THẤY, BIẾT RỒI LÀM CHỨNG

THẤY, BIẾT RỒI LÀM CHỨNG

Trong cuộc sống, chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.

Gioan cũng thế, trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, hai lần ông khẳng định: “Tôi đã không biết Người” (Ga.1:31-33).  Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu, Gioan thú nhận mình vẫn chưa “biết” Ngài.

Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (Lc.1:36), dù ông đã có một số thông tin về Ngài, và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (Mt.3:14), nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.

Ðược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.  Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá ra Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.  Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là “Đấng Thiên Chúa Tuyển Chọn.”  Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu lúc Ngài được ông làm phép rửa.  Bây giờ ông mới có thể nói: ông đã biết Ðức Giêsu.  Ông đã “biết” sau khi ông đã “thấy.”

Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm, thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn.  Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh luyện.  Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu.  Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng.  Ông vui khi giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ của mình.  Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga.3:26).  Ông sung sướng khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật lên (Ga.3:30).

Từ cái biết nhờ thấy, Gioan đã trở nên người làm chứng cho Đức Giêsu.  Hành trình chứng nhân của Gioan cũng là của bạn và tôi hôm nay: “thấy, biết rồi làm chứng.

Biết một người là chuyện khó.  Biết Ðức Giêsu còn khó hơn.  Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người Giêsu, Đấng đã là đích điểm giao hòa giữa trời và đất; Đấng là tạo hóa nhưng lại hòa đồng với tạo vật, và cũng là Đấng đã liên kết giữa thần linh thánh thiện và con người tội lỗi.

Ðể biết Ðức Giêsu, ta cần thấy Ngài tỏ mình ra.  Nhưng không phải ta sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng.  Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng.  Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, qua những con người đơn sơ ta vẫn gặp.  Ta cần tập nhìn thấy Ngài tiềm ẩn sau lớp vỏ bọc xù xì của thực tế đời thường.

Cần thường xuyên làm mới lại “cái biết” về Ðức Giêsu để mối tương quan của ta với Ngài mỗi ngày trở nên thâm trầm hơn, thân mật hơn.  Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư, là hiệp thông, là gặp gỡ, là chia sẻ chính cuộc đời của Ngài, là để “ta sống trong Ngài và Ngài sống trong ta”, thì cái biết đó phải là nỗ lực của cả một đời người Kitô.

Và lúc này đây, mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy dành ra đôi ba phút ngắn ngủi để đi vào lòng mình; để tìm gặp khuôn mặt Giêsu: Ngài đang ở đâu, ở chỗ nào trong cuộc sống của tôi?  Tôi phải làm gì để nhận ra Ngài, bắt gặp Ngài đang sống bên tôi trong cuộc đời tạm bợ này?

Gioan đã giới thiệu Ðức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa bỏ tội trần gian.”(Ga.1:29).  Còn bạn và tôi, chúng ta sẽ giới thiệu Ðức Giêsu như thế nào cho những người xung quanh ta hôm nay?

***************************************

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ vô nghĩa.  Xin cho con cảm nhận tình Chúa thật bao la sâu thẳm, để con luôn được sống trong tình yêu thương sâu thẳm bao la ấy.  Xin cho con biết Chúa thật nhân từ và bao dung, để mỗi khi con vấp ngã trên đường đời, con luôn biết chỗi dậy và trở về cùng Chúa.  Giêsu ơi! Xin Ngài hãy đến và cư ngụ trong lòng con luôn mãi, để không còn là con nữa, mà là chính Ngài đang sống trong con.  Amen!

R. Veritas

From: Langthangchieutim

Chiên Thiên Chúa 2.jpg

ĐIỂM HẸN BẤT NGỜ

ĐIỂM HẸN BẤT NGỜ

Gần nhà thờ Đức Bà là cả một quần thể panô, người ta dựng lên để quảng cáo cho những phim ảnh đang được trình chiếu tại các rạp trong thành phố.  Dù muốn hay không muốn, mỗi lần đi qua, những tựa phim cứ trải ra như tấm thực đơn thơm nức mời mọc, đến nỗi một người bạn thấy thế có lần đã thốt lên câu đùa: “Nếu chịu khó xem hết những panô quảng cáo này, người ta có thể trở thành nhà điểm phim nghiệp dư đấy.”  Ừ nhỉ!  Không xem phim thì xem tựa phim, biết đâu lại chẳng là một cái thú?

Mấy tuần lễ gần đây, thử để ý, đã thấy xuất hiện một cuốn phim mới tựa đề “Điểm hẹn bất ngờ.”  Chẳng biết nội dung thế nào, nhưng tựa phim ấy đã âm thầm đi vào bộ nhớ, để rồi chợt lóe lên khi tiếp cận với trang Tin Mừng hôm nay, đến nỗi cũng muốn gọi lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa như là một điểm hẹn bất ngờ.

1)    Điểm hẹn bất ngờ giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu.

Phúc Âm Nhất Lãm đưa ra ba bản văn song song rất giống nhau về việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa, nhưng riêng bản văn của Matthêu mới có mẩu đối thoại ngắn giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu như được trích đọc trong Tin Mừng hôm nay.  Và chính mẩu đối thoại tưởng như trầm chìm ấy lại là một bất ngờ lý thú làm nên điểm hẹn cho phép Rửa nơi sông Giođan.

Khi giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng, Gioan Tẩy Giả đã tuyên bố rằng mình chỉ là tiếng kêu bên ngoài, còn Đức Giêsu mới là Lời làm nên ý nghĩa; mình chỉ là cát hoang trải dài sa mạc, còn Đức Giêsu mới là Nẻo Đường thênh thang đi tới; mình dẫu đến trước nhưng lại có sau, còn Đức Giêsu dẫu đến sau nhưng hằng có trước; và mình chỉ rửa trong nước, còn Đức Giêsu mới là Đấng sẽ rửa chính thức trong Thánh Thần.  Ông tự nhận mình không đáng xách dép cho Đấng Cứu Thế.  Ấy thế mà, bất ngờ thay, chính Đức Giêsu lại đến với Gioan Tẩy Giả nằng nặc đòi ông làm phép Rửa cho mình: chủ sự bước xuống làm thụ nhân, còn thụ nhân lại miễn cưỡng đóng vai chủ sự.

Điều bất ngờ là điều người ta không chờ đợi.  Ở đây còn mạnh nghĩa hơn, bởi điều đó Gioan Tẩy Giả không hề nghĩ tới nên dám đâu đợi chờ.  Và vì thế, bất ngờ lại càng bất ngờ hơn.  Nhưng chính điều bất ngờ ấy đã thành điểm hẹn giao ca thế hệ giữa Cựu Ước mà Gioan Tẩy Giả là đại biểu, kết thúc với Tân Ước mà Đức Giêsu là Đấng khởi đầu.

Đồng thời, đó cũng là điểm hẹn gặp gỡ bất ngờ trong việc “chu toàn thánh ý Chúa.”  Nơi Đức Giêsu, đó là việc Người sống lấy thái độ công chính của Israel, nhưng lại đưa sự công chính ấy tới đỉnh cao hoàn thiện, cũng như khi chịu phép Rửa bởi nước, Người đã thánh hóa chính nguồn nước tái sinh.  Còn nơi Gioan Tẩy Giả, đó là việc ông đổ nước cho Đức Giêsu, một vinh dự đến bất ngờ, nhưng cũng chính vào giờ phút ấy, ông cảm nhận rất rõ rằng sứ vụ của mình tới đây đã mãn: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.”  Hình như ông đã sẵn sàng để chịu một phép Rửa khác, cũng là điểm hẹn bất ngờ cho ông: đó là kiếp ngục tù.

2)    Điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ đau khổ và Người Con chí ái.

Nếu bên ngoài, việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa đã là một điểm hẹn cho Gioan Tẩy Giả gặp gỡ Đấng Cứu Thế, thì đi sâu vào chính mầu nhiệm, đó còn là điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ mà Tiên tri Isaia đã ghi lại trong bài ca thứ nhất (bài đọc thứ nhất) và Người Con chí ái của Chúa Cha mà phần sau trích đoạn Tin Mừng đã nêu lên, làm thành một lễ Hiển Linh mới cho tất cả những ai cần được cứu độ.

Khi bước xuống dòng sông phép Rửa, Đức Giêsu tỏ mình ra không chỉ là Đấng đã đến sống giữa con người, mà còn là Đấng sống cho con người bằng cách đón nhận vào mình đời sống thực thụ của họ, để trọn vẹn liên đới với họ mọi mặt, kể cả mặt yếu đuối tăm tối đớn hèn nhất là thân phận tội nhân.  Người là tôi tớ của Giavê đã tự nguyện gánh tội trần gian, đã tự hạ chịu hết mọi nỗi đau của toàn thể dân mình, và mặc dầu chẳng vướng tội nhơ, Người đã nhẫn nhục cúi xuống lãnh nhận phép Rửa thống hối chỉ vì muốn liên đới đến cùng với mọi tội nhân.

Nhưng bất ngờ làm sao, chính khi bước lên từ dòng sông phép Rửa ấy, Đức Giêsu lại tỏ mình ra trong một quang cảnh hoàn toàn khác lạ, làm thành đỉnh cao của toàn thể mầu nhiệm Hiển Linh: Người được tiếng từ trời xác nhận là Con chí ái, và được Thánh Thần tấn phong làm Đấng quy tụ tất cả nhân loại về một đầu mối cứu độ.  Đất bỗng gặp Trời, Người Tôi Tớ đau khổ bỗng hóa nên Người Con chí ái, và Người tự hạ xóa mình ra không lại bất ngờ nên Đấng vừa làm đẹp lòng Cha, vừa làm thỏa lòng mong ước của bao thuở đợi chờ.

Và như thế, dòng sông phép Rửa đã nên điểm hẹn bất ngờ để Chúa Giêsu tỏ mình cho nhân loại: Người vốn là Con chí ái của Chúa Cha, nhưng đã tự hạ làm người Tôi Tớ, và khi đi đến cùng trong đau khổ, Người là Đấng thuộc về Trời cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

3) Điểm hẹn bất ngờ giữa đời làm người và đời làm con Chúa.

Điểm hẹn bất ngờ nơi sông Giođan, đối với Chúa Giêsu, đã như một dự báo về công cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, để từ đó mở ra những điểm hẹn mới cho tất cả những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Được trở nên chi thể Chúa Kitô, được thông phần sự sống thiên linh và được trở nên con Thiên Chúa: đó là thiên chức của đời tín hữu.  Nhưng thiên chức ấy không miễn chuẩn cho họ khỏi phải chu toàn những trách vụ trong đời sống trần thế mà họ là thành phần.  Do đó, đời tín hữu chính là một điểm hẹn bất ngờ giữa cuộc sống đời và cuộc sống đạo, giữa phận làm con người và phận làm con Chúa, giữa sự sống nhân linh và sự sống thiên linh.  Vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao chu toàn được cả hai mặt sống trong cùng một cuộc đời, làm sao cho mặt ân sủng không bị nhận chìm vì nhu cầu cơm áo, và làm sao cho mặt đời thường được nâng lên ngang tầm với sức mạnh của thánh ân?

Sẽ là một điểm hẹn đáng buồn nếu như hai mặt sống không có sự đồng bộ, sẽ là một điểm hẹn đáng trách nếu đạo đời vẫn tiếp tục ly thân; nhưng sẽ là một điểm hẹn của niềm vui nếu như đời tín hữu là một đời biết chu toàn thánh ý Chúa, cho dẫu nhiều khi vì thánh ý mà phải chấp nhận một số thiệt thòi nào đó trong đời.

Và bởi vì việc Chúa chịu phép Rửa là một bất ngờ về tình liên đới, nên giới luật yêu thương với những hành động cụ thể cũng là một điểm hẹn đem lại những hiệu quả bất ngờ nhất cho những kẻ sống tinh thần của con Chúa trong phận kiếp của con người.  Biết liên đới là biết dẹp bỏ mọi hàng rào cản lối yêu thương, và sống liên đới cũng có nghĩa là không mệt mỏi vượt qua những ranh giới vị kỷ của bản thân mình, để không chỉ đón nhận người khác mà còn quan tâm thăng tiến họ nữa.

Hôm nay Phụng Vụ khép lại Mùa Giáng Sinh, đồng thời mở ra Mùa Thường Niên.  Không còn nữa những tưng bừng bên ngoài, nhưng vẫn có đó một sâu lắng niềm vui.  Bởi cuộc đời Chúa Kitô là điểm hẹn giữa thiên tính và nhân tính để bất ngờ mở ra mùa cứu độ, cuộc đời mỗi Kitô hữu cũng muốn là điểm hẹn giữa ơn thánh Chúa và nỗ lực con người để xin được vươn tới những bất ngờ hạnh phúc.

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống (Trích trong “Với Cả Tâm Tình” – Trg. 37)

From: Langthangchieutim

Điều con xin hôm nay là ơn tha thứ.

Đêm nay là đêm giao thừa từ năm cũ 2019 bước sang năm mới 2020. Trong giờ linh thiêng nhất trong năm, với suy nghĩ làm sao cho đời sống của mỗi người chúng ta được BÌNH AN, VUI TƯƠI, HẠNH PHÚC, để trong cõi đời trần thế hiện tại này được nhẹ nhàng, thư thái, khoan dung, yêu thương và được yêu thương. Để sau này, lúc ra đi, linh hồn ta cũng nhẹ nhàng, êm ái, tràn đầy tình cảm yêu thương, thần thái vui tươi, hạnh phúc trong nước Trời.

Trong suy tư đó, xin gởi đến tất cả những người thân yêu lời kinh dưới đây. Mời đọc và suy ngẫm.

Phùng Văn Phụng

Kinh Tha Thứ

 Lạy Chúa Giêsu, điều con xin hôm nay là ơn tha thứ.

Lạy Chúa, con xin tha thứ cho chính con: những tội lỗi của con, những lỗi lầm của con, những sa ngã của con, những điều xấu trong con, những mê tín dị đoan của con, cầu cơ lên đồng, xem tử vi, coi chiêm tinh gia, coi thầy bói, đeo những bùa may mắn hộ mạng. Con từ bỏ tất cả những dị đoan đó. Con tin nhận Chúa là Chúa cứu thế duy nhất của con. Xin hãy ban Thánh Thần Chúa trên con. Con tha thứ cho con vì: đã làm đau khổ cha mẹ con, chè chén say sưa, sử dụng ma tuý, đeo đuổi hành động thiếu trong sạch, ngoại tình, những hành động tình dục về đồng tình luyến ái. Như Chúa đã tha thứ cho con, hôm nay con cũng tha thứ cho con. Ðồng thời những tội khác như: phá thai, ăn cắp, nói dối, lừa đảo… Con tha thứ cho chính con.

Con tha thứ cho người mẹ con qua những lần mẹ con: làm đau đớn con, phẫn nộ với con, giận dữ với con, trừng phạt con, thanh lọc con ra khỏi anh chị em, nói con đần độn, xấu xí, ngu dốt, hư hỏng nhất, hao tốn tiền của gia đình. Cho con là đứa con không được thừa nhận, là thiếu xót, là đứa con không được như ý muốn…

Con tha thứ cho cha con là người cha: thiếu nâng đỡ con, thiếu tình thương, thiếu cảm tình, thiếu sự trông nom, thiếu thời giờ, thiếu sự cảm thông dành cho con. Con tha thứ cho cha con là: người nghiện ngập, ẩu đả với mẹ con, ẩu đả với những người con khác, những sự trừng phạt nghiêm khắc, những bỏ bê, bỏ nhà ra đi, ly dị mẹ con, đi lang thang…

Con cũng xin tha thứ cho anh chị em con: những người xua đuổi con, nói dối con, ghét con, tranh dành tình yêu của cha mẹ con, ám hại con, nghiêm khắc với con, làm cho đời sống con khổ sở…

Lạy Chúa con xin tha thứ cho người phối ngẫu của con về: sự thiếu tình thương, thiếu cảm tình, thiếu thông cảm, thiếu sự chăm sóc, thiếu liên lạc trò chuyện với con. Con xin tha thứ cho những thiếu xót, vất ngã, yếu đuối, những lời nói hay hành động làm tổn thương và khó chịu cho con…

Lạy Chúa, con xin tha thứ cho con cái của con: Thiếu kính trọng, Thiếu vâng lời, Thiếu yêu thương, Thiếu trông nom, Thiếu âu yếm, Thiếu hiểu biết, Những thói hư tật xấu, Bỏ đi nhà thờ, Những hành động làm phiền hà con…

Lạy Chúa con xin tha thứ cho gia đình bên vợ/chồng con, nhất là cha mẹ, anh chị em, bà con bên vợ/chồng con đã làm tổn thương đến gia đình con…

Lạy Chúa con xin tha thứ cho những họ hàng thân thiết của con, ông bà nội ngoại, cô cậu chú dì, những người đã can thiệp vào nội bộ gia đình con, cố gắng gây ảnh hưởng trên cha mẹ con, gây ra những hiểu lầm, xúi cha mẹ này đến cha mẹ khác…

Lạy Chúa, xin giúp con tha thứ cho người bạn cùng sở của con về những sự bất đồng ý kiến, là con phải sầu khổ, bắt con phải làm việc của họ, trêu trọc con, muốn dành công việc của con.

Lạy Chúa, những người hàng xóm của con cũng cần được tha thứ về: Những sự ồn ào, Những tiệc tùng về khuya, chó sủa làm con thức giấc, làm cho khu xóm mất giá trị…

Lạy Chúa, con xin tha thứ cho những linh mục, cha sở họ đạo con, cộng đoàn con, Ðức Giám mục, Giáo Hoàng, Giáo hội công giáo về: Thiếu nâng đỡ, Nhàm chán, phục vụ tồi tệ, Thiếu niềm nở, Không xác nhận, Chẳng có điều gì khuyến khích con, Không sử dụng con vào những chức vụ chủ yếu, Không mời con phục vụ trong những tổ chức đông người, những đau đớn giáng xuống trên con, con thực sự tha thứ…

Con tha thứ cho những người trí thức (professionals) về những tổn thương xảy đến con như bác sĩ, ý tá, luật sư, quan tòa, chính trị gia, dân biểu…

Lạy Chúa con tha thứ cho những người phục vụ công quyền (service people): cảnh sát, nhân viên cứu hỏa, tài xế xe bus, nhân viên nhà thương và những nhân viên khác.

Lạy Chúa, con xin tha thứ cho chủ hãng con về không trả xứng lương cho con, không biết ơn việc con làm, có thái độ thiếu lịch sự, thiếu công bình, nóng giận, thiếu hòa nhã, không thăng chức cho con…

Lạy Chúa, con xin tha thứ cho thầy cô giáo, huấn luyện viên trong quá khứ và hiện tại, nhất là những người đã trừng phạt con, những người đã hăm dọa con, những người đã sĩ nhục con, đối xử thiếu công bình, những người chế diễu con, những người nói con là đồ ngu ngốc, dốt nát, những người phạt con ở lại sau giờ học.

Lạy Chúa, con xin tha thứ cho bạn bè con về: Những người chà đạp con xuống, Những người không liên lạc với con trong lúc con cần sự giúp đỡ, mượn tiền mà không trả lại, tán gẫu về con…

Lạy Chúa Giêsu, con khẩn thiết cầu xin ơn tha thứ, cho một người trong cuộc sống của con đã làm con đau khổ nhất; cho những người là kẻ thù không đội trời chung của con; cho người rất khó tha thứ; cho người con thề không thể tha thứ cho họ. Lạy Chúa, con xin tha thứ những người này, cho những đau đớn con đã gây ra cho họ, đặc biệt là cha mẹ của con, người phối ngẫu của con. Con cám ơn Chúa về tất cả tình thương của Chúa đã đến trong cuộc đời con qua họ.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho con có sức mạnh, can đảm để con tha thứ cho anh em con. Xin Cha tha thứ cho con và chúc lành cho đời sống mới của con. Amen.

LM DeGrandis

 Nguồn: https://www.conggiao.org/kinh-tha-thu/

Sống và cầu nguyện…

https://www.facebook.com/Vaticannew/videos/2110094419300144/?t=8

Sống & Cầu Nguyện

🇻🇦 Lạy Chúa ! Xin đến giữa cuộc đời chúng con, giúp sức cho chúng con để chúng con luôn vượt qua mọi gian khổ thử thách trong cuộc sống.

Tại Sao Người Công Giáo Vinh Dự Làm Dấu và ᑕầᑌ Nguyện Trước Khi Ăn? |

 
About this website

TINCONGGIAO.ORG

Tại Sao Người Công Giáo Vinh Dự Làm Dấu và Cầu Nguyện Trước Khi Ăn? LÀM DẤU LÀ CHUYỆN RẤT NHỎ, RẤT VẶT VÃNH, NHƯNG ĐỪNG COI THƯỜNG VIỆC NHỎ, VÌ LỖ NHỎ CÓ THỂ LÀM ĐẮM CHÌM TÀU LỚN.

 HÀNH TRÌNH MÙA VỌNG CỦA ĐỨC MARIA

 HÀNH TRÌNH MÙA VỌNG CỦA ĐỨC MARIA

 Cùng đi với Đức Maria đến nhà bà Êlisabét

Việc cử hành mừng Lễ Giáng sinh của chúng ta sẽ thế nào nếu Đức Trinh nữ Maria chỉ là một “người đóng vai phụ” trong vở kịch?  Khi chúng ta nghĩ về Đức Maria, gần như ngay tức khắc chúng ta nghĩ đến hai câu chuyện: Truyền Tin và Thăm Viếng.  Ai có thể quên được bài tường thuật về việc sứ thần đến viếng thăm và hứa hẹn một trẻ thơ sẽ kế thừa ngai vàng của Vua Đavít?  Ai có thể quên được câu trả lời tuyệt vời của Đức Maria: “Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38)?  Và ai có thể quên được lời kinh Magnificat, lời cầu nguyện ngợi ca bay vút cao của Đức Maria khi Mẹ đến thăm người chị họ Êlisabét của mình (x. Lc 1, 46-55)?

Nhưng ở giữa hai cuộc gặp gỡ này, một điều gì khác đã xảy ra: hành trình Mùa Vọng đầu tiên.  Thánh Kinh nói với chúng ta rằng sau khi sứ thần rời bỏ Maria, Maria “vội vã lên đường đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa.  Bà vào nhà ông Giacaria và chào hỏi bà Êlisabét” (Lc 1,39-40).  Cuộc hành trình này, khoảng cách chừng một trăm dặm, có lẽ Maria phải mất khoảng một tuần để đi.  Điều đó đã cho Maria có thời gian để cầu nguyện và suy gẫm, và giờ đây Mẹ mời gọi chúng ta đi cùng với Mẹ.  Vì thế chúng ta hãy tưởng tượng chính chúng ta đang cùng đi với Mẹ Maria và nghĩ về những gì có thể đã diễn ra trong tâm trí của Mẹ.

Suy Gẫm về Những Lời Hứa của Chúa.  Tất nhiên, chúng ta không biết chính xác những gì Đức Maria đã nghĩ, nhưng chúng ta biết rằng Mẹ là một con người cầu nguyện (x. Lc 2,19.51).  Chắc hẳn, Mẹ đã dành ít là một chút thời gian để suy gẫm về mọi điều Mẹ vừa trải nghiệm.  Chắc chắn Mẹ đã bắt đầu cố gắng hiểu ý nghĩa của tất cả.

Có lẽ Maria nhớ lại những lời của sứ thần và đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã hứa sẽ ban cho con một đứa con, một đứa con trai, ngay cả trước khi Giuse và con đến với nhau trong hôn nhân.  Rồi con đã thưa xin vâng với Chúa, cho dẫu điều đó có nghĩa là con phải mất Giuse, và con vẫn tiếp tục thưa vâng với Chúa, bất kể hậu quả thế nào.  Lạy Chúa, xin hãy giúp con hiểu trọn vẹn hơn lời kêu gọi này mà con vừa mới đón nhận.”

Kinh Ngợi Khen (Magnificat).  Ngay khi đến nơi, Mẹ đã cất tiếng chào bà Êlisabét, Mẹ đã dâng lời Kinh cầu nguyện của chính mình, lời Kinh Ngợi Khen Magnificat (x. Lc 1,46-55).  Lời cầu nguyện ngợi khen này hẳn đã tràn ngập trong tất cả những suy nghĩ của Mẹ trên hành trình Mẹ đi, một sự suy gẫm về tất cả những gì Thiên Chúa đã giúp Mẹ hiểu về hành trình của Mẹ.

Mẹ Maria bắt đầu cất tiếng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47).  Thật ngạc nhiên khi Mẹ Maria quá vui mừng và tin tưởng.  Cuộc sống của Mẹ vừa mới bị đảo lộn.  Với cái tin về sự có thai ngoài dự kiến, hôn nhân của Mẹ với Giuse bị đe đọa và thậm chí Mẹ phải đối diện với khả năng bị ném đá cho đến chết.  Tuy nhiên, niềm vui dường như bao phủ Mẹ.

Tại sao Mẹ lại quá vui mừng?  Trong số nhiều khả năng, có hai khả năng nổi bật:

Trước hết, Maria có thể thấy rằng Thiên Chúa đang thực hiện những lời hứa của Người với dân Israel. Khi bà Êlisabét chào đón Mẹ là “Thân Mẫu Chúa tôi”, lòng tin hẳn đã phải tăng lên trong Mẹ (x. Lc 1,43).  Những lời của sứ thần là đúng thật – ơn cứu độ của Thiên Chúa đã gần kề!  Có lẽ Mẹ Maria đang nhớ lại một trong những thánh vịnh: “Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Israel” (Tv 98,3).  Như thế, Mẹ Maria đã vui mừng về sự trung tín của Chúa: “Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cùng cha ông chúng ta vì Người nhớ lại lòng thương xót” (Lc 1,54-55).  Mẹ Maria đã ý thức rằng chính con trai của Mẹ, Đấng thực sự là “Đức Chúa”, sẽ thực hiện lời hứa xưa kia của Thiên Chúa để giải thoát dân Israel (Lc 1,43).

Thứ hai, Mẹ Maria vui mừng trước cách làm việc bất ngờ của Thiên Chúa.  Vương quốc của Người đang đến qua những người yếu thế, chứ không phải qua những kẻ uy quyền.  Mẹ đã chứng kiến những “kẻ thống trị” Rôma ngạo mạn đang lạm dụng dân Chúa (x. Lc 1,52).  Mẹ đã thấy cách những người lính của họ đã dùng sự đe dọa và bạo lực để giữ hòa bình ở Israel.  Mẹ biết về chứng hoang tưởng và giết người của Vua Hêrôđê.  Tuy nhiên, Thiên Chúa đã chọn Mẹ, một người phụ nữ nghèo ở Galilê, để hạ bệ “kẻ ngạo mạn” và nâng cao “kẻ khiêm nhường” lên nơi danh dự (Lc 1,51.52).  Maria biết rằng bằng cách nào đó, Thiên Chúa sẽ dùng con của Mẹ để làm cho điều này xảy ra.

Như ngôn sứ Isaia và nhiều ngôn sứ trước mình, Maria nhận thấy rằng Thiên Chúa có một tình yêu đặc biệt dành cho những người khiêm tốn: “Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát” (Is 57,15).  Mẹ biết rằng Thiên Chúa cho những người khiêm tốn và đói khát ở cận kề trái tim Người.  Vì thế, điều đó hẳn phải làm cho Mẹ vui mừng biết bao khi nhận ra rằng Thiên Chúa đã chiếu cố đến “sự thấp hèn” của Mẹ, và rằng người con của Mẹ sẽ thực hiện những lời Thiên Chúa đã hứa để đem lại sự an ủi cho những người cùng khổ túng thiếu (x. Lc 1,48).

Bài ca của Đức Maria là một lời cầu nguyện diễn tả sự kinh ngạc và lòng kính sợ trước sự kiện là Thiên Chúa đang làm cho ơn cứu độ của Người trở nên sẵn sàng cho mọi người, người giàu cũng như người nghèo, người quyền thế cũng như người yếu đuối.  Thiên Chúa không phân biệt đối xử với bất cứ ai.  Thiên Chúa không thiên vị người giàu hoặc coi khinh những người nghèo khổ, như một số người nghĩ như thế.  Không phải vậy, thực ra Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta như nhau.  Thiên Chúa muốn giúp cho những kẻ kiêu ngạo học biết lãnh nhận ân sủng mà họ không thể tự kiếm được bằng sức riêng của họ, và Người muốn tỏ cho những người khiêm nhường biết rằng Người yêu thương họ, và ước ao chữa lành cho họ cách sâu sắc thế nào.

Những Lời Hứa Bền Vững.  Tất cả những suy nghĩ này hẳn phải ở hàng đầu trong tâm trí của Mẹ Maria suốt chín tháng sau đó khi Mẹ và Giuse đi tới Bêlem.  Khi các ngài đến thành phố ấy, Maria và Giuse chỉ là một đôi vợ chồng nghèo đến từ Galilê, không thể gặp được hầu như bất cứ ai trong phần lớn những người ở đó.  Thậm chí còn tồi tệ hơn khi chẳng có ai đón tiếp các ngài; không ai biểu lộ bất cứ sự quan tâm hay lòng trắc ẩn nào đối với các ngài.  Hơn bao giờ hết, các ngài đã ở giữa những con người nghèo khó và hèn mọn.

Khi đến thời gian chào đời của Chúa Giêsu, tất cả những gì mà Mẹ Maria và dưỡng phụ Giuse có là một cái máng ăn, một số quần áo quấn tã, và một số người chăn chiên cừu.  Chắc chắn Mẹ Maria hiểu điều đó thích hợp thế nào với Đấng sẽ nâng cao những người khiêm nhường, Người sẽ đến với chúng ta trong cách khiêm tốn nhất.  Chắc chắn điều này này mang lại cho Mẹ niềm an ủi cho dẫu những khó khăn xung quanh đang bao phủ Mẹ.  Chắc chắn Mẹ có thể nhìn thấy sự trung tín của Thiên Chúa trong khuôn mặt của Chúa Giêsu.

Có lẽ Mẹ Maria đã nhớ lại những lời này vào những năm sau khi con trai của Mẹ bắt đầu rao giảng: “Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”, “sự giải thoát cho những kẻ bị giam cầm”, “sự tự do cho những người bị áp bức” (Lc 4,18).  Hãy tưởng tượng điều đó chắn hẳn phải làm cho Mẹ cảm thấy thế nào khi Mẹ nhìn thấy Chúa đang chữa lành, đang giải thoát và đang tha thứ cho tất cả mọi loại người.

Cuối cùng, hãy tưởng tượng Mẹ Maria, ba năm sau đó, Mẹ chứng kiến con trai mình bị đóng đinh.  Tất nhiên, với tư cách là mẹ của Chúa Giêsu, lòng Mẹ tràn ngập nỗi đau đớn khủng khiếp.  Tuy nhiên vốn là một người phụ nữ có đời sống cầu nguyện sâu sắc, Mẹ thấy Chúa Giêsu đón nhận cái chết cách khiêm nhường biết chừng nào.  Mẹ đã nghe thấy Chúa Giêsu kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ”, một lời cầu nguyện có lẽ Mẹ đã dạy Người (Lc 23,34).  Mẹ nhìn thấy con trai Mẹ đang hy hiến chính mình cho mọi người.  Người đang nâng cao những kẻ khiêm nhường, từng con người bị khuất phục bởi tội lỗi.  Bị treo cao trên thập giá, Chúa Giêsu bẻ tan chế độ tội lỗi đã trói buộc mọi và mỗi người trong chúng ta.  Ở đó (trên thập giá), bằng những lời tha thứ của mình, Chúa Giêsu đang nâng mọi người lên và tháo gỡ gánh nặng tội lỗi cho chúng ta.  Nơi đó, Chúa Giêsu đã hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa để cứu độ dân Người.

Câu Chuyện của Mẹ Maria là Câu Chuyện của Chúng Ta.  Bài ca (bài hát) của Mẹ Maria là bài ca của chúng ta.  Đó là bài ca của Giáo Hội.  Đó là bài hát của bất cứ ai đã trải nghiệm lòng quảng đại và ân sủng chan chứa của Thiên Chúa.  Cho dẫu Mẹ Maria đã được tự do khỏi tội nguyên tổ, Mẹ vẫn hát bài hát của mọi người, những con người đang phải đối diện với tội lỗi của mình và đã tìm thấy một Thiên Chúa của lòng thương xót và tha thứ, một Thiên Chúa đón tiếp chúng ta và thanh tẩy lương tâm của chúng ta.  Đó là bài hát của tất cả mọi người, những người bắt đầu nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ một cách cá nhân (riêng biệt), cá vị và vô điều kiện. “Thiên Chúa đã chọn tôi.  Bất kể tội lỗi và đức tin yếu kém của tôi, Người vẫn yêu thương tôi và quý trọng tôi.  Vâng, thần trí tôi vui mừng hớn hở trong Chúa, Đấng cứu độ tôi!”

Không chỉ bài hát của Mẹ Maria là bài hát của chúng ta, mà câu chuyện của Mẹ cũng là câu chuyện của chúng ta.  Mẹ đã sống hầu hết cuộc đời mình trong một thị trấn nhỏ bé.  Những ngày của Mẹ cũng bận rộn với những công việc giặt giũ, bếp núc và việc chăm sóc cho gia đình.  Cũng vậy, hầu hết chúng ta sống cuộc sống “ẩn dật” và bình lặng.  Nhưng chúng ta cố gắng sống tốt những ngày tháng cuộc đời mình bằng cách chu toàn trách nhiệm của chúng ta và cố gắng sống bình an với những người xung quanh chúng ta.

Tuy nhiên khi Mẹ Maria sống ẩn thân như Mẹ có thể, Mẹ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa.  Mỗi lần Mẹ hành động trong tình yêu, mỗi lần Mẹ làm chứng bằng sự kiên nhẫn hay thương xót, mỗi lần Mẹ cầu nguyện, những lời nói và hành động của Mẹ đã dạy dỗ con trai mình (Chúa Giêsu) và giúp Người hiểu thấu được ơn gọi đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho Người.  Cũng thế, mỗi lần chúng ta cầu nguyện với gia đình chúng ta, mỗi lần chúng ta chọn sự thương xót thay vì bực bội oán giận, mỗi lần chúng ta cho thay vì nhận – tất cả những hành động này đều ảnh hưởng đến những người xung quanh chúng ta.  Những hành động này giúp mang sự hiện diện của Chúa Giêsu vào trong nhà (gia đình) và những nơi chúng ta làm việc.  Mỗi lần chúng ta làm cho Chúa lớn lên, đặc biệt là khi chúng ta khiêm tốn chia sẻ đức tin của chúng ta, thì chúng ta đang thay đổi thế giới này nhiều hơn một chút.

Hãy Thực Hiện Hành Trình (Mùa Vọng Này) với Mẹ Maria.  Qua bài hát về niềm vui và lòng biết ơn của mình, Mẹ Maria chỉ cho mỗi người chúng ta thấy chúng ta có thể mang Chúa Kitô vào thế giới, bất kể chúng ta có thấp kém thế nào.  Vì thế hãy tưởng tượng chính bạn đang cùng đi với Mẹ Maria trong Mùa Vọng này.  Bạn hãy chia sẻ với Mẹ những lý do vui mừng hớn hở của bạn.  Những điều ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn là gì, những điều khiến bạn phải làm cho Chúa lớn lên?  Bạn cũng hãy nói với Mẹ về “sự hèn kém” trong cuộc sống của bạn ngay bây giờ có thể phản ánh sự khiêm tốn của Mẹ.  Cuối cùng, bạn hãy xem mình có thể noi gương sự khiêm nhường của Mẹ Maria thêm một chút trong những mối tương quan gia đình hoặc tại nơi làm việc hoặc trong giáo xứ của bạn không.

Hãy tiến lên và chia sẻ điều này với Mẹ Maria.  Rồi bạn hãy lắng nghe những gì Mẹ đã nói với bạn.  Hãy để cho những lời của Mẹ trong Thánh Kinh, gương mẫu về cuộc sống của Mẹ và lời xin vâng của Mẹ với Chúa dạy bạn biết vui mừng hớn hở trong Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của bạn như thế nào.

Theo The Word Among Us [wau.org] – Advent 2019 Issue
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương