văn thứ bảy, rút từ chương 29 được thánh Mát-thêu coi như cảnh tình của dân con mọi người có nghe biết, mà chưa hiểu. Và, thánh nhân diễn rộng điểm này ở chương 6. Ở Isaya 29, toàn bộ thị kiến của ngôn sứ là sách quí dành cho cả người không biết đọc, lẫn người học rộng. Bởi, Chúa giấu kín mọi nhiệm tích khỏi người khôn ngoan. Ngài khiến kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, để họ hiểu rõ những gì mình nghe và biết, điều quan trọng hơn là lập đi lập lại giới luật do Pharisêu và Xađốc quảng bá. Chính vì thế, Mátthêu đưa ra các khích bác về Lời của Chúa, cho người thời đại, cả đến hôm nay.

Truyền thống Giáo Hội liên kết các khích bác ấy với trình thuật Chúa làm dấu lạ qua nhân rộng 5 chiếc bánh và hai con cá, cho cả ngàn người no đầy. Đây là chi tiết rất ăn khớp với truyện kể ở Isaya 29, câu 8 khi tác giả sách ngôn sứ kể về người đói bụng chìm trong giấc mơ tuy ăn nhiều nhưng không mãn nguyện. Và, qua trình thuật phép lạ về bánh và cá, Mátthêu Tin Mừng muốn đề cập đến việc Chúa chữa lành cho cả người điếc lẫn người mù, khiến họ thoả mãn, thích thú.

Bản văn thứ 8 là chương 68-69, tóm lược từ đoạn Zakaria 9, được thánh Mát-thêu sử dụng cốt ý nói đến việc Chúa về với Giêrusalem. Chủ đề này, là để đền bù đáp ứng lòng thù hận; lấy xót thương, tử tế, sẻ san nỗi thống khổ mà đoàn dân quay trở về từ đất miền lưu lạc, nay cảm nghiệm. Đavít xưa tuy toàn thắng nhưng vẫn khiêm hạ. Ông quyết ngồi trên lưng lừa, chứ không dùng ngựa, bởi ngựa bị cấm không được trở về với Giêrusalem. Nhất nhất mọi điều nói lên lòng xót thương/khiêm hạ của Đấng chủ chăn cộng đoàn.

Bản văn thứ 9 là từ Ysaya 56 đặt nặng nhu cầu bảo vệ công lý/chính trực cho kẻ thấp cổ bé họng, những người bị bỏ rơi, cô quạnh. Ngài có nói: đền thờ là nơi nguyện cầu, dành cho hết mọi người. Đối nghịch tính đồi bại, nguy hại của thể chế rất thành văn, của tôn giáo. Điều này đuợc nhắc đến ở Gêrêmia 7, là sách nói đến sào huyệt của dân cướp cạn. Bởi, ở nơi đó, họ thực hiện những bất công, cùng tệ nạn sùng bái ngẫu thần và cả chuyện hy sinh giết trẻ nhỏ để tế lễ. Các sự kiện cuối đời hoạt động của Chúa, soi rọi quanh chủ đề cánh chung, ngày Chúa đến lại, trong vinh quang mai ngày.

Và, bản văn 10 từ Isaya 53: 4-6, cho chí Is 52: 13 và 53: 12, được thánh Mát-thêu sử dụng để tóm kết đoạn sách Gerêmia 13: 7. Mátthêu dùng chương này, cốt để nói lên cố gắng của Chúa Chiên Lành là Đức Giêsu trước âm mưu ám hại Ngài. Chúa vẫn âm thầm, câm nín như chiên con đi vào lò sát sinh. Chủ đề, thấy rõ ở sách ngôn sứ Gêrêmia, qua đó vị chủ chăn bị đánh, chiên con chạy tán loạn. Ở Tin Mừng, Mátthêu thánh nhân thêm vào đoạn nói ở sách Ysaya, qua đó cho biết Đức Giêsu sẽ trỗi dậy từ cõi chết. Và, Ngài về lại Galilê là để gặp gỡ hết mọi người, cả tông đồ cũng như dân con, hằng mong đời.

Nói cho cùng, hai sách Đệ Nhị Luật và Ysaya gộp lại thành tấn thảm kịch diễn lại sự giải thoát dân Israel, qua Cyrus và dân con người Ba Tư. Nhưng Mátthêu dùng sách, để trình bày về Đức Giêsu là Đavít Mới. Là, Đức Vua. Là, Thi nhân Đavít Mới quyết đem mọi điều tích cực đến với mọi người. Chứ Ngài không chỉ dành ân huệ cao quí ấy cho mỗi dân Do thái. Đavít không chỉ là vua quan/lãnh chúa, mà còn là “nhà thơ” từng chứng kiến mọi đổi thay nơi dân mình, qua các thánh vịnh do ông sáng tác. Ở đó, có sự nối kết giữa Đavít toàn thắng về binh bị với Đavít chuyên gia âm nhạc và thơ. Tất cả, đều là ý của vị ngôn sứ.

Đức Giêsu, đích thực là hậu duệ của “thi sĩ” Đavít. Ở nơi hoang vu, Ngài học hát những bài ca của Môsê. Là Môsê Mới, Ngài chữa lành hết mọi người bằng thi ca/âm nhạc, biến Giêrusalem là chốn Ngài lấy lại, thành Vương Quốc Nước Trời. Nước Trời, không theo nghĩa của trần gian mà là sự công chính. Vương quốc của Ngài biến thành bài ca/giọng hát, cho muôn người. Trên thập tự, “vương quốc” bình thường đã qua đi. Nhưng, nhờ sống lại, “Nước Trời” ấy trổi lên thành thi ca/âm nhạc vượt quá văn xuôi, rất tầm thường. Từ đó, thánh Mát-thêu đã lấy lại chất thơ rất Ysaya. Bởi, Đức Giêsu đã cấu trúc Giuđêa lại, qua cung cách rất thơ của ngôn sứ Ysaya.

Xem thế thì, Đức Giêsu là hậu duệ của nền thơ Đavít. Thứ thi ca đã kinh qua hoang vắng, và qua cả cốt cách Môsê, rất đổi mới. Ngài là Đấng chiếu sáng muôn dân bằng thơ. Chữa lành mọi người bằng nhạc, chứ không thuần mỗi chính trị, hoặc, binh bị cho mọi người, cả những người đang có, lẫn các kẻ còn thiếu thốn. Nơi Ngài, Nhà Thơ Tối Cao, Thiên Chúa đã đến để lấy lại Giêrusalem vì mục đích cao cả hơn chính trị.

Công lý, hoà bình và ơn cứu độ sẽ theo đó mà về với mọi người, chứ không chỉ với một dân tộc. Dù dân tộc ấy đã được chọn. Trên thập tự, vương quốc của Ngài đã qua đi. Nhưng qua sự sống lại, hồn thơ đã trỗi dậy. Hồn thơ ấy, là sự giải thoát. Là Đức Giêsu, Đấng chữa lành/giải thoát hết mọi dân tộc, mọi người. Ở đây đó.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – 

Mai Tá lược dịch

“Một đời tôi vẫn nhớ đến em

Video  Quang Dũng – Một Đời Vẫn Nhớ

httpv://www.youtube.com/watch?v=wd3de6LxF1k

Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần thứ 8 mùa Thường niên năm A 26/02/2017

“Một đời tôi vẫn nhớ đến em

trong những tháng năm dài,
Ôm mối tình sầu với em tôi biết sẽ tàn phai.
Một hồn tôi ray rứt bước chân đi trên cát buồn.
Biển vắng đêm nay xót xa một mối tình không may.”

(Diệu Hương – Một Đời Vẫn Nhớ)

(Giacôbê 1: 2-3)

Trần Ngọc Mười Hai

Nhớ thế sao? Thế bạn và tôi, ta có nhớ “người em bé bỏng” ở đâu đó, trong các “viện” như được kể thế này không? Truyện kể, là kể về các người “Em” ấy như thế này đây:

“Theo thống kê của Cơ quan an sinh xã hội bang California, Mỹ thì: trong tổng số 400 nghìn người Việt hiện đang sống ở miền Nam California, có khoảng 15 nghìn người trên 65 tuổi. 1/3 số người ấy đang sống chung với con cháu. Số còn lại, đang ở trong viện dưỡng lão (nursing home). Vẫn theo thống kê này, những người Việt già trên đất Mỹ rất sợ bị đưa vào nursing home! Dưới đây là vài dữ-kiện:


Xế chiều 29 tháng Chạp vừa qua, tôi lái xe đến Viện Dưỡng Lão ở thành phố Westminster, Orange County. Đây là cơ sở được xem như khá nhất trong số các viện dưỡng lão tại miền Nam Cali. Vì là ngày giáp tết nên quang cảnh ở đây khá lặng lẽ. Các lối đi trong khu vực dành cho người Việt, trên những băng ghế đặt rải rác dưới những tàn cây, không thấy cụ nào tản bộ hay ngồi nghỉ chân, trò chuyện với nhau. Bãi đậu xe cũng chỉ lác đác vài chiếc của nhân viên trực. Nhìn khu dành cho người Mỹ, người Hàn Quốc và khu dành cho người Mexico thì đông người hơn, có lẽ các vị này không biết hôm nay là đêm giao thừa của người Việt.

 Bước vào bên trong, tất cả đều vắng vẻ. Nhìn một lát, tôi mới thấy y tá đẩy một chiếc xe lăn, trên đó có một cụ ngồi ngoẹo đầu, mắt nhắm nghiền, nước dãi chảy dài xuống khóe miệng. Trước cửa phòng số 6, một cụ bà khác ngồi im lìm trên ghế nhựa, nét thẫn thờ. Tôi hỏi: “Có con cháu nào vào thăm Bà chưa?”. Nhìn tôi một lát, bà lắc đầu kèm theo tiếng thở dài nghe mệt mỏi.

 Tên bà là Trần Thị Nghị, 74 tuổi. Bà sang đây theo diện bảo lãnh của con trai. Bà kể: “Lúc đầu, mọi sự đều tốt đẹp. Nhưng chỉ được vài năm, con dâu nói: thấy tôi ở dơ vì khi cháu nội của tôi sổ mũi, tôi bèn lấy tay bóp vào mũi nó, vắt nước cho sạch. Bực mình quá, tôi bèn nói: hồi nhỏ, tao cũng hay vắt nước mũi cho chồng mày vậy, có sao đâu! Thế là nó cấm tôi không được đụng đến con nó nữa. 3 tháng sau, chồng nó nghe lời ton hót của nó, bèn đẩy tôi vào đây”.

 Một phòng khác, cụ ông Nguyễn Văn Đức, 71 tuổi, nằm co quắp trên giường. Hỏi ra mới biết cụ bị bệnh suyễn. Đưa tay chỉ vào hộp bánh, 2 hộp mứt, 2 hộp kẹo nằm chỏng chơ trên bàn, cụ phều phào bảo: “Cái này con tôi nó cho, cái kia là của hội, còn hộp đó là quà của nhà chùa”.

 Theo tập tục người Việt mình, thì cứ gia đình nào gồm 2, 3 thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu cùng ở chung với nhau đều được xem là gia đình hạnh phúc, ăn ở có đức, có hiếu. Nhưng, đối với  người Mỹ và người phương Tây có bản tính thực tế, thì họ lại không nghĩ vậy; bởi lẽ, ngay từ hồi còn trẻ, họ đã học được tính tự lập – và điều này đã tác động rất mạnh lên thế hệ thứ 2 người Việt. Thứ 3 nữa, là: người sang Mỹ từ khi còn bé, hoặc sinh ra trên đất Mỹ, tất cả hầu như ít nói tiếng Việt mà chỉ sử-dụng tiếng Anh, tiếng Mỹ, cả khi về nhà.

 Phần lớn họ chịu ảnh hưởng nặng từ lối sống của Mỹ: 18 tuổi ra ở riêng; cha mẹ già thì đưa vào viện dưỡng lão. Mọi thành công về mặt tiền bạc, học vấn, vv. đã khiến họ chẳng quan tâm nhiều đến quá khứ của bậc cha ông. Nếu như còn ở Việt Nam, hầu như con cái đều ngồi im nghe cha mẹ chỉ giáo, dù miễn cưỡng; còn thì ở Mỹ, phần lớn người Việt thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 lại chọn lối bỏ ra ngoài sống, không quan tâm gì đến cha mẹ, và điều đó dẫn đến xung đột thế-hệ… Xung đột có khi chỉ bắt nguồn từ nguyên nhân nhỏ nhưng không được giải quyết cho thấu đáo, thường dẫn đến mâu thuẫn ngày một trầm trọng.

 Bà Lý Thị Vân, 69 tuổi nằm phòng số 3 có nói: “Có nhiều điều ở Việt Nam ta coi như bình thường thì qua đây lại trở thành bất thường. Về bữa ăn chẳng hạn, nếu tôi dùng muỗng riêng của mình để múc canh trong tô chung thì anh rể nhà tôi sẽ trợn mắt nhìn tôi, rồi từ lúc đó đến cuối bữa ăn, nó không hề đụng vào tô canh ấy nữa!”

 Vì vậy, đối với người Việt cao tuổi sống ở Nam Cali, thì ba chữ “viện dưỡng lão” từ lâu vẫn là cơn ác mộng. Nó đánh thốc vào tâm can, tạo cơn kinh hoàng đến độ có cụ quỳ sụp xuống ngay trước cổng vào viện dưỡng lão, chắp tay vái con ruột mình: “Ba lạy con, con cho ba về nhà, ba trải ghế bố nằm trong gara cũng được chứ đừng bắt ba vô đây”. Ông Trần Ngọc Lâm chẳng hạn, khi tôi hỏi vợ con ông ra sao, có thường xuyên đến thăm ông không, thì ông bực bội nói: “Làm ơn đừng nhắc đến vợ con tôi nữa. Vợ, con gì mà để tôi sống như thế này đấy!”

 Ông Lê Cẩm, phòng số 9 kể: “Năm tôi 68 tuổi, việc đi đứng bắt đầu yếu, mắt bắt đầu mờ, tay thì run nên con trai tôi nó bảo: mai con đưa ba vô “nursing home”. Tưởng nó giỡn chơi, ai dè sáng hôm sau nó đưa tôi vô đây thiệt. Tôi có bảo nó là sao con nỡ lòng nào làm vậy đối với ba?, thì nó nói tỉnh bơ: Ba già rồi thì vô viện dưỡng lão sống, chứ làm vậy là làm sao?” Tôi hỏi: bác có biết mai là Tết Nguyên Đán rồi không? Ông nói: tôi cũng biết chuyện đó, vì ba bữa trước đây con tôi vô thăm, có đem cho tôi mấy hộp kẹo, mứt. Thoáng nhìn gò má nhăn nheo của ông, tôi bỗng thấy lăn dài những giọt nước mắt: “Tết nhất là ngày sum họp gia đình. Vậy mà…”.

 Công bằng mà nói, nỗi kinh hoàng viện dưỡng lão của các cụ cao tuổi người Việt – ngoài việc bị tách khỏi môi trường gia đình quen thuộc ra, thì: hầu hết các cụ đều nghĩ là mình bị bỏ rơi, hoặc con cháu hắt hủi nên mới thế. Còn một nguyên nhân nữa, đó là: khi tuổi tác đã  cao, sức khỏe tàn dần, các cụ cũng xuống tinh-thần nhiều thì bệnh tật ắt phải có. Chuyện các cụ không thể tự chăm sóc cho mình là lẽ thường tình nên khi bệnh tật của các cụ đã đến thời kỳ nghiêm trọng, thì chỉ còn cách duy nhất là đưa các cụ vào viện dưỡng lão thôi.

 Kevin Nguyen, có người mẹ 72 tuổi, hiện đang sống ở viện dưỡng lão, có nói: “Tôi và vợ tôi đều phải đi làm, hai đứa con thì đi học, nên không lấy đâu ra thời giờ chăm sóc mẹ.  Còn, mướn y tá hay điều dưỡng đến nhà ăn ở, nấu nướng và chăm sóc cho mẹ thì tôi không đủ tiền”.

 Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến việc các cụ buộc phải vào viện dưỡng lão, đó là: khi về già, các cụ thường bị lú lẫn hoặc ít ra là mất trí nhớ, thậm chí không nhận ra vợ ra chồng hoặc con cái, nên mới bảo mấy người đừng tới gần. Kevin Nguyen nói tiếp: “Mẹ tôi nay đã đổi tính, nên khó chịu. Lúc nào cụ cũng gắt gỏng, nghi ngờ hết mọi người”.

 Chị Lam Hương, cũng có mẹ sống ở viện dưỡng lão, đã tâm sự: “Cụ nhà tôi lúc nào cũng nghi ngờ là trong nhà có người ăn cắp tiền của cụ mặc dù tiền đó là của con, cháu cho cụ. Ngày nào cũng vậy, cụ cú lôi túi tiền ra đếm đi đếm lại đến vài chục lần rồi cụ chửi um xùm, bỏ ăn, thậm chí có hôm còn cuốn quần áo đòi ra khỏi nhà, vì như cụ nói: “Nhà này toàn quân ăn trọm không à!”. Riết rồi không ai chịu nổi cụ nữa đành đưa cụ vào viện”.

 Lại có lý-do dẫn tới nỗi sợ phải nhập viện dưỡng lão, đó là: một số nhân viên ở nhiều viện do thiếu khả năng chuyên môn, thiếu nhiệt tâm và không được huấn luyện kỹ, cộng với tình hình bị cắt giảm ngân-sách tài trợ từ chính phủ do thâm thủng ngân quỹ dẫn đến tình trạng nhiều người bị ngược đãi hoặc bỏ mặc về phương diện sinh lý lẫn tâm lý ngày càng tăng, chưa kể tình-trạng có cụ bị bắt phải nín lặng, không được phép than-van, kêu cứu khi lên cơn đau dạ dày hay thấp khớp.

 Cụ Trần Văn Sinh, trước khi sang Mỹ là y tá ở Bệnh viện Bình Dân ở thành-phố có nói: “Một thời gian dài, tôi bị trầm cảm vì tuyệt vọng và tôi buộc phải uống thuốc an thần nhiều nên rất thản nhiên. Khi tôi báo cáo sự việc này lên ban quản trị, thì con tôi lúc vào thăm đã bị ngăn chặn với lý do là làm trở ngại công việc điều hành bệnh viện”.

 Theo tôi tìm hiểu, Viện Dưỡng lão ở Westminster có khoảng 90% người già trên 65 tuổi. Số còn lại từ 80 trở lên. Cũng xin nói thêm là ở Orange County, các viện dưỡng lão đều do người Mỹ làm chủ và điều hành. Các viện này thường được chia làm hai khu chính là: nội trú và bán trú với nhiều khu phụ. Khu nội trú dành cho các cụ ở thường trực. Khu bán trú dành cho bệnh nhân sau khi điều trị ở bệnh viện, nhưng không đủ tiền nằm lại vì viện-phí rất cao, nên phải chuyển vào viện dưỡng lão để nằm chờ bình phục rồi mới về nhà.

 Thường, thì nhân viên quản lý sắp xếp các khu ốc theo sắc tộc, như khu dành cho người da trắng, khu người Việt, khu Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan v.v… Nếu thiếu phòng, các cụ phải nằm bất cứ khu nào còn trống. Chả thế mà cụ Lê Thị Lài 67 tuổi, sau hơn 2 tháng ở chung với khu người Mỹ da đen rồi được chuyển sang khu người Việt, cụ cứ ngơ ngác như người bị tâm thần, hỏi gì cũng ú ớ. Nếu con số người Việt ở đây đông, các cụ sẽ được nhà bếp nấu riêng món ăn Việt, nhưng chỉ là bữa trưa và tối thôi, còn bữa sáng vẫn phải ăn món ăn của Mỹ.

 Hầu hết trường hợp các cụ được đưa vào đây là do bị bệnh cần có sự trợ giúp thường xuyên của nhân viên y tế cũng như thiết bị mà chỉ các viện dưỡng lão mới có khả năng cung cấp. Các cụ đây thường mắc những bệnh mất năng lực thể chất lẫn tinh thần các cụ yếu đến độ không thể di chuyển, tự tắm rửa hay tự ăn uống được.

 Trao đổi với tôi, phóng viên Vince Gonzales thuộc Đài CBS, người từng thực-hiện nhiều phóng sự về chuyện ngược đãi người già ở viện dưỡng lão cho biết: “Nhiều người trong số các cụ cần có được chăm sóc suốt đời, vì các cụ không thể hồi phục để tự chăm sóc cho mình, chứ đừng nói là cho về nhà. Tương lai các cụ một là sẽ chết trong viện dưỡng lão, hai là chuyển vào bệnh viện nếu bệnh nặng rồi sẽ chết ở đó, và thứ ba là bệnh viện trả về để chờ chết…”. 

Đến bữa, các cụ còn khỏe thì chậm chạp lê chân bước hoặc tự mình lăn xe xuống nhà ăn. Yếu quá thì nằm trong phòng chờ điều dưỡng mang thức ăn đến. Cô Jenny Pham, một điều-dưỡng-viên người Việt ở đây, cho biết: “Viện có rất ít điều dưỡng người Việt nên tụi em thường bị điều đi phục vụ trong toàn khu, chứ không chỉ khu người Việt mà thôi”. Theo luật tiểu bang California, mỗi viện dưỡng lão phải có đủ nhân viên săn sóc cho bệnh nhân, nhất là dịch vụ khẩn cấp, mỗi bệnh nhân phải được y tá săn sóc ít nhất 3 hoặc 2 tiếng một ngày. 

Jenny Pham tiếp: “Khi có kiểm tra, viện dưỡng lão thuê thêm điều dưỡng cho đông, đồng thời sắp xếp cứ 1 điều-dưỡng-viên chăm sóc 10 người theo luật định để che mắt đoàn. Khi kiểm tra đi rồi, mỗi đứa tụi em lại phải chăm sóc đến 19, 20 người…”. Tôi hỏi: “Mấy bữa nay, gia đình có vào thăm các cụ nhiều không?” Jenny Pham đáp: “Cũng ít thôi, chủ yếu là các hội đoàn thiện nguyện, hoặc các tổ chức tôn giáo. Em biết có 26 cụ từ ngày vào đây, có cụ ở đã 5 năm trời không có ai đến thăm lần nào”. 

Tôi hỏi: “Đêm giao thừa, đây có tổ chức gì không?” Jenny Pham lắc đầu: “Dạ không, mấy cụ còn khỏe hoặc minh mẫn thì tụ họp nhau lại uống trà, kể chuyện xưa. Còn, thì hầu hết đều nằm trên giường. Nhiều cụ khi em hỏi ngày mai là mùng 1 tết rồi, có biết không? Có cụ nhe răng cười, chẳng biết gì hết”.

 Tôi ra về và khi bước ngang phòng số 7, thấy có đôi vợ chồng trẻ cùng hai đứa con đứng cạnh một cụ già ngồi xe lăn, người phụ nữ nói: “Chào ông nội rồi đi về con”. Ông cụ miệng méo xệch: “Bay cho nó ở chơi thêm chút nữa, vừa mới vô mà”. Anh con trai đỡ lời: “Con đưa các cháu vào chúc Tết ba, bây giờ dẫn  tụi nó đi coi xiếc cá heo. Vé mua rồi, sắp tới giờ diễn rồi…”.

 Dù có biết là: ở bầu thì tròn ở ống thì dài, sống đâu theo đó, nhưng sao tôi vẫn thấy nao nao vì bên quê nhà giờ này, gia đình nào cũng đang quây quần, họp nhau vui vẻ…” (Siêu Tầm sưu tầm) 

Niềm vui nỗi nhớ xảy đến vào ngày “đầu năm”, kể cũng nhiều. Nhưng, nỗi-niềm nhung nhớ của mỗi người và mỗi vị, lại vẫn khác. Khác hoàn cảnh, tuỳ vào văn-minh/văn-hoá mỗi sắc tộc của nhiều người.

Ngày đầu xuân mỗi năm, người người đều có niềm vui riêng. Niềm vui ấy, có khi đượm ướt nỗi niềm nhung nhớ những ngày xa xưa, lại cũng là nỗi nhớ “ngày đầu xuân”, thôi. Bần đạo đây, nay bất chợt tìm ra được nhạc-bản cũng hơi buồn của tác-giả Diệu Hương, xứng-hợp với đề tài dự tính bàn-luận, thế nên xin trích-dẫn đôi ba ý-tứ nơi ca-từ của tác-giả, rất như sau:

“Làm sao em biết tình này chất chứa thật đầy,
Giấu kín từ trong con tim buồn bã?
Tình vô biên quá, để rồi khó nói bằng lời,
Cho môi khô héo dần thôi.
Một đời tôi vẫn nhớ tới em, trong những phút xa xôi.
Em đến tình cờ với tôi, như thoáng một giấc mơ.
Vì biển ơi! con sóng xóa tan con thuyền trôi giữa giòng.
Tôi biết tình ta mãi là một góc đời cách xa.”

(Diệu Hương – bđd)

Nghe hát câu “Nhớ tới Em trong những phút xa xôi”, bần đạo lại nhớ đến “Người Em” nọ trong Hội thánh từng viết bức thư đầy tình-tiết gửi lên Mẹ Bề Trên Cabrini có ý/lời như sau:

“Mẹ Cabrini thân mến,

 Tôi viết cho Mẹ bức thư này kèm một ý-tưởng về bộ phim tập nhiều kỳ có tiêu-đề là “Saint and the City” lồng trong truyện kể về đời của Mẹ.

 Dĩ nhiên, chốn thị-thành được kể ở trong phim, chắc phải là thành-phố New York, nơi Mẹ từng đặt chân đến tá-túc, sau khi rời nước Ý năm 1889. Nhưng, bộ phim dài nhiều tập kể ở đây, lại nói đủ mọi thứ chuyện chứ không như cuốn phim có tựa đề hơi hơi giống là phim: “Sex and the City”, nói rất ít.

 Phim truyện đây, không thấy nói đến các cô đi giày cao gót cứ “ì xèo”, mà chỉ lác đác trình chiếu một vài cao ốc rải rác thôi. Tuy nhiên, phim truyện đây, lại có đủ của ăn/thức uống, áo quần, tức những nhu-yếu-phẩm cần cho cuộc sống, mà Mẹ đem giúp đám di-dân vừa rời châu Âu chốn tả tơi tuyệt vọng, đi loạng-choạng trong khung-cảnh một châu Mỹ khá chộn-rộn. 

 Tôi thầm đoán là Mẹ cũng cần đến “Netflix” để giải khuây ở trên đó chốn quê trời lồng lộng. Thế nên, xin cho phép tôi được kể cho Mẹ nghe một trong các chủ-đề được đề-cập ở phim “Sex and the City” khi mọi người cứ đi tìm ông Chủ Bự, một đối-tác trọn-hảo trong phim truyện. Còn, phim của Mẹ, thì việc kiếm tìm ông Chủ Bự, là một tìm kiếm rất sâu-sắc khiến Mẹ bị đánh động nhiều, đó là độ dài nối kết với việc kiếm tìm tương-quan đích-thực với Thiên-Chúa. Mẹ dư biết, là: Thiên-Chúa có bao giờ Ngài chịu đi mua sắm ở Đại-lộ số 5 đâu. Ngài cũng không ăn vận diêm dúa, đầy những lụa-là để gây ấn-tượng cho bất cứ một ai.

 Thế nhưng, ông Chủ Bự đây, lại không biết đến hãi sợ, nếu ông buộc phải có quyết-tâm nào đó. Không như hàng triệu người khác, tâm can Mẹ đây không bị đánh động từ các truyện thần kỳ kể về thành-tựu của nước Mỹ, coi đó như truyện kể về những người từng đạt mọi thành-tựu. Thần dân của Mẹ, vẫn chiến-đấu không ngừng nghỉ bằng mọi cách, từ: ngôn-ngữ, nghề-nghiệp, tiền bạc, cho đến nỗi nhớ nhà, sự hỗn độn/căng-thẳng về gia-cảnh, và cả đến nỗi sầu mất mát, những cố-gắng nghèo-nàn để có được một nền y-tế, giáo-dục cũng khả-quan. Mẹ là nguồn hứng-khởi cho phần đông chúng tôi, những người được mời gọi hãy đáp trả mức-độ hỗn-độn ngoại-thường ở thế-giới tân-kỳ này.

 Cao Uỷ Tỵ Nạn cho chúng tôi biết, là: hơn 60 triệu người trên thế-giới, nay bị bứng gốc; hơn 20 triệu người buộc phải rời bỏ nước ra đi làm kẻ tỵ nạn, xin tầm trú. Mỗi ngày, có đến 34 ngàn người phải xa quê chỉ vì nơi họ ở, đang có xung-đột/bức-bách đủ mọi cách. Con số những người như thế, vẫn dao-động hết mọi người. Vâng. Mẹ thấy đó, từng đợt và từng đợt, rất nhiều người cứ phải di-dời ra khỏi nơi mình ở, như vận-chuyển của Thánh Thần Chúa, đấy.

 Thật khó có thể thăm-dò đo-đạc hiện-tượng dao-động này. Nhưng, đây lại vẫn là lời mời gọi gửi đến hết mọi người, để ta ôm chặt sự sống mà không biết đến hãi sợ. Mẹ là lữ-khách đi khắp nơi về khắp chốn mà không biết mệt, hiểu theo nhiều nghĩa. Khi Mẹ đặt chân đến vùng trời New York vào độ tuổi 38 cùng với 6 nữ-tu khác, Mẹ chỉ có một ít thứ gọi là “của riêng”. Lúc ấy, Mẹ cũng chẳng biết mọi người có vui lòng đón tiếp Mẹ hay không nữa. Cộng-đoàn Dòng bé nhỏ của Mẹ đã di-dời về khu nhà ổ chuột và phải xin xỏ đây đó mới đủ nuôi sống bấy nhiêu chị. Tự trong xương tuỷ, Mẹ biết thế nào là tình-trạng không được nghênh-đón đành phải phục-vụ những người có cùng một trải-nghiệm như mình. Tôi nắm chắc rằng, những năm tháng ngày giờ trở về sau, Mẹ thấy vui hơn khi biết được rằng tên tuổi của Mẹ nay gắn liền với Trạm trú-ẩn, tỵ nạn ngay trong thành-phố Melbourne của Úc.

 Tôi tự biết mình không nên đề-cập những chuyện như: tầm-cỡ cao thấp/lớn nhỏ như bao giờ. Thế nhưng, khi ấy Mẹ thuộc những người nhỏ thó, thấp bé không ai quan-tâm. Tôi bị mê-hoặc bởi truyện kể về những người hăng say/kiên-quyết nhưng cứ lầm lẫn về tầm vóc, kích-thước của mỗi người. Thánh nữ Têrêxa thành Calcutta chẳng hạn, bà cũng chỉ cao không đầy thước rưỡi thế mà bà vẫn làm được nhiều việc cả thế. Mẹ đây, lại cũng thấp bé như bà và có thể thấp hơn nữa. Mẹ là người con áp út trong số 11 anh chị em trong gia đình đông-đúc, trong đó chỉ có 4 người đạt đến tuổi trưởng-thành.

 Như thế nghĩa là, Mẹ được dưỡng-nuôi trong một gia-đình có khả-năng đối-đầu với mọi mất mát, thua thiệt. Ngay đến sức khoẻ, Mẹ cũng bị coi là người mỏng-mảnh, dễ bể. Bất cứ ai gặp Mẹ, đều nghi-ngờ rằng với sức khoẻ tồi-tệ như thế, sao Mẹ lại có thể kéo dài, tồn tại được.

 Nước Mỹ, nay có vai-trò đáng kể trong việc vượt lằn ranh của chính họ. Và nay, họ vừa  trải qua cuộc vận-động tranh cử vào cuối năm 2016 rồi, khiến đôi lúc, tôi cũng mong sao có người như Mẹ đây, và một số công-dân rất ít được tấn-phong thành bậc hiển-thánh, đứng trên bệ cao để chỉ đường đi nước bước cho mọi người; và cũng cởi mở đủ, để không cần gì đến ảnh hình này khác mà chỉ cần lương-thiện và tình thương, thôi. Tôi vẫn tin vào lời thán-phục ghi bên cạnh Nữ Thần Tự Do, một tượng đài luôn ghi rõ lời mời chào nổi tiếng những bảo rằng: “Hãy cho tôi đám đông nghèo đói, mệt mỏi và chộn rộn của bạn đi!”

 Điều trớ trêu, là Mẹ đã ra đi về cõi vĩnh hằng chỉ ít ngày trước lễ Giáng Sinh năm 1917, khi Mẹ trở bệnh sau ngày chuẩn bị gói quà đem cho trẻ nghèo. Giáng sinh mời gọi Mẹ và tôi, ta suy tư nhiều hơn nữa về lời của Thân Mẫu Đức Giêsu khi Cụ bảo: “Lòng từ-bi của Ngài ở tuổi này tuổi khác, đạt đến những người biết kính sợ Ngài”. Thông điệp đây, còn tốt và đẹp hơn ánh đèn mầu nhấp-nháy ở Quảng Trường Thời-Đại bên New York nhiều. Hẳn, ta cũng nên dựng lên kênh truyền-hình để chiếu phim tập hay như thế.

 Michael McGirr

(X. A Letter to Mother Cabrini, Australiancatholics magazine số Christmas 2016 tr.27)

Thông-điệp trên, nay ta cũng nên phổ-biến cho chán vạn người đang sầu/buồn vào đêm Giáng Sinh, ở đây đó. Ấy đấy, lại là ý-tưởng mà bần đạo có được sau lễ Giáng Sinh 2016 và đầu năm Đinh Dậu 2017, rất Âm-Lịch.

Sầu/buồn ngày lễ hội, lại vẫn là tâm-trạng của nhiều người thời cách-mạng vi-tính, rất tinh-vi. Sầu/buồn đây, có thể cũng giống như mối sầu thành thị, rất không tên. Sầu và buồn, là nỗi-niềm từ đâu tới, thật không rõ. Chỉ rõ có một điều, là: buồn và sầu đến độ chẳng biết vì sao và làm thế nào cho vợi bớt nỗi niềm không tên ấy.

Sầu/buồn nhiều nỗi, còn là tâm-trạng người nhà Đạo hôm nay, khi thấy Giáo-Hội vẫn có những thứ được nhiều linh mục nói đến ở các bài giảng và bài viết, như giòng chảy, ở bên dưới:

“Tình thương-yêu và lòng từ-bi nhân-hậu của Chúa đã tạo nhiều ảnh-hưởng hơn những chuyện tầm-phào/yếu kém trong cuộc sống của ta. Thành ra, ta có thể vui hưởng tính hài-hước trong cặp đôi bất-xứng giữa sự thật lớn lao ta tin tưởng và cung-cách bé nhỏ qua đó ta xử-thế. Hoặc, các vụ tranh-cãi giữa những người không hợp lòng hợp ý với nhau và cả những chuyện người đi nhà thờ không chịu nổi cảnh cứ phải ngồi lâu nghe giảng giải đến khá dài ở nhà thờ.

 Vốn biết Chúa thương yêu mỗi người chúng ta cả vào khi ta phạm lỗi tày trời rất nhiều lần, Ngài vẫn tha thứ cho ta trước khi ta xưng thú hoặc yêu cầu Ngài quên đi; mặc dù thế, ta vẫn có thể vui vẻ chịu đựng tính-khí rất thất-thường đối với nhau; cả những khi kể cho nhau nghe những câu chuyện về các giám mục và linh-mục hoặc thấy thoải mái khi nghe người ngoài đạo kể chuyện tiếu lâm về người đi Đạo…” (Xem thêm Lm Andrew Hamilton sj, The Church’s Divine Comedy, AustralianCatholics Magazine số Christmas 2016 tr. 17-20)

Nói về các bậc nữ-lưu chân-phương/lành thánh giống như trên, là nói rất nhiều về giáo hội ở nhiều nơi. Nói như trên, chỉ có thể nói về người đi Đạo và/hoặc cho người đồng Đạo, rất quen với giáo-lý, thần học, đúng ra là nói về các nữ-phụ an lành/hạnh đạo, là phải nói như người ngoài đời sống ở đời, rất “ngoài luồng”. Tức, đượm chút mắm muối tiêu đường, thật rất tếu.

Nói về nam-nhân/nữ-phụ tốt lành/hạnh đạo, đôi lúc ta cũng nên nói như kể truyện đời nhiều chất dí-dỏm, dị-hợm để cười đùa cho quên nỗi sầu buồn, một đời người. Nói thế, là nói như truyện kể thêm thắt ở bên dưới cho đỡ buồn đời:

“Hai vợ chồng nọ kéo nhau vào siêu-thị mua sắm. Đến gian-hàng nọ có đặt chiếc cân điện-tử nói thành tiếng, khi từng lượt người bước lên cân. Thấy chiếc cân quá hiện-đại rất tầm cỡ, mọi người đều thích thú thay nhau, bước lên bàn cân.

 Một cô khách bước lên bàn cân, thì chiếc cân điện-tử bèn nói: “Cô cân nặng 62 pounds, so với chiều cao như thế này mà cân được 92 pounds thì cô là người hoàn-toàn, có sức hấp-dẫn nhiều đàn ông.

 Một bà mệnh-phụ vừa bước lên cân, đã nghe chiếc cân điện-tử phán những câu xanh rờn, rằng: “Bà cân nặng 102 pounds, hơi bị quá có một chút thôi, chỉ cần đi bộ 2, 3 cây số mỗi ngày là bà sẽ có vóc dáng đáng yêu ngay thôi, chẳng cần phải kiêng cữ gì hết”. Bà vợ nghe thế, lấy tay đẩy ông chồng  rồi nói: “Anh lên cân thử đi!”

 Khi đức ông chồng bước lên, thì chiếc cân liền lên tiếng: “Ông bạn chỉ có 93 pounds thôi thì quá gầy ốm. Vợ ông cần phải tẩm bổ/bồi dưỡng cho ông, và cấm ngặt không được làm ăn chăn gối gì hết trong 3 tháng…”

 Nghe thế, bà vợ nhà lại bước lên cân lần nữa, thì lần này chiếc cân chẳng nói năng gì, đợi mãi cũng chẳng thấy tăm hơi gì hết, bà bực quá bước xuống. Tức thì, chiếc cân mới phát ra hiệu lệnh thật rõ ràng: “Xin bà con vui lòng bước lên từng người một, đừng chen lấn kẻo hư cân…” (Truyện kể đăng trên mạng)       

 Kể những chuyện vui cười xảy ra trong cộng đồng nhà Đạo hay ngoài luồng, không phải và không chỉ kể về những giòng chảy thần học khô cứng đến chán nản, không ai còn muốn nghe nữa. Thế nhưng, nói về chuyện đạo hạnh nhà Đạo, tưởng cũng nên kể những lời hay/ý đẹp của đấng thánh hiền vẫn nhủ khuyên dân con Đạo mình như sau:

“Thưa anh chị em,

anh chị em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui

khi gặp thử thách trăm chiều.

Vì như anh chị em biết:

đức tin có vượt qua thử thách mới sinh lòng kiên nhẫn.

Chớ gì anh chị em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra

bằng những việc hoàn hảo, để anh chị em nên hoàn hảo,

không có gì đáng trách, không thiếu sót điều gì.”

(Giacôbê 1: 2-3)

 Nói gì thì nói, tưởng cũng nên nói cho mọi người bằng giòng nhạc có giai-điệu bay bổng hoặc trầm lắng như sau:

“Tình vô biên quá để rồi khó nói bằng lời
Cho môi khô héo dần thôi
Một đời tôi vẫn nhớ tới em trong những phút xa xôi
Em đến tình cờ với tôi như thoáng một giấc mơ
Vì biển ơi con sóng xóa tan con thuyền trôi giữa dòng
Tôi biết tình ta mãi là một góc đời cách xa. “

(Diệu Hương – bđd)

Hôm nay đây, người viết nhạc mang tên Diệu Hương đã nói thay cho nhiều vị, nhiều người. Chí ít, là những người, hoặc những vị đang có vấn-đề gì đó trong cuộc sống khó phôi pha. Thế nhưng, như câu hát ở trên đã đề-cập, cũng nên đề nghị với bạn và với tôi, những người đang đọc các giòng chữ ở đây, một lời nhắn thêm nữa của tác-giả, mà rằng:

“Một đời tôi vẫn nhớ đến em trong những tháng năm dài
Ôm mối tình sầu với em tôi biết sẽ tàn phai
Một hồn tôi ray rứt bước chân đi trên cát buồn
Biển vắng đêm nay xót xa một mối tình không may.

(Diệu Hương – Một Đời Vẫn Nhớ)

Vẫn nhớ một đời người, không là “xót xa một mối tình không may”, hoặc tệ hơn nữa khi em “Ôm mối tình sầu với em tôi biết sẽ tàn phai.” Nhưng vẫn là: “Em đến tình cờ với tôi như thoáng một giấc mơ.Giấc mơ có một đời phúc hạnh, sướng vui mãi không ngờ.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ chúc và mừng mọi người

Những ngày vui hơn pháo Tết

Suốt một đời.  

NÔ LỆ HAY TỰ DO

NÔ LỆ HAY TỰ DO

Hôm ấy, trời vừa rạng đông, ông hoàng nói với tên đầy tớ: “Xem chừng anh mơ ước giàu có lắm. Vậy từ giờ này cho tới lúc mặt trời lặn, anh có sức ngần nào thì cứ chạy.  Tất cả những ruộng vườn, ao cá anh chạy vòng quanh được, ta cho anh hết.”

Anh vui sướng quá!  Cha chết sống dậy cũng không bằng.  Anh liền cắm đầu chạy, chạy vùn vụt như Hạng Vũ trên con ngựa Ô-Truy.  Chín mười tiếng đồng hồ qua, chàng làm chủ được mấy cánh đồng bao la mù mịt.  Chàng vừa dừng chân, thì một hồ cá mênh mông với mặt nước trong ngần huyền ảo phản chiếu ánh mặt trời đã xế chiều.  Chàng lại chạy tiếp.  Sau cùng, màn đêm buông rơi.  Chàng thở hổn hển quay bước trở về, để làm bậc tỉ phú với “Ruộng vườn cò bay thẳng cánh, ao hồ mặc sức cá đua.”

Nhưng vừa bước chân vào ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống bất tỉnh.  Vợ con vội vàng thuốc thang săn sóc…  Nhưng vô hiệu.  Nhà tỉ phú đã trút linh hồn sau một ngày dài lao lực quá mức.  Người ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng đất, vừa dài, vừa rộng, nhưng không quá ba tấc đất!

****************

Đó là kết cục của một con người ham mê tiền của, để nó sai khiến như một tên nô lệ, phải vắt cạn kiệt sức lực cho tới chết, mà không được mảy may hưởng dùng!

Đức Giêsu đã cảnh báo cho những con người tôn thờ tiền của ấy như sau: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được” (Mt 6, 24).  Tiền của ở đây được viết hoa, tiếng Aram là Mammon, có nghĩa là Thần tiền.  Nếu tiền được thần hóa như thế, thì sức mạnh thống trị của nó không thể coi thường.  Nếu tiền và Thiên Chúa đã được Đức Giêsu đưa lên bàn cân để người ta chọn lựa, thì quyền lực của nó phải là vô song.

Sống là một chuỗi những chọn lựa.  Chính những chọn lựa này sẽ làm cho người ta thành công hay thất bại, trở nên người tốt hay hóa ra kẻ xấu, được hạnh phúc hay phải khổ đau.  Đã chọn lựa điều này thì phải từ bỏ điều kia.  Từ bỏ bao giờ cũng nuối tiếc dằng co.  Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người phải chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay.  Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất.  Hoặc làm tôi Thiên Chúa hoặc làm tôi tiền của.

Tiền của có một sức mạnh vạn năng, nó giải quyết phần lớn các nhu cầu của con người, nên tiền của hấp dẫn lạ thường.  Việt nam ta có câu: “Có tiền mua tiên cũng được.”  Ngay cả việc đạo cũng phải có tiền mới xong: “Có thực mới vực được đạo.”  Nhưng tại sao Đức Giêsu lại gay gắt với tiền của như thế?  Thật ra, Người không lên án tiền của, Người chỉ cảnh báo những ai ham mê của cải mà thôi.

Tiền của là phương tiện hữu hiệu Chúa ban, để bảo tồn sự sống đời này, và để mua nước Thiên Đàng đời sau.  Tự bản chất tiền của là tốt, nó là hồng ân của Thiên Chúa tặng ban cho con người.  Tiền của chỉ trở nên xấu khi ta quá tôn thờ nó, như một ông chủ sai khiến hành hạ đời ta, thậm chí lấy luôn mạng sống ta như anh đầy tớ trong câu chuyện trên đây.  Tiền của chỉ trở nên đáng ghét khi ta quá tham lam thu tích nó mà quên đi bổn phận chia sẻ với anh em, như người giàu có xử tệ với Ladarô nghèo khó.  Tiền của chỉ trở nên án phạt khi ta quá ham mê nó mà từ bỏ Thiên Chúa, như Giuđa bán Thầy vì mê 30 đồng bạc.  Tiền của chỉ trở nên cạm bẫy khi ta quá bám víu vào nó mà không còn tin cậy nơi Thiên Chúa quan phòng, như người phú hộ ham hưởng khoái lạc không kịp ăn năn.

Vì thế Đức Giêsu thật có lý khi cấm chúng ta không được làm tôi tiền của.  Người còn khuyên chúng ta đừng lo lắng về “của ăn, áo mặc.”  Động từ “lo lắng” được lập đi lập lại 6 lần, chứng tỏ tính cấp bách phải từ bỏ mọi lo âu thái quá, vì cả cuộc sống chúng ta đều ở trước mặt Chúa Cha, Đấng biết rõ mọi thứ chúng ta cần.

Nói như thế, không phải là Người cổ vũ cho sự lười biếng ỷ lại, hay sự vô tâm thụ động, không làm gì để Chúa làm tất cả.  Người khuyên chúng ta đừng lo lắng, chứ không cản chúng ta lo liệu.  Lo lắng vì không tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng.  Mọi lo lắng đều liên hệ đến tương lai, mà tương lai là điều chưa có thật.  Trái lại, lo liệu là vẫn lo làm việc hôm nay, tiên liệu cho ngày mai, nhưng luôn tin cậy phó thác nơi Chúa.

Nếu Chúa đã nói: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngài mai, cứ để ngày mai lo.  Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6,34) thì chúng ta phải hiểu là: Quá khứ đã qua đi rồi, hãy quên nó đi; hiện tại đang trong tầm tay, phải chu toàn nó; tương là là của Chúa, hãy phó thác cho Người.

****************

Lạy Chúa, Chúa đã dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người trước” (Mt 6,33), xin cho chúng con trong khi bôn ba cho cuộc sống này, vẫn dành ưu tiên cho việc làm sáng danh Chúa và luôn sống theo thánh ý Người.  Amen.

Thiên Phúc

(Trích trong “Như Thầy Đã Yêu”)

Anh chị Thụ & Mai gởi

NỤ HÔN CỦA THIÊN CHÚA LÊN LINH HỒN

NỤ HÔN CỦA THIÊN CHÚA LÊN LINH HỒN

Đâu là gốc rễ thực sự của sự cô đơn trong con người?  Một sai sót trong cấu thành của chúng ta?  Sự bất xứng và tội lỗi?  Hay, như câu nói trứ danh của thánh Âugutinô, “Ngài đã tạo thành chúng con, lạy Chúa, và lòng chúng con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”

Dù rất giá trị, nhưng câu châm ngôn của thánh Âugutinô vẫn không đủ.  Chúng ta là những linh hồn vô hạn bên trong cuộc sống hữu hạn, và chỉ một điều này thôi là đã đủ để giải thích cơn nhức nhối triền miên không thỏa của chúng ta, ngoại trừ một điều là linh hồn chúng ta khi đi vào thế giới đã mang lấy sự bất diệt rồi, và điều này cho toàn bộ cơn nhức nhối của chúng ta một sắc thái đặc biệt.

Có nhiều cách để giải thích cho điều này: Ví dụ như, Bernard Lonergan, triết gia và thần học gia đáng trọng, đã cho rằng linh hồn con người không đến thế giới như thể một tabla rasa, một tờ giấy trắng, không tì vết để có thể viết gì lên đó cũng được.  Với ông, chúng ta được sinh ra với các nguyên tắc tiên quyết ghi tạc vào trong linh hồn không bao giờ phai.  Ý ông là gì?

Thần học và triết học kinh điển, xác định bốn sự mang tính siêu việt, có thể nói là chân tính của mọi sự có tồn tại, chúng là nhất, chân, thiện, và mỹ.  Mọi sự tồn tại đều có bốn phẩm chất này.  Tuy nhiên các phẩm chất này chỉ hoàn hảo nơi Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng toàn nhất, toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ.  Nhưng theo Lonergan, Thiên Chúa đã ghi tạc 4 sự này, trong tình trạng hoàn hảo, và cốt lõi linh hồn con người.

Do đó, chúng ta đến trong thế giới, thì đã biết, dù còn mập mờ, về sự toàn nhất, toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ, vì chúng ta đã có sẵn trong chúng ta, một dấu ấn không phai.  Như thế, chúng ta có thể phân biệt đúng sai, vì đã biết sự thật hoàn hảo và sự thiện hoàn hảo trong cốt lõi linh hồn mình, và cũng nhận biết theo bản năng về tình yêu và vẻ đẹp, bởi chúng ta đã biết chúng một cách hoàn thiện trong bản thân mình.  Trong đời này, chúng ta không học biết sự thật, mà là nhìn nhận sự thật, chúng ta không học yêu mà là nhận ra tình yêu, và chúng ta không học biết nhưng là nhận ra cái gì là tốt lành. Chúng ta nhận ra được vì đã có chúng trong cốt lõi linh hồn mình.

Một vài nhà thần nghiệm đã có một mô tả thế này: Linh hồn con người đến từ Thiên Chúa và trước khi đặt linh hồn vào trong cơ thể, điều cuối cùng Thiên Chúa làm là hôn linh hồn đó.  Rồi linh hồn đi qua đời sống, vẫn luôn nhớ về nụ hôn đó, một nụ hôn của tình yêu hoàn hảo, và linh hồn xác định mọi tình yêu và nụ hôn trong đời qua nụ hôn hoàn hảo ban sơ đó.

Các nhà khắc kỷ Hy Lạp cũng nói về một điều tương tự.  Họ dạy rằng linh hồn đã tồn tại sẵn trong Thiên Chúa, và trước khi đặt linh hồn và trong một cơ thể, Thiên Chúa xóa đi ký ức về hiện hữu của nó.  Nhưng linh hồn luôn hướng về Chúa một cách vô thức, bởi khi đến từ Thiên Chúa, linh hồn luôn nhớ về mái ấm đích thực của mình, và khắc khoải mong được về lại.

Người Hy Lạp cho rằng Thiên Chúa đặt linh hồn vào thân xác chỉ khi đứa bé đã thành hình trọn vẹn trong lòng mẹ.  Ngay sau khi đặt linh hồn vào thân xác, Thiên Chúa liền khóa chặt ký ức tiền hiện hữu của nó bằng cách khóa chặt môi đứa trẻ để nó không bao giờ nói về tiền hiện hữu của mình.  Đây là lý do vì sao chúng ta có một rãnh lõm dưới mũi, ngay trên môi.  Đây là nơi Chúa đặt ngón tay lên để khóa lại.  Đây là lý do vì sao bất kỳ lúc nào cố gắng để nhớ chuyện gì đó, chúng ta vô thức đặt ngón tay lên nơi này.  Chúng ta đang cố gắng phục hồi một ký ức ban sơ.

Có lẽ, tôi cần đưa thêm một ẩn dụ nữa.  Chúng ta thường nói về những sự “đúng rõ ràng” hay “sai rõ ràng.” (ringing true và ringing false).  Nhưng chỉ có chuông mới rung (ring).  Trong chúng ta có một chiếc chuông rung lên khi đúng và sai hay sao?  Về căn bản, thì có!  Chúng ta nuôi dưỡng một ký ức vô thức về một thời từng được biết một tình yêu, sự thiện và vẻ đẹp trọn hảo.  Do đó, mọi sự sẽ ngân lên đúng hay sai, dựa vào việc liệu chúng có theo tiêu chuẩn là tình yêu, sự thiện và vẻ đẹp hoàn hảo vốn đã có nơi cốt lõi linh hồn chúng ta hay không.

Và cốt lõi đó, trung tâm đó, nơi đó trong linh hồn chúng ta, nơi chúng ta được ghi dấu với các nguyên tắc tiên quyết và nơi chúng ta ghi nhớ nụ hôn của Thiên Chúa khi chúng ta được sinh ra, với nỗi khắc khoải không ngơi, trong đời này.  Như lời Henri Nouwen, thì chúng ta mang một ký ức mơ hồ về một thời từng được âu yếm trong đôi bàn tay trìu mến nhiều hơn bất kỳ bàn tay nào từng gặp trong đời.

Linh hồn chúng ta mơ hồ nhớ về một thời từng được biết tình yêu hoàn hảo và vẻ đẹp hoàn hảo.

Nhưng, trong đời này, chúng ta không bao giờ gặp được sự hoàn hảo đó, dù cho chúng ta cứ luôn mãi đau đáu một người hay một sự nào đó đáp ứng được chiều sâu thẳm này trong chúng ta.  Điều này tạo nên trong chúng ta một sự cô đơn tinh thần, một khao khát những gì mà chúng ta xác định là tri kỷ, một người có thể thực sự nhìn nhận, chia sẻ và tôn trọng những gì thâm sâu nhất trong chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI