httpv://www.youtube.com/watch?v=4HuaRfeHU5s
Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu – Con Đường Chúa Đã Đi Qua
Về Công Giáo và Phật Giáo cùng các tôn giáo khác
httpv://www.youtube.com/watch?v=4HuaRfeHU5s
Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu – Con Đường Chúa Đã Đi Qua
httpv://www.youtube.com/watch?v=Lkbf_X3ANVY
Tín Thác Vào Lòng Thương Xót Chúa – Năm Thánh Lòng Thương Xót
LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG
Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Nếu tình yêu là bản tính của Thiên Chúa thì lòng thương xót là cách thức Chúa bày tỏ tình yêu, là dấu chỉ cho tình yêu vững bền của Ngài. Lòng thương xót nhìn kẻ tội lỗi, không oán giận, không trả thù bằng sự giận dữ hay trừng phạt, nhưng xót xa vì họ lầm đường lạc lối, xót xa vì họ đang đi đến hố diệt vong. Lòng thương xót tựa như ánh mắt của tình yêu, giúp người ta nhận ra nhu cầu của tha nhân để chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ, xoa dịu hay chữa lành. Chúng ta có thể cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa qua chiều dài lịch sử cứu độ.
Khởi từ tội lỗi của Adam, Chúa không đoạn nghĩa dứt tình với Adam. Chúa vẫn thương Adam và xót xa dường nào khi thấy Adam tủi hổ lẩn trốn trong vườn địa đàng. Adam là kẻ phản bội làm sao dám vác mặt gặp Chúa. Tội lỗi làm cho người ta mặc cảm, xấu hổ và lo sợ khi phải đối diện với sự thật. Thế nhưng Adam phần nào đã bớt đi sự sợ hãi, bớt đi áp lực tâm lý khi nghe tiếng gọi: “Adam, Adam ngươi đang ở đâu?” Âm thanh của tiếng gọi không mang âm sắc của giận dữ hay quở mắng, nhưng tiếng gọi vẫn thân thương dịu ngọt, có điều pha trộn chút âm điệu xót xa. “Phải chăng ngươi đã ăn trái cây trong vườn mà ta đã cấm?”
Tội có thể được tha, nhưng hình phạt vẫn phải chịu. Nhưng ai là người phải chịu phạt thay cho tội Adam. Thiên Chúa không suy tính thiệt hơn. Không đắn đo suy xét. Ngay tức thời, lời hứa cứu độ đã được ban ra. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ gánh lấy tội Adam và đền thay cho tội lỗi Adam. Có thể nói, lòng thương xót của Chúa được tỏ bầy cụ thể và rõ nét trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Cả cuộc đời luôn sống vì người khác, luôn đi đến mọi hang cùng ngõ hẻm để thi ân giáng phúc. Cả trong những lúc đau khổ nhất của cuộc đời, Ngài vẫn không nghĩ đến mình: Ngài xót thương các bà mẹ thành Giêrusalem “đừng than khóc Ta nhưng hãy than khóc con cháu các người; Ngài xót thương những kẻ đã làm hại mình, vì “họ không biết việc họ làm.” Đỉnh cao của lòng thương xót đó là ơn tha tội và ban thưởng hạnh phúc trường sinh. Đó là đặc ân mà anh trộm lành được diễm phúc đón nhận đầu tiên từ cây thập giá: “ngay đêm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta.”
Chính điểm này mà trong dịp giảng tĩnh tâm Giáo triều Rôma, Đức cố hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nêu ra 10 điểm khiếm khuyết của Chúa Giêsu trong đó có sự hay quên: chỉ 1 câu nói thành thật với chính mình của tên trộm lành mà Chúa đã quên cả quá khứ tội lỗi của anh. Chỉ cần thấy bóng dáng thằng con trời đánh bỏ nhà đi hoang nay thất thểu trở về là người cha đã quên hết quá khứ đi hoang của người con. Lòng thương xót của Thiên Chúa là vậy. Một vì Thiên Chúa chậm bất bình và rất mực khoan dung mà vua Đavít đã từng nói lên rằng: Nếu Chúa chấp tội nào ai đứng vững. Tình yêu Chúa cao hơn tội lỗi chúng ta, đến nỗi có thể phủ lấp muôn vàn tội lỗi chúng ta.
Tác giả Ron Lee đã viết một câu chuyện trong cuốn “Một Thiên Chúa Tha thứ trong một thế giới không tha thứ” như sau:
Có một vị linh mục là một người rất yêu mến Chúa, nhưng ông luôn bị ám ảnh bởi một tội mà ông đã phạm trong quá khứ. Ngài đã ăn năn sám hối nhưng vẫn không có bình an tâm hồn. Cho tới một hôm nghe nói có một phụ nữ trong giáo xứ hay được tiếp xúc và nói chuyện với Chúa trong giấc mơ. Vị linh mục không tin, nên muốn thử bà ta và nói: lần sau bà có nói chuyện với Chúa thì hỏi xem, tôi đã phạm tội gì? Thế là mấy ngày sau gặp lại, vị linh mục đã hỏi bà là Chúa đã nói gì? Bà trả lời: Chúa nói rằng: Ta chẳng còn nhớ gì nữa!
Bài Phúc âm hôm nay cũng cho chúng ta thấy khi hiện ra với các tông đồ, Chúa Giêsu không hề nhắc tới những chuyện đáng tiếc đã xảy ra: nơi Phêrô kẻ chối Chúa ba lần; nơi các tông đồ hèn nhát bỏ chạy nơi vườn Giệtsêmani; nơi Tôma kẻ bi quan, cố chấp luôn đòi sự kiểm chứng minh nhiên và cụ thể. Dường như Chúa đã quên hết và còn ban bình an cho các ông.
Hôm nay kính nhớ lòng thương xót của Chúa, Giáo hội mời gọi chúng ta nhận ra mình là một tội nhân đã được Chúa cứu chuộc bằng giá máu cực thánh, chúng ta hãy biết đền đáp tình yêu Chúa bằng sự hoàn thiện con người của mình như Cha chúng ta ở trên trời. Đồng thời chúng ta cũng dâng hy sinh, lời cầu nguyện cho các tội nhân được ơn trở về với Chúa.
Có lẽ đây là vấn đề mà những người Kitô hữu phải lo lắng quan tâm. Vì qua báo chí và các phương tiện truyền hình truyền thanh chúng ta không khỏi đau xót khi nhìn thấy một thế hệ trẻ sa đọa, cuồng loạn và lạc mất hướng đi của đời người. Con số thống kê về sì ke, ma túy, mại dâm, phá thai, bệnh nhân nhiễm HIV hay Aid mỗi ngày một tăng theo cấp số nhân, mà một ai đó đã nói một cách mỉa mai rằng: những điều tốt thì không thấy tăng, nhưng tội phạm thì năm nào cũng được nghe câu nói quen thuộc: “năm nay cao hơn năm trước”.
Có lẽ Chúa cũng đang cần những con người thanh sạch như như ông Lót trong thành Sôdôma. Ông đã bị dày vò bởi những cảnh đồi bại luân lý diễn ra hằng ngày quanh mình. Ông cố thuyết phục dân thành ăn năn hầu tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng không ai nghe ông. Rồi Abaraham cũng nài xin Chúa tha thứ nhưng lại không kiếm được 10 người công chính, thế là cả thành bị tiêu diệt.
Và hôm nay, Chúa đang cần có nhiều người như thánh nữ Faustina, biết dâng những hy sinh đau khổ của mình như lễ vật tôn thờ Thiên Chúa và cứu thế gian khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Biết phó dâng bản thân, gia đình và nhân loại cho lòng thương xót của Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta hãy sám hối về lỗi phạm của mình và hãy dâng những hy sinh và lời cầu nguyện cho kẻ có tội được ơn trở về với Chúa.
Nguyện xin Chúa là Đấng giầu long xót thương tha thứ và ban bình an cho mỗi người chúng ta. Amen.
Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Langthangchieutim gởi
Suy Tư Tin Mừng Chúa nhật thứ 2 Phục Sinh 23/4/2017
Tin Mừng Phục Sinh Ga 20: 19-31
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! “
& & &
“Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ,”
“Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Mai Tá lược dịch.
Trỗi dậy, nhà thơ khi xưa còn chưa trỗi. Chỉ mỗi nôm na điệu cũ, vẫn chưa tàn. Tín thác, nhà Đạo hôm nay rày xác tín. Cũng một tâm sự vẫn chưa an. Chưa an, giống như tâm sự của thánh Tôma tông đồ với lòng dạ chưa vững, dù Chúa có thăm viếng đồ đệ, với chúng dân.
Trình thuật hôm nay, thánh Gioan cũng trình và cũng thuật sự kiện Chúa về với đồ đệ để trấn an dân con của Ngài còn hãi sợ, và do dự. Sợ là sợ người Do thái tiếp tục lùng tìm đồ đệ của Ngài, mà hãm hại. Do dự, là bởi các ngài chưa hoàn toàn tin vào Thày mình dám trở về với anh em.
Niềm tin của thánh Tôma sở dĩ kém cỏi, là bởi thánh nhân chưa một lần đích thân gặp lại Thày mình, kể từ ngày Thầy trỗi dậy, vào Phục Sinh.
Với Hội thánh, tâm trạng thánh Tôma biểu trưng cho động thái của cộng đoàn cho rằng Chúa vẫn đang sống với họ theo cung cách nào đó, rất đặc biệt. Đặc biệt, là: họ thấy Chúa vẫn hiện diện trong quan hệ mật thiết với các ngài. Quan hệ, có nhận thức. Có tính cách mật thiết và thân cận khiến họ chẳng muốn thổ lộ cho ai biết. Bởi, có để lộ quan hệ này theo cung cách nào đi nữa, họ cũng chẳng có người để cảm thông. Có khi còn bị bài bác, bách hại nữa là đàng khác.
Vì thế, cộng đoàn nay càng đi vào quan hệ riêng tư với Chúa, càng thấy mình có khả năng duy trì sự tư riêng kín đáo ấy hơn là bày tỏ công khai như mọi người. Cũng từ đó, quan hệ giữa các thánh với Chúa Sống lại trở nên thiêng liêng và quan yếu khiến họ sống chức năng cộng đoàn mình.
Cộng đoàn này, ước ao Hội thánh khắp nơi chú ý đến giáo huấn mở rộng, bao gồm cả các tín hữu thuộc đủ mọi thành phần, ngay từ đầu. Và, thánh Tôma đã đại diện cho cộng đoàn đặc biệt luôn bận tâm tìm mọi cách để được chấp nhận làm thành phần của Hội thánh chính mạch, thời tiên khởi. Và việc thẩm nhập như thế, quả thật không dễ.
Tâm trạng chung của hầu hết các tín hữu Đức Kitô bình thường rất thực tế. Điều mà cộng đoàn tiên khởi tin tưởng, đã được cắm sâu trong giòng đời lịch sử, rất thiết thực. Lịch sử ấy, ghi lại việc dân con bình thường ở Hội thánh thấy Đức Giêsu vẫn quan hệ cởi mở với chúng dân. Nhờ đó, mà cuộc sống công khai của Ngài được mọi người nhận biết rất rõ. Nhận và biết, rằng cung cách sống Chúa thể hiện cụ thể trong đời công khai của Ngài là đứng về phía người nghèo không sợ sệt. Dù, có bị công quyền thách thức và đe doạ, vẫn không sợ. Chính vì thế, Ngài đã bị loại trừ khỏi mọi thế sự bằng cái chết rất nhục nhã, trên thập giá.
Trình thuật thánh Gioan viết về thánh Tôma còn để nói lên việc Chúa Phục Sinh là sự tiếp nối những gì Ngài đã thực hiện trong quãng đời lịch sử do Cha điều động. Tiếp nối cung cách sống khả dĩ khiến con người cần phải có. Trình thuật mở ra cho mọi người thấy nhãn quan rất khác biệt về tương lai của niềm tin nơi Hội thánh. Đó là điểm khác biệt giữa Tin Mừng theo thánh Gioan và Tin Mừng nhất lãm.
Tin Mừng nhất lãm không chú trọng nhiều về “truyền thống Tôma”, tức những khía cạnh nội tâm thâm trầm trong quan hệ với Chúa như Tin Mừng thánh Gioan chủ trương. Nói cách khác, khi lồng vào nội dung của Tin Mừng mình, thánh sử Gioan chấp nhận “con đường chật hẹp”; tức: chọn lựa lập trường trung lập giữa nhóm phái “Ngộ Đạo” và “Chính thống” trong Đạo giáo thời tiên khởi.
Vào thời ấy, đã thấy xuất hiện nhiều nhóm/phái rất khác biệc trong cung cách và lập trường tuyên tín, tuy vẫn tin vào Đức Chúa Phục Sinh. Phải mất một thời gian dài, mãi đến thế kỷ thứ 2 và 3, Antiôkia và Rôma mới đi đến hợp nhất đúc kết thành một hình thái duy nhất của Đạo Chúa. Và từ đó, đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Cũng vì lý do đó, nhiều lúc nhìn về dĩ vãng, ta có khuynh hướng gọi những đường lối khác biệt là “rối đạo”, tức mũ chụp của kẻ chiến thắng tặng cho người chiến bại, trong tranh chấp.
Khi thánh Gioan viết Tin Mừng thứ tư, theo “nguồn mạch Chính thống” mà lúc ấy chưa nổi hẳn, nên thánh nhân được xem như xuất từ nhóm/phái tin vào những trải nghiệm về linh đạo nội tâm hơn các nhóm khác. Và lúc đó, thánh nhân đã ở vào tình huống công nhận và bao gộp một số nhóm phái giống như mình vào giòng chảy niềm tin sâu rộng và phổ cập.
Thánh Gioan chống đối lối suy tưởng của nhóm đích thực “Ngộ Đạo”, là bởi thánh nhân nghĩ rằng các vị ấy đã sai sót về Kinh thánh của người Do thái. Dù thế, thánh nhân vẫn mở rộng cửa cho các vị không thuộc nhóm “Ngộ Đạo” nhưng lại trải nghiệm niềm tin của mình không theo cung cách của truyền thống công khai và những chuyện hoàn toàn mang tính phàm trần, rất trái đất. Và đó là lý do khiến thánh nhân sử dụng truyện thánh Tôma kém lòng tin nhưng lại trải nghiệm riêng tư mật thiết mà nhóm của thánh Tôma là đại diện.
Chính vì thế, ta mới có tài liệu gọi là “Tin Mừng theo thánh Tôma”, hoặc Tin Mừng thứ năm, tuy không được Giáo Hội đưa vào Sách Tân Ước, để ta tin. Việc này xảy đến vào thế kỷ thứ hai, tức: vào thời thánh Gioan còn sống, có lẽ từ miền Đông nước Syria. Tài liệu Tin Mừng này, hoàn toàn không mang tính “rối đạo”, sai sót, cũng chẳng thuộc nhóm “Ngộ Đạo”, nhưng vẫn không thuộc nhóm chính mạch truyền thống theo nghĩa nhất lãm, hoặc nổi lên vào thời sau này của Đạo Chúa.
Dân con Đạo Chúa hôm nay có nhiều phương án khác nhau về niềm tin. Chí ít, là tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Một số vị vẫn còn “ngoài luồng”. Một số thì niềm tin vào Phục sinh đã ngự trị ngay trong tâm can của họ. Dù trong hay ngoài, có lẽ vẫn nên đọc lại truyện thánh Gioan kể về thánh Tôma đến với niềm tin như thế nào. Có đọc lại như thế, ta mới mở rộng vòng tay để cho người anh người chị ở khắp nơi, cả nơi ta đang ở, mới có đất trống để thực sự tin vào sự sống lại. Của Đức Giêsu. Và, của mọi người.
Dù gì đi nữa, ta không thể nào có được niềm tin vững chãi vào sự Sống Lại của Đức Giêsu, nếu không có ánh sáng của Thánh Thần Chúa soi dọi mọi người. Nói cách khác, ta chỉ tin và công nhận Chúa đã Sống Lại theo cung cách nào đó, đều nhờ có Thánh Thần Chúa dẫn dắt, mà thôi.
Xem thế thì, việc Đức Giêsu hiện đến xác định một Sống Lại thật với thánh Tôma hay các môn đồ ở chốn kín cổng cao tường, vẫn là Lễ Hiện Xuống mới rất đích thực, cho mọi người. Nói cho cùng, tin Chúa Sống Lại tức đã tin vào Quyền Uy Sức Mạnh của Thánh Thần Chúa, vào mọi lúc.
Trong tâm tình ấy, ta ngâm lại lời của người từng đấu tranh nhiều cho niềm tin riêng mình, như sau:
“Non sông bốn mặt mơ màng,
Thức, chỉ mình ta dạ chẳng an.
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ,
buồn giúp công danh dế dạo đàn.
Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ,
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.
(Hàn Mặc Tử – Đêm Không Ngủ)
Chúa sống lại, hẳn người người cũng mất nhiều đêm, rất không ngủ. Thức hay ngủ, để nghĩ suy, bằng tâm tình trọn niềm tin nơi Chúa. Chí ít, là niềm tin Chúa Sống lại.
Là, thách thức khiến “dạ chẳng an”. Là, thách thức vẫn chưa tàn, cuộc tình ta vẫn có với Chúa, ở chốn riêng tư hay ngoài mặt. Là tâm tình ta có được, nhờ Thánh Linh giúp trỗi dậy. Hôm nay. Mai ngày. Và, mãi mãi cõi miên trường.
Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –
Mai Tá lược dịch.
Video : Ô Kìa! Đời Bỗng Dưng Vui – Mai Phương ft Dương Hiếu Nghĩa [Official]
httpv://www.youtube.com/watch?v=0FycdlXt8t0
Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần thứ 2 Phục Sinh năm A 23/4/2017
“Ô kìa, bầy chim bỗng tới líu lo, líu lo sau nhà”
Ô kìa, người yêu bỗng tới tự tình với ta
Ô kìa, Ô kìa kìa vươn hoa bỗng dưng kết hoa, kết hoa muôn màu
Trời xanh mây trắng xóa
Người yêu xinh quá khiến ta bỗng yêu đời.”
(Hoàng Thi Thơ – Ô kìa, đời bỗng líu lo)
(1 Côrinthô 1: 26-31)
Trần Ngọc Mười Hai
Ơ hay! Sao anh lại cứ hát những lời “líu lo” hoặc lo toan đến líu cả lưỡi, nên mới thế. Ơ kìa! Líu lo với lo-toan đến độ líu lưỡi, đâu có gì mà phải hát lên như thế. Rồi anh còn hát líu lo, đến “vang rần”, “trời hồng trên má”, rất như sau:
“Ô kìa, đàn em bỗng tới hát ca,
hát ca vang rần
Ô kìa, bồ câu bỗng tới tự tình trước sân
Ô kìa, Ô kìa kìa dàn hoa mướp kia bướm ong,
bướm ong la đà
Người yêu duyên đáng quá
Trời hồng trên má khiến ta bỗng yêu đời
Ha! Xin cho ta vui, cơn vui như điên
Xin cho ta say cơn vui hôm nay
có bao giờ đâu
Dù trong phút giây đời ta biết say
Ha! Xin cho ta vui cơn vui đang lên
xin cho ta say cơn vui đang lay
có bao giờ đâu đời ta bỗng vui.”
(Hoàng Thi Thơ – bđd)
Thôi thì, “có say cơn vui đang lay” hoặc “có bao giờ đâu đời ta bỗng vui”, vẫn là những nhận-định của nhiều người để rồi, tất cả mọi người sẽ cùng với người viết nhạc ca lên những lời cuối như sau:
“Ha ha ha, Ô kìa bầy ngan bỗng tới cắn yêu,
cắn yêu chân người
Ô kia người yêu bỗng khóc giận hờn với tôi
Ô kìa, Ô kìa kìa một đôi bướm say lướt bay,
lướt bay trên trời
Người yêu như bối rối,
lặng nhìn không nói khiến tôi bỗng yêu đời
Khiến đời bỗng thành vui.”
(Hoàng Thi Thơ – bđd)
“Đời bỗng thành vui”, đó chính là ý-nghĩa của câu hát vang trong đời, rất thảnh thơi. Đời có “bỗng thành vui” hay không, hãy cứ hỏi han nhiều người xem họ có ý-kiến phản hồi ra như thế nào. Hãy cứ hỏi xem các cụ nhà Đạo mình thấy được những ai “khiến đời bỗng thành vui”, như đấng bậc ở chốn chop bu nhà Đạo, như lời hỏi/đáp được trích dịch, ở bên dưới:
“Thưa Cha,
Trong 4 năm trời Đức Phanxicô đã thực-hiện vai-trò then chốt của ngài rất tốt đẹp. Nhưng, con đây lại nghe có nhiều người kể rất nhiều điều về ngài, như: ngài là vị Giáo hoàng vĩ-đại, thông thoáng, một vị rối đạo hoặc cả đến cuộc bầu bán năm ấy bầu ngài lên, cũng không đúng. Vậy thử hỏi, con đây nên nghĩ thế nào về Đức Giáo Hoàng nhà ta, và phải phản-ứng thế nào với những lời bình như thế? Xin cha giải-thích cho biết”.
Cha Đạo nhà mình hễ cứ nghe những lời thưa/gửi líu lo hỏi về những lời kết tội Đức Giáo chủ ra như thế, chắc chắn sẽ thấy ngứa tay quay tít mù, bèn lấy giấy bút trả lời ngay tức thời rằng:
“Vâng. Cả tôi nữa, cũng từng nghe những lời nhận-định như thế bèn hiểu là biết bao nhiêu người đi Đạo của ta cứ lẫn lộn nhiều điều về Đức đương kim Giáo hoàng Phanixô, Đạo mình. Vậy thì, ta nên ứng-xử cách nào đây?
Trước hết, ta không nên đặt những câu hỏi đầy ngờ-vực về tính hiệu-lực khi mật-viện hồng-y họp bàn để bầu cử ngài lên làm Giáo-Hoàng. Mọi việc ngang qua thủ-tục bầu bán hôm ấy đều được thực-thi rất đúng cách. Trong suốt thời-gian này, chẳng có ai thắc-mắc gì về tính hiệu-lực hết; bởi thế, ta cũng không nên làm thế vào lúc này. Thánh Thần Chúa đã tạo hứng khiến các vị hồng-y sáng-suốt đủ để Ngài ban cho ta một vị Giáo-hoàng mà Chúa muốn tặng ban.
Thứ hai là, cho đến hôm nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã làm biết bao nhiêu điều tốt đẹp cho toàn-thể Giáo-hội. Ngay từ đầu, ngài đã khiến mọi người trong/ngoài Hội-thánh mến chuộng, từ nụ cười nhẹ-nhàng cho đến cung-cách cởi-mở và lối sống giản-đơn. Ngài tự chọn cho mình chỗ ở để sống thường ngày tại Căn nhà mang tên Mácta ở Vatican, hơn là trú-ngụ tại căn-phòng to tát dành cho các Giáo-hoàng. Làm như thế, là để gần cận chúng-dân hơn.
Rõ ràng là, ngài có lòng thương mến cách đặc-biệt những người nghèo-khổ hoặc bị bỏ rơi bên lề xã-hội. Ngài kêu gọi tình người xót thương hơn là dính cứng với lề luật, và còn nhiều điều tốt đẹp này/khác nữa.
Đức Phanxicô thực-sự nổi tiếng, không chỉ với người Công-giáo mà thôi, nhưng cả với người không theo Đạo Chúa, cũng hệt thế. Ngài là vị Giáo-hoàng đầu tiên mở tài-khoản Instagram vào tháng Ba năm 2016 và đã phá kỷ-lục từ trước đến giờ, với hơn một triệu người theo-dõi trong không đầy 12 tiếng đồng hồ. Tạp chí TIME đã chọn ngài là “Người Của Năm 2013” và nhiều nhà xuất bản khác lại cũng đưa hình ngài lên trang bìa sách/báo của họ nữa.
Đức Phanxicô đem đến cho ta nhiều tông-huấn đáng kể, để đời. Tông-thư đầu tiên do ngài viết có tên là “Lumen Fidei” (tức: “Ánh-sáng Đức Tin”) nói về đặc-trưng của niềm tin, được phát-hành vào tháng 6 năm 2013, tức: chỉ vài tháng rất ngắn sau khi ngài nhậm chức.
Tiếp theo đó, là Tông-thư “Evangelii Gaudium” (tức: “Niềm Vui Tin Mừng”)ban-hành vào dạo tháng 11 cùng một năm 2013, đã tạo lực đẩy lớn và chỉ-dẫn thiết-thực để loan-truyền Lời Chúa cách hữu-hiệu hơn cho thế-giới đặc-biệt ngang qua niềm vui cuộc đời ta đang sống. Loan-truyền Phúc Âm, là trọng-tâm cho sứ-vụ của Giáo-hội -Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ Lục từng viết: Giáo-hội ta hiện-hữu là để truyền-bá Phúc Âm mà thôi.”
Đó là vai-trò sinh-tử của Giáo-hội ta vào lúc này; và Đức Phanxicô lại biến sự việc này thành chủ-đề trọng-yếu trong nhiệm-kỳ Giáo-hoàng của ngài. Cả Tông-thư thứ hai do ngài viết mang tên “Laudato Si” đặt nặng trọng-tâm lên môi-trường sống, tức căn nhà chung của chúng ta, cũng đã xuất-hiện vào tháng Sáu năm 2015.
Tông-thư ngài viết, được mọi người tuyên-dương cách rộng rãi, nói lên nhu-cầu của ta là những người có bổn-phận chăm-nom cho hành-tinh nhỏ bé do Chúa tặng ban cho con người. Vấn-đề này cũng quan-trọng không kém vào thời buổi này, nhưng vẫn có nhiều nhà bình-luận đã nắm bắt một số ý-kiến phát-biểu qua sự thể là: ta có thể tỏ ý bất-đồng quan-điểm với Đức Giáo Hoàng, cũng không sao.
Sự thật thì, trong bất kỳ trường-hợp nào, ta cũng đã bỏ qua giáo-huấn nòng-cốt, bất diệt là như thế. Một trong các mục-tiêu lớn nhất mà những người chỉ-trích Đức Phanxicô thường hay nhắm đến, là: Tông-thư “Amoris Laetitiae” vốn bàn về chuyện gia-đình, được ban-hành vào tháng Tư năm 2016 vừa qua…
Hỏi rằng: Đức Phanxicô có là vị Giáo-hoàng tự-do/ phóng-khoáng hay không? Thì, thiết tưởng, ta cũng không nên áp-đặt các cụm-từ chính-trị như thế với bất cứ vị Giáo hoàng nào cũng vậy. Đơn-giản là, đừng nên đánh giá ngài theo cung-cách chính-trị, rất không tốt. Bởi, nếu tự-do/phóng-khoáng là người biết lo cho người nghèo/khổ, đau yếu, bệnh-tật và cao-niên, tị-nạn, người sống ngoài lề xã-hội và môi-trường sống, thì đúng thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô là người như thế, rất phóng-khoáng.
Thế nhưng, những gì có thể bảo-thủ hoặc theo truyền-thống hơn như ngài từng lặp đi lặp lại rất nhiều lần về ác-thần/sự dữ đang hiện hữu, về nhu-cầu cần xưng-thú lỗi tội, về lòng đạo-đức sốt sắng đến với thánh cả Giuse, với Đức Mẹ và Tiệc Thánh Thể, cũng như duy-trì giáo-huấn của Hội-thánh chủ-trương kế-hoạch-hoá sinh-sản, phá thai và sự việc không thể truyền-chức linh mục cho nữ-giới ?
Có điều chắc chắn phải nói ở đây, tức: Đức Phanxicô không hề là bè rối. Không có gì chứng-tỏ Ngài là như thế, đến bây giờ. Có thế nói, nhiều lúc rất nhiều người không hiểu rõ ý của ngài, nhưng tuyệt nhiên ngài không bao giờ là kẻ rối đạo hết.
Có điều tốt, là ta phải thực-hiện cho bằng được là lời ngài thường xuyên thúc-giục mọi người trong Đạo “Hãy cầu nguyện cho Cha”. Bởi, nếu có ai ưu-tư nhiều về đường-hướng mà Đức Phanxicô đang theo-đuổi vấn-đề nào đó cách đặc-biệt hoặc vui thích về những gì ngài đang làm, thì tốt hơn hết là ta cũng nên nguyện cầu cho ngài. Đó là cách hay nhất để giúp ngài, vào lúc này.”(Xem Lm John Flader, Question time: Four years with Pope Francis: A Pontificate filled with surprises, The Catholic Weekly 02/4/2017 tr. 20)
Nói cho cùng, thì: vấn đề được người hỏi đưa ra ở đây, đâu phải là những ngỡ-ngàng từ vị Giáo chủ nổi cộm, này đâu. Có lẽ, vì quá nổi cộm nhờ vai-trò làm chủ cả một nhóm/hội đông đến hàng tỷ người, thì Đức Ngài cũng không tài nào tránh được các nhận-xét có hơi quá đáng, và đôi lúc cũng hơi “quá lời”, mà thôi.
Nổi cộm nhờ vai-trò làm chủ cả một Giáo-hội, đôi lúc cũng vì mọi người dưới trướng cứ quan niệm rằng: Đức Ngài vốn dĩ “vô ngộ” nên hễ cứ nói lên lời nào cũng thành sự thật cả. Lời ấy, không bao giờ sai, quấy.
Nay, nhân có những lời phẩm bình về Đức Giáo Chủ Phanxicô, tưởng cũng nên coi lại và suy-nghĩ thêm xem Đức Ngài có “vô ngộ” hay không? Dù, ngài có ngồi trên ghế bành Toà Thánh mà phán với đoán. Về điểm này, nay cũng nên tìm lại các chi-tiết được viết trong bản văn Công Đồng Vatican 1 năm 1870 từng bảo rằng:
“Đức Giám-mục Giáo-phận La Mã, khi ngài ngôi trên ghế tông-toà để phán-bảo điều gì, thì đó là lúc ngài sử-dụng quyền-hành của đấng chăn-dắt và dạy dỗ hết mọi tín-hữu Đức Kitô như một giáo-thuyết của niềm tin hoặc đạo-đức mà toàn-thể Giáo-hội sẽ theo đó mà thi-hành. Và, điều đó có sự giúp-đỡ của Thiên-Chúa đã hứa ban cho ngài ngang qua thánh Phêrô là người có đặc-tính bất khả ngộ và kết-quả là: các phán-quyết của Đức Giám-mục Giáo-phận La Mã không thể nào lật ngược được….” (X. The Catholic Encyclopedia tập 7, chữ “Infallibility” tr. 976)
Đành rằng, đặc-trưng “bất khả ngộ” của Đức Giáo-chủ là “không thể lật ngược” được, nhưng trong lịch-sử Giáo hội Công-giáo, cũng thấy nhiều vị Giáo-hoàng đã bất đồng ý-kiến với nhau, đến độ các ngài không tin là những gì vị tiền-nhiệm mình đề-cập, là “vô ngộ” hết. Chẳng thế mà, Tự-điển bách khoa Công-giáo lại cũng viết thêm như sau:
“Vị Giáo hoàng kế-nhiệm Đức Formosus là Stêphanô VI (896-897) đã ra lệnh cho một thày dòng đi lấy thi-hài của vị Giáo-hoàng trước đó là Đức Formosus (891-896) từ sông Tiber, nước Ý đem về phục hồi chức-danh đấng kế-thừa ngai vàng thánh Phêrô. Ít năm sau, tại một buổi họp thượng đỉnh, vị Giáo hoàng này đã huỷ bỏ các quyết-định từng có vào thời tông-toà Stêphanô VI và tuyên-bố là mọi lệnh-truyền do Đức Formosus khi trước đã ban, đều có hiệu-lực…” (Xem thêm Ralph Woodrow, Are Popes Infallible?, Babylon Mystery Religion 1981, tr.100)
Nói tóm lại, “vô ngộ” hoặc “bất khả ngộ” là đặc-trưng quyền-hành của các Đức Giáo-chủ. Nhưng, thông-thường thì, ngày nay, ít có vị nào lại sử-dụng quyền ấy, hoặc cho rằng mình nắm vững chân-lý, cả khi đề-cập đến tín-lý hay tín-điều nữa.
Nói cho cùng, có là nhân-vật nổi cộm hay nổi tiếng thế nào đi nữa, tưởng cũng nên đề-nghị bạn, đề-nghị tôi, ta trở về với trích-đoạn của bài hát với những lời như:
“Ô kìa, đàn em bỗng tới hát ca, hát ca vang rần
Ô kìa, bồ câu bỗng tới tự tình trước sân
Ô kìa, Ô kìa kìa dàn hoa mướp kia bướm ong,
bướm ong la đà
Người yêu duyên đáng quá
Trời hồng trên má khiến ta bỗng yêu đời
Ha! Xin cho ta vui, cơn vui như điên
Xin cho ta say cơn vui hôm nay
có bao giờ đâu
Dù trong phút giây đời ta biết say
Ha! Xin cho ta vui cơn vui đang lên
xin cho ta say cơn vui đang lay
có bao giờ đâu đời ta bỗng vui.”
(Hoàng Thi Thơ – bđd)
Hát thế rồi, nay cũng nên đi vào vùng trời lời đấng thánh hiền ở nhà Đạo để có thêm một hỗ trợ về đạo giáo, rằng:
“Anh em thử nghĩ lại xem:
khi anh em được Chúa kêu gọi,
thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời,
đâu có mấy người quyền thế,
mấy người quý phái.
Song, những gì thế-gian cho là điên dại,
thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan,
và những gì thế gian cho là yếu kém,
thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh.”
những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có,
thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có,
hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.
Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa
mà anh em được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu,
Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta,
sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa,
Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính,
đã thánh hoá và cứu chuộc anh em,
hợp như lời đã chép rằng:
Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.
(1Corinthô 1: 26-31)
Nghe thế rồi, nay đề nghị bạn và tôi, ta lại sẽ đi vào vùng trời truyện kể có những điều để kể như sau:
“Chim Chiền Chiện làm tổ trên một cánh đồng lúa mì non. Ngày ngày trôi qua, khi những thân lúa đã vươn cao thì bầy chim con mới nở ngày nào, đã lớn nhanh như thổi. Rồi một ngày, khi lúa những ngọn lúa chín vàng đung đưa trong gió, Bác aNông Phu và những người con đi ra đồng.
Bác Nông Phu nói:
-Lúa này bây giờ gặt được rồi đây. Chúng ta phải kêu cả những người hàng xóm và bạn bè đến giúp cho chúng ta thu hoạch.”
Bầy chim Chiền Chiện con trong tổ ngay sát đó nghe vậy hết sức sợ hãi, vì chúng biết rằng chúng sẽ gặp nguy lớn nếu không kịp dời tổ trước khi thợ gặt đến. Khi chim Chiền Chiện Mẹ kiếm ăn trở về, lũ chim con kể lại cho mẹ những gì chúng nghe được. Chiền Chiện mẹ nói:
-Đừng sợ, các con ạ. Nếu Bác Nông Phu bảo rằng ông ấy sẽ kêu hàng xóm và bạn bè của ông đến giúp, thì đám lúa này cũng còn một thời gian nữa mới gặt được.
Vài ngày sau, khi lúa đã quá chín và khi có gió lay động thân lúa, một loạt các hạt lúa rào rào rơi xuống đầu lũ Chiền Chiện con.
Bác Nông Phu bảo:
-Nếu không gặt gấp đám lúa này, chúng ta sẽ thất thoát đến cả nửa vụ mùa. Chúng ta không thể chờ đợi bạn bè được nữa. Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu tự gặt lấy.
Khi lũ Chiền Chiện con kể lại với mẹ những gì chúng nghe ngày hôm nay, nó bảo:
-Thế thì mình phải dọn tổ đi ngay. Khi người ta đã quyết định tự mình làm mà không trông nhờ vào ai khác nữa, thì chắc chắn là họ chẳng trì hoãn gì nữa đâu.
Cả nhà chim tíu tít lo bay tới bay lui dọn tổ đi ngay buổi trưa đó, và đến khi mặt trời mọc sáng hôm sau, lúc Bác Nông Phu và những người con ra đồng gặt lúa, họ chỉ gặp một cái tổ rỗng không. “
Và lời bàn của người kể những nói rằng:
“Trong cuộc sống, khi đã quyết định tự mình làm việc gì, đừng quá trông mong vào sự giúp đỡ người khác. Tự cứu mình là tốt nhất.” (truyện do St sưu tầm trên mạng vi-tính).
Kể và đọc những lời bàn như thế, cũng chỉ để bảo nhau và hát cho nhau những lời sau đây:
“Ô kìa, bầy chim bỗng tới líu lo,
líu lo sau nhà”
Ô kìa, người yêu bỗng tới tự tình với ta
Ô kìa, Ô kìa kìa vươn hoa bỗng dưng kết hoa,
kết hoa muôn màu
Trời xanh mây trắng xóa
Người yêu xinh quá khiến ta bỗng yêu đời.”
(Hoàng Thi Thơ – Bđd)
Và lời cuối hôm nay, vẫn là những lời dặn dò: hãy cùng nhau ca hát nhiều hơn là bình-phẩm về ai đó, thì tốt hơn. Bởi, dù có phẩm-bình hoặc chê trách cách nào đi nữa, ta cũng chẳng bao giờ xây dựng được việc gì, dù có gọi đó là “góp ý”, “để xây dựng” hay sao đó, cũng đều thế.
Trần Ngọc Mười Hai
Với đề nghị giản-đơn
là luôn hát những lời như:
Ô kìa, người yêu bỗng tới
tự tình với ta,
dù xa lạ hay quen biết.
NGƯỜI TÔI TỚ
Hôm nay toàn thể Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu chết. Việc tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu không phải là ôn lại một kỷ niệm trong quá khứ, nhưng để chiêm ngắm việc Người chịu chết để ta khám phá ra Tình Vô tận mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Cái chết của Chúa Giêsu không phải như cái chết của một ông vua, một nhà lãnh tụ của quốc gia, của một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử của loài người. Cái chết Chúa Giêsu là cái chết của Người Con Một, Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa.
Giáo hội như muốn mời gọi chúng ta đi vào thinh lặng, từ các trang trí cho đến những bài ca phụng vụ, tất cả đều đưa chúng ta vào cõi thinh lặng. Thinh lặng để nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thập Giá, thinh lặng để lắng nghe tiếng nói từ Thập Giá. Thập Giá vẫn mãi mãi là một mầu nhiệm. Tại sao điều đó có thể xảy ra cho Thiên Chúa? Tại sao Con Một Thiên Chúa lại có thể chịu chết treo trên Thập Giá?
Cái chết của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa: Đó là cái chết được báo trước: “Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng tế và Kinh sĩ. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết chết Người.” (Mc 10, 33-34). Đó là cái chết vì yêu mến Chúa Cha, để vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Chúa Giêsu chịu chết để tiêu diệt thần chết là ma quỷ và sự dữ.
Chúa Giêsu chịu chết vì tội lỗi của nhân loại, vì yêu thương và muốn cứu chuộc nhân loại. Nhờ sự chết của Chúa, loài người được giao hòa với Thiên Chúa. Nhờ sự chết của Chúa, con người được sống và được tham dự vào sự phục sinh của Người. Thật vậy, Chúa chịu chết để cho con người được hưởng vinh quang trong Nước Trời.
Cho dù có phải hy sinh, tủi nhục, đau khổ, bị bỏ rơi, Chúa vẫn sẵn sàng đi trọn con đường đau thương, vẫn trung thành vác thập giá và nhất là phải chết trên thập giá.
Trên thập giá, Chúa Giêsu trở nên “Chiên Thiên Chúa đến gánh tội trần gian” (Ga 1,29), mang lấy tội lỗi nhân loại nơi thân mình Người. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21).
Thiên Chúa đã chết vì tội chúng ta. Thiên Chúa đã phải trả giá quá đắt để cứu loài người khỏi chết. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian như thế đó! Vậy mà tôi vẫn vô tâm !
Về cuộc tử nạn và cái chết của Chúa Giêsu, thiết tưởng chúng ta chỉ nên giữ thinh lặng. Trong thinh lặng, chúng ta mới cảm nhận được cái nhìn yêu thương trìu mến của Chúa Giêsu. Và trong cái nhìn ấy chúng ta mới nghe được chính tiếng nói của Ngài. Chỉ có kẻ đau khổ mới có thể đưa chúng ta vào nỗi khổ đau của họ. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể đưa chúng ta vào những nỗi khổ đau của Ngài. Sự thinh lặng đưa chúng ta vào mầu nhiệm của khổ đau.
Trong hai người cùng chịu treo trên Thập Giá bên cạnh Chúa Giêsu, một người đã không ngừng lên tiếng kêu gào rủa xả, trong khi đó kẻ được mệnh danh là trộm lành chỉ biết thốt lên lời van xin cứu vớt. Ðối với chúng ta, điều đó thật là phải lẽ, xứng với tội lỗi chúng ta. Kẻ trộm lành quả thực đã đi sâu vào mầu nhiệm của Thập Giá, ông đã nhận ra thân phận tội lỗi của mình.
Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá trước tiên là một bày tỏ về bộ mặt tội lỗi của nhân loại. Mãi mãi Thập Giá vẫn là biểu trưng của sự độc ác của con người. Ðó là đỉnh cao trí tuệ của con người trong việc sáng chế ra những phương thế để hành hạ nhau, để loại trừ nhau, để chém giết nhau. Ðó là bản án của tội lỗi nhân loại trải qua mọi thời đại.
Nhìn lên Thập Giá Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta chỉ có thể đấm ngực ăn năn về chính tội lỗi của mình mà thôi. Thập Giá của Chúa Giêsu vẫn luôn có đó để chiếu rọi vào thân phận tội lỗi của con người. Thập Giá không chỉ là mạc khải về tội lỗi của con người, nhưng tội lỗi còn là mặt trái của một nguồn ánh sáng vô biên.
Ðó là ánh sáng của tình yêu. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá là biểu tỏ của một tình yêu tha thứ cho đến cùng. Có lẽ người trộm lành đã hiểu được điều đó khi ông quay nhìn sang Chúa Giêsu trên Thập Giá. Trong ánh mắt của Chúa Giêsu, người trộm lành chỉ có thể thấy bừng lên tình yêu nhân từ và tha thứ khi được tình yêu Chúa Giêsu chiếu dọi vào. Bên cạnh Chúa Giêsu, người trộm lành được ôm ấp với cái nhìn trìu mến và tha thứ của Ngài.
Ta còn được mời gọi nhìn thấy chính cây giá gỗ, trên đó Đức Giêsu chịu đóng đinh như là một dụng cụ nhục hình và tử hình. Thập giá là hình phạt tiêu biểu mà Lề Luật dành cho người phạm trọng tội. Vì thế, Thập Giá là biểu tượng cho công lí của con người.
Ấy vậy mà, người chịu đóng đinh là chính Đức Giêsu, Đấng hoàn toàn vô tội, Đấng công chính hoàn hảo; vì thế, sự công chính của con người chỉ là giả tạo, gian dối và chỉ có vẻ bề ngoài.
Nơi Thập Giá, Đức Kitô muốn giải thoát ta một cách chính xác khỏi sự công chính giả tạo nhân danh Lề Luật, sự công chính bề ngoài đến từ chính chúng ta, để trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa.
Nơi Thập Giá, Đức Kitô mang vào mình mọi “bệnh hoạn tật nguyền” của chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên lành mạnh, nên công chính cách nhưng không, như bài ca về “Người Tôi Tớ Đau Khổ” đã loan báo. Vì thế, trên tất cả, nơi thập giá của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nhìn ra trong tín thác và bình an thẳm sâu “Khuôn Mặt đích thật” của chính Thiên Chúa.
Và rồi khi khám phá ra khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, ta thấy một Tình Yêu vô tận đã yêu thương ta. Nhận ra như vậy, ta lại sống như thế nào đó cho xứng đáng với sự hy sinh tột cùng của Tình Yêu vô tận đó.
Huệ Minh
Langthangchieutim gởi
Đêm Hồng Phúc
Giữa màn đêm dày đặc bao phủ không gian, một ánh sáng bừng lên, chiếu rọi nhân thế. Ánh sáng ấy là Đức Giêsu Kitô, Đấng chiến thắng sự chết, sống lại vinh quang. Ánh sáng Phục sinh đã chấm dứt chuỗi ngày buồn thương ảm đạm, khởi đầu một thời đại mới. Đức Giêsu mở tung nấm mồ, không chỉ cho riêng mình, mà cho cả nhân loại. Cùng với nấm mồ được bật mở, là cánh cửa hy vọng cho tương lai của cả kiếp nhân sinh. Bởi lẽ con người không được tạo dựng để rồi ngủ yên vĩnh viễn dưới nấm mồ, nhưng để được sống mãi mãi bên Chúa, để chia sẻ vinh quang với Ngài. Đó là ý nghĩa của Đêm Canh thức Phục sinh. Phụng vụ Kitô giáo long trọng ca lên: “Ôi đêm Hồng phúc!”.
Sách Targum là một bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Hípri sang tiếng Aram. Bản dịch này được thực hiện sau thời lưu đày trở về (hậu bán thế kỷ 6 trước Chúa Giêsu), vì vào thời đó, phần lớn những người sinh ra và lớn lên trong thời lưu đầy không còn nói tiếng Hípri. Các dịch giả của Targum vừa dịch thuật, vừa thêm vào những chú giải phản ánh niềm tin và quan niệm của người đương thời. Khi trình bày lịch sử cứu độ, sách Targum nói đến bốn đêm đáng ghi nhớ trong lịch sử. Đây là bốn mốc thời gian quan trọng, vì chúng đánh dấu sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa.
– Đêm thứ nhất: đêm của sự sáng tạo. Hành động sáng tạo của Thiên Chúa được thực hiện bằng Lời. Qua Lời của Thiên Chúa, Ngài đã gọi mọi sự từ hư vô đến hiện hữu, từ đêm đen đến áng sáng. Trước khi thực hiện công cuộc sáng tạo, thế giới là một hỗn mang, lộn xộn, tăm tối. Đêm dài của hỗn mang đã kết thúc, nhường chỗ cho một ngày mới, được ánh sáng của Chúa soi chiếu.
– Đêm thứ hai: Giao ước ký kết với Abraham: Đây là giao ước đầu tiên được ký kết giữa Thiên Chúa với con người, được thực hiện vào lúc màn đêm bao phủ (x. St 15,12-19). Abraham đại diện cho toàn thể nhân loại, cam kết với Chúa về những điều phải tuân giữ. Khi ký kết giao ước với con người, Thiên Chúa hạ mình xuống, trở thành “đối tác” ngang hàng với con người. Cũng như khi sáng tạo, dường như Thiên Chúa rút lui để nhường chỗ cho con người và mọi tạo vật hiện diện, thì khi ký kết giao ước với Abraham, Thiên Chúa trở nên “hữu hạn” ngang hàng với con người và chấp nhận thực thi những điều đã cam kết. Ngài hứa với ông Abraham, sẽ làm cho dòng dõi ông trở nên đông như sao trên trời và như cát bãi biển. Abraham đã thực hiện giao ước đã ký kết, đỉnh cao là việc sẵn sàng sát tế chính Isaac con trai mình.
– Đêm thứ ba: Cuộc xuất hành khỏi Ai Cập. Đây là một biến cố ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử Do Thái. Sự kiện này chứng minh quyền năng của Thiên Chúa. Ngài dẫn dân Ngài ra đi vào giữa đêm khuya, khi người Ai Cập còn ngủ say. Ngài uy quyền và mạnh mẽ hơn hẳn tất cả mọi thần linh của Ai Cập cũng như của các dân ngoại. Thiên Chúa đã giang cánh tay hùng mạnh cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập. Quân lực của Pharaô, uy hùng là thế, mà trở thành những xác không hồn, trôi vật vờ trên biển cả, trong khi người Do Thái được bình an vô sự, hát vang bài ca chiến thắng.
– Đêm thứ bốn: đó là ngày cánh chung hay là ngày tận thế. Thế giới này sẽ có ngày kết thúc. Ách nô lệ sẽ bị bẻ tung, quân tội lỗi sẽ bị diệt trừ. Môisen sẽ đến từ sa mạc và Đấng Mêssia sẽ đến từ trời cao đế hướng dẫn nhân loại. Đó sẽ là đêm Vượt Qua nhân danh Thiên Chúa. Đó cũng là đêm được ấn định cho mọi con cái Israen, trải qua mọi thế hệ. Vào ngày đó, Thiên Chúa sẽ can thiệp và thưởng công cho những ai trung tín với Ngài. Như ông Môisen là thủ lãnh đã đưa dân ra khỏi Ai Cập, vị Vua Thiên sai sẽ đến phá tan đêm đen, dẫn đưa nhân loại về với ánh sáng ngàn đời và về vương quốc vĩnh cửu.
Phụng vụ Kitô giáo, trong đêm canh thức trước lễ Phục Sinh cũng diễn tả giáo huấn “Bốn đêm” của sách Targum, nhưng với một nhãn quan mới. Quy định của nghi thức Đêm Vọng Phục sinh (chữ đỏ) đã nói rõ: đây là Mẹ của các đêm Canh thức, vì thế đề nghị đọc 9 bài đọc. Nếu không tiện đọc hết thì phải đọc các bài Sách Thánh sau: Trình thuật Sáng tạo (St 1,1-2,2); Trình thuật về việc Chúa thử thách Abraham khi đề nghị ông sát tế Isaac (St 22,1-18) ; Trình thuật vượt qua Biển Đỏ (Xh 14, 15-15,1); và Thư thánh Phaolô (Rm 6,3-11). Bài Tin Mừng như đỉnh cao của Đêm Canh thức, loan báo cho cả thế giới biết, Đức Giêsu đã phục sinh. Như thế, Phụng vụ vừa trung thành với truyền thống Cựu ước, vừa diễn tả cái nhìn mới mẻ qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Theo nhãn quan Kitô giáo, “đêm thứ bốn” mà tác giả sách Targum trình bày chính là đêm Chúa Kitô phá cửa ngục tù của sự chết, sống lại huy hoàng, chiếu ánh sáng cho toàn thể nhân gian. Người đã khởi đầu một cuộc sáng tạo mới, khi bước ra khỏi mộ vinh quang. Bài công bố Tin Mừng Phục sinh (Exultet) đã nêu rõ: “Này là đêm, mà hết những ai có lòng tin Chúa Kitô khắp trên trần gian, được cứu thoát hết các vết nhơ và tối tăm tội khiên, được ơn thiêng đưa về hợp đoàn cùng các thánh nhân..”.. Đức Giêsu như một Môisen mới dẫn đưa nhân loại vượt qua sự chết để đến sự sống, vượt qua tối tăm để đến ánh sáng. Những ai đón nhận dòng nước tái sinh của bí tích Thánh tẩy, cũng giống như người Do Thái can đảm bước xuống biển đỏ theo ông Môisen, để được đến bến bờ tự do của con cái Thiên Chúa. Họ được mặc lấy Chúa Giêsu, đồng hình đồng dạng với Người và cùng với Người thừa hưởng gia nghiệp vĩnh cửu là Nước Trời. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6, 4-6). Vị tông đồ dân ngoại cũng nhận ra nơi Đức Giêsu chịu treo trên thập giá chính là Chiên Vượt qua mới: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1 Cr 5,7). Chính nhờ máu Chiên Vượt qua này, nhân loại được tẩy rửa khỏi mọi tội lỗi. Vì vậy, họ phải đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi để sống cuộc sống mới, thánh thiện, đẹp lòng Chúa.
Trong nhãn quan đức tin, “bốn đêm” mà sách Targum trình bày, vẫn đang thường xuyên diễn ra trong cuộc đời người tín hữu của chúng ta. Bởi lẽ những dấu mốc quan trọng trong lịch sử luôn gợi lại cho chúng ta thấy hoạt động của Thiên Chúa. Ngài vẫn luôn sáng tạo không ngừng. Ngài vẫn mời gọi con người đi vào giao ước với Ngài, nhất là giao ước mới trong máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá. Ngài vẫn dẫn đưa chúng ta vượt qua “Biển Đỏ” của thời đại hôm nay, là những đam mê ràng buộc khiến chúng ta trở thành nô lệ. Nhất là Ngài luôn kêu gọi chúng ta hãy phục sinh, ra khỏi nấm mồ tối tăm của thù hận ghen ghét, để đến ánh sáng huy hoàng không bao giờ tàn lụi.
Như những người phụ nữ vội vã chạy ra mồ Chúa sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, chúng ta hãy chiêm ngưỡng chiến thắng kỳ diệu của Chúa Kitô. Chính Người là sự sống được ban tặng cho chúng ta. Chính Người là niềm hy vọng của cả thế giới. Ngày hôm nay, Người đang nhờ mỗi chúng ta, qua cuộc sống cụ thể của mình, đem tin vui và niềm hy vọng ấy cho những người đương thời. Hãy nói với thế giới xung quanh rằng: đêm đen đã chấm dứt, ngày mới đã khởi đầu. Chính khởi đi từ đêm Hồng phúc năm xưa mà lịch sử nhân loại sang một trang mới. Đấng phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Những ai đón nhận Người, chắc chắn sẽ không phải thất vọng, vì Người là ánh sáng và là Đấng Cứu độ trần gian.
Lễ Phục sinh 2017
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
——-
From: VÒNG TAY SONG NGUYỀN gởi
Thông tin nối kết phục vụ hạnh phúc gia đình
Nhịp cầu dẫn vào cõi hồng phúc
(Suy niệm Lễ Phục Sinh)
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Có một đại lộ thênh thang xuất phát từ miền cao chạy xuống miền xuôi, băng qua cây cầu bắc qua vực sâu Âm Phủ để dẫn vào Vùng Đất Hứa. Vùng Đất Hứa này là nơi vắng bóng sự chết và đau khổ nhưng tràn đầy hoan lạc hồng phúc.
Từ trên cao, một đoàn xe dài hun hút, nhưng chẳng chiếc nào có thắng, nối đuôi nhau chạy theo đại lộ nầy, lao vun vút xuống bằng, nhắm vượt qua cây cầu bắc ngang vực sâu Âm Phủ để tiến về Miền Đất Hứa đáng mơ ước ở bờ bên kia.
Nhưng than ôi, chiếc cầu nầy đã gãy đổ từ lâu nên tất cả những chuyến xe đầy khách từ trên cao lao xuống, nhắm vượt qua cây cầu nầy để tiến về Miền Đất Hứa đều phải lao xuống vực sâu Âm Phủ và tất cả hành khách trong xe phải tiêu vong đời đời dưới đáy vực chất đầy xương khô.
Vận mệnh con người, ai cũng như ai, là phải xuất phát từ đời tạm nầy tiến vào cuộc đời vĩnh cửu, từ cuộc sống bấp bênh bèo bọt bước sang cuộc sống hạnh phúc muôn đời. Nhưng tiếc thay chiếc cầu lịch sử nối liền đôi bờ cách biệt nầy đã bị tội nguyên tổ làm cho sụp đổ hoàn toàn và không ai có thể xây dựng lại được.
Thế là mọi người, kẻ trước người sau, không sớm thì muộn, đều như những người lái xe xổ đèo mà không có thắng. Đoàn xe lao xuống càng lúc càng nhanh và cuối cùng ai cũng như ai đều phải lao xuống vực u tối muôn đời vì chiếc cầu bắc ngang vực sâu Âm Phủ đã gãy đổ từ lâu. Số phận con người đều phải kết thúc bi đát như thế đó!
Thế rồi, thời hồng phúc đã được bắt đầu khi Chúa Giê-su dùng cuộc tử nạn và phục sinh của mình để xây dựng lại cây cầu đó, để nối lại đôi bờ vô cùng cách biệt; nối cuộc sống tạm bợ ở đời nầy và cuộc sống vĩnh cửu mai sau; nối thế giới đầy sóng gió gian truân nầy với cõi hồng phúc hoan lạc; nối liền trời với đất, giao hoà Thiên Chúa với loài người; dẫn đưa con người vào đời sống đời đời vinh phúc.
Cầu mới đó được đặt tên là cầu Phục Sinh. Ai đi qua cầu Phục Sinh sẽ không còn phải lao xuống vực thẳm chết chóc nữa, nhưng được tiến thẳng vào thiên quốc.
Chiếc cầu Phục Sinh là một kỳ quan tuyệt vời hơn hết mọi kỳ quan, là một công trình vô cùng cao đẹp vì đã cứu loài người khỏi lao mình xuống vực sâu Âm Phủ nhưng đưa họ vào Miền Đất hồng phúc hoan lạc muôn đời.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con hân hoan dâng lời cảm tạ tôn vinh Chúa đã xây dựng cho chúng con nhịp cầu quý giá nầy.
Xin cho chúng con hăng hái loan tin vui này cho mọi người được biết và đi theo Chúa để được tiến vào Vương Quốc hằng sống muôn đời vinh hiển. Alleluia.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Anh chị Thụ & Mai gởi
Làm phúc có… tội!
Người ta vẫn thường nói: “Làm phúc phải tội”. Một câu tương đương khác:“Làm ơn mắc oán”. Thậm chí người ta còn so sánh: “Cứu vật, vật trả ơn; cứu nhân, nhân trả oán”. Nếu như vậy thì con người không bằng con vật. Và chắc hẳn rằng chẳng ai xa lạ gì với các kiểu nói “nhoi nhói” như vậy. Làm phúc mà có tội, làm ơn mà bị oán. Ôi, thế thái nhân tình, thế gian nó gian thế đấy!
Trình thuật Ga 5:1-3a, 5-16 có đề cập vấn đề này. Thánh Gioan kể…
Sau đó, nhân dịp lễ của người Do Thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó.
Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?”. Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó thì đã có người khác xuống trước mất rồi!”. Đức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!”. Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày sa-bát.
Người Do Thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!”. Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: Anh hãy vác chõng mà đi!”. Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh vác chõng mà đi?”. Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. Sau đó, Đức Giêsu gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!”. Anh ta đi nói với người Do Thái: Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. Do đó, người Do Thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.
Là Kitô hữu, cách riêng là tín hữu Công giáo, ai cũng biết rõ rằng Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót, luôn chạnh lòng thương những người hèn mọn, bé nhỏ, khốn khổ (hồn và xác), thậm chí Ngài cũng không ngại lân la tới gần những kẻ bị xã hội chê trách hoặc lánh xa, những người bị người ta công khai coi là xấu xa, là “phường tội lỗi”.
Làm điều xấu mà bị người ta ghét đã đành, làm phúc hoặc làm ơn mà cũng bị người ta ghét. Điều đó chứng tỏ rằng không thể làm vừa lòng mọi người. Nghèo thì bị khinh, giàu thì bị ghét, dốt thì bị đì, giỏi thì bị triệt. Cỡ nào cũng… chết. Chết chắc!
Đau ốm vài ngày cũng đủ cảm thấy mệt mỏi lắm rồi, huống chi bệnh nhân nằm chờ ở hồ Bết-da-tha kia đã chịu đựng bệnh tật hành hạ suốt ba mươi tám năm. Nửa đời người rồi chứ ít gì! Chúa Giêsu thấy anh ta bị như vậy nên Ngài chạnh lòng thương. Ngài hỏi vì muốn anh ta có dịp xác định niềm tin, chứ Ngài biết rõ là anh ta rất muốn thoát cảnh “tù sống” như thế. Có ai lại không muốn khỏi bệnh? Bị bệnh nặng thì sống mà có khác chi chết đâu? Cái gì cũng phải nhờ người khác, buồn lắm. Mà nào chỉ như vậy, nhờ người ta mà người ta vui vẻ giúp thì còn được an ủi. Chắc chắn có những lúc anh rất khổ tâm vì bị người ta mỉa mai, xa lánh, nguyền rủa,… Cuộc sống cho chúng ta thấy điều đó. Đã và đang không ít người thân đã khó chịu hoặc miễn cưỡng khi giúp người thân bị bệnh tật hoặc già yếu.
Có câu danh ngôn thế này: “Đừng cố gắng trở thành người thành công, mà hãy cố gắng trở thành người có giá trị”. Thật chí lý! Tuy nhiên, người ta chỉ thích là người thành công và nổi tiếng, vì được tán dương, chứ mấy ai thực sự mong muốn trở thành người hữu ích và có giá trị – cho chính mình và cho tha nhân?
Quả thật, đúng như Chúa Giêsu đã từng nguyền rủa nhóm Pharisêu (Biệt Phái), các Kinh Sư và giới Luật Sĩ là giả hình, là mồ mả tô vôi, cùng với các lời chúc dữ: “Khốn cho quý vị…!” (Mt 23:13-32; Mc 12:40; Lc 6:24-26; Lc 11:39-48; Lc 20:47). Ước mong không ai trong chúng ta phải chịu lời nguyền rủa nào nặng nề như vậy!
Chúa Giêsu luôn làm phúc và làm ơn, thế nhưng lại bị người ta ghét cay ghét đắng, ghét đến nỗi họ đã “đồng hóa” Ngài với những tên tội phạm khét tiếng và nguy hiểm nhất trong xã hội loài người, thậm chí Ngài còn bị họ rắp tâm a dua với nhau, quyết liệt phản đối và đòi giết chết Ngài bằng hình phạt ghê gớm nhất thời đó: đóng đinh vào thập giá. Quả thật, họ đã coi tử tội Baraba còn “tốt lành” hơn Chúa Giêsu, vì thế họ mới tha tội chết cho hắn mà lại kết án tử đối với Ngài. Thật tồi tệ!
Cuộc đời cho chúng ta thấy rằng người ta ưa bề ngoài, thích bề nổi, khoái hình thức, tương tự kiểu giả hình nhưng là loại “giả hình tinh vi”. Dù không là Kitô hữu, nhưng Khổng Tử có 7 lời khuyên độc đáo này:
Mẹ Thánh Teresa Calcutta chia sẻ: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại. Việc tốt là những mắt xích tạo nên sợi xích tình yêu. Lời tử tế ngắn gọn dễ nói nhưng âm vang của nó thực sự vô tận. Việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị quên lãng vào ngày mai, nhưng dù sao thì bạn hãy cứ làm việc tốt”. Những ý tưởng rất giản dị, dễ hiểu, thế nhưng lại vô cùng thâm thúy!
Xin được ghi lại lời khắc trên nền cũ của Đại Giáo Đường Liibeek (Đức) như một lời nhắc nhở và cảnh báo Chúa Giêsu dành cho mỗi chúng ta – đặc biệt trong Mùa Chay Thánh này:
Con gọi Ta là Tôn Sư nhưng con chẳng vâng lời Ta.
Con gọi Ta là Ánh Sáng nhưng con chẳng thèm nhìn Ta.
Con gọi Ta là Chính Lộ nhưng con chẳng thèm đi trên đó.
Con gọi Ta là Nguồn Sống nhưng con chẳng ước muốn Ta.
Con gọi Ta là Thượng Trí nhưng con chẳng theo Ta.
Con gọi Ta là Tuyệt Mỹ nhưng con chẳng yêu Ta.
Con gọi Ta là Phú Quý nhưng con chẳng xin Ta.
Con gọi Ta là Vĩnh Cửu nhưng con chẳng tìm Ta.
Con gọi Ta là Ân Sủng nhưng con chẳng tin Ta.
Con gọi Ta là Quyền Quý nhưng con chẳng phục vụ Ta.
Con gọi Ta là Uy Quyền nhưng con chẳng tôn vinh Ta.
Con gọi Ta là Công Chính nhưng con chẳng bảo dưỡng Ta.
Con gọi Ta là Thiên Chúa nhưng con chẳng thờ lạy Ta.
Con gọi Ta là Tình Yêu nhưng con chẳng khao khát Ta.
Con gọi Ta là Dũng Lực nhưng con chẳng kính sợ Ta.
Con gọi Ta là Đấng Thánh nhưng con chẳng noi gương Ta.
Con gọi Ta là Nhân Lành nhưng con chẳng tự hạ.
Nếu Ta kết án con, con không thể trách Ta được!
Lạy Thiên Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con Thần Khí Thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con (Tv 51:12-14).
TRẦM THIÊN THU
Miền Chay Tịnh – 2017
From: hnkimnga & Anh chị Thụ Mai gởi
CON CÓ UỐNG NỔI CHÉN THẦY SẮP UỐNG KHÔNG?
Thầy yêu mến;
Có một câu chuyện được kể lại trong Thánh Kinh như sau: “Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong nước Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì. Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”(Mt 20, 20-23)
Thầy kính mến! Hơn lúc nào hết, chính lúc này đây trong tâm tình của những tuần mùa chay thánh này, con cũng đang nghe bên mình câu hỏi của Thầy Giê-su: “Con có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20, 22). Câu hỏi đó giống như là:
Lời mời gọi bước theo dấu chân của Thầy Chí Thánh.
Mùa Chay là thời giờ mà Giáo Hội dành tặng cho con để con có thể tái khám phá khuôn mặt Đức Giê-su qua những đau khổ của anh chị em xung quanh con. Và nhắc nhở con đứng dậy để “trở về” với tình yêu của Thiên Chúa bằng việc từ bỏ những thói hư tật xấu của bản thân và những gì có thể ngăn trở việc tiến về Chúa. Để cho chúng con được trở nên một với Ngài.
Trước những đau khổ và phiền muộn của kiếp người, con được mời gọi dâng những “chén đắng” trong hành trình trần thế của con kết hợp với những nỗi thống khổ Chúa Giê-su đã chịu trên Thánh Giá xưa. Để cho chúng con được trở nên một với Ngài.
Hơn thế nữa, Mùa Chay, Giáo Hội cũng dạy cho con biết: Thiên Chúa Đấng toàn năng đã chết thật vì tội lỗi của loài người thế nhưng Ngài đã chiến thắng sự chết và đã trỗi dậy thật. Ngài yêu nhân loại cho đến độ hy sinh mạng sống mình và lại còn khiêm nhường ở lại trong tấm bánh trắng nhỏ bên hòm chầu hàng ngày. Con được mời gọi để chia sẻ “tình yêu cao vời” hơn cả trời xanh ấy với anh chị em con. Để cho chúng con được trở nên một với Ngài.
Thầy yêu mến; Thầy mời gọi con uống chung một chén với Thầy để con có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy trong một tình yêu duy nhất. Xin ban cho con có một Đức tin cứng cáp, lòng cậy vững vàng để con có thể trỗi dậy sau những lần gục ngã mà không để ngọn lửa Đức tin bị lụi tàn.
Và… Câu trả lời của con.
Thầy kính mến; câu hỏi của Thầy sẽ mãi là câu hỏi mà cuộc hành trình trần thế của người Ki-tô hữu như con là chính câu trả lời. Câu trả lời ấy chính là sự đáp trả lại tình yêu của Đức Giê-su bằng việc chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa với những người anh em xung quanh cuộc sống hàng ngày. Điều đó có thể chỉ là những lời ủi an người anh em khi họ đang trong cơn đau khổ. Cũng có thể chỉ là ngồi lắng nghe ai đó chia sẻ nỗi đau với một trái tim cảm thông và yêu mến. Đôi khi cũng là chia san chén nước mát với người lữ khách đang khát. Con xin nguyện làm khí cụ trong tay Ngài.
Thầy yêu mến, câu trả lời chính là sống với tâm tình tạ ơn, chia sẻ tình yêu Thầy với những người anh em nghèo khó và kể câu chuyện cổ tích tình yêu mà Giê-su đã chết trên thập giá xưa chỉ vì “yêu”.
Con DomStone
From: ngocnga_12 & Anh chị Thụ & Mai gởi
Suy Tư Tin Mừng Chúa nhật Phục Sinh 16/4/2017
Tin Mừng Phục Sinh Gioan 20: 1-9
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.0 Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.
& & &
“Khi tỉnh lại, trông thấy trời sáng lạn,
“con đường đi bừng nở ánh muôn hồng.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Mai Tá lược dịch.
Chợt lúc tỉnh, nhà thờ thấy đất trời đã sáng lạn. Khi vụt sống, nhà Đạo lại thấy đời mình mãi cứ vui. Đất trời đời mình vẫn rất vui vì người người cùng Chúa nay sống lại. Và từ nay, mọi con đường ở phía trước đều bừng sáng ánh muôn hồng.
Trình thuật thánh Gioan hôm nay cũng diễn tả ý tưởng về ánh muôn hồng bừng nở ở con dân nhà Đạo, khắp muôn người. Sự việc Chúa bừng nở Phục Sinh, đã làm ánh hồng toả sáng cõi dân gian vũ trụ, rày thấy rõ. Dân gian vũ trụ vừa cùng Chúa trải nghiệm cuộc khổ nạn đã theo Ngài đi vào mộ phần, trong lịm tắt, để Vượt Qua. Ngài vượt từ trạng thái sống ở đời tạm qua cuộc sống vĩnh cửu rất khác biệt. Vượt qua, là Ngài vượt trở ngại của cuộc sống phàm trần đầy chết chóc để về với Cha, nhờ Phục sinh, quang vinh theo đúng kế hoạch Cha giao phó.
Nhờ trỗi dậy từ cõi chết, Đức Giêsu đã thực sự trở thành Con Thiên Chúa, rất tràn đầy. Từ đầu, Ngài sinh bởi Thiên Chúa là Cha, nhờ Thánh Thần. Và, suốt cuộc đời trần thế, Ngài chấp nhận thân phận của Người Con, để rồi ngày qua ngày, sống tiến trình Phục Sinh quang vinh ấy, trong hiện thực. Tiến trình, bao gồm việc chuyển đổi và thăng hoa nỗi chết để sống lại. Nói cách khác, Ngài nhận thức Mình là Con Thiên Chúa, luôn sống lại và tăng trưởng Phục Sinh thăng hoa mọi người.
Ơn cứu độ đến không phải bằng hành động do Ngài định sẵn, nhưng ở Bản vị Ngài quan hệ với Cha. Ngài không kết hợp với tội lỗi mà chỉ phối kết với người phàm dễ phạm tội. Điều này xảy ra không do lý luận nào từ bộ não của phàm nhân đầy tội lỗi. Nhờ vào bản chất Con Thiên Chúa và do Cha đặt để, Ngài giáng hạ với trần thế và để cho Cha Ngài tạo dựng thế trần trong cung cách bí nhiệm của những sinh hạ tục phàm, giống như thế.
Tựa như tiến trình sinh hạ nơi con người, Phục sinh là con đường trải nghiệm việc hạ sinh rời bỏ cung lòng người mẹ, để trở thành một bản thể khác, rất tuyệt đối. Tiến trình này thành tựu, như một thể thức nguyện cầu rất mới mẻ. Tiến trình, có được là nhờ Thánh Thần Chúa phú ban, để rồi khi Phục Sinh quang vinh, Đức Giêsu ở vào vị trí hoàn tất lịch sử. Và, Ngài trở thành Đấng lại đến vào mỗi khoảnh khắc của lịch sử còn diễn tiến. Trên thực tế, Tiệc Thánh Thể là nhiệm tích cho thấy Ngài hiện diện như Bản Thể hiện hữu ở mọi nơi, vào mọi thời.
Hiểu Phục Sinh theo cách này, người đọc Tin Mừng Sống Lại sẽ nhận ra Thánh Thần Chúa là Quyền Uy Sức Mạnh thánh thiêng đã và đang thực hiện việc sản sinh nơi mọi loài, vào mọi thời. Và Thánh Thần Chúa đầy Quyền Uy Sức mạnh nay trao ban cho ta cũng một uy quyền sinh sản hệt như thế vào lúc này, ngày Phục Sinh.
Muốn hiểu Phục Sinh một cách trung thực, đừng nên hiểu đó như buổi cử hành Phụng vụ do Hội thánh thực hiện trong ít tiếng đồng hồ chỉ mỗi thế. Để rồi, người nông nổi sẽ lại trở về với cuộc sống bình thường, chẳng biến thái cũng không đổi thay.
Tìm hiểu Phục Sinh, không thể và không nên hiểu như người vừa chầm chậm trỗi dậy về với thế giới đời người, sau một giải phẫu đầy kịch tính. Cũng chẳng nên hiểu Phục Sinh như phản ứng của người thưởng lãm bi hài kịch nhiều tập ở truyền hình, đã thấy nhân vật chính nay bị giết, tức hết chuyện. Bởi, tình trạng hậu-Phục Sinh nơi mọi người, ở khắp chốn, không là chuyện bình thường giống hệt khi trước, tức: đã Phục Sinh rồi, mà chẳng đổi thay tâm can, lòng Đạo. Hoặc chẳng có quyết tâm.
Cả 4 tác giả Tin Mừng không kể lại chuyện Chúa Phục Sinh như kết hậu của bi hài kịch đầy tình tiết rất ủy mị. Nhưng, các thánh vẫn viết và kể về một khởi đầu có “ánh muôn hồng, trời sáng lạn”.
Kể Phục Sinh, các thánh sử kể ra 3 chi tiết rất lớp lang, quan trọng ở Giao Ước, tức: đất miền Galilê, đá tảng lấp mộ và niềm tin khởi đầu.
Galilê đây, không là địa danh mang tính chất thể lý, mà là chốn miền đầy những tinh thần tượng trưng cho việc Thiên-Chúa-là-Cha đang chờ đón Chúa Con về lại với Ngài. Về lại Galilê, là về chốn miền của người nghèo đang có nhu cầu thực tế mà cuộc sống thực tiễn chưa hề khoả lấp. Người người về Galilê, không để ngóng chờ thị kiến gặp gỡ Chúa mà hội luận về sự kiện sống lại. Nhưng, là đi vào hành động giống như Chúa từng thực hiện, tức: gột bỏ mọi chết chóc, trầm cảm và sầu buồn, để rồi đem đến cho dân gian người người niềm vui chữa lành và hy vọng. Làm như thế, người người sẽ cảm nhận uy quyền Phục Sinh rất sống động ở nơi mình, hệt như thánh Phaolô từng nói: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh.” (Phl 3: 10)
Đá lấp mồ mô tả ở trình thuật, là trở ngại vẫn cản ngăn ta làm những việc cần làm để sống đích thực điều Chúa dạy. Đá lấp mồ, có thể là bạn bè/người thân. Là: niềm cô đơn, bệnh tật. Là, thế giới đang cản ngăn người người thực hiện một Phục Sinh trong đời mình. Đá lấp mồ, là trở ngại khiến các nữ phụ thăm viếng xác của Thầy mình, phải lăn qua một bên để vào đó mồ bôi xức dầu thơm tẩm xác người thân, cho phải phép. Các chị đến thăm xác Chúa, thấy đá lấp mồ bị lăn, nên đã nghĩ có người uy lực lắm mới làm nổi việc như thế.
Đá lấp mồ, còn là chính nỗi chết từng ngăn chặn mọi người muốn sống tiếp. Lăn đá tảng qua một bên, việc này hàm ngụ ý nghĩa chối bỏ cái chết của người thân thuộc. Hàm ngụ một phiền toái, đem nỗi chết đến với cuộc sống của mọi người. Đá lấp mồ, có thể là kinh nghiệm ta từng trải qua, khiến mình cứ phải sống với ưu tư/lẫn lộn trong quá khứ. Với kế hoạch sống lại Cha đưa ra, không thể có “đá lấp mồ” nào khả dĩ gây trở ngại khiến Ngài không thực hiện được ý định của Chúa Cha.
Đá lấp mồ nay bị lăn đi, cũng hàm ngụ một hãi sợ khác, nơi người sống. Hãi sợ về cuộc sống khác thường ở chốn nào đó rất khác biệt. Khác, với cuộc sống hiện tại, ở thế trần. Cuộc sống khác thường ấy không còn nỗi chết nào khác ám ảnh nữa. Cuộc sống mới ấy, sẽ không phải trải nghiệm bất cứ một hạn chế nào. Cuộc sống ấy, không do bản mình tạo nên. Sống như một quà tặng, khiến người người an vui, không sợ chết. Cuộc sống mới, đã khởi đầu niềm tin rất sáng. Chính đó là sống Phục Sinh của Đức Chúa.
Tin Mừng thánh Gioan đặt nặng vào niềm tin mới khởi đầu, nhiều bừng sáng. Tin Mừng thánh nhân viết có nhắc đến đồ đệ khác, cũng bước vào mộ phần, rồi nhận định: “Ông thấy mọi sự việc xảy đến. Và, ông tin.” (Ga 20: 8-9). Đồ đệ ấy, chính là bản thân người viết đã đạt trọn niềm tin vào Chúa lúc đến thăm và Ngài ban cho các ông chính Thần Khí của Ngài, là Đấng giúp các thánh tin vào sự Sống mới.
Bởi thế nên, người người có đi về Galilê mà vực dậy những người đang chết, cũng đừng nói về cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng, cứ tin vào cuộc sống mới. Là, sống chính cuộc đời mình. Sống, biết sẻ san sự sống. Và, để cho quyền năng rất sống lại cứ tràn xuống niềm tin ta đang có, mà vực dậy một ai đó. Để rồi, bằng bằng động thái thân thương/giùm giúp sẽ đưa họ bước vào cuộc sống rất phục sinh, quang vinh.
Truyền thống cổ theo khuynh hướng của thánh Gioan quan niệm rằng: có thể Đức Giêsu chưa hoàn tất sự sống lại của Ngài cho đến khi ta vực dậy một ai đó, khỏi nỗi chết. Cái chết trong lỗi phạm. Phải chăng đó cũng là ý nghĩa Tiệc Thánh ta cử hành, mỗi Chúa Nhật? Phải chăng sự kiện Chúa sống lại sẽ rõ nét hơn ở gia đình/cộng đoàn này hơn là nhóm hội/đoàn thể khác?
Truyền thống của đồ đệ thánh Gioan có thói quen gọi thời điểm Phụng vụ mùa này, tức thời gian từ Chúa Nhật Phục Sinh cho đến Lễ Hiện Xuống, là mùa Hiện xuống của Tinh thần rất mới mẻ ấy. Nói cho cùng, Chay kiêng Tuần thánh là mùa Vượt qua, để ta vượt và qua giai đoạn sự sống hiện tại đến sự sống mới. Hiện Xuống, mới là Phục sinh hiệu năng, rất sở đắc. Và, nay cũng là lúc để ta nguyện cầu cho tinh thần ấy thành hiện thực nơi ta và mỗi người thời Phục Sinh năm nay.
Trong nguyện cầu như thế, ta lại reo vang lời ca của thi sĩ trích ở trên, mà ngâm rằng:
“Khi tỉnh lại, trông thấy trời sáng lạn,
con đường đi bừng nở ánh muôn hồng.
Em tuyệt trần đã mở lối thiên cung,
tôi sửng sốt hái nụ tình phong nhụy.”
(Đinh Hùng – Giáp Mặt Phù Dung)
Phục sinh, vẫn là mùa để người người “sửng sốt hái nụ tình”, niềm vui sáng lạn. Hái nụ tình, ai cũng sẽ hái để mọi người đích thực sống đổi mới, cả tinh thần lẫn xác thân rất tuyệt vời một Phục Sinh.
Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –
Mai Tá lược dịch.
ĐẠI LỘ HOÀNG HÔN – Y Vân – Nguyễn Anh Huy – Kim Phụng – BP
httpv://www.youtube.com/watch?v=aDgtogsXXYw
Chuyện Phiếm Đọc Trong Tuần Phục Sinh năm A 16/4/2017
“Người về người đi, hoàng hôn một lối!”
“Đường một đưòng hai chiều đưa vào tối.
Trời cao và gió đầy
Hàng cây cùng ghế dài
Nào ai lẻ bóng? Nào ai thành đôi?”
(Y Vân – Đại Lộ Hoàng Hôn)
(Giacôbê 5: 10-11)
Trần Ngọc Mười Hai
Gọi đó là “Đại-lộ hoàng-hôn” sao? Bạn có hát những câu như thế, chắc chỉ muốn nói rằng: đời người, có nhiều lối đi. Những lối/đường để đi, còn tuỳ đường/lối mình quyết chọn. Kết quả, rồi thì hoặc bạn sẽ “lẻ bóng” hoặc “thành đôi lứa”, cũng thế thôi.
Nhìn vào nhà Đạo để xem xét những chuyện nổi cộm vừa mới xảy ra qua việc nhận/đón Mình Chúa ở Tiệc Thánh Thể lâu nay vẫn là đầu đề câu chuyện chia-phôi, lẻ bóng rất đôi ngả. Một ngả, khá cứng-cỏi như luật phụng-vụ hoặc Giáo-luật. Còn ngả kia, là lập-trường khá xứng-hợp về mục-vụ do Đức Phanxicô đưa ra.
Trước khi cùng đấng bậc “lờ mờ” ở Sydney phân-tích ý-chủ của Đức Giáo Hoàng, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể, nói về “Hai con hổ” để rồi sẽ thấy đời mình và đời người cũng có những điều mới lạ, như người kể từng nhận-định. Truyện đây, là truyện kể nhẹ mỗi thế này:
“Có hai con hổ, một con ở trong chuồng, một con nơi hoang-dã với núi rừng trùng-điệp.Hai con hổ đều cho rằng hoàn-cảnh bản thân mình không tốt, đôi bên đều ngưỡng mộ đối phương, thế là chúng quyết-định san/đổi cho nhau thân-phận của mỗi con. Lúc đầu, cả hai con đều vô cùng vui-thích, nhưng không lâu sau đó, cả hai con đều chết cả: một con vì đói mà chết, còn con kia vì u-sầu mà chết tốt, cũng như thế.”
Và lời bàn của người kể, lại như sau: “Có những lúc, mọi người đều nhắm mắt làm ngơ đối với hạnh-phúc của chính bản thân mình, rồi cứ để mắt chú ý đến hạnh-phúc của người khác. Thật ra thì, những gì ta đang có, lại chính là những điều khiến người khác phải ngưỡng-vọng. “Đời người là như thế. Nhiều chuyện xảy ra theo cách ta không thể ngờ trước được. Cứ đọc các truyện kể đại loại như thế này, rồi suy-nghĩ để tự nhắc nhở mình, thôi.” (theo Tiểu Thiên/cmoney)
Nghe truyện rồi, nay thấy giống như nhạc-bản tríchở trên, có những lời lẽ rất như sau:
“Đời mình là con tàu qua nhiều lối.
Mà thăng trầm như trùng dương nổi sóng.
Trời mây một lớp thành
Biển khơi một nỗi niềm,
Bàn tay còn trắng,
Lòng không tình thương.
Gió băng gối mộng,
Sương trắng chăn mơ.
Gió khua ngõ hồn,
Mưa ướt tâm tư.
Biết ai tâm sự?
Ghế lạnh lùng chờ.
Những chiều vàng mờ.
Đại lộ hoàng hôn, hồn hoa ngập nắng.
Thời gian thường vô tình theo đời sống.
Ngày xanh thì khuất dần.
Chiều rơi nhuộm tóc vàng.
Mà trong lòng thấy còn thiếu tình thương.”
(Y Vân – bđd)
Con tàu đời người lại vẫn trải qua nhiều lối rất thăng trầm như trùng dương nổi song. Vâng. Chính đó là một triết-thuyết rất chí tình. Triết-thuyết đây, lại là lý lẽ mang tính triết-học ở đời người gồm nhiều học-thuyết dân-gian lẫn bác-học. Học, thứ triết-lý uyên-bác cho mình và cho đời, cũng tốt thôi.
“Đại lộ hoàng hôn, hồn hoa ngập nắng.Thời gian thường vô tình theo đời sống.” Vâng. Đúng đấy. Nếu đứng từ góc cạnh hoặc tầm nhìn rất đạo của ta mang nhiều đường lối sống trong đời đi vào đời mà sống đúng đường lối lễ-giáo, đạo-hạnh/lành thánh có nghi-thức/thói quen mang nhiều ý-nghĩa khá để đời.
Và, nay trong Đạo làm người của con người, lại thấy có cái gì đó tựa như câu hát tiếp: “Ngày xanh thì khuất dần. Chiều rơi nhuộm tóc vàng. Mà trong lòng thấy còn thiếu tình thương.”
Vâng. Dựa vào câu hỏi/đáp của người trong Đạo rất sống đạo, nay lại thấy xảy ra một vài thắc mắc cũng khá khó, những bảo rằng:
“Thưa Linh mục. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong Tông-thư Amoris Laetitia có bảo rằng: Tiệc Thánh Thể “không phải là phần thưởng cho người tốt lành, nhưng là môn thuốc cực mạnh và là chất dinh-dưỡng dành cho kẻ yếu mềm.” Ngài nói thế, phải chăng có ý nhắn-nhủ rằng việc Hiệp Thông Rước Lễ đã tha-thứ cho các lỗi tội, cả đến tội trọng mình mắc phải. Môn thần-dược được ban cho những ai đang ở vào tình-trạng mắc tội trọng/chết người, chăng?”
Người đi Đạo và giữ đạo lâu nay vấn sống vui vẻ, giờ lại nghe phán quyết có tính-cách hỗ-trợ kẻ yếu mềm, kể cũng hay hay. Tuy nhiên, hay hay hoặc tốt đẹp cỡ đi nữa, hãy cứ để đấng bậc “lờ mờ” ở Sydney luận-bàn ra sao, thế nào, rồi hãy tính. Bàn luận của đức ngài đặc-biệt như sau:
“Văn-bản mà anh/chị vừa rút tỉa là đoạn trích từ lời chú thích số 351 ở thông-tư do Đức Giáo Hoàng viết vào độ trước, ngang qua Tông-thư khác mang tên là “Evangelii Gaudium” (tức: Niềm vui Tin Mừng) phát-hành vào năm 2013, ở đoạn 47. Điều ngài nói, là truyền-thống giáo-huấn của Hội-thánh bấy lâu nay. Hiệp-thông Rước lễ là môn thuốc cực mạnh có khả-năng tha-thứ mọi lỗi/tội nào không phải là tội trọng.
Hai đoạn viết trong Tông-thư “Evangelii Gaudium”, là ý-tưởng do Đức Phanxicô rút từ sách các Giáo-phụ viết trước đây. Một, của thánh Ambrôsiô từng nói: “Tôi phải rước Chúa vào lòng suốt đời tôi, để được tha thứ hết mọi tội. Giả như tôi cứ liên-hồi phạm tội suốt như thế, tôi cần tìm ra thuốc chữa, mới được.” (X. De Sacramento, IV 6, 28) Đoạn trích thứ hai cũng rút từ văn-bản nói trên, đã từng viết: “Ai ăn Manna từ trời đổ xuống thảy đều chết tốt, còn ai đón nhận Mình Chúa vào lòng sẽ được thứ tha hết mọi tội.” (IV, 5, 24)
Có Giáo-phụ khác là thánh Cyrillô thành Alexandria lại cũng bảo: những ai tìm cách xa lánh việc Hiệp thông Rước lễ vì thấy mình không xứng đáng, nên đã nói: “Tôi tự xét thấy mình không xứng đáng để làm thế. Với những người nói những câu như thế, thì tôi bảo: cho đến khi nào anh/chị mới mình xứng đáng đây?
Phải chăng đó là lúc anh/chị ra trình-diện trước mặt Đức Kitô? Và giả như tội lỗi của anh/chị cản-ngăn không cho anh/chị đến gần Ngài, và anh/chị chẳng bao giờ thôi không còn sa ngã –bởi, như lời Thánh vịnh có câu rằng: con người biết gì về các tội mình phạm? – và anh/chị sẽ ra sao nếu không tham-gia trở nên lành thánh Chúa ban cho sự sống đời đời?” (Xem In Joh. Evang.IV, 2)
Năm 1905, Toà Thánh La Mã có trích sắc lệnh “Sacra Triđentina”, qua đó có khuyên mọi người hãy đón nhận Mình Chúa mỗi ngày và dạy rằng: Việc Hiệp thông Rước Lễ không là phần thưởng cho nhân-đức ta có, nhưng đúng hơn, là phương-thuốc chữa-lành mọi tội. Sắc-lệnh này, lại đã bảo rằng việc thường xuyên rước Chúa vào lòng nhằm mục đích “giúp tín-hữu kết-hợp với Chúa ngang qua các Bí-tích, và nhờ đó có được sức mạnh chống-trả mọi thứ đam-mê xác thịt để rửa sạch con người mình khỏi bị các vết nhơ tội lỗi mắc phạm hằng ngày; như thế, mới tránh được các tội nặng do sự yếu mềm con người thường mắc phải.
Có người hỏi rằng: việc Hiệp thông Rước lễ có tha hết mọi tội trọng cùng tội nhẹ không? Câu trả lời , là: Không! Bởi, việc tha tội trọng là nhờ Bí tích Thanh-tẩy. Trường-hợp kẻ mắc tội là người lớn, thì cần đến Bí-tích Hoá-giải mới được tha. Thế nên, ta không thể nhờ việc Hiệp thông Rước Chúa mà tha ban cho những người đang ở trong tình-trạng vướng/mắc tội trọng, được.
Sách Giáo Lý Hội thánh Công-giáo có dạy rằng: Không thể nhờ vào việc ban phát Mình Chúa để tha thứ các tội trọng mà con người từng mắc phải; đó là kết-quả của Bí tích Hoá giải. Mình Chúa đích-thực là Bí-tích dành cho những ai ở trong trạng-thái kết-hợp hài-hoà với Giáo-hội.” (X. GLHTCG đoạn 1395).
Và, Sách Giáo Lý Hội thánh cùng với giáo-huấn của các thánh Giáo-phụ thời trước lại đã dạy: “Việc Hiệp thông Rước Chúa sẽ tha hết các tội nhẹ ta mắc phải và bổ sức để ta tránh tình-trạng mắc tội trọng. Chính vì lý-do này mà Tiệc Thánh Thể không thể kết-hợp ta với Đức Kitô mà đồng thời lại không tẩy sạch các tội ta phạm trước đó, cũng như gìn giữ ta khỏi mọi tội lỗi ta vướng mắc trong tương-lai.” (X. GLHTCG đoạn 1393, thư 1 Corinthô 11: 26)
Các giáo-huấn đây là những điều khiến ta được giải-khuây rất nhiều. Mọi người, ai cũng có lúc phạm tội. Và, điều làm ta phấn-khởi hơn cả là biết rằng: ta không cần và dĩ nhiên là không được phép xa rời việc rước Chúa chỉ vì ta từng mắc phải nhiều tội nhẹ. Thành thử, Hiệp-thông Rước Chúa, cũng giống như các hành-vi tốt đẹp khác, đã thứ-tha các tội lỗi ấy và giúp ta tăng-trưởng trong tình-yêu của Chúa và yêu thương người đồng-loại. Và như thế, ta được củng-cố thêm sức mạnh để không còn sa-ngã hoặc mắc phạm tội trọng nào nữa. Thế nên, ta phải hiệp thông rước lễ càng thường xuyên càng tốt.” (X. Lm John Flader, Receiving the Lord in the Eucharist helps us to become truly free,The Catholic Weekly 25/12/2016 Question Time, tr. 32)
Nói theo bài bản, sách vở hoặc luật-lệ thì như thế. Nhưng Đức Phanxicô vẫn có lý khi ngài, đứng trên cương vị của đấng bậc chí cao trong Hội-thánh làm mục-vụ. Thành ra, vấn-đề đặt ra cho mỗi người và mọi người, là: nếu ta cứ cứng ngắc tuân-thủ luật lệ của Hội thánh hoặc uyển-chuyển vâng nghe lời đấng bậc chăn dắt mình, trong Giáo hội đây?
Có lẽ cũng là điều hay và nên làm, là: cùng nhau quay về với Lời khuyên của đấng thánh-hiền mà Giáo-hội lâu nay lại coi là “Lời Chúa”, rất như sau:
“Vậy đây là điều tôi nói với anh em,
và có Chúa chứng giám,
tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa,
vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ.
Tâm trí họ đã ra tối tăm,
họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban,
vì lòng chai dạ đá khiến họ trở nên dốt nát.
Họ đã mất ý thức nên đã buông thả,
sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ.
Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu;
ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Ngài,
đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu.
Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa,
là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối,
anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,
và phải mặc lấy con người mới,
là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa
để thật sự sống công chính và thánh thiện.”
(Êphêsô 4: 17-24)
Thật tình mà nói, “sự sống công-chính và thánh-thiện” mới đúng là mục-tiêu sống-động của người đi Đạo và sống đạo làm người. Sống công-chính/thánh-thiện trong cả cuộc đời bình-dị chứ không chỉ thực-hiện việc Hiệp-thông Rước Chúa vào lòng mà thôi.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là: làm sao ta có thể gọi cuộc sống của ai đó là sống công-chính/thánh-thiện? Câu trả lời đây, thật cũng khó. Khó, là bởi mỗi người mỗi ý. Mội vị một lập-trường. Và lập-trường người nào cũng hay cũng tốt hết. Duy, có áp-dụng vào cuộc sống thường-nhật được hay không, đó mới phải.
Để có thể thu-thập và sống thực lập-trường thánh-thiện, bần đạo vừa “chộp” được quan-điểm/lập-trường của một thàn-học-gia tên tuổi, từng viết như sau:
“Nếu hỏi rằng: đối với tôi, lành-thánh/hạnh-đạo là gì? Thì tôi sẽ nhanh chóng trả lời: Đó là lòng muốn/ý-định của Thiên-Chúa chuyển đến với con người trần-tục. Ta có bổn-phận phải đi tìm những gì tốt lành/hạnh đạo cả trong cuộc sống. Ta phải trải-nghiệm mà sống sao cho lành thánh/hạnh-đạo.
Lành thánh, và ý-thức biết rõ Thiên Chúa hiện-diện một cách nhưng-không và tuyệt-đối. Đó, là sự chính-trực toàn-vẹn của con người, nhưng được cất nhắc đưa vào tình-trạng thâm-giao với Thiên Chúa. Nói thế, tôi không có ý bảo rằng việc sống thực Đạo Chúa và trở-thành con người thực-thụ là chuyện tương-đồng bởi lẽ ta không thể trở-thành con người mà lại không có tương-quan sinh-động với Thiên Chúa, được.
Thế nhưng, sự lành thánh/hạnh-đạo là bản-chất nhân-đạo của người trần-tục được cất-nhắc đem vào với sự sống thần-thiêng của Thiên-Chúa. Lành-thánh và đời sống thần-thiêng hoặc đời sống có huệ-lộc cũng cùng một thứ. Đời sống thần-thiêng giả-định trước và đảm-trách sự sống có đạo-đức, thế nhưng sự thần-thiêng lại hơn cả luân-thường đạo- đức và đời sống Kitô-hữu không hề bị giảm-thiểu thành đời sống có luân-thường đạo-đức, tức là mấu chốt đời sống của tín-hữu Đức Kitô.” (X. Edward Schillebeeckx, I Am a Happy Theologian, SCM Press Ltd 1994, tr. 60)
Nhận-định thế rồi, nay ta quay về với lời vàng đấng thánh từng bảo ban hết mọi người lành-thánh/hạnh-đạo, cho ra người:
“Thưa anh chị em,
nếu có người nào trong anh chị em lạc xa chân lý
và có ai đưa người ấy trở về,
thì anh chị em hãy biết rằng:
kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về,
thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết
và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.”
(Giacôbê 5: 19-20)
Ấy đó, cũng là một lời khuyên lành-thánh của bậc hiền-nhân hạnh-đạo. Lại cũng có những lời chân-tình của người thường trong đời vẫn kể cho nhau nghe các tình-huống có thực trong cuộc đời người, bằng truyện kể rất dễ nghe và dễ thực hiện, như sau:
“Một ngày kia, có đại-gia trung-niên tướng mạo xấu xí, dẫn theo một kiều-nữ đến một cửa hàng chuyên buôn bán những chiếc túi xách hàng hiệu cao-cấp.
Ông ta đã chọn một túi xách trị giá đến 18.000 USD cho cô gái. Khi trả tiền, người đàn ông lấy ra cuốn chi phiếu, chẳng ngần ngại điền số tiền tương ứng vào một tờ chi phiếu, nhân viên cửa hàng có phần khó xử. Người đàn ông nhìn thấu tâm tư của cô nhân viên, nên hết sức bình tĩnh nói với người bán hàng: “Tôi cảm thấy dường như cô đang lo sợ đây là một tờ chi phiếu khống, phải không?
Hôm nay lại là Thứ Bảy, ngân hàng không mở cửa. Thôi thì tôi đề nghị cô hãy giữ tờ chi phiếu và cả cái túi xách này lại. Đợi đến đầu tuần tới, sau khi đổi được tiền rồi, thì xin cô hãy gửi túi xách này đến nhà của vị tiểu thư xinh đẹp này, cô thấy như vậy có được không?”
Cô nhân viên cửa hàng nghe xong hoàn toàn yên tâm, vui vẻ chấp nhận lời đề nghị này, lại còn hào hứng cam đoan rằng chi phí gửi túi xách sẽ do cửa hàng này đảm nhiệm.
Sáng Thứ Hai, nhân viên cửa hàng đem tấm chi phiếu đến ngân hàng thanh toán, kết quả tờ chi phiếu này quả thật là tờ chi phiếu khống! Người nhân viên vô cùng tức giận, liền gọi điện cho người đàn ông đó, người đàn ông nói với cô rằng: “Chuyện này có gì to tát lắm đâu, tôi và cô cả hai đều không bị tổn thất gì cả.
Hôm Thứ Bảy đó, tôi cuối cùng đã chiếm hữu được cô gái đó rồi! Thật lòng cảm ơn sự hợp tác của cô”.Câu chuyện này nói với chúng ta rằng:Những gì mà chính bản thân ta “nhìn thấy tận mắt” cũng chưa chắc đã là thật.Tham hư vinh thì phải trả một cái giá rất đắt.
Cô kiều nữ kia cho rằng cái túi xách trị giá hàng nghìn USD đó sẽ được giao đến tận cửa nhà vào sáng Thứ Hai, nên tự nhiên cũng đã buông lơi cảnh giác, cho rằng đầu tư như vậy thật là xứng đáng. Cô vốn đã không biết rằng bản thân mình đang chơi trò mạo hiểm, chẳng có gì đảm bảo cho mình sự thật sẽ như thế.
Trên đời này, lắm người vẫn làm những chuyện trái-khuấy khiến người khác không còn tin tưởng một ai khác. Những người như thế, nhất-định không thể là người lành-thánh/hạnh đạo được. Để minh hoạ cho khẳng định này, tưởng cũng nên nghe thêm một truyện khác cũng rất được.
Truyện rằng:
Con cáo nọ phát hiện ra cái chuồng gà ở gần nhà. Nhưng cáo ta vì quá mập, không thể chui lọt qua hàng rào nhà người ta để ăn gà. Thế là, nó nhịn đói suốt ba ngày, cuối cùng cũng lọt vào được. Tuy nhiên, sau khi ăn no nê rồi, chiếc bụng phình to, nên cáo ta lại không thể ra khỏi chuồng gà ấy được, đành phải bắt đầu nhịn đói lại ba ngày mới ra được.
Cuối cùng, nó xót xa than-thở rằng: “Bản thân mình ngoài chuyện nhất thời sướng miệng ra, trên cơ bản hoàn toàn là phí công vô ích”.
Và lời bàn của người kể truyện, vẫn nghĩ rằng: “Đời người không phải cũng như vậy sao. Đến trần truồng mà ra đi cũng trần truồng. Không ai có thể mang theo tài sản và danh vọng mà mình đã vất vả kinh doanh một đời để theo cùng.Dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được tuổi trẻ.
Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được mạng sống;Dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, nhưng tiền lại không mua lại được hạnh phúc. Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được thời gian.
Cho dù có dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới, nhưng tiền bạc của cả thế giới cũng không mua lại được cuộc đời của bạn.Vậy nên những lúc nên làm việc thì hãy làm việc, những lúc nên nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi, vui vẻ làm việc, tận hưởng cuộc sống, trân quý tất cả những gì mà mình có được, hãy yêu thương những người mà bạn yêu thương, vui vẻ mà sống trọn từng ngày.
Sống một ngày vui vẻ là sống một ngày, Sống một ngày không vui vẻ cũng là sống một ngày…….Vậy tại sao chúng ta lại không trân quý hết thảy, vui vẻ mà sống trọn một ngày chứ!”(St sưu tầm)
Lời bàn của người kể thật ra cũng có thể áp-dụng vào chủ-đề mà bạn và tôi, ta đang bàn. Giúp người khác sống lành-thánh/hạnh đạo, đâu là chuyện cứ khuyến-khích người khác đi nhà thờ dự Tiệc Thánh, nhưng không được Hiệp thông Rước Chúa nếu đã phạm tội nhẹ hay trọng.
Bởi, nếu thế thì, đâu là ý-nghĩa đích-thực của Tiệc Lòng Mến? Tham-dự Tiệc chay hay mặn mà lại không được tiếp-nhận vào mình Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu biểu-trưng Tiệc Tình-Yêu qua Bánh Thánh và Rượu Thánh, thì có lẽ ở nhà mà sống yêu-thương người chòm xóm, thích hơn chăng?
Câu hỏi của bạn bè thân quen nay gửi đến với bạn đọc trong ngoài Hội-thánh tức nhóm hội của những người cho rằng mình vẫn lành-thánh/hạnh đạo. Và, câu trả lời xin dành để cho bạn và cho tôi, bây giờ và mai sau, khi còn sống hay lúc đã qua một đời người, ở mọi thời.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những câu hỏi tương-tự
Vẫn chờ câu trả lời
dù không thoả-đáng.