SỐNG HIỆP THÔNG CHIA SẺ

SỐNG HIỆP THÔNG CHIA SẺ

Có người nông dân dạy con trai mới lớn: muốn cho mướp ra nhiều trái phải bấm ngọn.

Cậu bé hỏi: tại sao?

Người cha trả lời: vì nó tức nên nó đâm trái.

Có thể cậu bé không bằng lòng với câu trả lời của cha, nhưng sau này khi vào đại học nông nghiệp, cậu sẽ biết rõ lý do.

Một em bé đứng trước thi hài ông nội, hỏi mẹ: Mẹ ơi sao ông nội chết vậy hả mẹ?

Mẹ đáp: vì ông nội già rồi.

Bé lại hỏi: thế bà nội già rồi sao không chết?  Chú Tư trẻ vậy sao lại chết.

Người mẹ vui mừng vì thấy con thông minh lý sự nhưng lúng túng không tìm ra câu trả lời thoả đáng.  Khi lớn lên bé sẽ hiểu lý do.

Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu.  Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau: Đố ai biết lúa mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng.  Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất.  Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa.  Và vì không có được một định nghĩa nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm.

Thế nhưng, mầu nhiệm tình yêu có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa.  Trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là cao cả nhất, khó hiểu nhất.  Như sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu.  Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa ‘cho chúng ta’.”

Trước mầu nhiệm Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao sâu, trí khôn nhỏ bé của con người không thể hiễu nổi.  Tại sao Một Chúa mà Ba Ngôi? 1 là 3 và 3 là 1? Vậy phải hiểu và đón nhận mầu nhiệm quá cao siêu này như thế nào?

Ba Ngôi là một mầu nhiệm thuộc đời sống nội tại của Thiên Chúa, vượt quá mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn hữu hạn con người.  Qua bao thời đại, trí khôn con người dựa vào mạc khải để tìm hiểu huyền nhiệm sâu thẳm này.

Thánh kinh có bàn nhiều về mầu nhiệm Ba Ngôi.

– Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất nhưng cũng có mầm móng về mầu nhiệm Ba Ngôi.  Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất của Cựu ước (Đnl 6, 4-5).  Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần giáo ở Trung đông thời bấy giờ.

– Mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi.  Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”  Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.  Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga1, 32-34).  Tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là con Ta yêu dấu (Mt 1, 11).  Tiếng nói, chim câu, Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi.  Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bào Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…”  Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bào Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Trong phúc âm Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19).  Thánh Phaolô luôn cầu chúc: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.

Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi và là Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần.  Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.  Mỗi ngôi vị đều bằng nhau về thần tính và ưu phẩm, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa.  Mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất.  Nói theo từ ngữ của Công đồng Vatican II: Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha.  Chúa Cha chia sẻ và bàn bạc sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Việc thực hiện sáng kiến ấy giống như một bản trường ca gồm hai phần chính.  Đức Kitô thực hiện phần đầu.  Ngài nhập thể, mạc khải về Chúa Cha dâng lên Cha hy lễ thập giá để cứu độ.  Phần hai dựa vào công trình ấy mà nâng con người lên, đưa con người về cùng Cha, đó là phần vụ của Chúa Thánh Thần.  Thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, bỗng nhiên nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.

Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau.  Ba Ngôi là một gia đình.  Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau.  Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung, chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo.  Trung với Chúa, hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin.  Thực tại Ba ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.  Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rực rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận, và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

Nhìn lên cung thánh, ta thấy Thánh Giá, Nhà Tạm, Bàn Thờ.  Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu. Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha.  Ngài tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha, để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài.  Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực.  Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô.  Khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.

Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống đó là tình yêu thần linh.  Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.  Với chúng ta sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô, Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua thánh thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6, 34).  Khi chia sẻ chén hiệp thông cuả Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một (Ga 17, 21).

Chúng ta đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa.  Nói theo kiểu nói của Đức Hồng y Henry de Lubac: Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương.  Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng.  Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến.  Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương.  Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa.  Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa.  Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu, không gặp mâu thuẫn đau khổ.  Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong tình yêu.  Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác “Nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh thần.”  Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, hiệp thông chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Lm Jos Nguyễn Hữu An

TÁI TẠO


TÁI TẠO

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện các môn đệ Chúa Giêsu tự nhốt mình trong một căn phòng đóng kín các cửa, lòng đầy sợ sệt.  Nhưng sau đó Chúa Giêsu đến với họ và sai họ ra đi, khi đó lòng họ vui mừng và bình an.

Chuyện xảy ra với các môn đệ ngày xưa cũng là chuyện thường xuyên xảy ra cho chúng ta ngày nay.  Vậy chúng ta hãy xem lại từng bước câu chuyện này.

Bước thứ nhất: các môn đệ nhốt mình trong phòng kín.  Đây là tâm lý co cụm, khép kín.  Một tâm lý thường xảy ra.  Chắc nhiều người đã biết chuyện Lan và Điệp.  Hai người yêu nhau tha thiết.  Nhưng Điệp bị gài bẫy nên bị bó buộc phải cưới một người khác.  Lan buồn quá.  Rồi Lan làm gì?  Lan co cụm lại bằng cách đi vào trốn trong chùa.  Lan không muốn gặp gỡ ai cả nên trong chùa có một chiếc chuông để khi ai muốn gặp người nào trong chùa thì kéo chuông.  Lan cắt đứt luôn sợi dây chuông ấy, nghĩa là cắt đứt hẳn mọi liên hệ với mọi người khác.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta vì nhiều lý do nên cũng rơi vào tâm lý co cụm khép kín như thế.  Lý do của Lan là thất tình.  Có người khác co cụm vì thất vọng.  Có người khác nữa vì mặc cảm tội lỗi.  Còn lý do của các tông đồ trong tường thuật này là sợ: các ông coi ai cũng là kẻ thù có thể hại mình bất cứ lúc nào nên co rút vào trong phòng và đóng kín các cửa lại.  Nhưng ta nên biết con người là một hữu thể mang tính xã hội.  Làm người là phải sống với những người khác.  Càng sống với chừng nào thì càng đúng là người chừng nấy.  Khi ai đó co cụm lại, rút vào vỏ sò thì kể như người ấy không còn là người nữa, người ấy như đã chết.

Ta hãy trở lại câu chuyện Lan và Điệp.  Vì Lan đã cắt đứt dây chuông nên Điệp không đến với Lan được.  Hai người không bao giờ gặp nhau nữa và dần dần chết héo chết mòn.  Chuyện tình của họ đi vào ngõ cụt không lối thóat.  Còn câu chuyện trong bài Tin Mừng này thì khác hẳn.  Các tông đồ đóng kín cửa không muốn gặp ai, nhưng Chúa Giêsu thì chủ động tìm gặp họ.  Họ không có khả năng đến với Chúa thì Chúa chủ động đến với họ.  Như thế là Ngài phá vỡ một chiều hướng của sự co cụm.  Nói cách khác, Chúa Giêsu mở cho họ một cánh cửa, cánh cửa mở ra phía Chúa.  Ngài còn mở cho họ cánh cửa thứ hai hướng về phía tha nhân bằng cách sai họ đi, đi ra khỏi thế co cụm của mình để đến với người khác.  Con người là một hữu thể có tính xã hội, làm người là phải sống với người khác.  Khi con người cắt đứt mọi liên hệ thì người đó kể như chết.  Nay Chúa Giêsu đến với các tông đồ và còn sai họ đến với người khác tức là Ngài nối lại những mối dây liên hệ, tức là Ngài làm cho họ sống lại.  Nói đúng hơn, Chúa Giêsu đã tái tạo các môn đệ.

Nhờ đâu mà Chúa Giêsu tái tạo được các môn đệ như thế.  Thưa nhờ Chúa Thánh Thần.  Bài Tin Mừng này có một chi tiết hàm chứa ý nghĩa rất sâu.  Đó là Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ.  Cũng như ngày xưa, Ađam ban đầu chỉ là một tượng bằng bùn đất, nhưng ngay khi Thiên Chúa thổi hơi vào thì tượng bùn đất ấy trở thành người.  Thì ngày nay cũng thế, Chúa Giêsu thổi hơi vào các tông đồ.  Làn hơi ấy chính là Chúa Thánh Thần, nhờ Chúa Thánh Thần mà các môn đệ đã được tái tạo lại thành những con người mới.

Những con người mới này có những gì đặc biệt: thưa cái đặc biệt thứ nhất là niềm vui.  Bài Tin Mừng nói “các tông đồ vui mừng vì thấy Chúa”; cái đặc biệt thứ hai là bình an: không còn sợ gì nữa cả nhưng lòng rất thanh thản.  Bài Tin Mừng viết “Chúa Giêsu đứng giữa các ông và nói: bình an cho chúng con”; và cái đặc biệt thứ ba là mang ơn tha thứ đến cho những người khác, bài Tin Mừng nói “Chúng con hãy nhận lấy Thánh Thần.  Chúng con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha.”

Nhiều khi chúng ta rơi vào tâm trạng sợ sệt, bất an, mặc cảm tội lỗi.  Khi đó chúng ta co cụm lại, rút lui vào nỗi cô đơn của mình và không muốn gặp ai cả.  Tình trạng này thật là buồn chán.  Phải sống trong tình trạng này thì chẳng khác nào như đã chết.  Do đó cần phải có ai đó giúp chúng ta thoát khỏi tâm trạng bất thường ấy.  Người ấy là ai?  Thưa chính là Chúa Thánh Thần.  Chúa Thánh Thần là Đấng tái tạo những gì suy sụp và hư mất.  Hôm nay cùng với Giáo hội chúng ta mừng kính Chúa Thánh Thần.  Nếu có gì đang khiến chúng ta buồn sầu co cụm khép kín, chúng ta hãy bày tỏ với Ngài và xin Ngài giải thoát chúng ta, tái tạo chúng ta thành con người mới, an bình, vui tươi, vui sống với mọi người.

Trích trong “Sợi Chỉ Đỏ”

Người có tín ngưỡng ở Mỹ thấy Thiên Chúa muốn ta thay đổi nhân đại dịch Covid-19

httpv://www.youtube.com/watch?v=Xe-jOROXesM&t=6s

Người có tín ngưỡng ở Mỹ thấy Thiên Chúa muốn ta thay đổi nhân đại dịch Covid-19

Hãng tin AP vừa cho công bố cuộc thăm dò họ vừa cùng trường thần học của Đại Học Chicago tiến hành từ ngày 30 tháng 4 tới ngày 4 tháng 5 vừa qua, trên 1,002 ngưòi lớn Hoa Kỳ, về tác động của Covid-19 đối với những người tin Thiên Chúa tuy có thể không thống thuộc một tôn giáo định chế nào. Cuộc thăm dò trên cho thấy coronavirus đã khiến gần 2 phần 3 những người trên cảm thấy rằng Thiên Chúa đang nói với nhân loại phải thay đổi lối sống. Trong khi virus hoành hành khắp mặt địa cầu, gây khó khăn kinh tế cho hàng triệu người và sát hại hơn 80,000 người Mỹ, thì cuộc thăm dò cho thấy người ta đang đi tìm một ý nghĩa sâu xa hơn trong vụ đột phát bệnh dịch gây hoang tàn này. Ngay một số người không thống thuộc tôn giáo có tổ chức nào, như Lance Dejesus, 53 tuổi, ở Dallastown, Pa., cũng thấy một sứ điệp lớn hơn trong đại dịch này. Dejesus, người nói rằng ông tin Thiên Chúa nhưng không tự coi mình là người tôn giáo, cho biết “Có thể đây là một dấu chỉ, giống như ‘ê, chấn chỉ hành vi của bạn lại’, tôi không rõ. Mọi sự xem ra đang đi theo hướng an lành bỗng nhiên bạn thấy cái con coronavirus này diễn ra, bung ra không biết từ đâu”.

Thảm trạng cuộc đời – Chết trong Chúa

Thảm trạng cuộc đời – Chết trong Chúa

 Thanh Quảng sdb

 16/May/2020

Đứng trước nhiều cái chết kinh hoàng của cơn đại dịch hiện nay, con số nhiễm đã lên quá 4 triệu rưỡi và con số tử vong hơn 300 ngàn, tại nhiều nơi!

Những hình ảnh người nhiễm bệnh bị cách ly không được gặp gỡ người thân và rồi chết trong cô quạnh một mình, không một lời từ biệt trăn trối…

Nhiều hình ảnh cho thấy để giải quyết số người chết quá nhiều, người đã tận dụng tối đa các lò thiêu mà không giải quyết được, đành phải cho xe ủi đất, đào các hố chôn tập thể…

Và rồi ngay cả trước cái chết bình thường của người thân của chúng ta, nhưng vì hoàn cảnh, chúng ta không thể hiện diện vì không gian trắc trở, vì lệnh đóng cửa biên giới và các chuyến vận hành du lịch đều bị hủy hoãn vô thời hạn…

Hoặc trong hoàn cảnh quy luật giới hạn các cuộc tu họp đông người dưới bất cứ hình thức hay lý do nào, chẳng hạn đám cưới hay ma chay số người tham dự bị giới hạn… Làm sao không đau lòng cho những người con, người cháu, chắt hay thân bằng quyến thuộc không thể tham dự các nghi lễ mừng vui trong đám cưới; đặc biệt tiễn đưa người thân trong các tang lễ…

Trước những hoàn cảnh bi thương hiện nay, chúng tôi xin gửi tới quí vị bài viết “Không ai chết mà bị lãng quên trong Chúa Kitô” của linh mục Federico Lombardi, hầu tìm ra một lối vươn lên, một đường tiến tới và một sự an bình cho cuộc sống…

Chết trong Chúa…

Bài viết thứ tư với nhan đề: “Không ai chết mà bị lãng quên trong Chúa Kitô” trong loạt bài “Cuộc sống siêu vượt trên cơn đại dịch” của cha Federico Lombardi.

Một trong những gia sản tinh thần quí báu của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II để lại là Ngài làm hồi sinh và sống lại những mẫu gương của các anh hùng tử đạo trong thế kỷ 20 này.

Chắc chắn khi cầu nguyện với Chúa, chúng ta nhớ đến số phận của vô số các nạn nhân, cả nam lẫn nữ thuộc mọi chủng tộc, thời gian và không gian đã hiến mạng sống qua nhiều thảm trạng cuộc đời như bỏ mình trên rừng sâu hay trong biển cả bao la, qua các cuộc giao tranh, hay trong lúc thanh bình. Nhiều người đã chết trong cô đơn, chết vì bạo lực hoặc vì một thảm họa nào đó…

Có những tiếng kêu than đau đớn thét lên trong cõi thinh lặng từ đất mẹ ở khắp mọi nơi trên thế giới mà những người có tai tinh tế sẽ nghe và nhận ra hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người đã bị lãng quên – tiếng khóc than của bao người bị lãng quên! Nhân danh họ và với họ, chúng ta muốn cất lên tiếng kêu cầu lòng thương xót bao la của Chúa.

Hình ảnh những cỗ quan tài xếp đầy trong các nhà thờ ở Bologna, Ý hay những ngôi mộ tập thể gần New York, Hoa kỳ làm chúng ta suy nghĩ… có rất nhiều người, đặc biệt những người già, đã chết trong sự cô đơn, cô độc trong những tháng qua, đã chạm tới tâm lòng chúng ta một các sâu sắc. Không chỉ trên phương diện cảm tính tự nhiên thương cảm như của những người thân trong gia đình, đã mất những người thân; mà còn trong mầu nhiệm hiệp thông thân mình huyền nhiệm của Chúa Kitô với tha nhân nữa…

Tất cả những thực trạng trên giúp chúng ta, một lần nữa hiểu và trân quí những liên đới gần gũi quý giá và tình cảm chân thành trong những lúc ốm đau, trong tuổi già và bệnh hoạn… Nhưng nó cũng giúp chúng ta nhận chân ra được một thực tại, đó là đứng trước cái chết của chính mình hay của bất luận ai thì chiều kích cô đơn cô độc luôn có đó… Vào cuối đời, giữa lúc cô đơn, thì sự gần gũi của những người thân là điều vô cùng quan yếu!

Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị giây phút đó, cho chính chúng ta hay cho người thân yêu của chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi nỗi thống khổ nếu bị rơi vào thảm trạng này?

May mắn thay, chỉ vài tuần trước đây, chúng ta mới cử hành lễ Phục sinh của Chúa Giêsu. Chắc chắn, chúng ta có thể sống mầu nhiệm phục sinh đó hằng ngày bằng cách kết hợp một cách bí tích và thiêng liêng với Chúa Giêsu qua việc rước lễ thiêng liêng; đó là sống mầu nhiệm Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy tuần Thánh một cách đặc biệt. Cái chết ê chề nhuốc khổ của Chúa Giêsu nói lên cái cảm nghiệm của một con người bị bội phản, bị Thiên Chúa bỏ rơi, như chúng ta thấy lời Thánh vịnh mà Chúa Giêsu đã kêu lên từ cây Thánh Giá “Lạy Cha, sao Cha lại bỏ con!” Rồi những phút giây thân xác đó được chôn vùi cách vội vã trong huyệt mộ! Chúa Giêsu đã xuống xuống ngục tổ tông cho thấy Ngài đã sống trọn kiếp người, liên đới với anh chị em đồng loại qua cái chết. Chúa như nhắn gửi chúng ta một điều là ‘không ai chết, bất kể ở đâu và lúc nào, trong cảnh trạng nào đi nữa như trong cơn đại dịch, sẽ không bị lãng quên. Chúa Giêsu thực sự đã chết, giống như họ, và Ngài chết với họ…

Nhưng sau cái chết, Chúa được mai táng và phục sinh, thì cái chết không còn như trước nữa như thánh Phaolô đã kêu lên: “Hỡi tử thần, nọc độc của ngươi ở đâu?”. Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, Chúa cho thế gian biết: Tình yêu của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn sự chết. Và điều này đã thắng vượt mọi nỗi cô đơn cô độc. Cho nên trước cái chết, chúng ta hãy tín thác và trao phó mọi sự vào vòng tay yêu thương của Cha chúng ta.

Vài ngày trước đây, một trong các Thánh lễ tại nguyện đường thánh Marta, Đức Phanxicô đã suy niệm về cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với ông Nicodemô và Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy nhìn lên Đấng bị đóng đinh, chính Ngài là trung tâm của đức tin và của đời sống Kitô hữu chúng ta.

Những ai đã từng nhìn thấy hình ảnh Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đứng ôm cây gậy Thánh giá trong Vương cung thánh đường vài ngày trước khi Ngài qua đời, hay trong các cuộc đi đàng Thánh giá tại hí trường Colosseum, hay trong các nghi thức suy tôn Thánh giá vào các ngày Thứ Sáu Tuần Thánh thì không thể quên được các hình ảnh đó. Không có cách nào chuẩn bị cho mình sống chết tốt đẹp hơn là nhìn vào Đấng bị đóng đinh, Người chết vì chúng ta và cho chúng ta. Với trọn vẹn trái tim, chúng ta hãy phó thác mọi sự trong vòng tay nhân ái của Thiên Chúa. Vì vậy, dù sống hay chết, với Chúa Giêsu chúng ta không còn lo sợ, vì chúng ta được tháp nhập vào mầu nhiệm tình yêu và lòng thương xót của Chúa… Có thế chúng ta mới cảm nghiệm được như thánh Phanxicô, không còn run sợ trước cái chết, mà còn coi cái chết như người em gái rất thân thương của cuộc đời mình.

Trong cơn đại dịch coronavirus hay bất luận cảnh trạng nào, sự chết có đến với chúng ta, chúng ta đừng quên rằng, nhờ Chúa Giêsu mà sự chết không phải là phán quyết cuối cùng… Mọi sự trong cuộc sống chúng ta, ngay cả giây phút biệt ly tang tóc và cái chết ê chề đi nữa… Tất cả sẽ không bị quên lãng và không bị rơi vào hư vô, nhưng tất cả đều nằm trong vòng tay từ ái của Thiên Chúa, Cha chúng ta.

CHÚA CÓ TÁC ĐỘNG QUA THÁNH LỄ ONLINE KHÔNG?

CHÚA CÓ TÁC ĐỘNG QUA THÁNH LỄ ONLINE KHÔNG?

Một số ít người không tin vào thánh Lễ online.  Nhất là khi thánh Lễ trực tuyến đã kết thúc, sau ấy vài tiếng Bạn mới “xem lại online” thì sao?  Để trả lời cho thắc mắc trên, xin kể cho quý ông bà anh chị em nghe câu chuyện sau đây về cha Tardif.

[Cha Emiliano Tardif MSC (1929-1999) được Chúa ban ơn chữa lành bệnh tật qua thánh Lễ.  Ngài luôn rao giảng: Chúa GIÊSU đang sống và dẫn chứng bằng những dấu chỉ chữa lành các bệnh nhân, giống như Giesu đã từng chữa các người bệnh cách đây 2000 năm.  Bởi thế cha đi đến đâu nhà thờ cũng chật ních người.  Vì số giáo dân và cả người không Công giáo tham dự quá đông, có lần cha phải tổ chức thánh Lễ chữa lành ở một sân vận động lớn, có sức chứa tới 100.000 người.]

Mùa hè 1982 đài truyền hình CHOT ở Ottawa, Canada đã hỏi cha Tardif, họ muốn thâu một chương trình dài 30 phút về “Canh Tân Đặc Sủng.”  Chương trình sẽ ghi hình vào băng Video Cassette, để trình chiếu trên đài truyền hình vào mùa thu năm đó.  Trong lúc cầu nguyện cho bệnh nhân thì cha được linh ứng rằng Chúa Giêsu đang tác động chữa bệnh.  Và cha nói: “NGAY TRONG LÚC NÀY một người bệnh đang nằm một mình trong phòng bệnh viện.  Cô bị đau lưng nặng.  Nhưng Giêsu đang ở bên để chữa lành cho cô.  Cô cảm thấy một luồng điện ấm loan tỏa khắp lưng.  Giờ cô có thể đứng dậy và đi được.”

Khi cha Tardif về nhà, ngài suy đi nghĩ lại sự việc và cảm thấy ngạc nhiên về điều ngài đã nói trong lúc cầu nguyện: Chương trình thâu hôm nay cho mấy tháng sau mới được chiếu trên tivi cơ mà, sao lại nói “NGAY TRONG LÚC NÀY…”  Cha thầm nghĩ: Có lẽ cô ấy hiện tại còn chưa được đưa vào bệnh viện nữa.  Thế mà cha đã nhân Danh Thiên Chúa nói trước về sự chữa lành của cô ấy.

Cuối tháng 1 năm 1983 cha nhận một lá thư của B.G., cô viết ngày 16.1.1983:

“Vì bị bệnh nặng nên con phải nghỉ làm việc.  Hai đốt sống sau lưng bị lật sang bên gây đau buốt kinh khủng.  Có những đêm con ngủ không được.  Những bài tập trị liệu không thuyên giảm được cơn đau.  Do đó, vào tháng 12 bác sĩ đã thực hiện giải phẫu kéo dài 4 tiếng đồng hồ.  Kết quả là chân phải của con có thể đi lại được chút, nhưng cái lưng thì vẫn rất đau.

Ngày 18.12 con mệt mỏi không còn sức mà vẫn phải nằm ở bệnh viện.  Đức tin của con vào Chúa như đã mất.  Lúc 18 giờ 35phút con mở tivi lên.  Chương trình “TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI” vừa kết thúc và con nghe, cha nói những lời cuối: “Một bệnh nhân đang nằm một mình trong phòng bệnh viện, cô bị đau lưng rất nặng.  Ngay trong lúc này Giêsu đang hiện diện ở bên để chữa lành.  Cô bắt đầu cảm nhận, Chúa chạm vào lưng cô…  Sau này cô sẽ làm chứng về việc chữa lành này.”

Đúng như cha nói, một luồng điện ấm chạy dọc nơi cột sống, tỏa ra trên lưng con…  Trước ấn tượng bất ngờ ấy nước mắt con cứ tuôn chảy.  Con hối lỗi tự hỏi mình: Sao Giêsu có thể đón nhận một tâm hồn đau khổ khép kín và thất vọng này?  Nhưng không phải chính vì những tâm hồn tan nát như con mà Ngài đã chết trên Thánh Giá sao?

Hôm nay, sau một tháng, con muốn kể cho cha nghe về việc chữa lành lạ lùng nơi con.  Lần đầu tiên trong cuộc đời con cảm nghiệm được sự BÌNH AN vô tận.”

Ơn chữa lành lạ lùng này đã được kiểm chứng ở Tahiti, nơi cô B.G. sống và được xác nhận là sự thật.  Từ Lời Chứng ở trên chúng ta biết được một điều rất quan trọng: Giêsu đã thật sự sống lại.  Chúa GIÊSU không bị giới hạn bởi không gian, thời gian hay Internet.  Ngài có thể linh ứng cho biết, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, vì với Ngài “Tương Lai” cũng là “NGAY TRONG LÚC NÀY…” Thiên Chúa không có xài đồng hồ, Ngài không xài cuốn lịch.  Bởi NGÀI là Đấng HẰNG HỮU, Ngài hiện diện ở bất kỳ nơi nào Ngài muốn cách trực tiếp.

Fatima Biến cố Lịch sử Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo trong Thế kỷ XX

Lễ Kính Ðức Mẹ Fatima – 13/5

Fatima Biến cố Lịch sử Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo trong Thế kỷ XX

(Radio Veritas Asia – 14/05/2002) – Ngày Mùng 5 tháng 5 năm 1917, lúc Ðệ nhị Thế chiến (1914-1918) bước vào giai đoạn khốc liệt, Ðức Thánh Cha Benoit XV (1914-1922) kêu gọi các Tín đồ Công giáo trên cả Thế giới tham dự Chiến dịch Cầu nguyện cách riêng trong Tháng 5, Tháng Dâng kính Mẹ Thiên Chúa, để xin Ðức Maria cứu giúp chấm dứt những cuộc tàn phá, đau khổ, chết chóc ! Ngoài ra, Ngài còn đặt tượng Ðức Mẹ bế Chúa Con bằng cẩm thạch trong Ðền Thờ Ðức Bà Cả, với hàng chữ : “Regina Pacis “ (Nữ Vương Hòa Bình).

Tám ngày sau, tức 13 tháng 5/1917, tại thung lũng Cova da Iria (Fatima) bên Bồ Đào Nha, Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra với ba em Mục đồng : Lucia, Phanxicô  và  Giaxinta.  Phanxicô và Giaxinta là hai anh em ruột, đã qua đời sau ít năm. Mộ của hai em hiện nay trong Nhà Thờ Fatima.

                  ĐGH Gioan Phaolô II và Soeur Lucia

Ngày 13 tháng 5, trong Năm Ðại Toàn Xá 2000, ÐTC Gioan Phaolô II đã đích thân đến Hành Hương lần Thứ ba tại Fatima, để Tôn phong hai em lên Bậc Chân Phước. Ðây là hai vị Thánh trẻ nhất, không Tử đạo, được cất nhắc lên danh dự Bàn thờ. Cũng trong dịp này, vào cuối Thánh Lễ, nhân danh Ðức Thánh Cha, ÐHY Angelo Sodano – Quốc Vụ Khanh đã tiết lộ : Sau khi đã tham khảo ý kiến  Nữ Tu Lucia (95 tuổi) trong Tu Viện Kín ở Coimbra (vẫn thỉnh thoảng còn được Ðức Mẹ hiện ra), “Phần Thứ ba của Bí mật Fatima” được giữ kín trong nhiều Năm, gây thắc mắc và lo sợ trong Dân chúng, bởi vì có một số người đã giải thích như một “biến cố kinh khủng”, giống những hiện tượng và dấu hiệu  được báo trước về Ngày Tận Thế !  Nhưng thực sự không phải vậy ! “Phần thứ ba của Bí mật Fatima” theo sự tiết lộ chính thức của Tòa Thánh trong ngày 13 tháng 5 năm 2000, là việc bách hại đẫm máu dữ dội, xẩy đến trong Thời chế độ Cộng sản Liên Xô cầm quyền, nhất là “vụ mưu sát Vị Lãnh đạo Tối cao Giáo Hội” ! Bí mật Thứ ba đã nói đến hình ảnh : “Một vị Giám Mục mặc áo trắng bước qua những xác chết ngổn ngang và chính Vị đó cũng bị mưu sát” ! Việc tiết lộ bí mật Thứ ba của Fatima hôm ngày 13/5/2000,   không thuyết  phục một số người, nhất là những người đã giải thích “Bí mật Fatima” theo cái nhìn riêng của Họ, căn cứ trên hình ảnh “Vị mặc áo trắng bị mưu  sát” ! Thực ra, nếu không có Phép lạ Ðức Mẹ Fatima, thì “Vị Giám Mục mặc áo trắng này không thể thoát chết”! Chính tên sát thủ Mehmet Ali Agca, người đã bắn những phát chí tử vào Ðức Gioan Phaolô II, đã hết sức ngạc nhiên tại sao bị thương như vậy mà ÐTC đã không chết! Việc ÐTC không chết là vì có bàn tay Ðức Mẹ Fatima. Chính ÐTC đã công nhận như vậy vào ngày 12 -13/05/1982, Ngài đã đến Fatima Hành Hương để Tạ ơn Ðức Mẹ và tuyên bố rõ ràng : “Ðức Mẹ Maria đã cứu sống Tôi”.

        ĐGH Gioan Paul II  vào tù thăm Ali Agca (người bắn Ngài)

Một trong những viên đạn được lấy ra lúc giải phẫu cho ÐTC tại Bệnh viện Bách Khoa Gemelli ở Roma, đã được ghép vào Triều Thiên của Ðức Mẹ tại Ðền Thánh Fatima, trong dịp ÐTC đến Hành hương Tạ ơn 13/05/1982. Trong Cuộc hành hương Năm Thánh 2000, ÐTC còn để lại một kỷ niệm khác nữa đặt dưới chân Mẹ chiếc nhẫn Giám Mục cao quý, do Ðức Cố Hồng Y Stefan Wyszynski – Giáo Chủ Ba Lan (TGM Varsovie) tặng cho Ngài khi được bầu làm Giáo Hoàng (16/10/1978).  Còn chiếc giây lưng trắng bị đẩm máu trong vụ mưu sát tại Quảng Trường Thánh Phêrô  lúc 17giờ 10 phút  – ngày 13/05/1981, đã được để lại làm kỷ niệm tại Czestochowa – Ðền Thánh Quốc Gia Ba Lan, nơi ÐTC đã đến hành hương nhiều lần trong những năm sinh sống tại Ba Lan và cả sau khi đã làm Giáo Hoàng.

Nhưng hành thể có tính cách Hoàn vũ để nhớ ơn Mẹ Maria Fatima trong muôn Thế hệ Tương lai, là việc ÐTC lập Lễ Kính các lần Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra tại Fatima. Năm 2002 ngày 13/05 là lần Thứ nhất Lễ kính này được cử hành trên cả Thế giới Công giáo. Nhật báo “Người đưa Tin (Il Messaggero), một trong các Tờ báo  lớn xuất bản ở Roma, số ra ngày Chúa nhật 12/03/2002, đã viết nơi Trang nhất với Tựa đề khá lớn như sau : “ÐTC Thánh Hiến Niên Hiệu của vụ mưu sát”. Bên nhật báo Roma viết : “Trong năm 1981, ngày 13 tháng 5, ngày mà những phát đạn của Ali Agca bắn vào Ðức Gioan Phaolô II, được Dâng kính Ðức Mẹ Fatima”.

Từ nay theo Lịch Phụng vụ, ngày 13/05 Lễ kính Ðức Mẹ Fatima sẽ được Cử hành trong Toàn Giáo Hội. Cũng như ngày 11 tháng 2, kính nhớ những lần Ðức Mẹ hiện ra với Cô Bernardette (từ 11 tháng 2 năm 1858 đến ngày 16 tháng 7 cũng năm 1858), trong 18 lần tại Hang đá, kế bên sông Gave, thuộc Thành phố Lourdes (Lộ Đức), miền Nam nước Pháp.

From: Le Ngoc Bich & KimBang Nguyen

Mời nghe nhạc:

Như Một Vầng Trăng

 SỰ SỐNG MỚI

 SỰ SỐNG MỚI

TGM Ngô Quang Kiệt

Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô.  Thánh Gioan là người sống sau cùng.  Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.

Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sàng suốt của lý trí.   Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể.  Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.

Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin.  Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.

Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên.  Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người.”  Cũng như kiến thức y khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc của nhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những lọai cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.

Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật.  Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta. 

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dấn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.

Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh.  Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa.  Sự sống đó là hiệp thông, như lời Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy.  Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.”

Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta.  Ở trong người nào tức là được người ấy yêu thương.  Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống.  Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.

Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi.”  Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi.  Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc.  Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi.  Và như thế việc ra đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta.  Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sung mãn, sự sống dồi dào.

Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy.”  Đức tin được thể hiện bằng tình yêu.  Tình yêu được chứng minh qua hành động.  Đó là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.

 TGM Ngô Quang Kiệt

  From: Langthangchieutim

ĐƯỜNG GIÊSU, ĐƯỜNG CON ĐI

ĐƯỜNG GIÊSU, ĐƯỜNG CON ĐI

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

Trong những ngày đầu tháng 02 năm 1990, có một con đường ở huyện ngoại thành đã được báo chí làm cho nổi tiếng.  Con đường ấy một đầu là giăng ngang biểu ngữ khai trương phòng vật lý trị liệu trá hình, còn đầu kia là sừng sững một khách sạn mini sang trọng làm nhà riêng của người biển thủ, chức danh là giám đốc.  Con đường ấy chợt nổi tiếng vì những vụ tai tiếng.

Từ hai mươi thế kỷ nay, trong Giáo Hội, người ta biết có một con đường thật danh tiếng và luôn luôn nổi tiếng.  Con đường ấy mở ra bằng một tình thương và kết thúc bằng một hạnh phúc.  Con đường ấy trải dài tin yêu để lâng lâng vươn lên sự sống.  Con đường ấy thấp sáng hy vọng để dẫn tới Nhà Cha trên trời.  Đường mở về miên viễn, Đường dẫn đến vĩnh hằng.  Đó là đường mang tên Chúa Giêsu.

  1. Đường hy vọng tin yêu.

Nếu có một câu hỏi được các Tông đồ đặt ra nhiều nhất thì đó phải là câu hỏi thuộc về nơi chốn.  “Thầy ở đâu?” là câu hỏi của Gioan đặt ra trong lần đầu gặp gỡ, để được gọi đến xem và bước vào ơn gọi; “Thầy muốn chúng con dọn lễ Vượt Qua ở đâu?” là câu hỏi của các Tông đồ đặt ra để có được địa chỉ chính xác cho Bữa Tiệc Ly; và hôm nay lại là Tôma nôn nóng bật ra câu hỏi “Thầy đi đâu?” trước một tương lai vẫn còn ẩn khuất.

Bận tâm về nơi chốn là bởi vì trong đời theo Chúa, các ông luôn được dẫn vào những cuộc hành trình, mà cuộc hành trình cuối cùng là tiến về Giêrusalem để chứng kiến Thầy mình chịu chết.  Có khối ông đã coi đây là con đường thất bại của Chúa để trở thành con đường thất vọng của mình.  Mấy năm dài miệt mài theo Chúa những mong có ngày tả hữu vinh quang, nào ngờ Người lại bị đóng đinh như tên tử tội.  Công dã tràng!  Khi mọi vốn liếng hy vọng đặt cả vào canh bạc cuộc đời, rồi bỗng dưng lật ngửa trắng tay, người ta như rớt từ trên cao quay cuồng chao đảo.  Thế mới hay ước vọng thì rộng lớn nhưng khung đời lại chật hẹp mà thực tế lại phũ phàng!

“Thầy đi đâu?” Ẩn sâu dưới câu hỏi ấy là một tâm trạng hoang mang trước một quá khứ vừa mới khép lại mà tương lai chưa kịp mở ra.  Tương lai ấy mới mẻ hay chỉ là quá khứ đươc lặp lại ở thì sẽ đến?  Đã một lần vỡ mộng, các Tông đồ băn khoăn là chuyện thường tình.  Giống như đứa trẻ lỡ một lần phải bỏng, hễ thấy lửa là tự nhiên rụt tay lại.  Vì thế, nghe trong câu hỏi “Thầy đi đâu?” có âm hưởng lo âu tự hỏi “mình đi đâu?”

Thất vọng về quá khứ và hoang mang trước tương lai, đó là những con đường các Tông đồ đã nếm trải.  Nhưng mở đầu Tin Mừng hôm nay lại là lời của Chúa Giêsu: “Các con đừng xao xuyến.”  Đó là lời an ủi vỗ về, đồng thời cũng là lời cắt băng khai mở một con đường mới trong hy vọng tin yêu.

  1. Đường mang tên Giêsu.

“Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.”  Trả lời cho Tôma, cùng lúc Chúa Giêsu để lộ cho biết từ nay chỉ có một con đường duy nhất được mở ra trong ơn cứu độ, và tên gọi con đường ấy lại chính là Người.

Người là Đường Sự Thật bởi Người là Chân Lý, một chân lý sống động khả tín làm nền tảng và hướng đi cho mọi cuộc đời, một thực tại năng động đầy Thần Khí làm sức mạnh giải thoát cho mọi kẻ tin.  Đường Sự Thật không phải là một hệ thống tín điều do Chúa Giêsu thiết định, nhưng là toàn thể cuộc sống lời nói việc làm của Người trong ý nghĩa cứu độ.  Nhưng đâu phải ai cũng nhận ra?  Giữa phiên tòa dịp lễ Vượt Qua, trước mặt Chúa Giêsu, Philatô đã hỏi một câu ngớ ngẩn: “Sự Thật là chi? – Quid est Veritas?”  Chúa Giêsu không trả lời, vì Sự Thật hiện thân chính là Người đứng đó.  Có biết đâu hỏi là đã trả lời, chỉ cần sắp xếp lại thứ tự các mẫu tự sẽ thành hàng chữ: “Est Vir qui adest” (x. Tihamet Toth, Chúa Cứu Thế Với Thanh Niên, p. 95).

Người là Đường Sự Sống bởi Người là Sự Sống thượng nguồn phát sinh các sự sống khác trong công trình sáng tạo, và là Sự Sống cội nguồn mà mọi sự sống khác phải tìm về trong công cuộc tái tạo của ơn cứu độ.  Người thông ban sự sống cho mọi sinh linh, và luôn đi bước trước để lôi kéo mọi người về với Sự Sống của Thiên Chúa.  Người chịu chết để nhân loại được sống, và Người sống lại để mãi mãi mở ra nẻo đường dẫn vào cõi sống.  Mọi sự sống trần gian có thể đổi thay tan biến, nhưng Sự Sống Người là vĩnh cữu trường tồn.  Người hằng sống hằng trị muôn đời.

Người là Đường dẫn tới Nhà Cha bởi Người và Cha không thể tách lìa: Chúa Con ẩn mình trong Chúa Cha, và Chúa Cha tỏ hiện trong Chúa Con.  Vẫn là Một từ ngàn xưa và mãi là Một tới ngàn sau.  Thế nên Đường mang tên Giêsu tất yếu cũng là địa chỉ Nhà Cha, và ngược lại tìm đến Nhà Cha cũng là hành trình vào Đường Sự Thật và Sự Sống.

  1. Đường con đi.

Dẹp bỏ con đường cũ của thất vọng hoang mang để khai mở con đường mới bằng toàn diện con người mình, Chúa Giêsu muốn truyền lại cho các Tông đồ cái kinh nghiệm hiện sinh phong phú liên kết với Cha qua Chân Lý và Sự Sống; đồng thời đó cũng chính là lời mời gọi Giáo Hội cất bước lên đường với những hành trang đi về hạnh phúc.

Đi trên Đường Giêsu là đi bằng cả niềm tin gắn bó hiệp thông của những con người biết mình có một lý tưởng để theo đuổi, và sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt được lý tưởng ấy.  Trút bỏ những hành trang cồng kềnh của danh lợi thú, đoạn tuyệt với những ngõ cụt lối mòn sao gợn sỏi đá của cuộc sống khô khan, chấp nhận canh tân để có được bước đi vừa thanh thót vừa thanh thản của đời nhân đức chính là hát lên khúc ca mới trên con đường mới.  Vì lý tưởng ấy chính là lẽ sống, cũng chính là vinh dự một đời: “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là chủng tộc thánh thiện, Dân riêng của Chúa…” (bài đọc thứ hai).

Đi trên Đường Giêsu cũng là đi bằng niềm hy vọng bền vững.  “Thầy đi dọn chổ cho các con.”  Vận mệnh tương lai đã mở ra.  Không còn xa xôi tít tắp, nhưng đã châm rễ từ cuộc đời này.  Sống hôm nay là chuẩn bị sống ngày mai, và ngày mai tại Nhà Cha đã được định hình ngay từ bây giờ trong bước đường lữ thứ của Hội Thánh ở giữa lòng đời.  Đi trong hy vọng là nhận ra rằng con người được tạo dựng để hướng về một cứu cánh, được tái sinh trong giới hạn nhưng không ngừng hướng về vô hạn.  Thiết tưởng lời kinh của Thánh Augustinô có thể là tóm kết của bước đi hy vọng đã biến thành khát vọng: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con để cho Chúa, nên con mãi khắc khoải cho tới khi được nghỉ ngơi trong Ngài.”

Đi trên Đường Giêsu còn là đi bằng cả tình yêu chan hòa phục vụ.  Bài đọc thứ nhất là hình ảnh đẹp về một Giáo Hội trẻ đang cựa mình vươn vai tiến tới.  Có những phân công khác biệt: kẻ phục vụ bàn thánh, người phục vụ bàn ăn; kẻ chuyên chăm rao giảng Lời Chúa, người chuyên lo hạnh phúc anh em.  Nhưng vẫn là nhịp bước đồng hành.  Có thể nói được rằng tình yêu và phục vụ là đôi chân của Giáo Hội lữ hành đặt bước chân mình trong dấu chân Chúa.  Và cũng có thể hiểu được rằng cách nhìn “con người là con đường của Giáo Hội” (Gioan Phaolô II) chính là tốc độ mới của tình yêu chan hòa phục vụ trên Đường Giêsu hôm nay.

Và lời cuối cùng sẽ là một lời kinh, dệt nên khúc hát hy vọng cho những ai đang băn khoăn tìm kiếm một con đường sống, và biến nên hành khúc tin yêu cho những ai đã một lần cất bước hành trình: “Chúa muốn nhận con đường con đi, nên Ngài đã sinh xuống dương gian.  Chúa đã nhận đôi bàn tay con, dìu từng bước, bước đi trên đường.  Chúa ôi, khi nhìn đời con, con không hiểu từng giọt lệ sầu.  Chúa ôi, khi nhìn đời Ngài, con đã gặp đường hướng con đi.”

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống (trích trong “Với Cả Tâm Tình”)

TẢNG ĐÁ LỚN VÀ CÁNH CỬA BỊ KHÓA   

TẢNG ĐÁ LỚN VÀ CÁNH CỬA BỊ KHÓA   

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Triết gia Soren Kierkegaard đã từng viết, bản văn Tin Mừng mà ông thấy rõ mình trong đó, là câu chuyện kể các môn đệ sau khi Chúa Giêsu chết, họ tự giam mình trong phòng vì sợ, rồi họ trải nghiệm Chúa Giêsu đi qua cánh cửa bị khóa để ban bình an cho họ.  Kierkegaard muốn Chúa Giêsu làm như vậy với ông, đi qua các cánh cửa bị khóa của ông, sự cự lại của ông và để ông được hít thở sự bình yên trong Ngài.

Hình ảnh các cánh cửa bị khóa là một trong hai hình ảnh đặc biệt thú vị trong câu chuyện về ngày Phục sinh đầu tiên.  Hình ảnh kia là hình ảnh tảng đá lớn đã chôn Chúa Giêsu.  Các hình ảnh này nhắc chúng ta nhớ những gì thường tách chúng ta ra khỏi ơn sống lại.  Đôi khi để ân sủng này đi tìm chúng ta, thì ai đó “phải lăn tảng đá” và đôi khi sự sống lại đến với chúng ta qua cánh cửa bị khóa.

Trước hết, về “tảng đá:

Các Tin mừng cho chúng ta biết rằng vào sáng sớm Phục sinh, ba phụ nữ đang trên đường đến mộ Chúa Giêsu, họ mang theo dầu thơm để ướp xác Ngài nhưng họ lo lắng không biết làm sao lăn tảng đá đã bít chặt mộ Ngài.  Họ hỏi nhau: “Ai sẽ lăn hòn đá cho chúng ta?”

Và như chúng ta biết, hòn đá đã được lăn.  Cách nào?  Chúng ta không biết.  Không có ai ở đó khi Chúa Giêsu sống lại.  Không ai biết chính xác hòn đá đó đã lăn đi như thế nào.  Nhưng điều mà Kinh thánh làm rõ là: Chúa Giêsu không tự sống lại.  Chính Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại.  Chúa Giêsu không lăn hòn đá, đó là điều chúng ta thường nghĩ như vậy.  Tuy nhiên, và vì lý do chính đáng, cả Kinh Thánh và truyền thống Kitô giáo đều khẳng định mạnh mẽ, Chúa Giêsu không tự mình sống lại từ cõi chết, Chúa Cha đã làm cho Chúa Giêsu sống lại.  Điều này có vẻ như là điểm không cần thiết để nhấn mạnh; nhưng rốt cuộc, nó có gì khác biệt?

Điều này làm một sự khác biệt rất lớn.  Chúa Giêsu không tự mình sống lại từ cõi chết và chúng ta cũng không thể.  Đó là mục đích.  Để sức mạnh của sự sống lại thấm nhập vào chúng ta, một thứ gì đó từ bên ngoài chúng ta phải loại bỏ tảng đá khổng lồ bất động của sự cự lại của chúng ta.  Đây không phải để phủ nhận chúng ta không có thiện chí và sức mạnh cá nhân; nhưng những điều này, dù quan trọng, không còn là điều kiện tiên quyết để nhận được ân sủng của sự sống lại, mà chính do sức mạnh của sự sống lại, luôn đến với chúng ta từ bên kia.  Chúng ta không bao giờ tự mình lăn được tảng đá!

Ai có thể lăn tảng đá?  Có lẽ đây là câu hỏi chúng ta đặc biệt quan tâm, nhưng chúng ta nên hỏi… Chúa Giêsu đã bị táng xác và bất lực không thể tự dậy, cũng vậy đối với chúng ta.  Giống như các phụ nữ trong ngày Phục sinh đầu tiên, chúng ta cũng lo lắng hỏi: “Ai sẽ là người lăn tảng đá cho chúng ta?” Chúng ta không thể tự mở mộ cho mình.

Thứ hai, các cánh cửa của chúng ta đã bị khóa:

Thật thú vị khi thấy các tín hữu của ngày Phục sinh đầu tiên này trải nghiệm Chúa Kitô phục sinh trong cuộc sống của họ.  Các Tin mừng cho chúng ta biết, họ bị hãi sợ và hoang mang bao trùm nên họ ở trong phòng khóa cửa lại, chỉ muốn tự bảo vệ mình, Chúa Kitô đi qua cánh cửa bị khóa của họ, cánh cửa của sợ hãi, của tự bảo vệ và truyền bình an cho họ.  Họ họp nhau lại trong sợ hãi không phải là họ không có ý chí hay không có đức tin. T rong thâm tâm, họ thật lòng mong mình không sợ, nhưng thiện ý này không phải lúc nào cũng mở cánh cửa của họ.  Chúa Kitô bước vào và ban bình an cho họ dù họ cự lại, dù nỗi sợ hãi và cánh cửa bị khóa của họ.

Các điều này không thay đổi gì từ hai ngàn năm nay.  Là cộng đồng Kitô hay cá nhân, chúng ta vẫn đang loay hoay trong sợ hãi, lo lắng về bản thân, không tin tưởng, không được bình an, cánh cửa của chúng ta bị khóa, ngay cả khi trái tim chúng ta mong muốn hòa bình và tin tưởng.  Có lẽ, giống như triết gia Kierkegaard, chúng ta muốn được đặc ân như đoạn Sách Thánh này, khi Chúa Kitô sống lại đi qua các cánh cửa bị khóa do con người cự lại, và thổi bình an đến cho chúng ta.

Hơn nữa, năm nay, vào thời điểm đặc biệt khi coronavirus Covid 19, đã khóa các thành phố và cộng đồng chúng ta và chúng ta cách ly trong ngôi nhà riêng của mình, đối diện với các tâm trạng hụt hẫng, mất kiên nhẫn, sợ hãi, hoảng loạn và buồn chán.  Và đây, lúc này chúng ta cần một chút gì đó để sống phục sinh, một hòn đá cần phải được lăn đi để cuộc sống được hồi sinh, để có thể đi qua cánh cửa bị khóa của chúng ta và để mang bình an đến cho chúng ta.

Vào cuối ngày, hai hình ảnh, “tảng đá phải được lăn” và “các cánh cửa của nỗi sợ chúng ta” hàm chứa trong chính nó sự thật an ủi nhất của mọi tôn giáo bởi vì chúng tiết lộ điều này về ân sủng của Chúa: Khi chúng ta không thể giúp chính mình, chúng ta vẫn có thể được giúp đỡ và khi chúng ta bất lực để vươn ra, ân sủng vẫn có thể đi qua các bức tường cự lại của chúng ta và mang bình an đến cho chúng ta.  Chúng ta cần phải bám lấy điều này mỗi khi chúng ta bị đổ vỡ không thể cứu vãn được trong cuộc sống chúng ta, khi chúng ta cảm thấy bất lực trong các vết thương và nỗi sợ hãi, khi chúng ta cảm thấy bị tổn thương về mặt tinh thần và khi chúng ta đau buồn vì người thân yêu bị nghiện ngập hoặc tự tử.  Chúa Kitô phục sinh có thể đi qua các cánh cửa bị khóa và đẩy đi bất cứ hòn đá nào chôn chúng ta, nhốt chúng ta, dù vô vọng đối với chúng ta như thế nào.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Nguồn: http://ronrolheiser.com/tang-da-lon-va-canh-cua-bi-khoa/#.Xq5U0ahKguU

From: Langthangchieutim

MỜI ÔNG Ở LẠI VỚI CHÚNG TÔI

MỜI ÔNG Ở LẠI VỚI CHÚNG TÔI

Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau.  Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua.  Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành.  Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.

Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt: “Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra…”  Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?” Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn.  Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự.  “Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng…” Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ.  Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.

Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề, những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp.  Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Đức Kitô lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?

Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ.  Đau khổ là nhịp cầu mà Đức Kitô phải vượt qua để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt.  Đau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro, nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ.

Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại.  Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều.  Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.

Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta.  Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên.  Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi.  Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài.

Ngài đến lúc ta không ngờ.  Ngài đi mà ta không giữ lại được.  Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa.

Đấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ.  Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu.

Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ.  Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta.  Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng…

Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.

*******************************************

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa.  Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.  Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.  Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J (trích trong ‘Manna’)

From: suyniemhangngay1 & NguyenNThu

NIỀM TIN CÓ TÍNH TOÁN CẨN THẬN

NIỀM TIN CÓ TÍNH TOÁN CẨN THẬN
  
“Ngài thổi hơi vào các ông và nói với họ: Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22)
 
Để xác định một người đã chết, ngày xưa người ta thường đặt một tấm gương dưới hai lỗ mũi của thi hài người chết để xem người đó còn thở hay không.  Ngày nay, với phương pháp đo điện tâm đồ và kiểm tra hoạt động của phổi, người ta sẽ kết luận một người đã chết thực sự khi họ ngưng thở hoàn toàn.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô Phục Sinh đã “thổi hơi sự sống” vào buồng phổi nhỏ bé của cộng đoàn những người tin, giải thoát họ khỏi sợ hãi, làm cho họ được lưu thông huyết mạch đức tin để họ có thể cùng nhau “thở” và sống cách sung mãn cho sứ mệnh được gửi trao.
 
Các môn đệ đầy sợ sệt đang co rúm lại với nhau trong căn phòng đóng kín cửa vì “sợ người Do Thái.”  Sau khi Đức Giêsu bị hành quyết, nỗi khiếp sợ này cũng dễ hiểu, vì họ sợ sẽ đến lượt mình.  Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, từ ngữ “Người Do Thái” đồng nghĩa với những con người không tin vào Đức Giêsu, và chống đối Ngài, cho dầu chính Đức Giêsu và những học trò đầu tiên của Ngài cũng là người Do Thái.  Đối tượng sự sợ hãi nơi các môn đệ, chính là những người cũng giống họ về người gốc dân tộc, nhưng khác họ ở niềm tin vào Đức Giêsu.
 
Đôi khi, điều làm chúng ta khiếp sợ nhất là phải trực diện những gì chúng ta không muốn xảy ra cho mình như đã từng xảy ra cho người khác.  Giữa lúc sợ hãi cao điểm như thế nơi các tông đồ, Chúa Giêsu đã hiện ra và đến với họ, mời gọi họ đón nhận sự bình an mà Ngài mong muốn đem đến cho họ.  Đó không phải là sự bình an cất giấu đi sự tàn bạo hằn sâu nơi thân thể Ngài, khi Ngài vạch mở cho họ thấy những vết thương lồ lộ vẫn còn nguyên trạng nơi xác thân Ngài.  Nhưng đó là sự bình an với nhận thức đầy đủ về sự khủng khiếp đối với những gì đã xảy ra nơi cái chết của Chúa, nhưng bình an sẽ đến trong tiến trình chữa lành những vết thương đó, trong tinh thần tha thứ và hòa giải chứ không phải là bạo lực hay oán thù.  Ngắm nhìn những vết tích nơi thân thể Chúa, phải có một cái nhìn khác.  Không phải là một cái nhìn mang tính hận thù, nhưng là một cái nhìn được Chúa Kitô khởi dẫn để chữa lành, với tinh thần và bình an của Ngài, để giúp các môn đệ thoát vượt sợ hãi, vươn tới niềm vui thực sự.
 

Kết quả, chính là sự hồi sinh của cộng đoàn.  Cũng giống như Đấng Tạo Hoá ban đầu đã thổi hơi vào lỗ mũi của nguyên tổ để trao ban sinh khí (St 2,7), Đức Kitô Phục Sinh cũng đem lại sự sống cho cộng đoàn những kẻ theo Ngài, đang trong cơn khiếp sợ.  Đây không phải là một tiến trình dễ dàng, không gây nhức nhối.
 
Tôi có một người bạn bị viêm phổi nặng, sự đau đớn ghê gớm mà người bạn đó đã kinh qua khi buồng phổi đang bị tàn phá khủng khiếp, làm tôi liên tưởng gần sát với những khó khăn mà những học trò của Đức Giêsu đã trải qua trong tiến trình biến đổi đức tin.  Trước khi thụ nạn, Đức Giêsu đã nói với họ về những thống khổ như là nỗi đau quặn của một phụ nữ khi sinh nở, để sau đó có được niềm vui khi một mầm sống mới được khai sinh (Ga 16, 20-22).
 
Đối với vài người trong nhóm họ, sự tái sinh này xảy ra vào ngày thứ nhất trong tuần sau khi Đức Kitô Phục Sinh.  Nhưng không phải tất cả đã hiện diện ngày hôm ấy và đã cảm nghiệm được giai điệu huyền nhiệm này.  Tuần sau, vài người trong họ vẫn còn sợ và đóng kín cửa.  Họ vẫn đưa ra những điều kiện dường như bất khả thi để có thể tin.  Tôma đã lên tiếng bộc lộ sự nghi ngại “Tôi cần phải thấy tận mắt, sờ tận tay, mới tin.”  Đây không phải là một sự phản kháng ngoan cố trước những gì các bạn hữu khác đã trải nghiệm và truyền đạt lại, nhưng thực sự Tôma muốn nói lên rằng mọi người và từng mỗi người cần được tiếp cận trực tiếp với Đức Kitô để có thể tin.
 
Ở đây, không có chuyện Tôma đã thể hiện một thứ đức tin hạng hai.  Chứng tá của các bạn khác dẫn ông đến với Đức Giêsu, nhưng không thay thế cho kinh nghiệm của chính bản thân ông để có thể thấy được nhãn tiền, khi ông cần phải gặp gỡ Đức Giêsu một cách trực tiếp, cũng như từng người một trong nhóm họ.  Tin Mừng cho phép người ta có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau để có được đức tin.  Một vài người có thể thủ đắc đức tin bằng việc nhìn thấy, những người khác có thể không cần.  Cả hai thái độ này đều tốt và được Chúa chúc lành.  Cách thức đến với đức tin, điều đó không quan trọng, trong một cộng đoàn mà đức tin luôn được toan tính cẩn thận, nhưng trong đó mọi người cùng “thở” chung với nhau bằng hơi thở của Thần Khí, Đấng sẽ đẩy lùi mọi sợ hãi bằng khí cụ của bình an, của sự tha thứ và của sự giao hoà.

 (Barbara E. Reid, O.P – Nữ Tu Đaminh thuộc cộng đoàn Đaminh ở Grand Rapids, Michigan, Giáo sư môn Tân Ước tại Đại Học Công Giáo ở Chicago, Illinois, và là phó trưởng khoa tại Đại Học này. – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)