Yêu nhau một thời xa nhau một đời

httpv://www.youtube.com/watch?v=prz6pp5h6zc

 

GIỌT LỆ CHO NGÀN SAU – Từ Công Phụng – Vũ Khanh

 

Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần thứ 3 mùa Chay năm A 19/3/2017

 

“Yêu nhau một thời xa nhau một đời
Lệ này em sẽ khóc ngàn sau…”

(Từ Công Phụng – Giọt Lệ Cho Ngàn Sau)


(Mt 4: 10-11)

 

Trần Ngọc Mười Hai

Đôi khi, ta cũng nên bắt đầu bài phiếm bằng một truyện kể nhè nhẹ nào đó, cho dễ nghe và dể đọc chứ, phải thế không bạn, phải thế không tôi? Nếu thế thì, đây là truyện kể thật không dễ, mỗi khi nghe:

“Truyện kể là truyện kể rằng:

 Hôm đó, có buổi tham-vấn giữa thày trò chú tiểu đồng và hoà-thượng ở ngôi chùa không nổi tiếng với bá tánh, chỉ nổi danh thiên-hạ ở Tây Tạng về tính thân-thương thày trò khi học hỏi. Vốn là buổi học để hỏi và có nhiều câu hỏi cũng rất dễ, nên Lão hoà-thường bèn cất tiếng hỏi chú tiểu:

 -Nếu bước lên trước một bước là tử, lùi lại một bước là vong, con sẽ làm thế nào?

Chú tiểu trả lời nhanh như chớp, không do dự:

-Con sẽ đi sang bên cạnh!”

Và người kể truyện từ đó rút ra bài học để đời rằng: “Khi gặp khó khăn, hãy đổi góc độ mà suy nghĩ, có thể ta sẽ hiểu được rằng: bên cạnh vẫn có con đường đế tiến hoặc thoái, không hề hấn…” 

Vâng. Đúng thế. Trong đời người, cũng có rất nhiều bài học nên rút tỉ để mà sống. Sống hiên-ngang không vương-vấn, bận tâm hoặc nề hà chuyện gì. Dù, đó có là chuyện triết-học hoặc thần-học chốn cao sang vời vợi ấy.

Truyện nghe rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta đi thẳng vào chủ-đề để suy-nghĩ. Suy và nghĩ, chứ đừng cãi vã hoặc tranh-luận để làm gì cho thêm mệt. Chủ đề, là luận-đề thật không dễ, xin trình làng để bà con ta hôm nay bàn tán cho rộng đường dư-luận rồi con có quyết tâm mà sống đời mạnh-mẽ rất không thôi. Chủ-đề cũng nhè nhẹ như mọi đề-luận rất triết và cũng rất thần như mọi bữa.

Thế nhưng, trước khi đi vào câu chuyện để bàn luận cho rõ một/hai, mời bạn và tôi, ta cứ nhè nhẹ ngâm nga câu hát cứ vang-vọng mãi không thôi, như bên dưới:

“Lối rêu xưa sẽ mờ dấu chân người,
người buồn cho mai sau, cuộc tình ta tan mau.

Thoáng như chiếc là vàng bay,
mùa thu qua, mùa thu qua hững hờ.
Nhìn nhau cho thêm đau, nhìn nhau cho mưa mau.
Mưa trên nụ cười mưa trên tình người,
lệ nào em sẽ khóc ngàn sau.

Với đôi tay theo thời gian tôi còn,
một trời mây lang thang, một mình tôi lang thang.
Lá vẫn rơi bên thềm vắng,
từng thu qua, từng thu qua võ vang.
Nhìn nhau cho thêm đau, nhìn nhau cho mưa mau.
Mưa trên cuộc đời mưa như nghẹn lời
lệ này em sẽ khóc ngàn sau …
(Từ Công Phụng – bđd)

Thôi thế, cũng xong một bài hát. Nay, ta tiến vào vùng trời luận phiếm với những ý-tưởng về triết/thần đặt ra như sau:

“Điểm nhấn khi vẽ Chân-dung Đức Giêsu ở Tin Mừng là ngang qua danh-xưng: Đấng Chữa lành/Trừ tà hoặc Bậc Thày Vô-địch của Vương Quốc Nước Trời, nhất nhất đều là mấu chốt lịch-sử mà tác-giả Tân-Ước cứ từ-từ che-đậy, gây mờ nhạt.

 Nhiều sự-kiện cho thấy Đức Giêsu có được mọi người công-nhận là Đấng Thiên-Sai hay không, Ngài vẫn khởi-đầu tiến-trình phức-tạp thiêt-lập nền thần-học dài những ba thế kỷ tập-trung vào việc nâng-cấp Bác Thợ Mộc làng Nadarét lên hàng quan-trọng bậc nhì nơi Ba Ngôi linh-thánh.

 Nói cách khác, hiện có lo-ngại bảo rằng: việc đưa ra các chứng-cớ thấy có ở Tân-Ước đã hỗ-trợ cho các sử-gia tài-ba xoay sở, để các ngài tái định-vị Đức Kitô của Tin Mừng. Đức Giêsu của ông Máccô cũng bị giấu nhẹm, cốt để biến Ngài thành con người phàm-tục cứ rảo bộ suốt trên con đường sỏi đá đầy bụi bặm ở Galilê vào thế-kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

 Phải chăng khi ấy, ta mới thấy là tác-giả Tin Mừng đã phục-hồi toàn bản-vị Đức Giêsu Nadarét vượt quá “tầm tay với” của mọi người? Tựa hồ thế-hệ học-giả, tôi cũng đã tỏ-bày nỗi u-sầu về sự việc Tin Mừng đã để mất đi chứng-cớ rõ ràng khi các ngài viết về Đức Giêsu như thể chính Ngài đã tỏ-lộ mọi sự để các ngài viết và/hoặc tóm-tắt lập-trường tư-tưởng do Ngài đề-xướng và hiện-thực.

 Rủi thay, nội-dung các bản văn thiếu tính học-thuyết này, lại thấy một số vị cứ quả-quyết rằng: mọi sự được Đức Giêsu chuyển cho vua Abgar Edessa ở Lưỡng Hà Địa hồi thế-kỷ đầu rồi. Rõ ràng là, điều đó đã nguỵ-tạo hoặc giả-mạo rất dễ. Và, chẳng tài-liệu nào vốn dĩ tồn-tại để rồi, qua đó, những người như tôi lại có hy-vọng tìm được bằng-chứng rất như thế.

 Cách hay nhất để ta biến-cải Đức Giêsu thành nhân-vật sống-động, khả dĩ lôi cuốn mọi người ở thế-giới Do-thái-giáo hôm nay cho bằng tái-tạo lại môi-trường sống giống thời Ngài. Có làm thế, may ra mới bắt chụp được lằn sáng cũng như tầm nhìn nào đó để thấy rõ bản-vị đích thật của Ngài.

 Thành thử, ở đây, thiết tưởng ta cũng nên tìm cách tái tạo lại bầu không-khí mà Ngài hít thở, cùng với ý-tưởng và lý-tưởng lại đã khiến cho những người sống ở Palestine vào thế-kỷ đầu thêm sống động mới là việc phải lẽ.

 Đặc-biệt, vùng nước lặng ở Galilê nơi đó mọi ước-mộng đạo-giáo cũng như các ganh-tương vặt-vãnh của người xưa và nhất là những người Galilê, lại là: lòng mến của bà con ta vẫn co-dãn từ sự tự-do mong thoát khỏi thể-chế do người La Mã cũng ảnh-hưởng lên hàng tư-tế ở Giuđêa và tạo co-dãn do bởi giai-cấp trí-thức có đại-diện là đám người Pharisêu nòng-cốt thống-trị.” (X. Gs Geza Vermes, Khuôn Trăng Diện Mạo Ngài Thay Đổi, nxb Tôn Giáo 2017)

Như người nghệ-sĩ vẫn cứ hát những ca-từ rõ mồn một, những là: “Sống buông xuôi theo ngày tháng, từng thu qua vời trông theo đã mờ, lệ rơi trên tim tôi, lệ rơi trên đôi môi…” thế mà người nghe vẫn cứ thích. Thích nghe và thích hát, dù ca-từ ấy đã khiến mình ngẫm nghĩ lại, thấy không đúng.

Nói về chuyện đúng/sai ở địa-hạt triết/thần, thật sự cũng khó nói. Khó đến độ, khi hát xuống đến những câu cuối mới thấy sững-sờ, ngờ ngợ như sau:

“Một mai khi xa nhau,
người cho tôi tạ lỗi,
dù kiếp sống đã rêu phong rồi.


Giọt nước mắt xót xa.
nhỏ xuống trái tim khô một đời tôi tê tái.
Lắng nghe muôn cung sầu hắt xuống đời.
Một trời tôi thương đau, một trời em mưa mau.


Sống buông xuôi theo ngày tháng,
từng thu qua vời trông theo đã mờ.
Lệ rơi trên tim tôi, lệ rơi trên đôi môi.
Yêu nhau một thời xa nhau một đời.
Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi.


Yêu nhau một thời xa nhau một đời.
Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi…”

(Từ Công Phụng – bđd)

Chẳng biết người viết nhạc, khi hát vang ca-từ ở trên có thấy sợ hay không, cũng chẳng rõ. Chỉ rõ có một điều là: hát những lời như: “Yêu nhau một thời, xa nhau một đời, Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi.”Là, nói lên tâm-trạng của những người từng xót xa khi xa nhau. Và, khi đã “xa nhau một đời” rồi, thì khi ấy mới thấy “Lệ này nhỏ xuống hồn tôi”. Lệ nhỏ xuống hồn, là vì tôi và em từng “Sống buông xuôi theo ngày tháng, từng thu qua vời trông theo đã mờ” nên mới nhớ.

Nhà Đạo mình, đôi lúc cũng thấy mình sống giống hệt như thế. Sống xa cách nhau nhiều, mới thấy rằng: những cãi-tranh, biện-luận về triết/thần chỉ khiến người trong cuộc “dễ xa nhau” mà thôi. Và khi đã xa nhau rồi, mới thấy là: “Giọt nước mắt xót xa nhỏ xuống trái tim khô một đời tôi tê tái. Và nhất là: “Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi” đến chết thôi. 

 Hôm nay đây, lại cũng thấy có đôi giòng lệ be bé cứ “nhỏ xuống hồn tôi”, hồn em và hồn của nhiều người, như đấng bậc chóp bu trong Đạo lại đã giảng-giải những điều rất thông-thường như sau:

“Satan là tên vô-lại đã nói dối rồi còn lừa đảo, hứa hão đủ mọi chuyện để rồi khi nó rời khỏi hiện-trường rồi, người đối-thoại với nó thấy là mình trần-truống, trơ trụi.” Trên đây, là ý/lời trong bài chia sẻ Tin Mừng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ bày trong thánh-lễ sáng ngày 10/2/2017 tại nguyện-đường thánh Martha, ở Rôma.

 Trong bài chia-sẻ hôm ấy, ngày 10/2/2017, Đức Phanxicô đã cho thấy sự tương-phản giữa cung-cách do người nữ đầu đời là Eva tương-tác với con rắn trong vườn Địa Đàng và cách-thức Đức Giêsu phản-ứng lại với ác-thần/sự dữ sau 40 ngày ở chốn hoang-vu, sa mạc.

 Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Đối với Eva, “sư tổ của sự dối-trá đã” cho thấy y ta đúng là chuyên-gia trong việc lừa-đảo con người. Trước nhất, y ta làm cho Eva cảm thấy thoải-mái cái đã, sau đó y ta bắt đầu cuộc đối-thoại với bà, từng bước và từng bước đem bà đến nơi đến chốn mà hắn muốn bà ta đến.

 Đức Giáo-Hoàng còn bảo: Hắn ta là tay lừa-đảo chánh-hiệu. Hắn hứa hẹn quí vị đủ mọi điều và rồi khi rời bỏ hiện-trường, quí vị mới nhận ra là mình trần-truồng, trơ-trụi một mình.

 Đức Giêsu thì khác. Ngài không đi vào cuộc đối-thoại với ác-thần/sự dữ, nhưng Ngài đáp trả lại cơn cám-dỗ bằng cách trích-dẫn Kinh Sách. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại nói thêm: Con rắn tượng-trưng cho ác-thần/sự dữ lại tinh-khôn, ranh mãnh đến độ quí vị không thể nào đối-thoại với hắn ta được. Chúng ta đều biết thế nào là cám-dỗ, chúng ta đều biết tất cả những điều như thế là bởi chúng ta đều có tất cả những thứ cám-dỗ như: phù hoa, kiêu-hãnh, tham-lam, thèm muốn.

 Đức Giáo Hoàng nói tiếp: Con người, thay vì nghe lời ác-thần/sự dữ rồi trốn chạy khỏi Đức Chúa, khi ta rơi vào cơn cám-dỗ, thì việc tốt nhất ta cần làm là: cầu nguyện. Khi ấy, hãy thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa xin giúp con. Con thật yếu đuối. Con không muốn trốn chạy khỏi Ngài đâu!” Cầu nguyện, là dấu-hiệu của sự can đảm, bởi lẽ giả như ta bị lừa vì thấy mình yếu kém đi nữa, ta cũng sẽ có can đảm để đứng lên mà tiến về phía trước xin Chúa thứ tha mọi yếu đuối lỡ lầm của mình, cũng được thôi.” (X. Cindy Wooden, Tin Mới Nhất tiếng Anh trong Catholic Herald 10/02/2017)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi san-sẻ Lời Chúa ở nguyện-đường hôm ấy mới nói thế, chứ hỏi rằng: thời nay, Satan xuất-hiện ở đâu? Khi nào? Làm sao tránh được những kẻ như thế. Bởi, Satan nay rất khôn, chúng đội lốt dưới lằn áo của người an lành, hạnh đạo nữa, thì sao đây?

Lại nữa, bạn nghĩ sao khi nghe những câu như: “Đi với Hy Lạp thì như người Hy Lạp, với Do-thái thì như người Do-thái. Nói nôm na, là nói như người Việt mình vẫn bảo: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, là như vậy.

Dù, “Áo Dòng không làm nên thày tu” đi nữa, thật cũng khó. Khó, không chỉ với trẻ nhỏ, thôi; nhưng còn khó cả với ông già/bà cả nay cứ “ù ù cạc cạc” mỗi khi tiếp xúc với truyền-thông/vi-tính những làTwitter, Instagram, Face Time và gì gì đi nữa, cũng đều thế.

Nói tóm lại, nói thì dễ thực-hành mới thật là khó. Bởi, nếu Satan không khôn-khéo, lanh-lẹ và biến-thái muôn mặt, ắt ta không thể nào gọi chúng là ác-thần/sự dữ được. Chửa biết chừng, các đấng bậc hiền-lành/hạnh đạo cho lắm có khi càng biến-chất thành đám “quỉ tha ma bắt”, cũng không chừng.

Bước vào vườn thượng-uyển đầy lời lành thánh có câu truyện được đấng thánh-hiền kể như sau:

“Bấy giờ, Đức Giêsu phán bảo nó:

“Xéo đi! Satan! Vì đã viết:

Ngươi phải bái lạy Chúa, Thiên Chúa của ngươi,

và chỉ thờ-phượng một mình Ngài mà thôi.”

Thế rồi, ma quỷ bỏ Ngài,

và này các Thiên-thần tiến lại hầu hạ Ngài.”

(Mt 4: 10-11)

Phiếm luận và phiếm “loạn” ngày đầu năm 2017, tưởng cũng nên về với ý-kiến/suy-tư của rất nhiều vị và nhiều người, trong đó có thiền-sư Đạo Bụt là Thích Tánh Tuệ về cuộc đời, như sau:

Ngẫm nghĩ về cuộc đời:

1- Nếu ai hỏi tôi, điều gì tôi biết ơn nhiều nhất?

Tôi sẽ nói rằng, tôi biết ơn những điều tốt đẹp cũng như những điều xui xẻo tôi trải qua trong cuộc đời. Vì qua đó luyện cho tôi tính bớt kiêu ngạo, cũng như sự nhẫn nhục. Ngày xưa dịp Xuân về, tôi hay xuất hiện trên sân khấu, từng hát những bài tình ca, dành cho tình yêu, dành cho quê hương, nhưng nay, Trời đã lấy mất đi của tôi giọng hát, khiến tôi ngẫm rằng, sức khỏe của con người mong manh như giữa có và mất, sống và chết chỉ cách nhau trong gang tất, từ đó tôi trân trọng sức khỏe, sự sống, những khả năng, bạn hữu còn lại của mình hơn.

2- Nếu ai hỏi tôi, điều gì đã giúp tôi vẫn còn nuôi hy vọng trong cuộc sống?

 Tôi sẽ nói rằng, niềm hy vọng là một cái gì đó tuy mơ hồ nhưng luôn tiềm ẩn trong tâm hồn tôi. Sống mà không còn niềm tin yêu hy vọng là chết khi đang sống. Vì thế tôi thích gần cỏ cây, tôi yêu thương súc vật, tình yêu thiên nhiên ban cho tôi nghị lực để thắng những chông gai. Con người chẳng khác nào thân cây cỏ.

 3- Nếu ai hỏi rằng, tôi sợ lời chỉ trích của ai nhất ? Của bạn thân hay từ kẻ ghét mình ?

– Tôi sẽ nói rằng, không sợ lời chỉ trích của ai cả ! Vì chính tôi đã từng động não, chất vấn với chính lương tâm mình trong từng lời nói. Từng hành động. Chính mình có trách nhiệm với những điều mình viết. Những gì mình làm. Tránh không làm tổn thương người khác.

 4- Nếu ai hỏi tôi rằng, điều gì khiến cho tôi thất vọng ?

 – Tôi học được bài  học ở đời là: đừng nuôi tham vọng sửa đổi được người khác như ý mình muốn. Trên đời này không ai nghĩ giống ai, cho nên, bình an nhất cho mình là hãy chấp-nhận-họ-như-họ-vậy và đòi hỏi, họ-phải-chấp-nhận-lại-tôi-như- tôi-từng-là. Không ai chạm tự ái của ai hết. Có thế mới có hòa bình được. Vì nếu ai cũng háo thắng, ham danh, trách người mà không nhìn lại mình, chẳng khác nào cười chê Con Lừa có lưng gù xấu xí, trong khi mình cũng là một Con Lừa không khác chi nó.

 5- Nếu ai hỏi tôi rằng: Tình yêu chân thật là gì ? Làm sao nhận diện được nó ?

Tình yêu chân thật trong đời sống lứa đôi chỉ xảy ra được, khi hai người nhường nhịn, chấp nhận điểm xấu tốt của nhau, tặng cho nhau sự tin tưởng và sự tự do, không gò bó, gượng ép, ích kỷ. Như hai người bạn đồng hành nương tựa nhau mà đi. Cùng xây dựng mái ấm. Đó mới là tình yêu chân thật. Dĩ nhiên, đòi  hỏi thời gian thử thách mới đạt được tình yêu chân thật đó.

 6- Nếu ai hỏi tôi rằng, có thù những kẻ ác tâm với mình không?

 Tôi sẽ trả lời rằng không. Vì nếu ghét họ, tức tôi sẽ mất tự chủ, tôi để hình ảnh họ điều khiển trí não của mình, tôi sẽ tự đánh mất tôi. Điều đó tôi không muốn, nên thà tha thứ để cho tâm mình bình an, nhưng tôi không dám kết bạn với kẻ xấu nữa.

 7- Nếu ai hỏi tôi rằng….

Cứ thử gieo ai những muộn phiền

Chân về nghiêng bước, dạ không yên..

Xốn xang như mắt vừa vương bụi

Biết nỗi buồn kia ta nhận riêng!

Hãy thử trao ai chút dịu dàng!

Hạ nồng sao ngỡ lúc thu sang!

Mắt Từ đưa khắp trong trần thế

Ấm áp thay nghìn tiếng hỏi han..

Nhắm mắt một lần, để lắng nghe!

Nghe niềm đau.. trải khắp sơn khê..

Nhiệm mầu giọt lệ thành mây khói

Đời đẹp từ khi sống vỗ về…
Cứ thử ngồi gần bên cạnh nhau

Cùng khâu vá lại những cơn đau

Có khi, xa cách vì câm lặng

Lắm lúc ngôn lời chia hố sâu..
Hãy thử cho nhau những nụ cười

Đất trời như mở lượng đầy vơi

Khi Thương và Hiểu tràn muôn lối

Cõi sống địa đàng, vui khắp nơi.” 

(Như Nhiên Thích Tánh Tuệ)

Dĩ nhiên, ý-kiến và ý-hướng của thiền-sư nói ở trên không hẳn đã đúng hay sai hoặc là tất cả. Nhưng vẫn là ý-kiến tư-riêng cốt phản-hồi hầu tôi và bạn ta nghe thử rồi suy-tư, quyết chí cho đời mình, mỗi thế thôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc cũng muốn nghe thử

Các ý-kiến phản hồi

của các bạn đạo

khác với mình.  

CHỈ CÓ CHÚA MỚI LẤP ĐẦY ĐƯỢC

CHỈ CÓ CHÚA MỚI LẤP ĐẦY ĐƯỢC

 LM Ignatiô Trần Ngà 

     Có đi cả ngày trời trong sa mạc khô cháy, trên đầu là nắng lửa, dưới chân là cát nung như đoàn dân Do-Thái ngày xưa trong hoang địa mới cảm nhận được cái khát hành hạ người ta như thế nào và nhu cầu được uống cho đã cơn khát mới bức xúc làm sao.  Thế nên khi bị cơn khát dày vò, họ đổ lỗi cho Mô-sê đã đưa họ vào nơi hoang địa khô cháy, và đòi đem vị lãnh tụ nầy ra mà ném đá.  (Bài đọc I, sách Xuất Hành 17, 3-7)

     Thế nhưng ngoài cơn khát tự nhiên là khát nước, con người luôn có những khao khát mà không có gì trên thế gian có thể làm cho họ được no thoả.  Người ta gọi đây là khát vọng vô biên.  Đây là cơn khát về mặt tâm linh nên chẳng có thứ nước nào trên đời có thể làm dịu bớt.

Người phụ nữ xứ Samari trong Tin Mừng hôm nay (Ga 4,4-42) cũng đã từng trải qua cơn khát tương tự.  Chị đã mưu tìm hạnh phúc qua năm đời chồng rồi nhưng lại phải chia tay để tìm hạnh phúc với người thứ sáu; mà cũng chẳng ai trong họ có thể đem lại cho chị hạnh phúc thực sự trong cuộc đời.  Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi múc nước.  Ngày nào cũng phải lặn lội tìm đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát và tiếp tục đội vò đi tiếp.

 Chính vì thế mà Chúa Giêsu khẳng định với người phụ nữ Samari: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại.”  Ngài muốn nói không gì trên đời có thể đáp ứng khát vọng của con người.

 Triết gia người Đức, ông Schopennauer khám phá: “những lạc thú mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, rồi ngày mai lại đói.”

Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao – thoả mãn, thoả mãn – khát khao… cứ tiếp diễn mãi không cùng”… lại càng ngày càng tăng “đô” hơn.  Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì ngọn lửa khao khát trong lòng mình.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho người phụ nữ Samari cũng như cho chúng ta một Nguồn Suối mang lại hạnh phúc: “Ai uống nước nầy sẽ lại khát, còn ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.  Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Ga 4,13-14)

Augustinô là người mải mê tìm kiếm lạc thú trần gian suốt nhiều năm trường nhưng không gì trên thế gian có thể lấp đầy trái tim khao khát của ngài, mãi đến tuổi 33, nhờ ơn soi sáng và lời nguyện cầu liên lỉ của người mẹ thánh thiện là Mônica, Augustinô mới tìm được Thiên Chúa là Đấng đem lại cho ngài niềm hoan lạc vô biên.  Bấy giờ lòng đầy hoan hỉ, Augustinô thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong tay Ngài”.

Chỉ trong Thiên Chúa, khát vọng của Augustinô mới được lấp đầy.  Quả đúng như Lời Chúa Giêsu nói: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại, còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa.  Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Ga 4,13-14)

      Lạy Chúa Giêsu, chúng con sung sướng được đón nhận Chúa là Mạch Suối thiêng liêng làm tươi mát đời chúng con.  Chúng con như những lùm cây trồng bên suối nước.  Chúng con được xanh tốt là nhờ giáo huấn của Chúa đem lại sức sống thiêng liêng cho chúng con.  Chúng con thật sự hạnh phúc vì có Chúa ở cùng.  Chúng con cảm thấy bình an và hoan lạc vì Chúa đã lấp đầy trái tim khao khát của chúng con.  Nhưng chúng con biết rằng còn rất nhiều người đang khát Chúa mà vẫn chưa tìm thấy Chúa.  Xin thương đến với họ như xưa Chúa đã đến với người phụ nữ Samari.  Xin cho chúng con, như người phụ nữ Samari xưa, sau khi nhận được Mạch Suối Chúa ban, thì cũng giới thiệu cho cả thành ra gặp Chúa, để họ cũng được no thoả nơi Chúa là Mạch Suối mang lại sự sống đời đời. Amen.

LM Ignatiô Trần Ngà

(trích từ “Cùng Đọc Tin Mừng”)

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

NHẠC KỊCH TÌNH CHA:

———————————————————

Hiển Phượng xin được chia sẻ với quí Anh Chị nhạc kịch Tình Cha (Người con hoang đàng) do Vi Phương biên soạn dựa theo Tin Mừng Thánh Luca 15. 11-32 nói về Tình Cha, hay Người con hoang đàng. Đây là tâm tình của Phượng đã ấp ủ từ hơn 25 năm nay. Tạ ơn Chúa, Nhạc kịch này xong đúng vào cuối năm bế mạc Năm Thánh 2016. Ước mơ của Phượng là nhạc kịch này sẽ được diễn tả trên sân khấu. Nhưng mơ ước này lại quá lớn, khả năng lại hạn hẹp, nên đã thu hẹp lại trên youtube. Những nhân vật nói trong nhạc kịch này không ai khác hơn là những bạn bè, không một chút kinh nghiệm, đã thương mến khuyến khích và hy sinh thời giờ của mình để giúp cho hoàn tất. 

Nhạc kịch dài hơn 2 tiếng rưỡi và được chia ra làm 4 màn. Thơ của Vi Phương. Phổ nhạc Nguyễn Văn Hiển.

Xin chân thành chia sẻ đến Cả Nhà trong Mùa Chay Thánh này và xin cầu cho nhau,

Thật quí mến,

Hiển Phượng

NHẠC KỊCH TÌNH CHA:

httpv://www.youtube.com/watch?v=mTmpIRd9H7E&list=PLsJUg7bASmQqqCXPlo86Alr2RLLLf8c0L&index=1

NHẠC KỊCH: TÌNH CHA – MÀN I – VI PHƯƠNG & NGUYỄN VĂN HIỂN

httpv://www.youtube.com/watch?v=zRho603JHoY&list=PLsJUg7bASmQqqCXPlo86Alr2RLLLf8c0L&index=2

NHẠC KỊCH: TÌNH CHA – MÀN II – VI PHƯƠNG & NGUYỄN VĂN HIỂN

ĐI VÀO MÙA CHAY

ĐI VÀO MÙA CHAY

Biết căn nguyên của một từ đôi khi rất hữu ích.  Theo ngôn ngữ học, trong tiếng Anh cổ, mùa chay có nghĩa là mùa xuân.  Theo tiếng La-Tinh, mùa chay có nghĩa là chầm chậm.  Như vậy, theo từ nguyên học, mùa chay báo gọi mùa xuân đến và mời gọi chúng ta giảm nhịp sống để nhìn lại cuộc đời mình.

Dù qua cách nghĩ thông thường, mùa chay mang một vài nét cổ truyền nhưng mùa chay chính là thời gian kêu gọi chúng ta chay tịnh, gạt qua những thú vui thông thường và lành mạnh nào đó để chuẩn bị tốt hơn cho đại lễ Phục Sinh.

Một trong những hình ảnh giúp ích cho điều này là ý niệm về Sa Mạc trong Kinh Thánh.  Qua Kinh Thánh chúng ta biết rằng, để chuẩn bị cho việc rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đi vào sa mạc bốn mươi đêm ngày để chay tịnh và, theo Phúc Âm thánh Mác-cô, Đức Giêsu còn chịu Xa-tan cám dỗ, sống với thú hoang, và được các thiên thần che chở.

Mùa Chay luôn được hiểu là thời gian chúng ta noi theo Đức Giêsu, một cách ẩn dụ Đức Giêsu trải qua bốn mươi ngày trong sa mạc, không sống bằng thực phẩm thông thường, để có thể đối diện với “Xa-tan,” “thú hoang” và thấy “các thiên thần” hiện đến, che chở khi chúng ta không còn tự lo cho mình được nữa.

Mua chay

“Xa-tan” và “thú hoang” ám chỉ đặc biệt đến các xáo trộn trong tâm hồn mà chúng ta thường hay phủ nhận hoặc đơn giản không dám đối diện – đó là các chứng hoang tưởng, nổi giận, ghen tương, xa lánh mọi người, ảo tưởng, tự kiêu, ham muốn, những tổn thương chưa lành, rắc rối trong đời sống tình dục, không có khả năng cầu nguyện, kém lòng tin, và các che giấu về mặt đạo đức.  Thực phẩm thông thường làm sao nhãng cuộc sống, nó che không cho chúng ta đối diện với các xáo trộn sâu kín núp bóng dưới bề mặt cuộc sống.

Mùa chay kêu gọi chúng ta ngưng dùng các thực phẩm này, các thực phẩm ngăn không cho chúng ta đối diện với cô tịch trong tâm hồn.  Mùa Chay kêu gọi chúng ta đối diện với bé mọn, yếu mềm, e sợ của mình, và mở lòng để thấy cái xáo trộn của sa mạc, để các thiên thần có dịp nuôi sống chúng ta.  Đó là lý tưởng Ki-tô giáo về mùa chay, đối diện với chính những xáo trộn của mình.

Để bổ sung, tôi đề nghị ba hình ảnh đầy tính thần thoại, mỗi hình ảnh giúp giải thích một khía cạnh của mùa chay và việc giữ chay:
Trong mỗi nền văn hóa đều có các câu chuyện cổ, các huyền thoại dạy chúng ta lúc này lúc kia trong đời, phải biết ngồi giữa tro tàn.  Chẳng hạn, ai cũng biết chuyện Cô Bé Lọ Lem.  Theo nghĩa đen Cinderella có nghĩa là cô bé (puella) ngồi trong tro tàn (cinders).  Bài học rất rõ ở đây là: Trước khi trở nên xinh đẹp, trước khi có thể kết hôn với hoàng tử hay công chúa, trước khi đi dự tiệc, trước hết bạn phải nếm trải thời gian ở một mình giữa tro tàn nhem nhuốc, hèn mọn, quay về với với bụi đất và chờ đợi.  Mùa chay là mùa dành thời gian ngồi trong tro tàn.  Không ngẫu nhiên khi chúng ta bắt đầu Mùa Chay bằng việc xức tro lên trán.

Thứ hai là hình ảnh ngồi dưới sao Thổ, làm đứa con của sao Thổ.  Người xưa tin rằng sao Thổ là sao của buồn chán, u sầu.  Do đó không ngạc nhiên khi thấy ai đó rơi vào bùa mê của nó, chính xác khi họ cảm thấy buồn và thất vọng.  Thật vậy, người xưa tin rằng trong đời, ai cũng phải trải qua một khoảng thời gian nào đó làm đứa con của sao Thổ, nghĩa là, ngồi trong buồn chán, nặng nề, kiên nhẫn chờ đợi để một điều quan trọng nào đó tự biến chuyển trong tâm hồn mình.  Thỉnh thoảng những người lớn tuổi hay các vị Thánh cũng tự nguyện đặt mình ngồi dưới sao Thổ, như Đức Giêsu đi vào sa mạc, họ sẽ ngồi trong tình trạng buồn chán, nặng nề, hi vọng rằng, nỗi u sầu này có một ý nghĩa đưa họ đến một chiều sâu nội tâm mới mẻ nào đó.  Đó cũng là chức năng của mùa chay.

Cuối cùng một hình ảnh quý giá, lưu truyền trong những thần thoại cổ xưa, hình ảnh các giọt nước mắt nối kết chúng ta lại với dòng chảy cuộc đời, với nguồn mạch sự sống.  Nước mắt, như chúng ta biết, là nước muối mặn.  Không phải không có ý nghĩa sâu sắc.  Đại dương là nước muối mặn và, như chúng ta biết, tất cả sự sống đều bắt nguồn từ đó.  Vì vậy, trong ý tưởng nhiệm mầu và nên thơ, nước mắt nối kết chúng ta lại với nguồn mạch sự sống, nước mắt tái sinh, thanh lọc chúng ta trong sự tận hiến cuộc đời, và nước mắt làm tâm hồn sâu đậm, để tâm hồn nếm trải nguồn mạch sự sống.  Với sự thật đó, và khi tất cả chúng ta đều trải nghiệm sự thật đó, nước mắt chính là đi vào sa mạc để chay tịnh, là vật dẫn truyền đến chiều sâu mới mẻ của tâm hồn.

Sự cần thiết của mùa chay được trải nghiệm khắp nơi: Nếu không được thăng hoa thì có thể chúng ta sẽ không bao giờ đạt được cái siêu phàm.  Để thật sự đi vào đại tiệc trước hết phải có chay tịnh.  Để đi vào Phục Sinh một cách đúng đắn trước hết phải có một khoảng thời gian của sa mạc, tro tàn, buồn chán và nước mắt.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

SỐNG VỚI NHỮNG ỦI AN CỦA MẸ MARIA

SỐNG VỚI NHỮNG ỦI AN CỦA MẸ MARIA

  1. Từ rất lâu rồi, tôi hay hát, hoặc chung với cộng đoàn, hoặc âm thầm một mình bài:“Lạy Mẹ, xin an ủi chúng con luôn luôn”.

Tâm tình của tôi, khi hát bài đó, là những tiếng kêu. Tôi kêu vì cảm thấy đời tôi quá khổ. Tôi kêu, vì tin Đức Mẹ sẽ thương xót ủi an. Mẹ sẽ ủi an không phải một lúc một ngày, nhưng luôn luôn.

  1. Khi kêu cầu như thế, tôi cảm thấy mình rất gần gũi với Mẹ. Ngay sự gần gũi đó cũng đã ủi an tôi rất nhiều.
  2. Thêm vào đó là cảm thấy Mẹ hiện diện kề bên, những khi tôi đau buồn. Mẹ ủi an một cách dịu dàng và từ từ, bằng nhiều cách khác nhau. Hoặc Mẹ trực tiếp ủi an, hoặc Mẹ ủi an gián tiếp qua những người Mẹ gửi đến.
  3. Tôi càng nói:“Lạy Mẹ, xin an ủi chúng con luôn luôn”, tôi càng thấy an ủi của Mẹ đi sâu vào đời tôi. An ủi của Mẹ đổi mới con người của tôi. Tôi thuộc về Chúa nhiều hơn. Tôi biết xót thương người khác quảng đại hơn.
  4. Nhận thức về những an ủi Mẹ ban đã đưa tôi đến sự cảm tạ Chúa và Mẹ. Tôi cảm tạ bằng lời của Mẹ xưa:“Linh hồn tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tôi tớ Chúa”(Lc 1, 6-9).
  5. Tâm tình cảm tạ của tôi chắc chắn là do Chúa Thánh Thần ban cho. Hôm nay, tôi xin được phép chia sẻ vắn tắt một vài ơn lạ trong đó.
  6. Ơn thứ nhất là nhờ được Mẹ an ủi, tôi đã gặp được Chúa.

Thực vậy, khi được Mẹ an ủi, tôi cảm thấy có một sức lạ lùng tràn vào hồn tôi. Một đàng tôi nhận ra mình hèn mọn bất xứng, một đàng tôi cảm thấy có một Đấng thiêng liêng ẩn mình trong những ủi an đó. Dần dần, tôi được ơn nhận ra Đấng thiêng liêng ấy chính là Chúa.

Tôi gặp được Chúa trong những ủi an của Mẹ. Chúa mà tôi gặp là Đấng sống động, gần gũi. Chúa đi tìm tôi.

  1. Ơn thứ hai là nhờ được Mẹ an ủi, tôi đã cảm được tình yêu của Chúa là tuyệt vời.

Thực vậy, Chúa mà tôi được gặp, có một tình yêu khôn tả dành cho tôi. Chính Người, vì yêu tôi, nên đã chết để cứu tôi. Người dựng nên tôi mà khỏi phải khó khăn nhọc nhằn. Nhưng Người cứu tôi, thì phải đổ máu ra trên thánh giá. Cái giá Người phải trả để cứu tôi là thế đó. Nhận ra tình yêu của Chúa dành cho tôi là như thế, tôi phải biết ơn Chúa thế nào cho xứng?

Chúa đã cho tôi chính mình Chúa, tôi chỉ có cách biết ơn Chúa, bằng cách dâng cho Chúa trọn vẹn bản thân tôi.

  1. Ơn thứ ba là nhờ được Mẹ ủi an, tôi dần dần khám phá ra suối nguồn sự sống đời đời chính là Chúa.

Thực vậy, có lúc tôi cảm thấy bàn tay Chúa. Có lúc tôi cảm thấy cái nhìn của Chúa. Có lúc tôi cảm thấy hơi thở của Chúa. Có lúc tôi cảm thấy khuôn mặt của Chúa. Có lúc tôi cảm thấy mùi thơm của Chúa. Tất cả đều từ một nguồn là Chúa, Đấng hằng có từ thuở đời đời và mãi mãi hằng có đời đời.

Cảm thấy như vậy, tôi thấy đời tôi ở đời này chỉ là một chuyến đi vắn vỏi, nhưng đời sau ở bên Chúa mới chính là cùng đích.

  1. Nhận thức trên đây và cảm nhận trên đây có lúc rất mạnh khiến tôi khao khát như thánh nữ Têrêsa thành Lisiơ, muốn đi khắp nơi tìm kiếm các linh hồn về với Chúa. Hoặc khao khát như thánh Phanxicô Xaviê, muốn vượt các đại dương, để kêu mời mọi người về với Chúa.
  2. Những ơn trên đây, đang được ban cho nhiều người xa gần hiện nay. Họ quên mình, chỉ còn nhìn vào Chúa mà thôi. Họ nhìn Chúa, mọi nơi mọi lúc. Do vậy, chiêm niệm không tách rời hoạt động.
  3. Nhưng, mọi sự không luôn luôn diễn biến tốt đẹp. Đã có lúc tôi như mất hết tất cả những ơn trên. Tôi trở thành nghèo khó, hèn hạ. Những lúc đó, tôi lại hát:“Lạy Mẹ, xin an ủi chúng con luôn luôn”.

Tôi nói với Mẹ lời khẩn cầu đó, với ý thức mình là kẻ yếu đuối hèn hạ: “Sự thiện con muốn, thì con không làm. Sự ác con không muốn, thì con lại cứ làm. Con là kẻ khốn nạn” (Rm 7,19).

Tôi như phải bắt đầu lại. Thực sự tôi phải bắt đầu lại mỗi ngày, với quyết tâm trở về với Chúa, nhờ Mẹ ủi an.

  1. Được ủi an là một ơn trọng, cần thiết cho tôi.

Biết cùng với Mẹ ủi an những người khác cũng là một ơn quý giá, cần thiết cho họ và cho chính tôi.

Biết đón nhận an ủi và biết cho đi an ủi, đó là những điều Mẹ Maria hằng ngày vẫn nhắc nhở tôi.

Thực sự, đó là những vấn đề khó. Phải có ơn Chúa, mới hiểu rõ được. Phải có ơn Chúa mới thực hiện được.

Ơn Chúa sẽ ban cho những ai khiêm tốn cầu nguyện, tỉnh thức và sống tiết độ (1Pr 5,8).

Hiện giờ, quỷ Satan đang như sư tử gầm thét chạy rảo khắp nơi để tìm mồi là các linh hồn, đúng như thánh Phêrô quả quyết (1Pr 5,8). Biết sự thực đó, chúng ta càng phải khiêm tốn kêu van Mẹ:“Lạy Mẹ, xin an ủi chúng con luôn luôn”.

Long Xuyên, ngày 10.3.2017

+ Gm. GB Bùi Tuần

VÒNG TAY SONG NGUYỀN gởi

Người cất bước, cả non sông một dải,

Suy Tư Tin Mừng Trong tuần thứ 2 mùa Chay năm A 12/3/2017

 Tin Mừng: (Mt 17: 1-9)

 Hôm ấy, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gio-an là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlya hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlya.” Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.

 &    &    &

“Người cất bước, cả non sông một dải,

Vươn mình theo, dãy Hoành Sơn mê mải.”

(dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

Mai Tá lược dịch.

Hoành sơn xưa, có là núi vắng Chúa đặt chân? Non sông nay, có là miền đất thánh-nhân về? Thánh nhân về, là về với nhân gian một cõi, có lòng mình/lòng người, đầy tình tự. Nhân gian nay đà thấy Chúa biến hình đổi dạng thành Đấng thánh, rất Mêsia như trình thuật thánh Mátthêu vẫn còn ghi.

Trình thuật nay kể về một biến hình đổi dạng nơi Đức Giêsu, mà các thánh xưa nay chưa từng thấy. Các thánh, gồm có Phêrô, Giacôbê và Gioan, tức các đấng bậc gần gũi cất bước lên chốn non cao thấy Chúa biến hình thành Đấng Thánh, rất phi thường. Các thánh nghe giọng thần thiêng tỏ bày sứ điệp chưa từng biết. Giọng hôm ấy, xác định Đức Giêsu là Con Một của Chúa Cha hiền hoà, đáng kính.

Biến hình đổi dạng nơi Đức Giêsu, là sự kiện xảy đến với nhiều tình tiết, rất đặc biệt. Cũng tương tự như ngày Chúa sống lại. Hoặc rõ hơn, như biến cố Chúa về trời vượt quá chuyện thường ngày, rất khó hiểu. Chúa thay hình đổi dạng, tựa hồ như Môsê xưa đã biến hình, trên đỉnh núi Sinai, khi giáp mặt trực diện với Giavê. Gặp Giavê, mặt mày Môsê sáng như ánh mặt trời. Long bào của ông, trắng toát như ánh dương, rất đặc biệt.

Thánh Mátthêu kể rằng: các thánh tông đồ lúc ấy rất ngạc nhiên, hãi sợ và bắt đầu nói lung tung về chuyện dựng xây căn nhà ở chóp núi. Đó là chuyện bình thường ở huyện người người vẫn làm thế, khi mất cảnh giác.

Biến hình là chuyện xem ra không bình thường xảy đến với chúng ta. Chí ít, là khi ta sống trong thế giới đầy những biến đổi hình dạng, về mọi thứ. Như sâu nhộng trở thành bươm bướm mà ta gọi là sự biến thái vẫn xảy đến trong đời của loài thú. Hệt như em bé biến dạng đổi hình, khi mới sinh. Đó là điều mà thánh Âu Tinh gọi bí nhiệm sản sinh. Là, mầu nhiệm lớn hơn cả phục sinh: đến với thế giới qua cốt cách con người, vẫn là chuyện cao cả hơn là trở về với hình thù mình, sau khi chết. Mỗi ngày và mọi ngày, vẫn xảy đến với ta qua đủ loại thay hình đổi dạng hệt như thế, cả bên trong. Trong sự sống riêng tây của mỗi người. Vấn đề tuy đơn giản, nhưng sâu sắc. Thay đổi bản vị, vẫn xảy đến, qua nhận thức, qua tình yêu.

Và đây là quan điểm rất xác thực của tác giả Mátthêu. Quan điểm của thánh nhân không nằm ở mặt ngoài, hoặc chỉ thay đổi mỗi xác phàm. Thay đổi về thân xác, là lối nói để diễn tả thay đổi về bản vị rất nhiều lần, Đức Giêsu có những khoảnh khắc nhận thức bên trong. Khoảnh khắc về tình thương yêu, rất thấu đáo. Khoảnh khắc, qua đó Ngài ồ ạt tăng trưởng bản thân để trở thành con người đầy bản vị. Và, đặc ân đến với các tông đồ vào lúc ấy, là được phép hiện diện và thấy được chuyện xảy đến, rất hiếm quý.

Đức Giêsu vẫn theo lộ trình bình thường, để có được kinh nghiệm rất thường tình của con người. Ngài học hỏi mọi thứ qua thử thách và sai sót. Mỗi ngày, Ngài khám phá ra nhiều điều mới mẻ về chính Ngài và về loài người. Cả những điều mới mẻ về Cha, mà chính Ngài đã trải nghiệm. Đức Giêsu là người từng trải nghiệm sâu sắc/bén nhạy về những thứ ấy. Ngài có những khoảnh khắc thương yêu rất mặn nồng, cũng ưu-tư lo-lắng, hãi sợ. Cũng trải-nghiệm nhiều phút giây vui vầy, tuyệt-diệu.

Và, mỗi lần có sự việc mới mẻ xảy đến, Ngài thay đổi tự bên trong. Và cứ thế, Ngài bắt đầu trở nên giống hình thù mà Ngài vẫn có ở trong Ngài. Ngài không là thiên thần cũng đạt chốn Thiên quốc mà Ngài giống như ngôn sứ Cựu Ước, có tầm nhìn sâu sắc trong cuộc sống –tầm nhìn thấu đáo do Cha ban. Nhưng Ngài không chỉ là thế, như một ngôn sứ không hơn không kém. Mà, còn trinh trong cả ở nội tâm. Ngài không có triệu chứng tâm can đau yếu. Nhưng, Ngài hoàn toàn hội nhập vào với thực tại. Mỗi khi có cảm nghiệm gì lớn lao, toàn bộ con người Ngài phản ánh niềm vui chan hoà cho tất cả.

Kinh nghiệm đỉnh núi, là kinh nghiệm gì? Là, cảm nghiệm rằng Ngài được Cha hoàn toàn chấp nhận và yêu thương làm Con Cha. Và, Cha không thể chờ đợi lâu hơn nữa để tỏ bày cho Ngài biết là Ngài được Cha chấp nhận thương yêu biết dường nào. Ngài không là kẻ xa lạ với Cha. Và, Cha cũng không xa lạ gì Ngài. Ngài không là người bạn của Cha chỉ trong chốc lát. Và, Cha cũng chẳng là bạn hiền của Ngài chỉ một phút chốc rồi thôi, những miên trường mãi mãi.

Cảm nghiệm Ngài cho thấy tương quan giữa Ngài và Cha. Giữa Cha và Ngài. Không là tương quan chỉ phút chốc hoặc lúc trầm lúc bổng, lúc tắt lúc bật trở lại. Ngài thực sự biết rõ Cha và quyết trở thành Thiên Chúa, giống như Cha. Và, Cha cũng biết rõ Ngài. Cha vẫn muốn Ngài thành Thiên Chúa theo cung cách rất Giêsu Kitô tựa hồ một biến đổi còn diễn tiến. Và lúc này là lúc thấy rõ diễn tiến hai chiều. Diễn tiến cho thấy Đức Giêsu trở nên thần thiêng như Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đang trở thành người phàm, như Đức Giêsu. Ta có thể gọi đó là biến hình hoặc nhập thể, cũng chẳng sai.

Tất cả sự việc này, tháp nhập vào với giọng nói vang vọng từ trên cao khẳng định với các tông đồ về điều rất chính yếu: “Này là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 17: 5)

Ngay khi ấy, các thánh tông đồ vẫn chưa nhận ra ý nghĩa của giọng nói, ngay lúc đó. Chỉ mãi về sau, các thánh nhân mới nhận ra được ý nghĩa thâm sâu về những gì xảy đến với chính mình. Và, Chúa cũng đã căn dặn các thánh đừng cho ai biết chuyện ấy, ít nhất chỉ phổ biến sau ngày sống lại, mà thôi. Mãi sau, các thánh mới nhận ra ý nghĩa đúng như thế. Cũng phải mất một thời gian chay tịnh rất dài ngày, người người mới nhớ về những chuyện như thế và cũng đã am-hiểu.

Và khi các thánh tông đồ tin tưởng vào Đức Giêsu và Cha Ngài, thì lúc ấy các thánh mới có cảm nghiệm đích thực về những gì xảy đến. Cảm nghiệm rằng, Đức Giêsu và Chúa Cha đã đến nơi chốn hoang vu thần thiêng là để chấp nhận thương yêu các thánh tông đồ cách trọn vẹn. Và các thánh cũng hài lòng được gần gũi Chúa. Kể từ đó, các thánh mới thông hiểu sự việc hầu thương yêu Đức Giêsu và Chúa Cha, theo cung cách khác hẳn. Khác trước rất nhiều. Cũng từ đó, các thánh bắt đầu thấy được chính mình. Biết được đời mình nay đã thay hình đổi dạng như thành quả có được từ một Biến hình của Đức Chúa, rất dễ thấy.

Cuối cùng, các thánh khám phá ra rằng các ngài cũng có thể thực hiện được chuyện biến dạng đổi hình, cho nhau. Thực hiện được, mỗi khi các thánh chấp nhận yêu thương bất cứ người nào trong cộng đoàn mình chung sống. Và, đây là động lực thúc đẩy một khởi đầu, thêm một lần. Rồi từ đó, tương quan giữa các thánh cũng đã thay hình đổi dạng, rất “biến hình”. Các thánh, nay trở thành người anh/người chị trong cộng đoàn Hội thánh, đã biến hình đổi dạng từ trong ra, và từ ngoài vào, rất liên-hồi.

Chính vì thế, hôm nay, ngày Chúa “biến hình” chỉ một thoáng mong manh, để người người nhìn thấy trước sự kiện phục sinh rất yên tâm, thư giãn. Thư giãn, để không còn sợ rằng Mùa Chay sẽ nặng nề, khó chịu với bất cứ ai. Bởi, biến hình hôm nay là thông điệp. Và cũng là sứ mạng. Thông điệp bày tỏ rằng: chính vì Đức Giêsu, mà người người sẽ còn thay hình đổi dạng, nhiều hơn nữa. Sứ mạng, là sứ mạng để chứng tỏ, rằng: nếu tin vào Đức Giêsu, ta sẽ có khả năng giúp mọi người biến hình đổi dạng, như Đức Chúa. Chỉ cần ta thực tình chấp nhận nhau, yêu thương nhau. Chấp nhận vui hưởng sự hiện diện bên nhau. Có nhau, để yêu thương giùm giúp hết mọi người, cũng đã đạt.

Vậy thì, Mùa Chay hôm nay có nghĩa gì, đối với ta? Chay kiêng một mùa, là quyết trao cho nhau và cho mọi người khẳng định cần biến hình đổi dạng. Biến và đổi, rồi tạo cho mình một loại hình, tựa như thế. Loại hình thực tình chấp nhận nhau. Thực tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Thực tình vui hưởng sự hiện diện/gần gũi, ở bên nhau.

Trong khí thế bừng bừng tình yêu thương có từ Đức Chúa đã biến đổi hình, ta hân hoan ngâm nốt lời thơ trên mà hát:

“Chạy dọc lên, thông cảm ý ngang tàng,

Cùng chồm dậy, đáp lời hô vĩ đại!”

(Vũ Hoàng Chương – Bài Ca Bình Bắc)

Lời hô vĩ đại bữa ấy cũng như hôm nay, không hẳn là “Bài Ca (để) Bình Bắc” hoặc bình Nam, cho bằng lời hô vang hãy biến hình và đổi dạng, như Đức Chúa từng làm. Vẫn rất cần. Cũng rất nên.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – 

Mai Tá lược dịch.

DÕI THEO BƯỚC CHÚA

DÕI THEO BƯỚC CHÚA

 Người ta kể rằng năm ấy dù mới lên mười tuổi, cậu Chai-san đã được bố cho đi theo một đoàn lữ hành phải vượt cao nguyên trùng điệp với những đỉnh đồi, những ngọn núi vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.  Đêm đến đoàn lữ hành trú ngụ trong những chiếc lều vải thô sơ.  Một đêm nọ cậu bé Chai-san cảm thấy có một sức mạnh từ bên trong thúc đẩy cậu trốn ra khỏi lều.  Và kìa, giữa miền núi cao, bầu trời đầy trăng sao lấp lánh như bao trùm lấy cậu.  Một cảm giác hạnh phúc nhẹ nhàng xâm chiếm tâm hồn Chai-san.  Cậu có cảm tưởng như cả vũ trụ xinh đẹp này đã được tạo dựng để ban tặng cho cậu, và nó đang nâng tâm hồn cậu lên với Đấng Tạo Hóa.

 Bỗng chốc bầu khí yên tĩnh và an bình bị xáo trộn vì tiếng gọi của người cha: “Chai-san, mày trốn đi đâu rồi?  Trở vào lều đi”.  Chai-san miễn cưỡng trở vào lều và tiếc nuối nói với cha: “Bố ơi, bầu trời trăng sao đẹp quá chừng!”.

Thưa anh chị em,

Trong truyền thống Thánh Kinh cũng như trong hầu hết các tôn giáo, núi cao thường được xem như là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa Thần Linh và con người.  Những mạc khải quan trọng trong Kinh Thánh đều diễn ra trên núi cao.  Môsê đã được kêu mời lên núi Sinai để gặp gỡ Giavê Thiên Chúa và đón nhận lề luật cho Dân Chúa.  Êlia đã ròng rã 40 đêm ngày lên núi Horeb để gặp Chúa.  Êlisê cũng lên núi Carmel để gặp Chúa.  Và Chúa Giêsu cũng khởi sự đời công khai bằng 40 đêm ngày chay tịnh trên núi cao, rồi trong ba năm sứ vụ, Ngài vẫn thường lặng lẽ một mình lên núi để cầu nguyện cùng Cha Ngài.

LTCTIM

Trong Tin Mừng hôm này, Chúa Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín nhất lên núi Thabor để tỏ vinh quang của Ngài cho các ông.  Từ trên núi cao, Phêrô, Giacôbê, Gioan đã nhận ra được con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu.  Từ trên đỉnh cao, các ông thấy vinh quang của ngài như một lời hứa được thực hiện, như thành tựu của một sứ mệnh, như đích điểm của một con đường, con đường thập giá dẫn đến vinh quang.

Thế nhưng, người ta không lên núi cao để ở lại đó, mà là để nhìn rõ hơn con đường phải đi.  Đối với Chúa Giêsu, con đường phải đi đó chính là con đường lên Giêrusalem với cuộc tử nạn đang chờ đợi Ngài.  Và Ngài đã xuống núi để giáp mặt với cuộc đời, để tiếp tục hành trình xuyên qua khổ nạn và cái chết thập giá.  Từ trên núi cao, Chúa Giêsu cũng muốn đưa ba môn đệ thân tín của Ngài trở lại cuộc đời, trở lại với những thử thách, chống đối đang chờ đợi trước mắt các ông.

Thật vậy, cuộc tỏ vinh quang của Chúa Giêsu trên núi đã xảy ra sau khi Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.  Lời tuyên xưng này lại gắn liền với lời Chúa Giêsu loan báo cuộc Thương Khó của Ngài và kèm theo lời mời gọi: “anh em hãy bỏ mình, vác thập giá đi theo Thầy” (Mt 16,24).  Vậy là đúng vào lúc các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đức Kitô, là Đấng Cứu Thế, thì trước mắt các ông hình ảnh một Đấng Cứu Thế oai hùng lẫm liệt theo các ông quan niệm, bắt đầu tan biến, để hiện ra một Đấng Cứu Thế đau khổ, bị đày đọa, bị khai trừ, bị giết chết.  Hình ảnh đó thật là khó hiểu đối với các môn đệ, vì lòng tin của các ông còn mộc mạc, phàm tục.  Cho nên, chẳng lạ gì, Phêrô đã lên tiếng khuyên can Chúa Giêsu đừng đi theo con đường đau khổ đó làm gì.  Nhưng thật không may cho ông, vì Chúa Giêsu cứ khăng khăng một mực, lại còn quay sang mắng ông: “Satan, cút đi!”  Vì ông đã tự đồng hóa với Satan cám dỗ Chúa trong sa mạc.

Rồi bây giờ thì lại cũng chính Phêrô đã dám đề nghị cắm lều ở lại trên núi Thabor, vì ở đây sướng quá, khỏi phải đi qua con đường đau khổ mà ông đã khuyên can Thầy.  Nhưng rồi, mở mắt ra, ông thấy chỉ còn một mình Chúa Giêsu trên đỉnh núi.  Ánh sáng rực rỡ đã tan biến, và Chúa Giêsu còn đánh thức các ông dậy, giục các ông xuống núi, đi lên Giêrusalem với Ngài để chịu tử nạn như Thầy đã báo trước.

Chính trong giờ phút biến hình rực rỡ vừa rồi, ông Môsê và ngôn sứ Elia đã đàm đạo với Chúa Giêsu về “cuộc ra đi” Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem, và tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến.  Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài”.  Lời đó chính là để công nhận, để tán thành bước đường vượt qua đau thương của Chúa Giêsu, và mời gọi các môn đệ hãy đi theo Thầy.  Vì thế, mấy Thầy trò lại xuống núi.  Và Phêrô cũng như các môn đệ khác phải đi theo sau Thầy qua con đường khổ nạn thập giá mới đến ánh sáng vinh quang Phục Sinh.

Không phải không có lý do mà phụng vụ năm nào cũng đặt bài Tin Mừng Chúa hiển dung sáng láng hôm nay vào giữa Mùa Chay.  Giáo Hội muốn đưa chúng ta lên núi, hé mở cho chúng ta chiêm ngưỡng một chút vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, để chúng ta thêm tin tưởng vào Ngài, để chúng ta có những giây phút nghỉ ngơi lấy sức trước khi xuống núi, trở về với cuộc sống bình thản trên các nẻo đường phẳng lặng hay đầy sóng gió đưa đến núi Can-vê.  Chúng ta cần được Chúa đến gần, đưa tay đập vào người như “đã đến gần, vỗ vào người các môn đệ”, để thức tỉnh chúng ta, để chúng ta biết chuẩn bị sẵn sàng đón nhận mọi gian nan đau khổ trên đường đời.

Con đường Thương Khó của Chúa khởi đầu từ khi Ngài xuống núi.  Rồi đây, Ngài cũng sẽ biến hình “không còn hình tượng người ta nữa”, để dạy chúng ta biết phải đi qua con đường thập giá mới đến vinh quang khải hoàn sống lại.  Trong ngôn ngữ La-tinh, người ta chơi chữ: “Per crucem ad lucem”, nghĩa là “qua thập giá đến ánh sáng”.  Qua Thứ Sáu Tử Nạn mới đến Chúa Nhật Phục Sinh.  Đường thánh giá không dừng lại ở nấm mồ, nhưng mở ra trong niềm vui tưng bừng của ngày sống lại.  Đó là quy luật của muôn đời.

Trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta, cũng có những giây phút chúng ta được đưa lên núi cao để gặp Chúa, núi cao của Thánh lễ, núi cao của những giờ phút dành cho việc cầu nguyện.  Nhưng chúng ta không lên núi để ở đó mãi, mà là để trở lại với cuộc đời với muôn thử thách, đắng cay, với những gặp gỡ từng ngày.  Chấp nhận cuộc sống với tinh thần lạc quan, chấp nhận chiến đấu mà không buông xuôi bỏ cuộc, sống như thể là tiếp tục con đường Chúa Giêsu đã đi qua.  Chấp nhận những người anh em chúng ta gặp gỡ trên đường đi, chấp nhận những khác biệt, những bất toàn của người anh em cùng đồng hành, sống như thể là dõi bước theo đường Chúa đã đi qua.

Xin ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô luôn dẫn bước chúng ta trên đường, để chúng ta biết đón nhận và sống trọn từng phút giây cuộc sống.  Xin ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô chiếu dọi và hướng dẫn cuộc hành trình đức tin của chúng ta được tiếp tục trên dấu chân của Ngài.

R.Veritas

Trích từ “Niềm Vui Chia Sẻ”

Langthangchieutim gởi

Ăn chay đúng nghĩa là gì ?

Ăn chay đúng nghĩa là gì ?

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ tại nhà nguyện Marta sáng ngày 03.03.2017

Ăn chay

 Các bài đọc hôm nay nói về việc ăn chay. Ăn chay là việc mà chúng ta được mời gọi thực hành trong Mùa Chay. Làm như thế để chúng ta có thể tiến lại gần Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thích những tâm hồn sám hối. Tác giả Thánh Vịnh là người có tâm hồn cảm thấy được tội lỗi của mình, và nhận biết được rằng mình chỉ là một tội nhân.

Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa chê trách những kẻ giả hình. Họ ăn chay nhưng lại ăn bẩn trong kinh doanh và đối xử tệ bạc với người làm công. Họ có đôi tay xấu xa. Một tay họ làm việc đền tội, tay kia họ làm những điều bất công. Vì thế, Chúa kêu gọi thực hiện việc ăn chay đích thực.

Ăn chay giả dối

 Có kiểu ăn chay giả dối, có thói đạo đức giả. Đó là kiểu ăn chay để cho người khác thấy mà khen, trong khi lại hành xử đầy bất công và khai thác con người. Ví như có người nói: “Tôi sẽ dâng tặng điều tốt đẹp này cho Giáo hội”. Thử hỏi lại người ấy rằng: “Hãy nói cho tôi, bạn có đối xử tốt với gia đình bạn không? Bạn có trả lương xứng đáng cho nhân viên của bạn không? Bạn có thực thi như luật pháp và lẽ phải, để các nhân viên có thể nuôi con cái của họ không?”.

Có một câu chuyện diễn ra ngay sau thời chiến tranh thế giới thứ hai, khi ấy cha Pedro Arrupe Dòng Tên đang là nhà truyền giáo tại Nhật Bản. Có một doanh nhân giàu có nọ muốn dâng tặng cho công cuộc truyền giáo, nhưng đi cùng anh ta, có một nhiếp ảnh gia và một nhà báo. Trong khi đó, chiếc phong bì mà anh doanh nhân tặng chỉ chứa 10 đôla.

Ăn chay đích thực

 Kiểu ăn chay giả dối cũng giống như việc chúng ta không đối xử phải lẽ với người thân cận. Chúng ta thực hiện việc đền tội, ăn chay, bố thí, và rồi chúng ta cũng làm việc hối lộ. Đó là sự giả hình giả dối của những thứ phù vân hư ảo. Đó không phải là chân thực mà chỉ là đạo đức giả. Vì vậy Chúa Giêsu nói: khi cầu nguyện thì chọn nơi kín đáo, khi ăn chay thì đừng làm bộ buồn sầu, khi bố thí thì đừng khua chiêng đánh trống, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.

Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa nói cho những kẻ giả hình biết thế nào là ăn chay đúng nghĩa: “Nào ăn chay như Ta mong muốn không phải như thế này sao? Là hủy bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ gánh nặng, trả tự do cho kẻ bị áp bức, chia cơm sẻ bánh cho người đói, tiếp rước người nghèo vô gia cư, mặc áo cho kẻ trần truồng, đừng khinh khi những người cũng là con người như ngươi”.

Chúng ta hãy ngẫm suy những lời này, chúng ta hãy để tâm những lời ấy mỗi khi chúng ta ăn chay, cầu nguyện, và làm phúc bố thí. Điều ấy sẽ giúp chúng ta nghĩ xem người ta cảm thấy điều gì, khi người ta ăn bữa tối với giá 200 euro xong và trên đường trở về nhà, người ta nhìn thấy một người đang đói, và rồi người ta tiếp tục bước đi. Thật là tốt cho chúng ta để nghĩ suy về những điều này.

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi.

Tỉnh Thức

Tỉnh Thức

Chuyện kể rằng, một thầy dòng nọ đọc đâu được trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ mách bảo cho biết rằng: “Tận cùng chân trời của trái đất là nơi trời với đất gặp gỡ nhau”.

Phấn khởi vui mừng, thầy lên đường tìm kiếm nơi trời mới đất mới gặp nhau và sẽ không trở về nhà cho tới khi tìm được. Ngày tháng trôi qua, thầy vẫn kiên nhẫn rảo bước khắp nơi với hy vọng mãnh liệt trong tâm hồn, bất chấp mọi khó khăn gian khổ và thử thách, những lần phải chịu đói khát, giá rét và không gì có thể lay chuyển được ý định của thầy.

Trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ ấy chỉ có thêm rằng: “Khi tới chỗ đất với trời gặp nhau sẽ thấy có một cánh cửa, chỉ cần gõ nhẹ cánh cửa sẽ mở ra và người ấy sẽ gặp thấy Thiên Chúa”.

Thật vậy, sau nhiều ngày tháng trời đi tìm kiếm đó đây khắp mặt đất, cuối cùng thầy dòng đã tới trước cánh cửa. Thầy vui mừng gõ cửa bước vào, lúc đó thầy dòng mới hoảng hồn nhận ra đó là Tu Viện cũ của thầy, là cửa của căn phòng mà thầy đã từng sống bao nhiêu năm qua.

***

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hứa với dân chúng rằng: “Ai xin sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa sẽ mở cho”. Ðời sống trần thế là thời gian tìm kiếm Chúa với hy vọng vững chắc là sẽ được gặp Ngài, nhưng cần phải tìm kiếm Chúa ở đâu?

Thật sự không cần phải đi tìm kiếm Chúa ở tận nơi xa xôi hoặc mãi nơi chân trời nào cả, Thiên Chúa hiện diện ngay trong tâm hồn mỗi người, cùng đồng hành với mỗi người trong mọi hoàn cảnh vui buồn, sướng khổ của cuộc sống. Vấn đề quan trọng là có biết nhận ra những giờ, những nơi hẹn mà Chúa đang chờ đợi ta hay không?

Chúng ta biết tỉnh táo và chuẩn bị sẵn sàng là thái độ của mỗi người đầy tớ trung tín, chứ không phải là thái độ cần thiết của những người gác cổng mà thôi. Tỉnh thức có nghĩa là các đầy tớ sẽ làm công việc khác nhau của mình một cách ý thức, là tiến hành công việc mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ thực hiện. Tỉnh thức là biết mình đang làm gì đến nỗi vừa làm việc, vừa có thể nghe được hơi thở của mình. Sự ý thức lựa chọn mà mỗi người làm trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận vĩnh hằng của mình sau này.

Giáo Hội như người mẹ hiền nhắc nhở con cái là những người có lòng tin sẵn sàng chờ đợi ngày trở lại sau cùng của Chúa Giêsu, ngày trở lại đó ai cũng biết là chắc chắn mặc dù không ai biết trước được khi nào ngày giờ đó sẽ xảy đến. Cũng là điều tốt cho chúng ta khi không biết chắc chắn lúc Chúa chúng ta có thể bị cám dỗ ỷ lại, lười biếng trong công việc của mình cho Chúa Kitô, hoặc tệ hại hơn nữa là tiếp tục ngồi lỳ trong con đường tội với hy vọng sẽ trở lại với Chúa trong giờ phút cuối cùng.

Tỉnh thức và sẵn sàng, tức là lúc nào cũng sẵn sàng chuẩn bị bất cứ lúc nào ông chủ về bất thình lình, Người vẫn thấy chúng ta có mặt thay vì ngủ mê hoặc lêu lổng với công việc bổn phận. Ðể được thế, chúng ta cần luyện tập, làm việc cách trung thành với công việc Chúa đã ban cho chúng ta trong giây phút hiện tại, cũng đừng để cho trí tuệ tinh thần của chúng ta ra u mê, sống buông thả hay sự mù quáng đuổi theo các đam mê điên rồ hoặc để cho các lo âu đời sống đè bẹp, trói buộc chúng ta mãi.

***

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán bảo chúng con hãy luôn tỉnh thức kẻo sa chước cám dỗ, xin ban ơn sức mạnh cho chúng con để chúng con luôn bền tâm trong công việc thiện, trong khi chờ ngày Chúa đến. Ước chi mỗi lần Chúa đến gõ cửa nhà tâm hồn chúng con, Chúa sẽ hài lòng thấy chúng con luôn tỉnh thức trong cầu nguyện, vui mừng ca tụng Chúa và nhiệt thành thực thi bác ái với mọi người. Amen.  

R.Veritas

Ngọc Nga sưu tầm

Kinh Thánh: Tác phẩm văn hóa vô giá của nhân loại

Kinh Thánh: Tác phẩm văn hóa vô giá của nhân loại

bible-study_724_482_80

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Một số hiểu lầm về Kinh Thánh

Cho tới nay dường như vẫn có nhiều người nghĩ rằng Kinh Thánh là sách nói về giáo lý của đạo Ki-tô, thuần tuý là sách tôn giáo, chỉ dùng cho các tín đồ Ki-tô giáo mà thôi – mà tôn giáo lại là lĩnh vực nhạy cảm, ở ta quen gọi là “thuốc phiện của nhân dân”, chớ có dại mà đụng chạm tới – vì vậy ai không theo Ki-tô giáo thì chẳng cần và chớ nên đọc Kinh Thánh. Cuốn sách gối đầu giường của hơn một tỷ tín đồ và được cả thế giới không ngừng xuất bản với số lượng nhiều nhất này chưa từng thấy bán tại các hiệu sách ở ta. Báo in, báo điện tử ngại đăng các bài viết liên quan tới Kinh Thánh.

Thực ra cách hiểu như vậy là lệch lạc và bất lợi cho mọi người trong việc tìm hiểu văn hóa nhân loại và văn hóa phương Tây nói chung cũng như văn hóa Ki-tô giáo nói riêng.

Hiểu lầm nói trên có thể bắt nguồn từ bản thân tên “Kinh Thánh” đem lại ấn tượng “thần thánh”, thần bí. Đây là cái tên không chính xác, dễ gây hiểu nhầm. Thực ra sách này vốn dĩ có hai tên gốc: 1) Tên tiếng Hy Lạp là Biblia, nghĩa là “sách”;  2) Tên tiếng La Tinh là Scriptura, nghĩa là “trước tác” “bài viết”, “bản thảo” – nói cách khác, nó hoàn toàn không có chút nào ý nghĩa thần thánh. Tiếng Anh đầu tiên gọi là Biblelh, về sau thống nhất gọi là The Bible, nghĩa là sách kinh điển.

Tên sai là do ta dùng từ hoàn toàn theo Trung Quốc. Ngày xưa, khi dịch Cựu Ước toàn thư và Tân Ước toàn thư ra chữ Hán, người Trung Quốc gán cho hai cuốn sách này cái tên “Thần thánh điển phạm” (Mẫu mực thiêng liêng) và “Thiên kinh địa nghĩa” (Đạo nghĩa muôn thủa); về sau, khi in gộp Cựu Ước và Tân Ước thành một bộ sách, người Trung Quốc ghép hai chữ thứ hai lại thành “Thánh Kinh”, nghe nặng tính thần thánh, khiến người ta dễ hiểu lầm sách này chỉ là sách kinh điển của Ki-tô giáo. Quả thật, cái tên đó khi dịch sang tiếng Việt là Kinh Thánh đã nhuốm đậm màu sắc tôn giáo, thánh thần, trở nên xa lạ với cộng đồng người không theo tôn giáo.

Đây thật là một sai lầm lịch sử đáng tiếc nhưng không thể sửa được vì đã quen dùng và cảm thấy thiêng liêng. Vì thế rất ít người Việt Nam thực sự biết Kinh Thánh là gì, nội dung ra sao, có ý nghĩa thế nào đối với chúng ta. Đây là một thiệt thòi lớn về tri thức cho mọi người, nhất là thanh thiếu niên.

lược nội dung Kinh Thánh

Kinh Thánh gồm hai phần: Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament), do hơn 40 tác giả viết trong suốt hơn 1.600 năm từ thế kỷ 12 trước CN cho tới thế kỷ 2 sau CN, là một tác phẩm đồ sộ, bản tiếng Việt dày tới 1.400 trang chữ khổ nhỏ.

Cựu Ước – Giao ước cũ của người Hebrew (nay gọi là Do Thái) với Thượng Đế, là Kinh điển của người Hebrew, thực tế là bộ sử của một dân tộc dẫn đầu nền văn hoá nhân loại. Từ 5.000 năm trước, người Hebrew đã sáng suốt chỉ tin một đấng tối cao duy nhất họ gọi là Jehovah tức Thượng Đế (God), được hiểu là một sức mạnh siêu nhiên sáng tạo ra tất cả (Tạo Hóa, the Creator) – khái niệm ấy ngày nay ta chưa hiểu rõ song lại chưa thể phủ nhận – chứ không thờ một thần thánh nào có nguồn gốc từ người hoặc vật.

Cựu Ước gồm 39 cuốn chia 4 phần: sách Luật pháp (5 cuốn đầu của Moses); sách Lịch sử (12 cuốn); sách Tiên tri (16 cuốn); sách Văn thơ (6 cuốn). Cựu Ước rất ít màu sắc tôn giáo, nó chứa đựng vũ trụ quan, nhân sinh quan cổ xưa nhất của nhân loại, là tài liệu vô cùng quý giá rất đáng nghiên cứu. Sách Cựu Ước nguyên văn viết hầu hết bằng tiếng Hebrew và một phần bằng tiếng Aramaic (tiếng của người Aram, tức Syria cổ), do nhiều người viết suốt từ năm 1.200 đến năm 100 trước CN và được truyền miệng từ rất lâu trước khi viết thành văn. Tuy cổ xưa như thế nhưng Cựu Ước là một văn bản có thực và tồn tại cho tới ngày nay. Chứng cớ là thời gian 1947–1956, người ta phát hiện trong các hang động gần Biển Chết (Dead Sea, ở Israel) chứa hơn 900 “sách” có viết chữ (chữ Hebrew, Hy Lạp, Aramaic) bằng dùi nung trên da cừu, gọi là Sách Cuộn Biển Chết (Dead Sea scrolls), đựng trong các bình gốm cao. Giám định cho thấy số sách này được làm vào khoảng từ năm 100 trước CN tới 70 sau CN, là những bản sao cổ xưa nhất còn tồn tại của Cựu Ước (nội dung hoàn toàn như Kinh Cựu Ước hiện sử dụng) và một số kinh điển khác của người Hebrew. Phát hiện Sách Cuộn Biển Chết có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Tân Ước – Giao ước mới của các tín đồ Ki-tô giáo với Thượng Đế, nguyên văn viết bằng tiếng Hy Lạp, ra đời một thế kỷ sau khi xuất hiện đạo Ki-tô, tức rất muộn so với Cựu Ước, và nặng mầu sắc tôn giáo hơn; nó trình bày cuộc đời và học thuyết của Chúa Jesus. Tân Ước gồm 27 cuốn, chia 3 phần: sách Phúc Âm (5 cuốn); sách giáo lý (21 cuốn); sách Khải Huyền (1 cuốn). Số trang của Tân Ước chỉ bằng khoảng gần 1/3 Cựu Ước. Các học giả cho rằng Tân Ước được viết xong vào khoảng năm 382 sau CN.

Kinh Thánh là một bộ sách có tính tổng hợp, một bách khoa toàn thư rất hữu ích trong việc nghiên cứu nhân loại cổ đại về các mặt lịch sử, chính trị, quân sự, pháp luật, luân lý đạo đức, kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, văn hoá … Chưa dân tộc nào viết được bộ sử của mình một cách khái quát, hữu ích như Cựu Ước. Bộ sử này không viết nhiều về đời sống, hành vi của các vua chúa (như Sử Ký của Tư Mã Thiên), nhưng viết rất kỹ về quá trình di chuyển, các tai họa dân tộc (chiến tranh, đói kém …), các kinh nghiệm và đời sống của dân tộc này, qua đó đời sau có thể học được nhiều điều bổ ích.

Cựu Ước ghi lại đời sống mọi mặt của người Hebrew, từ việc lớn của quốc gia, dân tộc cho tới những chi tiết rất nhỏ nhặt trong ăn ở, đối nhân xử thế, thậm chí cả trong sinh hoạt tình dục, nhờ thế giúp hậu thế hiểu chính xác, chi tiết về đời sống tinh thần vật chất của họ cách đây mấy nghìn năm. Một thí dụ: phương pháp tránh thai phổ biến nhất, cổ nhất xưa nay là xuất tinh ngoài âm đạo – phương Tây gọi là Onanism – từ này có nguồn gốc trong Kinh Thánh, chương 38 “Sáng thế ký (Genesis)” “Giuđa và con dâu là Tama”.[1]

Chưa dân tộc nào biên soạn và còn lưu giữ được một tác phẩm kinh điển có giá trị như Kinh Thánh phần Cựu Ước. Thí dụ “Kinh thánh” của văn minh Trung Hoa là sách Luận Ngữ hoàn toàn không có được tính tổng hợp như vậy, chưa kể còn ra đời sau 7 thế kỷ.

Kinh Thánh còn là một tác phẩm văn học đồ sộ, di sản quý báu của nhân loại. Trong Cựu Ước có các tác phẩm văn học trí tuệ, văn học tiên tri và văn học khải huyền, là những sáng tạo của người Hebrew.

Tính chất quan trọng của Kinh Thánh

Kinh Thánh có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại của dân tộc Do Thái. Cựu Ước là kinh điển của đạo Do Thái, nhờ tôn giáo này mà người Do Thái dù hai nghìn năm mất tổ quốc, sống lưu vong phân tán ở khắp nơi trên thế giới, bị hắt hủi, xua đuổi, thậm chí hãm hại, tàn sát nhưng vẫn giữ nguyên vẹn được nòi giống, ngôn ngữ, truyền thống văn hóa và nhất là họ luôn dẫn đầu thế giới trong các hoạt động trí tuệ. Ngày ngày cầu kinh, ôn lại lịch sử khốn khổ của dân tộc mình, là cách nhắc nhở người Do Thái luôn nhớ quá khứ gian nan của mình để cố gắng vươn lên thoát khỏi nghịch cảnh. Dân tộc nhỏ bé này có đóng góp cho nhân loại nhiều hơn mọi dân tộc khác. Một thí dụ: người Do Thái chỉ chiếm 0,25% số dân thế giới nhưng họ chiếm 22% tổng số giải Nobel các loại đã trao trong thời gian 1901-2007; trong đó có 41% giải Kinh tế, 26% giải Vật lý, 19% giải Hóa học, 28% giải Y học, 13% giải Văn học, 9% giải Hòa bình.

Đối với loài người, tính chất quan trọng của Kinh Thánh không chỉ thể hiện ở chỗ nó được in đi in lại với số lượng nhiều nhất thế giới, mà còn ở chỗ được người ta quan tâm đọc và trích dẫn nhiều nhất – đây là tiêu chuẩn định lượng đánh giá một tác phẩm. Cho tới nay, Kinh Thánh đã lưu truyền mấy nghìn năm chưa bao giờ ngừng, được dịch ra 1.800 ngôn ngữ của khắp thế giới, có ảnh hưởng tới hàng tỉ người kể cả người không theo tôn giáo nào. Riêng nước Mỹ hàng năm in khoảng 9 triệu bản Kinh Thánh. Trung Quốc đã in hơn 40 triệu bản.

Kinh Thánh là nguồn cảm hứng và trích dẫn của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, lịch sử, triết học v.v… trên toàn thế giới. Từ bức tranh Bữa ăn tối cuối cùng của Leonard de Vinci, tập thơ Thần khúc của Dante, các vở kịch của Shakespeare (vở Hamlet trích dẫn Kinh Thánh nhiều nhất), cho tới tiểu thuyết Sống lại của Tolstoy, …vô số tác phẩm văn học nghệ thuật đều lấy nguồn từ Kinh Thánh. Các trước tác của Karl Marx và Engels trích dẫn Kinh Thánh hơn 300 lần, liên quan tới hơn 80 nhân vật trong đó. Tại Trung Quốc, Lỗ Tấn, Tào Ngu, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn … đều trích dẫn Kinh Thánh. Ở Việt Nam, chúng ta thường xuyên kỷ niệm lễ Phục sinh, Giáng sinh …, tiểu thuyết, sách báo ta thường nói A-đam, Ê-va, Chúa,… tất cả đều có nguồn gốc từ Kinh Thánh.

Bởi vậy nếu không hiểu Kinh Thánh thì sẽ rất khó tìm hiểu văn minh phương Tây – nền móng của văn minh hiện đại, cũng rất khó hiểu về dân tộc Do Thái. Không đọc Kinh Thánh thì tất nhiên sẽ dễ nói, viết sai về các điển tích đó. Rõ ràng tất cả mọi người, nhất là người làm công tác văn hóa văn nghệ, giáo dục, xã hội … đều nên đọc Kinh Thánh.

Kinh Thánh ở Việt Nam

Có lẽ vì nghĩ rằng Kinh Thánh là sách riêng của Ki-tô giáo, tuyên truyền cho tôn giáo, nên ở ta không thấy hiệu sách nào có bán Kinh Thánh do nhà xuất bản của nhà nước chính thức phát hành rộng rãi như một tác phẩm văn hóa bình thường.

Thực ra các giáo hữu ở ta đều có cuốn Kinh Thánh do Toà Tổng Giám mục Hà Nội kết hợp Nhà Xuất bản Hà Nội in và xuất bản với số lượng lớn nhưng chỉ phát hành nội bộ giáo hữu. Cuốn Kinh này chỉ in Tân Ước nặng tính tôn giáo; Cựu Ước quan trọng hơn thì lại không được in, thật đáng tiếc. Sách khổ nhỏ cỡ bàn tay in trên giấy tốt, bìa ni lông. Ngoài ra các giáo hữu còn có sách “Kinh Thánh bằng hình” (phụ bản của báo “Công giáo và Dân tộc” in tại TP Hồ Chí Minh năm 1991, lượng in 25.000 cuốn); đáng tiếc là hệ thống phát hành của nhà nước cũng không phát hành cuốn này.

Lùng các hiệu sách cũ, người viết bài này mua được một bản Kinh Thánh toàn tập tiếng Việt, dày 1.400 trang giấy mỏng, bìa giả da, do United Bible Societies in tại Hàn Quốc năm 1995. Sách dùng cách hành văn và từ ngữ cổ, khó hiểu; phần Tân Ước dịch khác nhiều so với bản in của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Thiết nghĩ hệ thống xuất bản phát hành của nhà nước nên xuất bản phát hành Kinh Thánh như một tác phẩm văn hoá nghệ thuật nhằm khai thác kho tàng văn hóa vô giá này của nhân loại. Nên đưa việc học Kinh Thánh (nhất là Cựu Ước) vào chương trình giảng dạy phổ thông trung học. Cũng nên biên soạn các sách hướng dẫn tìm hiểu giá trị văn hoá lịch sử, khảo cổ … của Kinh Thánh. Việc tìm hiểu Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta hiểu đúng đắn, toàn diện về văn minh phương Tây nói riêng và văn minh nhân loại nói chung, giúp chúng ta hoà vào dòng chảy chung của văn minh toàn cầu, đồng thời thể hiện chúng ta biết tôn trọng văn hoá tôn giáo – một thành phần rất quan trọng của văn hoá thế giới.

Đây là một việc cần làm khi Việt Nam đã gia nhập WTO, hòa vào nhịp sống chung của toàn cầu, trong đó có đời sống văn hóa-tâm linh.

Nguyễn Hải Hoành là dịch giả và là nhà nghiên cứu tự do hiện sống tại Hà Nội.

———————-

[1] Dân Hebrew có tục chị dâu góa chồng mà chưa có con thì được quyền lấy một trong các em trai của chồng. Giuđa (cháu nội tộc trưởng Abraham) bảo con trai thứ hai của mình là Onan : Con hãy ngủ với chị dâu con (là Tama) để làm tròn bổn phận em chồng – sinh người nối dõi cho anh con (anh của Onan là Êrơ do độc ác đã bị Thượng Đế Jehovah giết). Onan biết đứa con nối dõi ấy sẽ không thuộc về mình nên khi “ngủ” với Tama đã cố ý làm rơi tinh dịch ra ngoài. Thượng Đế coi việc đó là tội ác nên đã giết Onan (trang 45 Kinh Thánh, United Bible Societies, bản tiếng Việt 1995, ở đây có sửa lại văn cho dễ hiểu). Từ Onanism bắt nguồn từ Onan – tên người có sáng kiến dùng cách tránh thai ấy.

– See more at: http://nghiencuuquocte.org/2015/07/15/kinh-thanh-tac-pham-van-hoa-vo-gia-cua-nhan-loai/#sthash.QxatNFPE.dpuf

Anh trở lại con đường lên núi biếc,

Suy Tư Tin Mừng Trong tuần thứ Nhất mùa Chay năm A 05/3/2017

 

Tin Mừng: (Mt 4: 1-11)

 

Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Ngài thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Ngài và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”

Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Ngài trên nóc đền thờ, rồi nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”

Đức Giêsu đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

Quỷ lại đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”10 Đức Giêsu liền nói: “Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

Thế rồi quỷ bỏ Ngài mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Ngài.

                *    *     *      *

“Anh trở lại con đường lên núi biếc,

thương mây bay từ đó vẫn cô đơn.

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

          Mai Tá lược dịch

Đường lên núi biếc, dù mây bay từ đó vẫn cô đơn. Cô đơn, với nỗi niềm Chúa cảm nghiệm cảnh tình người phàm khi Ngài vật vã với băn khoăn, rất thử thách.

Trình thuật tuần đầu Mùa Chay hôm nay, kể cho ta nghe tâm tình của Chúa khi Ngài bị thử thách/cám dỗ, đến như thế. Thử thách/cám dỗ, là những thử và thách suốt 40 ngày đêm nơi hoang vu, sa mạc. 40 ngày đêm, nói lên chuỗi ngày dài một đời, Chúa từng trải nhiều thử thách/cám dỗ mãi đến ngày Ngài kết tận hành trình nơi đồi cao chốn vắng, rất Calvary.

Chốn vắng Calvary xưa, có thử thách/cám dỗ đưa Chúa vào với mê say để Ngài không thực hiện được ý định Cha đưa ra. Mê say, còn là thử thách/cám dỗ đặt ra với Chúa, rất nhiều lần.

Thử thách/cám dỗ đặt ra, qua cung cách Cha muốn Ngài thực hiện vai trò của Đấng Mêsia có quyền uy trên cả hoàng đế La Mã, như thánh Mátthêu từng ghi. Thử thách/cám dỗ là thách đố khả năng giải quyết khó khăn do đế quốc La Mã đem lại. Thử thách/cám dỗ, còn là thách thức chức năng Chúa nhận từ Cha, hầu giúp con dân loài người sống yên hàn, lành lặn. Thử thách/cám dỗ, còn là thách đố và thử xem Chúa có nhắm mắt làm ngơ nỗi đau của mọi người, để rồi sẽ trao cho Cha giải quyết mọi việc.

Thử thách/cám dỗ cướp tay trên quyền uy của đế quốc, để rồi Ngài cũng sẽ hành xử hệt như thế. Thử thách/cám dỗ đặt ra với Đức Giêsu, là thách Ngài giành lại quyền uy của hoàng đế La Mã, rồi cũng sẽ ăn trên ngồi chốc, bức bách dân con lớp người ở dưới. Bởi, một khi đã có quyền hành là có quyền để hành người khác, hệt như vậy. Bởi thế nên, Đức Giêsu chối bỏ mọi lợi lộc dành cho kẻ có quyền. Ngài chối bỏ quyền đối xử với mọi người theo cung cách ấy. Ngài đả kích không chỉ giới cầm quyền La Mã thôi, nhưng Ngài còn chỉ trích chính những uy và quyền ấy nữa. Ngài chọn đường lối không quyền lực, nhưng vẫn sống. Sống với người không quyền, trong “Vương Quốc” của Ngài.

Thử thách/cám dỗ thứ hai, là thách đố khả năng giải quyết tình trạng nghèo đói trên thế giới. Thời của Chúa, có đến 95% người dân Galilê ở dưới mức tối thiểu, để sống còn. Dân lành thời đó, không đủ cơm bánh và cá, mà qua ngày. Họ cứ lần lượt rơi vào vòng lao lý, tật bệnh hoặc chết yểu. Một số trường hợp, do Hêrôđê tạo ra. Ông lập chương trình xây cất nhiều toà nhà đồ sộ. Lại đánh thuế cao khiến dân đen chịu không nổi đến độ không còn gì để ăn và để sống nữa.

Thử thách/cám dỗ cuối cùng đến với Đức Giêsu, là thách đố để xem Ngài có khả năng kích động dân đen, khiến họ căm phẫn quyết chống lại quyền uy của vua quan/lãnh chúa, thời ấy không? Thử thách/cám dỗ, là dỗ dành Chúa đòi lại cơm áo gạo tiền cho dân lành hèn hạ thấp cổ bé họng, ở bên dưới. Thử thách/cám dỗ đưa ra với Chúa, là xem Chúa có hành xử như vua quan mọi thời. Hoặc, Ngài sẽ còn đối xử tệ bạc hơn cả vua quan thời đó, khi có quyền. Nhưng, Đức Giêsu đã chối từ quan niệm coi mình như Đấng ban phát mọi thứ, hầu thoả mãn đòi hỏi của mọi người. Ngài chọn đường lối khác hẳn mọi vua quan/lãnh chúa, ngõ hầu trở nên Đấng Mêsia do Cha định đoạt. Ngài không chấp nhận đường lối của vua quan ở trần gian chỉ biết hưởng thụ, cho thoả thích.

Với Tin Mừng thánh Mátthêu, thử thách/cám dỗ lớn nhất đưa ra với Chúa, là chỉ lo chuyện lành thánh, cốt khuynh loát những điều do Cha định đoạt, mà chỉ theo ý mình. Khuynh loát, để Cha phải can thiệp mà giải quyết các khó khăn chốn gian trần. Và, buộc Cha Ngài phải làm thế, ngay tức thì. Thử thách/cám dỗ này nguy hiểm hơn thứ gì hết, vì đụng chạm đến đền đài thánh thiêng, lẫn nguyện đường, và cả cuộc sống ngoan hiền, ngõ hầu dẫn dụ Cha sửa đổi mọi chuyện để thuận theo ý Con, chứ không theo ý Cha.

Người đời thời của Chúa, vẫn muốn tuân theo đường lối giản đơn, rặt như thế. Họ là những người ở Qumran. Những kẻ từng dấn bước theo chân Gioan Tẩy Giả, cả vào lúc khó khăn, đầy bức bách. Và, thử thách/cám dỗ đây, là muốn chế ngự quyền uy thánh thiêng của Chúa. Là, kiểm soát lòng thương xót của Ngài. Thử thách/cám dỗ đây, là nghĩ rằng lòng đạo của mình còn lớn lao/cao cả hơn lòng xót thương của Cha. Và, Đức Giêsu nhận ra rằng: nếu thế thì Chúa Cha không là Thiên Chúa đích thực là Cha của Ngài. Ngài thực sự đã chọn đồng hành với Cha Ngài. Và kết cục, Ngài chọn thuận theo ý Cha, chứ không theo ý riêng của chính Ngài. Và, chọn lựa này mới thật là chọn lựa khác biệt.

Nếu Đức Giêsu không chọn quyền hành để đánh bạt đối thủ là đế quốc La Mã rất sừng xỏ, không chọn ban phát mọi sự hợp nhu cầu/đòi hỏi của mọi người, cũng chẳng cướp tay trên quyền uy có từ Cha, thì thử thách/cám dỗ đưa ra cho Ngài, là thách thức gì? Thử thách/cám dỗ ấy là sống đích thực đời người phàm. Đời, của những người con không có quyền cũng chẳng có uy. Những kẻ luôn thiếu thốn đủ mọi thứ. Chọn lựa của Ngài, là cùng chung số phận với những người nghèo hèn ấy. Ngài chọn lựa sống như họ, để rồi Ngài đi vào tương quan đích thực với dân đen, hèn kém, chẳng trông đợi vào ai.

Điều này, thoạt nghe chẳng có gì mới mẻ, hoặc hấp dẫn. Nhưng, mục tiêu Đức Giêsu nhắm đến là như thế. Là, thâu thập dân con mọi người vào với tình thương của Cha. Là, sẽ không một ai bị gạt ra ngoài nhóm hội/cộng đoàn thân thương để chung sống. Nhóm ấy, cộng đoàn ấy vẫn có Chúa, có Cha vào mọi lúc. Bởi, chính Cha đang ở ngay trong nhóm. Bởi, chính cộng đoàn là nhóm hội của Cha, đã có được tình thương yêu, hy vọng. Hy vọng, mọi người sẽ sống chung và sống cùng. Cùng sống, cùng lướt vượt mọi khó khăn, rất đồng đều. Đó chính là đường lối Chúa chọn sống.

Ngài lướt vượt mọi thử thách/cám dỗ Ngài theo đường khác. Cám dỗ ấy, Ngài thấy rất rõ, suốt đường đời Ngài từng trải. Và, nay Ngài trở về với những gì là căn bản của chính con người. Trở về với con người đích thực, trước/sau mọi thử thách/cám dỗ. Ngài trở về, cả vào lúc những người khó nghèo/bần hàn kia đã quay lưng chống lại Ngài. Vì thế, đế quốc mới giết hại Ngài. Vì thế, Chúa Cha mới không kịp nghe tiếng Ngài kêu cầu, nơi vườn cây Dầu.

Và đây chính là thông điệp gửi đến với Hội thánh, hôm nay. Thông thường, Hội thánh vẫn muốn thi đua với thế gian, ngoài đời. Vẫn muốn đấu tranh tạo phần thắng, hầu lấy lại quyền uy chính trị, từng luột mất. Lấy lại quyền, để tạo uy hùng dũng mãnh, trên chúng dân. Thông thường, Hội thánh vẫn muốn thi đua với các tổ chức bác ái, quyết lấy lại uy tín bằng việc ban phát các phẩm vật cho dân đen nghèo hèn. Thông thường, Hội thánh từng tìm cách tỏ ra mình những muốn sống đời lành thánh để kéo Chúa về cùng phe, để Ngài sẽ đi theo con đường mình đang thực hiện. Quả là, Hội thánh nay cũng gặp thử thách/cám dỗ như Đức Giêsu, ở thời hôm trước.

Bản thân ta cũng thế. Ta vẫn muốn trở thành nhân vật quan trọng có khả năng giải quyết mọi vấn đề; để rồi, sẽ lôi kéo Chúa vào phe mình, mỗi khi cần. Thông thường, ta cũng muốn chối bỏ những thử thách/cám dỗ, rất tương tự. Bởi thế nên, hãy đề cao cảnh giác cả vào khi ta đã khá giả và trở nên mạnh mẽ, cũng nên biết mình chỉ là kẻ hèn mọn, vẫn phải sống với những khó khăn không dứt bỏ. Bằng không, nhiều lúc ta vẫn cứ nghĩ mình là kẻ sở hữu cả Đức Chúa, chăm lo cho Chúa, rất nhiều điều. Vì nghĩ thế, nên ta cứ cho rằng mình đang theo Đức Giêsu và chính mình đang là Chúa, nữa không chừng?

Thật sự, hãy nhớ rằng mọi người cũng như ta, chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt trong đám đông quần chúng. Cũng chỉ là phận hèn loài người được Chúa đoái thương. Được Chúa ban phát đôi điều để có thể sống sót, sống còn với mọi người. Có thể những gì Chúa ban cho ta, không là bánh/là cá, như người Do thái khi xưa từng học biết. Nhưng, ta học biết để Chúa trở thành chính Chúa. Và, qua học hỏi, ta khám phá ra rằng ta được Chúa đi bước trước, là để Ngài vẫn thương ta, vẫn muốn ta về với Ngài

Hãy cảm tạ Cha đã để Đức Giêsu lướt thắng mọi thử thách/cám dỗ, được như thế. Hãy nguyện cầu, để Hội thánh của ta cũng được thế. Hãy chúc nhau có được cơ may lướt thắng được chính con người mình. Lướt thắng mọi thử thách/cám dỗ vẫn xảy đến với mình, vào mọi lúc. Có thế, ta mới an tâm bước vào Mùa Chay thánh. Có thế, ta mới thấy vui được Chúa dẫn đưa ta ra khỏi mọi thử thách/cám dỗ, rất trần gian.

Trong hân hoan dấn bước như thế, ta hãy cùng dân con ở đời ngâm nga đôi lời thơ ý nhị, rằng:

“Anh trở lại, con đường lên núi biếc,

Thương mây bay, từ đó vẫn cô đơn.

Những bông hoa, còn có nửa linh hồn,

Những lá cỏ, nghiêng vai tìm mộng ảo.”

(Đinh Hùng – Cánh Chim Dĩ Vãng)

Rất chí lý. Bông hoa kia, có khi chỉ còn nửa linh hồn vẫn cứ “nghiêng vai tìm mộng ảo”, thì tôi và anh sẽ chẳng tìm lối đi không thử thách. Để, sẽ thấy Chúa, thấy Cha ở phía trước đang giơ tay đón chờ. Chờ tôi, chờ anh bấy lâu nay ở mọi thời.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn,

         Mai Tá lược dịch.

TỪ BỎ ĐỂ SỐNG MÙA CHAY

TỪ BỎ ĐỂ SỐNG MÙA CHAY

TRẦM THIÊN THU

Thứ Tư Lễ Tro là khởi đầu Mùa Chay. Mùa Chay tới, nhiều người nghĩ phải cố gắng từ bỏ điều gì đó để bước theo Đức Kitô. Tuy nhiên, những điều này lại thường ít ảnh hưởng đến cuộc sống, chúng ta “khôn lỏi” lắm!

Dưới đây là 40 thứ có thể từ bỏ để sống Mùa Chay. Không phải là những thứ liên quan việc ăn uống, nhưng chúng thực sự cần từ bỏ. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, mỗi ngày cố gắng từ bỏ 1 điều. Trong 40 điều này, có những điều không chỉ từ bỏ trong Mùa Chay mà phải từ bỏ suốt cả đời.

  1. SỢ THẤT BẠI – Bạn không thành công nếu chưa trải qua thất bại. Đúng như tục ngữ Việt Nam nói: “Thất bại là mẹ thành công”.
  1. VÙNG AN TOÀN – Đó là “vùng thoải mái”, sợ khó. Dám ra ngoài “vùng”này thì chúng ta mới có thể khám phá những điều mới lạ.
  1. CẢM THẤY HOÀI NGHI – Có lúc chúng ta nghi ngờ rằng không biết Tạo Hóa có tạo dựng nên mình hay không.Hãy xác định như tác giả Thánh Vịnh:“Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự”(Tv 139:13-16).
  1. THIẾU KIÊN NHẪN – Thời giờ của Thiên Chúa là thời giờ hoàn hảo. Mọi thứ đều đúng hẹn, đúng kỳ theo ý Ngài tiền định và quan phòng.
  1. SỐNG ẨN DẬT – Còn hít thở, chúng ta còn sống với người khác và tương tác với họ vì Đức Kitô. Công việc của chúng ta luôn ảnh hưởng người khác.
  1. LÀM VUI LÒNG NGƯỜI KHÁC – Không ai có thể làm vừa lòng mọi người, nhưng chúng ta phải luôn cố gắng làm vui lòng người khác, còn họ có vừa lòng hay không là phần của họ.
  1. SO SÁNH – Một là cảm thấy mình kém cỏi hơn người khác, hai là cảm thấy mình “ngon lành” hơn người khác. Dạng nào cũng không được.
  1. TRÁCH CỨ – Chúng ta có xu hướng không dám nhận lỗi, và luôn muốn đổ lỗi cho người khác.
  1. PHẠM TỘI – Nhân vô thập toàn. Mặc dù chúng ta là tội nhân, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta, và Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta. Hôm nay là ngày mới, hôm qua đã không còn.
  1. MẤT TỰ CHỦ – Do đó chúng ta khó có thể hoàn tất công việc và làm tốt hơn.
  1. THIẾU DỰ ĐỊNH – Các quyết định khôn ngoan hiếm khi trở thành vô ích.
  1. KHÔNG MINH BẠCH – Một là không minh bạch về điều này hoặc điều nọ (khuất tất), hai là không trong sạch (nhân đức).
  1. TỰ QUYỀN – Thiên Chúa không mắc nợ chúng ta điều gì, thế giới cũng chẳng mắc nợ chúng ta điều gì. Hãy cố gắng sống trong ân sủng và khiêm nhường.
  1. LÃNH ĐẠM – Cuộc đời có bao nhiêu mà hững hờ. Không quý mến nhau thì cũng đừng kèn cựa nhau. Tranh chấp nhau, giành giật nhau, hơn thua nhau làm gì?
  1. GHEN GHÉT – Hãy cảnh giác kẻo mắc lừa ma quỷ, bởi vì chúng rất ranh mãnh. Kinh Thánh căn dặn: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác”(Rm 12:21).
  1. TIÊU CỰC – Hãy cố gắng quan hệ hòa nhã với mọi người. Tránh né người khác là tiêu cực, mà cũng chỉ vì chúng ta không coi trọng người khác nên mới tránh né họ.
  1. MÊ VẬT CHẤT – Hãy nhớ rằng có Thiên Chúa là có tất cả, mất Thiên Chúa là mất tất cả: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”(Tv 23:1).
  1. SỐNG MÁY MÓC – Càng đầu tư nhiều thì càng có lợi nhiều. Về tinh thần và tâm linh cũng vậy.
  1. THAN PHIỀN – Đừng cằn nhằn, khó tính, than thân trách phận hoặc trách móc người khác, hãy cố gắng xử lý và giải quyết vấn đề cho thấu đáo.
  1. BẤT CẦN – Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc cả đời này và đời sau. Đó là niềm vui sống. Đừng buông xuôi, bất cần đời!
  1. GAY GẮT – Đó là tự làm khổ mình, và tất nhiên cũng làm khổ người khác. Tâm bất an thì không thể nào sống vui và sống khỏe, bệnh tật phát sinh từ đó.
  1. CHIA TRÍ – Cuộc sống có nhiều thứ khiến chúng ta chia trí, vì thế cần phải tập trung vào mục đích của mình.
  1. MẶC CẢM – Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta, dù chúng ta xấu xa và tội lỗi: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con”(Tv 27:10).
  1. TẦM THƯỜNG – Cuộc đời chúng ta có thể không ai biết đến, không có gì khác thường, sống rất bình thường, nhưng tuyệt đối đừng sống tầm thường.
  1. GÂY CHIA RẼ – Chia rẽ là chết, đoàn kết mới sống. Khuyến khích nhau là điều cần thiết, mọi nơi và mọi lúc: “Phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần”(DT 10:25).
  1. BẬN RỘN – Đó là “huy hiệu danh dự” của người mê công việc mà bỏ bê những thứ cần thiết khác.
  1. CÔ ĐỘC – Có Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không cô độc. Ngài luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta.
  1. BẤT HÒA – Xung đột là mối nguy cho cuộc sống, cả đời thường và tâm linh. Xung đột xảy ra thì không thể hợp tác. Sự cộng tác và đồng tâm nhất trí rất cần: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”(Mt 18:19).
  1. VỘI VÀNG – Dục tốc bất đạt. Dù to hay nhỏ, cái gì cũng cần có thời gian, không thể một sớm một chiều.
  1. LO LẮNG – Thiên Chúa kiểm soát mọi sự, chúng ta có lo lắng cũng chẳng thay đổi được gì: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”(Mt 6:33-34).
  1. THẦN TƯỢNG HÓA – Đừng thần tượng hóa bất cứ ai, bắt chước là ngu xuẩn, hãy cứ là chính mình! Chỉ có Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo mà thôi.
  1. CỐ CHẤP – Cuộc sống luôn phải thay đổi để thích nghi mọi thứ. Cố chấp là ích kỷ, là hèn nhát.
  1. KIÊU NGẠO – Thiên Chúa hạ bệ kẻ kiêu ngạo, nhưng nâng cao người khiêm nhường (Lc 1:51-52).
  1. NÔNG CẠN – Đừng nói rằng vấn đề khó quá, chính vấn đề khó đó cho chúng ta biết Thiên Chúa vĩ đại.“Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”(Nguyễn Thái Học).
  1. ĐỐ KỴ – Người Pháp có câu nói chí lý: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối người khác”. Mọi người đều là anh em và là con một Cha trên trời.
  1. VÔ ƠN BẠC NGHĨA – Cuộc sống là những ngày tháng chúng ta mắc nợ Thiên Chúa mọi thứ, chúng ta cũng mắc nợ tha nhân và xã hội nhiều thứ. Do đó, chúng ta không thể không biết ơn Thiên Chúa và cuộc đời.
  1. THAM LAM – Thiên Chúa có kế hoạch riêng dành cho mỗi người: “Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta”(Is 45:4). Hãy cố gắng làm trọn công việc Ngài giao phó.
  1. TỰ MÃN – Chúa Giêsu là sức mạnh của chúng ta: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết”(Pl 4:13). Có Ngài thì chúng ta mới làm được công kia việc nọ, không có Ngài thì chúng ta chẳng làm nên trò trống gì đâu:“Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”(Ga 15:5).
  1. ƯU SẦU – Buồn thì cứ khóc, xong rồi thôi. Đừng giam mình trong vòng ưu sầu. Mọi sự sẽ qua, cứ tín thác vào Thiên Chúa: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người”(Tv 30:5b).
  1. CUỘC ĐỜI – Thế gian là cõi tạm, rồi sẽ qua đi. Đừng coi nặng vật chất, kể cả cuộc sống của chúng ta, tất cả chỉ là bụi tro mà thôi. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”(Ga 12:25).

TRẦM THIÊN THU

(biên soạn theo GreaterThingsToday)

Khởi đầu Mùa Chay – 2017

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi