Đức Maria vô nhiễm nguyên tội…

 

Đức Maria vô nhiễm nguyên tội là một tín điều (nội dung bắt buộc của niềm tin) dạy rằng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa không hề bị nhiễm tội tổ tông. Tự bản tính, Mẹ Maria đã được giữ sạch khỏi tội nguyên tổ nhưng cũng như Đức Yêsu (khi làm người), Đức Maria vẫn có những giới hạn của mình, nhưng những giới hạn này không hẳn là sự bất toàn về mặt luân lý.

Đức Maria không mắc tội, có thể được suy ra từ tước hiệu được đề cập trong tin mừng: “đầy ân phúc” (Lc 1,28), các tác giả Công giáo cho rằng nếu đã tràn đầy tình thân với Thiên Chúa thì không thể nào phạm lỗi về mặt luân lý. Thánh Augustinô nói rằng: ta phải loại trừ mọi tội cá nhân ra khỏi Đức Maria vì chính danh dự của Thiên Chúa”.

Ðức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội ngay từ lúc thụ thai, do ân sủng và tình thương đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Chúa Yêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ loài người (DS 2803).

Ðức Maria được cứu chuộc ngay từ lúc thụ thai. Ðó là nội dung tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức giáo hoàng Piô IX công bố năm 1854.

100 năm sau, người Việt Nam muốn thoát tội nạn của cộng sản, nên đã từ Bắc di cư vào Nam.

Image may contain: 1 person, sky
You, Trần Thị Hường, John Hoa Tran and 226 others
14 Comments
26 Shares

CÓ TIẾNG GỌI LƯƠNG TÂM TRONG TỪNG NGƯỜI

CÓ TIẾNG GỌI LƯƠNG TÂM TRONG TỪNG NGƯỜI

Tuyết Mai

Cần để Lời Chúa được dễ hiểu thì chúng ta cứ đem lương tâm của mình ra để mà cân, đo, đong, đếm và để dễ bề đối xử với anh chị em mình. Điển hình nhất mà chúng ta có thể thấy hằng ngày là sự bất công của những người còn khỏe mạnh nhưng vì lý do cá nhân ích kỷ nên đã cố tình dành chỗ đặt riêng cho người thật sự bị tàn tật hay bị khuyết tật “handicap”, rất cần chỗ đậu xe cho gần với nơi họ cần được đến; đó là chưa kể đến sự cố tình khai gian tiền bạc trợ cấp dài hạn của những người bất hạnh rất cần sự trợ giúp của chính phủ.

**

Đây là hành động tồi tệ và bất công nhất ở một lương tâm hình như bị đóng đá. Một người con cái Chúa mang danh Kitô hữu thì thật là đáng trách, hổ thẹn và rất đáng buồn. Mà bên lương giáo thì người ta rất tin vào cái “huông” xấu khi một người lành lặn giả bệnh, giả ngồi xe lăn, giả điên, v.v… không chóng thì chầy cũng sẽ bị tật nguyền, què quặt hay bị liệt?. Nhất là những tấm bảng treo “handicap” xạo trong xe cũng sẽ có ngày bị vận vào thân. Gần nhất là bị cảnh sát cho giấy phạt khi bị phát hiện sự gian dối ấy.

**

Thiên Chúa Người ban cho chúng ta một Lương Tâm thật tinh vi, thật tế nhị và thật bén nhậy để nhắc nhở chúng ta sống “phải, quấy” ở đời; hay có thể nói lương tâm là tiếng nhắc nhở của Thiên Thần Bản Mệnh mà ai cũng có. Ngay cả người lương giáo cũng có. Chớ bẻ cong Lời Chúa thì cũng chẳng giúp gì hay ích gì cho linh hồn sống đời của chúng ta cả đâu. Như những pharisêu của mọi thời đại mà Chúa vẫn hoài chê trách vì hành động của họ luôn đi phản ngược lại những điều họ giảng dạy trong Đền Thờ. Nhất là những Pharisêu hay nhà thông luật càng giảng hay, giảng giỏi chừng nào thì Chúa khuyên chúng ta hãy coi chừng. Vì họ đã nuốt chửng biết bao tiền của những bà góa nghèo.

**

Sống ở trên đời lương tâm của một con người rất là quan trọng, nên rất thường phải nghe ngóng tiếng nói ấy! Cũng cùng đồng nghĩa với tiếng kêu trong Hoang Địa của Thánh Gioan xưa. Tại sao lại gọi là tiếng kêu trong Hoang Địa? Có phải vì tiếng kêu ấy nó như mất hút vào khoảng không gian rộng lớn và ồn ào? Hay vào hoang mạc mênh mông không ai nghe thấy?.

–*–

Ngày xa xưa và ngày nay, con người vẫn không thay đổi. Vì tiếng kêu trong Hoang Địa ấy chẳng thấy mấy ai đáp trả?. Ngày nào chúng ta còn thấy nhan nhãn những bất công, những tội ác, những việc làm mà một người để cho cái lương tâm (là lời nhắc nhở của Thiên Thần Bản Mệnh hay của tiếng kêu trong Hoang Địa) ngủ yên thì ngày ấy vẫn còn chiến tranh, hận thù, tranh chấp và Thiên Đàng còn ở xa lắm tầm tay với của con người.

**

Có rất nhiều sự việc bất công trong một xã hội mà chúng ta cố tình làm ngơ y như chuyện của một anh phú hộ giàu có ngày ngày chè chén, nhậu nhẹt, say sưa và anh Lazarô nghèo ghẻ chốc ngày ngày sống trước nhà của anh phú hộ giàu có kia. Nhưng có phải vì Thiên Chúa Người quá yêu thương con người, muốn hết thảy con người được lên Nước Chúa, nên những tiếng kêu trong Hoang Địa vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay?.

**

Vâng, trong một xã hội có lắm tội ác nhưng tiếng kêu trong Hoang Địa cũng rất thường lanh lảnh kêu vang và vẫn được nhiều người đón nghe. Thưa đó là những con cái Chúa có tinh thần sống tốt, bác ái, muốn mọi người cùng được nên tốt. Sự mong ước của một Gioan là muốn từng người nắm tay cùng dắt nhau Về Trời. Nơi mà lương tâm (là đường) của từng người được sửa đổi cho ngay thẳng, cho công bằng và biết chia sẻ yêu thương đến cho mọi người.

–*–

Để làm rõ nghĩa và đúng nghĩa hơn cho một lương tâm của con cái Chúa ấy là chớ lấy của người làm của riêng mình. Chớ có tham của người với ý đồ muốn tích trữ thêm mà lấy của kẻ khó nghèo, khi họ rất cần nếu không có thì họ sẽ chết. Đừng làm chứng gian để cho anh chị em phải bị tù đày. Đừng chứa đựng sự hận thù và ganh ghét vì điều đó sẽ gây chiến tranh không bao giờ ngừng. Nhất là trong gia đình là nơi mà tình yêu thương phải luôn đầy tràn. Amen.

Y tá con của Chúa,

Tuyết Mai

6 tháng 12, 2020

CẦN THINH LẶNG TRONG MÙA VỌNG

CẦN THINH LẶNG TRONG MÙA VỌNG

Stephen Beale

Dịp Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa nói với chúng ta theo cách sâu sắc và huyền bí hơn bất kỳ kiểu nói nào khác mà con người từng biết: Ngài truyền đạt cho chúng ta qua Ngôi Lời hóa thành nhục thể.  Nhiệm vụ của Mùa Vọng là chuẩn bị cho việc nghe Lời của Thiên Chúa.

Tôi muốn đề nghị rằng một trong những cách quan trọng nhất để làm điều này là thông qua việc trau dồi sự im lặng.  Đối với người Công giáo, lời khuyên này có thể có giá trị sự thật, nhưng nó cũng hoàn toàn phản văn hóa.  Đối với thời điểm này trong năm là mùa rất nhộn nhịp – các ông già Noël rung chuông, những người mua sắm náo nhiệt, các giai điệu vang lên khắp nơi, và cuối cùng là cả gia đình quây quần bên cây thông Noël hoặc bàn ăn tối.

Tuy nhiên, sự im lặng là điều cần thiết để sống đức tin của chúng ta trong Mùa Vọng.  Tôi tin rằng đây là trường hợp đặc biệt vì mối quan hệ mật thiết giữa lắng nghe và im lặng trong bối cảnh của Mùa Vọng.  Điều kiện tiên quyết thiết yếu để nhận được Lời của Thiên Chúa hóa thành xác phàm là chúng ta thực sự lắng nghe và tìm kiếm Ngài.

Thói quen lắng nghe kỳ vọng này rất khác so với kiểu lắng nghe mà chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày.  Trong trường hợp sau, việc nghe của chúng ta bắt đầu khi người kia nói.  Trong quá trình nghe mong đợi, động lực này bị đảo ngược: quá trình nghe bắt đầu trước khi việc nói bắt đầu.  Trong thực tế, có thể kiểu lắng nghe này xảy ra trước khi người kia đến.  Vì thế, điều đó vừa thụ động vừa chủ động.

Sự lắng nghe mong đợi như vậy bao hàm sự im lặng.  Thông thường, nếu bạn muốn lắng nghe ai đó thì bạn phải im lặng.  Bạn kiềm chế cái lưỡi của mình để người kia nói.  Trong những trường hợp này, chúng ta lắng nghe nhưng sự lắng nghe của chúng ta kết hợp với lời nói chứ không im lặng.  Với sự lắng nghe mong đợi thì khác.  Chúng ta lắng nghe nhưng người kia vẫn chưa bắt đầu nói.  Lúc đó, chúng ta bắt gặp một khoảng lặng sâu sắc.

Dù buồn thế nào, loại im lặng này vẫn là điều kiện thiết yếu để trải nghiệm niềm vui về sự xuất hiện của người mà bạn đang chờ đợi – và đó là tất cả những gì Mùa Vọng hướng tới.  Sự xuất hiện bao hàm cả sự vắng mặt.

Trong cuốn “Đêm Tối của Linh Hồn,” Thánh Gioan Thánh Giá coi sự im lặng này như việc thanh tẩy.  Ý tưởng chung là linh hồn phải được cởi bỏ những ràng buộc trần thế và được thanh lọc khỏi các đam mê, ham muốn ích kỷ.  Sự xấu hổ này vừa tượng trưng vừa khước từ các giác quan.  Do đó, bóng tối màn đêm làm ảnh hưởng tầm nhìn của chúng ta, sự im lặng cũng ảnh hưởng tầm nghe của chúng ta.  Như Thánh Gioan Thánh Giá đã nói, khi đề cập “các hoạt động, đam mê và ước muốn thấp hèn” của linh hồn.

Do đó, các hoạt động và chuyển động của họ nên được ngủ yên trong đêm tối này, để cuối cùng chúng không thể cản trở linh hồn đạt được phúc lành siêu nhiên từ việc kết hiệp yêu mến Thiên Chúa, vì khi chúng hoạt động thì điều này không thể đạt được.  Tất cả công việc và các chuyển động tự nhiên cản trở chứ không trợ giúp linh hồn tiếp nhận phúc lành của sự kết hiệp của tình yêu, mặc dù mọi khả năng tự nhiên đều bất lực đối với phúc lành siêu nhiên mà Thiên Chúa ban cho linh hồn một cách thụ động, bí mật và im lặng, qua chính sự truyền thụ của Ngài.  Do đó, điều cần thiết là tất cả các khả năng phải tiếp nhận sự truyền ban này, và để nhận được nó, họ nên thụ động, không sử dụng các hành vi cơ bản và xu hướng thấp hèn của mình.  (số 14.1).

Nhưng cũng có một khía cạnh tích cực để giữ thinh lặng.  Nó không chỉ tắt tiếng những phần ồn ào của tâm hồn chúng ta, tranh giành sự chú ý.  Sự im lặng vừa xóa bỏ các rào cản trong việc gặp gỡ Thiên Chúa vừa là cầu nối cho cuộc gặp gỡ đó.

Trong sự thinh lặng, Thiên Chúa cảm nghiệm chính Ngài trong sự sống Ba Ngôi.  Lời không được “nói” theo ý nghĩa giống như lời chúng ta nói.  Luôn có sự trì hoãn đối với chúng ta – một loạt các bước phải diễn ra.  Chúng ta hình thành suy nghĩ và rồi chúng ta dịch suy nghĩ đó thành một số lời nói mà hệ thống thần kinh và cơ bắp của chúng ta hoạt động truyền tải từ trí óc đến miệng lưỡi, rồi kết thúc bằng một chuỗi âm thanh có thể nghe.

Tuy nhiên, không có sự trì hoãn như vậy đối với Thiên Chúa.  Không có chuỗi sự kiện nào diễn ra giữa suy nghĩ và việc tuyên bố Lời của Ngài, như Thánh Augustinô đã dạy.  Sự hiểu biết của Thiên Chúa về chính Ngài luôn trọn vẹn và ngay lập tức – tương tự như loại phản ứng im lặng giữa suy nghĩ và các từ ngữ chúng ta nghĩ ra trong trí óc để mô tả chúng.  Nói cách khác, cũng như Thiên Chúa trong bản thể của Ngài, chúng ta không thể nhìn thấy Ngài và cũng không thể nghe thấy Ngài.

Đó là lý do Ngôi Lời Nhập Thể nói với chúng ta một cách sâu sắc nhất trong sự im lặng của Ngài.  Đó là sự im lặng của Thánh Tâm Ngài, tuôn đổ máu và nước từ cạnh sườn bị đâm thâu của Ngài.  Đó là “sự im lặng tuyệt vời” đã đổ xuống trái đất khi Đức Vua ngủ trong Thứ Bảy Tuần Thánh.  Và ngày nay, đó là sự im lặng vẫn tiếp tục kêu gọi chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể.

Khi đó, nhờ Chúa Giêsu Kitô, sự im lặng trở thành một kinh nghiệm được chia sẻ: chúng ta im lặng trước mặt Thiên Chúa và Ngài đáp lại trong sự im lặng.  Khi hướng về người khác, sự im lặng là phẩm chất của sự hiện hữu hoàn toàn trong chính con người đối với người đó.  Chắc chắn Thiên Chúa là như thế đối với chính Ngài – và chúng ta càng ngày càng gần Ngài hơn khi chúng ta có thể tiến tới dạng im lặng này trong đời sống của chính mình.  Và rồi sự im lặng trở thành nơi gặp gỡ.

Chắc hẳn sự im lặng như vậy có thể gây khó chịu.  Chúng ta tự an ủi bằng cách nhắc nhở mình về sự thật rằng sự im lặng như vậy là dấu hiệu báo trước về việc lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta qua Lời của Ngài.  Điều này chắc chắn đúng.  Nhưng thực tế về sự im lặng của Thiên Chúa gợi ý sự an ủi tức khắc khác: Sự thật là Ngài cũng đang lắng nghe chúng ta về những nỗi khổ, những nhu cầu, những khao khát sâu xa nhất của chúng ta.  Không có lời nào cần thiết để Thiên Chúa biết những ước muốn thầm kín trong lòng chúng ta, như Thánh Vịnh gia nói: “Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.  Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.  Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.” (Tv 139:4-5, 8)

Do đó, sự im lặng có thể làm cho sự kết hiệp sâu sắc hơn với Thiên Chúa – chia sẻ sự tĩnh lặng của Ngài, qua đó Ngài dạy chúng ta sự khôn ngoan trong “bí mật” của lòng mình: “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài.” (Tv 51:6)

Stephen Beale

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

From: Langthangchieutim

05 - Solitude 47.jpg

ĐỊCH THÙ CÁM DỖ (trong giờ chết)

ĐỊCH THÙ CÁM DỖ (trong giờ chết)

(Tác giả: Thánh Alphonso Liguori)

Không phải một mà nhiều nỗi cắn rứt dày vò các tội nhân. Một mặt, họ bị đau khổ vì các quỷ dữ. Đến giờ chết, những thần dữ cố sức bắt lấy con mồi sắp lìa thế. Thần dữ biết rõ rằng: chúng cần đánh thắng trong khoảng khắc, vì lần này để mất mồi, tức là mất mãi mãi.

Bao quỷ dữ bao vây người sắp sinh thì, cám dỗ họ:“Cú vọ, rắn rít đầy nhà họ.” (I-sai-a 13 :21).

Đứa thì nói: “Sợ gì, bạn sẽ khỏe lại!”

Đứa khác: “Làm sao được! Bao năm qua, mầy đã bịt tai lại không nghe tiếng Chúa, nay mầy còn mong gì Chúa thương mầy.”

Đứa khác nữa: “Làm sao sửa lại được những lỗi-lầm, danh giá tiêu tan rồi mà!”

Đứa khác: “Bao lần mầy làm hư phép giải-tội vì không ăn-năn hối-cải, vì dấu-diếm đầu đuôi, sao mầy còn mong sửa chữa được?”

Không kịp hối cải, khó được cứu thoát

Mặt khác, kẻ sắp chết thấy trên vai đè nặng các gánh tội lỗi. Thánh Bênađô nói: “Các tội-lỗi họ như những người lính gác, theo sát họ và bảo: Chúng tôi không rời ngươi đâu. Chúng tôi theo sát ngươi về bên kia thế giới và đi với ngươi trình-diện trước Đấng thẩm-phán đời đời.”

Kẻ sắp chết muốn loại trừ các địch-thù đó, nhưng chúng đâu có buông tha. Thánh Bênađô nói thêm: “Những tâm-hồn chai đá vì tội-lỗi suốt đời, khó thoát cảnh trầm-luân, vì đã yêu tội tức là tội-nhân cũng yêu cảnh hiểm nghèo đoán phạt, mà họ đã lựa chọn cho đến giờ chết.”

Thật bất hạnh cho những người cứng lòng chống lại tiếng Chúa mời gọi.

“Tim nó cứng như đá và vững như phần dưới cối xay.” (Gióp 41:15)

Thánh Giêrome tuyên bố: “Theo nhiều kinh-nghiệm cá nhân, ngài được biết ai cố-chấp đắm mình suốt đời sống trong tội lỗi sẽ kết-liễu đời sống trong tội lỗi.”

Image may contain: 1 person, sitting

Bị cách ly, cụ bà Antoinette, 90 tuổi, được rửa tội tại phòng khách của bà

 Bị cách ly, cụ bà Antoinette, 90 tuổi, được rửa tội tại phòng khách của bà

Cụ Antoinette Faure, 90 tuổi góa chồng từ 4 năm nay, cụ rất hạnh phúc khi lãnh nhận phép rửa tội, rước lễ lần đầu và thêm sức vào ngày thứ sáu 13 tháng 11 vừa qua sau một năm chuẩn bị. Vì cách ly, buổi lễ cử hành… tại phòng khách của cụ!

Không có giới hạn tuổi để lãnh nhận bí tích rửa tội. Bà Antoinette Faure đã nói khi xin được rửa tội cách đây một năm. Bà chưa bao giờ rời thành phố Grenoble, nước Pháp, bà sống trong căn hộ nhỏ ở phía nam thành phố. Từ tuổi vị thành niên khó khăn do có mâu thuẫn với cha mẹ, bà là người tin dù không giữ đạo. Bà kể với báo Aleteia: “Khi tôi 15 tuổi, tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh mỗi ngày, đọc Kinh Thánh làm tâm hồn tôi dịu lại. Chồng tôi cũng như tôi, chúng tôi không đi lễ, chúng tôi gặp nhau năm 1968”.

Năm ngoái, sau khi gặp một nhóm thanh niên ở Hội Le Rocher, bà Antoinette nhận ra mình chưa bao giờ dám xin rửa tội. Khi đó các bạn trẻ giới thiệu bà với linh mục Marc Burtschell quản nhiệm giáo xứ Thánh Gioan XXIII và là cha tuyên úy của Hội. Bà nói: “Tôi hỏi cha nghĩ gì về chuyện này, tôi biết là quá muộn để được rửa tội vì tôi đã già, nhưng cha nói không sao.”

Mẹ đỡ đầu là bà Ginette, người hàng xóm ở cùng tầng

Sau đó, công việc chuẩn bị bắt đầu và nhanh hơn dự kiến, linh mục Marc kể lại: “Việc này làm tôi suy nghĩ, tôi thấy bà rất đơn sơ, có đức tin vững vàng, bà đã trải qua bao nhiêu năm mà không dám hỏi, hoặc không ai nhận ra bà muốn rửa tội. Trong buổi nói chuyện với tôi, bà cho biết Kinh thánh đã củng cố đời sống hôn nhân của gia đình bà như thế nào trong suốt gần năm mươi năm chung sống. Mỗi sáng hai vợ chồng đọc cho nhau nghe một đoạn Kinh Thánh trước khi đi làm. Sau đó tôi nghĩ sẽ tiện hơn nếu cho bà rước lễ lần đầu cùng một lúc”. Sau đó linh mục Marc nói chuyện với Giám mục Guy de Kerimel, giáo phận Grenoble và xin Giám mục cho bà Antoinette được nhận phép thêm sức luôn.

Lễ rửa tội đã bị chậm trễ vì đại dịch, bây giờ lại bị cách ly lần thứ nhì, cuối cùng cha Marc đề nghị làm một buổi lễ nhỏ ở nhà của bà và bà đồng ý ngay, bà xin bà Ginette, người hàng xóm phòng bên làm mẹ đỡ đầu.

Cầm trên tay ngọn nến, cuối cùng bà Antoinette đã được rửa tội ngày thứ sáu 13 tháng 11, buổi lễ chỉ có bà Ginette và một người bạn khác tham dự. Cha Marc nói: “Tôi rất xúc động khi bà cụ lớn tuổi có cái bướu rất lớn trên lưng cúi đầu để nhận phép rửa.” Bà Antoinette nói thêm: “Tôi cảm thấy rất bình an và yên bình. Từ vài ngày nay thật tuyệt. Bí tích rửa tội mang đến cho tôi rất nhiều niềm vui, giúp tôi chống chọi với chứng đau thần kinh tọa và các cơn đau”. Bà kết luận: “Tôi đã có một cuộc sống khó khăn, nhưng tôi rất biết ơn về tất cả những chuyện vừa xảy ra. Tôi luôn nói lời cám ơn Chúa, nhưng bây giờ tôi còn nói nhiều hơn nữa khi tôi đã được rửa tội. Tôi không còn đi được, tôi rất đau, tôi phải cần xe đẩy nhưng tôi cám ơn Chúa vì những gì Ngài đã luôn làm cho tôi.”

Marta An Nguyễn dịch

CANH THỨC CHỜ CHÚA ĐẾN

CANH THỨC CHỜ CHÚA ĐẾN

 Lm Bùi Thượng Lưu

Bắt đầu từ Chúa Nhật 1 Mùa Vọng hôm nay, toàn thể giáo hội chính thức bước vào Năm Phụng Vụ mới, cùng với lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Marcô: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.  Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc 13, 33, 35-36).

Tại các nhà thờ Đức có một tục lệ rất ý nghĩa là mỗi nhà thờ đều trang điểm vòng hoa Mùa Vọng với những cành thông tươi xanh và bốn cây nến, tượng trưng cho 4 Chúa nhật Mùa Vọng.  Khởi đầu thánh lễ mỗi Chúa nhật, đang khi cộng đoàn hát bài Mùa Vọng, cây nến được thắp sáng.  Chúa nhật thứ nhất thắp sáng một cây.  Chúa nhật thứ hai thắp sáng hai cây.  Khi cả bốn cây được thắp sáng, thì đại lễ giáng sinh cũng đã gần kề.  Tục lệ này cũng được lan rộng trong nhân gian, tới hầu hết các công sở, các gia đình.  Nơi nào cũng bầy vòng thông Mùa Vọng với đủ loại nến mầu đỏ, tím…

Như vậy ý nghĩa thứ nhất trong Mùa Vọng là mùa canh thức chuẩn bị tâm hồn để đón mừng Chúa Giáng Sinh.  Trọng tâm của lịch sử và Tin Mừng cứu độ chính là biến cố: Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu nhân độ thế.

Ngày giáng trần của Chúa Giêsu phải được đón mừng vì đây là Biến Cố có một không hai trong lịch sử cứu độ: nhờ Ngôi Lời nhập thể làm người thì vũ trụ vạn vật lại được đổi mới (TNKB, s. 3).  Kể từ Biến Cố này, Trời giao hòa với Đất, nhân loại được Thiên Chúa yêu thương và toàn thể vũ trụ được đón nhận TIN Mừng cứu độ.  Chính vì thế, Biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu đã trở nên Trung Tâm điểm của lịch sử nhân loại, mốc điểm thời gian.

Theo Kinh Thánh, canh thức là thái độ của một người “đang tỉnh thức chờ đợi”, không ngủ mê, không thụ động, nhưng canh chừng, luôn phòng bị để kịp đối phó với kẻ địch tấn công bất ngờ (Tv 127, 1t), lòng nhiệt tâm chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, đang khi ngóng chờ một biến cố sắp xẩy đến… sẵn sàng đón tiếp Chúa, khi Ngày của Ngài điểm.

Đây là lời khuyên nhủ, dặn dò chính yếu của Chúa Giêsu dậy các môn đệ của Ngài.  Vì Chúa đến bất chợt như kẻ trộm ban đêm (Mt 24,43t), như ông chủ trở về mà không báo cho các đầy tớ biết (Mt 13,35t), như chàng rể đến lúc canh khuya, và chỉ năm cô trinh nữ khôn ngoan đang canh thức với đèn đầy dầu, mới kịp ra đón rước chàng rể vào dự tiệc cưới (Mt 25, 1-13).

Vậy canh thức là đặc tính căn bản, là thái độ sắp sẵn của người môn đệ Chúa, để chỗi dậy khỏi giấc ngủ đam mê, nghĩa là dứt khoát với tội lỗi, dứt bỏ trần thế và những đam mê dục vọng (Lc 21, 34tt).  Canh thức là hoán cải và trở về với Chúa, không nằm lì trong tội ác, không cứng lòng và khinh thường tiếng mời gọi thống hối của Chúa.  Canh thức trong cầu nguyện, tiết độ, không chè chén say sưa, không cờ bạc, không say đắm nhục dục… quyết không để “ba cái lăng nhăng” nó quấy ta!

Canh thức để nhận diện ra kẻ thù và chiến đấu với thần dữ.  Trong giờ kinh tối, các linh mục và tu sĩ thường đọc: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1P 5,8).  Ma quỷ có thể ẩn hiện trong những phim ảnh xấu, những sách báo đồi trụy, ma túy… những dịp tội gần xa đưa chúng ta xa Chúa, lạc đường về Quê Trời.

Canh thức để phân biệt phải trái: đừng bị ru ngủ, bị đầu độc, bị tuyên truyền bởi óc hưởng thụ, bởi tinh thần vị kỷ cá nhân, bởi các học thuyết vật chất vô thần, bởi những ông đạo buôn thần bán thánh, bởi những mê tín dị đoan, bởi những quảng cáo quyến rũ, những truyền đơn loan tin thất thiệt ngày tận thế…

Canh thức để khỏi bị chán nản, ngã lòng nản chí, bỏ cuộc.  Có những tín hữu gặp thử thách trong đời sống gia đình, gặp những khó khăn về vật chất, bị đau ốm lâu dài… đã nản lòng, kêu trách Chúa, và nhiều khi bỏ nhà thờ, bỏ cầu nguyện, bỏ Giáo hội!

Canh thức trong cầu nguyện theo gương Chúa trong vườn cây dầu.  Cầu nguyện ở đây được hiểu là cầu kinh sớm tối.  Cầu nguyện là đọc và suy gẫm Lời Chúa trong Thánh Kinh.  Cầu nguyện có thể là lần chuỗi Mân Côi, miệng đọc lòng suy.  Cầu nguyện cao đẹp nhất là tham dự thánh lễ Chúa nhật…  Tất cả những hình thức cầu nguyện trên đây, giúp người tín hữu luôn hiệp thông với Chúa, tâm hồn luôn lắng nghe những “thánh chỉ” của Chúa.

Canh thức để trung tín giữ luật Chúa: luật yêu thương, luật công bằng.  Trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, người tín hữu hằng để luật Chúa như đèn soi, như kim chỉ nam cho mọi ước muốn, mọi tư tưởng, mọi lời nói và việc làm của mình.

Canh thức để phục vụ anh em: người tín hữu luôn được Chúa mời gọi để sống đời phục vụ trong bác ái và trong yêu thương.  Đời sống gia đình là môi trường phục vụ lý tưởng nhất.  Vợ chồng Kitô hữu hiến thân cho nhau, tha thứ cho nhau, biết tận tâm giáo dục con cái, biết dùng của cải Chúa ban để mưu sống gia đình, nhưng đồng thời cũng biết chia cơm sẻ bánh cho anh em nghèo đói kém may mắn hơn trên khắp thế giới.  Mỗi tín hữu còn được Chúa mời gọi để phục vụ cộng đồng, các giáo xứ, Hội Thánh, tùy theo khả năng và hoàn cảnh.

Canh thức để đón chờ Chúa đến.  Tín hữu Chúa Kitô biết rõ ràng rằng: cuộc sống trần gian, tất cả của cải đều mau qua chóng hết, không ai sống mãi, nhưng đi về vĩnh cửu.  Điều chắc chắn là mỗi người chúng ta sẽ có một ngày phải từ giã cõi đời tạm này.  Nhưng chết vào ngày giờ nào, chết cách nào, chết ở đâu?  Chẳng có ai biết được.  Do đó, tín hữu Chúa phải tỉnh thức để đón chờ Chúa đến.

Từ ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy, người tín hữu là con cái của ánh sáng, nên phải luôn tỉnh thức để mình khỏi rơi vào đêm tối của sự chết, không mất mục tiêu, không quên ngày Chúa đến cuối đời của mình…

Lm Bùi Thượng Lưu

From: Langthangchieutim

30 - Vong - Nen 13.jpg

Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh

  Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh

Mừng Lễ Tạ Ơn đến Bạn và gia đình nhé! Thành thật cám ơn Bạn đã cầu nguyện, nâng đỡ, và khích lệ mình trong thời gian qua, sự quý mến của Bạn đã và đang dành cho mình thật là hạnh phúc trong hành trình ơn gọi. Mình sẽ hiệp với Bạn dâng lời tạ ơn Chúa trong Thánh Lễ sáng hôm nay nhé!

Cha Vương

***

TIN MỪNG: Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su. (1 Thêxalônica 5:18)

SUY NIỆM: Hàng năm, vào ngày thứ năm trong tuần thứ tư của tháng 11, người Mỹ lại mừng lễ Thanksgiving, lễ Tạ ơn. Đó là ngày lễ nghỉ và các gia đình Mỹ và bạn bè thường tụ họp để mừng lễ với nhau. Đó là ngày người ta tạ ơn về những gì mình có. Ngày nay ý nghĩa tạ ơn của ngày lễ dường như bị quên lãng và người ta chú ý hơn đến vui chơi, xem những môn thể thao ưa thích, ăn uống, đặc biệt là mua sắm, với những quảng cáo giảm giá không tin nổi trong ngày thứ sáu Black Friday sau đó. Nếu ngày Lễ Tạ Ơn năm nay không đưa Bạn đến gần với Chúa với nhau hơn thì thật đang buồn cho 46 triệu con gà Tây  (Theo thống kê 2018) phải bỏ mạng vào dịp lễ này, chưa kể đến nhiều người bị cháy túi vì shopping. Vậy tạ ơn là gì? Có phải là phải là hoàn lại ân huệ đã nhận hay dâng một điều gì đó để đền đáp, theo kiểu thế gian “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại”? Không! Tạ ơn là phản ứng căn bản của con người, rung cảm, vui mừng, kính phục khi khám phá ra hành động của Thiên Chúa, khi nhận biết ân sủng của Thiên Chúa đang hoạt động một cách tích cực trong đời Bạn. Nói tóm tắt là sự nhìn nhận mình là người chịu ơn, là kẻ tuỳ thuộc, để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa. Nếu Bạn nhận thức được như vậy thì Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn trong mọi hoàn cảnh. “Lòng biết ơn có thể làm các tất cả ngày thường thành lễ tạ ơn, làm các công việc thường ngày thành niềm vui và thay đổi cơ hội bình thường thành phước lành.” (William Arthur Ward) Ước mong Bạn có một ngày Lễ Tạ Ơn thật ý nghĩa!

CẦU NGUYỆN: Lạy  Chúa, món quà quý giá nhất mà Chúa đã ban cho con chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại để cho con được sống, xin cho con luôn biết sống tâm tình tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, và mọi hoàn cảnh.

LẮNG NGHE: Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. (Roma 5:8)

THỰC HÀNH: Hãy gởi đi một lời nhắn tin/email để thể hiện lòng biết ơn tới một người nào đó, nhất người mà Bạn chưa bao giờ nói lời cảm ơn với họ trước đó. Hãy chân thành nói với họ Bạn đã biết ơn những gì mà họ đã làm cho Bạn nhiều như thế nào và nó có ý nghĩa nhiều ra sao?

 LỜI TẠ ƠN KHÓ NÓI

 LỜI TẠ ƠN KHÓ NÓI 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa thường dâng lời tạ ơn với Đức Chúa Cha trước khi làm việc gì:  khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 15:36), trong bữa tiệc ly (Mt 26:27), cho La-da-rô sống lại từ cõi chết (Ga 11:41)…  Nhân Mùa Tạ Ơn đến, con cũng muốn bắt chước Chúa để bập bẹ những lời tạ ơn, những lời tạ ơn khó nói nhất của kiếp nhân sinh!  Có những lời tạ ơn thật dễ để nói với nhau và với Chúa.  Nhưng cũng có những lời tạ ơn không thể thốt thành lời nếu không có ơn Chúa.  Phải đợi khi linh hồn con được nuôi dưỡng bằng bao nhiêu ân sủng từ trời cao, đợi khi con đi gần đến hoàng hôn của đời người, thì con mới đủ can đảm nói lên những lời tạ ơn muộn màng này.  Tạ ơn ai?  Tạ ơn hay hờn giận?  Cám ơn hay trách móc?  Tạ ơn Chúa trong nghịch cảnh cuộc đời và những người một thời đã làm con đau khổ.  Khó quá Chúa ơi!  Đôi khi lời được thốt ra trong dòng nước mắt không biết của hờn giận hay của tha thứ.  Đôi khi lời được bập bẹ ở đầu môi, những nghẹn ngào tức tưởi ngăn cho lời không tròn chữ.  Đôi khi lời được bật lên qua con tim rướm máu của vết thương năm xưa chưa lành hẳn.  Dù thật khó để nói, dù ê a tập tành từng chữ như trẻ nhỏ học nói, nhưng Chúa ơi, con sẽ cố gắng để nói…

 Cám ơn những người bạn đã phản bội tôi năm nào.  Đau khi bị phản bội!  Nhưng Người đã dạy cho tôi hiểu bài học về tình bạn chân thật là “tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13)

 Cám ơn người yêu đã phụ tình tôi năm xưa.  Hận khi bị phụ rẫy!  Nhưng Người đã dạy tôi biết trân quý tình yêu của Người đã dám “yêu thương đến cùng!” (Ga 13:1)

Cám ơn kẻ thù, những người đã bắn gục tôi trên chiến trường năm nào, đã đẩy tôi lao đao khốn khó trong chốn lao tù năm xưa.  Người đã vô tình tạo cơ hội cho gia đình tôi giờ đây được bình an định cư nơi thiên đường của trần thế, đã cho tôi cơ hội để sống câu: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5:44)

Cám ơn những đứa con hoang đã làm cõi lòng mẹ cha tan nát.  Thất vọng, buồn tủi ngập tràn con ơi!  Nhưng con đã cho cha mẹ cơ hội để nên thánh.

Cám ơn những bậc cha mẹ bất hảo đã không yêu thương và dạy dỗ con cái mình như bổn phận đáng phải làm.  Cay đắng khi bị hất hủi mẹ cha ơi!  Nhưng Người đã làm cho trái tim con luôn khát khao tìm kiếm tình yêu nơi Thiên Chúa Tình Yêu.

Cám ơn những vấp ngã của tuổi thanh xuân.  Ngươi đã làm cho ta biết khiêm nhường hơn.

 Cám ơn những tội lỗi mà phận người yếu đuối vấp đi phạm lại nhiều lần trong đời.  Ngươi đã cho ta cơ hội cảm nếm lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.  Ôi, tội hồng phúc!

Cám ơn những quyết định sai lầm thưở nào đưa đến hoàn cảnh ngang trái hôm nay.  Ngươi đã dạy ta biết phấn đấu vươn lên trong nghịch cảnh cuộc đời.

 Cám ơn hai chữ “kiếp nghèo” gắn liền với số phận hẩm hiu.  Đôi lúc ta ghét ngươi nhưng ngươi đã làm cho ta dễ dàng tiến vào Nước Trời hơn.  “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3)

Cám ơn những lần thất nghiệp cay đắng, những lần phá sản, bị lừa gạt, mất nhà, thua stock trắng tay.  Ngươi đã dạy cho ta hiểu nghĩa của cải phù du ở đời này.  “Phù vân, quả là phù vân.  Phù vân, quả là phù vân.  Tất cả chỉ là phù vân!” (Gv 1:2).

Cám ơn những lần thất bại ê chề nhục nhã.  Biết bao bài học ta đã học được từ nơi ngươi.

Cám ơn căn bịnh hiểm nghèo mà ta đang mang.  Nhờ ngươi mà linh hồn ta thức tỉnh phận người mỏng dòn chóng qua.  Ngươi đã giúp ta biết yêu quý những giây phút ít ỏi còn sót lại trên cõi đời tạm này. 

Tạ ơn Chúa vì những gì Ngài đã lấy đi!

Tạ ơn Chúa vì những trái đắng Ngài đã trao ban, dù con không muốn nhận.

Tạ ơn Chúa vì số vốn quá ít ỏi Ngài cho con khi gởi con đến trong cuộc đời này!  Vì “ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều.” (Lc 12:48)

Tạ ơn Chúa vì những lần Ngài đã thẳng tay thanh tẩy, gọt dũa linh hồn con mặc cho con dẫy dụa đau đớn.

Tạ ơn Chúa vì tấm thân mệt mỏi bịnh hoạn, những lo toan vất vả trong cuộc sống khiến con không còn sức để bon chen hận thù ghen ghét.

Tạ ơn Chúa vì những lần Ngài đã cương quyết không cho con những cái mà con xin, những thứ con cần, những gì con đang mong đợi, vì chỉ có Ngài mới biết những gì là cần thiết cho linh hồn và ơn cứu rỗi của con.

Tạ ơn Chúa vì những cái chết oan nghiệt, sự ra đi vội vàng của người thân khi tuổi đời còn quá trẻ.  Con biết Ngài muốn nhắc con nhớ rằng “đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm đuợc mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế!” (Tv 39:5).

Tạ ơn Chúa vì những bài học cay đắng mà Ngài đang dạy dỗ con.  Có những bài học con không hiểu hết ý nghĩa.  Có những lúc con muốn thét lên “tại sao là con?”, “tại sao lúc nào cũng lại là con?”    Nhưng con biết rằng chỉ những ai được Người thương yêu thì Người mới sửa phạt vì “Đức Chúa khiển trách kẻ người thương, như người cha xử với con yêu qúy.” (Cn 3:12)

Lạy Chúa, đường đời trước mắt còn giăng đầy chông gai, có bao nhiêu nghịch cảnh thì có bấy nhiêu “Lời Tạ Ơn Khó Nói.”  Có những cái con chưa nhìn ra hết, có những điều con chưa cảm nhận được và có những lời chưa thể thốt nên lúc này.  Xin ban cho con sức mạnh của Ngôi Lời Nhập Thể để con có thể tiếp tục cám ơn anh em mình – dù là kẻ thù – và dâng lời tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh – dù là ngang trái.  Tạ ơn không chỉ trong ngày lễ Tạ Ơn mà là tạ ơn Chúa mọi ngày trong suốt cuộc đời con.  Amen! 

 Lang Thang Chiều Tím

Mùa Tạ Ơn, 2010

**************************************************

Lời cám ơn nhiều khi không dễ nói

Vì con đây lòng kiêu ngạo ngất trời

Vì con đây tình yêu mến nửa vời

Lời Chúa dạy như là mây sương khói.

 

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa dâng lời tạ ơn khi bẻ bánh

Giúp đời con biết nói câu tạ ơn

Tạ ơn Chúa hồng ân Ngài khôn sánh

Xuống trên con thân xác với linh hồn.

 

Tạ ơn Chúa bao điều Ngài ban tặng

Tạ ơn Ngài đau khổ Ngài trao cho

Để con biết phải nếm mùi chén đắng

Thập tự Ngài con không được đắn đo.

 

Tạ ơn Chúa những lần con bịnh hoạn

Dạy cho con cuộc sống vốn bất toàn

Để con biết tịnh tâm và tính toán

Con chọn Ngài hay cuộc sống du hoang.

 

Tạ ơn Chúa những lần con thất vọng

Vì kêu xin như Chúa không nhậm lời

Để con biết những gì con trông ngóng

Không chắc là lợi ích của hồn con.

 

Tạ ơn Chúa bao người thân đã khuất

Khi tuổi đời còn chưa được bao nhiêu

Để con biết đời nay còn mai mất

Con chọn Ngài hay cuộc sống hoang liêu.

 

Xin Chúa giúp dù đời con nghịch cảnh

Lời tạ ơn khó nói đến bao nhiêu

Con vẫn nói lòng không hề kiêu hãnh

Tạ ơn người tạ ơn Chúa thật nhiều.

 

Lời tạ ơn với kẻ thù đối nghịch

Lời tạ ơn trong ngang trái cuộc đời

Lời tạ ơn trong đêm khuya tĩnh mịch

Lời tạ ơn trên phố xá rong chơi.

 

Lễ Tạ Ơn hết nhưng cho con biết

Tạ ơn hoài trong năm tháng cuộc đời

Lòng khiêm nhường chân tình và tha thiết

Tạ ơn người tạ ơn Chúa muôn nơi.

 (cảm hứng từ bài viết Lễ Tạ Ơn 2010 “Lời Tạ Ơn Khó Nói” do Lang Thang Chìều Tím đăng trên trang website suyniemhangngay.net.)

 Nguyễn Thanh Trúc

San Jose, Lễ Tạ Ơn 2012

Ý NGHĨA CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN

Ý NGHĨA CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN

 Nguyễn Minh Triệu SJ

Khi thời tiết trở nên se lạnh và những chiếc lá mùa thu bắt đầu rơi rụng cũng là lúc chúng ta nhớ đến những người thân yêu của mình, những người mà ngày nào đó vẫn còn ở bên cạnh ta nhưng nay không còn hiện diện với ta nữa.  Để nhớ đến các ngài, Giáo Hội Công Giáo dành trọn tháng 11 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.  Tháng này bắt đầu với Lễ Các Thánh và Lễ Cầu Nguyện Cho các Linh Hồn, chúng ta gọi tháng này là tháng cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục.

Việc cầu nguyện cho những người đã khuất có nguồn gốc từ Cựu ước.  Trong sách Maccabê ghi lại sự kiện này như sau: “Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn.  Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức.  Ðó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mc 12, 44-46).

Giáo hội từ những thế kỷ đầu đã có truyền thống cầu cho các tín hữu đã qua đời, truyền thống này được cho là khởi đi từ Thánh Augustinô.  “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.”  Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ thứ 10, việc cử hành thánh lễ này được tố chức vào tháng 10.  Khoảng từ năm 988 – 1030, thánh Ôđilô tuyên bố rằng thánh lễ này nên được tổ chức vào ngày 2 tháng 11 trong tất cả các đan viện của Dòng Biển Đức.  Hơn hai thế kỷ sau, tất cả các đan viện của Dòng Biển Đức và Dòng Carthusian tổ chức thánh lễ này vào ngày 2 tháng 11, sau đó truyền thống này được lan rộng trong toàn Giáo hội cho đến ngày nay.

Với truyền thống kính nhớ tổ tiên ông bà, các Tín hữu Công Giáo Việt Nam rất coi trọng tháng này.  Mỗi gia đình thường lau dọn những phần mộ của người thân, xin lễ cầu nguyện, làm việc lành, và nhất là dọn mình lãnh ơn toàn xá để chỉ cho các linh hồn.  Tất cả những gì chúng ta làm là để tìm ơn ích cho các linh hồn, đặc biệt là linh hồn những người thân yêu.  Tại sao những người đang sống lại có thể cầu nguyện cho các linh hồn, và liệu họ có cần lời cầu nguyện của chúng ta không?

Trước hết, truyền thống cầu nguyện cho các linh hồn khởi đi từ giáo thuyết của Giáo hội Công Giáo về Luyện ngục.  Mạc Khải của Thiên Chúa cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót nhưng Ngài cũng là Đấng phán xét công minh.  “Do đó, tội lỗi, vì xúc phạm đến sự thánh thiện và công chính của Thiên Chúa, nên đã sinh ra những hình phạt.  Những hình phạt này được đền bù ở đời này hoặc đời sau.  Quả thế, trong Luyện ngục, các linh hồn “chết trong tình yêu của Chúa và thực tình sám hối, trước khi đền bù cân xứng với tội phạm, phải “thanh tẩy sau khi chết” bằng những khổ hình trong Luyện ngục.”[1]  Tuy Luyện ngục là nơi thanh luyện nhưng Người Công Giáo tin rằng Luyện ngục cũng chính là nơi mà Thiên Chúa diễn tả tình thương của mình dành cho con người, Ngài khao khát tẩy rửa linh hồn chúng ta để chúng ta có thể thông hiệp trọn vẹn với Ngài trong Thiên Quốc.  Hơn nữa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa còn lớn hơn sự phán xét công minh của Ngài; vì thế, nhờ sự chuyển cầu của những người còn sống những linh hồn ở trong luyện ngục có thể thoát khỏi các hình phạt do tội gây ra.

Thứ hai, với tư cách là những Ki-tô hữu, chúng ta không thực hiện hành trình đời mình một cách đơn lẻ nhưng cùng với toàn thể anh chị em trong cộng đoàn những người tin.  Sự thông hiệp này không chỉ được diễn tả giữa những người con sống, mà với cả những người đã qua đời, đây gọi là mầu nhiệm “Các Thánh Cùng Thông Công.”  Theo đó, Hội thánh theo nghĩa rộng gồm ba thành phần: Giáo hội lữ hành (tại thế), Giáo hội khải hoàn (chiến thắng), Giáo hội thanh luyện (khổ đau).  Trong Tông Huấn Giáo Lý Ân Xá, (Indulgentiarum Doctrina) do ĐTC Phaolô VI ban bố ngày 1 tháng 1 năm 1967 xác nhận rằng: “Người Công giáo tương trợ lẫn nhau để đạt đến cùng đích siêu nhiên.  Chứng cớ sự tương trợ này thể hiện nơi Adam, từ ông, tội lan ra mọi người.  Nhưng ta có sự tương trợ lớn nhất, hiệu quả nhất, được đặt trên nền tảng và gương mẫu của Chúa Kitô, liên kết chúng ta với Đấng kêu gọi chúng ta.” [2]  Thật vậy, trong toàn thân thể Giáo hội, tất cả chúng ta được liên kết với nhau nhờ liên kết với Đầu là chính Đức Ki-tô. “Đời sống mỗi người con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô và qua Chúa Kitô được liên kết cách lạ lùng với các anh chị em tín hữu khác trong sự hợp nhất linh thiêng của Nhiệm thể Chúa Kitô, trở thành một nhiệm thể duy nhất.” [3]

Như vậy, trong những ngày lễ này, chúng ta không chỉ nhớ đến những người đã khuất mà còn được mời gọi để cầu nguyên, bố thí và dâng thánh lễ để cầu nguyện cho các ngài.  Đó là một ân huệ cũng như là một cơ hội để diễn tả tình yêu vốn được xem là bản chất của người Ki-tô hữu.

Trước hết, đó là một ân huệ vì qua hành vi này ta thấy được tình yêu lớn lao Thiên Chúa dành cho chúng ta, Ngài luôn luôn kiên nhẫn với những yếu đuối và giới hạn của con cái mình.  Ân sủng của Ngài luôn mở ra cho những ai sẵn sàng đón nhận.  Hơn nữa, khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, chúng ta cũng xác tín rằng, đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ được đón nhận những ân huệ của Thiên Chúa ngang qua lời cầu nguyện của người thân.  Ngoài ra, khi nhờ lời cầu nguyện của chúng ta, các linh hồn trong luyện ngục được giải thoát khỏi hình phạt và trở về bên Chúa.  Ở bên cạnh Chúa, đến lượt mình, các ngài sẽ chuyển cầu cho chúng ta.  Như thế nhờ vào sự chung hiệp này, chúng ta có một cách thế chắc chắn để cầu xin cho chính bản thân mình.

Thứ đến, việc cầu nguyện cho các người đã khuất là một cơ hội cho mỗi người Ki-tô hữu diễn tả tình yêu của mình đối với tha nhân.  Tình yêu đó trước hết được dành cho những người thân yêu của mình. Những người mà ta vẫn hằng nhớ đến trong lời cầu nguyện cho dù họ đã rời xa ta.  Nhờ sự thông hiệp này, mối dây giữa ta với người thân dường như không bao giờ bị cắt đứt.  Tình yêu này không chỉ giới hạn nơi những người thân mà còn được nới rộng đến những linh hồn mà ta không biết đến tên của họ.  Việc cầu nguyện này cho chúng ta thấy rằng, tình yêu của người Ki-tô hữu vượt qua mọi ranh giới.  Vì thế, tình yêu này cũng nhắc nhớ những người đang sống về mầu nhiệm hiệp thông trong thân thể Chúa Ki-tô.  Tình yêu này được diễn tả một cách rõ ràng khi những người còn sống lãnh nhận được ơn ân xá nhưng lại muốn nhường lại cho các linh hồn.  Đức Phaolô VI đã diễn tả đức ái đó như sau: “Việc sử dụng ân xá cho ta thấy mình gần gũi với nhau trong Chúa Kitô, và đời sống siêu nhiên có thể giúp nhau dễ dàng và gần gũi kết hợp với Chúa Cha.  Dùng ân xá có ảnh hưởng cách hữu hiệu trên đức Ái nơi chúng ta, và tỏ ra đức Ái cách trổi vượt khi ta nhường ân xá cho những anh chị em đã ly trần trong Chúa Kitô.” [4]

Nguyễn Minh Triệu SJ

[1] Tông Huấn Giáo Lý Ân Xá, (Indulgentiarum Doctrina), số 3.

[2] ibid số 4.

[3] ibid, số 5.

[4] ibid, số 9

TRÔNG ĐỢI NGÀY HẠNH PHÚC ĐƯỢC CHÚA ĐÓN CHÚNG CON VỀ TRỜI

TRÔNG ĐỢI NGÀY HẠNH PHÚC ĐƯỢC CHÚA ĐÓN CHÚNG CON VỀ TRỜI

Tuyết Mai

Nhân loại con người hầu hết đều nhận biết được Thiên Chúa là Đấng muôn đời trọn hảo và rất nhân lành thì không khỏi mừng vui vì biết rằng sau cuộc đời này không ai sẽ còn phải khổ đau nữa. Nhất là trong đạo Công Giáo luôn dạy chúng ta an ủi nhau, nhắc nhở nhau gắng sống sao để giữ được 2 Giới Răn vô cùng quan trọng là Kính Chúa và yêu người như yêu chính mình; để bảo đảm rằng trong ngày sau hết của riêng từng người chúng ta sẽ được Thiên Chúa dang rộng đôi tay mà chào đón chúng ta lên Nhà Cha ta ở trên Trời.

**

Còn nói về ngày Tận Thế (ngày Chúa Quang Lâm) của toàn thể nhân loại trên Trái Đất này ư? Thì không ai có thể đoán biết trước cho được. Nhưng có phải ai cũng hiểu rằng sự sống của từng người không ai có thể biết được ngày cuối của đời mình hay sẽ sống được bao lâu để mà chắt bóp, gom góp, tích lũy, đào hầm chôn giấu của cải hiếm quý mà chúng là cái cớ để chúng ta gieo họa hơn là gieo phúc.

–*–

Nhưng chúng ta con cái Chúa thì biết rằng sự tích lũy ấy nó dần sẽ trở thành vô nghĩa; cất giấu lâu sẽ cho teng sét, mối mọt gặm nhấm và rồi như câu “vật đổi sao dời” là hôm nay nó còn nằm trong tay của mình nhưng ngày mai nó thành của người khác rồi; quá khứ đã từng chứng minh khi con người bất thình lình ra đi thì ngay cả không kịp cho một lời trăn trối. Duy chỉ có tâm tình sống chân thật, trung tín vào Thiên Chúa và sống cho tha nhân mới thật sự là đáng quý, đáng trân trọng. Mới có thể giúp cho hết thảy con cái Người lên Trời cách nhẹ nhõm và nhanh chóng.

**

Ai trên đời cũng đã chứng kiến thấy có biết bao nhiêu người thân thương trong gia đình của chúng ta ra đi cách đột ngột mà không thể đem theo được gì ngoại trừ tội và phúc. Chỉ có người bên Lương họ mới tin rằng ở thế giới bên kia họ vẫn cần ăn uống, dựng vợ gả chồng và cách sống vẫn không khác với trần gian; đối với họ chỉ có khác là nơi chốn thôi. Họ tin rằng nơi họ sẽ đến đó là nơi để họ chờ đợi để được gọi đi đầu thai làm kiếp khác, trở lại trần gian để sống tiếp tục trong một hình thể và hình dạng khác (là người hay thú vật).

**

Nhưng đạo Công Giáo của chúng ta dạy nhất nhất phải cần tin vào Thiên Chúa, sống tốt lành ở đời này thì sẽ được Chúa thưởng ban cho Quê Trời Nơi mà mọi người có được sung sướng, hoan lạc và hạnh phúc muôn đời. Không còn sinh, bệnh, lão, tử. Nơi ấy sẽ không ai còn phải tất bật làm lụng vất vả; không buôn, không bán nhất là không còn phải chịu đau khổ để chờ chết nữa.

**

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thắc mắc là không biết Chúa sẽ chọn cho chúng ta đến ngày ấy, sẽ chết cách nào? Và hẳn ai trong chúng ta cũng khao khát được chết cách rất bình yên trong giấc ngủ say. Ra Đi sau khi đã được trăn trối cùng con cháu và chia gia tài cho chúng, nếu có. Rồi chắc hẳn nếu chúng ta biết trước ngày giờ Ra Đi ấy thì tin chắc rằng ai nấy cũng sẽ có sự chuẩn bị rất chu đáo, thưa có phải?. Để sẵn sàng có được đầy đủ hành trang, đến Nơi mà sẽ mang lại cho linh hồn chúng ta sống hạnh phúc muôn đời, thiên thu và vĩnh cửu trong Nhà Cha rất dấu yêu của chúng ta. Chúng ta có thể ví von giống như những ai đang chờ đợi để được đi qua Hoa Kỳ sống theo diện có người nhà bảo lãnh vậy.

–*–

Rồi có lúc nào mà chúng ta suy tư nghĩ ngợi xem ai sẽ ngóng chờ chúng ta trên Thiên Đàng ấy?. Là vợ/ chồng, con cháu; ông bà tổ tiên họ hàng nội ngoại hai bên, bạn bè thân thiết hay những đứa con chưa từng được chào đời. Thưa có ngạc nhiên lắm không khi chúng luôn cầu nguyện cho cha mẹ trần gian của chúng nhưng buồn thay cha mẹ của chúng vẫn xem chúng không hiện hữu!?.

**

Làm con người thì dù nhỏ hay lớn ai cũng có những giấc mơ trong đời và muốn biến hết thảy những ước mơ ấy thành sự thật. Nhưng để ước mơ được thành đạt thì chúng ta phải lên kế hoạch. Biết tính toán kỹ lưỡng, chuẩn mực, chuẩn bị cho tư tưởng; phải có trách nhiệm, luôn giữ mãi ý chí và rồi thực thi cho được mọi mong ước đó. Trong một tinh thần sống lạc quan, hy vọng và tích cực không để cho bất cứ ai hay sự gì có thể làm cho chúng ta bị lung lạc hay chùn bước.

**

Bài học sống trên thế gian đã thế thì Con Đường Về Trời cũng không mấy khác nếu chúng ta bền tâm, vững chí và sống cho xứng đáng nhân phẩm của một con người mà Thiên Chúa đã tác tạo nên. Vì ai cũng hiểu con người trần gian thường đối xử không tốt với nhau. Luôn đố kỵ, ganh ghét, thù hằn và tố cáo nhau. Nhưng Thiên Chúa của chúng ta thì Người luôn mở rộng Trái Tim, dang rộng đôi cánh tay để chào đón chúng ta trong cái ôm ấm áp và đầy ắp tình yêu thương của Người – nếu chúng ta biết sửa đổi lại lối sống ngay thẳng và yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng ta vậy. Amen.

Y tá con của Chúa,

Tuyết Mai

17 tháng 11, 2020

BÀI GIẢNG LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

BÀI GIẢNG LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên – Missouri, 8-8-2014

Kính thưa cộng đoàn,

Ngày 19-6-1988 đã in một nét son trong lịch sử Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam.  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh, gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc.  117 thánh tử đạo là con số tiêu biểu cho hơn 100 ngàn Vị Tử Đạo trong thời gian 300 năm Giáo Hội bị bách hại.  Đây là một biến cố quan trọng đối với Dân tộc Việt Nam.  Người Việt Nam vốn đã tự hào về một truyền thống kiên cường trong việc dựng nước và giữ nước, nay càng tự hào hơn vì có những bậc tiền nhân anh hùng kiên vững trong Đức tin.  Quê hương Việt Nam đã xinh đẹp, nay còn xinh đẹp hơn nhờ được tô điểm bằng Đức tin Công giáo.

Tại Quảng trường Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma hôm đó, trước hàng triệu tín hữu, trong số đó có những tín hữu Việt Nam, Vị Cha chung của Giáo Hội Công giáo hoàn vũ đã nhân danh Chúa Ba Ngôi long trọng tuyên bố: kể từ nay, 117 vị Tử đạo Việt Nam được kể vào hàng các thánh và được tôn kính trong toàn thể Giáo Hội.  Để bày tỏ tình thương hiền phụ đối với các tín hữu Việt Nam, vị Thánh Giáo Hoàng đã ngỏ lời với con cháu các thánh Tử đạo bằng ngôn ngữ của họ.  Đây là lần đầu tiên tiếng Việt thân thương của chúng ta được phát âm và xướng lên bởi một vị Giáo Hoàng: “Chào anh chị em Việt Nam thân mến.  Cha gửi lời chào chúng con từ bốn phương trời tuốn về La Mã, vui vẻ hiên ngang mừng các thánh Tử đạo của Giáo Hội chúng con hôm nay.  Xin Chúa chúc lành cho chúng con, và Cha cầu chúc cho chúng con sống xứng đáng là con cháu các vị anh hùng.”

Đã 26 năm từ sự kiện phong thánh, những lời của vị Cha Chung ngỏ lời với con dân Việt vẫn còn vang vọng đâu đây trong tâm khảm của các tín hữu Việt Nam đang sống trong nước cũng như ở hải ngoại.  Bởi lẽ, qua những lời đơn sơ ấy, vị Thánh Giáo Hoàng muốn mời gọi chúng ta tưởng nhớ về một quá khứ đau thương hào hùng của Giáo Hội Công giáo Việt Nam, đồng thời khuyên chúng ta học nơi các ngài bài học sống Đức tin trong cuộc sống hiện tại hôm nay.

– Thứ nhất, hồi tưởng về quá khứ.  Giáo Hội công giáo Việt Nam đã trải qua những thử thách đau thương khốc liệt, giống như cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Rôma ở thế kỷ thứ hai.  Hơn một trăm ngàn người Việt Nam đã phải hy sinh mạng sống chỉ vì một lý do là họ tin vào Chúa.  Họ phải chịu biết bao đau khổ và nhục hình: phân biệt đối xử, phát vãng lưu đày và tử hình.  Có thể thế hệ hôm nay sẽ đặt câu hỏi: các Thánh Tử đạo Việt Nam là những ai?  Thưa họ là những giám mục, linh mục, tu sĩ chủng sinh; họ là những người cha, người mẹ, những người con trong gia đình; họ là những người học hành uyên bác nhưng phần lớn trong số họ là những người bình dân; đa phần trong số họ là những người chân lấm tay bùn, vất vả quanh năm với con trâu, cái cày.  Trong số họ cũng có 21 vị là người ngoại quốc.  Các ngài đến từ những đất nước văn minh và đã chọn Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.  Các Thánh Tử đạo Việt Nam, không phân biệt Tây hay Ta, nam hay nữ, giàu hay nghèo, trí thức hay bình dân.  Tất cả đều yêu mến Chúa, yêu quê hương Việt Nam và yêu Giáo Hội Việt Nam đến mức sẵn sàng đổ máu đào để làm chứng cho tình yêu ấy.  Vì thành kiến và thù ghét, người ta đã nghĩ ra biết bao hình khổ ghê rợn hầu làm họ chối bỏ Đức tin, nhưng các ngài vẫn can đảm kiên trung trước lời đe dọa của những nhà cầm quyền.

Chủng sinh 18 tuổi, Tôma Trần Văn Thiện, đã nói với quan: “Đạo dạy tôi thờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ đạo.”  Thấy Tôma Thiện là một chàng trai trẻ có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, quan muốn nhận làm con rể mình, và sẽ đứng ra lo liệu cưới xin.  Nhưng ngài đã từ chối: “Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến quyền chức trần thế.”  Thánh Tôma đã thấu hiểu lời Đức Kitô trong Tin mừng Luca: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.  Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”  Sách viết về cuộc đời của các Thánh Tử đạo còn kể lại biết bao chứng tá anh hùng của các ngài.  Các ngài không sợ hình phạt, chỉ sợ mất nghĩa cùng Chúa.  Đi ra pháp trường mà các ngài vui vẻ như đi dự hội.  Với các thánh Phạm Khắc Khoan, Nguyễn Văn Hiếu và Đinh Văn Thanh, các ngài đã chia bè và hát kinh Tạ Ơn “TE DEUM” bằng tiếng Latinh ngay trong nhà giam.  Rồi khi ra pháp trường để chịu tử hình, các ngài lại hát bài ca “Alleluia” như trong đêm vọng Phục Sinh.  Chỉ có một Đức tin kiên trung và lòng phó thác trọn vẹn mới có thể đem lại cho các ngài nghị lực và niềm vui như vậy.

Sống đạo đức thánh thiện và trung thành với Đức tin, các ngài còn là những người sống bác ái với mọi người.  Lịch sử các Thánh Tử đạo còn ghi lại thánh y sĩ Phan Đắc Hòa.  Ngài đã sẵn sàng chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, sẵn lòng cứu giúp những người túng thiếu.  Hay thánh Martinô Thọ, Ngài thường trồng vườn dâu để có thêm thu nhập giúp người nghèo.  Cụ trùm Đích thì thường xuyên góp nhặt tiền bạc để đi thăm viếng trại cùi và nuôi nấng những người dịch tả trong vùng.  Còn với quan Hồ Đình Hy, ngài luôn giúp đỡ những người bơ vơ, mồ côi ngay ở trong nhà, và khi họ qua đời thì lo an táng đàng hoàng như một người bình thường.

– Ôn lại quá khứ, chúng ta là những tín hữu Công giáo Việt Nam học những bài học cụ thể cho cuộc sống hôm nay.  Quả vậy, lòng tự hào về các bậc Tiền Nhân không phải chỉ được ghi lại trong những pho sách sử mà thôi.  Chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng được ghi dấu và thấm đẫm máu đào, không giống như chỉ ôn lại một sự kiện lịch sử xa vời, dù rất đẹp nhưng khô cứng và vô hồn.  Chúng ta tự hào về các Thánh Tử Đạo cũng không giống như kiểu lấy công phúc của các ngài để làm vinh dự cho chúng ta.  Việc ôn lại chứng tá của các Thánh Tử đạo nhắc nhớ mỗi người dân Việt, nhất là những tín hữu Công giáo Việt Nam, dù sống trên miền đất nào, cũng cố gắng noi theo lòng đạo đức của các ngài, gìn giữ Đức tin kiên trung vào Chúa, yêu mến Giáo Hội và sống Đức tin trong cuộc sống hằng ngày.

Cuộc sống và chứng từ của các anh hùng Tử đạo cần phải được kể lại cho mọi thế hệ người Công giáo Việt Nam.  Cùng với lòng tự hào là tâm tình tri ân cảm mến và thiện chí noi gương các ngài để sống Đức tin.  Thời tử đạo dẫn đến máu chảy đầu rơi ngày nay không còn nữa, nhưng những ai muốn trung thành với Chúa thời nào cũng phải cân nhắc khôn ngoan để chọn lựa Chúa hay chọn lựa thế gian; chọn lựa hạnh phúc và niềm vui vĩnh cửu hay chọn lựa vinh quang nhất thời; chọn lựa đường đi trong ánh sáng hay cuộc sống trong bóng đêm.  Môi trường nào cũng vậy, ta luôn phải chọn lựa.  Hoàn cảnh nào cũng thế, ta phải sống khôn ngoan.  Cuộc chọn lựa này nhiều khi làm chúng ta phải vượt lên những ràng buộc khắt khe và có khi phải vượt lên chính mình với trái tim rướm máu.  Nếu những cuộc cấm cách tàn khốc đã lùi vào dĩ vãng thì người tín hữu hôm nay lại phải đối diện với những thử thách của thời hiện đại.  Quả vậy, biết bao trào lưu và lối sống mượn chiêu bài tự do để đi ngược với giáo huấn của Tin Mừng, coi thường hoặc lãng quên những thực hành đạo đức, tôn vinh kỹ thuật một cách quá đáng và lãng quên Thiên Chúa là Cội nguồn mọi sự.  Sáng suốt và khôn ngoan để trung thành với Chúa trong cuộc sống hôm nay, đó là một cuộc tử đạo trường kỳ, dai dẳng suốt cuộc đời.

Ơn gọi tử đạo gắn liền với những ai tin vào Chúa Giêsu và muốn làm môn đệ Người.  Nếu chúng ta được sống trong một xã hội dân chủ, an bình, thì đó đây trên thế giới, vẫn còn những nhà truyền giáo bị hành hung và sát hại, vẫn có những ngôi thánh đường Công giáo bị tàn phá, vẫn còn những tín hữu không dám công khai tuyên xưng Đức tin, vẫn còn những người vì hai chữ Công giáo mà bị phân biệt đối xử.  Đây cũng là những cuộc bách hại mang hình thức mới của thời đại và những tín hữu này đang sống từng ngày chứng tá của mình một cách anh hùng.

Kính thưa Cộng đoàn,

Ngày Thánh Mẫu được tổ chức hàng năm tại Missouri đã trở thành điểm hẹn thân thương cho người Việt Nam đang sống tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nước trên thế giới.  Chúng ta về đây để gặp gỡ nhau, để chia sẻ những vui buồn và nâng đỡ nhau trong cuộc sống.  Chính Đức Mẹ Maria đã quy tụ chúng ta nơi đây.  Mẹ là điểm nối kết giữa những con Dân Việt đang sống xa quê.  Về với Mẹ, chúng ta được Mẹ vỗ về ủi an.  Về với Mẹ, chúng ta có dịp kể lể tâm sự với Mẹ những băn khoăn trăn trở của cuộc sống trần gian.  Về với Mẹ, chúng ta cũng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Mẹ chiếu tỏa qua các nhân đức và sự trung thành can đảm của Mẹ.  Trong Thánh lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta cùng nhìn lên Mẹ và ca tụng Mẹ là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.  Vâng, dưới chân thập giá, Mẹ đứng đó, trong suy niệm và thinh lặng, đau khổ kết hợp với của lễ của Con mình là Đức Giêsu chịu treo trên thập giá.  Mẹ là Đấng Đồng Công cứu chuộc.  Mẹ chia sẻ đau đớn và hiệp thông với Chúa Giêsu.  Mẹ cũng dâng chính bản thân mình làm của lễ lên Chúa Cha.  Mẹ xứng đáng được mang ngành thiên tuế của các vị Tử Đạo.  Về bên Mẹ trong Ngày Thánh Mẫu này, chúng ta xin Mẹ cho chúng ta được lòng cậy trông, chí can đảm và lòng tín thác nơi Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa, bài ca thắm nhuộm máu hồng.  Nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao, từng đoàn người anh dũng tiến lên pháp trường.  Một bài ca đẫm máu đào.  Một bài ca hào hùng bất tận.  Bài ca ấy, chính là cuộc đời của các thánh Tử đạo Việt Nam.  Chúng ta, những tín hữu Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại, đang là những người nối tiếp bài ca đã được các ngài xướng lên, để làm vang mãi lời ca tôn vinh Chúa, ca ngợi vẻ đẹp của Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam thân thương.

“Cha cầu chúc cho chúng con sống xứng đáng là con cháu các vị anh hùng” – lời chúc thiêng liêng của vị Thánh Giáo Hoàng luôn luôn là một lời mời gọi và là một thông điệp được gửi đến cho mỗi người chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho chúng con.  Xin Mẹ luôn gìn giữ che chở chúng con.  Xin các Thánh Tử đạo Việt Nam cầu bầu cho chúng con.  Amen!

ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim

Tu Dao VN 4.jpg