KÍN ĐÁO ĂN CHAY VÀ CẦU NGUYỆN

  
KÍN ĐÁO ĂN CHAY VÀ CẦU NGUYỆN

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Triết gia David Hume từng phân biệt giữa cái ông gọi là đức hạnh chân thật, và cái ông đặt tên là đức hạnh giống tu sĩ.  Ông nói, đức hạnh chân thật là những phẩm chất bên trong chúng ta mà có ích cho người khác và bản thân chúng ta.  Còn các đức hạnh giống tu sĩ là những phẩm chất không nâng cao đời sống con người, đối với xã hội cũng như bản thân người thực hành những phẩm chất đó.  Ông liệt kê các đức hạnh giống tu sĩ như việc sống độc thân, ăn chay, sám hối, hành xác, tiết dục, nhún nhường, thinh lặng và cô tịch.  Ông chứng minh những điều đó chẳng đóng góp gì cho xã hội và thậm chí còn làm giảm đi sự tốt lành thịnh vượng của con người.  Do vậy, ông quả quyết rằng những điều đó bị chối bỏ bởi “những người hiểu biết.”  Điều này xem ra khó nghe đối với người có đạo.

Nhưng những gì tiếp theo đó còn khó nghe hơn.  Những người thực hành những đức hạnh giống tu sĩ phải trả một giá đắt, ông nói, sức khỏe của họ không tốt và họ bị loại ra khỏi cộng đồng con người: con người nhiệt tình nông nổi và ảm đạm đó, sau khi chết, có thể có tên ghi trong cuốn lịch, nhưng khi còn sống thì khó có thể được ai chấp nhận vào vòng thân thuộc và vào xã hội, trừ những người cũng mê sảng và chán ngắt như vậy.

Mặc dù điều này nghe tàn nhẫn, nhưng nó mang một lời cảnh cáo lành mạnh, nhắc lại rõ ràng điều Chúa Giê-su đã nói khi người cảnh cáo chúng ta phải kín đáo ăn chay, cầu nguyện, đừng có mang bộ mặt ảm đạm tu hành khổ hạnh, bảo đảm rằng lòng mộ đạo của chúng ta không quá lộ liễu trước đám đông.  Nếu Chúa Giê-su có nói rõ ràng về điều gì, thì đây chính là điều người đã nói rõ.

Tại sao?  Tại sao chúng ta phải tránh mọi việc phô diễn trước đám đông về việc ăn chay, tu hành khổ hạnh, và cầu nguyện riêng tư của chúng ta?

Một phần cảnh cáo của Chúa Giê-su là chống thói đạo đức giả và giả dối, nhưng còn hơn vậy nữa.  Vấn đề là việc bên ngoài chúng ta trông như thế nào và chúng ta được cảm nhận ra sao.  Khi chúng ta bộc lộ sự khổ hạnh và mộ đạo trước đám đông, dù có chân thành đi nữa, thì điều chúng ta muốn toát ra và điều người khác cảm nhận về chúng ta (mà không chỉ là những David Humes của thế giới này) là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.  Chúng ta có thể bày tỏ đức tin vào Chúa và sự trung tín đối với những gì vượt xa hơn kiếp sống này, nhưng những người khác dễ dàng diễn giải quan điểm và hành động của chúng ta như một tình trạng yếu đuối, u sầu, phiền muộn, khinh khi những chuyện thông thường, và là một sự bù đắp chẳng-đáng-kể-gì cho việc phải mất đi sức sống.

Và đó chính xác là điều ngược lại với những gì chúng ta cần tỏ ra.  Tất cả các đức hạnh giống tu sĩ (mà chúng là những đức hạnh thật sự) nhằm làm cho tâm hồn chúng ta mở ra để tiếp cận thân mật sâu sắc hơn với Chúa và vì vậy, nếu lời cầu nguyện và tu hành khổ hạnh là lành mạnh, thì những gì chúng ta sẽ tỏ ra chính là an mạnh, vui vẻ, thương yêu thế giới này, và cảm nhận những niềm vui bình thường của cuộc sống là phước lành Chúa ban.

Nhưng không dễ gì làm được điều đó.  Chúng ta không toát ra được đức tin của mình nơi Chúa và toát ra là đang an mạnh bằng cách chấp nhận một cách không suy xét hay hô hào cổ vũ mọi nỗ lực để vui vẻ của thế giới này, cũng không phải bằng cách gượng cười giả tạo trong khi sâu thẳm bên trong chúng ta đang khó lòng kiểm soát được trầm uất.  Chúng ta toát ra đức tin nơi Chúa và an mạnh qua việc toát ra tình thương, bình an và thanh thản.  Và chúng ta không thể làm điều đó nếu toát ra sự khinh khi đối với cuộc sống hay đối với cái cách những con người bình thường kiếm tìm hạnh phúc trong cuộc sống này.

Và đó là một thách thức khó khăn, đặc biệt ở thời buổi này.  Trong một nền văn hóa như nền văn hóa này, chúng ta dễ dàng nuông chiều bản thân mình, thếu hiểu biết sâu sắc về sự hy sinh, đắm chìm trong đời sống và bản thân đến mức đánh mất tất cả ý thức về cầu nguyện, và sống không hề tiết dục chút nào, đặc biệt về mặt tình cảm.  Bên cạnh những chuyện khác, chúng ta còn thấy điều đó trong căn bệnh bận rộn của mình, trong tình trạng mất khả năng duy trì đời sống cầu nguyện riêng tư, ngày càng mất đi năng lực trung tín với những gì mình cam kết, và với những nỗ lực gắng gỗ chống lại mọi thể loại nghiện ngập: thức ăn, rượu chè, tình dục, thú vui giải trí, công nghệ thông tin.  Khiêu dâm trên internet đã là bệnh nghiện lớn nhất của toàn thế giới.  Cầu nguyện và ăn chay (ít nhất trong tình cảm) đang thiếu hụt.  Những đức hạnh giống tu sĩ giờ đây đang cần có hơn bao giờ hết.

Nhưng chúng ta phải thực hành các đức hạnh đó mà không phô diễn trước đông người, không khinh khi tính chất tốt lành vốn được Chúa ban cho trong mọi thứ của thế giới này, không ám chỉ rằng sự thánh thiện riêng tư là quan trọng đối với chúng ta và với Chúa hơn những điều tốt lành thông thường của thế gian này, và không ngụ ý rằng Chúa không muốn chúng ta vui vẻ với tạo vật của người.  Thực hành khổ hạnh và cầu nguyện của chúng ta phải thực chất, nhưng chúng phải toát ra sự an mạnh, chứ không phải là sự bù đắp cho việc không an mạnh.

Và như vậy, một sự an mạnh chứng tỏ sự tốt lành của Chúa, chính xác là điều tôi thấy ở những ai thực hành các đức hạnh giống tu sĩ theo cách lành mạnh.  Cầu nguyện và ăn chay, nếu làm đúng đắn, sẽ toát lên sự an mạnh, không phải là khinh khi. Nếu David Hume đã chứng kiến sự an mạnh và tình thương yêu của Chúa Giê-su trong việc cầu nguyện và thực hành khổ hạnh của ông thì hẳn là, tôi nghĩ, ông đã viết khác đi về đức hạnh giống tu sĩ.

Vì vậy chúng ta cần xem xét nghiêm túc hơn lời dạy của Chúa Giê-su rằng việc thực hành khổ hạnh và cầu nguyện riêng tư phải được làm “trong kín đáo”, đằng sau cánh cửa đóng kín, để vẻ mặt chúng ta bộc lộ ra trước đông người toát lên an mạnh, vui vẻ, thanh thản và thương yêu những điều tốt lành Chúa đã tạo ra, người mà cầu nguyện và thực hành khổ hạnh đã đưa chúng ta đến gần hơn.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim

NÚI TABOR HÔM NAY

NÚI TABOR HÔM NAY

 ĐGM Cosma Hoàng Văn Đạt

Chúa Giêsu dẫn các môn đệ đi Giêrusalem. Trên đường, Chúa lên một ngọn núi để cầu nguyện. Có lẽ đó là núi Tabor ở Galilê. Có ba môn đệ thân tín theo Chúa. Chúa đã hiển dung trước mặt các ông.

Trước núi Tabor, Chúa Giêsu đã từng lên hai ngọn núi khác. Trước hết là Chúa giảng Hiến Chương Nước Trời trên núi quen gọi là núi Bát Phúc. Sau khi cho hoá bánh ra nhiều nuôi dân, họ muốn tôn Chúa làm vua, Chúa đã lên núi cầu nguyện một mình. Sau núi Tabor, Chúa cũng lên hai ngọn núi khác: núi Sọ là nơi Chúa chịu chết trên thập giá và núi Ôliu là nơi Chúa từ biệt các môn đệ mà lên trời. Có thể nói núi Tabor đã được chuẩn bị bằng hai ngọn núi trước và chuẩn bị cho hai ngọn núi sau. Hiển Dung là cao điểm của cuộc đời rao giảng và là khởi điểm của cuộc Vượt Qua.

Người xưa tin rằng Thiên Chúa ở trên trời; núi cao, nên gần trời; vì thế người ta lên núi sẽ dễ gặp Chúa hơn. Tổ phụ Abraham lên núi hiến tế Isaac. Ông Môsê lên núi nhận bia giao ước. Ngôn sứ Êlia lên núi gặp Thiên Chúa.  Thực tế là lên núi dễ gặp Chúa hơn thật:

– Thanh vắng, yên tĩnh, xa gia đình, bạn bè, phố chợ;

– Trên cao, thấy rõ công trình của Thiên Chúa trong thiên nhiên hùng vĩ hơn: mặt trời, bầu trời, trăng sao, núi sông, bình minh, hoàng hôn…

– Trên cao, thấy công trình của con người nhỏ bé hơn, vì thế dễ từ bỏ hơn.

Lên núi là điều không dễ, nhưng đem lại cho chúng ta những niềm vui mà chỉ những ai lên núi mới cảm nghiệm được. Hôm nay Chúa Giêsu vẫn mời gọi chúng ta lên núi để chiêm ngắm Chúa hiển dung: ngay bên cạnh chúng ta, Chúa vẫn đang yêu thương người đau khổ, tha thứ cho kẻ tội lỗi, hy sinh cho người mình yêu.  Đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng ta trở nên núi Tabor mới để Chúa hiển dung. Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu mặc lấy Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.  Trong cuộc Vượt Qua, khuôn mặt thể lý của Chúa không còn hình dạng con người, nhưng khuôn mặt của Thiên Chúa tình yêu lại chói sáng trước mắt mọi người trong mọi thời đại.

Một thường dân Nhật Bản được Nhật Hoàng mời vào hoàng cung dùng cơm chung vì đã lấy máu mình vẽ chân dung Nhật Hoàng. Chúa Giêsu lấy máu mình để vẽ chân dung Thiên Chúa và được hưởng vinh quang Phục Sinh. Xin Chúa giúp chúng ta dùng cuộc sống của mình để vẽ chân dung Chúa trong thế giới hôm nay.

 ĐGM Cosma Hoàng Văn Đạt

Cám dỗ trong cái nghèo

 

DONGTEN.NET

Mối phúc nghèo

Từ kinh nghiệm vượt thắng cám dỗ về bánh, mà sau này, Đức Giêsu có những lời nói và cử chỉ tuyệt vời. Ở đây, chỉ xin kể đến mối phúc: Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó (Mt 5:3). Tâm hồn nghèo khó là tâm hồn tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, và mưu cầu những nhu cầu chính đáng cho tha nhân. Nơi Tin Mừng Luca, chúng ta còn được nghe lời chúc phúc một cách thân thiết hơn: Phúc cho anh em là kẻ nghèo khó (Lc 6:20). Không phải là “ai” chung chung nữa, mà rất cụ thể “anh em”. Không chỉ là “tinh thần nghèo khó”, mà còn “anh em là người nghèo”. Ở đây ta nhớ lời của thánh Phaolô khi ngài nhìn vào Đức Kitô mà thấy: Đức Kitô vốn giàu sang phú quý, mà đã tự nguyện trở nên nghèo khó, để nhờ cái nghèo của Người mà làm cho anh em trở nên giàu có (2Cr 8:9). Thánh Phanxico thành Assisi say mê một Đức Kitô nghèo, để sống đời sống tuyệt vời trong đơn sơ và phục vụ. Trong Linh Thao và suốt cuộc đời, thánh Inhaxico Loyola đã không biết bao lần tha thiết xin ơn được nghèo như Đức Kitô nghèo.   

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đồng hành với con như Mẹ đã đồng hành với Con của Mẹ, để con có thể có được ý thức sâu xa của căn tính làm con Thiên Chúa, để con biết sống phó thác, để con có bản lĩnh chiến thắng cám dỗ, để có thể thấy được vẻ đẹp cao quý của sự hy sinh quyên mình vì phục vụ. Amen.

Tứ Quyết SJ

Nghèo như Đức Kitô nghèo, nghịch lý tuyệt vời! Có ba cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu phải chịu trong hoang địa (Mt 4:1-11). Đó là cám dỗ về cơm bánh, về hư danh, về sự kiêu ngạo. Ở đây chúng ta tập trung vào cơn cám dỗ về cơm bánh. Bối cả…

SA MẠC – NƠI GIÚP KHÁM PHÁ SỰ THẬT

SA MẠC – NƠI GIÚP KHÁM PHÁ SỰ THẬT

Lm. Phêrô Trần Minh Đức

Trong cuộc đời làm người ai ai cũng phải trải qua những giây phút khủng hoảng.  Trong những lúc đó tất cả mọi chuyện to nhỏ đều trở thành một vấn nạn.  Kẻ đó tìm một câu trả lời trước khi lựa chọn, quyết định cho tương lai đời mình.  Giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang tuổi thành niên là một giai đoạn quan trọng trong đời người.  Tuổi dậy thì chứa đầy hỗn loạn.  Thân xác bỗng dưng biến đổi và phát triển khác thường.  Con người bị ép buộc tham dự vào một cuộc phiêu lưu để khám phá ra mình là ai.  Nhiều chuyện thần thoại đã mô tả về giai đoạn này.  Dĩ nhiên, nhân vật chính luôn là một chàng trai.  Anh phải từ giã mái ấm gia đình, chấp nhận mạo hiểm một mình tiến vào rừng sâu nước độc, nơi chứa đầy cạm bẫy của yêu tinh quỷ nữ!  Anh ta phải vượt qua mọi thử thách từ bên trong lẫn bên ngoài.  Anh ta được tôi luyện.  Khi trở về, anh giống như được đầu thai làm một con người hoàn toàn mới, đủ tài trí và khả năng gánh vác những trọng trách được giao phó.

Bài Phúc âm hôm nay cũng nói về thời gian thử thách tương tự của Đức Giêsu.  Ngài được Thánh Thần dẫn đưa vào hoang địa, giang sơn của quỷ dữ.  Ngài ăn chay hãm mình, sống trong cô tịch, hoàn toàn không có gì để đề phòng âm mưu của kẻ xấu luôn bám sát, chờ cơ hội thuận lợi để thu thập.  Thử thách làm nảy sinh một hoài nghi cơ bản: Những gì từ trước tới nay tôi cho là tốt đẹp bây giờ có vẻ vô nghĩa.  Những gì tôi cho là tội lỗi xấu xa giờ đây hình như chứa đầy hứa hẹn.  Khi đối diện đương đầu với dụ dỗ Đức Giêsu dần dần khám phá ra mình là ai, đâu là sứ mạng của mình.  Thời gian sống trong sa mạc là giai đoạn quan trọng trong đời của Đức Giêsu.  Trong thời gian này Ngài cảm nhận một cách sâu xa sự mỏng dòn trong thân phận con người.  Mặc khác, Ngài đã sống mật thiết thân tình với Chúa Cha, giúp Ngài ý thức về trọng trách được Chúa Cha giao phó.  Ngài trở nên chín chắn trưởng thành, có thể bước vào cuộc đời công khai, công bố Tin mừng cứu độ.  Bởi vậy, sa mạc không phải chỉ là nơi chết chóc, tăm tối mà còn là nơi gặp gỡ chính Thiên Chúa.

Trong sa mạc Đức Giêsu hiểu thấu những yếu đuối cơ bản của con người.  Cám dỗ đầu tiên nhắm vào sự đói khát.  Có đầy đủ của ăn là một nhu cầu căn bản của cuộc sống con người.  Thân xác đòi hỏi quyền lợi của nó, và sẽ trở nên kiệt quệ nếu như nhu cầu này bị cự tuyệt, không được đáp ứng.  Dĩ nhiên chúng ta ăn để sống, nhưng chúng ta sống không phải chỉ để ăn, để uống.  Do đó, con người giống như bị bà nhập khi nghĩ rằng, ý nghĩa của cuộc sống con người chỉ đặt trên cơ bản của vật chất và sự hưởng thụ.  Con người chia sẻ những nhu cầu thuộc thân xác với tất cả mọi sinh vật khác, nhưng khát vọng của con người còn trổi vượt hơn, đi ra ngoài giới hạn này.  Chính vì thế chúng ta có thể nói rằng, nhu cầu lớn nhất của con người thuộc về đời sống tâm linh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”  Đời sống con người không phải là một cuộc sống no say nhưng là một cuộc đời sung mãn về mọi mặt.

Thử thách thứ hai nhắm vào khát vọng quyền lực.  Bởi vì muốn chứng tỏ quyền lực của mình, bảo đảm chỗ đứng của mình, kẻ ấy ra sức tìm cách hạ bệ kẻ khác, ra sức chèn ép, trèo lên đầu lên cổ người khác và nếu cần sẵn sàng bước qua xác chết!  Tranh đấu quyền lực là chuyện xảy ra như cơm bữa từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đặc biệt trong môi trường chính trị và kinh doanh…  Đức Giêsu không đầu hàng dụ dỗ.  Ngài sẵn sàng từ bỏ quyền thế và bạo lực.  Ngài chọn con đường yêu thương vô vị lợi.

Dụ dỗ thứ ba nhằm chối bỏ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo càn khôn.  Đặc biệt con người ngày nay nghĩ rằng, mình có thể đạt được tất cả mà không cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa.  Tất cả đều dựa vào khả năng của bản thân.  Ngày Chúa nhật không đi lễ nhà thờ chẳng thấy mình mất mát gì!  Nhìn nhận giới hạn của mình, nhìn nhận thân phận thụ tạo của mình là một điều không dễ dàng.  Thiên Chúa đòi hỏi con người tin vào Ngài, mặc dầu không ai có thể chứng minh và nhìn thấy Thiên Chúa.

Mùa chay chính là một lời mời gọi sáng tạo một mảnh sa mạc trong cuộc đời mình, mời gọi xa rời cảnh huyên náo, bon chen, xô bồ để có thể gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Ngài trong cô tịch.  Bởi vì sa mạc, đối với Đức Giêsu cũng như mỗi người chúng ta, là nơi giúp khám phá sự thật, nơi chúng ta có thể đối diện với chính mình để nhận biết mình là ai và Thiên Chúa muốn gì nơi tôi. 

Lm. Phêrô Trần Minh Đức

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

 ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên

Một câu chuyện vui kể rằng, trong buổi hội thảo giao lưu với đề tài tha thứ tại một giáo xứ nọ, vị Linh mục hỏi những người có mặt, ai trong số họ sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù.  Tất cả mọi người đều giơ tay, trừ một ông lão ngồi bên dưới.

– Chẳng lẽ cụ không thể tha thứ cho kẻ thù của mình ư?

– Tôi không có kẻ thù.

– Thật là đức độ.  Thế cụ bao nhiêu tuổi rồi?

– 90 tuổi.

– Cụ hãy cho mọi người biết bí quyết sống đến 90 tuổi, mà không có một kẻ thù nào.

– Ông lão cao giọng nói: “Chỉ có một cách là phải tiêu diệt hết lũ chúng nó mà thôi!”

 Sống trên đời, giữa chúng ta có nhiều khác biệt về tuổi tác, sở thích, quan điểm.  Cuộc sống trần gian cũng là một mớ hỗn độn những cạnh tranh, bon chen, tính toán.  Sự cạnh tranh bon chen trở nên nghiệt ngã, tới mức người ta loại trừ nhau.  Trong lãnh vực thương mại ngày nay, người ta hay nói: “Thương trường là chiến trường.”  Tưởng chừng đơn giản, nhưng đó là một thứ lý luận nguy hiểm, cho thấy sự ích kỷ tới mức hoang dã.  Vì trong chiến trường, người lính phải đối diện với quân thù.  Họ buộc phải giết đối phương để sống, vì không còn chọn lựa nào khác.  Tuy vậy, trong thương trường, mưu mô gài bẫy để hủy diệt và loại trừ người khác là một thứ thương mại vô đạo đức.  Danh từ “kẻ thù” được dùng để chỉ những người đối nghịch với mình.  Người bị gọi là “kẻ thù”, tức người đó trở nên mối nguy hiểm cho người khác.  Trong quan niệm thông thường, người ta chủ trương “không đội trời chung” với kẻ thù.

Nhưng, không kể nơi chiến trường máu lửa, thì kẻ thù là ai?  Suy cho cùng, kẻ thù là người không đồng quan điểm với chúng ta.  Sự khác biệt nơi những cá nhân đáng lẽ tạo ra một cuộc sống phong phú đa dạng, thì trong nhiều trường hợp lại là nguyên cớ dẫn tới đối nghịch, hiềm thù.  Kết án một người là “kẻ thù” nhiều khi do chủ quan và do cái nhìn phiến diện.  Nhiều người coi mình là mẫu mực, là tiêu chuẩn cho cách đối nhân xử thế, nên người nào không giống mình thì họ kết án là “kẻ thù.”  Do quan niệm này, trong xã hội của chúng ta, biết bao mâu thuẫn và thậm chí có những án mạng đã xảy ra.  Có những người coi nhau như kẻ thù, khi đang cùng nhau ngồi trên bàn nhậu, hay khi cùng tham dự một tiệc cưới, và vì một câu nói hay một mâu thuẫn nhỏ đã trở thành sát nhân, lấy đi mạng sống của người đồng bàn.  Sự ích kỷ tham lam đã biến các thành viên trong cùng một gia đình thành kẻ thù không đội trời chung.  Những anh chị em cùng máu huyết, chỉ vì vài mét vuông đất, hoặc vì không hài lòng do việc chia tài sản thừa kế, đã coi nhau như kẻ thù.  Họ kiện nhau ra tòa án và không còn muốn nhìn mặt nhau.  Trong bối cảnh xã hội hôm nay, người ta dễ quên tình huynh đệ, bằng hữu, làng xóm thân cận, để biến thành kẻ thù.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta, không chỉ yêu mến những ai làm ơn cho mình, nhưng còn yêu thương và tha thứ cho kẻ thù.  Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy, Chúa Giêsu có những đối phương.  Đó là một số người biệt phái và luật sĩ.  Họ là những người luôn dò xét để chỉ trích cách sống của Chúa, nhất là tương quan của Người với các tội nhân.  Tuy vậy, mặc dù lên án họ với những lời nói gắt gao, không bao giờ Chúa coi họ là những kẻ thù.  Chúa muốn chỉ cho họ thấy quan niệm cực đoan của họ.  Người cũng mời gọi họ có cái nhìn thiện cảm với các tội nhân.  Bởi lẽ, là con người, không ai hoàn thiện.  Chúa cũng muốn cho họ hiểu sứ mạng của Người khi đến trần gian là để cứu vớt các tội nhân, như thày thuốc chăm sóc và giúp cho bệnh nhân được lành.  Người kêu gọi: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.  Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.  Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,44-45).  “Yêu thương kẻ thù” là nét ưu việt của Kitô giáo.  Trong Cựu ước, người Do Thái áp dụng luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, tức là được phép làm cho người khác đúng như mức độ họ đã gây ra thiệt hại cho mình.  Khái niệm “đồng loại” trong luật Cựu ước có ý chỉ người Do Thái, còn những người khác thì không phải đồng loại.  Lời giáo huấn của Chúa Giêsu làm thay đổi quan niệm truyền thống này, đồng thời hướng tới sự tha thứ không giới hạn.  Chính Chúa đã thực hiện điều Người rao giảng, khi chịu treo trên thập giá.  Trong hơi thở yếu ớt lúc sắp lìa trần, Người xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hình mình, vì họ không biết việc họ làm (x. Lc 23,34).  Noi gương Chúa Giêsu, Thánh Têphanô Phó tế, vị tử đạo tiên khởi của Kitô giáo, cũng đã cầu nguyện cho những kẻ ném đá mình (x. Cv 7,60).  Lời cầu nguyện ấy nói lên sự tha thứ mà vị tử đạo dành cho những người giết hại mình.  Sự tha thứ ấy đã đem lại cho vị tử đạo sự bình an và thanh thản tâm hồn.

Cầu nguyện và tha thứ cho những người làm hại mình, chúng ta cũng nỗ lực để đừng trở nên “kẻ thù” của những người xung quanh.  Có những người đã trở nên nỗi ám ảnh đối với môi trường sống, ví dụ hiện tượng ngày càng nhiều thanh niên “ngáo đá” do dùng ma túy.  Họ trở nên nỗi sợ cho gia đình và làng xóm, khu phố.  Nhiều người khác, do lối sống thực dụng, dùng mưu mô mánh lới lừa đảo, bất chấp danh dự và quyền lợi của người khác, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản, lỗi đức công bằng.  Họ đang biến mình thành “kẻ thù” của những người xung quanh.

Để sống một cuộc đời bình an, Ông Bà chúng ta dạy: hãy thêm bạn bớt thù.  Đáng tiếc, trong bối cảnh xã hội hôm nay, người ta đang có khuynh hướng làm ngược lại.  Thay vì hợp tác huynh đệ để cùng nhau giảm thiểu tội ác, chung sống hòa bình, thì người ta muốn hủy diệt và loại trừ nhau.  Ông cụ 90 tuổi trong câu chuyện ở đầu bài viết không có kẻ thù, không phải vì ông quảng đại tha thứ, nhưng nếu ai làm mất lòng ông thì ông sẵn sàng giết họ.

Lấy oán hận đáp lại oán hận, thì hận thù sẽ chồng chất.  Giáo lý Phật giáo cũng dạy: “Hận thù diệt hận thù.  Đời này không có được.  Không hận, diệt hận thù.  Là định luật ngàn thu” (Tức là đem hận thù diệt hận thù hay lấy oán trả oán thì oán càng thêm.  Còn không đem oán trả oán thì đó mới là định luật ngàn thu).  Quảng đại tha thứ, từ bỏ hận thù, chung sống huynh đệ, đó là điểm gặp gỡ chung giữa Kitô giáo và Phật giáo.

Thánh Phanxicô đã cầu nguyện với Chúa: “Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa” (Kinh Hòa bình).  Ước chi mỗi Kitô hữu chúng ta trở nên những khí cụ bình an trong cuộc sống chao đảo và đầy bạo lực này.  Trước khi trở nên khí cụ bình an, mỗi chúng ta phải cảm nghiệm sự bình an tâm hồn qua việc sẵn lòng tha thứ cho anh chị em mình.

Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).  Đó là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thập giá.  Ước chi đó cũng là lời cầu nguyện của chúng ta, mỗi khi chúng ta bị xúc phạm hoặc khinh chê.  Chúng ta chỉ có thể thốt lên lời cầu nguyện này, nếu cuộc sống chúng ta thấm đượm tinh thần của Tin Mừng, và Lời Chúa luôn cư ngụ dồi dào trong tâm hồn chúng ta, nhờ đó, chúng ta có cái nhìn yêu thương như cái nhìn của Chúa và trái tim quảng đại như trái tim của Người.

ĐTGM Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim