Tin đàng nào bình an hơn

Tin đàng nào bình an hơn     

 

Khổng Nhuận

 

 

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,

để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian,

không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian,

 nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ;

nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, (Ga 3: 16,18)

 

Chúng tôi xin phép sắp xếp lại cho dễ hiểu

Ai tin thì không bị lên án, khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Phần đông, chúng tôi hiểu rằng chuyện này chỉ xảy ra ở ĐỜI SAU MÀ THÔI.

Bởi vì chuyện không bị lên án và khỏi phải chết

Có nghĩa là tôi phải ra trước tòa phán Chúa phán xét ngay sau khi chết…..

Ủa !!! có một điều gì đó không ổn…thậm chí vi phạm, đi ngược với Kinh Thánh.

Tòa án đời tuyên án: VI HIẾN – Vi phạm Hiến pháp.

Kinh Thánh còn cao hơn Hiến Pháp quốc gia nhiều…

Vì chiếu theo câu 17 ngay trên:

Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian,

không phải để lên án thế gian,

Thế nhưng, bọn chúng tôi vẫn cứ ngay ngáy lo sợ… khi lìa cõi đời này, một mình tôi với tấm áo linh hồn rách bươm, loang lổ những vết đen ngòm tội lỗi… hồi hộp tới trình diện Chúa Giêsu, vị thẩm phán chí công.!!!

Và chắc chắn trăm phần trăm sẽ bị giam cầm nơi lửa luyện tội…

Mà nghe đâu sức nóng cũng ngang với lửa hỏa ngục…

May sao luyện ngục có thời gian, còn hỏa ngục thì đời đời chẳng cùng AMEN.

Tới đây, rất có thể một số vị bỗng bật lên một suy tư:

Một đàng tin rằng Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian,

không phải để lên án thế gian

Đàng khác tin rằng : phải ra trước tòa phán Chúa phán xét ngay sau khi chết…..

Tin đàng nào bình an hơn???

tamlinhvaodoi gởi

 

TRAO BAN TẤT CẢ VÌ YÊU THƯƠNG

TRAO BAN TẤT CẢ VÌ YÊU THƯƠNG

Kinh thánh (St 22, 1-18) cho biết: Sau nhiều tháng năm chờ đợi mỏi mòn, mãi cho đến trăm tuổi, Cụ Áp-ra-ham mới được diễm phúc sinh đứa con nối dõi tông đường.  I-xa-ác chào đời đem lại niềm vui chan hoà cho Cụ Áp-ra-ham.  I-xa-ác là lẽ sống, là cây gậy chống đỡ tuổi già, là tương lai cho giống nòi và là tất cả của Cụ già trăm tuổi.

Thế mà Thiên Chúa truyền cho Cụ phải sát tế đứa con yêu để tế lễ cho Ngài.

Trời đất như quay cuồng sụp đổ khi Cụ Áp-ra-ham nghe lệnh truyền của Thiên Chúa.

Phải ở trong hoàn cảnh của Cụ già trăm tuổi như Áp-ra-ham mới cảm nhận thấm thía nỗi đau thương và mất mát vô cùng lớn lao của một người cha phải sát tế đứa con một rất đỗi yêu quý của mình.  Nếu không vì tình thương lớn lao đối với Thiên Chúa, Cụ Áp-ra-ham không thể nào thực hiện được sự hiến dâng đau lòng đó.

Cụ Áp-ra-ham sẵn sàng hi sinh tất cả vì Thiên Chúa là Đấng mà Cụ thần phục và mến yêu.

Nhưng Thiên Chúa chỉ thử lòng Cụ Áp-ra-ham thôi.  Ngài không nỡ để cho một người cha phải gánh chịu nỗi đau thương lớn lao đến thế.

Trích đoạn Tin Mừng trong ngày lễ hôm nay cũng đề cập đến một người Cha khác đã thực hiện một sự trao ban triệu lần cao cả hơn.

Vì quá yêu thương nhân loại lỗi lầm, vì không muốn cho muôn người phải lâm vào cảnh đau khổ trầm luân vì tội lỗi ngút ngàn của họ, Thiên Chúa Cha đã trao ban Con Một vô cùng yêu quý của Ngài, để Con của Ngài chết thay cho nhân loại, để cho những ai tin vào Con Ngài thì được cứu sống và được sống muôn đời:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.  Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Gioan 3, 16-17).

Xưa kia, Thiên Chúa không nỡ để cho I-xa-ác phải chết dưới lưỡi dao run rẩy của Cụ Áp-ra-ham, không để cho thân xác của I-xa-ác phải chịu thiêu đốt trên bàn thờ để làm hy lễ cho Ngài, nhưng đã đến một thời, Thiên Chúa Cha lại để cho Con Một Ngài, là Ngôi Hai Thiên Chúa, phải chịu đóng đinh, chịu quằn quại đau thương và chịu chết trên thập giá để đền cho hết tội lỗi chúng ta và ban lại cho chúng ta sự sống đời đời.

Tôi tớ thấp hèn liều mình chết thay cho chủ nhân quyền quý, dân đen cùng khốn chết cho hàng vua chúa cao sang hay con chó trung thành liều chết để cứu mạng chủ cũng còn là điều dễ hiểu. Đằng nầy Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể đất trời lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn thì quả là điều vượt quá trí tưởng tượng con người.

“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15, 13) và không có tình yêu nào sánh ví được với tình yêu khôn vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

****************************** ******

Khi được người khác biếu tặng một món quà, ai trong chúng ta cũng đều nhớ ơn ân nhân và tìm cách đền đáp lại bằng món quà tương xứng.

Khi được Chúa Trời cao cả ban tặng chính Con Một Ngài để cứu mạng cho chúng ta, khi được Chúa Giêsu hiến thân chịu chết để cứu ta khỏi chết muôn đời, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc đền đáp công ơn cao dày đó?

Để đền đáp phần nào tình thương trời bể của Thiên Chúa Cha, Đấng đã trao ban Con Một mình cho nhân loại, để đền đáp sinh mạng của Chúa Giêsu đã trao hiến cho bạn và cho tôi, chúng ta hãy dâng cho Ngài một hiến lễ tương tự, dù vạn lần nhỏ bé hơn.  Đó là “hiến dâng thân mình chúng ta làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rôma 12, 1).  Đó cũng là nguyện ước của chân phước An-rê Phú Yên hôm xưa: “đem cuộc sống báo đền cuộc sống; lấy tình yêu đáp trả tình yêu.”

Lm Trần Ngà

“Chiều xuống ru hồn người bềnh bồng.”

Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần sau lễ Chúa Trời Ba Ngôi năm A 11/6/2017

“Chiều xuống ru hồn người bềnh bồng.”

Chiều không im gọi người đợi mong.

Chiều trông cho mềm mây ươm nắng,

nắng đợi chiều nắng say,

nắng nhuộm chiều hây hây.”

(Vũ Thành An – Bài Không Tên số 8)

(Lc 24: 1-6 / Lc 24: 25-27)

“Nắng đợi chiều nắng say”, “hây hây”, “du hồn người bềnh vồng”. Có đúng thế không? Hay, chỉ là những ảnh-hình của thơ-văn mộng-mị, những buồn phiền?

Buồn và phiền, vì nhiều thứ. Chứ, không chỉ vì mỗi buổi chiều vàng có nắng hây hây, mà thôi! Bạn không tin ư? Đây, thì xin mời bạn cùng mời tôi, ta nghe tiếp những lời hát rất như sau:

“Ngày đi qua vài lần buồn phiền.

Người quen với cuộc tình đảo điên.

Người quên một vòng tay ôm nhớ.

Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay.


Vắng nhau một đêm càng xa thêm ngàn trùng.

Tiếc nhau một đêm rồi mai thêm ngại ngùng.

Xa nhau rồi tiếc những ngày còn ấu thơ.

Lần tìm trong nụ hôn lời nguyền xưa mặn đắng.”

(Vũ Thành An – bđd)

Đã theo giòng chảy có những hồn thơ khá ư là buồn phiền, lại thấy đời người đi Đạo cũng từa tựa như thế. Như thế, là như: suốt cả một đời người đi tìm kiếm Đức Kitô, dù Ngài vẫn ở trong ta mà ta lại cứ tưởng như chưa được gặp!

Gặp sao được, khi có giọng hỏi nhỏ từ người nào đó được diễn-nghĩa là Đấng mặc áo sáng chói, nói những câu như sau:

“Họ còn đang phân vân,

thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói,

đứng bên họ.

Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất,

thì hai người kia nói:

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?

Ngài không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi.”

(Lc 24: 1-6)

Và, ở một đoạn khác cũng trong Tin Mừng thánh Luca, Đấng “sang chói” ấy có nói:

“Các anh chẳng hiểu gì cả!

Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!

Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế,

rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?

Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ,

Ngài giải thích cho hai ông

những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh.”

(Lc 24: 25-27)

Xem thế thì, Đấng “mặc áo sáng chói” xưa nay vẫn dẫn-giải cho mọi người hiểu: thế nào là “chịu khổ hình” rồi mới “trỗi dậy”. Về, những chết đi rồi trỗi dậy, đấng vị vọng bậc thày dạy hôm trước có nói như sau:

“Về thể lý, một khi đã chết rồi, thì những gì là xác thân hoặc vật thể vũ trụ, đều rữa nát, vỡ tan. Không ai có thể trở lại sống với xác thân có xương thịt vẹn toàn như khi trước. Chẳng người nào lại có thể duy trì cùng một xác thân, suốt miên trường.

 Khi đã chết rồi, mà lại tái sinh với nguyên vẹn hình hài như khi trước, thì đó chỉ có thể là vòng chuyển luân, luẩn quẩn hết kiếp này đến kiếp khác, khoanh tròn quanh thành vòng quay sống-chết/chết-sống, không lối thoát.

 Truyện hai môn đệ hướng về thành đô Giêrusalem được thánh Luca ghi chép, còn để nói lên rằng: Đức Giêsu được đồ đệ nhận ra Ngài đích thực là Đức Chúa Ngôi Hai, vẫn tồn tại với mọi người. Ngài chẳng là quỉ ma hiện hồn theo qui cách của người thật. Nhưng, Ngài hiển hiện qua hình hài sao đó, rất sống động (Mc 16: 12).

 Ở đây nữa, khi viết Tin Mừng Phục Sinh, thánh Luca tập trung nhấn mạnh vào điểm, bảo rằng: Chúa tỏ cho mọi người thấy hình hài của Ngài theo qui cách rất khác, nên khi gặp lại Ngài, đồ đệ thấy mình sợ hãi, đến khiếp kinh (Lc 24: 37).

 Vì kinh khiếp, nên đồ đệ mới nói năng những điều chẳng có nghĩa. Theo nhà chú giải Kinh thánh Herbert McCabe, thì: khi đồ đệ gặp Thầy Chí Ái, các thánh cứ tưởng Thầy là Vị đồng hành chẳng hề quen biết. Kịp đến khi Thầy nhắc lại toàn bộ chi tiết về lịch trình cứu độ, các thánh mới vỡ lẽ ra đó là Thầy. 

Xem thế thì, Phục Sinh là điều mà người phàm xác thịt chúng ta chẳng thể nghiệm ra bằng lý lẽ của đời thường, để kiểm chứng. Bởi, dù biết Chúa sống lại thật, các thánh vẫn không coi đó như một chứng cứ hiển nhiên, tựa khi Ngài còn sống. Nhận biết hình hài Chúa rất nhãn tiền, điều đó có nghĩa: các thánh đã có động thái tin-yêu rất khác thường, trong cuộc sống.

 Và, đây là thực tại chỉ xảy đến với những người cũng trỗi dậy như Chúa và với Chúa bằng niềm xác tín yêu thương của người vẫn tin. Tin, theo qui cách và ý nghĩa khác. Khác ra sao, đó là vấn đề. Là, sự thực. Thực ra sao? Cũng nên suy xét.

 Trở về với lập trường chú giải của các tổ phụ thuộc Giáo hội Đông phương thời tiên khởi, như: Thượng phụ Origen, Grêgôriô thành Nyssa… khi gọi sự việc gì là ‘cảm nhận linh thiêng’, các ngài có ý nói về cảm xúc thiêng liêng, sốt sắng. Điều mà các đấng bậc trên nói đến, có ý bảo rằng: tất cả chúng ta đều mang trong người cung cách yêu thương có nhận thức sự vật mà não-bộ-thần-kinh-thuộc-mé-trái không thể lĩnh nhận.

 Nhờ yêu thương như thế, con người ‘định hình’ sự vật thành những ảnh hình như do chính mình tạo ra. Làm như thế, là để tác tạo thực thể như mọi người vẫn làm cho chính mình, nơi phần sâu thẳm của con người.

 Làm như thế, là để nhận thức rằng: thực thể ấy có thật. Vượt quá phạm vi và qui cách của ảnh hình. Nói theo ngôn từ triết học, thì các triết gia gọi đó là “tiềm thức”. Coi đó là giòng chảy sống, rất diệu kỳ. Là, sờ chạm thế giới nguyên uỷ không hư nát, mà thường ra, ta không sống ở trong đó.

 Nhận thức sự vật như thế, giống hệt cảm giác thấy được ‘lửa ngọn’ rực cháy trong người mình. Lửa rực cháy, khiến mình sống yêu thương, hạ mình. Thúc bách mình sống bừng sáng luôn tiến về phía trước.

 Có tiến như thế, mới cảm nhận được ‘lửa ngọn bùng bừng’ đang trào dâng với mức độ rất mới mẻ, khác thường. Có kinh nghiệm từng trải rồi, người người sẽ nhận ra cuộc sống lại thực sự đang dâng trào nơi con người mình.

 Đó là cung cách mà dân con đồ đệ dám sử dụng thơ văn như chưa từng làm, và cũng chẳng ai nghĩ tới để diễn tả tình huống Chúa Phục Sinh hiện hình với dân con của Ngài, thật như thế. Có thể nói, các thánh đã sờ chạm Chúa. Cảm nhận được nhịp đập nơi tim mạch cùng vết thương đầy máu của Ngài.

 Thấy được Thầy mình bẻ bánh rồi cầm lên ăn. Các thánh không thể quên được vị ngọt nơi bánh thánh Thầy trao tặng. Tự thân, các thánh đều biết rõ chính Thầy là Đấng đã bẻ bánh phân phát cho người nghèo hèn, rất đói kém. Tương lai mai ngày, rồi ra các ngài cũng sẽ tạo nên thơ/văn như thế để kể về Thầy đến với mình, nơi nào đó. Thầy đến để bẻ bánh, ban phát tình thương yêu nồng thắm, cho chúng nhân.

 Thực tế là như thế. Nhưng ngày nay, điều đáng buồn là rất nhiều tín hữu Đức Kitô cứ khăng khăng tin rằng thân xác Chúa trỗi dậy với cuộc sống theo hình thức rất thể lý. Rất nghĩa đen. Và, họ coi đó như thực tại duy nhất, không bàn cãi nữa. Buồn hơn nữa, lẽ đáng ra, ta phải hiểu Phục Sinh nhiều hơn thế.

 Nếu hiểu Phục Sinh chỉ là Chúa hiện diện với hình hài xác thể như khi trước thôi, tức là ta tự mình để luột mất ý nghĩa chính đáng, của nhiệm tích có thực. Buồn biết bao, khi nhiều người/nhiều vị vẫn lên án các đấng bậc nào khác nhận thức Chúa sống lại theo kiểu cách thơ văn mà thánh Luca viết theo dạng dụ ngôn, hay sao đó. Buồn nhiều hơn cả, là: các vị không nghe và không thấy giòng chảy thi ca/âm nhạc vẫn tiềm tàng ẩn mình ở trong đó. Thực tại Sống Lại rất thật. Thật, một cách đích thực.

 Quả thật, Chúa sống lại THỰC. Ngài khiến ta THỰC THỤ trỗi dậy với Tình Thương như chưa bao giờ sống như vậy.” (X. Lm Kevin O’Shea CSsR, Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm A,Suyniệmloingai.blogspot.com.au 23/4/2017)  

Sống lại thực, khiến ta thực thụ trỗi dậy với Tình thương như chưa bao giờ sống như vậy”, vẫn cứ là những khẳng-định về sự sống cũng rất thực. Sống đích-thực, là thực-thụ sống có tình thương yêu/đùm bọc với hết mọi người. Thế đấy là, ý chủ của Tin Mừng dành cho người đi Đạo Chúa, rất xưa nay.

“Sống với Tình thương như chưa bao giờ sống như vậy”, thật đúng là cuộc “trỗi dậy” hay còn gọi là “sống lại” cùng với Chúa và trong Chúa. Sống có “trỗi dậy”, còn là trỗi và dậy mà trở về với tình thương là ý-nghĩa của sự sống. Bằng không, cũng chỉ là sống không hồn, trong một thể xác cứ chết dần mòn, mà thôi.

Để minh-hoạ cho triết-thuyết của nhà Đạo về cuộc sống có “trỗi dậy”, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể có những câu nói rất đáng kể, để ta nhớ mà sống đích-thực với mọi người, như sau:

“Cuộc sống này quá ngắn để yêu thương. Hãy sống cho thật an nhiên bạn nhé, để những bão giông của cuộc đời không thể nào chạm đến được tâm hồn của bạn. Hãy cùng điểm qua những câu nói cho phút giây tĩnh lặng…

 Cuộc sống này luôn chuyển động từng giây, từng phút, chưa lúc nào và cũng sẽ không bao giờ ngừng lại. Và mỗi con người đều bị cuốn xoáy vào dòng chảy đầy cạm bẫy, chông gai, khó khăn và thử thách này.

 Có lúc bạn tưởng mình gục ngã, có lúc bạn thấy mình mệt mỏi, muốn buông xuôi tất cả nhưng lại không thể nào buông. Hãy nghỉ ngơi, hãy để tâm hồn mình được tĩnh lặng, lắng đọng mà suy ngẫm về cuộc đời, bạn sẽ thấy lòng nhẹ nhõm và thanh thản hơn nhiều.

Cuộc sống này quá ngắn để yêu thương. Nên hãy luôn yêu thương nhau khi còn có thể.

 Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy nghĩ rằng mình còn sống là một đặc ân lớn lao được hít thở, được suy nghĩ, được tận hưởng và được yêu thương.

 Nếu đã là con đường của bạn, bạn phải tự bước đi. Người khác có thể đi cùng, nhưng không ai có thể bước hộ bạn.

 Trong cuộc đời này, có một số chuyện nhất nhất phải tự mình giải quyết. Dù đêm tối đến đâu, đường xa đến mấy thì vẫn cứ phải một mình kiên cường tiến lên phía trước.

 Bạn không thể nào thẳng tiến bước trên đường đời cho đến khi bạn bước qua và học hỏi từ những thất bại, sai lầm và đau buồn trong quá khứ.

 Tình yêu bắt đầu bằng nụ cười, đơm hoa kết trái bằng nụ hôn và kết thúc bằng những giọt nước mắt… 

Dù đó là giọt lệ buồn hay vui thì tình yêu ấy đã cho bạn những kỷ niệm thật ấn tượng và sâu sắc, là dấu ấn của tâm hồn và đánh dấu bước trưởng thành của bạn.

 Hãy ngước lên cao để thấy mình còn thấp và hãy nhìn xuống thấp để thấy mình chưa cao.

Sao phải lo lắng về những thứ bạn không thể thay đổi? Hãy buông bỏ và tiếp tục tiến lên vì cuộc sống không chờ đợi ai.

 Tầm nhìn của bạn sẽ trở nên rõ ràng chỉ khi bạn biết nhìn vào trái tim bạn. 

 Ai nhìn ra ngoài, Mơ.

Ai nhìn vào trong, Thức Tỉnh.

Cuộc sống rất ngắn. Đừng lãng phí nó bởi nỗi buồn. Hãy là chính mình, luôn vui vẻ, tự do, và trở thành bất cứ gì bạn muốn.

 Đừng nghĩ mãi về quá khứ. Nó chỉ mang tới những giọt nước mắt.

Đừng nghĩ nhiều về tương lai. Nó chỉ mang lại lo sợ.

 SỐNG Ở HIỆN TẠI VUI NỤ CƯỜI TRÊN MÔI NHƯ TRẺ THƠ. Nó sẽ mang lại niềm vui cho bạn.

Đừng nhìn dáng vẻ bề ngoài, vì đó là lừa dối.

 Đừng vì của cải vật chất, vì có thể mất đi.

Hãy tìm người nào có thể làm bạn mỉm cười, bởi vì nụ cười mới có thể làm ngày âm u trở nên tươi sáng.

 Có lẽ cuộc sống muốn chúng ta chọn lầm người trước khi gặp đúng người, để rồi chúng ta mới biết cảm ơn món quà của cuộc sống.

 Hãy tự đặt mình trong vị trí của người khác. Nếu trong hoàn cảnh ấy bạn cảm thấy bị tổn thương, thì người khác cũng sẽ cảm nhận như vậy.

 Người hạnh phúc nhất không nhất thiết phải là người có mọi thứ tốt nhất, mà là người biết tận hưởng và chuyển những gì xảy đến với mình trong cuộc sống một cách tốt nhất.

 Đừng sợ khi bị chỉ trích,

Nếu nó không đúng sự thật, bỏ qua nó.

Nếu nó không công bằng, tránh bị tổn thương vì nó.

Nếu nó khờ khạo, mỉm cười với nó.

Còn nếu nó đúng, học từ nó…

 Học cách sống tức là học cách tự do, và tự do tức là chấp nhận việc gì phải đến sẽ đến.” (Câu chuyện rất ý-nghĩa rút tỉa từ Mạng vi-tính)

Nghe kể rồi, nay lại mới bạn và tôi, ta cứ thế hiên ngang hát những lời buồn “bềnh bồng” của người viết nhạc, những đề-nghị rằng:

 “Về đâu tâm hồn này bềnh bồng.

Về đâu thân này mòn mỏi không.

Về sau và nhiều năm sau nữa,

có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay.”

(Vũ Thành An – bđd)

Lời ca, câu hát dù vẫn buồn như nhạc Việt, nhưng tận phần thâm sau của câu hát, người nghe vẫn nhận ra một khẳng-định khá “phấn chấn” làm điểm tựa cho người người tiến tới cuộc sống “trỗi dậy” thực, ở đời người.

Trần Ngọc Mười Hai

Đôi lúc cũng nghĩ

Về cuộc sống rất trỗi dậy

Vẫn xảy đến với ta

Và với người

Trong đời. 

BA NGÔI

BA NGÔI

 Trong thánh lễ ban phép Bí tích Thêm sức, Đức Tổng Giám mục hỏi một ứng viên định nghĩa Ba Ngôi Thiên Chúa là gì. Một bé gái 14 tuổi nhỏ nhẹ trả lời: “Thưa Ba Ngôi Thiên Chúa là Ba Ngôi trong một Thiên Chúa”. Đức Tổng giám mục đã lớn tuổi, nặng tai, nghe không rõ, bèn hỏi lại: “Cha không hiểu con nói gì?” Vị linh mục giúp lễ cho ngài là một nhà thần học bèn trả lời: “Thưa Đức cha, Đức cha không cần phải hiểu. Ba Ngôi là một mầu nhiệm!”

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta biết rằng mình không thể hiểu được, vì đó là một mầu nhiệm. Nhưng cũng biết chắc rằng chúng ta đang sống mầu nhiệm đó. Ai cũng sống trong dòng đời, nhưng mấy ai đã hiểu được cuộc đời. Ai cũng cảm được dòng nhạc hay, nhưng lại không thể lấy được cái hay đó ra cho người khác xem!

Tách ra khỏi dòng sông, con cá sẽ chết. Biệt lập ra khỏi dòng đời, con người sẽ không tìm thấy hạnh phúc. Lẩy ra một nốt nhạc, nó chỉ là một âm thanh trơ trọi, không còn là một bài ca. Một vũ khúc được liên kết bởi các cử điệu trong sự liên tục trôi chảy và nhịp nhàng. Đó chính là những hình ảnh sống động giúp ta hiểu phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Có một cuốn sách tuyệt hay với tựa đề “Flow” – “Sự Trôi Chảy” của Mihaly Csikzentmihalyi, giáo sư tâm lý học trường Đại học Chicago. Tác giả đã trình bày những kết quả của việc nghiên cứu nhằm xác định một cách chính xác câu hỏi: “Điều gì làm cho con người hạnh phúc?” Sau khi thử nghiệm và phỏng vấn hàng trăm người trong nhiều năm, giáo sư đã đi đến kết luận rằng con người cảm thấy hạnh phúc nhất khi chúng ta sống “trong sự trôi chảy”.

Qua lời khẳng định này, tác giả muốn nói đến khả năng tự làm mất đi cái bản ngã của mình để hòa điệu vào cái khác hay người khác, hy sinh cuộc đời mình cho một người, một công trình, hay một hoạt động, nhẩy ra khỏi sự hạn hẹp của cái tôi chủ quan để hòa mình vào dòng suối cảm nghiệm của cuộc đời.

Sống “trong sự trôi chảy” có thể thực hiện dưới vô số những hình thức: leo núi, đánh cờ, nghe nhạc, hàn huyên trong câu chuyện gẫu, đắm chìm vào trong cuốn tiểu thuyết trinh thám, hay hăng say làm việc giúp đỡ người nghèo. Bất cứ cái gì thúc đẩy chúng ta ra khỏi bản thân mình, bất cứ cái gì làm cho chúng ta ngây ngất, hay tạo nên hoan lạc có thể được coi như “trong sự trôi chảy”. Đồng thời, khi chúng ta bị ngã bật ngửa ra, qua sự chán chường hay lo âu, khi chúng ta tê cóng lại thay vì chuyển động trôi chảy, chúng ta trở nên bất mãn, không hạnh phúc.

Đối với người Công giáo thì chẳng có gì ngạc nhiên, vì chúng ta ngầm khẳng định cái kinh nghiệm nội tâm này và biểu tỏ ra một cách sâu xa mỗi khi làm dấu thánh giá. Tôi tự hỏi chúng ta có thường ý thức rằng Thiên Chúa mà chúng ta thờ phượng không phải là một tĩnh vật bất động nhưng là một tập thể của những ngôi vị linh hoạt và năng động: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.

Từ nguyên thủy, Đức Chúa Cha, nguồn thần tính vô tận và phong phú, biểu tỏ qua Chúa Con, một cuộc hành trình đi ra khỏi chính mình trong kiến thức và tình yêu. Và Đức Chúa Con, từ nguyên thủy tự cho phép mình được phát biểu và rồi trở về với Đức Chúa Cha trong hoan lạc. Trong tình yêu hỗ tương, sự chia sẻ thân mật sâu xa của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là Đức Chúa Thánh Thần.

Diễn tả theo ngôn ngữ gợi cảm của thánh Bernard of Clairvaux: Đức Chúa Cha là người hôn, Đức Chúa Con là người được hôn, và Đức Chúa Thánh Thần chính là nụ hôn mà Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con chia sẻ với nhau. Thiên Chúa của chúng ta là một sự nhịp nhàng, một vũ khúc, một dòng sông, một dòng đời. Bản chất của Đức Chúa Cha là hướng về người khác, là đi ra khỏi chính Ngài. Bản tính của Đức Chúa Con là quên mình, trong khi bản tính của Đức Chúa Thánh Thần là yêu thương và được thương yêu.

****************************** ******

Ôi Thiên Chúa của con, con thờ lạy Ba Ngôi, xin giúp con quên hẳn mình đi để ở trong Chúa, bất động và bình an như thể hồn con đang sống trong vĩnh hằng; xin đừng để điều gì quấy phá sự bình an của con, và làm con phải ra khỏi Chúa, ôi Đấng bất biến của con, nhưng xin cho mỗi phút đem con vào sâu hơn trong mầu nhiệm của Chúa!  Xin cho tâm hồn con được bình an và trở thành thiên đường của Chúa, nơi cư ngụ Chúa yêu thích, nơi Chúa nghỉ ngơi.  Xin cho con đừng bao giờ để Chúa một mình, nhưng luôn có mặt, trọn vẹn, tỉnh thức trong đức tin, hết lòng thờ kính, hiến dâng trọn vẹn để Chúa tác tạo. 

Lời nguyện của chân phúc Êlisabeth Ba Ngôi. 

From Langthangchieutim

Những Kitô ‘có đóng mộc’

    Những Kitô ‘có đóng mộc’

 

Mũi nhọn linh đạo của cha Tony chính là điểm thứ ba mà tôi đã đề cập ngay ỏ’ phần đầu của chương này;

Tin một cách thực tế rằng

nhờ ân sủng, chúng ta có thổ trực tiếp kinh nghiệm được Thiên Chúa ngay ở đời này,

và đó là việc chúng ta phải cưong quyết nỗ lực chứ không được trì hoãn.

Điều ấy đem lại mục tiêu cho lời cầu nguyện xin ơn, khởi hứng cho những cuộc chiêm niệm lâu giờ, trào đổ một khát vọng tha thiết cho việc cầu nguyện nhóm, chú tâm vào những nhịp thở của Lòi Kinh Chúa Giêsu, và biến tất cả cuộc sống khó nghèo, những thiếu thốn và những gian nan trở nên dễ dàng trước viễn tượng của mục đích cao cả và khả dĩ đạt được ấy.

Cha Tony khai mào các cuộc tĩnh tâm của ngài bằng những cứ liệu được cẩn thận tuyển chọn từ Thánh Kinh, các giáo phụ, truyền thống Kitô Giáo và giáo huấn các thánh để minh chứng việcgặp gỡ Thiên Chúa nhãn tiền ngay ở đời này không phải là đặc ân hãn hữu của một vài nhà thần bí, nhưng là quyền bẩm sinh của mọi Kitồ hữu.

Tiếp theo những lập luận hữu lý ấy, cha Tony đã khẩn thiết kêu mời, nếu như hồng ân cao cả kia được rộng ban cho chúng ta, thi tại sao chúng ta lại đành mất cơ hội được ngồi vào bàn tiệc để rồi bằng lòng với những mụn bánh rơi?

Từ đó, kinh nghiệm về Thiên Chúa đã trở thành tâm điểm của tất cả những nỗ lực và nỗi lòng khao khát của chúng ta.

Cha Tony còn to tiếng nói thẳng với chúng tôi;

“Các bạn đúng là thứ Kitô hữu ‘hữu danh vô thực,’

không phải hay sao?

Các bạn tin vì ngưòi ta bảo các bạn tin, tất cả chỉ có thế.

Các bạn tốt thật đấy. Rồi sao nữa, vì sao các bạn biết mình là Kilô hữu?

Bởi vì các bạn có thể trưng ra chứng thư rủa tội của mình phải không?

Tôi nói với các bạn thế này;

Các bạn chỉ là những Kitô ‘có đóng mộc’ mà thôi.

Nói như thế thật quá đúng!

Kitô hữu đích thực phải là một người đã nhìn thấy, đã nghe, đã cảm nghiệm và đã sống Chúa Kitô.

Ngưòi tông đồ là một ‘chứng nhân của sự phục sinh’;

các bạn có phải là những người như thế không?

Nếu không, các bạn không được quyền mở miệng. Các bạn không cảm thấy xấu hổ thẹn thùng hay sao khi các bạn rao giảng về Thiên Chúa tại đất nước Ấn Độ này là một nơi mà chỉ có những ai đã từng nhìn thấy Thiên Chúa mói được quyền nói về Nguời?

Các bạn là con cái của thánh Ignatius, vị thánh đã mong ước các con cái của ngài trực tiếp ‘liên lạc’ với Thiên Chúa mà không cần qua một hình thức trung gian nào cả hay sao?

Trong cuộc tĩnh tâm này,

hoặc là các bạn đạt được kinh nghiệm ấy,đích thân gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh,

hoặc là các bạn chẳng được một cái gì cả.

Các bạn có sẵn sàng vứt đi một tháng trời của mình hay không?

Trong tâm tư sôi nổi của mình, lúc ấy tôi nhớ lại câu định nghĩa sắc bén của Fritz Perls nói về việc “dạy học.”

Theo ông, “Dạy học là minh chứng rằng một điều gì đó là điều có thể. ”

Tôi đã áp dụng câu định nghĩa ấy vào trường hợp của riêng mình;

Cha Tony đã minh chứng cho tôi rằng

kinh nghiệm Thiên Chúa trực tiếp ở đời này

là điều có thể.

Trích: Tĩnh tâm với cha Anthony De Mello

33 NĂM SAU

33 NĂM SAU

Với tựa đề “33 năm sau”, đó là một câu chuyện thuật lại như sau: “Những gì đã xảy ra cho đứa bé năm nào?”  Một trong ba vua đã đi triều bái vua Do Thái mới sinh tự hỏi.  Suốt cuộc đời mình, nhà vua không thể nào quên được cuộc hành trình cách đây khoảng 33 năm, một cuộc hành trình dõi theo ánh sáng sao lạ dẫn ông đến hang đá Bêlem.

Câu hỏi: “Liệu đứa bé ấy có trị vì dân Israel được không?”  Làm cho nhà vua bồn chồn đứng ngồi không yên.  Rồi chẳng dừng được, một lần nữa nhà Vua quyết định lên đường đi đến Palestine.  Tại Giêrusalem, những bậc bô lão còn nhớ đến những vì sao lạ, nhưng không ai biết gì đến đứa bé được sinh ra dưới điềm lạ ấy.  Còn tại Bêlem mọi người được hỏi đều lắc đầu, ngoại trừ một cụ già cho nhà Vua biết: Làm gì có ông Giêsu Bêlem, chỉ có ông Giêsu Nagiarét, một người nói phạm thượng tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nên cách đây mấy tuần đã bị xử “tử hình thập giá”.

Thất vọng ê trề, nhà Vua thẫn thờ nhập vào đoàn những người hành hương trở lại Giêrusalem, vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần.  Chen lấn vào đoàn lũ đang mừng lễ Tạ Ơn Sau Mùa Gặt, nhà Vua chú ý đến một đám đông đang bu quanh một nhóm người.  Tò mò ông lấn qua đám đông để đến gần và nghe có kẻ nói: “Tưởng gì chứ lại gặp mấy tên say rượu nói tầm xàm.”

Nhưng tai nhà Vua lại nghe một người trong nhóm nói tiếng nước mình và rõ ràng ông ta nói về ông Giêsu Nagiarét, người đã bị đóng đinh, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết.  Như bị một sức mạnh vô hình thúc đẩy, nhà Vua chen vào đám đông cất tiếng hỏi: “Vậy bây giờ ông Giêsu đó ở đâu?”  Ðại diện nhóm người đứng ở giữa đám đông là Simon Phêrô trả lời: “Ngài đang ở giữa chúng tôi.  Ngài đang ở trong chúng tôi.  Chúng tôi là môi miệng, là tai mắt, là đôi tay, là đôi chân của Ngài.”

Trong lúc Phêrô đang nói, bỗng có một luồng gió thổi mạnh và hình lưỡi lửa một lần nữa thổi tràn xuống mọi người.  Nhà Vua bỗng lại thấy ánh sao Bêlem, nhưng lần này ánh sao ấy chia ra nhiều ánh sao khác rơi xuống mọi người.  Trong tâm hồn, nhà Vua chợt hiểu: Mỗi người phải trở nên máng cỏ nơi Ðức Giêsu sinh ra và mỗi người phải mang Ngài đến cho mọi người xung quanh.

Câu chuyện trên nối liền ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, mừng biến cố Ngôi Lời nhập thể với Lễ Tưởng Niệm Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.  Ðồng thời câu chuyện cũng nêu nổi bật bổn phận của mọi người Kitô, là những kẻ phải trở nên tai mắt, trở nên môi miệng và chân tay của Ðức Kitô để mang Tin Mừng của Ngài đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ và cộng tác hằng ngày.

Trích Lẽ Sống

Langthangchieutim gởi

Cứ Xin Thì Sẽ Được, Cứ Tìm Thì Sẽ Thấy, Cứ Gõ Thì Cửa Sẽ Mở!

Cứ Xin Thì Sẽ Được, Cứ Tìm Thì Sẽ Thấy, Cứ Gõ Thì Cửa Sẽ Mở!

  • Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

… Joseph là thanh niên bất toại, tuổi hơn 30. Anh đi bằng hai đầu gối và rất nghèo. Tuy Joseph nghèo của cải nhưng không nghèo niềm tin, lòng hy vọng và nhất là tình yêu thương. Niềm hạnh phúc duy nhất và tràn trề của anh là dành trọn thời giờ để giúp đỡ tha nhân.

Joseph sinh trưởng trong gia đình ở làng nhỏ tại Auvergne (Trung Pháp). Tuổi thơ Joseph trôi qua trong bình lặng nơi khung cảnh gia đình nghèo. Sau khi học xong tiểu học, cậu bé bắt đầu làm việc giúp đỡ cha mẹ.

Không bao lâu sau cảnh thiếu ăn gây ảnh hưởng mạnh trên thân xác gầy còm của cậu bé. Joseph mất dần sức mạnh nơi hai cánh tay: không cầm nổi các vật dụng để làm việc. Cậu cũng không đứng vững nữa. Đến năm 20 tuổi thì Joseph hoàn toàn không sử dụng được đôi chân. Chàng phải bò lết hoặc đi bằng hai đầu gối.

Tàn tật vào lúc 20 tuổi, quả là thử thách nặng nề! Joseph cảm thấy đau đớn khi phải sống nương tựa vào gia đình, trong khi gia đình lại nghèo thật nghèo, cần chàng giúp đỡ một tay. May mắn Joseph là tín hữu Công Giáo nhiệt thành. Chàng sống thật niềm tin của mình. Chàng đặt trọn cuộc đời trong bàn tay Quan Phòng của THIÊN CHÚA. Thêm vào đó, Joseph rất có lòng sùng kính Đức Mẹ MARIA. Và đây là phương thuốc hiệu nghiệm cứu chàng thoát mọi chán nản thất vọng. Chàng lần hột Mân Côi hàng ngày và tìm cách giúp đỡ tha nhân thay vì sống co rút vào nỗi khổ vào cái bất hạnh của chính mình. Chàng cố gắng làm những gì có thể hầu giúp người khác và đỡ gánh nặng cho gia đình. Chàng tự sáng chế hai ống gỗ bao đầu gối và dùng đầu gối đi lại. Nhiều khi chàng đi bằng đầu gối những quãng đường dài đến 8 hay 10 cây số.

Sau đó, chàng ghi tên làm người canh gác đền thờ Đức Mẹ Orcival. Nhờ công việc này, Joseph nhận rất nhiều an ủi. Nhất là chàng hãnh diện vì được phục vụ Đức Trinh Nữ MARIA, Hiền Mẫu thiên quốc. Đền thánh này hàng năm có nhiều tín hữu hành hương đến khẩn cầu cùng Đức Mẹ MARIA. Nhưng rồi dần dần có người đến gặp Joseph, nhờ anh an ủi hoặc chỉ dạy nhiều điều họ cần biết.

Để giúp đỡ tha nhân cách đắc lực hơn, Joseph dọn đến ở với anh rể và xin đặt điện thoại riêng cho mình. Như thế, anh có thể liên lạc thẳng với các bàn giấy, dịch vụ chuyên môn hầu chỉ dẫn lại cho người khác. Anh nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến trợ cấp xã hội, bảo hiểm v.v. Anh trở thành nhân vật quan trọng. Mỗi ngày, số người đến gặp anh đông hơn đến gặp ông trưởng phòng tòa thị trưởng thành phố.

Anh lắng nghe tâm sự, khó khăn của người khác, rồi anh tìm cách khuyên lơn, an ủi, khiến ai ai cũng cảm thấy thỏa lòng mát dạ. Tất cả những gì người ta mang đến dâng biếu, cảm tạ anh, anh phân phát lại cho người nghèo. Nhưng thường thì anh tiếp khách vào ban chiều, và đôi khi kéo dài đến nửa đêm hoặc hai giờ sáng. Nếu có ai tỏ dấu lo ngại cho sức khỏe, anh chỉ mỉm cười trả lời:

– Nếu như đó là tiếng Chúa gọi tôi thì sao?

Kinh nguyện và nhất là lòng sùng kính Đức Mẹ MARIA gìn giữ bảo trợ Joseph luôn luôn trong trạng thái vui vẻ và tin tưởng phó thác. Anh thật hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc này anh thông truyền sang những ai có dịp tiếp xúc, tỏ bày tâm sự với anh. Anh giải thích lý do niềm vui nội tâm sâu xa:

– Không biết tôi sẽ ra sao, nếu tôi không bị tàn tật? Quả thật tàn tật trở thành kho tàng, suối nguồn hạnh phúc. Không bị tàn tật, có lẽ tôi sẽ khốn khổ. Trong khi nhờ tàn tật tôi sống tình trạng nghèo khó, thiếu thốn nhưng bù lại, tôi hạnh phúc và có thể trao hạnh phúc cho người khác.

… “Thế nên Thầy bảo anh em: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi CHA trên Trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”(Luca 11,9-13).

(Albert Pfleger, “FIORETTI de la Vierge Marie”, Mambre Editeur-Diffuseur, 1990, trang 92-94)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt,

CÁC CON HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN…

  CÁC CON HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN…

 Trong những năm gần đây phong trào canh tân đoàn sủng phát triển mạnh trong Giáo Hội Tin Lành và trong giáo Hội Công Giáo, có người gọi đó là mùa xuân của Giáo Hội đang là sức sống mới.  Nhưng cũng có người đang nhìn phong trào này với thái độ cảnh giác.  Họ sợ rằng nó sẽ đi xa đường lối của Giáo Hội.  Tôi không có ý phân tích phê phán, nhưng theo tôi phong trào có một điểm mà chúng ta có thể ghi nhận.  Phong trào giúp cho ta ý thức hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời Kitô Hữu.  Một vai trò mà nhiều khi chúng ta lãng quên.  Có lẽ phần nào nó cũng giống như một nhà khoa học ở trong phòng thí nghiệm.  Ông ra sức nghiên cứu về không khí như là một vật thể và mô tả không khí bằng những công thức khoa học có vẻ phức tạp mà ông quên rằng, từng giây từng phút mình đang được ngủ lặng trong không khí mà đôi khi mình quên hít thở.  Cho nên sự sống thân xác của mình mỗi lúc mỗi tàn tạ.

Tôi xin lấy một hình tượng quen thuộc trong Kinh Thánh để diễn tả về Chúa Thánh Thần.  Thánh Luca mô tả: Vào ngày lễ ngũ tuần các môn đệ tề tựu cầu nguyện.  Khi ấy có những lưỡi nhưlưỡi lửa rải rác đậu xuống trên mỗi người.  Lửa là hình tượng Kinh Thánh dùng để diễn tả về Chúa Thánh Thần trong chúng ta.

Hôm nay tôi xin nhắc lại và đào sâu hơn hình tượng Thánh Gioan Thánh Giá sử dụng.  Ngài là người có kinh nghiệm thần bí sâu sắc đồng thời là một nhà thơ cho nên ngài đã vận dụng ngôn ngữ thi ca để diễn tả kinh nghiệm thần bí đó.  Đó là hình ảnh của lửa, của củi.

Chúng ta thử tưởng tượng cảnh mùa đông băng giá ở Châu Âu, ngoài vườn có một khúc củi nằm cô đơn giữa tiết trời băng giá.  Cái lạnh làm cho làn da của nó xần xùi, xấu xí.  Thế rồi nó được ông chủ nhà đem vào quăng vào lò sưởi.  Hơi nóng làm khúc củi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc.  Nó cảm nhận được đầy sự an ủi không tả được.

Nhưng tiếc rằng sự sung sướng kéo dài chẳng được bao lâu.  Trong khoảnh khắc ngọn lửa ôm chặt lấy nó.  Sức nóng của lửa nung nấu khiến cho nhựa cây rỉ ra bên ngoài làm thành một lớp da sần sùi như da cóc.  Nó tỏa ra một mùi thật khó chịu.  Khúc củi quằn quại trong than hồng một thời gian.  Cuối cùng nó trở nên một với lửa.  Nó không còn là củi mà chỉ là lửa.  Lửa đem ánh sáng, lửa đem hơi ấm cho những người trong phòng.

Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh tuyệt vời ấy để diễn tả về tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta.  Hình ảnh ấy giúp chúng ta thấy được đâu là cùng đích của đời sống trong Thánh Thần.  Cái cùng đích ấy là Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được nên một với Thiên Chúa.  Như Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu nói: “Ta trở thành một giọt nước hòa trong đại dương.”  Sự nên một ấy chỉ trở thành trong đời sống vĩnh cửu cho những người mà Chúa ban cho kinh nghiệm thần bí, những người cảm nghiệm được sự nên một hồng phúc với Thiên Chúa.

Chúng ta chưa có được kinh nghiệm huyền bí đó.  Nhưng tôi nghĩ: Nếu chúng ta thực hiện đúng những bí tích mà Giáo Hội cử hành là chúng ta đã đi đúng mục đích của Giáo Hội, dẫn ta đến chỗ nên một với Thiên Chúa.  Khi ta rước mình Thánh Chúa và để Máu Thánh Chúa hòa vào máu thịt ta để ta nên một với Ngài.

Sự nên một xét trên một bình diện mà người ta gọi là hữu thể học đó hoàn toàn có thật nhưng không ai thấy được.  Sự nên một ấy phải diễn tả qua cuộc sống bên ngoài theo kiểu nói của thánh Phaolô.  “Anh em hãy mang trong anh em những tâm tư như đã có trong Chúa Giêu Kitô.”  Cho nên khi nào chúng ta nên một với Chúa thật thì ta sẽ suy nghĩ như Chúa Giêsu, phản ứng như Chúa Giêsu, cảm xúc, yêu thương như Chúa Giêsu.  Đấy là dấu chỉ cụ thể.  Đấy là cùng đích.

Nhưng để đạt được tới cùng đích nên một trong Thiên Chúa ấy thì chúng ta phải trải qua một hành trình thanh tẩy của Thánh Thần.  Hành trình này khởi đầu bằng một niềm an ủi ngọt ngào.  Có một số kinh nghiệm nói lên điều ấy.  Có anh chị em dự tòng nói với tôi: “Thưa Cha, con xin gì Đức Mẹ cũng cho con hết.”  Những tu sinh hoặc những nữ tu mới chập chững bước vào đời sống tận hiến: “Thưa Cha, con cảm thấy hạnh phúc vô cùng.”  Những lúc ấy ai cũng ca ngợi Chúa, cảm thấy rất ư là dễ thương.  Chúa yêu ta vô cùng.

Thưa anh chị em.  Đấy chỉ là giai đoạn đầu.  Sớm hay muộn gì chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần dẫn vào giai đoạn thanh tẩy, giai đoạn đau đớn, giai đoạn này sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn.  Vì nó đau đớn cho nên ta không muốn bước vào, không dễ chấp nhận.

Tôi nghĩ có hai lý do chính và cũng là hai giai đoạn chính.

Lý do thứ nhất: Thánh Thần giúp chúng ta chấp nhận con người thật của mình.  Có lẽ nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi nghe thế.  Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu tha nhân như chính mình.”  Nếu tôi không yêu chính mình thì tôi không thể yêu người khác được.  Yêu chính mình là chấp nhận con người thật của mình.  Chấp nhận hình hài mà Chúa đã ban cho mình.  Anh chị em thử kiểm nghiệm lại đời sống của mình xem.  Đã biết bao lần ta mơ ước những điều mà chúng ta không có.  Ví dụ: Phải chi Chúa ban cho mình sóng mũi cao hơn tí nữa thì đẹp biết bao.  Hay phải chi da mình được trắng như bạn mình nhỉ…  Những mơ ước ấy biều lộ điều chúng ta không chấp nhận chính mình.

Những suy nghĩ ấy làm cho ta tự mình dằn vặt mình.  Tự mình hành hạ mình, tự gây đau khổ cho mình bằng những tự ti mặc cảm.  Phải đau đớn lắm, phải tự đấu tranh mới chấp nhận chính con người thật của mình.  Chúng ta hãy kêu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện để chúng ta tự nhủ rằng: Dù tôi thế nào đi nữa Chúa vẫn yêu tôi.  Chúa tạo dựng tôi cho Chúa.  Cảm nhận được như thế sẽ làm cho ta thấy bình an hạnh phúc hơn.

Lý do thứ hai: Chấp nhận được chính mình rồi thì đến giai đoạn hai của sự thanh tẩy.  Đi từ chỗ “tôi đang là” đến chỗ “tôi được mời gọi để trở thành…”  Ở đây đòi hỏi sự bỏ mình.  Cuộc sống Thánh Augustinô là một điển hình.  Lúc trẻ ông xa vào con đường ăn chơi, mê đắm trên con đường tình dục, biết là sai nhưng ông vẫn biện minh cho mình, không nhìn nhận sự thật của chính mình, ông bảo: “Sở dĩ tôi bê bối thế vì ông thần ác ở trong hoành hành.”  Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Thánh Augutinô mới đủ can đảm nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi.  Từ đấy ông đã bước vào giai đoạn hai.  Ông trở thành một người sống như Chúa Giêsu, yêu thương, phục vụ, suy nghĩ như Giêsu.  Một con người trong Chúa Thánh Thần.

Chúng ta phải trở thành cái mà Chúa mời gọi chúng ta.  Đó là gì?  Thưa là mỗi ngày tôi trở thành người hơn.  Cho dù tôi sống bậc gia đình hay tu sĩ, cho dù tôi hành động gì nhưng vẫn hàm ẩn tất cả bên trong là cái tính người, là tính Kitô Hữu.  Và hành trình đó đòi chúng ta phải tự bỏ mình mỗi ngày. Công việc ấy rất khó, một mình ta không thể làm được mà phải có tác động của Chúa Thánh Thần.  Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần sống như không khí tràn ngập vũ trụ, vấn đề là tôi có hít thở không?  Chúa Thánh Thần như dòng suối tràn lan mọi nơi.  Vấn đề là tôi có múc mà uống không?  Chúa Thánh Thần là ngọn lửa hừng hực, vấn đề là tôi có nhóm lên hay không? Cho nên cầu nguyện là tự tạo cho mình một nội tâm thích hợp.  Mở lòng ra cho gió ùa vào, làm rỗng chính mình cho dòng nước chảy vào, và nhóm ngọn lửa lên cho đời mình.

Nếu chúng ta chấp nhận trở về với chính mình trong thinh lặng, nhìn lại đời mình, ta có thể khám phá ra những gì mà Lời Chúa hướng dẫn chúng ta hôm nay.

Tôi xin kết thúc suy niệm này bằng tâm tình của Thánh Augustinô. “Lạy Chúa là vẻ đẹp ngàn đời, vẻ đẹp cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ.  Con đã chạy tìm những cái đẹp bên ngoài vốn chỉ là phản ánh èo uột của vẻ đẹp vĩnh hằng.  Chúa là vẻ đẹp vĩnh hằng ở trong con thì con lại không kiếm tìm.  Vì thế, xin Chúa cho con biết trở về với chính lòng mình mỗi ngày, để ở đó con gặp được Chúa, hít thở Chúa.  Con đón nhận dòng nước ân sủng và lòng con được đốt cháy ngọn lửa Thánh Thần.  Amen!”

 ĐGM Nguyễn Văn Khảm

From Langthangchieutim gởi

“Cánh cửa ngang qua thế giới buồn”

Suy Tư Tin Mừng sau lễ Hiện Xuống năm A ngày 04/6/201

 Tin Mừng (Ga 20: 19-23)

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

 “Cánh cửa ngang qua thế giới buồn”

“tống biệt hồng, sang tống biệt đen.

Em mang điệp khúc về đâu đó,

Ta tưởng chừng như giã biệt em.”

(dẫn từ thơ Nguyên Sa)

Mai Tá lược dịch.

Thế giới buồn, có phải vì tống biệt hồng/tống biệt đen, người em nơi cánh cửa? Điệp khúc vui, phải chăng em mang về từ đâu đó như giã biệt, từ Đức Chúa? Ngài giã biệt, nhưng thay vào đó, Ngài đã gửi Thần Khí Thánh đến với ta.

Trình thuật thánh Gioan, nay ghi lại cùng một tình tự có giã biệt, thân thương Ngài gửi đến với dân gian, thế giới buồn. Sau ngày Chúa chịu nạn trên thập giá, Ngài trỗi dậy từ cõi chết và thăng tiến về Trời, khiến đồ đệ dân con cứ phân vân không biết sự việc gì rồi sẽ xảy đến, ngay sau đó? Một số vị, quay về với nghề cũ, những thả lưới với buông câu. Có vị, nhớ mình từng gửi Chúa những câu hỏi, rất tương tự. Hỏi thì hỏi, nhưng vẫn chờ câu giải đáp khả dĩ xứng hợp với ưu tư của chính mình.

Thay vào đó, Thày bảo: về với thế-giới-mới, Thầy sẽ gửi Thần Khí đến mọi người, vào thời sau. Và lời Ngài, nay đã thành hiện thực. Tương tự một tình huống trong đó có người thổ lộ: mình lo không biết có đạt chốn thiên đường được không đây? Nghe vậy, Thầy bèn trấn an dân con mình: đừng lo toan/thắc mắc. Bởi, thiên đường tự khắc đến với mình, cũng chóng thôi. Lời Thầy còn nhắn nhủ: đạt chốn thiên-đường thì ai cũng đạt! Ngài lại thêm: Thiên đường mà người người lo không đạt, chưa hẳn là kết cục của thế giới. Bởi, thế giới nay còn những chuyện lớn lao, quan trọng hơn.

Thiên đường mà người đời những mong tưởng, nay xuất hiện ở đây, ngay nơi này, củng rất sớm. Điều quan trọng, là: dân con mọi người phải sẵn sàng kiên trì sống. Tức, chấp nhận qui cách sống đúng sứ mệnh Ngài trao ban. Dù biết Thiên đường là nơi đây vá chốn này. Thế mà, đồ đệ Chúa vẫn không hiểu điều Thầy tỏ lộ. Và, cả ta nữa, chừng như vẫn không hiểu hết điều Chúa tỏ bày cho ta và mọi người.

Nên, Ngài phải nói thêm: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thần Khí, khi Người ngự xuống trên anh em.” (Cv 1: 8) Chính Thần Khí Chúa sẽ giúp mọi người trở nên giống Thầy, khi đạt thế-giới-mới. Vào Lễ Ngũ Tuần, Thần Khí đến, người người sẽ dùng ảnh hình để nói lên những gì mình cảm nhận, từ Ngài.

Cảm nhận Thần Khí là đón nhận Luồng Gió Mới cực mạnh, nay thổi đến. Như, Lửa Ngọn dũng mãnh tạo sự sống. Như gà mẹ khống chế trạng huống hỗn độn quanh ổ, rồi mới đẻ. Tức, tạo môi trường thích hợp để sinh hạ sự sống mới. Thần Khi đến, là như: sói dữ ở bên chiên lành. Như, nguồn sống tạo yên hàn không bạo lực. Thần Khí đến, bảo đảm cho an bình, thịnh vượng. Cho, niềm thuỷ chung qua nhẫn cưới, ngày hứa hôn. Ngài là Thần Khí, Đấng giúp ta đi vào thế-giới-mới, rất sẵn sàng.

Xuất Hành về với Đất Hứa, dân con Do thái đều đã nhận được lời hứa hẹn đạt thế-giới-mới chốn thiên đường. Chốn Đất Lành miền Canaan, như vẫn gọi. Nhưng trước đó, họ cảm nghiệm một hành trình xuyên suốt, có cột mây che nắng ban ngày. Có, cột lửa soi sáng ban đêm. Và, họ cảm nhận kinh nghiệm có Chúa ở cùng, chung sức sống.

Trong hành trình di rời thế giới cũ về với Thế-giới-mới, Chúa hứa ban không chỉ mỗi đất lành miền Canaan, nhưng toàn thế giới, vũ trụ. Vũ trụ ta, là thiên đường. Có trời đất giao hoà, đầy Thần Khí. Có Năng Lượng Chúa cao cả, nạp cho ta. Cao cả, nhưng Ngài không là con đường rất chung chung, không thể đến. Ngài cho ta nếm trước hương vị của thiên-đường-thế-giới-mới, không phải mây trời hoặc cột lửa; mà là Thần Khí. Chính Thần Khí ấp ủ thế-giới-mới, để nuôi ta. Đó, là sáng-thế nguyên-thủy. Là, Thần Khí đến với mọi người, rất hôm nay.

Thần khí đến với ta. Với từng người. Ngài đến, theo cung cách thế-giới-mới-rất-thiên-đường, với hình thể nhỏ của vũ trụ. Xem thế, tất cả chúng ta là dân con đã được dựng. Dân con của Thần Khí. Xem thế, thì: Thiên-đường-tràn-đầy-Thần-Khí đã đến với ta và ở với ta. Ngài đi vào cuộc sống của chính ta. Và mọi sự nơi ta nữa.

Có thể, có người bảo: đó kìa, những người “sống vô gia cư chết vô địa táng”, đâu như thế. Hoặc tôi đây, cũng chẳng giống vậy. Có thể, có nhiều chuyện vô lý và bi thảm, vẫn xảy đến trên con đường, mình đang sống. Cả nơi khu vực phía sau nhà, nhiều chuyện xảy đến cũng khiến ta khó mà tin. Thánh Phaolô là vị thánh từng trải nhiều về chuyện này, khi thánh nhân bảo: ta là “đền thờ của Thần Khí”, ngay khi thánh nhân còn đang rao giảng ở Côrinthô, kinh đô đồi truỵ của Hy Lạp. Là, vùng cấm địa của Achaia có đền Aphrodite, đền thờ nữ-thần nhục-dục, đầy thác loạn. Nhưng, thánh nhân vẫn nhận biết điều ấy, cũng rất thật.

Suy niệm sự kiện Chúa Về Trời, ta nghĩ ngay đến “thiên-đường”, không theo nghĩa bầu trời, nhưng theo nghĩa thế-giới-mới, Chúa tạo dựng. Và, Đức Chúa cũng từ thế giới này, đến với ta. Ngài tập họp mọi người vào với thế-giới ấy. Ngài gửi Thần Khí đến với ta như dấu ấn mới, rất an bình. Tuyệt mỹ.

Nhưng, làm sao biết được điều ấy sẽ xảy đến? Lấy gì làm bằng để thấy được là: Thần Khí sống với ta? Và, đâu là bằng chứng Ngài ban trước thiên-đường-thế-giới-mới ấy? Xin thưa: bằng chứng, nằm ở cuộc sống rất đẹp, của mọi người. Ở, mối ưu tư/quan ngại về công lý và an bình, khi vẫn còn nhiều người đang bị chèn ép. Áp bức. Ngay chính ta, cũng đã trải nghiệm nhiều nét đẹp của sự sống. Nhưng nhiều lúc, ta và Hội thánh lại quên mất cung cách phải có, để giáp mặt với sự-sống-rất-đẹp. Để rồi, đôi lúc biến nó thành vật vô giá trị. Và, lẩn tránh tất cả những gì là Chân-Thiện-Mỹ, ở đời. Thay vào đó, ta chỉ thích mỗi cung cách hành đạo cứng ngắc, vụ hình thức rất ngán ngẫm.

Thực tế ở đời, nhiều vị vẫn còn đang làm công việc tuyệt vời, trong đời. Ví dụ ư? Đấy kìa, những vị đang làm rất nhiều điều kỳ diệu, mà ít ai chịu làm. Đích thị là, Thần Khí đang làm những điều kỳ diệu rất “thiên-đường”, nơi người ấy. Chắc chắn rằng, Thần Khí Tuyệt Mỹ cùng hiện diện, ở nơi họ.

Ưu tư/quan ngại về công lý và bình an, còn thấy nơi nhiều người. Đó cũng là mối quan tâm lo lắng cho số phận của người nghèo. Để rồi, hẹn sẽ tìm cách thực hiện cho bằng được sự bình an, rất công lý. Ví dụ ư? Đừng nên tìm ví dụ nơi thể chế chính trị xã hội của loài người. Bởi lẽ, không chỉ mỗi các nhà từ thiện mới có khả năng thực hiện được công việc tuyệt mỹ/tuyệt diệu ấy. Phải nói rằng, chính Thần Khí đang thực hiện công lý và bình an nơi con người và môi trường. Khi đó, Thần Khí Công Lý và An Bình, sẽ còn hiện diện mãi, nơi họ và với họ.

Chắc chắn, Công Lý và Sự Tuyệt Mỹ/Tuyệt Diệu đang kết-thân-làm-một để bừng nở như bông hoa mới chớm ở thế-giới-mới. Với ta, đó là khởi đầu của sự kiện đất-trời-hoà-hợp do Thần Khí ban cho ta. Đang diễn ra.

Lâu nay, nhà Đạo mình nói nhiều đến Thần Khí Chúa ở cùng Hội thánh. Nay, có lẽ nên thêm: Thần Khí Chúa đang ở với và ở cùng ta. Và, thế giới. Cầu mong sao, Ngài ở với và ở trong Hội thánh ta nữa. Bởi, Hội thánh là chốn thánh thiếng từ đó ta thấy được mọi sự đang diễn tiến, đến với ta cùng một lúc.

Với tinh thần lạc quan sẵn có, ta sẽ ngâm vang lời thơ buồn, nhưng hy vọng của nghệ sĩ:

“Chết một ngàn năm chắc phải sầu,

Nhưng này thương nhớ lúc xa nhau.

Mịt mù nhân thế trôi biền biệt,

Giữa vị sầu nghe có vị đau.”

(Nguyên Sa – A Tỳ)

Bằng vào lời thơ, thi nhân thấy “có vị đau”, giữa vị sầu. Về với thiên-đường, người người đều cảm nhận Thần Khí, rất mỹ quan. Mỹ quan thiên đường Ngài trao ban, sẽ cùng với mọi người sống cuộc đời đẹp rất đáng sống, với mọi người.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn 

Mai Tá lược dịch.

“Chúa yêu trần thế, đã chết cho đời, và đã sống lại,”

Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần sau lễ Hiện Xuống năm A 04/6/2017

Alleluia hát lên người ơi

https://www.youtube.com/watch?v=8bR9e-zxAak

“Chúa yêu trần thế, đã chết cho đời, và đã sống lại,”

hát lên người ơi! Alleluia!
Hát lên người ơi!

Sáng tươi huyền diệu,

là một kiếp người,

được Chúa thương yêu.”

(Thành Tâm/Sỹ Tín, CSsR –  Hallêluyah! Hát Lên Người Ơi!)

(Thư 1 Côrinthô 15: 12-14)

Ở giáo-xứ mà bần đạo bầy tôi đây sống đến 25 năm, có cái tên thanh-tao/nhè nhẹ của Anh Cát Lợi, vào mỗi độ nhà Đạo mừng Chúa trỗi dậy, ca-đoàn lễ Việt tuy có hát nhạc-bản ở trên, nhưng vẫn không tạo được khí thế của Ban Hallêluyah thời niên 1960’. Không biết có phải, vì khi ấy bọn tôi hát là hát cho những người “xuôi triền thất-vọng”, “ôm niềm đau” hay sao đó, những là: 

 “Mừng hát hỡi những ai xuôi triền thất vọng.

Mừng hát hỡi những ai ôm niềm đau.

Vì có Chúa Tình Yêu đang ở với ta.

Mừng hát hỡi những ai lê đời khó nghèo.

Và ai trơ trụi ngay trên giường chết.

Vì có Chúa Trời Đất đang ở với ta.”

(Thanh Tâm/Sỹ Tín, CSsR – bđd)

Ấy chết! Nói thì nói thế, chứ ở đâu mà chẳng có những người thất-vọng, khổ đau giống như thế. Vâng. Ở trời Tây bên này, tuy không là chốn “Tây Phương cực-lạc”, nhưng vẫn có quyền hát và nói những lời sau đây:    


“Mừng hát hỡi những ai mong cuộc đổi đời.

Và ai đang dựng-xây cho trần-giới.

Vì có Chúa Tạo Hóa đang ở với ta.

 Mừng hát hỡi những ai mơ mùa thái-hòa.

Và ai đang mạnh tay tắt lửa chiến.

Vì có Chúa Bình Yên đang ở với ta.

Lá lá la la la la là!

(Thanh Tâm/Sỹ Tín, CSsR – bđd)

Vâng. Đúng thế. Nếu bạn và tôi, ta cứ dõi theo lời trần-tình của đấng thánh-hiền khi trước đã từng nói, hẳn ta cũng sẽ cảm-nghiệm được những ý/lời thêm một lần được trích-dẫn, như sau:

Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng

Đức Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy,

thì sao trong anh em có người lại nói:

không có chuyện kẻ chết sống lại?

Nếu kẻ chết không sống lại,

thì Đức Kitô đã không trỗi dậy.

Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy,

thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng,

và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.”

(Thư 1 Côrinthô 15: 12-14)

Vâng. Rất không sai. Dẫu có “ôm niềm đau” hoặc “mong cuộc đổi đời” hay sao đó, người người và bầy tôi đây vẫn có lập-trường lạc-quan ở mức tối-thiểu, để còn vui sống theo kiểu “rất trỗi dậy” với muôn người. Và mọi người.

Vâng. Đúng là như thế. Dông-dài dẫn-nhập chuyện “phiếm” hôm nay, chỉ cốt để phân-bua với bầu bạn rằng: vừa rồi, bần đạo bầy tôi đây lục-lọi chồng sách/báo cũ để tìm chất-liệu viết thêm về những gì có liên-quan đến lễ hội Phục Sinh, bèn bắt chộp được câu hỏi/đáp từ người giáo dân gửi cố đạo Sydney những lời sau đây:

“Thưa cha. Có thể nào cha viết cho bà con đi Đạo biết được lý-do tại sao người Công-giáo và Chính-thống-giáo lại mừng lễ Phục Sinh không bao giờ cùng một ngày cả vậy?Thêm nữa, có bao giờ Giáo hội đôi bên tìm cách đồng-thuận với nhau để cùng mừng lễ hội trọng đại như thế không?” 

Hỏi gì chứ, hỏi những câu mang tính giáo-sử có ghi tháng ngày rõ rệt để lập nên phụng-vụ, quả đúng với “nghề của chàng”. Nhất thứ, “chàng” đây là bậc thày ở Sydney chuyên tìm-tòi ngày tháng niên-lịch ở sách vở, để giúp đỡ bà con nào không có thì giờ lục tìm, mà thôi. Và, sau khi lục tìm ngày tháng với ý-nghĩa, đức thày ở huyện nhà Sydney bèn có câu đáp-trả sau đây:

“Trả lời câu đầu-tiên anh/chị hỏi, tôi thấy có lý để ta mừng và vui mà chia thành 3 phần rõ rệt. Với Giáo-hội thời tiên-khởi, thì: ngày mừng Phục Sinh được định ra theo cách sao đó hầu ăn khớp với Lễ Vượt Qua của Do-thái-giáo, tức: dứt-khoát phải rơi vào ngày thứ 14 tháng Nissan âm-lịch, là ngày trăng tròn. Khi xưa, Lễ hội Phục Sinh được tổ-chức chỉ ít ngày sau lễ Vượt Qua, cốt để Lễ-hội này được rơi vào bất cứ ngày thường nào, trong tuần cũng đều được.

 Quyết-định tổ-chức Lễ Hội Phục Sinh luôn vào ngày của Chúa, là vì Đức Chúa của ta đã phục hồi sinh lực từ cõi chết đúng vào ngày Chúa Nhật, chuyện đó bắt đầu từ Công Đồng Nicê do hoàng-đế Constantine triệu-tập vào năm 325.

 Công-đồng đây, quyết-định rằng: Lễ Hội Phục Sinh phải được tổ-chức mỗi năm vào Chúa Nhật đầu  sau hội trăng tròn đến sau ngày Xuân phân vùng Bắc Bán Cầu. Ngày xuân phân, xảy ra một năm hai lần qua đó, mặt trời băng ngang đường Xích-đạo và vì thế ngày và đêm có thời-gian dài bằng nhau trên toàn thế-giới. Và, Xuân phân bao giờ cũng rơi vào mùa Xuân.

 Để cho dễ định trước ngày Lễ Phục Sinh rơi vào ngày nào mỗi năm, Giáo-hội đã quyết rằng ngày Xuân phân sẽ luôn rơi vào ngày 21 tháng Ba, dù theo ngôn-ngữ thiên-văn-học, ngày ấy có thể rơi vào ngày 20 tháng Ba năm ấy, cũng vậy. Thế nên, ngày tháng tổ-chức Lễ Phục Sinh có thể định ra từ 22 tháng Ba đến 25 tháng Tư.

 Nhiều thế kỷ cứ thế trôi, tiếp theo sau Công-đồng Nicê, tất cả các Giáo-hội dù Đông Phương hay Tây Phương, kể cả Giáo-hội Chính-thống phương Đông cũng mừng Phục Sinh vào cùng một ngày. Nhưng kể từ năm 1582 trở đi, sự việc đã thay đổi. Đến năm ấy, toàn thế-giới Rôma lại theo lịch do Hoàng Đế Julius Cesar chọn đưa vào từ năm 46 trước Công Nguyên. Lịch này gồm 365 chia cho 12 tháng cộng một ngày trội dư, cứ 4 năm một lần, sẽ rơi vào tháng Hai dương-lịch.

 Và, để sửa đổi, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô 13 đã cải-tổ niên-lịch, bỏ đi 10, để rồi Thứ Năm 4 tháng Mười trong lịch của Julius Cesar sẽ kéo theo sau là Thứ Năm 15 tháng Mười theo lịch mới Grêgôriô. Trong khi toàn-thể phương Tây đã chọn lịch Grêgôriô, thì kể từ sau năm 1582, phương Đông lại vẫn tiếp tục theo lịch của Julius Cesar. Kết quả là, ngày tháng của họ đi trễ 10 ngày sau lịch Grêgôriô… Từ ngày ấy đến nay, có rất nhiều cuộc tranh-cãi/bàn luận trong đó Giáo-hội Công-giáo có tham-dự nhưng không đi đến thoả-thuận chung nào hết.

 Thành thử, nỗi niềm mơ ước của ta hôm nay và mai ngày là: nên tiếp tục có các cuộc thương-thảo Đông-Tây để mỗi năm ta mừng Đại Lễ Phục Sinh cùng ngày với nhau. Để được thế, cũng nên liên-lỉ nguyện cầu sao cho ước-mơ của mọi người sẽ thành hiện-thực, rất mau chóng.” (X. Lm John Flader, The Date of Easter, The Cathoplic Weekly 15/4/2012 tr.10)       

 Tổ chức cách sao đó cho ăn khớp với Lễ Vượt Qua của Do-thái-giáo”, cũng tựa như xác-quyết của người xưa, cứ bảo rằng: “Bê Lem, chốn Chúa sinh ra đời”, là cốt để ứng-nghiệm lời Ngôn-sứ nọ bảo: “Bê Lem hỡi, người không là thị-trấn nhỏ, bởi Đấng Cứu Tinh đã sinh ra trong thôn làng bé nhỏ của ngươi, kia đấy!”

Nói cách khác, các Lễ “lạy” hoặc Lễ “lạc” ở Đạo Chúa, chỉ bắt đầu vào các thế-kỷ sau này, khi các cụ đạo nghiên-cứu tháng ngày hoặc mà định ngày tổ-chức Lễ, là lấy từ Do-thái-giáo ra mà thôi. Còn nhớ, khi xưa, nhiều đấng thánh-hiền nhà Đạo cũng đưa ra nhiều xác-chứng, tựa như thế.

Như thế, là cốt để bà con mình còn giữ được tập-tục và lễ nghi trong Đạo, hệt như Do-thái-giáo. Có làm thế, ta mới hy-vọng đi dần vào chủ-trương “Đại kết các giáo-phái cùng thờ-phượng Đức Kitô là Đức Chúa; cùng kêu gọi mọi người hãy kết-đoàn trong tình thương-yêu của Đức Chúa. Bởi, Thiên-Chúa là Đức-Chúa-của-Tình-Yêu, rất thương yêu phải như thế, cũng dễ hiểu.

Về việc tái-tạo tinh-thần đoàn-kết đã có từ xưa, đấng bậc nọ trong Đạo Chúa từng có lời khẳng-định như sau:

Một trong các cuộc chiến do người Do thái nổi lên chống lại cường quyền La Mã, đã kéo dài chiến tranh suốt từ năm 66 đến 70 sau công nguyên, phá hủy thành thánh Giêrusalem và Đền Thờ của Chúa. Cho nên các Kitô hữu sống ở thành thánh, cũng thưa dần. Đến một lúc, bị biến mất chỉ để lại Galilê và Syria, dấu vết của tình tiết đấu tranh/tranh giành vai vế, lẫn địa vị. Chỉ mỗi cộng đoàn Phaolô của kiều dân Do thái là còn sống sót. Và, ràn chiên Hội thánh hôm nay là hậu duệ của cộng đoàn này.

 Chẳng mấy chốc, sau đó đã xảy đến với cộng đoàn một vấn đề rất mới, là: các thánh nay ngóng chờ Chúa sẽ lại quang lâm lần nữa, rất bất ngờ. Dù, việc này không xảy đến ngay tức khắc, nhưng các thánh cũng đã duy trì được căn tính của cộng đoàn, nhờ tái tạo nguồn nảy sinh tinh thần đoàn kết từ việc đọc Sách thánh viết bằng tiếng Do thái, và theo các giới lệnh, truyện kể có liên quan đến các anh hùng dân tộc.

 Và, nhờ cộng đoàn Phaolô vẫn nhớ đọc thư từ/bài viết do thánh nhân gửi các cộng đoàn, ở khắp nơi. Và, nảy sinh nhiều nhóm hội, trong đó, có nhiều vị thiên về nhóm theo Do thái. Có nhóm vẫn phụ trợ thánh Phaolô, rất mực. Nên, tính đa dạng càng phát triển mạnh nơi cộng đoàn tin Chúa Chiên Lành, là Đức Giêsu.

 Suốt thế kỷ thứ 2, kẻ tin vào Đức Kitô gần như biến dạng khỏi xã hội. Mãi cho đến đầu thế kỷ thứ ba, mới thấy một số tín đồ sở hữu đất đai, xây dựng các hang toại đạo để ẩn lánh, và cuối cùng dựng xây nhà thờ/đền thánh thiết lập chốn thánh thiêng cho cộng đoàn thờ tự. Xem như thế, ràn chiên Hội thánh mang tính cách hiệp nhất đích thực và chính tông của Đức Giêsu, đến rất chậm và khá trễ, lúc ấy lại thấy các giải thích về nhà Đạo, cũng đã khác.

 Đến giữa thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư, cũng lại thấy một vài cuộc bách hại quyết loại trừ các Kitô hữu khỏi hiện trường tín thác. Cho đến năm 313, khi hoàng đế Constantin ra tay nhân nhượng người tín hữu ở phương Đông lẫn phương Tây, cho phép mọi người được tự do lựa chọn tôn giáo nào mình tin tưởng.

 Từ đó, Kitô giáo đã trở-thành thực-thể xã-hội đối với quần-chúng. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong các cung cách dẫn giải niềm tin vào Đức Kitô được hoàng-đế Constantin chấp nhận. Mọi qui-cách khác đều đi vào chốn “thầm-lặng”, rất bí mật. Và vì thế, phần đông đã mất dạng.

 Thời kỳ hậu-Constantin, chỉ một đạo-giáo mang tính nguyên-thuỷ, rất chính-cống. Và chỉ mỗi phái nhóm chính-tông/chính-cống này khả dĩ triển-khai lời dạy công-nhiên rằng Đức Giêsu Kitô vừa là Chúa, vừa là người. Và, Thiên Chúa rất Ba Ngôi cũng từ lúc đó, được quan-niệm. Vào cuối thế kỷ thứ hai, duy chỉ mỗi Đạo nguyên thủy-chính tông mới tồn tại. Số còn lại, đều trở-thành “lịch-sử”, lùi vào quá-khứ.

 Người Công-giáo, nay biết rất ít hoặc chẳng có ý-niệm gì về quá-trình lịch-sử của Đạo mình. Có vị chỉ có ý-tưởng khá mơ-hồ về lịch-sử, lại đã cho rằng: công cuộc Phục-Hưng thời Trung-cổ đã khiến Hội-thánh thêm rạn nứt.

 Và, rồi nghĩ rằng: ta thừa-hưởng được “lề phải” rất đúng đắn từ các tranh-luận về ràn chiên, một Chúa Chiên. Còn mọi giáo-phái khác đều có sai sót. Và, họ cũng cho rằng, Chúa Chiên Lành, là Chủ Chăn, chỉ nhân-hậu với đạo-giáo rất chính-tông là Công-giáo mình, thôi.” (X. Lm Kevin O’Shea CSsR, Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinhwww.suyniemloingai.blogspot.com

 Nói khác đi, thì chuyện định ra tháng ngày tổ-chức Lễ Hội Phục Sinh, cũng chỉ để bà con trong Đạo nhớ mà thực-thi cuộc sống sao cho “ứng-nghiệm với tinh-thần của người xưa trong Cựu Ước” hoặc dã-sử Do-thái-giáo, mà thôi.

Ngõ hầu “ứng-xử” và “cảm-nghiệm” tinh-thần kết-đoàn giữa mọi người trong cùng một đạo-giáo, có lẽ thi-thoảng ta cũng nên làm như thế.

Để chứng-thực và minh-hoạ cho xác-quyết này, có lẽ cũng nên mời bạn và mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể mang nhiều ý-nghĩa tinh-tế về thương yêu, đùm bọc rất kết-đoàn như sau:

“Có cậu bé nọ mồ côi cha mẹ từ bé. Cậu có một ước mơ nho nhỏ thôi, đó là có một mái ấm gia-đình để mà yêu thương để mà nương tựa. Hằng đêm mỗi khi nhắm nghiền đôi mắt và ngủ thì cậu luôn luôn mơ đến việc được nằm cuộn tròn trong vòng tay của cha, được mẹ hôn lên trán mỗi buổi sáng. Nhưng giấc mơ thì vẫn chỉ mãi là giấc mơ. Sự thật rành rành trước mắt là cậu không hề có gia đình hay một mái ấm thật sự nào.

 Cha mẹ cậu đã bỏ rơi cậu ngay từ khi cậu mới vừa sinh ra. Nhưng không vì thế mà cậu ghét họ chút nào, mà lại còn ngược lại nữa cơ. Cậu luôn tự nhủ với mình rằng: “Chắc là vì một lý-do nào đó họ mới làm vậy thôi ,chứ họ không hề muốn như thế”. Cứ thế cậu cứ thầm nói với lòng mình, tự an ủi chính mình như một thằng ngốc, mặc cho số phận cứ trôi nổi mãi, nhưng đối với cậu, nó là một con số không to và tròn trĩnh hơn bao giờ hết. Cha mẹ cậu chưa một lần thiết-tha nhớ đến cậu ,dù chỉ là một giây.

 Ngay từ hồi còn nhỏ, cậu bé lớn lên trong nhà thờ. Và được “cha sở” cùng các xơ đặt cho cái tên rất có nghĩa, là Bình-Minh. Đơn-giản, chỉ vì họ mong sau này, dù có ở nơi nào đi nữa thì cậu bé vẫn mãi mãi tỏa sáng.

 Hằng ngày, các xơ cùng với cha sở luôn luôn lo lắng và chăm sóc cho cậu, dành hết tình thương của mình để bù đắp phần nào nỗi đau mất mát lớn trong lòng cậu. Để cậu không bao giờ cảm thấy tủi thân và mặc cảm với mọi người rằng mình không có cha mẹ như bao trẻ em khác. Cậu hiểu rõ điều đó lắm chứ, cậu biết là cha và các xơ yêu cậu lắm đấy. Nhưng cậu vẫn thấy có cái gì đó nhói ngay trong chính trái tim mình mỗi lần đêm đến.

 Và cứ mỗi lần như thế, đêm nào cậu cũng ngồi bật dậy, đứng trước bàn thờ Chúa mà cầu nguyện. Vì cậu nghĩ: “Chắc chắn một ngày nào đó cha mẹ sẽ tìm được mình và đưa mình về nhà, mình sẽ có một gia đình hạnh phúc. Mình tin rằng như vậy”. Thế đấy, cậu cứ tự lừa dối chính bản thân mình, tự lừa dối  chính mình, rồi cảm thấy “Mình thật là ngốc!”

 Vẫn như thường lệ cuộc sống trong nhà thờ, đối với cậu, đã là một niềm vui. Tưới cây quanh khu vườn, rồi đọc kinh thánh cùng các xơ, để cảm thấy vui hơn và có niềm tin vào cuộc sống. Vì hôm nay là chủ nhật, nên mọi người đi nhà thờ rất đông. Mới sáng ra, mà đã có nhiều người đến rồi.

 Cậu ra mở cổng, rồi quay vào trong. “Trời hôm nay đẹp thật, không một gợn mây, thích thật” Vừa đi cậu vừa nghĩ lẩn thẩn như thế; bỗng có chú nhóc vô tình va phải cậu. Thấy thế cậu liền bảo:

_Lần sau em nhớ cẩn thận hơn nhé

Nó cười te toét bảo cậu:

_Vâng, cảm ơn anh!

Cậu hơi thắc mắc không biết người thân của chú nhóc đó đâu vội hỏi:

_Nhóc này! mẹ em đâu?

_Dạ ,ở đằng kia ạ! Nói vừa dứt câu, một người phụ nữ có một khuôn mặt hiền-hậu bước tới bảo:

_Nãy giờ con đi đâu thế, làm mẹ lo quá, cứ tưởng là con đi lạc!

Thấy những cử chỉ ngọt ngào của mẹ cậu bé thế ,cậu hơi buồn buồn một tí ,nhưng rồi giật mình khi nghe tiếng nhóc con la lên”

_Mẹ ơi hồi nãy con té, anh này đỡ con lên đấy mẹ ạ!

_Thế à! Người phụ nữ liền nhìn cậu rồi nói:

_Cảm ơn cháu nhé !Nói rồi người phụ nữ đó xoa đầu cậu rồi bước đi.

 Cậu trở về với thực tế, nãy giờ cậu cứ ngỡ là mình đang ở trên thiên đàng. Nhưng rồi cậu lại lủi thủi bước vào vườn tưới cây, bỗng thấy một bàn tay bóp nhẹ vai mình, thì ra đó là xơ Anne.Thấy cậu buồn, xơ liền hỏi:

_Sao con buồn thế, Minh?

_Có gì đâu xơ, chỉ là con cảm thấy…. nhớ mẹ thôi! Vừa nói cậu vừa mếu máo như một đứa trẻ, thấy vậy xơ liền ôm cậu vào lòng nói:

_Nín đi con ,dù sao hôm nay xơ cũng có tin vui cho con đấy.

_Con nhìn này, đây là Linh, từ nay bạn ấy sẽ là bạn của con. Do bố mẹ bạn ấy đi làm bận bịu nên gửi vào đây, chiều bố mẹ sẽ đón bạn về. Linh chỉ ở lại mỗi ngày chủ nhật thôi. Nên con phải hòa đồng với bạn đấy nhé. À! còn Linh nữa, đây là Minh! hai con làm quen với nhau nhé!

_Dạ con biết. Cả hai đồng thanh nói.

_Tốt lắm thế vậy …Xơ đi đây !

 Nói rồi cậu tiếp tục tưới vườn, cứ tưới tưới rồi tỉa lá cho cây hồng mình yêu quý mà không để ý rằng Linh đang đứng đó .Thấy cậu im lặng Linh liền bắt chuyện hỏi:

_Vậy cậu tên là Minh, nhưng mà cái gì Minh thế, tớ hỏi cho biết được không?

Cậu cười mỉm với Linh rồi bảo:

_Mình là tên là Bình Minh, 14 tuổi, mình sống trong nhà thờ này từ khi còn bé. Còn cậu?

_Mình là Mai Linh. Cũng 14 tuổi như cậu.

 Nói rồi cậu bảo:

_Vậy à! Cậu có muốn ra vườn với tớ không, tớ sẽ chỉ cho cậu xem cái này hay lắm.

Nói rồi, cả hai cùng đi dạo ra vườn, vừa đi Linh vừa hỏi:

_Tớ vẫn còn thắc mắc sao cậu lại sống trong nhà thờ từ bé thế? Linh trố mắt hỏi cậu:

_À ! Là vì …tớ ..mồ côi!

_Vậy à! Tại tớ không biết nên mới hỏi, xin lỗi nhé! Từ nay tớ sẽ là bạn thân nhất của cậu.

_Ừ! Đang nói bỗng cậu la toáng lên.

_Tới rồi! Đây là đài phun nước, đẹp không cơ chứ?

_Ừ đẹp thật. Cám ơn đã chỉ cho tớ xem. Còn bây giờ thì.. .vừa nói Linh vừa cầm vòi xịt lên bảo:

_Chết cậu rồi nhé!

_Không, đừng đùa kiểu đấy!

_À há! Không à! Vừa nói Linh vừa xịt nước vào người cậu cả hai ướt nhẹp như con chuột lột. Bị mấy xơ la cho một trận tơi bời.

 Thấy thế, Linh liền ra mặt nói thay cho bạn:

_Tại con đấy! Các xơ đừng la Minh.

_Hai cái đứa này. Sơ có la cũng chỉ muốn tốt cho hai đứa thôi.

_Được rồi vào thay đồ đi, nếu không lại cảm lạnh bây giờ!

_Dạ! Cả hai nói tiếng “dạ” thật nhỏ ra vẻ như đã hối lỗi.

_Thấy chưa! tớ đã bảo, mà không nghe!

_Biết rồi đừng la nữa, lần sau không làm như thế nữa, được chưa?

_Sao cũng được. Tuần sau, cậu đến nữa không?

_Có! Chắc chắn mà.

 Cứ thế thời gian thấm thoát trôi nhanh, cũng gần một tháng, cậu bé và Linh ngày càng thân thiết với nhau hơn. Có lần, cậu bé còn được bố mẹ Linh đối đãi như con trong nhà. Cậu cảm thấy rất vui. Một hôm Linh bảo:

_Nếu có một điều ước, cậu sẽ ước gì?

_Tớ ước sẽ có bố mẹ như cậu.

_Vậy à! Đơn giản chỉ thế thôi sao?

_Ừ! Tại cậu không biết đó thôi, chính mái ấm gia-đình là nơi giúp con người ta trưởng-thành nên người và thành-công trong cuộc sống, cho nên tớ chỉ ước có được bố mẹ giống như cậu, có một gia-đình để được yêu thương như cậu, là tớ mãn nguyện lắm rồi.

_Thế tớ sẽ nói với bố mẹ tớ nhận cậu làm con nhé! Lúc đó tớ sẽ có một người anh là cậu rồi nhỉ?

_Nhưng ….liệu có được không?

_Tớ cũng không biết, cứ thử xem sao. Bố mẹ tớ cũng thương người lắm. Đừng lo!

_Tớ chỉ sợ …..

_Cậu sợ gì? Linh ngơ ngác hỏi.

_Bố mẹ cậu lấy tiền đâu ra để nuôi cả hai đứa mình đây? Lại còn tiền học, tùm lum hết!

_Chuyện đó, cậu đừng lo! Bố mẹ tớ xoay xở được mà.

_Nếu được thế, thì cảm ơn cậu nhiều lắm.

_Có gì đâu

 Linh cười với bạn, bỗng chợt nghe có tiếng xe bên ngoài cổng nhà thờ. Thì ra, là bố của Linh. Linh định ra mở cửa nhưng cậu bé vội níu tay lại bảo:

_Để tớ đi cho!

_Cũng được.

_Ồ là cháu đấy à Minh.

_Dạ cháu chào bác.

_Ừ ngoan lắm, phải chi con Linh nhà Bác được một phần như cháu.

 Lúc đó Linh bước ra nũng nịu với bố mình, rồi bảo:

_Bố nói xấu con nhé! Con giận bố luôn.

_Đó con thấy chưa, hơi một tí là giận người lớn, thiệt là ….

_Bố khen bạn ấy hoài à, con hỗng chịu đâu.

_Thôi được, vậy bác về cháu nhé

 Tối hôm đó, cậu bé trằn-trọc mãi không ngủ được; không biết Linh có xin được bố mẹ bạn ấy nhận cậu làm con nuôi không nữa? Thầm nghĩ thế, nên cậu cứ thấy lồm cồm, nôn nao trong bụng. Một tuần lễ đã lặng lẽ trôi qua, mà cậu bé chưa gặp được Linh, không biết có chuyện gì xảy ra không nữa. Hay là do sợ phải nhận cậu làm con, nên họ không cho Linh đến đây chơi với cậu nữa? Vậy là cậu mất bạn rồi sao. Cậu cứ lo như thế mãi không ngủ được đến mấy ngày liền.

 “Hơn hai tuần rồi, mà sao chưa thấy tin tức gì của Linh và bố mẹ bạn ấy đâu hết. Chắc là, họ không chấp-nhận nên không cho Linh qua đây rồi?”

 Đang suy nghĩ, bỗng cậu bé thấy có người lại gần, thì ra là xơ Anne và xơ James. Họ lần lượt hỏi:

_Sao mấy ngày nay không thấy con Linh nó tới, hai đứa có gì giận nhau sao? Xơ có nghe nó bảo là: nó sẽ về nói với bố mẹ về việc nhận con làm con nuôi, nhưng ….không biết có được không?

 Cậu im lặng không nói gì, chẳng lẽ Đức Chúa Trời không cho cậu có được ước-mơ kia lại bắt cậu từ bỏ con bé đó sao? Trời đất thật phũ phàng và bất công! Vậy là, ước mơ của cậu bé đi tong theo gió rồi.

 Thấy vậy hai xơ không nói gì thêm, mỗi bảo rằng:

_Thôi đừng buồn con à, sẽ có dịp khác thôi. Xơ đi vô đây. Cố lên con nhé! Cuộc sống, còn nhiều cơ hội mà!

Nghe thế, cậu bé chỉ lặng im, chẳng biết nói sao bây giờ, bỗng nghe có tiếng la lớn.

_Minh ơi, ra mở cửa cho tớ với!

_Trời đất! Mới nhắc, đã tới thật sao? À thì ra là Linh. Cậu bé vội ra mở cửa xem ai, xém té u đầu.

_Cậu đây rồi, xin lỗi nhé hai tuần rồi, tớ không tới được là bởi vì tớ phải dọn nhà.

_Thế hả? Cậu bé trơ mặt ra, không hiểu chuyện gì bèn hỏi ngay:

_Dọn nhà? Sao, có chuyện gì thế?

_Có cả tin vui lẫn tin buồn đây, cậu muốn nghe tin nào trước?

_Tin buồn trước.

_Được, thế thì cố nghe cho kỹ đây. Từ nay, cậu sẽ chính thức là anh của tớ. Tớ sẽ tha hồ bắt nạt cậu!

_Là sao, tớ vẫn chưa hiểu?

_Có nghĩa là: bố mẹ tớ chịu nhận cậu làm con nuôi rồi chứ sao với trăng gì, cậu khờ thế?

_Thiệt không?

_Chứ chả lẽ tớ nói xạo với cậu à? vừa mới nói xong, Linh vội vàng lôi cậu bé vào bên trong, bảo:

_Thu xếp đồ đạc đi!

_Nhưng …nhưng, tớ phải chào tạm-biệt các xơ và cha sở đã chứ.

_Ừ lẹ lên đi!

 Nói rồi, cậu bé vọt vào nhà trong. Thế là, từ nay cậu đã có cha/có mẹ như bao người khác rồi, Ông Trời đã không bỏ mặc cậu, Ngài đả biến ước-mơ của cậu thành hiện-thực rồi. Dù không là cha mẹ ruột, nhưng miễn sao cậu bé có được gia đình để yêu thương, nương tựa là cậu vui rồi. Từ nay, mình sẽ không còn buồn và cô đơn nữa. Cuộc sống mới, đang chờ đợi mình ở đằng trước.

 Trong lúc thu xếp đồ đạc, cậu bé chạy lại ôm các xơ và cha sở mà chào tạm-biệt họ, bỗng có một bàn tay khác ôm cậu vào lòng đó là mẹ của Linh và bố cậu ấy. Thế vậy, là đúng rồi đây! Không phải là giấc mơ nhưng là sự thực. Trên đời này, vẫn còn có người tốt như bố mẹ của Linh. Họ đã chấp-nhận cậu làm con rồi. Cậu bé vui mừng biết bao khi nghe tin ấy. Bởi thế nên, cậu đã tự hứa với lòng mình là: từ nay sẽ sống tốt và hết mực yêu thương bố mẹ “mới “ của mình .

 Và tiếp theo là lời bàn của người kể: “Thế đấy các bạn ạ! Cuộc sống luôn chứa-đựng nhiều mơ ước của các bạn nhỏ như chúng ta. Và, nhiều bạn còn bất hạnh hơn ta nhiều. Họ luôn khao-khát có được một gia đình như ta. Bởi thế nên, các bạn cũng phải biết yêu thương bố mẹ của mình và luôn tôn-trọng những gì mình đang có được, như hôm nay. Hãy sống cho thật tốt nhé, hỡi bạn mình!” (Truyện kể rút trên mạng)

 Suy và gẫm qua truyện kể như thế rồi, nay ta hãy cùng với ban Hallêluyah của Học-viện Dòng Chúa Cứu Thế  Đà Lạt vào thập niên 1960’, mà hát tiếp:

“Mừng hát hỡi những ai xuôi triền thất vọng.

Mừng hát hỡi những ai ôm niềm đau.

Vì có Chúa Tình Yêu đang ở với ta.

Mừng hát hỡi những ai lê đời khó nghèo.

Và ai trơ trụi ngay trên giường chết.

Vì có Chúa Trời Đất đang ở với ta.”

“Mừng hát hỡi những ai mong cuộc đổi đời.

Và ai đang dựng-xây cho trần-giới.

Vì có Chúa Tạo Hóa đang ở với ta.

Mừng hát hỡi những ai mơ mùa thái-hòa.

Và ai đang mạnh tay tắt lửa chiến.

Vì có Chúa Bình Yên đang ở với ta.

Lá lá la la la la là!

 Chúa yêu trần-thế…

Đã chết cho đời, và đà sống lại, hát lên người ơi!

Hallêluyah!”

(Thành Tâm/Sỹ Tín CSsR– bđd)

Trần Ngọc Mười Hai

Lúc nào cũng muốn hát

Những ý/lời của nhạc-bản

Rất như thế.          

NGÔI SAO TRUYỀN THÔNG, LINH MỤC CA NHẠC SĨ, MARCELO ROSSI ĐÃ NHẬN LÃNH GIẢI THƯỞNG “HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN” .

NGÔI SAO TRUYỀN THÔNG, LINH MỤC CA NHẠC SĨ, MARCELO ROSSI ĐÃ NHẬN LÃNH GIẢI THƯỞNG “HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN” .

Tổng Hợp Báo Chí

Tác giả: Phan Sinh Trần

 

Là một linh mục, tuy nhiên cha Marcelo Rossi lại trở thành một ngôi sao sáng, một hiện tượng nổi bật trên các phuong tiện truyền thông đại chúng vào cuối những năm 1990. Là nghệ sĩ Ki tô giáo lớn nhất ỏ Châu Mỹ La tinh, Cha đã có trên 11 triệu album nhạc bán ra tính đến thời điểm này. Marcelo Rossi được biết nhiều bởi các nhạc điệu nhẹ nhàng, thanh thoát, vui tươi của Ngài, trình bày trong các dĩa nhạc, CD, DVD. Ngài thường xuyên xuất hiện trên các chương trình TV phát đều đặn nhiều buổi khác nhau trong các ngày cuối tuần, chương trình trên radio có tới 3 triệu người lắng nghe hàng ngày, một con số mà hiệp hội ký giả truyền thanh Brazil phải công nhận là điều kỳ diệu.

Ngài đã phát hành 27 dĩa album nhạc kể từ năm 1997.

Năm 2003, Cha Marcelo làm phim đầu tay “Maria, Mẹ Thiên Chúa”, bộ phim gây bão tố trong các rạp chiếu phim ở Brazil, đứng hạng thứ bẩy về doanh thu trong các rạp. Các Film sau đó cũng gây được nhiều chú ý, thành công về doanh số.

Năm 2006 được đánh dấu bằng dĩa nhạc “Ơn phúc của tôi – Minha Bencao” phát hành bởi hãng Sony BMG, là dĩa nhạc bán chạy nhất trong hai năm liền (dĩa kim cương), đến năm 2008, Cha phát hành các dĩa hát “Hòa Bình vâng – Paz Sim”, đứng hạng nhì, dĩa “Nói không với Bạo lực -Violencia Nao” hạng sáu về doanh số bán (dĩa bạch kim).

Linh mục Rossi, tuy có doanh số dĩa hát, phim ảnh, sách viết bán chạy hạng nhất ở Ba Tây và các nơi khác, trị giá hàng mấy chục triệu mỹ kim nhưng ngài lại sống rất đơn sơ và nghèo khó về tiện nghi vật chất. Cha thường xuất hiện trên sân khấu trong chiếc áo dòng cũ hơi bạc màu.Toàn bộ số tiền thu được đều dành cho việc xây dựng nhà Chúa, đóng góp cho quỹ truyền thông Tin Mừng và trao tặng cho người nghèo.

Xuất xứ từ thành phố Sao Paolo, nơi Ngài được sinh ra trong một gia đình Công Giáo trung lưu, cha Ngài ông Antonio Rossi, làm việc nhiều năm trong cương vị quản lý ngân hàng, mẹ, bà Wilma nội trợ. Được cha mẹ nuôi nấng tốt nhưng đến năm 16 tuổi, bị khủng hoảng đức tin, anh Marcelo quyết định không đi nhà thờ nữa, đến năm 22 tuổi, tốt nghiệp nghành giáo dục thể lý tại đại học Sao Paolo. Cùng khoảng thời gian đó, anh Rossi rất đau buồn vì hai biến cố lớn xảy ra dồn dập trong đời mình, anh mất người anh em họ trong một vụ tai nạn xe hơi rồi tiếp đến, người cô quí mến nhận được kết quả xét nghiệm với bịnh ung thư bưới ở đầu. Hai thảm kịch gia đình làm cho Marcelo quá đau xót và thương tổn nhiều, nhưng biến cố đó lại đem anh đến, kết hiệp với  Chúa, anh quay về với Hội Thánh nhờ liên hệ, sinh hoạt với một nhóm cầu nguyện Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo nọ, tiếp tục lớn lên trong ơn sủng, Marcelo bắt đầu tham gia sinh hoạt trong giáo xứ, một năm sau đó, hứng khởi bởi loạt phim truyền hình về cuộc đời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo đệ nhị, anh quyết định dâng hiến cuộc đời cho Chúa,  tu học tại phân khoa tâm lý học ở đại học Nossa Senhora da Assunção và thần học ở đại học Salesiana de Lorena. Cha được thụ phong vào ngày 1 tháng 12 năm 1994. Cha kể:

–          Khi tôi tái khám phá Đức Tin thì Giáo Hội (Brazil) đang chìm đắm trong các vấn đề chính trị, bởi vì ảnh hưởng của Thần Học Tự Do, dạng thần học chắc chắn đã có vai trò tích cực trong thể chế độc tài, và cũng để lại khoảng trống tâm linh cho tín hữu. Đó là lúc tôi bị mất người em họ, và tôi liền đi tìm Lời Chúa để giải thoát, nhưng khi tôi đến nhà thờ thì lại phải nghe họ nói  về chính trị. Từ lúc này, tôi nhận biết ra mình phải làm gì, nghĩa là trở về với điều thiết yếu, trở về với cội nguồn của sự tốt lành, trở về với Tin Mừng đồng thời công bố Tin Mừng bằng các phương tiện truyền thông, cá biệt là âm nhạc, sợi dây dẫn truyền tốt nhất và rộng rãi nhất trong việc chia sẻ tình cảm, ngôn từ trong đời sống hàng ngày của người dân. Sử dụng âm nhạc để đáp ứng cho sự khát khao được biết Chúa, đánh thức tình yêu dành cho Hội Thánh, cho Mẹ Maria, sự sốt mến  Bí Tích Thánh Thể, tình yêu này vốn đã bị bào mòn vì sự truyền bá của các nhóm Tin Lành Ngũ Tuần và các hệ phái khác.

 

Cha trẻ Marcelo bắt đầu tăng tiến và nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, như người thợ gặt cần mẫn, Cha thu hoạch được rất nhiều hoa trái đức tin, có đông những đoàn người đổ về để tham dự thánh lễ do Ngài dâng tại giáo xứ Thánh Rosalia, vùng Santo Amaro, Sao Paolo. Càng ngày con số tham dự thánh lễ càng đông, lên đến số chục ngàn, việc phụng vụ thánh lễ được dời đến và cử hành ở những chỗ có sức chứa càng lớn hơn, cứ thế giáo dân tham dự đông đúc, tăng trưởng lên, cho đến khi Ngài phải sử dụng đại lộ Liên Hiệp Quốc ở thủ đô, và ngay cả đến các sân vận động như Maracana (sân vận động có sức chứa gần 200 ngàn người, lớn nhất thế giới).

hoặc sân Morumbi (72.000 chỗ ngồi),  như là quảng trường tập họp cho các thánh lễ Misa của Ngài vốn là cao điểm của các kỳ tĩnh tâm, hội thảo truyền giảng Tin Mừng và ca ngợi Chúa. Năm 1999, đoàn đoàn, lớp lớp tín hữu cùng nhau đi tham dự buổi tập họp thờ phượng, ca ngợi có tên là “Tưởng nhớ thì có, buồn bã thì không”, con số tham dự lên đến sáu trăm ngàn người.

Năm 2011 Cha Rossi khánh thành thánh đường ở vùng ngoại ô thành phố Sao Paolo, là trung tâm thờ phượng lớn nhất Châu Mỹ La tinh. Nhà thờ chứa được 100.000 người, bao gồm 25.000 chỗ bên trong mái thượng, 75.000 chỗ bên ngoài trong một khuôn viên rộng 30 mẫu tây.

         

        

Ø  Điều gì đã khiến giáo dân tuôn đến các buổi thờ phượng và thánh lễ do cha chủ xướng. Đó là sự phấn khởi và vui thích khi mọi người có dịp “nói yêu” Chúa bằng hết con tim trong các Bài hát Tôn Vinh Chúa, có dịp đắm chìm trong tình sốt mến nồng nàn dành cho Bí tich Thánh Thể, và sự an hòa trong tình con thảo dành cho Mẹ Maria. Họ đến và nhìn xem sự đơn sơ và thánh thiện toát ra trên khuôn mặt và đời sống của Cha. Giống như đặc điểm của các buổi thờ phượng Canh Tân Đặc Sủng, tinh thần vui tươi, đơn sơ, thánh thiện bao trùm trong các buổi lễ, trong giờ chầu Thánh Thể.

            Bạn có thể cùng tham dự ở đây:

               https://www.youtube.com/watch? v=Bi_-m8WpvRA

o   “Được cùng Cha Ca Ngợi Chúa thì niềm tin củng cố, đau khổ được an ủi và vơi đi nhiều”, đó là chia sẻ của một giáo dân đang tham dự lễ đã nói với phóng viên của đài truyền hình CNN.

o   Các tham dự viên nói “Cha làm cho người ta được cháy lên lủa sốt mến”

           Làm sao cha có được ơn kỳ diệu ấy, theo chị Maria một người công giáo toàn tòng, “sự mầu nhiệm là ở trong năng lực, niềm vui và sức mạnh”, 

           những điều này chỉ có thể có được khi hoàn toàn đâm rễ tâm linh sâu và sâu thẳm trong giòng suối ơn của Chúa Thánh Thần.

o    Có nhiều tín hữu đã khóc trong sung sướng khi mình thánh Chúa do cha rước đi qua chỗ đứng của họ. Một phụ nữ trẻ gạt nước mắt nói, “Tôi đến để tạ ơn vì lời cầu nguyện của tôi đã được đáp lại, tôi vừa có được việc làm. Tôi đến thẳng đây khi tôi vừa hoàn tất xong việc từ sở làm”

Thuở ban đầu, không phải Cha Marcelo không gặp nhiều khó khăn từ phía các đấng bề trên, do mục vụ có vẻ cách tân của ngài, Các Đức Giám Mục biết sự nguy hiểm tiềm ẩn của mục vụ đang hình thành, có thể dễ dàng biến dị thành sự phụng vụ trong mớ tình cảm thái quá giống như các giáo phái tin mừng diễn dịch. Nhưng đồng thời các Ngài cũng ý thức được các kinh nghiệm của Cha Marcelo Rossi là quan trọng, bởi vì đó là phương cách đáp ứng đàu tiên trên diện rộng lớn có thể dùng để chống lại sự tan biến, thưa di, mất dần dân số Công Giáo trong lịch sử của Brazil. Chính hồng y Claudio Hummes đã nói “ Ở Brazil, người công giáo giảm dần tỉ lệ 1% mỗi năm, Năm 1991 có 83 phần trăm, nay chỉ còn 67%. Cứ một linh mục công giáo thì có 2 mục sư Tin Lành …”

Brazil được mệnh danh là quốc gia Công Giáo lớn nhất thế giới với 126 triệu tín hữu, chiếm 11% tổng số tín hữu công giáo toàn cầu. Tuy nhiên Hàng Giáo Phẩm, Hội Thánh địa phương vẫn đang phải phấn đấu với các giáo phái diễn dịch phóng khoáng Tin Mừng, những kẻ nói nhanh trên các chương trình TV lôi kéo người nghèo bị bỏ rơi vào trong các đền xây cất xô bồ, lan trân ra khắp nơi, phát triển nhiều giống như các chi nhánh của tiệm bán đồ ăn nhanh “fast food”. Họ luôn kêu gọi, khuyến dụ các bà con nghèo khổ, trong các buổi nhóm, dốc hết túi tiền khiêm nhượng của mình để giao cho họ sử dụng, họ khuyến dụ rằng, bỏ tiền cúng càng nhiều càng tốt, để được Chúa lại quả, cho nhiều hơn gấp bội.Tin Mừng đối với họ, là sự hướng dẫn mà khán giả nên làm theo, nên đầu tư tiền bạc, công sức, để được thu lợi “một vốn mười bốn lời”, mục đích đi theo Tin Mừng chỉ nhằm để có được nhiều tiền của và súc khỏe ỏ đời này, họ không lưu ý đến ơn Cứu Độ vốn là cốt yếu của Tin Mừng… Chính ở đây, Cha Marcelo và nhà thờ lớn của Ngài đã vào cuộc, phản kích những gì lạc xa ý nghĩa thực của Tin Mừng.

Vi linh mục giảng thuyết  và cũng là tác giả của những quyển sách tu dưỡng tâm tánh bán chạy nhất tại Brazil, đang trấn giữ cho Công Giáo Brazil bằng cách làm cho hội thánh Brazil được trở nên thu hút hơn, bằng cách tiếp cận sự vui tươi,thanh thản của Tin Mừng Cứu Độ. Cha nói:

–          Hầu hết các giáo xứ của chúng ta như thuộc về thế kỷ thứ tư, kiểu cách trong phụng vụ không có gì thay đổi và giáo dân cứ tản mát đi.

Và rồi, cha làm lay chuyển những thói quen cũ bằng sự giới thiệu Tin Mừng qua nhạc rock, bằng các buổi cầu nguyện giống như trên sàn của rạp hát, và dùng hết kỹ năng thông tin cách xuất sắc,  gây được ấn tượng cho cả các người chuyên nghiệp. Cha tiếp:

–          Chúng ta không thể cứ ngồi chờ cho mọi người đến nhà thờ, hội thánh phải đi ra gặp gỡ và đem họ trở về.

 Theo thời gian, khi mọi sự đã rõ ràng hơn, Giáo Hội càng ngày càng thông cảm, công nhận và chúc lành cho công việc mang tính Canh Tân Đặc Sủng của Cha Marcelo, ngày 21, tháng 10, năm 2010 Đức Thánh Cha Bê nê đic tô thứ 16 trao giải thưởng “Hồng y Nguyễn Văn Thuận – Liên đới và Phát triển 2010” cho Cha nhằm công nhận “sự tận tụy dâng hiến cho Công Giáo như một nhà truyền giảng Phúc Âm hiện đại”.

Có lẽ phần thưởng lớn nhất Chúa ban cho Cha là được cùng với Đức Thánh Cha và các bạn trẻ khắp thế giới ca ngợi Chúa Giê Su, và ngài được toại nguyện về điều này trong dịp hè năm 2013, Cha cùng với các linh mục Canh Tân Đặc Sủng chia sẻ niềm vui của sự Ca Ngợi, Thờ phượng trước hàng mấy triệu bạn trẻ qui tụ về Rio de Janeiro để tham dự ngày giới trẻ thế giới – World Youth Day.

Ngay cả trong hoạn nạn đời người, thì Chúa cũng biến nó thành niềm vui rạng rỡ cho người con yêu của Chúa. Số là khi cha tập thể dục trên máy chạy bộ thì bị tai nạn chấn thương, phải làm lễ ngồi, trên chiếc xe lăn tay, thời gian còn lại, Bác sĩ không cho phép hoạt động để hồi sức và giúp cho vết thương được mau lành. Thời gian tĩnh lặng này là lúc cha được linh hứng viết các sách mới “Đức Ái – Agape” và “ Thời quyết định – Kairos”, sách ngay lập tức được đón nhận nồng nhiệt, số bán là 10 triệu bản cho sách “Đức Ái” và 2 triệu bản cho “Thời quyết định”. Xếp hạng kỷ lục trong lich sử xuất bản của nhà Editora Globo. Toàn bộ tiền bán sách dành hết cho công tác xây dựng đền thánh “Maria Mẹ Thiên Chúa – Theotokos”

Ta biết rằng: Với những ai yêu mến Thiên Chúa, thì Người đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành, tức là những ai đã được Người kêu gọi theo ý định của Người. (Roma 8,28 ).

Thánh lễ mới đây của cha :       https://www.youtube.com/watch? v=1QUfwE23D-c

         Nghi thức phụng vụ mới mà cha Marcelo diễn tả không chỉ dừng lại trong việc chọn lựa nhạc dùng trong phụng vụ mà đi ra ngoài luật lệ kinh điển, tạo nên một cộng đoàn Tin Mừng, khá thuần khiết, để những ai mơ ước về một giáo hội canh tân đặt nền tảng trên các cộng đoàn và sự lưu ý đến người nghèo khó, lẽ thường họ vốn không thể vượt qua vì có vô số các chia rẽ, phân cách trong các tầng lớp xã hội bao gồm từ người giầu sang cho đến người bần cùng ở đô thị, thì nay, họ có thể đến, họp thành cộng đoàn mới.

·         Ngày nay vị linh mục thể thao, người đã thiết lập kết cấu mục vụ Tin Mừng truyền thông bằng mấy ngàn cộng tác viên, người tự tay thiết lập hệ thóng “Globo” truyền hình để quảng bá niềm vui của Tin Mừng, Cha không còn phải đơn độc nữa, ngược lại, cha có nhiều bạn hữu cùng chung chí hướng. Từ những bước đi ban đầu của Cha, đi theo có nhiều các linh mục ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ sáng tác khác, như linh mục dòng Thánh Tâm Fabio de Melo, hay linh mục Hewaldo Trevisan, Reginaldo Mazotti, các ngài đều trong độ tuổi tứ tuần và có bề ngoài thánh thiện đáng mến cũng như cách nói làm hứng khởi, làm phát sinh hy vọng.

·         Kỷ niệm kim khánh Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo, chúng con  Xin Chúa Giê Su kính yêu cho giáo hội các nơi và Việt Nam của chúng con cũng có thật nhiều linh mục thánh thiện như  cha Marcelo Rossi. Xin Mẹ Maria cầu cho chúng con có rất nhiều linh mục hiếu thảo trọn tình với Mẹ như cha Rossi.

Xin Thần khí Chúa canh tân bộ mặt trái đất của chúng con qua tác vụ của những tôi tớ tận tụy của Ngài!

(Phan sinh Trần, tổng hợp bài viết của News Week, USA today, Washington Post, CNN, Tạp Chí Công Giáo,… về cha Marcelo Rossi.) 

Bức hình Ðức Mẹ Guadalupe, một thách đố đối với khoa học hiện đại

Bức hình Ðức Mẹ Guadalupe, một thách đố đối với khoa học hiện đại

VATICAN CITY – Với những kỹ thuật khoa học hiện đại còn trưng bày ra nhiều sự kỳ diệu về bức hình Ðức Mẹ Guadalupe được in trên áo chòang của Thánh Juan Diego vào ngày 12 tháng Chạp năm 1531: sự cấu kết của bức hình đến nay vẫn làm cho nhiều nhà chuyên môn kinh ngạc.

Vào năm 1936, Friz Hahn, giáo sư ở Mexico, lấy hai sợi chỉ từ tấm áo gởi cho Tiến sĩ Richard Kuhn, Khoa trưởng Phân khoa Hóa học Ðại Học Kaiser Wilhelm và là người được giải thưởng Nobel về Hóa học, sau khi nghiên cứu cùng với các giáo sư của phân khoa đã đi đến kết luận là màu sắc của các sợi chỉ không nằm trong danh sách những màu sắc mà họ đã nghiên cứu và hiểu biết. Năm 1951, họa sĩ Charles Salinas de Chavez quan sát bằng kính lúp một bức hình được chụp lại. Bất chợt ông tìm thấy trong mắt phải của bức hình có hình bán thân của một người đàn ông.

Ông liền tin cho Bác sĩ Rafael Lavoignet Torija, một nhà giải phẫu, ông này đã quan sát, nghiên cứu bức hình trong hai năm liền từ tháng bảy 1956 đến tháng năm 1958. Ông đã viết một bản tường trình chính thức là đã tìm thấy trong mắt của bức hình Ðức Mẹ Guadalupe, hình ảnh của một người đàn ông có râu đứng cách xa khỏang 40 centimet đúng theo như định luật quang học hiện đại. Con mắt đã thâu hình ảnh với những nét cong phản chiếu trong con ngươi như trong mắt của một người thường đang sinh sống.

Hình ảnh trong mắt của bức hình cũng được bác sĩ Javier Torroella Bueno nghiên cứu kỷ lưởng và cũng đi đến kết luận là chiếc áo choàng của Thánh Juan Diego đã chớp lại hình của Ðức Mẹ theo như định luật quang học và chớp ảnh. Chiếc áo đã như tấm phim chớp lại hình ảnh Ðức Mẹ khi Thánh Juan Diego đứng trước mặt Ðức Mẹ.

Một chuyên viên về thần kinh hệ, Bác sĩ Jorge Alvarez Loyo, muốn dàn dựng lại khung cảnh, dùng môt người đóng vai trò thánh Juan Diego một người đóng vai Ðức Mẹ. Ông sắp đặt đúng hệt như trong bản nghiên cứu và xem chiếc áo như là tấm phim cuả máy hình để thử nghiệm công trình của mình và ông đã kết luận đây là một sự lạ huyền nhiệm.

Như cánh bướm có nhiều màu sắc rực rỡ. Những cuộc nghiên cứu tiếp theo sau này cho biết bức hình không có nét vẻ mà chỉ có những màu sắc được in vào như chớp ảnh. Với lọai vải dùng làm áo choàng thời đó thường không thể lưu giữ lâu hơn 20 năm. Riêng chỉ việc bền bỉ lâu dài của chiếc áo với thời gian đối với người Mexico cũng là một phép lạ.

Màu sắc của chiếc áo làm cho các khoa học gia ngỡ ngàng. Năm 1789, Bác sĩ Bartolache đã cho sao chép lại bức hình trên vào những áo chòang cùng một loai vải, dùng những màu sắc pha chế bằng khoáng chất, loài vật và thảo mộc. Tất cả các bản sao được thực hiện bởi những họa sĩ tài danh khác nhau, xong đem so sánh với màu sắc chiếc áo nguyên thủy. Những màu sắc trên chiếc áo nguyên thủy luôn bền vững in hình Ðức Mẹ Guadalupe, trong khung cảnh ở Tepeyac và đã được giữ lại không phai lạt, hư hỏng qua nhiều thế kỷ, bởi vậy khoa học kỹ thuật tiến bộ cũng không thể nào giải thích được.

Năm 1975, bản tường trình của Bác sĩ Eduardo Turati thêm vào những nhận xét là ở những nơi vải bị mòn và rách vì đã dùng lâu ngày, người ta cũng tìm thấy màu sắc đã được in vào rất rõ ràng dù đã sờn rách. Màu sắc đó không phải được vẽ lên mà được in chụp vào.

Cuối cùng năm 1979, giáo sư Philip Serna và Jody Brant Smith dùng quang tuyến X để thí nghiệm. Dưới những nét vẽ tô chồng thêm bên ngoài ở những thời kỳ khác nhau đã bị nứt nẻ với thời gian: những nét màu hồng trên áo, những vành trên giải thắt lưng và trên vòng cung mặt trăng cũng đã được tô thêm theo thời gian và những nét tô thêm đó đều bị nức nẻ. Tóm lại những nét tô thêm sau này rất dể nhận thấy, nhưng dưới lớp tô chồng thêm, những nét tiên khởi vẫn rõ ràng không thể giải thích được.

Màu xanh trên khăn chòang của Ðức Mẹ trông như mới, mặc dù sức nóng của khí hậu nhiệt đới, màu hồng của chiếc áo phản chiếu ánh sáng tuyệt đẹp, trên nét mặt có những nét hòa hợp của người bản xứ và Tây phương với những nét đậm đà và trắng trẻo, sáng láng và tỏa ra màu rực rở như cánh bướm. Ðôi mắt đen nhánh và làn tóc của người Mẹ bé nhỏ (Morenita) cũng đầy những huyền nhiệm.

Bức hình tự chính mình cũng có khả năng tự vệ chống lại những phá hoại vô ý, vụng về cũng như có ác ý. Ví dụ điển hình là khi lau chùi khung kính bao che bức hình họ đã làm đổ chất acít nitric ở góc trái áo choàng đến nay vẫn còn nhìn thấy được, nhưng chiếc áo không hề bị hư hại bởi chất acít mà dấu acít cứ mờ dần với thời gian.

Sáng ngày 14 tháng 11 năm 1921 váo lúc 10 giờ 30, Luciano Perez, một người thợ, mang đến một bó hoa đặt dưới bàn thờ trong thánh đường trước tượng Ðức Mẹ. Anh ta vừa bước ra khỏi thánh đường thì quả bom dấu trong bó hoa phát nổ. Sức nổ làm sập bàn thờ, các chân đèn, các bình hoa và làm vở các cửa kính các dảy nhà lân cận, nhưng vòm kính bao che tượng Ðức Mẹ vẫn nguyên vẹn. Ðức Mẹ vẫn ở đó như lời Ðức Mẹ hứa qua bao thế hệ, Người Mẹ bé nhỏ của người Mexico, đày lòng thương xót, vẫn mãi bày tỏ lòng từ bi vô biên, và trở nên Ðấng Phù Trì che chở tòan lục địa Mỹ Châu.

Phó tế J.B. Huỳnh Mai Trác